LI KHAI VÀ VẤN ĐỀ LI KHAI DÂN TỘC Ở MỘT SỐ NƯỚC ĐÔNG NAM Á

Leave a Comment
Mục lục
Lời giới thiệu
Chương 1:  VẤN ĐỀ LI KHAI DÂN TỘC
1.1. khái niệm
1.2. Tình hình li khai dân tộc ở các khu vực trên thế giới.
1.3. Các loại hình li khai dân tộc.
1.3.1. Loại hình li khai dân tộc đối kháng quân sự.
1.3.2. Loại hình li khai dân tộc tương tác.
1.3.3. Loại hình li khai dân tộc thống nhất xuyên biên giới
1.3.4. Loại hình li khai dân tộc khủng bố bạo lực
1.4. Quyền tự quyết dân tộc và li khai dân tộc.
1.5. Chủ nghĩa khủng bố và li khai dân tộc.
1.6. Vùng lãnh thổ tự trị và li khai dân tộc.
Chương 2: HIỆN TƯỢNG LI KHAI DÂN TỘC Ở MỘT SỐ NƯỚC ĐÔNG NAM Á TỪ SAU CHIẾN TRANH LẠNH
2.1. Li khai dân tộc ở Inđônêsia.
2.1.1. Tổng quan
2.1.2. Li khai dân tộc ở Tây Papua
2.1.3. Li khai dân tộc ở Aceh
2.2. Li khai dân tộc ở Philippin
2.2.1. Tổng quan
2.2.2. Li khai dân tộc ở Mindanao
2.3. Li khai dân tộc ở Thái Lan
2.3.1. Tổng quan
Chương 3: NGUYÊN NHÂN VÀ BÀI HỌC TỪ CUỘC CHIẾN CHỐNG LI KHAI ĐA TỘC Ở MỘT SỐ NƯỚC  ĐÔNG NAM Á
3.1. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng li khai dân tộc ở một số nước Đông Nam Á.
3.2. Bài học từ cuộc chiến chống li khai dân tộc ở một số nước Đông Nam á.
Kết luận
Phụ lục



Lời giới thiệu

          Ngày 18 tháng 09 năm 2014 người dân Scotland đi bỏ phiếu để quyết định việc ở lại Liên hiệp Vương quốc Anh hay tách ra khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh. Cuộc li hôn tiềm tàng giữa Scotland và Liên hiệp Vương quốc Anh đặt ra nhiều câu hỏi. Kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, có một nguyên tắc ở châu Âu là các đường biên giới bất khả xâm phạm. Bởi người ta lo ngại căng thẳng biên giới sẽ kéo châu Âu vào một cuộc chiến như nhiều thế kỉ chiến tranh trước đây. Và người ta có lí do để lo ngại như vậy.
           Cũng giống như các tỉnh miền Đông Ucraina tách ra khỏi Ucraina, việc Scotland tách khỏi Anh sẽ đánh dấu một bước chuyển mới, có thể người ta sẽ xem xét lại nguyên tắc đường biên giới bất khả xâm phạm. Vì trước đó, Người dân xứ Basque tại Tây Ban Nha đã lên tiếng khẳng định ý nguyện tiếp theo bước Scotland. Xứ Catalan cũng dọa trưng cầu dân ý đòi độc lập với Mandrid. Ở Bỉ, vùng nói tiếng Hà Lan (flamish) vốn đòi tách ra thành quốc gia riêng đang nhìn vào tấm gương của người Scotland. Tại vùng Veneto gần năm triệu dân của Italia, cư dân tổ chức trưng cầu dân ý trực tuyến, cứ mười người thì có tới chín người muốn độc lập. Cũng như vậy ở Pháp, có nhiều tiếng nói li khai từ những người “mũ đỏ” ở vùng Bretagne. Người Kurd ở Thổ Nhĩ kì cũng tuyên bố muốn độc lập. Bên kia bán cầu, phong trào li khai ở Quebec cũng tuyên bố muốn tổ chức trưng cầu dân ý tách ra khỏi Canada… Nếu Scotland tách ra khỏi Anh, mọi trường hợp khác đều có thể.
Cả châu Âu đổ dồn sự chú ý vào cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ở Scotland. Báo chí Trung Quốc còn vội vã kết tội đương kim Thủ tướng Anh David Cameron là tội đồ. Nó mở ra một tiền lệ rõ ràng và hợp pháp hóa các trường hợp tương tự không những ở Trung quốc với Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng mà còn gây ra hiệu ứng Đômino ở cấp độ toàn cầu. Người ta sẽ phải định nghĩa lại thế nào là một quốc gia. May nắm thay, Ủy ban bầu cử Scotland đã công bố có 55% cử tri Scotland ủng hộ ở lại Liên hiệp Vương quốc Anh so với 45% bỏ phiếu muốn giành độc lập. Số phiếu chênh nhau 5%. Nước Anh vẫn là một quốc gia thống nhất của bốn nhà nước: Anh, xứ Wales, Scotland và Bắc Ailen. Tuy nhiên, trong tương lai thế giới sẽ ra sao khi mà ngay cả châu Âu đang trong tiến trình hợp nhất thành một liên minh rộng lớn về chính trị, kinh tế, ngoại giao, nhưng không vì thế mà châu lục này trở nên nhất thể hóa vì ngày càng có sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ từng quốc gia. Có nhiều hang ổ của chủ nghĩa li khai khiến các nhà phân tích dự báo sẽ có hàng chục quốc gia mới sẽ xuất hiện trên bản đồ thế giới.
          Vấn đề li khai dân tộc là một trong những vấn đề đang nổi cộm lên trong nền chính trị quốc tế. Li khai dân tộc có liên quan chặt chẽ đến vấn đề dân tộc, một trong những vấn đề phức tạp nhất, nhạy cảm nhất trong quan hệ quốc tế. Một số nhà nghiên cứu nâng vấn đề li khai dân tộc lên thành chủ nghĩa li khai, một biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc nằm trong quá trình phát triển của xã hội loài người. Điều đó đã cho thấy tầm quan trọng của vấn đề li khai dân tộc trong công tác nghiên cứu, nhất là từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, hệ tư tưởng không còn là tác nhân chủ yếu gây ra những xung đột dân tộc trên thế giới hiện nay.
          Ở hầu hết tất cả các khu vực dân tộc trên thế giới, từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển, trong đó có Đông Nam Á, nhiều quốc gia đang phải đương đầu với vấn đề li khai dân tộc. Tại một số quốc gia, xung đột li khai dân tộc đã trở thành một cuộc chiến đẫm máu kéo dài. Hàng chục ngàn người phải bỏ mạng. Hàng chục vạn người phải di dời chỗ ở. Chiến sự không chỉ gây ra những thảm họa nhân đạo mà còn làm đình đốn nền kinh tế, làm tổn thương tình cảm giữa các dân tộc trong một quốc gia. Có nhà nghiên cứu còn cho rằng vấn đề li khai dân tộc là một trong những trở ngại mà Đông Nam Á phải vượt qua để ổn định và phát triển [21, tr. 38].
Hầu hết các nước Đông Nam Á là quốc gia đa dân tộc. Làm thế nào để xây dựng sự hòa hợp dân tộc bền vững ở các quốc gia là một thách thức lớn ở khu vực. Các thế lực li khai dân tộc ở Inđônêsia, Philipphin, Thái Lan đang cố gắng đòi các quyền tự trị hoặc độc lập hoàn toàn. Thực tế họ đã đạt được những mục tiêu nhất định và để lại những hậu quả khôn lường. Vấn đề dân tộc và li khai dân tộc đang diễn ra rất phức tạp, nhưng không phải là không có con đường giải quyết. Thực tế cũng cho thấy trong mấy chục năm qua, ở một số quốc gia Đông Nam Á, vấn đề dân tộc và li khai dân tộc không phải lúc nào cũng bằng phẳng nhưng các quốc gia này đã giải quyết thành công, xã hội ổn định, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao.
Đất nước chúng ta đang trong quá trình hội nhập vào khu vực và thế giới. Vấn đề li khai dân tộc ở các nước xung quanh trong khu vực chắc chắn có liên quan tới vấn đề đối ngoại và hoạch định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi mong muốn được phác thảo ra một bức tranh chung về tình hình li khai và những sự kiện chủ yếu về phong trào li khai dân tộc ở một số nước, nêu lên quá trình phát sinh, phát triển của nó, bước đầu rút ra nguyên nhân, bài học để góp một tiếng nói vào vấn đề này.
Trên thế giới, việc nghiên cứu vấn đề li khai dân tộc thường gắn liền với việc nghiên cứu xung đột dân tộc, tôn giáo, khủng bố. Từ những năm 1990 trở lại đây, khi mà chiến tranh lạnh kết thúc, đề tài này được đề cập tới nhiều hơn. Nhìn chung các nhà nghiên cứu có nhiều quan điểm tiếp cận. Có nghiên cứu đứng trên quan điểm địa chính trị để xem xét. Có nghiên cứu đứng trên quan điểm địa kinh tế để xem xét. Có nghiên cứu đứng trên phương diện xã hội học, dân tộc học. Có nghiên cứu đứng trên phương diện văn hóa học. Cũng có nghiên cứu vận dụng kết hợp tổng hợp các quan điểm trên.
Ở nước ta trong những năm gần đây, một số nhà nghiên cứu, giảng dạy, cơ quan nghiên cứu đã đề cập đến vấn đề li khai dân tộc trong nhiều bài viết, tạp chí, ấn phẩm sách báo. Một số luận văn cũng đề cập đến đề tài này. Tuy nhiên vẫn chưa có một công trình lớn nào đề cập một cách toàn diện, sâu sắc tới hoạt động li khai dân tộc ở các nước Đông Nam Á từ sau chiến tranh lạnh đến nay.
Ổn định chính trị, xã hội là một trong những nhân tố quyết định cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Một trong những vấn đề liên quan đến sự ổn định chính trị, xã hội là giải quyết tốt hay không tốt mối quan hệ dân tộc, tôn giáo. Đông Nam Á đã và đang có sự bất ổn về mặt dân tộc và tôn giáo, sự bất ổn dẫn đến các cuộc chiến đòi ly khai dân tộc. Giải quyết vấn đề dân tộc và tôn giáo không còn là vấn đề riêng của quốc gia nào. Nó trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước. Với tinh thần đó, chúng tôi mong muốn được phác thảo ra một bức tranh khái quát về vấn đề li khai dân tộc ở một số quốc gia Đông Nam Á, tìm ra những nguyên nhân lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa phát sinh các hiện tượng li khai dân tộc ở một số nước Đông Nam Á và đánh giá những tác động tiêu cực của nó tới an ninh, chủ quyền, rút ra một số bài học chung về chính sách dân tộc, tôn giáo.


Chương 1:  VẤN ĐỀ LI KHAI DÂN TỘC

 1.1. khái niệm

Nhìn chung, giới nghiên cứu có quan điểm tương đối thống nhất về thuật ngữ li khai dân tộc. Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học xuất bản năm 1994 và một số từ điển khác của Việt Nam xuất bản từ năm 2000 đến nay, từ li khai là tách ra khỏi, lìa bỏ một tổ chức, một đảng phái hay những tư tưởng quan điểm chính trị nào đó. Hiểu theo nghĩa này, li khai dân tộc chỉ hiện tượng một dân tộc, hay một nhóm dân tộc tách ra khỏi một quốc gia dân tộc nhằm thực hiện một nhà nước độc lập hay tự trị. Theo Từ điển Oxford advanced leaner's xuất bản năm 1992 của Anh thì li khai (secede) nghĩa là từ bỏ một cái gì đó, rút ra khỏi tư cách hội viên của một tổ chức, một quốc gia. Với từ này, Encyclopedia Encatar của Microsoft (Mỹ) có định nghĩa là việc chính thức rút khỏi tư cách thành viên của một tổ chức, một nhà nước hay một liên minh.
Từ nội hàm của khái niệm li khai qua một số từ điển, chúng tôi đồng ý với cách diễn đạt của Hao Shi Yuan, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dân tộc Trung Quốc trong bài viết: "Li khai dân tộc và chủ nghĩa khủng bố” [20, tr. 117]. Li khai dân tộc là thuật ngữ chỉ việc bên trong một quốc gia độc lập có chủ quyền, có lãnh thổ toàn vẹn, do mâu thuẫn về vấn đề dân tộc, dưới tác động của các nhân tố bên trong, bên ngoài, một số thế lực trong các dân tộc phi chủ thể hoặc các dân tộc thiểu số đưa ra các yêu sách chính trị, tiến hành hoạt động bạo lực, thậm chí thực hiện các hành động chống đối quân sự để đòi thành lập nhà nước độc lập hay tự trị.
Căn cứ lý luận của các thế lực li khai dân tộc chủ yếu là nguyên tắc tự quyết dân tộc, lấy nhân quyền làm cái cớ để truyền bá và kích động, từ đó họ tìm kiếm địa vị chính trị hợp pháp ở trong nước và ngoài nước, kể cả tranh thủ một số thế lực quốc tế nào đó, nhằm thực hiện mục tiêu chính trị là thành lập nhà nước độc lập hoặc tự trị cao độ.
Li khai dân tộc là một trong những hình thức biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc, nhưng không đồng nhất với chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc là hệ tư tưởng chính trị và biểu hiện tâm lý đòi hỏi quyền lợi độc lập, tự chủ và phát triển của cộng đồng quốc gia dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc hình thành và phát triển gắn liền với quá trình đấu tranh để xây dựng và bảo vệ cộng đồng quốc gia dân tộc. Tuỳ tình hình đặc điểm dân tộc, giai cấp và lịch sử của từng dân tộc, chủ nghĩa dân tộc mang dấu ấn dân tộc và giai cấp khác nhau. Có chủ nghĩa dân tộc truyền thống thể hiện lòng yêu nước lâu đời của một dân tộc, có chủ nghĩa dân tộc tư sản, có chủ nghĩa dân tộc Xô Viết, có chủ nghĩa dân tộc sô vanh nước lớn, có chủ nghĩa dân tộc cách mạng...
Li khai dân tộc và chủ nghĩa dân tộc có điểm chung là đều gắn liền với vấn đề dân tộc, một trong những nội dung quan trọng trong đời sống chính trị xã hội loài người. Đến cuối những năm 1980, theo đà tiêu vong của chủ nghĩa thực dân, về cơ bản thế giới đã hình thành trên 160 quốc gia có chủ quyền ổn định. Ngoài một số vùng đất uỷ trị của Liên Hợp Quốc, các nước thuộc địa cũ của các cường quốc về cơ bản đã được độc lập. Do nguyên nhân lịch sử, đại đa số các quốc gia trên thế giới đều do nhiều dân tộc hình thành nên và về cơ bản đều duy trì được cục diện thống nhất. Tuy vậy, ở một số quốc gia và khu vực, những hiện tượng li khai dân tộc vẫn phát sinh và phát triển.
Có một điều cần phân biệt là, do tàn dư thống trị của chủ nghĩa thực dân còn chưa hoàn toàn được xóa bỏ, nên phong trào giải phóng dân tộc ở một số nơi còn tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, nó không thuộc phạm trù li khai dân tộc. Thí dụ, vấn đề thành lập nhà nước Palestine độc lập ở Trung Đông. Phong trào xây dựng nhà nước độc lập của New Caledonia, một vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp ở Tây Nam Thái Bình Dương. Việc Đông Timo tách khỏi Inđônêsia để thành lập nhà nước độc lập cũng không thuộc vấn đề li khai dân tộc. Việc sử dụng lực lượng quân đội của Tổng thống Inđônêsia Suharto để giành lấy Đông Timo sau khi các lực lượng thực dân Bồ Đào Nha rút đi đã làm cho tiến trình tự quyết dân tộc của khu vực này bị trì hoãn. Do đó, việc Liên Hợp Quốc đưa vấn đề Đông Timo vào phạm vi giải quyết của mình là chuyện bình thường([1]).
Hiện tượng li khai dân tộc không những tồn tại ở các nước đang phát triển, mà còn tồn tại ở các nước phát triển, có tính phổ biến nhất định. Các thế lực li khai dân tộc tồn tại bên trong các quốc gia có chủ quyền hiện tại, về cơ bản thuộc về các thế lực chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong các dân tộc phi chủ thể hoặc các dân tộc thiểu số. Họ thường tự xưng là đại biểu cho lợi ích của dân tộc mình, đòi thực hiện các quyền tự quyết dân tộc, từ đó tạo ra thách thức đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia độc lập có chủ quyền. Xét về mặt các quốc gia trên thế giới giới hiện tại lấy nhà nước đa dân tộc làm chủ thể thì các thế lực li khai dân tộc trong cộng đồng quốc tế và ở các quốc gia liên quan là không có tính hợp lý và hợp pháp.
Nhìn chung các dân tộc phi chủ thể hay các dân tộc thiểu số ở các nước có hiện tượng li khai dân tộc đều thuộc những quần thể yếu thế. Tức là về các mặt địa vị chính trị, địa vị kinh tế, ảnh hưởng văn hóa, quy mô dân số, tín ngưỡng tôn giáo và phong tục tập quán đều ở trạng thái không chủ đạo nên ngoài việc thông qua cơ chế chính trị để thực hiện mục tiêu độc lập ở một số quốc gia, các thế lực li khai dân tộc đều thông qua phương thức nặc danh, bí mật để tạo ra các vụ việc. Cũng có khi họ ngầm hoạt động phá hoại cơ sở hạ tầng vật chật như cầu cống, giao thông, nhà cửa, trạm kiểm soát... Một số thế lực li khai còn có phương thức hoạt động theo kiểu chiến tranh du kích, tiến hành ám sát, bắt cóc, tập kích vào các cơ sở dân sự, quân sự ở quy mô lớn. Thậm chí họ còn dùng cả những phương thức có tính cực đoan và biện pháp của chủ nghĩa khủng bố để nhằm mục đích tạo ra tình trạng bất ổn trong xã hội, gây sức ép về chính trị, thu hút sự quan tâm của dư luận và sự can thiệp của quốc tế. Mục tiêu cuối cùng của các thế lực li khai là đạt tới tư cách đàm phán, khiến nhà nước phải nhượng bộ và thừa nhận địa vị hợp pháp của họ.
Li khai dân tộc và xung đột dân tộc, tộc người là hai vấn đề khác nhau mặc dù chúng đều xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc và liên quan đến vấn đề dân tộc. Vấn đề xung đột dân tộc, tộc người là một hiện tượng lịch sử có từ hàng ngàn năm nay, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của mỗi dân tộc. Xung đột dân tộc, tộc người có thể dẫn đến chiến tranh với các khả năng đồng hóa, hợp nhất, thống nhất hoặc li khai dân tộc. Nhân loại không thể đếm xuể các cuộc xung đột dân tộc, tộc người từ xưa đến nay. Nhưng không phải bất kỳ một xung đột dân tộc, tộc người nào cũng dẫn đến li khai dân tộc. Li khai dân tộc chỉ diễn ra khi một quốc gia đa dân tộc đã hình thành và gắn liền với lịch sử hiện đại từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai.

1.2. Tình hình li khai dân tộc ở các khu vực trên thế giới.

Hiện tượng li khai dân tộc không chỉ diễn ra ở một khu vực mà diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới. Nó không chỉ phát sinh, phát triển sau chiến tranh lạnh mà đã ăn sâu bén rễ ngay từ trong chiến tranh lạnh. Có điều vấn đề li khai dân tộc đã bị chìm đi bởi sự đối đầu căng thẳng giữa hai phe, đứng đầu là hai siêu cường Liên Xô và Mỹ.
Ở châu Âu, châu lục bao gồm gần 90 dân tộc, tộc người có ngôn ngữ dân tộc riêng, là cơ sở cho sự hình thành 45 quốc gia độc lập. Sức mạnh lớn nhất trong lịch sử châu Âu hiện đại là chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc đã đem lại cho châu Âu cả sự thống nhất lẫn chia rẽ. Thống nhất trong Liên minh châu Âu, chia rẽ Đông - Tây trong chiến tranh lạnh. Sau chiến tranh lạnh, xung đột bạo lực giữa các dân tộc, tôn giáo vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Mặc dầu là một châu lục tương đối thuần nhất nhưng châu Âu vẫn có vấn đề li khai dân tộc [30]
Xứ Basque là trường hợp điển hình cho chủ nghĩa li khai ở châu Âu. Tây Ban Nha hiện có khoảng hai triệu người sống ở ba tỉnh được gọi là xứ Basque. Họ có ngôn ngữ chính thức riêng. Xứ này từ thời trung cổ đã được hưởng một nền khá rộng rãi. Họ chỉ mất quyền tự trị trong thời cầm quyền của tướng độc tài Francisco Franco(1939-1975). Tổ chức li khai đã tiến hành đấu tranh vũ trang đòi độc lập cho xứ Basque từ những năm 1960 cho đến khi được khôi phục quyền tự trị. Kể từ khi Kosovo tuyên bố độc lập, tách khỏi Serbia tháng 2 năm 2008, như phát súng phát động, phong trào đấu tranh li khai của xứ Basque ngày càng phát triển. Ở Catalonia, một khu vực phát triển nhất về công nghiệp của Tây Ban Nha, nơi có ngôn ngữ và văn hóa riêng, người ta cũng đã lên tiếng chào đón việc Kosovo tuyên bố độc lập và nhấn mạnh rằng Catalonia cũng sẽ đi theo con đường đó.
Hiện tượng li khai dân tộc khiến người ta chú ý nhất là cuộc đấu tranh của người Bắc Ireland đòi tách khỏi Vương quốc Anh. Thế lực li khai ở Bắc Ireland đã thành lập được Mặt trận dân tộc thống nhất Ireland. Sự việc này bắt nguồn từ khi Anh chia Ireland ra hai vùng để cai trị vào năm 1920. Phía Bắc Ireland là của người theo đạo Tin Lành. Phía Nam Ireland là của người theo Thiên Chúa giáo. Trong những năm 1960, theo đà phát triển của phong trào dân quyền của cư dân Bắc Ireland, mâu thuẫn giữa các tín đồ tôn giáo ngày càng gay gắt. Đã có những cuộc xung đột đẫm máu giữa các tín đồ theo các tôn giáo khác nhau. Với tôn chỉ dùng vũ lực để thực hiện sự thống nhất Ireland, quân đội Cộng hòa Bắc Ireland (IRA) tiến hành hoạt động bạo lực, khủng bố nhằm vào quân đội, cảnh sát và các nhân vật chính trị chủ yếu của Anh. Họ không ngừng gây ra xung đột vũ trang với tổ chức bán quân sự địa phương. Hoạt động li khai của họ đã có lịch sử gần 30 năm. Khoảng 3500 người bị chết. Hơn 3 vạn người bị thương. Chi phí ngăn chặn bạo lực hàng năm lên tới 4 trăm triệu bảng Anh.
Tiếp theo là người Scotland, suốt trong chiều dài lịch sử, người Scotland đã gìn giữ được nền độc lập của mình. Năm 1320 họ đã viết bản tuyên ngôn độc lập dân tộc đầu tiên ở châu Âu. Cho đến năm 1707 nền kinh tế Scotland bị thiệt hại nặng nề do đầu tư xây dựng thuộc địa ở châu Mỹ. Đứng trước nguy cơ bị phá sản, giới lãnh đạo Scotland đã đánh đổi nền độc lập bằng cách sáp nhập vào Anh để nhận lấy sự cứu trợ về kinh tế. Từ đó đến nay phong trào đấu tranh ngày càng phát triển, từ đòi được tự trị có quốc hội, thủ hiến riêng, đến nay Đảng dân tộc Scotland đứng đầu là Thủ hiến Alex Salmon bắt đầu khởi động chiến dịch đòi độc lập, đỉnh điểm là cuộc trung cầu dân ý ngày 19 tháng 09 năm 2014.
Bỉ hiện tại cũng đang đứng trước nguy cơ bị mất hai vùng: Một vùng Flander ở miền Bắc nói tiếng Hà Lan, một vùng Wlloon ở miền Nam nói tiếng Pháp. Cuộc thăm dò mới đây nhất cho thấy, hơn 60% người Flander và hơn 40% người vùng Walloon ủng hộ sự li khai.
Tại Italia, tư tưởng li khai cũng đã hình thành mạnh mẽ ở các khu vực công nghiệp phát triển phía bắc. Liên hiệp phía bắc rất có ảnh hưởng đã yêu cầu biến Italia thành nhà nước liên bang. Cũng có người mong muốn South Tirol, vùng đất mà Italia nhận được sau Chiến tranh thế giới thứ 1 được trở về với nước Áo.
Tại Pháp, năm 1975, ở đảo Corse, một hòn đảo ở biển Địa Trung Hải đã xuất hiện các hoạt động bạo lực đòi tách ra khỏi nước này. Năm 1976 những người theo tư tưởng li khai dân tộc đã thành lập Mặt trận giải phóng dân tộc Corse (The National Liberation Front of Corse). Họ đưa ra cương lĩnh chính trị giành độc lập bằng vũ trang. Các hoạt động bạo lực của các thế lực li khai dân tộc ngày một gia tăng. Đặc biệt họ đã thực hiện những vụ đánh bom vào các cơ quan, tòa nhà của chính phủ. Năm 1982, Chính phủ Pháp buộc phải đưa ra một chương trình phân cấp quản lý. Nghị viện Pháp đã thành lập Hội đồng vùng Corse. Hội đồng này bao gồm 50 thành viên chuyên kiểm soát công việc chi tiêu, thuế, thương mại, giao thông...
Do chính sách trấn áp mạnh mẽ của Chính phủ Pháp, Mặt trận giải phóng dân tộc Corse đã hoạt động trả thù theo kiểu chủ nghĩa khủng bố. Trong một đêm họ đã gây ra 45 vụ nổ bom tại Corse và Paris. Sau đó Chính phủ Pháp tăng cường kiểm soát, cấm tổ chức này hoạt động và tiến hành truy quét quyết liệt. Tổ chức này phân hóa thành Liên minh toàn quốc Corse và Phong trào tự quyết Corse. Các tổ chức này đều có lực lượng vũ trang riêng của mình. Một mặt, họ tiến hành đấu tranh giành quyền lực thông qua nghị trường, mặt khác, họ liên tục tấn công khủng bố từ giữa những năm 1990. Các tổ chức chính trị và bạo lực lấy việc giành độc lập cho Corse làm mục đích đã phân hóa liên tục, hình thành nên một loạt tổ chức vũ trang bí mật. Các tổ chức này liên tiếp gây ra các vụ khủng bố như đánh bom, bắt cóc, ám sát. Chỉ trong vòng hơn một chục năm họ đã tiến hành 713 vụ đánh bom nhằm vào các tòa nhà công cộng [26].
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở một số nước khác như Đan Mạch, Hunggary, Thụy sĩ. Kể từ tháng 2 năm 2008, Kosovo với 90% là dân tộc thiểu số Albani, chính thức tuyên bố độc lập, đã có năm mươi lăm quốc gia trong đó có Mỹ và nhiều nước là thành viên Liên minh châu Âu công nhận nền độc lập này. Hiệu ứng Đômino lập tức lan ra toàn châu lục. Đó là chưa kể tới cuộc xung đột vũ trang chớp nhoáng giữa Nga và Gruzia về hai tỉnh li khai Nam Ossetia và Abkhazia, hai vùng đất này đã tuyên bố độc lập và được Nga lập tức công nhận.
Ở Bắc Mỹ có thế lực li khai đòi độc lập cho các cư dân nói tiếng Pháp ở địa phận Quebec, Canađa từ mấy chục năm nay. Họ sử dụng cả phương thức chính trị lẫn phương thức bạo lực để đạt được mục tiêu độc lập. Họ đã thành lập Mặt trận giải phóng Quebec để tập hợp tất cả các lực lượng chống đối chính phủ. Ít nhất có 11 nhóm hoạt động bạo lực từ năm 1963 đến 1970. Các nhóm này đã đặt bom vào những mục tiêu mà họ cho là biểu tượng của sự áp bức như các cơ quan liên bang, những tượng đài, sở giao dịch chứng khoán... Hành động gây tiếng vang làm xôn xao dư luận là vào tháng 10 năm 1970, họ bắt cóc một tuỳ viên thương mại Anh và Bộ trưởng Lao động Quebec. Chính quyền Canađa đã ban hành đạo luật với những biện pháp áp dụng trong thời chiến. Quyền công dân bị hạn chế và bị đặt trong tình trạng khẩn cấp. Quân đội được huy động vào chiến dịch truy quét gắt gao. Hàng trăm dân thường bị bắt giữ, tra hỏi. Cuộc khủng hoảng này chỉ chấm dứt khi Bộ trưởng Lao động bị sát hại và khi những kẻ khủng bố bị bắt giam giữ, tù đày. Tuy bị trấn áp nhưng những thế lực li khai dân tộc vẫn nhiều lần đòi trưng cầu dân ý về nền độc lập của Quebec [24]. Ngày 27 tháng 11 năm 2006 để ngăn chặn Quebec đòi tách ra khỏi Canada, Hạ viện Canada đã biểu quyết công nhận Quebec là một quốc gia nằm trong một nước Canada thống nhất. Các nhà quan sát quốc tế e rằng tình hình Quebec chắc sẽ không chỉ dừng lại ở đó.
Ở Pêru có Tổ chức Con đường sáng (Shining Path) của tộc người India. Tổ chức này có cơ sở rộng rãi trong những dân tộc bản địa. Mục tiêu chính trị của tổ chức này là lật đổ chính quyền hiện tồn để thành lập một nhà nước hoặc một nền tự trị của người India. Tương tự như vậy còn có Tổ chức Quân giải phóng Zapata ở Mêhicô, một tổ chức li khai dân tộc cũng đòi tách ra khỏi quốc gia này.
Ở châu Á, lịch sử đã hình thành nên đa số các quốc gia dân tộc đa tộc người. Sau Chiến tranh thế giới thứ II, phong trào giải phóng dân tộc trên khắp châu lục này đã phát triển mạnh mẽ. Đến cuối những năm 1980, ách cai trị của chủ nghĩa thực dân về cơ bản đã chấm dứt. Tuy nhiên, do di sản của thực dân để lại, do sự phức tạp về vấn đề dân tộc và tôn giáo, tình hình li khai dân tộc diễn ra ở nhiều quốc gia mới giành được độc lập.
Ở khu vực Nam Á, chính sách li khai tôn giáo đã làm nên một nhà nước Pakistan Hồi giáo bên cạnh nhà nước Ấn Độ. Bản thân Pakistan năm 1970, phần Đông đất nước lại tách thành nhà nước Bănglađét sau một cuộc đảo chính. Rồi từ đó, trong nội bộ các nước, xu hướng li khai dân tộc vẫn âm ỉ kéo dài cho đến tận ngày nay [25].
Ở Trung Quốc, vấn đề li khai dân tộc đã xuất hiện từ lâu ở Tây Tạng và Tân Cương. Vào năm 1956, một số thế lực li khai đã tiến hành hoạt động du kích chống lại chính quyền trung ương. Mặc dầu Chính phủ Trung Quốc đã trao quyền tự trị cho vùng này nhưng lực lượng nổi dậy được sự giúp đỡ của các thế lực bên ngoài đã phát động một phong trào chống đối mạnh mẽ trên quy mô lớn, làm thiệt hại lớn về người và của, đe doạ sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành những biện pháp trấn áp cứng rắn. Dalai Lama phải trốn sang Ấn Độ, thành lập một cộng đồng người dân tộc Tây Tạng ở hải ngoại. Ngày 9/3/1961 Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết lên án Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vi phạm nhân quyền, đàn áp Phật giáo Tây Tạng. Hơn 10 ngàn người dân tộc di dời lánh nạn sang các nước láng giềng như Ấn Độ, Nêpan, Butan. Tháng 10/1987 những cuộc biểu tình của người dân tộc Tây Tạng lại diễn ra liên tiếp. Các cuộc thương lượng bí mật giữa đại diện chính phủ và Dalai Lama không tiến triển. Một bên phủ nhận nền tự trị hiện thời. Một bên từ chối thoả hiệp trao thêm quyền tự trị cho Tây Tạng. Năm 1993, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra cùng với các hoạt động bạo lực, khủng bố. Năm 1995, khi Tây Tạng tiến hành chọn Lama, những cuộc xung đột mới lại tiếp tục nổ ra với yêu sách đòi độc lập hoàn toàn cho Tây Tạng. Tháng 5 năm 1996, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã sử dụng lực lượng vũ trang truy quét các tu viện của người Tây Tạng. Rất nhiều người bị chết và bị thương. Đoàn Lama bị kết án tù đày. Cuộc hội đàm bí mật giữa hai bên sụp đổ.
Ở Tân Cương, một tỉnh có tới 11 triệu người là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, một tộc người thuộc khu vực Trung Á có ý thức giữ gìn ngôn ngữ riêng biệt của người Đột Quyết, duy trì các phong tục Hồi giáo và nền văn hóa hoàn toàn khác với người Hán, quan hệ giữa hai tộc người này ngày càng xấu đi. Tình hình li khai càng nghiêm trọng sau vụ bạo loạn năm 2009 khiến 200 chết. Xung đột bạo động nổ ra khắp Tân Cương. Bạo động còn lan tới cả Bắc Kinh, Vân Nam. Nguy hiểm hơn phiến quân Tân Cương hiện nay bắt đầu tham gia Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS ở Trung Đông, một tổn chức nguy hiểm nhất thế giới hiện nay.
Tình hình li khai dân tộc cũng diễn ra ở Xrilanka với tổ chức li khai dân tộc Những con hổ giải phóng Tamil. Ở Mianma có tổ chức li khai dân tộc của người karen, người Arakan. Ở Philippin có tổ chức li khai của người Moro. Ở Inđônêsia có tổ chức li khai của người Aceh, Tây Papua. Ở Thái Lan có tổ chức li khai của người Pattani [2]...
Ở châu Phi, sau khi giành được độc lập, các quốc gia đã kế thừa di sản chính trị từ sự chiếm đóng sau hàng trăm năm của chủ nghĩa thực dân châu Âu. Đa số các nước ở châu Phi có đường biên giới tùy tiện, theo ý chí của các cường quốc thực dân, không phù hợp với lịch sử văn hóa tự nhiên. trong quá trình cai trị, các thế lực thực dân đế quốc lợi dụng mâu thuẫn giữa các dân tộc, tộc người thi hành chính sách chia để trị và đã để lại những hậu quả khôn lường. Chẳng hạn họ đã lợi dụng mâu thuẫn giữa người Hutu và người Tutsi ở Ruanda và Burundi, đã gieo mầm thù hận dân tộc giữa hai tộc người, dẫn tới nạn sát hại diệt chủng trong những năm 1990 tại các quốc gia này. Ước chừng có trên 800 ngàn người, chủ yếu là người Tutsi bị giết hại. Hàng triệu người Hutu phải đi lánh nạn tại Tandania ...
Ở nhiều nước châu Phi khác, các đảng phái chính trị thường hình thành trên cơ sở dân tộc, tộc người. Điều đó đã tạo nên sự bất ổn trong nền chính trị của các quốc gia non trẻ. Xung đột li khai dân tộc diễn ra ở nhiều nơi, ví dụ việc li khai dân tộc của người Igbo dẫn tới cuộc nội chiến ở Nigiêria từ năm 1967 đến 1970. Vùng Nam Phi, vùng Sahara, nơi tập hợp chủ yếu người Phi da đen, nơi đây được chia ra thành hàng trăm nhóm dân tộc, ngôn ngữ. Sau quá trình phi thực dân hóa, sự đối kháng dân tộc đã diễn ra gay gắt. Ở Chad, sau 10 năm xung đột, đến năm 1979 đất nước bị phân chia làm đôi.
Ở Xuđan, cuộc chiến tranh li khai tàn khốc đã đi đến việc trao quyền tự trị cho khu vực miền Nam. Chưa dừng lại ở đó, một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của Nam sudan được tổ chức vào tháng 1 năm 2011, với kết quả 98,8% cử tri lựa chọn li khai. Tổng thống Sudan Omar Al-Bashir đã chấp nhận kết quả này. Nam Sudan tuyên bố độc lập vào ngày 09 tháng 07 năm 2011 và trở thành quốc gia trẻ nhất thế giới, chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 50 năm giữa những người theo đạo Hồi ở miền Bắc với Phong trào giải phóng nhân dân ở miền Nam khiến hai triệu người thiệt mạng.
Ở Etiôpia, sự sụp đổ của chế độ quân chủ đã kéo theo sự li khai của các dân tộc ở ngoại vi. Ở khu vực Trung Phi có cuộc xung đột và mưu toan li khai của người Biafra đã dẫn Nigiêria đi đến việc phân chia cơ cấu liên bang theo thành phần dân tộc [28]...
Điểm qua các hiện tượng li khai dân tộc ở các châu lục, chúng ta thấy vấn đề li khai dân tộc không phải là vấn đề của riêng quốc gia nào. Bước sang kỷ nguyên mới, sự đối đầu và rơi rớt của chiến tranh lạnh tưởng chừng như đã chấm dứt. Xu thế hội nhập, hợp tác đang là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế. Nhưng một hiện tượng lịch sử khác lại đang diễn ra gay gắt. Bên cạnh việc các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia giảm xuống thì việc các cuộc nội chiến, xung đột dân tộc, li khai dân tộc lại tăng lên và trở thành điểm nóng ở nhiều nơi trên thế giới.

1.3. Các loại hình li khai dân tộc.

Li khai dân tộc trên thế giới hiện nay được tạo thành từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có bối cảnh lịch sử, chính trị - xã hội, kinh tế, văn hóa, tôn giáo khác nhau nhưng có mục tiêu chính trị giống nhau là thành lập nhà nước độc lập theo dân tộc. Do đó rất khó phân loại vấn đề này một cách rạch ròi. Xét từ phương thức hoạt động và tình hình ở các quốc gia và khu vực khác nhau, các nhà nghiên cứu phân chia vấn đề li khai dân tộc thành 4 loại hình cơ bản [20, tr.123].

1.3.1. Loại hình li khai dân tộc đối kháng quân sự.

Loại hình li khai dân tộc đối kháng quân sự chủ yếu chỉ những hiện tượng li khai dân tộc tiến hành hoạt động nhằm thành lập các quốc gia độc lập bên trong một quốc gia có chủ quyền nào đó bằng phương thức chiến tranh. Đặc điểm của loại hình này là các thế lực li khai dân tộc đã có lực lượng chống đối quân sự tương đối mạnh. Đương nhiên nó phải có một quá trình lâu dài xây dựng lực lượng từ không đến có, từ yếu đến mạnh. Nó có một vùng lãnh thổ hay một khu vực kiểm soát ổn định. Các hoạt động chính trị và lực lượng vũ trang của các thế lực li khai tuy bị nhà nước dân tộc coi là bất hợp pháp, nhưng thế lực của họ đã trở thành đối thủ chính trị, đối thủ quân sự, đối thủ đàm phán, buộc nhà nước dân tộc phải thừa nhận.
Tiêu biểu cho loại hình này là hiện tượng li khai dân tộc nhằm thành lập một nhà nước do Tổ chức Những con hổ giải phóng Tamil (Liberation Tiger of Tamil Eelam, LTTE) lãnh đạo ở Xrilanka. Dân tộc chủ thể ở Xrilanka là người Sinhalese theo Phật giáo, chiếm khoảng 74% dân số toàn quốc. Thứ đến là người Tamil theo Ấn Độ giáo, chiếm khoảng 18% dân số. Là những người dân di cư từ Nam Ấn Độ tới Xrilanka vào thế kỷ XIV, người Tamil từng thành lập Vương quốc Jaffna Tamil, kiểm soát vùng ven biển phía Bắc và phía Đông Xrilanka. Sau khi thực dân Anh xâm lược, biến Xrilanka thành thuộc địa, rất nhiều người Tamil lại từ Ấn Độ di cư sang Xrilanka theo các con đường lao động. Các thế lực thực dân Anh áp dụng chính sách chia để trị đối với người Sinhalese và người Tamil, lợi dụng sự khác biệt dân tộc, tôn giáo giữa hai nhóm dân tộc này để tạo ra bầu không khí chính trị có lợi cho sự thống trị của thực dân Anh. Trong quá trình đô hộ, một mặt thực dân Anh nâng cao địa vị của người Tamil, khiến cho người Tamil có được ưu thế về trình độ giáo dục, được tuyển vào làm công ăn lương trong chính quyền đô hộ. Khi Phật giáo của người Sinhalese phục hưng, ý thức dân tộc của họ dấy lên, các thế lực thống trị thực dân đã xoa dịu bằng việc cơ cấu lại nhân lực hành chính, khiến cho người Sinhalese chiếm đa số dân nhận được quyền ưu đãi hơn. Sau khi Xrilanka giành được độc lập vào năm 1948, do ưu thế mà họ có được trong lĩnh vực chính trị, chính phủ do người Sinhalese chi phối đã tăng cường củng cố chủ nghĩa dân tộc về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa. Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Ngôn ngữ Sinhalese là ngôn ngữ quốc gia. Ngoài ra chính phủ của người Sinhalese còn thi hành một loạt chính sách kiềm chế người Tamil, ưu đãi nhiều mặt cho người Sinhalese. Chính phủ cho phép ưu đãi thí sinh Sinhalese, nâng điểm chuẩn với người Tamil trong chế độ thi tuyển sinh đại học. Chính phủ còn thực hiện chính sách di dân lên các vùng phía Bắc và Đông Bắc, nơi người Tamil định cư, gây nên sự bất mãn sâu sắc trong người Tamil. Vào cuối những năm 1950, ở Xrilanka đã bùng phát xung đột giữa người Sinhalese và người Tamil lần thứ nhất. Từ đó về sau, cuộc đấu tranh của người Tamil nhằm bảo vệ các lợi ích dân tộc của họ diễn ra liên tục. Đến đầu những năm 1970, phong trào độc lập dân tộc đã hình thành trong người Tamil.  Năm 1972 ba chính đảng lớn của người Tamil hợp nhất thành Mặt trận liên hợp Tamil, đề ra mục tiêu thành lập một nhà nước độc lập. Các tổ chức bạo lực vũ trang như Những con hổ mới Tamil, Mặt trận giải phóng Tamil Eelam cũng lần lượt được thành lập. Năm 1975, Những con hổ mới Tamil đổi tên thành Những con hổ giải phóng Tamil và ám sát thị trưởng thành phố Kufua mở màn cho những hoạt động bạo lực. Vào tháng 8 năm 1983, người Sinhalese trong một lần xung đột đã giết hơn 300 người Tamil. Khoảng 100 ngàn người Tamil phải tị nạn tới các bang miền Nam Ấn Độ. Lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil đã đáp lại bằng việc phát động một cuộc chiến tranh du kích, tấn công trả đũa vào người Sinhalese và lực lượng an ninh chính phủ ở phía Bắc và phía Đông Xrilanka. Từ đó, hai bên tiến hành nhiều cuộc giao tranh quyết liệt.
Những bang miền Nam Ấn Độ có số đông người Tamil sinh sống đã giúp đỡ, ủng hộ cơ sở vật chất, quân trang quân dụng cho những người cùng dòng máu với mình ở Xrilanka. Chính phủ Ấn Độ cũng lên tiếng bênh vực cho những người Tamil ở bên kia bờ biển. Mặc dù vậy, Ấn Độ và Xrilanka đã có nhiều nỗ lực giải quyết xung đột. Hai nước đã ký kết một hiệp định hòa bình, ngăn chặn xung đột bạo lực giữa 2 nhóm dân tộc vào tháng 7 năm 1987. Theo hiệp định, một lực lượng giữ gìn hòa bình Ấn Độ làm trung gian thay thế cho quân đội Xrilanka đóng ở bán đảo Jaffua. Hiệp định cũng bao gồm việc thành lập một khu tự trị của người Tamil ở phía Bắc và phía Đông các tỉnh.
Các đảng phái của người Sinhalese phản đối chống lại việc triển khai quân đội Ấn Độ ở Xrilanka. Họ phát động phong trào bạo loạn làm mất ổn định tình hình đất nước. Cuối cùng sự can thiệp của Ấn Độ đã không đem lại hòa bình cho 2 nhóm dân tộc. Lực lượng giữ gìn hòa bình của Ấn Độ về nước vào tháng 4 năm 1990. Nhiều trận đánh ác liệt diễn ra giữa quân đội Xrilanka và LTTE trong những năm 1990. Đặc biệt nó trở thành một cao trào khi Tổng thống Ranasinghe Premadasa bị ám sát trong lễ diễu hành ngày 01 tháng 5 năm 1993. Chính phủ Xrilanka đã buộc trách nhiệm cho các lực lượng LTTE. Từ đó đến nay mâu thuẫn dân tộc Sinhalese và Tamil ngày một trở nên gay gắt.
Trước sức ép của cộng đồng quốc tế, nhiều cuộc đàm phán được mở ra nhưng rồi quá trình thương lượng lại đi vào bế tắc vì lập trường của hai bên quá khác biệt. Đến cuối năm 1995, xung đột li khai dân tộc đã trở thành một cuộc nội chiến. Quân đội Xrilanka phản công quyết liệt, giành lại thành phố Jaffua, thành phố mà LTTE chiếm giữ từ 1985. Đến giữa những năm 1996, quân chính phủ đã kiểm soát được bán đảo Jaffua nhưng lực lượng LTTE vẫn còn rất mạnh. Họ tiếp tục tấn công vào lực lượng quân chính phủ ở phía Bắc và phía Đông của đất nước. Các hoạt động bạo lực diễn ra liên miên không dứt. Các lực lượng li khai với nòng cốt Những con hổ giải phóng Tamil trở thành lực lượng quân sự đối kháng trực tiếp với quân chính phủ. Cho đến năm 2000, LTTE tuyên bố họ có nhiều căn cứ và đã ám sát khoảng 150 quan chức chính trị Xrilanka. Lực lượng li khai này hiện nay vẫn tiếp tục mục tiêu độc lập của mình. Tháng 10 năm 2006 cuộc đàm phán giữa Chính phủ Xrilanka và LTTE đang diễn ra tại Giơnevơ. Có khả năng Chính phủ Xrilanka sẽ chấp nhận một khu tự trị đặc biệt cho người Tamil. Kể từ vòng đàm phán cuối cùng giữa hai bên tại Thụy Sĩ, ít nhất có 2850 người bị sát hại. Cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau về tình trạng đẫm máu này trong cuộc chiến kéo dài ba thập kỷ của LTTE vì một nền độc lập cho người Tamil ở đất nước đa phần là người Sinhalese [41].
Tương tự như các thế lực li khai của người Tamil ở Xrilanka còn có hiện tượng li khai Chesnia ở Nga cũng thuộc loại này. Từ giữa những năm 1990 trở lại đây, các thế lực li khai Chesnia không ngừng tiến hành các hoạt động quân sự và khủng bố hết sức đẫm máu nhằm mục đích đòi độc lập. Hiện nay về cơ bản Chính phủ Nga đã khống chế được tình hình ở Chesnia. Nhưng để giải quyết triệt để vấn đề Chesnia thì còn cần nhiều thời gian.
Tại khu vực Đông Nam Á, hiện tượng li khai dân tộc của người Aceh ở Inđônesia, người Moro ở Philippine cũng thuộc loại hình đối kháng quân sự.

1.3.2. Loại hình li khai dân tộc tương tác.

Loại hình li khai dân tộc tương tác chỉ hiện tượng li khai dân tộc của các dân tộc khác nhau bên trong một quốc gia độc lập có chủ quyền. Các thế lực li khai tìm cách gạt bỏ lẫn nhau nhằm thành lập nhà nước độc lập riêng rẽ. Điểm nổi bật của loại hình li khai tương tác là các thế lực li khai dân tộc ở trong tình trạng xung đột đều không phải là lực lượng bảo vệ sự thống nhất quốc gia. Mục tiêu tranh giành của các bên là lãnh thổ và quyền thành lập một nhà nước độc lập. Điều chú ý là trong hiện tượng li khai dân tộc thuộc loại hình này, đằng sau hai bên hoặc nhiều bên xung đột đều có sự ủng hộ của các thế lực bên ngoài.
Cuộc nội chiến ở Bosnia - Hersegovina ở Nam Tư là thí dụ điển hình thuộc loại hình li khai dân tộc tương tác. Trong những năm 1990, Nam Tư cũ đi tới tan rã trong chế độ dân chủ đa đảng mà vấn đề li khai dân tộc là động lực cơ bản dẫn tới tình trạng chia rẽ trong Liên bang Nam Tư. Tuyên bố độc lập của Slovenia, Croatia và rút ra khỏi Liên bang Nam Tư đã đặt các thành viên còn lại của Nam Tư và cộng đồng thế giới trước một sự việc "đã rồi". Hàng loạt vấn đề đặt ra không ai có thể trả lời ngay được. Việc tuyên bố đơn phương độc lập có đủ cơ sở pháp lý để quốc tế công nhận hay không? Liên bang Nam Tư với tính chất là một chủ thể có quyền bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình hay không. Quyền dân tộc tự quyết tách ra có giới hạn đến đâu?
Bosnia - Hersegovina không giống với các nước cộng hòa khác của Nam Tư cũ, mà là một nước cộng hòa do ba tôn giáo, hai dân tộc và một quần thể Hồi giáo cấu thành. Từ những năm 1990, việc chính đảng hóa trên cơ sở dân tộc và tín ngưỡng tôn giáo do diễn biến đa nguyên hóa chính trị ở Bosnia - Hersegovina tạo thành đã làm cho nước này lâm vào cuộc nội chiến triền miên. Cuộc chiến tranh li khai dân tộc, tôn giáo này kéo dài bốn năm, từ năm 1992 đến cuối năm 1995 khi các bên khi ký Hiệp định Dayton(1). Trong cuộc chiến tranh này, người Croat và người Hồi giáo đã tiến hành một cuộc nội chiến cực kỳ tàn khốc nhằm triệt để phân rõ mốc giới của mỗi bên. Họ đã thực hiện một cuộc thanh lọc sắc tộc nhân danh sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất dân tộc, tôn giáo. Các bên đã xua đuổi và tàn sát trên quy mô lớn với thường dân vô tội; cưỡng ép tập thể có tổ chức phụ nữ gọi là dị tộc, dị giáo; hình thành nên hoạt động khủng bố thù hận dân tộc. Trong cuộc tàn sát, giao tranh lãnh thổ kiểu chủ nghĩa dân tộc cực đoan này, ở Bosnia - Hersegovina đã hình thành nên ba phái. Người theo đạo Thiên Chúa cho mình là người Croatia, người theo Chính Thống giáo cho mình là người Serb, còn người theo đạo Hồi tự tách thành một nhóm đặc biệt.
Với sự chi phối của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là của Mỹ, căn cứ vào Hiệp định Dayton(2), Bosnia - Hersegovina cuối cùng trở thành một nước do người Hồi giáo và người Croat hợp thành cùng tồn tại bên cạnh nước cộng hòa của người Serb. Mỗi một nhóm sắc tộc ở Bosnia - Hersegovina lại mâu thuẫn với hai nhóm khác và tạo nên tình trạng chiến tranh của mọi người chống lại nhau. Cốt lõi gây ra xung đột là mâu thuẫn giữa người Hồi giáo và người Serb, mâu thuẫn người Hồi giáo và người Croat. Cuộc chiến tranh li khai ở đất nước này kéo dài từ năm 1992-1995. Số nạn nhân bị chết trong các cuộc xung đột lên tới hàng chục ngàn người. Số lượng người tị nạn lên tới hàng triệu người. Trách nhiệm gây ra các cuộc xung đột li khai dân tộc thuộc về các phe phái dân tộc của các nước cộng hòa. Các phe phái này lôi kéo, kích động quần chúng tham gia giành chính quyền, đòi lãnh thổ và quyền sở hữu của cộng đồng. Không một bên nào bảo vệ sự thống nhất chung.
Trong toàn bộ nội chiến Bosnia - Hersegovina đằng sau xung đột 3 bên đều có lực lượng quốc tế ủng hộ trực tiếp hay gián tiếp. Đằng sau người Serb là các nước Đông Chính giáo như Nga, Hy Lạp; đằng sau người Croat là các nước Thiên Chúa giáo như Cộng hòa Liên bang Đức, Ý; đằng sau người Hồi giáo là thế giới Hồi giáo và các lực lượng phương Tây trong đó có Mỹ [10, tr. 96].
Thuộc loại hình li khai tương tác còn có cuộc tranh chấp Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ ở Sip, một đảo rộng trên 9 nghìn km2. Người Hy Lạp di cư sớm nhất vào đảo này. Còn người Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu di cư vào đảo này từ thế kỷ XVI trong thời kỳ đế quốc Oxman thống trị. Người Hy Lạp, người Thổ Nhĩ Kỳ tuy có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau nhưng trong lịch sử chưa từng xuất hiện tranh chấp dân tộc lớn. Sau khi đế quốc Oxman tan rã, Anh đã chiếm đóng Sip và lợi dụng người Thổ Nhĩ Kỳ để chế ngự phong trào thành lập nhà nước độc lập của người Hy Lạp, làm cho mâu thuẫn giữa người Hy Lạp và người Thổ Nhĩ Kỳ trở nên gay gắt, dẫn đến xung đột dân tộc vào cuối những năm 1950. Năm 1959 trên cơ sở đàm phán ba bên Anh, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, các nước đã xác định phương án thành lập quốc gia độc lập Sip và thực hiện nguyên tắc hai dân tộc Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ cùng cầm quyền. Nhưng kết cấu nhà nước do lực lượng bên ngoài áp đặt và thể hiện lợi ích của 3 nước Anh, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời với sự can thiệp của Liên Hợp Quốc, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ cùng đem quân giúp người Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ ở đảo Sip. Cuối cùng dẫn đến cuộc chiến tranh giữa hai nước Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trên đảo Sip năm 1974. Thổ Nhĩ Kỳ chiếm khoảng 37% lãnh thổ miền Bắc đảo. Năm 1975 Thổ Nhĩ Kỹ thành lập bang của người Thổ Nhĩ Kỳ trong nước Cộng hòa Sip, bầu ra thống đốc bang, thành lập nghị viện bang. Năm 1977 hai bên đạt được thể chế mới của nhà nước Sip, nước Cộng hòa Liên bang Sip. Năm 1983 nghị viện bang Thổ Nhĩ Kỳ thông qua quyết định độc lập, tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Bắc Sip. Thổ Nhĩ Kỳ lập tức công nhận và trao đổi đại sứ. Từ đó nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Bắc Sip trở thành nước cộng hòa trong Cộng hòa Liên bang Sip. Vấn đề Sip đã trở thành vấn đề lớn mà Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp phải đối mặt.

1.3.3. Loại hình li khai dân tộc thống nhất xuyên biên giới

Loại hình li khai dân tộc thống nhất xuyên biên giới chỉ việc một dân tộc trong lịch sử vốn là đồng nhất nhưng thực tế hiện tại lại thuộc về một nước hay nhiều nước khác nhau, tiếp giáp nhau. Xuất phát từ những nguyên nhân chính trị nào đó, những thế lực li khai muốn thông qua hoạt động vũ trang bạo lực để thực hiện mục tiêu thành lập một nhà nước độc lập hay tự trị. Các thế lực li khai dân tộc thuộc loại hình này có ảnh hưởng xuyên quốc gia và đặc điểm hợp tác xuyên biên giới. Hoạt động li khai dân tộc của nó làm nguy hại đến tính toàn vẹn lãnh thổ của một số quốc gia và khu vực.
Tiêu biểu nhất thuộc loại hình li khai dân tộc thống nhất xuyên biên giới là phong trào đòi độc lập nhằm hình thành nhà nước của người Kurd ở khu vực Trung Đông. Người Kurd là một tộc người lớn thứ tư chỉ sau người Arab, người Thổ Nhĩ Kỳ và người Ba Tư. Dân số tộc người khoảng 25 triệu, người Kurd theo đạo Hồi, cư trú tại bốn nước: Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq và Xiri. Từ thế kỷ XVI, phần lớn người Kurd nằm dưới quyền thống trị của đế quốc Oxman, một phần nằm dưới quyền thống trị của người Ba Tư. Đến cuối thế kỷ XIX đế quốc Oxman sụp đổ và bị thu hẹp, ý thức dân tộc của người Kurd bắt đầu trỗi dậy. Điều này thu hút sự chú ý của các cường quốc thực dân châu Âu. Chúng nhăm nhe dòm ngó lãnh thổ của đế quốc Oxman. Anh và Nga Sa hoàng bắt đầu thực thi nhiều kế hoạch nhúng tay vào công việc nội bộ của đế quốc Oxman. Một trong những kế hoạch là lợi dụng vấn đề người Kurd. Sang thế kỷ XX, người Kurd thành lập tổ chức chính trị và đề xuất yêu cầu chính trị, yêu sách về quyền dân tộc. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đế quốc Oxman tan rã hoàn toàn. Cuộc cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ bùng nổ. Phong trào đấu tranh đòi độc lập dân tộc và thành lập nhà nước dân tộc cũng phát sinh. Hiệp ước Sevres được thay thế bằng hiệp ước Lôdan (1923), ký kết dưới sự chi phối của các cường quốc vì quyền lợi của các cường quốc. Sau chiến tranh, các hiệp ước đã quy định thành lập các nhà nước Xiri, Libăng, Palestin và Iraq. Người Kurd chỉ được xác định địa vị tự trị, nên trong thực tế không thể thực hiện được sự thống nhất và độc lập. Trong hoàn cảnh đó, người Kurd đã tham gia cuộc cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ do Kemal lãnh đạo. Nhưng thắng lợi của cuộc cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ không đảm bảo nền độc lập và sự thống nhất của người Kurd. Họ bị phân tán sinh sống trên đất của các nhà nước: Thổ Nhĩ Kỳ độc lập, Iraq dưới quyền ủy trị của Anh, Xiri dưới quyền ủy trị của Pháp và Iran. Như vậy, sau khi đạt được lợi ích ở Trung Đông, đế quốc Anh, Pháp đồng thời cũng chia cắt tộc người Kurd. Và sau khi tuyên bố độc lập, Thổ Nhĩ Kỳ không những không thực hiện cam kết về sự tự trị của người Kurd mà còn thi hành chính sách đồng hóa cưỡng bức đối với họ, dẫn tới cuộc khởi nghĩa năm 1925. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành đàn áp quyết liệt. Hơn 70 ngàn người Kurd bị giết hại. Tuy vậy cuộc chiến đấu của người Kurd vẫn kéo dài đến năm 1938. Sau đó phong trào đấu tranh đòi độc lập chuyển đến vùng biên giới Iraq và Iran. Sự hợp tác xuyên biên giới của người Kurd bắt đầu hình thành vào những năm1940. Năm 1944, các lực lượng đấu tranh đòi độc lập đã tuyên bố thành lập nhà nước độc lập và chế định ra quốc kỳ Kurdistan. Năm 1946 Đảng Dân chủ Kurdistan tuyên bố thành lập nước Cộng hòa tự trị Kurd Mahabad trên lãnh thổ Iran, nhưng bị đàn áp dã man. Phong trào đấu tranh đòi độc lập của người Kurd đi vào thoái trào. Đến cuối những năm 1950 phong trào thành lập nhà nước Kurdistan lại dâng cao. Tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh vũ trang do Đảng Công nhân Kurdistan lãnh đạo. Đảng này thành lập năm 1978. Đầu những năm 1980 bắt đầu tiến hành chiến tranh du kích và hoạt động khủng bố, trở thành sự thách thức lớn nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Từ giữa những năm 1980 đến giữa những năm 1990, chiến tranh du kích do Đảng Công nhân Kurdistan lãnh đạo chủ yếu dùng phương thức tấn công vào các trạm gác, đồn trú quân chính phủ, đốt phá ở các làng mạc, bắt cóc, giết hại quan chức địa phương. Từ những năm 1990 trở đi, cùng với sự sụp đổ của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, sự phân rã của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Nam Tư, Tiệp Khắc, một loạt các quốc gia mới hình thành, cuộc đấu tranh của người Kurd lại dâng lên mạnh mẽ. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ một mặt phải hủy bỏ bộ luật có tính phân biệt dân tộc như luật cấm dùng tiếng Kurd, mặt khác bắt đầu dùng không quân kết hợp với lục quân tiến vào lãnh thổ Iraq, càn quét ác liệt trên quy mô lớn. Đảng Công nhân Kurdistan và các tổ chức của nó bị tổn thất nặng nề. Năm 2000 người đứng đầu đảng là Okalan bị bắt và bị kết án tử hình. Phong trào đấu tranh đòi độc lập cho người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, ở Iraq và một số nước về cơ bản ở trong tình trạng thoái trào. Vấn đề đấu tranh của người Kurd nhằm mục đích thống nhất dân tộc và thành lập một nhà nước độc lập xuyên lãnh thổ 4 quốc gia nhìn chung đã bị mất thời cơ lịch sử, không còn khả năng đe dọa đối với chính quyền bất kỳ nước nào. Các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran, Xiri coi phong trào đấu tranh của người Kurd là những hiện tượng li khai dân tộc nhằm chia cắt lãnh thổ.
Tương tự như các thế lực li khai xuyên biên giới Kurdistan còn có vấn đề người Anbani trên bán đảo Balkan. Cuộc chiến tranh Balkan lần thứ nhất năm 1912 làm cho thế lực đế quốc Oxman về cơ bản rút ra khỏi châu Âu. Sau khi cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, năm 1928 Serbia và Hersegovina cùng với những tỉnh của Croatia thống nhất với Serbia và Mongtenegro hình thành nên các dân tộc lấy tên là Yugoslavia. Từ đó nó trở thành thùng chứa thuốc nổ của châu Âu. Tiếp liền theo đó là việc các dân tộc Balkan liên tiếp đưa ra kế hoạch nhà nước đại dân tộc, trong đó bao gồm cả kế hoạch Đại Anbani. Kế hoạch này đã được thực hiện sau khi chủ nghĩa phát xít Ý xâm lược Anbani trong chiến tranh thế giới lần thứ hai nhằm thực hiện lợi ích chiến lược của nó tại bán đảo Balkan, tức là thống nhất hầu như tất cả các khu vực có người Anbani tụ cư do Ý chiếm đóng vào Đại Anbani, bao gồm Kosovo thuộc Nam Tư, khu vực phía Tây Maxêđônia. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Nam Tư đã khôi phục lãnh thổ vốn có, nhưng người Anbani và vùng Kosovo, Maxêđônia thuộc Nam Tư cùng người Anbani của Hy Lạp không hề từ bỏ những nỗ lực thành lập Đại Anbani. Năm 1980 sau khi Tổng thống Titô của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Nam Tư qua đời, tỉnh tự trị Kosovo của Nam tư xuất hiện các hoạt động đòi li khai dân tộc, đòi độc lập và sáp nhập với Anbani. Năm 1989 nước Cộng hòa Serbia thuộc Nam Tư xóa bỏ địa vị tự trị của Kosovo, mâu thuẫn giữa hai dân tộc Anbani và Serb ngày càng gay gắt. Trong những năm 1990, Nam Tư có chiều hướng tan rã, các thế lực li khai dân tộc của người Anbani cũng ngày càng gia tăng hoạt động. Quân giải phóng dân tộc Kosovo xuất hiện năm 1997, bắt đầu thông qua hoạt động khủng bố bạo lực để mưu cầu độc lập. Hành động trấn áp của Chính phủ Nam Tư đối với các thế lực li khai dân tộc ở Kosovo khiến cho phương Tây có cớ nhúng tay vào công việc khu vực Balkan. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã phát động cuộc chiến tranh bằng không quân chống lại Nam Tư vào tháng 2 năm 1999. Sau cuộc chiến tranh, Kosovo nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng giữ gìn hòa bình quốc tế. Các thế lực li khai dân tộc Anbani ở Maxêđônia vẫn tiếp tục hoạt động để đến tháng 2 năm 2008 họ tuyên bố độc lập.

1.3.4. Loại hình li khai dân tộc khủng bố bạo lực

Loại hình li khai dân tộc khủng bố bạo lực chỉ thế lực li khai dân tộc lấy hoạt động khủng bố làm phương thức chủ yếu để mưu đồ thành lập nhà nước dân tộc độc lập. Đặc điểm quan trọng của loại hình này là chưa hình thành tình trạng cục diện đối kháng chiến tranh. Các thế lực li khai không có đủ lực lượng công khai hành động chống đối chính phủ. Nó chỉ chuyên tiến hành các hoạt động khủng bố, gây sức ép để đạt mục đích.
Điển hình nhất thuộc loại hình li khai dân tộc khủng bố là Tổ chức Tổ quốc - tự do xứ Basque (Basque Homeland and Freedom) ở Tây Ban Nha, tức ETA theo cách gọi tắt trong tiếng Tây Ban Nha. Dân tộc Basque là một trong những dân tộc cổ xưa nhất ở châu Âu. Trong lịch sử, tuy chưa từng thành lập nhà nước Basque, nhưng truyền thống văn hóa độc đáo của tộc người này luôn được thừa kế và bảo vệ ngoan cường. Năm 1931 khi Cộng hòa Tây Ban Nha được thành lập, cùng với Pháp tiến hành phân định ranh giới. Một bộ phận của khu vực vốn do người Basque cư trú được nhập vào Pháp. Ngay từ thời gian đó, người Basque đã có yêu sách đòi thành lập nhà nước độc lập thống nhất. Vào thời gian nội chiến (1936-1939) Chính phủ Cộng hòa Tây Ban Nha đã cho phép người Basque thành lập một khu tự trị riêng, nhưng khi chính quyền rơi vào tay nhà độc tài Francisco Franco thể chế tự trị bị bãi bỏ. Cùng với việc nắm quyền, Franco sử dụng vũ lực dập tắt các cuộc phản kháng của người Basque. Ông ta đã tiến hành việc thanh lọc dân tộc, đóng cửa các trường học, báo chí của người Basque. Đặc biệt nghiêm trọng là việc thủ tiêu, tù đày những nhà trí thức và cấm được nói tiếng Basque. Ước chừng đã có 50 ngàn người bị giết, 100 ngàn người bị bắt giam, hơn 200 ngàn người bị đi đày, hàng trăm người phải cư trú ở Pháp, Mỹ [29].
Ách thống trị kiểu phân biệt chủng tộc, áp bức, kỳ thị, khủng bố dã man của chính quyền Franco đối với người Basque đã khơi dậy sự đấu tranh phản kháng do Đảng Dân tộc chủ nghĩa Basque lãnh đạo. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, trong khi đấu tranh giành địa vị tự trị của người Basque, Đảng Dân tộc chủ nghĩa Basque phân hóa ra một lực lượng cấp tiến, chủ trương thông qua đấu tranh vũ trang để thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Basque. Năm 1958 lực lượng cấp tiến tuyên bố tách khỏi Đảng Dân tộc chủ nghĩa Basque để thành lập ETA. Họ đã triển khai các hoạt động khủng bố bạo lực nhằm vào ách thống trị độc tài Tây Ban Nha. ETA lấy khu vực người Basque ở miền Nam nước Pháp làm căn cứ, hình thành nên một hệ thống tổ chức chặt chẽ, chuyên dùng các biện pháp khủng bố như phá hoại, đánh bom, ám sát các nhân vật chính trị, cảnh sát để khuyếch trương việc thành lập nhà nước vào những năm 1970. Các hoạt động li khai diễn ra mạnh mẽ. Bạo lực liên tiếp nổ ra. Tháng 10 năm 1973, ETA đã ám sát người kế nhiệm Franco, Thủ tướng Carero Blanco trong vụ đánh bom vào chiếc xe chở ông tới sân bay. Năm 1975 sau khi lật đổ nền thống trị độc tài Franco, Tây Ban Nha tiến hành cải cách dân chủ. Khu vực của người Basque đã giành được quyền tự trị hạn chế, bao gồm việc được bầu nghị viện riêng. Điều này đã làm dịu đi mâu thuẫn dân tộc ở Tây Ban Nha. Nhưng ETA vẫn không từ bỏ hoạt động khủng bố bạo lực nhằm thành lập nhà nước độc lập. Đến tháng 11 năm 1995 vẫn còn tới 560 tù nhân chính trị người Basque, khoảng 2000 người bị kết tội hoạt động khủng bố sống lưu vong ở nước ngoài. Tháng 7 năm 1997 một làn sóng bạo lực lại bắt đầu, mở màn lực lượng li khai dân tộc giết hại một ủy viên hội đồng, một thành viên của đảng cầm quyền, tiếp theo hầu hết những vụ giết hại đều nhằm vào những nhà chính trị, những thành viên của đảng cầm quyền không hợp tác thương lượng với ETA. Năm 1998 ETA tuyên bố ngừng hoạt động nhưng những hoạt động khủng bố đến nay vẫn tiếp tục.
Tương tự như hiện tượng li khai khủng bố bạo lực Basque, ở Pháp có hiện tượng li khai tại đảo Corse. Ở Đông Nam Á có các thế lực li khai tại miền Nam Thái Lan...
Mấy loại hình li khai dân tộc kể trên là những hình thức biểu hiện tương đối nổi bật trên thế giới hiện nay. Các thế lực li khai dân tộc này đều đã lớn mạnh ở các mức độ khác nhau, hình thành nên các lực lượng chính trị và lực lượng quân sự mà nước sở tại khó có thể xóa bỏ ngay được. Các thế lực li khai dân tộc khi thì thông qua cơ chế dân chủ, khi thì thông qua hoạt động chính trị, vũ trang hay hoạt động bạo lực khủng bố để mở rộng ảnh hưởng, gây sức ép, đàm phán, quốc tế hóa vấn đề li khai nhằm thực hiện quyền tự quyết dân tộc hoặc thành lập nhà nước độc lập. Các tổ chức của các thế lực li khai dân tộc, đặc biệt là các tổ chức vũ trang, bạo lực nhìn chung là bất hợp pháp nhưng do được nhất thể hóa hoặc kết hợp với các thế lực chính trị nên có đặc điểm bán công khai và công khai hóa. Trong số những hiện tượng li khai dân tộc từ trước đến nay, không ít các thế lực đã đạt được tư cách đối thủ đàm phán với chính phủ, còn đại đa số là ở giai đoạn các tổ chức chính trị bất hợp pháp và các nhóm vũ trang, bạo lực bí mật.
Ngoài bốn loại hình li khai như trên, hiện nay người ta còn thấy một loại hình mới xuất hiện. Đó là loại hình li khai do ảnh hưởng trục tiếp của một cường quốc, hay do sự tác động, ủng hộ của một cường quốc vì những động cơ chính trị riêng mà tạo ra một nhà nước li khai. Chẳng hạn như nhà nước Nam Ossetia, nhà nước Akhazia tách khỏi Gruzia dưới sự tác động trục tiếp của Nga. Cũng như vậy với Crimea, vùng tự trị của Ucraine được sáp nhập vào Nga. Tình hình như vậy còn có thể diễn ra đối với một số tỉnh li khai ở miền Đông Ucraine và ở Trung Đông trong thời gian sắp tới.

1.4. Quyền tự quyết dân tộc và li khai dân tộc.

Phong trào dân tộc, theo một số các nhà nghiên cứu xuất hiện từ những cuộc cách mạng ở châu Âu năm 1848. Những cuộc cách mạng này đều do các tầng lớp quý tộc, trung lưu khởi xướng, được giai cấp công nhân và nông dân ủng hộ. Cuộc cách mạng lần đầu tiên nổ ra ở Pháp tháng 2 năm 1848 rồi lan rộng tới Ba Lan, Đan Mạch, Đức, Ý, Séc, Slôvakia, Hungari, Croatia, Rumani... Trong số những nước nổ ra phong trào cách mạng ở châu Âu, một số nước đặt ra yêu cầu quyền tự quyết dân tộc, tách khỏi những đế chế chi phối họ. Nguyên tắc một dân tộc một nhà nước (Nation - State) được mọi người truyền tụng và theo đuổi. Việc hình thành các quốc gia dân tộc đã diễn ra cùng với sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc và nó đã trở thành một giá trị thiêng liêng đòi hỏi lòng trung thành của các cá nhân và quần chúng.
Từ thời gian đó, quốc gia lấy quốc huy, quốc ca, quốc kỳ làm biểu trưng. Dân tộc trên bình diện quốc gia là do toàn thể công dân hợp thành. Nhưng bên trong dân tộc vẫn bao gồm một số hoặc nhiều tộc người tự nhiên, lịch sử. Chúng thể hiện ở sự khác biệt hay bất đồng về các mặt ngôn ngữ, phong tục tập quán, tôn giáo và lịch sử, nguồn gốc dân tộc. Nói chung, tộc người tạo thành nhà nước dân tộc thường là tộc người chiếm đa số mang đặc trưng tự nhiên, lịch sử. Giới tinh hoa của tộc người chủ thể đương nhiên trở thành tầng lớp nắm chính quyền nhà nước dân tộc. Ý thức và văn hóa chủ lưu của xã hội cũng là ý thức và văn hóa của tộc người chủ thể. Nhu cầu về chính trị, liên kết dân tộc cũng thuộc về tộc người chủ thể. Tất nhiên, sự áp bức dân tộc, sự đồng hóa cưỡng bức dân tộc khác tất yếu sẽ dẫn đến phản kháng của các dân tộc phi chủ thể hay dân tộc thiểu số và có thể dẫn đến li khai dân tộc, dựa theo nguyên tắc tự quyết dân tộc, một dân tộc, một nhà nước.
Sự trào dâng của chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu và sự xuất hiện mô hình nhà nước dân tộc trước hết làm cho các dân tộc đặt trước sự thống trị của các đế quốc Áo - Hung, Oxman, Nga Sa hoàng, Đức dấy lên phong trào giải phóng dân tộc. Sự kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất và sự tan rã của các đế quốc thống trị các khu vực Trung, Đông Âu và khu vực Tây Á đã làm cho các khu vực này xuất hiện làn sóng chủ nghĩa dân tộc lần thứ nhất trong thế kỷ XX. Hơn 10 quốc gia dân tộc được tổ chức lại và thành lập mới [22, tr.144].
Có ảnh hưởng trực tiếp đến làn sóng thành lập nhà nước độc lập là tư tưởng về quyền tự quyết dân tộc. Trong giai đoạn Cách mạng tháng Mười Nga, xuất phát từ tình hình đế quốc Nga Sa hoàng là một nhà tù của các dân tộc, Lênin đã đề xướng quyền tự quyết của giai cấp vô sản các dân tộc, đồng thời chủ trương thành lập nhà nước xã hội chủ nghĩa trong đó các dân tộc đều bình đẳng trên cơ sở quyền tự quyết này(1). Sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, Mỹ can thiệp sâu vào công việc của châu Âu để thực hiện lợi ích của mình. Nội dung quyền tự quyết dân tộc được thể hiện trong 14 điểm của Chương trình cách mạng dân chủ thế giới của Wilson ngày 8-1-1918. Chương trình 14 điểm của Wilson được xem như là cơ sở để giải quyết các vấn đề châu Âu sau chiến tranh. Nó được xác định trong hệ thống Hòa ước Verseille và được thực thi trong việc cải tổ các nước Trung, Đông Âu, Trung Cận Đông. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nguyên tắc tự quyết dân tộc được ghi vào Hiến chương Liên Hợp Quốc, trở thành chuẩn mực cho sự đồng thuận quốc tế. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc thuộc địa từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến hết thập kỷ 60, 70 của thế kỷ XX chính là việc thực hiện nguyên tắc tự quyết dân tộc để thực hiện việc giải phóng dân tộc, thành lập nhà nước độc lập. Nó đã tạo thành làn sóng dân tộc thứ hai của thế kỷ XX. Nếu như Hội Quốc Liên (The league of Nations) thành lập ngày 15-11-1920 có 28 thành viên tham gia trọn vẹn, 35 thành viên lúc rút ra, lúc nhập vào thì số thành viên Liên Hợp Quốc từ 25-10-1945(2) đến hết năm 1990 tăng lên thêm 104 nước. Như vậy phong trào giải phóng dân tộc trên nguyên tắc tự quyết dân tộc về cơ bản đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình. Đa số các nhà chính trị và học giả, đặc biệt là các học giả ở những nước đang phát triển cho rằng trong quá trình tiếp tục xóa bỏ di sản của chủ nghĩa thực dân, quyền tự quyết dân tộc chủ yếu thể hiện ở việc các nhà nước dân tộc phải bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không cho phép các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của mình. Do vậy quyền tự quyết dân tộc hiện nay gắn làm một với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Việc vận dụng nguyên tắc tự quyết dân tộc nằm ở mối quan hệ liên quốc gia, ở bình diện xã hội quốc tế chứ không phải là ở bên trong quốc gia. Khác với hiện tượng li khai dân tộc đó là vấn đề ở bên trong của một quốc gia có chủ quyền. Li khai dân tộc là lạm dụng quyền tự quyết dân tộc. Nó không phải là một bộ phận hợp thành của phong trào giải phóng dân tộc. Giải quyết xung đột li khai dân tộc là vấn đề nội bộ của quốc gia, không nằm trong phạm trù nguyên tắc tự quyết dân tộc của thời đế quốc chủ nghĩa và thời kỳ phi thực dân hóa. Nhưng cũng có những nhà chính trị, các học giả, đặc biệt là ở phương Tây ủng hộ quyền hoàn toàn tự quyết của tất cả mọi dân tộc, kể cả những dân tộc thiểu số rất ít người muốn tách ra khỏi quốc gia dân tộc. Họ đồng nhất hiện tượng li khai dân tộc với quyền tự quyết dân tộc, gắn nó với lĩnh vực nhân quyền, cho rằng nhân quyền cao hơn chủ quyền. Họ đã lợi dụng những hiện tượng li khai dân tộc vào mục đích chính trị và làm phương tiện sách lược để can thiệp vào công việc của các nước khác. Họ cho rằng sự gia tăng của các quốc gia dân tộc trong Tổ chức Liên Hợp Quốc là sự gia tăng của các nhà nước dân tộc cỡ nhỏ. Các quốc gia này xuất hiện không chỉ là kết quả của phong trào dân tộc và quá trình phi thực dân hóa mà còn là kết quả của sự phân rã dân tộc, li khai dân tộc. Mọi người đều thừa nhận sự gia tăng của các thể chế "tiểu nhà nước" ít nhiều mang tính chất tự trị sẽ còn tiếp tục tăng lên. Sự xuất hiện ngày càng nhiều phong trào giác ngộ ý thức dân tộc, những hiện tượng li khai dân tộc và những đòi hỏi tự trị trong số các dân tộc thiểu số và ở các địa phương đây đó đang thách thức các nhà nước dân tộc.
Những thế lực li khai dân tộc đang đòi hỏi vị trí chủ thể của mình ở trong nước và trên thế giới, họ đòi xét lại phạm vi địa lý sinh tồn cũng như vị trí chính trị hiện hành. Thực tế đó đã va chạm xung đột tới tính toàn vẹn và thống nhất của nhà nước dân tộc. Nó đụng chạm tới "chủ nghĩa dân tộc quốc gia", đụng phải những nền văn hóa chính thức, những cái đã từng phủ nhận chúng hay ít nhất là hạ thấp chúng.
n trọng cá tính của các dân tộc trên cơ sở hài hòa và cân bằng giữa các dân tộc trong một quốc gia gắn với tự quyết dân tộc không có nghĩa là phải li khai dân tộc. Ý tưởng muốn làm cho ranh giới dân tộc, tộc người và biên giới quốc gia nhập làm một e rằng không có ai làm nổi, kể cả người dã man. Nếu có làm theo cái ý tưởng đó thì thế giới này sẽ đi về đâu? Các quốc gia dân tộc có hàng trăm dân tộc cùng chung sống như Inđônesia, Mỹ, Nga, Trung Quốc và các quốc gia dân tộc có hàng chục dân tộc phổ biến hiện nay trên thế giới có thể sẽ chia ra trong mỗi quốc gia thành hàng chục tiểu quốc gia dân tộc nữa. Lúc đó Liên Hợp Quốc sẽ như thế nào. Trật tự thế giới lúc đó sẽ ra sao?
Theo thống kê chưa đầy đủ thì từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, mỗi thập niên có từ 1,6 đến 3,9 triệu người bị chết trong các cuộc xung đột dân tộc [10, tr. 6]. Liên Hợp Quốc lúc mới thành lập bao gồm hơn 50 quốc gia đến nay có tới 191 quốc gia. Bán đảo Scandinavian là một minh chứng cho sự gia tăng của các quốc gia dân tộc. Kể từ những năm 1900, do mâu thuẫn về quyền lực, Na uy tuyên bố li khai khỏi Thụy Điển. Một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào tháng 8/1905. Đa số người dân Na uy bỏ phiếu tán thành rút khỏi nhà nước liên bang. Cơ quan lập pháp Thụy Điển cũng nhất trí phê chuẩn vấn đề li khai của Na uy vào ngày 4/10/1905, chấm dứt quá trình thống nhất lâu đời giữa họ [30]. Hai nước đã tiến hành phân chia công bằng tất cả những gì là của chung, từ lãnh thổ đến quy chế trao giải Nobel. Đó là tấm gương li khai hòa bình theo kiểu của người Bắc Âu. Thông thường thì các hiện tượng li khai đều diễn ra trong cảnh đổ máu. Đúng một trăm năm sau trên bán đảo Balkan, nước Cộng hòa Montenegro, thành viên của Liên bang Cộng hòa Serbia và Montenegro cũng chia tay với nhà nước liên bang. Từ năm 1946 đến năm 1991 Montenegro nằm trong Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Nam Tư bao gồm nước Cộng hòa Croatia, Slovenia, Bosnia - Herzegovina, Serbia và Maxêđônia. Liên bang Nam Tư tan rã năm 1991 khi các nước cộng hòa tuyên bố nền độc lập của mình. Năm 1992 Serbia và Montenegro tuyên bố kế thừa Liên bang Nam Tư, lấy tên là Liên bang Cộng hòa Nam Tư. Năm 2003 Liên bang Nam Tư thay đổi hiến pháp mới, trao quyền tự trị lớn hơn cho 2 nước cộng hòa kể cả việc tiến hành trưng cầu dân ý về nền độc lập hoàn toàn. Mặc dầu có sự dàn xếp của EU để duy trì Liên bang Nam Tư nhưng mâu thuẫn giữa họ ngày một tăng. Ngày 21/5/2005 Montenegro tiến hành cuộc trưng cầu dân ý. Theo kết quả, đa số người dân Montenegro với dân số xấp xỉ 700.000 người sẽ tách khỏi Liên bang Nam Tư  trên 10 triệu người để thành lập một nhà nước độc lập. Hai bên tiến hành thủ tục phân chia lại biên giới, lãnh thổ, tài sản. Ngày 16/6/2006 Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết công nhận nước Cộng hòa Montenegro [41].
Theo chiều hướng này, chiến tranh xung đột sắc tộc, li khai dân tộc còn tiếp tục gia tăng. Những “vùng xám” của thế giới vẫn cứ mở rộng. Điều làm mọi người quan tâm là giải quyết vấn đề xung đột li khai dân tộc như thế nào? Người ta dự đoán số thành viên Liên Hợp Quốc sẽ tăng thêm hàng chục thành viên nữa trong thời gian tới. Vấn đề xung đột dân tộc, li khai dân tộc đang nổi lên và trở thành vấn đề cấp bách của thực tiễn và lý luận mà nhân loại phải giải quyết.

1.5. Chủ nghĩa khủng bố và li khai dân tộc 

Trên các phương tiện thông tin đại chúng của các quốc gia, người ta thường gán cho các hoạt động li khai dân tộc là khủng bố.Với cái tên gọi chung chủ nghĩa khủng bố, nhân danh người bảo vệ sự thống nhất và chủ quyền quốc gia dân tộc, người ta đã tỏ rõ thái độ lên án hành vi phạm tội của nhóm người hoặc tộc người đang đấu tranh đòi quyền tự trị và độc lập.
Trong cuộc đấu tranh cho những giá trị riêng của dân tộc, tộc người, việc sử dụng,các thủ đoạn ám sát, bắt cóc, đánh bom vào các cơ sở quân sự, dân sự hoặc những hành vi mang mầu sắc khủng bố là có, nhưng không phải vì thế mà đánh đồng chủ nghĩa khủng bố với li khai dân tộc để biện minh cho việc tàn sát, bắt bớ hàng ngàn, hàng vạn người nhân danh chống chủ nghĩa khủng bố.
Cho đến nay, Liên Hợp Quốc vẫn chưa đưa ra được một định nghĩa về chủ nghĩa khủng bố, trong khi đó trên thế giới hiện có hàng trăm định nghĩa. Nhìn chung, những định nghĩa  này không đáp ứng được yêu cầu của thực tế và không được thế giới thừa nhận. Do quan điểm và cách tiếp cận khác nhau, một kẻ bị coi là khủng bố đối với người này, nhóm người này, dân tộc này nhưng lại có thể là người anh hùng, chiến sĩ đấu tranh cho tự do đối với người khác, nhóm người khác, dân tộc khác. Chính vì quan điểm và cách tiếp cận khác nhau nên quan niệm về chủ nghĩa khủng bố rất đa dạng. Người ta thường đánh đồng những hành động phản kháng có sử dụng vũ lực của nhóm người hay tộc người đối với chủ  trương, đường lối, chính sách của các nhà nước, những hoạt động vũ trang bạo lưc chống lai sự nô dịch của các nhà nước đại diện cho dân tộc chiếm đa số vào nội hàm của chủ nghĩa khủng bố. cho nên khi nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố và li khai dân tộc cần phải có một cái nhìn khách quan, toàn diện và mang tính lịch sử.
Với tinh thần trên, nhiều nhà nghiên cứu không đồng ý với định nghĩa về chủ nghĩa khủng bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra năm 1998: “ Là hành động bạo lực có mưu tính trước, nhằm những mục đích chính trị và hướng vào những mục tiêu không tham chiến như dân sự, nhân viên quân sự không có vũ trang, có vũ trang và các cơ sở quân sự nhưng không ở trong tình thế đối địch về quân sự mà do các nhóm thiểu số trong nội bộ dân tộc hoặc các nhân viên bí mật tiến hành để tác động đến dân chúng”.
Một trong những định nghĩa về chủ nghĩa khủng bố được coi là tương đối đầy đủ, khách quan là định nghĩa trong Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc: “ Đó là hành vi của một số cá nhân hoặc tập thể có mục đích chính trị và xã hội nào đó, sử dụng bạo lực hoặc phi bạo lực tấn công, đe dọa các cơ quan hoặc cá nhân để tạo ra bầu không khí hoảng sợ, giết hại bừa bãi những người dân vô tội, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng”. Định nghĩa này có một nội hàm, một tiêu chẩn vô cùng quan trọng để xác định đây là hoạt động khủng bố hay không phải khủng bố. Đó là nhấn mạnh đến việc giết hại bừa bãi người dân vô tội, dù cho có gọi nó một cách giảm nhẹ như: “ tổn thất thế chấp”, “ sự hy sinh cần thiết”, “ sự lầm lẫn đáng tiếc” thì vẫn bị coi là hành động khủng bố. Nó khác hoàn toàn với nội dung cốt lõi của nội hàm li khai dân tộc. Hành vi bạo lực của cá nhân hoặc nhóm người li khai dân tộc là đòi quyền sống , quyền giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc , quyền được phát triển, quyền tự trị và cao nhất là quyền độc lập. Hầu hết các phong trào li khai dân tộc đều không giết hại đồng bào và những người dân vô tội. Bởi nếu họ hành động như những kẻ khủng bố thì họ dựa vào ai, ai ủng hộ họ, ai theo họ tới đich của cuộc chiến li khai. Hàng chục cuộc chiến li khai dân tộc dẫn đến việc các quốc gia phải nhượng bộ thành lập các khu tự trị, các quốc gia độc lập cho các dân tộc, tộc người thiểu số đã chứng minh họ đâu phải là kẻ khủng bố.
Xét về mặt tư tưởng dẫn đến hành vi khủng bố, một số chuyên gia và một số nhà nghiên cứu đứng trên góc độ triết học cho rằng chủ nghĩa khủng bố không có một  hệ tư tưởng nào nhất quán. Tư tưởng dẫn đến những hành vi bạo lực khủng bố rất tản mạn, khó xác định trước. Vì thế khó có thể lường được khi nào, ở đâu sẽ có khủng bố. Các vụ khủng bố dưới nhiều hình thức nổ bom, ám sát, bắt cóc, cướp các phương tiện giao thông… Khi thì vì lý do kinh tế, khi thì vì sự bất mãn, khi thì vì sự trả thù, khi thì vì ký do tôn giáo, khi thì nhằm gây sức ép chính trị, khi thì vì những lý do thần thánh, vì cuộc thánh chiến, thậm chí vì sự chán trường, tuyệt vọng và cả những lý do ngày tận thế sắp đến…Có hàng trăm lý do cho hàng trăm hành động khủng bố…Có nhà nghiên cứu còn thống kê viện dẫn đó là hành vi của những cá nhân, tổ chức mang tư tưởng từ cực tả đến cực hữu, từ cực đoan dân tộc đến cực đoan tôn giáo, từ cực đoan cách mạng đến cực đoan phản cách  mạng, tức là tư tưởng của những kẻ quá độ, thần kinh,  quá khích. Xét ở phương diện này thì chủ nghĩa khủng bố hoàn toàn khác với chủ nghĩa li khai. Tư tưởng của những cá nhân, nhóm người hoặc tộc người theo chủ nghĩa li khai hoàn toàn thống nhất. Họ có cương lĩnh, mục tiêu, có một tư tưởng kiên định, xuyên suốt, nhất quán với hành vi. Đó là ý thức dân tộc, tư tưởng tự trị hoặc độc lập dân tộc. Tư tưởng này khi thì âm ỉ, khi thì bùng lên. Giống như ngọn lửa trước nhỏ sau lớn không bạo lực nào có thể dập tắt được. Dù bị đàn áp tàn khốc nhưng nó vẫn tồn tại từ năm này qua năm khác. Người trước ngã xuống người sau đứng lên. Hàng ngàn người sẵn sàng hy sinh để bảo vệ ý thức, tư tưởng dân tộc. Nếu thế hệ trước chưa làm xong thì thế hệ sau vẫn tiếp tục đứng dậy đấu tranh (trừ trường hợp bị diệt chủng cả dân tộc, tộc người). Chỗ khác nhau căn bản giữa chủ nghĩa khủng bố và li khai dân tộc chính là ở chỗ đó. Nói một cách hình tượng thì chủ nghĩa khủng bố là cuộc chiến tranh đặc biệt không tuyên chiến; còn li khai dân tộc là cuộc chiến tranh công khai giữa một nhóm người hay một dân tộc, tộc người với một quốc gia dân tộc, có sự khởi đầu và chắc chắn có sự kết thúc.
Có lẽ điều giống nhau giữa chủ nghĩa khủng bố và li khai dân tộc là ở cái ngoại diên, trong mối quan hệ nhân quả, tức là cái nguồn gốc gây ra chủ nghĩa khủng bố và li khai dân tộc. Chính mặt trái sự phát triển của thế giới toàn cầu hóa, sự chênh lệch giàu nghèo và tình trạng bất bình đẳng giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các dân tộc trong nội bộ các nước, cũng như giữa các dân tộc và các quốc gia trên thế giới đã sinh ra chủ nghĩa khủng bố và li khai dân tộc. Công thêm vào đó là những mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo dồn nén trong quá trình phát triển của cuộc sống không được giải quyết một cách thích đáng, dứt điểm. Tất cả đã khiến cho chủ nghĩa khủng bố và li khai dân tộc phát sinh, phát triển, lan tràn khắp thế giới.
Về vấn đề này cũng cần đề cập đến một quan điểm mà các nhà nghiên cứu ở các nước đang phát triển thường đề cập đến, đó là thài độ cường quyền,, chính sách hai mặt hay cái tiêu chuẩn kép nhằm can thiệp vào công viên nội bộ một nước của các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ cũng là một trong những nguồn gốc, nguyên nhân sinh ra chủ nghĩa khủng bố và li khai dân tộc.

1.6. Vùng lãnh thổ tự trị và li khai dân tộc

          Vùng lãnh thổ tự trị hay khu tự trị là khái niệm dùng để chỉ một vùng đất của quốc gia được nhà nước hay chính quyền trung ương ủy nhiệm cho người sở tại quản lý công việc của dân tộc, tộc người hay một nhóm tộc người trên cơ sở giữ nguyên địa bàn cư trú truyền thống, tôn trọng bản sắc văn hóa dân tộc và những tập tục bản địa riêng biệt. Khái niệm tự trị bắt nguồn từ Phong trào dân tộc ở châu Âu, đặc biệt khi mà có nhiều quốc gia vì muốn duy trì sự thống trị trước tinh thần đấu tranh , đòi hỏi quyền tự quyết hoặc độc lập của những dân tộc, tộc người nên đã phải nhượng bộ đưa ra chiêu bài hoặc áp đặt nền tự trị giới hạn. Chẳng hạn ở Đông Dương, khi thực dân Pháp hoàn thành việc xâm lược, chúng chia Đông Dương ra làm năm xứ tự trị, trực trị và bảo hộ. Đó chỉ là những thủ đoạn chia để trị và nhằm xoa dịu chính quyền phong kiến, nhân dân các dân tộc thuộc địa.
      Từ sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, theo tinh thần Hệ thống hòa ước Verseille, các thuộc địa, các vùng lãnh thổ giáp gianh thuộc các nước bại trận được quyền dân tộc tự quyết, nhưng vì chưa đủ khả năng tự quản nên được Hội Quốc Liên ủy trị mà thực chất là để các nước thắng trận, chủ yếu là Anh, Pháp, Mỹ chiếm giữ. Các cường quốc thực dân đã dựng ra các lãnh thổ tự trị hay vùng tự trị giới hạn với mong muốn thay đổi cái nhìn của dư luận thế giới về việc xâm chiếm, vơ vét, bóc lột của chúng.
     Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, Hội nghị Tam cường đứng đầu là Anh, Pháp, Mỹ tiến hành hai cuộc họp: Hội nghị Ianta và Pôtxdam. Theo tinh thần của hai hội nghị trên, các nước thắng trận đã thống nhất tiêu diệt tận gốc rễ chủ nghĩa phát xít Đức và quân phiệt Nhật, phân chia khu vực đóng quân, tổ chức lại trật tự thế giới sau chiến tranh và về vấn đề thuộc địa của các nước bại trận…Cũng giống như sau Chiến tranh thế giới thư nhất, các nước thắng trận vẫn được trao quyền ủy trị nhiều vùng lãnh thổ. Và họ đã đưa ra mỹ từ tự trị để lừa bịp mọi người.
     Ở Đông Dương, ngày 24 tháng 3 năm 1945, Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Pháp ra tuyên bố Brazaville. Nội dung chủ yếu bao gồm Liên bang Đông Dương hợp với nước Pháp và các bộ phận khác của cộng đồng thành một Liên hiệp Pháp mà quyền lợi bên ngoài sẽ do Pháp đại diện. Trong Liên bang Đông Dương, các nước sẽ được hưởng nền tự trị nhất định. Đông Dương sẽ có một chính phủ và nghị viện do bầu cử và do Toàn quyền Đông Dương đứng đầu. Như vậy về thực chất, các nước đế quốc vẫn duy trì chế độ thực dân với các nước thưộc địa. Tự trị chỉ là cái vỏ che đậy mà thôi.
          Phòng trào giải phóng dân tộc sau chiến tranh thế giới thứ Hai, nhất là vào cuối những năm 50 và đầu những năm 60 của thế kỷ XX, các nước cường quốc thực dân buộc phải từ bỏ chính sách thực dân của mình. Hơn 100 quốc gia dân tộc đã ra đời. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua Nghị quyết về quyền dân tộc tự quyết. Các giải pháp về dân tộc như 1514 và 1541 cũng được ký vào năm 1960. Nhưng từ đó đến nay, một số cường quốc thực dân vẫn cố duy trì các vùng lãnh thổ tự trị. Cũng chính vì thế có quan điểm đứng ở góc độ của người theo chủ nghĩa li khai dân tộc cho rằng tự trị là kế sách cuối cùng của thực dân khắp nơi để duy trì lãnh thổ thuộc địa, duy trì sự bành chướng dân tộc và cũng là chiến lược lừa bịp để che đậy việc thực dân hóa của họ.
          Sau năm 1945, hệ thống các nước xã hôi chủ nghĩa ra đời theo chính sách dân tộc mà Lênin đã đề ra, thể theo nguyện vọng của các dân tộc, các nước XHCN như Liên Xô (bao gồm 15 nước cộng hòa), Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và một vài nước XHCN khác đã thành lập các nước Cộng hòa tự trị, các khu tự trị. Chẳng hạn như ở Gruzia thành lập các vùng tự trị Abkhazia, Adjara, Nam Ossetia. Ở Liên bang Nga thành lập các vùng tự trị Dagestan, Adygeja, Altay, Checnya, Ingushetia…Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập các khu tự trị Tân Cương, Tây Tạng, Quảng Tây, Nội Mông… Nhìn chung, chính sách dân tộc của các nước XHCN đều được các dân tộc, tộc người hoan nghênh và ủng hộ. Tuy vậy, đây đó vẫn không tránh khỏi những xung đột mang tính chất dân tộc và tôn giáo.
          Tính đến hiện nay, theo thống kê của Từ điển mở Thế giới Wikipedia, trên thế giới có tới 38 quốc gia có các vùng lãnh thổ tự trị. Tổng số các vùng lãnh thổ tự trị của các quốc gia là 92. Có thể nói, đây là một con số không thể bỏ qua. Bởi vì các vùng lãnh thổ tự trị thường là những vùng nhạy cảm, thường có mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc và tôn giáo, và ở đó cũng thường xuất hiện các phòng trào li khai dân tộc. Nói như vậy không có nghĩa các vùng lãnh thổ tự trị gắn liền với li khai dân tộc trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố lịch sử, chính trị, xã hội, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, dân số và đặc biệt là phụ thuộc vào chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo của các quốc gia đa dân tộc mà dân tộc, tộc người đa số cầm quyền. Số vùng lãnh thổ tự trị có thể giảm, có thể tăng. Việc giảm các vùng lãnh thổ tự trị có liên quan đến phong trào li khai dân tộc.
Lịch sử thế giới đã chứng minh hàng chục phong trao li khai dân tộc dẫn đến sự thành lập các quốc gia dân tộc và Liên Hợp Quốc theo điều lệ, theo thời gian cũng bổ sung thêm một danh sách khá dài các thành viên mới của mình. Việc tăng số lượng các cùng lãnh thổ tự trị là do các phong trao li khai dân tộc nổ ra mạnh mẽ, buộc các nhà nước trung ương ở các quốc gia muốn giữ được sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ phải công nhận nền tự trị của một dân tộc hay nhóm dân tộc. Chẳng hạn như phong trào li khai dân tộc ở Philippines dẫn tới sự ra đời khu tự trị Mindanao giữa những năm 70, phong trao li khai dân tộc ở Indonesia dẫn tới sự ra đời các vùng trị trị Tây Papua, Aceh, Yogyakrta vào đầu những năm 2000. Trong tương lai liệu rằng phong trào li khai dân tộc và một loạt các vùng lãnh thổ tự trị giáp với các nước có tranh chấp biên giới, tranh chấp về lợi ích có bổ sung thêm vào danh sách các vùng lãnh thổ tự trị hay các quốc gia độc lập được Liên Hợp Quốc công nhận?
          Rõ ràng cái vòng tròn từ tự trị đến độc lập mà cái cầu bắc là phong trào li khai dân tộc rồi lại đến tự trị và độc lập có một mối quan hệ biện chứng với nhau.


Chương 2: HIỆN TƯỢNG LI KHAI DÂN TỘC Ở MỘT SỐ NƯỚC ĐÔNG NAM Á TỪ SAU CHIẾN TRANH LẠNH


Thực ra hiện tượng li khai dân tộc ở Đông Nam Á đã phát sinh và gắn liền với quá trình phi thực dân hóa ngay từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Hiện tượng li khai dân tộc diễn ra ở Penang Malaysia, ở những vùng tộc người Karen Mianma, ở Ambon Inđônêsia [2, tr.55]. Tuy nhiên những hiện tượng li khai này đều không thành công và không đi đến một kết quả nào, thậm chí không có một tiếng vang nào. Nguyên nhân trước hết là do phong trào li khai trong thời gian này không đại diện cho dân tộc, tộc người, không phù hợp với xu thế phát triển chung trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân giành độc lập chủ quyền. Tiếp theo là do phong trào nhỏ yếu, xuất hiện ở những vùng cư dân phân tán. Điểm giống nhau của các cuộc nổi dậy li khai thời kì này là đều diễn ra trong thời gian chuyển tiếp sau công cuộc phi thực dân hóa. Chúng đều xuất hiện ở các vùng ngoại vi, xa trung tâm của các nước mới giành độc lập, chính quyền còn non trẻ. Chúng là sản phẩm còn rơi rớt lại của chính sách chia để trị, sản phẩm của chính sách kiềm chế phong trào giải phóng dân tộc.
Vào cuối những năm 1970, cuộc chiến tranh lạnh đi vào giai đoạn cuối. Bầu không khí hòa hoãn đã xuất hiện trong cả hai phe. Ở Đông Nam Á, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris, rút quân đội khỏi miền Nam Việt Nam và dần dần rời bỏ các căn cứ quân sự tại khu vực Đông Nam Á. Một số hiện tượng li khai dân tộc đã xuất hiện trở lại ở Inđônêsia, Philippin và Thái Lan. Ban đầu giới quan sát trong và ngoài khu vực không chú ý tới. Tất cả đều dồn sự quan tâm đến cuộc chạy đua nước rút trong thế cờ tàn của cuộc chiến tranh lạnh. Đặc biệt là cuộc cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam Việt Nam - Campuchia và cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung mà báo chí phương Tây gọi là “cuộc chiến tranh giữa những người anh em đỏ”. Những cuộc chiến tranh này đã kéo theo tất cả các nước Đông Nam Á vào thế đối đầu. Vì vậy, những hiện tượng li khai dân tộc ở một số nước bị chìm đi. Ngoại trừ hiện tượng ly khai dân tộc ở Mindanao Philippin, một số hiện tượng ly khai dân tộc ở các nước khác đều chưa đạt được mục đích và chưa có được một “tầm vóc” đáng kể nào [2, tr. 342]. Vấn đề này chỉ thực sự thu hút sự chú ý của dư luận vào những năm sau chiến tranh lạnh. Hiện tượng li khai dân tộc phát triển mạnh mẽ trong một bối cảnh khu vực và quốc tế mới.
Trong khu vực, có một số yếu tố tác động trực tiếp đến xung đột li khai dân tộc. Về mặt kinh tế, sau hàng thập niên thực hiện chính sách tự do có sự điều tiết của nhà nước, tốc độ phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia có những bước tiến thần kỳ. Việc tiến hành công nghiệp hóa thành công đã tạo ra một tầng lớp tư bản và giai cấp trung lưu dân tộc. Đồng thời nó cũng tạo ra nhiều vấn đề về xã hội. Khoảng cách phát triển giữa trung tâm và ngoại vi, khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo quá lớn. Mâu thuẫn trong xã hội theo đà phát triển kinh tế cũng ngày một sâu sắc, góp phần thúc đẩy và làm gay gắt thêm xung đột li khai dân tộc.
Một yếu tố nữa ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề li khai dân tộc ở các quốc gia Đông Nam Á là cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính bắt đầu từ Thái Lan và lan rộng khắp khu vực vào năm 1997-1998. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, đồng tiền ở nhiều nước mất đi khoảng 50% giá trị. Nhiều nền kinh tế lâm vào khủng hoảng sâu sắc. Đời sống nhân dân từ thành thị tới nông thôn chao đảo. Bất ổn kinh tế lan tới chính trường. Biểu tình bạo loạn diễn ra khắp Inđônêsia, Philippin và Thái Lan, đòi hỏi cải thiện tình hình kinh tế và thực thi dân chủ. Những rối loạn chính trị và chiều hướng dân chủ đến lượt nó lại làm trầm trọng thêm xung đột li khai dân tộc ở các quốc gia.
Một sự kiện đáng chú ý nữa là sau chiến tranh lạnh, các nước Đông Nam Á đã tập hợp đầy đủ mười thành viên trong Tổ chức Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong chặng đường phát triển của mình, ASEAN đã có nhiều đóng góp cho khu vực nói riêng và quốc tế nói chung. Về tình hình an ninh chính trị, các nước ASEAN cam kết tôn trọng chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Chính điều này là một nhân tố rất tích cực, ít nhất nó cũng không làm trầm trọng thêm tình hình li khai dân tộc trong khu vực và góp phần không nhỏ trong việc ngăn ngừa mưu toan quốc tế hóa vấn đề li khai dân tộc ở Đông Nam Á. Điều này khác hẳn với các khu vực khác trên thế giới, nơi vấn đề li khai dân tộc ở một nước này luôn bị nước khác lợi dụng, làm cho tình hình càng thêm phức tạp(1).
Trên thế giới, sau chiến tranh lạnh, cạnh tranh kinh tế diễn ra quyết liệt trong cơn lốc toàn cầu hóa. Lực lượng chính chi phối toàn cầu hóa là ba trung tâm Mỹ, Nhật, Tây Âu và một số cường quốc khác. Toàn cầu hóa đã khoét sâu mâu thuẫn Bắc - Nam, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, bần cùng hóa một bộ phận lớn nhân dân các nước đang phát triển. Thế giới bước vào đầu thế kỷ XXI nghèo hơn, bất công hơn nhiều so với nửa thế kỷ trước. Tính hai mặt của toàn cầu hóa làm bùng nổ sự xung đột giữa tính dân tộc và tính toàn cầu, đe dọa an ninh chủ quyền, bản sắc văn hóa dân tộc. Hậu quả tất yếu là một bộ phận những người cùng khổ bị gạt ra ngoài lề cuộc sống. Chính bộ phận này trở thành những người lính tham gia vào những cuộc xung đột dân tộc, tôn giáo, li khai dân tộc.
Sau chiến tranh lạnh, cục diện chính trị thế giới thay đổi rõ rệt. Ngày 26 tháng 12 năm 1991 Xô Viết tối cao thông qua nghị quyết giải thể Liên bang Xô Viết. Cùng với những rối loạn chính trị làm tan rã Liên Xô, ở Liên bang Nam Tư, Cộng hòa Croatia, Slovenia tuyên bố độc lập, tách khỏi nhà nước liên bang. Tiếp đó Maxêđônia, Bosnia - Hezegovina cũng không còn là những người anh em trong cộng đồng này nữa. Năm 1992 Serbia và Montenegro tuyên bố kế thừa Liên bang Nam Tư, tạo ra 5 nước cộng hòa trên đất Nam Tư cũ, một chủ thể trong quan hệ quốc tế được Liên Hợp Quốc và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu thừa nhận.
Tình hình li khai dân tộc cũng diễn ra ở Tiệp Khắc và một loạt các nước châu Phi… Như vậy, trên thế giới chỉ trong vòng một vài năm đã xuất hiện một loạt các quốc gia dân tộc mới, làm cho số lượng các quốc gia tăng lên gần 1/10(1). Dù xét theo quan điểm nào thì những sự kiện xảy ra ngay sau chiến tranh lạnh đã làm cho các phần tử cực đoan dân tộc, các thế lực li khai dân tộc ở các khu vực, trong đó có Đông Nam Á được kích thích, được tiếp thêm sức mạnh thực hiện các mục tiêu mà họ đã đề ra.
Sự kiện cuối cùng là chủ nghĩa khủng bố tấn công vào các biểu tượng, sức mạnh của nước Mỹ: Tháp đôi và Lầu Năm Góc. Hoa Kỳ đã điều chỉnh lại chiến lược toàn cầu, phát động cuộc chiến tranh chống khủng bố quốc tế. Mỹ công khai thực hiện chiến lược “đánh đòn phủ đầu” với các quốc gia “không thân thiện”. Mỹ đã tấn công và lật đổ các chính quyền ở Apganistan năm 2001, Iraq năm 2003; thiết lập các chế độ thân Mỹ, đồng thời tạo ra sự hiện diện về quân sự và chính trị của Mỹ ở Trung Á, Trung Đông nhằm kiểm soát khu vực có vị trí địa chính trị rất quan trọng nằm trên ngã ba châu Âu - châu Á - châu Phi. Sự hiện diện của Mỹ ở khu vực này, cùng với cuộc chiến chống khủng bố đã thổi bùng lên những tư tưởng dân tộc, tôn giáo cực đoan, làm gay gắt và phức tạp thêm vấn đề li khai dân tộc mà các quốc gia mà Đông Nam Á là một trong những tâm điểm.
         

2.1. Li khai dân tộc ở Inđônêsia.

 2.1.1. Tổng quan

Cộng hòa Inđônêsia bao gồm phần lớn quần đảo Malay. Diện tích nếu tính cả vùng biển là gần 5 triệu km2, trong đó phần lãnh thổ chiếm 1.904.569 km2. Inđônêsia là một trong những quốc đảo lớn nhất Đông Nam Á và thế giới. Quốc gia này có tới trên 13.500 hòn đảo. Về thành phần dân tộc, Inđônêsia là quốc gia đa dân tộc và là quốc gia có thành dân tộc phức tạp nhất trên thế giới. Hiện nay Inđônêsia có tới gần 400 tộc người lớn nhỏ, nói hơn 200 ngôn ngữ và thổ ngữ khác nhau. Tuy số tộc người nhiều nhưng đại bộ phận dân số đều thuộc chủng tộc Nam Á, một chủng nằm giữa hai chủng Môngôlôid và Australôit.
Năm 1945 Inđônêsia tuyên bố độc lập. Nhưng sau đó Inđônêsia lại rơi vào ách thống trị thực dân một lần nữa. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Sukarno, năm 1949 Inđônêsia chính thức giành lại nền độc lập từ thực dân Hà Lan. Năm 1967, Suharto được Hội đồng tư vấn nhân dân bầu làm Tổng thống Inđônêsia. Dưới sự lãnh đạo của ông, Inđônêsia đã chấm dứt thời gian đối đầu với Malaysia. Từ năm 1968 Tổng thống Suharto đã ban hành “sắc lệnh mới” (new order) nhằm chủ trương tăng cường kiểm tra, giám sát lực lượng vũ trang, cốt để biến lực lượng này thành chỗ dựa vững chắc trong hệ thống tổ chức và hoạt động của chính phủ. Tổng thống Suharto là biểu tượng của trung tâm quyền lực. Tất cả các chính sách chủ yếu do ông quyết định. Lực lượng vũ trang là công cụ đắc lực của chính quyền. Ngoài ra, Tổng thống Suharto còn có chỗ dựa vững chắc là Đảng Golka(1), một đảng chiếm hầu hết ghế trong Hạ viện Inđônêsia.
Tổng thống Suharto là người ủng hộ phương Tây và được phương Tây ủng hộ. Mặc dù trong 2 nhiệm kỳ đầu nhiều nhà máy thuộc sở hữu nhà nước vỡ nợ (10 tỉ USD) đe dọa tới nền tài chính của Inđônêsia nhưng Chính phủ Mỹ và các nước phương Tây đã cứu giúp phục hồi nền kinh tế của nước này. Vào đầu những năm 1980, Suharto thay đổi chính sách kinh tế, hướng tới xuất khẩu bằng chính sách mở cửa, thúc đẩy đầu tư nước ngoài, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Suharto đã thực hiện một loạt những cải cách trên một phạm vi rộng lớn nhằm cắt giảm các chi phí, tăng cường sức cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu. Những chính sách của Suharto đã đem lại sự tăng trưởng kinh tế liên tục từ những năm 1980 đến đầu những năm 1990. Thế nhưng, sự phát triển kinh tế của Inđônêsia không phải là sự phát triển bền vững, hài hòa. Cùng với sự phát triển là sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo ở trong nước. Sự bất bình đẳng về kinh tế, xã hội lớn dần lên ở đất nước trên 200 triệu dân và đặc biệt trầm trọng ở nông thôn, những vùng ngoại vi cùng với sự bùng nổ của dân số. Bên cạnh tầng lớp trung lưu khá giả là tầng lớp lao động nghèo khổ ngày càng bần cùng hơn. Trình độ sản xuất ở nhiều vùng không khác gì thời nguyên thủy. Phần lớn tài sản của Inđônêsia tập trung trong tay tầng lớp tư bản người Hoa, người bản địa thân quen với các quan chức cao cấp, tập trung vào gia đình họ hàng Tổng thống Suharto. Mỗi người con của ông nắm giữ một lĩnh vực kinh doanh, có chung cổ phần với các công ty hàng đầu của người Hoa và quan hệ rất chặt chẽ với các xí nghiệp, giới chóp bu quân đội. Tổng thống Suharto trở thành người giàu có thứ 6 trên thế giới với số vốn lên tới trên 16 tỉ USD [3, tr. 275].
Sự chống đối Suharto trở nên mạnh mẽ vào đầu những năm 1990. Đối thủ lớn nhất của chính quyền Suharto là những lãnh tụ Hồi giáo, thủ lĩnh đối lập ở những vùng ngoại vi và những chính khách, tầng lớp sinh viên bất bình bởi sự tham nhũng và vi phạm nhân quyền của bộ máy chính phủ, quân đội. Chính quyền Suharto đã hạn chế, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của sinh viên, báo chí và phe đối lập. Thế nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính ở Inđônêsia đã giáng đòn quyết định vào sự tồn tại của chính quyền Suharto.Tầng lớp trung lưu thành thị, những người nghèo trên khắp đất nước và sinh viên là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Giá hàng hóa, lương thực, thực phẩm tăng vọt từng ngày. Họ đã đứng lên đấu tranh mạnh mẽ. Bạo lực leo thang ở gần như tất cả các thành phố. Quân đội chính phủ giết hại hàng trăm người nhưng vẫn không ngăn cản được làn sóng bất ổn ngày một gia tăng. Ngày 21 tháng 5 năm 1998 Tổng thống Suharto buộc phải từ chức. Tổng thống B. Habibie lên thay thế tiến hành cải cách, bãi bỏ những chính sách hà khắc của chính quyền tiền nhiệm. Các tỉnh được trao quyền lớn hơn về mặt tài chính. Những đặc quyền đặc lợi của gia đình Tổng thống Suharto bị hủy bỏ… Cuộc bầu cử vào cuối năm 1999 đưa Abduraman Wahit lên nắm quyền. Vào giữa năm 2000, Wahit liên quan đến một vụ tham nhũng. Ngày 23 tháng 4, Hội đồng tư vấn nhân dân bỏ phiếu phế truất Tổng thống Wahit. Phó tổng thống Megawati Sukarnoputri được lựa chọn lên thay thế cho đến năm 2004.
Xung đột dân tộc ở Inđônêsia xảy ra ở nhiều nơi như Aceh, Papua, Moluca, Kalimantan. Nhưng xung đột dân tộc mang tính chất li khai dân tộc rõ ràng nhất là ở Tây Papua và Aceh.

 2.1.2. Li khai dân tộc ở Tây Papua

Tõy Papua là tỉnh nằm ở cực Đông của Inđônêsia, bao gồm nửa phía Tây của đảo New Guinea. Tỉnh này có diện tích 421.981 km2, chiếm khoảng 1/15 toàn bộ lãnh thổ đất nước. Nơi đây là thiên đường của tự nhiên, có hệ thực động vật vào loại phong phú nhất thế giới. Dân số Papua khoảng gần 3.000.000 người. Người dân chủ yếu sống ở vùng nông thôn, rừng núi dọc theo nguồn nước của các con sông, suối. Khoảng 1/4 dân số sống tập trung ở các đô thị nhỏ ở vùng đất thấp, bằng phẳng và thung lũng của các con sông. Thủ phủ của Tõy Papua là Jaya pura.
Dân cư bản địa Tây Papua có khoảng 1,3 triệu người nói ngôn ngữ thuộc nhóm đảo Nam Thái Bình Dương Mêlanêdi. Mặc dù ngôn ngữ Bahasa Inđônêsia là ngôn ngữ chính thức nhưng người dân bản địa nói khoảng 250 thổ ngữ khác nhau. Nghề nghiệp chính của người Tõy Papua là làm nông nghiệp khô. Cây trồng chính là các loại khoai, sắn. Ngoài ra họ còn trồng mía, chuối. Ở phía Tây và vùng ven biển người Papua sử dụng rìu sắt làm công cụ lao động. Còn ở vùng núi, rìu đá vẫn còn thịnh hành. Cư dân gần biển trồng dừa, đánh bắt cá, tôm. Vật nuôi làm thực phẩm chủ yếu là lợn, chó và gà.
Theo các nhà nghiên cứu, cách đây khoảng 50.000 năm, ở Papua đã có người định cư. Đầu tiên là những cư dân di cư đến từ các đảo phía Đông của Inđônêsia. Sau này,  một số nhà buôn nước ngoài cũng đặt chân lên mảnh đất này làm ăn sinh sống. Người Bồ Đào Nha đã tìm đến Papua vào những năm 1500. Năm 1828, Hà Lan tuyên bố Tõy Papua, nửa phía Tây hòn đảo New Guinea là lãnh thổ Đông Ấn thuộc Hà Lan. Khi Cộng hòa Inđônêsia thành lập năm 1949, Hà Lan vẫn duy trì chủ quyền thực dân của mình ở Tây Papua. Năm 1962, Tướng Suharto đem quân đội tiến vào khu vực này nhằm giành quyền kiểm soát từ người Hà Lan. Sau một thời gian, Mỹ làm trung gian hòa giải, Tõy Papua được đặt dưới sự quản lý của Liên Hợp Quốc. Năm 1963, Tây Papua được chuyển giao cho Inđônêsia với điều kiện người dân ở đây sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý để quyết định vận mệnh tương lai của mình. Năm 1969, Tõy Papua tiến hành bỏ phiếu, đa số cư dân chấp nhận Tõy Papua trở thành tỉnh thứ 26 của Inđônêsia. Năm 1973, Tổng thống Suharto đặt tên tỉnh là Irian Jaya. Từ năm 1970 đến đầu những năm 1990, Chính phủ Inđônêsia được sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức kinh tế tài chính khác đẩy mạnh chương trình nhập cư và khai thác nguồn tài nguyên ở tỉnh này. Trên 200.000 người từ Java đã tới Irian Jaya. Hơn 50.000 người tự nguyện từ các vùng khác cũng chuyển về đây làm việc. Khoảng 10.000km2 rừng ở vùng đất thấp đã được thu hồi để lập nên những khu định cư và giao cho những người dân mới đến khai hoang. Những người nhập cư mới chủ yếu là những người theo đạo Hồi, trong khi đó những người dân bản địa phần lớn theo tín ngưỡng cổ truyền và đạo Thiên Chúa. Sự khác biệt về dân tộc, tôn giáo cùng với những vấn đề phát sinh về quyền sở hữu đất đai, tài nguyên đã tạo ra nhiều vấn đề xã hội và gây ra sự bất ổn trong vùng.
Papua là tỉnh kém phát triển nhất của Inđônêsia. Nhưng nơi đây nguồn tài nguyên thiên nhiên lại rất phong phú. Mỏ đồng ở Puncak là mỏ đồng lớn nhất thế giới. Trữ lượng vàng khai thác ở mức trung bình. Ngoài ra tỉnh này còn nguồn gỗ rừng, khí đốt và dầu mỏ trữ lượng khá lớn. Nhưng việc khai thác các nguồn lợi không trực tiếp đem lại lợi ích cho người dân bản địa. Điều này dẫn tới sự bất mãn và hình thành tổ chức li khai Papua. Phong trào Papua tự do xuất hiện từ những năm 1960 nhưng phải đến những năm 1980 mới phát động cuộc chiến đấu vì nền độc lập của họ. Đỉnh cao của phong trào diễn ra vào sau chiến tranh lạnh.

2.1.2.1. Lãnh tụ của phong trào

Người ta thường đề cập đến chín nhân vật chính trị lãnh đạo phong trào li khai ở Papua. Nhưng người được nhắc đến nhiều nhất và có ảnh hưởng nhất ở trong và ngoài nước là Moses Werror, Chủ tịch Hội đồng cách mạng Phong trào Papua tự do. Moses Werror sinh năm 1936 ở đảo Moor thuộc Tây Papua. Dưới thời thực dân Hà Lan Moses Werror đã được đào tạo để trở thành giáo viên. Nhưng Moses Werror không theo nghề này. Năm 1956, Moses Werror tiếp tục học tại Trường Cao đẳng dạy nghề Kautical, thủ phủ của Papua (nay là Jayapura). Năm 1958, Moses Werror quyết định tới Inđônêsia theo đuổi sự nghiệp học hành. Năm 1961, trong kỳ thi gồm khoảng 3000 thí sinh, Moses Werror có tên trong danh sách 93 người đỗ đầu tiên. Sau đó Moses Werror ghi tên theo học khoa chính trị tại một trường đại học ở Giacácta.
Năm 1962 Moses Werror được biệt phái làm việc tại Đại sứ quán Inđônêsia ở Australia. Sau một thời gian, năm 1964 Moses Werror  trở về Giacácta. Năm 1969 Moses Werror bị bắt giữ vì đã tham gia biểu tình đòi độc lập cho Papua ở Jayapura. Tháng 8 năm 1971 Moses Werror cùng với gia đình trốn tới Papua New Guinea. Từ đó Moses Werror trở thành nhà tổ chức, nhà lãnh đạo hoạt động chính trị, quân sự, ngoại giao của Phong trào Papua tự do.

 2.1.2.2. Những diễn biến chính của phong trào

Phong trào Papua tự do (Organisesi Papua Merdeka - OPM) là một tổ chức chính trị, chính thức thành lập và bắt đầu cuộc đấu tranh đòi độc lập vào năm 1964, một năm sau khi Tây Papua được tạm giao cho Inđônêsia cai quản. Phong trào này đặt dưới sự lãnh đạo của Hội đồng cách mạng Papua tự do, có trụ sở ở thành phố Madang thuộc Papua New Guinea. Tổ chức này chống đối lại nhà nước và các lực lượng an ninh Inđônêsia nhằm giành độc lập cho người dân Tây Papua [26].
Về chính trị, những nhà lãnh đạo Phong trào Papua tự do đã đề ra đường lối chính trị cụ thể qua bảy giai đoạn. Mỗi giai đoạn kéo dài năm năm với những mục tiêu khác nhau:
- Giai đoạn 1 (1964-1969): chuẩn bị thi hành Luật lựa chọn tự do năm 1969.
- Giai đoạn 2 (1970-1975): xây dựng Phong trào Papua tự do vững mạnh.
- Giai đoạn 3 (1976-1981): sắp xếp lại các nguồn lực, tập hợp các lực lượng đấu tranh giành độc lập.
- Giai đoạn 4 (1982-1987): thành lập ban lãnh đạo lâm thời.
- Giai đoạn 5 (1988-1993): tiến hành các chiến dịch ngoại giao trên trường quốc tế để công nhận nhà nước Tây Papua.
- Giai đoạn 6 (1994-1999): khôi phục chủ quyền quốc gia Tây Papua.
- Giai đoạn 7 (2000-2005): xây dựng nhà nước Tây Papua.
Trong quá trình đấu tranh, một số mục tiêu của ban lãnh đạo đề ra OPM phần nào đã thực hiện được. Tuy nhiên vào những năm 1970, nội bộ phong trào có sự bất đồng và chia thành các phe phái. Một phái tách ra do Prai đứng đầu. Phái còn lại do Roemkorem chỉ huy. Mỗi phái đều cho mình là đại diện chân chính cho Phong trào Papua tự do. Họ tranh giành ảnh hưởng, địa bàn hoạt động, thậm chí nảy sinh xung đột làm cho người dân bản địa hoang mang dao động. Chính sự chia rẽ trong nội bộ tổ chức đã làm suy yếu sức mạnh của OPM.
Về quân sự, lực lượng quân sự của Phong trào Papua tự do nhỏ bé, vũ khí thô sơ. Ngoài súng trường các chiến binh còn có cung nỏ. Họ tập hợp nhau lại thành các nhóm nhỏ, dựa vào rừng núi để hoạt động du kích. Họ thường xuyên tấn công vào các cá nhân, các nhóm người không phải là người bản địa. Thỉnh thoảng, họ tập kích vào các công sở, vị trí đóng quân của các lực lượng an ninh Inđônêsia. Khi bị tấn công, họ rút vào rừng sâu hoặc trốn sang bên kia biên giới Papua New Guinea. Năm 1984, lực lượng vũ trang OPM đã tổ chức tấn công vào thủ phủ tỉnh Tây Papua, một thành phố mà những người dân bản địa không chiếm ưu thế. Cuộc tấn công nhanh chóng bị các lực lượng an ninh Inđônêsia dập tắt. Sau thất bại này, hàng nghìn người lo sợ trả thù đã di tản sang bên kia biên giới của nước láng giềng.
Giao tranh giữa hai bên kéo dài hàng thập niên, lúc rộ lên, lúc lắng xuống, làm hàng trăm nghìn người bị chết. Những chiến dịch truy quét, lùng sục kéo dài khiến dòng người tị nạn tăng lên và trở thành vấn đề nhân đạo mà dư luận ngày một quan tâm. Theo thống kê của các tổ chức phi chính phủ, số người nhập cư và sống ở các trại tị nạn Papua New Guinea lên tới 14.000 người vào đầu những năm 1990.
Phong trào đấu tranh của tổ chức li khai dân tộc Papua tự do lên tới đỉnh cao sau khi chiến tranh lạnh kết thúc và sau khi một số lãnh thổ ở Nam Thái Bình Dương giành được độc lập. Đặc biệt, sau khi lực lượng li khai Đông Timo giành được thắng lợi trong cuộc trưng cầu dân ý, thành lập nhà nước Đông Timo.
Các lực lượng vũ trang OPM mở nhiều cuộc tập kích vào các cơ quan, vị trí quân sự, kho tàng. Quân đội Inđônêsia được điều động tới nhằm tăng cường kiểm soát, giữ vững sự ổn định. Các chiến dịch vây ráp, bắt bớ, giết chóc của các lực lượng an ninh như đổ thêm dầu vào lửa khiến cho sự bất bình của người dân bản địa ngày một lên cao. Cuối năm 1996 các lực lượng vũ trang OPM đã bắt giữ nhiều con tin người nước ngoài. Nhiều quốc gia và các tổ chức đã lên án hành động "khủng bố" của OPM. Sau một thời gian thu hút sự chú ý của dư luận và đưa ra những yêu cầu về độc lập, OPM trao trả gần hết số người bị bắt làm con tin. Tháng 7 năm 1998, OPM tiến hành treo lá cờ trên một tháp nước, biểu tượng cho nước Cộng hòa Tây Papua độc lập được các nhà lãnh đạo tổ chức OPM chấp nhận từ những năm 1970. Lá cờ được treo trên tháp nước Kota Biak trên đảo Biak. Quân đội Inđônêsia đã phá hủy tháp nước và tiến hành một cuộc tàn sát trên khắp đảo.
Điểm nổi bật và đáng chú ý nhất là hình thức đấu tranh tuyên truyền, ngoại giao của Phong trào Papua tự do. Những nhà lãnh đạo chính trị, tiêu biểu là Moses Werror, người đã tìm mọi cách tuyên truyền để tranh thủ sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Ông đã kiên trì gửi đơn thỉnh cầu tới nguyên thủ các nước ở Nam Thái Bình Dương, Diễn đàn hợp tác Nam Thái Bình Dương. Ông cũng gửi đơn tới Phong trào không liên kết, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Liên Hợp Quốc phản đối "chính sách thực dân" của Inđônêsia và đề nghị công nhận nền độc lập của dân tộc Tây Papua.
Những vấn đề các nhà lãnh đạo Phong trào Papua tự do đã lưu ý dư luận, thứ nhất đó là các tộc người ở Tây Papua cũng giống như các tộc người ở Papua New Guinea thuộc nhóm ngôn ngữ Mêlanêdi, nhóm dân tộc ở quần đảo Nam Thái Bình Dương; họ có lịch sử, có nền văn hóa, chủng tộc và địa lý không liên quan tới các dân tộc ở Inđônêsia. Người Java khinh miệt họ, gọi họ là những tộc người dã man. Họ thuộc về thế giới châu Đại Dương như Sôlômôn, Phigi, Kiribati, Vanuatu… Thứ hai, cuộc đấu tranh của người dân Tây Papua nhằm để thực hiện quyền dân tộc tự quyết, quyền thiêng liêng của các dân tộc được Hiến chương Liên Hợp Quốc công nhận. Thứ ba, người dân Tây Papua đang bị chủ nghĩa thực dân mới thống trị. Phong trào Papua tự do cho rằng Liên Hợp Quốc đã chuyển giao quyền thống trị từ tay thực dân Hà Lan sang tay thực dân Inđônêsia. Hình thức hợp pháp hóa sự chuyển giao sai trái là Hiệp định New York(1) và Luật lựa chọn tự do năm 1969. OPM chỉ ra nội dung các điều khoản của Hiệp định New York và Luật lựa chọn tự do là những màn kịch giả dối, chỉ tạo điều kiện để hợp pháp hóa việc sáp nhập Tây Papua thành tỉnh thứ 26 của Inđônêsia. Theo OPM, cuộc trưng cầu dân ý theo Luật tự do lựa chọn năm 1969 thực chất là gian dối, lừa bịp, một cuộc trưng cầu mà ngay cả các quan sát viên Liên Hợp Quốc cũng không được chứng kiến và ai cũng biết trước kết quả hết sức đẹp đẽ cho Inđônêsia. Thứ tư, OPM tố cáo Chính phủ Inđônêsia không quan tâm tới quyền lợi của người dân Tây Papua. Những nguồn tài nguyên bị khai thác quá mức, trên phạm vi rộng lớn bởi nhà nước Inđônêsia và các công ty đa quốc gia chỉ đem lại lợi nhuận cho Giacácta và các tập đoàn tư bản độc quyền, trong đó có gia đình Tổng thống Suharto. Ở Tây Papua không có sự phát triển đáng kể nào ngoài sự đói nghèo, bệnh tật, ô nhiễm, tham nhũng. Hàng nghìn người bản địa bị chết vì các chất thải công nghiệp độc hại gây ra. Thứ năm, OPM lên án Chính phủ Inđônêsia đã tước bỏ quyền sở hữu đất đai truyền thống, vi phạm quyền con người, xâm hại nền văn hóa của các tộc người, cấm họ không được treo cờ, hát quốc ca của dân tộc, cấm họ không được hội họp, không được thành lập các đảng phái. Họ bị phân biệt đối xử tàn tệ. Họ bị coi là một vườn thú người (Human Zoo). Họ đang bị Java hóa. Thứ sáu, Chính phủ Inđônêsia được sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới đã thực hiện chính sách nhập cư đầy tham vọng, đưa hàng triệu người từ các đảo Java, Madura, Combok và Bali tới Tây Papua xây dựng các khu kinh tế, các khu định cư. Người dân Tây Papua đã trở thành dân tộc thiểu số trên mảnh đất của chính cha ông họ để lại. Kết quả của chính sách nhập cư không giống như những mục tiêu cao đẹp mà Chính phủ Inđônêsia đã tuyên truyền, nó đẩy hầu hết người dân bản địa ra bên lề  cuộc sống mà nạn nhân đầu tiên là phụ nữ và trẻ em. Thứ bảy, Phong trào Papua tự do phản đối chính sách đàn áp dã man của quân đội Inđônêsia. Hàng chục ngàn người dân vô tội bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn, sát hại. Quân đội Inđônêsia đã dùng máy bay ném bom nhiều vùng, đã sử dụng cả tàu chiến để bao vây, đã mở nhiều cuộc càn quét, lùng sục tới từng làng, từng nhà. Trong các cuộc truy quét rất nhiều người dân bị giết chết và mất tích. Hàng chục ngàn người đã phải rời bỏ nhà cửa chạy sang tị nạn ở nước láng giềng Papua New Guinea.
Với những lý do trên, nhân danh các tộc người ở Tây Papua, phong trào Papua tự do đã thỉnh cầu các tổ chức nhân đạo, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức ân xá quốc tế, các quốc gia hãy vận động và ủng hộ người dân Tây Papua để Liên Hợp Quốc trước hết huỷ bỏ Nghị quyết 2504 ngày 25 tháng 11 năm 1969, xem Tây Papua như là một phần lãnh thổ của Cộng hòa Inđônêsia. Tiếp theo, Liên Hợp Quốc sẽ đưa trường hợp Tây Papua vào danh sách nước được trao trả độc lập, giao cho Uỷ ban 24(1) của Liên Hợp Quốc thực thi. Cuối cùng Phong trào Papua tự do yêu cầu quốc tế hóa lãnh thổ Tây Papua, chuẩn bị những điều kiện tiến tới nền độc lập hoàn toàn, có khả năng hoàn thành vào cuối năm 2000.
Những hoạt động ngoại giao, tuyên truyền của OPM, đặc biệt là của Moses Werror đã có những ảnh hưởng nhất định tới các tổ chức, các đảng phái chính trị trong nước và ngoài nước, nhất là đối với các nước vùng Nam Thái Bình Dương. Trong những cuộc họp và hội thảo về trao trả độc lập cho các vùng lãnh thổ ủy trị do New Papua Guinea và một số nước khác đăng cai, một số tổ chức, các sinh viên sở tại, nhiều đại diện của các tộc người ở Tây Papua tham gia biểu tình, đưa kiến nghị yêu cầu xem xét giải quyết vấn đề Tây Papua. Tuy nhiên những hoạt động ngoại giao, tuyên truyền của OPM không thu được nhiều kết quả. Vì nhiều lý do, Inđônêsia được sự ủng hộ của Mỹ và phương Tây, được Phong trào không liên kết, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Diễn đàn hợp tác Nam Thái Bình Dương ủng hộ. Nhìn chung các tổ chức và các quốc gia đều công nhận chủ quyền thống nhất của Inđônêsia. Nếu vấn đề li khai ở Tây Papua xảy ra nó sẽ tác động xấu không chỉ tới tình hình chính trị Inđônêsia mà còn tác động tới sự ổn định của cả khu vực Đông Nam Á và châu Á. Đó là điều mà tất cả các cường quốc và các quốc gia đều không muốn.
Cuối năm 1999, sau chuyến thăm thủ phủ Jayapura, Tổng thống Wahid đã công khai xin lỗi về việc đàn áp và vi phạm nhân quyền con người của các lực lượng an ninh trong nhiều năm đối với người dân Tây Papua. Việc làm này đã dấy lên một làn sóng biểu tình ở Jayapura và nhiều nơi khác. Để kỉ niệm 38 năm ra tuyên ngụn độc lập, OPM huy động khoảng 800.000 người biểu tình tại các địa điểm khác nhau. Lá cờ của OPM với ngôi sao buổi sáng được kéo lên để biểu thị cho tinh thần độc lập của người dân Papua... Tháng 6 năm 2000 được tiếp sức bởi việc Đông Timo tiến thêm một bước trên con đường độc lập, phong trào Papua tự do triệu tập Đại hội dân tộc Papua, thành lập Hội đồng đoàn chủ tịch Tây Papua. Hội đồng này làm việc như một cơ quan đầu não thống nhất lãnh đạo phong trào li khai đòi độc lập. Thành phần của Hội đồng đoàn chủ tịch bao gồm nhiều nhà lãnh đạo đại diện cho các tầng lớp, các giới, các ngành, các tổ chức như chính trị, tôn giáo, trí thức, công nhân, nông dân… Tháng 10 năm 2000 xung đột bạo lực xảy ra nhiều nơi ở Tây Papua, đáng chú ý nhất là ở thành phố Wamena. Lá cờ của OPM được treo ở trung tâm thành phố. Các lực lượng an ninh của Inđônêsia đã bao vây phong tỏa và bắt giữ 5 thành viên đoàn chủ tịch, trong đó có Chủ tịch đoàn chủ tịch Theys Elay. Tất cả những người bị bắt đều bị kết tội vi phạm luật hình sự vì đã gieo rắc tư tưởng li khai làm ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia. Sự việc này dẫn tới cuộc xung đột đẫm máu giữa người dân bản địa và những người không phải là dân bản địa. Hàng trăm người bị chết và bị thương. Hàng ngàn người phải di dời khỏi thành phố vì lo sợ bị trả thù.
Trước và sau năm 2000, tình hình chính trị ở Inđônêsia diễn ra rất phức tạp. Sau khi chế độ cực quyền của Tổng thống Suharto sụp đổ, Tổng thống Wahid lên cầm quyền đã không kiểm soát được xung đột dân tộc diễn ra ở nhiều nơi. Đông Timo tuyên bố độc lập. Xung đột li khai dân tộc ở Aceh ngày càng trở nên quyết liệt. Xung đột dân tộc giữa hai cộng đồng người Dayak và Madura kéo dài hàng tháng đã làm hàng trăm người thiệt mạng. Tại thành phố Sampit, cách thủ đô Giacácta 700km về phía Đông, riêng ngày 24/2/2001 có 30 thi thể trong đó có cả trẻ em nằm ngổn ngang trước cổng bệnh viện. Nhiều xác chết bị chặt đầu. Các bác sĩ xác nhận trong tuần có tới 165 người bị chết. Con số này sẽ còn tăng lên nhiều vì người Dayak tuyên bố sẽ tiếp tục hành động cho đến khi đuổi hết cộng đồng dân ngụ cư đến từ Madura [26]. Chính quyền đã phải huy động 2 tiểu đoàn quân đội và cảnh sát cơ động đến địa bàn để hỗ trợ lực lượng an ninh khu vực. Trong khi đó, tình hình xung đột ly khai dân tộc ở tỉnh Aceh bắt đầu lên tới đỉnh cao.
Thời Suharto còn cầm quyền, ông thường cho phép lực lượng an ninh dùng vũ lực trấn áp bất kỳ hành động bạo loạn nào, vì vậy kiềm chế được xung đột dân tộc và tôn giáo trong nước. Nhưng từ khi Suharto bị lật đổ, bạo lực bùng phát và lan tràn khắp đất nước. Hầu như mọi nỗ lực của chính quyền Wahid nhằm đối phó với tình hình an ninh đều thất bại. Trong khi đó, trào lưu dân chủ tự do lan tràn trên khắp chính trường Inđônêsia. Các đảng phái đối lập liên tục công kích chính quyền mới. Trong bối cảnh đó một số nhà chính trị và một nhóm quan chức ở Tây Papua đưa ra Đạo luật về quy chế tự trị  đặc biệt cho tỉnh Papua vào tháng 4 năm 2001. Có thể nói đây là bước đột phá để giải quyết vấn đề li khai dân tộc ở Tây Papua. Tổng thống Wahid đã thành lập một uỷ ban xem xét luật tự trị cho Tây Papua và Aceh. Ông chấp nhận về mặt pháp lý Đại hội dân tộc của người dân Tây Papua. Ông cũng là Tổng thống Inđônêsia đầu tiên tới thăm Tây Papua và chấp nhận đề nghị đổi tên tỉnh Irian Jaya trở lại tên cũ là Tây Papua.
Tháng 7 năm 2001, Tổng thống Wahid rời khỏi nhiệm sở. Phó Tổng thống Megawati lên nắm quyền. Về vấn đề Tây Papua, bà có một quan điểm rất rõ ràng. Nếu OPM không chấp nhận quy chế tự trị như Đạo luật về quy chế tự trị đặc biệt cho tỉnh Papua (The Law on special autonomy for Papua province) và nếu OPM không chấm dứt yêu cầu đòi độc lập thì quân đội Inđônêsia sẽ giải quyết vấn đề này. Đa số thành viên của OPM đồng ý thỏa hiệp. Chính quyền của Tổng thống Megawati thụng qua Đạo luật về quy chế tự trị đặc biệt cho tỉnh Tây Papua vào tháng giêng năm 2002.
Toàn văn Đạo luật của nước Cộng hòa Inđônêsia về quy chế tự trị đặc biệt cho tỉnh Papua bao gồm 23 chương, 76 điều. Theo Đạo luật này, Chính phủ Inđônêsia dành cho tỉnh Papua quyền tự trị chưa từng có trước đó, ngoại trừ lĩnh vực quân sự, ngoại giao, tiền tệ. Về mặt chính trị, Papua có một nghị viện, cơ quan lập pháp của tỉnh bao gồm các giới, các ngành, các đảng phái tộc người. Chính quyền tỉnh là cơ quan hành pháp được bầu ra và thực thi quyền lực theo quy định. Cờ của tỉnh, biểu tượng truyền thống văn hóa của người Papua được phép treo bên cạnh lá cờ của quốc gia (thấp hơn một chút).
Về mặt kinh tế, tỉnh có toàn quyền đề ra và thực hiện các kế hoạch phát triển, đầu tư, kể cả việc ký kết với các đối tác nước ngoài. 80% lợi nhuận thu được từ các nguồn dành cho Papua, 20% để lại cho chính quyền trung ương. Mặc dầu vậy, một số thành viên Hội đồng đoàn chủ tịch và lãnh đạo Phong trào Papua tự do vẫn phản đối thỏa hiệp tự trị. Họ tiếp tục đấu tranh đòi độc lập hoàn toàn cho Tây Papua.

 2.1.3. Li khai dân tộc ở Aceh

Aceh là tỉnh cực Tây của Inđônêsia, chiếm khoảng 3% tổng diện tích đất nước. Phần lớn Aceh nằm trong vùng Bắc đảo Sumatra. Dân số hiện nay khoảng trên 4 triệu người. Hầu hết người Aceh thuộc nhóm dân tộc Aceh. Vị trí địa lý của Aceh được người ta gọi là ngưỡng cửa của Inđônêsia. Từ xưa, mọi con đường buôn bán Đông - Tây đều đi qua vùng đất này. Người Aceh đã từng tham gia buôn bán với người Ấn Độ, người Trung Hoa, người Arập rồi với người châu Âu. Vào thế kỷ XIII người Aceh đã tiếp nhận theo Hồi giáo. Thời kỳ hưng thịnh, từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII, Vương quốc Hồi giáo Aceh có ảnh hưởng lớn tới cả vùng. Nông nghiệp là cơ sở kinh tế chính của người Aceh. Họ trồng lúa ở cả ruộng nước và ruộng khô. Ngoài cây trồng là lúa người ta còn trồng các loại cây mía, dừa, ớt, thuốc lá ... Ở ven biển có các làng chài chuyên sống bằng nghề đánh cá. Chăn nuôi ít được chú ý. Các nghề thủ công phát triển, đặc biệt là nghề rèn, dệt, chạm khắc đá, đan lát, làm gốm và nghề đóng thuyền. Hiện nay có một số nhà máy, xí nghiệp chế biến, một vài công ty khai thác dầu khí. Nhìn chung Aceh là một tỉnh chậm phát triển. Nông nghiệp là nguồn thu nhập chính trong tỉnh.
Đại đa số người Aceh sống ở nông thôn. Làng mạc (gampông) của họ gồm vài chục nóc nhà. Nhà ở thường là nhà sàn dài dành cho một gia đình lớn, dọc giữa ngôi nhà sàn lớn là hành lang chung, hai bên là từng buồng của từng gia đình nhỏ. Thức ăn chính của người Aceh là cơm. Đàn ông và đàn bà thích uống rượu, nhai trầu. Ở người Aceh còn giữ lại nhiều dấu vết của các quan hệ thị tộc. Trong hôn nhân, còn giữ lại những nét đặc trưng của chế độ mẫu hệ.
Aceh là một địa điểm Hồi giáo truyền thống. Theo các tài liệu nghiên cứu, nơi đây là một trung tâm Hồi giáo sớm nhất Đông Nam Á. Nó có vai trò quan trọng đặc biệt trong việc truyền bá đạo Hồi ra cả vùng và cả khu vực. Từ xưa đến nay, Aceh vẫn được coi là ngưỡng cửa vào Aceh của toàn Inđônêsia. Aceh có lịch sử đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm. Năm 1520 người Aceh đã đương đầu thành công với thực dân Bồ Đào Nha để bảo vệ nền độc lập. Năm 1873 khi thực dân Hà Lan xâm chiếm, người dân Aceh đã kiên cường đấu tranh chống lại ách thực dân Hà Lan cho tới những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ngay từ khi Inđônêsia giành được độc lập, những lãnh tụ Hồi giáo đã kích động các hoạt động vũ trang để xúc tiến thành lập một nhà nước Hồi giáo. Năm 1953 một nhóm người đã vận động thành lập nước “Cộng hòa Hồi giáo” trên toàn lãnh thổ Inđônêsia (cuộc nổi dậy này kết hợp với các cuộc nổi dậy khác ở Tây Java và Nam Sulawesi). Chính phủ Inđônêsia đã điều động quân đội đến trấn áp để bảo vệ sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Sau tám năm xung đột kéo dài, bạo lực mới tạm lắng xuống. Năm 1959 Aceh giành được thắng lợi buộc Chính phủ Inđônêsia ký một hiệp định mở rộng quyền tự trị như một đặc khu tự trị với những quyền tự trị rộng rãi về tôn giáo, phong tục tập quán, luật pháp và giáo dục. Nhưng trong nhiều năm sau đó, những cam kết của chính quyền trung ương đã không được thực hiện đầy đủ. Vì thế sự bất ổn ở Aceh vẫn xảy ra thường xuyên. Các giáo sĩ và các lãnh tụ tinh thần cho rằng chính quyền không tôn trọng phong tục tập quán địa phương. Họ bức xúc về việc chính quyền bỏ rơi không chú ý đầu tư phát triển kinh tế, coi thường truyền thống, lòng nhiệt tình của người dân Aceh với đạo Hồi. Một nhóm li khai có vũ trang gọi là Phong trào Aceh tự do (Gerakan Aceh Merdeka - GAM) ra đời vào giữa những năm 1970. Năm 1976 Phong trào Aceh tự do tuyên bố Aceh là một tỉnh độc lập và kêu gọi dân chúng Aceh chống lại đường lối chính sách của chính phủ.

2.1.3.1. Lãnh tụ phong trào

Tengku Hasan Di Tiro được coi như người sáng lập ra Phong trào Aceh tự do, Chủ tịch Phong trào Aceh tự do, người đứng đầu "nhà nước Aceh" ở hải ngoại. Ông sinh ngày 4 tháng 9 năm 1930 trong một gia đình dòng dõi hoàng gia, có truyền thống chống giặc ngoại xâm. Ông theo học ở trong nước và nước ngoài. Ông đã đạt được học vị cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ở các trường đại học Mỹ như Colombia, Fordham về khoa học, kinh tế, chính trị, quản lý và luật quốc tế. Ông là một nhà kinh doanh nổi tiếng, đứng đầu một công ty lớn hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư ngân hàng, dầu khí, nông nghiệp, vận tải biển...
Vào năm 1946 khi Tengku Hasan mới 16 tuổi, ông đã viết sách nói về phong trào độc lập, những nghiên cứu và phân tích về cuộc cách mạng Pháp, cuộc đấu tranh cho độc lập của người Ailen, Vênêduêla, Côlômbia và người Thổ Nhĩ Kỳ. Những nghiên cứu này chắc chắn đã ảnh hưởng đến tư tưởng dân tộc và ý thức về một nhà nước tự do. Năm 1947 ông cho xuất bản cuốn sách những nguyên tắc của một nhà nước Hồi giáo. Năm 1948 ông hoàn thành cuốn "Cuộc chiến tranh Aceh - Hà Lan"[38].
Điều đáng chú ý nhất là vào năm 1958, Tengku Hasan đã viết cuốn "Nền dân chủ cho Inđônêsia" bằng hai thứ tiếng, tiếng Mã Lai và tiếng Anh. Trong cuốn sách ông đã yêu cầu giải tán nhà nước thống nhất kiểu Java và thay thế vào đó là chế độ liên bang như người Hà Lan trước đó đã từng đề cập đến. Kết thúc cuốn sách ông kết luận: Nếu chính quyền Inđônêsia không thực hiện kiểu nhà nước liên bang và trao quyền rộng rãi cho các bang thì phong trào li khai giữa các dân tộc trên đất nước vạn đảo này và người Java sớm muộn cũng sẽ xảy ra. Từ giữa những năm 1960, Tengku Hasan thay đổi hẳn lập trường chính trị. Ông muốn tách Aceh ra khỏi Inđônêsia. Tư tưởng này thể hiện rõ trong cuốn sách "Tương lai chính trị của thế giới Mã lai". Thông qua tác phẩm này, ông lên tiếng yêu cầu quyền dân tộc tự quyết và đòi chấm dứt "ỏch thực dân Java". Năm 1968, Tengku Hasan cho ra mắt độc giả tác phẩm "Aceh trong đôi mắt của thế giới". Trong tác phẩm, ông đã phân tích vị trí và vai trò của nhà nước Aceh qua các thời kỳ lịch sử với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền.
Với tư cách là một tác giả và một nhà chính trị, Tengku Hasan đã viết hơn hai chục cuốn sách về chính trị, lịch sử, luật pháp. Trong số đó có tác phẩm "Những sự kiện lịch sử Aceh tự trị 1873-1978". Tác phẩm này được ông viết trong rừng rậm Aceh lúc rảnh rỗi sau những trận chiến đấu với quân đội và cảnh sát Inđônêsia. Ông dịch bản "Tuyên ngôn độc lập Aceh" ngày 9 tháng 11 năm 1976 sang tiếng Mã lai và tiếng Anh. Với tác phẩm này, ông đã bị chính quyền kết án tử hình. Mặc dù bị săn lùng gắt gao nhưng ông được những người dân Aceh trung thành bảo vệ, vẫn sống an toàn và trở thành nhà lãnh đạo trực tiếp lực lượng vũ trang của Phong trào Aceh tự do, người đứng đầu nhà nước Aceh li khai.
Vào đầu năm 1980, Tengku Hasan trốn ra nước ngoài. Các phương tiện thông tin đại chúng dựa vào những nguồn tin không chính xác nhiều lần đưa tin ông bị chết. Thực tế ông vẫn chỉ đạo cuộc chiến li khai trong nước, tiến hành hoạt động chính trị, ngoại giao, diễn thuyết ở bên ngoài như Mỹ, Bồ Đào Nha, Thụy Điển... Từ cuối những năm 1980 đến những năm 1990, ông trực tiếp lên lớp cho nhiều khóa huấn luyện thanh niên trẻ Aceh ở nước ngoài. Ông nhận ra rằng để giành được độc lập hoàn toàn, nếu chỉ dựa vào cuộc đấu tranh chính trị và vũ trang ở bên trong thì không đủ. Phong trào li khai dân tộc còn phải được sự ủng hộ của các nước trên thế giới, đặc biệt là sự ủng hộ của các cường quốc, các tổ chức khu vực và Liên Hợp Quốc.
Điểm đáng chú ý là vào năm 1991, Uỷ ban nhân quyền Liên Hợp Quốc cho phép Tengku Hasan phát biểu trong một cuộc họp của tổ chức này. Đến năm 1993, ông giành được sự ủng hộ của Uỷ ban nhân quyền Liên Hợp Quốc khi đề cập đến vấn đề quyền con người trong cuộc xung đột ở Aceh. Nghị quyết về nhân quyền thông qua ngày 17/8/1993 đã lên án sự vi phạm quyền con người của Chính phủ Inđônêsia, trong đó có sự ủng hộ của đại biểu các nước Anh, Pháp, Mỹ, Australia... Điều khá lý thú là nghị quyết thông qua trùng với ngày quốc khánh của Inđônêsia.
Năm 1994, nhân danh cuộc đấu tranh của người Aceh, Tengku Hasan lại giành được thắng lợi khi Uỷ ban nhân quyền Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết lên án Chính phủ Inđônêsia. Năm 1998, Uỷ ban nhân quyền Liên Hợp Quốc tiếp tục thông qua một nghị quyết có nội dung tương tự như các nghị quyết trước... Tất cả những hoạt động ở bên ngoài của Tengku Hasan đã thu hút nhiều sự chú ý của dư luận thế giới, đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức nhân quyền. Nó đã làm mất đi phần nào uy tín của Chính phủ Inđônêsia trên các diễn đàn quốc tế. Ngoài Hasan còn có 2 nhân vật đáng chú ý nữa là: Malik Mahmood và Zaini Abdullah, những người tự nhận là “Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao” của nhà nước Aceh tự do.
2.1.3.2. Những diễn biến chính của phong trào
Xung đột li khai dân tộc ở Aceh bắt đầu từ ngày 4 tháng 4 năm 1976 khi Hasan tuyên bố Aceh độc lập. Hasan cùng với mười một đồng chí của mình, những người đã từng tham gia vào cuộc nổi dậy thành lập một nhà nước Hồi giáo ở Inđônêsia vào năm 1953, đưa ra cái tên Gerakan Aceh Merdeka (GAM) hay còn gọi là Phong trào Aceh tự do. Không lâu sau khi tuyên bố độc lập, lực lượng tham gia Phong trào Aceh tự do bắt đầu tập kích vào các đồn cảnh sát, doanh trại quân đội. Họ bắt giữ các nhân viên dân sự làm việc cho chính quyền trung ương, những người bị tình nghi là chỉ điểm. Vào đầu những năm 1980, lực lượng an ninh Inđônêsia tập trung đánh bại GAM trên chiến trường. Ban lãnh đạo GAM buộc phải trốn ra nước ngoài và cư trú ở Thụy Điển.
Vào giữa và cuối những năm 1980, GAM đã phục hồi địa vị chính trị, tăng cường sức mạnh quân sự. Trong thời gian này, khoảng 400 chiến binh Aceh đã được gửi tới Libi tham dự lớp đào tạo quân sự. Tại Libi, Hasan trực tiếp tham gia giảng bài. Đội quân tiên phong này trở về nước thực sự đã trở thành lực lượng nòng cốt về quân sự cho Phong trào Aceh tự do. Năm 1989, GAM đã đủ mạnh để thách thức chính quyền trung ương. Nó thường xuyên tấn công vào các lực lượng an ninh bao gồm cả quân đội và cảnh sát. GAM tiến hành các hoạt động bắt cóc, ám sát quan chức dân sự có liên quan tới chính quyền trung ương, đồng thời đốt phá nhà máy, xí nghiệp trung ương trên địa bàn tỉnh Aceh. Đáp lại, chính quyền trung ương đã tiến hành những hoạt động quân sự mạnh mẽ nhằm kiểm soát và ngăn chặn phong trào li khai của GAM.
Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, hoạt động quân sự của GAM dường như lắng xuống. Chính phủ của Tổng thống Suharto đã kiểm soát được tình hình ở tỉnh này. Tổng thống đã sử dụng một lực lượng lớn quân đội đàn áp phong trào li khai ở Aceh. Trong khoảng gần 10 năm, hàng nghìn người bị sát hại, bị mất tích, bị bắt bớ giam cầm. Quân đội và cảnh sát Inđônêsia đã thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn, vi phạm nghiêm trọng nhân quyền. Cũng chính vì thế, nhiều người dân Aceh đã phẫn uất, chống trả quyết liệt những chính sách thô bạo của chính phủ. Báo chí trong ngoài nước đã phanh phui nhiều vụ việc các lực lượng an ninh sát hại tập thể dân làng trong đó có cả người già, phụ nữ, trẻ em.
Tháng 5 năm 1998 Tổng thống Suharto đã phải rút khỏi cương vị tổng thống vì những rối loạn chính trị sau khủng hoảng kinh tế tài chính. Sự phản đối của các phe phái đối lập, của các lực lượng dân chủ và của chính những người dân trên khắp Inđônêsia về những hành động tàn bạo, những vi phạm quyền con người đã buộc Tướng Wiranto, người đứng đầu lực lượng quân đội Inđônêsia phải công khai xin lỗi về những việc làm thái quá từ năm 1989 đến năm 1998. Chính phủ mới của Inđônêsia buộc phải bãi bỏ các hoạt động quân sự ở Aceh, đồng thời hứa rút quân đội ra khỏi Aceh. Tuy nhiên, hòa bình không đến với người dân Aceh. GAM đã kích động tinh thần dân tộc, tận dụng những sai lầm của chính quyền trung ương và quân đội, phát động những cuộc tấn công trả thù để thực hiện mục tiêu li khai. Cuộc xung đột vũ trang lại bắt đầu.
Vào giữa năm 1999, tổ chức GAM bắt đầu bị chia rẽ khi một nhánh ở Kualalumpur (Malaysia) cắt đứt quan hệ với bộ phận lãnh đạo ở Thụy Điển. Người ta cho rằng dường như có sự bất đồng chính kiến về việc thành lập chính phủ sau khi Aceh giành được độc lập. Những mâu thuẫn trong nội bộ đã làm cho GAM suy yếu. Hasan muốn xây dựng một vương quốc Hồi giáo giống như mô hình Brunây, còn các nhóm ở Kualalumpur thì muốn Aceh trở thành một nhà nước Hồi giáo hiện đại. Tuy nhiên phía GAM lại phủ nhận điều này. Họ tuyên bố rằng không có một phe phái nào ở trong GAM. Chỉ có một người đứng đầu Phong trào Aceh tự do là Hasan, một phong trào đã kiểm soát được trên 90% lãnh thổ Aceh và đang lan dần ra cả khu vực Sumatra. Họ cho biết vấn đề mâu thuẫn giữa họ là tự do cho Aceh hay cho cả đảo Sumatra. Hasan kêu gọi thành lập  một liên bang cho các dân tộc ở trên hòn đảo này giống như ở một số nước Bắc Âu. Liên bang Sumatra sẽ tách khỏi nhà nước Inđônêsia, trong đó có các nhà nước dân tộc như nhà nước Riau, nhà nước Lampaung, nhà nước Batak, nhà nước Aceh [36]...
Được khích lệ bởi thắng lợi của cuộc trưng cầu dân ý về tương lai độc lập ở Đông Timo(1), tất cả các lực lượng ở Aceh, trong đó GAM là nòng cốt đã phát động một phong trào rộng khắp chưa từng có, đòi chính quyền trung ương cho tiến hành trưng cầu dân ý về tương lai của Aceh. Những cuộc diễu hành hòa bình liên tục diễn ra từ tháng 10 năm 1999. Đỉnh cao là ngày 8 tháng 11 năm 1999 với sự tham gia của gần một triệu người, tức một phần tư dân số Aceh, đại diện cho tất cả các tổ chức, lực lượng chính trị, công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên diễu hành chật kín đường phố thủ phủ Banda Aceh. Gần như toàn bộ bộ máy chính quyền cơ sở ở Aceh bị tê liệt. Chỉ tính riêng ở huyện Pidie đã có tới 800 trong tổng số 948 người đứng đầu ở các làng từ chức. Cũng trong thời gian này, GAM đã kêu gọi tất cả bộ máy viên chức trong khu vực hành chính nhà nước địa phương Aceh đình công. Ở nhiều huyện trong tỉnh Aceh, các cơ quan chức năng ngừng hoạt động. Ở một số thị trấn, các tòa án không xét xử được vụ việc nào vì các quan tòa bỏ nhiệm sở.
Chính phủ Inđônêsia không thể chấp nhận yêu cầu của người dân Aceh. Bởi lẽ nếu cho phép tiến hành trưng cầu dân ý ở Aceh tình hình sẽ lặp lại như ở Đông Timo. Đa số người dân sẽ bỏ phiếu tán thành độc lập. Khi đó, vấn đề Aceh chắc chắn bị quốc tế hóa và toàn bộ đất nước Inđônêsia sẽ chìm ngập trong làn sóng li khai dân tộc. Nếu như vậy, kịch bản phân rã Liên bang Xô Viết và Liên bang Nam Tư sẽ lại xảy ra ở đất nước có tới trên vạn đảo này.
Trong tình hình cực kỳ phức tạp như vậy, Chính phủ Inđônêsia đã điều động 30.000 cảnh sát, quân đội và các lực lượng đặc nhiệm khác phát động chiến dịch chống lại một cách quyết liệt. Tất cả các cuộc tuần hành đều bị giải tán. Từ thành thị tới nông thôn bao trùm một không khí căng thẳng bởi lực lượng an ninh Inđônêsia và tiếng súng đạn. Theo GAM và các tổ chức nhân quyền, khoảng 5 nghìn người bị sát hại trong thời gian này.
Sau sự kiện biểu tình chính trị trên, dư luận thế giới bắt đầu lên tiếng chỉ trích chính sách đàn áp của Inđônêsia. Nhiều tổ chức phi chính phủ và tổ chức nhân đạo tìm mọi cách ép hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Nhiều nhà trung gian hòa giải hoạt động như những con thoi giữa Chính phủ Inđônêsia và GAM. Đã xuất hiện những cơ hội hòa bình cho người dân Aceh.
Năm 2000 Tổng thống Wahid đưa ra sáng kiến đối thoại với GAM và GAM cũng đã đáp ứng tích cực sáng kiến của ông. Cả hai phía đạt được một thỏa hiệp ngừng bắn nhân đạo ít nhất trong một thời gian. Hai bên cũng ký kết vào văn bản thỏa thuận chung về việc tạm dừng nhân đạo (Humanitarian Pause) ở Aceh [38]. Mục đích của thỏa thuận này nhằm tạo điều kiện cho dòng viện trợ nhân đạo của quốc tế đến được tới dân chúng và những nơi cần thiết. Với sự trung gian hòa giải của Trung tâm Henri Dunant, một tổ chức nhân đạo phi chính phủ có cơ sở ở Thụy Sĩ, hai bên đã có được những hiểu biết chung, cùng thống nhất một số biện pháp xây dựng lòng tin trên cơ sở đối thoại. Chiều hướng này được nhiều người dân ở Aceh mệt mỏi vì chiến tranh hoan nghênh. Tuy nhiên nó lại không làm thỏa mãn một số chính khách ở Giacácta.
Người được cử đi đàm phán để tiến tới một hiệp định với GAM ở Giơnevơ là Hasan Wirajuda. Quyết định đối thoại của Tổng thống Wahid và Bộ trưởng Ngoại giao Inđônêsia đã bị nhiều người trong nội các chỉ trích. Họ cho rằng đó là một sai lầm nghiêm trọng. Thương lượng với GAM nghĩa là tạo điều kiện cho GAM giành được thắng lợi về mặt ngoại giao. Thương lượng với GAM dù là thương lượng kín thì Chính phủ Inđônêsia vẫn phải công nhận GAM là một lực lượng chính trị, một đối tác. Một số nhà lập pháp, một số học giả và giới quan sát trong ngoài nước cũng như các phương tiện thông tin đại chúng coi các cuộc hội đàm ở Giơvenơ là biểu tượng cho việc quốc tế hóa vấn đề Aceh. Sự phản ứng của chính giới Inđônêsia cũng dễ hiểu khi người ta liên tưởng đến hậu quả tai hại của việc quốc tế hóa vấn đề Đông Timo.
Mặc dầu bị chỉ trích nhưng Tổng thống Wahid vẫn kiên trì theo đuổi đường lối đối thoại với GAM. Tháng giiêng năm 2001, hai bên đã đạt được một thỏa thuận chung bao gồm nhiều điều khoản mở ra khả năng dàn xếp vấn đề ở Aceh, trong đó có việc kiểm soát bạo lực, tiến hành những biện pháp xây dựng lòng tin. Vào giữa năm 2001, phía Chính phủ Inđônêsia đưa ra đề nghị về một nền tự trị đặc biệt cho Aceh. Hai bên đồng ý đối thoại không chính thức về chi tiết tất cả các lĩnh vực cụ thể của Aceh, kể cả vấn đề lực lượng vũ trang của GAM.
Song song với đường lối đối thoại, chính quyền của Tổng thống Wahid vẫn tăng cường chi viện quân sự cho lực lượng an ninh nhằm đối phó với tình trạng khẩn cấp tại tỉnh này. Thậm chí,  Tổng thống Wahid còn trao cho quân đội nhiều quyền hơn để tiến hành các “hoạt động an ninh có giới hạn” nhằm hạn chế các hoạt động của GAM. Giacácta không muốn cắt giảm các hoạt động quân sự vì cho rằng đó là cách tốt nhất để chấm dứt các hoạt động li khai. Còn GAM và người dân Aceh lại lo sợ chính quyền trung ương tăng cường quân sự có thể kéo họ trở về những ngày đen tối DOM(1). Trong thập kỷ DOM, quân đội Inđônêsia đã tiến hành những cuộc tấn công đẫm máu bất thành nhằm chấm dứt các hoạt động li khai.
Để đối phó lại, GAM đe dọa sẽ đuổi tất cả những người không có gốc gác gì ở Aceh ra khỏi tỉnh này. Kết quả là bảy tháng sau đó, từ tháng 7 năm 2001 đến tháng 2 năm 2002, các cuộc đối thoại không tiến triển bởi những cuộc đụng độ giữa hai bên ngày một gia tăng. Có khoảng năm nghìn vụ vi phạm của cả hai bên. Lý do là GAM không thỏa mãn với nền tự trị. Họ muốn có một Aceh độc lập hoàn toàn. Một lý do khác nữa là Tổng thống kế vị Megawati, người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn hơn Tổng thống Wahid lên cầm quyền.
Hiện tượng li khai dân tộc ở Aceh và Tây Papua thực sự là vấn đề nổi cộm trong nền chính trị Inđônêsia. Dư luận quốc tế đều hết sức quan tâm. Các nước Đông Nam Á, các nước mà Inđônêsia có quan hệ, các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là Mỹ đều ủng hộ mạnh mẽ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Inđônêsia. Trong khi đó GAM không có sự ủng hộ từ bên ngoài trừ một số tổ chức phi chính phủ. Bản thân GAM cũng không phải là lực lượng duy nhất ở Aceh(2). Có những chiều hướng diễn biến khác nhau trong xã hội Aceh. Tuy nhiên, sự quan tâm của cộng đồng quốc tế về tình hình xung đột bạo lực, vi phạm nhân quyền ở cả hai phía đã trở thành sức ép mạnh mẽ nhằm chấm dứt sự xung đột, thiết lập hòa bình ổn định cho tỉnh này.
Cho đến tháng 2 năm 2002 đã có khoảng trên 10.000 người bị chết trong các cuộc giao tranh xung đột. Bình quân mỗi ngày có tới 5 người bị sát hại. Liên Hợp Quốc đã cảnh báo cả hai phía về một thảm họa nhân đạo. Hàng chục ngàn người tị nạn ùn tắc trong tỉnh Aceh. 60 ngàn học sinh không đến được trường học. Các hoạt động sản xuất đình đốn. Đời sống kinh tế, xã hội của một tỉnh giàu tài nguyên bị thiệt hại nghiêm trọng. Trong khi đó, tình hình xung đột ở Molucca, miền Trung Sulawesi đã được giải quyết một cách hòa bình. Hai bên buộc phải tiếp tục nối lại các cuộc đối thoại dưới sự trung gian hòa giải của Trung tâm Henri Dunant. Cả hai bên đều có cố gắng ký kết một hiệp định tạm thời, bao gồm những điểm thỏa hiệp để đi đến việc thành lập một hội đồng đối thoại chính trị với năm thành viên mỗi bên.
Những người đàm phán đưa ra một bản dự thảo cho việc thương lượng. Bản dự thảo này thừa nhận lòng mong muốn của người dân Aceh là được tự quản lý chính mình trong hòa bình, tự do và dân chủ. Điều này sẽ đạt được qua ba bước. Thứ nhất, xung đột sẽ chấm dứt, hòa bình được thiết lập trong một giai đoạn chuyển giao. Nền tự trị đặc biệt sẽ được chấp nhận như là giải pháp cuối cùng nhằm chấm dứt xung đột. Thứ hai, trong giai đoạn chuyển giao, hai bên chấm dứt sự thù địch, xây dựng lòng tin để cuộc sống của người dân trở lại bình thường với sự giúp đỡ của Chính phủ Inđônêsia và cộng đồng quốc tế. Thứ ba, một cuộc đối thoại toàn diện về tất cả các vấn đề, bao gồm cả vấn đề về GAM sẽ được thực hiện thông qua thương lượng hòa bình.
Quy chế tự trị đặc biệt dành cho Aceh sẽ được Chính phủ Inđônêsia chấp nhận bằng văn bản pháp luật. Sau khi hoàn thành tất cả các bước trên, Aceh tiến hành tổng tuyển cử. Các thành viên của GAM được tham gia ứng cử trong cuộc bầu cử của quốc gia. Hai bên đã thảo luận một cách chi tiết bản dự thảo ba bước trên trong cuộc họp tháng 2 năm 2002. Song cuối cùng phía GAM không ký tuyên bố chung kết thúc đàm phán bởi những vướng mắc về việc sử dụng luật Hồi giáo ở Aceh. Mặc dầu vậy, các nhà đàm phán đều coi văn kiện đạt được trong tháng 2 như là một bản lộ trình hòa bình tiến tới chấm dứt thù địch, hòa giải dân tộc.
Cuộc họp giữa hai bên được tiếp tục tiến hành vào đầu tháng 5 năm 2002. Trung tâm Henri Dunant đưa ra một văn bản dự thảo và được cả hai bên chấp nhận. Ngày 10 tháng 5 năm 2002 hai bên đã ký tuyên bố chung xác nhận những nội dung các điều khoản gần giống như nội dung các điều khoản đã ký kết trong tháng 2. Nhưng khó khăn lại nảy sinh do cả hai bên đều giải thích nội dung các điều khoản về luật Hồi giáo ở Aceh một cách khác nhau. Chính phủ hiểu rằng GAM cam kết coi luật Hồi giáo ở Aceh là điểm xuất phát, còn phía GAM lại cho rằng đó chỉ là điểm đầu tiên cần được thảo luận. Thực chất điều làm cho tình hình xấu đi là do những hoạt động bạo lực của GAM gia tăng, đặc biệt là những hoạt động phá hoại cơ sở hạ tầng, làm tổn hại đến tài sản và những người dân vô tội, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Về phía các lực lượng an ninh Inđônêsia, họ cũng đáp trả lại bằng việc điều động thêm nhiều binh sĩ tới những điểm nóng, chống lại mạnh mẽ các hoạt động du kích của GAM, gây tổn hại đến tài sản và những người dân vô tội, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Tiến trình hòa bình lại đi vào thế bế tắc.
Cuộc họp thứ ba dự định tiến hành vào tháng 7 năm 2002 đã không được thực hiện và tình hình ở Aceh trở nên xấu đi. Ngày 19 tháng 8 năm 2002, Chính phủ Inđônêsia chủ động đưa ra một chính sách mới về Aceh. Chính phủ chấp nhận nối lại đàm phán sau tháng Ramadan, chấp nhận đề nghị quy chế tự trị đặc biệt như là một điều kiện tiên quyết cho việc đàm phán. Nếu GAM vẫn không chấp nhận thì sẽ phải đương đầu với một cuộc tấn công toàn diện của các lực lượng an ninh. Trong thực tế, GAM không trở lại bàn thương lượng. Ở Aceh xung đột bạo lực tiếp tục leo thang cướp đi mạng sống của rất nhiều người. Đích thân Bộ trưởng An ninh Inđônêsia Sulilô Bambang Yudhoyono đã phải đến Aceh. Nhà lãnh đạo này áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn và gọi GAM là một tổ chức khủng bố…
Vào đầu tháng 9 năm 2002, Chính phủ Inđônêsia đưa ra một dự thảo mới cho việc chấm dứt thù địch. Tổ chức trung gian hòa giải Henri Dunant đã xem xét kỹ và chấp nhận làm cầu nối để Chính phủ Inđônêsia và GAM thương lượng. Henri Dunant tiến hành một loạt cuộc đối thoại với đại diện Chính phủ Inđônêsia và với GAM ở Singapo, Paris, Giơnevơ và Stockhôm. Ngày 19 tháng 11 tổ chức này thông báo hai bên chấp nhận ký một hiệp định mặc dù còn một vài điểm bất đồng. Ngày 9 tháng 12 năm 2002, hai bên chấp nhận thành lập Uỷ ban an ninh chung gồm 150 thành viên để kiểm soát việc chấm dứt bạo lực, điều tra những vụ vi phạm và tiến hành những biện pháp thích hợp nhằm đem lại hòa bình cho Aceh.
Tổ chức trung gian hòa giải Henri Dunant tin tưởng chắc chắn việc ký kết sẽ được tiến hành theo kế hoạch dự định. Dù có một số trở ngại nhưng với sự nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Quỹ Tiền tệ quốc tế,  các nhà tài trợ tái thiết Aceh sau khi hai bên ký kết hiệp định, hai bên đến Tôkyô ngày 3 tháng 12 năm 2002. Tham dự hội nghị còn có một số nước khác như Cannada, Đan Mạch, Đức, Malaysia, Ôxtrâylia, Philippin, Thái Lan…
Việc tổ chức Hội nghị Tôkyô chứng tỏ mối quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế tới tình hình an ninh chính trị bất ổn ở Inđônêsia mà chủ yếu là giải quyết vấn đề li khai dân tộc ở Aceh. Nếu hiện tượng li khai ở Aceh được giải quyết một cách êm thấm nó sẽ làm dịu đi những hiện tượng li khai khác ở Inđônêsia nói riêng và ở các nước Đông Nam Á nói chung. Với Inđônêsia, những giải pháp đối nội hợp lý về Aceh sẽ phục hồi được uy tín trên trường quốc tế và thu hút được sự đầu tư phát triển ở bên trong cũng như bên ngoài.
Hiệp định hòa bình và tái thiết Aceh đã được các bên tham gia ký kết ở Tôkyô. Nhiều phái đoàn được gửi tới Aceh để đánh giá thực tế nhu cầu phục hồi kinh tế, xã hội. Các nước và các tổ chức tham gia tái thiết tăng cường tín dụng trợ giúp nhân đạo, ủng hộ công cuộc giải giáp lực lượng tham chiến, cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ công tác giáo dục và xây dựng cơ sở hạ tầng. Chính phủ Inđônêsia cũng phối hợp với các nhà tài trợ để đảm bảo nguồn tài chính tới được các cơ sở ở Aceh càng nhanh càng tốt.
Tiếp theo đó, thỏa thuận chấm dứt xung đột thù địch được hai bên chấp nhận ngày 9 tháng 12 năm 2002 ở Giơnevơ. Đây là thắng lợi quan trọng đối với cả hai phía vì lợi ích hòa bình chung. Nhưng thỏa thuận này không phải là thắng lợi cuối cùng. Hai bên phải làm việc hết sức để đảm bảo hòa bình ổn định lâu dài ở Aceh. Thỏa thuận mới đưa ra một giai đoạn hai tháng, trong đó hai bên biểu lộ cam kết đi tới hòa bình bằng việc giảm bớt lực lượng vũ trang, chuyển lực lượng vũ trang về vị trí phòng thủ, phi quân sự hóa các khu vực xác định. Sau giai đoạn hai tháng này, GAM sẽ xác định vị trí giao nộp vũ khí. Việc giao nộp vũ khí được hoàn tất trong vòng 5 tháng. Sau đó hai bên sẽ chuẩn bị cho việc thương lượng toàn diện, trong đó có cả việc thông qua Dự luật đặc khu tự trị Hồi giáo Aceh.
Đầu tháng giêng năm 2003, con đường hòa bình bắt đầu trải qua những chặng khá gập ghềnh. Có nhiều sự việc phụ thuộc vào sự giải quyết khéo léo, từng trải của Uỷ ban an ninh hỗn hợp dưới sự chỉ huy của Tướng Tuvinan người Thái Lan và cấp phó của ông, người Philippin là Lomodag. Kể từ ngày 30 tháng 12 năm 2002 tới cuối tháng 2 năm 2003 đã có khoảng 50 sự kiện đụng độ xảy ra giữa lực lượng an ninh Inđônêsia và lực lượng GAM. Uỷ ban an ninh trở thành nơi nhận báo cáo đổ lỗi của hai bên mặc dù cả hai đều vi phạm thỏa thuận. Một vụ việc đáng chú ý là GAM phản đối những quan sát viên người Philippin trong Uỷ ban an ninh hỗn hợp với lý do Chính phủ Philippin đang chống lại những lực lượng li khai Moro và Chính phủ Philippin đã phá vỡ một hiệp định hòa bình với một nhóm li khai khác vào năm 1996, nên các quan sát viên không thể không thiên vị với lực lượng an ninh Chính phủ Inđônêsia. Vụ việc trên đã được giải quyết một cách êm thấm bằng việc thay các quan sát viên người Philippin bằng người Thái Lan.
Kết quả chung về việc sẽ ký kết một thỏa hiệp hòa bình đã đem lại một không khí lạc quan trong tỉnh Aceh. Mọi người hy vọng hòa bình có thể có trong tầm tay. Thực tế chứng minh súng đạn trong mấy chục năm qua không đem lại sự bình yên. Cuộc xung đột vũ trang kéo dài từ giữa những năm 1970 đã làm trên 10.000 người chết mà phần lớn nạn nhân lại là dân thường. Người dân Aceh muốn có hòa bình. Nếu tiến trình hòa bình sụp đổ thì sẽ là nỗi thất vọng to lớn chung.
Ở Giacácta, chiều hướng ký kết thỏa hiệp hòa bình đã được tất cả các đảng phái nhiệt liệt chào mừng, dù đây đó người ta vẫn còn nghi ngại. Tổng thống Megawati biểu lộ sự cam kết tôn trọng thỏa hiệp bằng việc đến thăm Aceh ngay sau khi việc ký kết được hoàn tất. Các cơ quan của Liên Hợp Quốc cũng đến Aceh để đánh giá nhu cầu phục hồi ở trong tỉnh. Công cuộc tìm hiểu ban đầu để trợ giúp việc xây dựng lại các bệnh viện, trường học, cơ sở hạ tầng đã được xúc tiến. Giacácta cũng tổ chức nhiều nhóm cứu trợ nhân đạo. Chính phủ cam kết dành ưu tiên cho hàng trăm ngàn gia đình Aceh bị mất nhà cửa. Uỷ ban an ninh hỗn hợp phối hợp tăng cường công tác kiểm tra việc ngừng bắn. Bạo lực xung đột bắt đầu giảm. Chiều hướng tích cực ở Aceh đã tạo được động lực to lớn cho tiến trình hòa giải. Song tiến trình đàm phán thì vẫn cứ sa lầy. Và chính điều này lại tác động tiêu cực đến thực tế chiến trường.
Giữa năm 2003, các lực lượng an ninh Inđônêsia và GAM lại kết tội nhau về việc vi phạm lệnh ngừng bắn. Có một số báo cáo đáng sợ về tình trạng vi phạm nhân quyền của Uỷ ban an ninh hỗn hợp. Phía Chính phủ Inđônêsia đã phủ nhận những thông tin đó. Và chiến sự lại tiếp tục gia tăng. Uỷ ban an ninh hỗn hợp phải rút khỏi những nơi nguy hiểm. Chính phủ Inđônêsia cho rằng Uỷ ban hỗn hợp làm việc thiếu hiệu quả trước những hành động tiêu cực của GAM. Trong thực tế, GAM tập hợp quần chúng kiên trì đấu tranh đòi độc lập. GAM tiến hành chiến dịch thông tin nhằm tuyên truyền tới dân chúng tư tưởng dân tộc hẹp hòi, thúc đẩy một nhận thức chung là cuối cùng Aceh sẽ giành được một thỏa hiệp độc lập. Quyết tâm của những người lãnh đạo lực lượng li khai dân tộc gần như không thay đổi. Họ đã tiến hành chiến dịch tuyển chọn một lực lượng chiến binh từ tất cả các làng quê để tăng cường sức mạnh quân sự cho trận chiến quyết định. Nhiều phương tiện vũ khí và quân trang quân dụng từ bên ngoài được tuồn vào Aceh. GAM tiếp tục xây dựng và mở rộng cơ cấu chính trị chân rết ở các vùng nông thôn, cạnh tranh và vô hiệu hóa việc quản lý của chính quyền hợp pháp, tạo ra tình trạng hai chính quyền cơ sở song song cùng tồn tại. GAM còn chính thức đặt ra chế độ thuế của nhà nước Aceh tự do. Chính phủ Inđônêsia đã gọi hành động của GAM là hình thức tống tiền và phạm tội. Họ bắt đầu cho rằng có quá ít thời gian để kết thúc giai đoạn phi quân sự hóa và để hoàn tất hiệp định. Đồng thời họ cũng nhận thấy cần phải có một kế hoạch và lịch trình cụ thể, chi tiết, kiểm soát việc GAM giao nộp vũ khí như qui định đã thỏa thuận.
Chính phủ Inđônêsia phản đối gay gắt với nhà trung gian hòa giải Henri Dunant về việc GAM vi phạm các thỏa thuận. Chính phủ yêu cầu tổ chức một cuộc họp hội đồng hỗn hợp bao gồm hai bờn và nhà trung gian hòa giải để giải quyết những mâu thuẫn đang tăng lên trong việc giải quyết các điều khoản, nhất là điều khoản thời hạn giao nộp vũ khí. Chính phủ yêu cầu họp vào đầu tháng 9/2003.
Ngay sau đó, Tổng thống Megawati đã cử đặc phái viên tới gặp Tổng thống Thụy Điển, thông báo với Chính phủ Thụy Điển về một số công dân Inđônêsia đã tố giác Hasan và các sĩ quan của ông ta gây ra cái chết của nhiều thường dân trong nước. Inđônêsia yêu cầu Thụy Điển cho dẫn độ Hasan về nước để xét xử. Chính phủ Thụy Điển đã từ chối và yêu cầu phía Inđônêsia đưa ra những bằng chứng cụ thể. Một cuộc chiến về pháp lý giữa hai nhà nước bắt đầu. Lần này là quyết tâm của Inđônêsia nhằm loại bỏ nhà lãnh đạo hàng đầu của GAM.
Ngay khi Chính phủ Inđônêsia yêu cầu về một cuộc họp chung, phía GAM đã tích cực đáp ứng bằng việc gửi một lá thư biểu lộ quyết tâm tham dự với nhà trung gian hòa giải Henri Dunant. Cả hai bên đã thỏa thuận thời gian, địa điểm, cỏch thức tiến hành cuộc họp của hội đồng hỗn hợp. Chính phủ đề nghị họp tại Tôkyô, GAM muốn họp ở Giơnevơ. Cuối cùng Chính phủ Inđônêsia chấp nhận đề nghị của GAM và ấn định thời gian họp bắt đầu vào ngày 25 tháng 9 năm 2003 với sự tham gia của nhiều đảng phái chính trị. Việc thảo luận về chi tiết sẽ được tiến hành vào ngày 26 và 27. Không rõ lý do vì sao nhà trung gian hòa giải Henri Dunant không thuyết phục GAM đồng ý với thỏa hiệp của Chính phủ Inđônêsia. GAM đồng ý họp vào ngày 27 và giải quyết xong tất cả các vấn đề nhạy cảm, phức tạp trong ngày 27. Chính phủ Inđônêsia không thể đáp ứng được điều đó.
Chính phủ Inđônêsia đã thể hiện nỗ lực giải quyết vấn đề Aceh một cách mềm dẻo. Chính phủ đồng ý để Aceh tiến hành bầu cử tự do lựa chọn ra một chính quyền địa phương có quyền tự trị rộng rãi. Chính phủ cũng đồng ý để Aceh được giữ lại tới 70% lợi nhuận thu được từ ngành khai thác dầu khí để phát triển về mọi mặt. Nhưng GAM lại tỏ ra rất cứng rắn. Mục đích chính của họ là độc lập hoàn toàn - điều mà Giacácta không thể chấp thuận. Vậy tiến trình hòa bình bắt đầu từ đầu những năm 2000 là cái gì. Với GAM nó chỉ là sự hòa giải như một giải pháp tạm ngừng chiến cho những mục đích nhân đạo, một chiến thuật vừa đánh vừa đàm, có ngưng nghỉ để củng cố lại lực lượng nhằm tăng cường sức mạnh về chính trị và quân sự. Còn phía Chính phủ Inđônêsia thì trước sau đảm bảo sự toàn vẹn và thống nhất lãnh thổ. Chính phủ kiên trì một chiến lược làm cạn kiệt các nguồn lực của phong trào li khai Aceh bằng một phương thức hòa bình trước khi đưa ra một quyết định hành động thích hợp. Không có điểm nhân nhượng nào liên quan đến trưng cầu dân ý hay độc lập, mặc dầu những cam kết cơ bản trong phần mở đầu của thỏa hiệp ngừng bắn là Chính phủ Inđônêsia và GAM chia sẻ những mục tiêu để đáp ứng nguyện vọng chung của người dân Aceh được sống an toàn, hòa bình, thịnh vượng và công bằng. Ngày 15 tháng 5 năm 2003 Chính phủ Inđônêsia tham vấn Quốc hội Inđônêsia về việc tiến công quân sự đối với GAM vì tổ chức này đã phớt lờ hạn chót hạ vũ khí và không từ bỏ yêu cầu độc lập. Bóng đen chiến tranh bắt đầu bao phủ Aceh. Hàng chục ngàn binh lính tiếp tục được điều động tới Aceh để chuẩn bị cho cuộc chiến với quân li khai. Tuy vậy trong cùng ngày GAM bất ngờ chấp thuận tham gia đàm phán với đại diện Chính phủ Inđônêsia tại Tôkyô dưới sự bảo trợ của Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản.
Việc tiếp tục tiến trình hòa bình trong khi không xuất hiện một sự lựa chọn có sức thuyết phục nào mà chỉ nhằm cứu vãn một cuộc chiến quyết liệt dưới sức ép của cả cộng đồng quốc tế là điều không thể. Cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Inđônêsia với đại diện của GAM tại Tôkyô kết thúc thất bại. Nhà trung gian hòa giải của Thụy Sĩ với sự hậu thuẫn của Mỹ, EU và Nhật cố gắng vận động tổ chức cuộc thương thuyết nhằm tránh cho Aceh một cuộc chiến tranh đã không thành công. Phía GAM đổ lỗi cho Giacácta làm cho cuộc hòa đàm thất bại vì đưa ra nhiều điều kiện và hạn chót giao nộp vũ khí không thể chấp nhận được(1). Còn Tổng thống Megawati thì cho rằng việc phiến quân li khai không chịu chấp nhận chủ quyền của Inđônêsia buộc bà phải ban hành sắc lệnh cho phép mở chiến dịch quân sự và ban bố lệnh giới nghiêm tại tỉnh Aceh bắt đầu ngày 19 tháng 7 năm 2003.
Sắc lệnh của Tổng thống Megawati có hiệu lực ngay trong ngày ký. Lệnh giới nghiêm được áp dụng trong 6 tháng và có thể sẽ được kéo dài thêm. Giacácta tuyên bố binh sĩ của họ đã hoàn thành công tác chuẩn bị và có thể tấn công GAM vào bất cứ lúc nào. Trong khi đó người phát ngôn quân sự GAM đã yêu cầu tất cả các chiến binh phải nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh du kích kéo dài.
Ngay sau khi sắc lệnh chiến tranh được ban bố, quân đội Inđônêsia đã di chuyển thêm một lực lượng hải quân, pháo binh hạng nặng tới các khu vực có lực lượng GAM cùng với gần 40.000 binh sĩ có mặt trước đó tại Aceh nhằm tiêu diệt 5000 phiến quân li khai. GAM khẳng định họ sẽ chiến đấu tới người Aceh cuối cùng. Chỉ trong mấy ngày đầu của cuộc chiến, 21.000 người ở Aceh đã đi sơ tán. 280 trường học cùng các bệnh viện bị đốt phá. Trên 60.600 trẻ em bỏ trường học. Hàng trăm người đã bị chết, hàng trăm người bị thương… Liên Hợp Quốc đã cảnh báo cuộc khủng hoảng đang dần hình thành ở Aceh. Quĩ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEP) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chuyển 3 tấn thuốc men tới Aceh. Phương Tây và Mỹ hối thúc Giacácta nên tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Aceh và chấp nhận để giám sát viên quốc tế vào Aceh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Inđônêsia cho biết chiến dịch quân sự trên quy mô rộng vẫn sẽ tiếp tục cho đến cuối năm.
Đến đầu năm 2004, Inđônêsia phải thừa nhận không thể tiêu diệt hết phiến quân li khai. Đây là một cuộc chiến nan giải. Xung đột bạo lực kéo dài đến cuối năm. Ngày 18 tháng 11 năm 2004, Tổng thống mới đắc cử của Inđônêsia là Sulilo Bambang Yudhoyono phải tuyên bố kéo dài quy chế tình trạng khẩn cấp tại Aceh. Mặc dù theo báo cáo đã có gần 2.000 tay súng của GAM bị tiêu diệt, nhưng Chính phủ Inđônêsia vẫn quyết định phong tỏa ở nhiều địa điểm và tuyên bố tất cả các binh sĩ nước ngoài tham gia cứu trợ phải rời khỏi Inđônêsia vào cuối tháng 3(1). Cuộc xung đột trở thành một thách thức lớn nhất với Tổng thống thứ 6 trong lịch sử Inđônêsia vì nó đã làm ít nhất 15.000 người chết khi ông bước vào nhiệm sở.
Thảm họa sóng thần xảy ra vào ngày 26 tháng 11 năm 2004 đã làm khoảng 160.000 người bị chết, trên 8000 gia đình mất nhà cửa. Aceh là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Người ta đã gọi Aceh nói chung và thủ phủ Banda Aceh nói riêng là nghĩa địa và thành phố của tử thần vì khắp nơi trải dài hàng chục km đều bao phủ cảnh đổ nát, những xác chết và những gương mặt kinh hoàng. Tuy vậy ở tất cả các ngã tư đều có lính và cảnh sát bồng súng đứng gác.
Ngay sau thảm họa sóng thần Tsunami, GAM đã ban bố lệnh ngừng bắn đơn phương. Tuyên bố của GAM còn cho biết lệnh ngừng bắn này không kèm theo điều kiện và kéo dài trong thời gian không xác định. Tiếp theo đó, lực lượng phiến quân li khai đã kêu gọi Chính phủ Inđônêsia tham gia đàm phán ngừng bắn để giảm thiểu những mất mát mà người dân Aceh đã phải chịu đựng. Chính phủ chấp nhận yêu cầu của GAM.
Liên tiếp trong những tháng đầu năm và những tháng tiếp theo năm 2005, bốn vòng đàm phán chính thức được tiến hành ở Phần Lan dưới sự trung gian hòa giải của cựu Tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaary. Nhìn chung, các cuộc đàm phán diễn ra trong một bầu không khí thân thiện và xây dựng. Bất ngờ lớn nhất là GAM chấp nhận rút lại yêu cầu độc lập. Đổi lại Giacácta sẽ dành cho Aceh mức độ về quyền tự trị hơn nữa. Các cuộc thương thuyết bắt đầu tập trung vào gói giải pháp về quyền tự trị địa phương, tự trị đặc biệt để GAM tái hòa nhập vào cộng đồng Aceh. Chính phủ Inđônêsia cam kết không truy tố và ân xá cho người dân Aceh đã tham gia vào phong trào li khai. Nhiều nhà quan sát quốc tế đã cho rằng không phải các lực lượng an ninh Inđônêsia mà chính thảm họa sóng thần đã làm nguội lạnh những cái đầu của ban lãnh đạo GAM. Độc lập hay tự trị đối với họ không còn quan trọng nữa, bởi vì Aceh hiện tại cũng chẳng còn gì để mà mất. Về phía Chính phủ Inđônêsia, họ đã đạt được mục đích. Họ giữ được sự thống nhất và toàn ven lãnh thổ. Nếu có phải nhân nhượng thêm chút ít quyền lợi về chính trị(quyền tự trị đặc biệt) và kinh tế cho một tỉnh nghèo đói, tan nát bởi những đau thương do chiến tranh và tai họa thiên nhiên để lại thì họ cũng sẵn sàng hào phóng.
Ngày 15 tháng 8 năm 2005, Chính phủ Inđônêsia và GAM ký kết Thỏa thuận hòa bình lịch sử chấm dứt 30 năm xung đột đẫm máu. Ngày 17 tháng 8 năm 2005 nhân ngày quốc khánh, Giacácta tuyên bố trả tự do cho 1500 phiến quân thuộc phong trào Aceh tự do. Ngày 25 tháng 8, Tổng thống Susilo Bambang phê chuẩn sắc lệnh ân xá và các quyền miễn trừ cho phiến quân thuộc tổ chức li khai Aceh. Ông cũng sửa đổi Đạo luật số 18/2001 về quyền tự trị đặc biệt tại Aceh. Trong đó cho phép thành lập các chính đảng địa phương tại Aceh.
Nội dung chính Thỏa thuận hòa bình gồm có một số điểm:
- Hai bên chấm dứt mọi hành động thù địch.
- GAM giải giáp hết vũ khí.
- Chính phủ rút hết cảnh sát và binh lính không phải của địa phương.
- Aceh được quản lý theo một bộ luật mới.
- Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho các đảng chính trị tại Aceh.
- Các tù nhân GAM được ân xá.
- Thành lập Uỷ ban sự thật và hòa giải.
- Đoàn phái viên giám sát ở Aceh do EU và ASEAN thành lập.
Đến ngày 29 tháng 12 năm 2005, GAM đã giải giáp và giao nộp 840 đơn vị vũ khí. Phong trào Aceh tự do cũng tuyên bố giải tán lực lượng quân sự dưới sự chứng kiến của Uỷ ban giám sát Aceh do Liên minh châu Âu và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thành lập. Chính phủ Inđônêsia cũng rút khoảng 29.000 lính quân đội, chỉ để lại 14.700 lính và 9.000 cảnh sát ở Aceh. Tất cả số quân này đều là người địa phương đúng như hai bên đã thỏa thuận. Trong thời gian trước mắt, hòa bình thật sự đã đến với người dân Aceh. Có một điều đáng chú ý là không bên nào tuyên bố mình giành được thắng lợi từ cuộc xung đột vũ trang li khai dân tộc đẫm máu và lâu dài này.


2.2. Li khai dân tộc ở Philippin

2.2.1. Tổng quan

Cộng hòa Philippin nằm ở phía Tây Thái Bình Dương, tổng diện tích xấp xỉ 300.000km2 bao gồm trên 7100 đảo. Dân số gần 90 triệu người. Mặc dù tiếng Philippin và tiếng Anh được dùng như những ngôn ngữ chính thức trong giao tiếp hành chính và trong trường học, nhưng trải rộng trên khắp đất nước có trên 80 ngôn ngữ và thổ ngữ của các dân tộc khác nhau vẫn được sử dụng.
Trong quá khứ, Philippin bị Tây Ban Nha chiếm làm thuộc địa hơn ba thế kỷ. Cuối thế kỷ XIX sau chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha nổ ra, Philippin lại rơi vào ách thống trị của Mỹ. Cho tới năm 1946 đất nước Philippin mới giành được độc lập. Các nhà lãnh đạo Philippin đã áp dụng thể chế và học tập nền dân chủ phương Tây, đặc biệt là nền dân chủ kiểu Mỹ, định hướng nền kinh tế theo cơ chế thị trường tự do. Nhưng tất cả các chính sách đưa ra đều không thích hợp và không nhất quán. Kinh tế kém phát triển. Bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng. Tình hình chính trị luôn bất ổn [22, tr. 131].
Từ năm 1974, Tổng thống Marcos ban hành "lệnh thiết quân luật". Đất nước Philippin nằm dưới sự cầm quyền của các thế lực quân phiệt. Điều này được thể hiện rõ ở sự tập trung quyền lực vào cơ quan hành pháp với sự tham gia tích cực của quân đội. Tổng thống Marcos đã hình thành nên chủ nghĩa bè phái, biến các tổ chức nhà nước thành công cụ chiếm dụng một khối lượng lớn tiền bạc trên quy mô toàn quốc. Trong 14 năm cầm quyền, từ 1972 đến 1986, Tổng thống Marcos đã thi hành chế độ chuyên chế thông qua Hiến pháp năm 1983, cho phép ông điều hành đất nước bằng sắc lệnh. Đến năm 1986, ông bị lật đổ bằng một cuộc đảo chính quân sự.
Sau khi lên nhận chức, Tổng thống Aquinô dành ưu tiên cho việc ban hành hiến pháp mới - Hiến pháp tự do tạm thời. Mặc dù luật pháp đã quy định trao quyền hạn lớn cho người đứng đầu nhà nước để phục hồi nền dân chủ, nhưng Tổng thống Aquinô đã không sử dụng quyền lực này để thiết lập bất kỳ một cuộc cải cách triệt để nào. Vì vậy bà vẫn chưa diệt trừ được tận gốc tệ quan liêu quân phiệt trong nền hành chính Philippin.
Năm 1992, Ramos, một quan chức quân đội chuyên nghiệp được bầu làm Tổng thống Philippin. Ông đã cố gắng xây dựng xã hội theo hướng dân chủ. Về kinh tế, Tổng thống Ramos thực hiện một loạt những cải cách, trong đó có chính sách triệt để tư hữu hóa các khu vực kinh tế thuộc sở hữu nhà nước. Tốc độ phát triển kinh tế trong thời gian ông nắm quyền liên tục tăng. Năm 1998, Estrada thắng cử bước vào nhiệm sở. Đến tháng giêng năm 2001, Estrada dính vào một vụ scandal tham nhũng. Mười ngàn người Philippin đã xuống đường biểu tình đòi ông phải từ chức. Ngày 20 tháng giêng năm 2001 Phó Tổng thống Gloria Arroyo lên thay thế. Bà giữ cương vị tổng thống từ đó đến nay.
Cũng giống như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, Philippin có những thế lực li khai dân tộc. Trung tâm của các lực lượng này ở miền Nam Philippin. Chính ở nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc nổi dậy chống lại cỏc chính  quyền. Phong trào phát triển mạnh mẽ đã dẫn tới việc thành lập Mặt trận giải phóng dân tộc Moro (The Moro national liberation Front). Tổ chức này thành lập năm 1969. Mục tiêu của nó là thành lập một nhà nước độc lập tại khu vực Hồi giáo thuộc 13 tỉnh ở miền Nam Philippin. Vấn đề này đã trở thành thời sự nổi bật thách thức các nhà cầm quyền từ Marcos đến Arroyo.

2.2.2. Li khai dân tộc ở Mindanao

Mindanao là hòn đảo lớn thứ hai ở phía nam Philippin. Hòn đảo này trải dài đến hơn 500km. Rừng rậm nhiệt đới bao phủ hầu khắp vùng núi cao và rất nhiều đảo lớn nhỏ thuộc khu vực này. Đất đai ở đây phì nhiêu, rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi. Mindanao cũng là vùng rất giàu tài nguyên khoáng sản như vàng, bạc, đồng, thiếc, sắt, than… Dân số vùng này khoảng 14,5 triệu người. Một số khá lớn theo đạo Hồi nhưng lại có một vị trí không bình đẳng. Họ bị coi là những công dân hạng hai trong một quốc gia 83% theo đạo Thiên Chúa.
Trong số những tộc người theo đạo Hồi phải kể đến dân tộc Moro, khoảng 5 đến 6 triệu người. Họ sống tập trung ở quần đảo Sulu chủ yếu ở hai tỉnh Sulu và Tawitawi trải dài trên 300km với 900 đảo lớn nhỏ [31]. Dân tộc Moro là tên gọi chung cho 13 bộ lạc Hồi giáo ở phía Nam Philippin. Người Moro có một nền văn hóa độc đáo, ghi dấu ấn lên tất cả các lĩnh vực phong tục, tập quán, tín ngưỡng. Họ còn lưu giữ khá đậm nét các tàn tích của quan hệ sản xuất phong kiến. Trong quá khứ, người Moro có vương quốc Hồi giáo độc lập. Họ không hề khuất phục trước người Manila, thực dân Tây Ban Nha và Mỹ trong suốt chiều dài mấy thế kỷ. Ngoại trừ một vài khoảng thời gian ngắn, chưa một thế lực nào chiếm được những hòn đảo hoang dã giữa Mindanao và Sabah.

2.2.2.1. Lãnh tụ phong trào li khai

Nói tới lãnh tụ của phong trào li khai tại miền Nam Philippin, người ta thường nói tới 2 người: Nur Misuary và Salamat Hashim. Ban đầu, họ đứng chung trong một tổ chức và có chung một mục đích là thành lập một nhà nước Hồi giáo độc lập, tách khỏi Philippin. Sau một thời gian, quan điểm, đường lối và phương pháp đấu tranh của họ có sự thay đổi, mỗi người trong số họ đi theo con đường riêng và đều đứng đầu một tổ chức li khai ở Mindanao.
Nur Misuary sinh năm 1938 tại Jolo, thủ phủ tỉnh Sulu, trong một gia đình có tới mười người con. Từ nhỏ, Nur Misuary đã được gia đình cho học hết tiểu học và trung học tại quê hương. Năm 1958, ông rời Jolo tới Manila theo học đại học. Ngay từ thời còn là sinh viên, Nur Misuary thường nói đến những vấn đề ở Mindanao, những bất công cùng với cuộc sống nghèo khổ của người dân Hồi giáo. Nur Misuary tham gia vào các nhóm hoạt động chống đế quốc Mỹ, chống chủ nghĩa đế quốc, chống cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam… Bước chuyển căn bản trong nhận thức chính trị khiến Nur Misuary hiến dâng cuộc sống của mình cho cuộc đấu tranh li khai của dân tộc Moro là vụ chính quyền Marcos giết hại 28 người lính, những người đã nổi dậy chống lại các sĩ quan quân đội chính phủ có nhiệm vụ đào tạo một đội quân Hồi giáo bí mật xâm chiếm Sabah, một bang thuộc chủ quyền của Malaysia(1).
Vào đầu những năm 1960, sau khi tốt nghiệp đại học, Nur Misuary đi tới một trường luật. Làm việc được 2 năm, theo lời khuyên của những người cùng chí hướng, ông tới Libi. Ở nước ngoài, Nur Misuary có điều kiện gia nhập thế giới Hồi giáo rộng lớn và Nur Misuary chịu ảnh hưởng của phong trào giải phóng dân tộc ở những nước Hồi giáo mới giành được độc lập. Nur Misuary quyết định trở về nước xây dựng phong trào trong nước. Năm 1968 ông thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng Moro (The Moro national liberation Front - MN LF).
Vào đầu những năm 1970, khi Marcos viện dẫn về sự cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia ông đã ban bố tình trạng thiết quân luật. Quốc hội Philippin bị giải tán. Tất cả lãnh tụ của các phe phái đối lập đều bị bắt giữ. Công tác kiểm duyệt được thắt chặt từ các phương tiện truyền thông cho tới các trường học. Tháng giêng năm 1973, Hiến pháp mới Philippin được công bố, trong đó có các điều khoản cho phép Tổng thống Marcos tiếp tục nắm quyền, trì hoãn tất cả các cuộc bầu cử… Nur Misuary đã đi vào hoạt động bí mật trong các cộng đồng Hồi giáo. Thời gian này, Nur Misuary tiếp tục tập hợp những thanh niên trẻ Hồi giáo gửi sang Sabah và nước ngoài dự những khóa đào tạo ngắn hạn rồi trở về làm hạt nhân, lập các đội vũ trang. Mục tiêu trước mắt của các đội vũ trang là bảo vệ người Hồi giáo, sau đó là giành độc lập cho dân tộc Moro. Dần dần, Nur Misuary đã xây dựng được một lực lượng quân sự đủ để thách thức chính quyền của Tổng thống Marcos.
Nur Misuary trở thành Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng Moro, Thống đốc khu tự trị Hồi giáo Mindanao. Ngày 19/11/2001, Nur Misuary tuyên bố tình trạng chiến tranh với Chính phủ Philippin và thách thức Tổng thống Arroyo. Ông bị tình nghi là đã tổ chức cuộc tập kích vào trụ sở quân đội ở Jolo làm trên 200 người chết. Nur Misuary bị quân đội Malaysia bắt vì nhập cư trái phép. Sau đó, ông bị dẫn độ về Philippin tháng 1 năm 2002.
Salamat Hashim sinh năm 1942 tại tỉnh Cotabato (nay là Maguindanao) trong một gia đình dòng dõi đã bị thất thế ở miền Nam Philippin. Năm 1954, Salamat Hashim hoàn thành chương trình tiểu học ở Maguindanao với tấm bằng danh dự. Bốn năm sau, năm 1958, Hashim tốt nghiệp trung học loại ưu. Năm 1959 Hashim đi Cairô, Ai Cập, một trung tâm hoạt động chính trị ở Trung Đông. Tại Trường Đại học Alzhar, Hashim đã tốt nghiệp xuất sắc bằng tiếng Ảrập. Sau đó, Hashim chuyên nghiên cứu về Hồi giáo. Hashim đã hoàn thành chương trình tiến sĩ. Đề tài tốt nghiệp của Hashim là sự phát triển của đạo Hồi ở Đông Nam Á. Ngay trong thời gian du học, Hashim là người lãnh đạo tích cực phong trào sinh viên. Hashim đã tham gia nhiều hoạt động của sinh viên có xu hướng khác nhau, cả Hồi giáo lẫn thế tục. Bằng thực tiễn, Hashim nhận ra được ách áp bức thực dân đối với các dân tộc Hồi giáo nói chung và sự bất công đối với dân tộc Moro nói riêng. Ông từng tham gia Hiệp hội sinh viên Hồi giáo Philippin và Hiệp hội sinh viên châu Á ở Cairo. Ông cũng được bầu làm Chủ tịch và Tổng thư ký Hiệp hội sinh viên châu Á… Trong thời gian ở Cairo, Hashim đã tổ chức một nhóm sinh viên Hồi giáo người Moro làm nòng cốt về nước hoạt động.
Salamat Hashim ở nước ngoài 29 năm, từ năm 1959 đến năm 1970, chủ yếu ở Ai Cập. Tuy ở nước ngoài nhưng ông thường xuyên trở về nước. Năm 1972, sau khi Tổng thống Marcos tuyên bố tình trạng thiết quân luật, Hashim sang Libi, Arập Xêút và Pakistan. Hashim đã góp phần cùng với Nur Misuary thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng Moro, tổ chức ra các đơn vị vũ trang chống lại phong trào của những người Thiên Chúa mà theo Hashim là được sự hậu thuẫn của Chính phủ Philippin, giết hại những người Hồi giáo, đốt phá nhà cửa, trường học của người Hồi giáo, trong đó có nhiều nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.
Salamat Hashim được Nur Misuary cử tham gia đoàn đàm phán với Chính phủ Philippin từ năm 1975 đến năm 1976 và trở thành nhà lãnh đạo thứ hai sau Chủ tịch MNLF. Sau khi Nur Misuary ký Hiệp định Tripoli, hai nhà lãnh đạo hàng đầu của MNLF đã bất đồng quan điểm. Nur Misuary bằng lòng với một nền tự trị cho đa số người dân Hồi giáo ở Mindanao, còn Salamat Hashim thì kiên trì mục tiêu độc lập hoàn toàn cho người Moro. Trên thực tế thì từ 1978 Hashim đã xây dựng một lực lượng riêng cho mình. Nhưng tới tháng 3/1984 Salamat Hashim mới tuyên bố thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng Moro mới với cái tên gọi là Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro (The Moro Islamic liberation Front - MILF). Mục tiêu của MILF do Hashim lãnh đạo là thiết lập một nhà nước Hồi giáo độc lập ở miền Nam Philippin. Mục tiêu này không khác gì so với mục tiêu ban đầu của MNLF. Với cái tên gọi này, Hashim muốn phong trào li khai hướng tới các giáo sĩ Hồi giáo, những người có khả năng đoàn kết tất cả những người Hồi giáo ở  miền Nam Philippin. Hashim chủ trương tự lực, tự cường về chính trị, quân sự, kinh tế và phản đối mọi sự thỏa hiệp về mặt độc lập, tự do cho dân tộc Moro.
Từ cuối những năm 1970 đến đầu những năm 2000, suốt hai mươi năm Hashim trực tiếp lãnh đạo MILF ở căn cứ địa Abubakar. Hashim tỏ ra rất cứng rắn với mục tiêu độc lập, tự do. Kể cả những lúc khó khăn, vào cuối đời, khi các phóng viên phỏng vấn, Hashim vẫn trả lời "Hãy trả lại tự do và độc lập cho dân tộc chúng tôi thì sẽ có hòa bình vĩnh viễn ở Mindanao…". Hashim bị bệnh chết ngày 13 tháng 7 năm 2003.

2.2.2.2. Những diễn biến chính của phong trào

Ngay sau khi giành được độc lập, Chính phủ Philippin đã cố gắng hòa nhập những tộc người không theo đạo Thiên Chúa vào dòng văn hóa chủ lưu của dân tộc mình. Nhưng tất cả các đời tổng thống đều không thành công trong chính sách cái gậy và củ cà rốt đối với các dân tộc thiểu số. Họ đã học tập các "ông thầy thực dân" nhằm đối phó với dân tộc Moro. Người Moro đã coi ngày Mỹ trao trả độc lập cho Philippin là ngày khai tử nền độc lập, tự do của họ.
Chính sách khuyến khích khai hoang cùng với dòng người di dân theo đạo Thiên Chúa tràn vào vùng đất của người Moro đã có từ thời Philippin là thuộc địa của Mỹ. Chính sách đó tiếp tục được gia tăng trong những năm 1950 và 1960. Dòng người di dân từ miền Bắc, miền Trung Philippin đến miền đất mầu mỡ phì nhiêu ngày một đông. Người Moro đã trở thành người thiểu số trên chính mảnh đất của họ. Những người khai hoang định cư chiếm đoạt dần ruộng đất và đồng thời cũng nắm quyền lực chính trị. Người Moro, người dân tộc thiểu số bị những người Thiên Chúa có tiền, có quyền, có đất coi như những công dân hạng hai. Những người Thiên Chúa được chính quyền hậu thuẫn thành lập những nhóm vũ trang cực đoan để bảo vệ lợi ích, bành trướng thêm đất đai. Họ được nắm quyền chi phối xã hội, bức người Moro phải thu hẹp không gian sinh tồn. Điều này không chỉ diễn ra ở nông thôn mà còn diễn ra ở các trung tâm thành phố thuộc Mindanao.
Ban đầu người Moro tự vệ bằng cách tổ chức những lực lượng bảo vệ tự phát chống lại sự xâm lấn trong vùng đất đai thuộc sở hữu của họ. Các đội tự vệ phát triển dần dần thành một phong trào độc lập khắp Mindanao dưới sự lãnh đạo của những người lãnh đạo truyền thống ở các làng quê. Hệ quả là các cuộc xung đột giữa người Thiên Chúa và người Hồi giáo Moro ngày một gia tăng. Sau khi Nur Misuary thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng Moro năm 1968, các thành viên của tổ chức MNLF được huấn luyện từ nước ngoài và từ những địa điểm bí mật trong nước tỏa đi khắp Mindanao. MNLF thu hút được sự ủng hộ và sự tham gia của đại đa số những người Hồi ở các tỉnh miền Nam Philippin.
Vào đầu những năm 1970, một loạt vụ sát hại người Moro xảy ra. Đáp lại, người Moro dưới sự lãnh đạo của MNLF đã chống trả quyết liệt. Lệnh thiết quân luật của Tổng thống Marcos được ban hành. Chính phủ đứng về phía người theo đạo Thiên Chúa. Người dân Hồi giáo thấy rõ nguy cơ diệt chủng. Họ tham gia đông đảo dưới ngọn cờ của MNLF, một tổ chức không chỉ bảo vệ họ mà còn theo đuổi cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc Moro. Tổng thống Marcos ra lệnh cho quân đội đàn áp. Cuộc chiến đẫm máu xảy ra tại nhiều địa điểm ở Mindanao giữa MNLF và quân đội Philippin. Đỉnh cao của cuộc chiến diễn ra từ năm 1972 đến 1975. Tổng thống Marcos cho phép những người Thiên Chúa được phép vũ trang tham gia vào cuộc chiến. Bảy mươi phần trăm lực lượng an ninh được huy động vào cuộc với tất cả các phương tiện chiến tranh tập trung ở Mindanao nhằm dập tắt cuộc nổi dậy của MNLF.
Khoảng 150.000 đến 200.000 người đã bị chết [27, tr. 10]. Hàng chục ngàn người bị thương (số liệu của một số tài liệu khác là khoảng 100.000 đến 120.000 bị chết). Giá trị tài sản bị phá hủy lên tới hàng tỉ USD. Nhiều cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi của người dân địa phương cũng bị phá hủy. Khoảng 200.000 người Moro phải di tản sang bang Sabah của Malaysia. Hàng trăm ngàn người đổ về các trung tâm thành phố ở Mindanao. Số phận của những người Moro di tản, những người mới đến ở các đô thị rất cơ cực. Họ sống phụ thuộc vào trợ cấp và lòng thương xót của các tổ chức nhân đạo. Họ trở thành những người lao động theo mùa vụ, người ở trong các gia đình giàu có người Thiên Chúa, người bán hàng lẻ trên các vỉa hè, người đạp xích lô, người khuân vác. Nhiều phụ nữ người Moro phải hành nghề mại dâm. Trẻ em trong độ tuổi đi học không còn được đến trường.
Dư luận xã hội trong ngoài nước trong đó có các tổ chức ở Mindanao, các nhà nước Hồi Giáo đã lên tiếng phản đối chính quyền Marcos. Tình hình kinh tế Philippin vốn đã trì trệ so với các nước Đông Nam Á do thâm hụt ngân sách, nợ nần nước ngoài chồng chất, lại phải gánh thêm một khoản chi phí khổng lồ để duy trì cuộc chiến ở Mindanao. Đặc biệt là số binh lính Philippin chết trận trong cuộc chiến vô nghĩa lý tăng lên đáng kể. Thân nhân của các tử sĩ, thương bệnh binh và bản thân những người lính cũng công khai phản đối chính sách của nhà cầm quyền. Ở bên ngoài, từ các nước láng giềng đến một số nước phương Tây đều lên tiếng chỉ trích. Các nước Hồi giáo đã phẫn nộ phản đối chính quyền Marcos. Tổ chức Hội nghị các nước Hồi giáo (Organization of Islamic Conference - IOC) trong đó có các nước như Libi, Pakistan, Arập Xêút, Iran… đã giúp đỡ tiền mua phương tiện vật chất và ủng hộ nhiệt tình sự nghiệp của MNLF dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Nur Misuary[32]. IOC đã công nhận tư cách pháp nhân của MNLF, mời MNLF chính thức tham gia Tổ chức Hội nghị các nước Hồi giáo, ép Chính phủ Philippin thương lượng với MNLF. IOC kêu gọi các nước thành viên, các tổ chức, các cá nhân tăng cường ủng hộ mọi mặt cho MNLF. OIC đe dọa cắt giảm sản lượng dầu tới Manila. Trên thực tế, Iran đã cắt toàn bộ sản lượng dầu xuất khẩu sang Philippin. Sau cuộc cách mạng hồi giáo Iran, người lãnh đạo cao nhất Cộng hòa Hồi giáo Iran đã từng tuyên bố sự nghiệp cách mạng của Iran còn chưa hoàn thành khi mà các dân tộc Hồi giáo ở Nam Philippin chưa được độc lập.
Năm 1975 chính quyền Marcos buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với MNLF tại Libi nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Mindanao. Đây là thắng lợi ban đầu của MNLF. Bên cạnh cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang trong nước, MNLF mở thêm mặt trận ngoại giao nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng Hồi giáo và các nước trên thế giới. Ngày 17 tháng 11 năm 1976, Hiệp định Tripoli chính thức được Chính phủ nước Cộng hòa Philippin và Mặt trận giải phóng dân tộc Moro ký kết với sự tham gia của đại diện nước chủ nhà Libi, các thành viên của tổ chức IOC cùng nhiều đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế khác.
Toàn văn Hiệp định Tripoli bao gồm bốn phần. Thứ nhất là điều khoản các bên đồng ý thành lập một khu tự trị ở miền Nam Philippin bên trong nhà nước Philippin có chủ quyền về lãnh thổ. Phần thứ hai quy định khu tự trị ở miền Nam Philippin sẽ bao gồm 13 tỉnh: Basilan, Sulu, Tawi-tawi, Zamboanga Del Sur, Zamboanga Del Norte, North cotabato, Maguindanao… Phần thứ ba bao gồm 16 điều quy định cụ thể, trong đó có những điều khoản đáng chú ý là khu tự trị của người Hồi giáo được phép thành lập các tòa án xét xử theo luật Hồi giáo; được phép mở các trường học Hồi giáo từ tiểu học đến đại học; được phép bầu cử để thành lập cơ quan lập pháp, hành pháp của vùng tự trị, có quyền hạn trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; được sử dụng lợi nhuận từ việc khai thác các nguồn tài nguyên sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước trung ương; quân đội MNLF từng bước hội nhập vào lực lượng quân đội Philippin…
Người ta coi Hiệp định Tripoli như là bước đột phá cho cuộc chiến ở Mindanao.  Chính phủ Philippin, MNLF và các bên có liên quan nhiệt liệt hoan nghênh. Hiệp định đã chính thức công nhận MNLF là đại diện cho những người Hồi giáo và với tư cách là chủ thể của một bên tham chiến. Việc ngừng bắn có hiệu lực vào tháng giêng năm 1977 và đã thành công trong khoảng thời gian gần một năm.
Những cuộc hội đàm tiếp theo bắt đầu từ tháng 2 để thực hiện một giải pháp hòa bình đã đi vào thế bế tắc. Mỗi bên đều hiểu nội dung Hiệp định Tripoli theo cách riêng của mình. Tổng thống Marcos xúc tiến hoàn thành Hiệp định Tripoli theo cách thức tạo ra 2 khu tự trị đặc biệt, một là ở miền Trung Mindanao và một ở Sulu. Chính quyền của Marocs triệt để thực hiện chính sách chia để trị, chia rẽ nội bộ MNLF; phân hóa tầng lớp lãnh đạo MNLF nhằm biến cơ quan lãnh đạo khu tự trị Hồi giáo trở thành một bộ phận của Văn phòng Tổng thống. Nhìn chung chính quyền Marcos cũng đã giành lại được một số lợi ích sau khi ký Hiệp định Tripoli. Trước hết là dừng được cuộc chiến đang trong giai đoạn đỉnh cao. Thứ hai là tránh được sức ép của cộng đồng Hồi giáo để dành thời gian đối phó với MNLF. Đa số các nhà quan sát cho rằng Marcos không bao giờ có ý định thực hiện những bước đi tiếp theo để thực hiện Hiệp định Tripoli. Chính quyền tự trị khu Hồi giáo có rất ít quyền hành. Họ không được tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế. Thay cho niềm vui khi các bên ký Hiệp định Tripoli là nỗi thất vọng cay đắng của người dân Moro.
Tiến trình ngừng bắn theo Hiệp định Tripoli dưới thời Tổng thống Marcos có thể nói là sụp đổ. Hòa bình vẫn chưa đến được với Mindanao. Tuy nhiên, cường độ của cuộc chiến giữa hai bên đã giảm sút nhiều so với trước năm 1976. Sau khi Tổng thống Marcos bị quần chúng lật đổ(1), Cory Aquino được bầu vào nhiệm sở. Chính quyền của Tổng thống Aquino đã có nhiều cố gắng nhằm giải quyết vấn đề đã được thương lượng với MNLF. Tiêu điểm của các cuộc tiếp xúc giữa hai bên vẫn là việc thi hành Hiệp định Tripoli năm 1976. Các cuộc hội đàm đều bị giẫm chân tại chỗ vì những vướng mắc về pháp lý. Chính phủ của bà Aquino giải quyết được một vấn đề hết sức quan trọng là thông qua Luật tổ chức về qui chế tự trị khu vực. Việc làm này đã tạo ra cơ sở pháp lý cho khu tự trị ở Mindanao. Tháng 8 năm 1986, Chính phủ của bà Aquino đã đồng ý chấp nhận nền tự trị cho 4 tỉnh như là một phần của kế hoạch ngừng bắn với MNLF. Tuy nhiên những cuộc thương lượng tiếp theo đã bế tắc. MNLF yêu cầu một nền tự trị cho 13 tỉnh. Tháng 11 năm 1989, Chính phủ đã dàn xếp một cuộc trưng cầu dân ý ở 13 tỉnh về vấn đề tự trị. Những nhà lãnh đạo MNLF đã phản đối, kêu gọi người Hồi giáo tẩy chay cuộc bỏ phiếu vì nó trái với tinh thần Hiệp định Tripoli. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn tiến hành bỏ phiếu. 4 tỉnh bỏ phiếu tán thành đề nghị tự trị và trở thành khu tự trị Hồi giáo ở Mindanao. Trên thực tế, mới có 4 tỉnh nằm trong khu tự trị, còn 9 tỉnh nữa theo Hiệp định Tripoli vẫn chưa thực hiện được.
Tại thời điểm sau khi khu tự trị Hồi giáo được thành lập, nhiều vấn đề khác đã nảy sinh. Cuộc sống của người dân vẫn không được cải thiện so với trước. Trong nội bộ MNLF có nhiều người kêu ca phàn nàn về Thống đốc Nur Missuary. Ông đã ra sức thuyết phục các phe phái bất đồng tham gia vào tiến trình hòa bình. Nur Missuary từng đi khắp thế giới Hồi giáo để tìm kiếm sự ủng hộ cho sự nghiệp của MNLF. Ông thành công ở hàng chục quốc gia Hồi giáo. Nhưng ở trong khu vực tự trị Mindanao tình hình lại diễn ra không như mong muốn của ông. Salamat Hashim, người lãnh đạo sau ông đã tách ra khỏi MNLF và kéo theo rất nhiều nhà lãnh đạo là các giáo sĩ. Việc xuất hiện của MILF đã làm suy yếu MNLF. Nó không chỉ đơn thuần là vấn đề bất đồng về đường lối quan điểm. MNLF đi theo đường lối thỏa hiệp, chấp nhận nền tự trị cho vùng Mindanao. Còn MILF nhấn mạnh đến yếu tố Hồi giáo và đi theo đường lối tiếp tục đấu tranh vũ trang giành độc lập hoàn toàn cho Mindanao. Vấn đề là chính sự chia rẽ nội bộ đã tạo điều kiện cho Chính phủ Philippin vin vào đó trì hoãn tiến trình thực hiện Hiệp định Tripoli năm 1976. Chính phủ chỉ đàm phán với MNLF mà không đàm phán với các phe phái khác(1). Kết quả là chiến sự vẫn cứ nổ ra không dứt. Thêm vào đó, những dự án lớn lao xây dựng cơ sở hạ tầng đường cao tốc, nhà máy điện, khu công nghiệp, bến cảng, sân bay, khách sạn… nhằm biến Mindanao thành một cái hub trong vùng giống như Hồng Kông, Singapo đều không thực hiện được. Trong khi đó, người dân ở Mindanao đói nghèo cần lương thực, thực phẩm, quần áo, trường học, bệnh viện, những điều thiết thực tối thiểu thì chính quyền tự trị không thể đáp ứng được. Nur Misuary lâm vào tình thế lực bất tòng tâm. MILF ngày càng được dân chúng ủng hộ, tiếp tục thách thức an ninh chủ quyền Philippin.
Năm 1992 cuộc bầu cử quốc gia đã đem đến thắng lợi cho Fidel Ramos. Xuất thân từ một vị tướng đứng đầu trong quân đội, Tổng thống Fidel Ramos đã nhận thức hết sức sâu sắc cái giá phải trả cho việc tiếp tục cuộc chiến với MNLF, một tổ chức vẫn nhận được sự ủng hộ to lớn cả về tinh thần và vật chất của thế giới Hồi giáo, trong đó quan trọng nhất là OIC. Chính quyền của Fidel Ramos đã chống lại xu hướng thiên về bạo lực trong quân đội. Tổng thống Fidel Ramos trong nhiệm kỳ của mình đã 60 lần đến Mindanao, trong khi mười mấy năm cầm quyền, Marcos mới đến vùng đất này có 2 lần. Chính quyền của Fidel Ramos đã thuyết phục MNLF khởi động lại các cuộc hội đàm, chủ động đề xuất một số điểm thực tiễn để thực hiện Hiệp định Tripoli. Thậm chí chính quyền của Fidel Ramos còn thăm dò khả năng mở rộng khu tự trị, tăng thêm quyền tự trị cho chính quyền  khu tự trị ở Mindanao.
Chính quyền của Tổng thống Fidel Ramos và MNLF đã ký 2 biên bản ghi nhớ sau bốn vòng đàm phán sơ bộ ở Tripoli, Libi ngày 4 tháng 10 năm 1992 và ở Tây Giava, Inđônêsia ngày 16 tháng 4 năm 1993. Các cuộc thương lượng được tiến hành từ năm 1993 và đến năm 1996, hai bên mới đi đến Hiệp định hòa bình toàn diện nhằm thực hiện nội dung Hiệp định Tripoli đã ký 20 năm trước.
Hiệp định hòa bình được ký ban đầu tại Giacácta, Inđônêsia vào ngày 30 tháng 8 năm 1996 và ký chính thức tại Manila, Philippin ngày 2 tháng 11 năm 1996. Những qui định của nó bao gồm hai giai đoạn. Giai đoạn một là tạo ra một cơ cấu quản lý trong giai đoạn chuyển giao được gọi là Hội đồng hòa bình và phát triển Nam Philippin. Hội đồng này có nhiệm vụ giám sát việc hoàn thành nội dung văn bản Hiệp định hòa bình năm 1996 trong giai đoạn 3 năm. Điểm quan trọng nhất là Hội đồng này bảo đảm giám sát cả 13 tỉnh và những thành phố tự trị đã ghi trong Hiệp định Tripoli năm 1976. Nur Misuary người sáng lập và là Chủ tịch MNLF, đồng thời là Chủ tịch của Hội đồng hòa bình và phát triển miền Nam Philippin. Nur Misuary cũng giành được thắng lợi với tư cách là Thống đốc khu tự trị Hồi giáo Mindanao. Ở giai đoạn một này, Hiệp định cũng đưa ra những giải pháp cụ thể để hàng ngàn binh lính MNLF hội nhập vào lực lượng quân đội và cảnh sát quốc gia Philippin. Hiệp định còn quyết định thành lập một quỹ phát triển trong, ngoài nước nhằm phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài vào khu vực tự trị.
Giai đoạn thứ hai của Hiệp định hòa bình năm 1996 sẽ bắt đầu thực hiện từ tháng 9 năm 1999, giai đoạn thiết lập một chính quyền tự trị mới với một cơ quan lập pháp, một cơ quan hành pháp và đại diện của nó trong nhà nước trung ương Philippin. Khu tự trị thông qua các cơ quan quyền lực có quyền quyết định tăng, giảm thuế, có lực lượng an ninh của vùng, có một hệ thống giáo dục với các trường học Hồi giáo. Đường biên của khu tự trị sẽ được quyết định qua một cuộc trưng cầu dân ý.
Mặc dù có nhiều hứa hẹn song Hiệp định hòa bình năm 1996 vẫn tiến triển rất chậm chạp. Tất cả những biện pháp tháo gỡ đều không đi đến kết quả. Tháng 9 năm 1999, hạn chót để bắt đầu giai đoạn hai đã đến và trôi qua đi. Hội đồng hòa bình và phát triển Nam Philippin vẫn không khởi động được. Các nhà quan sát cho rằng có hai lý do dẫn tới bế tắc trên. Thứ nhất Hội đồng hòa bình và phát triển không có thực quyền, không có tiền. Tất cả các chương trình phát triển và các cơ quan được thành lập để triển khai chỉ làm được một việc duy nhất là đệ trình công văn giấy tờ lên Tổng thống Ramos. Kinh phí của Chính phủ  Philippin dành cho Hội đồng hòa bình và phát triển chỉ đủ trả lương, duy trì những hoạt động của tổ chức và các cá nhân có liên quan. Có rất ít tiến bộ trong chương trình xóa đói giảm nghèo, cải thiện điều kiện lao động cũng như công ăn việc làm cho những cộng đồng Hồi giáo bị bần cùng hóa. Thứ hai là Hiệp định hòa bình năm 1996 không đem lại hòa bình cho người dân Mindanao. Chính phủ chỉ thương lượng với nhóm li khai chính MNLF do Nur Misuary lãnh đạo và phớt lờ các nhóm khác. Trong thực tế, ảnh hưởng của MILF ngày càng lớn. Hàng trăm cuộc giao tranh mỗi năm giữa lực lượng MILF với lực lượng an ninh chính phủ đã để lại những thảm họa nhân đạo khôn kể cho người dân Mindanao.
Ngay khi ký Hiệp định Tripoli năm 1976, giữa các nhà lãnh đạo MNLF đã bất đồng quan điểm. Người đối lập với thủ lĩnh Nur Misuary là Salamat Hashim, nhân vật thứ 2 trong MNLF. Salamat Hashim cho rằng Hiệp định Tripoli năm 1976 chính là một cái bẫy. Nó không đảm bảo việc thực hiện bất kỳ điều khoản quan trọng nào trong Hiệp định. Nó không đảm bảo an ninh và tương lai cho dân tộc Moro. Vì tất cả các vấn đề liên quan đến Mindanao đều phải được thông qua Quốc hội Philippin. Nếu Quốc hội bác bỏ thì không thể thực hiện được bất kỳ điều khoản nào. Thực tế trong suốt mấy chục năm thực hiện Hiệp định Tripoli ở Philippin cho thấy Salamat Hashim đã đúng.
Mặc dầu quá trình lập pháp là một quá trình dân chủ, nhưng Salamat Hashim không công nhận nền dân chủ của Philippin. Salamat Hashim đã thuyết phục các thủ lĩnh của MNLF rằng giải pháp duy nhất cho dân tộc Moro là đấu tranh vũ trang giành lấy tự do và độc lập. Ngày 26/12/1977 Salamat Hashim công bố ở Jedda một văn kiện tiếp quản MNLF. Hành động này được sự ủng hộ của nửa số những người lãnh đạo MNLF. Đáp lại, Nur Misuary trục xuất Salamat Hashim ra khỏi tổ chức vì lý do mưu phản. Việc này dẫn tới sự chia rẽ OIC trong việc ủng hộ MNLF. Ai Cập ủng hộ phái của Salamat Hashim. Libi ủng hộ MNLF.
MILF đã phản đối MNLF ký những hiệp định thỏa hiệp từ bỏ mục tiêu độc lập bằng việc chấp nhận đề nghị tự trị. Mục tiêu của MILF là thiết lập một nhà nước Hồi giáo độc lập. Ngoài ra Salamat Hashim còn chủ trương tự lực, tự cường cả về chính trị, quân sự, kinh tế lẫn văn hóa, giáo dục. MILF đã lôi kéo những người ủng hộ từ 13 tỉnh và 9 thành phố có số đông người Hồi giáo ở Mindanao. Hầu hết các thành viên lãnh đạo của MILF đến từ Maguindanao và nhóm dân tộc Iraun, Maranao. Ngoài các thành phố tự trị, MILF theo đuổi những người ủng hộ ở vùng nông thôn, rừng núi và được sự ủng hộ rộng rãi ở vùng nông thôn, rừng núi tại Mindanao và các vùng lân cận. Vào những năm 1990, MILF tuyên bố có 120.000 chiến binh. Trụ sở của MILF là ở Abubakar rộng khoảng trên 20.000 hecta, một địa điểm rừng núi nhiệt đới hiểm trở ở miền Trung Mindanao. Trụ sở này tồn tại cho đến năm 2000 sau khi bị quân đội Philippin chiếm đóng. Ngoài trụ sở này, MILF còn có tới 65 trụ sở khác. Chính phủ Philippin và quân đội thì cho rằng MILF chỉ có khoảng 15.000 tay súng, phần đông lực lượng quân sự của MILF được triển khai ở 4 tỉnh của Mindanao. Đó là Lanao del, Nort, Nanao del Sur và bắc Cotabaco.
Để thoát khỏi tình trạng xung đột không dứt ở Mindanao vào cuối nhiệm kỳ của mình, lần đầu tiên trong các đời tổng thống, Tổng thống Ramos đã ký Hiệp định ngừng bắn với MILF vào ngày 18/7/1997. Đây là bước đột phá mới, thể hiện bước chuyển biến trong nhận thức của Manila với tổ chức li khai thứ hai ở Nam Philippin. Sau gần 10 năm thành lập, với hàng trăm trận chiến đấu với lực lượng quân đội Philippin, MILF đã trở thành một đối tác của Chính phủ Philippin bên cạnh MNLF. Đây là một thắng lợi có ý nghĩa chính trị và ngoại giao quan trọng của MILF. Với sự trung gian hòa giải của Malaysia, ngày 27 tháng 8 năm 1988 Hiệp định khung giữa hai bên được ký kết, mở ra nhiều hứa hẹn cho việc giải quyết vấn đề li khai dân tộc ở Philippin.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1998, Joseph Estrada đã thắng cử. Một mặt chính quyền Tổng thống Estrada tiếp tục các cuộc thương lượng với MILF, một mặt vẫn tăng cường các hoạt động an ninh trấn áp ở Nam Philippin. Tổng thống Estrada tuyên bố chính sách về vấn đề li khai trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng Chính phủ Philippin sẽ tăng cường gặp gỡ với các bên li khai, nhưng sẽ không có chuyện nhân nhượng về lãnh thổ, dù chỉ là một milimet. Thái độ cứng rắn của người đứng đầu cơ quan hành pháp Philippin cùng với chiến sự ngày một gia tăng khiến tiến trình thương lượng giữa Chính phủ và MILF tiến triển rất chậm chạp, luôn bị ngắt quãng.
Năm 1999 MILF bắt tay liên minh với Mặt trận dân chủ dân tộc Philippin (The national democratic Front of the Philippines). Hai bên ký một văn bản hợp tác vào ngày 24/7 năm 1999 nhằm phối hợp đấu tranh cho một đất nước Philippin dân chủ. Việc làm này của Salamat Hashim đã nâng cao vị thế của MILF trên chính trường trong nước và ngoài nước. MILF không chỉ là một tổ chức vũ trang li khai mà nó còn là một tổ chức chính trị được các đảng phái ở Philippin chính thức thừa nhận. Liên minh này hiện vẫn tồn tại. Mặt trận dân chủ dân tộc Philippin coi Salamat Hashim là nhà lãnh đạo chân chính, người kiên định cho cuộc đấu tranh về quyền tự quyết của dân tộc Moro. Khi MNLF từ bỏ cuộc chiến vũ trang thì MILF đã tiếp tục cuộc đấu tranh vũ trang cho sự nghiệp độc lập của dân tộc Moro.
Vẫn không rút ra được những bài học từ những người tiền nhiệm trước, Tổng thống Estrada đã phát động một cuộc chiến tổng lực, huy động trên 60% lực lượng quân đội nhằm tiêu hao, tiêu diệt toàn bộ lực lượng của MILF và tạo lợi thế trong đàm phán. Cuộc chiến quy mô đã khiến cho trên 600.000 ngàn người ở miền Trung Mindanao phải di dời chỗ ở [31]. Hàng chục ngàn người bị chết và bị thương. Chiến sự diễn ra căng thẳng cho đến năm 2000. MILF quyết định rút khỏi cuộc hội đàm. Cuộc chiến bắt đầu lan rộng với mức độ quyết liệt nhất kể từ khi các bên ký Hiệp định Tripoli năm 1976.
Quân đội Philippin mở những cuộc tấn công lớn vào trụ sở MILF ở Abubakar. Với ưu thế về lực lượng và hỏa lực, quân đội chính phủ đã chiếm được trụ sở, đồng thời tiến hành phá hủy, đốt cháy tất cả các khu doanh trại huấn luyện của MILF. Tuy vậy, cuộc tấn công đã không gây tổn hại nhiều cho MILF vì hầu hết các nhà lãnh đạo cùng lực lượng chủ lực đã di chuyển tới những căn cứ bí mật trong rừng rậm trước khi lực lượng quân chính phủ tấn công. Đáp trả lại, MILF đã tiến hành một loạt vụ đánh bom trả đũa vào thủ đô Manila. Nguy cơ một cuộc chiến toàn diện như giai đoạn đầu những năm 1970 đã xuất hiện.
Trong tình hình nước sôi lửa bỏng đó, chính quyền Estrada lại phải đương đầu với sự suy sụp của nền kinh tế Philippin. Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính châu Á đã quét qua quốc gia nghìn đảo để lại những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Tất cả những chương trình hứa hẹn trong cuộc tranh cử 1998 của Tổng thống Estrada đều không thực hiện được, sản xuất bị đình đốn. Đồng pêsô vốn mất gần một nửa giá trị vẫn tiếp tục xuống giá. Đời sống của đại đa số người dân Philippin chao đảo. Những khó khăn về kinh tế chuyển sang lĩnh vực chính trị. Hàng ngàn người lao động và sinh viên xuống đường biểu tình. Các phe phái đối lập bắt đầu chỉ trích chính sách sai lầm của chính quyền Estrada. Hạ viện Philippin buộc tội về những hành vi tham nhũng trong nội các. Nhiều thành viên buộc phải từ chức. Cuối cùng, Tổng thống Estrada cũng phải từ chức. Ngày 20 tháng 01 năm 2001 bà Arroyo được chỉ định thay thế. Ngay sau lễ tuyên thệ, bà đình chỉ các hoạt động quân sự chống lại MILF và theo đuổi chính sách hòa giải với nhóm này.
Tại Malaysia, ngày 24 tháng 3 năm 2001, Chính phủ Philippin và MILF hoàn tất việc ký Hiệp định khung nhằm phục hồi hòa bình ở Mindanao. Ngày 22 tháng 6 năm 2001, Chính phủ Philippin và MILF tiếp tục ký Hiệp định hòa bình ở Tripoli, Libi dưới sự trung gian hòa giải của Malaysia. Nội dung Hiệp định hòa bình này có nhiều điểm đáng lưu ý. Hai bên đều thừa nhận nội dung Hiệp định Tripoli ký năm 1976 giữa Chính phủ Philippinvà MNLF ở Libi. Hai bên tôn trọng nội dung Hiệp định hòa bình giữa Chính phủ Philippin và MNLF ký tại Giacácta và Philippin năm 1996. Hai bên thỏa thuận sẽ tiếp tục hội đàm với những nội dung mà Chính phủ Philippin và MILF đã ký vào năm 1997 và năm 1998 để thiết lập môi trường hòa bình và điều kiện sống bình thường cho người dân ở Mindanao. Trước mắt, hai bên thỏa thuận ngừng bắn. Theo thỏa thuận, MILF lần đầu tiên được tham gia vào các dự án phát triển ở trong những vùng xung đột. Hai bên đồng ý tiếp tục đàm phán trên nguyên tắc của các hiệp định trước đó để đi tới một giải pháp chính trị toàn diện cho Mindanao.
Hiệp định hòa bình năm 2001 ngoài phần thống nhất chung, Chính phủ Philippin và MILF đã đi tới 4 vấn đề cụ thể. Thứ nhất là về mặt an ninh, hai bên sẽ cử đại diện tham gia trong một phái đoàn để xem xét việc bình thường hóa ở những vùng xung đột trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Việc thương lượng giữa hai bên để đi tới một giải pháp hòa bình phải đáp ứng được nguyện vọng của người dân Moro. Hai bên đồng ý mời đại diện của Tổ chức Hội nghị Hồi giáo làm quan sát viên và kiểm tra việc thi hành Hiệp định giữa Chính phủ Philippin và MILF. Thứ hai là vấn đề phục hồi cuộc sống cho người dân ở những vùng xung đột. Hai bên cam kết tôn trọng Công ước quốc tế về quyền con người; tiến hành những biện pháp bảo vệ những người đi sơ tán, những người bị mất nhà cửa, tài sản; phải đảm bảo việc hồi hương, trợ giúp tài chính và vật chất cho những người bị ảnh hưởng trong cuộc xung đột cũng như đảm bảo tương lai và địa vị chính trị cho họ. Thứ ba là quy định về vùng đất truyền thống do tổ tiên để lại của người Moro. Để đảm bảo yêu cầu về kinh tế, văn hóa, xã hội và quyền có một vùng đất truyền thống do tổ tiên của người Moro để lại, hai bên sẽ thảo luận trong những cuộc hội đàm tới. Vấn đề cuối cùng là hai bên cụ thể hóa những hoạt động của Uỷ ban hỗn hợp nhằm hoàn thành nội dung thỏa thuận trong Hiệp định hũa bỡnh.
Hiệp định hòa bình ngày 22/6/2001 giữa Chính phủ Philippin và MILF thực ra mới chỉ là một văn bản ngừng bắn nhân đạo và mới chỉ là những cam kết để đi tới một hiệp định toàn diện trong tương lai. Hai bên còn có quỏ nhiều việc phải làm sau khi ký  kết. Chính quyền của bà Tổng thống Arroyo theo đuổi chính sách hòa bình với MILF nhưng không đáp ứng yêu cầu rút quân đội khỏi những doanh trại đã chiếm đóng được trong thời Tổng thống Estrada.
Một sự kiện đáng chú ý là ngày 7 tháng 8 năm 2001, Hội đồng hành pháp MNLF và MILF ký một thỏa thuận chung về sự thống nhất giữa hai tổ chức ở Putrajaya, Malaysia. Cũng cùng ngày Chính phủ Philippin và MILF ký một thông cáo về việc hai bên hoàn thành vấn đề về an ninh theo như Hiệp định hòa bình ký ngày 22/6/2001. Một cuộc trưng cầu dân ý về việc mở rộng khu tự trị Hồi giáo được tiến hành vào ngày 14/8/2001. Có một thành phố và một tỉnh đã tham gia tiếp vào khu tự trị Hồi giáo.
Cuối năm 2001, MNLF tiến hành Đại hội dân tộc Moro lần thứ 5 để xem xét lại Hiệp định hòa bình Tripoli ký năm 1976 và Hiệp định hòa bình ký năm 1996. Đại hội  lần này, Chủ tịch Nur Misuari đã mời đại biểu của MILF và MILF cử một đoàn đại biểu tới tham dự. MNLF và MILF ký một văn bản thống nhất hành động vì sự nghiệp chung của dân tộc Moro. Đây chưa phải là sự hợp nhất mà chỉ là sự hợp tác chung. Như vậy là sau 23 năm chia rẽ, thậm chí có lỳc xung đột, hai tổ chức li khai lớn nhất, có ảnh hưởng nhất ở miền Nam Philippin đã bắt tay nhau. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến mới trong phong trào li khai ở Mindanao. Tiếp sau đó, ngày 29 tháng 10 năm 2001, MNLF và MILF đã tiến hành phiên họp đầu tiên, gọi là Hội nghị đoàn kết dân tộc Moro trong Hội đồng hợp tác chung giữa hai tổ chức ở Kuala Lumpur. Hai tổ chức thống nhất cử một đoàn đại biểu chung đi dự Hội nghị OIC lần thứ 29 ở Xuđăng. Đây là một thắng lợi lớn  nữa của MILF. Với việc tham dự Hội nghị OIC, MILF lần đầu tiên được thế giới Hồi giáo thừa nhận vị thế chính thức của mình.
Vào cuối tháng 11 năm 2002, Chính phủ của Tổng thống Arroyo đã đồng ý để chính quyền Bush gửi quân Mỹ tới Philippin. Mỹ đã triển khai các hoạt động quân sự từ tập trận, tham gia các chiến dịch giải phóng con tin, xóa bỏ các căn cứ huấn luyện, chống nổi loạn ở khu vực Mindanao. Những chiếc máy bay vận tải C130 đổ từng tốp lính Mỹ xuống các sân bay ở miền Nam Philipppin đã gây sốc cho các quốc gia ở Đông Nam Á. Kể từ khi Mỹ tuyên bố liệt kê Philippin, Inđônêsia và Malaysia vào danh sách các nước có thể là nơi ẩn nấp của các tổ chức khủng bố, khu vực Đông Nam Á trở thành một trong những điểm chú ý của dư luận trong ngoài khu vực. Mỗi động thái quân sự của Mỹ ở khu vực này đều gây ra những phản ứng rất khác nhau.
Đúng là sau 11/9/2001, Đông Nam Á đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy đây là một trong những địa bàn hoạt động của bọn khủng bố. Ở Philippin có tổ chức li khai Hồi giáo Abusayyaf, một nhóm nhỏ tách ra từ MNLF từ đầu những năm 1990. Nhóm này chuyên bắt cóc, tống tiền, giết người và đòi thành lập một nhà nước Hồi giáo độc lập. Nhóm này có mối liên hệ với các nhóm khủng bố như Jemaah Islamiyah (JI) ở Inđônêsia, Kumpulan Mujahideen ở Malaysia (KMM). Nhóm Abusayyaf được mô tả là có mối liên hệ mật thiết với tổ chức khủng bố Al Qaeda mà Mỹ đang triệt hạ. Nhưng trên thực tế, nhóm Abusayyaf chỉ là một băng nhóm kẻ cướp nhỏ hám tiền, không có một ý thức hệ gì. Hai tổ chức li khai MNLF và MILF ở Mindanao đã cực lực phản đối Abusayyaf. Nhóm này không đại diện cho dân tộc Moro và phong trào li khai. Việc Mỹ đặt chân đến Philippin đặt ra nhiều câu hỏi cho cả người Mỹ và người Philippin. Với phương tiện vũ khí hết sức hiện đại, những cuộc hành quân phối hợp tập trận kéo dài hàng năm chỉ để chống một băng nhóm nhỏ Abusayyaf hay còn có mục đích gì nữa. Chính quyền Mỹ đã viện trợ 356 triệu USD cùng với nhiều máy bay lên thẳng đặc biệt cho quân đội Philippin nhằm chống khủng bố. Rất nhiều nhà quan sát đã lên tiếng cảnh báo Đông Nam Á hãy cẩn thận. Trong quá khứ, cuộc chiến tranh Đông Dương ngày càng leo thang cũng bắt đầu bằng sự can dự của quân Mỹ dưới danh nghĩa cố vấn. Thực tế chỉ ra rằng, việc can dự với toan tính từ bên ngoài có thể làm gay gắt thêm những mâu thuẫn bên trong và làm cho việc giải quyết vấn đề ngày càng khó khăn phức tạp hơn. Nhiều người Philippin bắt đầu lo ngại các hoạt động quân sự của Mỹ và Philippin. Nó có thể dẫn tới sự mất ổn định hơn ở Mindanao.
Trong khi đó cả MNLF và MILF đều muốn OIC, Mỹ và Liên Hơp Quốc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột ở Mindanao đã kéo dài trên 35 năm với 130.000 người bị giết hại, chủ yếu là người Hồi giáo. Salamat Hashim đã bác bỏ chủ nghĩa khủng bố kể cả với tư cách là một phương tiện để giải quyết các vấn đề khác. Ông còn cho rằng sự giúp đỡ của Mỹ là rất cần thiết. Mặc dù Hashim và các giáo sĩ không muốn có lối sống Mỹ cũng như văn hóa phương Tây nhưng họ không có tư tưởng chống Mỹ. Họ luôn kêu gọi sự giúp đỡ của Mỹ và hoan nghênh sự giúp đỡ của Mỹ với điều kiện không can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Thậm chí năm 2003 Hashim còn yêu cầu Mỹ, Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế tài trợ, giám sát một cuộc trưng cầu dân ý công bằng ở Mindanao để người dân lựa chọn chế độ tự trị hay độc lập hoặc chế độ liên bang (Theo Hashim nếu điều đó được thực hiện, MILF sẽ theo ý muốn của người dân và hòa bình vĩnh viễn sẽ ở lại Mindanao). Tất nhiên đề nghị đó sẽ không bao giờ được thực hiện.
Các cuộc hội đàm giữa Chính phủ Philippin và MILF từ cuối năm 2002 đến những tháng đầu năm 2003 tiến triển chậm chạp, ngắt quãng bởi những cuộc xung đột và những chiến dịch chống khủng bố. Tình hình hết sức phức tạp bởi những hoạt động đan xen của các tổ chức khủng bố, li khai dân tộc không chỉ ở Philippin mà còn ở nhiều nước Đông Nam Á khác. Ở Philippin, hoạt động của nhóm Abusayyaf vẫn không giảm sau rất nhiều những cuộc vây ráp, tấn công có sự phối hợp của quân Mỹ vào sào huyệt của băng nhóm tội phạm này. Trong những khu rừng nhiệt đới rậm rạp, hiểm trở, ánh nắng không hề xuyên xuống mặt đất, sương mù bao phủ cách vài mét không nhìn thấy nhau, phiến quân khủng bố lúc ẩn lúc hiện. Quân đội Philippin gần như bất lực. Lại có những dấu hiệu các nhóm khủng bố ở Đông Nam Á bắt tay với Abusayyaf. Hoạt động quân sự của các nhóm ở Mindanao không thuyên giảm, những vụ đánh bom xảy ra khắp các thành phố ở Mindanao và có nguy cơ lan đến cả thủ đô Manila. Các phe chống đối bắt đầu lên tiếng chỉ trích chính sách của Tổng thống Arroyo mặc dầu bà được sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Bush. Chính phủ của bà Arroyo muốn dựa vào Mỹ, tăng cường các hoạt động quân sự ở Mindanao. Nguy cơ một cuộc chiến toàn diện lại hiển hiện trước mắt. Tại Sulu, nơi quân đội Philippin tiến hành nhiều chiến dịch quyết liệt, hàng chục nghìn người đã phải di dời khỏi chỗ ở. Một thảm họa nhân đạo đã xảy ra. Tất cả các tổ chức nhân đạo, tôn giáo trong ngoài nước, trong đó có Hội đồng Thiên Chúa giáo ở Philippin đều kêu gọi Tổng thống Arroyo và các bên kiềm chế ngồi vào bàn hội nghị.
Một mặt mở các chiến dịch, một mặt chính phủ Philippin đề xuất một bản dự thảo hòa bình. Dự thảo đã được Quốc hội và Tổng thống Arroyo phê chuẩn. Về cơ bản dự thảo chỉ chấp nhận chế độ tự trị rộng rãi hơn, kể cả về mặt địa lý, chính trị, kinh tế. Song các nhà lãnh đạo MILF vẫn không chấp nhận quy chế tự trị. Chiến sự vẫn tiếp tục gia tăng, quân đội Philippin đã nhiều lần tấn công vào trại Buliok của MILF. Trên 30.000 người đã phải di dời chỗ ở. Bản thân nhà lãnh đạo Salamat Hashim cũng bị truy lùng, bị kết tội gây ra những vụ khủng bố. Ngày 13 tháng 7 năm 2003 Salamat Hashim bị bệnh và qua đời. Tổng thống Arroyo đã hủy bỏ lệnh truy nã. MILF tuyên bố đơn phương ngừng bắn. Tiếp đó Chính phủ Philippin và MILF ký Thỏa hiệp ngừng bắn Bantay.
Sau cái chết của Hashim, các nhà lãnh đạo MILF bầu Murad Ebrahim làm thủ lĩnh. Murad Ebrahim là một trong nhiều nhà lãnh đạo đã trải qua ba mươi nhăm năm chiến đấu trong rừng núi Mindanao đòi độc lập cho người Hồi giáo Moro. Giờ đây với cương vị lãnh đạo, Murad phải chèo lái MILF đi theo mục tiêu ban đầu của tổ chức, phải thương thuyết thành công với Chính phủ Philippin, phải thanh lọc và cắt đứt toàn bộ mối liên hệ với các nhóm khủng bố. Murad vốn là một học giả trước khi gia nhập lực lượng nổi dậy li khai trong thập niên 1970. Murad tuyên bố quyết tâm chấm dứt cuộc chiến kéo dài trên 35 năm làm chết 130.000 người. Theo các chuyên gia phân tích, thời điểm Murad được bầu là Chủ tịch MILF, tổ chức này có khoảng 15.000 tay súng thiện chiến, có kinh nghiệm chiến đấu. Trong năm 2004, MILF đã cương quyết bác bỏ mọi sự tố cáo rằng MILF có liên quan với các nhóm khủng bố. Tuy nhiên MILF cũng thừa nhận có một vài thủ lĩnh bất lương có thể móc ngoặc với các nhóm khủng bố vì tiền. Cuối năm 2004 cho đến đầu năm 2005, Murad đã ổn định trật tự nội bộ, lãnh đạo MILF trục xuất 4 huấn luyện viên và hơn một chục chiến binh khủng bố Jemaah Islamiya ở địa phận của MILF về Inđônêsia.
Có một điều đáng chú ý là ngày 8 tháng 3 năm 2006, người dân ở Sulu kỷ niệm 100 năm ngày quân đội Mỹ thảm sát 1000 người dân Sulu trong một chiến dịch càn quét từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 3 năm 1906, trong đó có 400 phụ nữ và trẻ em Hồi giáo bị giết hại. Trong nỗi niềm đau thương đó, người dân Sulu lại chứng kiến quân đội mở hàng loạt chiến dịch truy quét các nhóm MNLF, nhóm khủng bố Abusayyaf với sự hỗ trợ của máy bay Mỹ và lính Mỹ mà nạn nhân lại là biết bao người Hồi giáo vô tội [37].
Đến nay người dân Mindanao kỷ niệm mười năm ngày Chính phủ Philippin và MNLF ký Hiệp định hòa bình năm 1996 trong tiếng bom đạn, một hiệp định cuối cùng được người ta miêu tả để hoàn thành Hiệp định Tripoli năm 1976. Người dân Mindanao cũng kỷ niệm 9 năm kể từ ngày chính quyền bắt đầu thương lượng với MILF trong sự giao tranh khốc liệt. Chưa có dấu hiệu hòa bình ở Mindanao. Đến tháng 10/2006, tiến trình đàm phán để đi đến một hiệp định hòa bình cuối cùng giữa Chính phủ Philippin và MILF tại Malaysia vẫn bế tắc. Hàng trăm tổ chức trong ngoài nước đã kêu gọi cả hai phía cùng đưa ra những điểm vướng mắc để cho các tổ chức và đặc biệt là cho nhân dân Mindanao cùng tham gia tháo gỡ. Nhưng tất cả vẫn trong im lặng.
Chỉ biết rằng theo thống kê của các tổ chức nhân đạo năm 2005 có 70.000 người dân Sulu phải đi sơ tán. 10 tháng đầu năm 2006 có 4.138 gia đình bao gồm 22.000 dân ở Maguindanao phải di dời nhà cửa. Hàng ngàn người dân vô tội bị chết và bị thương. Các tổ chức nhân đạo, các cơ quan cứu trợ, các lãnh tụ Hồi giáo, Thiên Chúa đã lặp đi lặp lại yêu cầu quân đội ngừng bắn, yêu cầu MNLF, MILF kiềm chế để tìm ra giải pháp hòa bình. Tuy nhiên Chính phủ Philippin đã bác bỏ việc ngừng bắn với MNLF sau khi nhóm này kích động chống đối. Quân đội Philippin thề sẽ đè bẹp phiến quân MNLF trung thành với Nur Misuari ở Sulu và trung lập hóa MILF. Người ta đang sợ rằng cái chu kỳ bạo lực bùng phát 3 năm 1 lần, năm 1997, năm 2000, năm 2003 và liệu có lặp lại để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2007.
Cuộc chiến li khai ở Philippin vẫn tiếp diễn, lúc căng thẳng, lúc trùng xuống cho đến cuối năm 2013. Mặc dầu có sự giúp đỡ rất lớn của Mỹ, mặc dù sự giúp đỡ của các nước Hồi giáo với lực lượng li khai đã giảm đi rất nhiều, nhưng chính phủ Philippines vẫn không dập tắt được phong trào li khai ở miền Nam Philippines. Cuộc chiến kéo dài 40 năm, trải qua 6 đời tổng thống, một cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử chính trị Đông Nam Á.
Từ năm 2010 trở lại đây, Biển Đông bắt đầu dậy sóng. Sự trỗi dậy “hòa bình” của Trung Quốc bắt đầu đe dọa hòa bình, ổn định và chủ quyền của nhiều quốc gia Đông Nam Á với tham vọng hiện thực hóa “đường lưỡi bò” nhằm độc chiếm Biển Đông. Trong nửa đầu năm 2012 Philippines và Trung Quốc đã đụng độ căng thẳng tại bãi cạn Scarborough. Phillippines huy động cả tàu chiến nhưng đến hỗ trợ, cuối cùng vẫn để mất bãi cạn. Tiếp theo, Trung Quốc tử hình ba công dân Philippine không cho đãn độ về nước vì tội buôn ma túy. Sự kiện này lại xảy ra ngay khi tàu khảo sát dầu khí của Philippine đối đầu với tàu tuần tra của Trung Quốc tại khu vực bãi cỏ Rong mà Philippines đang kiểm soát. Quan hệ giữa hai nước trở nên rất căng thẳng.
Mất chủ quyền, Philippine chỉ còn cách chuẩn bị hồ sơ chính thức khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về luật biển. Nguy cơ Trung Quốc đã đẩy mâu thuẫn giữa Chính phủ Philippine với với lực lượng MILF xuống hàng thứ yếu. Vấn đề ổn định nội bộ để đối phó với nguy cơ bên ngoài được chính quyền Tổng thống Benigno Aquino đặt lên hàng đầu. Về phần mình, ngay khi nhậm chức, Tổng thống Aquino đã hết sức nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán từ năm 2010. Kết quả ngày 15 tháng 10 năm 2013 Chính phủ Philippines và Mặt trận Hồi giáo Moro đã kí thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 40 năm, mở đường cho việc mở rộng khu tự trị mới tại miền Nam Philippines.
Lễ kí kết được phát trên đài truyền hình quốc gia với sự có mặt của Tổng thống Philippines Benigno Aquino, Thủ lĩnh Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro Mourad Ebrahim và Thủ tướng Malaysia Najib Razac, người đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán. Thỏa thuận có tên gọi Hiệp định toàn diện về Bangsamoro, thỏa thuận chỉ có năm trang nhưng phải mất tới 17 năm đàm phán. Theo thỏa thuận, người dân thuộc “Nhà nước Bangsamoro” sẽ xây dựng Luật cơ bản và bầu ra chính phủ của riêng mình. Lực lượng vũ trang MILF sẽ chấm dứt hoạt động và từng bước chuyển giao việc thục thi pháp luật cho cảnh sát địa phương. Khu tự trị mới mang tên “ Nhà nước Bangsamoro” sẽ được hoàn thiện vào năm 2016, thay thế cho Vùng tự trị Hồi giáo Mindanao được thiết lập năm 1989. Theo thỏa thuận, Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro sẽ có thêm quyền chính trị và kiểm soát đối với nguồn tài nguyên trong khu vực. Tuy nhiên, Chính phủ Philippines sẽ nắm quyền kiểm soát về quốc phòng, an ninh cũng như chính sách đối ngoại và tiền tệ.
Với thỏa thuận này, thỏa thuận cả hai bên đều nhượng bộ lẫn nhau. Chính phủ Philippines vẫn giữ được sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Phía MILF, dù không đòi được độc lập như mục tiêu ban đầu, nhưng vẫn giành được quyền thành lập một nhà nước tự trị với những quyền lợi về kinh tế của riêng họ. Đây là cơ hội nhằm đi tới một nền hòa bình thực sự và bền vững. Khả năng trong tương lai có một hiệp định hòa bình với khu tự trị rộng lớn hơn, với những quyền hạn rộng lớn hơn cho người Moro về kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục là có thể nhưng khả năng về một nhà nước Hồi giáo độc lập hay một chế độ liên bang mà các nhà bình luận nói đến là khó trở thành hiện thực.

2.3. Li khai dân tộc ở Thái Lan

2.3.1. Tổng quan

Thái Lan, trước đây còn được gọi là Xiêm nằm ở trung tâm lục địa Đông Nam Á, phía Tây giáp Mianma, phía Bắc và Đông giáp Lào, phía Đông Nam giáp Cămpuchia và phía Nam kéo dài đến phần bắc Bán đảo Mãlai. Thái Lan rộng 513.125 km2, dân số tính đến năm 2010 khoảng trên 67 triệu người. Thái Lan là một quốc gia đa dân tộc. Đạo Phật chiếm 95%, đạo Hồi 4%, còn lại là các tôn giáo khác. Tiếng Thái là ngôn ngữ chính, tiếng Anh và tiếng Trung được sử dụng rộng rãi.
Lịch sử phát triển của Thái Lan gắn liền với sự cầm quyền và trị vì của nhiều đời vua. Chính vì thế, vua Thái Lan được coi là trung tâm quyền lực trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Thái Lan là nước duy nhất ở Đông Nam Á không bị thực dân phương Tây đô hộ. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Sêni Pramôt, cựu Đại sứ Thái Lan ở Mỹ trở thành Thủ tướng Thái Lan. Năm 1957, nhóm quân sự do Phibum cầm đầu được Mỹ ủng hộ đã tiến hành đảo chính quân sự. Ngày 15 tháng 12 năm 1957 giới quân sự đã tiến hành bầu cử Quốc hội Thái Lan. Thamơm Kitticachon, người thuộc Đảng Thống nhất quốc gia trở thành Thủ tướng. Ngày 20 tháng 1 năm 1958, Xarit được sự ủng hộ của Mỹ đã lật đổ Thamơn Kitticachon lập nên chế độ độc tài. Cuối năm 1963 Thamơn Praphạt lên cầm quyền, tập đoàn quân phiệt này dấn sâu vào con đường liên minh với Mỹ. Sau 10 năm, Xamia - Giám đốc Trường Đại học Thammaxăc được nhà vua cử làm Thủ tướng thay Thamơn Praphạt. Năm 1980, Tướng Prem Tinasulamôn lên giữ vị trí Thủ tướng cho tới năm 1988. Người thay thế Prem Tinasulamôn là Xạtsaichuhavăn thuộc Đảng Dân tộc Thái được sự ủng hộ của liên minh 6 đảng đã lên cầm quyền. Năm 1991 giới quân sự tiến hành đảo chính. Nhờ có sự can thiệp của nhà vua, chế độ bầu cử mới được tiến hành năm 1992. Năm 1993 liên minh 6 đảng đưa Tướng Chuân Lệch Phai, người của Đảng Dân chủ lên làm Thủ tướng và thành lập nội các mới. Tháng 5 năm 1995, do không tin tưởng vào nội các, Chính phủ Thỏi đã giải tán Nghị viện và tiến hành bầu cử nội các mới vào tháng 7 năm 1995. Theo công bố ngày 18 tháng 7 năm 1995, Chính phủ liên hiệp mới của Thái Lan do Thủ tướng Banharn Silpa Aracha đứng đầu. Đó là Chính phủ liên hiệp của 7 đảng, trong đó Đảng Chart Thai làm nòng cốt giữ 20 ghế, Đảng Nguyện vọng giữ 13 ghế. Năm 1996, Thủ tướng Banharn Silpa Aracha bị kết tội tham nhũng. Trong cuộc bầu cử tháng 9 năm 1996, Đảng Nguyện vọng mới của Chavalít giành được thắng lợi. Chavalít trở thành Thủ tướng. Nhưng giữa năm 1997, Thái Lan rơi vào cuộc khủng khoảng kinh tế, tài chính buộc phải phá giá đồng Bạt. Chỉ trong một vài tuần, đồng Bạt bị mất giá hơn một nửa giá trị. Nền kinh tế Thái Lan lâm vào khủng hoảng sâu sắc. Những khó khăn về kinh tế chuyển sang vấn đề chính trường. Các đảng đối lập và quần chúng xuống đường biểu tình. Tháng 11 năm 1997 Chavalít từ chức. Chuân Lệch Phai được chỉ định làm Thủ tướng lần thứ hai. Đến tháng giêng năm 2001 trong cuộc tổng tuyển cử, lần đầu tiên Đảng của người Thái yêu người Thái do nhà tư bản viễn thông Thak Sin Shinawatra đứng đầu giành được thắng lợi. Thak Sin trở thành Thủ tướng cho tới ngày 19 tháng 9 năm 2006 khi giới quân sự do Tướng Sondhi Boonyaratglin đứng đầu tiến hành cuộc đảo chính đưa Surayud Chulanont lên làm Thủ tướng.
Tóm lại, Thái Lan kể từ 1932 đến nay đã trải qua 23 cuộc đảo chính, nhưng chế độ chính trị cùng với bộ máy hành chính quan liêu ít thay đổi. Tình trạng gian lận, mua bán phiếu bầu vẫn tồn tại trong các cuộc bầu cử. Đặc biệt là giới quân sự tiếp tục có ảnh hưởng lớn trên chính trường Thái Lan.

2.3.2. Li khai dân tộc ở các tỉnh Nam Thái Lan

Ở Thái Lan có khoảng 3 triệu người Mã lai theo đạo Hồi dòng Sunni. Họ sống tập trung ở các tỉnh Đông Nam Thái Lan, bao gồm các tỉnh Pattani, Yala, Narathiwat, một phần Satun và Songkla. Những tỉnh này trong quá khứ là một bộ phận của đất nước Mã lai, một vương quốc Hồi giáo độc lập có ảnh hưởng lớn ở trong vùng. Năm 1785 chính quyền phong kiến Xiêm  xâm chiếm các tỉnh này. Chính quyền Xiêm áp dụng chính sách cai trị lỏng lẻo, chia các vùng chiếm đóng thành 7 tiểu vương với quyền tự trị tương đối rộng rãi. Nhưng lịch sử quan hệ giữa người Mã lai theo đạo Hồi ở vùng này với nước Xiêm là lịch sử kháng cự trường kỳ, mạnh mẽ. Đến năm 1902 chính quyền chính thức sáp nhập các vùng này vào Vương quốc Xiêm. Họ thi hành chính sách kiểm soát chặt chẽ, lập ra hệ thống hành chính trực tiếp, tìm mọi cách giảm ảnh hưởng của văn hóa Hồi giáo [2, tr. 203]. Từ đó đến cuộc Cách mạng Xiêm năm 1932 và sau Chiến tranh thế giới thứ hai, người dân ở vùng này đã nhiều lần nổi dậy chống chính quyền Xiêm. Thủ lĩnh của phong trào đấu tranh những năm 1940 là Mah Mud Mahyidden, ông cùng với nhiều thủ lĩnh trong dòng tộc đã lãnh đạo phong trào khi thì đòi phục hồi lãnh thổ, khi thì đòi sáp nhập với Malaysia.

2.3.2.1. Các tổ chức li khai

Trong các tổ chức li khai ở miền Nam Thái Lan người ta thường nói tới Tổ chức Giải phóng thống nhất Pattani (The Pattani United Liberation Organization – PULO). Đây là tổ chức lớn nhất và có ảnh hưởng nhất. Nó có trên 300 chiến binh, được Tuanku Biyo Kodomiyo thành lập vào ngày 22 tháng 3 năm 1968. Sau chiến tranh lạnh, vào năm 1992, PULO chia thành hai phái. Dr Arong Muleng đứng đầu phái thứ nhất. Phái này thành lập một Hội đồng lãnh đạo PULO, lấy biểu tượng là một thanh gươm. Tên đơn vị vũ trang của nó gọi là Quân đội Caddan. Người đứng đầu phái thứ hai là Hajji Sama-ae Thanam. Phái này đã thành lập Hội đồng chỉ huy quân đội PULO, lấy biểu tượng một con chim đại bàng.
Vào năm 1995, những người đứng đầu phái thứ nhất của phong trào li khai lại tiếp tục chia rẽ. Dr Arong Muleng quyết định tách nhóm của mình ra(1), tạo thành một tổ chức mới gọi là PULO 88. Hajji Habeng Abdul Rohman lãnh đạo nhóm còn lại. Tên đơn vị vũ trang vẫn lấy tên là Quân đội Caddan. Còn phái thứ hai vẫn duy trì tình trạng như trước được gọi là PULO cũ. Đầu năm 1998, những người lãnh đạo phong trào PULO cũ và mới đều bị bắt. Tinh thần các thành viên PULO sa sút nghiêm trọng. Họ đã cố gắng thu hẹp khoảng cách khác biệt và tăng cường hợp tác với nhau. Hiện tại người ta cho rằng hai phái đã thống nhất những hoạt động chính trị, quân sự. Trụ sở chỉ huy của cả hai nhóm có lẽ đều ở Malaysia. Mục tiêu của họ là thành lập một nhà nước Hồi giáo độc lập.

2.3.2.2. Những diễn biến chính của phong trào

Trong những năm 1960 và 1970, nhiều phong trào phản kháng có mục đích khác nhau đã xuất hiện ở các tỉnh miền Nam Thái Lan. Mặc dầu có nhiều tổ chức, phe phái hoạt động du kích chống lại chính quyền Thái, nhưng người ta thường nói tới Tổ chức Giải phóng thống nhất  Pattani. Điểm giống nhau của tất cả tổ chức, phe phái là họ đều có chủ trương li khai, thành lập một nhà nước Pattani độc lập dưới hình thức này hay dưới hình thức khác. Các hoạt động quân sự chống đối chính quyền Thái thường là phục kích, ám sát, bắt cóc, phá hoại và đánh bom. Điều đáng chú ý, các mục tiêu của PULO thường nhằm vào là các cơ sở trường học, giáo viên, quan chức địa phương, những người Thái theo đạo Phật đến định cư tại các tỉnh miền Nam Thái Lan và cảnh sát, quân đội Thái. Có thể nói đó là những mục tiêu đe dọa, thù địch với bản sắc dân tộc của người Mã lai theo đạo Hồi.
Chính phủ Thái có nhiều cố gắng hội nhập những người Mã lai theo đạo Hồi vào dòng văn hóa chủ lưu của người Thái. Trong lĩnh vực giáo dục, vào những năm 1960, Chính phủ Thái sáp nhập nền giáo dục Mã lai – Hồi giáo ở các tỉnh miền Nam vào hệ thống giáo dục quốc gia. Ngôn ngữ trong nhà trường là ngôn ngữ Thái. Những văn bản Hồi giáo truyền thống cũng được dịch sang tiếng Thái. Các nhà nghiên cứu gọi hiện tượng này là “Thái hóa” tiếng Mã lai. Trong lĩnh vực chính trị, Chính phủ Thái Lan đã cải thiện bộ máy chính quyền địa phương bằng cách tạo điều kiện cho một số người bản địa trung thành tham gia vào bộ máy hành chính, đồng thời, tuyển lựa một hệ thống quan chức Thái thông thạo những đặc điểm tâm lý người Hồi giáo. Về kinh tế, chính phủ Thái cũng cải thiện và đa dạng hóa nền kinh tế các tỉnh miền Nam bằng việc xây dựng mạng lưới đường xá, cầu cống nối liền với các tỉnh miền Trung. Mặc dù có nhiều biện pháp trong việc hòa nhập dân tộc nhưng Chính phủ Thái lại rất cứng rắn trong việc đối phó với những tổ chức chống đối. Việc bắt bớ và giết hại tràn lan người Mã lai theo đạo Hồi ở các tỉnh miền Nam đã dẫn tới sự bất bình trong các tầng lớp người bản địa.
Tình trạng xung đột bạo lực lên đến điểm cao vào cuối những năm 1960, nhất là từ khi PULO ra đời. Nó trở thành cao trào giữa những năm 1970 và đầu những năm 1980. Nhưng các hoạt động du kích của PULO trong thời gian chiến tranh lạnh chưa phát triển đến mức đe dọa nghiêm trọng tới chính quyền trung ương Thái như hoạt động của GAM ở Inđônêsia và hoạt động của MNLF, MILF ở Philippin. Các nhà quan sát cho rằng sở dĩ các hoạt động li khai ở miền Nam Thái Lan yếu không đạt được các mục đích, dù là nhỏ bé là do thiếu sự ủng hộ của các lực lượng bên ngoài và đặc biệt là không có sự ủng hộ của Malaysia. Cụ thể là thiếu sự ủng hộ của thế giới Hồi giáo nói chung và các chính quyền cấp tiến ở Trung Đông nói riêng. Có những nguồn tin nói rằng viện trợ của thế giới bên ngoài thường không liên tục và phần lớn là không có hiệu quả. Cho nên trong thập kỷ 1990 và nhất là sau khi những người lãnh đạo của PULO bị bắt, hoạt động li khai gần như dậm chân tại chỗ. Nhưng điều đó không có nghĩa là chính quyền Thái đã được người dân ở các tỉnh miền Nam chấp nhận. Một số nhà quan sát đã ghi nhận rằng người dân ở các vùng miền Nam Thái sống trong thế giới riêng của họ như thể nhà nước Thái không tồn tại. Họ cố gắng không quan hệ với nhà chức trách Thái. Chẳng hạn trong các vụ tranh chấp dân sự ở địa phương hoặc trong các vụ kiện tụng, nhiều giáo sĩ, nhiều già làng luôn luôn tìm cách tự xử lý, không để các nhà chức trách Thái có cơ hội can thiệp hoặc thi hành nhiệm vụ của mình. Một điểm đáng chú ý nữa là cộng đồng người Mã lai theo đạo Hồi không hề có quan hệ gì với những người Thái theo đạo Phật.
Tình hình đã thay đổi khi một số chiến binh tham gia cuộc chiến ở Apganistan từ những năm 1980 và được đào tạo ở Trung Đông trở về làm nòng cốt cho PULO cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Thêm vào đó là tác động của sự kiện Đông Timo giành được độc lập, tác động của Tây Papua giành được tự trị, tác động của GAM, của MNLF và MILF, tác động của một số tổ chức khủng bố ở Đông Nam Á như Jemaah Islamiyah Inđônêsia (JI), Kumpulan Mujahideen Malaysia (KMM), PULO bắt đầu nổi lên như một tổ chức li khai giành độc lập cho các tỉnh miền Nam Thái Lan mang đậm màu sắc khủng bố. Vào năm 2001 những nhóm li khai ở miền Nam Thái Lan bắt đầu gây ra nhiều vụ xung đột bạo lực. Một số chuyên gia cho rằng những sự kiện xung đột ở Thái là do bị ảnh hưởng trực tiếp của những nhóm li khai hồi giáo cực đoan ở nước ngoài như Al-qaeda và Jemaah Islamiyah Inđônêsia, Kumpulan Mujahideen Malaysia, mặc dù mối liên hệ giữa các tổ chức này chưa bao giờ được chứng minh một cách thuyết phục và vẫn còn gây tranh cãi. Những chuyên gia theo quan điểm này nhận định những người Hồi ở ba tỉnh Pattani, Yala, Narathiwat đã nhận được sự hỗ trợ đào tạo từ các trung tâm khủng bố ở Pakistan và Trung Đông. Trái ngược với quan điểm này, một số chuyên gia phản bác rằng rất ít và thậm chí chẳng có mối quan hệ gì giữa phong trào li khai ở miền Nam Thái Lan với mạng lưới tổ chức thánh chiến toàn cầu. Cơ sở của phong trào li khai Hồi giáo ở Nam Thái Lan bắt nguồn từ bên trong, cụ thể là từ các trường Hồi giáo tư ở các vùng mà người ta gọi là “Pondok”. Ước chừng có khoảng 250 Pondok ở Pattani, Yala và Narathiwat chuyên giảng dạy và nghiên cứu về đạo Hồi. Có khoảng 192 trường tư Hồi giáo được cấp giấy chứng nhận của Bộ Giáo dục Thái. Ở những trường này, những học thuyết của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan được truyền bá, đồng thời các chiến binh cũng trực tiếp được tuyển mộ. Các giáo viên của các Pondok và các trường tư Hồi giáo là xương sống của phong trào Hồi giáo ở Nam Thái Lan. Gần như tất cả các giáo viên Hồi giáo là những chỉ huy cấp trung gian và là những lãnh đạo tinh thần cấp cơ sở. Việc đào tạo về quân sự, kỹ năng sử dụng vũ khí, chiến lược, chiến thuật thường được tiến hành vào ban đêm ở những địa điểm bí mật và thường xuyên thay đổi. Cuối năm 2004, theo nguồn tin tình báo quân sự Thái, có tới 320 giáo viên làm việc như những chỉ huy, những người huấn luyện thực thụ. Họ đã trực tiếp tuyển mộ 20.000 thanh niên Hồi giáo trở thành những chiến binh. Tất nhiên các Pondok và các trường tư Hồi giáo đã nhận được sự hỗ trợ tài chính của các tổ chức Hồi giáo và các cá nhân ở bên ngoài. Khác với hai quan điểm trên, một số chuyên gia lại cho rằng dường như có một mối liên hệ giữa các cuộc nổi dậy li khai ở miền Nam Thái Lan với MILF và GAM. Còn Chính phủ Thái Lan thì tuyên bố những sự kiện xảy ra ở miền Nam là do những băng cướp, buôn lậu, thổ phỉ tranh giành quyền lợi gây ra không liên quan gì đến tôn giáo, dân tộc. Có khoảng 50 vụ việc bạo động xảy ra trong năm 2001 ở 3 tỉnh Pattani, Yala và Narathiwat. Phần lớn những cuộc tập kích đốt phá của PULO tập trung vào các cơ sở cảnh sát, quân đội, trường học và các biểu tượng quốc gia. Hậu quả nghiêm trọng nhất mà chính quyền Thái thông báo là có tới 19 cảnh sát bị sát hại trong năm.
Năm 2002 có bảy mươi lăm vụ việc có liên quan tới các cuộc nổi dậy của PULO ở ba tỉnh Pattani, Yala, Narathiwat. Năm mươi cảnh sát, quân nhân Thái bị giết hại. Những cuộc tấn công vào cảnh sát, quân đội trong năm 2002 thường là do những tay súng đi trên môtô bắn vào các lực lượng an ninh Thái đi tuần tra không đề phòng. Cá biệt có một số vụ tập kích vào các cơ sở doanh trại, trạm kiểm soát, kho tàng của lực lượng an ninh cướp đi nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Trong thời gian này, chính quyền của Thủ tướng Thak Sin Shinawatra vẫn phủ nhận yếu tố tôn giáo, dân tộc trong các vụ việc trên. Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan Purachai Piemsomboon tuyên bố đó là những cuộc tấn công của các băng nhóm nhằm duy trì kiểm soát việc buôn bán ma túy. Đó là những phản ứng chống lại việc cảnh sát tăng cường bắt giữ nhiều nhóm tội phạm.
Năm 2003 các vụ việc bạo động đã lên tới 119. Quy mô, tính chất, sự phức tạp và mức độ thiệt hại của các sự kiện khiến Chính phủ Thái phải công nhận tình hình nghiêm trọng đang xảy ra ở các tỉnh miền Nam. Cảnh sát, quân đội bắt đầu được tăng cường để giải quyết vấn đề bạo lực.
Năm 2004 là năm bắt đầu một làn sóng bạo lực ở các tỉnh Pattani, Yala, Narathiwat. Mở màn ngày 4 tháng 1 năm 2004, khoảng 30 tay súng đã tấn công một kho quân nhu ở tỉnh Narathiwat, giáp Malaysia, bắn chết 4 binh sĩ và cướp đi 100 khẩu súng trường. Ngoài ra, các chiến binh li khai còn đốt cháy 18 trường học trong địa bàn của tỉnh. Sự kiện này đánh dấu bước leo thang bạo lực mới trên phạm vi rộng lớn. Chỉ trong ngày 14 tháng 1 có 9 chốt kiểm soát của lực lượng an ninh, bao gồm 4 điểm tại tỉnh Yala, 5 điểm tại tỉnh Songkla cùng một đồn cảnh sát ở Pattani đồng loạt bị tập kích. Lực lượng an ninh Thái cho biết, đa số những kẻ bạo loạn là những thanh niên trẻ. Khoảng 150 người của cả 2 phía bị thiệt mạng. Sau sự kiện này, những người nổi dậy đã tiến hành hàng loạt các vụ đánh bom, bắn phá vào các mục tiêu cảnh sát và quân đội. Hai bên giao tranh quyết liệt. Khoảng 600 người bị chết trong những tháng tiếp theo của năm 2004, trong đó có nhiều thường dân vô tội. Xung đột gia tăng khiến dòng người di tản ngày một nhiều và bắt đầu làm ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế ở các tỉnh vẫn bị coi là nghèo nhất Thái Lan.
Theo nhận định của các nhà quan sát, Chính phủ Thái đã đánh giá không đúng về tình hình ở miền Nam Thái Lan. Phản ứng của các lực lượng an ninh Thái là quá mức cần thiết, thiếu kinh nghiệm và thiếu phương pháp chống bạo loạn. Nhiều cảnh sát địa phương có liên quan đến các đường dây buôn bán ma túy và hoạt động tội phạm. Giữa quân đội và cảnh sát không có sự phối hợp đúng mức vì nghi kỵ lẫn nhau. Quân đội không có thông tin đầy đủ đã tấn công vào các làng Hồi giáo để tìm kiếm sự trả thù, gây ra sự bất mãn của người dân với lực lượng an ninh Thái.
Với thủ tướng Thaksin, những cuộc nổi dậy ở miền Nam Thái trùng hợp với cuộc bầu cử vào tháng 1 năm 2001. Dù không có đảng li khai nào ứng cử ở miền Nam, nhưng đa số cử tri lại bầu cho Đảng Dân chủ, chống lại Đảng người Thái yêu người Thái của Thaksin. Người đứng đầu Chính phủ Thái trong suốt thời gian cầm quyền luôn đối xử với vùng này như “lãnh thổ của kẻ thù” [42]. Thaksin liên tục gửi thêm nhiều binh sĩ quân đội và cảnh sát đến đàn áp. Ngay đầu tháng 2 năm 2004 Chính phủ Thái đã điều thêm 1000 binh sĩ tới các vị trí nhằm tăng cường an ninh. Một số đảng độc lập, tướng lĩnh quân đội các tỉnh miền Nam và những người Hồi giáo ôn hòa bắt đầu thất vọng và giảm đi đáng kể sự ủng hộ đối với chính sách của Thủ tướng Thaksin.
Năm 2002 Thủ tướng Thaksin Shinawatra từng tuyên bố trước công luận không có chủ nghĩa li khai, không có chủ nghĩa khủng bố, chỉ có những băng tội phạm ở miền Nam Thái. Đến đầu năm 2004 Thaksin đã xem xét những cuộc nổi dậy ở miền Nam nằm trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Lệnh thiết quân luật được ban hành ở Pattani, Yala và Narathiwat vào tháng giêng năm 2004. Mặc dầu vậy, bạo lực không những không giảm mà càng tăng thêm. Chỉ riêng trong tháng 4 các lực lượng an ninh Thái đã tiêu diệt trên 100 chiến binh, đa số là những thanh niên được mô tả là có âm mưu cướp vũ khí và tấn công tự sát vào các mục tiêu của quân đội, cảnh sát. Ước lượng về quân số của phiến quân li khai PULO rất khác nhau. Vào năm 2004 Tướng Thái Panlop Pinmanee nói chỉ có khoảng 500 chiến binh nòng cốt. Nguồn tin từ các chỉ huy quân đội, cảnh sát cho biết có khoảng 15.000 người. Một số nhà phân tích Thái tin rằng những nhóm Hồi giáo nước ngoài đã xâm nhập vào các tỉnh miền Nam. Đối với những nghi vấn của các nhà phân tích và chuyên gia Thái, cỏc trợ lý Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Châu Á - Thái Bình Dương nói rằng, Mỹ không nhận thấy có bất cứ bằng chứng trực tiếp nào giữa các tổ chức bạo loạn ở miền Nam Thái với mạng lưới khủng bố quốc tế [41].
Ngày 28 tháng 4 năm 2004, trên 100 chiến binh tấn công vào 10 đồn cảnh sát ở ba tỉnh Pattani, Yala, Narathiwat gần biên giới Malaysia. Theo nguồn tin từ quân đội Thái, có 32 người bị lực lượng quân đội truy đuổi đã rút lui vào nhà thờ Hồi giáo Krue Sae, một trong những nhà thờ thiêng liêng ở Pattani. Sau vài giờ bao vây, quân đội đã tấn công vào bên trong. Tất cả 32 người đều bị giết. Vụ việc này đã dấy lên một phong trào phản đối trong và ngoài nước. Băngcốc phải thành lập Uỷ ban độc lập để xem xét vụ bắn giết đẫm máu bên trong nhà thờ Hồi giáo. Các quan chức của Malaysia cũng tới Thái Lan thảo luận về vụ bạo lực đã gây sóng gió trong quan hệ giữa hai nước.
Theo tuyên bố của Tòa án Thượng viện Thái thì tất cả những người bị giết đều bị bắn vào đầu và có nhiều dấu vết dây thừng quanh cổ tay nạn nhân. Phía Băngcốc thừa nhận vụ bắn giết trong thánh đường là không thể tránh khỏi. Tướng chỉ huy Pallop Pinmanee cũng ghi nhận rằng ông ta không có sự lựa chọn nào khác. Nếu không hành động sớm, đám đông người sẽ giải thoát cho phiến quân. Các tổ chức Hồi giáo ở 3 tỉnh, các tổ chức quốc tế đã đặt câu hỏi về mức độ vũ lực mà lực lượng an ninh Thái sử dụng trong một loạt cuộc dập loạn. Ngày 5 tháng 5 năm 2004, Phó Thủ tướng Najib Razak và Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia đã có cuộc gặp với Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Nội dung bàn thảo chính giữa hai bên là vấn đề bạo lực ở vùng biến giới trước đó làm trên 100 chiến binh thiệt mạng. Con số người chết và thương vong khiến Kuala Lumpur công khai kêu gọi Băngcốc tập trung tìm giải pháp cho các vụ nổi loạn ở các tỉnh biên giới giáp Malaysia.
Ngày 24 tháng 10 năm 2004 tại thị trấn TakBai thuộc tỉnh Narathiwat, 6 người đàn ông bị bắt giữ vì bị xem là lấy vũ khí trao cho phiến quân li khai. Ngày hôm sau, khoảng 2000 người biểu tình, đa số là thanh niên Hồi giáo, đòi trả tự do cho 6 người bị bắt. Cảnh sát đã kêu gọi lực lượng quân đội tới tăng cường. Các lực lượng an ninh Thái sử dụng hơi cay, súng nước, súng vũ trang bắn vào đám người biểu tình. 7 người bị thiệt mạng trong quá trình xung đột. 1.300 người bị bắt và bị chất lên các xe tải. Đa số những người này bị lột hết áo, hai tay bị trói quặt ra sau lưng. 78 người đã bị chết ngạt trong các thùng xe. Tổng cộng số người bị chết trong ngày lên tới 85 người. Tất cả được chôn tập thể tại huyện Bacho tỉnh Narathiwat.
Sự kiện Tak Bai đã dấy lên một làn sóng phản đối chớnh sỏch của Thủ tướng Thaksin ở khắp các tỉnh miền Nam. Các tổ chức Hồi giáo trong nước yêu cầu Thủ tướng Thaksin phải công khai xin lỗi 85 gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngay cả những người Thái không theo đạo Hồi khi chứng kiến những bức ảnh chụp các nạn nhân cũng đều tỏ thái độ kinh hoàng. Các tổ chức nhân đạo ở ngoài nước đồng loạt lên tiếng phản đối Chính phủ Thái. Hàng nghìn người biểu tình trước Đại sứ quán Thái ở Malaysia, Inđônêsia và các nước Hồi giáo khác.
Mặc dầu vậy, Thủ tướng Thaksin Shinawatra vẫn lên tiếng ủng hộ quân đội, cho rằng số người chết là do họ quá đói vì ăn chay trong tháng Ramadan và do sử dụng thuốc kích thích. Trong khi đó, các quan chức Malaysia và Inđônêsia lại cho rằng những người Hồi giáo bị thiệt mạng không phải do nhịn ăn uống, mà do những hành động tàn bạo của quân đội Thái Lan.
Sau sự kiện Tak Bai, một làn sóng bạo lực báo thù liên tiếp xảy ra từng ngày. Hàng trăm trường học công bị đốt. Hàng trăm vụ tập kích vào các vị trí quân đội, cảnh sát, tư dinh các quan chức ở ba tỉnh Pattani, Yala, Narathiwat. Các vụ đánh bom cũng liên tiếp nổ ra. Nhiều dân thường, giáo viên bị sát hại. Nhiều quan chức ở Pattani cũng bị ám sát hụt. Các giáo viên bãi công đòi Chính phủ phải có biện pháp bảo vệ trường học. 1100 trường học ở ba tỉnh miền Nam bị tê liệt… Các lực lượng an ninh đã buộc tội những người Hồi giáo li khai cực đoan gây ra tình trạng trên. Tư lệnh tối cao quân đội, Tướng Chasit kêu gọi những người Hồi giáo chấm dứt bạo lực và chấm dứt các hoạt động quân sự bất hợp pháp. Nhiều cuộc mít tinh tuần hành của các tổ chức thu hút hàng trăm nghìn người nhằm kêu gọi hòa bình, chấm dứt bạo lực và hòa hợp dân tộc. Chính phủ Thái phát động một chiến dịch thả 120 triệu con chim hòa bình tại các tỉnh miền Nam nhằm thể hiện sự đoàn kết giữa người theo Phật giáo và Hồi giáo. Tuy vậy, bạo lực vẫn không thuyên giảm. Chính phủ Thái phải điều 2000 cảnh sát, 25.000 binh sĩ tới 3 tỉnh phía Nam để giữ gìn an ninh trật tự.
Sự hiện diện đông đảo lực lượng an ninh Thái đã không làm giảm bớt tình trạng bạo lực ở các tỉnh miền Nam. Các vụ tấn công của các lực lượng li khai vẫn gia tăng khiến Thủ tướng Thái Thaksin phải ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 19/7/2005. Ngày 1/9/2005 sau một loạt vụ đánh bom gần biên giới, 131 người đã trốn sang tị nạn tại Malaysia. Chính phủ Thái cho rằng trong số 131 người tị nạn có nhiều phiến quân li khai nên yêu cầu Chính phủ Malaysia trao trả 131 người trở về Thái. Chính phủ Malaysia đã từ chối với lý do nhân đạo.
Xung đột kéo dài đã chia rẽ hai cộng đồng người Hồi và người Thái. Họ nghi kỵ lẫn nhau và thực sự bắt đầu cách biệt nhau. Xung đột không chỉ còn là vấn đề li khai, nó còn mang đậm màu sắc tôn giáo. Trước năm 2004, các cuộc nổi dậy thường tiến hành theo dạng chiến tranh du kích, mục tiêu thường là nhằm vào quân đội, cảnh sát, trường học, quan chức. Nhưng từ cuối năm 2004 trở đi, các đợt bạo động liên tiếp chuyển thành các vụ đánh bom, ám sát, tập kích nhằm vào những khu đông dân, khách sạn, chợ búa, thậm chí còn chặt đầu những nhà sư, giáo viên, dân thường theo đạo Phật để trả thù. Nhiều người Hồi giáo ở các tỉnh miền Nam cho rằng họ bị đối xử tàn tệ. Thủ lĩnh các cộng đồng Hồi giáo đã cảnh báo việc quân đội gia tăng sự hiện diện trên các đường phố của các tỉnh Pattani, Yala và Narathiwat sẽ mang lại những kết quả ngược lại. Tuyên bố của Thủ tướng Thaksin khi tới các tỉnh miền Nam rằng sẽ dẹp tan các cuộc nổi loạn Hồi giáo li khai của PULO trong khoảng thời gian bốn năm. Tiếp theo, người đứng đầu Chính phủ Thỏi chính thức huỷ bỏ kế hoạch trợ cấp cho trên 350 ngôi làng nằm trong “vùng đỏ” vì đã tiếp tay cho các chiến binh Hồi giáo li khai. Tất cả đều làm cho tình hình càng thêm căng thẳng.
Số vụ việc bạo động từ cuối năm 2004 và trong năm 2005 lên tới 170 vụ. Con số người bị chết khoảng 1000 người. Đáng chú ý là ngày càng nhiều vụ việc xảy ra không phải do các chiến binh Hồi giáo li khai gây ra. Những dân thường Hồi giáo bắt đầu chống lại quân đội, cảnh sát. Chẳng hạn ngày 25/12/2005, 1000 dân làng gồm phụ nữ, trẻ em, người già đã bắt giữ 22 giáo viên làm con tin tại hai trường học ở tỉnh Narathiwat. Họ đòi cảnh sát phải thả hai thiếu niên Hồi giáo để đổi lấy việc các con tin được giải thoát [41]. Những vụ việc tương tự như vậy chứng tỏ xung đột ở miền Nam Thái Lan ngày càng diễn biến phức tạp. Thủ tướng Thaksin đã ban hành sắc lệnh giao cho quân đội toàn quyền sử dụng vũ lực. Nhưng những giải pháp quân sự mà chính quyền Thái áp dụng trong nhiều năm đã không thể dập tắt được xung đột bạo lực, mặc dù đến tháng 12 năm 2005, Chính phủ Thái đã điều tới các tỉnh miền Nam 30.000 binh sĩ và cảnh sát.
Vào cuối năm 2004, nguyên Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã đề xuất một giải pháp chính trị  thành lập khu tự trị cho các tỉnh ở miền Nam Thái Lan. Thủ tướng Thaksin hoàn toàn bác bỏ giải pháp này. Tháng 3 năm 2005 nguyên Thủ tướng Thái năm 1991 là Anand Panyarachun được chỉ định làm Chủ tịch Uỷ ban hòa giải dân tộc. Uỷ ban này có nhiệm vụ xem xét các giải pháp để đem lại hòa bình cho các tỉnh miền Nam Thái Lan. Anand thường xuyên chỉ trích chính quyền Thái trong việc xử lý tình hình bất ổn ở miền Nam. Anand đặc biệt lên án sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp đối với các tỉnh miền Nam của Thủ tướng Thaksin. Anand cho rằng chính quyền Thái đã làm việc thiếu hiệu quả. Các lực lượng an ninh đã bắt giữ nhiều người dân vô tội thay cho những kẻ phạm tội thật sự, dẫn tới mất lòng tin ở các địa phương.
Tình hình xung đột bạo lực càng trở nên xấu hơn kể từ năm 2005 đến năm 2006. Số người chết tính đến hết tháng 9 năm 2006 đã lên tới trên 1.400 người. Mặc dầu chỉ trích chính sách của Thủ tướng Thaksin, nhưng Anand vẫn không đưa ra được giải pháp hữu hiệu nào cho Uỷ ban hòa giải dân tộc. Cho tới ngày 5 tháng 6 năm 2006, Anand mới đưa ra một kế hoạch gợi ý, bao gồm 4 điểm mà Chính phủ Thái nên thực hiện:
- Đưa ra dự thảo thực hiện luật Hồi giáo ở các tỉnh miền Nam.
- Sử dụng ngôn ngữ Yawi (ngôn ngữ của người Mã lai ở các tỉnh miền Nam Thái) như là một ngôn ngữ chính ở trong vùng.
- Thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình không có vũ trang.
- Thành lập một trung tâm hành chính vì hòa bình cho các tỉnh ở miền Nam.
Chính phủ của Thủ tướng Thaksin hứa sẽ thực hiện những đề xuất của Uỷ ban hòa giải dân tộc. Nhưng nhiều nhân vật trong Hội đồng cơ mật Hoàng gia Thái đã bác bỏ những đề nghị của Uỷ ban hòa giải dân tộc. Họ cho rằng người Thái phải tự hào về dân tộc Thái. Đất nước của người Thái thì ngôn ngữ của nó cũng phải là ngôn ngữ Thái, ngôn ngữ duy nhất của quốc gia [42].
Các nỗ lực nhằm thương lượng với những người nổi dậy bị cản trở do tình trạng dấu tên của những người lãnh đạo Hồi giáo li khai. Ai cũng biết là Tổ chức Giải phóng thống nhất Pattani, nhưng ban lãnh đạo của nó là những người nào thì rất khó xác định, bởi bản thân những người lãnh đạo vẫn chưa muốn ra mặt. Tháng 5 năm 2004 Wan Kadir Che Man, một trong những người lãnh đạo phong trào li khai lưu vong ở nước ngoài, một nhân vật mang tính biểu tượng PULO đã tuyên bố ông muốn thương lượng với Chính phủ Thỏi để chấm dứt bạo lực ở miền Nam. Ông gợi ý sẽ làm mềm đi yêu cầu thành lập một nhà nước độc lập ở miền Nam Thái Lan. Ban đầu Chính phủ Thái Lan hoan nghênh yêu cầu thương lượng hòa bình của Wan Kadir Che Man. Thái độ của Chính phủ đã bị nhiều nhân vật chỉ trích như là một hành động thiếu suy nghĩ. Và thực tế cho thấy Wan Kadir Che Man đã không có ảnh hưởng nhiều đến các cuộc xung đột bạo lực ở miền Nam Thái Lan. Cuộc thương lượng theo hướng này đã bị hủy bỏ. Chính sách thiên về bạo lực của chính quyền Thaksin tiếp tục được thực hiện.
Sau khi được chỉ định làm người chỉ huy quân đội, Tướng Sonthi Boonyaratglin đã biểu lộ niềm tin sẽ giải quyết được tình trạng bất ổn ở miền Nam Thái Lan. Sonthi, người Hồi giáo đầu tiên đảm nhiệm chức vụ cao nhất trong quân đội đã nhiều lần tỏ thái độ bất đồng đối với chính sách an ninh của Thủ tướng Thaksin. Ông ta khẳng định sẽ đưa ra được một cách tiếp cận mới có hiệu quả đối với cuộc khủng hoảng này. Ông tuyên bố quân đội Thái Lan sẽ được biết những người nổi dậy ở miền Nam là ai và quân đội sẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình. Ngày 1 tháng 9 năm 2006, sau khi 22 ngân hàng thương mại ở tỉnh Yala bị đánh bom cùng một lúc, Sonthi thông báo sẽ theo đuổi chính sách thương lượng với những người nổi dậy li khai. Song Sonthi cũng lưu ý mọi người rằng quân đội không biết ai là người đứng đầu lực lượng nổi dậy. Trong một cuộc họp báo Sonthi đã lên án những người trong chính giới đã chỉ trích quân đội đang cố gắng theo đuổi thương lượng với người cầm đầu nổi dậy dấu tên. Sonthi yêu cầu họ hãy để quân đội tự do thực hiện công việc ở miền Nam.
Sự mâu thuẫn giữa những người đứng đầu Chính phủ Thỏi với lãnh đạo quân đội đã thu hút sự chú ý của giới quan sát và các phương tiện thông tin đại chúng. Một loạt bước đi mới trong chính sách của Chính phủ Thái do Thaksin đứng đầu đã khiến chính trường Thái chao đảo. Đặc biệt là việc Thủ tướng Thaksin quyết định tổ chức bầu cử trước thời hạn, khiến tất cả các phe đối lập tập hợp hàng trăm ngàn quần chúng xuống đường biểu tình. Tòa án tối cao Thái cũng bác bỏ kết quả bầu cử thắng lợi của Đảng người Thái yêu người Thái do Thaksin đứng đầu. Tiếp theo là các vụ ám sát hụt Thủ tướng Thaksin, người đứng đầu Chính phủ Thái cho rằng có bàn tay của lực lượng an ninh và những nhân vật có thế lực trong Hoàng gia. Thủ tướng Thaksin bắt đầu tìm cách thay đổi nhân sự trong bộ máy quân đội.
Cùng với chính trường Thái bị chia rẽ, quân đội Thái cũng đứng trước nguy cơ chia rẽ. Trong khi đó, tại miền Nam, liên tiếp các vụ xung đột bạo lực tiếp tục xảy ra, và kết quả tất yếu ngày 19 tháng 9 năm 2006, Tướng Sonthi và giới lãnh đạo quân sự ở Thái đã tiến hành đảo chính, lật đổ chính quyền của Thủ tướng Thaksin. Ngày 1 tháng 10 năm 2006, cựu tư lệnh tối cao, ủy viên Hội đồng cơ mật, cố vấn cấp cao của nhà vua Surayud Chulanont được bổ nhiệm chức vụ Thủ tướng lâm thời.
Ngày 5 tháng 10 năm 2006 Tướng Sonthi Boonyaritglin cho hay sẽ đồng ý hội đàm với thủ lĩnh phiến quân ở miền Nam. Đây là bước đi khác biệt so với chính quyền của Thaksin. Sonthi thông báo một số nhân vật cao cấp của nhóm nổi dậy đã liên lạc với quân đội yêu cầu đàm phán. Sonthi nói ông đã chấp nhận nhưng đó chỉ là các cuộc đối thoại chứ không phải đàm phán. Chính phủ cũ của Thủ tướng Thaksin luôn tìm cách từ chối đàm phán với các nhóm nổi dậy ở miền Nam. Quyết định cứng rắn của Thaksin đối lập với Tướng Sonthi, người luôn mong muốn giải quyết xung đột căng thẳng ở Nam Thái Lan bằng biện pháp hòa bình. Mặc dù là một tướng lĩnh quân đội, nhưng Sonthi lại cho rằng chỉ có hội đàm mới chấm dứt được bạo lực. Nếu phe li khai muốn hợp tác, Sonthi tuyên bố ông sẽ hoàn toàn nhất trí để chấm dứt cuộc xung đột li khai từ đầu năm 2000 đến hết năm 2006 làm chết khoảng 1700 người.
Từ năm 2007 đến nay, tình hình Thái Lan có rất nhiều thay đổi. Mọi người đều dễ dàng nhận thấy một điều là nền chính trị Thái Lan rất bất ổn. Những cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng trời của phe áo đỏ và áo vàng kéo theo sự ra đi liên tục của các đời thủ tướng kèm theo nội các chính phủ đại diện cho các đảng phái. Nhưng chỉ có một điều không thay đổi, đó là chính sách đàn áp, đối đầu với người Hồi giáo ở miền Nam. Tình hình li khai và khủng bố hiện nay hết sức phức tạp, nhất là vấn đề dân chủ nhân quyền ngày càng được quốc tế đề cao, cộng thêm sự xuất xuất hiện của Nhà nước Hồi giáo cực đoan IS ở một số nước Trung Đông hiện nay. Nếu Chính phủ Thái Lan không xử lí khéo léo, hậu quả sẽ rất khó lường.
Phong trào li khai dân tộc ở miền Nam Thái Lan sẽ đi đến đâu? Điều này còn phụ thuộc nhiều vào tình hình nội chính ở Thái cũng như tình hình quốc tế. Liệu Chính phủ Thái Lan có chấp nhận một quy chế tự trị cho người Hồi ở Nam Thái Lan như đã từng xảy ra ở tỉnh Tây Papua, tỉnh Aceh của Inđônêsia và một nhà nước tự trị Bangsamoro như các tỉnh ở Mindanao của Philippin. Thời gian sắp tới sẽ giải đáp câu hỏi này.


Chương 3: NGUYÊN NHÂN VÀ BÀI HỌC TỪ CUỘC CHIẾN CHỐNG LI KHAI ĐA TỘC Ở MỘT SỐ NƯỚC  ĐÔNG NAM Á

               

 3.1. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng li khai dân tộc ở một số nước Đông Nam Á.

Trong lịch sử nhân loại từ thời cổ đại cho đến nay, sử sách đã từng ghi nhận rất nhiều cuộc xung đột giữa các dân tộc, tộc người. Hình thức phát triển cao nhất của xung đột giữa các dân tộc là chiến tranh. Hàng trăm, hàng ngàn cuộc chiến đẫm máu cuối cùng là để xác định vị trí vai trò, quyền lợi, sự sinh tồn và phát triển kinh tế, văn hóa dân tộc. Vấn đề xung đột dân tộc hiện nay đang trở thành vấn đề thời sự không chỉ riêng một khu vực nào trên thế giới.
Ở các quốc gia châu Á nói chung, Đông Nam Á nói riêng thường là các quốc gia đa dân tộc. Vấn đề dân tộc và tôn giáo lại là nguyên nhân chung dẫn đến xung đột, chia rẽ các dân tộc. Rõ rệt nhất là ở Inđônêsia, Philippin và Thái Lan, các nhóm li khai dân tộc ở các nước này đang cố gắng đòi các quyền tự trị hoặc đòi độc lập hoàn toàn. Các dân tộc, tộc người ở các quốc gia này sinh sống với một số lượng người và trình độ phát triển kinh tế xã hội rất khác nhau. Thậm chí các dân tộc trong một quốc gia có khu vực địa lý, lịch sử, văn hóa hết sức riêng biệt. Mỗi dân tộc như vậy đều được khu biệt với các tổ hợp đặc điểm dân tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, tín ngưỡng riêng. Người bản địa Tây Papua có đặc điểm dân tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, tín ngưỡng khác với người Java. Các tộc người Moro khác hẳn với các dân tộc còn lại ở Philippin về tôn giáo, tín ngưỡng. Còn người Mã lai ở Nam Thái Lan không những khác biệt với người Thái về tôn giáo, tín ngưỡng mà còn khác biệt về cả mặt dân tộc.
Do thực tế các quốc gia đa dân tộc ở Đông Nam Á phức tạp nên giữa các dân tộc, tộc người thường nảy sinh mâu thuẫn. Có những mâu thuẫn phát triển thành xung đột li khai dân tộc. Ban đầu xung đột chỉ mang tính chất kinh tế, tôn giáo, ngôn ngữ, sau nó mang đậm tính chất xung đột xã hội, chính trị dẫn đến các mục tiêu li khai dân tộc. Mâu thuẫn giữa các dân tộc, tộc người được thể hiện khi một dân tộc, thường là dân tộc thiểu số muốn bảo vệ quyền tự khẳng định dân tộc của mình cho tới khi xây dựng được một quốc gia hay một khu tự trị, đạt được quyền phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa riêng, đạt được quyền bình đẳng về ngôn ngữ, tự do tín ngưỡng. Cũng có thể mâu thuẫn dân tộc bộc lộ qua cuộc đấu tranh của một dân tộc thiểu số chống lại ý đồ của cộng đồng dân tộc khác muốn chèn ép, lấn át những giá trị tinh thần và vật chất. Những mâu thuẫn xung đột như vậy có thể ở phạm vi cục bộ hay cá biệt diễn ra ngoài tầm kiểm soát của nhà nước hay chính quyền trung ương. Nhưng đa số xung đột dân tộc hiện nay ở một số nước Đông Nam Á đều có sự chi phối của chính quyền trung ương hay của bộ máy nhà nước mà bộ máy nhà nước lại nằm trong tay một dân tộc đa số, buộc các dân tộc thiểu số bị thống trị phải tồn tại ngoài lề cộng đồng quốc gia. Chẳng hạn, bộ máy nhà nước Inđônêsia, về cơ bản là nhà nước của người Java. Nhà nước Philippin là nhà nước của số đông người Thiên Chúa giáo. Và cũng như vậy, nhà nước Thái Lan là nhà nước của người Thái chứ không phải là nhà nước của người Mã lai theo đạo Hồi. Tất nhiên, một số người dân tộc thiểu số có thể được giữ một cương vị nào đó trong bộ máy nhà nước trung ương. Nhưng những trường hợp đó chỉ là ngoại lệ.
Xung đột giữa các dân tộc, tộc người ở một số nước Đông Nam Á đã dẫn tới những đối kháng xã hội, chính trị, đỉnh cao là đấu tranh chính trị, vũ trang đòi li khai dân tộc. Nhà nước dân tộc chiếm đa số đã sử dụng quyền lực, huy động lực lượng cảnh sát, quân đội, luật pháp, bộ máy tuyên truyền vốn để chống giặc ngoại xâm và tội phạm vào việc chống giặc nội xâm. Xung đột li khai dân tộc trở thành nội chiến, làm ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, kinh tế không chỉ của một quốc gia mà còn ảnh hưởng đến quan hệ giữa các quốc gia, thậm chí dẫn tới quốc tế hóa vấn đề li khai dân tộc. Người ta đã chứng kiến điều này ở Tây Papua, Aceh Inđônêsia. Người ta cũng đã chứng kiến điều này trong cuộc chiến li khai dân tộc ở Mindanao. Các vụ việc xảy ra không còn là vấn đề nội bộ của nhà nước Philippin với dân tộc Moro. Nó có liên quan đến quan hệ giữa một nhà nước đứng về phía số đông người dân theo Thiên Chúa giáo với các nước láng giềng đứng về phía số đông người dân theo Hồi giáo. Và đứng đằng sau cuộc chiến li khai dân tộc của người Moro Hồi giáo là cả một thế giới Hồi giáo trên một tỉ người. Mọi người cũng thấy rõ cuộc xung đột bạo lực ở miền Nam Thái Lan, những người anh em huynh đệ ở Inđônêsia và những người cùng dòng máu Mã lai ở Malaysia cùng theo một tôn giáo đã không bỏ rơi đồng bào của mình ở Thái.
Xung quanh vấn đề li khai dân tộc ở một số nước Đông Nam Á hiện nay, đa số các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do xung đột dân tộc, tôn giáo. Vấn đề này đã tích tụ từ trước và bị làm trầm trọng hơn do chính sách thực dân phương Tây để lại. Khi xâm chiếm các nước Đông Nam Á làm thuộc địa, chủ nghĩa thực dân thường có xu hướng một mặt thành lập các siêu quốc gia để phân định biên giới hành chính, một mặt lại chia ra để trị. Chẳng hạn thực dân Anh khi xâm chiếm Nam Á chúng sáp nhập Ấn Độ hiện nay và nhiều nước xung quanh, trong đó có Mianma vào một đơn vị hành chính. Thực dân Pháp chiếm Cămpuchia, Lào, Việt Nam và sáp nhập cả ba nước vào một đơn vị hành chính Đông Dương. Tình hình cũng tương tự như vậy với Inđônêsia và Philippin. Khi xâm chiếm Inđônêsia, thực dân Hà Lan đã sáp nhập không dưới một chục tiểu quốc vào một thực thể quốc gia rộng lớn bao gồm hàng trăm dân tộc, tộc người khác nhau. Cũng trong quá trình xâm chiếm thuộc địa, các nước thực dân lại phân chia các vùng lãnh thổ, chia cắt, tách rời các khu vực dân cư có tính lịch sử văn hóa ra khỏi ranh giới địa lý của nó. Điều này đã từng diễn ra trong thế giới Mã lai. Vì vậy một số nhà nghiên cứu về Đông Nam Á cho rằng trừ Việt Nam, Thái Lan còn lại các nước hiện tại có đường biên giới bị áp đặt do ý chí của các cường quốc thực dân hay còn gọi là những đường biên nhân tạo.
Trong quá trình thôn tính thuộc địa và trong quá trình cai trị, các nước thực dân đều triệt để lợi dụng mâu thuẫn dân tộc, tộc người thi hành chính sách chia để trị, lấy "mọi trị mọi", lấy chiến tranh nuôi chiến tranh. Ở Đông Dương thực dân Pháp chia ra làm năm vùng với những chính sách phân biệt để dễ bề chia rẽ và cai trị. Tình hình ở các nước Đông Nam Á khác cũng tương tự như vậy. Chính sách phân biệt, chính sách chia để trị, chính sách sử dụng dân tộc này đánh chiếm và được hưởng một số đặc quyền, đặc lợi với dân tộc khác vốn đã có mâu thuẫn, càng làm hằn sâu sự thù địch giữa các dân tộc.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc dâng cao hầu khắp các nước Đông Nam Á. Khu vực này trở thành lá cờ đầu trong phong trào đấu tranh giành độc lập. Việt Nam, Inđônêsia, Philippin và các nước dần dần thoát khỏi ách nô lệ. Các nhà nghiên cứu về Đông Nam Á đều nhất trí cho rằng, các nhà nước ở khu vực này không phải là sự kết hợp ngẫu nhiên của các vùng đảo cát cứ. Sự xuất hiện của các quốc gia đa dân tộc sau Chiến tranh thế giới thứ hai là kết quả của sự mong muốn thống nhất chung của các dân tộc. Tuy nhiên sự thống nhất này là sự thống nhất để chấm dứt ách đô hộ của thực dân phương Tây. Còn vấn đề dân tộc ở các quốc gia thì vẫn cứ tiềm ẩn những nhân tố bất ổn. Các phong trào đấu tranh li khai diễn ra ngay sau quá trình phi thực dân hóa ở Inđônêsia, Malaysia và Mianma đã chứng minh sự phức tạp của vấn đề dân tộc. Tuy nhiên các phong trào đấu tranh đòi li khai dân tộc trong suốt thời gian chiến tranh lạnh ở Đông Nam Á chưa trở thành vấn đề lớn, chưa thực sự thách thức chủ quyền và sự thống nhất dân tộc. Có ba nguyên nhân, thứ nhất, sau khi giành được độc lập, các dân tộc, tộc người trong quốc gia dân tộc vẫn còn hân hoan chờ đón một cuộc sống “tự do, bình đẳng, bác ái” trong sự hòa hợp dân tộc, tiến tới phồn vinh, thịnh vượng. Thứ hai, cuộc chiến tranh lạnh mà đặc trưng của nó là lôi kéo tất cả các quốc gia hoặc đứng ở bên này hay đứng ở bên kia chiến tuyến đã thu hút tất cả sự quan tâm của các lực lượng chính trị. Khu vực Đông Nam Á là khu vực chiến trường thể hiện sự đối đầu căng thẳng giữa hai phe. Tất cả các nước trong khu vực đều bị cuốn hút vào dòng xoáy với những toan tính cả về chính trị, xã hội lẫn kinh tế, văn hóa. Thứ ba, các nước trong khu vực đều đặt ưu tiên hàng đầu cho sự ổn định chung. Vì vậy, xung đột li khai dân tộc ở các quốc gia bị che khuất đi.
Những cuộc xung đột li khai dân tộc xảy ra ở một số nước Đông Nam Á thực tế đã diễn ra âm ỉ trong một thời gian dài. Những xung đột này chính là sự khởi đầu của sự phân li dân tộc khỏi cộng đồng quốc gia dân tộc. Khi các dân tộc, tộc người không thể chung sống với nhau trong cùng một ngôi nhà, trong cùng một phạm vi chính trị thì các dân tộc, tộc người sẽ đi đến chỗ chia rẽ nhau. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra các tộc người có xu hướng trở thành dân tộc và dân tộc có xu hướng trở thành quốc gia. Phải chăng xu hướng này đang diễn ra ở một số nước Đông Nam Á. Còn các quốc gia ở Đông Nam Á đang tìm mọi cách để duy trì, bảo vệ chủ quyền và sự thống nhất của quốc gia. Việc tồn tại tình hình trên có lẽ là do giá trị gần như phổ biến của nhà nước – dân tộc mà chủ nghĩa dân tộc châu Âu đã tạo ra và cổ vũ từ sau cuộc Cách mạng Pháp năm 1848. Mô hình nhà nước dân tộc được các quốc gia trẻ trên thế giới coi như là một tấm gương cần phải noi theo, nhất là ở những nước mới giành được độc lập từ thực dân phương Tây. Và tại chính các quốc gia độc lập bên trong nó lại diễn ra hiện tượng một số dân tộc, tộc người đấu tranh đòi li khai dân tộc.
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng căng thẳng dẫn đến xung đột dân tộc, li khai dân tộc ở một số nước Đông Nam Á là những mâu thuẫn về kinh tế – xã hội, địa vị và quyền lợi kinh tế chính trị, xã hội khác nhau giữa các giai cấp trong các dân tộc, mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và quần chúng nhân dân trong dân tộc bị trị, hoặc mâu thuẫn giữa các tầng lớp lãnh đạo trong các dân tộc ở một quốc gia.
Ở Papua Inđônêsia, nền kinh tế của người dân trong tỉnh chủ yếu là nền kinh tế nông nghiệp, nền kinh tế nông nghiệp ở trong giai đoạn còn lạc hậu. Của cải, vật chất làm ra đều bắt nguồn từ đất đai, săn bắt, hái lượm. Cuộc sống của người dân nơi đây gắn liền với môi trường tự nhiên, tự cung tự cấp. Cuộc sống của người dân Papua đã bị đảo lộn bắt đầu từ những năm 1970 với những chương trình kinh tế đầy tham vọng của Chính phủ Inđônêsia. Được sự giúp đỡ của các tổ chức tài chính quốc tế, Chính phủ Inđônêsia đã xúc tiến một chương trình di dân ồ ạt từ Java và các đảo đông dân tới tỉnh Papua. Một phần tư triệu người đã đổ về những vùng đất mầu mỡ nhất của Papua. Khoảng 10.000km2 đất rừng, đất canh tác tốt nhất bị Chính phủ thu hồi để lập ra những khu kinh tế mới, những khu định cư mới. Những khu kinh tế mới, những khu định cư mới được Chính phủ dành hoàn toàn cho những người nhập cư mới đến cùng với gia đình họ. Do chính sách đền bù không thỏa đáng, do sự tham nhũng của bộ máy quan chức, do không đảm bảo cuộc sống tái định cư cho những người dân bản địa, do sự lấn át và chèn ép của cộng đồng dân cư theo đạo Hồi được nhà nước bảo trợ đã gây ra sự bất mãn cho người dân bản địa. Họ cảm thấy bị mất mát và thua thiệt quá nhiều. Vấn đề cơ bản, chính là quyền sở hữu đất đai, tài nguyên của người bản địa bị hoàn toàn tước đoạt bởi một nhóm người tự xưng là đại diện cho quốc gia và một số lượng lớn những người xa lạ từ đâu tới. Đó là một trong những nguyên nhân tạo ra các xung đột xã hội, li khai dân tộc và gây ra những bất ổn trong tỉnh Papua.
Một nguyên nhân về kinh tế ở Papua là quá trình công nghiệp hóa của Chính phủ Inđônêsia ở tỉnh này đã không đem lại một cuộc sống tốt đẹp cho đa số người dân bản địa. Khoảng cách quá chênh lệch giữa người giàu và người nghèo, đa số người nghèo là những người dân bản địa bị bần cùng hóa, đã đem lại những hậu quả bất ổn về xã hội. Papua là một tỉnh rất giàu tài nguyên thiên nhiên. Nơi đây có mỏ đồng lớn nhất thế giới. Trữ lượng mỏ vàng vào loại trung bình. Nguồn dầu mỏ và khí đốt tương đối lớn. Tất cả các nguồn tài nguyên quý giá, cùng với nguồn tài nguyên rừng cực kỳ phong phú đều được khai thác ồ ạt, nhưng Papua vẫn là tỉnh nghèo nhất, tỉ lệ người tử vong và mắc bệnh tật cao nhất nước, đa số trẻ em người bản địa suy dinh dưỡng… Như vậy, việc người dân bản địa đi theo Phong trào Papua tự do, đấu tranh đòi li khai dân tộc cũng là một điều đương nhiên. Và chính vì vậy có một số nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân dẫn tới li khai dân tộc ở tỉnh này chủ yếu là vì lí do kinh tế.
Ở tỉnh Aceh, tình hình kinh tế cũng không lấy gì làm khả quan hơn so với tỉnh Papua. Thu nhập chủ yếu của Aceh là thu nhập về nông nghiệp, mà giá trị sản phẩm nông nghiệp lại rất thấp. Mặc dầu Aceh là tỉnh có tiềm năng về dầu mỏ và khí đốt, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, có vị trí là cửa ngõ phía Tây của Inđônêsia, nhưng nó vẫn là một tỉnh “ngoại vi” nghèo đói. Ngân sách Chính phủ Inđônêsia đầu tư cho Aceh rất thấp so với các tỉnh thuộc vùng “trung tâm”. Sự phát triển không đồng đều của chủ nghĩa tư bản là một quy luật. Và Aceh là một trong những mắt xích yếu. Giới tinh hoa của Aceh đã nhận thức được tất cả những điều bất công đó. Họ phát động phong trào li khai và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân Aceh.
Sau khi tuyên bố độc lập vào năm 1946, Chớnh phủ Philippin đã bắt đầu thi hành chính sách kinh tế có lợi cho những cư dân theo đạo Thiên Chúa. Chính sách di dân và khuyến khích khai hoang tới Mindanao khiến dòng người từ miền Bắc, miền Trung đổ về vùng đất màu mỡ, phì nhiêu ngày một đông. Người Moro theo đạo Hồi, những người sống chủ yếu dựa vào nền kinh tế nông nghiệp đã trở thành những người thiểu số trên chính mảnh đất mà cha ông họ để lại. Chính sách di dân và khuyến khích khai hoang của Chính phủ Philippin kéo dài trên một thập niên. Những người định cư Thiên Chúa giáo đã chiếm đoạt dần ruộng đất tốt, đồng thời họ cũng nắm luôn quyền hành chính trị, xã hội. Có quyền, có tiền, có đất, những người Thiên Chúa lại được Chính phủ Philippin hậu thuẫn cung cấp vũ khí và được phép vũ trang bảo vệ lợi ích, chống đối, chèn ép người Moro, đẩy người Moro ra khỏi mảnh đất của họ. Mất đất, người Moro còn phải chịu sự phân biệt đối xử trong việc vay vốn, cấp vốn để phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước. Trước tình hình đó, người Moro chỉ còn cách lựa chọn con đường đấu tranh đòi li khai dân tộc.
Bên cạnh sự phân biệt đối xử về kinh tế là sự phân biệt đối xử trong hệ thống quản lý hành chính nhà nước. Nhân sự trong bộ máy chính quyền ở các cấp từ trung ương đến địa phương thường mang tính chất bè phái, cục bộ và thường dựa trên đa số áp đảo của dân tộc đa số. Ở Inđônêsia, sáu đời tổng thống từ ngày đất nước này giành được độc lập đến nay đều là người Java. Tổng thống có quyền hành cao nhất, có trách nhiệm trước quốc hội và trên thực tế tổng thống điều hành bằng sắc lệnh. Tổng thống kiểm soát các hoạt động của chính phủ và kiểm tra lực lượng vũ trang. Tổng thống bổ nhiệm các bộ trưởng, các thống đốc. Tất cả các viên chức cao cấp của nhà nước đều chịu trách nhiệm trước tổng thống. Dĩ nhiên phần lớn các nhân sự cao cấp đều là người của tổng thống, người Java. Người ta không nhận thấy một gương mặt cao cấp nào là người Tây Papua, người Aceh trong bộ máy chính quyền qua các đời tổng thống. Quân đội là chỗ dựa của tổng thống, là tổ chức có thế lực nhất ở Inđônêsia. Quân đội không chỉ làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh và làm nhiệm vụ vũ trang đơn thuần, quân đội được tổ chức theo chức năng kép. Nó tham gia vào các lĩnh vực chính trị, hành chính và kinh tế của quốc gia. Quân đội có thể được tổng thống bổ nhiệm từ bộ trưởng, tỉnh trưởng đến huyện trưởng. Ở những tỉnh có vấn đề li khai như Tây Papua và Aceh thì bộ máy chính quyền – quân sự càng được xiết chặt. Bên dưới bộ máy chính quyền – quân sự này là một hệ thống công chức được tuyển lựa nghiêng hẳn về phía những người Java. Tình hình này chỉ được thay đổi khi các phong trào li khai đấu tranh giành được quyền tự trị cho tỉnh.
Hệ thống chính quyền và hành chính ở Philippin cũng có phần tương tự như ở Inđônêsia. Từ những năm 1970, Tổng thống Marcos đã ban hành lệnh thiết quân luật. Tổng thống Marcos đã tạo ra chủ nghĩa bè phái cục bộ, sử dụng các tổ chức nhà nước để chiếm dụng tài sản quốc gia. Trong suốt giai đoạn cầm quyền, cùng với việc xây dựng lại hệ thống tổ chức hành chính và chính trị, Tổng thống Marcos đã làm tăng uy thế của các tầng lớp thống trị, đàn áp và chèn ép những người không ăn cánh, trong đó công khai phân biệt đối xử về mặt chính trị với người Hồi ở Mindanao. Trên thực tế các cơ quan hành chính, các tổ chức và chính thể quốc gia là một bộ máy quan liêu, tham nhũng, có biểu hiện kỳ thị, đàn áp dân tộc, tôn giáo.
Ở Thái Lan, từ những năm 1932 đến nay là một quá trình đấu tranh giữa các thế lực quân phiệt và thế lực dân chủ. Song các thế lực quân phiệt luôn luôn thắng thế. Điều này thể hiện qua 13 lần đảo chính quân sự. Lịch sử phát triển chính trị và xây dựng thể chế hành chính của Thái Lan gắn liền với sự cầm quyền và trị vì của nhiều đời vua. Quốc vương Thái Lan được coi là trung tâm quyền lực trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Nhà vua là chỉ huy tối cao lực lượng quân đội. Trên thực tế quyền lực của nhà vua lớn hơn so với quy định của pháp luật. Chính thể tập trung quyền lực ở Thái đương nhiên là không chấp nhận sự chia sẻ quyền lực giữa người Thái với một tộc người nào khác. Việc tuyển chọn công chức trong bộ máy hành chính các cấp, chính quyền chỉ tập trung đặc biệt vào đối tượng là những gia đình vốn là công chức, là các gia đình thương nhân người Thái. Những công chức ở miền Nam Thái được tuyển chọn kỹ càng, đặc biệt phải có những kỹ năng "nhạy cảm" với người theo đạo Hồi. Với những đối thủ chính trị người Hồi ở miền Nam, chính quyền Thái đã thi hành một chính sách triệt để từ hàng trăm năm nay là bắt giữ, mua chuộc, lưu đày, thủ tiêu. Tình hình này bắt đầu được cải thiện sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của Thủ tướng Thaksin năm 2006.
Trong các cuộc xung đột li khai dân tộc ở Đông Nam Á còn có một nguyên nhân khác nữa làm cho mâu thuẫn và xung đột thêm gay gắt là vấn đề ngôn ngữ. Một ngôn ngữ riêng vừa cho phép phân biệt dân tộc này với dân tộc khác và đồng thời là sợi dây liên hệ đặc biệt giữa các thành viên của một dân tộc. Ngôn ngữ vừa là dấu hiệu bên ngoài đồng thời vừa là một yếu tố cố kết bên trong dân tộc. Các quốc gia Inđônêsia, Philippin và Thái Lan đều là những quốc gia đa dân tộc. Các dân tộc đều có tiếng nói riêng, tài sản sở hữu chung của một dân tộc. Nhưng chính phủ ở các quốc gia nói chung chỉ chọn một ngôn ngữ quốc gia chính thức. Ở Inđônêsia ngôn ngữ chính thức là tiếng Bahasa Inđônêsia, tiếng của người Java. Ở Philippin ngôn ngữ chính thức là tiếng Tagalog, tiếng của đa số người ở Manila và các khu vực lân cận. Ở Thái Lan, ngôn ngữ chính thức là tiếng Thái, tiếng của dân tộc Thái. Việc lựa chọn ngôn ngữ quốc gia một phần khiến các dân tộc khác cho rằng dân tộc họ bị chèn ép không chỉ về thể diện dân tộc mà còn về quyền lợi vật chất. Thực tế ở các nước cho thấy việc không hiểu biết và thông thạo ngôn ngữ chính thức sẽ gây trở ngại cho việc học hành, việc tuyển công chức và bước đường thăng tiến trong hệ thống chính quyền của các dân tộc “ngoài lề”. Việc học một ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ đòi hỏi phải có thời gian, tiền của, công sức và cả ý chí. Chính vì những lý do đó, người Papua phản đối ngôn ngữ Bahasa Inđônêsia. Ngôn ngữ của người Papua giống như ngôn ngữ của các tộc người ở Guinea thuộc nhóm ngôn ngữ Melanedi, nhóm dân tộc ở quần đảo Nam Thái Bình Dương. Cũng như vậy, người Aceh có ngôn ngữ riêng, một ngôn ngữ phong phú với nhiều đặc điểm của tiếng Mã lai. Tiếng Aceh được dùng rộng rãi ở Aceh như ngôn ngữ phổ thông, mặc dầu nó rất ít được dùng trong các ấn phẩm và phương tiện thông tin đại chúng vốn bị tiếng Bahasa Inđônêsia khống chế. Ở Philippin và Thái Lan cũng diễn ra tình trạng như vậy. Thậm chí ở Thái Lan, chính quyền các thời kỳ còn tìm cách hội nhập tiếng Mã lai của người Hồi ở các tỉnh miền Nam Thái Lan vào tiếng Thái. Tiếng Thái là ngôn ngữ duy nhất trong trường học. Chính quyền Thái qua các thời kỳ tìm mọi cách Thái hóa tiếng Mã lai bằng việc dùng chữ viết Thái để thể hiện ngôn ngữ Mã lai; không cho phép nhập khẩu sách báo tiếng Mã lai từ bên kia biên giới; dịch các văn bản Hồi giáo sang tiếng Thái; mưu đồ biến tiếng Mã lai của người ở khu vực miền Nam thành một thổ ngữ địa phương cổ lỗ…
Rõ ràng việc thừa nhận ngôn ngữ của một dân tộc nào đó làm ngôn ngữ chính thức của quốc gia, trong con mắt của các dân tộc khác tức là thừa nhận những đặc quyền đặc lợi của một dân tộc. Nó khoét sâu thêm sự bất bình về quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tộc người.
Yếu tố tôn giáo cũng là một nguyên nhân của các cuộc xung đột li khai dân tộc. Ở Đông Nam Á, các phong trào li khai dân tộc diễn ra ở Inđônêsia, Mianma, Philippin và Thái Lan chủ yếu thuộc về những dân tộc theo Hồi giáo. Các phong trào li khai dân tộc này càng mang đậm tính chất Hồi giáo nếu nhà nước lại đứng sau một dân tộc đa số, theo một tôn giáo khác. Chẳng hạn như nhà nước Inđônesia ủng hộ những người Hồi lấn át người dân bản địa ở Tây Papua, nhà nước Philippin ủng hộ những người theo Thiên Chúa giáo, nhà nước Thái Lan đứng về phía những người theo Phật giáo.
Các cuộc nổi dậy chống chính quyền, có tính chất Hồi giáo đã xảy ra ngay trong và sau quá trình phi thực dân hóa ở Đông Nam Á, tại các vùng ngoại vi của nhiều nước. Các cuộc nổi dậy đáng chú ý nhất đã nổ ra ở Aceh Inđônêsia, vùng các dân tộc Arakan thuộc Mianma, Pattani thuộc Thái Lan. Thật khó so sánh một cách chính xác những đặc điểm chủ yếu của các cuộc nổi dậy mang tính chất Hồi giáo vào những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai với những cuộc nổi dậy ở giai đoạn cuối và sau chiến tranh lạnh. Nhưng có thể nói các cuộc nổi dậy mang tính chất Hồi giáo vào những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai đều chưa có mục tiêu li khai dân tộc rõ ràng, mặc dầu chúng đều diễn ra ở những vùng ngoại vi của các quốc gia. Những dân tộc thiểu số theo Hồi giáo vừa thoát khỏi ách đô hộ của các nước thực dân phương Tây, trừ Thái Lan, sau chiến tranh vẫn hy vọng và trông chờ vào các nhà nước dân tộc. Dần dần người dân của các dân tộc thiểu số đã vỡ mộng. Chính sách dân tộc, tôn giáo của nhiều nhà nước ở Đông Nam Á đều có vấn đề. Các dân tộc thiểu số quả thực bị bỏ rơi, bị bạc đãi, bị ngăn cấm tôn giáo tín ngưỡng. Những mâu thuẫn cứ tích tụ, phát triển thành xung đột vào cuối những năm chiến tranh lạnh và bùng phát vào thời gian sau chiến tranh lạnh.
Xét trên bình diện tôn giáo, một số nhà nghiên cứu thừa nhận bản thân đạo Hồi là một lực lượng tôn giáo và chính trị độc lập. Thế giới đạo Hồi đã góp thêm tính năng động và tác động không nhỏ vào các phong trào li khai dân tộc, đặc biệt ở các vùng giáp ranh giữa thế giới Hồi giáo và phi Hồi giáo. Ở bên lề biên giới của các nền văn minh khác nhau, các lực Hồi giáo có nhiệm vụ cơ bản góp phần mở rộng ngôi nhà Hồi giáo bằng các cố gắng truyền đạo, cải đạo và bảo vệ đạo chống lại bất kỳ sự đe dọa nào của thế giới phi Hồi giáo. Trong đó, các nhà trường Hồi giáo có một vai trò hết sức to lớn. Điều này người ta nhận thấy rõ ở Inđônêsia, Philippin và Nam Thái Lan.
Trong lịch sử, nhiều thế kỷ Aceh đã từng là một vương quốc hàng hải, thương mại hùng mạnh nhất trong vùng. Aceh là một trung tâm Hồi giáo và là một vương quốc Hồi giáo từ thế kỷ XIII. Khi thực dân Bồ Đào Nha, Hà Lan định áp đặt ách đô hộ trên mảnh đất này, người Aceh không hề khuất phục. Họ đã tiến hành cuộc kháng chiến trong suốt nửa thiên kỷ chống lại các thế lực ngoại bang, những kẻ thù tà giáo như là một bổn phận. Ở Aceh, người ta khó có thể phân biệt và tách bạch mối quan hệ gắn bó giữa chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc với đạo Hồi. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sự bất đồng ban đầu giữa Aceh và nhà nước Inđônêsia vào những năm 1950 là về vấn đề vai trò của đạo Hồi với nhà nước. Người Aceh nổi dậy cùng với nơi khác là muốn lái nhà nước Inđônêsia trở thành một nhà nước Hồi giáo. Mục tiêu đó không đạt được, sau này do nhiều nguyên nhân khác, những người lãnh đạo Phong trào Aceh tự do muốn Aceh trở thành một nhà nước Hồi giáo độc lập, tách ra khỏi Inđônêsia. Trong cương lĩnh của GAM, mục tiêu thành lập một nhà nước Hồi giáo được đặt lên hàng đầu. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định ý thức dân tộc và yếu tố Hồi giáo là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất giải thích tinh thần đấu tranh ngoan cường trong suốt nửa thiên niên kỷ qua của dân tộc Aceh cũng như trong 30 năm đấu tranh đòi li khai dân tộc của họ hiện nay.
Ở Mindanao Philippin, đạo Hồi cũng đã cắm rễ từ thế kỷ XIII. Người dân Moro đã từng xây dựng nên những vương quốc Hồi giáo hùng mạnh. Mặc dù bị thực dân Tây Ban Nha đô hộ từ năm 1565, nhưng Mindanao và khu vực hàng trăm đảo ở Sulu phía Nam Philippin trong suốt gần ba thế kỷ vẫn kiên cường chống lại sự xâm chiếm của ngoại bang. Đặc biệt vào thế kỷ XIII người Moro còn dồn người Tây Ban Nha vào thế phòng ngự. Người Tây Ban Nha phải bỏ các khu định cư ở Đài Loan để tập trung lực lượng đối phó với mối đe dọa của dân tộc Moro. Tháng 7 năm 1878, cỏc tiểu vương người Moro mới chịu chấp nhận quyền “minh chủ” của Tây Ban Nha. Năm 1898 Mỹ giành được quyền kiểm soát Philippin nhưng sau đó phải tiến hành hàng chục chiến dịch đàn áp đẫm máu, thậm chí thảm sát đến một ngàn người trong một đợt truy quét để áp đặt quyền lực trên những hòn đảo chủ yếu ở miền Nam Philippin. Người Mỹ lập ra một hệ thống giáo dục theo kiểu phương Tây. Các giáo viên trong nhà trường đa số theo đạo Thiên Chúa. Người Moro coi đây là việc làm thách thức đức tin tôn giáo. Họ phản ứng bằng cách đốt phá trường học, không cho con cái đến trường học, dời bỏ những nơi mà người Mỹ chiếm đóng. Khi Philippin giành được độc lập, Chính phủ Philippin vẫn áp dụng đường lối chính sách đối xử với dân tộc Moro như các ông thầy thực dân cũ. Kết quả Mặt trận giải phóng dân tộc Moro và Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro đã ra đời. Cũng giống như ở Aceh Inđônêsia, phong trào li khai ở Mindanao có nhiều nguyên nhân lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội nhưng những nguyên nhân đó vẫn chưa đủ lý giải bao nhiờu năm trời, bao nhiêu xương máu hy sinh mất mát, vậy mà ngọn lửa phản kháng vẫn không bị dập tắt. Người Moro theo đạo Hồi, và đạo Hồi đối với họ không chỉ là nguồn của tín ngưỡng mà còn là tập hợp hệ thống tư tưởng, xã hội, kinh tế. Nó thấm vào mọi tầng lớp xã hội Moro. Nó là cuộc sống của họ. Chính cái bản sắc văn hóa Hồi giáo đã làm tăng thêm khoảng cách giữa dân tộc Moro ở ngoại vi với bản sắc chủ lưu của người Thiên Chúa chiếm phần đông ở Philippin. Người ta giải thích sự phản kháng li khai của người Moro theo nhiều lý do nhưng không thể phủ nhận lý do họ phản kháng, chiến đấu hay jihad (thánh chiến) để bảo vệ thế giới Hồi giáo của họ.
Ở trên lục địa Đông Nam Á, vào thế kỷ XIII, đạo Hồi đã có vị trí tại một loạt các tiểu vương quốc ven biển: Chăm pa, Arakan và Mã lai. Tại Nam Thái Lan, Vương quốc Pattani lúc đó có ảnh hưởng lớn tới cả vùng, bị Vương quốc Xiêm thôn tính. Ban đầu các vua Xiêm chia Pattani làm bảy tỉnh và để cho các tiểu vương người Hồi tự quản. Sau đó họ bắt những tiểu vương đi đày. Phong kiến Xiêm thực hiện nhiều chính sách nhằm đưa người Hồi giáo Mã lai hòa nhập vào cộng đồng người Thái, nhằm làm suy yếu bản sắc của người Hồi giáo. Có thể gọi đó là chính sách đồng hóa về văn hóa. Luật Hồi giáo của người Hồi bị thay thế bằng luật của người Xiêm theo đạo Phật. Các trường học Hồi giáo bị chuyển thành các trường dạy tiếng Thái với giáo lý Phật giáo. Những người lãnh đạo địa phương dần dần được thay thế bằng người Thái. Người Mã lai ở Pattani không được mặc Sarong, không được đặt tên theo kiểu Hồi giáo, không được đi lễ vào ngày thứ 6 theo phong tục của người Hồi. Do vậy mà nhiều phong trào nổi dậy của người dân ở Pattani đã nổ ra. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, những người lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo ở miền Nam Thái đã kêu gọi thế giới bên ngoài và Chính phủ Thái hãy trả lại chủng tộc Mã lai và đạo Hồi cho họ. Từ đó đến nay, mặc dầu Chính phủ Thái đưa ra một số nhượng bộ nhất định nhưng cuộc đấu tranh của người Hồi ở miền Nam khi thỡ lắng dịu, khi thỡ bùng phát. Lúc lắng dịu là lúc cộng đồng Hồi giáo co lại, theo thuật ngữ Hồi giáo là Hijra để tránh bị đàn áp làm nguy hại đến các tín đồ, làm nguy hại đến sự tồn vong của cộng đồng. Trong thế giới Hijra, người Hồi ở miền Nam Thái dường như sống trong thế giới riêng của họ, tựa hồ như nhà nước Thái không còn tồn tại. Họ không muốn quan hệ gì với các nhà chức trách Thái. Họ cố gắng giảm thiểu tiếp xúc với các quan chức Thái. Khi có sự đàn áp của Chính phủ Thái thì cộng đồng người Hồi ở miền Nam hoàn toàn xa lỏnh cộng đồng người Thái. Giữa hai cộng đồng có một hố sâu ngăn cách. Họ im lặng, nghi ngờ, cảnh giác và thận trọng. Lúc xung đột bùng phát là lúc người Hồi phản kháng và đấu tranh, theo thuật ngữ Hồi giáo là Jihad. Người Hồi ở miền Nam Thái dù ít cực đoan nhưng cũng giống người Hồi ở các nơi khác như Trung Á, Nam Á, Trung Đông sẵn sàng tử vì đạo. Có thể nói yếu tố Hồi giáo và ảnh hưởng của phong trào Hồi giáo cực đoan đã tác động không nhỏ tới phong trào li khai ở Đông Nam Á.
Các nhà nghiên cứu về dân tộc cho rằng yếu tố vùng lãnh thổ mà dân tộc, tộc người sinh sống cũng là một trong những yếu tố tác động đến phong trào li khai dân tộc. Vùng lãnh thổ dân tộc sinh sống, chiếm hữu riêng là một phần riêng trên bề mặt trái đất. Đó là một khu vực tự nhiên với những thành phần sinh thái, địa lý mà dân tộc phải thích nghi và cải biến bằng cách sử dụng nguồn tài nguyên trên đó để tồn tại và phát triển trong quá trình lịch sử của mình. Vùng lãnh thổ này thường có một chủ thể hoặc một nhóm chủ thể dân tộc sinh sống, có kích thước hay diện tích phù hợp với khả năng, lối sống của riêng một dân tộc. Có những dân tộc có vùng lãnh thổ rộng. Có những dân tộc có vùng lãnh thổ hẹp. Ở Đông Nam Á, thường có sự phân bậc giữa các dân tộc đa số sống chật chội ở đồng bằng hoặc những nơi dễ sinh sống với các dân tộc thiểu số ở các vùng núi cao, hải đảo. Mỗi dân tộc có một khái niệm về quan hệ của nó với vùng lãnh thổ, về giới hạn quyền xét xử và sự chia sẻ có thể có giữa nó với các dân tộc khác. Thông thường mỗi dân tộc đều muốn chiếm hữu một vùng lãnh thổ, cũng như bất cứ một dân tộc nào cũng muốn tạo dựng cho mình một quốc gia. Và bên trong nội bộ của các quốc gia hiện tại ở Đông Nam Á lại có nhiều dân tộc muốn xác định ranh giới các vùng lãnh thổ của riêng mình. Chẳng hạn người Papua ở cực Đông Inđônêsia có diện tích mà các tộc người bản địa sinh sống khoảng 421.981km2. Người Aceh ở cực Tây Inđônêsia có diện tích khoảng 55.392km2. Chiều dài lãnh thổ của người Moro khoảng 500km với hàng nghìn đảo lớn nhỏ. Người Mã lai theo Hồi giáo ở miền Nam Thái Lan bao gồm 5 tỉnh kéo dài hàng trăm km, trải rộng từ miền núi xuống đồng bằng, ven biển. Các dân tộc thiểu số trên đã tồn tại ý niệm đất đai do tổ tiên để lại từ hàng ngàn năm nay. Chính điều đó mâu thuẫn với thái độ phủ nhận của các quốc gia không muốn chia sẻ quyền lực với dân tộc, tộc người. Quốc gia với hệ thống pháp luật áp đặt quyền chiếm hữu, sử dụng, phân phối lại đất đai không chỉ cho dân tộc sống trên vùng lãnh thổ mà còn ban tặng cho cả các dân tộc khác, thường là các dân tộc chiếm đa số của quốc gia. Mâu thuẫn quyền lợi tài nguyên, đất đai giữa trung ương và địa phương tích tụ dần và dẫn đến việc các dân tộc nổi dậy đấu tranh đòi li khai dân tộc để bảo vệ quyền lợi mà theo các dân tộc là của họ. Điều này càng đặc biệt gay gắt khi các vùng lãnh thổ lại ở vùng ngoại vi, xa trung tâm, bị chính quyền trung ương gạt ra ngoài lề cuộc sống kinh tế, chính trị, văn hóa.
Nhiều nhà nghiên cứu còn lưu ý đến tính đặc thù của các vùng lãnh thổ mà các dân tộc đấu tranh đòi li khai là những vùng lãnh thổ ngoại vi của một quốc gia này, liền kề với một quốc gia khác có trình độ kinh tế cao hơn, thậm chí giữa các dân tộc, tộc người của hai quốc gia lại có sự gần gũi về chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo. Trong tâm thức các dân tộc này, người ta coi nhau là những người bà con, những người anh em. Nhưng lịch sử lại không cho họ có sự trùng khít về biên giới lãnh thổ quốc gia. Do đó ý thức li khai dân tộc càng gay gắt thêm.
Một số nhà xã hội học cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột li khai dân tộc còn là do áp lực tăng dân số, sự thay đổi thành phần dân số, trình độ tổ chức xã hội trong các dân tộc trong một quốc gia. Mỗi dân tộc thường được tính bằng số lượng người mà nó tập hợp lại. Sự tăng trưởng về số lượng người của một dân tộc là dấu hiệu của sự phát triển. Sự tăng trưởng về số lượng của một dân tộc nếu lại gắn liền với sự bảo tồn, phát triển truyền thống bản sắc văn hóa và khả năng tiếp thu tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác thì đó là sự phát triển về chất. Người Aceh ở Inđônêsia, người Moro ở Philippin và người Mã lai ở Nam Thái Lan là những dân tộc vừa có sự gia tăng về số lượng dân cư so với thời gian trước, vừa có khả năng giữ gìn, bảo tồn và phát triển nền văn hóa riêng của mình. Không có một số liệu chính xác công bố số lượng dân cư của các dân tộc, tộc người từ các quốc gia Đông Nam Á. Và số liệu ở các nguồn thì rất khác nhau, nhưng người ta đều tin rằng người Aceh ước chừng khoảng 4 triệu người. Người Moro khoảng từ 4 đến 8 triệu người(1). Người Mã lai ở Thái Lan từ 3 đến 6 triệu người. Với số lượng người của mỗi một dân tộc như vậy, các thế lực li khai có những lý do nhất định để theo đuổi mục đích li khai thành lập quốc gia dân tộc.
Lịch sử loài người đã chứng minh ba tình trạng sau: nhiều dân tộc bị tiêu vong và suy thoái; nhiều dân tộc sẽ còn bị tiêu vong do bị hòa nhập vào quá trình tiến hóa và toàn cầu hóa; nhiều dân tộc vẫn đang hình thành và phát triển. Dân tộc Aceh ở Inđônêsia, dân tộc Moro ở Philippin và dân tộc Mã lai ở Thái Lan nằm ở trạng thái thứ 3. Sự bùng nổ về dân số ở các dân tộc này chắc sẽ còn tiếp diễn. Sức nặng về dân số của các dân tộc lại gắn với sức mạnh kinh tế, vị thế văn hóa và quyền lực chính trị. Điều đó tạo ra mối đe dọa chia rẽ, li khai và tất nhiên xâm hại đến chủ quyền và thống nhất của quốc gia dân tộc.
Nhìn chung các dân tộc đấu tranh đòi li khai ở Đông Nam Á đều sinh sống trong xã hội nông nghiệp cổ truyền mà đất đai là sở hữu công cộng – Xã hội nông nghiệp đang trong quá trình công nghiệp hóa, toàn cầu hóa. Các dân tộc này đã được hình thành trong lịch sử và có ý thức về sự tồn tại của mình, đều có xu hướng tạo cho mình một cơ cấu chính trị trong sự thống nhất dân tộc và lãnh thổ. Chính trong giai đoạn quá độ này, mâu thuẫn giữa các dân tộc và nhà nước trung ương càng gay gắt bởi sự ganh đua giành lấy những nguồn tài nguyên và phân phối phúc lợi.
Vấn đề xung đột dân tộc ở Aceh, ở Mindanao, ở Nam Thái Lan đã có trong lịch sử, trong giai đoạn giải phóng dân tộc từ sau năm 1945, trong chiến tranh lạnh và phát triển thành cuộc chiến li khai dân tộc sau chiến tranh lạnh. Trong các mâu thuẫn dẫn tới xung đột li khai dân tộc ở Đông Nam Á, yếu tố dân tộc nội tại mâu thuẫn với nhà nước trung ương là yếu tố đáng chú ý nhất. Sự trưởng thành và phát triển của các dân tộc không chỉ liên quan đến ý thức về lịch sử, văn hóa mà còn gắn liền với sự phát triển dân số và sự phát triển trong việc tổ chức xã hội dân tộc. Xã hội Aceh, xã hội Moro không phải là tổng số các làng nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp cộng lại. Trong quá trình phát triển nó đã hình thành nên mạng lưới thị trấn, thành phố, thậm chí một thủ phủ cho mỗi dân tộc. Ở Papua có thủ phủ Jayapura, ở Aceh có thành phố thủ phủ Banda Aceh, ở Mindanao có hàng chục thành phố trong đó có các thành phố khá lớn như Davao, Zamboanga, Cagayan de Oro, general Santos… Ở hầu hết các đô thị này đều có hệ thống các trường cao đẳng, đại học, học viện dành cho người Hồi. Sự xuất hiện của các đô thị ở Aceh, Mindanao, Nam Thái Lan đối với các dân tộc là một dấu hiệu tiêu biểu cho sự cố kết dân tộc. Thành phố là trung tâm, là nơi diễn ra các hoạt động cao cấp thể hiện khả năng, trình độ tổ chức của dân tộc - đó là các hoạt động kinh tế, văn hóa, giáo dục và cuối cùng là chính trị. Thành phố là nơi tạo ra tầng lớp trí thức của dân tộc, là cái cầu nối dân tộc với thế giới bên ngoài. Thành phố là nơi tập hợp các tầng lớp tinh hoa, đồng thời cũng là nơi tụ họp của các luồng di cư ở bên trong cũng như bên ngoài. Thành phố biểu hiện cho sức sống của một dân tộc. Không có thành phố, dân tộc có nguy cơ trở thành một cơ thể không đầu. Các phong trào li khai dân tộc ở Đông Nam Á có thể lấy miền rừng núi làm căn cứ địa, nhưng sự bắt đầu quá trình phát triển và mục tiêu của nó đều tụ lại ở thành phố trung tâm của dân tộc.
Từ nội dung xem xét trên, có thể rút ra những nhân tố cơ bản dẫn tới xung đột li khai dân tộc ở Đông Nam Á như sau:
- Sự phát triển của chính bản thân dân tộc, tộc người trong quá trình phát triển lịch sử của nó.
- Sự khác biệt về dân tộc, về tôn giáo, về trình độ phát triển kinh tế – xã hội.
- Sự phân biệt đối xử về kinh tế, chính trị đối với các dân tộc.
- Áp lực dân số và sự nhập cư, sự cạnh tranh kinh tế.
- Sự đồng hóa thô bạo về văn hóa, ngôn ngữ.
- Sự đàn áp mang tính chất dân tộc.

3.2. Bài học từ cuộc chiến chống li khai dân tộc ở một số nước Đông Nam á.

Dù xuất phát từ nhiều nguyên nhân phức tạp nhưng vấn đề li khai dân tộc nằm trong mối quan hệ giữa quốc gia và dân tộc. Về vấn đề này trên thế giới thường có những khuynh hướng sau:
Khuynh hướng thứ nhất là loại trừ ra khỏi xã hội tất cả những gì trái với quy phạm pháp luật về chủ quyền và sự thống nhất quốc gia. Khuynh hướng này chính là chủ nghĩa độc quyền, tự tôn dân tộc dẫn đến bành trướng dân tộc cầm quyền. Nó từ chối sự nhận biết và sự khoan dung đối với các dân tộc thiểu số. Nó không chấp nhận việc đấu tranh của họ. Nó tiến hành các biện pháp đồng hóa cưỡng bức, chính sách di cư, nhập cư cưỡng bức. Cá biệt nó còn thi hành chính sách diệt chủng.
Khuynh hướng thứ hai có tính chất tích cực và khoan dung mang tính chất ban ơn, nhất là đối với các dân tộc thiểu số nhỏ bé, gần bị diệt chủng, đó là khuynh hướng coi các dân tộc thiểu số như những cộng đồng cần được hưởng sự giúp đỡ và trợ cấp của chính phủ.
Khuynh hướng thứ ba là công nhận hoàn toàn quyền được khác nhau. Khuynh hướng này dẫn tới việc chấp nhận quy chế tự trị hay các thể chế liên bang hoặc chấp nhận quốc gia độc lập.
Để chống li khai dân tộc, các quốc gia Đông Nam Á thường theo khuynh hướng thứ nhất, khuynh hướng loại trừ ra khỏi xã hội tất cả những gì trái với quy phạm pháp luật về chủ quyền và sự thống nhất quốc gia. Ở Inđônêsia, một đất nước có nhiều hiện tượng li khai dân tộc, các nhà cầm quyền đã dập tắt phong trào nổi dậy đòi thành lập nhà nước Cộng hòa Nam Molucca vào năm 1950, nhà nước Hồi giáo Aceh và Tây Java năm 1953 [2]. Mặc dầu thành công trong việc thống nhất đất nước nhưng nó để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Từ ngày giành được độc lập cho đến nay, trải qua 6 đời tổng thống, Inđônêsia vẫn phải đương đầu với nhiều cuộc xung đột li khai dân tộc. Nhìn chung chính sách chống li khai dân tộc của Inđônêsia là sử dụng lực lượng quân đội, cảnh sát đàn áp. Kết quả của chính sách này có thể nói là thất bại. Nếu như những cuộc xung đột li khai dân tộc trong thời gian chiến tranh lạnh vào đầu những năm 1950 trở đi không đi đến một kết quả nào thì phong trào li khai dân tộc sau chiến tranh lạnh đã đạt những mục tiêu nhất định. Có hai nguyên nhân làm bùng nổ sự bất bình của người Papua và Aceh đối với Giacácta. Một là những hành động tàn bạo của các lực lượng vũ trang Inđônêsia. Họ đã đốt phá làng bản, nhà cửa của các vùng bị tình nghi là đã giúp đỡ cho các lực lượng li khai. Họ đã bắt giữ, tra tấn và giết hại hàng ngàn người bị tình nghi là đi theo OPM và GAM. Hai là chính quyền trung ương đã tăng cường khai thác bóc lột tài nguyên thiên nhiên của hai tỉnh mà không hề cho người dân được hưởng lợi. Dư luận quốc tế luôn lên án chính sách sử dụng vũ lực đàn áp phong trào li khai dân tộc. Trong nước bầu không khí dân chủ được cởi mở, các đảng phái chính trị, các tổ chức và ngay cả các thành viên trong Chính phủ Inđônêsia cũng phản đối chính sách sử dụng vũ lực quá mức. Bản thân các phong trào li khai dân tộc cũng phát triển ngày một lớn mạnh, lại được sự ủng hộ từ bên ngoài. Phong trào li khai dân tộc ở Papua, ở Aceh đều thành lập được một mặt trận, tập hợp rộng rãi các tầng lớp của dân tộc tham gia. Các phong trào li khai dân tộc đều có một bộ tham mưu kiên định, có trình độ tổ chức lãnh đạo, có cương lĩnh mục tiêu, có chiến lược chiến thuật đấu tranh. Các thế lực li khai dân tộc tập hợp được một lực lượng chính trị đáng kể, xây dựng được các đơn vị vũ trang đủ mạnh. Có những thời gian Chính phủ Inđônêsia phải huy động một lực lượng an ninh tới trên 30.000 binh sĩ với những phương tiện vũ khí hiện đại mà vẫn không dập tắt được phong trào.
Các thế lực li khai dân tộc ở Inđônêsia biết kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và đấu tranh ngoại giao tuyên truyền ở trong và ngoài nước. Họ buộc Chính phủ phải coi họ như một lực lượng chính trị, một đối tác đàm phán. Họ đã phát huy được đáng kể sức mạnh của cộng đồng dân tộc. Ít nhất họ cũng đạt được mục tiêu tự trị rộng rãi, bao gồm quyền lập pháp, hành pháp, quyền về kinh tế, văn hóa, giáo dục, quyền được treo cờ riêng của dân tộc.
Inđônêsia là một quốc gia xảy ra nhiều vụ xung đột dân tộc, tôn giáo, li khai dân tộc nhất ở Đông Nam Á. Chính sách đàn áp của chính quyền Inđônêsia từ trước tới nay là kiên quyết, thẳng tay và nhất quán. Song Inđônêsia vẫn không ngăn ngừa được các hiện tượng li khai dân tộc. Rõ ràng việc sử dụng bạo lực không giải quyết được vấn đề xung đột dân tộc, tôn giáo, vấn đề li khai dân tộc.
Ở Philippin, xung đột dân tộc, tôn giáo đã có từ lâu trong lịch sử. Song Chính phủ Philippin lại thi hành chính sách phân biệt đối xử, khuyến khích và trang bị vũ khí cho người theo đạo Thiên Chúa vào Mindanao. Các lực lượng vũ trang đã tàn sát hàng chục ngàn người Moro vô tội. Cũng giống như ở Inđônêsia, phong trào li khai dân tộc của người Moro có tổ chức lãnh đạo, có cương lĩnh mục tiêu. Các thế lực li khai xây dựng được một lực lượng vũ trang tương đối mạnh. Tổng thống Marcos và Tổng thống Estrada có thời điểm huy động đến 60% lực lượng an ninh với đầy đủ các loại vũ khí vẫn không dập tắt được phong trào. Vấn đề li khai dân tộc ở Philippin không chỉ là vấn đề nội bộ của Chính phủ Philippin. Đằng sau người Moro có vai trò to lớn của Tổ chức Hội nghị các nước Hồi giáo và thế giới Hồi giáo. Chính sách sử dụng vũ lực quá mức của chính quyền qua các thời kỳ không những không giải quyết được xung đột li khai dân tộc mà còn gây ra sự bất bình trong nước và trong cả thế giới Hồi giáo. Tổng thống Marcos phải ký Hiệp định Tripoli ở trong một tình thế gần như bị ép buộc trước dư luận quốc tế. Cam kết thành lập khu tự trị bao gồm 13 tỉnh cho người Moro từ năm 1976 đến nay chưa được thực hiện. Xung đột bạo lực li khai dân tộc ở Philippin vẫn tiếp tục tiếp diễn, mặc dù số người bị chết ít nhất lên tới 150.000 người.
Những người lãnh đạo các tổ chức li khai dân tộc ở Philippin không bao giờ tin tưởng vào chính quyền. Họ gọi những người đứng đầu cơ quan hành pháp qua các thời kỳ là những người tham nhũng, lật lọng, không có thiện chí. Trong con mắt họ, chính quyền bao giờ cũng đứng về phía lợi ích hẹp hòi của số đông những người theo đạo Thiên Chúa, làm tổn hại đến lợi ích dân tộc họ. Cuộc chiến li khai dân tộc đẫm máu kéo dài gần 40 năm chưa có hồi kết của người Moro đã để lại sự hằn thù sâu sắc trong lòng các dân tộc ở Philippin. Chính đường lối đàn áp dân tộc, tôn giáo của các Chính quyền Philippin qua cỏc thời kỳ dẫn tới cuộc chiến li khai này.
Ở Thái Lan xung đột li khai dân tộc không diễn ra gay gắt và quyết liệt như ở Inđônêsia và Philippin. Chính quyền Thái gọi các tổ chức li khai ở miền Nam là các tổ chức khủng bố, các băng nhóm buôn lậu và trộm cướp. Chính quyền Inđônêsia và chính quyền Philippin có thời điểm cũng gọi OPM, GAM, MNLF, MILF là các tổ chức khủng bố. Nhưng chính quyền Mỹ chưa bao giờ xếp các tổ chức trên vào danh sách các tổ chức khủng bố. Vào năm 2004 khi Thủ tướng Thaksin đặt những cuộc nổi dậy ở miền Nam Thái Lan nằm trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu thì các trợ lý Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề châu Á - Thái Bình Dương nói rằng Mỹ không nhận thấy có bất cứ bằng chứng trực tiếp nào cho thấy các tổ chức bạo loạn ở miền Nam Thái liên quan tới mạng lưới khủng bố quốc tế. Ở đây có tình trạng chính quyền Inđônêsia, Philippin và Thái Lan dựa vào cái gọi là chống chủ nghĩa khủng bố như là một cái cớ để đàn áp các phong trào li khai dân tộc.
Mặc dù xung đột li khai dân tộc ở Thái vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền, nhưng đám cháy ở miền Nam Thái mới chỉ bắt đầu từ đầu những năm 2000. Trong vòng hơn 5 năm, số lượng người bị chết đã lên tới 1700. Điều nguy hiểm là ở chỗ mâu thuẫn li khai dân tộc ở Thái có từ hàng thế kỷ nay. Chính sách dân tộc, tôn giáo của chính quyền Thái qua các thời kỳ chủ yếu là đàn áp, đồng hóa cưỡng bức cả về mặt dân tộc lẫn ngôn ngữ, văn hóa. Chính sách này tỏ ra không hòa nhập được người Mã lai theo đạo Hồi vào dòng chủ lưu dân tộc Thái theo đạo Phật. Những nhượng bộ về kinh tế, tôn giáo, giáo dục của chính quyền Thái không đủ để xóa đi sự nghi ngờ đã ăn sâu trong ký ức người thiểu số ở miền Nam. Nhượng bộ về tôn giáo, giáo dục vừa được mở ra thì thánh đường, trường học lại trở thành nơi truyền bá tư tưởng về ngôi nhà chung của người Hồi giáo, nơi đào tạo và tuyển mộ những chiến binh để bổ sung cho lực lượng li khai dân tộc. Với chính sách đàn áp thô bạo, vụng về, Thủ tướng Thaksin đã phải trả giá. Cái giá đắt nhất là miền Nam Thái thực sự trở thành một điểm nóng mới ở Đông Nam Á về vấn đề li khai dân tộc.
Khuynh hướng loại trừ ra khỏi quốc gia tất cả những gì đi ngược với chủ quyền và sự thống nhất dân tộc ở Đông Nam Á được không ít người trong và ngoài khu vực ủng hộ. Họ đề nghị các nước Đông Nam Á thống nhất các biện pháp sau:
- Liệt kê những tổ chức như GAM, MILF, PULO vào danh sách những tổ chức khủng bố, coi đó như một công cụ ngoại giao hữu hiệu của các nước. Từ đó thống nhất các biện pháp như không cấp visa, trục xuất các thành viên lãnh đạo, phong tỏa tài chính, ngăn chặn nguồn cung cấp từ bên ngoài, tiến tới cô lập hoàn toàn các tổ chức này.
- Tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia Đông Nam Á như phong tỏa đường biển, kiểm soát chặt chẽ đường biên, hình thành một diễn đàn hợp tác an ninh như kiểu OSCE ở châu Âu(1) để cùng nhau ngăn chặn các hoạt động bạo loạn.
- Các nước Đông Nam Á cần ủng hộ những nỗ lực trừng phạt, đàn áp những nhóm nổi dậy, vì trong nhiều thập niên các quốc gia đã lờ đi, không tỏ thái độ dứt khoát với các xung đột trong khu vực. Chính điều đó đã làm xao lãng an ninh khu vực, tạo điều kiện cho chủ nghĩa khủng bố, li khai dân tộc phát triển.
Chắc chắn các nhà chính trị ở Đông Nam Á không tán đồng quan điểm trên, bởi nó đánh đồng xung đột li khai dân tộc với chủ nghĩa khủng bố. Nó cũng trái với nguyên tắc của ASEAN là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Các nước Đông Nam Á đều rất quý trọng nền độc lập và sự thống nhất quốc gia dân tộc. Tất cả đều yêu chuộng hòa bình và có nền dân chủ truyền thống phương Đông. Chắc chắn các nước trong khu vực sẽ tìm được một giải pháp thích hợp cho vấn đề li khai dân tộc, chứ không phải cùng nhau xây dựng một thể chế độc tài bóp nghẹt dân chủ trong vấn đề dân tộc và tôn giáo.
Có một khuynh hướng nữa tác động từ bên ngoài là cuộc đấu tranh chống khủng bố do Mỹ phát động đã lan đến Đông Nam Á. Sau một thời gian giảm sự hiện diện ở khu vực này, nay Mỹ lại muốn gia tăng sự dính líu về chính trị và quân sự. Mỹ xét đoán Đông Nam Á qua lăng kính của cuộc chiến chống khủng bố và cho rằng nơi đây tiềm ẩn nguy cơ khủng bố quốc tế sau một vài điểm nóng ở Trung Đông và Nam Á.
Được sự đồng ý của Tổng thống Arroyo, lính Mỹ được gửi đến Mindanao cùng với quân đội Philippin tiến hành chống bạo loạn. Nhiều nhà bình luận cho rằng nhóm Abu say yaf chỉ là một băng nhóm côn đồ. Mục tiêu của Mỹ và Philippin có thể tiến xa hơn cái đích số phận của một băng nhóm quấy rối. Về phía Mỹ, họ được đặt chân trở lại căn cứ quân sự đã rút đi từ năm 1991 và tạo được một thế đứng vững chắc ở châu Á - Thái Bình Dương. Về phía Philippin, họ nhận được hàng trăm triệu USD cùng với các phương tiện vũ khí, máy bay, sự hỗ trợ về binh lực để chống lại những cuộc nổi dậy li khai ở miền Nam. Điều quan trọng hơn là họ ngăn chặn được áp lực của thế giới Hồi giáo, sự chi viện của thế giới Hồi giáo cho lực lượng li khai dưới danh nghĩa chống khủng bố. Một số nhà bình luận nhận định đây là một bài toán đầy nguy hiểm. Những cuộc chiến tranh lớn ở Đông Nam Á kể từ khi thực dân phương Tây đặt chân đến khu vực cho đến chiến tranh Việt Nam đều bắt nguồn từ bên ngoài.
Với mong muốn can dự ở phần lục địa Đông Nam Á, ngày 24 tháng 12 năm 2004, Đại sứ Mỹ ở Băng Cốc đến thăm sở chỉ huy cảnh sát ở Narathiwat, ông Đại sứ phát biểu Mỹ rất quan tâm theo dõi tình hình Nam Thái Lan. Ông thay mặt nước Mỹ ngỏ lời nếu Chính phủ Thái thấy khó kiểm soát tình hình bạo loạn thì Mỹ sẵn sàng trợ giúp. Nhưng Thủ tướng Thaksin hoàn toàn im lặng trước thiện chí của người Mỹ. Trước mắt, Mỹ coi chính quyền ở Philippin là một trong những người bạn tin cậy, một liên minh chiến lược không nằm trong khối NATO.
Để hạn chế từng bước và tiến tới xóa bỏ các hiện tượng xung đột li khai dân tộc ở các quốc gia Đông Nam Á, để xây dựng một Đông Nam Á thống nhất trong đa dạng, có lẽ các nước cần phải loại bỏ tình trạng gạt ra ngoài lề cuộc sống các dân tộc, tộc người ở các khu vực ngoại vi; phải loại bỏ sự phụ thuộc về chính trị, loại bỏ sự bóc lột về kinh tế và loại bỏ sự bất bình đẳng, kỳ thị dân tộc; tôn trọng phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc. Điều đó có nghĩa là trong mối quan hệ giữa nhà nước và dân tộc phải có một sự đồng thuận. Cụ thể các nhà nước nên thực hiện một số những điểm sau:
- Thừa nhận và bảo vệ quyền dân tộc của các dân tộc sống trên lãnh thổ của quốc gia dù dân tộc có số dân đông hay ít, trong đó có quyền được sinh tồn như một tập thể có bản sắc riêng.
- Thống nhất với các dân tộc xây dựng được bộ luật chống li khai dân tộc. Việc làm này đã được một số quốc gia ở khu vực khác thực hiện dưới các hình thức mềm dẻo khác nhau. Xây dựng được bộ luật chống li khai dân tộc sẽ tạo cơ sở pháp lý thống nhất được mục tiêu chung của các dân tộc, đồng thời tạo ra được phạm vi điều chỉnh bao hàm các trường hợp cụ thể, cá biệt.
- Giải quyết mối quan hệ giữa các dân tộc bình đẳng, chống tư tưởng dân tộc nước lớn, dân tộc hẹp hòi, kỳ thị và chia rẽ dân tộc; phải làm cho từng dân tộc và các dân tộc trong một quốc gia cùng phát triển, giải phóng con người, giải phóng cộng đồng dân tộc. Trong những trường hợp cụ thể, có thể đảm bảo quyền về lãnh thổ hay khu vực dân tộc sinh sống; tôn trọng quyền tự trị, tự quyết dân tộc trong khuôn khổ pháp luật quốc gia quy định.
- Phải đảm bảo quyền tài nguyên thiên nhiên, quyền được hưởng lợi nhuận khai thác của các dân tộc; phải có kế hoạch phát triển kinh tế cân đối, hài hòa giữa các vùng miền; xây dựng các chương trình mục tiêu ở các vùng dân tộc ngoại vi như chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình trồng rừng theo các dự án, chương trình phát triển kinh tế – xã hội ở các vùng đặc biệt khó khăn; đảm bảo quyền được lao động và có tài sản.
- Phải thi hành chính sách đoàn kết dân tộc theo hướng phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, tổ chức đời sống tiến bộ; phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, của mỗi dân tộc.
- Có chính sách ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo ở các vùng dân tộc; bảo vệ và khẳng định quyền ngôn ngữ dân tộc trong xã hội cũng như trong hệ thống giáo dục đào tạo quốc dân.
- Có kế hoạch phát triển những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong một quốc gia; phải tôn trọng và bảo tồn những giá trị văn hóa của từng dân tộc cũng như việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa của các dân tộc để xây dựng một nền văn hóa chung của quốc gia dân tộc.
- Xây dựng nhà nước thế tục, xây dựng mối quan hệ giữa nhà nước và các tổ chức tôn giáo trên cơ sở tự do tín ngưỡng ở cả ba khâu: theo đạo, hành đạo và quản đạo; ổn định đời sống tôn giáo, hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo; không bảo trợ một tôn giáo này lấn át một tôn giáo khác. Nhà nước cần ban hành pháp luật tôn giáo, luôn duy trì và phát triển xu hướng tôn giáo đồng hành với quốc gia dân tộc.
- Cuối cùng các quốc gia ở Đông Nam Á phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thu hẹp khoảng cách giữa các dân tộc – khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách giữa trung tâm và ngoại vi, khoảng cách giữa các nước; giữ được nhịp độ phát triển kinh tế cao, tránh được nguy cơ tụt hậu so với các khu vực khác trên thế giới; hội nhập sâu hơn nữa vào nền kinh tế thế giới, hòa chung vào dòng chảy toàn cầu hóa, mở rộng quan hệ giữa các nước. Để tránh nguy cơ xung đột li khai dân tộc, vấn đề ổn định chính trị, xã hội, vấn đề đại đoàn kết trong các quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo ở Đông Nam Á là vấn đề hết sức quan trọng trong việc biến Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển.

                                                                     



Kết luận

Sau chiến tranh lạnh, hiện tượng li khai dân tộc đang nổi lên trong nền chính trị quốc tế. Tại Đông Nam Á, một trong những khu vực xảy ra nhiều vụ xung đột li khai dân tộc, nó gây ra những hậu quả nghiêm trọng và có ảnh hưởng sâu sắc về nhiều phương diện. Thứ nhất, li khai dân tộc phá hoại an ninh quốc gia, phá hoại sự ổn định và sự thống nhất của quốc gia, làm ảnh hưởng đến an ninh của khu vực. Thứ hai, li khai dân tộc đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhiều người dân, làm cho cuộc sống kinh tế ở nhiều nơi bị đình trệ, tê liệt. Thứ ba, li khai dân tộc đang trở thành một nhân tố dẫn tới xung đột vũ trang và nội chiến kéo dài làm ảnh hưởng tới đầu tư và phát triển kinh tế các quốc gia. Thứ tư, li khai dân tộc làm tổn thương tới tình cảm dân tộc, chia rẽ dân tộc, làm căng thẳng quan hệ dân tộc, thậm chí dẫn tới hằn thù dân tộc. Cuối cùng, li khai dân tộc còn dẫn đến những tranh chấp ngoại giao, làm ảnh hưởng đến quan hệ và sự hợp tác giữa các nước.
Li khai dân tộc ở Đông Nam Á có nhiều nguyên nhân. Ở mỗi nước lại do những nguyên nhân cụ thể khác nhau. Nhưng căn nguyên của li khai dân tộc bắt nguồn từ xung đột dân tộc, tôn giáo mà nhà nước là chủ thể của quốc gia đã không điều chỉnh được mối quan hệ giữa nhà nước và dân tộc. Nhìn chung, li khai dân tộc ở Đông Nam Á có xu hướng bạo lực, có xu hướng chính trị hóa và xu hướng quốc tế hóa. Hiện tại, li khai dân tộc ở một số nước Đông Nam Á đang đứng trước khả năng vừa hòa hoãn, hòa giải như ở Papua, Aceh Inđônêsia vừa tồn tại nguy cơ mở rộng, quyết liệt, phức tạp như ở Mindanao Philippin và Nam Thái Lan.
Vấn đề li khai dân tộc không phải là vấn đề hy vọng có thể giải quyết được trong một sớm một chiều. Cần phải có thái độ cảnh giác, tỉnh táo cao độ với sự phức tạp, nghiêm trọng và lâu dài của vấn đề này. Li khai dân tộc suy cho cùng thuộc về vấn đề dân tộc, tôn giáo. Vấn đề dân tộc, tôn giáo lại là một hiện tượng lịch sử. Nó sẽ tồn tại cùng với sự tồn tại của dân tộc, tôn giáo. Giải quyết vấn đề li khai dân tộc trước hết là công việc của các quốc gia dân tộc. Một trở ngại lớn đối với việc giải quyết vấn đề li khai dân tộc ở một số nước Đông Nam Á hiện nay là những thiếu sót và sai lầm đã kéo quá dài trong chính sách dân tộc và chính sách chống li khai của các quốc gia dân tộc. Tuy nhiên con đường giải quyết một cách hòa bình vấn đề li khai dân tộc trên tinh thần hòa hợp dân tộc là con đường hợp với xu thế hòa bình của thời đại.
Toàn cầu hóa đang kéo theo tất cả các quốc gia dân tộc vào tiến trình lịch sử của nhân loại. Các dân tộc đã bắt đầu chuyển hóa từ nhận thức khép kín lấy quan hệ huyết thống và chủng tộc làm nền tảng sang mục tiêu nhất thể hóa kinh tế thế giới. Các loại hình hợp tác có tính chất khu vực ngày càng được tăng cường. Sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật đang làm thay đổi các mặt đời sống loài người. Li khai dân tộc với tư cách là phủ định khuynh hướng toàn cầu hóa, chia cắt, chia rẽ các quốc gia, khu vực là trái ngược với xu hướng phát triển của xã hội loài người. Hy vọng rằng vấn đề li khai dân tộc ở Đông Nam Á sẽ được giải quyết dần dần theo trào lưu hòa bình và phát triển.


Phụ lục

1. Danh mục các hiệp định hòa bình (bằng nguyên bản tiếng Anh) mà các chính phủ ký với các lực lượng li khai; những văn bản pháp luật của các quốc gia về việc công nhận các vùng tự trị( nội dung các hiệp định hòa bình quá dài, có thể lên tới vài trăm trang, chúng tôi đã dẫn nguồn để độc giả có thể xem trên mạng).
2. Danh mục các quốc gia có lãnh thổ tự trị và các vùng lãnh thổ tự trị của các quốc gia.
Vùng lãnh thổ tự trị hay khu vực tự trị là khái niệm dùng để chỉ một vùng đất của quốc gia được nhà nước hay chính quyền trung ương ủy nhiệm cho người sở tại quản lí công việc của một dân tộc hay tộc người hoặc một nhóm tộc người trên cở sở giữ nguyên địa bàn truyền thống, tôn trọng bản sắc văn hóa dân tộc và những tập tục bản địa riêng biệt.
Quan niệm trên là quan niệm chính thống, được các nhà nước và các dân tộc chủ thể coi như là một giá trị, một sáng tạo trong việc thực thi quản lí hành chính, quản lí lãnh thổ và quá trình điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước và các dân tộc nằm trong một quốc gia. Nhưng nhiều người ở các vùng lãnh thổ tự trị hay khu vực tự trị lại không quan niệm như vậy, họ không cần một sự ban ơn, cái họ cần là cái mà các dân tộc chủ thể đã giành được-độc lập, tự do. Họ cho rằng đó là quyền của họ theo Hiến chương Liên Hợp Quốc và Giải pháp 1514 và 1541 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.
Quan điểm không chính thống cho rằng có nhiều quốc gia muốn duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ trước những đòi hỏi về sự tự quyết hoặc độc lập của dân tộc bản xứ hay sắc tộc đã áp đặt hay đề nghị hoặc mua chuộc, lừa bịp cho quyền tự trị giới hạn trong một khu vực nhất định. Và đương nhiên nó giống như một cái nhà tù giam lỏng. Họ cho rằng các nước thực dân kiểu mới lẽ ra phải chấp nhận sự ủng hộ các nghị quyết của cộng đồng thế giới trong việc xóa bỏ các vùng lãnh thổ tự trị hay khu vực tự trị. Một nhà báo li khai ở Inđônesia đã phát biểu: Tự trị là kế sách cuối cùng của thực dân ở các nơi để duy trì lãnh thổ thuộc địa và cũng là chiến lược lừa bịp để che đậy viiecj thụ dân hóa của họ.
Theo nguồn Wikipedia mở các vùng lãnh thổ tự trị trên thế giới ở các quốc gia bao gồm:
1.     Trung Quốc: Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông, Ninh Hạ, Nội Mông.
2.     Gruzia: Adjara, Abkhazia và Nam Ossetia(đã tuyên bố độc lập).
3.     Phần Lan: Aland.
4.     Nga: Dagestan, Adygeja, Altay, Checnya, Ingushetia, Mordovia, Mari-El, Khabardino-Balkaria, Kalmykia, Karachay- Cherkessia, Karelia, Komi, Baskotosan, Buryatia, Tatarstan, Sakha, Khakasia, Tyva, Udmurtia, North Ossetia-Alania, Chuvashia.
5.     Tây Ban Nha: Xứ Basque, Catalonia, Quần đảo Canaria, Ceuta, Mellila, Gallicia.
6.     Italia: Aosta Valley, Sisilia, Friuli-Venezia Giulia, Sardinia, Sovereign Military Order of malta, Trentino-alto/Sudtirol.
7.     Bồ Đào nha: Azores, Madeira.
8.     Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Areland: Bắc Ireland, Scotland, Wales.
9.     Hà Lan: Bonaire, Curacao, Saba, Sint Maarten, Sint Eustatius.
10.                         Indonesia: Aceh, Papua, Yogyakarta.
11.                         Comoros: Anjouan, Grand Comore, Moheli.
12.                         Đan Mạch: Quần đảo Faroe, Greenland.
13.                         Pakistan: Azad Kashmir.
14.                         Hy Lạp: Athos.
15.                        Papua New Guinea: Bougainvill.
16.                         Pháp: Corsica.
17.                         Ukraina: Crimea(đã tách sáp nhập vào Nga).
18.                         Moldova: Gagauzia, Transnistria.
19.                         Iraqi Kurdistan.
20.                         Ấn Độ: Jammu và Kashmir.
21.                         Hàn Quốc: Jeju-do.
22.                         Uzbekistan: Karakalpakstan.
23.                        Serbia: Vojvodina.
24.                         Philippines: Nhà nước Bangsamoro.
25.                         Azerbaijan: Nakhichevan, Nagorno-karabakh.
26.                         Nicaragua: Zenaya.
27.                         Mauritius: Rodrigues, Rotuma.
28.                        Bosna và Hercegovina: Srpska.
29.                         Bỉ: Wallonia.
30.                         Tanzania: Zanziba.
31.                         Kiribati: Banaba.
32.                         Grenada: Carriacou.
33.                         Guinea Xích đạo: Annobon.
34.                         Angona: Cabinda.
35.                         Chile: Easter Iland.
36.                         Somalia: Punland, Somaliland.
Ngoài các lãnh thổ tự trị trên còn một số các vùng lãnh thổ đã tách ra khỏi một quốc gia nhưng vì lí do nào đó vẫn chưa được các quốc gia khác công nhận. Chẳng hạn như Đài Loan, Abkhazia, Nam Ossetia...  
     3. Vấn đề người Thượng, FULRO và Degar Tây Nguyên Việt Nam



























Danh mục tham khảo

I.       Tiếng Việt

1. Paseal Boniface (2002), Những cuộc chiến tranh trong tương lai, Nxb Thống kê, Hà Nội.
2.  Clive J. Chistie (2000), Lịch sử Đông Nam Á hiện đại, Nxb Chính trị Quốc gia,        Hà Nội.
3.  Đỗ Lộc Diệp (chủ biên) (2003), Chủ nghĩa tư bản đầu thế kỷ XXI, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
4.  D.G.E. Hall (1977), Lịch sử Đông Nam Á, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
5.  Samuel Hungtingtơn (2003), Sự va chạm của các nền văn minh, Nxb Lao động,       Hà Nội.
6.  Nguyễn Quốc Hùng (2000), Quan hệ quốc tế thế kỷ XX, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
7.  Phan Ngọc Liên (chủ biên( (1999), Lược sử Đông Nam Á, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
8.  Trình Mưu (chủ biên) (2005), Quan hệ quốc tế những năm đầu thế kỷ XXI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
9.  Vũ Dương Ninh (chủ biên) (2001), Một số chuyên đề lịch sử thế giới, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
10.     Nghiêm Văn Thái (chủ biên) (1995), Tộc người và xung đột tộc người trên thế giới hiện nay, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội.
11.     Nguyễn Anh Thái (chủ biên) (1998), Lịch sử thế giới hiện đại, Nxb Giáo dục,        Hà Nội.
12.     Nguyễn Duy Thiện (chủ biên) (1997), Các dân tộc ở Đông Nam Á, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
13.     Maridôn Tuarenơ (1996), Sự đảo lộn của thế giới địa chính trị thế kỷ XXI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
14.     Trung tâm khoa học xã hội và thông tin quốc gia (2003), Khủng bố và chống khủng bố với vấn đề an ninh quốc gia. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
15.     Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông - Tây (2001), Cuộc chiến tranh mới, Nxb Lao động, Hà Nội.
16.     Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông - Tây (2003), Cuộc chiến không giới hạn, Nxb Lao động, Hà Nội.
17.     Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (2001), Một số vấn đề lịch sử, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
18.     Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (2004), Đông Á, Đông Nam Á những vấn đề lịch sử và hiện đại, Nxb Thế giới, Hà Nội.
19.     Viện Thông tin khoa học, Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, Tổ chức ASEAN và các nước thành viên, tháng 7/1995.
20.     Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2004), Chủ nghĩa khủng bố toàn cầu vấn đề và cách tiếp cận, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
21.     Lim Chông Yach (2002), Đông Nam Á chặng đường dài phía trước, Nxb Thế giới, Hà Nội.
22.     Lương Trọng Yêm (chủ biên) (1996), Mô hình nền hành chính các nước ASEAN, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

II.    Tiếng Anh

23.     William jame Adams (2005), Corse, Encyclopedia Microsoft – Reference library Encarta.   
24.     Serge Courvile (2005), Quebec, Encyclopedia Microsoft – Reference library Encarta.    
25.     Dean  K. Forbes (2005), Asia,  Encyclopedia Microsoft – Reference library Encarta.
26.  Dean  K. Forbes (2005), Inđônêsia, Encyclopedia Microsoft – Reference library Encarta.
27.     J. Guianmel (2005), The Bangsamoro for self – determination, Hoisdorf, Gemany.
28.     James L. Newman, Africa, Encyclopedia Microsoft – Reference library Encarta.
29.     Jame F. Shear  (2005), Basque people, Encyclopedia Microsoft – Reference library Encarta.
30.     David  A. Smith (2005), Europe, Encyclopedia Microsoft – Reference library Encarta.
31.     David Joel Stemberg (2005), Philippin, Encyclopedia Microsoft – Reference library Encarta.
32.     Mc Kenna Thomas (2000), Muslim seperation in the Philippines: Meaning full automony or endless war, the california university press.
33.     Yu Xintian (2005), Cultural impact on international relations, Foreign languages press, Bei jing.
34.     David  K. Wyatt, Thailand, Encyclopedia Microsoft – Reference library Encarta.


       II. Web site
35.     http : // www. asnl f.net_int / abaut_ns/
36.     http : // www. aceh.net. tripod.com/
37.     http : // www. Iid net. org/adv/mda/2006
38.     http : // www. selfdetermin.irc.online.org/ conflics/aceh/
39.     http : // www. Mindanao.net
40.     http : // www. Pattani.net
41.     http : // www. VNexpress.net/Vietnam/
42.     http : // www.  Thai lan insurgency - Wikipedia. org / wiki




1) Về vấn đề Đông Timo có 2 loại ý kiến trái ngược nhau. Loại thứ nhất cho rằng Đông Timo là kết quả của một phong trào li khai thành công. Loại thứ hai như bài viết đã trình bày. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Đông Timo vẫn nằm dưới sự cai trị của Bồ Đào Nha cho tới năm 70 của thế kỷ XX. Khi Bồ Đào Nha tuyên bố rút khỏi Đông Timo, Tổng thống Inđônêsia Suharto đã có ý định sáp nhập Đông Timo vào Inđônêsia. Ông tìm cách ngăn c(ản Đông Timo độc lập. Ngày 1 tháng 7 năm 1976 Suharto sử dụng vũ lực sáp nhập Đông Timo vào Inđônêsia. Do khác nhau về ngôn ngữ, tôn giáo, sau mấy trăm năm thống trị của Bồ Đào Nha, người dân Đông Timo luôn đấu tranh đòi độc lập, chống lại chính sách hà khắc của Tổng thống Suharto. Ngày 30 tháng 8 năm 1999 gần 80% dân số Đông Timo đã bỏ phiếu tán thành độc lập. Ngày 4 tháng 9 năm 1999 ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố, quân đội Inđônêsia đựoc lệnh đàn áp quyết liệt. Cộng đồng thế giới đã ủng hộ nguyệt vọng độc lập của nhân dân Đông Timo. Liên Hợp Quốc đã đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới duy trì trật tự ở Đông Timo. Ngày 30 tháng 8 năm 2001 cử tri Đông Timo đi bỏ phiếu bầu Hội đồng lập hiến. Tiếp sau đó người dân Đông Timo đã tiến hành bầu cử tổng thống lập ra một nhà nước mới ở Đông Nam Á.
(1) Dayton thuộc bang Ohio của Mỹ.
(2) Hiệp định giữa những người lãnh đạo thuộc các nhóm sắc tộc Hồi gáo, serb và croat ở Bosnia - Hersegovina nhằm chấm dứt cuộc nội chiến. Hiệp định này bắt đầu ký tắt ở Dayton bang Ohio của Mỹ ngày 21 tháng 11 năm 1995.
(1) Tuyên ngôn của các dân tộc Nga ký ngày 15-11-1917:
- Quyền bình đẳng và chủ quyền của tất cả các dân tộc Nga;
- Quyền tự quyết của các dân tộc Nga kể cả quyền li khai và thành lập các quốc gia độc lập;
- Bãi bỏ mọi đặc quyền và hạn chế về dân tộc hoặc về tôn giáo - dân tộc;
- Quyền tự do phát biểu của tất cả các dân tộc thiểu số hoặc của các nhóm sắc tộc.
(2) Liên Hợp Quốc ban đầu có 51 thành viên sáng lập trong đó 50 nước tham dự Hội nghị Sanfrancisco. Ba Lan không kịp dự Hội nghị nhưng đã ký vào Hiến chương ngay sau đó.
(1) Ấn Độ ủng hộ lực lượng li khai dân tộc “Những con hổ giải phóng Tamil” ở Xrilanka. Pakistan hậu thuẫn lực lượng li khai Hồi giáo chống lại quyền kiểm soát của Ấn Độ ở Kashmir…
(1) Một số nhà nghiên cứu cho rằng việc tăng số lượng các quốc gia dân tộc sau năm 1991 không phải là do vấn đề li khai dân tộc đưa đến. Nó là kết quả của sự thay đổi to lớn tính chất xã hội cũng như sự đảo lộn hệ tư tưởng ở các quốc gia nói trên. Nó là sản phẩm kết thúc và còn rơi rớt lại của cục diện chiến tranh lạnh giữa hai hệ thống đối kháng nhau. Nhưng cũng có nhà nghiên cứu cho rằng đó là kết quả tích tụ về thảm kịch dân tộc từ những năm đầu thế kỷ XX, là sự thất bại của chính sách dân tộc, dẫn đến li khai dân tộc.
(1) Đảng Golka là một trong 3 đảng lớn nhất ở Inđônêsia. Hai đảng khác là Đảng Hợp nhất phát triển và Đảng Dân chủ Inđônêsia. Đảng Golka là tổ chức của các nhóm chức nghiệp, tổ chức xã hội liên kết với quân đội.
(1) Dưới sức ép và sự trung gian hòa giải của Mỹ, một hiệp định giữa Hà Lan và Inđônêsia được ký năm 1962 tại New York.
(1) Uỷ ban 24 người đại diện cho 24 quốc gia được LHQ ủy quyền xem xét và quyết định trao trả độc lập cho những lãnh thổ ủy trị của LHQ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
1) Ngày 30 tháng 8 năm 1999 gần 80% dân số Đông Timo bỏ phiếu tán thành đòi độc lập.
(1) Từ chỉ các hoạt động quân sự nhằm ngăn chặn những người đòi li khai dưới thời cựu Tổng thống Suharto từ 1988-1998.
(2) Ngoài lực lượng GAM có khoảng 5000 quân, một lực lượng hết sức quan trọng gắn kết sự đoàn kết ở Aceh  là giới giáo sĩ lãnh đạo Hồi giáo. Họ không hoàn toàn đồng ý với cương lĩnh của GAM. Ngoài 2 lực lượng trên còn một nhóm tinh hoa chính trị – xã hội người Aceh. Họ là nhóm dao động lúc ngả về phía GAM, lúc thì không.
(1) Chính phủ đưa ra điều kiện trong vòng 3 tháng phía GAM phải giao nộp toàn bộ vũ khí và ngày 9/7 là hạn chót.
(1) Sau thảm họa sóng thần ngày 26/11/2004 các lực lượng quân đội của nhiều nước như Australia, Mỹ, Nhật, Singapo đã tham gia cứu trợ ở Aceh.
(1) Vào những năm 1960 chính phủ Philippin tuyên bố Sabah thuộc chủ quyền của Philippin
(1) Tháng giêng năm 1986 ở Manila Philippin, một cuộc biểu tình thu hút hàng trăm ngàn người nhằm chống lại chế độ độc tài Marcos. Họ đã tập trung trước Phủ Tổng thống 4 ngày 4 đêm, vây quanh hàng rào thép gai được dựng lên để bảo vệ dinh Tổng thống. Tổng thống đã ra lệnh xả đạn vào đoàn biểu tình. Quân đội từ chối bắn vào đoàn người biểu tình. Cuối tháng 2, gia đình Marcos đã phải trốn khỏi đất nước. Những người trong gia đình Marcos đều bị coi là cướp đoạt tài sản quốc gia, để lại cho đất nước một khoản nợ khổng lồ 27 tỷ USD và một cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính sau đó.
(1) Ngoài MNLF ở Mindanao còn có MILF và một vài nhóm khác như Tổ chức Cách mạng dân tộc dân chủ Moro, Abusay yaf…
(1) Về vấn đề này có tài liệu cho rằng PULO 88 là một tổ chức hoàn toàn mới.
(1) MILF cho rằng người Moro có ít nhất là 8 triệu người.
(1) Chữ viết tắt của cụm từ Organization for Security and Cooperation in Europe - OSCE

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.