Khủng bố một góc nhìn lịch sử và văn hóa

Leave a Comment
Vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng Chín, 2001 nhằm vào Trung tâm Thương mại Thế giới, New York, Mỹ đã khiến 2.726 chết và 7.000 người bị thương sau khi hai máy bay của bọn khủng bố đâm vào hai tòa tháp 110 tầng. Cả hai tòa tháp sụp đổ tạo nên một cảnh tượng khủng khiếp. Sự kiện bi thảm này thật sự đã thay đổi nước Mỹ và cũng thay đổi cả thế giới. Mười lăm năm sau ngày kinh hoàng này, vị trí của nước Mỹ đã khác trước thời điểm đó. Mặc dù Osama bin Laden, kẻ chủ mưu vụ tấn công đã bị Mỹ tiêu diệt, nhưng tổ chức khủng bố Al-Qaeda do hắn thành lập vẫn còn là bóng ma đe dọa nhân loại.
 Một liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu được thành lập để chống chủ nghĩa khủng bố, hai cuộc chiến chống khủng bố mang tầm cỡ quốc tế ở Afghanistan và Iraq trong hơn một thập kỷ qua, nhưng có thể nói chủ nghĩa khủng bố không bị tiêu diệt, nó vẫn dai dẳng, khó trị, ngày càng trở nên tàn độc, từ Trung Đông lan rộng ra châu Phi, Trung Á, Kavkaz, Nam Á đến Đông Nam Á. Đến nay, khủng bố bắt đầu bùng phát ở châu Âu.
Mười lăm năm đã trôi qua, ngoài tổ chức Al-Qaeda lại xuất hiện thêm hàng chục tổ chức Hồi giáo khủng bố, trong đó đáng chú ý nhất là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS hình thành vào giữa năm 2014. Nguy cơ IS “nhuộm đen” cả Trung Đông là hiện hữu. Nếu như trước đây, Bin Laden và tổ chức của hắn chỉ đánh vào các địa điểm, vào các trung tâm siêu cường Mỹ ở các nơi và ở trên chính đất Mỹ thì giờ đây IS đánh vào tất cả mọi nơi của nhiều quốc gia, thách thức an ninh nghiêm trọng đối với toàn thể nhân loại và trật tự thế giới.
Trong những năm gần đây, nói đến chủ nghĩa khủng bố, chủ yếu người ta nói đến chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan bạo lực, những kẻ ở địa vị yếu thế. Khủng bố là hoạt động phá hoại, đe dọa bằng lời nói, hình ảnh hoặc video giết người nhằm gây tâm lý hoang mang khiếp sợ hoặc gây tổn thất cho xã hội và cộng đồng, nhằm mục đích chính trị và tôn giáo. Hành vi khủng bố có thể được thực hiện bởi các tổ chức tồn tại ở nhiều nơi hoặc bởi những cá nhân hay còn gọi là những con sói đơn độc. Nói đến xu hướng khủng bố thì Trung Đông, quê hương của đạo Hồi vẫn là một điểm nhức nối nhất, đặc biệt là ở Lybia, Iraq, Syria. Trong số các tổ chức khủng bố, hai mạng lưới khủng bố quốc tế nổi lên mạnh nhất là Al-Qaeda và IS, nhiều tổ chức và lực lượng khác đã liên kết với hai mạng lưới chính này.
Bắt đầu từ năm 2015, IS trở thành tâm điểm chú ý của thế giới, cũng là tổ chức Hồi giáo cực đoan, tổ chức khủng bố như hàng chục tổ chức khác, nhưng IS là một tổ chức khủng bố mới hoàn toàn về lượng cũng như về chất. IS chiếm đất, nắm dân, bám dân và đặc biệt chúng chú ý  xây dựng nhà nước, xây dựng quân đội, áp đặt hệ thống thuế, xây dựng cơ sở vật chất, sản xuất vũ khí, sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông xã hội… Mục tiêu của chúng là xây dựng một Đế chế Hồi giáo trên bán đảo Arab và trên toàn bộ khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á đến  Đông Nam Á.
Tai sao trong lịch sử hiện đại lại xuất hiện nhiều tổ chức khủng bố, những tổ chức khủng bố đặc biệt quái thai như IS? Đánh vào người dân phương Tây, người dân Mỹ, các tổ chức khủng bố còn biện minh cho hành động trả thù nỗi nhục đạo Hồi trong quá khứ và hiện tại nhân danh thánh Allah, nhưng còn đánh vào hàng ngàn người dân theo đạo Hồi, hành quyết tập thể hàng trăm đàn ông khác giáo phái, biến hàng ngàn phụ nữ thành nô lệ tình dục, giết hại đồng loạt trẻ em cùng một lúc… Những hành động dã man, khủng khiếp, quái đản này nhằm khủng bố đối thủ và răn đe những người bất đồng tôn giáo đã khiến tất cả mọi người trên thế giới phẫn nộ. Vậy mà nó vẫn cứ đang tồn tại bất chấp thế giới văn minh ra sức ngăn chặn.
Sự ra đời của đạo Hồi và sự tác động của nó với xã hội Arab
Chúng ta không thể không tìm căn nguyên của chủ nghĩa khủng bố trong lịch sử, văn hóa Hồi giáo. Có rất nhiều học giả thường tìm nguyên nhân ra đời của chủ nghĩa khủng bố ở sự đói nghèo, thất học, bất bình đẳng, sự thống trị của phương Tây cả về mặt kinh tế lẫn văn hóa trong suốt một thời gian dài, rồi sự gia tăng dân số đột biến trong các nước Hồi giáo, sự hình thành, trỗi dậy và tham gia của hàng trăm tổ chức Hồi giáo ở tất cả các nước Hồi giáo với một tỉ ba tín đồ… Tất cả những nguyên nhân trên xét ở một góc độ nào đó đều đúng. Nhưng tại sao không có các tổ chức khủng bố Phật giáo, Cơ đốc giáo và nhiều tôn giáo bản địa khác? Các nước ở Trung Đông đâu phải là những nước nghèo? Hãy nhìn vào những nước nghèo nhất thế giới không theo đạo Hồi, họ vẫn sống bình yên không hề có bóng dáng của chủ nghĩa khủng bố. Vì vậy yếu tố lịch sử, văn hóa nên được xem là một thành tố quan trọng tác động đến việc ra đời và hình thành chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo.
Do điều kiện tự nhiên, địa lý, khí hậu, Trung Đông thuộc nền văn hóa Du mục. Ngựa, cừu, dê là vật nuôi phổ biến ở cả Trung Đông và châu Âu. Tôn giáo và con người Trung Đông mang đậm nét lý trí, cứng rắn, thường giải quyết tranh chấp, xung đột bằng vũ lực. Vì thế ngay từ thời trung cổ trên mảnh đất này đã xảy ra nhiều cuộc chiến tranh tôn giáo, giữa Hồi giáo với các tôn giáo khác như Do Thái giáo, Cơ đốc giáo, và rất đáng chú ý là giữa các giáo phái trong Hồi giáo.
Nhìn lại lịch sử Trung Đông người ta thấy Hồi giáo ra đời, gắn liền với sự hình thành nhà nước Arab. Hồi giáo là trụ cột tinh thần và chính trị của nhà nước Arab. Từ thủa ban đầu, vào đầu những năm 610, người sáng lập ra Hồi giáo là Mohammed đã truyền giáo ở Mecca. Giống như việc truyền giáo của các tôn giáo khác, ông bị các thế lực đàn áp. Năm 622, ông chuyển địa bàn truyền giáo từ Mecca đến Mađina. Sau khi đững vững ở Mađina ông chuyển trọng tâm hoạt động truyền giáo sang giải quyết những vấn đề xã hội, phát động và tổ chức quần chúng đấu tranh trên các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, tôn giáo, chính thức đặt nền móng cho sự phát triển của đạo Hồi. Như vậy là từ lúc khởi nghiệp truyền giáo, người sáng lập ra đạo Hồi đã gắn liền tôn giáo với vấn đề chính trị, xã hội, quân sự, điều này hoàn toàn khác với các tôn giáo như Cơ đốc giáo, Phật giáo, Hindu giáo- những tôn giáo mang thuần nét tinh thần. Và đương nhiên từ đó ông đã đặt cơ sở cho Đạo vào Đời và Đời vào Đạo. Điều đó lý giải tại sao các tổ chức Hồi giáo tham gia vào đời sống chính trị xã hội mọc lên như nấm xuân ở các quốc gia Hồi giáo hiện nay.
Tại Maddina Mohammed đề xuất và thực hành chủ trương cải cách xã hội, xây dựng quy phạm luân lý đạo đức, dần dần hình thành một loạt hệ thống giáo lý đạo Hồi, dùng sức mạnh tinh thần của tôn giáo và sử dụng sức mạnh vũ lực của chính quyền để thúc đẩy chính quyền làm cho nó ngày càng vững mạnh. Mohammed tổ chức vũ trang cho tín đồ Hồi giáo ở Mađina dưới khẩu hiệu “Chiến đấu vì Đạo của Thánh Allah”, cổ vũ tử vì đạo- những người chết trận được bước vào thiên đàng, động viên tín đồ chiến đấu anh dũng, chủ trương tiêu diệt các môn đồ khác chính kiến và các bộ tộc dị giáo, trong đó có các bộ tộc do thái, xử tử toàn bộ đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị bắt làm nô lệ. Tư tưởng bạo lực tàn bạo đó qua hàng ngàn năm không ngừng thẩm thấu vào các tổ chức Hồi giáo cực đoan hiện nay.
Năm 630 Mohammed tổ chức hàng vạn quân tiến công vào Mecca, các thế lực ngoại đạo hoàn toàn tan rã. Ông ra lệnh phá hủy toàn bộ các pho tượng của đạo đa thần, chỉ để lại tảng đá đen làm thánh vật cho tín đồ đạo Hồi. Uy thế của đạo Hồi lừng lẫy, chính quyền mới ngày càng được củng cố. Mohammed không những là người sáng lập ra đạo Hồi, một chiến binh, một chỉ huy quân sự xuất sắc mà còn là quan tư pháp tối cao, người đứng đầu lập pháp, người đứng đầu chính quyền mới và là thống soái tối cao của đạo quân Hồi giáo. Dưới sự lãnh đạo của ông, đạo Hồi ra đời và phát triển song song với phong trào cải cách xã hội. Đạo Hồi hợp nhất với chính quyền đã tạo cơ sở cho sự thống nhất các bộ lạc trên bán đảo Arab, thực sự đã mở ra một chương mới trong lịch sử Trung Đông, đồng thời cũng khép cửa với thế giới còn lại.
Năm 632 Mohammed mất, không có con nối dõi, ông lại không để di chúc người kế nghiệp cho nên đã dẫn đến cuộc đấu tranh giành quyền kế vị. Phần lớn các tín đồ cho rằng người kế vị nên dành cho Abu Bakr, người là tín hữu thân thiết và là cha vợ của Mohammed mới xứng đáng là người lãnh đạo(caliph). Những tín đồ này sau đó trở thành người Hồi giáo dòng Sunni, giáo phái lớn nhất của đạo Hồi trong quá khứ và hiện tại. Nhưng một số tín đồ khác lại cho rằng, người anh em họ và là con rể của Mohammed, được Mohammed xức dầu thánh mới xứng đáng là caliph. Những người này sau này trở thành người Shia hay Shiite. Hai giáo phái này mâu thuẫn, xung đột, tàn sát đẫm máu để giành quyền bính, để đại diện cho thánh Allah suốt từ năm 632 cho đến tận ngày hôm nay. Sự mâu thuẫn, xung đột giữa hai giáo phái này, dẫn đến nhiều biến thể ở cả cấp độ giữa các quốc gia, giữa các giáo phái trong một quốc gia, giữa các tổ chức hồi giáo trong một quốc gia, giữa chính quyền với một bộ phận tín đồ khác giáo phái, giữa các tín đồ với tín đồ ở khắp Trung Đông, Bắc phi.
Từ thế kỷ thứ bảy, dưới ngọn cờ của đạo Hồi, các thế lực lãnh đạo đã nêu cao ý chí dân tộc và tôn giáo. Người Hồi giáo bị chi phối bởi sức mạnh tinh thần thánh chiến và sự thúc đẩy của lợi ích vật chất nên bắt đầu tiến hành các cuộc chinh phạt khắp khu vực. Trong một thời kỳ dài, nói chung người Arab là quân nhân, khi đi chinh chiến mang theo gia quyến ở trong doanh trại. Chiến tranh đối với họ là nghề nghiệp. Sống bằng cướp đoạt và chia chiến lợi phẩm. Với tinh thần chiến đấu tử vì đạo, chỉ trong một thời gian ngắn, đạo quân đạo Hồi đã đánh bại Đế quốc Byzantine và Đế quốc Ba Tư. Năm 640 đánh chiếm toàn bộ Xyri, Palestine… Biên giới của nhà nước Hồi giáo mở rộng phía đông tới Afganishtan, phía tây giáp Ai Cập, Libi. Và từ đó đạo Hồi gắn liền với sự hưng vong của Đế quốc Arab cho đến thời kỳ cận đại (xem lịch sử Đế quốc Arab từ cổ đại đến cận đại). Mặc dù Đế quốc Arab lúc hưng thịnh và suy vong, nhưng đạo Hồi vẫn phát triển không ngừng, từ tôn giáo dân tộc phát triển thành tôn giáo thế giới…
Nghiên cứu lịch sử của đạo Hồi, người ta nhận thấy ở một số khu vực, trong đó có khu vực Đông Nam Á, đạo hồi thật sự phát triển theo con đường hòa bình, tuy nhiên không thể không đi đến kết luận- quá tình hình thành và phát triển của Hồi giáo nhìn chung gắn liền với bạo lực, in đậm nét bạo lực ở những bước ngoặt. Không thể nói nó không ảnh hưởng tới tư tưởng và hành động của một bộ phận tín đồ Hồi giáo, nhất là các thế lực cầm quyền và các thế lực âm mưu nắm quyền.
Giáo lý Hồi giáo, nguyên tắc cơ bản của pháp lý, nguồn lập pháp nhà nước Hồi giáo
Không như các tôn giáo khác, giáo lý của đạo Hồi do ba bộ phận cấu thành: Tín ngưỡng (niềm tin) tôn giáo, nghĩa vụ tôn giáo và hành thiện. Ba điều trên chi phối toàn bộ cá nhân, gia đình, xã hội của xã hội đạo Hồi từ thời cổ đại đến nay. Trong tín ngưỡng tôn giáo đáng chú ý nhất là Kinh Coran và thánh huấn. Chúng là kinh điển thần thánh của đạo Hồi, là nguồn gốc của tín ngưỡng và tôn giáo Hồi giáo, là nguyên tắc cơ bản pháp lý và là nguồn lập pháp nhà nước Hồi giáo, là chuẩn mực tối cao để chỉ đạo mọi hành vi cá nhân và đời sống xã hội Hồi giáo và cũng là xuất phát điểm của các loại học thuyết và trào lưu tư tưởng cùng với các cơ sở lý luận của thế giới Hồi giáo. Nó có nhiều điểm tiến bộ và nhân văn, những cũng chứa đựng những tư tưởng bạo lực và những phong tục tập quán từ thời kỳ thị tộc, bộ lạc như tranh giành, cướp bóc, chiến tranh, tàn sát, trả thù cho những người cùng máu mủ và cao hơn hết là thánh chiến, tử vì đạo…
Trong giáo lý của Kinh Coran và Thánh huấn có chủ trương phát động chiến tranh để bảo vệ và phát triển tôn giáo. Thậm chí để khích lệ chiến tranh, người ta còn tuyên bố các tín đồ muốn được cứu vớt linh hồn thì phải hăng hái chiến đấu. Người tử trận linh hồn sẽ được lên thiên đàng, vợ con của họ sẽ được cứu giúp. Về mặt này Đạo Hồi khác hẳn với giáo lý đạo Phật và đạo Cơ đốc. Trong giáo lý của đạo Phật, đạo Cơ đốc không hề có tư tưởng bạo lực và chiến tranh. Nó loại bỏ tham, sân, si. Nó chủ trương sống an lành, yêu thương, bình đẳng. Có thể nói những hệ lụy của tín ngưỡng đạo Hồi từ hàng nghìn năm đã thấm đẫm vào các tín đồ trong xã hội hồi giáo.
Cùng với tín ngưỡng, luật Hồi giáo (Shari’ah) cũng do Mohammed tạo ra cả phần nhân văn lẫn mặt trái của nó trở thành hệ thống pháp luật của xã hội Hồi giáo, của các quốc gia lấy Hồi giáo là quốc đạo. Nghĩa là không có sự tách rời giữa nhà thờ và nhà nước, nó kiềm tỏa sự phát triển của con người, cản trở sự phát triển xã hội. Và với một nền văn hóa cứng rắn, không khoan nhượng, một bộ phận người Hồi giáo, bị tác động của hoàn cảnh, trở nên cực đoan trong xã hội hiện đại là điều có thể lý giải được. Những hành động hiện nay như cướp biển, bắt cóc, tống tiền, thủ tiêu đối thủ, tàn sát tập thể những người khác đạo, khác giáo phái, bắt phụ nữ làm nô lệ tình dục và cao nhất là khủng bố đều có căn nguyên của nó.
Sự thống trị của phương Tây và phản ứng của thế giới Arab
Trên thực tế, sự xung đột giữa người Hồi giáo với phương Tây đã có từ thời trung cổ với các cuộc thập tự chinh do giáo hội La Mã phát động chống lại đạo Hồi. Đương nhiên ngay từ đó người Hồi giáo dưới các hình thức đã phát động phong trào thánh chiến chống lại phương Tây. Phong trào này càng được củng cố vào thời cân đại, khi thực dân phương Tây xâm chiếm Trung Đông, biến vùng này thành thuộc địa và nô dịch người Hồi giáo. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, với chính sách chia để trị, thực dân Phương Tây đã chia Trung Đông, khi đó là Đế quốc Ottoman thành những quốc gia mới luôn luôn kiềm chế nhau, xung đột lẫn nhau. Sau khi thực dân Anh, Pháp rút đi Trung Đông là mảnh đất của sự xung đột, đặc biệt là xung đột giữa bốn quốc gia Thổ Nhĩ kỳ, Iran, Syria và Iraq.
Sự thống trị của thực dân phương Tây đối với Trung Đông đã hình thành nên sự phản kháng trong thế giới Hồi giáo. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, vì vị trí địa-chính trị, vì dầu mỏ, Mỹ đã can thiệp mạnh vào Trung Đông, lập nên nhà nước Do Thái chống lại các nước Arab. Vì vậy tư tưởng thù địch đối với phương Tây và Mỹ càng trở nên sâu đậm, thậm chí đã trở thành mối thù truyền kiếp, đòi phải trả nợ bằng máu theo luật của người Hồi giáo.
Đáng chú ý nhất là trong cuộc chiến tranh ở Afghanistan từ năm 1979 đến năm 1989, cuộc chiến tranh của Liên Xô ủng hộ chính quyền Đảng Dân chủ Nhân dân Afganistan Macxit chống lại lực lượng Mujahideen Afghanistan được sự ủng hộ của Mỹ, Pakistan và các quốc gia Hồi giáo trong bối cảnh của cuộc chiến tranh Lạnh. Cuộc xung đột này đã tạo ra một lực lượng khổng lồ chiến binh thánh chiến “chống chủ nghĩa vô thần” đến từ khắp Trung Đông và thế giới Hồi giáo (ước chừng 250.000 người). Cuối cùng sau gần 10 năm các lực lượng thánh chiến Hồi giáo, đội quân đạo Hồi với tiền của của cả thế giới Hồi giáo và công nghệ vũ khí của Mỹ, sự đào tạo của Mỹ đã đánh đuổi quân đội Xô Viết ra khỏi Afghanistan.
Hậu quả sau cuộc cuộc chiến tranh trên, các chiến binh trở về tất cả các nước ở Trung Đông và thế giới Hồi giáo. Họ thành lập các tổ chức Hồi giáo, là xương sống của các tổ chức Hồi giáo cực đoan bạo lực như nấm độc ở khắp các nước Trung Đông, Bắc phi và thế giới Hồi giáo. Với tâm lý người Hồi giáo đã hạ gục được một siêu cường thế giới mà ngay cả người Mỹ vào thời điểm đó cũng không làm được, sau khi Liên Xô sụp đổ (1991) mục tiêu của các tổ chức Hồi giáo cực đoan là siêu cường còn lại Mỹ, cộng với phương Tây.
Tiêu biểu cho các lực lượng Hồi giáo cực đoan sau chiến tranh Lạnh là lực lượng Taliban, một phong trào Hồi giáo chính thống dòng Sunni Pashtun dân tộc cực đoan. Sau khi đã kiểm soát được thủ đô Afghanistan, chúng lập nên Vương quốc Hồi giáo Afghanistan. Trong thời gian thống trị Afghanistan từ năm 1995-2001, chế độ Taliban đã thi hành Luật Hồi giáo Shari’ah hà khắc nhất thế giới Hồi giáo, vi phạm nghiêm trọng quyền con người, nhất là đàn áp đối với người ngoài đạo, người khác giáo phái, phụ nữ. Chế độ này còn ngang nhiên triệt hạ tất cả các di sản văn hóa của những nên văn hóa khác, chẳng hạn như di sản tượng Phật 1500 năm ở Bamian     
Rồi tiếp theo, trong những năm gần đây, việc Mỹ và phương Tây can thiệp quân sự trực tiếp vào các nước ở Trung Đông, bắt đầu từ cuộc Chiến tranh Iraq lần thứ nhất, rồi cuộc chiến ở Afganistan, Iraq lần thứ hai và việc xuất khẩu các cuộc cách mạng dân chủ bắt đầu từ Mùa Xuân Ai Cập, Lybia đến Syria theo giá trị của phương Tây. Cả Trung Đông và Bắc Phi đang phải trải qua một giai đoạn thay đổi với rất nhiều thách thức, thậm chí một số nước rơi vào hỗn loạn… Tất cả đã tạo ra một khoảng trống quyền lực cho các mâu thuẫn quyền lực giữa các giáo phái trong đạo Hồi, giữa đạo Hồi và phương Tây- một mớ hỗn loạn bạo lực chém giết-  và cơ sở để tạo ra hàng chục tổ chức Hồi giáo cực đoan, cộng thêm cả IS…
Trong khi chưa đạt được mục tiêu đế chế đạo Hồi hay quốc gia Hồi giáo kiểu Taliban, các tổ chức Hồi giáo cực đoan vẫn là những kẻ yếu thế. Phương thức hành đông của chúng vẫn là phương thức của những kẻ khủng bố. Chúng thường tấn công vào các cơ sở dân sự như bắt cóc, ám sát, phá hoại cơ sở vật chất, kinh tế, tấn công trường học, khách sạn, nhà hàng, sân vận động, sân khấu, rạp chiếu phim… Những cuộc tấn công này có thể được tiến hành theo tổ chức nhóm người chặt chẽ, cũng có thể dưới hình thức một vài cá nhân hoặc một cá nhân như đánh bom tự sát. Và cao nhất hiện nay khủng bố hành động dưới hình thức chiến tranh với lực lượng quân đội như nhà nước IS.
Cuộc chiến chống khủng bố chưa có hồi kết
Mọi cuộc chiến tranh từ xưa đến nay đều đi đến hồi kết, nhưng xung đột và chiến tranh ở khu vực Trung Đông kể từ năm 622 đến nay, hòa bình chỉ là thời gian ngưng chiến. Chưa bao giờ có sự đồng thuận, chưa bao giờ có sự thỏa hiêp giữa các phe phái, trong nội bộ các quốc gia, trong thế giới đạo Hồi. Không thỏa hiệp, nhượng bộ, hợp tác đó là những đặc điểm trong lịch sử, văn hóa người Arab, trong lịch sử, văn hóa thế giới Arab và thế giới hồi giáo. Câc lãnh tụ trong thế giới Hồi giáo càng không hề có sự thỏa hiệp, nhượng bộ, hợp tác chia sẻ quyền lực. Tiêu biểu là Bashar Al-Assad, ông ta và các phe phái ở Syria thà để đất nước thành đống tro tàn, hàng triệu người dân trong nước ly tán, chết chóc, chứ nhất quyết không chịu thỏa hiệp, nhượng bộ, và nhất quyết không từ bỏ quyền lực.
Các nhà phân tích nói đúng, muốn giúp khu vực Trung Đông giải quyết được mớ thắt nút và sự bế tắc hiện nay phải củng cố các thể chế quản lý của các quốc gia Trung Đông hiện nay để tất cả hội nhập sâu vào thế giới toàn cầu hóa. Phải đảm bảo tôn trọng hệ thống các quốc gia trong khu vực. Phải phát huy được sự nỗ lực mang tính phối hợp nhằm chấm dứt bạo lực ở mọi cấp độ trong khu vực Trung Đông. Bởi vì đổ máu, chia rẽ, xung đột, bạo lực và chiến tranh là miếng đất màu mỡ gieo rắc những mầm mống của chủ nghĩa cực đoan, của chủ nghĩa khủng bố ở Trung Đông nói riêng và trên thế giới nói chung.
Đúng như vậy, phải xây dựng được sự đồng thuận, sự thỏa hiệp, sự nhượng bộ và sự hợp tác giữa các xã hội Arab ở khu vực Trung Đông và Bắc phi. Ở bình diện quốc tế liệu có sự thỏa hiệp, nhượng bộ, hợp tác giữa Mỹ, phương Tây và Nga? Ở cấp độ khu vực, liệu giữa các nước ở Trung Đông, Bắc Phi, giữa các nước trong vùng vịnh, giữa Arab Xêut và Iran có sự thỏa hiệp, nhượng bộ và hợp tác? Ở cấp độ quốc gia liệu có sự thỏa hiệp, nhượng bộ và hợp tác giữa các phe phái, giữa các giáo phái… Tất cả có vượt qua được sự khác biệt, vượt qua được lợi ích chính trị và kinh tế? Và đối với thế giới Hồi giáo, họ có vượt qua được chính lịch sử, văn hóa của họ để thỏa hiệp, nhượng bộ và hợp tác? Chừng nào chưa làm được điều đó, chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan vẫn còn tồn tại và phát triển ở Trung Đông và ở trên thế giới. Vấn đề khủng bố sẽ ngày càng trở thành vấn đề nan giải toàn cầu và chắc chắn vẫn chưa có hồi kết.     




Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.