Thăm nghĩa trang liệt sỹ Việt Lào Anh Sơn

Leave a Comment

 Thăm nghĩa trang liệt sỹ Việt Lào Anh Sơn

Trước khi qua cửa khẩu quốc tế, đoàn chúng tôi đến viếng thăm nghĩa trang Liệt Sỹ Việt- Lào Anh Sơn. Đây là địa chỉ quen thuộc với các cựu chiến binh mà trên 50, 60 mươi năm trước họ là những chiến sỹ tuổi 20 “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Chúng tôi biết nhiều cựu chiến binh không có điều kiện thăm lại chiến trường Lào, họ đã trở lại thị trấn Con Cuông, Nghệ An, nơi quy tập 11.000 chiến sỹ hy sinh trên đất bạn để thắp hương cho đồng đội. Với chúng tôi chuyến đi này, nghĩa trang là một địa chỉ mang đầy ý nghĩa và gợi lên nhiều cảm xúc.
Nhiều người trong đoàn đã đến đây một hai lần, cá biệt có người đến ba bốn lần nhưng tất cả đều bồi hồi. Mỗi người một tâm trạng riêng. Có người dự cảm tuổi cao sức yếu, có thể đây là lần cuối cùng được về thắp hương cho đồng đội. Đến thăm nghĩa trang lần này cũng là một dịp để tưởng nhớ và tri ân đồng đội, những người bạn đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến. Nói chung, những người lính tình nguyện và chuyên gia tham gia chiến đấu tại “đất nước triệu voi”, họ đều vì nghĩa vụ, đều vì tình yêu quê hương và lòng trung thành với nền độc lập, tự do của cả hai dân tộc, nhưng không phải ai cũng may mắn sống sót cho đến ngày hôm nay…
Đây là nghĩa trang lớn nhất trong số các nghĩa trang quy tập liệt sỹ nằm dọc phía tây dãy Trường Sơn, từ thượng Lào đến nam Lào. Trong số 11000 liệt sỹ, có tới gần 7000 liệt sỹ không tên. 9 khu mộ liệt sỹ trải dài gần chục ha của 47 tỉnh thành trên cả nước từ đầu những năm 1950 đến giữa những năm 1980. Tôi bỗng nhớ đến những câu thơ trong bài Tây tiến: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu, anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”…
Cắm nén hương trên những ngội mộ không tên, có người không cầm được nước mắt. Họ nhớ đến đồng đội, trước lúc hy sinh còn trăng trối: “Hãy nhớ lấy nơi này để sau này đưa mình về nước”. Người chiến sỹ ngã xuống trong kháng chiến chống Pháp thường khâm liệm bằng manh chiếu, còn những người chiến sỹ trong kháng chiến chống Mỹ ngã xuống thường khâm liệm bằng mảnh tăng (nylon). Không biết bây giờ các anh nằm ở đâu? Nghĩa trang này hay nghĩa trang nào. Thật buồn! Đến bao giờ mới trả được lại tên cho các anh, những người đã ra đi không hề nuối tiếc tuổi xuân; khi nằm xuống chỉ có một tâm nguyện được về với đất mẹ!
Nghĩa trang liệt sỹ Việt-Lào Anh Sơn cũng là biểu tượng cho tình đoàn kết và tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào. Cuộc chiến tại Lào không chỉ là cuộc chiến của nhân dân các bộ tộc Lào mà còn là cuộc chiến của người Việt để bảo vệ chính mình, bảo vệ biên cương phía tây thấm đẫm xương máu của bao thế hệ. Nghĩa trang liệt sỹ này là biểu tượng, là một minh chứng nghĩa tình, thủy chung và sự hiểu biết, đặt nền tảng cho sự đoàn kết bền vững giữa hai dân tộc. Chúng tôi hy vọng các thế hệ sau này sẽ mãi trân trọng gìn giữ và xây dựng mối quan hệ đặc biệt này.
Cuối cùng, đến viếng viếng thăm nghĩa trang, chúng tôi còn cầu mong các anh phù hộ cho hai đất nước quốc thái dân an, cầu mong các anh phù hộ cho chúng tôi bình an, để chúng tôi trở lại chiến trường xưa nhớ lại một thời, nhớ về những khó khăn, gian khổ, cùng nhau kể lại những câu chuyện về những ngày khói lửa và những đồng đội đã hy sinh nằm xuống mảnh đất này. Đây cũng là một cơ hội để chúng tôi tự nhìn lại quá khứ, tìm sự cảm thông và tiếp tục theo đuổi những gì mà các anh đã đánh đổi cuộc sống của mình. Chúng tôi tin rằng sự hy sinh của các anh sẽ không bao giờ bị lãng quên trong ký ức người thân, trong ký ức của đồng đội và trong ký ức của dân tộc.
Read More

Hoa dã quỳ

Leave a Comment

 Hoa dã quỳ

Cánh lính chúng tôi ngày còn tại ngũ, cứ nhìn thấy hoa dã quỳ nở là bảo nhau mùa đông đã đến. Dã quỳ là loài hoa dại có một sức sống mãnh liệt. Thân cây nép mình ngủ dưới lòng đất nhiều tháng và bung nở rực rỡ trong khoảng hơn 1 tháng vào đầu mùa Đông. Loại nhoa này mọc ở nhiều nơi, đặc biệt là ở khu vực rừng núi.
Trên đường đi hôm nay, chúng tôi bất ngờ bắt gặp đồi núi trải dài hàng chục km bạt ngàn cúc quỳ. Đẹp quá! Mặc dầu vội, mọi người vẫn bảo nhau dừng xe lại để ngắm, để hoài niệm tuổi xuân một thời, để đoàn và mỗi người chụp một tấm hình kỷ niệm chuyến đi.
Hoa dã quỳ thuộc họ cúc, còn được gọi là hoa cúc quỳ, cánh lính chúng tôi ngày trước thường gọi là hướng dương dại, cái tên gọi đã hàm nghĩa dã quỳ không phải một loài hoa đẹp lắm. Có 3 loại cúc quỳ: Hoa vàng, hoa đỏ và hoa trắng. Hoa đỏ và hoa trắng rất hiếm, phổ biến là hoa vàng.
Có một câu chuyện cổ tích kể về nguồn gốc loại hoa này. Chuyện kể rằng ngày xưa, ở một buôn làng nọ, có chàng K’lang con của núi rừng yêu tha thiết nàng H’limh, con của dòng suối. Ngày ngày chàng vào rừng săn bắt thú rừng như bao trai làng; còn nàng thì dệt chăn giống như bao thiếu nữ tự tay dệt tấm chăn đẹp để mang về nhà chồng. Tối tối họ thường đốt lửa, quây quần múa hát cùng dân làng. Cuộc sống vui vẻ hạnh phúc cứ trôi đi êm đềm. Cho đến một ngày, khi H’limh chờ hoài mà vẫn không thấy K’lang đi săn về, nàng lo lắng đi tìm. Nàng cứ đi, đi mãi, đi hết mười mấy con suối, mười mấy ngọn núi mà không thấy người yêu. Mệt quá nàng ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ, nàng thấy K’lang gọi và bảo nàng đi thêm nữa. H’ Limh giật mình tỉnh dậy, đi tiếp đến cuối nguồn thì nhìn thấy K’lang đang bị những kẻ ác của bộ tộc Lasiêng trói chặt vào một thân cây. Nàng chạy lại ôm lấy chàng, mặc cho những mũi tên, những ngọn giáo đâm vào da thịt. Nàng gục xuống khi bị trúng mũi tên độc của con trai tộc trưởng Lasiêng, người quá hờn ghen với tình yêu của H’limh dành cho k’lang. Từ đó cứ mỗi độ tháng mười, nơi nàng H’limh chết nở ra một loài hoa màu vàng rực. Người ta thường gọi là hoa Dã Quỳ. Cây hoa dần dần mọc lan rộng khắp núi rừng, tương trưng cho tình yêu chung thủy của đôi trai gái người dân tộc.
Hoa dã quỳ ở đây cao hai đến ba mét. Hoa bạt ngàn, nở chồng xếp lên nhau. Những bông hoa vàng nghệ nổi bật với cánh hoa rực rỡ. Những cánh hoa được bố trí cân đối, tạo nên một hình tròn hoàn hảo, một đường viền mỏng manh với lớp cánh hoa hình cầu. Nhìn ra xa, thảm hoa dã quỳ trông giống như một kiệt tác thiên nhiên mênh mông vàng miền sơn dã.
Vậy mà ngày trước cánh lính trẻ chúng tôi chỉ xem hoa dã quỳ là một loại hoa miền sơn cước, hoa hướng dương dại, một loại hoa bình thường như bao loại hoa rừng không tên, gắn liền với một câu chuyện tình của một tộc người nào đó. Có thể nó khiến chúng tôi trong một lúc nào đó nhớ về một giai nhân, nhưng với một cảm giác mơ hồ, một tâm trạng như câu thơ trong bài Lương Châu từ “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi (Xưa nay chinh chiến mấy ai về).
Dã quỳ không để lại nhiều ấn tượng, không đọng lại trong tâm trí. Bởi cái chúng tôi quan tâm là cái đói, cái rét, sự sống cái chết. Nếu có đề cập đến hoa, cánh lính miền xuôi chúng tôi thường nói đến hoa hồng, cúc đại đóa, violet, thược dược, lay ơn... Chỉ cho đến những năm gần đây, khoảng mươi mười lăm năm trở lại đây, khi trở lại nơi đóng quân, khi đi du lịch, khi về chiến trường xưa, anh em chúng tôi mới cảm nhận thấy hoa dã quỳ thực sự đẹp.
Nói đến hoa dã quỳ, giờ đây chúng tôi còn biết thêm có nơi người ta chế biến hoa như một loại trà đạo, có thể thanh nhiệt, giải độc. Hoa dã quỳ còn được dùng trong công nghiệp mỹ phẩm và dược liệu. Trong văn hóa một số nước, dã quỳ còn biểu tượng cho vẻ đẹp dân dã và sự tự do, phóng khoáng. Trong Phật giáo, hoa dã quỳ còn là vẻ đẹp của tâm linh…
Thì ra cái có những cái đẹp phải trải qua một hành trình trong cuộc đời người ta mới cảm nhận thấy. Dã quỳ là một trong số đó. Từ vẻ đẹp ngoại hình cho đến ý nghĩa văn hóa, tâm linh và ứng dụng thực tế trong cuộc sống, và cũng một phần theo trào lưu, giờ đây phần lớn anh em chúng tôi đều xem hoa dã quỳ là loài hoa đẹp, xứng đáng được tôn quý.
Điểm đặc biệt của loài hoa này là loài hoa luôn sống hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên rừng núi. Hoa rủ vàng hai bên đường như hàng rào chào đón. Hoa lúp xúp bên những loại cây cỏ tranh, lau. Hoa xen kẽ với rừng đào bắt đầu chớm nở. Hoa chen trong bụi chuối đến tận bờ tre. Hoa trải dài đến rừng thông xanh um tùm… Hoa nhuộm vàng rừng núi trùng trùng điệp điệp. Hoa phủ vàng sườn non xuống thung sâu thẳm mờ sương. Vẻ đẹp của hoa dã quỳ là vẻ đẹp của số nhiều, của sự cộng hưởng, không phải vẻ đẹp của một bông hoa mà là vẻ đẹp của những đồi hoa, những rừng hoa tít tắp đến không cùng. Đúng là loại hoa tượng trưng cho sự kiên nhẫn và sức sống vượt qua khó khăn. Ít có loại hoa nào có khả năng tồn tại và nở rộ, nhuộm vàng những vùng đất hoang vu, cằn cỗi và khắc nghiệt như dã quỳ…
Bỗng câu ca xưa trong ký ức tôi vọng về: Em như cây quế giữa rừng/ Thơm tho ai biết, ngát lừng ai hay.
Read More

Đại tá Hồ Hữu Lạn và chiến dịch Đắc Pét

Leave a Comment

 Đại tá Hồ Hữu Lạn và Chiến dịch Đăk Pét

Tuần trước tôi nhận được điện của Đại tá Hồ Hữu Lạn, ông thông báo cho tôi biết Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã quyết định tổ chức hội thảo, đề nghị Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia Đăk Pét. Đây là tin vui cho cán bộ Trung đoàn 3 Sư 324, trung đoàn đã tham gia trận đánh lịch sử Đăk Pet tại chiến trường Tây Nguyên tháng 5, năm 1974.
Tôi có may mắn cùng với Đại tá Hồ Hữu Lạn và Hội cựu chiến binh Trung đoàn 3 đến Đăk Pét 3 lần trong những năm gần đây để thắp hương cho đồng đội tại nghĩa trang Đăk Glei. 49 năm đã trôi qua, chúng tôi vẫn nhớ như in trận đánh lúc 8 giờ ngày 16/5/1974 của quân chủ lực Mặt trận Tây Nguyên, mà trực tiếp là Trung đoàn 66 thuộc Sư đoàn 10 và Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 phối hợp với lực lượng vũ trang, dân quân địa phương tiến công giải phóng cứ điểm Đăk Pék, Kon Tum.
Vào đầu những năm 1970 chúng ta đã tổ chức một số trận đánh vào chi khu quân sự Đăk Pét nhưng đều không thành công. Kẻ địch đã tiến hành tổ chức một hệ thống phòng ngự chiều sâu với nhiều cứ điểm chốt liên hoàn cùng với hệ thống hầm hào kiên cố sau thất thủ mùa hè năm 1972 ở Đăk Tô - Tân Cảnh. Phạm vi của cụm cứ điểm nằm trên những ngọn đồi trong thung lũng, có chiều dài gần 10km, chiều rộng khoảng 2km. Hai mươi hai cứ điểm thuộc chi khu quân sự Đắk Pét gần như được nối liền với nhau bằng hệ thống hầm hào xây bằng gạch và bê tông. Các cứ điểm chính có hai tầng. Tầng trên là công sự chiến đấu, phía trên xếp các bao cát dày hàng mét. Tầng dưới là nơi nghỉ ngơi của sỹ quan và binh lính ngụy. Đặc biệt từng chốt ở các cụm cứ điểm đều có hàng rào dây thép gai nhiều lớp với công sự và đường ngầm liên lạc kiên cố, có thể chi viện cho nhau khi một trong các cứ điểm bất kỳ nào bị ta tiến công.
Đầu năm 1974, trước tình hình mới, Bộ Tư lệnh Mặt trân Tây Nguyên quyết định phải xóa sổ chi khu quân sự Đăk pét. Trong cuốn Lịch sử Bộ Tổng tham mưu (tập 5) có ghi: “Trên hướng Gia Lai, ngày 26/3/1974 Bộ TTM điện (số 100/BTk) đồng ý với phương án đánh địch ở Đăk Pét của Mặt trận Tây Nguyên. Cuối tháng 4/1974 Bộ TTM quyết định Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 từ Trị Thiên vào tham gia đánh địch ở Đăk Pét. Nhiệm vụ của Trung đoàn 66 Sư đoàn 10 và Trung đoàn 3 Sư 324 cùng với quân và dân địa phương là phải tiêu diệt toàn bộ chi khu quân sự Đắk Pét; tiêu diệt và làm tan rã hệ thống ngụy quân ngụy quyền; giải phóng hơn ba ngàn dân; khai thông tuyến đường 14 để chuẩn bị cho những chiến dịch lớn sắp tới.
Từ huyện A Lưới, Thừa Thiên, 160 chiếc xe đưa toàn bộ cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 3 theo con đường Hồ Chí Minh tới Kon Tum. Con đường đi dọc theo thung lũng A Lưới, người Mỹ những năm 60, 70 của thế kỷ trước gọi là Thung lũng A Sầu. Hai bên đường mây phủ trắng núi rừng trùng trùng điệp điệp. Ai nấy đều bồi hồi xúc động vào chiến trường theo mệnh lệnh của Bộ. Thời điểm đó, anh em chiến sỹ chỉ được biết mình hành quân vào chiến trường B3, chưa được biết tham gia chiến dịch đánh Đắk Pét…
Đúng 8 giờ sáng 16/5/1974, lệnh tiến công căn cứ Đăk Pék phát ra từ Sở chỉ huy. Ngay lập tức, các khẩu pháo, pháo bắn thẳng 160mm, 120mm, 105 mm, 85 mm và ĐKZ 75mm… đồng loạt khai hỏa, phá vỡ những lô cốt vòng ngoài, vòng trong. Từng mảng công sự địch lần lượt bị phá tan nhờ pháo, cối bắn ở tầm gần, trực xạ rất hiệu quả. Tiếp theo bộ binh mở toang cửa mở, các mũi ào ạt xông lên chiếm lĩnh các trận địa. Chỉ sau 4 tiếng đồng hồ chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân ta, toàn bộ quân địch ở căn cứ Đăk Pék và quận lỵ Đăk Pék bị tiêu diệt, bị bắt làm tù binh. Kết quả, ta đã bắt sống 403 tên, thu 110 súng các loại, phá hủy 14 đại bác và cối hạng nặng, bắn rơi 3 máy bay địch, xóa sổ hoàn toàn sở chỉ huy biệt kích, án ngữ trục đường 14 Đăk Pék.
Trận đánh tiêu diệt cụm cứ điểm Đăk Pék là một chiến thắng toàn diện, trọn vẹn, không chỉ tiêu diệt sinh lực địch giải phóng nhân dân mà còn khai thông hành lang vận chuyển trên tuyến đường Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho chiến trường Tây Nguyên, chiến trường miền Nam. Chiến thắng Đăk Pét một lần nữa khẳng định truyền thống đánh giặc anh hùng của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, của dân quân du kích và của đồng bào các dân tộc dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Trận đánh đã đi vào lịch sử của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc như một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và nghệ thuật chiến tranh nhân dân tài tình, sáng tạo của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Riêng với Trung đoàn 3, Chiến dịch Đăk Pét cũng đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Đoàn Thuận Hóa. Thứ nhất vì trong lịch sử chống Mỹ của quân đội ta, đây là lần đầu tiên trong chiến trường, cán bộ chiến sỹ trung đoàn hành quân bằng xe cơ giới, một cuộc hành quân quy mô cấp trung đoàn rầm rầm đi vào mặt trận. Một trăm sáu mươi chiến xe Zil ba cầu chở toàn bộ Trung đoàn với đầy dủ vũ khí đạn dược đi trên đường 14, qua đèo Bò Lạch sang đất Quảng Nam, theo đường Khâm Đức đến Đắk Glei, Tây Nguyên. Đây là chiến trường mới, địa hình mới và là thử thách mới với các cán bộ và chiến sỹ Trung đoàn 3, trung đoàn quen tác chiến ở chiến trường Trị Thiên.
Ngồi trên xe vào chiến dịch Đăk Pét , anh em cán bộ chiến sỹ cảm thấy hừng hực khí thế. Tình hình chiến sự đang diễn ra một điều gì đó khác trước rất nhiều. Thậm chí còn dự cảm bước đột phá mới trên chiến trường. Những năm trước đó, người lính đeo ba lô súng đạn hành quân bằng đôi chân, đi hàng nghìn km theo các trạm giao liên bí mật, luồn rừng, lội suối, trèo đèo với phương châm đi không dấu, nấu không khói để tránh máy bay, phi pháo, thám báo địch... Ngồi trên xe cơ giới chạy giữa ban ngày, ai nấy đều nhận thấy thế và lực của chúng ta đã rất lớn mạnh. Đúng như Tướng Lê Trọng Tấn, Tổng Tham mưu phó quân đội đã nhận xét, đó là một cuộc hành quân cơ giới đầu tiên, là sự tập dượt, thí điểm để đưa các binh đoàn chủ lực cơ động của ta vào chiến trường sau này.
Thứ hai là mặc dù thời gian chuẩn bị cho chiến dịch chưa đầy ba tuần nhưng đó là thời gian chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ, kỹ lưỡng nhất mà anh em cán bộ chiến sĩ được biết. Trung đoàn trưởng Hồ Hữu Lan yêu cầu đắp sa bàn cụm căn cứ, giao nhiệm vụ cụ thể cho các tiểu đoàn 7,8,9 trên sa bàn, thông qua quyết tâm thư, nghị quyết chiến đấu... Các tiểu đoàn giao nhiệm vụ cho các đại đội, trung đội cũng trên sa bàn. Cán bộ, chiến sỹ được bàn bạc góp ý về cách tiếp cận mục tiêu, cách mang vác gỗ, bao cát, cách đào hầm áp sát trận địa địch, được bàn bạc cách đánh vào các mục tiêu rất cụ thể… Chính điều này góp phần không nhỏ vào thành công của chiến dịch.
Thứ ba, chiến dịch Đắk Pét là một chiến dịch hợp đồng binh chủng hết sức nhịp nhàng, ăn ý. Pháo phòng không 57 mm, 37mm, 23mm của ta án ngữ trên những ngọn đồi bắn chặn không cho máy bay trực thăng, A-37, C-130 của kẻ địch đến ném bom bắn phá các mục tiêu. Hỏa lực pháo 122mm, 105mm, 85mm, hỏa lực cối 160mm, 120mm, 81mm, 60mm, hỏa lực ĐKZ, 12,7mm của chiến dịch, của cấp trung đoàn, cấp tiểu đoàn phối hợp nhịp nhàng, cấp tập bắn nát các lô cốt, hầm ngầm; cày xới phá hủy hầm hào công sự buộc quân địch phải chúi xuống hầm ngầm, tạo điều kiện cho các mũi công binh mở cửa bằng mìn ba giá, đánh bay hệ thống hàng rào kẽm gai có chiều sâu đến 70 mét. Và sau hai giờ giội bão lửa, xe tăng và bộ binh các hướng chủ yếu, thứ yếu đồng loạt tấn công chiếm lĩnh trận địa. Kẻ địch gần như bị áp đảo, không thể ứng cứu cho nhau.
Thứ tư là trận đánh diễn ra trong một thời gian ngắn kỷ lục, từ 6h đến 10 giờ ngày 16/5/1974. Hơn 400 tên địch đã bị tiêu diệt và bị bắt sống. Một số lớn vũ khí đạn dược của Mỹ ngụy bị ta thu giữ.
Thứ năm là tổn thất của trung đoàn trong một trận đánh lớn ở mức thấp nhất. Chỉ có hai mươi mốt cán bộ chiến sỹ hy sinh trước và trong trận đánh.
Cuối cùng là ngay sau trận đánh, tất cả cán bộ chiến sỹ phải làm nhà cửa ổn định và chăm lo cuộc sống cho hàng trăm gia đình, phần lớn là người dân tộc, thậm chí quân y còn đỡ đẻ cho đồng bào các dân tộc, một nhiệm vụ mà cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 3 chưa bao giờ phải làm…
Tôi còn nhớ cách đây 2 năm, Đại tá Hồ Hữu Lạn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 trong trận đánh Đăk Pét đã dẫn đầu đoàn chúng tôi đến huyện lỵ Đắk Glei. Thật ngỡ ngàng sau gần nhiều năm quay trở lại. Thị trấn nay đã vươn mình thức dậy, mang dáng dấp của một vùng độ thị hóa. Chưa có nhiều nhà cao tầng nhưng cơ sở hạ tầng đường xá, trường trạm không thua kém các thị trấn miền xuôi. Xe chúng tôi đi chầm chậm qua một cây cầu bắc qua con sông Đắk Mek. Vẻ đẹp hiện đại và sự duyên dáng của nó trong ánh đèn hoa rực rỡ chẳng kém gì những cây cầu nổi tiếng trên khắp đất nước. Bóng cả phố núi lung linh lấp lóa trên dòng sông…
Sau một đêm ngủ đặc trưng trong không gian rừng núi tĩnh mịch, đoàn chúng tôi được các anh em trong ủy ban và huyện đội đưa đến nghĩa trang liệt sỹ huyện Đắk Glei. Nghĩa trang liệt sỹ nằm trên đỉnh đồi khá cao, bên cạnh chi khu quân sự Đắk Pét ngày trước. Chúng tôi leo 171 bậc lên khu đất bằng trải dài những ngôi mộ ốp đá, nơi nằm yên nghỉ của các liệt sỹ bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích đã hy sinh tại huyện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Cũng giống như các nghĩa trang khác, rất nhiều ngôi mộ không tên. Hai mươi mốt đồng đội của trung đoàn chúng tôi được quy tập về đây cũng không biết nằm ở chỗ nào. Đại tá Hồ Hữu Lạn và đoàn đã làm việc với Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện Đăk Glei và gửi lại danh sách 21 liệt sỹ với đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, chức vụ, cấp bậc, và tên của Trung đoàn 3 với mật danh đoàn Bạch Đằng khi vào chiến trường Tây Nguyên…
Khi viết bài viết này, tôi bỗng nhớ tới anh Lê Xuân Huynh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 của chúng tôi cùng phân đội trinh sát đi trinh sát lần cuối căn cứ đồi H. Trên đưởng trở về, một chiến sỹ vướng mìn ở suối Đăk Pét. Pháo, cối địch theo tọa độ bắn dữ dội chặn đường. Đồng thời kẻ địch cho một trung đội địch càn quét dọc theo con suối. Anh Huynh cùng sáu trinh sát bị thương không thể rút ra khỏi đó. Các anh đã chiến đấu hy sinh anh dũng trước khi trận đánh bắt đầu… Năm 2015, Đại tá Hồ Hữu Lạn cùng anh em cựu chiến binh Trung đoàn 3 đến thăm gia đình anh Huynh. Người mẹ 93 tuổi của anh, đôi mắt mù lòa vì khóc thương nhớ con. Mẹ cầm tay từng người. Nước mắt chan chứa gọi “Huynh ơi, Đồng đội con lại về”!
Ngày 16 này, Tôi được Đại tá Hồ Hữu Lạn giao nhiệm vụ viết bài về Chiến dịch Đăk Pét và cùng với một số đại biểu Hội cựu chiến binh Trung đoàn 3 về dự hội nghị. Tôi hy vọng sau hội nghị này, nhân dịp 50 kỷ niệm chiến thắng Đăk Pét, các cơ quan chức năng của tỉnh Kon Tum sẽ hoàn thành các thủ tục để nhà nước sẽ công nhận Đăk Pét là di tích lịch sử cấp quốc gia. Trung đoàn 3 Sư 324 cùng với 21 liệt sỹ cũng được các cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện Đăk Glei trả lại tên trong nghĩa trang liệt sỹ Đăk Glei.
Riêng với Đại tá Hồ Hữu Lạn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 đầu những năm 1970, người chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, người đã góp phần làm nên các chiến thắng ở các nơi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia (A Bia, Thượng Đức) sắp tới là Đăk Pét, 935-Cốc Bai. Tôi hy vọng kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đăk Pét, ông có đủ sức khỏe để cùng anh em cựu chiến binh Trung đoàn 3 trở lại Kon Tum, Tây Nguyên.
Read More

Kỷ niệm 9 năm trang Blog Chia sẻ

Leave a Comment

 Kỷ niệm 9 năm trang Blog Chia sẻ

Tới đầu tháng 11/2023 trang blog cá nhân Chia sẻ (địa chỉ truy cập cụ thể: blogchiasett.blogspot.com) của tôi đã tròn 9 năm trên chặng đường phục vụ bạn đọc. Đến nay trang blog bao gồm 207 bài viết, thu hút hơn 50.000 lượt người truy cập. Nếu in thành sách, tôi nhẩm tính khoảng 5 cuốn, mỗi cuốn khoảng trên dưới 500 trang. Đây là số lượng bài viết rất khiêm tốn so với một số bloger bạn bè hiện thời. Nhân sự kiện này xin được bộc bạch với độc giả một số cảm nghĩ, một số trải nghiệm.
Tôi thường đề cập đến 4 đề tài trong các bài viết: Đề tài về quân đội, giáo dục (Việt Nam và Hoa Kỳ), quan hệ quốc tế và văn hóa lễ hội. Những lĩnh vực này trong quá khứ và hiện tại tôi ít nhiều được trải nghiệm trong quá trình công tác thực tế và học tập. Nhớ lại những ngày đầu, hàng tuần chỉ mới có một vài người lèo tèo truy cập. Đến nay ngày nào cũng có người truy cập, có ngày lên tới vài chục lượt, cá biệt có ngày lên tới hàng trăm. Tôi rất vui, về hưu rồi nhưng mình vẫn còn tồn tại.
Trước tiên xin được gửi lời cảm ơn và cảm kích tới độc giả! Số lượng người truy cập vượt quá mong đợi, và điều này khiến tôi cảm thấy rất vui. Có ít nhất hơn 50.000 lượt người đã dành thời gian và quan tâm đến những gì tôi chia sẻ trên blog. Điều này là một thành tựu với tôi khi tuổi tác “bóng chiều đã ngả về tây”.
Những năm gần đây, tôi thường lược bớt nội dung bài viết hoặc vội đưa cả nội dung bài viết trong trang Blog lên trang Facebook (nhiều bài viết quá dài, không phù hợp với trang mạng xã hội này). Tuy bất cập nhưng vẫn được nhiều anh em, đồng đội, đồng nghiệp, bè bạn, người thân động viên và phản hồi tích cực. Số lượng người theo dõi blog Chia sẻ từ cộng đồng ngày một tăng. Đặc biệt là khi một số ấn phẩm của Hội sinh viên người Việt ở Mỹ đăng tải và giới thiệu về trang blog này. Những lời nhận xét, ý kiến và chia sẻ của độc giả đã giúp tôi thấy mình cần phải cố gắng hơn. Với tôi điều đó là nguồn động viên và khích lệ trong công việc viết blog.
Dù số lượng người truy cập còn khiêm tốn, nhưng tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm lớn hơn trong việc chia sẻ thông tin chính xác, hữu ích và giá trị. Tôi sẽ cố gắng cập nhật kiến thức và nghiên cứu kỹ các nguồn tài liệu để mang đến cho độc giả những bài viết tốt nhất trong khả năng có thể.
Nhìn lại thời gian 9 năm, tôi nhận thấy 207 bài viết trên blog của mình ít nhiều đã có ảnh hưởng nhất định tới một số độc giả. Những câu chuyện và vấn đề mà tôi trải nghiệm đã giúp độc giả chia sẻ, nhìn nhận cuộc sống và quan điểm của cá nhân tôi trong một thế giới đa chiều. Ít nhiều tôi hy vọng mình góp phần nhỏ bé phát triển văn hóa đọc và truyền cảm hứng cho người khác. Và tôi thực sự coi đó là niềm vui để mình tiếp tục cầm bút.
Việc viết blog trong 9 năm qua đã giúp tôi phát triển không chỉ về kỹ năng viết mà còn giúp tôi tích lũy thêm kiến thức và sự tự tin; giúp tôi hạn chế sự trì trệ, lão hóa do tuổi tác. Tôi đã học thêm được cách tương tác với độc giả, học được cách quản lý thời gian và xây dựng mối quan hệ với cộng đồng trực tuyến. Điều này giúp tôi tiếp tục phát triển bản thân trên hành trình học tập suốt đời.
Trên tất cả, việc trang blog cá nhân thu hút hơn 50.000 lượt người truy cập trong 9 năm là một cột mốc đáng nhớ. Đây là niềm vui, là phần thưởng và tôi rất biết ơn những gì mà độc giả và cuộc sống đã ban tặng cho mình. Cảm ơn thế giới số đã tạo ra một cộng đồng trực tuyến, tạo ra sự ảnh hưởng tích cực và mang lại những trải nghiệm quý giá cho con người. Hy vọng rằng tôi vẫn có thể tiếp tục viết, chia sẻ cảm xúc và kiến thức với độc giả qua trang blob này trong tương lai.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.