Cảm nghĩ về tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị

Leave a Comment

 Cảm nghĩ về tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị

Ngày 17/1 Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố: “Bắc Kinh sẽ không dùng sức mạnh để bắt nạt các nước láng giềng trong khu vực Biển Đông như Philippines”. Trong tuyến bố của mình ông ta còn nói: "Chỉ nhấn mạnh yêu sách của chỉ một phía và áp đặt ý chí của mình lên người khác không phải là cách thích hợp để các nước láng giềng đối xử với nhau. Điều này đi ngược lại triết học phương Đông về việc con người nên hòa hợp với nhau".
Tuyên bố trên của ông Nghị diễn ra trong Diễn đàn trực tuyến do Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila và một nhóm vận động của Philippines tổ chức. Trong diễn đàn ông Nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình. Đó là chuyện riêng của hai nước. Lẽ ra chúng ta không nên xía vào. Nhưng vì nó có liên quan đến Việt Nam và cả khối ASEAN nên tôi phải có đôi lời. Theo tôi lời lẽ giả nhân giả nghĩa của ông Nghị đã trở nên quá nhàm chán đối với những người có chút hiểu biết về tình hình biển Đông.
Ngày 19/1/1974 Trung Quốc đã xâm chiếm đảo Phú Lâm và một số đảo trong Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngày 18/2/1988 Trung Quốc xâm chiếm 5 đảo trong Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tháng 6/2012 Trung Quốc xâm chiếm Bãi cạn Scarborough từ Philippines. Năm 2014 Trung Quốc biến những đảo xâm chiếm trên trở thành những căn cứ quân sự nổi trên Biển Đông. Gần đây nhất ngày 1/12 Trung Quốc yêu cầu Indonesia ngừng khoan khai thác dầu khí thuộc Quần đảo Natuna của Indonesia “vì nó đang diễn ra trên lãnh hải của Trung Quốc” (cũng giống như nhiều lần Trung Quốc yêu cầu Việt Nam và Malaisia ngừng khoan thăm dò dầu khí trên thềm lục địa của hai nước). Đúng là hành động kẻ cướp lớn nhất thời đại. Các nước trong khối ASEAN ngày càng lo ngại chung về Trung Quốc, cũng như hành vi bành trướng cơ bắp, sự lấn lướt ngày càng gia tăng của chủ nghĩa đại Hán.
Hành động của Trung Quốc có thể được coi là một trong những động lực chính cho sự phát triển quan hệ giữa Mỹ và các nước ASEAN trong thời gian qua. Indonesia không những không dừng hoạt động khoan dầu của họ, vì đó là lãnh hải của họ, Indonesia còn tiến hành cuộc tập trận với 4500 binh sỹ Mỹ trên vùng biển mang tên Lá chắn Garuda, bất chấp “quan ngại về sự ổn định an ninh trong khu vực của Trung Quốc”. Còn về phía Philippines, sau khi Trung Quốc ngăn chặn một tàu tiếp tế quân sự trên vùng lãnh hải của mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này đã chỉ trích hành động “xâm nhập” lãnh hải trái phép, hành động “bắt nạt” nguy hiểm. Trước lời lên án của Philippines, Mỹ, một đồng minh có hiệp ước với Philippines đã cảnh báo Trung Quốc rằng nếu tàu Philippines bị tấn công, Washington sẽ hành động theo các cam kết phòng thủ chung với Manila.
Tuyên bố của Vương Nghị Bắc Kinh sẽ không dùng sức mạnh để bắt nạt các nước láng giềng trong khu vực Biển Đông được đưa ra trong bối cảnh trên. Tuyên bố như tôi viết nếu không giả nhân giả nghĩa thì sẽ giải thích như thế nào về việc làm của Mao Trạch Đông, người đã ký quyết định xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, giải thích như thế nào về việc Đặng Tiểu Bình, người phát động cuộc Chiến tranh biến giới Việt Nam Năm 1979, và xâm chiếm 5 đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 (Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa, Xu Bi).
Tuyên bố của ông Nghị ngoài việc xoa dịu dư luận thế giới, xoa dịu sự phẫn nộ của người dân ASEAN còn một hàm ý Bắc Kinh muốn thương lượng hòa bình để giải quyết những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Có nghĩa là Vương Nghị vẫn cứ bám víu vào chủ quyền lịch sử, tự vẽ ra cái gọi là đường lưỡi bò chín đoạn, vẽ ra tranh chấp để giành giật lãnh hải. Ông ta cố tình lờ đi Phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế ngày 12/7/2016; Tòa án Trọng tài do Philippines kiện Trung Quốc đã bác bỏ chủ quyền lịch sử, bác bỏ đường chín đoạn vô căn cứ của Trung Quốc.
Tình hình Biển Đông đã trở nên căng thẳng trong năm vừa qua. Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc rơi vào bế tắc do các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc mà họ nói dựa trên các bản đồ lịch sử. Bắc Kinh đã bị các nước phương Tây cáo buộc là gây hấn và khiêu khích bằng cách triển khai hàng trăm tàu hải cảnh và tàu đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng, trong đó có Philippines và Việt Nam.
Trong diễn đàn Vương Nghị còn nói Trung Quốc hy vọng có thể cùng Philippines quản lý và giải quyết vấn đề "một cách phù hợp, trên tinh thần thiện chí". Tôi nghĩ là vấn đề Biển Đông sẽ vẫn là một trong những động lực quan trọng cho quan hệ song phương giữa Philippines và Trung Quốc cũng như giữa Mỹ và Philippines. Mặc dầu dưới thời Tổng thống Rodrigo Dutert quan hệ giữa Philippines với Mỹ và Trung Quốc có vẻ khá cân bằng. Sự cân bằng mong manh này chắc sẽ bị phá vỡ bởi chính Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của Philippines. Người Philippines muốn có một sự cân bằng chiến lược trong khu vực và có sự can dự của các cường quốc bên ngoài như Anh, Đức, Pháp, Nhật, thậm chí cả Ấn Độ để cân bằng lại sức mạnh của Trung Quốc, trong bối cảnh mà các nước trong khu vực chênh lệch quá lớn về sức mạnh so với Trung Quốc. Chính vì vậy sự tham gia của những nước như Hoa Kỳ hay các đồng minh của Hoa Kỳ ở bên ngoài vào khu vực Biển Đông thì sẽ có lợi cho Philippines và các nước ASEAN (ngoại trừ một hai nước quá phụ thuộc vào Trung Quốc).
Philippines sẽ trông chờ vào sự tiếp tục hiện diện của Hoa Kỳ ở khu vực, đặc biệt là về mặt quân sự. Philippines trông chờ việc duy trì trật tự khu vực dựa trên luật lệ mà Hoa Kỳ và các nước đồng minh rất muốn, đặc biệt là việc bảo đảm luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Philippines cũng mong chờ Hoa Kỳ ủng hộ trong các diễn đàn quốc tế, để nâng cao vị thế trong việc ứng phó với sức ép của Trung Quốc. Tiếp theo Philippines cũng trông chờ Hoa Kỳ giúp tăng cường năng lực hải quân qua các cuộc tập trận chung. Cuối cùng quan trong nhất, Philippines muốn Hoa Kỳ duy trì các hoạt động trên thực địa để có thể kiểm soát các hành vi của Trung Quốc. Và nếu quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc vì lý do nào đó bị đổ vỡ họ sẽ kích hoạt Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines. Đây chính là điều Trung Quốc lo ngại buộc Vương Nghị phải dịu giọng trong diễn đàn trực tuyến do Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila và một nhóm vận động của Philippines tổ chức.
Người ta thường nói “Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời”. Câu nói này hoàn toàn thích hợp với những nhà cầm quyền bành trướng Bắc Kinh từ xưa đến nay. Mặc dầu họ có che đậy bằng những lời lẽ mỹ miều đến đâu thì bản tính họ vẫn là kẻ bành trướng”: cướp đất, cước nước của dân tộc khác.
Read More

Về A Bia và Tướng Chu Phương Đới

Leave a Comment

 Về A Bia và về Tướng Chu Phương Đới

Hôm nay tôi nhận được tin vui từ anh Vũ Thành, nhân dịp 77 năm ngày thành Lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định công nhận Đồi A Bia tại Xã Hồng Bắc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế là di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Đây là tin vui làm ấm lòng tất cả các cựu chiến binh Trung đoàn 3 Sư 324 nói riêng và tất cả các cựu chiến binh Sư đoàn 324 nói chung. Xin cảm ơn Đảng bộ, Chính quyền huyện A Lưới, Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng để nhà nước ghi nhận giá trị của một chiến dịch đã diễn ra từ 52 năm trước.
Tôi đã viết khoảng một chục bài về trận đánh có liên quan đến Đồi A Bia trong Hội thảo 50 năm chiến thắng A Bia do Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân Huyện A Lưới và các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức. Tôi cũng viết một số bài về A Bia ở các góc độ khác nhau trên Facebook nên không viết thêm về trận đánh mà lính Mỹ gọi là trận Đồi Thịt Băm. Chỉ xin khái quát một vài nét chính.
Phía Mỹ gọi trận đánh trên Đồi A Bia là Chiến dịch Tuyết rơi trên đỉnh A Pát. Phía Việt Nam gọi là Chiến dịch A Bia (tên ngọn núi ở xã Hồng Bắc). Lực lượng tham chiến phía Mỹ có Lữ đoàn dù 3 thuộc Sư đoàn dù 101, bao gồm 3 tiểu đoàn và một tiểu đoàn ngụy với 1800 quân. Kẻ địch đã huy động một lực lượng lớn không quân kể cả lực lượng không quân chiến lược B52 và pháo binh với 270 phi vụ ném bom, 890 tấn bom phá, 115 tấn bom cháy; 10 tiểu đoàn pháo binh với 19.213 viên đạn, kể cả đạn hóa học; cùng với khoảng 900 quả rốc két. Lực lượng tham chiến phía Quân giải phóng miền Nam là Trung đoàn 3 Sư 324. Như vậy, ước chừng mỗi ngưởi lính Trung đoàn 3 trong trận A Bia phải chịu một tấn bom, 19 quả đạn pháo và 1 quả rốc két.
Thời gian diễn ra chiến dịch không dài, 10 ngày, từ ngày 10/5/1969 đếm 20/5/1969. Không gian diễn ra trân đánh trên một phạm vi không rộng, một dãy núi với ba mỏm cao 937, 916 và 903. Lực lượng hai bên không lớn, kẻ địch cấp lữ đoàn và ta cấp trung đoàn. Vậy mà phía Mỹ đánh giá đây là một trong những trận đánh “khủng khiếp nhất, đẫm máu nhất, ác liệt nhất và kéo dài liên tục nhất trong lịch sử chiến tranh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam”.
Theo các sử gia trong cuốn Lịch sử Chiến tranh Hoa Kỳ ở Việt Nam, trận đánh trên Đồi A Bia đã làm thay đổi phương thức tác chiến của Quân đội Mỹ trên chiến trường miền Nam. Sau Đồi Thịt băm, Đại tướng Abram, Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam đã ra lệnh ngừng chính sách gây áp lực tối đa tìm diệt quân giải phóng và Quân đội Mỹ chỉ được phép tấn công khi bị đe dọa để hạn chế mức thương vong tối thiểu trên chiến trường.
Về chính trị, trận đánh A Bia khiến quốc hội Mỹ chia làm 2 phe chống đối nhau quyết liệt. Lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, quốc hội Mỹ lên án giới quân sự, chống đối các tướng lĩnh chỉ huy trên chiến trường miền Nam; thậm chí họ yêu cầu các tướng lĩnh hãy cầm vũ khí, đi trước binh lính, lên Đồi A Bia để tỏ rõ lòng dũng cảm theo phong cách binh nghiệp, không được để binh lính Mỹ chết vô nghĩa trên một ngọn núi xa xôi ở Việt Nam. Trận đánh A Bia còn khiến hàng triệu người dân Mỹ xuống đường biểu tình chống chiến tranh, đòi rút quân Mỹ về nước.
Các sử gia Mỹ gọi A Bia là một cuộc chiến tranh trong lòng nước Mỹ. Họ ví hậu quả của Trận Đồi Thịt băm không khác gì cuộc Tổng Tấn công và nổi dậy Xuân năm 1968. Trận đánh không những mang tầm vóc chiến dịch mà còn mang tầm vóc chiến lược, làm thay đổi cục diện chiến ở trường miền Nam. Rất đáng tiếc phía Việt Nam trước đây không thấy hết được ý nghĩa to lớn và giá trị chính trị, quân sự mà trận đánh trên Đồi A Bia đem lại.
Sau hơn 50 năm, chúng ta đã có điều kiện nhìn nhận lại hiện thực lịch sử từ phía bên kia chiến tuyến. Nhà nước đã công nhận giá trị to lớn của chiến thắng A Bia, chính thức công nhận A Bia là di tích lịch sử cấp quốc gia.Tôi rất vui, nhưng vẫn ngậm ngùi. Giá mà Thủ trưởng Chu Phương Đới, Thủ trưởng Ma Vĩnh Lan và một số các cán bộ chiến sỹ Trung 3 còn sống đến ngày hôm nay.
Thiếu tướng Chu Phương Đới sinh năm 1922 tại xã Hưng Đạo, Hòa an, Cao Bằng. Ngày 19/2/1946 chàng thanh niên Chu Phương Đới tham gia cách mạng. Tháng 6/1946 là Trung đội trưởng Trung đội Hoàng Su Phì ở Hà Giang. Tháng 1/1947 được đề bạt làm Đại đội trưởng. Trong Chiến dich Biên giới năm 1950, ở trận chiến Đông Khê người thanh niên dân tộc người Tày được bổ nhiệm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 154, Trung đoàn 209 thuộc Đại đoàn 308. Tháng 11/1951 được điều động làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 141 Đại đoàn 312. Tháng 9/1953 đảm nhiệm Trung đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn. Sau đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 Đại đoàn 312 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Sau năm 1954, miền Bắc đi lên Chủ nghĩa xã hội, miến Nam tiếp tục làm nhiệm vụ cách mạng dân tộc. Tháng 12/1955 Chu Phương Đới là Tham mưu trưởng Sư đoàn 316. Sau khi tốt nghiệp Học viện Cao cấp Bộ Quốc phòng, ông trở về làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316. Từ giữa những năm 1960, Chu Phương Đới được giao đảm nhiệm Tư lệnh phó Sư đoàn 324. Ông cùng Sư đoàn ra quân đánh Mỹ đầu tiên trên chiến trường miền tây Quảng Trị. Các đơn vị thuộc sư đoàn đã tiêu diệt căn cứ Đầu Mầu, đánh bại một số cuộc hành quân càn quét của các đơn vị Sư đoàn Thủy lục chiến Mỹ phía tây Quảng trị; đánh chiếm căn cứ Cù Đinh, Ba De mở ra thời kỳ mới thu hút chủ lực Mỹ ngụy ra Mặt trận đường 9 để tiêu diệt. Tháng 12/1967 ông là Tư lênh Sư 325 vào Mặt trận B3 Tây Nguyên. Tháng 12/1968 ông trở lại làm Tư lệnh Sư đoàn 324 và gắn bó với sư đoàn mãi cho đến đầu những năm 1970.
Trong Chiến dịch A Bia Thủ trưởng Chu Phương Đới và Thủ trưởng Trần Văn Ân (Chính ủy Sư đoàn) được Quân khu Trị Thiên giao nhiệm vụ chốt giữ khu vực A Bia, bảo vệ tuyến đường huyết mạch Hồ Chí Minh chạy qua phía bắc Thung lũng A Sầu. Ông đã cân nhắc rất kỹ khi giao nhiệm vụ chốt giữ cho Trung đoàn 3, trung đoàn đã quần nhau các đơn vị Thủy quân lục chiến trong suốt hai năm 1966 và 1967. Ông tin tưởng Trung đoàn Trưởng Ma Vĩnh Lan và các cán bộ chiến sỹ trung đoàn đã có kinh nghiệm chốt, vận động tấn công quân Mỹ ở khu vực rừng núi, có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thủ trưởng Chu Phương Đới đã cùng phân đội trinh sát sư đoàn, trinh sát trung đoàn và đoàn cán bộ Trung đoàn 3 đi trinh sát thực địa hàng tháng ở khu vực A Bia và xung quanh A Bia. Ông sinh ra ở miền rừng núi, trải qua hàng trăm trận đánh từ chống pháp đến chống Mỹ cũng ở vùng rừng núi nên rất quen với địa hình rừng núi. Ông yêu cầu trinh sát cả ban ngày lẫn ban đêm để cán bộ, chiến sỹ quen và thông thuộc địa hình, dựa vào địa hình hiểm trở rừng núi để xây dựng chốt, để ém quân vận động tấn công bảo vệ chốt ban ngày cũng như đêm.
Sau đợt trinh sát chung, ông yêu cầu cán bộ trung đoàn và tiểu đoàn tiếp tục trinh sát sâu từng khu vực riêng dự kiến được phân công. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 Nguyễn Ninh chịu trách nhiệm giữ chốt liên hoàn theo tuyến chiều sâu, từ chân núi đến đỉnh 937 A Bia. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 Tăng Văn Miêu cơ động tấn công quân Mỹ theo hướng tây nam A Bia. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9 Võ Vượng cơ động tấn công theo hướng đông bắc A Bia.
Ông đã yêu cầu các tiểu đoàn, đại đội, đến trung đội sau khi chiếm lĩnh trận địa lại tiếp tục thực địa để nắm chắc địa hình, địa điểm trú quân, dự định đường cơ đông tiến quân, rút quân; thậm chí các đại đội, trung đội, tiểu đội phải thực diễn giả định chiến đấu trong tình huống ban ngày, ban đêm theo phương án tác chiến. Ông luôn nhắc nhở cán bộ chiến sỹ phải nắm chắc khoảng cách giữa các vạt rừng, mỏm đá, chướng ngại vật, thậm chí nắm được những thân cây lớn để tận dụng trong chiến đấu, cũng như ứng phó nếu tình huống bất ngờ xảy ra.
Ông chỉ đạo Công binh Sư đoàn, Trung đoàn chạy đua với thời gian xây dựng và bố trí hệ thống chốt liên hoàn, chốt kiềng ba chân, giao thông hào giữa các chốt. Đặc biệt xây dựng hầm chốt chữ A, bên trong có hầm moi; phải đảm bảo “bom nổ bên cạnh, pháo nổ bên trên không gây thương vong” cho cán bộ chiến sỹ. Cùng với đó là hệ thống công sự chiến đấu, công sự hỏa lực, công sự chỉ huy, công tác hậu cần, quân y, công tác thương binh tử sỹ…
Có lần tại bệnh viện Y học Dân tộc, ông tâm sự, suốt cuộc đời cầm quân, bao giờ ông cũng vào trận với tinh thần chủ động. A Bia là một trong những trận ông cân nhắc chuẩn bị kỹ càng nhất về mọi mặt, đặc biệt là việc chọn địa hình bố trí trận địa đánh địch. Ông đã dự kiến tình huống đơn vị chốt phải rút khỏi trận địa sang bên kia biên giới Lào.
Trận A Bia ông chỉ để mất gần 100 cán bộ chiến sỹ so với ước lượng của kẻ thù là gần 1000 người. Ở hướng chính, trong 10 ngày có tới 7 cuộc tấn công cấp đại đội, tiểu đoàn…Trước mỗi cuộc tiến công, bom đạn chúng trút xuống hủy diệt hàng giờ. Chúng cho rằng không một sinh vật nào có thể sống sót. Đất đá bị nghiền vụn như bột khoảng nửa mét. Vậy mà A Bia vẫn cứ lì lợm đứng vững với phương châm chốt, vận động tấn công và vận động tấn công kết hợp chốt.
Sau chiến thắng A Bia, ông lại bắt tay ngay vào việc chỉ đạo Chiến dịch 935- Cốc Bai. Ông trực tiếp đi trinh sát cùng với trinh sát Trung đoàn 1. Ông giao cho Tư lệnh phó Sư đoàn Mai Hiền đi trinh sát cùng với Trung đoàn 3. Theo Thiếu tướng Lê Huy Mai trong cuốn Hồi ký từ Châu thổ sông Hồng đến sông Hương xứ Huế, từ cuối tháng 5 và đầu tháng 6 năm 1970, Sư trưởng Chu Phương Đới cùng các cán bộ của Trung đoàn 1 đi trinh sát địa hình, nghiên cứu tình hình địch, xây dựng phương án tác chiến ở các khu vực điểm cao 935, điểm cao 902, điểm cao 805, dốc Mây…
Khi đoàn cán bộ tới một hang đá nằm ở phía tây điểm cao 805 thì trời đã chiều muộn. Hang đá này nằm dưới chân núi, cách lòng suối khoảng 20m. Hang rộng rãi, trần cao, cửa ra vào kín đáo. Phân đội 30 người trú ẩn rất thoải mái, an toàn. Khoảng nửa đêm, mọi người đang ngủ say, bỗng nước ào ào ùa vào, cuốn theo những tảng đá lăn vào thành hang lộc cộc. Chỉ trong giây phút, nước ngập kín cửa hang. Mọi người đều bất ngờ, luống cuống. Thủ trường Đới hét lên: “Bình bĩnh! Bình tĩnh!”
Một số cán bộ chiến sỹ dùng đèn pin soi để chạy ra hướng cửa hang, cố thoát ra ngoài. Nhưng lại gặp anh em ở cửa hang chạy vào. Một người trong đó lên tiếng: “Nguy quá! Không thể ra được”. Tất cả đều lo lắng, lúng túng không biết xử trí ra sao. Thủ trưởng Đới quay tròn ánh đèn pin vào sâu bên trong hang:
- Các anh khẩn trương theo tôi!
Tất cả đoàn bỏ lại đồ đạc cá nhân, xách súng bám theo Sư đoàn trưởng, đi sâu vào trong hang đá, leo lên cao, lần lượt thoát ra ngoài qua một cửa hang nhỏ trên lưng chừng núi. Đêm đó trời tối đen. Chỉ nghe tiếng nước gầm rú bên dưới. Sáng hôm sau, một vài người được vệ binh sư đoàn cho biết, chiều hôm trước đoàn đến hang, mọi người tất bật việc riêng của mình. Một mình Thủ trưởng Đới đi khắp mọi ngõ ngách trong hang để xem xét. Ông tìm thấy một ngách ra, để rồi dẫn mọi người thoát hiểm. Trong cuốn hồi ký của mình, Thủ trưởng Mai viết: “Tôi biết ơn và kính trọng Sư đoàn trưởng đức độ, sâu sát, kiên cường, người từng trải đã cho cán bộ chiến sỹ một kinh nghiệm quý báu, một bài học thực tiễn nhớ mãi”.
Sau hàng tháng trinh sát, vào giữa tháng 6/1970 Sư trưởng Chu Phương Đới giao nhiệm vụ cho 3 trung đoàn. Trung đoàn 1 đảm nhiệm hướng chủ yếu bao vây tiến công hướng tây nam căn cứ 935, sẵn sàng dứt điểm 935; đồng thời chuẩn bị tiêu diệt quân Mỹ đến giải tỏa ở các khu vực điểm cao 902, 805, Dốc Mây. Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 6 bao vây hướng bắc căn cứ 935. Trung đoàn 3 đánh địch ngoài công sự ở khu vực Cô Pung, Cốc Muộn, điểm cao 1478…
Ngày 1/7 Chiến dịch 935- Cốc Bai bắt đầu. Sau 23 ngày đêm Quân Mỹ đã phải tháo chạy. Kết quả trân đánh như người Mỹ đã viết: “Trước khi căn cứ Ripcord (935) có thể trở thành một trận Điện Biên Phủ của người Mỹ, Sư đoàn Dù 101 đã làm cái điều mà Quân đội Mỹ chưa bao giờ làm ở miền Nam: Rút lui khỏi trận đánh lớn, ra lệnh sơ tán và tiến hành không kích phá hủy căn cứ. Ripcord đã trở thành biểu tương mang ý nghĩa ẩn dụ bi thảm cho toàn bộ cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ripcord cũng là trận chiến lớn cuối cùng mà bộ binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Nó đánh dấu sự kết thúc thời kỳ quân đội Mỹ trực tiếp can dự trên chiến trường.
Về Chiến dịch 935- Cốc Bai, trong đó có trận đánh lớn cuối cùng của Quân đội Mỹ trên căn cứ 935 trong chiến tranh Việt Nam, phía Việt Nam chưa đánh giá hết tầm quan trọng của thắng lợi này, mặc dầu Quân ủy Trung ương có viết thư khen ngợi sư đoàn, mặc dù các nhà quân sự, các tác giả đã đề cập đến nhiều khía cạnh về trận đánh trong cuốn Lịch sử Sư đoàn 324, bộ Lịch sử chiến tranh chống Mỹ và một số hồi ký của các tướng tá trong sư đoàn. Theo chỗ tôi biết, người Mỹ ít nhất đã viết tới bốn cuốn sách về trận đánh này. Trong số đó có hai cuốn ba đến bốn trăm trang (cuốn Đại bàng gào thét trong vòng vây của Keith Nolan và cuốn Địa ngục trên đỉnh đồi của Thiếu tướng Benjamin L.Harrison, nguyên chỉ huy Lữ đoàn 3 trong trận đánh ở căn cứ 935) để nói về thất bại và nguyên nhân thất bại của họ.
Như vậy Thủ trưởng Đới là người đầu tiên chỉ huy đánh Mỹ trên chiến trường Trị Thiên và cơ bản cũng là người chỉ huy cuối cùng khép lại cuộc chiến tranh của Mỹ trên chiến trường Trị Thiên. Ông là người chuẩn bị và là chỉ huy tối cao đã chiến thắng hai trận đánh kinh điển trong số năm trận đánh kinh điển của người Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Khi Thiếu tướng, Tiến sỹ khoa học Quân sự Mỹ Benjamin L.Harrison, nguyên chỉ huy Lữ đoàn 3 trong trận đánh ở Căn cứ 935 đến Việt Nam, lên phỏng vấn Tướng Chu Phương Đới ở Cao Bằng để viết cuốn Địa ngục trên đỉnh đồi (Tướng Chu Phương Đới không về Hà Nội gặp đoàn Mỹ). Ông cũng không nhận lời người Mỹ dự tiệc ở khách sạn, ông mời đối thủ, cựu thù dùng bữa tại nhà riêng với tư cách là chủ nhà tiếp khách. Họ đã bàn luận với nhau rất nhiều điều. Từ những nguyên nhân thất bại của người Pháp trong Chiến dịch Biên giới, Chiến dịch Điện Biên Phủ mà Tướng Đới tham gia, đến chuyện Chiến dịch A Bia, 935. Trong đó có một câu hỏi khá thú vị của nguyên chỉ huy Lữ đoàn 3 trong trận đánh 935: “Nếu chúng tôi không rút khỏi Ripcord thì ông sẽ tính như thế nào”. Tướng Đới trả lời: “Giống như Điện Biên Phủ”. Thật thú vị! Câu trả lời của Tướng Đới đúng như người Mỹ đã nhận định: “Trước khi căn cứ Ripcord (935) có thể trở thành một trận Điện Biên Phủ của người Mỹ, Sư đoàn Dù 101 đã làm cái điều mà Quân đội Mỹ chưa bao giờ làm ở miền Nam: Rút lui khỏi trận đánh lớn”.
Có lẽ đánh giá về Tướng Chu Phương Đới, tôi nghĩ để khách quan nên trích dẫn lời của người phía bên kia chiến tuyến, lời của đối thủ, lời của kẻ thù trong cuộc đối đầu một mất một còn với ông. Tướng Mỹ Benjamin L.Harrison đã viết trong tấm ảnh đề tặng Tướng Chu Phương Đới. Những dòng chữ của Benjamin đáng để mọi người suy ngẫm về phẩm chất của một con người: “Kính tặng ngài Thiếu tướng Chu Phương Đới, một chiến binh lỗi lạc trong trận đánh ở Căn cứ Ripcord (935) và A Bia với tấm lòng kính trọng và chiêm ngưỡng”.
Tôi đã nhiều lần lên Cao Bằng, một tỉnh nằm ở phía Đông Bắc Việt nam, nơi tiếp giáp Khu Tự trị người Choang thuộc tỉnh Quảng Tây Trung Quốc với đường biên dài trên 334,4km. Tôi còn nhớ những lần cùng một số anh em cựu chiến binh Sư đoàn 324 đến thăm Tướng Chu Phương Đới, người con ưu tú của dân tôc Tày, người anh hùng của rừng núi Trị Thiên, người bạn của các dân tộc Lào. Từ đó tôi rất có cảm tình với ông.
Năm 2006 khi Tướng Chu Đới nằm ở Bệnh viện Y học Dân tộc Quân đội tại Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội, tôi đã cùng đoàn cán bộ chiến sĩ cựu chiến binh Hà Nội thuộc sư 324 đến thăm hỏi bệnh tình ông. Lúc đó ông vẫn khỏe, còn kể lại cho chúng tôi nghe thời hoạt đông cách mạng, thời trai trẻ đánh Pháp ở chiến khu và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông cũng kể cho chúng tôi nghe thời kỳ học ở Học viện quân sự Nga, ông chọn một đề tài giả định gây sốc cho toàn học viện. Đó là cuộc chiến tranh xâm lược do Trung Quốc phát động mà ông là chỉ huy một quân đoàn phụ trách bảo vệ vùng biên cương hai tỉnh Cao bằng và Lạng Sơn. Lúc đó ông buồn rầu nói: “Thế mà sau đó có chiến tranh thật”.
Tôi rất tò mò về đề tài này. Tôi hỏi ông “Tại sao ông lại giả định về cuộc chiến tranh Trung - Việt”. Ông mỉm cười: “Mình cũng chỉ nhân đọc về cuộc chiến Trung – Ấn và cuộc chiến Trung – Xô mà nảy ra ý nghĩ đó thôi”. Trầm ngâm một lát ông nói tiếp: “Nhưng có lẽ từ trong ký ức lịch sử dân tộc, mình có cái cảm giác Tầu có thể đánh mình, mặc dù chưa rõ lắm”.
Tôi rất ấn tượng với phong cách điềm đạm, cởi mở, quần chúng của vị tướng này. Hôm đó ông vẫn còn vỗ tay theo anh em chúng tôi hát bài hát “Vang mãi khúc quân hành”: Đời mình là một khúc quân hành, đời mình là bài ca chiến đấu, ta ca vang, triền miên qua tháng ngày… Chúng tôi hát, hát say sưa để ngợi ca, tưởng nhớ những người lính và cũng để tôn vinh cuộc đời binh nghiệp của ông.
Năm 2007 tôi cùng anh em cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 3 ở Hà Nội lên Cao Bằng thăm ông. Lúc đến nhà ông, trời về chiều, chỉ còn vài tia nắng nhạt nhòa. Chúng tôi đều ngỡ ngàng, ngậm ngùi. Ba gian nhà ngói nhỏ bé ông ở cùng gia đình hòa lẫn với tất cả những ngôi nhà xung quanh bản người Tày. Trước ngôi nhà còn có một khoảng sân lát gạch nung cũ kỹ. Cách sân vài mét là hàng rào cây gốc tần, ô rô. Trong cái khoảng trống tạm gọi là khu vườn, các đồng đội của ông đã trồng một ít thanh long, một số loại cây ăn quả và hoa đặc trưng của các vùng miền khi về thăm ông.
Bước vào nhà, tôi thấy tất cả mọi thứ đều rất đơn sơ, giản dị. Từ nền gạch hoa bằng xi măng xa xưa cái thời bao cấp đến mọi đồ vật bày biện trong nhà đều không có dấu hiệu gì là nhà của một ông Tướng. Cái tủ ba ngăn kê sát vách giữa nhà đồng thời là giường thờ, bên trên có bát hương thờ ảnh Bác Hồ. Trước tủ là một bộ bàn ghế tràng kỷ như của bao gia đình nông thôn Việt Nam. Ông ngồi trên giường, người trông gầy sọp. Bên cạnh ông, Tướng Minh Long, người đồng đội gắn bó với ông nhiều năm ở chiến trường Trị Thiên, từ Thành Phố Hồ Chí Minh lên Cao Bằng chăm sóc ông như người em ruột. Tướng Minh Long phải quàng tay ôm đỡ lấy ông ngồi dậy.
Ông bắt tay từng người trong đoàn. Đến lượt tôi, tôi chúc ông nhanh chóng khỏe mạnh, để lần sau cùng anh em chúng tôi lên thăm hang Pác Pó, thác Bản Giốc. Ông dường như không muốn rời tay tôi. Đôi mắt ông nhìn tôi rất lạ, giống như ánh mắt níu kéo của cụ tôi, bà tôi nhìn người thân trước lúc đi xa. Linh cảm mách tôi chuyện chẳng lành. Đúng như vậy, khoảng nửa đêm hôm đó, chúng tôi nhận được tin ông mất.
Ngày hôm sau, Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, các đoàn đại diện cho Đảng và nhà nước Lào (tháng 6/1978 đến 2/1981 Tướng Đới là Tư lệnh phó và Tư lệnh Binh đoàn 678 sang Lào làm nhiệm vụ quốc tế, tiễu phỉ trừ gian, giúp Lào bảo vệ chính quyền và thành quả cách mạng) các địa phương, người thân, làng xóm, bạn bè, anh em đồng chí ở trong và ngoài nước khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đổ về đưa tiễn Tướng Chu Phương Đới tới nơi an nghỉ cuối cùng.
Tôi biết còn có nhiều người không có điều kiện về Cao Bằng vĩnh biệt người chỉ huy, vị tướng của các vị tướng, người đồng chí, đồng đội trong suốt hai cuộc kháng chiến. Họ sẽ đưa tiễn ông theo cách riêng của mình. Tôi biết ông không phải là vị tướng có cấp bậc cao, không phải là vị tướng thật xuất sắc, nhưng biết bao tướng tá thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay, Sư đoàn Thủy quân lục chiến, Sư đoàn dù Mỹ sau này khi gặp ông và nói về ông với niềm kính trọng, kinh ngạc trước ý chí, tài thao lược của ông. Sự ra đi của ông khiến nhiều người trong chúng tôi không cầm được nước mắt. Cả một đời binh nghiệp, qua hai cuộc kháng chiến, trải qua hàng trăm trận đánh với đội quân viễn chinh Pháp và đội quân nhà nghề khét tiếng của đế quốc Mỹ, công lao với quân đội với dân tộc là không nhỏ, nhưng ông về hưu sống thuần với đồng lương hưu, sống một cuộc sống thanh bạch, tĩnh lặng ở một làng dân tộc hẻo lánh. Tôi kính trọng ông vì ông vẫn ấp ủ một mơ ước cho tới trước lúc qua đời, đó là có đủ tư liệu để viết một cuốn sách về người Âu Việt mà có thể hậu duệ sau này là người Tày. Ước mơ đẹp đẽ đó cũng đã theo ông về bên kia thế giới.
Tôi biết đơn vị chính sách quân đội đã xây dựng cho Tướng Chu Phương Đới một căn nhà dưỡng già. Thế nhưng ông lại đem tặng ngôi nhà đó để làm trường mầm non cho các cháu tại quê hương. Tôi cứ tự hỏi mình tại sao có nhiều người lính già lại rơi lệ, thậm chí nức nở trong đám tang ông. Nước mắt những người lính này đã khô cạn trong mấy chục năm chinh chiến rồi. Họ đâu có dư nước mắt!
Hôm nay, xin báo cáo với Thủ trưởng và các liệt sỹ Trung đoàn 3, A Bia đã được Nhà nước công nhận là di tích cấp quốc gia. Tôi nghĩ sớm muộn 935 Ripcord cũng sẽ được công nhận là di tích cấp quốc gia. Mong rằng 22/12 năm nay, Thủ trưởng và các liệt sỹ đã hy sinh trong trận A Bia chắc sẽ rất vui, cũng như tất cả các cựu chiến binh Sư đoàn 324 rất vui trong ngày lễ trọng đại này của dân tộc.
Nguyen Bich Thuy, Mai Mai và 102 người khác
68 bình luận
15 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.