Biển khép lại một mùa hè

Leave a Comment

 Biển khép lại một mùa hè

Mùa hè năm nay nóng chưa từng thấy. Nóng oi ả nhiều ngày lên đến hơn 40 độ. Nhưng mùa hè năm nay lại đem lại cho tôi nhiều niềm vui. Chỉ trong ba tháng tôi được mời đi nghỉ dưỡng đến 5 lần (2 chuyến đi theo tiêu chuẩn của Bộ Lao động, Thương binh Xã hội và cơ quan nơi công tác; 3 chuyến đi đóng góp của Câu lạc bộ quản lý giáo dục Thanh Trì, Ban liên lạc Hội cựu chiến binh, gia đình và bạn bè). Chưa bao giờ tôi có thời gian đi như vậy. Cả 5 lần nghỉ dưỡng đều ở biển. Cho đến tận ngày hôm nay tôi mới tự hỏi mình vì sao người ta thường chọn đi nghỉ ở biển? Biển có vai trò gì trong cuộc sống?
Với tôi, biển là nơi gợi cho người ta vẻ đẹp kỳ vĩ nhất. Ngắm nhìn biển rộng lớn, mênh mông dường như vô tận gợi cho người ta nhiều cảm nghĩ về quá khứ, hiện tại. Biển là nơi tiếp giáp giữa trời và đất, có màu xanh da trời xanh ngắt, có màu xanh nước biển trong vắt, có những bãi cát trắng, bãi cát vàng mịn và có những rạn san hô rực rỡ…
Tôi thích nhất vẻ đẹp đặc trưng màu xanh nước biển trong vắt. Từ bắc vào nam hình như màu xanh nước biển cứ sẫm dần. Màu xanh được tạo nên bởi ánh sáng mặt trời khi phản chiếu trên mặt nước biển. Ánh sáng mặt trời tán xạ bởi các phân tử nước, khiến nước biển có màu xanh lam. Màu xanh đặc trưng này có thể thay đổi tùy thuộc vào thời gian trong ngày, tùy thuộc vào thời tiết. Thật kỳ diệu!
Bên cạnh màu xanh trong vắt, biển còn có những bãi cát trắng, bãi cát vàng mịn màng. Bãi cát được tạo nên bởi tự nhiên, bởi sự bào mòn của sóng biển và gió. Có người thích bãi cát trắng vì nó gợi vẻ đẹp tinh khiết. Có người thích bãi cát vàng bởi nó gợi vẻ đẹp sang trọng, hấp dẫn. Biển và bãi biển quả là nơi lý tưởng để du khách tắm biển, thư giãn và vui chơi.
Trong những chuyến đi nghỉ, lần đầu tiên trong đời tôi lặn biển. Lúc đầu cảm thấy rờn rợn. Hướng dẫn viên phải động viên, đi kèm, tôi mới vượt qua được bản năng sợ sệt cố hữu để được ngắm những rặng san hô có nhiều màu sắc kỳ ảo. Tôi mải mê thưởng thức bao dáng vẻ, hình dạng mà tạo hóa đã ban tặng. Thỉnh thoảng được bắt gặp một đàn cá nhiều sắc màu như một bức tranh tuyệt mỹ dưới lòng biển. Rất thú vị!
Biển không chỉ đẹp mà nó mang lại rất nhiều lợi ích. Biển cung cấp nguồn thực phẩm phong phú như cá, tôm, cua, mực... Biển chứa một nguồn tài nguyên năng lượng gần như vô tận, cung cấp dầu mỏ, khí đốt, điện gió và nhiều khoáng sản quý giá. Biển tạo ra những tuyến đường giao thông quan trọng. Cảng biển còn tạo ra những trung tâm thương mại, giúp kết nối với các quốc gia khác trên thế giới.
Biển còn cung cấp môi trường sống cho rất nhiều loài sinh vật, cung cấp một chu trình sinh thái của trái đất. Biển giúp kiểm soát khí hậu và hấp thụ CO2 từ khí quyển. Biển và đảo còn đóng vai trò quan trọng trong an ninh và quốc phòng, cung cấp đường biên giới tự nhiên và là khu vực trọng yếu cho các hoạt động quân sự của đất nước.
Ngoài ra biển còn đóng vai trò nhất định trong nền công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng; cung cấp các hoạt động giải trí như lặn biển, câu cá, lướt sóng và du thuyền. Nó cũng là điểm đến du lịch hấp dẫn với các bãi biển đẹp và các khu nghỉ dưỡng ven biển…
Tóm lại, biển đóng vai trò quan trọng đối với con người từ nhiều khía cạnh khác nhau, đóng góp cho sự phát triển và sự sống của con người. Trong lịch sử quan hệ quốc tế, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các nước vươn lên trở thành cường quốc khu vực và siêu cường toàn cầu đều nhờ vào biển. Các cường quốc thường có vị trí địa lý giáp biển. Điều này giúp họ dễ dàng tiếp cận với các nguồn tài nguyên và các tuyến đường giao thông. Ví dụ Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đức, Ý, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đều là những cường quốc có vị trí giáp biển. Các cường quốc trên đã và đang đầu tư rất nhiều nguồn lực để phát triển hải quân và các lực lượng bảo vệ bờ biển, biến biển trở thành một không gian chiến lược quan trọng. Họ đã và đang sử dụng đại dương để duy trì và mở rộng quyền lực chính trị, quân sự; kiểm soát lưu thông hàng hải, và tăng cường bảo vệ lợi ích, thậm chí họ còn xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của các nước xung quanh vì mục tiêu chiến lược lâu dài.
Tôi không nhớ chính xác mình đã đi biển bao nhiêu lần, khoảng hơn hai chục lần. Nhưng chưa lần nào tôi được trải nghiệm đón bình minh và ngắm hoàng hôn trên biển. Trong những chuyến đi này, lần đầu tôi đã chủ động cùng mọi người đi để biết. Có lẽ con người ta càng nhiều tuổi thì càng có xu hướng trở về với thiên nhiên…
Khoảng 4h30 sáng, nhiều vị khách còn đang say giấc nồng, tôi rủ anh bạn cùng phòng đi bộ ra biển Hải Tiến. Những tia sáng mới ban đầu ló lên cuối trời xua tan màn đêm. Bình minh bắt đầu hé rạng, mặt biển bừng lên ánh nắng vàng tươi lấp lánh ánh bạc. Không gian dường như khoác một bộ áo mới, tinh khôi. Những con sóng vừa và nhỏ bắt đầu lăn tăn vỗ nhẹ vào bờ cát, tạo nên một âm thanh êm dịu đầy sức sống. Cùng với ánh nắng lan tỏa trên bề mặt biển, làn sương mỏng manh vội vàng tan biến vào hư không. Khi mặt trời nhô lên khỏi đường chân trời, những đám mây chuyển sang màu cam, đỏ rực rỡ. Ta cảm thấy vừa mát mẻ vừa ấm áp.
Vào lúc ánh nắng bắt đầu lan toả khắp mặt biển bao la, chiếu sáng lên bờ. Những vệt sáng rực rỡ phản chiếu trên cát, tạo nên một bức tranh màu nhạt, tươi mới. Phía xa, những đám mây trên bầu trời bắt đầu tản ra. Lác đác những đoàn thuyền của ngư dân căng buồm trở về sau một đêm xa khơi bám biển. Đất trời mở ra một không gian mênh mông đến vô tận, vĩnh hằng!
Điều đặc biệt khi ngắm bình minh trên biển là sự yên tĩnh. Chỉ có tiếng sóng vỗ như tiếng thở của gió biển. Bầu không khí tươi mát, trong lành và mặn mòi của biển đem đến cảm giác nhẹ nhàng, thư thái và hy vọng. Tận hưởng bình minh tại biển là một trải nghiệm tuyệt vời. Đúng là một khoảnh khắc đẹp đến ngỡ ngàng, một trải nghiệm không thể quên. Vậy mà đến bây giờ tôi mới biết đến…
Khi chiều tà về trên bãi biển Mỹ Khê, tôi lặng ngắm ráng chiều đỏ rực một góc trời. Hoàng hôn trên biển buông rơi những tia nắng le lói cuối ngày. Mặt trời bắt đầu lặn xuống đằng sau đường chân trời, khoảng không dần chuyển sang màu cam, tạo nên một khung cảnh kỳ ảo. Những đám mây màu cam bỗng chốc vàng nhạt hoang hoải. Mặt biển phản chiếu lung linh như đi vào cảnh tượng thần tiên.
Biển trở nên yên ắng hơn bởi phần lớn người tắm biển đã trở về nhà nghỉ. Chỉ còn lại vài cặp tình nhân nán lại ôm hôn nhau. Chỉ còn lại một vài du khách lững thững tản bộ trên bờ cát mờ nhạt. Chỉ còn lại những con sóng ầm ì như tiếng thở cuối ngày. Màn đêm dần buông. Bầu trời tối dần. Sương bắt đầu rơi trên dãy đèn bừng sáng dọc bờ biển. Không gian đem đến cho ta cái cảm giác như đắm mình trong một thế giới khác. Một bầu không khí lãng mạn, mê hoặc pha chút huyền bí của biển đêm mở ra…
Khép lại mùa hè nóng bỏng năm nay, khép lại những chuyến đi nghỉ ở biển mùa hè này tôi đã thu hoạch được nhiều điều. Một trong những trải nghiệm thú vị nhất, cũng là lần đầu tôi cùng một chiến hữu điên rồ như tôi, hai người đi tắm biển vào thời điểm trăng lên. Chính vì sự điên rồ này mà tôi được ngắm nhìn cảnh tượng đầy kỳ bí và lãng mạn. Cảm giác được đắm mình trong dải trăng sáng, cảm nhận sự yên tĩnh của đêm biển là một trải nghiệm khó quên. Trong ánh trăng sáng, mặt biển dường như sinh động hơn. Những loài sinh vật biển như cá, tôm, cua, sứa cũng trở nên sống động hơn. Chúng tôi thấy chúng như đang nhảy múa dưới ánh trăng. Xa xa, ánh sáng mờ ảo của dải ngân hà trên trời lấp lánh trên mặt biển. Tận hưởng trăng trên biển, tắm biển đêm khiến người ta thấy yên tĩnh và thư giãn đến kỳ lạ.
Phá tan cái không khí tĩnh mịch, anh bạn bỗng hỏi tôi: Ông có nói về các cường quốc hiện đại trên thế giới thường bắt đầu vươn lên từ biển, một yếu tố địa chính trị để trở thành cường quốc. Việt Nam mình cũng là một quốc gia biển, với rất nhiều cảng biển có giá trị, cửa ngõ để đi vào châu Á. Theo ông thì đến bao giờ đất nước mình mới trở thành cường quốc? Tôi rất bất ngờ về câu hỏi này. Suy nghĩ hồi lâu về định hướng chiến lược của Đảng rồi thận trọng dự đoán: Theo tôi, có thể từ sau những năm 50 của thế kỷ này, Việt Nam có khả năng trở thành cường quốc trong khu vực Đông Nam Á.
Thì ra nghỉ dưỡng ở biển không bao giờ là chuyện cũ với bạn bè và người thân.
Read More

Lão tướng Võ Chót

Leave a Comment

 Lão tướng Võ Văn Chót

Chục năm trở lại đây, mỗi lần Hội cựu chiến binh Sư đoàn 324 gặp mặt kỷ niệm ngày thành lập sư đoàn, tôi chưa thấy lần nào Thiếu tướng Võ Chót vắng mặt (trừ hai năm Covid không tổ chức). Khi vào chương trình nghị sự giới thiệu đại biểu và phát biểu tôi nhận thấy các tướng lĩnh, kể cả Thượng tướng, Trung tướng, Thiếu tướng thường dùng cụm từ “ Kính thưa lão tướng Võ Chót”. Có hai lý do nhiều người gọi như vậy. Thứ nhất ông là người cao tuổi nhất trong số các tướng lĩnh xuất thân từ sư đoàn. Thứ hai ông là người có thời gian gắn bó lâu dài nhất với Sư đoàn 324, từ trước ngày thành lập, từ vị trí nuôi quân đến sư đoàn trưởng.
Tôi được biết qua nhiều nguồn, Thiếu tướng Võ Văn Chót sinh ra và lớn lên ở làng Hồ Mạ, xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Năm 1946 khi quân Pháp tiến hành càn quét ở quê hương, kẻ địch bắt và xử bắn anh trai ông ngay tại làng. Mới 14 tuổi Võ Văn Chót đã tham gia cách mạng. Anh làm liên lạc cho Đại đội 252 ở thành phố Nha Trang. Năm 17 tuổi anh chính thức tham gia quân đội.
Cuối tháng 7/1955, Võ Văn Chót cùng đoàn quân miền Nam tập kết ra Bắc trong đội hình Sư đoàn 324. Được tổ chức phân công trọ tại một gia đình ở xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Với dáng người cao ráo, cách sống giản dị, khéo dân vận, hay lam hay làm, chàng thanh niên Võ Chót được cả gia đình, đặc biệt là cô bé Phan Thị Nguyên mới học lớp 7 rất quý mến.
Ban đầu Võ Văn Chót là chiến sĩ nuôi quân. Hàng ngày anh đạp xe đi các chợ mua thực phẩm về cho đơn vị. Vào một buổi sáng mùa đông, Võ Chót đang chia cơm cho bộ đội thì có cô bé Nguyên 13 tuổi cõng em trai đi qua. Anh lấy một tảng cháy, kẹp một miếng thịt lợn đưa cho cô và nói: Em cầm lấy, ăn mau lớn. Sau này lấy anh làm vợ. Không ngờ câu nói đùa vu vơ đó lại được cô bé Nguyên để bụng…
Năm 1962, Võ Văn Chót tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân. Chàng Thiếu úy Võ Chót trở về thăm gia đình mình từng ở trọ. Lúc đó, cô Phan Thị Nguyên đã là sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định xinh đẹp, thông minh, lém lỉnh khiến trái tim chàng sĩ quan trẻ xao động. Hai người “tình trong” như đã thầm trao gửi lời ước hẹn. Và rồi tình yêu ngày một thắm thiết. Cuối tháng 12/1965, anh chị chính thức tổ chức đám cưới. Một ngày sau hôn lễ, anh Võ Chót trở về Trường Quân sự Quân khu 4, hoàn thành công việc để chuẩn bị hành quân vào Nam chiến đấu.
Năm 1966 là năm bắt đầu những thử thách ác liệt trên chiến trường, nơi đối đầu một mất một còn giữa “2 phe”. Võ Chót được giao nhiệm vụ chỉ huy những đơn vị cấp phân đội, trung đội, đại đội thực hiện nhiều nhiệm vụ bí mật ở miền tây Quảng trị. Anh có khả năng nhanh chóng nắm bắt địa hình vùng rừng núi, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vì vậy chỉ sau gần hai năm ở chiến trường, đến cuối tháng 10/1967 anh đã được cấp trên điều làm Tham mưu phó Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1.
Mới chân ướt chân ráo về tiểu đoàn, anh Võ Chót đã xung phong chỉ huy một Phân đội Trinh sát, bí mật cắt và luồn qua hàng chục lớp rào kẽm gai, gỡ hàng trăm quả mìn vào trong cứ điểm Cồn Tiên. Anh cùng Phân đội Trinh sát thực hiện nhiệm vụ đột kích vào hang ổ bắt tù binh Mỹ để khai thác tài liệu phục vụ cho chiến dịch. Vào lúc chiều tối hôm đó, kẻ địch phát hiện được những dấu hiệu khác thường. Chúng co cụm lực lượng trong các căn cứ nửa chìm nửa nổi, dùng pháo binh bắn phá dữ dội. Anh Chót nhanh chóng chỉ huy bộ đội linh hoạt rút ra ngoài theo phương án “bị lộ”. Tuy không bắt được tù binh, nhưng cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 1 đánh giá cao năng lực của một cán bộ chỉ huy gan dạ, xông xáo, biết trước biết sau.
Sau hơn một năm thực chiến tại Mặt trận Đường 9- Bắc Quảng trị, anh Chót đã thể hiện được tố chất của một cán bộ chỉ huy. Anh được cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 2 tin yêu. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân năm 1968, Trung đoàn 1 làm nhiệm vụ thọc sâu từ Vĩnh Linh, dọc theo vùng đồng bằng ven biển đến bờ bắc sông Hương để thu hút địch, chia lửa với các đơn vị bạn đánh vào nội thành Huế và chặn đường tiếp tế bằng đường sông của chúng cho mặt trận Huế. Đó là một nhiệm vụ táo bạo, vừa tiến quân vừa đánh địch. Có nhiều trận đánh rất ác liệt.
Sau Tết Mậu Thân, trên cương vị chỉ huy Tiểu đoàn 1, anh Võ chót đã chỉ huy hàng chục trận đánh quyết liệt ở vùng đồng bằng Thừa Thiên. Hơn hai tháng tiểu đoàn của anh cùng trung đoàn ban ngày thì chống càn quét, ban đêm thì hành quân di chuyển địa điểm và tập kích kẻ địch ở các địa điểm thuộc các huyện huyện Phong Điền, Quảng Điền. Đói ăn, đói ngủ, lực lượng thương vong hao hụt dần, nhưng tiểu đoàn của anh vẫn hoàn thành nhiệm vụ, làm thất bại âm mưu “Tìm diệt”, “Bủa lưới phóng lao” của Mỹ ngụy.
Có lẽ trận đánh gay go quyết liệt nhất là trận anh chỉ huy Tiểu đoàn 1 và một số đơn vị Tiểu đoàn 3 phản công giải vây cho Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 90. Kẻ địch có tới 7 tiểu đoàn đã bao vây chặt Tiểu đoàn 8. Ngày đêm chúng dội bão lửa bom đạn vào vị trí của tiểu đoàn. Thương xót anh em vô cùng. Anh chọn một đơn vị cảm tử, tranh thủ màn đêm đột phá đánh chiếm được một đoạn bờ bắc sông Bồ, nhưng không thể bắt liên lạc được với cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 8 trong vòng vây. Anh dẫn đơn vị rút ra trước khi trời sáng. Cả ngày hôm sau không thể chợp mắt, anh suy nghĩ các phương án để đến đêm lại cùng đơn vị vượt sông. Với sự yểm trợ của trung đoàn, lực lượng bộ địa phương và du kích, đêm hôm sau đơn vị anh đã giúp Tiểu đoàn 8 mở đường máu rút ra ngoài, đón được 56 cán bộ chiến sĩ còn lại của tiểu đoàn 8 (hơn 400 cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 8 đã hy sinh ở Phước Yên, Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế)...
Cuối năm 1968 anh Võ Chót được cấp trên bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 1. Tháng 7/1970 anh cùng Trung đoàn 1 vây lấn đánh bại lữ đoàn dù số 3. Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, một lữ đoàn Mỹ phải tháo chạy khỏi điểm cao 935 để khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn. Tháng 3/1971, anh vừa là Tham mưu trưởng Trung đoàn 1 vửa trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 2 đánh vào hướng nam cứ điểm 550. Được xe tăng yểm trợ, anh chỉ huy Tiểu đoàn 2 đánh chiếm được mục tiêu theo kế hoạch. Không dừng lại, anh quyết định cho tiểu đoàn phát triển, tấn công lên phía bắc để ngày 23/3/1971 cùng với trung đoàn1 và Trung đoàn 3 hoàn toàn làm chủ trận địa, xóa sổ Lữ đoàn dù 147 ngụy.
Ngày 24/5/1972 anh Võ Chót được cấp trên bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 trực tiếp tham gia Chiến dịch Động Tranh- Đường 12. Anh là một trong những người hùng ở Động Tranh và Đường 12. Từ đó tên tuổi của anh không chỉ gắn liền với một trung đoàn cụ thể nào mà gắn liền với cả Sư đoàn 324. Tháng 8/1973 anh được đề bạt là Tham mưu trưởng Sư đoàn 324…
Kể về cuộc đời chiến trận của Thiếu tướng Võ Chót thì phải dành cả một cuốn sách. Rất tiếc ông không viết hồi ký, mặc dù nhiều anh em đồng đội đã động viên. Anh em nói nhiều, có lần ông trả lời: “Đến viết thư cho vợ tôi cũng còn ngại. Bởi có viết thì điều kiện chiến tranh cũng ít có khả năng nhận được. Thương nhớ tôi để ở trong lòng. Chiến trận cũng như vậy, biết viết thế nào”.
Tôi may mắn bốn lần ở cùng khách sạn với ông khi Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân huyện A Lưới mời dự hội thảo, mời dự chuẩn bị và dự kỷ niệm 50 năm chiến thắng A Bia và đón nhận di tích lịch sử cấp quốc gia A Bia. Nhiều tối anh em chúng tôi ngồi uống nước ôn lại những kỷ niệm xưa, chuyện trò về đồng đội, chuyện trò về chiến trường đến khuya mới về phòng ngủ. Có lần tôi hỏi ông: “Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, trận đánh nào, chiến dịch nào để lại cho Thủ trưởng nhiều ấn tượng nhất”. Ông trả lời ngay “Tết Mậu Thân 1968 ở Thừa Thiên- Huế”.
Theo ông có hai lý do. Thứ nhất đó là chiến dịch gay go quyết liệt nhất, kéo dài nhất, tổn thất hy sinh nhiều nhất trong cuộc đời cầm quân của ông. Cho đến bây giờ hình ảnh các cán bộ chiến sĩ năm xưa vẫn thỉnh thoảng lại hiện về trong giấc ngủ. Đặc biệt là trận đánh giải vây ở Phước Yên, Quảng Thọ. Ông vẫn ân hận, “giá như ngày đó mình chỉ huy tốt hơn, giá như có thể chọc thủng vòng vây sớm một hai hôm thì có thể không chỉ đón được 56 cán bộ chiến sĩ. Giá như…” Lý do thứ hai, sau Tết kẻ địch liên tục càn quét, phong tỏa mọi đường tiếp tế lương thực, thực phẩm, cán bộ chiến hy sinh hàng ngày hàng giờ. Đã thế còn phải ăn cháo rau, rau rừng, ăn măng, sắn ròng rã bao ngày. Có thể nói trong năm 1969 chúng ta thiếu thốn đến tột cùng. Nhưng thiếu thốn khủng khiếp nhất là muối, rất nhiều chiến sĩ của ta đã bị phù thũng do thiếu muối. Ông bồi hồi nhớ lại: “Một hôm tôi lên Sở chỉ huy Quân khu họp tác chiến. Tan họp, anh Lê Khả Phiêu gọi tôi vào lán, mở hòm đưa cho tôi một nửa lon sữa bò muối. Nhìn thấy nửa lon muối, tôi như bắt được vàng. Anh Phiêu căn dặn: Chú nhớ mang về chia cho bộ đội, mỗi người một vài hạt, bỏ vào lòng bàn tay liếm cho đỡ thèm”.
Anh Phiêu còn mách, ông tâm sự với tôi, ở rừng chỗ chúng tôi đóng quân có nhiều bứa. Cho bộ đội đi hái quả bứa còn xanh về thái mỏng phơi khô dùng thay muối. Chất chua trong quả bứa có thể thay thế vị mặn của muối. Bộ bộ đội ăn được cơm sẽ khỏe hơn. “Tôi về cho bộ đội dùng bứa xanh nấu canh, đúng là có hiệu quả, những cơn khát muối không còn hành hạ nữa”. Cho đến bây giờ, Thiếu tướng Võ Chót vẫn chưa quên được nửa lon sữa bò muối. Đó là kỷ niệm ông ít khi chia sẻ với người khác.
Nói về sự gian khổ, ác liệt và sự hy sinh của bộ đội trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Thừa Thiên- Huế nói riêng và ở mặt trận Trị Thiên nói chung, theo Thiếu tướng Võ Chót thì không thể kể hết được. Ông luôn nhắc nhở các đơn vị quy tập liệt sĩ của Quân khu 4 phải tích cực, trách nhiệm nhiều hơn nữa trong việc tìm kiếm các liệt sĩ ở rừng về. Ông cũng nhắc nhở anh em cựu chiến binh chúng tôi, có điều kiện thì hãy về chiến trường xưa tìm anh em đồng đội. Đêm hôm đó ông còn hỏi tôi: “Chú từng học lịch sử. Chú có cho rằng chúng ta nên xây dựng một tượng đài về 25 ngày đêm ở Huế”. Tôi quá bất ngờ về câu hỏi này. Ông còn đưa cho tôi xem bản vẽ tượng đài A Bia và mô hình tượng đài chiến thắng A Bia. Ông nói với tôi: “Tôi đã gửi cho quân khu 4 hai phương án mấy năm trước. Ngày mai tôi cũng sẽ gửi cho Ủy ban Nhân dân huyện A Lưới hai phương án. Sắp tới họ làm được như ý anh em chúng ta thì tốt. Chưa làm được thì để sau. Tôi còn sống ngày nào thì còn có trách nhiệm với người đã mất”.
Thì ra bao năm nay Thiếu tướng Võ Chót vẫn đau đáu với anh em đồng đội, đồng chí đã nằm xuống mảnh đất này. Mong muốn anh em được trở về nghĩa trang hay về với quê hương. Là người trong cuộc, ông biết công việc này là cực kỳ khó khăn, nhưng với ông khó khăn đến mấy cũng phải làm. Hơn nữa, ông vẫn theo đuổi việc xây dựng tượng đài, trong đó có tượng đài về A Bia để tôn vinh những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. Đến hôm nay tôi mới hiểu thêm về con người ông, và hiểu rõ hơn vì sao các tướng lĩnh lại gọi ông là “lão tướng”.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.