Thăm Trường Đại học Giáo dục, Trường Đại học Báo chí thuộc Đại học Missori

Leave a Comment
 Hôm nay Thúy đưa tôi đi thăm College of Education, ngôi trường mà hai chi em Thúy, Vân đã và đang học tập. College of Education là một trong gần chục college của MU: Đại học Nghệ thuật và Khoa học (College of Arts & Science), Đại học Kinh doanh (College of Business), Đại học Kĩ thuật (College of Engineering), Đại học Khoa học Môi trường Nhân văn (College of Human Environmental Sciences), Đại học Thú y (College of Veterinery Medicine)…
 College of Education thành lập năm 1868 theo quyết định của chính quyền bang với phương châm đào tạo giáo viên là chức năng quan trọng nhất của bất kì trường trường đại học nào trong bang. Đến nay  nhà trường vừa kỉ niệm 145 năm ngày sinh của mình. Nhà trường vẫn tiếp tục thực hiên theo phương châm đề ra từ buổi đầu và cụ thể hóa thêm những giá trị cốt lõi của mình: Đảm bảo chất lượng đào tạo hàng đầu, phát huy tính sáng tạo và đổi mới, lấy sinh viên làm trung tâm, phát triển sự đa dạng văn hóa, phấn đấu vì mục tiêu và nhu cầu của xã hội. Nhà trường đã đào tạo được trên 47.000 cán bộ, giáo viên có trình độ đại học, hàng nghìn cán bộ giáo viên có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Nhà trường không chỉ đào tạo đội ngũ cán bộ giáo viên cho bang, liên bang mà còn đào tạo cán bộ giáo viên đẳng cấp quốc tế cho nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Năm 2012 trường được US. New & World Report của Mỹ xếp thứ 58 trong tổng số tất cả các trường đại học trong toàn liên bang. Riêng Khoa Tâm lí, Tư vấn, Trường học được xếp thứ 2. Khoa Lãnh đạo và Hoạch định chính sách xếp thư 17.
 College of education chia thành 5 ban: Ban Lãnh đạo và Hoạch định chính sách, Ban Tâm lí Giáo dục, Ban Dạy - Học và Chương trình, Ban Giáo dục Đặc biệt, Ban Kĩ thuật và Thông tin. Các ban lại được chia ra những khoa khác nhau. Chẳng hạn như Ban Dạy - Học và Chương trình chia ra các khoa: Ngôn ngữ và Văn hóa, Toán học, Khoa học, Nghiên cứu xã hội. Ban Tâm lí chia ra các khoa: Tâm lí Giáo dục, Tâm lí Trường học, Tâm lí Tư vấn. Trong các khoa lại chia ra các lớp khác nhau. Ví dụ như Khoa ngôn ngữ và Văn hóa chia ra các lóp: Lớp Giáo dục Nghệ thuật, Lớp giáo dục Âm nhạc, Lớp Kinh doanh và Maketing, Lớp Mầm non…
 Khu College of Education còn gọi là khu Townsend bao gồm ba khối nhà 3 tầng liền kề nhau. Ở trung tâm giáp với đại lộ là tòa nhà Townsend Hall. Tiếp bên cạnh là Tòa nhà  High School và Tòa nhà Elementary School nằm sâu ở phía trong. Thúy dẫn tôi đi thăm phòng giám hiệu, văn phòng, các phòng học. Điều tôi quan tâm nhất là phòng học. Phòng nào cũng thoáng rộng. Phòng nào cũng đầy đủ thiết bị như máy chiếu, máy tính, bảng thông minh. Bàn học thường là bàn tròn, có các ổ cắm máy tính cá nhân cho sinh viên. Nhiều phòng sinh viên đang học, đang thảo luận. Nhưng tất cả đều đóng kín cửa, không một tiếng động phát ra ngoài.
Sự im lặng đến kì lạ khiến tôi bỗng nhớ đến tứ thơ trong bài thơ Âm thanh im lặng của Vũ Quần Phương. Tôi đọc bài thơ này từ thời bom đạn chiến tranh. Cái khoảng thời gian im lặng một thời của người lính là những hoài niệm, sự chuẩn bị, sự chờ đợi, sự căng thẳng, sự dồn nén đến tột độ để rồi bùng phát cho cái âm thanh dữ dội của cái sống chết, cái thắng thua. Còn cái im lặng tôi thấy ở đây chỉ gợi cho tôi những hoài niệm đẹp đẽ gắn liền với những mơ ước tuổi trẻ; cái thời là một giáo sinh với những tháng ngày chập chững đi thực tập làm thầy giáo rồi bước vào nghề dạy học; những lớp hoc sinh xa gần lại hiện về trong tôi.
 Nghề dạy học được cho là nghề cao quý vì đã đem kiến thức, đem văn hóa của nhân loại truyền cho thế hệ trẻ với tất cả trái tim và tâm hồn con người. Sản phẩm của người thầy là con người vì vậy người thầy phải thật sự yêu người, yêu nghề. Không bao lâu nữa, những giáo sinh đang ở trong những căn phòng tôi đi qua sẽ ra trường. Họ sẽ bước vào đời như tôi đã trải qua với bao niềm say mê sáng tạo, với cả những ngọt ngào lẫn vấp váp đắng cay. Song dòng đời vốn là như vậy. Mong rằng trong số họ không ai phải trải qua cái khoảng thời gian im lặng của bất kì cuộc chiến nào, ở bất kì nơi đâu trong cái thế giới đầy bất ổn này.
 Thúy đưa tôi lên phòng làm việc của mình cách đây bốn năm khi còn là sinh viên cao học. Khi chúng tôi gõ cửa bước vào phòng, tất cả mọi người reo lên, đứng dậy đón Thúy như đón người thân đi xa lâu ngày trở về. Có bốn người trong phòng, người nào người nấy đều ở độ tuổi bốn mươi. Họ xúm quanh Thúy hỏi thăm tình hình sức khỏe, gia đình, con cái, học hành. Một cô dắt Lâm đi chơi loanh quanh. Sau khi ra về tôi mới biết cô này vào làm thay Thúy. Tôi rất tiếc vì đã chuẩn bị mấy hộp bánh đậu xanh cho buổi gặp mặt ở khoa, nhân tiện có đôi lời cảm ơn, vậy mà lại bỏ quên mất ở phòng. Đây là văn phòng đào tạo khoa sau đại học của College of Education. Thúy làm việc part time trong căn phòng này ba năm nên được miễn toàn bộ học phí và các khoản đóng góp theo quy định. Mỗi tháng lại được nhận thêm 1200 đô sinh hoạt phí. Cũng nhờ làm việc tại đây, tích lũy được chút kinh nghiệm, nên sau khi xây dưng gia đình, theo chồng về bang Arkansas, Thúy xin được làm trợ giảng và tiếp tục theo học tiến sĩ tại Trường Đại học Arkansas.
 Khoảng gần một tiếng trò chuyện, chúng tôi chia tay mọi người và lưu luyến bước ra khỏi căn phòng. Tôi cầm theo một số tài liệu giới thiệu về trường, về khoa. Chúng tôi đi xuống tầng dưới, Thúy chỉ cho tôi phòng làm việc của Vân trong thời gian sắp tới. Đó là phòng 602, văn phòng Khoa Lãnh đạo và Hoạch định Chính sách Giáo dục phổ thông. Tôi rất mừng cho Vân vì đã được xét học bổng học tiếp tiến sĩ. Mỗi tháng làm việc part time tại văn phòng khoa Vân được cấp 1500 đô sinh hoạt phí, cộng với trợ cấp của Giang 1700 đô một tháng, nếu phải gửi con đi nhà trẻ 1000 đô một tháng, chắc trong những năm tới, hai đứa không phải lo lắng gì về chuyện tiền nong.
 Tiếp theo Thúy dẫn tôi đi thăm thư viện của College of Education. Thư viên này bao gồm hai phòng, vừa là phòng đọc vừa là phòng để sách báo băng đĩa chuyên về giáo dục. Mỗi phòng áng chừng khoảng mười giá sách cao ngang đầu người. Xung quanh phòng có khoảng trống để bàn đọc sách. Phía trái áp tường của mỗi tầng đặt rải rác hàng chục máy tính nối mạng phục vụ cán bộ giáo viên, sinh viên ngồi đọc và tham khảo tài liệu. Tôi xem lướt qua các đầu sách. Có cả một số sách in lại liên quan đến giáo dục từ thời Hy – La cổ đại và từ thời khai sáng; một số sách nguyên bản có từ thế 18, 19 và đầu thế kỷ 20. Theo sự hướng dẫn của người phụ trách thư viện, tôi ngồi vào bàn máy tính thử tra cứu và xem những tiết dạy giới thiệu phương pháp dạy học và giáo dục các cấp học ở Mỹ, ở các nước Bắc Âu, Đức, Pháp, Nhật…
 Liên hệ với trường Đại học Sư phạm, Đại học Giáo dục, những cỗ máy cái đào tạo giáo viên ở Việt Nam, trường thì có lịch sử lâu đời nhất mới 60 năm, lại trong điều kiện gần 30 năm chiến tranh; trường thì mới thành lập được khoảng 5 năm, tôi hiểu chúng ta thực sự mới đang trong giai đoạn tập vận hành và chập chững những bước đi ban đầu nên thư viện còn quá nghèo nàn lạc hậu để so sánh với họ.
Chúng tôi mất khá nhiều thời gian chụp ảnh lưu niệm ở College of Education trước khi đến Trường Đại học Báo chí Missouri (Missouri School of Journalnism). Sở dĩ tôi chọn trường này để đến thăm là vì cháu tôi mới tốt nghiệp thạc sĩ khoa báo chí, hiện đang công tác tại đài truyền hình Việt Nam. Cháu  có ý định theo học tiếp tại trường này. Tôi muốn biết một vài thực tế về trường để khi về, động viên cháu sang học trong một vài năm tới. Missouri School of Journalism là một trong nhiều school của Trường Đại học Mssouri. Đó là Trường Đại hoc Y (School of  Health Professions), Trường Đại học Luật (School of Law), Trường Đại học Dược (School of Medicine), Trường Đại học Điều dưỡng (School of Nursing)…
 Missouri School of Journalism là trường báo chí đầu tiên trên thế giới. Trường được  Walter Williams, Tổng biên tập Tờ Columbia Herald thành lập năm 1908 tại khuôn viên của Trường Đại học Missouri với sự giúp đỡ của chính quyền bang và cá nhân Joseph Pulizer. Ngày thành lập trường cũng là ngày xuất bản nhật báo University Missourian. Tờ báo này là nơi thực hành cho sinh viên trong suốt thế kỷ qua. Ngày nay, nhà trường được xếp là một trong những trường báo chí hàng đầu thế giới. Với phương pháp Missouri, sinh viên học về báo chí không những học qua bài giảng và thảo luận mà còn thực hành những kiến thức đó tại tờ nhật báo Columbia Missourian của trường báo chí phát hành. Ngoài ra, sinh viên còn được làm việc tại hai tạp chí văn hóa, một tạp chí quốc tế cũng của trường; một kênh radio công công quốc gia và một đài truyền hình thương mại duy nhất thuộc một trường đại học trên toàn Hoa Kỳ.
 Trường có bề dày thành tích gần như không trường nào trên thế giới theo kịp. Năm 1910 trường bắt đầu khai trương “Tuần lễ báo chí ”. Năm 1921 trường đào tạo chương trình thạc sĩ báo chí đầu tiên trên thế giới. Năm 1930 trường trao tặng huân chương danh dự Missouri cho những dịch vụ báo chí xuất sắc của liên bang. Năm 1934 trường đào tạo tiến sĩ báo chí đầu tiên trên thế giới. Năm 1936 trường bắt đầu tổ chức những khóa học qua đài truyền hình kênh KFRU. Năm 1958 trường mở Trung tâm Tự do thông tin và Học thuật đầu tiên trên thế giới về đề tài này. Năm 1971 trường chuyển kênh radio của mình cho phòng thực nghiệp của khoa. Năm 1981 trường được xếp hạng là trường báo chí đứng đầu Hoa Kỳ. Năm 2007 trường thành lập Viện Báo chí Donal W. Reynold để bắt đầu các khóa học nâng cao nghiệp vụ báo chí trong xã hội dân chủ. Quỹ Donal W. Reynold đã trao tặng cho nhà trường 31 triệu USD nhằm xây dựng viện trở thành một trong những viện báo chí đứng đầu quốc gia.
Missouri Shool of Journalism có sáu chương trình đào tạo cho sinh viên: Quảng cáo chiến lược thông tin, Viết báo và Tạp chí, Hội tụ Truyền thông đại chúng, In ấn và Tin Điện tử, Báo ảnh, Báo hình và Báo nói. Chương trình đào tạo thạc sĩ bao gồm học tại trường và học qua mạng. Ngoài ra trường còn có các chương trình đào tạo từ xa tổ chức tại các thành phố Jefferson, Missouri, London, New York, Washington DC. Trường cũng tổ chức hợp tác thành lập 12 chương trình đào tạo với 9 quốc gia trên thế giới.
 Thúy dẫn tôi cưỡi ngựa xem hoa qua 7 tòa nhà của Missouri School of Journalism. Đã gần trưa, tôi chỉ có thời gian để lướt nhìn các phòng: Phòng tin in ấn các ấn phẩm báo chí, Phòng thực nghiệm thiết kế công nghệ cao, Thính phòng nghe nhìn nghệ thuật, Phòng báo ảnh điện tử, Phòng máy tính hiện đại sản xuất tài liệu video, audio và text. Tổng số có tới 500 máy tính kèm theo thiết bị các loại phục cán bộ, giáo viên, sinh viên học tập và làm việc. Tôi chỉ đi dạo qua Đài truyền hình thương mại, Đài phát thanh công cộng, Thư viện báo chí (50.000đầu sách, 167 tạp chí xuất bản định kỳ, 41 nhật báo trong nước, 18 đầu báo quốc tế), Viện Báo chí.
 Riêng đến Viện Báo chí, tôi và Thúy dừng lại nhìn vào sơ đồ, không thể tiếp tục đi được nữa. Viện Báo chí bao gồm Trung tâm trình diễn công nghệ, Thư viện báo chí mới, Trung tâm biên tập đa phương tiện, Phòng làm việc nhóm, Phòng chuyên đề và diễn đàn, Hội trường trình diễn những sự kiện công cộng, Phòng tiếp công chúng và khu vực triển lãm…
 Trên đường về nhà Vân, bao nhiêu cảm xúc đan xen trong tôi. Mới chỉ nhìn tổng thể và tham quan hai trường thành viên của Đại học Missouri, tôi đã nhận ra bao vấn đề mà các trường đại học của Việt Nam chưa làm được. Đó là truyền thống, là giá trị, là bản sắc văn hóa của một trường đại học. Sau này có dịp tìm hiểu sâu hơn về nhà trường tôi càng thấy rõ cái hiện hữu mà người ta cho là phi vật thể đó. Nó nằm ở kiến trúc xây dựng của nhà trường. Nó ẩn trong khung cảnh, không khí chung của nhà trường. Nó hiển hiện trong phong cách của ban lãnh đạo, của cán bộ giáo viên, nhân viên. Nó thể hiện trong ý thức học tập, thái độ ứng xử của sinh viên. Nó khác với những trường đại học như Thanh Hoa của Trung Quôc, Chulalongcon của Thái Lan, Học viện Quản lý Quốc gia của Singapore. Nó cũng khác ngay cả với các trường đại học khác của Mỹ như Texas – Austin, Arkansas, Colorado…
Thăm Đại học Missouri, tôi biết dù trường không được xếp trong top đứng đầu của Mỹ, nhưng nó vẫn sở hữu một thương hiệu mà ngay cả những trường nổi tiếng nhất cũng chưa có được. Chẳng hạn như phương pháp Missouri, một phương pháp học, thực hành, làm việc và nghiên cứu từ thực tế từ công việc. Phương pháp Misouri  bắt nguồn từ trường báo chí nhưng lan tỏa khắp các trường trực thuộc và các khoa. Nó trở thành nội dung, phương pháp dạy - học đặc trưng của nhà trường.
 Tôi quen biết một người bạn của Vân học ở Đại học Nông nghiệp, Thực phẩm và Tài nguyên của Đại học Missouri. Hai năm trước khi còn ở chung phòng với Vân. Thỉnh thoảng tôi muốn gặp (qua ipad) để hỏi han tìm hiều việc học hành của sinh viên khoa trồng trọt như thế nào. Vân nói với tôi chỉ có thể gặp được vào ngày nghỉ vì “bạn ấy” sáng đi học, sau đó ra cánh đồng hoặc đi cơ sở gieo trồng, làm việc thực tế như một nông dân đến tối mới về. Quần áo thì bê bết, lấm lem; không kịp ăn uống lao ngay vào phòng tắm; mệt quá nhiều hôm đi ngủ ngay. Chị em cùng phòng mà có khi mấy ngày trời mới gặp mặt nhau. Khi gặp tôi trên mạng, bạn của Vân ca thán “cực quá trời. Thế mới biết học ở trong nước vô cùng nhàn hạ và sung sướng”. Triết lý của phương pháp Missouri là học để làm việc, để sáng tạo. Và cuối khóa học, bằng cấp chỉ trao cho sinh viên nào biết học để làm việc và sáng tạo, chứ không trao cho sinh viên chỉ biết học thuần thúy để lấy bằng.
 Cơ sở vật chất của nhà trường theo đúng nghĩa của nó là nguồn lực giáo dục. Hàng trăm trang web chuyên nghiệp, phong phú và đa dạng từ cấp trường, trường trực thuộc, khoa đến từng lớp, các phòng ban, các phòng chức năng, thậm chí đến tổ chức chỉ có một nhóm người, tất cả đều phủ sóng wifi khắp khuôn viên. Bước chân vào trường, ở bất cứ đâu người ta cũng có thể bắt đầu làm việc được. Từ giảng đường, phòng thí nghiệm, thư viện đến phòng ăn uống giải khát, thể thao, giải trí, tất cả đều vì quyền lợi của sinh viên, đều mang tính chất học thuật; Từ các thiết bị máy móc phục vụ dạy học đến môi trường thực hành, nghiên cứu đều khuyến khích sinh viên làm việc, khám phá, sáng tạo; Từ bảng nội quy, quy định đến quyển sách hướng dẫn các loại đều khiến sinh viên phải có ý thức trách nhiệm, phải tôn trọng chính bản thân mình và người khác. Tất cả đều toát lên một thứ văn hóa của riêng Trường Đại học Missouri. Càng đi sâu tìm hiểu tôi càng ngỡ ngàng, ngỡ ngàng đến choáng ngợp trước truyền thống và sức hấp dẫn bên trong, bên ngoài của ngôi trường này.


Read More

Tiếp tục thăm MU

Leave a Comment
 Ăn sáng xong, tôi cùng mẹ con Thúy dự định tiếp tục đi thăm Trường MU. Mở cánh cửa ra vào khu căn hộ để ra ngoài, chúng tôi bỗng nghe thấy cả một dàn cung bậc âm thanh, tiếng hót của các loại chim. Chưa bao giờ tôi được thưởng thức một buổi hòa nhạc tự nhiên của tạo hóa nào hay đến như vậy. Trong lòng tôi bao điều xốn xang đang dần thức dậy. Tôi đã từng ngồi nghe hàng giờ tiếng hót chíu của đàn khuyên. Tôi đã từng ngồi nghe tiếng hót êm ái, tiếng rúc, tiếng luyến láy réo rắt, tiếng chuông rền, tiếng đổ, tiếng ngân vang xa vừa mượt mà vừa cao sang trước đàn yến. Tôi đã từng ngồi nghe hàng giờ tiếng hót dài, âm thanh thánh thót, âm điệu du dương và thay đổi liên tục âm sắc như gió rít, thông reo trước đàn sơn ca. Tôi đã từng ngồi nghe hàng giờ tiếng hót chuyện loách choách thanh bình trước đàn chào mào. Tôi đã từng ngồi nghe hàng giờ tiếng hót líu lo, lảnh lót đầy mê hoặc trước đàn chích chòe. Tôi đã từng ngồi nghe hàng giờ tiếng hót cúc cu bổ hai bổ ba thấm đượm tình quê thôn dã trước đàn gáy. Tôi đã từng ngồi nghe hàng giờ tiếng hót trầm bổng như tiếng gió ngàn, tiếng thác đổ bí hiểm, hoang dã của rừng núi trước đàn khiếu, đàn mi… Ở nhà tôi nghe từng loại chim đơn lẻ. Mỗi giọng hót gợi cho tôi những kỉ niệm, những hình ảnh, những cảm giác khác nhau. Ở đây dường như tôi được nghe tất cả thanh âm của các loại chim hót gộp lại. Cả một dàn đồng ca, vừa quen vừa lạ. Quen là vì nhiều giọng hót tôi nhận ra. Lạ là vì nhiều giọng hót tôi mới được nghe lần đầu.
 Chúng tôi đi qua làng sinh viên, thấy có biển đề phân thành hai khu vực: Student village và student heightland. Đó là những dãy nhà ở hai tầng trên khu đất cao và những dãy nhà ở hai tầng dưới khu đất thấp dành cho sinh viên cao học và nghiên cứu sinh có gia đình. Thúy cho tôi biết, chỉ những sinh viên của trường có gia đình mới được vào đây ở. Các dãy nhà đều thiết kế đơn giản, trang nhã và cách khá xa nhau. Giữa các dãy nhà là những sân cỏ mơn mởn, những hàng cây cao thấp trổ đầy hoa. Tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện trong làng sinh viên này còn có một trường mầm non, chuyên tiếp nhận con của các sinh viên. Rải rác đó đây, giữa các dãy nhà còn có những khoảng đất trống bố trí nhiều loại đồ chơi cao cấp, từ xích đu các loại đến cầu trượt, nhà trượt phục vụ cho trẻ em. Quan sát tôi nhận thấy các loại đồ chơi đều bền, chắc chắn, đẹp và an toàn. Tôi đã từng nghe Thúy kể về những làng sinh viên trước đó, nhưng không thể hình dung ra nó lại thơ mộng và tiện dụng đến như thế này. Tôi bế bé Lâm lên cầu trượt để trượt thử. Lâm giang hai tay đặt lên hai thành cầu, trượt ngoằn nghèo từ trên cao xuống dưới đất. Lâm khoái chí, không khiến ông bế lên nữa, tự trèo lên cầu trượt xuống, vừa trượt vừa cười reo. Tôi chỉ lên cầu trượt khác cao hơn, dốc hơn, mạo hiểm hơn. Lâm chỉ nhờ ông giúp đỡ lần đầu, lần sau tự mình trèo lên và trượt xuống rất mạnh mẽ và dũng cảm.
 Khu vực làng sinh viên rộng khoảng chừng trên chục ha. Bên cạnh làng sinh viên này có một cánh rừng, có những con đường dành cho người đi bộ, đi xe đạp. Buổi sáng rất nhiều sinh viên chạy, đi xe đạp, đi bộ, tập thể dục. Không khí nhộn nhịp hẳn lên. Song sự hiện diện của con người vẫn không làm tan mất đi bản hòa tấu của bao loại chim đang đua nhau biểu diễn trên những tán cây và trong cả khu rừng. Tất cả đều như thức dậy, ùa dậy, hối hả. Ngay cả những con thỏ, những con sóc cũng vội nối đuôi nhau chạy trên mặt đất tìm kiếm gì đó. Chỉ khi có người đến gần chúng mới lảng đi.
Chợt một con nai chạy vụt qua trước mặt. Tôi vội bế bé Lâm từ xe đẩy vì sợ một con gì đó chạy qua va vào. Theo tay Thúy chỉ, hai ông cháu đi đến trước một con đường, tôi định băng qua nhưng bé Lâm bỗng giơ tay lên, miệng thốt lên ớ, ớ, ớ. Tôi không hiểu Lâm muốn gì. Thúy cười, nói:
-       Ba chưa biết luật giao thông ở đây rồi. Phải đặt tay vào biển báo, chờ cho đèn sáng mới được đi qua theo đường dành cho người đi bộ. Cháu nó quen được đặt tay lên biển báo khi qua đường nên đòi ông cho đặt tay lên đó đó.
-       Nhưng có xe cộ gì ở đây đâu?
-       Không có xe vẫn phải theo luật.
Tôi  đến sát cột biển hiệu. Bé Lâm đưa tay lên đặt vào biển báo. Một tiếng “tít” phát ra. Một lát sau đèn báo sáng có in hình một bàn tay, chúng tôi mới đi qua đường. Tôi thật sự ngỡ ngàng. Đúng hơn là tôi bị sốc. Một đứa bé chưa đến trường, dù là bố mẹ cháu thường xuyên dạy và thực hành cho cháu mỗi khi đi qua đường, mới gần ba tuổi đã có ý thức khi tham gia giao thông thì thật đáng phải ngẫm nghĩ.
Hành động của Lâm vừa rồi như muốn nói với tôi rằng, nếu cháu không nhắc nhở, tôi đã sang đường sai luật. Tôi thật sự xấu hổ. Không phải xấu hổ vì vi phạm luật giao thông trên đất Mỹ mà là xấu hổ với những vi phạm luật giao thông ở Việt Nam. Bao nhiêu lần tôi vượt đèn đỏ khi không thấy công an? Bao nhiêu lần tôi đi trên trên vỉa hè để kịp giờ đi làm? Bao nhiêu lần tôi vượt đường ngược chiều? Bao nhiêu lần rẽ trái, rẽ phải sai luật? Điều đáng buồn là hầu hết mọi người tham gia giao thông đều có thái độ giống như tôi. Biết bao người còn tệ hại hơn tôi rất nhiều: Phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai làn đường, bia rượu vẫn lái xe, hành động bất chấp người thi hành công vụ.
Tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra ngay khi bước ra khỏi nhà, từ nông thôn tới thành thị, từ phố nhỏ đến phố lớn, từ đường trục tới đường vành đai. Mùi khói, mùi xăng cùng với hơi người ngột ngạt thật khủng khiếp. Điều khủng khiếp hơn là bình quân hàng chục năm nay, mỗi năm ở Việt Nam có tới 12.000 người chết vì tai nạn xe máy, ô tô, xe lửa. Số người chết và bị thương do tai nạn giao thông trong một năm còn nhiều hơn một cuộc chiến tranh cỡ vừa ở trên thế giới. Nhưng mỗi vụ việc tai nạn chỉ như hòn đá ném xuống sông, rồi đâu lại vào đấy. Cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, thản nhiên.
Các nhà trường vẫn dạy học sinh từ lớp mầm non đến lớp 12 là phải nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông. Ngày tưởng niệm quốc tế các nạn nhân bị tai nan giao thông vẫn được tưởng niệm khắp nơi trên toàn quốc. Tai nạn giao thông được nói đến hàng ngày nhưng số người chết hơn một chục năm trở lại đây vẫn nằm trong khoảng  trên dưới 12.000 người. Hơn một thập niên phấn đấu mà số tử vong không hề thuyên giảm. Chẳng biết trách nhiệm thuộc về ai đây?
Hôn nay Thúy đưa tôi đi thăm Vườn ươm Mc Alester, Đài tưởng niệm Union, Sân David R.Francis, Sân Carnahan và Tòa nhà Jesse Hall. Tôi rất thích ngắm nhìn, khám phá, tìm hiểu Đài tưởng niệm Union nhưng thời gian không cho phép dừng lại lâu. Gọi là đài tưởng niệm vì đây là công trình kiến trúc xây sau chiến tranh thế giới thứ nhất để tưởng niệm một trăm mười bảy người lính hy sinh trong chiến tranh. Tên tuổi của họ được khắc trên hai bên vòm cổng cho người dân trong thành phố và sinh viên ngày ngày đi qua ngả mũ chào, tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ tới những tấm gương hy sinh vì nước Mỹ. Tôi chạnh lòng nghĩ đến những sinh viên ưu tú của Việt Nam đã xếp bút nghiên, theo tiếng gọi của tổ quốc, lên đường chống Mỹ cứu nước. Hàng vạn người đã nằm lại trên khắp các chiến trường. Vậy mà không một trường đại học, cao đẳng nào có một đài tưởng niệm kiểu như ở MU.
Gây ấn tượng nhất trong số các điểm tham quan với tôi là kiến trúc cổ điển Tòa nhà Jesse Hall. Đây là tòa nhà hành chính, nơi làm việc của hầu hết cán bộ công nhân viên Trường Đại học MU. Nó được xây dựng vào năm 1893 sau khi Tòa nhà Academic Hall bị cháy năm 1892. Cái tên Jesse Hall đặt cho tòa nhà nhằm tôn vinh Richard H. Jesse, vị Hiệu trưởng nhà trường tại vị trong thời gian xây dựng tòa nhà cho đến khi rời nhiệm sở năm 1908. Hiện nay Jesse Hall là một trong những biểu tượng nổi tiếng, là trái tim của nhà trường. Nét đáng chú ý nhất của tòa nhà là mái vòm trắng lớn. Nhìn từ xa, mái vòm trắng cao vút vượt lên trên những tòa nhà. Những hàng cây xanh um tùm xung quanh càng tôn thêm vẻ diễm lệ của nó. Mặt trước tòa nhà nổi bật những hàng cột tròn trặn, duyên dáng mang cái dáng dấp kiến trúc Hy-La cổ đại.
Chúng tôi đi vào bên trong tòa nhà theo lối bên cạnh cửa chính, lối dành cho xe đẩy trẻ em và người tàng tật. Tôi nhận ra một nét rất riêng là tất cả các công trình kiến trúc, xây dựng công cộng ở Mỹ đều có đường đi riêng dành cho xe đẩy trẻ em và người tàng tật. Điều này thì gần như không có trong các công trình lớn nhỏ ở Việt Nam, nơi mà số người tàng tật cao hơn rất nhiều ở Mỹ. Riêng về sự việc này thôi, tôi cũng không biết phải đánh giá về ý thúc xã hội nhân văn của hai xã hộ như thế nào cho đúng.
Chúng tôi tham quan tầng trệt, tầng 1, tầng 2. Đi vào bên trong mới thấy tòa nhà thật rộng. Thúy vừa đi vừa thuyết minh về các phòng chức năng. Hàng nghìn con người đang làm việc trong các căn phòng nhưng không hề nghe thấy một tiếng động nào phát ra bên ngoài. Điều đặc biệt là không thấy bóng một bảo vệ và cũng chẳng có ai xét hỏi. Đi mỏi chân thì cứ ngồi nghỉ trên những dãy ghế xếp ở hành lang. Thỉnh thoảng có những phòng trống, trong đó có sẵn vài bộ bàn ghế và có những chiếc tủ, giống như tủ lạnh đại nhưng lớn hơn một chút. Thúy nói chỉ cần nhét một đồng tiền Mỹ vào tủ, đồ ăn sẽ tự động đưa ra. Tôi theo chỉ dẫn của con gái, nhét thử tờ 5 đô la vào một khe hở của máy, một gói bánh Pizza bọc trong túi nilông từ máy được nhả ra. Ba chúng tôi cùng ăn chung. Lâm chỉ nhấm nháp một vài miếng. Hai cha con phải ăn cố mới hết. Ăn xong tôi đưa một đồng xu cho Lâm. Bế cháu đến gần một chiếc máy, chỉ cho cháu bỏ đồng tiền vào chiếc máy bán nước. Lập tức một hộp coca được đưa ra. Lâm dùng cả hai tay lấy hộp nước đưa cho ông.
       -       Cám ơn Lâm nhiều, Lâm giỏi lắm, tôi đặt Lâm xuống nói:
       -       Từ mai ba có thể đi một mình, quá bữa cũng không sợ đói.
       -       Bên cạnh các lớp học đều có những phòng ăn tự động như thế này. Sinh viên nếu đói hoặc khát, giờ       nghỉ cứ sang phòng ăn. Những phòng như thế này chỉ giải quyết tức thời thôi. Còn ăn sáng, ăn trưa,         ăn tối trong trường rất nhiều điểm có người phục vụ, rất tiện lợi. Con nghĩ chẳng có ai ở đây bị đói           đâu.
       -       Nhưng ăn ở đâu thì rẻ.
       -       Ăn ở nhà là rẻ nhất. Chẳng hạn bốn cha con ăn ở nhà một tháng hết chừng 500 đô. Ăn ở cửa hàng       một bữa hết khoảng từ năm đến mười đô.
 Tôi nhẩm tính, mỗi tháng trừ các khoản, các con tôi được nhà trường trợ cấp 1.500 đô sinh hoạt phí. Tiền thuê phòng ở cá nhân hết 300 đô một tháng. Tiền thuê phòng ở gia đình hết 600 đô một tháng. Ăn uống cứ gọi hết 150 đô một tháng. Còn lại là chi phí cá nhân, tiền sách vở, tiền sinh nhật hội hè, khách khứa, du lịch, xăng xe… làm sao mà đủ. Vậy mà chúng vẫn cố gắng dành dụm tiền mua thuốc men cho ông bà, cho cha mẹ. Mỗi năm tết đến vẫn gửi quà về cho cả nhà. Lại còn mua máy ảnh, ipad cho riêng tôi nữa. Tôi hoàn toàn yên tâm về cuộc sống của chúng ở Mỹ. Tôi cũng tạm yên tâm về tương lai của chúng. Vì con người ta khi đã biết nghĩ, biết lo cho cái gia đình chung, có ý thức trách nhiệm với cái gia đình chung thì có thể hoàn toàn biết nghĩ, biết lo lắng cho cái gia đình riêng, có ý thức trách nhiệm với cái gia đình riêng.
Tôi là người có tật cả nghĩ và thường bận tâm về những điều không đáng bận tâm. Có lẽ là do di truyền từ gia đình. Tôi còn nhớ bà nội, lúc tầm tuổi 80, mỗi lần cha tôi đi chơi về muộn, bà nội đứng ngồi không yên, đôi khi còn cầm chiếc gậy ra cầu ao khoắng xem cha tôi có ngã xuống đó không. Cha mẹ tôi cũng vậy. Mỗi lần tôi đi học đêm về khuya quá thường lệ, dù lúc đó tôi đã ngoài 40 mươi tuổi, cha mẹ tôi vẫn cứ ngong ngóng ra vào chờ đợi trước cổng nhà, nhất định không đi ngủ. Có lần cha tôi còn lên tận đầu làng để đợi chờ...
  Rồi đến tôi, ngay từ khi hai đứa lọt lòng, trái gió trở trời, nóng lạnh, khò khè, ho hen, quấy khóc... mọi cử chỉ bất thường tôi đều lo lắng phân tâm. Mỗi lần đi xa dài ngày, tôi nhớ chúng đến cồn cào. Trong giấc ngủ, có lần tôi mơ thấy cái cảnh lúc nhỏ Thúy ngã xuống ao. Đầu nhấp nhô dưới cầu. Vân đứng trên cầu chìa tay, chới với. Tim tôi thót lại, choàng tỉnh dậy, mồ hôi tôi ướt đẫm áo. Dù là mơ về cái chuyện từ xa xưa, tôi vẫn không chịu đựng nổi, phải bỏ chuyến đi thực tế về trước mọi người. Về đến nhà, thấy hai con chạy ra đón, bị mụn nhọt đầy đầu, tôi ôm lấy chúng, nước mắt ứ ra. Cho đến khi chúng vào đại học, tôi vẫn chưa tiệt trừ được cái tật cả nghĩ. Mỗi lần chúng đi học về muộn, tôi bồn chồn đứng ngồi không yên. Kể cả khi tiễn chúng đi Mỹ, nhìn cái cảnh chúng bước vào cổng đi ra sân bay, người thì mảnh khảnh, ba lô mang theo thì nặng trĩu, tôi cố gắng lắm mới không để nước mắt tràn ra. Sang Mỹ lần này, thấy chúng trưởng thành nhiều, biết tự định liệu cho cuộc sống của mình, có lẽ từ nay tôi không còn có gì phải phân vân lo lắng nữa.
 Một điểm nhấn của Tòa nhà Jesse Hall là thính phòng Jesse. Khi nghe Thúy nói vào thăm thính phòng, tôi cảm giác nó nhỏ, chỉ hạn chế số lượng người trong một căn phòng nhất định. Không ngờ thính phòng Jesse chẳng khác gì Nhà hát lớn thành phố Hà Nội. Nó gồm tầng cửa chính và tầng ban công. Tầng cửa chính gồm ba phần: trung tâm, bên phải, bên trái. Ở trung tâm tính từ cửa đi vào là những hàng ghế từ hàng ghế A đến hàng ghế Z theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Anh, cộng thêm hai hàng A-A, B-B ở trên cùng. Mỗi hàng ghế có 18 chỗ ngồi. Bên phải, bên trái  khu trung tâm cũng có những hàng ghế theo số thứ tự như ở khu trung tâm. Chỉ khác là mỗi hàng có 14 chỗ ngồi. Tầng ban công hoàn toàn giống tầng cửa chính. Chỉ khác số hàng ghế ít hơn: từ A đến P.
  Tôi áng chừng toàn bộ thính phòng có khoảng 1.200 chỗ ngồi. Thính phòng Jesse là trung tâm biểu diễn nghệ thuật lớn nhất của MU và của cả Columbia. Bình quân có hơn 200 sự kiện trong một năm. Những sự kiện này rất đa dạng về nội dung, là đỉnh cao về chất lượng phục vụ. Thính phòng Jesse trình diễn từ âm nhạc Broadway tới Opera châu Âu; từ Rock, Roll, Jazz tới nhạc cổ điển; từ những tác phẩm của những tác giả nổi tiếng nhất đến những diễn viên nổi tiếng nhất thế giới; từ những buổi thuyết trình khoa học, lễ phát bằng đến đêm liên hoan sinh viên quốc tế.
 Thính phòng Jesse dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho mọi người nơi đây. Ngay cả với tôi, lần đầu tiên bước chân đến, tôi cũng hình dung được vẻ lung linh huyền ảo và sự trang trọng quý phái của những đêm công diễn. Nơi đây các sinh viên Việt Nam, trong đó có hai con gái tôi đã hát và múa những bài hát, những điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tôi biết được điều này là do Tiến sĩ Nelson, giảng viên khoa học của nhà trường trong một lần sang công tác tại Việt Nam đến thăm trường tôi. Ông tặng tôi một đĩa CD và nói: “Trường chúng tôi rất tự hào về những sinh viên Việt Nam. Các em không những học tập rất tốt mà văn nghệ cũng thật tuyệt vời. Con ông, Thuy Le Thi Nguyen là một tấm gương. Tôi đã quay lại một số hoạt động của các em trong dịp tổ chức đón Tết Nguyên đán ở trong CD này”.
Nelson mở máy tính cho tôi xem cảnh sinh viên Việt chào đón xuân mới trên đất Mỹ. Thật cảm động. Cũng bánh trưng xanh thịt mỡ dưa hành, cũng chúc tết mừng tuổi, cũng lì xì cho các em nhỏ. Đặc biệt có chương trình ca múa mừng xuân. Thúy mở đầu cùng các bạn bài hát Việt Nam quê hương tôi cùng với điệu múa nón. Tôi không ngờ những tiết mục đó để lại nhiều cảm xúc đến vậy cho tôi và cho cả khách. Nelson nói: “Được dự bữa tiệc hôm đó, được xem chương trình ca múa đặc sắc, được thấy những chiếc áo dài duyên dáng, được nghe sự tích bánh trưng bánh dày, trầu cau, từ lãnh đạo đến giáo viên và vợ con chúng tôi đều rất cảm động, đều rất thích nền văn hóa Việt Nam”.
  Năm ngoái tôi được xem Vân biểu diễn bài Qua cầu gió bay, Bức họa đồng quê trên sân khấu thính phòng Jesse qua Youtube trong đêm Mizzou International Night. Vì vậy, với tôi, thính phòng Jesse cũng là một điểm rất đáng để ghi nhớ. Đứng trên sân khấu thính phòng, tôi bỗng nhớ tới những ngày xa xưa dắt tay hai con gái đi học họa, học nhạc ở trường, đưa chúng đến Cung văn hóa Hà Nội; nhớ những sân khấu ngày nào đưa chúng đi thi biểu diễn từ cấp huyện tới cấp thành phố. Thúy từng đoạt một số giải họa quốc gia, giải khuyến khích trong các cuộc thi tranh vẽ toàn quốc và quốc tế. Vân cũng đạt huy chương vàng, huy chương bạc trong các hội diễn thi tiếng hát hay của thành phố Hà Nội.
Tôi không bao giờ có tham vọng cho các con học chuyên văn, toán, lí, hóa hay ép chúng học thêm các môn học này. Chúng thích học thêm nhạc họa tôi ủng hộ. Chúng không thích theo đuổi ngành nhạc họa tôi cũng ủng hộ. Tôi mong muốn chúng được học những gì bản thân mình thích, sau này có một công việc ổn định, và trở thành người phụ nữ dịu hiền theo tiêu chuẩn của người Á Đông: Công, dung, ngôn, hạnh; có tâm hồn phong phú, biết thưởng thức cái đẹp trong cuộc sống cũng như trong nghệ thuật. Được như thế là tôi hoàn toàn mãn nguyện, không đòi hỏi ở chúng cái gì hơn.
Thúy tiếp tục dẫn tôi đi tham quan thư viện Ellis Library. Đây là thư viện chính của nhà trường bên cạnh hệ thống thư viện các trường, các khoa trực thuộc. Ellis Library nằm ở trung tâm khu vực Lowry Mall, giữa Đài tưởng niệm Union và Tòa nhà Jese Hall. Thư viên này bao gồm những nguồn tài liệu nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, khoa học cơ bản và những ngành như y học, thú y, địa chất, toán học, báo chí… Tổng số đầu sách thư viện lên tới trên ba triệu bản. Thư viện cũng sở hữu sáu triệu bản phim và khoảng 33.000 đầu báo, tạp chí khoa học xuất bản hiện thời trên thế giới và trong nước.
 Việc đưa Lâm đi theo không những không ảnh hưởng đến cảm nhận và lộ trình đi mà còn đem lại cho tôi vị ấm áp, ngọt ngào của ba thế hệ đang đi trên một con đường. Một người ở thế hệ thứ nhất nằm quãng giữa bên kia cuộc đời, một người ở thế hệ thứ hai mới bước vào ngưỡng cửa cuộc sống, một người ở thế hệ thứ ba là cháu bé vừa chập chững bước đi, cả ba người đều bước vào một trong những trung tâm tri thức của một trường đại học lớn. Bầu không khí vừa trang nghiêm vừa sôi động, tràn ngập sức sống. Hàng trăm sinh viên da trắng, da vàng, da đen đang miệt mài làm việc trong các phòng thư viện khiến tôi thật bồi hồi xúc động.
 Lần đầu tiên tôi có cảm giác nuối tiếc tuổi xuân của mình sao trôi đi nhanh quá. Giá như thời sinh viên của tôi một lần được bước vào tòa thư viện này. Cái cảm xúc đam mê, sáng tạo một thời lãng quên bỗng như trỗi dậy trong con người tôi. Với Thúy nơi đây đã quá quen thuộc. Còn Lâm thì đang ngơ ngác nhìn hết cái này đến cái kia.
Tầng trệt của thư viện được chia thành năm khu vực chính: Khu vực dành cho các dịch vụ kĩ thuật của cả thư viện, khu thính phòng Ellis, khu trưng bày các hiện vật lịch sử liên quan đến bang Missouri, khu trưng bày các văn bản viết tay liên quan đến lịch sử phương Tây và cuối cùng là khu West Atrium bao gồm phòng an ninh, phòng chứa vật dụng để quên, phòng ăn uống giải trí Book Mark.
 Tầng thứ nhất bao gồm khu để trên 100 bàn máy tính; bảy phòng họp, hội thảo và nghiên cứu chuyên đề; một khu đọc sách báo, tạp chí khoa học mới xuất bản; một khu để giá sách đọc; hai kho sách tham khảo và nghiên cứu; một  khu để văn kiện, tài liệu của liên bang và bang; một khu trưng bày sách mới; hai khu đọc và tra cứu tài liệu; một phòng bản đồ; một phòng vi phim; một phòng chứa các  loại băng và phương tiện nghe nhìn; ngoài ra còn có phòng in, phòng photo, scan, fax, phòng quản lí, phòng hướng dẫn tra cứu. Tôi xem xét kĩ càng các khu vực, các phòng ở hai tầng đã đi qua, tất cả đều rộng rãi, thoáng đãng và tiện lợi. Đặc biệt bắt đầu từ tầng một, tôi nhận thấy hệ thống thư viên rất đồ sộ và phức tạp. Lần đầu tiên trong một thư viện, tôi bỗng nhận thấy cái hữu hạn của con người và cái vô hạn của tri thức, rất trực cảm và cụ thể qua số lượng sách khổng lồ. Đó là chưa kể đến một cái nhấp chuột, hàng ngàn cuốn sách, thậm chí hàng vạn cuốn sách liên quan đến vấn đề người ta quan tâm sẽ lần lượt hiện ra trên màn hình. Tôi hỏi Thúy:
        -       Làm thế nào để tìm được tài liệu, sách tra cứu tham khảo mình cần? Mặc dù có hệ thống máy tính,          sách thư mục, từ điển sẵn có để trợ giúp, nhưng đặt địa vị ba đến đây đọc thì thật khó khăn.
        -       Ba đến bàn trợ giúp, Thúy đưa tôi đến trước một chiếc bàn và nói tiếp, lúc nào cũng có hệ thống              nhân viên thư viện giúp đỡ để ba tìm ra những quyển sách ba cần.
 Thúy đưa tôi đi lướt qua tầng hai, tầng ba, tầng bốn. Về cơ bản việc sắp xếp ở các tầng theo chủ đề, loại hình cũng giống như ở tầng hai. Chỉ khác đi một chút là có thêm các phòng học điện tử dành cho sinh viên. Ở các phòng này, thầy trò sử dụng máy để giới thiệu, tìm hiểu và nghiên cứu về những vấn đề có liên quan đến thư viện hoăc những đề tài có liên quan đến tài liệu trực tuyến được kết nối đặc biệt. Ngoài ra còn có nhiều phòng lưu giữ và phòng đọc các loại sách quí hiếm. Phòng lưu trữ các vấn đề chuyên biệt có khoảng 15.000 băng ghi hình, ghi tiếng. Phòng lưu trữ âm nhạc có gần 34.000 băng đĩa ghi lại các chương trình về tất cả các thể loại.
 Rời thư viện chúng tôi đến một khu nhà bề thế, được gọi là Bookstores. Thúy giải thích qua “Ba có thể hiểu nó giống như một Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền và Nhà sách Hà nội hợp lại. Chỉ khác là nó phục vụ cho riêng sinh viên của trường đại học này thôi”. Bookstores tọa lạc ở khu Trung tâm sinh viên MU, bao gồm bốn khu vực: Khu vực mua bán sách University Bookstores, khu vực chăm sóc sức khỏe Health, khu vực nghề nghiệp luật sư Law Professions, khu vực trưng bày thiết bị kĩ thuật Tiger Tech và một khu vừa ăn uống vừa đọc sách, giải trí của sinh viên.
 Chúng tôi ngồi nghỉ ở khu giải khát. Hàng trăm sinh viên ngồi rải rác theo nhóm nhỏ quanh những chiếc bàn tròn. Hình như ăn uống đối với họ chỉ là chuyện phụ, vì hầu như tất cả mọi người đều dán mắt vào màn hình máy tính hoặc Ipad để trước mặt. Thỉnh thoảng họ có trao đổi với nhau nhưng rất nhẹ nhàng, không gây ra sự chú ý cho mọi người xung quanh. Thúy đến trước một quầy gọi mua một cốc trà đặc sản của nhà trường cho tôi, một cốc cà phê cho mình và một cốc sữa cho Lâm. Khu vực ăn uống ở đây đều có người phục vụ nên giá cả đắt hơn. Tôi vừa nhấm nháp vừa quan sát. Chè có hương vị là lạ, rất thơm. Thúy hỏi:
        -       Ba thấy chè ở đây thế nào?
        -       Hương vị rất riêng biệt, nhưng ba vẫn thấy thiếu cái gì đó. Có lẽ ba quenvới cái vị chát, ngọt rất có          hậu của chè Thái Nguyên.
        -       Các cụ sang đây ai cũng nói vậy. Mới sang cái gì cũng liên tưởng đến quê nhà. Ba nhìn Lâm kìa.
 Lâm chạy đi lung tung, đến bên bàn các cô chú sinh viên ngó nghiêng. Mọi người tạm thời dừng công việc của mình để chơi đùa với bé. Cô chú nào cho kẹo bánh Lâm cầm lấy ngay. Thằng bé thật hiếu động và bạo dạn. Trong con mắt của mọi người chắc chắn bé Lâm thật đáng yêu. Tôi cảm nhận được điều này vì khi Lâm rời khỏi bàn không ít người vẫn nhìn theo. Có cô còn bế cháu lên thơm vào má. Đúng là giây phút xáo trộn đầy hương vị cuộc sống.
 Tiếp tục đi thăm các khu Bookstores, tôi vẫn đẩy chiếc xe của Lâm và chạy gằn theo Thúy. Tôi không muốn xem xét mọi cái ở đây một cách hời hợt vì vậy Thúy luôn phải chờ đợi hai ông cháu. Thúy khuyên tôi không cần thiết phải đi vào chi tiết, chỉ cần nắm cái tổng thể, vì nhà trường có trang mạng chung, các trường trực thuộc, các khoa, các bộ phận đều có trang mạng riêng. Có đến hàng trăm trang mạng trong trường. Chẳng hạn Bookstores có trang mạng là mubookstore.com. Muốn tìm hiểu, mở trang web, tất cả thông tin kênh hình kênh chữ và video giới thiệu rất đầy đủ, rất chi tiết.
 Bookstores ra đời từ năm 1899. Tất cả các hoạt động và lợi nhuận của Bookstores đều vì lợi ích của sinh viên, lợi ích của nhà trường. Nhiệm vụ của nó nhằm tạo điều kiện nâng cao năng lực, kinh nghiệm cho sinh viên bằng việc cung cấp những nguồn lực giáo dục, việc làm và hỗ trợ cũng như phục vụ những vấn đề cá nhân cho sinh viên tại trường. Bookstores tích cực hoạt động trên 100 năm qua để đảm bảo cung cấp các loại sách báo phổ thông đến sách chuyên ngành, sách giáo trình, sách tham khảo, thiết bị kĩ thuật học tập, văn phòng phẩm, quà lưu niệm, vật dụng cá nhân với giá thấp nhất.
Sinh viên của nhà trường đã tiết kiệm được 4,6 triệu đô trong năm học 2012 – 2013 bằng việc mua lại sách cũ, sách qua sử dụng. Trong điều kiện cho phép, Bookstores còn cung cấp những tài liệu, giáo trình photo, sao chép hay cho thuê, cho mượn dưới các hình thức. Những việc làm đó giúp sinh viên tiết kiệm được từ 30 đến 55% chi phí nếu so với mua nguyên gốc. Bắt đầu từ năm 2011 Bookstores còn cung cấp dịch vụ mua bán trực tuyến tất cả các nguồn lực giáo dục và những đồ dùng dành cho sinh viên với  giá rẻ, giúp sinh viên so sánh giá cả cạnh tranh trên thị trường để mua được cái gì mình cần với giá hợp lý nhất.
 Thúy đưa tôi đi thăm lướt qua hàng chục trung tâm gần Bookstores: Trung tâm phục hồi chức năng, Trung tâm tư vấn, Trung tâm chăm sóc sức khỏe, Trung tâm kiểm định và kiểm tra, Trung tâm về giới, Trung tâm phụ nữ, Trung tâm người khuyết tật, Trung tâm văn hóa Phi, Trung tâm đa văn hóa, Trung tâm kĩ thuật máy tính, Trung tâm phát triển cộng đồng, Trung tâm pháp lí… Qua tìm hiểu, tôi được biết có rất ít nhân viên trong biên chế của nhà trường ở các trung tâm. Hầu hết nhân sự là sinh viên. Với hình thúc tổ chức này, thứ nhất nhà trường giảm được kinh phí chi trả, sinh viên có sinh hoạt phí trang trải cho việc học tập ăn ở của mình. Thứ hai qua thực tế, sinh viên làm tại các bộ phận được trải nghiệm, tự học tập, rèn luyện và trưởng thành. Khi ra trường, các em sẽ có được kĩ kỹ năng rất cần thiết để đi vào cuộc sống trong tương lai.


Read More

Đi dạo phố thư dãn

Leave a Comment
 Việt Nam và Hoa Kỳ cách nhau nửa vòng trái đất. Nói chung ngày ở Việt Nam là đêm của Hoa Kỳ. Vì chênh múi giờ như vậy nên người Việt trong những ngày đầu tiên ở trên đất nước Nữ thần tự do chưa kịp điều chỉnh nhịp sinh học cho phù hợp với hoàn cảnh mới, nên tầm 12 giờ trưa đến chiều tối rất buồn ngủ. Nếu tôi cứ ngủ như một hai ngày đầu thì đêm đến tôi hầu như lại phải thức trắng trong khi tất cả mọi người đi ngủ. Và nếu để tình trạng kéo dài như vậy thì sẽ không ổn cho chính mình, làm bất tiện cho mọi người. Rút kinh nghiệm, trưa ngày thứ ba, dù trong tâm trạng lơ mơ muốn chìm vào tĩnh lặng, đôi mắt ríu lại, tôi vẫn quyết định không chiều theo cái bản năng của cơ thể, nên mặc áo, đi dày, ra ngoài đi bộ.
 Trời nắng chói chang. Những cơn gió mạnh, sắc thổi ào ào vào mặt khiến tôi có cảm giác lành lạnh. Dọc con đường Providence hàng ô tô nối đuôi nhau vun vút chạy, hối hả, xuôi ngược. Bao phủ dọc hai bên đường là những rặng cây xanh, sắc màu tươi non, rực rỡ, đa dạng. Nhiều cây hoa nở chạt, chen chúc thành những khối hoa khổng lồ trắng, xanh, đỏ, tím, vàng. Đặc biệt ấn tượng nhất là bụi phấn hoa bay. Nó bay giăng giăng tựa những làn sương vàng quyện theo, vương vấn theo đủ hương vị ngọt ngào, ngai ngái, hăng hắc, nồng nàn. Phía dưới, trên mặt đất là những thảm cỏ non bằng phẳng, mươn mướt. Thỉnh thoảng mọc lên những lùm cây, những bụi cây, những cây leo thấp cũng chi chit hoa. Tất cả thiên nhiên hình như đang đua nhau, vội vã, gấp gáp trưng bày tất cả những gì đẹp đẽ, thơm tho, tinh túy nhất. Đúng là một vẻ đẹp rạng ngời, tràn đầy sức sống của riêng Columbia, Missouri.
 Tôi đi vào đường Steveward. Chỉ định đi một lát rồi quay về, nhưng những ngôi nhà, những cảnh sắc đẹp như trong mơ cứ lần lượt hiện ra, cuốn hút tôi đi tiếp. Mỗi ngôi nhà đều mang một phong cách riêng, chỉ một, hai đến ba tầng. Không nhà nào giống nhà nào. Gọi là nhà thì không đúng, phải gọi là biệt thự thì mới đúng. Nhưng nhà nào cũng gọi là biệt thự, vậy thì cả một khu phố rộng lớn đến hàng chục km, thậm chí nếu tôi không nhầm gần như cả thành phố trừ khu trung tâm Dawntown mà đều gọi là biệt thự thì lại không ổn. Mỗi nhà áng chừng hẹp nhất cũng vài trăm m2, mà rộng thì đến hàng nghìn m2.
Chỉ giới ngăn cách giữa các căn nhà là một hàng rào cây thấp hay một hàng rào bằng gỗ thanh xẻ cao ngang ngực người. Khoảng cách từ vỉa hè đến nhà ở đều lui vào không dưới 15 m đất trống để trồng cỏ, hoa, cây cảnh. Từ đường phố người ta có thể đi thẳng vào nhà, không có rào giậu ngăn cách. Hình như nhà nào nhà nấy đều có ý lùi càng xa mặt đường càng tốt; cũng không nhà nào có ý đề phòng trộm cướp thì phải. Trái ngược hoàn toàn với đường phố ở Việt Nam. Nhà cửa sin sít. Nhà nhà như đều muốn tìm cách lấn thêm ra mặt đường. Cổng cao tường kín. Các cửa sổ đua ra đều hàn kín bằng thép để bảo vệ.
 Đi một đoạn lại thấy một con đường cắt ngang. Nhìn dọc theo những con đường này lại thấy xuất hiện những khung cảnh mới, những rặng cây um tùm mới, những ngôi nhà phôi pha nét thời gian mới, những thảm cỏ mơn mởn mới, những hàng rào hoa mới, những hương vị mới. Tôi cứ đi mải miết, ngắm nhìn. Phố phường như một ô bàn cờ, rộng rãi, thoáng đãng, hài hòa, thơ mộng. Tôi bỗng liên tưởng tới cảm giác của mình về Đà Lạt sau ngày giải phóng. Có một thoáng tương đồng. Cái rộng lớn mênh mông. Cái tĩnh lặng yên ả. Nét trầm tư thâm nghiêm. Nét hoài niệm cổ kính. Ở đây còn gợi cho tôi thêm sự trang trọng, thanh cao; sự sầm uất, hiện đại.
 Mỗi lối đi vào một ngôi nhà đều có chỗ để xe ô tô. Quan sát tôi thấy gần như nhà nào cũng có một đến hai, ba chiếc xe để ở nhà. Đó là chưa kể xe của người đi làm chưa về. Theo thống kê của nhà nước Liên bang, 1000 người dân Mỹ có xấp xỉ 800 ô tô. Như vậy có nghĩa là chỉ trừ người già và trẻ em không được phép sở hữu phương tiện này, còn lại mỗi người trong độ tuổi lao động Mỹ đều sở hữu ít nhất một chiếc xe ô tô. Chỉ cần bạn đi qua một vài con phố ở đây thôi cũng nhận thấy thống kê trên là hoàn toàn chính xác.
Ô tô đi lại như mắc cửi, như thoi đưa nhưng cảm giác chung về con người thì lại rất vắng. Rất ít gặp người đi trên đường. Hoặc người ta đi làm hoặc người ta ở trong nhà. Trẻ em thì không thấy một bóng. Có lẽ tất cả đều ở trường học. Thi thoảng mới gặp một người đi bộ. Phần lớn là những người đã có tuổi. Mặc dầu tôi là người xa lạ, hơn nữa lại là người Việt, khác hẳn về chủng tộc, hình dáng màu da, nhưng những người da trắng tóc vàng tôi gặp thường mỉm cười và đều chúc tôi một buổi chiều tốt lành.
 Tôi như được sống lại cái không khí tay bắt mặt mừng ở làng quê tôi cách đây khoảng chừng 30 năm trở về trước. Khi đó mọi người ra đường, già trẻ trai gái giáp mặt nhau, thân sơ cứ gặp nhau là chào hỏi. Từ những năm 90 của thế kỷ trước trở lại đây, tốc độ đô thị hóa ở vùng ven đô Hà Nội nhanh đến chóng mặt. Vườn rau ao cá biến thành khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà tư. Nhà cao tầng mọc lên, chen chúc nhau san sát. Người đông lên gấp hàng chục lần. Người trong nội đô đổ xô ra. Người ở tỉnh ngoài đổ dồn về. Mọi người dần dần như người dưng nước lã. Nhà nào nhà nấy đều kín cổng cao tường. Cuộc sống trở nên bon chen, lạnh lùng. Tôi ngỡ tưởng đấy là  hậu quả của quá trình thành thị hóa, Âu hóa. Đến đây tôi mới hiểu Âu hóa của ta là Âu hóa giả cầy.
 Tôi cứ lang thang hết đường phố này đến đường phố khác. Tôi say sưa ngắm nhìn cái  nắng vàng thắm của buổi chiều rực rỡ trên những thảm rừng, những lùm cây, những vạt cỏ, những ngôi nhà, những khu vườn, những khóm hoa, những đàn chim rất lạ ríu rít và cả những cặp chim cu cườm cổ lấp lánh nhởn nhơ ăn hạt trong đám cỏ cây. Một bầu không khí thanh bình, yên tĩnh đến kỳ lạ. Tôi áng chừng mình đã đi tới hàng chục cây số. Không gặp một quán nước, một quán bia, một hàng ăn, một điểm game; không có một tụ điểm tụm năm tụm ba nào tán gẫu. Chẳng lẽ ở đây không ai nhàn rỗi? Tất cả đều đi làm? Báo chí Mỹ kêu ca tỉ lệ thất nghiệp gần tới 7% cơ mà. Những người thất nghiệp đi đâu hết mà không thấy?
 Khác với phố xá  nhà mình. Người người bán hàng, nhà nhà bán hàng. Nhìn trước nhìn sau đều thấy quán nước vỉa hè, quán bia, quán cà phê, hàng ăn, điểm game. Chỉ tính 10 nhà trên đường vào nhà tôi thì đã có hai nhà bán hàng ăn, một hàng nước, một cà phê, một điểm game. Lạ là không lúc nào thiếu vắng bóng người. Riêng điểm game thì thanh thiếu niên suốt ngày dài lại đến đêm thâu, bất kể thời gian nào cũng nườm nượp. Bọn trẻ bỏ học bỏ làm đến những nơi như thế để tụ tập, chơi bời. Tôi vừa đọc một tin trên báo Mỹ, một học sinh trung học phổ thông Mỹ gốc Việt nghỉ học quá hạn bị phạt ngồi tù. Lý do là vì em đó đi làm để kiếm thêm tiền nhằm giúp đỡ cho các em nhỏ trong gia đình. Người dân địa phương đã quyên góp hàng trăm ngàn USD giúp đỡ, dù phải ngồi tù nhưng em đó vẫn từ chối nhận số tiền trên. Thì ra ở nước mình mới có quá nhiều tự do, kể cả tự do trở thành những người thừa của xã hội.
 Tự nhiên tôi nghĩ đến cuộc sống học sinh, sinh viên của mình. Cuộc sống ấy giản đơn, nghèo khó, có lúc đói ăn thiếu mặc nhưng chan hòa tình bạn, tình thầy trò, tình yêu. Cuộc sống ấy gắn liền với sách vở, thấm đẫm thi ca và tiểu thuyết. Cuộc sống ấy thật lãng mạn với những giai điệu du dương, mênh mang, man mát buồn của Nga, Ucraina, các nước cộng hòa Trung Á. Cuộc sống ấy gắn bó với bao kỉ niệm học đường trường Sư phạm, trên đường Cầu Giấy, Dịch Vọng, bên bờ sông Tô, chợ Bưởi, hồ Tây, nơi làng quê sơ tán Liên Trung cạnh con sông Hồng và bao kỉ niêm không thể quên về một thời đạn bom…
 Cuộc sống ngày ấy đầy say mê, nhiệt huyết với lí tưởng. Cuộc sống ấy tràn trề những khát khao hi vọng trong tương lai xã hội chủ nghĩa. Cuộc sống ấy đối với tôi chỉ có một lần, duy nhất, đẹp đẽ nhất. Không thể so sánh cuộc sống thời sinh viên của tôi đẹp hơn hay của các con tôi ở đây đẹp hơn. Tôi cũng không có ý ngầm so sánh giữa hai nền giáo dục đại học Mỹ và Việt Nam, vì sự so sánh đó là quá khập khiễng. Chỉ biết rằng tôi có một thời sinh viên thật đẹp đẽ. Các con tôi chắc cũng vậy. Chúng đang được học và làm việc ở một ngôi trường lí tưởng, được sống ở một thành phố mà tôi đang trải nghiệm thật tuyệt vời. Nuôi dưỡng ước mơ, khuyến khích, động viên các con tôi sang Mỹ học tập chắc là quyết định không sai lầm của tôi.


Read More

Thăm Trường Đại học Missouri

Leave a Comment
Hai giờ sáng tôi thức dậy, không thể nào tiếp tục ngủ được. Ngồi dậy, nhìn qua cửa sổ, trong ánh đèn đường mờ ảo, chỉ thấy gió thổi hoài. Thỉnh thoảng một chiếc xe con vút chạy qua đường, rồi để lại một không gian yên ắng đến vô cùng. Chợt tiếng Bảo o oe ọ ọe. Vân thức dậy se sẽ dỗ dành. Lục đục khoảng ít phút lại thấy ngủ tiếp. Cho đến sáng, Bảo hai lần thức giấc. Như vậy Vân cũng không đến nỗi phải vất vả lắm. Mong cho đứa trẻ này đừng quấy đêm. 
Sáng dậy Thúy chuẩn bị cơm nước cho cả nhà. 9h Giang phải lên lớp học. Thúy sắp xếp mọi thứ cho Vân xong xuôi mới đưa tôi và Lâm đi thăm Trường Đại học Misouri. Trường không có tường rào ngăn cách với bên ngoài. Nhà trọ nằm kề gần trường. Phố xá nằm kề gần trường. Không có sự ngăn cách giữa thành phố và nhà trường. Nhiều con đường nhựa rộng thênh thang từ thành phố chạy thẳng vào trong trường. Mốc giới là một bãi cỏ rộng xanh rờn với những hàng cây to, nhỏ đủ các loại. Qua bãi cỏ, bên trong là thế giới đại học Missouri, bao gồm hàng trăm tòa nhà xen kẽ mà mỗi tòa nhà như ở trong một vườn hoa, một công viên, một vườn bách thảo đầy thơ mộng. Chưa bao giờ tôi được thấy một trường đại học nào thênh thang và quyến rũ đến như vậy. Tôi đã được đi thăm một số trường đại học ở Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam Trung Quốc, một số trường đại học ở Singapore, một số ở Thái Lan. Một vài  trường có thể làm tôi ngỡ ngàng về diện tích, vế kiến trúc nhưng chưa có trường nào làm tôi choáng ngợp như Missouri.
Đại học Missouri - Columbia (University of Missouri-Columbia) được biết đến với các tên như Đại học Missouri, Mizzou hay MU. Đây là trường đại học công lập xây dựng ở phía Nam thành phố Columbia, rộng khoảng 506 ha. Trường thành lập năm 1839, là trường công lập đầu tiên ở  phía Tây sông Misissippi, là lá cờ đầu của hệ thống giáo dục đại học bang Missouri. MU cũng là trường đại học nghiên cứu lớn nhất bang với số lượng tuyển sinh năm nay vượt 34.200 sinh viên đến từ các nơi trong địa bàn của bang, các bang khác của Mỹ và hơn 110 quốc gia trên thế giới. Trường cung cấp trên 270 chương trình, cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thông qua 20 khoa và các trường đại học thành viên. Trường là một trong 6 trường đại học công lập của bang mà các trường trực thuộc như trường y, dược, thú y, luật nằm trong khuôn viên của nhà trường. Ngoài ra nhà trường còn nổi tiếng với các chương trình đào tạo báo chí, nông nghiệp, sinh học. Là một trong 34 trường công lập được chọn là thành viên của Hiệp hội đại học Mỹ, MU cũng được xếp hạng nằm trong top 100 các trường đại học nổi tiếng nhất Hoa Kỳ.
MU có bề dày lịch sử trên 170 năm. Vào năm 1839, Hội đồng lập pháp bang Missouri thông qua Luật Geyer, thành lập quỹ xây dựng một trường đại học của bang. Cùng năm đó, người dân Columbia và hạt Boone tặng cho trường 117.921 USD cùng với đất đai để xây dựng trường. Mảnh đất cuối cùng trường xây dựng ở phía Nam khu trung tâm Downtown Columbia thuộc sở hữu của Jame S. Rollins, người sau này được biết đến như là cha đẻ của trường. Ngôi trường được thiết kế một phần dựa trên đồ án nguyên gốc của Thomas Jefferson cho Đại học Virginia. Tấm bia mộ gốc của Jefferson đã được những người thừa kế của ông tặng cho MU vào tháng Bảy năm 1883.
Năm 1864 khi  cuộc nội chiến diễn ra quyết liệt, Ban Quản trị nhà trường quyết định dừng hoạt động. Vì trường để trống nên cư dân Columbia đã thành lập một lực lượng tự vệ. Lực lượng này trở nên nổi tiếng với tên “ Mãnh hổ Columbia” (Fighting Tiger of Columbia). Cái tên đặt đó nhằm phản ánh tính kiên cường của người dân nhằm đánh trả bất cứ lực lượng nào có ý định cướp bóc, xâm phạm thành phố và ngôi trường thân yêu của họ. Sau đó, vào năm 1890, một cựu sinh viên nhà trường đề nghị đội bóng bầu dục mới thành lập của trường đặt tên là “Tiger” nhằm tôn vinh những người đã chiến đấu để bảo vệ Columbia, bảo vệ trường. Từ đó hình tượng con hổ đã trở thành một trong những biểu tượng của nhà trường.
Sau nội chiến, trường dần dần phát triển. Các trường đại học chuyên ngành trực thuộc Đại học Missouri lần lượt được thành lập: Trường Đại học Nông nghiệp, Thực phẩm và Tài nguyên Thiên nhiên. Năm 1888, Trạm Thí nghiệm Nông nghiệp Missouri khai trương. Sự kiện này đã dẫn đến việc hoàn thành 10 trung tâm và phòng nghiên cứu nông nghiệp của miền Trung Missouri. Tiếp theo đó Khoa Luật, Y, Dược cũng được thành lập.
Ngày 9/1/1882 tòa nhà Academic Hall bị hỏa hoạn bốc cháy. Vụ hỏa hoạn này đã thiêu cháy hoàn toàn ngôi nhà, chỉ còn lại sáu cột đá đứng trơ trụi làm nhân chứng cho đến nay. Sáu cột đá này cũng trở thành biểu tượng của nhà trường và hình thành nên khu trung tâm của sân Francis, phần cổ kính nhất của ngôi trường. Cuối phía Nam của sân trong là tòa nhà Jess Hall được xây năm 1895 thay thế cho tòa nhà Academic Hall. Tòa nhà Jesse Hall là công trình kiến trúc đẹp nổi tiếng, là trụ sở của văn phòng hành chính nhà trường; đồng thời còn là phòng sân khấu, thính phòng Jesse. Khu vực xung quanh sân trong, nơi có nhiều tòa nhà được xây bằng gạch đỏ gọi là Campus đỏ. Phía Đông sân trong có rất nhiều tòa nhà được xây dựng vào đầu những năm 1900 bằng đá vôi trắng. Khu vực này được gọi là Campus trắng.
Năm 1908, Khoa báo chí đầu tiên trên thế giới được mở tại MU. Khoa trở nên nổi tiếng toàn cầu nhờ vào “phương pháp Misssouri”, phương pháp giảng dạy dựa trên việc sở hữu KOMU - TV, chi nhánh cho hãng truyền hình NBC/CW tại khu vực Columbia và thành phố Jeferson. Đó là một đài truyền hình thương mại đầy bản lĩnh, là phòng thực tập cho sinh viên Khoa báo chí của trường.. Khoa báo chí MU còn thành lập riêng tờ báo “Columbia Missourian” nhằm rèn luyện cho sinh viên các kĩ năng viết phóng sự, biên tập dưới sự quản lí của những biên tập viên chuyên nghiệp nổi tiếng.
Từ sau Chiến tranh thế giới lần thư hai đến nay, các trường đại học của Mỹ phát triển với một nhịp độ phi thường. MU cũng không nằm ngoài sự phát triển đó. Số sinh viên quốc tế nhập trường mỗi năm đều tăng, năm sau tăng hơn năm trước. Theo thống kê có hơn 262.000 cựu sinh viên học Đại học Missouri đang sống và làm việc trên khắp thế giới, trong đó có tới một nửa tiếp tục ở lại sinh sống và làm việc tại Missouri.
Với tôi dù cách xa ngàn dặm, bây giờ mới có dịp đến thăm thì MU vẫn là một phần trong cuộc sống của bản thân tôi từ lâu rồi. Các con tôi, hai con gái, con rể đã và đang học tập, làm việc tại MU. Chính tại ngôi trường này, tất cả các con tôi đều được nhà trường cấp tiền sinh hoạt phí, bao gồm ăn, ở, học tập, bảo hiểm cho chương trình cao học và nghiên cứu sinh. Nơi đây đã nuôi dưỡng những ước mơ đẹp, những khát khao tuổi trẻ, những hoài bão tuổi thanh xuân, rồi cả tình yêu, hạnh phúccủa các con tôi. Nơi đây cũng cưu mang, chia xẻ chín tháng nhọc nhằn với các con gái tôi. Nơi đây cũng đón nhận tiếng khóc chào đời ngọt ngào của các cháu tôi. Tôi muốn gửi tới nhà trường, gửi tới những người trên mảnh đất xa lạ đã từng giúp đỡ con, cháu tôi lòng biết ơn vô hạn.
Trời ấm áp. Ánh nắng tràn ngập khắp các khu vực trường. Thúy đi trước giới thiệu tỉ mỉ, chi tiết khuôn viên trường với trên 160 khối nhà, 5 ngàn cây cổ thụ. Có thể nói một cách khái quát, toàn bộ trường là một khu vực sinh thái, một công viên bách thảo. Các khu vực trong nhà trường có thể chia ra làm nhiều phần. Khu Campus đỏ bao gồm Sân Davis R.Francis, Tòa nhà Jess Hall, Tòa nhà Switler Hall. Khu Campus trắng có Đài tưởng niệm Union. Khu Công viên Thể thao MU có Trung tâm Hearnes, Sân vận động Memorial, Sân Mizzou Arena, Sân vận động Walton. Khu Công viên nghiên cứu Discovery Ridge có nhiều tòa nhà bề thế. Khu Công viên nghiên cứu MU có Trung tâm nghiên cứu lò phản ứng. Khu Campus phía Đông rợp trong rừng cây. Khu Bệnh viện và Phòng khám Trường Đại học Missouri bao gồm Bệnh viện Columbia, Trung tâm Ung thư Ellis Fischel, Bệnh viên Trường Misssouri, Bệnh viện Cựu chiến binh Truman. Khu Lemone không khác gì một tổ hợp công nghiệp…
Tôi đẩy chiếc xe của Lâm đi bám theo sau cô “hướng dẫn viên” con gái. Lâm ngồi trên xe cũng ngó nghiêng nhìn quanh, rất ngoan. Thỉnh thoảng tôi tranh thủ chỉ cho cháu nhìn từng đàn chim  ríu rít sà xuống, đang bay nhảy trên bãi cỏ xanh non. Tôi chỉ cho cháu thấy những con sóc vàng ươm, cái bông đuôi của chúng vểnh lên ngoe nguẩy, con mắt chúng lay láy nhìn khách qua đường thật đáng yêu. Tôi cũng chỉ cho cháu dõi theo những đàn thỏ hoang màu ghi, màu trắng chuyển từ bụi cây này sang bụi cây khác; những đàn bướm đủ mầu bay từ vườn hoa này sang vườn hoa khác. Có vẻ Lâm thích lắm. Dù mới hai tuổi nhưng nếu thường xuyên cho cháu ra ngoài vận động, ngày ngày nói chuyện với cháu, bắt đầu dạy cháu những kĩ năng ban đầu, tôi nghĩ hình như cháu có thể tiếp nhận được rất nhiều thứ.
Thúy nói với tôi đã mấy lần thấy đại bàng cắp thỏ bay đi trong sân trường. Ở khu vực ký túc xá gia đình dành cho học viên nghiên cứu sinh, chúng tôi còn chứng kiến hươu nai đi lại quanh khu nhà. Những cây gỗ đổ để mục ven rừng cũng không có ai lấy mang đi. Đến quả rụng bên đường cũng chẳng ai nhặt. Pháp luật nước Mỹ bảo vệ rất nghiêm ngặt thế giới sinh vật hoang dã. Không một ai dám động đến chúng. Thậm chí khi đi đường có một con vật bị thương nằm trên mặt đường, tất cả xe cộ tự giác dừng lại, phải chờ xe của người cứu hộ mang chúng đi cấp cứu, mọi người mới tiếp tục đi. Bạn chỉ đánh con chó, con mèo nuôi trong nhà một roi thôi thì đã bị ra tòa vì tội ngược đãi súc vật. Tôi bỗng thấy xót xa cho những cánh rừng Việt Nam hàng ngày, hàng giờ bị lâm tặc tàn phá lấy gỗ. Đàn voi rừng Tây Nguyên sắp tuyệt chủng vì bị người ta giết chúng lấy ngà, lấy lông đuôi voi. Con tê giác cuối cùng của rừng Cát Tiên vừa bị người ta sát hại để lấy chiếc sừng. Đúng là hai xã hội, hai cấp độ văn minh hoàn toàn khác nhau. Người dân ở đây đã biết cách chung sống với thiên nhiên, chung sống với muôn loài.
Chúng tôi thống nhất với nhau chỉ đi tham quan bên ngoài để nắm những nét tổng thể, còn nội dung bên trong sẽ đi vào hôm khác. Ba ông con lướt qua các khoa: Cao học, Quản lí công Truman, Luật, Báo chí, Điều dưỡng Sinclair, Ytế, Ydược, Công tác xã hội, Khoa học Thông tin và Tiếp thu công nghệ, Quản trị kinh doanh Crosby, kế toán, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tài nguyên thiên nhiên. Chúng tôi cũng đi lướt qua các trường đại học thành viên: Đại học Nông nghiệp Thực phẩm và Tài nguyên, Đại học Nghệ thuật và Khoa học, Đại học Kinh tế Trulaske, Đại học Giáo dục, Đại học Kỹ thuật, Đại học Khoa học Môi trường Nhân văn, Đại hoc Thú y… Tôi dừng lại khá lâu trước tượng đồng Thomas Jefferson. Thúy chụp cho tôi mấy kiểu ảnh đứng ngồi cạnh bậc vĩ nhân làm kỷ niệm.Tôi thoáng chút bối rối và ngại ngần, cố tìm vị trí đứng ngồi khiêm tốn bên ông. Thúy hiểu ý tôi, cười:
-       Chỉ là một bức tượng thôi mà ba. Khách khứa và sinh viên chúng con khi mới đến trường ai mà chẳng chụp với “Anh’’ ấy.
-       Ba đã từng nghiên cứu môn Hoa Kỳ học nên biết chút ít về Jefferson. Có nhiều lí do người ta lựa chọn con người này là một trong số bốn tổng thống Mỹ được tạc hình lên trên ngọn núi Rushmore.
Bức tượng Thomas Jefferson ở trường Đại học Missouri mang nhiều ý nghĩa. Đây là hình ảnh ông lúc còn rất trẻ, nên sinh viên trong trường vẫn thường gọi ông là “Anh’’. Tôi ngắm nhìn Jeferson ngồi đó trẻ trung, tự tin tràn đầy sức sống trong nắng gió của đất trời, ngào ngạt hoa thơm và tiếng dào dạt của muôn ngàn cây lá. Khung cảnh xung quanh ông gợi lên cho người ta cái cảm giác bình dị, thân thiết vừa gần gũi vừa cao sang. Bức tượng người thanh niên mặc bộ quần áo chẽn, chiếc gilê khoác bên ngoài, đầu ngẩng cao, mái tóc như làn sóng lượn, tay trái chống ghế, tay phải cầm chiếc bút lông đặt trên chồng giấy. Khuôn mặt, ánh mắt người thanh niên đầy vẻ suy tư nhưng tất cả đều toát lên vẻ nhiệt thành, quyết đoán. Đúng là vẻ đẹp của một con người đã hiến dâng cả tuổi trẻ, tình yêu cho lí tưởng tự do, bình đẳng.
Thomas Jefferson sinh năm 1743 tại Shadwell bang Virginia trong một gia đình gốc Anh. Ông là Tổng thống thứ ba của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, là người thành lập ra một chính đảng tư sản, người theo chủ nghĩa tự do nhiệt thành lớn nhất thời cận đại. Thuở nhỏ ông học tại quê nhà. Hết phổ thông ông theo đuổi ngành luật tại Đại học William & Mary. Năm 23 tuổi trở thành luật sư. Năm 30 tuổi được cử làm thành viên đại biểu bang Virginia. Ông đóng vai trò tích cực trong phong trào đấu tranh chống thực dân Anh giành độc lập cho Hoa Kỳ. Những kiến nghị của Jefferson được tóm tắt trong quyển sách: Những quan điểm chính về các quyền của nước Mỹ. Quyển sách này cùng với nhân cách và tài năng đã đưa ông lên vị trí những nhà cách mạng hàng đầu. Tiếp theo ông được các cộng sự tín nhiệm chọn là người viết Tuyên ngôn Độc lập năm 1776. Năm 1783, Jefferson được bầu làm Thống đốc bang Virginia. Năm 1789 được cử làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Năm1800 đắc cử Tổng thống Mỹ. Sau hai nhiệm kỳ đứng đầu Chính quyền Mỹ, Jefferson cống hiến những năm cuối đời cho việc thành lập Trường Đại học Virginia, công trình được ông xem là quan trọng nhất trong cuộc đời. Jefferson mất ngày 4 tháng 7 năm 1826 ở Monticello, hưởng thọ 83 tuổi. Trên bia mộ ông có mang dòng chữ: “Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của Thomas Jefferson, tác giả bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ, tác giả Luật Virginia về tự do tín ngưỡng và là cha đẻ của Trường Đại học Virginia”.
 Tôi nghĩ những cống hiến vĩ đại về tinh thần và vật chất của Jefferson không chỉ cô đúc, gói gọn trong hàng chữ trên bia mộ ông. Trong thời gian làm Tổng thống Hoa Kỳ, việc ông quyết định mua  bằng được vùng đất lãnh thổ của Pháp Louisiana về cho Hoa Kỳ là một quyết định lịch sử. Nó không chỉ đơn thuần đem lại cho nước Mỹ thêm 2.140.000 km2 bao gồm gần như toàn bộ và một phần lãnh thổ 15 bang. Nó tạo ra một nước Mỹ có lãnh thổ từ bờ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương, từ đường biên giới phía bắc giáp Canada tới biên giới phía nam giáp Mêxico, để rồi 150 năm sau, nước Mỹ vươn lên trở thành một cường quốc, một siêu cường. Có thể nói quyết định năm 1803 (Louisiana Purchase) và những việc làm cho giáo dục của ông đã góp phần không nhỏ để tạo ra một nước Mỹ có vị thế đi tiên phong về nhiều mặt trên thế giới như ngày hôm nay. Tôi bộc bạch những suy nghĩ, cảm xúc của mình về một con người, về một bức tượng với con gái. Thúy phân vân hỏi lại.
-       Ba đánh giá ông ấy có cao quá không?
-       Ba làm khóa luận bộ môn Hoa Kỳ học về đề tài này và được một giáo sư Mỹ, một giáo sư Việt chấp nhận. Nhận xét của ba về vai trò của ông ấy có thể chưa thật chính xác, nhưng trong thâm tâm ba thực sự kính trọng Thomas Jefferson. Ba còn được biết Thomas Jefferson là một tổng thống rất nghèo. Ông phải vay nợ trong suốt cuộc đời mình, trong đó có cả trách nhiệm kế thừa một khoản nợ từ cha vợ. Nguồn thu nhập chính từ đồn điền, từ lương bổng không đủ chi tiêu. Cho đến cuối đời, ông nợ nhiều đến nỗi phải đệ đơn lên bang Virginia xin bán đấu giá đất tư, nhưng bang đã từ chối. Chỉ sau khi ông chết, bất động sản của ông mới được bán đấu giá để trả nợ. Còn người con gái của ông thì phải sống nhờ quỹ từ thiện. Ba mong muốn rằng những nhà lãnh đạo các nước chỉ cần liêm khiết, công tư phân minh bằng một phần trăm Thomas Jefferson và Hồ Chí Minh thôi thì người dân của các dân tộc đó cũng đã được thụ hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn hiện tại rất nhiều. Thật đáng tiếc, dân trao cho họ chức vụ và quyền hạn để làm việc cho dân cho nước nhưng họ đã lạm dụng làm giầu cho bản thân và cho lợi ích nhóm cá nhân của họ.
-       Ở những xã hội còn lạc hậu, độc đoán, tham nhũng là chuyện thường tình.
-       Theo ba có lẽ nhất châu Phi, nhì châu Á.
-       Còn ở đất nước mình?

-       Đang trở thành vấn đề quốc nạn.
Read More

Đến sân bay quốc tế Larmbert- St. Louis và thành phố Columbia bang Missori, Hoa Kỳ

Leave a Comment
Từ sân bay quốc tế Dallass bang Texas đến sân bay quốc tế Lambert – St. Luis bang Missouri đối với tôi là cả một chặng đường rất dài. Không còn bóng một người Việt, không còn ai để trò chuyện, tôi bắt đầu cảm thấy nơi đất khách quê người thật trống trải. Cái cảm giác này giống như cái cảm giác vào năm 1972 khi tôi đi bộ lang thang dọc con sông Sê Pôn của Lào. Lúc đó, tôi ngắm nhìn con sông rộng, trong vắt đến tận đáy. Hai bên bờ sông là những cây me to lớn, quả chín đen. Tôi nhặt một chùm quả, thử ăn thấy ngòn ngọt. Tôi bỗng nhớ đến cây me ở nhà, mẹ tôi vẫn ra hái lá để luộc cùng với nồi canh rau muống. Nỗi nhớ nhà ập đến cồn cào. Không gian trước mắt tôi mênh mang đến vô định. Bây giờ trên máy bay, dù đông người tôi vẫn có cái cảm giác ấy. Nhưng cái cảm giác đó chỉ thoáng qua, vì tôi biết rằng tôi sắp được gặp các con tôi, chúng đang chờ tôi ở Missouri.
Bang Missouri là bang nằm ở miền Trung Tây Hoa Kì. Bang có diện tích 180.533 km2 với dân số trên 6 triệu người. Đây là bang đông dân thứ 18 và bang rộng thứ 21 trong số 50 bang của Hoa Kì. Hiến pháp hiện thời của Missouri là bản hiến pháp thứ tư. Nó quy định các cơ quan quyền lực của nhà nước bang bao gồm cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. Cơ quan lập pháp gồm hai viện: Hạ viện và thượng viện. Hạ viện có 163 thành viên được phân bổ dựa trên đầu dân. Thượng viện có 34 thành viên đại diện cho 114 quận và đơn vị tương đương. Cơ quan hành pháp đứng đầu là thống đốc và một nội các năm thành viên. Ngành tư pháp bao gồm tòa án tối cao với bẩy thẩm phán và các tòa án phúc thẩm, sơ thẩm. Thành phố Jefferson là thủ phủ của bang. Tổng sản phẩm quốc nội của bang năm 2012 xấp xỉ 230 tỉ đô la, tức là gấp hơn hai lần tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam. Thu nhập bình quân đầu người trên 36.000 đô la, xếp thứ 26 về thu nhập trong số các bang. Các ngành công nghiệp chủ yếu bao gồm hàng không vũ trụ, thiết bị giao thông vận tải, thiết bị điện, hóa chất, công nghiệp chế biến thực phẩm. Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là gia súc như thịt bò, thịt lợn, ngựa, sữa và gia cầm, đậu nành, lúa gạo, ngô, cỏ khô, rượu vang.
Sân bay quốc tế Larmbert - St. Louis là sân bay quốc tế hạng B thuộc bang Missouri. Sân bay phục vụ khách đi đến Thành phố St. Luis, thành phố lớn thứ hai của Missouri và phục vụ khách của cả vùng đại đô thị St. Louis. Sân bay nằm ở phía tây bắc thành phố và cách thành phố 16 km. Đây là sân bay khá tấp nập của bang với 250 chuyến bay mỗi ngày đến 88 địa điểm khắp nước Mỹ và thế giới. Trong năm 2010, nơi đây có 12,3 triệu lượt khách được phục vụ.
Thành phố St. Louis được các nhà buôn Pháp thành lập năm 1764 (khi đó là vùng đất lãnh thổ Louisiana thuộc Pháp), lấy theo tên một vị vua Pháp: Louis, được phong thánh Saint vào thế kỷ XIII. St. Louis là thành phố ở phía đông của bang Missouri, trải dài 31 km dọc theo bờ tây sông Mississippi với diện tích 160,3 km2. Năm 1876 thành phố được cơ quan lập pháp của bang Missouri cho hưởng quy chế thành phố độc lập, tách ra khỏi các quận St. Louis, thời ấy là khu vực nông thôn nghèo.
Nằm trong vùng đại đô thị St. Louis (đại đô thị St. Louis bao gồm 11 quận, diện tích 15.865 km2),  St. Louis là thành phố lớn thứ 2 của bang Missouri. Theo thống kê mới nhất dân số thành phố có 354.361 người. Chính quyền thành phố bao gồm một hội đồng thị trưởng, một thị trưởng và sáu thành viên dân cử cùng với một hội đồng lập pháp 28 thành viên được bầu theo các khu vực trong thành phố. Có nhiều trường đại học và cao đẳng trong thành phố. Tiêu biểu là Trường Đại hoc Saint Louis, Đại học Harris Stove, Đại hoc St Luis, Đại học Washington, Viên Nghệ thuật và Kinh doanh...Thành phố cũng là một trong những đầu mối giao thông, trung tâm kinh tế, công nghiệp, công nghệ sinh học, thương mại, văn hóa, giáo dục của cả khu vực.
Thành phố là tổng hòa của những nét truyền thống và hiện đại. Cái cũ, cái mới đan xen hài hòa trong không gian yên bình của những hàng cây xanh mướt ven đường. Vẻ đẹp của phố xưa nhà cũ được giữ gìn bảo quản bên cạnh những tòa nhà hiện đại: Những tòa nhà bằng đá mang phong cách thời St Luis được xây dựng từ thế kỉ XIX, những tòa nhà mang phong cách phục hưng cổ điển Hy Lạp ở khu Soulard, những tòa nhà chọc trời như AT & T Center, Ngân hàng Quốc gia Plaza, Tòa án Hoa Kỳ, Holtel Thiên kỉ... Độc đáo trong mắt du khách là những tòa nhà xây bằng gạch đỏ cổ kính bên cạnh những tòa nhà cao tầng xây bằng kính, bằng kim loại sáng loáng. Thăm thành phố, du khách còn được thưởng ngoạn những dẫy phố biệt thự xinh xắn như nằm ẩn trong rừng cây. Những khu bảo tàng lịch sử, khoa học, nghệ thuật trầm mặc hài hòa với khung cảnh bên ngoài. Tất cả đều có vẻ tĩnh lặng, thơ mộng nhưng bên trong vô cùng náo nhiệt sôi động. Bên cạnh vẻ đẹp đó là những trường đại học, cao đẳng vừa cổ kính, thâm nghiêm vừa gần gụi duyên dáng… Và ấn tượng nhất là cánh cổng vòm  bằng thép không rỉ liền khối cao vút 192 m in trên nền trời xanh ngắt của thành phố bên bờ sông Mississippi. Công trình kỷ niệm này được xây dựng năm 1965 để tưởng nhớ đến vai trò, vị trí của St. Louis trong thời kỳ Tây tiến, mở rộng lãnh thổ nối liền Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.
Khoảng 5 giờ chiều, Giang lái xe đón tôi về. Giang ở thị trấn Chương Mỹ, Hà Nội. sinh năm 1982 trong một gia đình nghèo, cha mất sớm, mẹ là cán bộ thư viện đã về hưu. Ở trung học phổ thông, Giang theo học khối chuyên toán Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Được tuyển chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia, Giang là một trong những học sinh xuất sắc đã giành được nhiều giải cao trong các kỳ thi cấp quốc gia. Vào đại học, học tại Khoa Công nghệ Thông tin Trường Đại học Công nghệ. Sau đó, Giang tiếp tục theo học cao học, được nhà trường giữ lại làm giáo viên giảng dạy tại trường. Theo đuổi giảng đường là một giấc mơ nhưng cuộc sống túng bấn quá buộc Giang phải bỏ nghề dạy học, xoay sở làm cho các doanh nghiệp. Sau một thời gian bươn chải, trụ lại ở tập đoàn viễn thông. Năm 2010 xây dựng gia đình với Vân, con gái thứ hai của tôi. Tháng 8 năm 2011, Giang xin được học bổng sang làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Missouri.
Hai cha con gặp nhau trên đất Mỹ sau một thời gian xa cách, thật mừng. Giang vẫn như ngày ở nhà. Sang Mỹ bao ngày rồi mà chẳng thấy béo lên chút nào.
-       Ba đi đường thế nào, có ngủ được chút nào trên máy bay không,Giang vồn vã hỏi rồi chuyển hành lý của tôi lên xe.  
-       Hơi mệt một chút thôi. Hai mẹ con Vân, hai mẹ con chị Thúy khỏe không?
-       Bình thường ba ạ. Ba có đói không? Con đưa ba đi ăn chút gì nhé?
-       Thôi về nhà cùng ăn cho vui.
-       Thế ba tranh thủ ngủ đi, hơn một tiếng mới về đến nhà đấy.
Trời bắt đầu mưa.Tôi không nhìn thấy gì ngoài ánh đèn pha ô tô và dòng nước xối xả hai bên đường. Mặc dù mỏi và cay mắt nhưng tôi không buồn ngủ. Những kỷ niệm từ thuở xa xưa với hai cô con gái Thúy và Vân cứ ùa về. Cả hai lúc nhỏ đều khỏe mạnh, bụ bẫm, xinh xắn, ít quấy, gần như không bao giờ bỏ bữa, kể cả lúc mọc răng. Sao thế hệ chúng tôi nuôi con nhàn thế. Bà nội tôi, người chăm bẵm hai bé khi vợ tôi đi làm từ lúc các con mới hai tháng tuổi, dáng người gầy guộc nhỏ nhắn. Bà thường ngủ gà ngủ gật, nhưng tay vẫn nắm dây đu võng, cứ có tiếng ọ ẹ bà lại đu cùng với những lời du ngọt ngào, tha thiết…Thấm thoắt thế mà đã mấy chục năm trôi qua. Thuý thì mới đưa con về thăm nhà; còn Vân thì đến 2 năm tôi chưa gặp lại.
Hai năm trước, tôi cùng gia đình Giang tiễn Vân ra sân bay Nội Bài. Cưới nhau không được bao lâu, hai đứa đã phải xa nhau. Thật ái ngại. Tôi vô cùng biết ơn ông bà nội Giang, mẹ Giang và nhất là Giang đã đồng ý cho Vân sang Mỹ du học. Vợ chồng tôi và cô con gái đầu vẫn hằng mong mỏi Vân được đi du học. Tôi muốn Vân theo chuyên ngành quản lý, phân tích và hoạch định chính sách giáo dục. Tôi muốn Vân được tiếp cận với một nền giáo dục tiên tiến, muốn Vân học tập, hiểu biết, nghiên cứu về nền giáo dục phổ thông của một quốc gia đã bước vào thời kỳ hậu công nghiệp. Tôi muốn Vân tự tin hơn về kiến thức chuyên ngành, về ngôn ngữ để sau này khi vào nghề dạy học thêm vững vàng, cái nghề mà 14 người trong đại gia đình lớn của tôi đang theo đuổi với rất nhiều trăn trở. Tôi biết đó cũng là ước mơ da diết trong lòng Vân ngay từ những năm cuối học đại học, những năm đầu mới ra trường. Và bước đầu chúng tôi đã hoàn thành tâm nguyện. Mừng hơn nữa Vân mới sinh cháu trai đầu lòng, được 3 ngày. Như vậy tôi đã lên chức ông trong vòng hai năm liên tiếp. Đó cũng là cột mốc hạnh phúc nữa trong cuộc đời tôi.
Mưa đã tạnh. Giang cho biết cơn mưa lớn bất thường như vừa rồi là rất hiếm hoi ở vùng Trung Mỹ. Mưa to đến nỗi chúng tôi có lúc phải dừng xe lại để chờ cho ngớt. Cũng chính vì mưa, chúng tôi về hơi muộn. Thành phố quận lị Columbia đã lên đèn. Thành phố nằm ở trung tâm quận Boone thuộc bang miền Trung Missouri. Chính quyền thành phố bao gồm một hội đồng thành phố (City Council)bảy người theo nhiệm kì bầu cử và một người phụ trách công việc hành chính (City Manager). Trong số bẩy người được bầu theo các khu vực trong thành phố có một người được tất cả các cử tri trong thành phố trực tiếp bầu làm thị trưởng. Columbia là thành phố lớn thứ 15, thành phố lớn nhất miền Trung Misouri, dân số bao gồm 166.000 người. Trong số đó, trên một nửa dân số đạt trình độ đại học, một phần tư trên đại học. Thành phố Columbia được xếp thứ 16 trong số các thành phố của Mỹ có trình độ dân trí, trình độ giáo dục cao.
Từ hàng ngàn năm trước, người dân bản địa Mỹ đã xây dựng nên nền văn hóa đồi gò nổi tiếng Misissippi ở vùng này. Khi những nhà thám hiểm, những người định cư châu Âu, trong đó có người Pháp, rồi những người gốc Phi đến định cư ở đây, họ đã mang đến vùng đất này nền văn hóa riêng của dân tộc mình. Trải qua hàng trăm năm phát triển, nó đã tạo thành một nền văn hóa  mang đặc trưng của Mỹ và của riêng vùng đất dọc theo sông Misissippi. Năm 1818, một số người định cư đã sáp nhập Công ty địa ốc Smithton và phần mua mới 8,1 km2 thành lập ngôi làng với tên ban đầu là Smithton, gần khu trung tâm thành phố ngày nay. Năm 1821 người ta đổi lại tên là Columbia, cái tên rất quen thuộc qua bao thăng trầm của lịch sử vẫn tồn tại và trở thành tên định danh của thành phố nổi tiếng miền Trung Misouri.  Với việc thành lập Trường Đại học Missouri năm 1839, tiếp đó là Trường Cao đẳng Steven dành riêng cho phụ nữ năm 1893, Trường Cao đẳng Columbia năm 1851 và nhiều cơ sở y học, nông nghiệp, thành phố Columbia nổi lên như một trung tâm nghiên cứu và giáo dục không những của bang mà còn của cả vùng Trung Mỹ.
Nằm trong thung lũng của nhánh sông Mississippi, vị trí của Columbia gần như ở giữa hai vùng đô thị lớn thuộc bang Missouri: St. Luis và Kansas. Columbia cách St. Luis 110 km về phía Đông, cách Kansas 160 km về phía Tây. Kinh tế của Columbia khá đa dạng. Giống như St. Luis và Kansas, lao động trong lĩnh vực công nghiệp trong ba thập niên gần đây của thành phố liên tục giảm. Lao động trong khu vực dịch vụ tăng lên rất nhanh, đặc biệt là dịch vụ giáo dục, y tế , bảo hiểm, kỹ thuật, thú y… Columbia có mức sống khá cao, đã từng được bình chọn trong top 10 thành phố tốt nhất để sinh sống. Thành phố có nhiều địa điểm nổi tiếng cho du khách thưởng ngoạn như: Đại học Misouri-Columbia (MU), Sân vận động Faurot, Tổ hợp cửa hàng Shakespeare Pizza, Tòa nhà hành chính Jese Hall nằm trong MU, Điểm âm nhạc thành phố Blue Note, Trường Đại hoc College Stephen, Trung tâm Thương mại bao gồm cửa hàng bách hóa, ngân hàng, ăn uống, giải trí Columbia Mall, Tổ hợp khách sạn đa chức năng Tiger Hotel, Thư viện công cộng Columbia Library, Trung tâm thành phố và là di tích lịch sử Downtown Columbia…
Vợ chồng Giang ở một khu căn hộ ba tầng biệt lập, bên phải có một bãi để hàng chục xe ô tô, xung quanh bao phủ um tùm cây cối lớn nhỏ như một cánh rừng cổ thụ. Đằng trước ngôi nhà là con đường cao tốc. Bên kia con đường là rừng cây. Hương thơm đâu đó cứ thoang thoảng xen lẫn mùi ngai ngái của cỏ dại. Tôi có cảm giác mình đang ở trong một khu rừng chứ không phải ở trong một thành phố. Trời về đêm, ở đây vẫn còn rất lạnh. Mở cửa đi vào bên trong ngôi nhà, không  khí thật ấm áp. Phòng vợ chồng Giang thuê bên góc trái trên tầng ba. Nghe tiếng chúng tôi bên ngoài, Thúy ra mở cửa.
-       Ba! Ba và chú giờ mới về. Chắc phải trú mưa.
-       Em vừa phải trú mưa vừa phải đi chậm.
Vân bế cháu từ phòng ngủ ra chào ông. Tôi ôm cháu vào lòng và ngồi xuống ghế. Cháu gần ba cân, vậy mà bé tí tẹo thế này - Không cẩn thận thì lọt tay mất - Tôi cảm thấy như có ai nhắc nhở phải lưu ý khi bế cháu. Tôi ngắm nghía trò chuyện với bé Bảo, cố hình dung xem cháu giống ba hay mẹ. Thật khó thấy, dường như không có nét nào của Vân lúc bé. Có lẽ có nét nào đó của Giang, hay đúng hơn là của bà nội cháu. Tôi nói bỡn với cháu, con trai thì nên giống ba, còn con gái thì cũng nên giống cha. Một lúc sau tôi mới nhớ không có Lâm, vội hỏi:
-       Thế còn Lâm đâu?
-       Cháu chờ ông mãi không thấy ông về nên ngủ rồi. Mai cháu gặp ông chắc mừng lắm. Ông ra ăn cơm không mọi thứ nguội hết cả.
Cả nhà nhà quây quần bên bàn ăn. Tôi ước gì có nhà tôi và Hoài Anh, chồng Thúy ở đây nữa, niềm vui sẽ trọn vẹn hơn. Biết làm thế nào, hoàn cảnh như thế này mà có một cuộc hội ngộ đoàn viên đầy đủ mọi người trong gia đình thì quả thật là khó.


Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.