Thung lũng A Sầu

Leave a Comment
Xe chúng tôi đến thung lũng A Sầu vào lúc 4 giờ chiều. Thật ngỡ ngàng vì không thể tưởng tượng được cái thung lũng hoang dại, hẻo lánh vùng biên cương, cái túi đựng hàng vạn tấn bom đạn Mỹ, khu vực làm “đông máu kẻ thù”, làm đông máu các chiến sỹ giải phóng trên dưới 50 năm trước, nay là thị trấn A Lưới sầm uất, khang trang, đẹp đẽ như trong mơ. Cái thung lũng hoang vu ngày nào bạt ngàn cỏ cây, sim mua với những con đường lầy lội, hậu cứ của các đơn vị thuộc Sư đoàn 324, nơi tăng gia trồng hàng chục vạn gốc sắn chống đói bỗng hóa thân thành một phố núi bình yên, thơ mộng đến say đắm. 
A Sầu là một thung lũng nằm ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm trên biên giới Việt-Lào. Thung lũng này trải dài gần 40 km theo hướng bắc nam trên khu vực đất trũng bằng phẳng. Chiều rộng chỗ hẹp nhất khoảng 1 km, chỗ rộng nhất khoảng 3 km. Hai bên là những dãy núi cao, rừng rậm quanh năm sương mù bao phủ. Thung lũng A Sầu là một vị trí trọng yếu trong những năm tháng chống Mỹ, là tuyến đường chiến lược vận chuyển người, vũ khí đạn dược và hàng hóa vào chiến trường miền Nam theo tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. 
Con đường Hồ Chí Minh giờ đây trải nhựa hai làn phẳng lỳ đi xuyên qua thị trấn. Hai bên đường là nhà cửa san sát. Các cơ quan của huyện lỵ A Lưới nằm rải rác cùng với nhà dân như những bức tranh nép sau từng dẫy núi mơ màng hơi sương. Nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng các dân tộc, khu bảo tàng các dân tộc, trung tâm thông tin du lịch A Lưới mang nét kiến trúc ngôi nhà chung của các dân tộc thiểu số Tà Ôi, Vân Kiều, Cơ Tu… nằm trên sườn đồi thông già cao ngất sừng sững, xanh um. Cảnh đẹp nao lòng khiến chúng tôi phải dừng xe lại để ngắm nhìn… 
Vào đầu những năm 1960, Quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tập trung xây dựng các cụm căn cứ quân sự ở A Sầu (A So), Tà Bạt (A Co), A Lưới với hỏa lực cực mạnh và liên hoàn gồm pháo binh, thiết giáp và máy bay yểm trợ. Suốt ngày đêm kẻ địch lùng sục, đánh phá, nhằm chặt đứt tuyến vận tải chi viện Quân Giải Phóng. Về phía chúng ta, buộc phải khai thông tuyến đường 559 qua khu vực Trị-Thiên, đó là nhiệm vụ của Sư đoàn 325B cùng với bộ đội địa phương và dân quân du kích các dân tộc thiểu số miền tây Trị-Thiên.
Trận đánh vào căn cứ A Sầu là một trong những trận đánh quan trọng đầu tiên trong cuộc Chiến tranh. Trận đánh này diễn ra từ ngày 9 tháng 3 đến ngày 10 tháng 3 năm 1966 tại Thung lũng A Sầu. 5 giờ sáng ngày 10/3/1966, các trung đoàn 95, 101, 88 thuộc sư 325 B được trang bị cối 120, DKZ, cối 82 phối hợp cùng quân dân địa phương các xã Hồng Hạ, Hồng Quảng, Hồng Bắc, Hương Lâm... đã đồng loạt nổ súng tiến công. Ðến 10 giờ 11/3, lá cờ giải phóng tung bay trên cứ điểm A Sầu. Chính tại căn cứ này lính Mỹ đã xả súng bắn vào lính Quân đội Việt Nam Cộng hòa để lên máy bay trực thăng tháo chạy. Trận này chúng ta hy sinh và bị thương mất mấy trăm chiến sỹ. Phía Hoa Kỳ và VNCH bị loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1000 lính. Nhiều máy bay, pháo, cối các loại bị phá hủy.
Sau trận đánh A Sầu, 5 năm liền tại thung lũng A Sầu, lực lượng của 3 sư đoàn Thủy quân lục chiến, Kỵ binh bay và Dù Mỹ đã giao chiến với các lực lượng Quân Giải phóng, chủ yếu là Sư 324. Đáng chú ý nhất là trận trên đồi A Bia, trận đánh cuối cùng của Mỹ-Ngụy giành quyền kiểm soát thung lung A Sầu, trận đánh theo người Mỹ là “trận đánh gay go nhất, khủng khiếp nhất, đẫm máu nhất trong lich sử chiến tranh Viêt Nam”. Hai tiểu đoàn Dù thuộc Sư đoàn Dù 101 cùng một tiểu đoàn quân lực Việt Nam Cộng hòa tấn công lên động A Bia do Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 8 và Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 3 thuộc Sư 324 chốt giữ. Với sự yểm trợ của máy bay B52, máy bay phản lực, trực thăng vũ trang, hàng chục trận địa pháo, trong 10 ngày chúng tổ chức 7 đợt tấn công và đã phải đi qua một cối xay thịt đánh chiếm quả đồi, để rồi cuối cùng phải tháo chạy sau một tháng. “Giấc mơ kiểm soát thung lũng A Sầu của hai đời tổng tư lệnh quân đội Mỹ ở Việt nam mãi mãi chỉ là một giấc mơ”…
Đại diện các ban ngành tỉnh Thừa Thiên, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện A Lưới, đại diện Sư đoàn 324, Thiếu tướng Võ Chót, nguyên Sư trưởng Sư 324, nguyên phó tư lệnh Quân khu 4 cùng nhiều cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ đã tham dự trận đánh A Bia ở nhà khách đã chờ đợi những người đến sau như chúng tôi. Tất cả mọi người đều đang chuẩn bị tài liệu trước Hội nghị góp ý cho cuộc hội thảo sắp tới: A Bia, trận đánh lịch sử làm rung chuyển Lầu Năm Góc và nước Mỹ. 
Chúng tôi đều hy vọng qua sự kiện này, thung lũng A Sầu với nhiều địa danh như Tà bạt, A Lưới, Động A So, Đèo Mẹ ơi, Suối máu, Đồi A Bia… được nhà nước công nhận là di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia. Đặc biệt là trên đồi A Bia sẽ được xây dựng một tượng đài để tôn vinh, ghi nhớ công ơn hàng ngàn chiến sỹ các l;ực lượng vũ trang cùng nhân dân các dân tộc huyện A Lưới đã hy sinh anh dũng vì độc lập tự do của Tổ quốc. Chúng tôi cũng hy vọng nơi đây là một địa chỉ giáo dục truyền thống, một địa chỉ du lịch văn hóa- lịch sử, tâm linh của cả nước bên cạnh cố đô Huế với bao thành quách, lăng tẩm, với sông Hương núi Ngự… 
Một đại biểu lo lắng hỏi tôi: “Liệu các cấp có công nhận thung lũng A Sầu và A bia là di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia không”. Tôi nghĩ chẳng lẽ gần một vạn hai trăm nghìn chiến sỹ Sư đoàn 324 hy sinh trên mặt trận Trị Thiên, trong số đó có rất nhiều liệt sỹ nằm xuống nơi này; hàng ngàn chiến sỹ sư đoàn 325 và các sư đoàn khác cùng hàng ngàn cán bộ chiến sỹ bộ đội địa phương, dân quân du kích và nhân dân huyện A Lưới đã hiến dâng cuộc sống của họ cho mảnh đất này chưa đủ để thuyết phục các cấp công nhận thung lung A Sầu và A Bia là di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia hay sao? Vấn đề là con người, là thủ tục giấy tờ, là quy trình, là thời gian… Dù sao đi chăng nữa thì vẫn phải chờ đợi. Nhưng với những người lính từng ở mặt trận Trị Thiên,thung lũng A Sầu đã là di lịch sử trong tâm tưởng từ rất lâu rồi.
Ghi chú: những từ trong ngoặc kép tôi trích dẫn từ cuốn Đồi Thịt băm và Đại bàng gào thét trong vòng vây của các tác giả người Mỹ.
Read More

Đầu Mầu, ký ức của những người lính

Leave a Comment
Hôm nay có công việc, chúng tôi đi dọc đường Hồ Chí Minh, con đường hàng triệu người lính và thanh niên xung phong năm nào xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Xe chúng tôi dừng lại ở Đầu Mầu trước một đài cao tám mái áp vào chân núi. Bên trong là một bức tượng Phật bà, hướng ánh mắt từ bi nhìn ra phía xa rừng núi bao la, trập trùng của huyện Do Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa. Ở khu vực này, vào tháng 6-1966, nhằm ngăn chặn âm mưu của Mỹ- Ngụy muốn mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, nhằm làm giảm áp lực các cuộc tấn công ở các mặt trận phía nam , nhằm kéo quân Mỹ ra vùng rừng núi hiểm trở để tiêu diệt, Quân ủy trung ương đã quyết định mở Mặt trận đường 9-Bắc Quảng Trị.
Mở màn chiến dịch là trận Đầu Mầu, tiểu đoàn 8, Trung đoàn 90, Sư 324 diệt gọn một đại đội biệt động quân. Tiếp theo các trung đoàn thuộc Sư 324 nổ súng diệt một loạt chốt điểm ở Cùa, Miến Hòa, Bản Hiệu, Phượng Nghĩa… Đông Hà và thị xã Quảng Trị bị uy hiếp, kẻ địch đổ một tiểu đoàn dù xuống khu vực Lèn 300t. Tiểu đoàn 9 của đã bố trí sẵn ở khu vực này bắn cháy 5 trực thăng khiến kế hoạch đổ quân của địch không thực hiện được. Quân Mỹ-Ngụy buộc phải đưa quân ra Quảng Trị. Sư đoàn 324 triển khai quân khắp nơi hiểm yếu, liên tục đánh những trận nhỏ như Cù Đinh, Ba De, Quán Ngang…
16 ngày sau trận Đầu Mầu, tại Đà Nẵng, Đại tướng Wesmoreland, tư lệnh quân Mỹ ở Nam Việt Nam và Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh vùng 1 chiến thuật thống nhất kế hoạch đối phó với Quân Giải phóng, đưa Sư đoàn Thủy quân lục chiến số 3 từ Chu Lai ra Trị Thiên, mở cuộc hành quân 11 tiểu đoàn mang tên Hat-xtinh với sự yểm trợ tối đa của B52, máy bay chiến thuật và pháo cối các loại nhằm “tìm diệt” quân chủ lực Bắc Việt. Đây là trận đầu tiên các trung đoàn chủ lực thuộc sư 324 đọ sức trực tiếp với quân chiến đấu Mỹ-Ngụy.
Hàng trăm máy bay trực thăng chở từng trung đội lính Mỹ, cứ mỗi tốp 3 máy bay chúng liên tục đổ quân 8 giờ liền xuống khắp núi rừng Bắc Quảng Trị. Chúng không ngờ sư đoàn 324 đã chiếm giữ các điểm cao, đang chờ đợi, sẵn sàng chiến đấu. Sự xuất hiện trên chiến trường một lực lượng áp đảo về quân số, mật độ hỏa lực dày đặc của địch khiến quân ta gặp khó khăn không ít, nhất là chiến thuật nhảy cóc đổ quân chiếm điểm cao, chặn đường tiếp tế liên lạc của quân ta. Tuy nhiên, với tinh thần chiến đấu quả cảm Sư đoàn 324 đã tiêu diệt hàng ngàn quân Mỹ-Ngụy.
Tại cao điểm 402, có một đại đội Mỹ chốt giữ, khống chế đường cơ động của ta. Dưới chân cao điểm là một điểm tập kết thương binh các nơi về, chờ dân công bờ Bắc vào chuyển lương thực đạn dược vào và chuyển anh em bị thương ra. Quân số các chiến sỹ ta hy sinh lên tới hàng trăm, con số bị thương lên tới gần 500. Tình thế hết sức ngặt nghèo. Tuy nhiên lính Mỹ chốt trên đỉnh cao không dám lùng sục ra xung quanh nên anh em được tạm yên trong mấy ngày, nhưng dân công từ xa thì không thể tiếp cận thương binh.
17 giờ ngày 17-7, lợi dụng gió to làm lay động cành lá trên cao điểm, đại đội 3 tiểu đoàn 9 dưới sự chỉ huy của đồng chí Vũ Thang đội hình quân ta tiếp cận mục tiêu rồi dùng hỏa lực đi cùng khống chế địch để bộ binh ta áp sát. Bọn địch dường như đã nhận ra mối nguy hiểm sắp ập xuống đầu nên chuẩn bị rút quân bằng trực thăng. Đại đội 3 nổ súng mãnh liệt. Bọn chốt giữ trên đỉnh đồi bỏ chạy xuống sườn đồi 402 chờ trực thăng bốc đi. Khi đại đội 3 lên được đỉnh đồi thì đã có 3 trực thăng chở quân đã cất cánh chạy thoát. Còn lại 5 chiếc đang bốc quân mới ì ạch cất cánh độ cao 30, 40 mét. Tiểu liên và trung liên toàn đại đội đồng loạt nổ súng. Cả 5 chiếc rơi ngay tại chỗ bốc cháy dữ dội. Không có một tiếng súng bắn trả. Trận đánh kết thúc chưa đến nửa giờ… Sau đó lại tiếp tục hàng ngàn qủa đạn, hàng trăm loạt bom thù lại dội xuống…
Tôi đã đọc hồi ký Trung đoàn một thời máu lửa của Đại Tá Hồ Hữu Lạn, đã đọc hồi ký Từ châu thổ sông Hồng tới Sông Hương xứ Huế, Lịch sử Sư đoàn 324, đã nghe các tướng tá, chiến sỹ kể nhiều về chiến dịch này, nơi chúng tôi đang đứng. Chiến dịch kéo dài nhiều ngày, nhiều sườn núi, ngọn đồi có hàng trăm xác chiến sỹ của chúng ta và hàng trăm xác lính Mỹ- Ngụy không kịp chuyển đi. Mưa lũ ập xuống kéo trôi xuống sông xuống suối…
Đại tá Hồ Hữu Lạn, Thiếu tá Hà Minh Đô và tôi cứ lặng nhìn núi rừng bao la, trập trùng. Không ai nói với ai. Mọi người chìm tron quá khứ. Chiến tranh đã khép lại từ lâu. Tất cả là màu xanh nâu bạt ngàn của rừng núi, màu xanh xám của bầu trời đầu mùa đông Quảng Trị. Không còn sót lại một di chứng nào của chiến tranh. Không có một tượng đài tôn vinh, kỷ niệm trận chiến cấp sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam với Sư đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ. Chỉ có một bức tượng phật và tiếng tụng kinh từ chân bức tượng vọng vang theo gió ngàn.
Read More

Về với Cao Bằng

Leave a Comment
Tôi đã nhiều lần lên Cao Bằng, một tỉnh nằm ở phía Đông Bắc Việt nam, nơi tiếp giáp Khu Tự trị người Choang thuộc tỉnh Quảng Tây Trung Quốc với đường biên dài trên 334,4km. Lần này tôi cùng anh em đồng đội đến thắp hương tưởng niệm Tướng Chu Phương Đới và thăm một số cựu chiến binh Sư đoàn 324 tại Cao Bằng.
Lúc cuối đời tôi có một số dịp gặp Tướng Chu Phương Đới, người con ưu tú của dân tôc Tày, người anh hùng của rừng núi Trị Thiên, người bạn của các dân tộc Lào. Ông quê xã Hưng Đạo, Hòa an, Cao Bằng. Ông đã từng chỉ huy Sư đoàn 325 đánh Mỹ-Ngụy ở Đắc Tô ở chiến trường Tây Nguyên, chỉ huy Sư đoàn 324 đánh Mỹ-Ngụy ở Quảng Trị, Thừa thiên từ giữa những năm 1960. Sư đoàn 324 ra quân đánh Mỹ đầu tiên đã tiêu diệt căn cứ Đầu Mầu, đánh bại cuộc hành quân hắc tinh tinh của Mỹ. Sư đoàn đánh chiếm căn cứ Cù Đinh, Ba De mở ra một thời kỳ mới thu hút chủ lực Mỹ - Ngụy ra Mặt trận đường 9 để tiêu diệt vào năm 1966-1967. Ông còn gắn bó mãi với Sư đoàn đến năm 1987 sau khi nhận nhiệm vụ làm Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Lào.
Năm 2006 khi Tướng Chu Đới nằm ở Bệnh viện Y học Dân tộc Quân đội tại Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội, tôi đã cùng đoàn cán bộ chiến sĩ cựu chiến binh Hà Nội thuộc sư 324 đến thăm hỏi bệnh tình ông. Lúc đó ông vẫn còn khỏe, còn kể lại cho chúng tôi nghe thời hoạt đông cách mạng, thời trai trẻ đánh Pháp ở Việt Bắc, ở Điện Biên Phủ như thế nào. Ông cũng kể cho chúng tôi nghe thời kì học ở Nga, ông chọn một đề tài giả định gây sốc cho toàn học viện. Đó là cuộc chiến tranh xâm lược do Trung Quốc phát động mà ông là một chỉ huy quân đoàn phụ trách bảo vệ vùng biên cương hai tỉnh Cao bằng và Lạng Sơn. Lúc đó ông buồn rầu nói với chúng: “Thế mà sau đó có chiến tranh thật”. 
Tôi rất tò mò về đề tài này. Tôi hỏi ông “Tại sao ông lại giả định về cuộc chiến tranh Trung - Việt” . Ông mỉm cười: “Mình cũng chỉ nhân đọc về cuộc chiến Trung – Ấn và cuộc chiến Trung – Xô mà chợt nghĩ ra thôi”. Trầm ngâm một lát ông nói tiếp: “Nhưng từ trong ký ức lịch sử dân tộc, mình có cái cảm giác cảnh giác nào đó, mặc dù không rõ nét”.
Lúc đó tôi rất ngạc nhiên và đã nảy ra ý định viết một cuốn sách về Tướng Chu Phương Đới. Tôi đã dự định dành nhiều thời gian đến Viện Y học để khai thác tài liệu sống từ con người ông. Thật đáng buồn, vì mải bận bát cơm manh áo mà tôi không thực hiên được điều đó. Một năm sau ông rời khỏi thế giới này.
Tôi rất ấn tượng với phong cách điềm đạm, cởi mở, quần chúng của vị tướng này. Hôm đó ông vẫn còn hát theo anh em chúng tôi bài hát “Vang mãi khúc quân hành”: Đời mình là một khúc quân hành, đời mình là bài ca chiến đấu, ta ca vang, triền miên qua tháng ngày… Chúng tôi hát, hát say sưa để ngợi ca, tưởng nhớ những người lính và cũng để tôn vinh cuộc đời binh nghiệp sáng ngời của ông.
Năm 2007 tôi cùng anh em cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 3 ở Hà Nội lên Cao Bằng thăm ông. Lúc đến nhà ông, trời về chiều, chỉ còn vài tia nắng nhạt nhòa. Chúng tôi đều ngỡ ngàng, ngậm ngùi. Ba gian nhà ngói nhỏ bé ông ở cùng gia đình hòa lẫn với tất cả những ngôi nhà xung quanh bản người Tày. Trước ngôi nhà còn có một khoảng sân lát gạch nung cũ kỹ. Cách sân vài mét là hàng rào cây gốc tần, ô rô. Trong cái khoảng trống tạm gọi là khu vườn, các đồng đội của ông đã trồng một ít thanh long, một số loại cây ăn quả và hoa đặc trưng của các vùng miền khi về thăm ông.
Bước vào nhà, tất cả đều rất đơn sơ, giản dị. Từ nền gạch hoa bằng xi măng xa xưa cái thời bao cấp đến mọi đồ vật bày biện trong nhà đều không có dấu hiệu gì là nhà của một ông tướng. Cái tủ ba ngăn kê sát vách giữa nhà đồng thời là giường thờ, bên trên có bát hương thờ ảnh Bác Hồ. Phía trước tủ là một bộ bàn ghế tràng kỷ như của bao gia đình nông thôn Việt Nam. Ông ngồi trên giường, người trông gầy sọp. Bên cạnh ông, Tướng Minh Long, người đồng đội gắn bó với ông nhiều năm ở chiến trường đã bỏ nhà cửa ở Thành Phố Hồ Chí Minh lên Cao Bằng chăm sóc ông như người em ruột. Tướng Minh Long phải quàng tay ôm đỡ lấy ông ngồi dậy. 
Ông bắt tay từng người trong đoàn. Đến lượt tôi, tôi chúc ông nhanh chóng khỏe mạnh, để lần sau cùng an hem chúng tôi lên thăm hang Pác Pó, thác Bản Giốc. Ông dường như không muốn rời tay tôi. Đôi mắt ông nhìn tôi rất lạ, giống như ánh mắt níu kéo của cụ tôi, bà tôi nhìn người thân trước lúc đi xa. Linh cảm mách tôi chuyện chẳng lành. Đúng như vậy, khoảng nửa đêm hôm đó, chúng tôi nhận được tin ông mất.
Ngày hôm sau, Đảng nhà nước và Bộ Quốc phòng, các đoàn đại diện cho Đảng và nhà nước Lào, các địa phương, người thân, làng xóm, bạn bè, anh em đồng chí ở trong và ngoài nước khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đổ về đưa tiễn Tướng Chu Phương Đới tới nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi biết còn có nhiều người không có điều kiện về Cao Bằng vĩnh biệt người chỉ huy, vị tướng của các vị tướng, người đồng chí, đồng đội trong suốt hai cuộc kháng chiến. Họ sẽ đưa tiễn ông theo cách riêng của mình. Tôi biết ông không phải là vị tướng có cấp bậc cao, không phải là vị tướng thật xuất chúng, nhưng biết bao tướng tá thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay, Sư đoàn Thủy quân lục chiến, Sư đoàn dù Mỹ sau này khi gặp ông và nói về ông với niềm kính trọng, kinh ngạc trước ý chí, tài thao lược của ông. 
Sự ra đi của ông khiến nhiều người trong chúng tôi không cầm được nước mắt. Cả một đời binh nghiệp, qua hai cuộc kháng chiến, trải qua hàng trăm trận đánh với đội quân viễn chinh Pháp và đội quân nhà nghề khét tiếng của đế quốc Mỹ, công lao với quân đội với dân tộc là không nhỏ, nhưng ông về hưu sống thuần với đồng lương hưu, sống một cuộc sống thanh bạch, tĩnh lặng ở một làng dân tộc hẻo lánh. Tôi kính trọng ông vì ông vẫn ấp ủ một mơ ước cho tới trước lúc qua đời, đó là có đủ tư liệu để viết một cuốn sách về người Âu Việt mà có thể hậu duệ sau này là người Tày. Ước mơ đẹp đẽ đó cũng đã theo ông về bên kia thế giới.
Tôi biết đơn vị chính sách quân đội đã xây dựng cho Tướng Chu Phương Đới một căn nhà dưỡng già. Thế nhưng ông lại đem tặng ngôi nhà đó để làm trường mầm non cho các cháu tại quê hương. Tôi cứ tự hỏi mình tại sao có nhiều người lính già lại rơi lệ, thậm chí òa khóc nức nở trong đám tang ông. Nước mắt những người lính này đã khô cạn trong mấy chục năm chinh chiến rồi. Họ đâu có dư nước mắt! Và với tôi ông mãi là một trong những vị tướng đáng kính nhất trong quân đội nhân dân Việt Nam.
Về thắp hương cho ông còn có Thiếu Tướng Lê Huy Mai, nguyên Trưởng ban Trinh sát-Đặc công Sư đoàn 324. Tướng Lê Huy Mai đã kính dâng lên bàn thờ ông cuốn Hồi ký “Từ châu thổ sông Hồng tới sông Hương xứ Huế”. Tôi tin rằng Tướng Chu Phương Đới sẽ rất vui đọc cuốn sách của một chiến sỹ được ông và tập thể cán bộ chiến sỹ Sư đoàn 324 rèn rũa trở thành một vị Tướng như ông, cũng như ông rất vui khi đọc những cuốn hồi ký của các tướng tá, chiến sỹ Sư đoàn 324 và cả của kẻ thù khi viết về sư đoàn 324 của mình. Một lần nữa tôi xin được cầu chúc cho linh hồn ông luôn bình yên, vĩnh hằng ở bên kia thế giới.
Read More

Vẫn chuyện Cao Bằng

Leave a Comment
Thủa học cấp 1, tôi đã biết danh thắng thác bản Giốc, biết anh Kim Đồng. Học cấp 2 biết thành nhà Mạc, biết đến câu ca dao nghẹn ngào đầy nước mắt:
Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trảy nước non Cao Bằng
Lên cấp 3 tôi biết đến hang Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo, nơi khai sinh ra Quân đội nhân dân Việt Nam. Biết Cao bằng là một trong những cái nôi, căn cứ địa cách mạng, căn cứ của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trưởng thành nhập ngũ tôi quen biết một số đồng đội, đồng chí quê Cao Bằng. Thời bao cấp đã có thời gian tôi tới mảnh đất này, mang theo chỉ khâu, chỉ tơ tằm mầu (quê tôi làm nghề này) để bán ở các phiên chợ vùng cao. Khi làm cán bộ quản lý trường trung cấp, cao đẳng năm nào tôi cũng có chuyến công tác lên thành phố và một số huyện lỵ chiêu sinh hết phổ thông về Hà Nội học. Dần dần tôi biết thêm về đồng bào dân tộc Tày, Thái, Dao, Mông… Không biết tự bao giờ Cao Bằng đã trở thành một phần trong cuộc đời tôi.
Về Cao Bằng lần này, tôi theo đoàn cựu chiến binh Hà Nội đến thắp hương tưởng niệm Thiếu tướng Chu Phương Đới. Chúng tôi có dịp đến thăm gia đình anh Lương Ngôn, nguyên Chính trị viên Đại đội hỏa lực Trung đoàn 1, Sư 324. Vì khác trung đoàn nên trong chiến trường tôi không có dịp làm quen với anh. Tôi biết anh từ khi chúng tôi trở lại thăm chiến trường xưa cách đây mấy năm. Thời gian đó tôi dịch xong cuốn “Đồi Thịt băm” của người Mỹ viết về trận đánh trên đồi A Bia thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên. Tôi có tặng một cuốn cho người bạn của anh ở Hà Nội. Đêm trước ngày xuất phát lên đường, anh ngủ ở nhà người bạn đó. Anh đã đọc cuốn sách suốt đêm, cho đến chiều ngày hôm sau.
Chuyến đi về chiến trường xưa kéo dài một tuần. Gần như đêm nào tôi với anh cũng được ban tổ chức chuyến đi phân công ngủ chung một phòng cùng với Đại tá Hồ Hữu Lạn, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3. Chúng tôi thảo luận với nhau từng chi tiết, từng chương trong cuốn sách với diễn biến từng ngày suốt chiến dịch. Anh nhận xét “Sao người Mỹ viết về trận đánh vừa tổng quát vừa tường tận, tỉ mỉ đến thế. Tôi chưa thấy một cuốn sách nào của ta viết về một trận đánh mà khách quan đến như vậy, một trận đánh mà người ta viết đến hơn ba trăm trang sách”. Tôi trả lời anh “tác giả cuốn sách đã dựa vào hàng trăm tài liệu, dựa vào hàng trăm báo cáo, nhật ký từng ngày của ban chỉ huy Lữ đoàn Dù 3, của các tiểu đoàn, các đại đội, các trung đội và các tiểu đội; đặc biệt là dựa vào nội dung phỏng vấn và ghi chép, nhật ký riêng của hàng trăm cựu binh Dù trực tiếp tham gia trận chiến”. 
Tôi cho anh Ngôn biết tôi đã dịch xong một phần cuốn “Đại bàng gào thét trong vòng vây”, cuốn sách người Mỹ viết về trận đánh trên đồi 935 ở mặt trận phía Tây tỉnh Thừa Thiên, trận chiến mà Trung đoàn 1, Sư 324 đánh ở khu vực trung tâm và xung quanh đồi 935, nơi lực lượng Lữ đoàn Dù số 3 của Mỹ chiếm đóng. Đại đội 12,7 ly của anh Ngôn được giao nhiệm vụ bắn rơi tối đa máy bay trực thăng đổ bộ, trực thăng vũ trang và máy bay ném bom cũng như yểm trợ đắc lực cho bộ binh hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm của Mỹ, cứ điểm chiến lược án ngữ con đường đi xuống đồng bằng.
Anh Ngôn rất sốt sắng: “khi nào dịch xong anh gửi ngay cho tôi một cuốn”. Trong chiến dịch, đơn vị anh đã bắn rơi hàng chục máy bay trực thăng, kiềm chế được các loại hỏa lực như pháo, cối trên cao điểm, đóng góp to lớn vào chiến thắng chung. Có nhiều đồng đội anh đã hy sinh, nhiều đồng đội bị thương. Anh cho biết, cá biệt có một ngày trong chiến dịch, đại đội anh hy sinh bị thương tới 12 đồng chí. Một khẩu 12,7 ly bị lính biệt kích Mỹ thu giữ mang về Huế. Cho đến bây giờ anh vẫn còn xót xa và ân hận bởi đã không chỉ huy thật tốt để tổn thất quá lớn. Tôi nói: “Chiến tranh mà. Nếu đơn vị anh không luôn di chuyển, không vận động liên tục, không biết dựa vào địa thế hiểm trở của rừng núi thì với hàng ngàn tấn bom đạn Mỹ dội xuống, chắc chắn đơn vị anh đã bị xóa sổ. Các anh không biết chính đơn vị anh đã bắn rơi một chiếc trực thăng đổ bộ tăng cường quân và đạn dược. Chiếc trực thăng đó rơi vào đúng hầm chứa bom. Xăng dầu từ máy bay lan rộng, bốc cháy. Hàng ngàn tấn đạn pháo, cối dự trữ của ba trận địa pháo, cối phát nổ mấy ngày đêm liền. Toàn bộ trận địa trên cứ điểm chao đảo, rung chuyển trong tiếng đạn nổ mù mịt khói lửa” ... 
Từ chỉ huy Sư đoàn Dù, Lữ đoàn Dù số 3 đến binh lính gần như tê liệt, bạc nhược. Ngay sau đó, người Mỹ đã quyết định bỏ căn cứ tháo chạy. Trân đánh đã báo hiệu ngày thất bại không xa của Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, một chiến lược kéo dài thời gian bảo vệ danh dự cho quân đội Mỹ. Người Mỹ đã ví trận chiến này là một trận Điện biên phủ thứ hai. Đây cũng là trận chiến lớn ác liệt cuối cùng của binh lính Mỹ ở miền Nam, một vết nhơ cay đắng cho quân đội Mỹ. Căn cứ theo cách nhìn của người Mỹ, đơn vị của anh Ngôn đã quyết định sớm số phận trận đánh của Sư Dù mang biệt danh “Đại bàng gào thét” trong sự vây hãm của Trung đoàn 1. Niềm kiêu hãnh về Sư Dù của nước Mỹ đã bị tan biến trước tinh thần quả cảm của cán bộ và chiến sỹ sư đoàn 324. Theo tôi lẽ ra đơn vị của anh Ngôn phải được phong danh hiệu anh hùng, Trung đoàn 1 cũng phải được phong tặng danh hiệu anh hùng. Tôi nói: “Khi nào tôi dịch xong, anh đọc sẽ biết”.
Anh Ngôn nhập ngũ vào giữa những năm 1960. Năm 1966 anh có mặt tại mặt trận phía Tây Quảng trị đánh Mỹ ở Tà Cơn, Cồn Tiên, Dốc Miếu... Trong cuộc Tổng Tấn công năm 1968, anh chỉ huy một phân đội 12,7 ly, phân đội hỏa lực này luôn là mục tiêu của các loại hỏa lực và súng bộ binh Mỹ trong các trận đánh. Anh bị thương nặng phải nằm ở Bệnh viện Dã chiến Hà Đông thuộc Quảng Trị trong khi trung đoàn vẫn tiếp tục đánh tiến lên Phong Điền, Quảng Điền thuộc tỉnh Thừa Thiên. Vết thương chưa kịp lành, anh và 60 đồng đội bị thương dưới sự chỉ huy của anh Lê Huy Mai vừa tự chiến đấu bảo vệ mình, bảo vệ đồng đội, vừa trèo đèo vượt dốc, cắt rừng, vượt qua bao sông suối. Các anh vượt qua hàng trăm km gian nan vất vả, mò mẫm tìm về đơn vị để tiếp tục chiến đấu. Các anh có quyền ở lại tuyến sau, thậm chí có quyền ra Bắc chờ đơn vị, nhưng các anh đã không làm điều đó. Bởi vì phía trước là đồng đội, đồng chí của các anh... 
Anh Ngôn đã tham gia hàng chục trận đánh tiếp theo. Trong đó có trận đánh trên đồi A Bia, A Lưới tháng 5 năm 1969 (người Mỹ gọi là Đồi Thịt băm) và trận đánh trên điểm cao 935 (người Mỹ gọi là Đại bàng gào thét trong vòng vây). Anh cũng tham gia Chiến dịch Đường 9 Nam Lào chiến đấu trên đất bạn. Tất cả các nhiệm vụ cấp trên giao anh đều hoàn thành tốt. Anh đã được tặng thưởng nhiều huân chương, trong đó có huân chương chiến công hạng 2. Cho đến cuối năm 1973 anh bị thương lần thứ 5, hoàn toàn mất sức chiến đấu. Bộ phận chính sách cho anh ra Bắc học văn hóa và chính trị. 
Vừa tốt nghiệp Phân Viện Báo chí, tình hình biên giới phía Bắc bắt đầu căng thẳng, anh Ngôn lại được điều về Cao Bằng. Với kinh nghiệm chiến đấu 8 năm ở chiến trường, anh được cấp trên tin tưởng giao trọng trách xây dựng các điểm phòng ngự trên toàn tuyến Trùng Khánh, trực tiếp chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Khi quân xâm lược Trung Quốc rút chạy về nước, tình hình biên giới ổn định, anh về Ban tuyên huấn tỉnh Cao Bằng công tác cho tới ngày nghỉ hưu. 
Về mặt gia đình, anh Ngôn là người chồng, người cha mẫu mực. Ngày nghỉ anh giúp vợ việc chăn nuôi lợn gà cũng như việc đồng áng một nắng hai sương. Anh chị có năm người con. Tất cả năm cháu đều học đại học. Người thì học Đại học Quân sự, người thì học Đại học Kinh tế Quốc dân, người thì học Đại học Thương Mại… Trong số anh em cựu chiến binh chúng tôi ở Hà Nội, liệu có bao nhiêu người được như anh? Anh đã phải bán đi mảnh đất được phân ở thành phố, từ bỏ một cuộc sống có điều kiện, tiện nghi hơn để lấy tiền nuôi con ăn học. Các con anh thật may mắm có được người cha người mẹ vừa có tầm nhìn, vừa hết lòng vì con cái như vậy!
Sau khi đi thăm một số địa danh tỉnh Cao Bằng, xe của chúng tôi dừng lại ở huyện lỵ Trùng Khánh. Anh Ngôn và chúng tôi phải thuê xe 16 chỗ và taxi về nhà. Con đường nhỏ dài ngoằn ngoèo đưa chúng tôi đi qua bao dãy núi đá tới một bản làng của người Tày, cách biên giới Việt Trung 2 km. Cũng giống như bao bản làng người Tày khác ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, quê hương anh nằm ven chân núi, bên một dòng suối, có khoảng 20 đến 30 nóc nhà. Ở miền biên cương này, nhiều bản người Tày có một chút khác biệt. Những ngôi nhà sàn của các gia đình không trải rộng ra như ở trong nội địa mà co cụm lại, nhà này kề sát nhà kia tựa như một pháo đài nổi lên giữa một thung lũng bao quanh là rừng rú. Phía dưới những ngôi nhà sàn của họ, nhiều gia đình vẫn nuôi lợn gà, trâu bò. Đó chính là nét đặc trưng, cách tự bảo vệ mình ở miền sơn cước như cách Mác nói là để “chống lại kẻ thù hai chân và bốn chân”. 
Chúng tôi đi bộ qua một khoảng rừng mai, vầu thì đến nhà anh Ngôn. Nhiều người trong xóm đổ ra đường “ngắm nghía” đoàn cựu chiến binh. Gần như tất cả mọi người trong đại gia đình anh, đại diện tổ chức đảng, hội cựu chiến binh xã đã chờ đón chúng tôi trong ngôi nhà sàn. Đúng là một buổi đón tiếp, giao lưu trang trọng và thắm tình đồng đội, đồng chí sau bao năm xa cách… Với mỗi người chúng tôi, bên chén rượu cổ truyền say nồng của dân tộc Tày và đặc sản hạt dẻ Trùng Khánh ngọt bùi, biết bao kỷ niệm đời lính lại ùa về…
Trên bàn thờ nhà anh Ngôn là chiếc bát hương thờ tổ tiên. Hai bên có bức diềm vàng vát chéo. Sâu bên trong có một số câu đối đỏ truyền thống của người Tày. Ở phía bên dưới là một bếp lửa, có một vài khúc gỗ âm ỉ cháy theo tục giữ lửa của người Tày. Tôi ngỡ ngàng, sau bao nhiêu năm thoát ly vào Nam ra Bắc, một thời gian dài ở thành phố nhưng anh vẫn giữ nguyên phong tục tập quán của người Tày, một dân tộc có dân số xấp xỉ 1,7 triệu ngườ, đã định cư trên mảnh đất hình chữ S từ thế kỷ thứ nhất trước công nguyên.
Người Tày làm ruộng lúa nước như người Kinh. Họ có nền văn hóa thật đặc sắc. Tính đoàn kết, tính cộng đồng, tương trợ lẫn nhau rất đậm nét. Việc làm nhà, việc dựng vợ gả chồng, việc ma chay là những công việc chung của cả bản. Các gia đình đều mang lương thực, thực phẩm đến cho chủ nhà. Gia đình nào cũng cắt cử người đến làm công cho chủ nhà cho đến khi mọi việc hoàn tất… Có thể nói tất cả những nét văn hóa đẹp đẽ đó thấm đượn trong con người anh Ngôn. Nó biểu hiện qua nét cảm, nét nghĩ của anh, qua hành động, qua cách ứng xử với đồng chí, đồng đội từ ngày nhập ngũ cho đến tận ngày hôm nay.
Anh nói với anh em chúng tôi: “lên đến Cao Bằng thì tôi là chủ. Việc ăn ngủ ở đâu do tôi lo liệu, quyết định”. Đúng là cái chất của một chính trị viên, của một người chỉ huy quyết đoán. Anh chiêu đãi chúng tôi buổi liên hoan, không cho chúng tôi chia sẻ đóng góp. Anh còn tặng chúng tôi mỗi người một túi gạo nếp ong, nếp đặc sản của người Tày, thành quả lao động của anh một mùa vụ. Anh còn muốn đưa chúng tôi đi thăm nhiều nơi, thăm chợ cửa khẩu Trùng Khánh, chợ huyện, chợ phiên vùng biên. Anh còn nhiều dự định nữa nhưng thời gian thì có hạn.
Về chuyện cá nhân, anh dành cho tôi một tình cảm đặc biệt. Sau chuyến đi về thăm chiến trường, anh thường xuyên gọi điện tâm sự chuyện chung, chuyện riêng. Tôi cũng vậy. kể cả chuyện tôi vứt sách vì mấy ngày vẫn không biết chuyển ngữ, biết dịch như thế nào cho đúng với tinh thần của tác giả. Anh động viên tôi và gửi cho tôi ba lần tiền qua bưu điện. Anh muốn “bồi dưỡng chút ít” vì tôi phải “ngày phải đi làm, đêm về dịch sách”. Tôi thật xấu hổ. Ngoài đồng lương hưu ít ỏi, hai tháng một lần anh về Hà Nội khám bệnh lấy thuốc, căn bệnh hiểm nghèo, di chứng những lần bị thương để lại, anh lấy đâu ra tiền dư dật. Vậy mà anh lại gửi tiền cho tôi, một người ở miền núi nghèo hẻo lánh lại gửi tiền cho một người ở miền xuôi, một người về hưu đã lâu lại gửi tiền cho một người dù về hưu nhưng vẫn còn đi làm, dẫu không giầu nhưng có đồng ra đồng vào. Thật là nghịch cảnh. 
Lần thứ ba tôi không đến bưu điện nhận tiền. Bưu điện Thanh trì gọi tới, tôi vẫn không đến. Anh Ngôn gọi điện nhỏ nhẹ: “Của ít lòng nhiều. Nếu anh từ chối, tôi không bằng lòng đâu. Tôi động viên để anh hoàn thành dịch cuốn sách cho đồng đội đấy”. Anh nói vậy thì làm sao tôi có thể khước từ được. Người Tày là như vậy đấy… 
Buổi sáng Cao Bằng se lạnh. Mưa phùn lất phất. Anh bắt tay tiễn đưa chúng tôi lên xe về Hà Nội. Tôi bỗng nhớ tới câu thơ trong bài Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu:
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay
Chiếc xe đã rời xa. Anh vẫn đứng đó với bộ quân phục mới. Trên ngực anh lấp lánh chiếc huy hiệu bác Hồ và tấm Huân chương Chiến công. Cánh tay anh đưa lên vẫy, vẫy, vẫy tạm biệt… Tôi biết anh đang phải chống chọi với bệnh tật, với thời gian để giúp đỡ gia đình, giúp đỡ bản làng và để được đón đồng đội, đồng chí lên Cao Bằng.
Read More

Mỹ đang thiết lập luật chới mới trong thương mại toàn cầu

Leave a Comment
 Trong mấy chục năm qua, chính Mỹ và phương Tây góp phần quyết định lập ra tổ chức thương mại thế giới (WTO) với những nguyên tắc cơ bản như thương mại không phân biệt đối xử, tự do hóa thương mại, bảo hộ nền kinh tế quốc gia bằng hàng rào thuế quan, ổn định trong thương mại, cạnh tranh lành mạnh, nhân nhượng, cam kết… Hiện tại Mỹ và phương Tây lại muốn cải cách WTO, muốn hạn chế những hành vi thao túng thị trường không công bằng. Tại sao vậy?
 Tiến trình toàn cầu hóa gắn liền với sự ra đời của WTO do Mỹ và phương Tây vận hành đã trải qua một quá trình phát triển. Nó đã làm thay đổi bộ mặt hành tinh, làm thay đổi mang tính cấu trúc mà Mỹ và phương Tây lúc đầu chưa dự kiến tới. Trong đó có sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi như Trung Quốc , Ấn Độ, Braxin, Nam Phi… Họ cho rằng những thay đổi đó đã làm suy yếu địa vị tuyệt đối của họ nên họ muốn đơn phương sửa đổi những nguyên tắc thương mại toàn cầu, phủ nhận một số nguyên tắc của WTO. Đặc biệt Tổng thống Mỹ Donald Trump còn muốn xóa bỏ các hiệp ước đa phương, thay vào đó là những hiệp ước song phương có lợi cho Mỹ.
 Mới đây, Tổng thống Mỹ phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc: “Nước Mỹ đã mở cửa nền kinh tế lớn nhất hành tinh với rất ít điều kiện đi kèm. Chúng tôi cho phép hàng hóa nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới tự do qua biên giới. Tuy nhiên đổi lại, các nước khác không cho hàng hóa của chúng tôi được tiếp cận thị trường của họ một cách công bằng và tương xứng. Tệ hơn, một số nước đã lợi dụng sự mở cửa này để phá giá hay trợ giá sản phẩm của họ để có được các lợi thế thương mại không công bằng với Mỹ”. (tôi thấy thực tế có phần đúng là như vậy).
 Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp Quốc ông chủ nhà Trắng cho rằng chính chính sách không công bằng trên đã khiến nước Mỹ thâm hụt thương mại lên tới 800 tủy USD. Và các hoạt động thương mại đã “lấy mất hơn 3 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất, gần ¼ trong số đó liên quan đến ngành thép và 600 nhà máy sau khi Trung Quốc gia nhập WTO. Chúng tôi đã thâm hụt thương mại 13 nghìn tỷ USD trong hơn hai thập kỷ qua (thống kê này là đúng).
 Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu tấn công vào WTO, yêu cầu tổ này phải thay đổi một số quy tắc đã định hình từ khi nó ra đời. Chẳng hạn như nguyên tắc có đi có lại, cân bằng cán thương mại giữa các quốc gia, mở cửa hoàn toàn thị trường… Những điều không những sẽ gây rối loạn trong việc phân công ngành nghề sản xuất theo lợi thế so sánh đã hình thành tự nhiên trong máy chục năm qua trên phạm vi toàn cầu, mà còn đem đến nhiều bất định và rủi ro, kể cả về mặt chính trị (đó là điều Mỹ muốn).
 Thực tế Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kiên quyết hành động từ khi lên cầm quyền. Ông Trump đã hủy bỏ Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), không tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, xem xét lại Hiệp định thương mại xuyên Đại Tây Dương. Mới đây ông Trump đã phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, một đối thủ đang cạnh tranh ngôi vị bá chủ kinh tế, bằng việc đánh thuế từ 10 đến 25% 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu. Nếu Trung Quốc trả đũa ông tiếp tục đánh thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại của Trung Quốc vào Mỹ.
 Tổng thống Trump đại diện cho ý chí của nước Mỹ đang  quyết tâm viết lại luật chơi mới để nước Mỹ không tiếp tục thâm hụt thương mại và nợ công khổng lồ. Phải chăng thế giới đang ở vào đêm trước của một biến động lớn. Xem ra rất có khả năng như vậy. Mục tiêu của Washington là biến nước Mỹ trở thành một nước xuất siêu thương mại, chí ít cũng là cân bằng thương mại với các thị trường đang có ưu thế như EU, Trung Quốc, khôi phục lại vị thế của Mỹ trong ngành chế tạo toàn cầu, bảo đảm nước Mỹ dẫn đầu toàn diện về kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật. Chính quyền Mỹ đã và đang vận dụng sức mạnh tổng hợp quốc gia để loại bỏ bất cứ khả năng nào xuất hiện “kẻ” thách thức nước Mỹ.
 Giới quan sát quốc tế đang chăm chú theo dõi. Xem ra Tổng thống Trump mặc dù bị không ít quốc gia phản đối, không ít người Mỹ phản đối, nhưng bước đầu ông ta đã giành được một số lợi thế. Kinh tế Mỹ tăng trưởng ấn tượng (3,2%, mức cao nhất trong nhiều năm qua và có thể kéo dài trong những năm tới). Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong ba thập niên trở lại đây. Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ mới bắt đầu tiến triển. Tổng thống Trump và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu đạt được hiệp định mới trên cơ sở Hiệp định thương mại xuyên Đại Tây Dương ngày 25/7. Hai bên đã tránh một cuộc chiến mậu dịch, mở ra mối quan hệ mới lớn mạnh hai bên cùng có lợi. Tổng thống Trump và người đồng cấp Hàn Quốc cũng ký kết Hiệp định thương mại tự do mới Mỹ-Hàn. Theo dự kiến, Nhật Bản cũng thỏa hiệp sắp ký kết với Mỹ một hiệp định mới…
 Một số học giả Trung Quốc cho rằng Tổng thống Trump đang gây ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Điều này sẽ làm thay đổi nhận thức của các nước về trật tự kinh tế thế giới, về mối quan hệ quốc tế trong thế kỷ 2. Nó sẽ dẫn đến hàng loạt những phản ứng dây chuyền. Nó có thể làm cho nền kịnh tế thế giới suy thoái bởi chủ nghĩa bảo hộ giống như cuộc đại suy thoái năm 1929-1933 của thế kỷ trước với bóng dáng của một cuộc chiến tranh thế giới mới. Tôi không tin những nhận định như vậy. Chỉ đơn giản là chính quyền Mỹ đang viết lại luật chơi mới trong một hoàn cảnh mới.

 Liệu nước Mỹ có thể vượt qua được thách thức mới, “trở nên vĩ đại trở lại” như đã từng vượt qua được các thách thức trong lịch sử để trở thành một siêu cường trong thế giới toàn cầu hóa đầy biến động này?
Read More

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã chính thức bắt đầu

Leave a Comment
Không còn là những lời dọa dẫm, Tổng thống Donald Trump đã quyết định áp dụng tăng mức thuế 25% đối với 36 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc (TQ) vào Mỹ bắt đầu ngày 6 tháng 7. Hai tuần sau thời điểm này, Mỹ sẽ tiếp tục áp dụng mức thuế trên với 14 tỷ USD hàng hóa TQ vào Mỹ nhằm trừng phạt TQ gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, dẫn tới thâm hụt thương mại hai nước cực kỳ lớn (Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc 130 tỷ USD, Trung quốc xuất khẩu sang Mỹ 506 tỷ USD).
Ngay lập tức Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng và lên án Mỹ vi phạm nguyên tắc của WTO, làm tổn hại đến sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu, và lên án hành động chèn ép thương mại của Mỹ không khác gì tự bắn vào chân mình, làm tổn hại đến đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ông Trump ra lệnh nếu TQ áp thuế đáp trả, Bộ Thương mại Mỹ sẽ trình danh sách 200 tỷ USD hàng hóa tiếp tục bị áp thuế 10%. Tiếp nữ đó là 300USD bị áp thuế theo công thức 50 + 200 + 300, vượt số lượng tiền toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của TQ sang Mỹ. 
Như vậy là cuộc chiến thương mại đã chính thức khai hỏa.
Theo quan điểm của tôi, chiến tranh, dù chỉ là chiến tranh thương mại, cũng không bên nào có lợi ích cả. Nó không chỉ ảnh hưởng đến hai quốc gia mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, khuyến khích chủ nghĩa bảo hộ, có thể gây ra khủng hoảng. Tốt nhất là TQ và Mỹ nên ngồi lại với nhau để tìm ra phướng án nhằm giảm thâm hụt thương mại nghiêm trọng. 
Tôi không bênh vực Mỹ, nhưng chắc chắn TQ phải có bước đi thích hợp đáp ứng yêu cầu của Mỹ nếu không muốn mất đi dòng vốn xuất khẩu trên 500 tỷ USD vào Mỹ. Với cuộc chiến này, TQ mất rất nhiều, được rất ít, nếu không muốn nói là được con số âm. Trước mắt, TQ chỉ có 3 phương án. Một là tự giới hạn xuất khẩu vào Mỹ và tẩy chay hàng hóa của Mỹ. Hai là kiên quyết đảm bảo quyền sở hữ trí tuệ, chống hàng nhái hàng giả trong nước, mở tung thị trường để tiêu thụ thêm một lượng hàng hóa dịch vụ Mỹ gần 400 tỷ USD. Ba là thương lượng theo những điều kiện của Mỹ. Cả 3 phương án này đều là những trái đắng mà người TQ phải nuốt.
Đây là một dịp để TQ nhìn lại mình. Hàng chục nước có thâm hụt thương mại với TQ từ 20 tỷ đến 30 tỷ USD trong nhiều năm nay như Việt Nam đã nhiều lần kêu gọi TQ tìm biện pháp giảm thâm hụt thương mại, nhưng Chính quyền TQ đều lờ đi. Hoặc có miễn cưỡng ngồi váo bàn đàm phán, thì phía TQ trả lời ráo hoảnh “TQ không tìm kiếm thặng dư thương mại. Sở dĩ thâm hụt thương mại là do trình độ kinh tế giữa hai quốc gia gây ra”.
Đã gieo gió thì phải gặp bão, Chính quyền TQ nên nhớ rằng, người ta có thể ăn được của một người hoặc của nhiều người, nhưng người ta không thể ăn được của tất cả mọi người. Cũng như trong vấn đề bành trướng lãnh thổ, người ta có thể áp chế được một quốc gia hoặc một số quốc gia để chiếm lấy đất, lấy biển, nhưng người ta không thể áp chế được tất cả thế giới, chống lại cả thế giới để chiếm lấy đất, lấy biển. Bài học chống lại cả thế giới trong quá khứ như phát xít Đức và phát xít Nhật đều phải nhận hậu quả vô cùng nặng nề. Ây vậy mà TQ không tự nhìn nhận lại mình. Thật nực cười, họ đang la làng, phản ứng như là một nạn nhân bảo vệ cho nền kinh tế toàn cầu.
Read More

Những thỏa thuận đạt được trong quan hệ Mỹ- Triều

Leave a Comment
Ngày hôm qua,12/6/2018 Mỹ và Triều Tiên đã thông qua tuyên bố chung, một thỏa thuận gồm 4 điểm chính: 1, Thiết lập mối quan hệ mới giữa hai nước vì hòa bình và thịnh vượng; 2, Nỗ lực xây dựng nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên; 3, Tái khẳng định cam kết trong Tuyên bố Panmunjom nhằm phi hạt nhân háo bán đảo Triều Tiên; 4, Thúc đẩy công tác tìm kiếm hài cốt các quân nhân trong chiến tranh.
Nhiều nhà quan sát quốc tế cách đây mấy tháng đều cho rằng tình hình Bắc Tiều tiên cũng như vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên đã đến độ, nhưng tất cả đều không thể ngờ rằng có một cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Kim-Trump nhanh chóng đến như vậy.
Khi Tổng thống Donald Trump mới lên cầm quyền tôi có đặt vấn đề liệu Kim-Trump có thể vượt qua mọi trở ngại để làm nên lịch sử (xin xem bài viết về tình hình bán đảo Triều Tiên của tôi trong blogchiasett)? Và họ đã làm được cái điều dư luận thế giới mong muốn. Riêng Mỹ cùng các đồng minh đạt được vấn đề quan trọng nhất là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, lý do mà họ tăng cường tập trận, cũng như siết chặt cấm vận. Bắc Triều Tiên thì đạt được vấn đề quan trọng nhất là đảm bảo an ninh, hòa bình, lý do họ mà bằng mọi giá để phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Mặc dù có nhiều bình luận trái chiều, mặc dù mọi người đều cho rằng con đường phía trước còn nhiều chông gai, nhưng tôi tin kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều sẽ đem lại hòa bình cho hai miền Triều Tiên, cho Đông Bắc Á và thế giới.
Read More

Hội nghị Cấp cao An ninh châu Á và phản ứng của các nước ASEAN

Leave a Comment
Hội nghị Cấp cao An ninh châu Á lần thứ 17 thay còn gọi là Đối thoại Shangri-la 17 đã khép lại. Hội nghị đã thu hút 40 quốc gia, các tổ chức quốc tế, trong đó có đầy đủ 10 thành viên ASEAN và tất cả các cường quốc trên thế giới. Vẫn như năm trước, hội nghị thảo luận nhiều vấn đề quốc tế như tình hình bán đảo Triều Tiên, vấn đề Biển Đông và việc định hình trật tự an ninh châu Á đang biến đổi, cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, vấn đề an ninh an toàn hàng hải, hàng không…
Vấn đề nóng nhất vẫn là tình hình bán đảo Triều Tiên và vấn đề Trung Quốc tăng cường quân sự hóa Biển Đông. Hai điểm nóng này có thể gây ra xung đột bất cứ lúc nào. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chủ quyền của nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Xét kỹ, vấn đề Triều Tiên đang có chiều hướng giảm nhiệt trong thời gian tới, nhưng vấn đề Biển Đông tôi cho nó mới chỉ bắt đầu giai đoạn góp gió để trở thành cơn bão trong tương lai.
Mỹ, Anh, Pháp, Australia và một số nước đã lên án, chỉ trích hành động gia tăng quân sự của Trung Quốc như đưa máy bay ném bom, tên lửa hành trình chống hạm, tên lửa đất đối không và các thiết bị quân sự đến các đảo xây dựng trái phép ở Trường Sa và Hoàng sa của Việt Nam nhằm thực hiện tham vọng bành trướng lâu dài.
Có một vấn đề tôi thấy Hội nghị không nói đến là việc Trung quốc còn biến lực lượng hải cảnh, lực lượng dân quân tự vệ đánh cá như một lực lượng vũ trang trá hình tăng cường sức ép đe dọa các nước xung quanh nhằm thực hiện hóa đường lưỡi bò để độc chiếm Biển Đông. ASEAN chính là nạn nhân của đường lối cường quyền của Trung Quốc nhưng họ lại không hề lên tiếng phản đối, chỉ trích trực tiếp người láng giềng khổng lồ đầy dã tâm này. Hầu như tất cả các nước đều diễn một bài mà các nhà quan sát đều thuộc lòng như tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế này nọ… Từng quốc gia, vì lý do nào đó có thể mềm mỏng trong việc ứng xử với Trung Quốc. Vấn đề tế nhị này có thể hiểu được nhưng cả một tập thể hiệp hội mà không có một lời lên án hành động quân sự phiêu lưu nguy hiểm của Trung Quốc thì các nhà quan sát phương Tây lấy làm lạ. 
Tôi cho rằng trên thế giới không có một tổ chức nào yếu thế như ASEAN hoặc có vấn đề nghiêm trọng về nguyên tắc tổ chức (chẳng hạn nguyên tắc đồng thuận) như ASEAN. Các thành viên của mình bị đe dọa trực tiếp về an ninh, bị xâm hại về chủ quyền, vậy mà họ không dám lên tiếng, để cho người ngoài cuộc nói, tổ chức ngoài cuộc nói.
Người xưa có câu “mềm nắn rắn buông”. Tôi tin rằng Trung Quốc còn lấn tới trên Biển Đông. Diễn đàn Hội nghị cấp cao An ninh châu Á lần thứ 17 đã phản ánh rõ gót chân Asin của ASEAN. Và đây không phải là lần đầu tiên họ im hơi lặng tiếng (họ đã thất bại nhiều lần về vấn đề Biển Đông). Hình như họ đang trông chờ vào Mỹ và các nước phương Tây? Kinh nghiệm lịch sử đã chứng minh, nếu chủ nghĩa dân tộc cực đoan không bị ngăn chặn thì hậu quả thật khó lường đối với nhân loại. Lúc cơ sự xảy ra thì chính ASEAN sẽ phải trả giá trước tiên, một tổ chức không có tiếng nói về an ninh chủ quyền, không có khả năng bảo vệ an ninh, chủ quyền các thành viên của mình.
Read More

Người Triều Tiên ở Việt Nam

Leave a Comment
Người Triều Tiên ở Việt Nam
Tôi đã viết một số bài nói về tình hình bán đảo Triều Tiên (xin xem 6 bài trong trang blogchiasett của tôi). Có thể nói bối cảnh, tình hình hai miền Triều Tiên từ đầu những năm 1950 cũng tương tự như bối cảnh, tình hình hai miền Nam, Bắc Việt Nam từ năm 1954 đến đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Sự phân chia một quốc gia thành hai miền với hai chính thể miền Nam và miền Bắc đều là di sản của cuộc Chiến tranh Lạnh. Giống như ở Đông Đức và Tây Đức, tất cả là di sản của hai hệ tư tưởng Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa, đứng đầu là hai siêu cường Xô-Mỹ.
Chiến tranh Lạnh đã kết thúc năm 1991. Bán đảo Triều Tiên là di sản cuối cùng của cuộc Chiến tranh Lanh chưa được giải quyết. Cho tới tận ngày hôm nay, người Triều Tiên vẫn không quyết định được số phận quốc gia của mình vì những toan tính của các cường quốc bên ngoài: Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản. Bài này tôi không bàn đến tình hình bán đảo Triều Tiên. Vì những lý do riêng, tôi xin đề cập đến sự có mặt của người Triều Tiên ở hai miền Nam, Bắc Việt Nam.
Cả Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên đều hỗ trợ vật chất và nhân lực cho hai đồng minh ý thức hệ là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa trong chiến tranh Việt Nam. Tại sao người Triều Tiên lại đến Việt Nam? Nếu bàn luận cho thấu đáo, vấn đề thật không đơn giản, cả trên bình diện quốc tế và quốc gia, nhưng tựu trung lại cũng là vì cuộc Chiến tranh Lạnh.
Sau quyết định của Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 10 năm 1966, vào đầu năm 1967 Bắc Triều Tiên đã gửi một phi đội máy bay chiến đấu tới Bắc Việt Nam để dự phòng cho trung đoàn không quân 921 và 923 bảo vệ Hà Nội. Họ ở lại cho đến hết năm 1968. 200 phi công Bắc Triều Tiên đã được báo cáo có phục vụ trong thời gian đó. Ngoài ra, ít nhất có hai trung đoàn pháo binh phòng không cũng được gửi đến Bắc Việt Nam. 
So với Bắc Triều Tiên, số lượng binh lính Hàn Quốc trên mặt đất ở Nam Việt Nam lớn hơn rất nhiều. Các lực lượng Hàn Quốc đã vào miền Nam kể từ tháng 08/1964, khi Seoul gửi một đơn vị liên lạc tới Sài Gòn. Đội quân này là một phần của Lực lượng Quân sự Thế giới Tự do (Free World Military Forces), một nỗ lực của Tổng thống Lyndon B. Johnson nhằm lôi kéo các nước khác trở thành đồng minh của Mỹ vào Nam Việt Nam.
Tháng 09/1965, đáp lại lời kêu gọi bổ sung thêm quân của Johnson, chính phủ Hàn Quốc đã mở rộng cam kết quân sự của mình tại Việt Nam, đồng ý đưa thêm các đơn vị chiến đấu vào miền Nam. Đến cuối năm 1969 đã có hơn 47.800 lính Hàn Quốc tham gia tích cực vào các hoạt động chiến đấu tại Nam Việt Nam, chủ yếu là ở miền Trung. Seoul bắt đầu rút quân vào tháng 02/1972, sau khi người Mỹ quyết định cắt giảm mạnh cam kết lượng quân đồn trú tại Nam Việt Nam.
Tổng cộng từ giữa năm 1965 đến năm 1973 đã có 312.853 lượt binh sĩ Nam Hàn chiến đấu tại Nam Việt Nam. Theo số liệu từ phía Hàn Quốc, ước tính quân đội Nam Hàn đã giết chết 41.400 binh sĩ quân đội giải phóng và 5.000 dân thường. Binh lính Hàn Quốc bị cáo buộc gây ra nhiều tội ác chiến tranh, và được cho là đã bỏ lại đằng sau hàng ngàn đứa trẻ lai giữa Hàn Quốc và Việt Nam.
Trong tình hình quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đang phát triển hết sức mạnh mẽ, hai nước đạt được những kết quả hết sức thần kỳ, một số người không muốn nhắc đến quá khứ bi thảm. Chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Moon Jae-in tới Việt Nam càng nhằm củng cố hơn nữa nền tảng, đưa quan hệ hợp tác hai nước ngày càng bền vững. Họ cho rằng không nên “bới lông tìm vết” chuyện xưa cũ. Tôi không đồng ý với quan điểm này. 
Như một câu ngạn ngữ của Nga, đại ý nếu người nào chỉ sống với quá khứ thì người đó mù cả hai mắt, nhưng nếu quên đi quá khứ thì người đó mù một con mắt. Chúng ta vui mừng cho quan hệ Việt-Hàn, nhưng chúng ta không quên tội ác chiến tranh của binh lính Hàn Quốc. Nhà cầm quyền Hàn thường yêu cầu chính quyền Nhật xin lỗi về tội ác của quân đội Nhật trong quá khứ trên đất nước họ, có lẽ họ vẫn còn nợ một lời xin lỗi đối với người dân Việt Nam, những nạn nhân và thân nhân phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em bị quân đội Hàn Quốc sát hại hết sức dã man ở miền Nam Việt Nam.
Tôi xin được trích dẫn ra một số tư liệu về tội ác của Quân đội Hàn Quốc để mọi người tham khảo. Theo giáo sư người Hàn Quốc Heonik Kwon, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam, đã có trên 43 vụ thảm sát đẫm máu do binh lính Hàn Quốc thực hiện tại Việt Nam được ghi nhận, trong đó có ít nhất 13 vụ giết trên 100 người.
1. Vụ thảm sát Thái Bình
Vào một buổi sáng sớm tháng 2/1966, một toán quân thuộc Sư đoàn bộ binh Mãnh Hổ của Hàn Quốc đã tiến vào làng Thái Bình (tỉnh Quảng Nam) trong một cuộc càn quét nhằm tiêu diệt các du kích Giải phóng. Tuy nhiên, chúng chỉ tìm thấy trong ngôi làng 68 người, hầu hết là phụ nữ, người già và trẻ em. Những con người vô tội và không có khả năng kháng cự này đã trở thành đối tượng để “Mãnh Hổ” trút giận. Bằng hàng loạt đạn và lựu đạn, lính Hàn Quốc đã giết hại dã man 65 người. Ba người may mắn sống sót trong vụ thảm sát sau đó đã trở thành nhân chứng tố cáo tội ác của Sự đoàn Mãnh Hổ. 
Để ghi nhớ sự kiện tang tóc này, một đài tưởng niệm khắc tên của 65 nạn nhân đã được dựng lên tại làng Thái Bình.
2. Vụ thảm sát Diên Niên – Phước Bình
Vào sáng ngày 9/10/1966, một trung đội lính Hàn Quốc thuộc Tiểu đoàn 3 thuộc Lữ đoàn Rồng Xanh bắt đầu tập kích từ căn cứ đồi tranh Quang Thạnh (xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) vào thôn Phước Bình. Sau đó, chúng đổ quân càn quét, lùng sục tất cả nhà dân và hầm chống phi pháo, cưỡng bức nhân dân xóm Bình Trung (thôn Phước Bình) tập trung về sân trường học của thôn. Sau khi tập trung dân, chúng bắt đầu xả súng và ném lựu đạn vào nhóm dân thường. Vụ giết chóc này làm 68 người dân thôn vô tội ngã xuống, trong đó có 21 cụ già, 47 phụ nữ và trẻ em.
Ngày 13/10, quân “Rồng Xanh” tiếp tục càn quét giết hại thêm 112 người dân vô tội ở thôn Diên Niên gần đó. Tổng cộng, trong hai ngày 9/10 và 13/10/1966, lính Hàn Quốc đã tàn sát 280 phụ nữ và trẻ em ở hai thôn Diên Niên, Phước Bình. 
Ngày nay, di tích vụ thảm sát Diên Niên – Phước Bình đã được xếp hạng và cấp bằng di tích quốc gia.
3. Vụ thảm sát Bình Hòa
Ngày 3/12/1966, nhằm trả đũa các hoạt động du kích của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, lính Hàn Quốc đã thực hiện một cuộc càn quét tại xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.Trong vòng ba ngày, tại 5 địa điểm: buồng đất nhà ông Trắp, hố bom Truông Đình, Dốc Rừng, Đồng Chồi Giữa, đám ruộng giếng xóm Cầu, lính Hàn Quốc đã giết hại hàng trăm dân thường một cách dã man. 
Cao điểm là vào chiều ngày 6/12, người dân đã bị cưỡng bức tập trung lại rồi bị lính Hàn Quốc đồng loạt xả đạn, khiến 267 người thiệt mạng. Tổng cộng, trong vụ thảm sát Bình Hoà, lính Hàn Quốc đã giết hại 430 người, trong đó có 269 phụ nữ (12 phụ nữ bị cưỡng hiếp đến chết), 104 người già, 174 trẻ em. 3 gia đình bị giết sạch không còn một ai. 
Năm 1990, chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng một tấm bia căm thù tại hố bom Truông Đình ghi lại tội ác này. Tháng 5/1991, di tích vụ thảm sát Bình Hòa được xếp hạng và cấp bằng di tích quốc gia.
4. Vụ thảm sát Bình An 
Ngày 23/1/1966, quân Hàn Quốc bất ngờ tổ chức một cuộc tấn công vào làng Bình An (Nay là xã Tây Vinh – Huyện Tây Sơn – Tỉnh Bình Định). Chúng bao vây từ 4 phía với quyết tâm tiêu diệt toàn bộ lực lượng quân Giải phóng, nhưng chúng đã bị đánh trả quyết liệt. Tức tối vì không đạt được mục đích, ngày 7/2/1966, các đơn vị lính Hàn Quốc bắt đầu tiến hành một chiến dịch tấn công tàn bạo bằng vũ khí hạng nặng. 
Từ sáng sớm, các đơn vị pháo binh của địch nã đạn cấp tập vào Bình An. Khi pháo ngừng, lính Hàn Quốc lập tức ập đến. Chúng tìm kiếm các hầm trú ẩn của dân ven làng, thả lựu đạn cay bắt mọi người phải trồi lên rồi thả sức tàn sát. Ngay trong ngày đầu chiến dịch, 58 người dân đã bị giết hại. Những ngày sau đó, cuộc giết chóc, đốt phá ngày càng mở rộng qui mô với sự dã man chưa từng có. Trong ngày 12/2, 109 người đã bị giết hại. Ngày 23/2, tại khu vườn nhà ông Trương Niên ở thôn An Vinh, lính Hàn đã dồn 90 người dân tới, dùng súng trung liên hạ sát toàn bộ.
26/2 là ngày đẫm máu nhất, khi lính Hàn Quốc dồn tất cả những người chúng bắt được ở các nơi về Gò Dài (thôn An Vinh). Chúng đã giết hại 380 người bằng những hành động man rợ như hãm hiếp rồi dùng lưỡi lê đâm vào cửa mình phụ nữ, chất rơm đốt lửa thiêu sống trẻ em… Chiến dịch thảm sát của địch đã khiến trên 1.000 dân lành bị giết hại, trong đó phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em. Sự sống ở Bình An gần như bị hủy diệt hoàn toàn.
5. Vụ thảm sát Cây đa Dù
Sáng mùng 4 tháng Giêng năm Mậu Thân (12/2/1968), người dân các làng Phong Nhất, Phong Nhị ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã bị đánh thức bởi tiếng đạn pháo và súng máy. Sau đó, lính Hàn Quốc xuất hiện và áp giải rất nhiều phụ nữ, người già, trẻ em đến cây đa Dù ven quốc lộ 1A. Tất cả những người này sau đó đã bị hành quyết một cách dã man. 
6. Vụ thảm sát Hà My
Tờ mờ sáng 26 tháng Giêng năm Mậu Thân (25/2/1968), nhằm cưỡng bức người dân vùng bám trụ vào ấp chiến lược, hai đại đội lính của Lữ đoàn Rồng Xanh đã kéo đến bao vây làng Hà My (xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), Chúng gom người già, phụ nữ, trẻ em về xóm Tây ở ba điểm: Trước nhà ông Nguyễn Điểu (42 người); hầm nhà bà Lê Thị Thoại (16 người) và nhà ông Nguyễn Bính (74 người). Sau đó, chúng dùng súng tiểu liên, cối, lựu đạn, bắn xối xả về phía người dân. Man rợ hơn, sau khi tàn sát, chúng phóng hỏa đốt thiêu, thịt cháy khét, chỉ còn xương chất thành đống, chẳng ai còn gương mặt để nhận dạng. Vụ thảm sát đã khiến 135 người bị sát hại, trong đó chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. 
7. Vụ thảm sát Duy Trinh 
Sáng 14/8//1968, lính Hàn Quốc đóng tại Hòn Bằng, cách làng Duy Trinh (Quảng Nam) chừng 400 m bắt đầu càn vào làng. Vừa đi chúng vừa bắn. Phần lớn người ở lại là người già, trẻ con và phụ nữ chạy xuống hầm trú ẩn. Quân lính Hàn Quốc phát hiện ra căn hầm nhà bà Thiệu tại xóm Mỹ An, liền ra lệnh mọi người ra khỏi nơi ẩn nấp, đứng xếp hàng trên miệng hầm. Một lát sau, chúng bắt tất cả trở lại hầm rồi bắt đầu cuộc giết chóc. Rất lạnh lùng, lính Hàn Quốc thay nhau cứ bắn một phát lại ném một quả lựu đạn xuống hầm. Có tất thảy 14 người toàn bà già, phụ nữ, trẻ em vô tội bị sát hại thảm thương. Tất cả đều vùi trong căn hầm mà sau này trở thành ngôi mộ chung của họ. Toán lính Hàn Quốc tiếp tục kéo qua xóm Vĩnh An cách đó chỉ chừng trăm mét. Vẫn hành vi man rợ như cũ, chúng lùa mọi người xuống hầm, lạnh lùng bắn một phát súng rồi lại ném một quả lựu đạn. 18 thường dân vô tội khác đã thiệt mạng. Tổng cộng 32 người đã bị chúng giết trong vụ thảm sát ở làng Duy Trinh.
Tôi biết rất rõ chiến tranh là khủng khiếp, khủng khiếp đối với những người lính phải đối đầu trong cuộc chiến. Nhưng không có nghĩa là binh lính được phép giết hại dân lành, nhất là phụ nữ và trẻ em. Quân đội Hàn Quốc đã làm những điều thật hết sức dã man, phi nhân tính và thật ghê tởm. Tôi nghĩ những người Việt và cả những người Hàn không bao giờ được phép quên đi những sự kiện bi thảm trên trong quá khứ. Chính vì lẽ đó, tôi cho rằng chính quyền Hàn Quốc còn nợ người dân Việt Nam một lời xin lỗi đối với những tội ác mà quân đội Hàn Quốc đã gây ra hơn 50 năm trước.
Tôi nghĩ người dân Việt Nam sẽ không quên hình ảnh những người lính Bắc Triều Tiên đã giúp nhân dân Việt Nam trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Có nhiều người lính Bắc Triều Tiên đã hy sinh (cũng như những người lính Trung Quốc, Liên Xô cũ) vì nền độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam. Tôi nghĩ người Việt Nam cũng nên có một tượng đài để ghi nhớ công ơn của những người nước ngoài đã ngã xuống vì tình nghĩa quốc tế cao cả.
Trong những ngày này, đã có những tín hiệu hết sức tích cực từ hai phía Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc. Tôi theo dõi tình hình trên bán đảo Triều Tiên khá sát sao. Cá nhân tôi và nhiều đồng đội của tôi, cũng như thân nhân 5000 gia đình có người bị quân đội Hàn Quốc sát hại có nhiều ân, oán với người Triều Tiên trên bán đảo của “xứ buổi sáng tươi đẹp”. Dù có ân oán, nhưng tất cả chúng tôi vẫn cầu mong cho hai miền Triều Tiên hòa hợp, sớm đi đến thống nhất để xóa đi cái di sản cuối cùng của cuộc Chiến tranh Lạnh, một cuộc chiến tranh mà hai dân tộc Việt Nam và Triều Tiên chịu nhiều đau khổ nhất.
Read More

Nước Nga và Tổng thống Putin

Leave a Comment

Không nằm ngoài dự đoán, bất chấp việc Mỹ và EU cấm vận kinh tế, bất chấp âm mưu cô lập về chính trị, ngoại giao cũng như bôi nhọ nước Nga và Tổng thống Putin nhân vụ điệp viên hai mang Skripal bị đầu độc, bất chấp sức ép NATO đông tiến cùng hệ thống lá chắn tên lửa nhằm vô hiệu hóa sức mạnh tên lửa, hạt nhân Nga, ông Putin vẫn đắc cử Tổng thống Nga áp đảo với số phiếu ủng hộ 76.69%. Có thể nói đây là chiến thắng của sự đoàn kết, của lòng tin mà nhân dân Nga đã dành cho ông Putin, một con người đầy bản lĩnh, một nhà lãnh đạo quyết đoán, xuất chúng trong lịch sử hiện đại Nga.
Chúng tôi, những người yêu mến nước Nga, yêu mến Tổng thống Putin, nhân sự kiện này xin chúc mừng nước Nga, chúc mừng Tổng thống Putin!
Chúng ta cùng quay lại năm 1999, năm đầu tiên ông Putin bước vào điện Cremlin với tư cách là tổng thống. Đó là một nước Nga đang chìm trong cơn khủng hoảng toàn diện, chồng chất những khó khăn và rối loạn. Sau đà suy thoái kinh tế gần chục năm, nước Nga chỉ còn là nước thu nhập trung bình thấp ở châu Âu. Cơ cấu kinh tế hoàn toàn mất cân đối. Lợi nhuận từ dầu mỏ chiếm tỷ trọng lớn trong GDP. Nhưng dưới sự dẫn dắt của của một trung tá KGB (Cơ quan An ninh Quốc gia Liên Xô), điện Cremlin đã vực dậy nền kinh tế, buộc các doanh nghiệp lớn và giới tài phiệt phải tuân theo những nguyên tắc của chính quyền.
Trong hai thập niên đầu, ông Putin biết tập trung và phân phối nguồn lực để đảm bảo cho chính quyền duy trì và vận hành mọi hoạt động. Tổng sản phẩm quốc nội tăng lên 6 lần. Núi nợ nước ngoài được thanh toán trước thời hạn. Hàng trăm tỷ USD được tích lũy dự trữ (để hiểu sâu hơn, xin xem bài “Nước Nga đã trở lại vị thế cường quốc” của tôi trong trang blogchiasett blogspot.com)… Các nhà nghiên cứu, các nhà kinh tế đã tổng kết thành công của Putin và chính quyền của ông dựa trên ba mũi nhọn gọi là Putinnomics: Sự ổn định kinh tế vĩ mô, sự ổn định thị trường lao động và sự kiểm soát của nhà nước đối với những khu vực quan trọng chiến lược.
Tôi cho rằng đánh giá như trên là hoàn toàn chính xác nhưng chưa đủ. Cuộc chính biến ở Ucraina do Mỹ và phương Tây dàn dựng là một bước ngoặt đối với Nga, buộc Nga phải sáp nhập bán đảo Crimea bảo vệ quyền lợi dân tộc. Nhìn bề ngoài, có vẻ nước Nga chiếm thế thượng phong trước Mỹ và phương Tây, nhưng Ucraina cùng với Mỹ và phương Tây không bao giờ công nhận Crimea thuộc về Nga. Họ đã trừng phạt kinh tế, cô lập chính trị, ngoại giao và thù địch cứ đeo đuổi Nga như một cái bóng. Có thể Crimea sẽ trở thành một cái ách trên cổ nước Nga nhưng nó cũng là một viên ngọc quý đối với người Nga. Crimea là biểu tượng, quan trọng không chỉ về địa chính trị mà cả về phương diện lịch sử, văn hóa của Nga (trước đó Crimea thuộc về Nga). Chỉ trừ khi Liên bang Nga tan rã thì Crimea mới rời khỏi tầm kiểm soát của Moskva.
Mỹ và Phương Tây đã tin rằng nước Nga sẽ giống như Liên Xô sẽ tan rã thành từng mảnh. Sự tan rã do cùng một nguyên nhân là sự sụp đổ về kinh tế. Hơn nữa họ cho rằng thế cân bằng quân sự đã nghiêng về phía họ với việc NATO tiến về phía đông cùng với hệ thống lá chắn tên lửa xung quanh Nga. Trong bối cảnh đó, nước Nga đã cơ cấu lại nền kinh tế, hóa giải được các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây. Lần đầu tiên trong lịch sử, chưa đầy ba năm, từ 2014 đến 2017, nền nông nghiệp Nga đã vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực, thực phẩm hàng đầu thế giới. Điểm yếu thâm căn cố đế thuộc Liên Xô cũ dẫn đến một siêu cường tan rã, điểm yếu chết người của Nga đã trở thành một sức mạnh quan trọng, một nguồn thu ngoại tệ nhiều hơn ngành xuất khẩu vũ khí. Hơn thế nữa, nước Nga còn bước ra vũ đài quốc tế với việc đem quân đến Syria, hỗ trợ Chính quyền Syria, khẳng định vị thế chính trị, quân sự của mình trên vũ đài quốc tế trước sự bất lực của Mỹ và phương Tây. Trên thế giới có lẽ chỉ có Putin mới làm được những việc như vậy trong một bối cảnh mọi người đều rất rõ.
Ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông Putin có cuộc gặp mặt với các quan chức cấp cao và các ứng viên tổng thống trong cuộc tranh cử để thảo luận về kế hoạch trong sáu năm tới. Ông tuyên bố: “Điều chính chúng ta sẽ làm việc, dĩ nhiên là chương trình nghị sự nội bộ. Trước tiên, chúng ta phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng cho nền kinh tế và làm cho nó trở nên năng động và sáng tạo. Chúng ta phải phát triển y tế, giáo dục, sản xuất công nghiệp, cơ sở hạ tầng… để đất nước chúng ta tiến lên và nâng cao mức sống của người dân"… Chúng ta cùng nhau làm việc trong chương trình nghị sự này!”
Tại sao ông Putin không đặt vấn đề an ninh, quốc phòng trong chương trình nghị sự? Là một sỹ quan KGB, Putin hiểu rất rõ các đối thủ, đường lối, chính sách và những thủ đoạn tác động đến an ninh, quốc phòng Nga. Tôi chắc chắn rằng ông không chủ quan khi ra quyết sách bản lĩnh, đầy tự tin: “Nga sẽ không chạy đua vũ trang”. Nga sẽ giảm chi tiêu quân sự vì Nga đã có mọi thứ. Vậy những thứ đó là cái gì? Những loại vũ khí “phi thường” mà ông Putin đã công bố trong thông điệp Liên bang Nga năm 2018 (xin xem Thông điệp Liên bang Nga năm 2018).
Đó là tổ hợp tên lửa Samart mới mang đầu đạn hạt nhân. Số lượng và sức mạnh công phá lớn hơn loại cũ của Liên Xô trước đây rất nhiều lần. Tổ hợp này có thể sử dụng trong mọi điều kiện, mọi tình huống, một loại vũ khí khủng khiếp, không một hệ thống phòng thủ tên lửa nào có thể gây trở ngại vì nó được trang bị động cơ hạt nhân, bay với quỹ đạo không thể xác định, “Trên thế giới chưa có một loại vũ khí nào như thế”. Về mặt lý thuyết, theo một vị tướng Nga cho biết, “phải dùng đến 500 quả đạn phòng chống tên lửa Mỹ mới có thể đánh chặn một quả tên lửa Samart của Nga”. Trong khi đó nước Mỹ không có đủ 500 quả tên lửa như vậy.
Đó là vũ khí siêu thanh Avangard đã được trang bị cho quân đội Nga (Quân khu miền Nam) từ ngày 1/12/2017. Nó có “khả năng bay trong tầng khí quyển dày đặc với cự ly xuyên lục địa’. Khối tên lửa tàng hình này “bay tới mục tiêu như một thiên thạch, giống như một quả cầu lửa, nhưng trong quá trình đó nó lại được điều khiển rất chắc chắn. Không một loại vũ khí nào có thể bắn hạ được nó.
Đó là những ‘thiết bị bay không người lái, xuyên lục địa”. Có thể gọi nó là máy bay không người lái chạy bằng năng lượng hạt nhân. Loại thiết bị này rất ít tiếng động, khả năng đổi hướng rất cao. Nó có thể được trang bị đầu đạn thông thường, đầu đạn hạt nhân. Cũng tương tự như vậy, đó là phương tiện tàu ngầm không người lái, đi ở độ sâu 1000 m. Đó là vũ khí laser…
Trong gần ba mươi năm Putin cầm quyền (kể cả thời gian làm thủ tướng), Putin và chính quyền của ông đã làm được những điều mà các quốc gia khác phải cần đến hàng trăm năm. Những loại vũ khí trên chỉ có thể chế tạo được ở một nước có trình độ giáo dục chuyên ngành rất cơ bản và có một đội ngũ nhân sự rất đặc biệt. Putin công khai tuyên bố những điều trên không phải để lấy phiếu bầu, để “đòn gió”, để “khoe”, để “hù dọa” mà để Mỹ và phương Tây “nên lắng nghe” và “để thức tỉnh”, để các bên ngồi với nhau định hình một thế giới mới. Đúng là những ngôn từ của một người đàn ông có quyền lực nhất thế giới mà 5 lần tạp chí Time đã bình chọn.
Bất kỳ “kẻ xâm lược tiềm năng nào” hãy suy nghĩ, hết sức cẩn trọng, chin chắn khi tấn công “gấu Nga”. Có thể nói như một chuyên gia bình luận quân sự “Chiến tranh thế giới thứ 3 chưa nổ ra các nước đã phải kéo cờ trắng đầu hàng”, vì vũ khí sẽ thay đổi nghệ thuật quân sự, thay đổi phương thức tác chiến, quyết định sự thành bại của chiến tranh. Thì ra, lâu nay Mỹ và phương Tây cứ hùng hục đổ tiền của cải tiến vũ khí với ảo tưởng chiếm ưu thế quân sự, rằng họ bất khả xâm phạm, nhưng họ đã lầm. Chính Tướng John Hyten, Tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ trong buổi điều trần trước quốc hội tuần trước đã thừa nhận: “Lúc này đây, chúng ta đành bất lực” và “đã đến lúc chúng ta phải thay đổi hệ thống phòng thủ tên lửa”.
Thật cay đắng cho Mỹ và phương Tây. Hàng trăm tỷ USD dành cho hệ thống phòng thủ chống tên lửa đang triển khai tại Mỹ và châu Âu phút chốc hóa thành "đống sắt vụn hoặc đưa vào bảo tàng lịch sử". Hàng chục hàng không mẫu hạm và hàng trăm khu trục hạm của họ trở thành miếng mồi ngon của tên lửa siêu thanh Nga. Điều nguy hiểm hơn là đến khi ông Putin, tổng thống có nguồn gốc từ cơ quan An ninh quốc gia Liên Xô công bố thì họ mới biết có những loại vũ khí “siêu nhiên” đó. Và thật trớ trêu, hiện nhiều người trong số họ vẫn còn tranh luận liệu có hay không những loại vũ khí mà ông Putin đã công bố. Đúng là thất bại về chiến lược. Chẳng trách Mỹ và phương Tây cứ ngày càng hằn học với Nga.
Thực ra không phải cho đến những ngày gần đây ông Putin mới công bố những loại vũ khí mà thế giới chưa từng có. Nước Nga đã hé lộ khả năng của mình trong ngày 7/10/2015 khi phóng 26 quả tên lửa hành trình, từ một chiến hạm nhỏ bé, vượt qua 1500 km đánh trúng tất cả những mục tiêu khủng bố ở Syria. Giới quân sự Mỹ, Phương Tây và cả Trung quốc đã giật mình kinh hoàng. Mặc dầu vậy, người ta vẫn tự an ủi đó là loại vũ khí đỉnh nhất của Nga, lẽ ra Nga nên để mổ trâu thì lại đem ra khoe để giết gà. Khi đó người ta mới bắt đầu thay đổi nhận thức tác chiến hiện đại không chỉ trên đất liền, mà cả trên biển, trên không… Mỹ bắt đầu phải xem xét lại kế hoạch át chủ bài tác chiến “không-biển” hòng chiếm ưu thế trước Nga và Trung. Nào ngờ nước Nga chưa tung hết bài, như trong đánh bạc, Nga chưa chốt hạ, chỉ đến khi ông Putin công bố thì mọi việc như đã rồi.
Rõ ràng nước Nga không có tiền của như Mỹ, phương Tây và Trung Quốc. Nga không thể chạy đua vũ trang truyền thống bằng tiền của nên Nga đã đi theo một hướng hoàn toàn khác, chạy đua vũ trang bằng trí tuệ, bằng cuộc cách mạng 4.0, tức là đi trước thời đại trên cơ sở những nguyên lý hoàn toàn mới, biến vũ khí, phương tiện chiến tranh của Mỹ, phương Tây và cả Trung Quốc đang chạy đua trở thành thứ lỗi thời. Putin là con người như vậy, luôn đi trước thời đại. Ông đã xây dựng được cho nước Nga “một đội quân hiện đại, tinh nhuệ và công nghệ cao”, không chỉ bảo đảm an ninh quốc phòng trong nước mà còn hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào, ở các khu vực trên thế giới.
Đó là những lý do vì sao sau khi đắc cử tổng thống, ông Putin chỉ đặt ra chương trình nghị sự nội bộ để đảm bảo tốc độ tăng trưởng cho nền kinh tế.
Lẽ ra sau Chiến tranh Lạnh, sau khi Liên Xô Xã hội chủ nghĩa sụp đổ, Mỹ và phương Tây nên mở lòng với nước Nga, tạo điều kiện cho Nga gia nhập EU, thậm chí gia nhập NATO. Nhưng trong thâm tâm, họ còn muốn Liên bang Nga tư bản rồi cũng sẽ sụp đổ như Liên Xô. Họ dồn ép nước Nga. Và chính cái tư tưởng thù hận chật hẹp mang hơi hướng của tư duy Chiến tranh Lạnh đó đã khiến nước “Nga tư bản hoang tàn” phải vươn lên thành một cực bên cạnh Mỹ và phương Tây. Họ đã để thua Nga 1 không vào phút 89 sau khi đã hạ gục Liên Xô ở hiệp 1. Trước mắt còn hiệp đấu phụ, hiệp đấu về kinh tế. Ai sẽ chiến thắng? Nga hay Mỹ và phương Tây?
Nền kinh tế Nga trong năm 2018 đã bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc. Tỷ lệ lạm phát tháng 12/2017 xuống thấp kỷ lục, đạt mức 2,5%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp cũng duy trì ở mức tương đối thấp 5,1%. Theo ngân hàng UBS, Thụy Sĩ, kinh tế Nga đã hồi phục sau cuộc suy thoái kéo dài hai năm và đạt mức tăng trưởng 1,4% nhờ nhu cầu tiêu dùng và đầu tư nội địa tăng. UBS dự báo GDP của Nga trong hai năm tới sẽ tiếp tục tăng. Ngân hàng J.P. Morgan ước đoán đồng rúp của Nga sẽ không có nhiều biến động trong lúc giá dầu ổn định dần, góp phần thu hút dòng vốn đầu tư. Mặc dù vậy, phát triển kinh tế vẫn là một nhiệm vụ đầy khó khăn đối với chính quyền Putin và nó cần đến một sự cải tổ sâu sắc về cấu trúc hệ thống.
Trước cuộc bầu cử, ông Putin cam kết giảm tỷ lệ đói nghèo, hứa chi hàng trăm tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và vạch ra tham vọng tăng trưởng kinh tế 8%. Tuy nhiên, mục tiêu trên được đánh giá là sẽ vô cùng khó khăn khi mà nước Nga đang đối diện với hàng loạt vấn đề như tốc độ tăng trưởng còn thấp, dân số già, nạn tham nhũng và tác động tiêu cực từ các biện pháp trừng phạt. Dù người Nga vẫn yêu quý Tổng thống Putin, nhưng những cuộc khảo sát gần đây cho thấy một bộ phận người dân ngày càng tỏ ra thiếu tin tưởng vào tình hình kinh tế đất nước.
Liệu ông Putin cùng với chính quyền của mình và nước Nga có thể phát triển kinh tế như mong muốn? Trên thế giới hàng trăm quốc gia đều mong muốn phát triển kinh tế, cạnh tranh với nhau, nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay quốc gia có “phép màu” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Liệu nước Nga có nằm trong danh sách nước tiếp theo? Liệu ông Putin và nước Nga có thể hóa giải mâu thuẫn với Mỹ và phương Tây để cất cánh về kinh tế?
Nga là một đất nước rất đặc biệt. Năm 1917 người Nga đã đập bỏ chế độ Tư bản chủ nghĩa vì thấy nó quá thối nát. Sau 70 năm đi theo mô hình Xã hội chủ nghĩa, họ thấy nó trì trệ, bộc lộ quá nhiều khiếm khuyết, nhất là về mặt kinh tế, người ta lại phá bỏ nó đi vào năm 1991. Nước Nga rất rộng, rộng nhất thế giới. Nước Nga rất giàu tài nguyên, giàu nhất thế giới. Con người Nga dám nghĩ dám làm. Nước Nga sẽ đi về đâu trong cái thế giới này? Chỉ biết rằng cho đến nay ông Putin đã làm thay đổi diện mạo nước Nga trên quy mô toàn cầu. Sáu năm sắp tới là quá ngắn ngủi nhưng tôi tin vào ông Putin và nước Nga. Họ sẽ trở thành một cực mạnh mẽ trong cái thế giới đa cực đang định hình đầy hỗn loạn (xin xem bài Nước Nga đang trở lại vị thế cường quốc của tôi trong trang blogchiasett. Blogspot.com).

Read More

Tầm quan trọng chiến lược của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương

Leave a Comment
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thế giới, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là một hiệp định đa phương tự do, tiến bộ nhất và là hình mẫu tương lai của thế kỷ 21. Mặc dù Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng 11 quốc gia trong đó có Việt nam ngày 8 tháng 3 đã ký Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP) thay thế cho TPP.
Trên cơ sở của TPP, CPTPP đã đề cập tới việc cắt giảm hàng rào thuế quan đối với tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ. Hiệp định này cũng đề cấp đến việc xử lý những vấn đề mới phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm trong lĩnh vực công. Ngoài ra CPTPP vẫn đặt ra, đồng thời duy trì các yêu cầu, tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết chặt chẽ các tranh chấp có tính ràng buộc. Về việc mở cửa thị trường, 11 nước tham gia CPTPP quyết định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa đầu tư và dịch vụ trên cơ sở tôn trọng luật pháp của nước chủ nhà, đảm bảo sự quản lý chung của chính quyền sở tại… Chính vì vậy nó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp, tạo ra lợi ích cho người tiêu dùng ở 11 nước thành viên.
Mặc dù Mỹ không tham gia nhưng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương vẫn có quy mô rất lớn (trên 10.000 tỷ USD tổng GDP của 11 nước với một thị trường trên 500 triệu người) , có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam. Nó sẽ góp phần để Việt Nam xem xét thay đổi luật lệ, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, tăng cường năng xuất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng cường xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường lớn như Austrailia, Canada, Mexico, Nhật Bản… cũng như thu hút dòng vốn đầu tư (FDI) từ các nước thành viên vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu phát triển. Đặc biệt sau khi Mỹ quay trở lại và nhiều nước khác tham gia, Việt Nam có vị thế để đàm phán với những điều khoản đem lại lợi ích nhất cho mình. 
Theo tôi CPTPP quan trọng nhất đối với Việt Nam là tạo ra cơ hội để không bị lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc (TQ). Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2017 thương mại Việt Trung đạt 93,69 tỷ USD. Dự báo trong năm 2018 kim ngạch thương mại song phương sẽ chạm mốc 100 tỷ USD. TQ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của VN và VN nằm trong số đối tác lớn top 10 của TQ. Với những điểm tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán, vị trí địa lý thuận lợi, TQ vẫn sẽ là thị trường thương mại lớn nhất, giàu tiềm năng nhất của VN. Nhưng đáng buồn là, kim ngạch thương mại càng lớn VN càng bị bất lợi, luôn thâm hụt từ đầu những năm 1990 đến nay. 
Hai năm vừa rồi VN thâm hụt 22,765 tỷ USD, 28,5 tỷ USD với TQ. Có nghĩa là gần 30 năm qua, VN hoàn toàn thua thiệt trong quan hệ thương mại mà không hề có sự can thiệp cải thiện của chính quyền TQ. Họ đưa ra chính sách thương mại, đầu tư có lợi về kinh tế, chính trị, tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp, tạo điều kiện lao động cho công nhân TQ mà không hề đếm xỉa đến lợi ích của VN. Đó là chưa kể khi tình hình biên giới, tình hình Biển Đông không như ý TQ, họ sẵn sàng dùng đòn bẩy kinh tế để ép chúng ta phải nhượng bộ về chính trị, thậm chí cả chủ quyền. Bài học TQ trừng phạt Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines đã cho chúng ta thấy rõ điều đó.
Muốn không bị lệ thuộc vào TQ, muốn cán cân thương mại cân bằng, bình đẳng, VN phải đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, phải nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa của VN, phải tích cực thực hiện các cam kết song phương và đa phương với các nước ngoài TQ. VN phải đẩy mạnh quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga… Đặc biệt VN phải tận dụng cơ hội do CPTPP mang lại để giảm nhập siêu từ TQ. Chẳng hạn các doanh nghiệp VN phải chú ý đến nguyên tắc xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế 0% từ CPTPP bằng cách chuyển sang nhập khẩu các yếu tố đầu vào từ các thành viên CPTPP (Canada, Nhật Bản, Austrailia, Mexico…) thay vì từ nhập khẩu của TQ. Đồng thời VN phải có chính sách thu hút đầu tư hợp lý, xem xét đầu tư có chọn lọc từ TQ vào VN để hưởng lợi từ CPTPP mang lại…
Bài học lịch sử giữ nước từ ngàn năm nay, bài học lịch sử hiện đại, bài học TQ xâm lược VN năm 1974, năm 1979 và năm 1988 vẫn còn nguyên giá trị. Không thể không cảnh giác với TQ từ lĩnh vực kinh tế tới chính trị. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là một cái cốt vật chất chiến lược quan trọng để VN tránh bị lệ thuộc kinh tế TQ. Hy vọng mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp VN biết tận dụng mọi cơ hội để dân tộc ta trường tồn bên cạnh gã khổng lồ đầy dã tâm bành trướng.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.