Về chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam

Leave a Comment
Đã lâu trong đời sống chính trị Việt Nam tôi mới thấy có một chuyến thăm của một nguyên thủ quốc gia nước ngoài được đông đảo dư luận quan tâm quan tâm đến như vậy. Không chỉ có giới chính trị, những nhà nghiên cứu, giới truyền thông trong ngoài nước mà ngay cả những người lao động, những người dân bình thường, những người ít quan tâm đến chính trị ở các vùng nông thôn hẻo lánh cũng chờ đón, theo dõi, bàn luận.
Sự kiện này không chỉ thu hút sự quan tâm chú ý của lớp người đã luống tuổi, sống qua hai cuộc kháng chiến, những người mới về hưu, những người đang làm việc ở các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp mà còn thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo lớp trẻ, bao gồm cả những thanh niên mới bước vào các trường cao đẳng, đại học và trường nghề. Có không khí chung gì đó mà người ta ai cũng háo hức mong chờ. Trên các trang mạng xã hội tràn ngập những lời nhận xét bình luận. Thật hiếm có một chuyến thăm của một nguyên thủ quốc gia nào lại dành được đầy đủ các cung bậc tình cảm của nhiều người dân Việt Nam đến thế.
Tôi nghĩ rằng không phải hoàn toàn vì Tổng thống Barack Obama là tổng thống của một siêu cường nên được người dân ưu ái. Cái tình cảm đặc biệt này tôi đã trải nghiệm một vài lần. Vào đầu những năm 2000, trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin, người dân Việt Nam đã dành cho ông biết bao tình cảm trìu mến, sự kính trọng và cả sự hi vọng về nước Nga, mối quan hệ Việt-Nga, nhà nước thừa kế Liên bang Xô Viết thủa nào.
Tôi nghĩ với Tổng thống Obama người dân Việt Nam cũng có những cảm nghĩ tương tự như vậy, không phải vì ông là người đứng đầu một siêu cường có khả năng chi phối đời sống chính trị quốc tế. Nếu so sánh với chuyến thăm Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cập Bình, một chuyến đi nhạt nhòa, dân tình không chào đón, không quan tâm chú ý, có chăng chỉ là những lời xì xào bàn tán; mặc dù ông ta là người có quyền lực nhất quốc gia gần một tỉ tư người, một quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một cường quốc đang hung hăng trỗi dậy với “giấc mơ Trung Hoa vĩ đại”. Thế mới biết người dân có cách đánh giá riêng của họ về chân giá trị của một nhà lãnh đạo.
Tôi không muốn nói đến nhân cách, chỉ nói đến nụ cười rạng ngời quen thuộc, cách ứng xử của ông với gia đình chủ nhà hàng bán bún chả ở phố Lê Văn Hưu, tháo nhẫn bắt tay mọi người ở trong quán ăn, giơ tay chào thân thiện đáp lại tiếng vỗ tay reo hò của người dân Hà Nội; chỉ nói đến bài phát biểu đầy xúc đông của ông tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, trích dẫn Kiều của Nguyễn Du và việc ông trích lời bài hát trữ tình của Văn Cao, Trịnh công Sơn; chỉ nói đến việc ông đi chân trần vào thăm chùa Ngọc Hoàng, hỏi đáp bình đẳng cùng các nhà doanh nghiệp trẻ… Tất cả đối với người Việt đều gần gũi, sâu sắc và tinh tế. Cho dù không được bắt tay, được nghe ông nói nhưng hàng nghìn người vẫn đội mưa đứng đợi để có cơ hội tận mắt trông thấy ông. Đó là một thứ tình cảm nồng nhiệt hoàn toàn tự nhiên, không thể mua được.
Riêng cá nhân tôi đang ở Mỹ, còn được chứng kiến những quan điểm, tình cảm, nguyện vọng của Việt kiều, của đông đảo sinh viên Việt Nam đang theo học tại Mỹ với nhiều mong muốn khác nhau về chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam. Đa số đều cảm nhận được chuyến thăm này là một dấu mốc, là một bước ngoặt lịch sử trong mối quan hệ Việt Mỹ. Và họ đều hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước và cho bản thân. Mặc dù còn một số người trong bộ máy chính quyền ngụy quyền cũ trước năm 1975 vẫn thể hiện thái độ thù địch, hằn học với chính quyền hiện tại, nhưng nhìn chung họ phải thừa nhận sự thay đổi, sự phát triển, xu thế hội nhập và vị thế không thể đảo ngược của đất nước. Nhiều người trong số họ đã tính chuyện quay trở về đất nước để làm ăn.
Tôi đã đề cập đến quan hệ Việt Mỹ ở một số bài viết trong blog này, từ cái khởi điểm ban đầu, thời kì bao vây cấm vận đến việc bình thường hóa quan hệ vào tháng 7 năm 1995, cho đến chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng thể chế chính trị, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Trước khi bình luận sự kiện Tổng thống Obama đến Việt Nam tôi cho rằng cần phải quay lại chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm Mỹ nhân kỉ niệm hai mươi năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước vào năm trước. Bởi vì nếu không có chuyến thăm này, có thể không có chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, hoặc nếu có thì chưa chắc đã có được sự mến mộ của người dân cũng như có được sự thành công tốt đẹp của cả hai phía như dư luận đã đề cập. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đêm 22 tháng Năm đã tiết lộ với một số người rằng chính chuyến thăm Mỹ rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khiến Tổng thống Obama quyết định có chuyến thăm Việt Nam vào dịp này. 
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu tháng 7, 2015 diễn ra vào thời điểm quan trọng khi hai nước kỉ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, 40 năm kết thúc chiến tranh và thống nhất đất nước Việt Nam. Chuyến thăm lịch sử này đánh dấu tiền lệ chưa từng có, một chương mới trong quan hệ song phương Việt Nam và Hoa kì.
Trong quan hệ giữa hai nước cựu thù, tuy trước đó đã có nhiều chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia Việt Nam tới Mỹ, nhưng chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến Mỹ. Việc mời và đón một tổng bí thư của một Đảng Cộng sản nước ngoài là một chuyện hiếm có trong lịch sử. Nếu người viết không nhầm thì từ cuối những nững năm 1980 trở lại đây chỉ có ba nhân vật là Gorbachov, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình được Mỹ đón tiếp, nhưng cả ba người đều đóng vai với tư cách là tổng thống và chủ tịch nước. Còn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không giữ cương vị gì trong chính quyền.
 Tuy nhiên nước Mỹ đã đón tiếp Tổng Bí thư với nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Đích thân Tổng thống Barack Obama đã đón tiếp là làm việc với Tổng Bí thư tại Nhà Trắng, họp báo và ra tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt-Mỹ. Nhân dịp này, Thượng Nghị sĩ John McCain, người thay mặt cho Thượng viện Mỹ đã phát biểu: “Chuyến thăm này thể hiện sức mạnh đang lên của quan hệ đối tác Việt Nam Hoa kỳ khi chúng ta kỉ niệm lần thứ 20 bình thường hóa quan hệ hai nước”.
Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt-Mỹ đã ghi nhận những bước phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực hợp tác trong hai mươi năm, nhất là về hợp tác kinh tế và thương mại, hợp tác trong việc xử lí các vấn đề hậu quả chiến tranh cũng như trong khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, quốc phòng, an ninh, quyền con người và tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế trên những vấn đề cùng quan tâm.
Tuyên bố về Tầm nhìn chung cũng ghi nhận nhiều thành tựu có ý nghĩa kể từ khi xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện Việt-Mỹ năm 2013 về thương mại, đầu tư song phương, hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình; đặc biệt Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương; Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng; hợp tác trong những vấn đề khu vực và đa phương…
Có được những thành tựu đó là do hai bên đã cùng có những nỗ lực mang tính xây dựng nhằm vượt lên trên quá khứ, khắc phục những khác biệt, thúc đẩy những lợi ích chung để hướng tới tương lai. Trên cơ sở đó hai bên xác định làm sâu sắc quan hệ đối tác lâu dài; tăng cường hợp tác trên các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Tóm lược nội dung tuyên bố thì như vậy, nhưng thực tế để đạt được những thành tựu “phát triển như tên lửa” giữa hai cựu thù là cả một vấn đề. Mỹ có hội chứng Việt Nam ở Mỹ. Việt Nam có hội chứng của Mỹ ở Việt Nam. Là người lính và có điều kiện đi thực tế với đồng đội sau chiến tranh khá nhiều, người viết hiểu những đau thương mất mát mà mấy chục năm đằng đẵng mà người Việt phải chịu, nên không dễ gì hai nước vượt qua được những trở ngại để đến  với nhau, chứ chưa nói gì đến đạt được những thành tựu mà tuyên bố hai bên đã nêu.
Suy cho cùng thì dù là đường lối của Đảng sáng suốt với phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước vì hòa bình và phát triển, thì nó vẫn phải dựa trên một nền tảng đó là lòng dân. Người dân mới là cốt lõi, nền tảng của bất kì hệ thống chính trị nào. Mối quan hệ Việt Mỹ phát triển chắc chắn nó được thúc đẩy bởi chính người dân. Một minh chứng cho điều đó là Tổng thống George Bush khi thăm Việt Nam có được người dân đón tiếp như Tổng thống Obama đâu.
Có rất nhiều yếu tố trong ngoài nước để lí giải về sự kiện này, nhưng rõ ràng có một yếu tố là người dân phải có lòng tin về quan hệ giữa hai nước. Đã là niềm tin thì phải xuất phát từ hai phía, nó cũng giống như trong tình bạn và tình yêu. Không thể có sự cưỡng bức. Như vậy, chuyến thăm của Tổng Bí thư thể hiện đỉnh cao về niềm tin trong hợp tác về chính trị vì lợi ích của hai quốc gia. Đồng thời nó cũng là sự thừa nhận vị trí vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bước đường phát triển của dân tộc Việt Nam.
Tôi cho rằng, ở cấp nhà nước phải có niềm tin thì mới có chuyện về hợp tác về an ninh quốc phòng, bởi vì an ninh quốc phòng luôn là lĩnh vực nhạy cảm trong quan hệ, nó thể hiện mức độ gần gũi, tin cậy cao. Tại sao Việt Nam lại không mua hay hợp tác sản xuất vũ khí cùng với Trung Quốc? Chắn hẳn mọi người đều có câu trả lời của riêng mình.
 Trước chuyến thăm của Tổng Bí thư, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có chuyến thăm Việt Nam. Hai bên đã kí Tuyên bố Tầm nhìn chung trong quan hệ quốc phòng, một văn bản tổng hợp những nguyên tắc trong quan hệ hai bên trên cơ sở những thỏa thuận của hai nhà nước. Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ nhiệm Uỷ ban Quân vụ của Thượng viện Mỹ, một cựu binh trong chiến tranh Việt Nam, người đã ủng hộ mạnh mẽ việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry, một cựu binh ở Việt Nam cũng đã đến Việt Nam nhiều lần. Rất nhiều người trông chính giới Mỹ đều muốn đưa mối quan hệ giữa hai nước bước vào một chương mới.
Báo chí đã nói tới một hai nước lớn, bằng nhiều con đường đã bày tỏ sự quan ngại với Việt Nam. Nhưng chúng ta có hợp tác với Mỹ để làm phương hại đến ai đâu. Chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa đâu có loại trừ lĩnh vực quốc phòng. Chúng ta đã công khai đường lối của chúng ta là Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Cho nên tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ là để tự bảo vệ mình, góp phần vào hòa bình, ổn định chung của khu vực. Chẳng quốc gia nào có quyền ngăn cấm và cũng không thể ngăn cấm được. Đâu có chuyện như một nhà nghiên cứu nào đó đã từng nói “Tôi cứ quan hệ với Mỹ thoải mái, nhưng anh đi một bước là tôi lo”.
Chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phản ánh xu thế thực tế trong quan hệ quốc tế là hợp tác và đối thoại. Chúng ta phải vì lợi ích của chính chúng ta, như thế chúng ta mới đảm bảo được chính sách đối ngoại độc lập tự chủ. Tất nhiên trong bối cảnh Mỹ chuyển hướng trọng tâm về Châu Á-Thái Bình Dương, chuyến đi không khỏi có những ý kiến bàn tán và suy diễn rằng Việt Nam cũng đang chuyển động theo cái trục đó. Chúng ta làm gì có đủ thế và lực để làm chuyện đó. Và chúng ta cũng không có ý định đi với một nước để chống lại nước thứ ba. Chúng ta quan hệ với tất cả các nước, với tất cả các trung tâm quyền lực vì chính quyền lợi của chúng ta.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày một hung hăng leo thang, quân sự hóa Biển Đông, chuyến đi của Tổng Bí thư càng có ý nghĩa. Có nhà Nghiên cứu cho rằng, kết quả của chuyến đi có khi phải mất hàng chục năm nữa chúng ta mới thấu hiểu hết ý nghĩa sâu xa của nó. Chỉ biết rằng để phát huy kết quả tích cực, cần tránh những diễn giải một chiều lệch lạc. Việt Nam không ảo tưởng vào Mỹ, không đi với Mỹ để có thêm đồng minh chống lại ông đồng minh cũ, và cũng không làm một người lính xung kích cho bất kì ai. Kết quả của chuyến đi phản ánh lợi ích nhu cầu của Việt Nam và Mỹ, đương nhiên Việt Nam phải tính đến yếu tố xấu nhất để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ.
Hơn nữa, quan tâm đến khu vực Đông Nam Á đâu chỉ có Mỹ. Ấn Độ có chính sách hướng Đông từ hàng chục năm nay. Họ không chỉ hướng đông mà còn hành động về phía đông. Nhật Bản cũng coi Đông Nam Á là trọng tâm chiến lược của mình, cam kết ủng hộ ASEAN về mọi mặt trong đó có an ninh, quốc phòng. Nga cũng đang quay trở lại Đông Nam Á. Hội nghị Thượng đỉnh Nga-ASEAN vừa rồi là một nấc thang mới trong quan hệ và Nga đã coi Việt Nam là một đối tác chiến lược quan trọng nhất. Và bản thân ASEAN cũng muốn có sự tham gia của càng nhiều các nước lớn thì càng tốt. ASEAN muốn giữ vai trò trung tâm để bảo vệ quyền lợi của tất cả các thành viên. Chẳng lẽ Việt Nam không được quan hệ quốc phòng với tất cả những nước đó hay sao? Tại sao lại phải phân biệt nước này nước khác?
Có nhiều nước lớn quan tâm và cùng có lợi ích ở một nước, một khu vực đương nhiên là phức tạp, thậm chí nếu xử lí không khéo lại trở thành bi kịch. Trung Đông, Bắc Phi, Ucraina là minh chứng hùng hồn cho việc đó. Nhưng ở Việt Nam và Đông Nam Á càng đan xen nhiều lợi ích của các nước lớn lại càng mang tính tích cực. Chúng ta hiểu rất rõ điều này. Tại sao chúng ta lại không kết hợp sức mạnh của dân tộc với xu hướng của các nước, của khu vực? Chúng ta không liên minh với Mỹ để chống Trung Quốc nhưng không có nghĩa là không được quan hệ với Mỹ để tự bảo vệ mình.
Quay trở lại với chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam, tôi hi vọng trong chuyến đi này, ông sẽ mang đến cho Việt Nam hai “món quà” trước khi bàn đến công việc của hai nước. Đó là dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam và công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên chỉ có một. Mặc dù thất vọng một chút nhưng tôi vẫn rất vui. Như thế cũng đủ rồi. Vì ngay cả đến Trung Quốc, một nền kinh tế khổng lồ cũng có được EU và Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường đâu. Sớm muộn chúng ta cũng sẽ được các nước công nhận điều này.
Điều quan trọng nhất là thực tiễn đã đem lại cái gì cho Việt Nam, cho Mỹ và cho người dân hai nước. Người viết xin trích lại bài viết của Tờ New York Times, bài tổng hợp đánh giá về mối quan hệ của những quan chức từng là cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam để cho có cái nhìn hai chiều. Đó là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Thượng nghị sĩ John McCain và Thượng nghị sĩ Bob Kerry- Chủ tịch Ban điều hành Đại học Fulbright Việt Nam: “Trong thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam, có lẽ chúng ta phải thừa nhận một thực tế rằng phần lớn người dân ở hai nước hiện không còn nhiều kí ức về cuộc chiến tranh vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 58.000 người Mỹ và của hơn 1.000.000 người Việt Nam”.
Sau khi nêu ra bốn bài học về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, những việc hai bên đã làm được, bài báo viết tiếp: “ Hai mươi năm trước, chỉ có 60.000 nghìn người Mỹ tới Việt Nam du lịch. Ngày nay con số này lên tới gần nửa triệu người. Hai mươi năm trước, thương mại song phương chỉ đạt 450 triệu USD. Ngày nay con số này đã gấp 100 lần. Hai mươi năm trước chỉ có 1000 sinh viên Việt Nam sang học Mỹ. Ngày nay, Mỹ đang chào đón gần 19.000 sinh viên sang du học… Khó có thể tưởng tượng Mỹ và Việt Nam sẽ hợp tác trong các vấn đề về an ninh. Mỹ sẽ giúp Việt Nam xây dựng một trung tâm huấn luyện cho quân đội Việt Nam ở ngoại ô thủ đô Hà Nội… Hướng tới tương lai, chúng tôi biết lợi ích chung, hơn tất cả, sẽ chỉnh hướng cho quan hệ của chúng tôi với Việt Nam. Tuy nhiên, mối quan hệ sẽ càng được củng cố bởi những gắn kết tự nhiên giữa hai xã hội. Nó sẽ bao gồm mối quan hệ gắn kết, thái độ lạc quan, một mong muốn mãnh liệt cho tự do và độc lập, cũng như nhận thức rõ ràng rằng hòa bình luôn là giải pháp tốt nhất, thay vì chiến tranh”.
Chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam diễn ra trong bối cảnh căng thẳng, có thể nói là sự đối đầu chiến lược giữa một siêu cường với một cường quốc đang đi lên với tham vọng muốn thay đổi trật tự thế giới sau chiến tranh Lạnh, đặc biệt là mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Trung Quốc xây dựng chiến lược quân sự chống tiếp cận (A2/AD) nhằm chọc thủng chuỗi đảo thứ nhất, phá vỡ sự phong tỏa của Mỹ và đồng minh ở khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á; nỗ lực tăng cường quân sự hóa ở Biển Đông, cải tạo các đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã chiếm của Việt Nam vào năm 1974 và năm 1988 bằng vũ lực, biến nó thành bức vạn lí trường thành; thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông, nhằm đẩy Mỹ ra khỏi khu vực, ngăn chặn ảnh hưởng của Nhật bản, Ấn Độ, Nga; ép nhiều nước Đông Nam Á phải nhượng bộ về chủ quyền và lệ thuộc vào Trung Quốc.
Đáp lại Mỹ thực hiện chiến lược xoay trục về Châu Á-Thái Bình Dương, chuyển 60% lực lượng quân sự, đặc biệt là lực lượng không quân và hải quân; xây dựng Chiến lược Tác chiến trên không-trên biển (ASB); thắt chặt khối liên minh Mỹ-Hàn-Nhật-Philipines-Astrailia, tăng cường hợp tác quân sự với Ấn Độ, tăng cường quan hệ với ASEAN nhằm thống nhất hành động về kinh tế và nâng cao năng lực an ninh quốc phòng với khu vực, định hướng hợp tác với ASEAN thông qua cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở Sunnyland …
Chuyến thăm của tổng thống Mỹ tới Việt Nam không ngoài mục đích tăng cường quan hệ Mỹ- Việt, đặc biệt là về kinh tế thương mại, trong đó có một mặt hết sức nhạy cảm là an ninh quốc phòng. Có thể nói với Mỹ, Việt Nam có một vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng, án ngữ tuyến giao thông huyết mạch ở Biển Đông, cửa ngõ vào Trung Quốc. Việt Nam là một dân tộc không có thế lực nào có thể áp đặt được ý chí và xâm phạm chủ quyền được, là nước có ý chí và quyết tâm nhất trong việc chống lại chủ nghĩa bành trướng, cường quyền; là một mắt xích không thể thiếu trong chiến lược xoay trục của Mỹ. Chuyến đi này còn khẳng định vai trò, vị thế và lợi ích của Mỹ ở khu vực. Chỉ cần được đặt chân vào một vài vị trí, chẳng hạn như cảng Cam Ranh là Mỹ có thể cắt rời đường lưỡi bò phi lí mà chính quyển Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch đã vẽ ra từ năm 1947.
Chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam thực ra cũng có khác gì chuyến thăm của ông Obama tới Trung Quốc và chuyến thăm của Tập Cận Bình tới Mỹ. Các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam chỉ đưa tin chứ không hề có bình luận soi mói gì. Nhưng khi Tổng thống Mỹ Obama tới thăm Việt Nam, tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí sát thương cho Việt Nam, cung cấp 18 tàu tuần tra tuần tiễu biển cho cảnh biển Việt Nam, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc đã có phản ứng, Trung Quốc “vui mừng khi thấy Việt Nam và Mỹ có bước tiến trong quan hệ giữa hai nước” và không quên kèm theo tuyên bố đầy ẩn ý “hi vọng việc cải thiện quan hệ Việt Nam Mỹ có lợi cho hòa bình và ổn định”.
Tuyên bố thì như vậy, nhưng các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương đều khó chịu, xuyên tạc mối quan hệ Việt-Mỹ, hạ thấp chuyến thăm của Tổng thống Obama và phản đối việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Phải chăng có tật giật mình, người ta lo ngại khả năng Việt- Mỹ thúc đẩy hợp tác  an ninh, quốc phòng, bảo vệ pháp luật quốc tế, tự do hàng hải ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng giấc mơ bành trướng của các nhà cầm quyền Trung Nam Hải và một bộ phận quần chúng mang tư tưởng đại Hán?
 Người ta còn cho rằng Mỹ đang tạo ra một mồi lửa có thể bùng phát ở khu vưc Đông Nam Á. Người ta cũng khuyên Việt Nam phải nhớ bài học lịch sử chủ nghía thực dân, phải cảnh giác với âm mưu thâm độc: “diễn biến hòa bình” vì Mỹ sẽ dùng TPP “thay đổi Việt Nam”. Người ta nghĩ rằng vấn đề trở ngại giữa Trung Quốc và Việt Nam chỉ có vài hòn đảo, tại sao người Việt phải làm ầm lên. Đồng thời họ cũng ngộ nhận và kể công, Việt Nam không thể xa rời được Trung Quốc vì hệ thống chính trị với “bốn tốt” và “mười sáu chữ vàng”, sở dĩ Việt Nam được như ngày hôm nay là vì đã học theo mô hình cải cách của Trung Quốc và rằng Trung Quốc là trụ đỡ cho giới tinh hoa Việt Nam… Người ta cũng không quên cảnh báo sức mạnh chi phối của nền kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt có tờ báo còn hăm dọa nên dạy cho Việt Nam một bài học nữa…
Với tư cách cá nhân, tôi xin trân trọng ghi nhận những ý kiến thiện ý cũng như ác ý của các bạn đồng nghiệp nghiên cứu, của các cơ quan tuyên truyền Trung quốc. Người viết luôn ghi nhớ hàng trăm năm bị thực dân đô hộ và cũng luôn ghi nhớ hàng nghìn năm Bắc thuộc cùng hàng chục cuộc viễn chinh xâm lược của phong kiến phương Bắc trong lịch sử Việt Nam, cũng như cuộc xâm lược Việt Nam vào tháng 2 năm 1979 do Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc phát động. Còn về Biển Đông, tôi xin trích dẫn lời của Ngoại trưởng John Kerry phát biểu tại Thành phố Hồ Chí Minh với báo giới trong và ngoài nước “Nếu muốn đề cập đến khả năng xuất hiện mồi lửa có thể đốt cháy thứ gì đó, chúng tôi lưu ý rằng Trung Quốc không nên có hành động đơn phương như cải tạo đất hoặc quân sự hóa các đảo ở khu vực có những bên tuyên bố chủ quyền chồng lấn”.
Sau cuộc hội đàm với phía Việt Nam, hai bên đã ra Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa kì. Có thể tóm tắt nội dung chính như sau: Hai bên hài lòng trước những tiến triển nhanh chóng, thực chất và toàn diện của quan hệ hai nước trong thời gian qua theo định hướng của quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013 và Tuyên bố về Tầm nhìn chung nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7, 2015. Theo hướng đó hai bên nhất trí trong thời gian tới sẽ tăng cường quan hệ trong các lĩnh vực sau:1, Tăng cường quan hệ chính trị- ngoại giao. 2, Đẩy mạnh quan hệ kinh tế, bao gồm các lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và ứng phó biến đổi khí hậu. Hai bên cũng nhất trí cho rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có tầm quan trọng chiến lược. 3, Làm sâu sắc mối quan hệ giữa nhân dân hai nước. 4, Hai bên tái khẳng định tăng cường hợp tác quốc phòng song phương hai nước. Phía Việt Nam hoan nghênh quyết định của Chính phủ Hoa kì dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam. 4, Thúc đẩy quyền con người và cải cách tư pháp. 5, Hai bên tái khẳng định cam kết chung đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ và trên biển bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế. Hai bên quan ngại với những diễn biến gần đây ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, đe dọa hòa bình và ổn định. Hai bên nhấn mạnh tính cấp thiết của việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không, kêu gọi phi quân sự hóa Biển Đông và khẳng định cam kết chung theo tuyên bố Sunnyland trong Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ tháng 2, 2016. 6, Hai bên nhất trí làm sâu sắc quan hệ đối tác lâu dài theo hướng thực chất, sâu sắc và hiệu quả.
Các phương tiện thông tin đại chúng quốc tế và Mỹ đồng loại đưa tin và bình luận sự kiện này. Nhìn chung dư luận đánh giá tích cực về chuyến đi của Tổng thống Obama cũng như ý nghĩa của mối quan hệ Việt-Mỹ. Thậm chí có bài báo còn đưa mối quan hệ Việt-Mỹ là một trong những bài học, một mẫu mực về việc giải quyết những bất đồng khác biệt giữa những cựu thù trên con đường trở thành bạn bè, đối tác. Có những bài báo lí giải sở dĩ có hiện tượng phát triển vượt bậc trong mối quan hệ giữa hai nước là vì nhân tố Trung Quốc, là vì hai nước có chung những lợi ích trên Biển Đông. Có những bài báo đi sâu đến chính sách đối ngoại thực dụng và khôn khéo của Hoa Kì. Có những bài báo đi sâu vào chính sách đối ngoại linh hoạt của Việt Nam. Cũng có những bài báo và cơ quan ngôn luận, chẳng hạn như của Trung Quốc và Campuchia phản đối việc dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam… Tôi cho rằng tất cả những bình luận trái chiều đó cũng là chuyện bình thường trong quan hệ quốc tế.
Theo PGS-TS Alexander Luving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương APCSS-Mỹ thì chuyến thăm là một dấu mốc lớn trong quan hệ hai nước. “Nó nối tiếp một quá trình lịch sử kịch tính giữa Mỹ và Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2012, khi Mỹ bắt đầu tái cân bằng về châu Á. Có lẽ sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhất trong chuyến thăm là Mỹ tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam… Những rào cản cuối cùng giữa hai quốc gia còn nhiều khác biệt đã được dỡ bỏ. Nhà Trắng cũng loan báo Mỹ sẽ cung cấp 18 tàu tuần tra cho Việt Nam, đồng thời hỗ trợ huấn luyện, hỗ trợ thiết bị thực thi pháp luật trên biển cho cảnh sát biển Việt Nam. Điều này có ý nghĩa gì trong việc duy trì ổn định an ninh hàng hải trong khu vực và trên thế giới”?
Theo GS Thayer người Austrailia thì “Việt Nam là câu chuyện thành công của Mỹ ở Châu Á. Thành công lớn nhất là hai bên đã cam kết tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực cùng quan tâm, điều này đã được nêu trong thỏa thuận về Đối tác Toàn diện năm 2013. Hai nước đã thống nhất thiết lập một cơ chế cấp cao giám sát hợp tác song phương theo thỏa thuận này. Năm 2015 Tổng thống Obama và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra tuyên bố về Tầm nhìn chung, thể hiện sự tôn trọng thể chế chính trị. Và trong chuyến thăm này, Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí, có thể nói cờ đã đến tay Việt Nam. Tất nhiên nó cũng thể hiện câu chuyện thành công của chính sách mang dấu ấn của ông Obama trong việc tái cân bằng ở châu Á”.
Tôi nghĩ có lẽ đối với những người dân lao động Việt Nam, người ta không có thời gian và điều kiện đọc các bình luận của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, cũng như việc theo dõi đầy đủ những ý kiến từ các phương tiện thông tin đại chúng ở trong nước, chứ chưa nói đến nước ngoài. Nhưng có điều chắc chắn rằng từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, hàng triệu người dân Việt chăm chú theo dõi từng cử chỉ, lời nói, hành động của ông Obama với một tình cảm trìu mến, khâm phục và kính trọng. Ông đã trở thành một hiện tượng, một tâm điểm để người ta bàn luận.
 Tôi cho rằng chính sự chân thành, bình dị của ông đã lôi cuốn người dân Việt. Ông đã chọn nhà sàn, ao cá Bác Hồ để gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân. Ông đã chạm vào nơi sâu thẳm trong trái tim người Việt. Điều đó thể hiện thiện chí chân thành muốn hòa giải hợp tác, đồng thời cũng thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của ông. Vì Chủ tich Hồ chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, là người lãnh đạo và là biểu tượng cho hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Tại sao ông và đội ngũ của ông lại không chọn tòa nhà Quốc hội?
Tâm điểm sự chú ý của người dân là bài phát biểu của ông Obama ở Trung tâm hội nghị Quốc gia. Tổng thống Obama và cộng sự rất hiểu lịch sử và văn hóa dân tộc Việt. Ông trân trọng quá khứ huy hoàng của người Việt. Ông nhắc đến Hai bà Trưng và người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt và đọc hai câu thơ trong bài Nam Quốc sơn hà, bài thơ được coi như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt. Phải nói nhiều người đã chia sẻ rằng, khi nghe ông nói trong lòng họ đã dâng lên một một “cảm xúc thật khó tả”. Chân lí trong bài thơ cũng như Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kì và Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam đều ghi rõ chủ quyền thiêng liêng, quyền sống, quyền tự quyết của mỗi dân tộc. Đó là giá trị, là lí tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, là lẽ sống của mỗi dân tộc. Điều này được khẳng định lại trong bài phát biểu của ông: “Việt Nam là một nước có chủ quyền và không có quốc gia nào có thể áp đặt ý chí của họ lên người dân Việt Nam”.
Ông Obama cũng hiểu ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh; người Việt như những bụi tre, rừng tre mọc trên khắp đất nước khiến tôi lại liên tưởng đến người anh hùng làng Gióng nhổ tre bên đường đánh giặc Ân, đến hình ảnh chiếc gậy tre, chông tre, giáo mác trong bao cuộc kháng chiến trường kì chống giặc ngoại xâm; liên tưởng đến bài Cây tre bất hủ của nhà văn Thép Mới, Bài thơ Cây tre của nhà thơ Nguyễn Duy… Thật là cảm động.
Ông Obama không né tránh nhắc đến chiến tranh giữa hai nước. Đó là nỗi đau thương cho cả hai dân tộc. Trên hết ông rút ra những bài học bổ ích, sâu sắc và nhân văn. Ông chỉ ra có nhiều cách để  giải quyết vấn đề, không chỉ có chiến tranh và khẳng định hòa bình luôn tốt đẹp hơn chiến tranh. Ông cho rằng quan hệ Việt Mỹ là một bài học cho thế giới.
Trong bài phát biểu ở Trung tâm hội nghị Quốc gia trước 2000 người đủ các tầng lớp, ông Obama cũng đề cập đến dân chủ, nhân quyền, cái giá trị mà Mỹ và phương Tây luôn áp đặt cho tất cả các dân tộc trên thế giới, nhưng người nghe không hề cảm thấy bị áp đặt, bị lên lớp bởi một siêu cường ở chiếu trên giống như người láng giềng và thật sự làm người ta phải suy nghĩ. Vì bản thân ông cũng thừa nhận chính phủ của ông cũng phải đối mặt với những vấn đề mà người dân chỉ trích. Có điều là người lãnh đạo phải biết lắng nghe và giải quyết.
Sự chân thành của ông không chỉ dừng lại ở lời nói đi vào lòng người mà thể hiện ở những hành động thiết thực: Nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng mối quan hệ đối tác toàn diên; dỡ bỏ lệnh bán vũ khí; hỗ trợ tàu tuần tra, tăng cường giúp đỡ năng lực tuần tra trên biển; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và hàng hóa Việt Nam vào thị trường Mỹ để không phụ thuộc vào một “quốc gia duy nhất nào đó”.
Ông nhiệt thành tin tưởng trong tương lai hai nước sẽ trở thành bạn bè. Ông chia sẻ trong bài nói chuyện rằng nền kinh tế tri thức sẽ thay đổi đất nước nào biết đầu tư vào giáo dục. Trường Đại học Fulbright của Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đào tạo nhân lực đẳng cấp quốc tế cho Việt Nam. Ông tin TPP sẽ thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và đảm bảo nhiều tổ chức, nhiều doanh nghiệp Mỹ sẽ đến Việt Nam làm ăn…
Cuối cùng ông khẳng định “mọi quốc gia đều có chủ quyền và dù là nước lớn hay là nước nhỏ, chủ quyền của quốc gia đó cần phải được tôn trọng và không được xâm phạm lãnh thổ của họ. Các nước lớn không nên chèn ép các nước nhỏ và các tranh chấp cần phải được giải quyết một cách hòa bình”. Ông khẳng định người Việt Nam sẽ quyết định tương lai của người việt và nhấn mạnh : “Đây là thời điểm của các bạn và khi các bạn theo đuổi tương lai của mình, tôi muốn các bạn hiểu rằng, nước Mỹ luôn ở bên các bạn với tư cách là một đối tác và một người bạn”.
Phải nói rằng ông Obama đã hoàn toàn chinh phục được người nghe và chiếm được tình cảm nồng nhiệt của người Việt. Suy cho cùng những điều ông nói vẫn chỉ là những nội dung đã được ghi trong thông cáo chung giữa hai quốc gia. Nhưng đó là không phải là ngôn ngữ chính trị ngoại giao công thức. Đó là ngôn ngữ của một chính khách lão luyện, ngôn ngữ của một nhà hùng biện tài năng, tinh tế và lịch lãm, ngôn ngữ của một con người nhân văn biết sống và làm việc cho công lí và lẽ phải; và trên hết đó là lòng chân thành, sự mong muốn, một niềm tin sâu sắc vào mối quan hệ giữa hai nước trong tương lai.
Theo đánh giá của dư luận trong và ngoài nước, chuyến đi của Tổng thống Obama và cộng sự đã thành công tốt đẹp. Dù còn có những ý kiến trái chiều, nhưng tựu trung lại có bốn điểm nhấn. Một là sự dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, đánh dấu sự bình thường hóa hoàn toàn trong quan hệ song phương và phát đi một thông điệp có ý nghĩa chiến lược trong tương lai. Hai là quan hệ phát triển thực chất trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về chính trị-ngoại giao, kinh tế, an ninh quốc phòng. Ba là Việc Việt Nam cấp phép cho việc thành lập Trường Đại học Fullbright Việt Nam, cho thấy sự phát triển quan hệ giữa hai nước là toàn diện, tin cậy, không phải chỉ vì vấn đề Biển Đông. Cuối cùng là sự đón tiếp nồng hậu của nước chủ nhà và đặc biệt là sự đón tiếp nồng nhiệt của người dân dành cho Tổng thống và phái đoàn cũng như sự thân thiện nhiệt tình của cá nhân tổng thống trong việc giao lưu và tiếp xúc với người dân. Trong bốn điểm nhấn đó, cả dư luận trong nước và ngoài nước chú ý nhất là lệnh dỡ bỏ việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam
Vấn đề đặt ra là tại sao trong mấy năm gần đây mối quan hệ giữa hai nước, hai cựu thù lại phát triển nhanh chóng, sâu rộng như vậy? Đương nhiên đó là kết quả của sự cố gắng nỗ lực không biết mệt mỏi hơn hai mươi năm của cả hai phía. Điều này thì ai cũng thấy rõ. Nhưng sự phát triển như “tên lửa” trong mối quan hệ giữa hai nước còn do một nguyên nhân sâu xa là tình hình Trung-Việt ngày càng căng thẳng về vấn đề chủ quyền biển đảo và việc Trung Quốc cải tạo một số đảo trong quần đảo Trường sa đã chiếm của Việt Nam thành các căn cứ quân sự. Nghĩa là Trung Quốc đã mang súng ống đến trước của nhà của người Việt, hăm dọa người Việt. Chẳng lẽ người Việt lại cam chịu đứng nhìn.  
Chính nền kinh tế phát triển liên tục trong hơn ba mươi năm qua đã khiến Trung Quốc cảm thấy đến lúc cần vứt bỏ chiến lược “giấu mình chờ thời” của Đặng để thực hiện giấc mộng vươn lên trở thành một cường quốc toàn cầu từ thời Mao. Việc chiếm các đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam là một bước tiến hiện thực hóa đường lưỡi bò nhằm độc chiếm Biển Đông, một bước đi bành trướng tiếp theo của Đại Hán ngày càng bộc lộ rõ qua việc gây căng thẳng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Đặc biệt khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông ta không hề dấu diếm ý định chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ.
Với việc cải tạo các đảo, xây dựng các đường băng và hệ thống cầu cảng trên các đảo, đưa hệ thống tên lửa ra đảo, không ngại va chạm với không quân và hải quân Mỹ, bất chấp sự lo ngại của đa số các nước ASEAN, thậm chí coi thường ASEAN, Trung quốc ngày càng hung hăng thách thức dư luận quốc tế, ngang ngược không tham gia tòa án quốc tế, phủ nhận phán quyết sắp tới của tòa án quốc tế… Tất cả những việc làm của họ đều chứng tỏ họ đang đi trên con đường quân phiệt. Những đòi hỏi chính nghĩa của Việt Nam về chủ quyền chắc chắn sẽ bị Bắc Kinh gạt bỏ. Đã đến lúc Việt Nam không thể không hành động. Tôi cho rằng, hiện tại chỉ có hành động kiên quyết của cộng đồng quốc tế và Mỹ mới có thể ngăn chặn được cuồng vọng của Trung quốc.
Bắt đầu từ những năm 2000 trở đi Mỹ bắt đầu cảm thấy quyền lợi và địa vị của mình bị đe dọa ở Biển Đông nói riêng và ở Đông Á nói chung. Tại các hội nghị ASEAN ở Hà Nội năm 2010, Việt Nam và Hoa kì chính thức có những động thái nhằm đưa vấn đề Biển Đông ra các hội nghị. Chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đã bị xâm phạm và ngày càng bị đe dọa. Việt Nam không thể vì cùng ý thức hệ chính trị, vì cái vỏ “đại cục” nhẫn nhịn trước những hành động vừa ăn cướp vừa la làng của người hàng xóm to tảng. Mỹ cũng bắt đầu tuyên bố có quyền lợi ở Biển Đông. Có thể nói cuộc chiến thầm lặng nhưng quyết liệt trên tất cả các mặt trận đã bắt đầu giữa Trung Quốc với Mỹ và các các nước có tranh chấp với Trung Quốc từ Hoa Đông cho tới Biển Đông.
Về mặt quân sự, Mỹ tiến hành cuộc chiến bằng việc xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường tập trận với các quốc gia, liên tục tuần tra trinh sát và hiện diện trên Biển Đông trong vòng 12 hải lí xung quanh các đảo chiếm phi pháp của Trung quốc, đồng thời  thúc đẩy cuộc đấu tranh trên ba mặt trận. Thứ nhất là về chính trị, Mỹ tăng cường củng cố khối liên minh truyền thống Mỹ-Nhật-Hàn- Philipines, Austrailia… Về ngoại giao, Mỹ thực hiện chiến dịch thông tin tuyên truyền cấp độ song phương lẫn đa phương ở tất cả các chuyến công du, các hội nghị ASEAN, ARF, EAS, APEC … Thậm chí cả G20, G7; yêu cầu Trung Quốc phải làm rõ cơ sở pháp lí và bản chất đường chín đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò. Mỹ và các nước đều lên án thủ đoạn gây sức ép, đe dọa, chia rẽ các nước ASEAN cùng việc quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc tại tất cả các diễn đàn quốc tế. Thứ ba, ở khu vực Đông Nam Á, Mỹ phối hợp, hỗ trợ các nước tranh chấp với Trung Quốc trong các lĩnh vực anh ninh biển, cảnh sát biển, chia sẻ thông tin tình báo… để tăng cường năng lực bảo vệ, kiểm soát an ninh hàng hải của các nước có tranh chấp với Trung Quốc.
Việt Nam là nước có ý chí, quyết tâm và năng lực mạnh mẽ nhất trong cuộc đấu tranh  bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước hành động tham lam bành trướng của Trung Quốc. Cả Việt Nam và Mỹ đều có lợi ích chiến lược trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của mình về an ninh, tự do đi lại trên Biển Đông. Cả Việt Nam và Mỹ đều có chung mục tiêu xóa bỏ đường lưỡi bò phi lí, phi pháp mà Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông và chính lợi ích song trùng đó là động lực tăng tốc trong mối quan hệ Việt-Mỹ. Và đó cũng là động lực Mỹ xóa bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Trung Quốc đã nhiều lần phàn nàn và gây sức ép với Nga trong việc Nga bán các vũ khí hiện đại cho Việt Nam. Mới đây nhất là việc Nga chần chừ chưa bán hệ thống tên lửa S 400 vì sức ép của Trung Quốc. Việt Nam không thể không đa dạng hóa nguồn cung vũ khí bằng việc mua vũ khí, khí tài của Mỹ và phương Tây. Xét ở một góc độ khác, các loại vũ khí chủ lực của Trung Quốc cũng như của Việt Nam đều có chung nguồn gốc từ Nga. Các tính năng tác chiến, kĩ thuật của các loại vũ khí đó quân đội Trung Quốc nắm rất chắc. Họ cũng nắm rõ sở trường cũng như sở đoản của từng loại vũ khí. Do vậy việc đa dạng hóa vũ khí với Việt Nam càng trở nên cấp thiết.
Nhiều nhà nghiên cứu và bình luận cho rằng Việt Nam không có khả năng mua ồ ạt ngay các loại vũ khí hiện đại đắt tiền của Mỹ và phương Tây. Tôi cho rằng nhận xét đó hoàn toàn có cơ sở. Nhưng nếu tình hình xấu đi, chắc chắn Việt Nam sẽ có những loại vũ khí mình cần của Mỹ và phương Tây. Nếu kẻ thù nào đó muốn vẽ lại bản đồ thế giới và xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trong tương lai, với truyền thống và tinh thần “thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, cùng với vũ khí tự vệ đầy uy lực, người Việt chắc chắn sẽ buộc kẻ thù phải tính toán hơn hàng trăm lần trước khi chúng quyết định toan tính hành động.
Trước mắt với việc xóa bỏ lệnh cấm bán vũ khí, với quan điểm riêng, tôi cho rằng Việt Nam có thể lựa chọn mua một số máy bay trinh sát, săn ngầm tiên tiến, hệ thống ra đa cảnh giới biển, nâng cấp hệ thống ra đa vốn có tầm bao phủ cả bán đảo Đông Dương, Biển Đông và một phần nam Trung Quốc có từ thời Mỹ ngụy để lại để đảm bảo đất nước không bị bất ngờ trước mọi âm mưu xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Theo những thông tin tôi được biết, Việt Nam có khoảng 100 chiếc máy bay chiến đấu và trực thăng, hàng trăm xe thiết giáp của Mỹ còn lưu kho sau năm 1975 vì thiếu phụ tùng thay thế, việt Nam có thể mua hay hợp tác với Mỹ và các nước phương Tây nâng cấp lên chuẩn đáp ứng yêu cầu  thay thế cho hàng trăm chiếc MIC 21 cùng xe tăng đã đến tuổi về hưu từ thời Liên Xô cũ. Điều đó chắc chắn sẽ tăng cường thêm sức mạnh phòng thủ trước mắt mà không mất nhiều kinh phí. Còn về trung hạn và dài hạn Việt Nam sẽ có điều kiện đa dạng hóa nguồn cung, có điều kiện tìm hiểu, chọn lựa những loại vũ khí hiện đại, có hiệu quả mình cần cho việc phòng thủ.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama có thể nói là một chuyến thăm thành công trên nhiều phương diện. Nếu chỉ có việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí không thôi, tôi nghĩ có cái gì đó vẫn không ổn. Nếu Việt Nam không có cơ hội để phát triển kinh tế và hội nhập, nếu lại bị một nước nào đó chèn ép, thậm chí bao vây và cấm vận về kinh tế, chắc chắn chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Chuyến thăm Việt Nam của ông Obama chứng tỏ trở ngại cuối cùng trong quan hệ hai nước đã được dỡ bỏ mà không kèm điều kiện có đi có lại như quan hệ của Mỹ với đa số các nước khác. Chính quyền của ông Obama còn mở ra nhiều cơ hội mới về kinh tế cho Việt Nam. Và ngay sau chuyến đi, Thượng nghị sĩ Joln McCain đã viết thư cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thúc giục Việt Nam thúc đẩy hơn nữa về việc hợp tác quốc phòng. Đặt vào bối cảnh quốc tế và khu vực, đứng trước một Biển Đông đầy giông bão chúng ta mới thấy hết kết quả của chuyến đi không chỉ mở ra một chương mới trong quan hệ Việt Mỹ mà nó còn mở ra một thời cơ mới trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như một vận hội mới trong phát triển kinh tế.   


       


   

       
 



Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.