Về với Cao Bằng

Leave a Comment
Tôi đã nhiều lần lên Cao Bằng, một tỉnh nằm ở phía Đông Bắc Việt nam, nơi tiếp giáp Khu Tự trị người Choang thuộc tỉnh Quảng Tây Trung Quốc với đường biên dài trên 334,4km. Lần này tôi cùng anh em đồng đội đến thắp hương tưởng niệm Tướng Chu Phương Đới và thăm một số cựu chiến binh Sư đoàn 324 tại Cao Bằng.
Lúc cuối đời tôi có một số dịp gặp Tướng Chu Phương Đới, người con ưu tú của dân tôc Tày, người anh hùng của rừng núi Trị Thiên, người bạn của các dân tộc Lào. Ông quê xã Hưng Đạo, Hòa an, Cao Bằng. Ông đã từng chỉ huy Sư đoàn 325 đánh Mỹ-Ngụy ở Đắc Tô ở chiến trường Tây Nguyên, chỉ huy Sư đoàn 324 đánh Mỹ-Ngụy ở Quảng Trị, Thừa thiên từ giữa những năm 1960. Sư đoàn 324 ra quân đánh Mỹ đầu tiên đã tiêu diệt căn cứ Đầu Mầu, đánh bại cuộc hành quân hắc tinh tinh của Mỹ. Sư đoàn đánh chiếm căn cứ Cù Đinh, Ba De mở ra một thời kỳ mới thu hút chủ lực Mỹ - Ngụy ra Mặt trận đường 9 để tiêu diệt vào năm 1966-1967. Ông còn gắn bó mãi với Sư đoàn đến năm 1987 sau khi nhận nhiệm vụ làm Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Lào.
Năm 2006 khi Tướng Chu Đới nằm ở Bệnh viện Y học Dân tộc Quân đội tại Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội, tôi đã cùng đoàn cán bộ chiến sĩ cựu chiến binh Hà Nội thuộc sư 324 đến thăm hỏi bệnh tình ông. Lúc đó ông vẫn còn khỏe, còn kể lại cho chúng tôi nghe thời hoạt đông cách mạng, thời trai trẻ đánh Pháp ở Việt Bắc, ở Điện Biên Phủ như thế nào. Ông cũng kể cho chúng tôi nghe thời kì học ở Nga, ông chọn một đề tài giả định gây sốc cho toàn học viện. Đó là cuộc chiến tranh xâm lược do Trung Quốc phát động mà ông là một chỉ huy quân đoàn phụ trách bảo vệ vùng biên cương hai tỉnh Cao bằng và Lạng Sơn. Lúc đó ông buồn rầu nói với chúng: “Thế mà sau đó có chiến tranh thật”. 
Tôi rất tò mò về đề tài này. Tôi hỏi ông “Tại sao ông lại giả định về cuộc chiến tranh Trung - Việt” . Ông mỉm cười: “Mình cũng chỉ nhân đọc về cuộc chiến Trung – Ấn và cuộc chiến Trung – Xô mà chợt nghĩ ra thôi”. Trầm ngâm một lát ông nói tiếp: “Nhưng từ trong ký ức lịch sử dân tộc, mình có cái cảm giác cảnh giác nào đó, mặc dù không rõ nét”.
Lúc đó tôi rất ngạc nhiên và đã nảy ra ý định viết một cuốn sách về Tướng Chu Phương Đới. Tôi đã dự định dành nhiều thời gian đến Viện Y học để khai thác tài liệu sống từ con người ông. Thật đáng buồn, vì mải bận bát cơm manh áo mà tôi không thực hiên được điều đó. Một năm sau ông rời khỏi thế giới này.
Tôi rất ấn tượng với phong cách điềm đạm, cởi mở, quần chúng của vị tướng này. Hôm đó ông vẫn còn hát theo anh em chúng tôi bài hát “Vang mãi khúc quân hành”: Đời mình là một khúc quân hành, đời mình là bài ca chiến đấu, ta ca vang, triền miên qua tháng ngày… Chúng tôi hát, hát say sưa để ngợi ca, tưởng nhớ những người lính và cũng để tôn vinh cuộc đời binh nghiệp sáng ngời của ông.
Năm 2007 tôi cùng anh em cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 3 ở Hà Nội lên Cao Bằng thăm ông. Lúc đến nhà ông, trời về chiều, chỉ còn vài tia nắng nhạt nhòa. Chúng tôi đều ngỡ ngàng, ngậm ngùi. Ba gian nhà ngói nhỏ bé ông ở cùng gia đình hòa lẫn với tất cả những ngôi nhà xung quanh bản người Tày. Trước ngôi nhà còn có một khoảng sân lát gạch nung cũ kỹ. Cách sân vài mét là hàng rào cây gốc tần, ô rô. Trong cái khoảng trống tạm gọi là khu vườn, các đồng đội của ông đã trồng một ít thanh long, một số loại cây ăn quả và hoa đặc trưng của các vùng miền khi về thăm ông.
Bước vào nhà, tất cả đều rất đơn sơ, giản dị. Từ nền gạch hoa bằng xi măng xa xưa cái thời bao cấp đến mọi đồ vật bày biện trong nhà đều không có dấu hiệu gì là nhà của một ông tướng. Cái tủ ba ngăn kê sát vách giữa nhà đồng thời là giường thờ, bên trên có bát hương thờ ảnh Bác Hồ. Phía trước tủ là một bộ bàn ghế tràng kỷ như của bao gia đình nông thôn Việt Nam. Ông ngồi trên giường, người trông gầy sọp. Bên cạnh ông, Tướng Minh Long, người đồng đội gắn bó với ông nhiều năm ở chiến trường đã bỏ nhà cửa ở Thành Phố Hồ Chí Minh lên Cao Bằng chăm sóc ông như người em ruột. Tướng Minh Long phải quàng tay ôm đỡ lấy ông ngồi dậy. 
Ông bắt tay từng người trong đoàn. Đến lượt tôi, tôi chúc ông nhanh chóng khỏe mạnh, để lần sau cùng an hem chúng tôi lên thăm hang Pác Pó, thác Bản Giốc. Ông dường như không muốn rời tay tôi. Đôi mắt ông nhìn tôi rất lạ, giống như ánh mắt níu kéo của cụ tôi, bà tôi nhìn người thân trước lúc đi xa. Linh cảm mách tôi chuyện chẳng lành. Đúng như vậy, khoảng nửa đêm hôm đó, chúng tôi nhận được tin ông mất.
Ngày hôm sau, Đảng nhà nước và Bộ Quốc phòng, các đoàn đại diện cho Đảng và nhà nước Lào, các địa phương, người thân, làng xóm, bạn bè, anh em đồng chí ở trong và ngoài nước khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đổ về đưa tiễn Tướng Chu Phương Đới tới nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi biết còn có nhiều người không có điều kiện về Cao Bằng vĩnh biệt người chỉ huy, vị tướng của các vị tướng, người đồng chí, đồng đội trong suốt hai cuộc kháng chiến. Họ sẽ đưa tiễn ông theo cách riêng của mình. Tôi biết ông không phải là vị tướng có cấp bậc cao, không phải là vị tướng thật xuất chúng, nhưng biết bao tướng tá thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay, Sư đoàn Thủy quân lục chiến, Sư đoàn dù Mỹ sau này khi gặp ông và nói về ông với niềm kính trọng, kinh ngạc trước ý chí, tài thao lược của ông. 
Sự ra đi của ông khiến nhiều người trong chúng tôi không cầm được nước mắt. Cả một đời binh nghiệp, qua hai cuộc kháng chiến, trải qua hàng trăm trận đánh với đội quân viễn chinh Pháp và đội quân nhà nghề khét tiếng của đế quốc Mỹ, công lao với quân đội với dân tộc là không nhỏ, nhưng ông về hưu sống thuần với đồng lương hưu, sống một cuộc sống thanh bạch, tĩnh lặng ở một làng dân tộc hẻo lánh. Tôi kính trọng ông vì ông vẫn ấp ủ một mơ ước cho tới trước lúc qua đời, đó là có đủ tư liệu để viết một cuốn sách về người Âu Việt mà có thể hậu duệ sau này là người Tày. Ước mơ đẹp đẽ đó cũng đã theo ông về bên kia thế giới.
Tôi biết đơn vị chính sách quân đội đã xây dựng cho Tướng Chu Phương Đới một căn nhà dưỡng già. Thế nhưng ông lại đem tặng ngôi nhà đó để làm trường mầm non cho các cháu tại quê hương. Tôi cứ tự hỏi mình tại sao có nhiều người lính già lại rơi lệ, thậm chí òa khóc nức nở trong đám tang ông. Nước mắt những người lính này đã khô cạn trong mấy chục năm chinh chiến rồi. Họ đâu có dư nước mắt! Và với tôi ông mãi là một trong những vị tướng đáng kính nhất trong quân đội nhân dân Việt Nam.
Về thắp hương cho ông còn có Thiếu Tướng Lê Huy Mai, nguyên Trưởng ban Trinh sát-Đặc công Sư đoàn 324. Tướng Lê Huy Mai đã kính dâng lên bàn thờ ông cuốn Hồi ký “Từ châu thổ sông Hồng tới sông Hương xứ Huế”. Tôi tin rằng Tướng Chu Phương Đới sẽ rất vui đọc cuốn sách của một chiến sỹ được ông và tập thể cán bộ chiến sỹ Sư đoàn 324 rèn rũa trở thành một vị Tướng như ông, cũng như ông rất vui khi đọc những cuốn hồi ký của các tướng tá, chiến sỹ Sư đoàn 324 và cả của kẻ thù khi viết về sư đoàn 324 của mình. Một lần nữa tôi xin được cầu chúc cho linh hồn ông luôn bình yên, vĩnh hằng ở bên kia thế giới.
Read More

Vẫn chuyện Cao Bằng

Leave a Comment
Thủa học cấp 1, tôi đã biết danh thắng thác bản Giốc, biết anh Kim Đồng. Học cấp 2 biết thành nhà Mạc, biết đến câu ca dao nghẹn ngào đầy nước mắt:
Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trảy nước non Cao Bằng
Lên cấp 3 tôi biết đến hang Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo, nơi khai sinh ra Quân đội nhân dân Việt Nam. Biết Cao bằng là một trong những cái nôi, căn cứ địa cách mạng, căn cứ của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trưởng thành nhập ngũ tôi quen biết một số đồng đội, đồng chí quê Cao Bằng. Thời bao cấp đã có thời gian tôi tới mảnh đất này, mang theo chỉ khâu, chỉ tơ tằm mầu (quê tôi làm nghề này) để bán ở các phiên chợ vùng cao. Khi làm cán bộ quản lý trường trung cấp, cao đẳng năm nào tôi cũng có chuyến công tác lên thành phố và một số huyện lỵ chiêu sinh hết phổ thông về Hà Nội học. Dần dần tôi biết thêm về đồng bào dân tộc Tày, Thái, Dao, Mông… Không biết tự bao giờ Cao Bằng đã trở thành một phần trong cuộc đời tôi.
Về Cao Bằng lần này, tôi theo đoàn cựu chiến binh Hà Nội đến thắp hương tưởng niệm Thiếu tướng Chu Phương Đới. Chúng tôi có dịp đến thăm gia đình anh Lương Ngôn, nguyên Chính trị viên Đại đội hỏa lực Trung đoàn 1, Sư 324. Vì khác trung đoàn nên trong chiến trường tôi không có dịp làm quen với anh. Tôi biết anh từ khi chúng tôi trở lại thăm chiến trường xưa cách đây mấy năm. Thời gian đó tôi dịch xong cuốn “Đồi Thịt băm” của người Mỹ viết về trận đánh trên đồi A Bia thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên. Tôi có tặng một cuốn cho người bạn của anh ở Hà Nội. Đêm trước ngày xuất phát lên đường, anh ngủ ở nhà người bạn đó. Anh đã đọc cuốn sách suốt đêm, cho đến chiều ngày hôm sau.
Chuyến đi về chiến trường xưa kéo dài một tuần. Gần như đêm nào tôi với anh cũng được ban tổ chức chuyến đi phân công ngủ chung một phòng cùng với Đại tá Hồ Hữu Lạn, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3. Chúng tôi thảo luận với nhau từng chi tiết, từng chương trong cuốn sách với diễn biến từng ngày suốt chiến dịch. Anh nhận xét “Sao người Mỹ viết về trận đánh vừa tổng quát vừa tường tận, tỉ mỉ đến thế. Tôi chưa thấy một cuốn sách nào của ta viết về một trận đánh mà khách quan đến như vậy, một trận đánh mà người ta viết đến hơn ba trăm trang sách”. Tôi trả lời anh “tác giả cuốn sách đã dựa vào hàng trăm tài liệu, dựa vào hàng trăm báo cáo, nhật ký từng ngày của ban chỉ huy Lữ đoàn Dù 3, của các tiểu đoàn, các đại đội, các trung đội và các tiểu đội; đặc biệt là dựa vào nội dung phỏng vấn và ghi chép, nhật ký riêng của hàng trăm cựu binh Dù trực tiếp tham gia trận chiến”. 
Tôi cho anh Ngôn biết tôi đã dịch xong một phần cuốn “Đại bàng gào thét trong vòng vây”, cuốn sách người Mỹ viết về trận đánh trên đồi 935 ở mặt trận phía Tây tỉnh Thừa Thiên, trận chiến mà Trung đoàn 1, Sư 324 đánh ở khu vực trung tâm và xung quanh đồi 935, nơi lực lượng Lữ đoàn Dù số 3 của Mỹ chiếm đóng. Đại đội 12,7 ly của anh Ngôn được giao nhiệm vụ bắn rơi tối đa máy bay trực thăng đổ bộ, trực thăng vũ trang và máy bay ném bom cũng như yểm trợ đắc lực cho bộ binh hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm của Mỹ, cứ điểm chiến lược án ngữ con đường đi xuống đồng bằng.
Anh Ngôn rất sốt sắng: “khi nào dịch xong anh gửi ngay cho tôi một cuốn”. Trong chiến dịch, đơn vị anh đã bắn rơi hàng chục máy bay trực thăng, kiềm chế được các loại hỏa lực như pháo, cối trên cao điểm, đóng góp to lớn vào chiến thắng chung. Có nhiều đồng đội anh đã hy sinh, nhiều đồng đội bị thương. Anh cho biết, cá biệt có một ngày trong chiến dịch, đại đội anh hy sinh bị thương tới 12 đồng chí. Một khẩu 12,7 ly bị lính biệt kích Mỹ thu giữ mang về Huế. Cho đến bây giờ anh vẫn còn xót xa và ân hận bởi đã không chỉ huy thật tốt để tổn thất quá lớn. Tôi nói: “Chiến tranh mà. Nếu đơn vị anh không luôn di chuyển, không vận động liên tục, không biết dựa vào địa thế hiểm trở của rừng núi thì với hàng ngàn tấn bom đạn Mỹ dội xuống, chắc chắn đơn vị anh đã bị xóa sổ. Các anh không biết chính đơn vị anh đã bắn rơi một chiếc trực thăng đổ bộ tăng cường quân và đạn dược. Chiếc trực thăng đó rơi vào đúng hầm chứa bom. Xăng dầu từ máy bay lan rộng, bốc cháy. Hàng ngàn tấn đạn pháo, cối dự trữ của ba trận địa pháo, cối phát nổ mấy ngày đêm liền. Toàn bộ trận địa trên cứ điểm chao đảo, rung chuyển trong tiếng đạn nổ mù mịt khói lửa” ... 
Từ chỉ huy Sư đoàn Dù, Lữ đoàn Dù số 3 đến binh lính gần như tê liệt, bạc nhược. Ngay sau đó, người Mỹ đã quyết định bỏ căn cứ tháo chạy. Trân đánh đã báo hiệu ngày thất bại không xa của Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, một chiến lược kéo dài thời gian bảo vệ danh dự cho quân đội Mỹ. Người Mỹ đã ví trận chiến này là một trận Điện biên phủ thứ hai. Đây cũng là trận chiến lớn ác liệt cuối cùng của binh lính Mỹ ở miền Nam, một vết nhơ cay đắng cho quân đội Mỹ. Căn cứ theo cách nhìn của người Mỹ, đơn vị của anh Ngôn đã quyết định sớm số phận trận đánh của Sư Dù mang biệt danh “Đại bàng gào thét” trong sự vây hãm của Trung đoàn 1. Niềm kiêu hãnh về Sư Dù của nước Mỹ đã bị tan biến trước tinh thần quả cảm của cán bộ và chiến sỹ sư đoàn 324. Theo tôi lẽ ra đơn vị của anh Ngôn phải được phong danh hiệu anh hùng, Trung đoàn 1 cũng phải được phong tặng danh hiệu anh hùng. Tôi nói: “Khi nào tôi dịch xong, anh đọc sẽ biết”.
Anh Ngôn nhập ngũ vào giữa những năm 1960. Năm 1966 anh có mặt tại mặt trận phía Tây Quảng trị đánh Mỹ ở Tà Cơn, Cồn Tiên, Dốc Miếu... Trong cuộc Tổng Tấn công năm 1968, anh chỉ huy một phân đội 12,7 ly, phân đội hỏa lực này luôn là mục tiêu của các loại hỏa lực và súng bộ binh Mỹ trong các trận đánh. Anh bị thương nặng phải nằm ở Bệnh viện Dã chiến Hà Đông thuộc Quảng Trị trong khi trung đoàn vẫn tiếp tục đánh tiến lên Phong Điền, Quảng Điền thuộc tỉnh Thừa Thiên. Vết thương chưa kịp lành, anh và 60 đồng đội bị thương dưới sự chỉ huy của anh Lê Huy Mai vừa tự chiến đấu bảo vệ mình, bảo vệ đồng đội, vừa trèo đèo vượt dốc, cắt rừng, vượt qua bao sông suối. Các anh vượt qua hàng trăm km gian nan vất vả, mò mẫm tìm về đơn vị để tiếp tục chiến đấu. Các anh có quyền ở lại tuyến sau, thậm chí có quyền ra Bắc chờ đơn vị, nhưng các anh đã không làm điều đó. Bởi vì phía trước là đồng đội, đồng chí của các anh... 
Anh Ngôn đã tham gia hàng chục trận đánh tiếp theo. Trong đó có trận đánh trên đồi A Bia, A Lưới tháng 5 năm 1969 (người Mỹ gọi là Đồi Thịt băm) và trận đánh trên điểm cao 935 (người Mỹ gọi là Đại bàng gào thét trong vòng vây). Anh cũng tham gia Chiến dịch Đường 9 Nam Lào chiến đấu trên đất bạn. Tất cả các nhiệm vụ cấp trên giao anh đều hoàn thành tốt. Anh đã được tặng thưởng nhiều huân chương, trong đó có huân chương chiến công hạng 2. Cho đến cuối năm 1973 anh bị thương lần thứ 5, hoàn toàn mất sức chiến đấu. Bộ phận chính sách cho anh ra Bắc học văn hóa và chính trị. 
Vừa tốt nghiệp Phân Viện Báo chí, tình hình biên giới phía Bắc bắt đầu căng thẳng, anh Ngôn lại được điều về Cao Bằng. Với kinh nghiệm chiến đấu 8 năm ở chiến trường, anh được cấp trên tin tưởng giao trọng trách xây dựng các điểm phòng ngự trên toàn tuyến Trùng Khánh, trực tiếp chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Khi quân xâm lược Trung Quốc rút chạy về nước, tình hình biên giới ổn định, anh về Ban tuyên huấn tỉnh Cao Bằng công tác cho tới ngày nghỉ hưu. 
Về mặt gia đình, anh Ngôn là người chồng, người cha mẫu mực. Ngày nghỉ anh giúp vợ việc chăn nuôi lợn gà cũng như việc đồng áng một nắng hai sương. Anh chị có năm người con. Tất cả năm cháu đều học đại học. Người thì học Đại học Quân sự, người thì học Đại học Kinh tế Quốc dân, người thì học Đại học Thương Mại… Trong số anh em cựu chiến binh chúng tôi ở Hà Nội, liệu có bao nhiêu người được như anh? Anh đã phải bán đi mảnh đất được phân ở thành phố, từ bỏ một cuộc sống có điều kiện, tiện nghi hơn để lấy tiền nuôi con ăn học. Các con anh thật may mắm có được người cha người mẹ vừa có tầm nhìn, vừa hết lòng vì con cái như vậy!
Sau khi đi thăm một số địa danh tỉnh Cao Bằng, xe của chúng tôi dừng lại ở huyện lỵ Trùng Khánh. Anh Ngôn và chúng tôi phải thuê xe 16 chỗ và taxi về nhà. Con đường nhỏ dài ngoằn ngoèo đưa chúng tôi đi qua bao dãy núi đá tới một bản làng của người Tày, cách biên giới Việt Trung 2 km. Cũng giống như bao bản làng người Tày khác ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, quê hương anh nằm ven chân núi, bên một dòng suối, có khoảng 20 đến 30 nóc nhà. Ở miền biên cương này, nhiều bản người Tày có một chút khác biệt. Những ngôi nhà sàn của các gia đình không trải rộng ra như ở trong nội địa mà co cụm lại, nhà này kề sát nhà kia tựa như một pháo đài nổi lên giữa một thung lũng bao quanh là rừng rú. Phía dưới những ngôi nhà sàn của họ, nhiều gia đình vẫn nuôi lợn gà, trâu bò. Đó chính là nét đặc trưng, cách tự bảo vệ mình ở miền sơn cước như cách Mác nói là để “chống lại kẻ thù hai chân và bốn chân”. 
Chúng tôi đi bộ qua một khoảng rừng mai, vầu thì đến nhà anh Ngôn. Nhiều người trong xóm đổ ra đường “ngắm nghía” đoàn cựu chiến binh. Gần như tất cả mọi người trong đại gia đình anh, đại diện tổ chức đảng, hội cựu chiến binh xã đã chờ đón chúng tôi trong ngôi nhà sàn. Đúng là một buổi đón tiếp, giao lưu trang trọng và thắm tình đồng đội, đồng chí sau bao năm xa cách… Với mỗi người chúng tôi, bên chén rượu cổ truyền say nồng của dân tộc Tày và đặc sản hạt dẻ Trùng Khánh ngọt bùi, biết bao kỷ niệm đời lính lại ùa về…
Trên bàn thờ nhà anh Ngôn là chiếc bát hương thờ tổ tiên. Hai bên có bức diềm vàng vát chéo. Sâu bên trong có một số câu đối đỏ truyền thống của người Tày. Ở phía bên dưới là một bếp lửa, có một vài khúc gỗ âm ỉ cháy theo tục giữ lửa của người Tày. Tôi ngỡ ngàng, sau bao nhiêu năm thoát ly vào Nam ra Bắc, một thời gian dài ở thành phố nhưng anh vẫn giữ nguyên phong tục tập quán của người Tày, một dân tộc có dân số xấp xỉ 1,7 triệu ngườ, đã định cư trên mảnh đất hình chữ S từ thế kỷ thứ nhất trước công nguyên.
Người Tày làm ruộng lúa nước như người Kinh. Họ có nền văn hóa thật đặc sắc. Tính đoàn kết, tính cộng đồng, tương trợ lẫn nhau rất đậm nét. Việc làm nhà, việc dựng vợ gả chồng, việc ma chay là những công việc chung của cả bản. Các gia đình đều mang lương thực, thực phẩm đến cho chủ nhà. Gia đình nào cũng cắt cử người đến làm công cho chủ nhà cho đến khi mọi việc hoàn tất… Có thể nói tất cả những nét văn hóa đẹp đẽ đó thấm đượn trong con người anh Ngôn. Nó biểu hiện qua nét cảm, nét nghĩ của anh, qua hành động, qua cách ứng xử với đồng chí, đồng đội từ ngày nhập ngũ cho đến tận ngày hôm nay.
Anh nói với anh em chúng tôi: “lên đến Cao Bằng thì tôi là chủ. Việc ăn ngủ ở đâu do tôi lo liệu, quyết định”. Đúng là cái chất của một chính trị viên, của một người chỉ huy quyết đoán. Anh chiêu đãi chúng tôi buổi liên hoan, không cho chúng tôi chia sẻ đóng góp. Anh còn tặng chúng tôi mỗi người một túi gạo nếp ong, nếp đặc sản của người Tày, thành quả lao động của anh một mùa vụ. Anh còn muốn đưa chúng tôi đi thăm nhiều nơi, thăm chợ cửa khẩu Trùng Khánh, chợ huyện, chợ phiên vùng biên. Anh còn nhiều dự định nữa nhưng thời gian thì có hạn.
Về chuyện cá nhân, anh dành cho tôi một tình cảm đặc biệt. Sau chuyến đi về thăm chiến trường, anh thường xuyên gọi điện tâm sự chuyện chung, chuyện riêng. Tôi cũng vậy. kể cả chuyện tôi vứt sách vì mấy ngày vẫn không biết chuyển ngữ, biết dịch như thế nào cho đúng với tinh thần của tác giả. Anh động viên tôi và gửi cho tôi ba lần tiền qua bưu điện. Anh muốn “bồi dưỡng chút ít” vì tôi phải “ngày phải đi làm, đêm về dịch sách”. Tôi thật xấu hổ. Ngoài đồng lương hưu ít ỏi, hai tháng một lần anh về Hà Nội khám bệnh lấy thuốc, căn bệnh hiểm nghèo, di chứng những lần bị thương để lại, anh lấy đâu ra tiền dư dật. Vậy mà anh lại gửi tiền cho tôi, một người ở miền núi nghèo hẻo lánh lại gửi tiền cho một người ở miền xuôi, một người về hưu đã lâu lại gửi tiền cho một người dù về hưu nhưng vẫn còn đi làm, dẫu không giầu nhưng có đồng ra đồng vào. Thật là nghịch cảnh. 
Lần thứ ba tôi không đến bưu điện nhận tiền. Bưu điện Thanh trì gọi tới, tôi vẫn không đến. Anh Ngôn gọi điện nhỏ nhẹ: “Của ít lòng nhiều. Nếu anh từ chối, tôi không bằng lòng đâu. Tôi động viên để anh hoàn thành dịch cuốn sách cho đồng đội đấy”. Anh nói vậy thì làm sao tôi có thể khước từ được. Người Tày là như vậy đấy… 
Buổi sáng Cao Bằng se lạnh. Mưa phùn lất phất. Anh bắt tay tiễn đưa chúng tôi lên xe về Hà Nội. Tôi bỗng nhớ tới câu thơ trong bài Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu:
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay
Chiếc xe đã rời xa. Anh vẫn đứng đó với bộ quân phục mới. Trên ngực anh lấp lánh chiếc huy hiệu bác Hồ và tấm Huân chương Chiến công. Cánh tay anh đưa lên vẫy, vẫy, vẫy tạm biệt… Tôi biết anh đang phải chống chọi với bệnh tật, với thời gian để giúp đỡ gia đình, giúp đỡ bản làng và để được đón đồng đội, đồng chí lên Cao Bằng.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.