Đằng sau Shangri-la 15

Leave a Comment
Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á, còn gọi là Đối thoại thoại Shangri-la, là một diễn đàn an ninh liên chính phủ được tổ chức hàng năm bởi một tổ chức cố vấn độc lập- Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế và Chính phủ Singapore phối hợp tổ chức.
Đối thoại Shangri-la (tên khách sạn nơi tổ chức đối thoại) lần đầu tổ chức vào năm 2002, thu hút 161 đại biểu từ 22 quốc gia. Diễn đàn năm nay là lần thứ 15, thu hút 602 đại biểu từ 35 quốc gia, trong đó có 30 lãnh đạo quốc phòng cùng hơn 2000 nhân viên hỗ trợ.
Đối thoại là nơi các quốc gia trao đổi những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, là nơi nuôi dưỡng ý thức cộng đồng trong hoạch định chính sách quan trọng về quốc phòng và an ninh trong khu vực. Cũng nhân dịp này các đoàn đại biểu đã tận dụng thời gian gặp gỡ song phương để trao đổi những vấn đề cùng quan tâm.  Diễn đàn còn có sự tham gia của những nhà lập pháp, chuyên gia khoa học, nghiên cứu, các nhà báo.
Chủ đề chính tại Đối thoại Shangri-la năm nay gồm có 3 vấn đề:
Thứ nhất là khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Thứ hai là căng thẳng Biển Đông.
Thứ ba là an ninh liên quan đến di dân, an ninh mạng, chống khủng bố và hợp tác quốc phòng.
Theo các nhà quan sát trong và ngoài nước, mặc dù chủ đề của Đối thoại Shangri-la năm nay có ba vấn đề như trên nhưng bao trùm và thu hút sự chú ý chung thì có bốn điểm. Đó là: 1, Biển Đông thống trị diễn đàn. 2, Từ “nguyên tắc” được nhiều quốc gia nhắc đến nhiều nhất, riêng Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter trong bài phát biểu của mình đã nhắc đến từ này đến 24 lần. 3, Trung Quốc là quốc gia bị hầu hết các nước và các nhà báo bủa vây, chỉ trích về lập trường bành trướng ở Biển Đông. 4, Mâu thuẫn Mỹ-Trung đặc biệt căng thẳng.
Theo ý kiến cá nhân tôi, cả bốn điểm nhấn trên tựu trung lại chỉ xoay quanh một vấn đề Biển Đông mà tác nhân gây ra căng thẳng chính là sự bành trướng của Trung Quốc. Trong đó có việc Trung Quốc đã đánh chiếm các đảo; cố tình áp dụng, diễn giải sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển UNCLOS năm 1982; vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, vùng đặc quyền kinh tế, những lợi ích hợp pháp của Việt Nam và nhiều quốc gia ASEAN. Trung Quốc cải tạo các thực thể đá, quân sự hóa các thực thể đó trở thành các căn cứ quân sự nhằm hiện thực hóa đường chín đoạn (đường lưỡi bò), đe dọa hòa bình ổn định của khu vực, đe dọa tự do hàng hải, hàng không theo luật pháp quốc tế.
Tôi đã đề cập đến âm mưu và thủ đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông ở một số bài viết trong Blog này nên không nhắc lại vấn đề này, và chủ đề bài viết là Shangri-la 15 nên tôi  không muốn để sa đà vào việc thuật lại những âm mưu và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trong những năm qua. kết luận lại là thủ phạm làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông từ trước đến nay là chủ nghĩa dân tộc Đại Hán mà Bắc Kinh đang theo đuổi, thể hiện thông qua đường chín đoạn. Shangri-la năm nay lại nằm trong bối cảnh Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc sắp ra phán quyết; nếu  phán quyết các thực thể mà Trung Quốc đã đánh chiếm không có lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, hoặc có lãnh hải nhưng không có vùng đặc quyền kinh tế thì sẽ đập tan cơ sở pháp lí đối với yêu sách bên trong đường chín đoạn. Chính vì thế Shangri-la năm nay không phải là vấn đề của riêng ai.
Xưa nay Bắc Kinh chỉ muốn giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông qua đàm phán song phương để dễ bề lấn lướt, ép các nước, nhưng cho đến bây giờ điều này đã hoàn toàn vượt tầm kiểm soát, tính toán của họ. Vấn đề Biển Đông đã hoàn toàn quốc tế hóa, đó là sự thật không thể đảo ngược. Trong Tuyên bố chung của G7 mở rộng, tình hình Biển Đông đã được đề cập với sự quan ngại sâu sắc về lập trường bành trướng của Bắc Kinh. Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc (PCA) ở Hà Lan sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về đường chín đoạn vào đầu tháng Bẩy. Tuyên bố chung của Hội nghị đặc biệt các ngoại trưởng ASEAN tại Vân Nam bị Trung Quốc ép không được công bố bất chấp danh dự và quy tắc ngoại giao nước chủ nhà.
Có lẽ qua Đối thoại Shangri-la cộng đồng quốc tế và ASEAN đã “bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây và đang diễn ra ở Biển Đông, nhất là việc bồi đắp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các bãi đá, quân sự hóa các đảo nhân tạo và các hành động khẳng định chủ quyền không dựa trên luật pháp quốc tế”. Trước tình hình phức tạp, các bộ trưởng đã “đề nghị ASEAN và Trung Quốc thể hiện quyết tâm chính trị và nỗ lực hơn nữa để đảm bảo hòa bình và an ninh ở Biển Đông, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”… Mặc dù còn có những khác biệt, nhưng ASEAN đã tỏ ra đoàn kết và không nhượng bộ trước thái độ chiếu trên của Trung Quốc.
Về phía Việt Nam, tôi nghĩ có lẽ đây là Shangri-la đầu tiên Việt Nam đã thể hiện lập trường cứng rắn của mình về Biển Đông. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trưởng đoàn tham dự Shangri-la tuyên bố tình hình Biển Đông “càng căng thẳng phức tạp việt Nam càng phải quyết tâm giữ vững độc lập, chủ quyền”. Tướng Vịnh khẳng định Việt Nam kiên trì cuộc đấu tranh với Trung quốc đồng thời cũng nhấn mạnh tinh thần hợp tác với Trung quốc, đấu trang và hợp tác cũng như hợp tác và đấu tranh để bảo vệ nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năn 1982. Cũng tại đối thoại này, trước những câu hỏi của báo chí về việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, một lần nữa Tướng Vịnh khẳng định đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam. Và tuyên bố Việt Nam sẽ không liên minh với một nước nào để chống lại nước thứ ba.
Điều đặc biệt trong Đối thoai Shangri-la 15, lần đầu tiên một số nước phương Tây, trong đó có Bộ trưởng quốc phòng Anh, Pháp, Canada có những tuyên bố mạnh mẽ sẽ tham gia tuần tra ở Biển Đông và kêu gọi Liên minh châu Âu tham dự tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon và người đồng cấp Pháp Jean Yves Le Drian đã nói châu Âu có lợi ích chính trị tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, họ quan tâm tới luật pháp quốc tế và tự do hàng hải.
Người Anh nhắc tới thỏa thuận phòng thủ 5 bên gồm Anh, Úc, New Zealand, Malaisia, Singapore cùng với căn cứ ở Brunei. Người Pháp nhắc tới các đảo của mình nằm giữa Thái Bình Dương và các đảo trên Ấn Độ Dương. Cả hai bộ trưởng quốc phòng Anh, Pháp đều khẳng định kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp còn kêu gọi sự hiện diện “thường xuyên và rõ ràng” tại khu vực. Ông nói: “Nếu chúng ta muốn kiềm chế nguy cơ xung đột, chúng ta phải bảo vệ các nguyên tắc”. Theo ông “Nếu luật biển không được tôn trọng tại các biển gần Trung Quốc thì sau này nó sẽ bị đe dọa ở Bắc Cực, Địa Trung Hải hay ở nơi khác. Rõ ràng xu hướng đấu tranh đòi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc, chuẩn mực chung đang trở thành một xu thế và trở thành vấn đề quốc tế, không phải là vấn đề riêng của Bắc Kinh với các nước có tranh chấp chủ quyền, bất chấp mọi âm mưu thủ đoạn tinh vi và trắng trợn của Bắc kinh nhằm biến Biển Đông thành ao nhà của mình.
Tính quốc tế nằm ngay ở bản chất đường chín đoạn phi lí và phi pháp do Trung Quốc tự vẽ ra đè lên chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven Biển Đông nhằm độc chiếm Biển Đông, kiểm soát một trong những tuyến đường giao thông quan trọng nhất của thế giới. Do vậy nó có liên quan đến năm nước sáu bên. Do vậy ASEAN ngày càng nhận rõ vai trò của mình, không vì một vài quốc gia bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc mà né tránh vấn đề. Cũng do vậy cộng đồng quốc tế ngày một quan tâm. Các nước lớn ngày càng can thiệp sâu hơn tới khu vực, thậm chí tình hình Biển Đông có nguy cơ vượt khỏi tầm tay vai trò trung tâm của ASEAN nếu tổ chức này không có được tiếng nói thống nhất với Trung Quốc.  
So với các Shangri-la trước, người ta nhận thấy giọng điệu của đoàn Trung quốc tỏ ra mềm mỏng một cách bất thường. Tôi cho rằng họ nghĩ mình đã đạt được một số mục tiêu trên thực địa, nên cố nhẫn nhục tỏ ra mình là nạn nhân “chịu đòn”. Đô đốc Tôn Kiến Quốc, đại diện cho Trung Quốc cố gắng giải thích việc làm của họ ở trên Biển Đông là “chính đáng, hợp pháp và hợp lí”. Trung quốc không có dấu hiệu thỏa hiệp nào. Họ phủ nhận những chỉ trích của các nước và cho rằng họ không có vấn đề gì ở Biển Đông. Họ đổ vấy cho Mỹ mới là tác nhân xúi giục và quân sự hóa Biển Đông. Họ ngang ngược tuyên bố Trung Quốc “không gây rối và cũng không sợ ai gây rối”. Họ tỏ rõ việc không tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là không chấp nhận phán quyết do Tòa Trọng tài Thường trực sắp đưa ra và công khai ý đồ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông nếu nhận thấy “các mối đe dọa đi quá giới hạn”.
Như vậy là không chỉ có Mỹ và các nước đồng minh sẽ phải tính toán những biện pháp phản ứng phù hợp với những hành động phiêu lưu của Trung Quốc sau phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc sắp tới, mà tất cả các thành viên ASEAN, đặc biệt là Việt Nam phải chuẩn bị những cách thức đối phó với nguy cơ của chủ nghĩa bành trướng quân phiệt. Tôi tin rằng trong thời gian ngắc hạn, Bắc kinh chưa thay đổi lập trường và cách hành xử thô bạo, xô vanh nước lớn. Quan điểm của họ ở Shanri-la là một minh chứng cho việc họ sẵn sàng đối đầu với khu vực và quốc tế trong vấn đề Biển Đông.
Nếu như Biển Đông là đề tài bao trùm lên Shangri-la 15 thì mâu thuẫn Mỹ Trung trở thành một tâm điểm. Ngày 4 tháng 6 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã có bài phát biểu dài hơn hai mươi phút khai mạc phiên thảo luận “Đối phó với các thách thức an ninh phức tạp của châu Á”. Ông Carter tiếp tục cam kết có mặt tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và nhấn mạnh tầm quan trọng của một trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế, liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông. Ông cho rằng những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang “xây dựng bức trường thành tự cô lập” trước khu vực đang hợp tác và gắn kết với nhau.
Cũng trong bài phát biểu, Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh Mỹ tiếp tục bay, di chuyển và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, trong đó có Biển Đông. Ông cũng kêu gọi các nước trong và ngoài khu vực có thể làm theo cách thức Mỹ đã và đang làm. Ông cho rằng “chỉ khi tất cả mọi người đều cùng tuân thủ một nguyên tắc, chúng ta mới có thể tránh các sai lầm của quá khứ giống như khi các quốc gia thách thức lẫn nhau bằng sức mạnh và ý chí, gây ra những hậu quả tàn khốc cho khu vực trước đây”. Ông Carter muốn ám chỉ các cuộc chiến tranh lớn trước đây ở khu vực đều có “bàn tay” của Bắc Kinh. Trung Quốc cần phải thận trọng và kiềm chế.
Đặc biệt trong bài phát biểu của mình, ông Carter tuyên bố Mỹ đang xây dựng một mạng lưới an ninh tập thể (collective security network) mới, dựa trên những nguyên tắc và chuẩn mực chung. Đây chính là một nét đáng chú ý nhất trong toàn bộ bài phát biểu, một vấn đề cực kì quan trọng vì bản chất của mạng lưới này là An ninh Tập thể. Nó có thể ảnh hưởng sâu rộng đến môi trường ổn định của khu vực. Nó đặt ra một cách thức tiếp cận mới cho các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam, tiếp cận với một xu hướng mới trong việc bảo vệ đất nước?
Theo những điều tôi hiểu trong bài phát biểu thì mạng lưới an ninh tập thể mới, dựa trên những nguyên tắc và chuẩn mực chung được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đưa ra ngày 4 tháng 6 tại Shangri-la 15 là một khái niệm bao quát mà nội dung cơ bản là mạng lưới an ninh tập thể của châu Á, không giống như NATO của châu Âu, nó là một tập hợp những cơ chế song phương, ba bên, đa phương trong khu vực tập trung vào việc giữ gìn những giá trị cốt lõi và thúc đẩy chia sẻ các cơ sở hậu cần, chia sẻ gánh nặng giữa các quốc gia tham gia.
Thực ra khái niệm mạng lưới an ninh mới đã được chính Bộ trưởng Carter đề cập đến ở Shangri-la năm trước. Tuy nhiên các nước và giới quan sát không quan tâm nhiều đến nó vì từ trước đến nay, các nước châu Á không có truyền thống hình thành hệ thống an ninh tập thể như kiểu của châu Âu. Họ quen thuộc với các hiệp ước song phương theo kiểu Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn, Mỹ-Philippines. Nhưng chính tình hình xung đột ở châu Á, đặc biệt là tình hình căng thẳng ở Biển Đông cùng với tầm nhìn rõ ràng mang tính tích cực, tính định hướng cho tương lai mà ông Carter đã nêu ra trong Shangri-la lần này được dư luận các nước đặc biệt quan tâm và chú ý. Hơn nữa các nước nằm trong khối ASEAN tiềm lực kinh tế và quốc phòng đều rất dễ bị tổn thương trước một Trung Quốc đầy tham vọng. Họ đã, đang và sẽ là mục tiêu bị gặm nhấm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và những lợi ích kinh tế chính đáng. Họ không thể không suy nghĩ theo hướng tiếp cận mà Mỹ đã khởi xướng. Họ tin Mỹ chứ không tin Trung Quốc.
Khái niệm mạng lưới an ninh tập thể mới là sự kết hợp giữa các nguyên tắc cốt lõi mà Mỹ tin rằng sẽ đoàn kết các nước trong khu vực. Đó là chủ quyền, quyền tự quyết, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tự do hàng hải, hàng không… Mạng lưới này sẽ tạo ra triển vọng các quốc gia phối hợp cùng với nhau có hiệu quả hơn trước các thách thức truyền thống và phi truyền thống. Khả năng này thể hiện việc Mỹ ủng hộ các quốc gia cũng như cách nhìn nhận về sự phát triển của châu Á-Thái Bình Dương. Trong đó các quốc gia sẽ thể hiện vai trò lớn hơn trong khu vực, đồng thời xây dựng các mối quan hệ để giải quyết các thách thức.
Theo tôi, trên thực tế Mỹ đã xây dựng mạng lưới an ninh này từ trước đây, đặc biệt là từ năm 2012 trở lại đây gắn liền với việc xoay trục về châu Á nhằm thúc đẩy việc chia sẻ gánh nặng an ninh của Mỹ cùng với các nước đồng minh và các đối tác. Từ sáng kiến liên kết Mỹ-Nhật-Ấn, Mỹ-Nhật-Úc cho đến sự phối hợp ba bên Mỹ-Thái-Lào, Mỹ đang cố gắng xây dựng mạng lưới bao gồm các biện pháp được tiến hành bởi các quốc gia trong khu vực như Úc-Ấn-Nhật hay các sáng kiến đa phương như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)… Như vậy là Mỹ sẽ duy trì an ninh qua việc giữ gìn môi trường ổn định châu Á-Thái Bình Dương bằng chính sức mạnh vượt trội của mình và thông qua hợp tác với các đồng minh truyền thống, thông qua các đối tác trong khu vực.
Mạng lưới an ninh tập thể mới, dựa trên các nguyên tác và chuẩn mực chung của Mỹ nêu ra trong Đối thoại Shangri-la 15 có thể đem lại hòa bình hay không, theo tôi vẫn còn là một ẩn số. Suy cho cùng đó là một dạng tập hợp lực lượng của Mỹ, sự đa dạng hóa cách thức duy trì an ninh khu vực ở châu Á- Thái Bình Dương nói chung và ở Biển Đông nói riêng, nhằm kiềm chế Trung Quốc. Vì vậy cảnh báo của Bộ trưởng Quốc phòng Carter Trung Quốc đang dựng lên một bức tường tự cô lập không phải là không có cơ sở. Và việc Việt Nam chúng ta  tính đến, có nên tham gia vào mạng lưới an ninh tập thể do Mỹ đứng đầu, hoăc tham gia với một hình thức như thế nào đó để bảo vệ chủ quyền đất nước có lẽ cũng không phải là không có cơ sở.
Đối thoại Shangri-la đã khép lại, các nhà nghiên cứu và bình luận trong và ngoài nước còn có những đánh giá trái chiều như các nước trong đó có việc Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội đối thoại và tranh luận về cách diễn giải UNCLOS, làm sáng tỏ những hành vi leo thang quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông và việc bảo vệ pháp luật quốc tế, bảo vệ UNCLOS và phán quyết của Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc sắp tới… Tôi cho rằng các ý kiến trái chiều đó đều đúng, nhưng thời gian quy định dành cho các nước là có hạn. Vả lại chủ đề Shangri-la đâu chỉ có xoay quanh chuyện về Biển Đông. Tôi tin rằng sau Shangri-la và tiếp theo là sau phán quyết của Tòa Trọng tài trong tháng Bẩy, các nước trong đó có Việt Nam sẽ có những bước đi thích hợp, tiếp tục đấu tranh lên án việc cải tạo và việc quân sự hóa các thực thể; đặc biệt là việc bác bỏ yêu sách chủ quyền lịch sử phi lí về đường chín đoạn để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, những lợi ích hợp pháp của mình cũng như bảo vệ, hòa bình, ổn định khu vực và luật pháp quốc tế.    
    
    



Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.