Tín ngưỡng thở Đức Thánh Trần

Leave a Comment
Chiều qua tôi mới có dịp xem bản dịch thần phả về Vũ sứ thần ở đền thờ Đức Thánh Tổ làng nghề Triều Khúc. Khi ra về, qua cổng chùa Hương Vân, tôi thấy bên đền Tam Thánh đang dựng rạp. Tôi hỏi ông Từ: “Không biết hôm tới nhà đền có công việc gì?” Ông trả lời tôi: “Ông quên à? Ngày 20 tháng 8.” Tôi thật đãng trí, nhãng quên đi cái ngày mà người con dân đất Việt vẫn thường nhắc nhở nhau: “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”.
Để chữa thẹn, tôi xin phép ông Từ được thắp nén nhang, cầu khấn Đức Thánh Trần phù hộ quốc thái dân an, phù hộ sức khỏe và may mắn cho gia đình. Ông Từ cho tôi biết, hôm tới nhà đền tổ chức tế, lễ Tam sinh, có mấy chục mâm dư lộc huệ thết đãi dân làng vào ngày hóa. Đêm hôm trước đó, các cung văn sẽ hát chầu trước cửa đền. Ông mời tôi đến dự cùng dân làng.
Đền Tam Thánh nằm trong cụm di tích lịch sử đã được xếp hạng của làng Triều Khúc, một trong 10 làng cổ nhất của Hà Nội, có hàng trăm di vật mà các nhà khảo cổ khai quật được tại Di chỉ Gò Cây Táo cách đây trên dưới 4000 năm. Đền Tam Thánh gồm 3 gian theo kiến trúc truyền thống. Gian giữa thờ Ngọc Hoàng, Tam cung Tứ Đế (ảnh hưởng đạo giáo Trung Hoa). Gian bên phải thờ Đức Thánh Trần và gian bên trái thờ Tam tòa Thánh Mẫu (hai tín ngưỡng dân gian nội sinh thuần Việt. Xin xem bài Một buổi xem hầu đồng tôi viết trên trang Facebook cách đây ít ngày).
Tôi biết vào những ngày này tại Đền Kiếp Bạc, Hải Dương, tại đền Bảo Lộc, Nam Định, tại đền Đồng Bằng, Thái Bình, hàng năm cứ vào trung tuần tháng Tám Âm lịch, từ bao đời nay, người dân khắp mọi miền lại nô nức đổ về “giỗ Cha”, người Cha thiêng liêng của dân tộc, của mọi triều đại, của mọi nhà trong sự đối sánh với Mẹ- Mẫu Liễu Hạnh. Những địa điểm trên được coi là những điểm thiêng liêng nhất của Đức Thánh Trần và cũng là những điểm thiêng liêng nhất trong tâm thức người dân Việt. Ở đó, ngày giỗ Cha mang tầm vóc quốc gia, tầm vóc vùng miền (Những con nhang đệ tử thờ Đức Thánh Trần trên khắp đất nước thì gần như không vắng mặt) .
Những người không có điều kiện về giỗ Cha ở những địa điểm trên thì về giỗ Cha ở những đền nhỏ hơn ở hàng trăm, hàng nghìn ngôi đền cấp tỉnh hoặc cấp thôn làng như ở làng Triều Khúc. Đó là chưa kể đến hàng nghìn hàng vạn ngôi đền, tĩnh tại tư gia, người ta cũng tổ chức “tiệc Cha” mời người thân và các con nhang đệ tự về dự để cùng cầu nguyện Thánh phù hộ cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, diệt trừ tà ma, chữa bệnh.
Thờ Đức Thánh Trần đã trở thành tín ngưỡng của tất cả các triều đại phong kiến từ thời Lê đến nhà Nguyễn. Ngài được phối thờ trong thái miếu của tất cả các đời vua chúa. Ngài được thờ và phối thờ gần như ở tất cả các ngôi chùa, đền miếu khắp các làng xã Việt Nam. Trên hết trong tâm thức dân gian Ngài là Đức Thánh Cha, có rất nhiều điện thờ, tĩnh tại tư gia. Theo nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo, có thể nói đây là hiện tượng độc nhất vô nhị ở Việt Nam và ở Đông Nam Á.
Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần được hình thành từ quá trình thánh hóa, thần hóa nhân vật trong lịch sử, người anh hùng dân tộc Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Tôi không muốn nói sâu về thân thế sự nghiệp của Đức Thánh, vì ai cũng biết. Trong tâm thức dân gian Đức Thánh là Thanh tiên đồng tử đầu thai xuống hạ giới để cứu dân độ thế. Ngài là vị anh hùng dân tộc kiệt xuất. Ngài là vị Thống tướng tài ba nhiều lần đánh tan quân xâm lược Nguyên-Mông, có phi thần kiếm vô cùng linh nghiệm tiêu diệt mọi thế lực hắc ám, tà ma. Khi mất Ngài là Cửu Thiên Vũ Đế… Từ con người thực, Ngài được tôn vinh lên bậc siêu nhân huyền thoại- Ngài là vị chủ Thánh phù trợ muôn đời cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước và giúp dân diệt trừ cái ác.
Xung quanh Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần không chỉ có các di sản văn hóa hiện hữu mà là cả một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, đa sắc màu, thấm đẫm giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian cổ truyền. Đó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh, là các hình thức diễn xướng âm nhạc, ca hát, các hình thức trang trí, kiến trúc…
Ở khía cạnh lên đồng hầu bóng, ở các đền thờ Ngài, các cung văn thường sử dụng các bản “Văn Trần Triều”. Cách thức hầu về cơ bản giống với nghi thức hầu trong Tam Phủ/Tứ phủ, giống cả về trang phục, lẫn âm nhạc và múa thiêng. Ông đồng cũng trùm khăn đỏ phủ diện, mời thần linh nhập vào đồng, nếu thần nhập thì đồng tung khăn phủ diện. Một số ông đồng cho biết Quan bên hệ thống Trần Triều thường ra hiệu bằng ngón tay cái, còn trong hệ thống Tam phủ thì ra hiệu bằng các ngón khác.
Ở đền Kiếp Bạc, thường người ta hầu hàng Tam tòa Thánh Mẫu trước rồi mới đến Phủ Trần Triều (Đức Thánh Trần, Đệ tứ hoàng tử- các con trai Trần Hưng Đạo, và nhị vị Vương Cô-con gái Ngài. Sau đó mới đến các cấp trong Tam Phủ: Hàng quan, hàng Chầu, hàng Cô, hàng Cậu…
Trải qua hơn 700 năm, các truyền thuyết và nghi lễ, lễ hội thờ phụng Đức Thánh Trần đã hình thành và phát triển khắp nơi trên đất nước, từ Cao Bằng, Lạng sơn, Lào Cai tới Cà Mau, Đồng Tháp, An Giang... Có nhiều hình thức tôn vinh Đức Thánh Trần mang tính phổ biến ở nhiều nơi và có cả một số hình thức tôn vinh đặc biệt chỉ có riêng ở Kiếp Bạc, Bảo Lộc, Đồng Bằng mới có. Chẳng hạn lễ vật ở các lễ hội trên phải có cá (phải chăng người ta muốn gợi nhớ đến họ Trần xuất thân từ nghề chài lưới); phải có tổ chức rước kiệu trên sông (phải chăng để gợi nhớ đến những cuộc thủy chiến); phải có gươm thờ, chỉ ngũ sắc (phải chăng để gợi nhớ đến câu chuyện tên tướng phù thủy Phạm Nhan). Cùng với phần lễ trong các lễ hội trên là phần hội với nhiều trò chơi như bơi trải, đua thuyền, múa rối nước, cờ người, hội vật và đặc biệt là những gánh đồng tổ chức hầu đồng.
Ở mỗi làng xã Việt, tại đền thờ Ngài trong những ngày giỗ, các nghi lễ, thờ cúng vừa có những nét chung lại vừa có những nét riêng. Ở đền Tam Thánh làng Triều khúc cũng vậy. Có ba tuần tế lễ do ông Từ làm chủ tế với cả một đội hành lễ tiến hành vừa linh thiêng, kính cẩn vừa huyền bí trong tiếng nhạc du dương, trong hương khói mờ ảo; kèm theo đó có các điệu múa Bồng, múa Sinh tiền với hàng trăm người già trẻ trai gái tham gia…
Tôi cứ tự hỏi mình không biết cái gì đã tạo nên sức sống trường tồn, bền bỉ và sức hấp dẫn mãnh liệt của tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần trong lòng người dân? Người dân thờ phụng Ngài với tư cách là là một người anh hùng dân tộc? Người dân thờ phụng Ngài như một vị vua cha, vị Thánh? Người dân thờ phụng Ngài như người phù trợ, hóa giải mọi tai ương cho cả dân tộc, cho mỗi gia đình, cho cá nhân mỗi người? Tôi nghĩ tất cả những điều trên vẫn chưa đủ để lý giải về hiện tượng tín ngưỡng thờ phụng Ngài.
Read More

Vì sao nước Mỹ trở thành một siêu cường

Leave a Comment
Gần chục năm trở lại đây, năm nào tôi cũng có dịp sang Mỹ từ một cho đến ba tháng. Tôi đi nhiều bang, vừa tìm hiểu qua thực tế vừa tìm hiểu qua sách vở, ít nhiều cũng biết một chút về nước Mỹ, nhưng chưa bao giờ tôi đặt ra cho mình câu hỏi tại sao nước Mỹ lại trở thành một siêu cường trong suốt gần thế kỉ thứ 20 và có lẽ đến giữa thế kỉ thứ 21 cũng chưa có quốc gia nào, hay một thực thể nào giành được cái địa vị đó của người Mỹ.
Chỉ khi xem xong màn pháo hoa tại Longmont, trên đường trở về nhà, lại chứng kiến cảnh nhiều gia đình người Mỹ bắn pháo hoa, cộng với những gì đã thấy từ đêm hôm trước, tôi mới đặt ra câu hỏi tại sao nước Mỹ lại giầu có như vậy và trên hết tại sao nước Mỹ lại vượt qua các cường quốc châu Âu như Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đức, Liên Xô để trở thành siêu cường duy nhất từ năm 1991 đến nay (năm 1991 là năm Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết hoặc Liên Xô sụp đổ).
Trong lịch sử nhân loại, đã xuất hiện nhiều cường quốc hùng mạnh, tiêu biểu như Đế quốc La Mã, Đế quốc Mông Cổ, Đế quốc Tây Ban Nha, Đế quốc Anh... Và đối với người Việt đó là các đế chế Trung Quốc cường thịnh như Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh… Tất cả những đế quốc trên cuối cùng rốt cuộc đều bị tan rã.
Theo các sử gia, Đế chế La Mã tan rã không phải do các mối đe dọa từ bên ngoài. Nguyên nhân nằm ở các cuộc nội chiến kéo dài, tàn phá nền kinh tế và phụ thuộc vào binh lính đánh thuê. Đế quốc Mông cổ tan rã do tranh giành quyền lực giữa các thế lực trong nội bộ, phân thành bốn vương quốc, lần lượt sụp đổ và bị các thế lực khác chinh phục. Đế quốc Anh trải rộng khắp các châu lục trên thế giới, thống trị nhiều nền văn hóa và cai trị thuộc địa thông qua các chính quyền sở tại và cuối cùng tan rã vì chính cái đế chế khổng lồ của nó. Các đế chế Trung Quốc lần lượt ra đi cũng nằm trong các nguyên nhân nói trên.
Với Đế quốc Mỹ, quân đội của họ có khả năng đánh bại mọi kẻ thù hùng mạnh như Đế quốc Mông cổ xưa kia. Khi Liên Xô tự sụp đổ trong cuộc chạy đua với Mỹ, giống như Đế quốc La Mã, Mỹ không có đối thủ về mặt quân sự. Mỹ thống trị vùng trời, vùng biển và chiếm ưu thế tuyệt đối trên đất liền. Điều đáng chú ý, tương tự như Đế quốc Anh, Mỹ xây dựng quyền lực dựa trên nền thương mại toàn cầu và lực lượng không hải quân hùng mạnh có thể tiếp cận mọi tuyến đường biển lớn của thế giới, cùng với hàng trăm căn cứ quân sự trên khắp các châu lục. Tuy nhiên, theo quy luật, dù chiếm ưu thế đến đâu về mặt kinh tế và quân sự, sự phát triển của các cường quốc đều có giới hạn của nó. Nước Mỹ cũng vậy, họ sẽ giữ được ngôi vị của mình bao nhiêu lâu nữa. Ba mươi năm, năm mươi năm hay một thế kỷ?
Nhìn trên bản đồ và tìm hiểu về địa lí kinh tế, địa chính trị người ta thấy nước Mỹ được thiên nhiên rất ưu đãi. Nước Mỹ có những điều kiện cần và đủ để vươn lên để trở thành một cường quốc có tầm cỡ toàn cầu từ thế kỉ 19. Hầu như mọi người đặt chân đến đất nước cờ hoa đều choáng ngợp trước điều kiện tự nhiên của nước này. Nước Mỹ được che chở giữa hai đại dương lớn của thế giới, lãnh thổ rộng trên 9,3 triệu cây số vuông, có những con sông dài dọc ngang đất nước, những hồ nước rộng lớn phân bổ đều khắp đất nước, những cánh rừng um tùm nhìn hút tầm mắt, những cánh đồng bát ngát phì nhiêu, những cánh đồng cỏ bao la đến tận chân trời; tài nguyên khoáng sản phong phú, dồi dào nhất thế giới và tài nguyên biển giàu có, tiềm tàng ẩn giấu giữa hai đại dương vô cùng đa dạng. Có thể nói nước Mỹ có điều kiện địa kinh tế, địa chính trị lí tưởng nhất so với các đế quốc từ trước đến nay.
Trong lịch sử thế giới, không có một đế quốc nào bắt đầu từ khi ra đời (4-7-1776) lại không phải bỏ hoặc phải bỏ ra một chi phí rất thấp cho công việc bảo vệ an ninh quốc gia và trong một thời gian rất dài không phải lo ngại các thế lực bên ngoài xâm phạm bờ cõi như nước Mỹ. Kể từ năm 1865, sau khi kết thúc nội chiến Nam-Bắc, nước Mỹ không xảy ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn nào. Trong hơn 120 năm, kể từ khi tiến hành cuộc cách mạng giành được độc lập từ Đế quốc Anh tới khi Phát xít Nhật đánh vào Trân Châu Cảng (7-12-1941), chủ quyền lãnh thổ Mỹ chưa bị đe dọa lần nào. Chỉ khi Liên Xô phóng vệ tinh lên quỹ đạo vào năm 1960, có thể đưa đầu đạn hạt nhân tới Mỹ thì miền đất hứa này mới mất đi cái ưu thế tuyệt đối của nó.
Sự vươn lên hay sự trỗi dậy của người Mỹ diễn ra trong một thời gian ngắn với chi phí thấp không chỉ nhờ vào điều kiện địa kinh tế, địa chính trị mà còn nhờ vào tầng lớp tinh hoa chính trị cùng với một thể chế chính trị dân chủ nhất thế giới, bắt đầu từ vị Tổng thống Liên bang đầu tiên George Washington cùng với Bản Hiến pháp hoa kỳ có hiệu lực năm 1789. Với tầm nhìn cùng chính sách đối nội và đối ngoại sáng suốt, tầng lớp chính trị Mỹ đã dẫn dắt nước Mỹ nhanh chóng trỗi dậy trở thành một cường quốc, một siêu cường. Sự trỗi dậy của Mỹ là sự trỗi dậy đầy khôn ngoan, “nghệ thuật”, “trí tuệ”, tất nhiên cũng rất thủ đoạn.
Trong quá trình trỗi dậy, nước Mỹ cũng như các đế quốc trước đó phải vượt qua sự kiềm chế của một đế quốc nào đó, với Mỹ đó là Đế quốc Anh. Đầu tiên nước Anh đã không thể ngăn cản được sự độc lập của Mỹ. Sau đó không thể đánh thắng được Mỹ trong cuộc Chiến tranh năm 1812. Tiếp đó Anh lại không thể làm suy yếu nền kinh tế Mỹ sau chiến tranh. Nước Mỹ đã vượt qua được sự kiềm chế của nước Anh trên phương diện quốc gia và quốc tế với cái giá thấp nhất. Cuộc chiến giành giật ngôi bá quyền và bảo vệ ngôi bá quyền cũng với giá thấp nhất.
Xét ở một phương diện nào đó, hai cuộc chiến tranh thế giới, Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất (1914-1918) và cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai (1939-1945), là hai cuộc chiến tranh giữa hai thế lực đế quốc già và trẻ mà tiêu biểu là nước Anh và nước Đức. Thắng lợi của phe đế quốc đứng đầu là Anh, là thắng lợi của người Anh, nhưng thực chất kết quả sau hai cuộc thế chiến Mỹ mới gặt hái được thành công nhất. Đã có sự thay đổi vị trí bá quyền giữa Đế quốc Mỹ và Đế quốc Anh. Thế chiến một gần như Mỹ không tham gia chỉ đứng ngoài hưởng lợi. Thế chiến hai, Mỹ đã tính toán bỏ ra không nhiều nguồn lực so với các cường ở châu Âu mà lại thu được nhiều lợi ích nhất. Lợi ích lớn nhất là vị thế của Mỹ ở trên trường quốc tế. Có thể nói Mỹ đã thể hiện nghệ thuật trỗi dậy cao siêu. Từ năm 1898, thời gian nổ ra cuộc chiến Mỹ-Tây Ban Nha, Mỹ tiếp tục thực hiện học thuyết Monroe “Châu Mỹ của người Châu Mỹ” cho đến năm 1920, Mỹ chẳng những giành được quyền kiểm soát châu Mỹ mà còn thực hiện được sự hòa giải với Đế quốc Anh. Để rồi cuối cùng quốc gia bá quyền kết đồng minh với quốc gia bá quyền thay thế. Bước tiếp theo, người Mỹ chỉ trong một thời gian ngắn đã thực hiện được cuộc chuyển giao ngôi vị quán quân một cách ngoạn mục.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ bắt đầu thực hiện cuộc Chiến tranh Lạnh nhằm ngăn chặn Liên Xô, siêu cường đứng đầu phe Xã hội chủ nghĩa thách thức vị trí số một của Mỹ. Cả hai nước đều tránh đối đầu trực diện. Cả hai đều thông qua hàng chục cuộc chiến tranh “ủy nhiệm” ở các nước thuộc thế giới thứ Ba để tiêu hao nguồn lực của nhau. Mỹ không từ một thủ đoạn từ kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao trong cuộc chạy đua đường dài gần nửa thế kỉ để hạ gục đối thủ. Năm 1991 Liên Xô sụp đổ, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất cho đến ngày hôm nay.
Read More

Tản mạn về nước Mỹ

Leave a Comment


 Sau một chuyến đi dài hơn một tháng qua bốn bang của Mỹ tôi lại quay trở về Longmont, bang Colorado vào lúc 9h00. Dù đã thấm mêt tôi vẫn dừng lại cùng dòng người xem màn bắn pháo hoa của thành phố.
Thực ra vào đêm hôm trước, tại bữa tiệc chiêu đãi chứa chan tình cảm của chị Thúy, người phụ nữ Quảng Ninh lấy chồng Mỹ ở thành phố Columbia, Missouri, chúng tôi đã được xem một màn pháo hoa ba mươi phút của riêng những nhà giàu trong khu phố, tổ chức chào mừng quốc khánh Mỹ bên một bờ hồ nước rộng mênh mông…
 Sau khi thưởng thức màn pháo hoa công, tôi còn chứng kiến rất nhiều nhà tư bắn pháo hoa lên bầu trời. Cả một vùng sáng bừng lộng lẫy bao sắc mầu huyền ảo. Đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến cảnh giới thượng lưu Mỹ bắn pháo hoa chào mừng quốc khánh. Phải chăng đây là phong cách chơi của những người giàu, thể hiện tình cảm của mình với đất nước hay là sự phô diễn vị thế của họ trước cộng đồng?
 Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) tổng sản phẩm quốc nội Mỹ (GDP) năm 2018, nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt 20.494,1 tỷ USD. Vị trí tiếp theo là Trung Quốc đạt 13.608,2 tỷ USD. Rồi đến Nhật, Đức, Anh… Việt Nam đạt 240 tỷ USD. GDP bình quân đầu người của Mỹ nằm trong số 10 quốc gia cao nhất thế giới khoảng 62.606 USD. Tuy vậy nước Mỹ vẫn có tới gần 40 triệu người nghèo trên tổng số 327 triệu dân.
 Theo Tổng cục Thống kê Hoa Kỳ số hộ gia đình Mỹ giàu có chiếm gần 20%, sở hữu hơn một nửa tổng thu nhập của đất nước, bình quân từ 1,4-1,5 triệu USD/năm. Số hộ trung lưu chiếm 52%. Số hộ bình thường và nghèo chiếm gần 30%. Chính xác số hộ nghèo theo tiêu chuẩn Mỹ là khoảng 12%, bình quân từ 17.500-20.000 USD/ năm (Gia đình thu nhập bình quân theo đầu người dưới 1000 USD là hộ nghèo). Trong số 12% có khoảng 500.000 người vô gia cư nghèo đói sống hoàn toàn vào trợ cấp xã hội (Phần lớn là người nhập cư).
 Mặc dù được xem là một quốc gia giàu có và phát triển nhất thế giới, song khoảng cách giàu nghèo và sự phân hóa giai cấp ở Mỹ ngày càng rộng. Theo số liệu mới nhất khoảng cách thu nhập trung bình giữa hộ giàu và hộ nghèo lên tới hơn 225 lần.
Tôi thấy rất rõ điều này qua những ngôi nhà hàng chục triệu đô với những ngôi nhà sập sệ điêu tàn bên những vũng nước lầy bùn. Tôi thấy rất rõ cảnh những người đàn ông, đàn bà sang trọng bên những chiếc ô tô Bugatti Chiron (3,2 triệu USD), Pagani Huayra Roadster (2,4 triệu USD), Ferrari (2 triệu USD)… bên cạnh những người đàn ông, đàn bà nhặt rác và những người vô gia cư sống lắt lay bên vỉa hè giữa đường phố sầm uất. Tôi thấy rõ những đứa trẻ ngồi trên Sofa da bò Ý như những hoàng tử công chúa được các vệ sĩ đứng kèm trước cửa biệt thự với những đứa trẻ nhếch nhác sống với 3, 4 USD một ngày tụ tập ven bờ hồ xem pháo hoa…
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.