Thung lũng A Sầu

Leave a Comment
Xe chúng tôi đến thung lũng A Sầu vào lúc 4 giờ chiều. Thật ngỡ ngàng vì không thể tưởng tượng được cái thung lũng hoang dại, hẻo lánh vùng biên cương, cái túi đựng hàng vạn tấn bom đạn Mỹ, khu vực làm “đông máu kẻ thù”, làm đông máu các chiến sỹ giải phóng trên dưới 50 năm trước, nay là thị trấn A Lưới sầm uất, khang trang, đẹp đẽ như trong mơ. Cái thung lũng hoang vu ngày nào bạt ngàn cỏ cây, sim mua với những con đường lầy lội, hậu cứ của các đơn vị thuộc Sư đoàn 324, nơi tăng gia trồng hàng chục vạn gốc sắn chống đói bỗng hóa thân thành một phố núi bình yên, thơ mộng đến say đắm. 
A Sầu là một thung lũng nằm ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm trên biên giới Việt-Lào. Thung lũng này trải dài gần 40 km theo hướng bắc nam trên khu vực đất trũng bằng phẳng. Chiều rộng chỗ hẹp nhất khoảng 1 km, chỗ rộng nhất khoảng 3 km. Hai bên là những dãy núi cao, rừng rậm quanh năm sương mù bao phủ. Thung lũng A Sầu là một vị trí trọng yếu trong những năm tháng chống Mỹ, là tuyến đường chiến lược vận chuyển người, vũ khí đạn dược và hàng hóa vào chiến trường miền Nam theo tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. 
Con đường Hồ Chí Minh giờ đây trải nhựa hai làn phẳng lỳ đi xuyên qua thị trấn. Hai bên đường là nhà cửa san sát. Các cơ quan của huyện lỵ A Lưới nằm rải rác cùng với nhà dân như những bức tranh nép sau từng dẫy núi mơ màng hơi sương. Nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng các dân tộc, khu bảo tàng các dân tộc, trung tâm thông tin du lịch A Lưới mang nét kiến trúc ngôi nhà chung của các dân tộc thiểu số Tà Ôi, Vân Kiều, Cơ Tu… nằm trên sườn đồi thông già cao ngất sừng sững, xanh um. Cảnh đẹp nao lòng khiến chúng tôi phải dừng xe lại để ngắm nhìn… 
Vào đầu những năm 1960, Quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tập trung xây dựng các cụm căn cứ quân sự ở A Sầu (A So), Tà Bạt (A Co), A Lưới với hỏa lực cực mạnh và liên hoàn gồm pháo binh, thiết giáp và máy bay yểm trợ. Suốt ngày đêm kẻ địch lùng sục, đánh phá, nhằm chặt đứt tuyến vận tải chi viện Quân Giải Phóng. Về phía chúng ta, buộc phải khai thông tuyến đường 559 qua khu vực Trị-Thiên, đó là nhiệm vụ của Sư đoàn 325B cùng với bộ đội địa phương và dân quân du kích các dân tộc thiểu số miền tây Trị-Thiên.
Trận đánh vào căn cứ A Sầu là một trong những trận đánh quan trọng đầu tiên trong cuộc Chiến tranh. Trận đánh này diễn ra từ ngày 9 tháng 3 đến ngày 10 tháng 3 năm 1966 tại Thung lũng A Sầu. 5 giờ sáng ngày 10/3/1966, các trung đoàn 95, 101, 88 thuộc sư 325 B được trang bị cối 120, DKZ, cối 82 phối hợp cùng quân dân địa phương các xã Hồng Hạ, Hồng Quảng, Hồng Bắc, Hương Lâm... đã đồng loạt nổ súng tiến công. Ðến 10 giờ 11/3, lá cờ giải phóng tung bay trên cứ điểm A Sầu. Chính tại căn cứ này lính Mỹ đã xả súng bắn vào lính Quân đội Việt Nam Cộng hòa để lên máy bay trực thăng tháo chạy. Trận này chúng ta hy sinh và bị thương mất mấy trăm chiến sỹ. Phía Hoa Kỳ và VNCH bị loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1000 lính. Nhiều máy bay, pháo, cối các loại bị phá hủy.
Sau trận đánh A Sầu, 5 năm liền tại thung lũng A Sầu, lực lượng của 3 sư đoàn Thủy quân lục chiến, Kỵ binh bay và Dù Mỹ đã giao chiến với các lực lượng Quân Giải phóng, chủ yếu là Sư 324. Đáng chú ý nhất là trận trên đồi A Bia, trận đánh cuối cùng của Mỹ-Ngụy giành quyền kiểm soát thung lung A Sầu, trận đánh theo người Mỹ là “trận đánh gay go nhất, khủng khiếp nhất, đẫm máu nhất trong lich sử chiến tranh Viêt Nam”. Hai tiểu đoàn Dù thuộc Sư đoàn Dù 101 cùng một tiểu đoàn quân lực Việt Nam Cộng hòa tấn công lên động A Bia do Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 8 và Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 3 thuộc Sư 324 chốt giữ. Với sự yểm trợ của máy bay B52, máy bay phản lực, trực thăng vũ trang, hàng chục trận địa pháo, trong 10 ngày chúng tổ chức 7 đợt tấn công và đã phải đi qua một cối xay thịt đánh chiếm quả đồi, để rồi cuối cùng phải tháo chạy sau một tháng. “Giấc mơ kiểm soát thung lũng A Sầu của hai đời tổng tư lệnh quân đội Mỹ ở Việt nam mãi mãi chỉ là một giấc mơ”…
Đại diện các ban ngành tỉnh Thừa Thiên, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện A Lưới, đại diện Sư đoàn 324, Thiếu tướng Võ Chót, nguyên Sư trưởng Sư 324, nguyên phó tư lệnh Quân khu 4 cùng nhiều cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ đã tham dự trận đánh A Bia ở nhà khách đã chờ đợi những người đến sau như chúng tôi. Tất cả mọi người đều đang chuẩn bị tài liệu trước Hội nghị góp ý cho cuộc hội thảo sắp tới: A Bia, trận đánh lịch sử làm rung chuyển Lầu Năm Góc và nước Mỹ. 
Chúng tôi đều hy vọng qua sự kiện này, thung lũng A Sầu với nhiều địa danh như Tà bạt, A Lưới, Động A So, Đèo Mẹ ơi, Suối máu, Đồi A Bia… được nhà nước công nhận là di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia. Đặc biệt là trên đồi A Bia sẽ được xây dựng một tượng đài để tôn vinh, ghi nhớ công ơn hàng ngàn chiến sỹ các l;ực lượng vũ trang cùng nhân dân các dân tộc huyện A Lưới đã hy sinh anh dũng vì độc lập tự do của Tổ quốc. Chúng tôi cũng hy vọng nơi đây là một địa chỉ giáo dục truyền thống, một địa chỉ du lịch văn hóa- lịch sử, tâm linh của cả nước bên cạnh cố đô Huế với bao thành quách, lăng tẩm, với sông Hương núi Ngự… 
Một đại biểu lo lắng hỏi tôi: “Liệu các cấp có công nhận thung lũng A Sầu và A bia là di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia không”. Tôi nghĩ chẳng lẽ gần một vạn hai trăm nghìn chiến sỹ Sư đoàn 324 hy sinh trên mặt trận Trị Thiên, trong số đó có rất nhiều liệt sỹ nằm xuống nơi này; hàng ngàn chiến sỹ sư đoàn 325 và các sư đoàn khác cùng hàng ngàn cán bộ chiến sỹ bộ đội địa phương, dân quân du kích và nhân dân huyện A Lưới đã hiến dâng cuộc sống của họ cho mảnh đất này chưa đủ để thuyết phục các cấp công nhận thung lung A Sầu và A Bia là di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia hay sao? Vấn đề là con người, là thủ tục giấy tờ, là quy trình, là thời gian… Dù sao đi chăng nữa thì vẫn phải chờ đợi. Nhưng với những người lính từng ở mặt trận Trị Thiên,thung lũng A Sầu đã là di lịch sử trong tâm tưởng từ rất lâu rồi.
Ghi chú: những từ trong ngoặc kép tôi trích dẫn từ cuốn Đồi Thịt băm và Đại bàng gào thét trong vòng vây của các tác giả người Mỹ.
Read More

Đầu Mầu, ký ức của những người lính

Leave a Comment
Hôm nay có công việc, chúng tôi đi dọc đường Hồ Chí Minh, con đường hàng triệu người lính và thanh niên xung phong năm nào xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Xe chúng tôi dừng lại ở Đầu Mầu trước một đài cao tám mái áp vào chân núi. Bên trong là một bức tượng Phật bà, hướng ánh mắt từ bi nhìn ra phía xa rừng núi bao la, trập trùng của huyện Do Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa. Ở khu vực này, vào tháng 6-1966, nhằm ngăn chặn âm mưu của Mỹ- Ngụy muốn mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, nhằm làm giảm áp lực các cuộc tấn công ở các mặt trận phía nam , nhằm kéo quân Mỹ ra vùng rừng núi hiểm trở để tiêu diệt, Quân ủy trung ương đã quyết định mở Mặt trận đường 9-Bắc Quảng Trị.
Mở màn chiến dịch là trận Đầu Mầu, tiểu đoàn 8, Trung đoàn 90, Sư 324 diệt gọn một đại đội biệt động quân. Tiếp theo các trung đoàn thuộc Sư 324 nổ súng diệt một loạt chốt điểm ở Cùa, Miến Hòa, Bản Hiệu, Phượng Nghĩa… Đông Hà và thị xã Quảng Trị bị uy hiếp, kẻ địch đổ một tiểu đoàn dù xuống khu vực Lèn 300t. Tiểu đoàn 9 của đã bố trí sẵn ở khu vực này bắn cháy 5 trực thăng khiến kế hoạch đổ quân của địch không thực hiện được. Quân Mỹ-Ngụy buộc phải đưa quân ra Quảng Trị. Sư đoàn 324 triển khai quân khắp nơi hiểm yếu, liên tục đánh những trận nhỏ như Cù Đinh, Ba De, Quán Ngang…
16 ngày sau trận Đầu Mầu, tại Đà Nẵng, Đại tướng Wesmoreland, tư lệnh quân Mỹ ở Nam Việt Nam và Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh vùng 1 chiến thuật thống nhất kế hoạch đối phó với Quân Giải phóng, đưa Sư đoàn Thủy quân lục chiến số 3 từ Chu Lai ra Trị Thiên, mở cuộc hành quân 11 tiểu đoàn mang tên Hat-xtinh với sự yểm trợ tối đa của B52, máy bay chiến thuật và pháo cối các loại nhằm “tìm diệt” quân chủ lực Bắc Việt. Đây là trận đầu tiên các trung đoàn chủ lực thuộc sư 324 đọ sức trực tiếp với quân chiến đấu Mỹ-Ngụy.
Hàng trăm máy bay trực thăng chở từng trung đội lính Mỹ, cứ mỗi tốp 3 máy bay chúng liên tục đổ quân 8 giờ liền xuống khắp núi rừng Bắc Quảng Trị. Chúng không ngờ sư đoàn 324 đã chiếm giữ các điểm cao, đang chờ đợi, sẵn sàng chiến đấu. Sự xuất hiện trên chiến trường một lực lượng áp đảo về quân số, mật độ hỏa lực dày đặc của địch khiến quân ta gặp khó khăn không ít, nhất là chiến thuật nhảy cóc đổ quân chiếm điểm cao, chặn đường tiếp tế liên lạc của quân ta. Tuy nhiên, với tinh thần chiến đấu quả cảm Sư đoàn 324 đã tiêu diệt hàng ngàn quân Mỹ-Ngụy.
Tại cao điểm 402, có một đại đội Mỹ chốt giữ, khống chế đường cơ động của ta. Dưới chân cao điểm là một điểm tập kết thương binh các nơi về, chờ dân công bờ Bắc vào chuyển lương thực đạn dược vào và chuyển anh em bị thương ra. Quân số các chiến sỹ ta hy sinh lên tới hàng trăm, con số bị thương lên tới gần 500. Tình thế hết sức ngặt nghèo. Tuy nhiên lính Mỹ chốt trên đỉnh cao không dám lùng sục ra xung quanh nên anh em được tạm yên trong mấy ngày, nhưng dân công từ xa thì không thể tiếp cận thương binh.
17 giờ ngày 17-7, lợi dụng gió to làm lay động cành lá trên cao điểm, đại đội 3 tiểu đoàn 9 dưới sự chỉ huy của đồng chí Vũ Thang đội hình quân ta tiếp cận mục tiêu rồi dùng hỏa lực đi cùng khống chế địch để bộ binh ta áp sát. Bọn địch dường như đã nhận ra mối nguy hiểm sắp ập xuống đầu nên chuẩn bị rút quân bằng trực thăng. Đại đội 3 nổ súng mãnh liệt. Bọn chốt giữ trên đỉnh đồi bỏ chạy xuống sườn đồi 402 chờ trực thăng bốc đi. Khi đại đội 3 lên được đỉnh đồi thì đã có 3 trực thăng chở quân đã cất cánh chạy thoát. Còn lại 5 chiếc đang bốc quân mới ì ạch cất cánh độ cao 30, 40 mét. Tiểu liên và trung liên toàn đại đội đồng loạt nổ súng. Cả 5 chiếc rơi ngay tại chỗ bốc cháy dữ dội. Không có một tiếng súng bắn trả. Trận đánh kết thúc chưa đến nửa giờ… Sau đó lại tiếp tục hàng ngàn qủa đạn, hàng trăm loạt bom thù lại dội xuống…
Tôi đã đọc hồi ký Trung đoàn một thời máu lửa của Đại Tá Hồ Hữu Lạn, đã đọc hồi ký Từ châu thổ sông Hồng tới Sông Hương xứ Huế, Lịch sử Sư đoàn 324, đã nghe các tướng tá, chiến sỹ kể nhiều về chiến dịch này, nơi chúng tôi đang đứng. Chiến dịch kéo dài nhiều ngày, nhiều sườn núi, ngọn đồi có hàng trăm xác chiến sỹ của chúng ta và hàng trăm xác lính Mỹ- Ngụy không kịp chuyển đi. Mưa lũ ập xuống kéo trôi xuống sông xuống suối…
Đại tá Hồ Hữu Lạn, Thiếu tá Hà Minh Đô và tôi cứ lặng nhìn núi rừng bao la, trập trùng. Không ai nói với ai. Mọi người chìm tron quá khứ. Chiến tranh đã khép lại từ lâu. Tất cả là màu xanh nâu bạt ngàn của rừng núi, màu xanh xám của bầu trời đầu mùa đông Quảng Trị. Không còn sót lại một di chứng nào của chiến tranh. Không có một tượng đài tôn vinh, kỷ niệm trận chiến cấp sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam với Sư đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ. Chỉ có một bức tượng phật và tiếng tụng kinh từ chân bức tượng vọng vang theo gió ngàn.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.