Trường phổ thông ở Mù Cang Chải

Leave a Comment

 Trường phổ thông cơ sở ở Mù Cang Chải

Nhóm chúng tôi lần lượt đi đến 3 trường phổ thông cơ sở dân tộc bán trú: Mồ Dề, Dế Xu Phình và La Pán Tẩn thuộc huyện Mù Cang Chải. Mỗi người trong nhóm làm một nhiệm vụ cụ thể. Người thì làm việc với ban giám hiệu, người thì dự giờ, người thì tham gia tổ chức sự kiện giao lưu với học sinh…
Chúng tôi hăm hở theo xe vượt “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”. Người sợ độ cao, say xe không dám nhìn những “cồn mây” bên ngoài dù nắng đã ửng hồng. 2 chiếc xe con 4 chỗ ngồi hun hút đưa đón đoàn tới mấy điểm trường cùng một lúc. Mỗi địa điểm cách nhau khoảng 30 km (xe 16 chỗ trở lên không đi được vì đường núi rất hẹp) nên chúng tôi thường phải đi sớm để điểm cuối đến đúng thời gian. Chính vì vậy nhóm ở điểm đầu thường đến sớm khoảng 1,5 giờ. Do điều kiện hoàn cảnh như vậy nên chúng tôi có thời gian làm việc với hiệu trưởng, hiệu phó và tham gia làm nhiều nhiệm vụ khác trong nhóm.
Cả 3 trường phổ thông cơ sở: Mồ Dề, Dế Xu Phình và La Pán Tẩn đều là trường liên cấp, từ lớp 1 đến lớp 9, giống như trường phổ thông cơ sở ở Hà Nội vào những năm 1980. Chúng tôi được biết, theo đề án phát triển giáo dục, phải đến năm 2030 huyện MCC mới tách riêng các cấp học.
Nhà học sinh ở rất xa, cũng như hầu hết các trường trong huyện, cả 3 trường đều tổ chức cho học sinh ở nội trú. Mặc dầu gọi là trường bán trú nhưng các thầy cô ở đây phải chăm sóc học sinh cả ngày lẫn đêm, từ chiều chủ nhật đến chiều thứ sáu. Không có lực lượng quản lý học sinh bán trú ngoài giờ học như ở Hà Nội.
Học sinh dân tộc các trường bán trú trên địa bàn huyện MCC đều được cấp 15 kg gạo và được hưởng 40% tiền trợ cấp theo lương cơ bản của công chức hành chính để ăn uống. Quần áo, giày dép, đồ dùng học tập phần nhiều được các tổ chức từ thiện trên khắp đất nước giúp đỡ. Các em học sinh không phải đóng góp bất kỳ một khoản tiền nào.
Chúng tôi đến thăm nhà nội trú, bếp ăn, khẩu phần ăn của học sinh. Nhìn chung giống như những khu nội trú của học sinh ở dưới xuôi: rộng rãi, đầy đủ tiện nghi. Bữa ăn tuy không bằng học sinh ở Hà Nội nhưng có thịt, trứng, đậu, rau đủ các loại.
Chúng tôi biết ở nhà các em chỉ ăn món ăn truyền thống mèn mén. Đồng bào dân tộc Mông lấy ngô là nguyên liệu chính để làm mèn mén. Ngô được xay tay bằng cối đá thành bột mịn rồi nhào với nước, hấp chín. Sang hơn thì trộn thêm bột gạo nếp, ăn cùng với rau rừng, ớt nướng trộn muối. Học sinh ở dưới xuôi nếu ăn một bữa thì có thể được. Chắc bữa thứ hai thì nuốt không trôi.
Sáng sớm khoảng 6h các em dậy tập thể dục, thể thao, vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi lên lớp. Hết giờ học sáng thì ăn trưa, ngủ trưa. Cuối buổi học chiều ăn tối. 7h30 lên lớp học đến 9h30 về phòng ngủ. Kỷ luật học tập sinh hoạt giống như ở trong quân đội.
Người Mông ở MCC sinh sống rải rác, chênh vênh trên những sườn núi cao. Nhà cửa nhỏ hẹp quây bằng những tấm gỗ ghép. Mái lợp thường là pro xi măng hay tấm tôn trống trải. Mùa đông khí hậu lạnh. Độ dốc núi lớn. Đất trồng trọt canh tác rất hạn chế. Đường xá đi lại cực kỳ khó khăn (chỉ có thể đi bộ). Đa số người Mông nghèo và rất nghèo. Nếu phải đóng góp dù rất nhỏ thì họ cũng cho con nghỉ học.
Học sinh tiểu học ở đây không được học, hoặc học không đầy đủ ngoại ngữ, tin học và sắp tới là STEM. Nguyên nhân là không có giáo viên. Tỉnh Yên Bái có điều giáo viên miền xuôi lên dạy học ở MCC nhưng “thường là mất hút”. Rất ít người trụ lại vùng đất này. Khoảng trống kiến thức so với học sinh miền xuôi là điều đương nhiên.
Tập đoàn EQuest phủ kín ngoại ngữ cho khối 1 và khối 3 toàn huyện trong 5 năm, có thể nói đó là một cố gắng rất lớn, được huyện và ngành giáo dục MCC nhiệt thành tiếp nhận. Nhiều tín hiệu tích cực từ các nhà trường, giáo viên và học sinh. Nhưng khó khăn phía trước còn rất nhiều. Đành rằng có bài giảng số và có giáo viên EQuest dạy trực tuyến, nhưng nhiều giáo viên tiểu học MCC đứng lớp trực tiếp chưa thành thạo công nghệ, chưa nắm được hình thức dạy học kết hợp để “đồng giảng dạy”, không có vốn tiếng Anh cơ bản như giáo viên ở dưới xuôi, không nắm được được các em học sinh phát âm đúng hay sai để chuyển từ từ này sang từ khác… Phòng giáo dục MCC và EQuest đã tiến hành họp để giải quyết bài toán này.
Chúng tôi tin chỉ có chuyển đổi số mới giúp cho MCC nhanh chóng khỏa lấp khoảng trống môn học, khoảng trống kiến thức giữa miền núi và miền xuôi. Khi giáo viên, học sinh MCC sử dụng được bài giảng số tiếng Anh của EQuest thì họ cũng đã bước chân được vào thế giới tài nguyên số các môn học khác; biết sử dụng kho tài nguyên giáo dục mở đẳng cấp của quốc gia và của thế giới trên không gian mạng.
Chúng tôi tranh thủ thời gian đến sớm làm việc với các hiệu trưởng, hiệu phó phụ trách tiểu học, phụ trách THCS của 3 trường, trao đổi về những kiến thức cơ bản chuyển đổi số; số hóa bài dạy, học liệu; triển khai dạy học trực tuyến, dạy học kết hợp; lựa chọn các trang web trong nước và quốc tế. Chúng tôi cùng ban giám hiệu xem lại mục tiêu cụ thể chuyển đổi số mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt để tìm cách thực hiện “Đổi mới mạnh mẽ phương thức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học”.
Chúng tôi cùng với ban giám hiệu các nhà trường thực hành trên máy, vào các trang tài nguyên giáo dục mở, vào những bài giảng trực tuyến tiêu biểu, những bài giảng cụ thể từ 5 đến 10 phút của các môn học từ lớp 1 đến lớp 9 trên các trang web. Có hiệu trưởng đã reo lên “Bây giờ thì chúng em không sợ giáo viên người dân tộc ngọng tiếng Việt, cũng như không sợ chất lượng dạy học của giáo viên thấp nữa. Chúng em sẽ hướng dẫn giáo viên sử dụng những bài giảng chất lượng đầy sức hấp dẫn có sẵn trong các trang web như thế này”.
Giải đáp những băn khoăn về việc giáo viên không biết tiếng Anh, chúng tôi nói đã có bài giảng số với phần phát âm chuẩn của người bản ngữ, cùng với những kịch bản chi tiết phối hợp giữa người dạy trực tuyến và dạy trực tiếp tại lớp, chỉ yêu cầu giáo viên nhanh chóng thành thạo công nghệ, nắm chắc kịch bản và “bấm nút chính xác”. Ngoài ra chúng tôi còn giới thiệu về Memrise, một trang web nền tảng học trực tuyến ngôn ngữ Anh, có trụ sở tại Luân Đôn. Memrise cung cấp nội dung nhiều khóa học, nhiều chủ đề, trong đó có phần mềm dạy tiếng Anh miễn phí của người Anh cho người Việt, phần mềm dựa trên những thành tựu khoa học nhận thức mới nhất mà hàng chục triệu người trên thế giới đang sử dụng vô cùng hiệu quả.
Chúng tôi nói với các thầy cô : “Chỉ sợ các thầy cô không quyết tâm. Nếu quyết tâm học, trước khi chúng tôi bàn giao công nghệ, vấn đề tiếng Anh cơ bản của các thầy cô cũng sẽ được giải quyết. Kể cả vấn đề tiếng Anh du lịch ở các homestay tại MCC cho các gia đình và người làm xe ôm mà huyện MCC yêu cầu cũng sẽ được giải quyết”.
Các thầy cô rất phấn khởi, hứa với chúng tôi ra tết sẽ thực hiện các chuyên đề chuyển đổi số. Có vướng mắc gì các thầy cô sẽ trao đổi qua Zoom như thông lệ. Chúng tôi tin các thầy cô sẽ thành công, vì cả 3 trường chúng tôi đến làm việc đều có máy tính, mạng máy tính, loa, projector, một số lớp học có bảng tương tác thông minh (giáo viên đã sử dụng khá thành thạo) và gần như 100% các lớp có màn hình TV lớn.
Để tạo thêm niềm tin, chúng tôi mời các thầy cô rời phòng máy, ra với học sinh trên sân trường, cùng giáo lưu với robot NAO (ở các nước tiên tiến người ta sử dụng robot ở các lớp học mầm non, phổ thông để hỗ trợ việc quản lý, dạy học toán, ngoại ngữ và khoa học). Robot giao lưu với học sinh bằng tiếng Anh, nói chuyện, hỗ trợ học sinh bằng tiếng Anh. Đa số học sinh người Mông đều tự tin, phấn khích hỏi tên, tuổi NAO bằng tiếng Anh, biết ra bài tập để NAO làm các phép tính cộng trừ nhân chia. Các em cùng NAO nhảy các điệu nhảy và hát theo NAO trên sân khấu… Một niềm vui trào dâng, ấm lòng lòng thầy trò ở 3 ngôi trường quanh năm mây phủ trên những dãy núi “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”. Hy vọng nơi đây một mùa xuân mới đang về!
Read More

Công việc ở Mù Cang Chải

Leave a Comment

 Công việc ở Mù Cang Chải

Tôi được cử lên Mù Cang Chải (MCC) với tư cách là cố vấn Dự án MCC, đồng thời dự giờ thăm lớp ở thị trấn, ở vùng sâu vùng xa để đánh giá hiệu quả chương trình, đề xuất giải pháp cho những vấn đề còn tồn tại.
Dự án Mù Cang Chải là dự án dạy tiếng Anh miễn phí thông qua bộ môn toán và khoa học của tập đoàn EQuest tại Mù Cang Chải, một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Yên Bái và của đất nước.
Mù Cang Chải là huyện vùng cao nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn, cách Hà Nội 365km. Toàn huyện có 13 xã một thị trấn với trên 66.000 dân, chủ yếu là người dân tộc Mông (chiếm 91%), người dân tộc Thái (chiếm 5%), người Kinh (chiếm 4,5%) và một số dân tộc khác (khoảng 13 dân tộc).
Có 14 trường tiểu học và 14 trường trung học cơ sở (trong đó có một số trường trung học cơ sở và trung học phổ thông). Dự án MCC dạy tiếng Anh bao phủ tất cả 14 lớp 1 của 14 cơ sở giáo dục tiểu học, THCS trong điều kiện huyện gần như không có giáo viên tiếng Anh. EQuest phải tập huấn giáo viên các trường sở tại qua hình thức trực tuyến và phối hợp với giáo viên sở tại sử dụng bài giảng đã được số hóa để “cùng dạy” qua hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Tôi gọi hình thức dạy học này là đồng/cùng giảng dạy. Ở Hoa Kỳ, một số nhà giáo dục coi đồng giảng dạy (co-teaching) là một hình thức/phương pháp giáo dục liên quan đến hai giáo viên làm việc cùng nhau lên kế hoạch giảng dạy và đánh giá học sinh trong một lớp học. Co-teaching thường được sử dụng như một cách thức để phối hợp ứng viên giảng dạy với một giáo viên có kinh nghiệm hay có chuyên môn hơn với tư cách là người cố vấn. Hình thức này cũng được thực hiện kết hợp giữa các giáo viên giáo dục đặc biệt, ngoại ngữ ở cấp học phổ thông nhằm thiết kế một lớp học hòa nhập, mang lại nhiều lợi ích cho học sinh.
Đồng giảng dạy khác với khái niệm trợ giảng. Trợ giảng (teaching assistant) là người hỗ trợ quản lý lớp, hỗ trợ học sinh không theo kịp tiến độ bài giảng, hỗ trợ giáo viên thực hiện một số công việc và chuẩn bị bài tập cho học sinh. Đối với giáo viên trợ giảng, yêu cầu về mặt chuyên môn không cao như giáo viên đứng lớp nhận sự hợp tác. Giáo viên ứng viên cùng giảng dạy (co-teacher) là giáo viên có bằng cấp sư phạm theo yêu cầu làm công tác giảng dạy, có thể giảng dạy độc lập, là người đồng hành, tổ chức, hướng dẫn và giảng dạy cho học sinh. Trong giờ học co-teaching, một người có thể đóng vai trò như giáo viên trợ giảng. Nhưng cả hai giáo viên đều có trách nhiệm như nhau đối với lớp học.
Trong kỷ nguyên số hiện nay, người ta mở rộng hình thức co-teaching với những lớp học có học sinh đông, lớp học song ngữ, lớp học tin, ngoại ngữ, STEM. Với Việt Nam, ở những nơi không có đủ các giáo viên chuyên môn như tin học, ngoại ngữ, STEM, các trường có thể sử dụng hình thức co-teaching: Một giáo viên dạy trực tuyến và một giáo viên cùng dạy ở lớp học; giáo viên đứng lớp sử dụng bài giảng số có sự hướng dẫn, phối hợp với giáo viên dạy trực tuyến; ghép giáo viên cùng giảng dạy với một giáo viên có kinh nghiệm, có chuyên môn hơn với tư cách là người cố vấn, sau một thời gian sẽ chuyển giao để giáo viên cùng giảng dạy đứng lớp độc lập.
Suốt tuần này chúng tôi phải di chuyển với lịch làm việc khá dày đặc. Nhìn chung còn tồn tại một số vướng mắc trong quá trình dạy và học, nhưng các giáo viên của MCC đã nắm vững công nghệ và sử dụng khá thuần thục bài giảng số. Hy vọng sau tết kết quả sẽ tốt hơn.
Vấn đề của dự án không chỉ nhằm phủ dạy tiếng Anh ở khối lớp 1, lớp 3 cấp tiểu học trên quy mô huyện MCC mà còn là vấn đề chuyển đổi số. Khi tất cả các nhà trường ở MCC sử dụng được bài giảng số thì cũng là “bắt tay” vào việc chuyển đổi số trong giảng dạy và học tập. EQuest quan niệm chỉ có chuyển đổi số mới xóa khoảng cách thành thị và nông thôn, khoảng cách miền núi và miền xuôi. Chính vì vậy chúng tôi tranh thủ thời gian để trao đổi, tập huấn về việc chuyển đổi số với phòng giáo dục, với các nhà trường.
Từ trước tới nay tôi thường làm việc với cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Hôm nay lần đầu tiên tôi làm việc với cán bộ, giáo viên của một trường mầm non, Trường Mầm non Hoa Lan MCC. Đành rằng nhiệm vụ chuyển đổi số của mầm non cũng giống như cấp phổ thông, nhưng nó có những đặc thù riêng mà tôi chưa nắm được, dù trước đó tôi đã chuẩn bị “giáo án” riêng cho cấp học này.
Tôi rất xúc động về sự đón tiếp nồng hậu của cán bộ Phòng Giáo dục, của Cô giáo Hiệu trưởng Lê Thị Bích Huệ, Cô Phó hiệu trưởng và tập thể giáo viên nhà trường. Chính sự nhiệt thành, cầu thị và ý thức trách nhiệm của các cô trong việc thực hiện chuyển đổi số của ngành đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ.
Qua buổi tập huấn, về cơ bản cán bộ giáo viên nhà trường đã nắm được việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, đào tạo và giảng dạy. Đặc biệt nhà trường đã có gần đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất như mạng máy tính, hệ thống máy tính, bảng tương tác thông minh và phần mềm quản lý học tập LMS.
Cũng qua buổi tập huấn, các cô đã biết sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến OLM của Trường Đại học Sư phạm, biết vào trang web Khan Academy dành cho các lớp mầm non của Hoa Kỳ, biết sử dụng những bài học sớm trong trang Baby Einstein của Hoa Kỳ. Tôi hy vọng thời gian tới các cô có thể sử dụng thành thạo các nguồn tài nguyên giáo dục mở trên và đưa vào bài giảng kết hợp trực tiếp và trực tuyến trong phần mềm quản lý học tập mà Phòng giáo dục MCC đã trang bị cho các nhà trường.
Rất vui khi cán bộ chỉ đạo cấp mầm non của huyện và cô giáo Hiệu trưởng Lê Thị Bích Huệ thống nhất quyết định ra Tết sẽ thực hiện 2 tiết chuyên đề và sẽ gọi điện thoại thông báo cho tôi sau.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.