Một ngày trước khi rời colorado

Leave a Comment
Ba tháng trên đất Mỹ trôi đi thật nhanh chóng. Tôi rất muốn ở lại thêm để được gần gũi với các con, các cháu. Tôi vẫn rất muốn được trải nghiệm thêm về xã hội, con người và nền giáo dục Mỹ, về cuộc sống của người Việt và cuộc sống của sinh viên du học trên đất Mỹ. Nhưng nghỉ việc ở cơ quan đã quá dài ngày, người ta khó có thể chịu đựng được một người xin nghỉ vài tháng, không lo việc trường sở.
Nghĩ tới công việc ở trường, tôi bắt đầu cảm thấy ngài ngại. Ba mươi tám năm làm việc trong trường công, tôi luôn phải nghe các nghị quyết, các văn bản, chỉ thị, kế hoạch, công tác thanh kiểm kiểm tra... Lúc nào tôi cũng cảm thấy bận bịu và bất an. Đến lượt tôi, tôi lại gây áp lực lên thầy trò ở nhà trường, yêu cầu họ phải thực hiện đúng theo tinh thần tôi đã tiếp thu. Tôi lại còn phải để mắt, phải nghe ngóng các đoàn thể từ chi bộ, công đoàn đến tổ chuyên môn và dư luận để kịp thời điều chỉnh hành vi của mình. Có nghĩa là tôi phải thủ tiêu cá tính, cá nhân của chính mình để hòa vào với mọi người. Cộng thêm 5 năm làm việc ngoài trường tư, tôi được tự chủ hơn: Được tuyển giáo viên, được tuyển nhân viên, được tổ chức các hoạt động giáo dục trong đó có việc dạy - học, được đánh giá học sinh theo định hướng cá nhân dựa vào Hướng dẫn nhiệm vụ năm học và Điều lệ nhà trường. Tóm lại là tôi được thể hiện mình mặc dầu không ít va vấp với hội đồng quản trị nhà trường.
Song tất cả cuối cùng thì tôi vẫn phải chạy theo lối dạy học trang bị kiến thức (các môn học nhồi được càng nhiều càng tốt), chạy theo điểm số, chạy theo thành tích thi cử và yêu cầu tham vọng của phụ huynh học sinh. Còn đối với học sinh, ở mức độ hai loại hình trường có khác nhau, nhưng suy cho cùng vẫn là học để đi thi. Nếu không theo xu hướng như vậy thì vị trí của tôi ở cả nhà trường công lẫn tư đều không tồn tại. Và nếu như vậy thì tôi đang làm cái công việc mà nền giáo dục ở các nước tiên tiến đã bỏ cách đây hàng bao nhiêu năm rồi. Ấy thế mà có lúc tôi ngộ nhận mình đã làm được một chút ít gì đó có ích cho học trò. Nào là giấy khen. Nào là bằng khen. Nào là chiến sĩ thi đua. Nào là huy chương, huân chương. Bây giờ thì tôi nhận ra tất cả những cố gắng đó chỉ là những cố gắng thừa. Thậm chí còn có hại.
Tuy nhiên, cái còn lại trong tôi từ ngày đi dạy học đến nay là tôi luôn sống và làm việc hết mình vì học sinh, vì đồng nghiệp, vì phụ huynh học sinh. Và học sinh đối với tôi cũng rất tình nghĩa. Cái lứa học sinh cách đây gần 40 năm đã nên ông nên bà, vào ngày 20 tháng 11 hàng năm, các em vẫn đến thăm tôi. Còn các lớp hiện tại, tôi mới xa chúng mấy tháng, em học sinh nữ Lee Munhee người Hàn Quốc, em hoc sinh nam lớp 11A Nguyễn Văn Hải chuẩn bị sang Mỹ du học và lớp trưởng Tuấn Anh tuần nào cũng viết trên Face book, mong muốn thầy về để thầy trò cùng làm việc vào các sáng thứ hai hàng tuần, để xem các lớp múa hát và để được nghe lời động viên, khen thưởng “sướng mê li của thầy”. Thực tình tôi vẫn rất muốn sống và làm việc với các em học sinh trung học. Nhưng cái gì cũng có điểm dừng. Tốt nhất là sau chuyến đi này, tôi làm đơn xin nghỉ.
Chỉ còn một ngày nữa tôi phải tạm rời xa bang Colorado. Buổi sáng như thường lệ, Lâm dậy ăn Cereal (một món ăn khô được chế biến từ ngũ cốc) và uống sữa. Ăn uống xong tôi rủ Lâm đi “trượt cầu”, cái cụm từ bà ngoại vẫn thường dùng mỗi khi đưa Lâm ra khu vực vui chơi giải trí dành cho trẻ em trong khu vực đô thị cách nhà khoảng 200 mét. Ở đó có đủ các loại cầu trượt làm bằng nhựa, các loại xích đu, quay tròn và hai bể bơi ngoài trời. Hễ ngày nào rảnh, tôi lại đưa Lâm đi “trượt cầu”. Lâm thích lắm. Đôi mắt Lâm sáng lên trên khuôn mặt tròn rạng ngời. Lâm chạy ra ngoài giá, lấy giày cho mình và lấy giày cho ông. Lần này tôi không dắt Lâm đi bộ. Tôi lấy xe đẩy đưa Lâm đi.
Không biết bao nhiêu lần hai vợ chồng tôi cùng Thúy, Vân và các cháu đi dạo dọc phố Clover Creek để đến khu vui chơi giải trí. Vậy mà hôm nay tôi thấy có gì đó khang khác. Vẫn đường phố thoáng đãng. Vẫn không khí yên tĩnh, thanh bình. Vẫn trước cửa nhà nào nhà nấy đầy các loại hoa. Vẫn từng đàn chim trên cây chốc chốc lại sà xuống. Chúng nhảy trên vệ đường, tản vào thảm cỏ và bụi cây nhặt nhạnh thức ăn. Thỉnh thoảng tôi lại lấy máy ảnh, chụp ghi lại những hình ảnh đã từng in đậm những kỉ niệm đầm ấm của gia đình ở xứ người. Mải nhớ lại những ngày trên con đường này, nên đi qua địa điểm cần đến tôi vẫn không hay biết. Chỉ khi Lâm nhắc “Ớ ờ, ông quay lại đi” tôi mới sực tỉnh.
Lâm không say sưa chơi như mọi khi. Khoảng độ nửa tiếng lâm chạy lại bên tôi “Ông bế đi chơi”. Hình như Lâm cảm nhận được việc sắp phải xa ông nên cứ đòi bế hoài. Một tay đẩy xe, một tay bế cháu, đi được một đoạn đường mỏi rã chân tay. Đúng là mình già rồi. Ngày trước Thúy còn bé, khi sang ngoại chơi, có lần xe hỏng, tôi lúc bế, lúc cõng, băng qua cánh đồng gần hai cây số về nhà cũng không cảm thấy mệt. Giờ đây, tôi muốn cố bế Lâm đi thêm vài bước cũng không xong, đành phải đặt Lâm vào xe đẩy tiếp.
Tôi vừa đẩy xe vừa dạy bé Lâm nói những từ mới. Lâm thật thông minh. Những hình vẽ và những sự vật hiện ra trên dọc đường đi Lâm đều có thể diễn đạt được thành đoạn câu. Lâm biết sử dụng một số cụm từ khá phức tạp như: Nhẹ bay, chạy thoăn thoắt, đá xoáy, xoay tròn cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Đi khoảng độ nửa tiếng, hai ông cháu đến trước một trang trại trồng cỏ trải dài tưởng như đến tận chân núi Rocky. Đứng trên đồng cỏ, tôi nhìn thấy rõ những mảng tuyết trắng xóa trên đỉnh núi xanh xa mờ, sừng sững phía trời tây. Vợ chồng tôi đã ba lần lên trên rặng núi đó. Hai lần đi với vợ chồng Vân và một lần đi với vợ chồng Thúy. Những chuyến đi có lẽ sẽ không bao giờ có thể lặp lại với biết bao nhiêu rung động, cảm xúc về cái đẹp của thiên nhiên, cái đẹp của gia đình. Những chuyến đi ấy bé Lâm, Bảo, Bách mới đáng yêu làm sao. Lúc đẩy xe, lúc dắt, lúc bế, cứ í a í ới. Chính chúng mới là hương vị của cuộc đời. Chúng tỏa rạng ở mỗi lối mòn, mỗi cung đường. Rất nhiều du khách nhìn chúng trìu mến, mỉm cười với chúng, vẫy tay chào chúng như thể chúng là trung tâm của cuộc sống. Chúng khiến cho phong cảnh ở trên dãy Rocky thêm sinh động, tuyệt vời. Dẫu trên núi chỉ có các loại thông, cỏ dại, hoa dại nhưng nó lại khiến tôi liên tưởng tới vẻ đẹp trường tồn ngàn năm cùng với vẻ đẹp đầy sung mãn đang lên, vẻ đẹp mới tinh nguyên thuần khiết của đất trời. Trên núi, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp một vài loài thú hoang. Nhiều nhất là hươu và nai. Có cả những hồ nước trong vắt trên đỉnh núi. Nó khiến tôi nhớ đến cái hùng vĩ của dãy Trường sơn, cái mênh mông khoáng đạt của cao nguyên Lang Biang Lâm Đồng và cao nguyên Đá Đồng Văn Hà Giang…
Trên cánh đồng cỏ mênh mông bát ngát, xa xa có những đàn bò hàng trăm con đang đi lại gặm cỏ. Còn ngay phía trước hai ông cháu là một đàn thỏ màu ghi, một đại gia đình hàng chục con lớn nhỏ vừa vểnh tai nghe ngóng vừa nhấm nháp những ngọn cỏ. Tôi chỉ vào đàn thỏ “rabbits”. Lâm nhắc lại “rabbits”. Tôi nói đàn thỏ đang nhởn nhơ ăn cỏ trên cánh đồng bằng tiếng Việt và yêu cầu Lâm nhắc lại. Lâm nhắc lại trôi chảy không chút ngập ngừng. Tôi nói câu trên bằng tiếng Anh. Lâm cũng nhắc lại ngay được. Tôi liền nói “you try to catch them for me”. Lâm chạy đuổi theo chúng. Cả đàn thỏ chạy biến ra xa. Tôi cũng chạy đuổi theo cùng với Lâm. Lần này thì đàn thỏ chạy khỏi tầm mắt. Lâm nhìn tôi “ Ớ ờ”. Tôi nói “rabbits ran away”. Lâm toét miệng cười rồi nói “đàn thỏ chạy đi xa rồi”. Thì ra Lâm còn biết nói nhiều hơn cả những điều tôi dạy.
Nắng bắt đầu gắt. Tôi vội ngắt một chét đầy hoa dại tím mang về cắm lọ. Lâm cũng ngắt được 5 bông đưa cho ông. Hai ông cháu ra về. Vẫn còn sớm, bà ngoại chưa làm cơm xong. Hai ông cháu lại chơi trò ném bóng. Ban đầu tôi ném bóng bay nhằm vào những chiếc đèn trên trần. Mỗi lần tôi ném trúng một chiếc đèn, Lâm vỗ tay, hô toáng lên “trúng rồi”. Mỗi lần tôi ném trượt, Lâm lắc đầu “trượt rồi”. Tiếp đến, tôi hướng dẫn Lâm ném bóng nhựa vào rổ bóng làm bằng nhựa. Bộ bóng rổ không cao lắm, Lâm ném nhiều lần bóng vẫn không trúng rổ. Lâm liền kéo chiếc bàn, trèo lên, hất quả bóng vào rổ rồi cười khanh khách.
Tôi bế bé Bách cho Thúy ăn cơm. Nhìn chung Bách ăn ngủ bình thường. Chỉ có điều thỉnh thoảng bú xong, nếu không bế dựng lên, Bách thường bị chớ. Tôi có điện hỏi cô em và chú em là bác sĩ sản, nhi hiện làm chuyên gia cho một bệnh viện ở Angola. Cô chú có nói hiện tượng chớ của trẻ em sau sinh không cần lo ngại lắm. Khoảng dăm bảy tháng đến một năm tự nhiên trẻ sẽ khỏi. Nhưng mẹ cháu vẫn rất lo nên đã cho Bách đi bệnh viện để khám. Hội đồng chẩn đoán của bệnh viện sản thành phố bao gồm 5 bác sĩ: Tai mũi họng, hô hấp, dạ dày, tiêu hóa, dinh dưỡng đã thống nhất đề ra phác đồ điều trị cho Bách. Hiện Thúy vẫn đang tuân theo mọi chỉ dẫn của bệnh viện. Vả lại tuần nào cũng có nhân viên y tế đến khám, tư vấn và phản ảnh lại với bệnh viện nên mọi người cũng yên tâm.
Tôi ôm bé Bách lên phòng riêng cho cháu ngủ. Phía trên khung giường, Thúy dán một tờ giấy khổ A0. Trên đó ghi lại chi tiết lịch trình khám, tiêm chủng của Bách từ 3 ngày tuổi đến 18 tháng tuổi. Ngày thứ 3 sau khi sinh Bách phải đi đo nhiệt độ, khám tai và thử thính lực. Ngày thứ 7 Bách phải đi cân, đo, kiểm tra nhịp tim và lấy máu xét nghiệm. Ngày thứ 14 kiểm tra toàn diện, khám mắt và thử thị lực… Cho đến 18 tháng tuổi, ngày đi tiêm để kết thúc mũi tiêm chủng cuối cùng.
Trên bàn kê sát giường có một tập thiếp chúc mừng của bệnh viện và nhân viên bệnh viện. Tôi lần lượt cầm lên xem. Nội dung những tấm thiếp chúc mừng rất ngắn gọn:
Thân gửi Thúy & Anh
Cám ơn vì đã cho phép bệnh viện chúng tôi cơ hội chăm sóc bạn và gia đình bạn. Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoàn hảo. Hy vọng sắp tới sẽ được tiếp tục hợp tác với bạn và gia đình bạn.
                                                                                     Giám đốc bệnh viện
                                                                                             Buchanan
Thân gửi Thúy & Anh
Thật hạnh phúc nếu đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho bạn và giúp đỡ bạn sinh ra một đứa trẻ tuyệt vời như vậy. Chúc các bạn may mắn.
                                                                                             Sue RN
Thân gửi Thúy & Anh
Các bạn có một gia đình thật tuyệt vời. Xin chúc mừng các bạn có thêm một niềm vui mới.
                                                                                              Diace
Thân gửi Thúy & Anh
Xin chúc mừng các bạn có thêm thành viên mới trong gia đình.
                                                                                                       Jenny
 Chúc mừng cho cậu con trai mới những điều an lành.
                                                                                                       Rim. w
Thật vui mừng khi được chăm sóc cho gia đình bạn, một gia đình đầm ấm và hạnh phúc.
                                                                                                 Linda
Không phải thiếp chúc mừng dành cho tôi nhưng những tờ thiếp của những con người xa lạ trên đất người vẫn làm tôi xúc động. Tôi vẫn hình dung ra được dáng hình và khuôn mặt của những con người đã từng chăm sóc Thúy và Bách ở bệnh viện. Bởi vì hôm đến thăm hai mẹ con Thúy, cứ 15 đến 20 phút tôi lại thấy một người trong số họ vào phòng làm việc. Họ mang theo cả một hệ thống thiết bị cùng với chiếc máy tính trên bàn để kiểm tra tình trạng của mẹ, của con. Công việc chuyên môn của họ gần như cái gì cũng tự động hóa cho nên tôi có cảm giác họ làm việc rất nhàn hạ. Nhưng họ lại rất mất thời gian để hỏi han, để nghe Thúy nói về tình trạng sức khỏe của hai mẹ con với một thái độ cẩn trọng, kĩ càng, tỉ mỉ và rất chu đáo. Đặc biệt khi nhân viên nhà bếp mang đồ ăn đến, họ nhẹ nhàng đặt từng chiếc bát, từng chiếc đĩa lên bàn, rồi điều chỉnh bàn vừa tầm sản phụ ngồi trên giường ăn sao cho thoải mái. Trước khi ăn họ chúc sản phụ ăn ngon miệng. Sau khi ăn họ hỏi han đồ ăn như thế nào rồi đưa ra một tập thực đơn để sản phụ chọn cho bữa ăn sau. Tất cả khi ra khỏi phòng, họ đều chào tôi và chúc mừng tôi. Thành thử chỉ có hai buổi đến thăm Thúy và Bách, tôi đã quen hết mặt họ.
Lẽ thông thường ở Việt Nam, người ta phải qua môi giới, phải tìm đến lãnh đạo khoa, tìm đến bác sĩ trực tiếp phụ trách, tìm đến y tá trông non để nhờ cậy, cảm ơn và đằng sau đó còn biết bao chuyện khác nữa. Còn ở đây thì hoàn toàn ngược lại. Người ta không phải tìm đến bất kì một ai. Từ bác sĩ đến y tá, hộ lí họ luôn tìm đến bệnh nhân. Đến bệnh viện như đi vào một khách sạn 5 sao. Được đón tiếp, được phục vụ chu đáo từ A đến Z. Trong bệnh viện có khu vực cho người ta khiêu vũ, ngưởi ta hát karaoke, người ta chơi nhạc cụ và tham gia các loại hình thể dục thể thao yêu thích. Người ta đến bệnh viện ăn uống, vui chơi giải trí như ở một tụ điểm vui chơi giải trí công cộng. Không thấy có giấy rác, bụi bậm và đồ phế thải. Không ngửi thấy những mùi vị đặc trưng của nghề nghiệp. Không hề có cảm giác rờn rợn là mình đang ở trong bệnh viện có thể bị nhiễm trùng hay lây bệnh. Tôi biết là vào viện như thế này thì phải đóng rất nhiều tiền, nhưng người ta vẫn vui vẻ chấp nhận. Vả lại, suy cho cùng phần lớn số tiền vợ chồng Thúy phải trả cho bệnh viện theo hóa đơn là tiền mà hãng bảo hiểm sẽ chi trả. Vậy thì có gì phải lo đắt hay rẻ.
-           Bách đã ngủ rồi, Thúy bước vào phòng và hỏi, ba xem xem còn thiếu thứ gì để con tranh thủ ra siêu thị mua.
-           Có lẽ chẳng còn thiếu thứ gì đâu.
-           Con quyên không dán giấy ghi các loại. Ba nhớ thuốc tim là của bà, thuốc huyết áp là của ông và thuốc bổ các loại là của các cô và các chú.
-           Ba nhớ rồi.
-           À, còn điều này chúng con muốn nói với ba. Mẹ cũng đã nói với chúng con phải khuyên ba. Ba đã đi làm 43 năm. Mắt ba đã kém rồi. Tai ba cũng kém trước nhiều. Lẽ ra ba phải nghỉ từ mấy năm trước, nhưng ba cứ thích đi làm. Chúng con rất sợ ba đi xe máy trên đường. Nếu ba thích thì chỉ đi giảng mỗi tuần vài ba tiết tôi. Mà ba đi giảng dạy thì gọi xe taxi, chứ đừng đi xe máy nữa.
-           Ba cũng đang tính như thế.
-           Hay ba nghỉ hẳn ở nhà dịch cho xong cuốn “Đồi Thịt băm” và cuốn “ Đại bàng gào thét trong vòng vây” đi. Hai chị em con vẫn bảo nhau ba thật tham công tiếc việc, không phải ba được nghỉ hưu mà là ba đi làm hưu thì phải.
-           Ba nghĩ hết năm nay có lẽ vẫn chưa dịch xong cuốn “Đồi Thịt băm”. Thủ trưởng Hồ Hữu Lạn và anh em đồng đội thỉnh thoảng lại gọi điện giục ba.
-           Bác Lạn chỉ huy trận đánh trên“Đồi Thịt băm” à.
-           Bác ấy chỉ chỉ huy một đại đội công binh thôi. Còn trực tiếp chỉ huy cả trung đoàn đánh trên đồi A Bia là bác Ma Vĩnh Lan.
-           Thế bác Lan giờ ở đâu?
-           Bác Lan đã mất ở Thái Nguyên. Rất nhiều cán bộ chiến sĩ trong trận đánh đó cũng đã ra đi rồi. Ba rất tiếc là Bác Lạn đầu năm nay mới cho ba biết là ở Mỹ có hai cuốn sách này. Nếu ba biết từ khi con sang Mỹ thì tốt biết bao nhiêu. Nếu hết năm nay ba dịch xong cuốn sách, không biết còn bao nhiêu người thời ấy còn sống để mà đọc. Riêng số văn nghệ sĩ mà ba quen biết ở chiến trường Thừa Thiên Huế thì còn lại rất ít. Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, nhạc sĩ Thuận Yến cũng vừa mới ra đi. Bác Huy Thục thì đã có vẻ đã yếu lắm rồi.
-           Có phải Bác Thuận Yến có bài thơ gửi con gái là ca sĩ Thanh Lam trước khi mất không?
-           Đúng đấy.
-           Vân gửi cho con bài thơ đó trên face book. Con và Vân đọc bài thơ đó không thể nào cầm được nước mắt.
Tôi đã đọc bài viết của Thúy chia xẻ cảm xúc khi đọc bài thơ trên face book. Bài viết thật cảm động. Không chỉ cảm nhận được tình cảm sâu lắng, tinh tế, riêng biệt của tình cha con, bài viết của Thúy còn diễn tả được chiều ngược lại, cái chiều đồng sáng tạo của người viết đối với những người cha nói riêng và gia đình nói chung.
Hai cha con tôi cùng ôn lại bao kỉ niệm thời thơ ấu của hai chị em. Những mùa hè cả gia đình đi Sầm Sơn, Cửa Lò, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt, Thành Phố Hồ Chí Minh, Vũng tàu… Có những việc tôi không ngờ đã để lại cho Thúy bao ấn tượng đẹp. Chẳng hạn khi tôi đi nghỉ dưỡng ở Nha Trang, mua về cho hai chị em hồi còn nhỏ mỗi đứa một bộ áo phông màu vàng hoàng yến. Thúy thích mê mẩn với cái áo đó bao nhiêu ngày. Cả cái chuyện tôi đưa hai chị em đi Công viên Thủ Lệ mua những con tò he mà hai chị em còn giữ được đến hàng chục năm sau. Rồi đến ngày 8 tháng 3, ngày phụ nữ tôi mua vòng bạc và những vật kỉ niệm cho hai chị em. Có nhiều việc tôi không còn nhớ nữa. Nhưng tôi không thể quên những chuyện từ khi Thúy sang Mỹ, cứ vài ba ngày hai cha con lại chuyện trò hàng tiếng đến tận khuya. Và năm nào đến giao thừa, Thúy cũng gọi về chúc tết ông bà, cha mẹ. Năm nay cũng vậy, dù đã chúc tết, Thúy còn viết trên Face book: “ Lại thêm một mùa xuân về trên đất Mỹ. Tuyết vẫn còn phủ trắng khắp mọi nơi. Giao thừa không ngủ, nhớ thương ông bà ngoại da diết. Ông bà là mùa xuân, là tết ấm áp, tươi vui và dịu hiền. Dù ở xa, trong lòng chúng con và các cháu, ông bà luôn là niềm vui, niềm tự hào vô bờ bến”…




Read More

Đến thành phố Los-Angeles bang California

Leave a Comment
Tôi ở trên đất Mỹ đã gần 3 tháng nhưng vẫn chưa thu xếp đi Cali thăm ông chú được. Chuyện đó cứ canh cánh bên lòng tôi suốt những ngày qua. Ông là con nuôi bà nội tôi vào khoảng đầu những năm 1940. Khi Nhật đảo chính Pháp vào ngày 9 tháng 3 năm 1945, gia đình ông về nhà bà chị ruột bà nội tôi ở Triều khúc để lánh nạn. Tiếp đến vào cuối năm 1946, toàn quốc kháng chiến, người dân Hà nội rời khỏi nội đô, gia đình ông lại tản cư về nhà tôi. Rồi đến những năm kháng chiến chống Mỹ, hai lần gia đình ông cùng gia đình tôi cùng đi sơ tán ở làng Thạch Am, Thanh Oai, Hà Đông. Vì thế, quan hệ giữa hai gia đình chúng tôi càng thêm gần gũi, gắn bó.
Sau cuộc Chiến tranh biên giới ở phía bắc, hai gia đình chúng tôi hoàn toàn bặt tin nhau. Bà tôi chỉ nhận được một lời nhắn từ người hàng xóm gia đình ông chú, nên thỉnh thoảng lại trách “Nó đi đâu mà không nói lấy một lời”. Mãi đến năm 2005, ông chú tôi mới từ Mỹ đột ngột trở về. Phố xá và làng xóm xưa kia nay đã thay đổi nhiều. Ông phải hỏi thăm mãi mới tìm đến được nhà ở của gia đình tôi. Tay bắt mặt mừng, chưa kịp uống xong chén nước, ông đòi tôi đưa ra thăm mộ bà nội. Đường ra cánh đồng lầy lội. Ông phải tháo cả tất cả giầy để đi theo tôi. Tới mộ, cắm ba nén hương, ông quỳ sụp, giập đầu xuống mặt ruộng đầy bùn, vái lạy: “Con của u bây giờ mới về đây. Con lạy u, xin u tha tội cho. Con thật bất hiếu”. Ông còn nói gì nữa đến mươi phút tôi không nghe hết được…
Lần về Việt Nam gần đây nhất, trong lúc cạn chén, ông buồn rầu nói với tôi: “Chú ở California, bang có 38 triệu người, bang có người Trung quốc và người Việt Nam đông nhất nước Mỹ, nhưng mấy chục năm trời, chú luôn cảm thấy trống trải, như đi ở nhờ. Trong lòng chú chỉ có một quê hương, đó là Hà Nội. Một năm mười hai tháng với chú là mười hai tháng nhớ thương Hà Nội. Tiếng là người Hoa nhưng chú sinh ra ở Hàng Buồm, lớn lên với ba mươi sáu phố phường, từ vỡ lòng đến đại học đều học ở Hà Nội; trưởng thành và làm việc ở Hà Nội. Lúc còn nhỏ, mấy lần chú có theo bố mẹ về cái miền quê nào đó ở Liễu Châu, Quảng Tây Trung quốc, nơi ông nội và bà nội chú mất tại đó. Cái kí ức về miền quê ấy thật quá nhạt nhòa. Với gia đình chú và nhiều gia đình người Hoa khác, Việt Nam thật ân nghĩa, đã nuôi dưỡng và cưu mang những người Hoa, cả người sống lẫn người chết bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu năm trời. Giá như quan hệ Việt Trung thuận buồm xuôi gió thì cuộc sống của chú thím có lẽ sẽ đi theo một hướng hoàn toàn khác”.Tôi biết ông rất thật lòng. Chuyện cũ đã qua lâu rồi. Bây giờ tôi vẫn muốn biết một số chuyện khác ở ông. Mấy lần về trước, ông cứ lấp lửng. Có lẽ vì một lí do nào đó, ông thấy chưa tiện nói ra. Tôi nghĩ lần gặp gỡ này, ông sẽ không né tránh.
Quãng đường từ sân bay quốc tế Dallas bang Texas tới sân bay quốc tế Los Angelles bang California khoảng chừng 1240 miles, tương đương 1996 km. Khi xuống sân bay, tôi nhìn đồng hồ mất đúng 2h 33 phút. Sân bay quốc tế Los Angeles nằm bên bờ Thái Bình Dương, cách trung tâm Thành phố Los Angeles 24 km về phía tây nam. Đây là một trong những sân bay lớn. Có 4 đường băng dài trên 3 km với 9 nhà ga. Mỗi nhà ga có tới 13, 14 cửa. Tính trung bình mấy năm trở lại đây, lượng khách qua sân bay lên tới trên 62 triệu người. Căn cứ vào lượng khách đến, người ta xếp sân bay Los Angeles là sân bay lớn thứ 5 trên thế giới và là sân bay lớn thứ 3 của Hoa Kỳ.
Tôi rất ấn tượng về Cali, không phải vì diện tích bang này rộng thứ 3, bang đông dân nhất, có tổng sản phẩm quốc nội cao nhất Hoa Kỳ(gần 2 nghìn tỉ đô), cũng không phải là vì bang có ngành công nghiệp giải trí khổng lồ như Hollywood, Walt Disney, bang có nhiều thành phố lớn cũng như có nhiều bãi biển xinh đẹp chan hòa nắng ấm quanh năm. Cali có một điều khoản rất đặc biệt trong hiến pháp bang là dành 40% thu nhập cho hệ thống giáo dục công cộng. Tôi chưa hiểu rõ lí do tại sao những nhà lập pháp bang Cali, cả thượng viện lẫn hạ viện lại thông qua một điều khoản ưu ái cho giáo dục đến như vậy. Tôi biết chi tiêu cho giáo dục phổ thông của Mỹ cao nhất thế giới. Bình quân họ chi 11.000 đô cho mỗi học sinh tiểu học và 12.000 đô cho mỗi học sinh trung học trên một năm (ở Việt Nam khoảng 3,5 triệu đồng). Riêng ở Cali tôi chắc số tiền chi cho giáo dục còn cao hơn nhiều so với con số trên.
Hệ thống giáo dục đại học bang Cali cũng nhiều nét đặc biệt. Tuy số lượng các trường đại học không phải là nhiều so với số lượng dân số và so với các bang khác, nhưng sự phân tầng trong hệ thống và tiêu chí tuyển sinh chung rất rõ ràng, đơn giản.
Thứ nhất là hệ thống các trường đại học nghiên cứu bang California (University of California, viết tắt là UC). Hệ thống UC có nhiều giáo sư, các nhà nghiên cứu đã nhận được giải thưởng Nobel và được coi là một trong những hệ thống trường đại học nghiên cứu công cộng hàng đầu của Hoa kỳ và thế giới. Hệ thống UC bao gồm 10 trường đại học thành viên với 234.464 sinh viên. Các trường này nhận 10% học sinh có điểm trung bình cao nhất trong các trường THPT cùng với một số tiêu chí khác.
Thứ hai là hệ thống trường đại học bang California (California State University, viết tắt là CSU). Hệ thống CSU cũng là hệ thống các trường đại học ưu việt của Hoa Kỳ và thế giới. Hệ thống CSU bao gồm 23 trường đại học thành viên với tổng số 440.000 sinh viên. Các trường này nhận một phần ba số học sinh THPT có điểm cao nhất cùng với một số tiêu chí khác.
Cuối cùng là hệ thống trường cao đẳng cộng đồng (California Community College). Hệ thống trường cao đẳng cộng đồng bao gồm 112 trường thành viên với gần 3 triệu sinh viên. Hệ thống giáo dục này cung cấp chương trình giáo dục mang tính tổng quát của bậc đại học (ở Việt Nam gọi là những môn chung) và những chương trình nghề hết sức đa dạng. Sinh viên học xong cao đẳng cộng đồng 2 năm có thể đi làm hay chuyển sang các trường đại học nghiên cứu UC hoặc các trường đại học bang CSU học tiếp 2 năm để lấy bằng đại học. Ngoài ra Califonia còn có hàng trăm trường cao đẳng và đại học tư thục. Tiêu biểu cho loại hình trường này là Đại học Stanford, Đại học Nam California, Viện Công nghệ California… Đó là những trường đại học tư thục nằm trong top đầu của Mỹ và thế giới.
California nổi tiếng với địa danh: Thung lũng Silicon(Silicon Valley). Thung lũng Silicon là tên gọi vùng đất phía nam của Vịnh San Francisco nằm ở phía bắc California. Ban đầu cụm từ này được dùng để chỉ nơi có nhiều phát minh và các hãng sản xuất những loại chíp Silicon, nhưng sau đó nó trở thành tên chung để chỉ nơi có nhiều tập đoàn công nghệ cao, lớn nhất của Hoa Kỳ và thế giới. Người ta cho rằng chính sách ưu tiên cho giáo dục, sự phát triển về chất của giáo dục đại học trong đó có Đại học Stanfort đã đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Thung lũng Silicon.
Bắt đầu từ những năm 1950 Frederick Terman, Hiệu trưởng Trường Đại học Stanfort đã khuyến khích giảng viên và sinh viên mới tốt nghiệp thành lập những công ty công nghệ cao ngay trong khuôn viên của nhà trường. Có thể nói ông là cha đẻ của Thung lũng Silicon. Đến những năm 1970, làn sóng đổi mới công nghiệp với sự hỗ trợ của các công ty tư nhân diễn ra mạnh mẽ tại đây. Các mạch Silicon tích hợp, bộ vi xử lí, máy tính và những ngành công nghệ cao chủ chốt phát triển mạnh mẽ. 24.000 lao động, những nhà khoa học từ các trường đại học trong vùng, các kĩ sư lành nghề cùng với sự tài trợ của Bộ Quốc phòng Mỹ đã biến Thung lũng Silicon thành một địa điểm bừng sáng. Mặc dù sau đó có rất nhiều mô hình trung tâm công nghệ cao mọc lên ở Mỹ và các nước trên thế giới, nhưng Thung lũng Silicon California vẫn là một trung tâm hàng đầu cho sự đổi mới và phát triển công nghệ cao.
Vừa xuống sân bay Los Angeles tôi đã nhận được điện thoại của ông chú. Ông báo xe của ông đã đến và đang chờ tôi ở cổng nội địa. Mặc dù hôm trước tôi nói với ông rằng ông không phải đi đón. Tôi sẽ tự thuê xe taxi theo địa chỉ đến nhà, nhưng ông không nghe. Ông muốn tranh thủ thời gian đưa tôi đi chơi một vài nơi trước khi về nhà. Vừa trông thấy tôi, ông rảo bước tới ôm chặt lấy tôi và hỏi:
-           Bố mẹ cháu vẫn bình thường đấy chứ?
-           Vâng. Vẫn còn tàm tạm ông ạ. Thế ông bà dạo này thế nào?
-           Chuối chín cây cả rồi. Năm nay bố mẹ cháu 84 tuổi. Chú và thím cũng đã 75. Không biết chú thím có theo được bố mẹ cháu không? Không biết chú còn về Việt Nam được mấy lần nữa?
-           Thím thì không biết thế nào. Chú trông vẫn còn phong độ lắm.
-           Trông thế thôi. Mỗi năm chú thấy mình một khác. Thím thì yếu hơn, phải uống thuốc Bắc suốt. Bà ấy thỉnh thoảng vẫn nhắc đến bố mẹ cháu. Nếu không có bố mẹ cháu thì chú thím đã bỏ nhau vào giữa những năm1970.
-           Thế mà chưa lần nào cháu nghe thấy bố mẹ cháu nhắc tới chuyện đó.
-           Chuyện dài lắm. Chú còn nhớ như in lời khuyên của ba cháu: “Bỏ vợ thì thất đức lắm chú ơi”. Mai mốt bảo thím kể cho nghe. Bây giờ chú phải tập trung vào công việc lái xe trên đường.
Nếu ở Việt Nam không ai nghĩ ông đã ở cái tuổi ngoài thất thập. Người ta đoán ông chỉ khoảng 65 là cùng. Ông thuộc dạng người thấp, đậm. Khuôn mặt tròn đầy đặn. Nước da ngăm đen. Đôi mắt rất sáng. Giọng nói thì còn sang sảng như cách đây tám, chín năm ông đến nhà tôi. Đặc biệt phong thái ông nhanh nhẹn, hoạt bát. Và ông lái xe thì còn rất trẻ, không kém tay lái trẻ nào trên đường đi.
Los Angeles là thành phố lớn nhất của California và là thành phố lớn thứ hai của Mỹ sau New York. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Los Angeles có nghĩa là Thành phố của các thiên thần, bao gồm trên 13 triệu dân. Số liệu trên là người ta tính cả vùng đại đô thị Los, còn trong thành phố thì chỉ có trên 3,9 triệu người. Chính quyền thành phố được bầu lên theo chế độ dân cử, bao gồm một hội đồng thành phố 15 người và một thị trưởng bầu theo nhiệm kì.
Xưa kia khu vực thành phố Los là nơi chăn nuôi của người Mỹ bản địa. Năm 1781, thực dân Tây Ban Nha cho xây dựng một thị trấn ở đây. Sau cuộc Chiến tranh Mexico - Hoa Kỳ, Mexico phải nhượng cả một vùng lãnh thổ trong đó có California cho Hoa Kỳ. Thành phố Los mới chính thức được xây dựng vào năm 1850. Nhưng phải đến nửa sau thế kỉ 19 trở đi với sự phát triển của ngành công nghiệp mỏ, vận tải đường sắt và đặc biệt là sau hai thế chiến với sự phát triển của ngành công nghiệp vũ khí, Los mới nhanh chóng trở thành thành phố lớn nhất dọc bờ biển phía tây nước Mỹ. Ngày nay nền kinh tế Los được thúc đẩy bởi thương mại và tài chính quốc tế, công nghệ truyền hình giải trí, điện ảnh, viễn thông, công nghiệp âm nhạc, công nghiệp chế tạo, dầu khí, thời trang…
Los Angeles rộng nhưng không tập trung. Xen lẫn những khu nhà chọc trời thoáng đãng, hiện đại là những khu nhà dăm bảy tầng và những khu nhà hai, ba tầng xinh xắn chạy dài hàng km. Diện tích khu vực thành phố khoảng 1024 km2. Dân thành phố đi làm, đi học, đi nhà thờ, nhà hàng, hiệu sách, siêu thị… đều bằng xe ô tô. Ở khắp mọi nơi, chỗ nào tôi cũng thấy đường cao tốc, đường dẫn vào các bãi đậu xe cùng với dòng ô tô di chuyển bất tận. Và lần đầu tiên ở Mỹ tôi chứng kiến cảnh tắc đường. Có điều tắc đường ở đây chỉ khoảng dăm ba phút. Ông chú tôi cho biết, người trên 18 tuổi ở thành phố này mà không có xe hơi là chuyện hiếm. Vì thế đương nhiên Los là một thành phố bị ô nhiễm dưới dạng khói mù.
Ông chú đưa tôi vào khu vui chơi giải trí nổi tiếng Walt Disney. Khu công viên này do nhà làm phim hoạt hình Mỹ Walt Disney khởi công xây dựng. Sau này người ta lấy tên ông để đặt tên cho nó. Trong công viên, chúng tôi không thể không dừng lại để ngắm lâu đài Sleeping Beauty nguy nga ngoài sức tưởng tượng. Lâu đài là biểu tượng của công viên với chủ đề về thế giới chuyện cổ tích và các nhân vật Disney. Tôi đã được nghe chàng thanh niên Huân kể khá nhiều chuyện về những điều tai nghe mắt thấy trong chuyến đi khám phá công viên này và được xem hàng trăm bức ảnh do Huân chụp nhưng đến đây vẫn không khỏi ngạc nhiên về trí tưởng tượng và sự sáng tạo kì diệu của con người. Các kiến trúc sư - nghệ sĩ tài ba đã tái tạo nhiều phong cảnh hữu tình. Những nhánh sông chảy giữa hai bờ lau sậy với bè gỗ đầy hoài niệm. Những cánh rừng nhiệt đới um tùm nhiều tán. Những lâu đài đền các cùng với những phố cổ. Những ngọn núi hùng vĩ…
Bước vào khu giải trí, chúng tôi được một đàn chuột Mickey chạy đến đón chào bắt tay chúc mừng. Trong khu giải trí có tới 50 khu vực của thế giới ảo, thế giới mạo hiểm, thế giới tương lai. Ông chú tôi vừa dẫn tôi đi vừa thuyết minh không ngừng. Cuối cùng ông hỏi tôi: “Cháu tính một năm người ta đón khoảng 20 triệu khách, trừ đi tất cả các chi phí cộng với tiền lương của 65 ngàn người làm việc ở các bộ phận, còn lại người ta thu về được bao nhiêu”. Tôi không biết. Tôi chỉ biết chắc chắn một điều là rất nhiều mô hình, ý tưởng ở công viên này và các công viên giải trí khác của Mỹ được các công viên giải trí ở các nước như Trung Quốc, Hồng Công, Đài Loan, Singapore, Thái Lan và cả Việt Nam bắt chước. Thì ra người ta thường hay nói đến Mỹ không hẳn vì nước Mỹ giàu mạnh về kinh tế, quân sự và khoa học kĩ thuật. Rất nhiều nước trên thế giới học Mỹ ở rất nhiều mặt nhưng có một thứ người ta không học. Thậm chí người ta còn rất sợ. Đó là nền dân chủ, tự do kiểu Mỹ.
Chúng tôi đến thăm thành phố điện ảnh Hollywood nằm ở phía tây bắc Los. Xưa kia nơi đây là khu vực ở của những người chăn nuôi gia súc. Vào đầu những năm 1880, một gia đình người Mỹ tên là Henderson Wilcox ở Kansas đến đây lập nghiệp. Năm 1887 ông cùng vợ xây dựng một ngôi biệt thự lấy tên là Hollywood. Và cũng chính hai vợ chồng ông đã phác thảo thành phố cùng với con đường chính mang tên Hollywood Boulevard. Chắc chắn ông bà Wilcox thời gian đó không thể tưởng tượng được sau gần 100 năm nó lại trở thành trung tâm điện ảnh của toàn thế giới.
Thời tiết và cảnh quan ở khu vực này khá lí tưởng. Một năm có khoảng 300 ngày nắng ấm, lại có rừng núi, đồng bằng, ven biển và sa mạc. Thiên thời địa lợi rất thích hợp cho việc vận hành nền công nghiệp điện ảnh. Vì thế các công ty điện ảnh miền Đông nước Mỹ ồ ạt đến xây dựng phim trường. Hollywood nhanh chóng trở thành trung tâm điện ảnh toàn nước Mỹ. Hiện nay thành phố điện ảnh Hollywood có trên 180 trường quay, có đầy đủ không gian bối cảnh của toàn thế giới. Những bộ phim được sản xuất tại đây chiếm hơn 2/3 số lượng phim ở nước Mỹ. Cho nên người ta mới gọi Hollywood là kinh đô điện ảnh của thế giới.
Du khách đến đây tham quan rất đông. Thế nhưng một số du khách đến thăm nơi đây cảm thấy không được như kì vộng. Tôi còn nghe thấy một người phàn nàn với những người xung quanh “Chẳng có gì để mà xem. Vậy mà sao đông người đến thế”. Đúng vậy. Nếu chỉ ngắm nhìn nhà cửa phố xá thì đúng là chẳng có gì đặc biệt so với tầm vóc và danh tiếng của Hollywood, nhưng để sáng tạo nên một tác phẩm điện ảnh đích thực thì đâu phải là chuyện đơn giản. Họ có nhìn thấy lao động nghệ thuật của những người nghệ sĩ đâu. Họ có được thấy công việc hậu trường bếp núc đằng sau một bộ phim đâu. Họ có biết bao người đam mê nghệ thuật thứ bảy Bắc Mỹ từng ước ao trong đời một lần được đến nơi đây đâu…
Hơn 7h00 chúng tôi mới về đến nhà. Chiếc xe dừng trước cửa ga ra. Cánh cửa sắt tự động kéo lên. Bà thím chạy ra cửa đón. Tôi hoàn toàn ngỡ ngàng. Gần bốn mươi năm mới gặp lại bà. Người phụ nữ thon thả, trắng trẻo, duyên dáng ngày nào bây giờ trở thành một bà già. Tóc bạc trắng. Da mồi nhám, khuôn mặt nhăn nheo. Nước mắt bà giàn giụa. Tôi bước tới ôm lấy đôi vai gầy guộc. Trong lòng se thắt lại.
-           Thím ơi!
-           Tóc con cũng bạc rụi rùi, bà nghẹn ngào nói tiếp, nhớ Hà Nội hung. Năm sau tui sẽ zề.
-           Vâng. Bà về ở nhà cháu nhé.
-           Biết thế đã. Zô nhà, zô nhà, zô nhà. Ổng kêu làm cả vằn thắn, sủi cảo, cơm tám, cá kho. Chắc đói hung rùi, ông con zô nhậu, nhậu thui.
Đúng vậy. Ngày xưa tôi ra Hàng Buồm với bà nội, lần nào thím cũng làm mì Vằn thắn và Sủi cảo cho ăn. Tôi thích hai món này lắm. Còn lần nào chú thím về quê chơi, bà tôi cũng thổi cơm tám cùng với cá kho. Tôi nhớ có lần chú thím ăn hết cả nồi. Chú đứng dậy xoa bụng: “No quá u ơi”. Thím thì tủm tỉm cười: “Anh ăn đến thủng nồi trôi rế”. Nói rồi, thím xếp nồi niêu bát đĩa vào mâm ra ao rửa. Bà cười, nhả miếng trầu vào lòng bàn tay, nói với chú: “Anh may mắn vớ được cô ấy, vừa đẹp người vừa đẹp nết, nhanh nhanh có cháu, u ra u trông cho”. Ôi thời gian. Thế mà đã gần bốn mươi năm rồi.
Đến lúc ngồi vào mâm tôi mới chợt nhận ra thím nói hệt giọng Nam từ âm sắc đến câu chữ. Tôi nhìn ông chú như muốn hỏi. Hiểu ý tôi, ông bắt đầu kể lại toàn bộ sự việc. Đại khái là ông được Bộ An ninh quốc gia, cơ quan tình báo lớn nhất của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chiêu mộ vào đầu năm 1970 khi làm nghiên cứu sinh ở một trường đại học ở Hồng Kông . Ông thuộc biên chế của Tổng cục 2, bộ phận thu thập tin tức tình báo chiến lược ở nước ngoài. Sau khi đã hoàn thành khóa đào tạo “chuyên môn, nghiệp vụ” cả nghĩa đen cũng như nghĩa bóng, ông quay trở lại Việt Nam năm 1974 với tấm bằng Tiến sĩ Lịch sử Đông Nam Á. Nhiệm vụ của ông là thu thập tin tức về các nhân vật cao cấp, phân tích đánh giá năng lực, phẩm chất, quan điểm chính trị của họ trong bộ máy cán bộ Đảng và Nhà nước Việt Nam; đồng thời thâm nhập sâu vào đội ngũ trí thức Việt Nam để nắm bắt tình hình. Để hoàn thành nhiệm vụ này ông sẽ phải lấy con gái một cán bộ người Việt có tầm cỡ trong Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Tổ chức Hoa Nam cục sẽ lo sắp xếp công việc này. Vì vậy ông phải nhanh chóng li dị vợ. Nếu có khó khăn gì thì ông phải báo cáo lên tổ chức.
Ông nói đó là thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời. Ông không thể từ chối nhiệm vụ được giao. Tay ông đã nhúng chàm. Cái tư tưởng Đại Hán“ Tu thân, tề gia” hoàn toàn mâu thuẫn với việc “trị quốc, bình thiên hạ”. Ông không muốn theo gót chân Trọng Thủy làm gián điệp ở Việt Nam. Ông càng không muốn rời bỏ vợ. Ông cũng không muốn lừa gạt người phụ nữ nào và làm hại đất nước đã từng dung nạp, cưu mang gia đình ông mấy thế hệ. Làm thế nào? Nếu ông phạm bất kì sai lầm nào không những ông mà còn cả gia đình ông đều phải trả giá.
Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, Bắc Kinh giao cho ông nhiệm vụ vào Sài Gòn móc lối với các tổ chức Hoa Kiều ở miền Nam. Ông đã học tiếng miền Nam. Ông đã dạy vợ ông nói tiếng miền Nam, âm thầm chuẩn bị cho gia đình ông một lối thoát. Năm 1978, năm cải tạo tư bản tư thương ở miền Nam, rất nhiều người gốc Hoa nằm trong diện đó. Chính ông đã cấp hàng trăm hộ chiếu giả cho họ theo lệnh của tổ chức, tuyên truyền kích động họ rời khỏi Việt Nam, tạo nên cái gọi là tình trạng Nạn kiều ở Sài Gòn để làm sụp đổ nền kinh tế ở miền Nam. Vào đúng thời gian cao điểm nhất, hai vợ chồng ông đã nhận một cháu gái ở Quận 1 làm con nuôi, và ra đi cùng với một số gia đình tư bản người Việt, chứ không phải là với tư cách gia đình người Hoa.
Ba mươi năm ông bà chạy trốn, chối bỏ thân phận thực của mình, tên tuổi thực của mình, giọng nói thực của mình, tạo cho mình cái vỏ bọc dân miền Nam di tản. Tuy vậy, vợ chồng ông ngày đêm sống trong lo âu, sợ một ngày nào đó bị người của Bộ An ninh Đại lục phát hiện ra và bị thủ tiêu. Năm đầu tiên về nhà tôi, năm ông cho rằng vợ chồng ông có lẽ đã thoát khỏi kiếp nạn tình báo “Trung cộng” nên đã đánh liều. Còn có một lí do nữa, bà thím nói cho tôi biết là vào đầu những năm 2000, truyền hình Việt Nam phát sóng cho Việt Kiều ở nước ngoài trên kênh 4, trong mục nói về Hà Nội thường phát đoạn hình ảnh cha tôi cắt tỉa cây cảnh ở vườn. Lần đầu tiên, khi thấy hình cha tôi, ông cuống quít gọi bà lại xem có đúng không. Từ hôm đó, ngày nào ông cũng mở TV ra xem. Ông nói cha tôi già rồi, nếu không về thì e rằng ông không còn cơ hội gặp được cha tôi nữa.
Cơm nước chuyện trò đến hơn 10h bà thím mới giục tôi đi nghỉ. Ông chú phụ họa:
-           Thôi chúng ta đi nghỉ đi, vừa nằm vừa chuyện. Buồn ngủ thì ngủ.
Ông nắm tay tôi rời phòng khách, qua phòng ăn, lên tầng hai. Có ba phòng trên tầng lầu: Phòng ngủ ông bà, phòng cô con gái nuôi đã đi lấy chồng, hiện tại cô cháu gái vẫn đang ở đó và phòng làm việc riêng của ông bà. Phòng làm việc riêng của ông bà có hai bộ bàn ghế cùng với hai chiếc máy tính bàn nhìn ra hai cửa sổ. Bên phải và bên trái, sát vách tường là hai giường cá nhân. Ông chỉ cho tôi chỗ để đồ rồi nói:
-           Chú đã buộc phải làm một số chuyện trong quá khứ, nhưng chú đã cố gắng để giảm thiểu tác hại của nó. Thậm chí chú đã ngầm mách bảo một cuộc chiến giữa hai nước có thể xảy ra. Hai chú cháu mình cứ nói chuyện này thoải mái. Chú không phải là người Hán. Chú thuộc về một tộc người Bách Việt. Chú là dân vong quốc nô. Chắc cháu biết đấy, những tộc Bách Việt như Câu Ngô, Ư Việt, Dương Việt, Mân Việt, Điền Việt, Đông Việt, Nam Việt… ở phía nam Trung Quốc, hầu hết họ đều bị người Hán chinh phục trong tiến trình lịch sử và bị đồng hóa vào nền văn hóa Hán. Chỉ riêng người Việt Nam, hậu duệ của nhóm Lạc Việt vẫn giữ được bản sắc của dân tộc mình và thoát khỏi sự thống trị của phong kiến Trung Quốc sau năm 938 (năm Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng). Cháu đã từng nghe một giai thoại về Tôn Trung Sơn và Nguyễn Ái Quốc vào đầu những năm 1920 chưa?
-           Có phải cái câu chuyện khi hai người gặp nhau ở Quảng Đông hay ở một địa điểm nào đó. Có một nhà báo Trung Quốc giới thiệu họ với các học giả, các nhà báo Phương Tây rằng cả hai người trong số họ đều là những nhà ái quốc vĩ đại. Ông nhà báo Phương Tây lắc đầu và nói với người đồng nghiệp Trung Quốc rằng, trong hai người chỉ có một người là nhà ái quốc vĩ đại mà thôi. Nói rồi ông nhà báo phương Tây chỉ vào Nguyễn Ái Quốc: “Ông đó mới đích thực là nhà ái quốc vĩ đại. Còn ông Tôn Trung Sơn đã mất nước từ hơn hai nghìn năm trước rồi thì làm gì có đất nước để mà yêu nước”.
-           Thì ra cháu cũng biết chuyện đấy. Chú tin chắc Tôn Trung Sơn không phải người Hán, không mang dòng máu Hán. Vì người Hán từ xưa đến nay bất chấp mọi thủ đoạn để giành và giữ quyền lực. Người Hán không bao giờ chia sẻ quyền lực dù là một ngày. Tôn Trung Sơn thì lại nhường chức tổng thống cho Viêm Thế Khải. Và sau đó còn lập ra một hội đồng để điều hành đất nước. Liệu ông có bao giờ nghĩ mình là dân vong quốc nô như chú không?
-           Dân Trung Quốc vẫn coi ông là Quốc phụ.
-           Một Quốc phụ của một dân tộc đã từng tiêu diệt dân tộc mình.
-           Thật đáng buồn. Quan hệ Việt Trung trong những ngày này thật xấu. Theo chú, khả năng xấu nhất có thể xảy ra không?
-           Quan hệ hai nước chưa đến nỗi xấu như những gì đã diễn ra trong những ngày này. Trong những năm 70 của thế kỉ trước, tình hình hai nước vô cùng căng thẳng và dẫn đến cuộc chiến tranh xâm lược dưới chiêu bài “Phản kích tự vệ” do Tập đoàn Đặng phát động. Việt Nam có thể xâm lược Trung quốc ư? Chẳng lẽ có nguy cơ đó ư? Trí tưởng tượng của Tập đoàn Đặng không đến độ hoang tưởng và điên khùng như vậy đâu? Họ ủng hộ chế độ Pol Pôt ư? Chẳng lẽ họ lại ủng hộ một chế độ mà cả thế giới lên án vì tàn sát gần 2 triệu người thuộc chính dân tộc của mình nhân danh học thuyết thanh lọc giai cấp? Mặc dù Khơ Me đỏ đã học theo mô hình của Người cầm lái vĩ đại Mao, mặc dù muốn làm quà để thân với Mỹ và chứng tỏ mình chống Việt Nam và Liên Xô, tất cả đều chưa đủ lí giải tại sao họ xâm lược Việt Nam. Sâu chuỗi các sự kiện lại: Năm 1956 họ xâm chiếm những hòn đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa, năm 1974 họ chiếm nốt những hòn đảo phia tây quẩn đảo Hoàng Sa, năm 1988 họ chiếm một số đảo Hoàng Sa, bây giờ họ đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chú cho rằng nguyên nhân họ xâm lược Việt Nam là vì Việt Nam cản đường họ xuống phương nam. Cái thời môi hở răng lạnh họ từng nói rằng, Trung ương Đảng Lao động việt Nam phải giúp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đi xuống phương nam là gì? Việt Nam có giúp không? Đương nhiên là sẽ có khả năng xấu nhất ở trên biển đảo.
-           Nhưng tình thế biển Đông bây giờ không giống như năm 1974 và năm 1988.
-           Đúng, nhưng Trung Quốc mới chiếm bãi cạn của Philippines đấy thôi. Hơn nữa Philippines còn là đồng minh của Mỹ. Họ có thể tiến xa hơn chiếc giàn khoan.
-           Từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ đến nay, quan hệ thương mại không ngừng được củng cố và phát triển. Kim ngạch hai chiều lên tới 50 tỉ đô la. Sau mấy chục năm đổi mới, vị thế của hai nước đã thay đổi. Việt Nam đã có một vị thế nhất định trong khu vực và trên thế giới. Trung Quốc đã trở thành một cường quốc thực thụ, một quốc gia có quyền lực về kinh tế và đang khẳng định sức mạnh về chính trị và quân sự. Chiến lược của hai nước đã có sự thay đổi. Trong hai thập niên, những tranh chấp chỉ giới hạn trên bàn đàm phán ngoại giao và các biện pháp gây áp lực thì nay bằng giàn khoan di động lãnh thổ, cùng với hàng trăm tàu các loại, trong đó có nhiều tàu chiến hiện đại, Trung Quốc đang cố gắng hiện thực hóa đường lưỡi bò. Chắc chắn sẽ diễn ra một cuộc đấu tranh giành và giữ chủ quyền mà tiêu điểm là biển đảo.
-           Cháu nói đúng. Tình thế chiến lược ở Biển Đông bây giờ đã khác. Về mặt chiến lược, Trung quốc cảm thấy mình bị bao vây tứ phía. Ở phía bắc là gấu Nga. Ở phía Tây là các quốc gia nhiễu loạn khủng bố. Ở phía đông là khối đồng minh chiến lược Mỹ-Nhật-Hàn và một vùng lãnh thổ thù địch Đài Loan. Vì thái độ hung hăng của Trung Quốc, liên minh này không ngừng được củng cố. Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn qua phía đông vươn ra vùng nước sâu của Thái Bình Dương để trở thành cường quốc biển như  mục tiêu họ đề ra. Phía tây nam Trung Quốc giáp Ấn Độ và Mianmar. Trong khi đó, Ấn Độ, một đối thủ tranh chấp biên giới đang cố gắng vươn lên trở thành cường quốc biển. Mỹ cũng đã có quan hệ cải thiện và mở rộng hợp tác với cả Ấn Độ và Mianma, nên con đường đi qua Tây Nam mở rộng quyền lực biển ở Ấn Độ Dương của Trung Quốc là rất hẹp. Chỉ còn hướng đông nam, khu vực Biển Đông có vị trí chiến lược sống còn, lại hứa hẹn đủ dầu khí cho sự phát triển kinh tế vài chục năm, là nơi thuận lợi nhất cho Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương và các đại dương khác. Nhưng có lẽ Trung Quốc đã quá chủ quan, tranh đoạt chủ quyền với tất cả các nước trong khối ASEAN như Việt Nam, Philippines, Malaisia, Brunei cũng không phải là chuyện dễ dàng.
-         Chú thấy nhân tố Mỹ ở Biển Đông như thế nào?
-         Với Mỹ, Biển Đông đã trở thành mục tiêu chiến lược từ cuối thế kỉ 19. Nếu chú nhớ không lầm thì năm 1898 Mỹ đã thế chân Tây Ban Nha chiếm Philippines, đánh dấu bước ngoặt lớn trong chiến lược ở Tây Thái Bình Dương và Vịnh Manila đã trở thành ao nhà của Mỹ. Trong chiến tranh lạnh, ở vịnh Subic và vịnh Cam Ranh, hải quân Mỹ đã hỗ trợ đắc lực cho chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Yêu sách phi lí và cách hành xử thô bạo mấy năm trở lại đây trên biển Đông của Trung Quốc làm tất cả các nước Đông Nam Á lo lắng, và đang thách thức lợi ích chiến lược của Mỹ. Đó là chưa kể đến Biển Đông là tuyến đường huyết mạch của các đồng minh Mỹ ở Đông Bắc Á. Giá trị thương mại song phương của Mỹ ở khu vực này lên tới 1200 tỉ đô la. Hơn nữa trọng tâm phát triển kinh tế thế giới sẽ dịch chuyển về Đông Á. Vậy thì tại sao Mỹ lại nhường Biển Đông cho Trung Quốc. Họ đang xiết chặt vòng kim cô quanh Trung Quốc. Chính Trung Quốc đã khiến Mỹ quay trở lại châu Á và can dự tích cực vào Biển Đông. Và hiện tại, người Mỹ đã nhiều lần phản đối hành động khiêu khích đưa giàn khoan Hải Dương Trung Quốc vào thềm lục địa Việt Nam. Không phải hoàn toàn vì quyền lợi của Việt Nam mà vì quyền lợi của Mỹ.
-         Không chỉ có ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Australia, nhiều nước khác cũng có lợi ích trên Biển Đông.
-         Chính xác. Chú cho rằng vận mệnh của Nhật bản gắn liền với Biển Đông. Sự an toàn của dòng hàng hóa vận chuyển qua biển Đông đối với Nhật còn quan trọng hơn cả Mỹ. Khu vực này còn là nơi có khả năng cung cấp một nguồn tài nguyên phong phú bổ sung cho sự phát triển của kinh tế Nhật. Sự gia tăng sức mạnh kinh tế và quân sự cùng với những hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông và Biển Đông càng làm gia tăng sức ép địa chính trị, kinh tế đối với Nhật. Trong bối cảnh ASEAN, nhất là Philippines và Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm đối tác để củng cố yêu sách chủ quyền của mình, Nhật đã tăng cường can dự vào Biển Đông để duy trì ảnh hưởng vốn có của họ tại khu vực Đông Nam Á, và tạo thế tốt hơn trong tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku với Trung Quốc. Có thể nói Nhật đã làm rất nhiều việc đối với ASEAN và đối với từng nước trong ASEAN. Nhật cũng hưởng ứng mạnh mẽ quan điểm giải quyết vấn đề lãnh hải trên Biển Đông theo Luật Biển Quốc tế UNCLOS năm 1982, phản đối việc đặt giàn khoan giàn khoan Hải Dương cùng với việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Nhật đang đi đầu trong việc thành thành lập một liên minh cùng đối phó với tham vọng của Trung Quốc. Tương tự như vậy, mối quan tâm của Ấn Độ đối với Biển Đông cũng gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, không chỉ bắt nguồn từ quan hệ truyền thống từ hàng ngàn năm trước, mà do nhu cầu mở rộng không gian hợp tác kinh tế và an ninh với các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Mỹ, Nhật, Australia để giảm áp lực cạnh tranh với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và Nam Á. Hơn nữa, tuyến đường biển Đông chiếm gần 50% hoạt động thương mại của Ấn Độ. Chính sách Hướng Đông của nước này nhằm khẳng định vị thế cường quốc ở châu Á, được tất cả các nước ASEAN chào đón với hy vọng mang lại lợi ích to lớn cho cả hai bên. Trên thực tế, Ấn độ đang hợp tác rất chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực thăm dò dầu khí ở biển Đông cũng như hợp tác về quốc phòng. Thế thì tại sao họ lại vì Trung Quốc mà bỏ khu vực này. Còn một ông lớn nữa chú cho rằng không thể bỏ qua, đó là nước Nga, một cường quốc nằm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nên họ không thể bỏ qua lợi ích ở Biển Đông. Ngoài lợi ích thông thương hàng hải như các nước khác, nước Nga còn có quan hệ hữu nghị truyền thống và lợi ích hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, nước có vùng đặc quyền kinh tế lớn ở biển Đông mà Nga đã đầu tư, thăm dò và đang khai thác dầu khí ở Biển Đông. Hơn nữa với tư cách là một nước lớn, đang trên đường phục hồi vị thế vốn có của họ, nước Nga khó có thể bỏ qua lợi ích chiến lược mang tính toàn cầu. Biển Đông chắc chắn nằm trong chiến lược của họ. Không phải ngẫu nhiên họ tuyên bố sẵn sàng tham gia hiện đại hóa cảng Cam Ranh thành trung tâm dịch vụ hải quân quốc tế, bán vũ khí tàu ngầm hiện đại, máy bay chiến đấu Su 30, tên lửa hành trình Bastion cho Việt Nam, Malaisia, Indonesia, những nước có tranh chấp chủ quyền biển Đông với Trung Quốc. Cháu có cho rằng Nga bỏ biển Đông để cho Trung Quốc độc chiếm? Lợi ích của Nga trong tương lai là không nhỏ. Chắc chắn họ sẽ không bỏ. Đó là chưa kể đến Australia và đặc biệt là khối ASEAN, họ muốn để Trung Quốc biến Biển Đông thành cái ao nhà ư? Không, không đâu.
-         Như vậy là chú cho rằng với tầm quan trọng của Biển Đông, nếu xảy ra sự đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam thì đây không chỉ đơn thuần là sự đối đầu giữa Trung Quốc với Việt Nam mà là sự đối đầu giữa Trung Quốc với một liên minh nhiều quốc gia khác.
-         Chính xác. Chỉ có điều Việt Nam phải tham gia vào liên minh này.
-         Thế có nghĩa là phải trở thành một người lính xung kích? Theo cháu thì Việt Nam sẽ tranh thủ sự đồng thuận của các quốc gia có chung lợi ích nếu chủ quyền bị đe dọa, nhưng tham gia liên mình thì chưa chắc, vì Việt Nam luôn luôn chủ trương “độc lập, tự chủ”, “đa phương hóa, đa dạng hóa” trong quan hệ đối ngoại.
-         Nhưng nếu “Lịch sử chọn ta làm điểm tựa” và bắt buộc ta phải lựa chọn giống như thời chống Mỹ, bắt buộc ta phải liên minh với phe xã hội chủ nghĩa là gì.
-         Cháu nghĩ cả Việt Nam và Trung quốc đều không muốn lựa chọn phương án này.
-         Hy vọng như vậy. Hy vọng những cái đầu nóng ở Bắc Kinh nên tỉnh táo. Nếu không, biển Đông với giấc mơ phục hưng Đế chế Trung Hoa sẽ trở thành cơn ác mộng của người Trung Hoa…
Đêm đã về khua. Cả ông chú lẫn tôi đều không muốn tiếp tục đề tài này nữa. Tôi biết ông chưa ngủ. Và tôi cũng không thể ngủ được vì những điều ông đưa ra bàn luận. Ông nói với tôi trong suốt chiều dài lịch sử, người Việt đã bị Trung Quốc xâm lược 20 lần. Cụ thể nhà Ân một lần. Nhà Tần một lần. Nhà Hán 4 lần. Nhà Lương 3 lần. Nhà Tống 2 lần. Nhà Minh một lần. Nhà Thanh một lần. “Trung Cộng”4 lần. Ông tính cả một lần vào năm 1956, chớp lấy cơ hội Pháp rút khỏi Việt Nam, bàn giao phần lãnh thổ phía nam cho chính quyền Miền Nam Việt Nam, Trung quốc đã chiếm toàn bộ phía đông quần đảo Hoàng Sa. Tần xuất xâm lược Việt Nam là 150 năm một lần. Riêng từ khi xuất hiện Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thì tần xuất gấp 10 lần so với các thời kì phong kiến Trung Quốc. Cái giấc mộng Thiên triều đang khiến Trung Nam Hải như kẻ mộng du trượt dài những bước phiêu lưu mới với Việt Nam và khu vực biển Đông.
Tôi không nghĩ giống ông chú. Mặc dầu ông là dân chuyên về Đông Nam Á, đồng thời cũng là chuyên gia giảng dạy về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở Đông Á tại một trường đại học tư thục trong thành phố Los. Ông có kiến thức sâu hơn tôi về lĩnh vực này. Nhưng chẳng lẽ Trung Quốc sẽ phát động chiến tranh với Việt Nam một lần nữa? Chẳng lẽ họ muốn biến mình thành một cường quốc đơn độc duy nhất trên hành tinh này. Những toan tính về địa chính trị, địa kinh tế của các cường quốc từ xưa đến nay đều bị lịch sử chôn vùi theo thời gian. Chẳng lẽ họ không hiểu người Ý đã không thể làm sống lại được Đế chế La Mã; không hiểu Đế chế Ôttoman đã từng nuốt biển Địa Trung Hải và những bài học đắng cay sau đó của họ. Từ sau Chiến tranh thế giới lần 1, thực dân Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, Mỹ cũng dần dần phải từ bỏ hệ thống thuộc địa, không thể giữ nổi một vùng đất xâm chiếm vốn không phải của mình. Huống chi Trung Quốc bây giờ vẫn chỉ là một quốc gia đang phát triển, lại đắm chìm trong cái giấc mộng của thời kì phong kiến xa xưa. Tôi nghĩ Bắc Kinh chưa đủ tầm. Như ông chú tôi nói, họ đúng là kẻ mộng du dân tộc chủ nghĩa, cái tư tưởng đã dẫn đến chủ nghĩa Phát xít. Điều tôi lo ngại không phải là Trung Quốc bành trướng xâm lược. Điều mà tôi lo ngại nhất là họ tìm mọi cách để đạt được thỏa thuận chia sẻ lợi ích với cường quốc khác, giống như Tập nhiều lần nói “ Thái Bình Dương đủ rộng cho cả Mỹ và Trung Quôc” hoặc cái điều đã từng xảy ra với Việt Nam và các quốc gia nhỏ trong suốt thời kì chiến tranh lạnh.


Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.