Thăm Berkeley

Leave a Comment

 Thăm Berkeley

Bang California (Cali) là bang đông dân nhất (trên 39,5 triệu người), có GDP lớn nhất (3,4 nghìn tỉ USD) trong số 50 bang của Hoa Kỳ. Nếu xếp riêng Cali như một quốc gia thì bang này đứng vào hàng thứ 6 trong số các quốc gia có GDP tính theo đầu người giàu có nhất thế giới. Với người Mỹ, Cali gắn liền với biểu tượng văn hóa, kinh đô điện ảnh Hollywood và tổ hợp vui chơi giải trí nổi tiếng nhất thế giới Walt Disney ở thành phố Los Angeles. Nói đến Cali người Mỹ cũng thường nói tới Thung lũng Silicon, nơi hội tụ hàng trăm công ty và tập đoàn công nghệ cao, được ví như bộ não của nhân loại, nơi đề ra những giải pháp khoa học, công nghệ, kỹ thuật mang tính toàn cầu (xin xem bài viết “Đôi điều về Thung lũng Silicon” ở trong trang Facebook này). Nói đến Cali người ta cũng thường nói tới một bang có trên 300 trường đại học và cao đẳng, trong đó có 4 trường đại học được xếp trong top 10 trường đại học danh tiếng nhất thế giới và hai hệ thống đại học: Hệ thống đại học California (UC) và Hệ thống Đại học bang California (USC), hai hệ thống đại học với 43 cơ sở trải khắp bang được xếp hạng tốt nhất thế giới (xin xem bài viết “Thăm Trường Đại học Stanford” cũng trong trang Facebook này).
Trong bài viết này tôi xin giới thiệu với các bạn, anh em đồng nghiệp về Trường Đại học Berkeley, một trường đại học danh giá nằm trong hệ thống đại học California. Tôi đã đến thăm ngôi trường đại học này cách đây ba năm và tiếp tục đến thăm trong chuyến đi này.
Trường Đại học California, Berkeley (University of California, Berkeley) là trường đại học công lập có uy tín, tọa lạc tại khu vực phía đông vịnh San Francisco thuộc thành phố Berkeley, bang California, một trong những thành phố tự do nhất của Hoa Kỳ. Berkeley được thành lập năm 1868, có khuôn viên lâu đời nhất trong hệ thống Đại học California, thường được gọi tắt là UC Berkeley hay Berkeley.
Theo cá nhân tôi, Trường Đại học Berkeley là một trong những trường đại học đẹp nhất của Mỹ. Nếu khách thăm theo tour, từ trên những ngọn đồi với những building, những phòng thí nghiệm ở độ cao nhất của Đại học Berkeley nhìn xuống, chiều rộng khoảng gần 2km với 453 tòa nhà nhấp nhô mang rất nhiều phong cách kiến trúc, như ẩn hiện trong cánh rừng trải dài gần 3km xuống bờ biển Thái Bình Dương xanh ngắt. Đúng là một công trình kiến trúc hoàn mỹ.
Theo Wikipedia, Berkeley có gần 2000 cán bộ, giáo viên và nhân viên, xấp xỉ 31.000 sinh viên đại học, hơn 11.500 sinh viên sau đại học. Trường được các tổ chức xếp hạng có uy tín của Mỹ và thế giới nhiều năm xếp hạng đứng thứ 5 trong số 6 trường đại học danh giá nhất thế giới trong bảng xếp hạng toàn cầu. Một minh chứng làm nên danh tiếng của nhà trường, từ khi thành lập đến nay, các giảng viên, cựu sinh viên và nghiên cứu sinh của nhà trường đã giành được 107 giải thưởng Nobel, 14 giải thưởng Field, 19 giải Pulitzer và rất nhiều các loại giải thưởng danh giá khác.
Trong quá trình phát triển, Berkeley đã có rất nhiều đóng góp trong lĩnh vực vật lý, hóa học, sinh học. Chẳng hạn như phát hiện về bản chất tia laser, khám phá ra mối liên quan giữa sự giãn nở của vũ trụ và vật chất tối, phát hiện ra 17 nguyên tố hóa học (trong số đó có Plutonium), giải thích nguyên lý quang hợp, xây dựng công nghệ chỉnh sửa gien, điều trị ung thư… Đặc biệt nhà trường đã xây dựng một số phòng thí nghiệm vật lý nổi tiếng từ những năm 40 của thế kỷ trước, đi tiên phong trong vật lý hạt nhân, tham gia nhóm khoa học phát triển dự án Manhattan chế tạo bom nguyên tử và bom khinh khí của Mỹ trong và sau chiến tranh thế giới thứ 2. Và hiện nay nhà trường đang nghiên cứu về những giải pháp khoa học, công nghệ đột phá trong nhiều lĩnh vực. Berkerley trong mấy thập niên gần đây còn tự hào là nơi khai sinh ra những tập đoàn công nghệ khổng lồ nghìn tỷ đô như Apple, Intel, Tesla…
Berkerley không chỉ đạt được nhiều thành tựu trong khoa học mà còn là cái nôi của nhiều giải thưởng văn học, âm nhạc, nhất là về thể thao. Các sinh viên của nhà trường đã đạt nhiều danh hiệu quốc gia trong các môn thể thao như bóng bầu dục, bóng rổ nam, bóng chày, bóng nước… Sinh viên của trường đã giành được 207 huy chương vàng, bạc, đồng trong các kỳ thế vận hội Olympic diễn ra gần đây.
Chúng tôi ở lại trong trường trọn một ngày. Thăm, khám phá các phòng truyền thống, những phòng thí nghiệm, giảng đường, thư viện, con đường với dãy tượng của các giáo sư, các nhà khoa học, cựu sinh viên của trường đạt các giải thưởng lớn. Đặc biệt con đường này còn để một khoảng trống dài hàng trăm m để chờ đợi các giáo sư, nhà khoa học, sinh viên được nhận các giải danh giá trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội và con người sẽ tiếp tục vinh danh trong tương lai vào một ngày nào đó.
Thăm Trường Đại học Berkerley và những trường đại học hàng đầu của Mỹ, tận mắt thấy những điều mà người ta không thể nghĩ đến và tưởng tượng nổi. Một trường mà có tới 107 giải thưởng Nobel, 14 giải Field… Ấy vậy mà trường Berkerley cũng không thể so sánh được với Trường Đại học Stanford, ngôi trường luôn đứng thứ nhất thứ nhì trong bảng xếp loại toàn cầu cách đó không xa. Chính hai trường đại học này, cùng với hệ thống đại học Canifornia và hệ thống đại học bang California đã đóng góp một lực lượng lao động hùng hậu cho sự phát triển của Thung lũng Silicon, đóng góp một nguồn ngân sách khổng lồ vào GDP 3,4 nghìn tỷ của bang.
Trên đường ra về tôi đưa ra câu hỏi với các con vì sao Berkeley lại đạt được nhiều thành tựu đến như vậy. Cô con gái đầu cho tôi biết, một trong những nguyên nhân để Berkeley cũng như các trường đại học nghiên cứu của Hoa Kỳ đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu là nhờ vào sự nỗ lực của bản thân cá nhân những nhà khoa học, các giáo sư xuất sắc trong các trường đại học. Đặc biệt là nhờ vào nguồn ngân sách dồi dào nuôi dưỡng cho nghiên cứu khoa học. Nguồn ngân sách này phụ thuộc vào nhiều nhân tố bên trong và bên ngoài nhà trương. Ở mỗi giai đoạn phát triển, mỗi nhân tố đóng một vai trò quan trọng riêng. Đi sâu nghiên cứu thì có rất nhiều điều đáng phải bàn. Chỉ biết rằng ngân sách nghiên cứu ở các trường đại học rất lớn, từ nhiều nguồn trong xã hội mang tính đặc thù của Hoa Kỳ: Nguồn thứ nhất là sự ủng hộ hào phóng của các nhà hảo tâm và các quỹ tài trợ nghiên cứu cho nghiên cứu khoa học (năm cao nhất lên đến 2,6 tỷ đô la). Thứ hai là nguồn tài chính của ngành công nghiệp phát triển dành cho nghiên cứu ở trường đại học với tư cách là đối tác và hợp tác cùng nghiên cứu, cũng như ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ (năm cao nhất lên đến hàng chục tỷ đô). Thứ ba là nguồn ngân sách to lớn của nhà nước liên bang dành cho nghiên cứu khoa học ở đại học Mỹ (năm cao nhất lên tới 36 tỷ đô la). Cuối cùng là ngân sách kinh phí của bang và chính quyền địa phương dành cho nghiên cứu ở đại học. Từ các nguồn ngân sách trên, có thể nói không một quốc gia nào trên thế giới có được ưu thế như các trưởng đại học nghiên cứu của Hoa Kỳ. Cộng thêm vào đó là chính sách thu hút ưu đãi đội ngũ trí thức khiến Hoa Kỳ như một thỏi nam châm thu hút nhân tài. Đó cũng chính là lý do giải thích vì sao hầu hết những phát minh quan trọng, những phát minh đột phá về khoa học, công nghệ, kỹ thuật đều bắt nguồn từ Hoa Kỳ. Và Berkeley chỉ là một trong những ví dụ điển hình về giá trị hàng đầu của các trường đại học ở xứ cờ hoa này.
Read More

Cảm nghĩ về một chuyến bay

Leave a Comment

 Cảm nghĩ về một chuyến bay

Trước hôm xuất cảnh sang Mỹ phải xét nghiệm vi-rút COVID-19. Đây là điều bắt buộc đối với tất cả hành khách từ hai tuổi trở lên nếu đi bằng phương tiện đường hàng không. Hành khách phải kiểm tra chuỗi phân tử phản ứng polymerase (PCR) sau 6 đến 8 tiếng mới có kết quả. Theo quy định, giấy chứng nhận song ngữ chỉ có giá trị trong 24 giờ. Thật quá gấp gáp khi 3 giờ chiều tôi phải lên máy bay vào thành phố Hồ Chí Minh. Thế là 10 giờ đêm trước ngày bay phải đi đến bệnh viện cách xa nhà gần chục km xét nghiệm.
Sáng sớm hôm khởi hành dậy sớm đến bệnh viện lấy kết quả xét nghiệm. Thật sốc vì bộ phận văn phòng bệnh viện không in được kết quả do lỗi phần mềm. Chờ đợi hơn một tiếng bộ phận IT của bệnh viện vẫn không xử lý được. Khách ùn ùn tập trung ở phòng lấy kết quả. Không chỉ có người Việt, còn có cả người Hàn, người Nhật, người Trung Quốc… Tất cả đều bức xúc, ngao ngán. Một số người to tiếng vì đã đến giờ họ phải ra sân bay.
Ba nhân viên của bệnh viện nháo nhào, ra sức thanh minh. Và cuối cùng phải dừng việc xét nghiệm. Nếu người nào đó muốn xét nghiệm, bệnh viện không đảm bảo có kết quả nếu vẫn lỗi hệ thống phần mềm. Một số người phải bỏ đi đến bệnh viện khác. Riêng tôi thì chịu chết. Không thể nhờ ai giúp đỡ được. Vì nếu có đến bệnh viện nào đó thì cũng quá giờ bay mới có kết quả. Vé máy bay thì không thể thay đổi được nữa. Chắc bệnh viện họ cũng không chịu trách nhiệm hoàn trả vì lý do bất khả kháng. Nhưng điều quan trọng hơn là nếu lui lại, tôi không thể đi thăm các cháu trong năm nay.
Mọi người đã ra về hết. Chỉ còn lại một mình tôi chờ đợi trong tâm trạng tuyệt vọng. Buồn hơn, cũng trong buổi sáng nay, anh em cựu chiến binh Trung đoàn 3 của tôi cũng khởi hành chuyến đi thăm lại chiến trường xưa. Anh em đồng đội trước đó vẫn mong muốn tôi tham dự và tôi cũng rất muốn đi cùng. Việc không có giấy xác nhận của bệnh viện khiến tôi lâm vào tình cảnh “xôi hỏng, bỏng không”.
May đến 8 giờ máy in bệnh viện chạy. Tôi là người đầu tiên lấy được giấy xét nghiệm. Vội vã trở về nhà, chuẩn bị thêm một só thứ cần thiết, ăn cơm và ra sân bay. Không chỉ giấy xét nghiệm mà còn phải có giấy xác nhận đã tiêm ít nhất đủ hai mũi COVID. Thật may tôi đã tiêm 3 mũi, lại xin được giấy xác nhận của cơ sở y tế. Nếu không thì cũng không chắc qua được cửa sân bay.
Các cháu nhà tôi đã mua vé bay thẳng từ thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố San Francisco, không quá cảnh qua Hàn, Nhật hay ở Trung Quốc như những lần trước mặc dù giá vé quá cảnh qua những nước đó rẻ gần một nửa; các cháu sợ rằng quá cảnh ở 3 nước trên vài tiếng nếu dính dịch thì quá nguy hiểm.
Đúng là là một ngày không may mắn. Máy bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất chậm gần một tiếng vì thời tiết xấu không hạ cánh được do mưa dông có sét. Tôi phải vừa đi vừa chạy từ cảng nội địa đến cảng quốc tế. Vội vã làm xong bao thủ tục phiền phức từ hộ chiếu, vé đến cởi giày, thắt lưng, khám xét… Vậy mà qua cửa máy vẫn phát ra tiếng kêu. Cán bộ hải quan gắt lên với tôi. Thì ra còn chiếc bút máy cài trên túi áo ngực chưa bỏ ra…
Chưa hết, qua cảng hàng không quốc tế, hành khách chúng tôi phải đứng ở dưới mái tôn nóng hầm hập đến hơn 10 phút mới có ô tô đến đón ra máy bay. Mồ hôi thấm đẫm áo trong áo ngoài. Tôi nhiều lần bay ra nước ngoài trong hơn chục năm qua, nhưng chưa bao giờ tôi thấy cập rập, vất vả và ức chế như lần này. Thật thất vọng về chuyến bay thẳng mà tôi đã từng mong mỏi trong bao nhiêu năm nay.
Ngồi trên máy bay, bao nỗi bực dọc chợt tan biến khi tôi lướt qua dòng thời sự quốc tế về chiến tranh Nga-Ucraina và dịch bệnh COVID ở Trung Quốc, Triều Tiên trên màn hình ipad. Những điều khó chịu trong ngày của tôi chẳng có nghĩa lý gì, chẳng thấm tháp gì so với nỗi đau khổ, mất mát và tuyệt vọng mà hàng chục triệu con người trên thế giới đang phải chịu. Quả thật cái tâm chấp trước của cá nhân còn quá lớn.
Tôi nhớ sau năm 1991, khi học một chuyên đề với các giáo sư quan hệ quốc tế trong ngoài nước về hệ thống quan hệ quốc tế đơn cực, một thế giới bước vào thời kỳ toàn cầu hóa mới. Các thầy đều cho rằng hòa bình là dòng chảy chính của thời đại. Vậy mà đã xảy ra gần 40 cuộc chiến tranh kể từ đó đến nay. Và trong những ngày này một cuộc chiến trên quy mô toàn cầu vẫn đang treo lơ lửng ở cái khu vực văn minh đã từng diễn ra hai cuộc thế chiến cướp đi cuộc sống của hàng trăm triệu con người, khi mà dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc. 6,27 triệu người đã chết vì vi-rút. Đúng là một thế giới đầy biến động, không ai có thể biết ngày mai còn xảy ra cái gì nữa. Và cá nhân mỗi người chỉ là một hạt bụi trong cõi trần gian. Phải biết chấp nhận tất cả.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.