Thăm lại Quân đoàn 2

Leave a Comment
Hôm qua tôi cùng đoàn đại biểu đại diện các cựu chiến binh khu vực Hà Nội do Thiếu tướng Lê Huy Mai làm trưởng đoàn đến thăm Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 nhân kỷ niệm 45 năm ngày Bộ Quốc phòng quyết định ký thành lập quân đoàn ngày 17/5/1974. Thiếu tướng Nguyễn Huy Cảnh, Tư lệnh Quân đoàn cùng nhiều cán bộ sỹ quan đã tiếp đón chúng tôi như những người đi xa trở về nhà.
Đoàn chúng tôi bùi ngùi xúc động đến viếng vong linh các anh hùng liệt sỹ quân đoàn đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sư đoàn 324 của chúng tôi có tới 13 ngàn liệt sỹ đã nằm xuống, Sư đoàn 325 có tới 14 ngàn chiến sỹ. Sư đoàn 304 còn hơn số lượng như vậy... Tất cả đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Chúng tôi cũng bùi ngùi xúc động thăm bảo tàng quân đoàn. Nhiều kỷ vật của các sư đoàn, đặc biệt là của Sư đoàn 324 khiến bao kỷ niệm ùa về trong mỗi chúng tôi...
Tiếp theo, đoàn chúng tôi được nghe quân đoàn báo cáo về những nhiệm vụ, công việc quân đoàn đã hoàn thành trong thời gian qua. Tôi hoàn toàn bất ngờ trước việc quân đoàn thực binh diễn tập tác chiến trong không gian mạng, tác chiến trong môi trường áp chế điện tử. Vấn đề này rất mới đối với thế hệ chúng tôi.
Qua tìm hiểu, phân tích về tính chất của những cuộc chiến tranh trong thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy vai trò ngày càng tăng của một lĩnh vực mới, lĩnh vực thông tin. Chúng tôi hiểu các cuộc chiến tranh trong tương lai sẽ là xu hướng chuyển các hoạt động tác chiến vào không gian mạng. Công nghệ thông tin, trong đó có trí tuệ nhân tạo đang trở thành một loại vũ khí có nhiều triển vọng phát triển. Đây là lĩnh vực không có đường biên giới quốc gia. Các thế lực thù địch có khả năng điều khiển bí mật từ xa, không chỉ nhằm vào cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng trong quân sự mà còn tác động lên cả khối dân sự, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Chính vì thế việc nghiên cứu, chuẩn bị tiến hành diễn tập các hoạt động tác chiến thông tin là rất quan trọng.
Thế hệ chúng tôi đã trở thành quá khứ. Nhưng thăm Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, tiếp xúc và trao đổi với các cán bộ chiến sỹ trong quân đoàn, thăm cán bộ chiến sỹ và cơ sở vật chất Sư đoàn 325, từ nơi ăn chốn ở đến các bài tập chiến đấu của binh sỹ ở các địa hình, các địa bàn chiến lược, chúng tôi đều thầm cảm phục và hoàn toàn yên tâm về các em.
Họ vẫn ghi nhớ những trận đánh, những chiến dịch của quân đoàn. Họ vẫn nhớ những bài học của quân đoàn, của các sư đoàn và đặc biệt họ có những cái mà thế hệ chúng tôi không có. Chúng tôi tin rằng nếu chiến tranh xảy ra, họ sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.
Read More

Đôi điều tổng quan về giáo dục mầm non Mỹ

Leave a Comment
Khác với Việt Nam, ở Mỹ không có chương trình giáo dục mầm non công cộng. Chỉ có hệ thống giáo dục mầm non tư thục, vận hành theo quy luật cung cầu của cơ chế thị trường. Các gia đình có con em từ 1 đến 5 tuổi phải tự tìm trường và hoàn toàn chi trả học phí. Có loại hình trường phụ huynh phải chi trả từ 8 đến 9 nghìn đô một năm, có loại từ 10 đến 12 ngàn đô một năm, có loại từ 12 đến 15 ngàn đô một năm.
Tuy không có hệ thống giáo dục mầm non công cộng, nhưng các loại hình trường mầm non tư thục Mỹ cạnh tranh nhau phát triển rất đa dạng. Tôi lấy ra một vài ví dụ như hệ thống trường Primrose. Hệ thống trường này bao gồm nhiều trường ở tiểu bang Colorado, có cùng triết lý dạy-học, do một hội đồng quản trị điều hành. Triết lý đó là học tập cân bằng (balanced learning). Tôi sẽ có một bài viết riêng về hệ thống trường này trong tuần tới. 
Hệ thống thứ hai là hệ thống trường Montessori. Hệ thống trường này này không chỉ phát triển ở tất cả các tiểu bang của Mỹ mà còn phát triển tới trên 10.000 trường ở gần 40 quốc gia . Phương pháp giáo dục của Tiến sỹ Montessori có thể gây ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống giáo dục trên thế giới. Những quan điểm của bà mang tính chất cách mạng về trẻ em. Bà cho rằng từ khi trẻ sinh ra, chúng đã có một sức sống bên trong và cùng với thời gian sức sống nội tại đó nó không ngừng phát triển. Nhiệm vụ của giáo dục là giúp trẻ phát huy, phát triển được cái sức sống bên trong một cách tự nhiên và tự do theo những quy luật nhất định. Tôi cũng sẽ có bài viết riêng về loại hình trường này trong tuần tới nữa.
Hệ thống trường thứ ba là hệ thống trường Waldorf. Loại hình trường này bắt nguồn từ tiểu bang California. Nó chú trọng cho học sinh hoạt động ngoài trời, hòa vào thiên nhiên. Trẻ bắt đầu học từ 9h sáng. Buổi học kéo dài 4h, bất kể ngày nắng hay ngày mưa trong vườn bách thảo ở một khu vực, hay ở một trường đại học, một khu bảo tồn, vườn thú, bảo tàng… Trẻ quan sát đất trời, lắng nghe chim hót, đùa chơi với thú vật, đào bới đất cát, học chữ bằng que củi, gạch đá. Trẻ được hát hò, chạy nhảy, chơi đùa tự do, chơi đùa có hướng dẫn. Trẻ ăn uống dưới tán cây, bên dòng suối. Qua đó giáo viên hướng dẫn trẻ học hành thú vị như một hành trình khám phá tự nhiên và xã hội. 
Có tới hàng chục loại trường hình như kể trên. Đó là chưa kể tới hàng trăm đề tài đặc biệt nhằm phát triển sớm trí tuệ, tình cảm của trẻ ngay từ khi chungd còn chưa chào đời ở các trường đại học giáo dục. Theo các nhà nghiên cứu giáo dục quốc tế, Mỹ thuộc nhóm dẫn đầu chất lượng giáo dục mầm sớm ở trên thế giới. Điều này được thể hiện không chỉ ở số lượng các công trình thực nghiệm nghiên cứu đặc điểm tâm sinh lý, tính cách, thế giới quan, não bộ, ngôn ngữ của trẻ em ở hàng trăm trường đại học, học viện giáo dục mà còn thể hiện ở số lượng rất nhiều các loại hình trường với những triết lý khác nhau và đặc biệt là qua kiểm định về chất lượng phát triển thể chất, trí tuệ, tình cảm ở trẻ em.
Khi được hỏi về sự thành công, người Mỹ thường nói: "All I really need to know, I learned in kindergarten". Tạm dịch là tất cả những điều tôi cần biết tôi đã được học ở trường mẫu giáo. Nói như vậy để thấy được người Mỹ rất coi trọng giáo dục từ giai đoạn đầu trong cuộc đời mỗi người. Cũng chính vì vậy xã hội Mỹ đặt ra tiêu chuẩn trường mầm non rất khắt khe. 
Tiêu chuẩn bắt đầu từ việc cấp giấy phép hoạt động. Người Mỹ coi trọng việc thành lập một trường mầm non vì đây là nơi học tập và vui chơi đầu tiên của cá nhân mỗi đứa trẻ. Các nhà trẻ, trường mầm non nếu không có giấy phép sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí có thể bị quy vào hành vi vi phạm luật hình sự. Về việc cấp giấy phép hành nghề giáo viên (kể cả công việc cắt tóc, cắt cỏ, làm nail cũng phải có chứng chỉ hành nghề), tất cả các tiểu bang Mỹ đều đòi hỏi giáo viên mầm non phải có trình độ đại học, giấy chứng nhận tư cách và kiểm tra lý lịch. Một ố tiểu bang còn có những yêu cầu nghiêm ngặt hơn. Họ đòi hỏi giáo viên mầm non phải có bằng thạc sĩ trở lên. Đương nhiên hiệu trưởng nhà trường ít nhất phải là tiến sỹ. Họ xem giáo viên mầm non không chỉ là những người trông trẻ theo tiêu chuẩn mà còn là người biết hướng dẫn, dạy trẻ từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống để hình thành kỹ năng sống và nhân cách cho trẻ.
Họ cho rằng trẻ hàng ngày đi học tiếp xúc với cô giáo, nên mọi cử chỉ, hành động, lời nói của cô sẽ in đậm trong tâm trí tuổi thơ. Vì thế cô giáo mầm non phải là một hình mẫu để trẻ học theo. Mọi hành vi nóng nảy, to tiếng hay quát mắng của giáo viên sẽ bị các em bắt chước, lặp lại với bạn bè, người thân. Vì thế giáo viên mầm non luôn được tập huấn để được cấp chứng chỉ bổ sung giáo viên mầm non chuẩn.
Các giáo viên mầm non ở Mỹ còn được yêu cầu không nghiêm khắc với trẻ em; Hoàn toàn tôn trọng cá tính của các em; Phải yêu quý trẻ em thực sự và tình yêu ấy xuất phát từ tấm lòng; Phải biết biểu đạt tình cảm của mình một cách tự nhiên và chân thành nhất. Thế nên, những ai đã chọn theo nghề giáo dục, nhất là giáo viên mầm non trước tiên là phải yêu trẻ và sau nữa là nhà tâm lý, luôn biết tìm tòi sáng tạo trong công việc, sẵn sàng áp dụng những phương pháp giáo dục tiên tiến và nhân văn nhất.
Một điểm đặc biệt đáng chú ý ở giáo dục mầm non Mỹ là tôn trọng sự tự do. Tự do của cả giáo viên lẫn học sinh. Giáo viên không bị áp đặt theo một khuôn mẫu nào. Còn học sinh có thể tự do lựa chọn ngồi trên ghế, bàn hoặc ngồi dưới sàn, thậm chí tự do di chuyển trong lớp khi cô đang giảng bài mà không bị nhắc nhở. Đặc biệt học sinh được khuyến khích tự do thể hiện bản thân mình.
Ở trường học mầm non Mỹ tất nhiên là có hình phạt, biện pháp phạt chính mà họ sử dụng là bắt trẻ đứng một chỗ, ở một khu vực nhất định, không cho phép trẻ đi ra khỏi khu vực. Hình phạt tách trẻ ra một mình vừa làm trẻ bình tĩnh trở lại vừa khiến chúng muốn được quay trở lại với các bạn nên chúng phải kiềm chế bản thân mà chỉnh sửa, xem xét hành vi cá nhân cho phù hợp với yêu cầu.
Trong quan niệm của người Mỹ, mỗi một con người ngay từ khi ra đời đã là một cá thể độc lập, có cá tính và những mong muốn độc lập của mình. Bất kể bố mẹ hay thầy cô giáo đều không nên áp đặt đặc quyền của mình để chi phối và hạn chế hành vi của chúng. Thực tế trong cuộc sống ở Mỹ, không ai, kể cả bố mẹ hay thầy cô có thể thay thế chúng trong những lựa chọn và quyết định dù là nhỏ nhất. Vì vậy, khoảng thời gian bị đứng một chỗ cũng là lúc trẻ sẽ nghĩ lại chúng đã làm gì sai và đây chính là hậu quả mà chúng phải chịu trách nhiệm với hành động sai trái của mình.
Trường mầm non dạy gì? Trẻ em Mỹ học gì? 
Giáo dục mầm non ở Mỹ rất linh hoạt. Họ cho trẻ nhỏ tiếp xúc, làm quen với các môn học như đọc, viết, toán học, khoa học, âm nhạc, hội họa, hoạt động thể chất ngay từ nhỏ. Họ rất coi trọng khả năng đọc sách độc lập của trẻ em dù trẻ chưa biết chữ. Ở các trường mầm non đều có rất nhiều sách dành cho độ từng độ tuổi. Giáo viên sẽ dạy trẻ đánh vần những từ đơn giản, dạy chúng đọc những quyển truyện tranh về khoa học, đời sống, kỹ thuật và nghệ thuật, bồi dưỡng cho trẻ những kiến thức sơ đẳng, phổ thông, cũng như học thói quen an toàn, khỏe mạnh, vệ sinh.
Nhà trường mầm non Mỹ rất chú trọng việc giúp trẻ tự tin, tự lập. Có thể nói tinh thần độc lập, tự lực cánh sinh của người Mỹ bắt đầu ngay từ khi đặt chân đến trường. Vì thế, ngay từ khi trẻ một tuổi rưỡi, họ đã bắt đầu dạy cho trẻ các kỹ năng tự phục vụ bản thân. Họ cho rằng, nắm bắt các kỹ năng tự phục vụ có thể giúp trẻ tăng cường tính độc lập.
Bất cứ sự chăm sóc nào từ phía giáo viên cũng phải tạo cho trẻ những cơ hội để rèn luyện các kỹ năng tự phục vụ. Đồng thời, họ cũng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của gia đình để giúp các kỹ năng mà trẻ được dạy ở lớp được rèn luyện và thực hành tại nhà. Các kỹ năng tự phục vụ của trẻ bao gồm: Buộc dây giày, mặc quần áo, cài cúc áo, kéo phéc-mơ-tuya, rửa mặt, đánh răng, chải đầu, ăn cơm, rửa bát, sắp xếp đồ đạc, sách vở ngay ngắn. Đồng thời trẻ em ở trường luôn được nhắc nhở vệ sinh sạch sẽ, không được bày bừa bãi. Câu cửa miệng của giáo viên sau mỗi giờ học: “If you mess it up, you clean it up”, nghĩa là nếu em bày ra lộn xôn thì phải dọn sạch nó.
Qua quan sát các cháu ở nhà, ở trường và qua tiếp xúc với các cô giáo, tôi được biết, trẻ từ một tuổi rưỡi đến hai tuổi có thể tự dùng cốc uống nước, có thể tự nhặt lấy đồ chơi. Trẻ từ 2 đến 3 tuổi có thể học cách tự mình đi đại tiểu tiện, ăn cơm, mở phéc-mơ-tuya và mặc quần áo. Trẻ từ 3-4 tuổi đã phát triển tính độc lập, những kỹ năng đã học trở nên thành thục; Gần như trẻ có thể không cần sự giúp đỡ của người lớn. Trẻ năm tuổi có thể học cách tự rửa bát, sắp xếp đồ đạc của mình ngay ngắn…
Ở các trường mầm non Mỹ, người ta cũng rất coi trọng việc dạy cho trẻ các quy tắc lễ nghi. Họ yêu cầu trẻ phải biết nghe theo lời chỉ bảo của các giáo viên, học cách tham gia các hoạt động tập thể cùng với những học sinh khác, học cách ứng xử nơi công cộng.
Điều mà tôi ấn tượng nhất và muốn nhấn mạnh là quan niệm về hoạt động vui chơi của trẻ ở trường mầm non. Người ta coi hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo đối với giáo dục mầm non. Chính sự vui chơi sẽ tạo ra biến đổi về thể chất, về tâm lý cho trẻ. Tổ chức tự chơi và vui chơi có tính giáo dục còn tạo ra đời sống tinh thần, cảm xúc và gắn kết bạn bè. Qua đó giáo viên phát triển thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, nhân cách ban đầu theo đúng quy luật tự nhiên và xã hội. 
Lâu nay, nhiều người nói và bàn tới giáo dục Mỹ với sự ngưỡng mộ về một nền giáo dục hiện đại và phát triển nhất thế giới. Tôi không hoàn toàn đồng ý với những nhận xét như vậy. Nhưng tôi được chứng thực hai cháu tôi, sau ba năm ở trường mầm non, chúng đã đọc được tới vài chục cuốn sách; biết nói với tôi về hệ mặt trời, phân biệt được mặt trời và các hành tinh; biết chỉ cho tôi trên google earth (phần mềm cài đặt trong ipad) năm châu là những châu nào, bốn biển là những biển nào; chỉ cho tôi biết cái làng, khu nhà tôi đang ở Việt Nam, ngôi trường tôi công tác ở Việt Nam. Chúng còn biết chuyện với “cô Siri” (phần mềm trí tuệ nhân tạo trong Iphone), hỏi cô về những điều chúng thắc mắc. Quan trọng hơn chúng đã biết làm những công việc tự phục vụ cho bản thân; biết tự đi bộ ra bến xe đi học (ở Việt Nam đến cấp THPT bố mẹ vẫn phải đưa con em đến trường); thậm chí chúng còn biết ngăn tôi không qua đường khi có đèn đỏ… 
Nước Mỹ là siêu cường số 1, bá chủ thế giới gần suốt thế kỷ 20. Có lẽ họ vẫn là siêu cường và bá chủ thế giới ít nhất cho đến hết nửa thế kỷ 21(xem bài viết cùng tiêu để của tôi trong trang blog chiasett.blogspot.com). Theo thống kê mới nhất, dân số Mỹ có 314 triệu người. Tổng sản phẩm quốc nội của họ năm 2018 là 19.390 tỷ đô la (Việt Nam là 240 tỷ), chiếm 22,5 tổng GDP toàn cầu. Tiềm lực quân sự đứng đầu thế giới (10 tầu sân bay, 14 tầu ngầm nguyên tử cùng với gần 400 các loại tàu chiến cỡ lớn tuần dương, cùng với hơn ba ngàn máy bay thống trị các đại dương và hàng trăm căn cứ quân sự bao phủ khắp thế giới). Tiềm lực khoa học kỹ thuật số một thế giới (đứng đầu thế giới về nghiên cứu và phát minh; một phần ba giải thưởng Nobel của nhân loại thuộc về người Mỹ; điện thoại, điện thoại thông minh, máy tính, internet, cùng với các phần mềm thống trị thế giới như Microsoft, google, Facebook, youtube… tất cả đều là phát minh của Mỹ). 
Điều gì tạo nên thành công và sức mạnh tổng hợp quốc gia Mỹ? Nguyên nhân thì có rất nhiều, song, có lẽ một trong những nguyên nhân quan trọng là người Mỹ từ rất sớm họ đã quan tâm một cách thực sự đến việc giáo dục và đào tạo con người, từ giai đoạn ở trường mầm non cho đến giáo dục đại học, một siêu cường giáo dục khai phóng vô cùng phong phú và linh hoạt.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.