Liệu có thể xảy ra một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ

Leave a Comment
Sự kiện Doklam
Biên giới Trung-Ấn không ngừng gia tăng áp lực sau khi Trung Quốc tìm mọi cách buộc Ấn Độ phải rút quân khỏi Doklam thuộc khu vực Sikkim để giải quyết tình trạng đối đầu hiện nay. Phía Trung Quốc cho rằng sự kiện Doklam là “rất nghiêm trọng”, nó khác với những xích mích giữa quân đội hai nước trong quá khứ vì những tranh chấp ở khu vực chưa phân định. Doklam là vấn đề biên giới giữa Trung Quốc và Bhutan, là vấn đề song phương của riêng hai nước. Ấn Độ không có quyền can thiệp hay cản trở. Trung Quốc đã tăng cường tập trận, đổ dồn khí tài đến khu vực để thị uy. Thậm chí truyền thông Trung Quốc còn kêu gọi “Dạy cho Ấn Độ một bài học”, một thuật ngữ sặc mùi hiếu chiến theo chủ nghĩa dân tộc Đại Hán mà họ thường đưa ra mỗi khi có mâu thuẫn xung đột với các nước láng giềng xung quanh.
   Phía Ấn Độ cho rằng bắt đầu từ tháng 6/2017 quân đội Trung Quốc đã lợi dụng đêm tối đưa lực lượng và công cụ vào Doklam, một khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan để xây dựng một con đường xuyên qua cao nguyên nhằm tạo lợi thế về quân sự và chính trị. Bhutan lên tiếng Bắc Kinh đã vi phạm thỏa thuận không thay đổi hiện trạng giữa hai nước được ký vào năm 1988, đồng thời kêu gọi Ấn Độ đem quân đến ngăn cản. Ấn Độ kiên trì với phương châm hai bên cần đối thoại và cùng rút quân khỏi khu vực. Nhưng cách tiếp cận và hành động hung hăng của Bắc Kinh đang làm phức tạp thêm vấn đề.
   Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã được đặt trong tình trạng báo động cao suốt hai tháng tại vùng cao nguyên Doclam, khu vực ngã ba biên giới giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan. Trung Quốc được cho là đã điều động 1000 binh sĩ đến điểm nóng tranh chấp. Ấn độ hiện điều động 2500 quân đến khu vực để chuẩn bị đánh lâu dài. Quân lính Ấn Độ đã ra lệnh sơ tán người dân ở gần khu vực Doklam nhằm đề phòng tình hình leo thang thành một cuộc chiến tranh ngắn ngày. Báo chí quốc tế bình luận Trung Quốc và Ấn Độ, hai cường quốc hạt nhân hùng mạnh ở châu Á bắt đầu đếm ngược thời gian chiến tranh.
   Nguyên nhân sâu xa
   Doklam không phải là sự kiện duy nhất làm bùng phát căng thẳng biên giới Trung-Ấn. Năm 1962 Trung Quốc và Ấn Độ đã rơi vào một cuộc chiến giành quyền kiểm soát khu vực Arunachal Pradesh. Nguyên nhân được cho là cả hai bên xâm nhập vào lãnh thổ của nhau và Trung Quốc muốn trả đũa Ấn Độ vì đã hỗ trợ cho Tây Tạng, đặc biệt là việc Ấn Độ cấp quy chế tị nạn chính trị cho Đạt Lai Lạt Ma. Ngoài ra, Trung Quốc còn muốn làm suy yếu, trừng phạt và kết thúc những nỗ lực của Ấn Độ muốn can thiệp vào Tây Tạng, muốn khôi phục Tây Tạng như trước năm 1949.
   Trong cuộc chiến tranh Trung-Ấn năm 1962, Trung Quốc chủ động huy động 80.000 quân tấn công vào lãnh thổ Ấn Độ với 12.000 quân tự vệ. Có thể nói Ấn Độ đã hoàn toàn bất ngờ sau chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai với tuyên bố giữa hai nước không có chiến tranh. Kết quả phía Ấn độ có tới 3128 binh sỹ tử trận, 3123 bị bắt làm tù binh. Trong khi đó phía Trung Quốc chỉ mất 1400 binh sỹ.
   Ấn Độ đã phải rút lui trên chính lãnh thổ của mình. Khi Ấn Độ yêu cầu Mỹ giúp đỡ, Trung Quốc vội tuyên bố rút quân và chiếm một vùng đất rộng hơn 20.000 km vuông của Ấn Độ. Kể từ đó đến nay, tranh chấp khu vực Arunachal Pradesh vẫn là một trong những điểm nóng kiềm chế mối quan hệ ngoại giao Trung-Ấn và có thể là nguyên nhân dẫn tới một cuộc xung đột quân sự mới bất cứ lúc nào.
   Tiếp đó là hàng loạt các cuộc xâm phạm lãnh thổ và dựng lều trại quân sự được quân đội hai nước tiến hành tại Arunachal Pradesh.
Rút kinh nghiệm thất bại trong cuộc chiến tranh năm 1962, New Delhi nhận ra mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc, Ấn Độ đã tăng cường gấp đôi số binh sĩ thường trực, đưa 7 sư đoàn tác chiến vùng rừng núi để bảo vệ biên giới giáp Trung Quốc.
   Sau đó vào năm 1967, căng thẳng Trung-Ấn về vấn đề phân định biên giới vùng Sikkim vốn âm ỉ từ lâu lại bùng phát thành hai cuộc xung đột ở Nathu La và Cho La. Khi quân đội Trung Quốc nổ súng ở Nathu La, Ấn Độ đã đáp trả mạnh mẽ. Giao tranh giữa hai bên kéo dài suốt ba ngày đêm. Pháo binh Ấn Độ tỏ ra vượt trội, buộc quân Trung Quốc phải lùi bước. Cũng như vậy ở Cho La, giao tranh giữa hai bên kéo dài một ngày. Kết thúc quân đội Trung Quốc phải rút về cứ điểm phòng thủ.
   Sự kiện Sikkim năm 1967 được giới phân tích đánh giá là bước ngoặt trong cán cân sức mạnh Trung-Ấn. Trung Quốc không còn có thể dễ dàng tràn sâu vào lãnh thổ Ấn Độ như 5 năm trước đó.
   Bây giờ là vấn đề Doklam, liệu tranh chấp có thể thổi bùng thành một cuộc chiến nữa? Rất ít khả năng. Vì nếu xảy ra một cuộc chiến “Dạy cho Ấn Độ một bài học”, nó sẽ gây tổn thất to lớn, khôn lường, nhất là đối với Trung Quốc. Và nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu.
   Tham vọng chiến lược của Trung Quốc và phản ứng của Ấn Độ
   Mấy chục năm phát triển với mức tăng trưởng kinh tế hai con số, Trung Quốc không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự. Trong lộ trình thực hiện hóa tham vọng trở thành cường quốc toàn cầu, Trung quốc đã áp dụng nhiều biện pháp, cả về kinh tế, ngoại giao lẫn quân sự nhằm kiềm chế Ấn Độ, không để nước láng giềng vươn lên cạnh tranh trực tiếp vị thế đang lên của mình.
 Bằng một loạt các chiến lược quy mô lớn như “Chuỗi ngọc trai”, “Vành đai và con đường”, và với tư tưởng thâm căn cố đế “Một núi thì không thể có hai hổ”, mặc dù Tập Cận Bình sang thăm Ấn Độ tuyên bố “Thế giới đủ rộng cho cả Trung Quốc và Ấn Độ”, nhưng Bắc Kinh không che giấu nổi những hành động không ngừng gia tăng ảnh hưởng ở các khu vực xung quanh Ấn Độ, nhằm khóa Ấn Độ trong tiểu lục địa Nam Á.
   “Vành đai và Con đường” là sáng kiến chứng minh cho quyết tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tập Cận Bình, quyết từ bỏ phương châm “giấu mình chờ thời” và đường lối “quyết không đi đầu” của Đặng Tiểu Bình. Bắc Kinh bộc lộ tham vọng muốn đưa Trung Quốc chủ động vươn lên vị trí lãnh đạo toàn cầu. Thực tế họ đã đạt được một số kế hoạch chiến lược.
   Mặc dầu vậy, Ấn Độ có một vị thế địa chiến lược rất quan trọng đối với sáng kiến phát triển chiến lược “Vành đai và Con đường” trong tương lai. Trung Quốc không thể không hợp tác với Ấn Độ. Trung Quốc đã thông qua kênh chính thức và không chính thức chào mời New Delhi tham gia vào sáng kiến của mình.
   Nhằm thuyết phục New Delhi, Trung Quốc đã đề xuất 4 điểm cải thiện quan hệ giữa hai nước còn có nhiều vướng mắc: “Thứ nhất, khởi động đàm phán về một hiệp ước láng giềng tốt, hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Thứ hai, nối lại đàm phán Hiệp định thương mại tự do Trung-Ấn. Thứ ba, phấn đấu đạt được kết quả sớm về vấn đề biên giới. Thứ tư, chủ động tìm hiểu tính khả thi của việc gắn sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc với Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ”.
   Thực sự có các lợi ích to lớn mà Ấn Độ có thể gặt hái được khi gia nhập Sáng kiến “Vành đai và Con đường” cũng như làn sóng đầu tư kỷ lục của Trung Quốc vào Ấn Độ. Tuy nhiên viễn cảnh kinh tế mà Trung Quốc đưa ra đều không thuyết phục được Ấn Độ đi theo quỹ đạo của mình.
   Ngược dòng lịch sử, hai nước có quá nhiều ân oán, mâu thuẫn xung đột nhiều hơn là hữu nghị, hòa dịu. Vấn đề mấu chốt vẫn là tranh chấp chủ quyền biên giới. Cụ thể là Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, trục giao thông trọng yếu trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đi qua vùng Jamu và Kashmir do Pakistan chiếm đóng từ năm 1947 mà Ấn Độ luôn tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.       
   Jamu và Kashmir là một điểm nóng, nhạy cảm và nguy hiểm giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới, một con rồng với 1.382.000 người luôn ủng hộ nhà nước Pakistan đối đầu với một con voi trên 1.310.000 người. Vì vậy Ấn Độ quyết không đánh đổi chủ quyền lấy kinh tế. Ngoài vấn đề chủ quyền, New Delhi còn lo ngại mưu đồ của Bắc Kinh sử dụng tiềm lực tài chính và kỹ thuật xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm khống chế, tăng cường ảnh hưởng và hủy hoại vùng biên giới của Ấn Độ.
   Chiến lược “Bức màn thép” của Ấn Độ khắc chế vòng vây
   New Delhi đã nhìn thấy Bắc Kinh dựng lên một mạng lưới cơ sở hạ tầng thương mại và quân sự rộng khắp khu vực Ấn Độ Dương. Mạng lưới này chạy dọc theo các tuyến giao thông trên biển. Vòng cung “Chuỗi ngọc trai” chạy qua các eo biển chiến lược: Mandeb, Malacca, Hormuz và Lombok kết nối các cảng biển ở Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, Maldives… Trung Quốc luôn phủ nhận ý đồ quân sự trong chiến lược “Chuỗi ngọc trai”. Họ lập luận việc làm của họ chỉ thuần mục đích kinh tế. Nhưng những diễn biến liên quan đến các hoạt động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương trong thời gian vừa qua lại không ủng hộ lập luận của Bắc Kinh. Nhiều nhà phân tích quốc tế và Ấn Độ nhận xét, “Chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc giống như một chiếc thòng lọng, được Trung Quốc giăng ra để siết quanh cổ Ấn Độ.
   Thực tế cho thấy Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh việc ký kết các thỏa thuận về thương mại, quân sự, quốc phòng và đầu tư vào các cảng biển ở một loạt quốc gia từ Myanmar tới Maldives. Mới đây nhất, ngày 1/8/2017, Trung Quốc chính thức mở căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti, Tây Bắc Ấn Độ Dương. Đồng thời các chiến hạm của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc bắt đầu ghé thăm các cảng biển theo “Chuỗi ngọc trai”. Giới quan sát quốc tế bắt đầu nghi ngờ một số cảng sẽ trở thành những căn cứ quân sự trong tương lai.
   Tất cả những động thái của Trung Quốc khiến Ấn Độ cực kỳ quan ngại. New Delhi luôn coi việc Trung Quốc tăng cường sự hiên diện ở Ấn Độ Dương là nằm trong chiến lược phong tỏa và kiềm chế Ấn Độ ngay từ cửa ngõ của mình. Ấn Độ đã không ngồi yên mà chủ động đáp trả bằng chiến lược “Bức màn thép” nhằm ngăn chặn bất cứ hành động nào có thể làm tổn thương tới lợi ích của mình.
   Theo đuổi chiến lược này, New Delhi tìm mọi cách khôi phục các quan hệ ngoại giao với các nước trong khu vực truyền thống, tăng cường sự hiện diện quân sự và hợp tác quốc phòng với các nước ở khu vực Ấn Độ Dương.
   Ấn Độ bắt đầu thay đổi chính sách trung lập của mình. Đối tác đầu tiên mà Ấn Độ hướng tới là Mỹ. Từ năm 2005, Washington và New Delhi đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, theo đó là các thỏa thuận hợp tác quốc phòng dài hạn, trong đó có việc sử dụng chung cơ sở vật chất quốc phòng, tập trận chung trên quy mô lớn và thúc đẩy thương mại quân sự.
   Trong một thập kỷ, Ấn Độ và Mỹ ký kết hơn 15 tỷ USD giao dịch thương mại quốc phòng. Mỹ đã chuyển giao cho đối tác của mình các máy bay vận tải C130J, C-17, máy bay tuần tra săn ngầm hiện đại P-8I, tên lửa hành trình Harpoon, trực thăng Apache và Chinook, pháo hạng nặng M777. Mới đây, Ấn Độ cũng ký hợp đồng mua thêm máy bay tuần tra săn ngầm và những thiết bị quân sự để đủ tuần tra eo biển Malacca, biển Ả Rập, giám sát vùng đặc quyền kinh tế của các nước giáp Ấn Độ Dương. Trong Chuyến công du tới Mỹ của Thủ tướng Nảenda Modi vào tháng 6/2017, Washington đã phê chuẩn cho New Delhi mua 22 máy bay không người lái Guadian trị giá 3 tỷ USD để tuần tra các vùng biển xa ngoài khơi Ấn Độ Dương… Tất cả những việc làm trên đã góp phần làm “thay đổi cuộc chơi”, giúp cho Ấn Độ mở ra những khả năng hoàn toàn mới trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.
    Đối tác thứ hai mà Ấn Độ hướng tới là Nhật Bản. Quan hệ giữa hai nước là quan hệ đối tác chiến lược, chưa bao giờ phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Ở cấp khu vực hai đối tác này là một đối trọng tương xứng với Trung Quốc. Hai nước đến với nhau như một đối tác tự nhiên với độ tin cậy chính trị cao và cùng một hệ giá trị dân chủ. Cả hai đều sẵn sàng mở rộng sự hợp tác trên tất cả các mặt kinh tế, chiến lược và quốc phòng trước một Trung Quốc đầy cơ bắp.
   Ấn Độ cho phép Nhật Bản là nước duy nhất tiếp cận, đầu tư hàng chục tỷ USD vào những khu vực nhậy cảm. Ấn Độ rất quan tâm tới công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản, từ tàu ngầm cho tới thủy phi cơ. Ấn Độ cũng đang hợp tác với Nhật Bản xây dựng một dải quan trắc thủy âm đặt ngầm dưới đáy biển kéo dài từ cực nam Ấn Độ tới mũi Sumatra của Indonesia. Các chuyên gia quân sự nhận định, mục đích chính của việc thiết lập hệ thống cảm biến này là để theo dõi các tàu ngầm của Trung Quốc.
   Gần đây nhất, từ ngày 10 đến ngày 17/7/2017, Ấn Độ cùng Mỹ và Nhật Bản tổ chức một cuộc tập trận hải quân chung quy mô lớn mang tên Malabar 2017 tại Vịnh Bengal với sự tham gia của hai tàu sân bay, một tàu trực thăng, 95 máy bay, 16 tàu chiến và hai tàu ngầm. Đây chắc chắn là một thông điệp chiến lược Ấn Độ nhắn nhủ tới tham vọng hiện diện của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương.
   Ấn Độ cũng đã đạt được thỏa thuận giám sát vùng đặc quyền kinh tế cho các quốc gia ở Ấn Độ Dương như Maldives, Seychellas, Mauritius. Ấn Độ giúp cải tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng một số đảo của Seychellas, Mauritius nhưng thực chất là chuyển đổi thành các căn cứ quân sự được trang bị rada, hệ thống định vị thủy âm và tiếp nhận tàu hải quân Ấn Độ neo đậu.
   Nhằm đối phó với các hoạt động của Trung Quốc triển khai tại tại cảng Gwadar của Pakistan, Ấn Độ đã ký kết thỏa thuận với Iran để phát triển cảng Chabahar, một cảng biển nằm ở cửa ngõ eo biển Hormuz. Cảng biển này có vị trí địa chiến lược quan trọng hơn cảng Gwadar vì tàu chở dầu từ các nước Trung Đông đều phải đi qua nơi đây.
   Để giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á, Ấn độ còn chủ động liên minh với Mỹ và Nhật Bản có hiệu quả trong việc đẩy mạnh các nỗ lực bắt tay với các nước ASEAN, Australia. Ấn Độ tăng cường thúc đẩy quan hệ với Philippines, Indonesia, Việt Nam, những nước có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Trong một vài năm trở lại đây Ấn Độ không ngừng tăng cường công tác ngoại giao, quân sự, quốc phòng với các nước, đối thủ chính của Trung Quốc tại Đông Á. Ấn Độ coi chính sách “Hành động hướng Đông” là bản lề để kết nối với các quốc gia châu Á.
   Kết luận
   Mặc dầu hai nước có xung đột, cạnh tranh nhưng trên thực tế hai nước cũng có sự hợp tác đáng kể. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 lên tới 72 tỷ USD và dự kiến đến năm 2020 có thể lên tới hàng trăm tỷ. Chắc chắn hai bên đều không muốn phải trả giá những thiệt hại về chiến lược đại cục vì chiến tranh. Mặc dầu cả hai bên đều tăng quân ở biên giới, không khí căng thẳng như sắp nổ ra chiến tranh. Tuy nhiên, đến hôm nay quân đội cả hai bên vẫn kiềm chế, không muốn mạo hiểm gây chiến.
   Các chuyên gia quân sự trên thế giới đánh giá tiềm lực quân sự về hai nước theo nhiều cách nhìn nhận khác nhau. Nhìn chung họ đều cho rằng Trung Quốc có ưu thế hơn về bộ binh, nhưng Ấn Độ lại nhỉnh hơn về không quân và hơn hẳn hải quân ở Ấn Độ Dương. Nếu chiến tranh tổng lực xảy ra (Loại trừ chiến tranh hạt nhân, vì nếu xảy ra cả hai nước đều bị hủy diệt), Ấn Độ phong tỏa Ấn Độ Dương. 70% lượng dầu Trung quốc nhập khẩu từ Trung Đông bị ách tắc. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ.
   Ngày 11/7/2017 Bí thư đối ngoại Ấn Độ S.Jaishankar đã có bài phát biểu tại Singapore. Trong bài phát biểu này, phía Ấn Độ tỏ rõ thái độ không mong muốn xảy ra xung đột, đồng thời hy vọng vào kinh nghiệm lịch sử, hợp tác giải quyết đối đầu lần này sẽ làm cho quan hệ Trung-Ấn quay trở lại quỹ đạo bình thường, tránh để cuộc đối đầu gây thiệt hại lớn cho quan hệ Trung-Ấn. Đây có thể coi là lần đầu tiên Ấn Độ chủ động lên tiếng giảm nhiệt trong suốt thời gian qua.
   Về phía Trung Quốc không biết họ còn có âm mưu gì đối với Ấn Độ, nhưng việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực Doklam chắc chắn nhằm mục đích xây dựng Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Sáng kiến này đã được thực thi ở Nepal, Bangladesh và Pakistan. Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ thúc đẩy toàn diện việc xây dựng ở hướng Tây Nam. Do đó Bắc Kinh không muốn để xảy ra tình trạng đối đầu với Ấn Độ. Nếu chiến tranh xảy ra, việc thúc đẩy chiến lược ở khu vực Nam Á nhiều năm qua sẽ đổ xuống sông, xuống biển. Và không tạo ra được môi trường hòa bình, Trung Quốc sẽ không thể phát triển được.
   Về phía Ấn Độ, tăng quân ở biên giới, áp dụng lập trường cứng rắn là để gây sức ép, ngăn chặn Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng và cũng là để thể hiện thái độ cần thiết với nước được bảo trợ là Bhutan. Ấn Độ hy vọng có thể ép Trung Quốc lùi bước, nhất là ở khu vực rất quan trọng đối với quốc phòng.
   Nhìn vào những lợi ích mà hai bên kiên trì theo đuổi ở khu vực, có thể thấy Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục kéo dài cuộc đối đầu cho đến sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc. Dĩ nhiên cả hai phía sẽ tìm ra được một giải pháp giữ được danh dự cho mình. Chẳng hạn quân lính Ấn Độ có thể gia nhập quân đội hoàng gia Bhutan. Sau đó hai bên thương lượng cùng rút quân. Cũng không loại trừ khả năng xảy ra xung đột ở quy mô nhỏ, không quá ảnh hưởng đến đại cục. Tuy nhiên chiến tranh là điều cả hai bên đều không mong muốn.
   Nếu có một cuộc chiến ngắn ngày xảy ra, khả năng là Trung Quốc sẽ nổ súng trước theo “truyền thống” như tất cả các cuộc chiến trước đó với các nước láng giềng (Năm 1962, 1967 Trung Quốc nổ súng trước ở biên giới Ấn Độ. Năm 1969 nổ súng trước ở biên giới Liên Xô. Năm 1974 nổ súng trước chiếm Đảo Phú Lâm của Việt Nam. Năm 1979 nổ súng trước trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Năm 1988 nổ súng trước chiếm 6 đảo ở Quần đảo Trường  Sa của Việt Nam. Năm 2012 gây hấn chiếm Bãi Cỏ Dong của Philippines. Năm 2014 đưa giàn khoan Hải Dương cùng với tàu chiến vào thềm lục địa Việt Nam. Năm 2016 bác bỏ Phán quyết về Đường Lưỡi bò của Tòa Trọng tài Quốc tế nhằm độc chiếm Biển Đông. Và tiếp theo có thể họ hành động trước ở Doklam).  Cố Thủ tướng Ấn Độ Nehru năm 1962 nhận xét rằng “Họ (Trung Quốc) là một dân tộc bành trướng hiếu chiến”. Còn Tập Cận Bình thì tuyên bố “Trung Quốc không có gien xâm lược”. Không biết ai đúng ai sai?    
    
  


   
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.