Trường THCS Long Biên

Leave a Comment

 Trường THCS Long Biên

Cuối tuần vừa rồi chúng tôi đến trường THCS Long Biên, một ngôi trường có bề dày 85 năm xây dựng và phát triển. Trường vừa được nâng cấp, sửa chữa và mới đưa vào sử dụng. Cảm nhận chung của mọi người là đẹp, khang trang, vừa hiện đại vừa bay bổng.
Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Diệu Thúy tiếp chúng tôi tại phòng giám hiệu. Cô có 25 năm trực tiếp giảng dạy, 14 năm bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi cho quận Long Biên; được Bộ GD&ĐT tặng nhiều bằng khen về thành tích “Đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý dạy học”. Cô đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, một danh hiệu cao quý ít cán bộ quản lý cấp trung học có được. Cá nhân tôi còn được biết cô là một trong những người đi tiên phong trong việc xây dựng “Đề án mô hình trường chất lượng cao” của ngành giáo dục khi còn công tác ở Trường Sài Đồng.
Cô Thúy lại bàn làm việc, cầm cuốn sách “Thiết kế và tổ chức dạy học kết hợp trực tuyến và trực tiếp, bài học nâng cao năng lực số từ giáo dục Mỹ” và nói với tôi: “Em được một người bạn tặng và mới biết thầy là bố của tác giả cuốn sách này. Em đã đọc cuốn sách ba lần, học được nhiều điều. Hôm nay lại được thầy trực tiếp trao đổi về chuyển đổi số cùng với hình thức dạy học kết hợp, em rất tâm đắc”.
Bài trao đổi của chúng tôi với các cơ sở giáo dục thường diễn ra trong một ngày, tối thiểu cũng trọn vẹn một buổi sáng hoặc một buổi chiều. Vậy mà thời lượng chỉ có khoảng 2 giờ. Chúng tôi phải cắt bớt phần xu hướng giảng dạy của thế giới trong kỷ nguyên số; phải cắt bớt phần giới thiệu, hướng dẫn một số trang tài nguyên giáo dục trực tuyến mở của Anh, Mỹ; phải cắt bớt phần nói về lịch sử dạy học trực tuyến và kết hợp. Tùy thời gian thực tế có lẽ còn phải cắt bớt phần trình bày các mô hình dạy học kết hợp của một số nước châu Âu…
Chúng tôi chỉ tập trung vào vấn đề cốt lõi chuyển đổi số trong giáo dục. Đặc biệt chuyển đổi số đối với giáo viên và học sinh trong việc dạy-học là những cái gì, bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào; sử dụng tài nguyên giáo dục mở của quốc tế và trong nước ra sao; giới thiệu mô hình dạy trực tuyến chuẩn và mô hình dạy dạy học kết hợp như thế nào.
Thực tế chuyển đổi số trong giáo dục ở Việt Nam là chủ trương từ Chính phủ và từ ngành giáo dục đi xuống. Không giống như ở Mỹ và các nước phương Tây, chuyển đổi số xuất phát từ thực tế, từ cơ sở, từ nhà trường đi lên. Cho tới thời điểm này, vì nhiều lý do, không ít nhà trường chưa triển khai. Qua cuộc hội thảo quốc tế về dạy học kết hợp với sự có mặt của gần 200 đại biểu cho các trường công và trường tư vừa rồi, chúng tôi biết một số nhà trường đã bắt đầu triển khai nhưng vẫn còn vướng mắc. Một số cán bộ quản lý, giáo viên cho biết, chủ trương thì ai cũng biết, nhưng nhiều trường không biết phải bắt đầu từ đâu và triển khai chuyển đổi số như thế nào. Cá biệt còn có người cho rằng COVID qua rồi sao lại còn phải dạy trực tuyến…
Chúng tôi hiểu những khó khăn, thách thức lớn nhất ở các nhà trường, đó là chưa có nền tảng (platform) chuyển đổi số để “Đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học” như mục tiêu cụ thể đề án chuyển đổi số mà Thủ tướng đã phê duyệt.
Nền tảng cốt lõi, bắt buộc phải có, hay điều kiện cần và đủ đối với người dạy và người học trong chuyển đổi số chính là hệ thống quản lý học tập (Learning Management System, viết tắt là LMS). LMS là phần mềm nền tảng để các nhà trường, giáo viên xây dựng, tổ chức bài giảng và khóa học trực tuyến, cung cấp cho học sinh tài liệu học tập, hệ thống bài tập cũng như việc đánh giá cùng các tương tác trên môi trường số. Hệ thống quản lý học tập là công cụ không thể thiếu để hỗ trợ học tập trực tuyến, học tập kết hợp. Các nhà trường và giáo viên không thể tự tạo ra hệ thống quản lý học tập. Hoặc nhà nước cung cấp cho nhà trường hoặc nhà trường phải mua của các tập đoàn công nghệ giáo dục trong hay ngoài nước.
Việc sử dụng và khai thác LMS là nỗ lực đầu tiên để người dạy chuyển từ việc ứng dụng công nghệ thông tin qua bài giảng Powerpoint, số hóa giáo án điện tử mang tính chất cá nhân nhằm nâng cao hiệu quả công việc dạy học sang việc chuyển đổi sang môi trường số để cả người dạy và người học có thể trải nghiệm việc dạy và học trực tuyến, kết hợp trong một hệ sinh thái giáo dục số khác biệt về chất cho cả người người dạy và người học. Đây là xu hướng mới trong giáo dục Mỹ và ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến. Học sinh thông qua LMS có thể học ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào theo nhịp điệu độ và sở thích cá nhân của mình.
Hơn hai giờ trình bày (cháy giáo án mất 15 phút, nhưng chính các thầy cô đề nghị tiếp tục), chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Hơn 50 giáo viên, trong đó có nhiều giáo viên có máy tính cá nhân riêng tập trung hào hứng, chăm chú theo dõi. Không một giáo viên nào rời khỏi hội trường hoặc đi ra ngoài. Chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần nhiệt tình, thái độ làm việc cũng như ý thức kỷ luật của tập thể Hội đồng nhà trường.
Tiễn chúng tôi ra tận xe, cô Thúy nói với chúng tôi ngoài 2 văn bản của Thủ tướng và ngành giáo dục, cô vừa mới nhận thêm một văn bản mới về chuyển đổi số. Thời gian qua nhà trường tập trung vào việc hoàn thiện xây dựng cơ sở vật chất. Bắt đầu kỳ 2 này nhà trường tập trung vào chuyên môn. Cô hy vọng chúng tôi tiếp tục cộng tác với nhà trường và nếu có thể, được cùng đi dự giờ ở những trường mà chúng tôi đã cộng tác tổ chức dạy học chuyên đề dạy học kết hợp.
Điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường thật lý tưởng. Chúng tôi tin vào tập thể Hội đồng Sư phạm nhà trường, một tập thể rất giàu thành tích dạy và học trong những năm qua. Chúng tôi tin vào những con chim đầu đàn của trường THCS Long Biên, tin vào Cô Hiệu trưởng giàu kinh nghiệm, đầy nhiệt huyết và sáng tạo. Chắc chắn các thầy các cô sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời gian tới.
Read More

Dự giờ dạy học ở Trường Tiểu học Yên Xá

Leave a Comment

 

Dự giờ dạy học ở Trường Tiểu học Yên Xá

 Hai tuần trước tôi đến Trường Tiểu học Yên Xá thống nhất với cô Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Mai về thời gian dạy tiết học thử nghiệm tiếng Anh thông qua môn toán và khoa học. Qua một số tiết học như thế này tôi và Tiến sĩ Que D. Hoang mong muốn rút ra được những bài học ban đầu cho mô hình “cùng dạy học” (co-teaching) nhằm hoàn thành mục tiêu Dự án Mù Cang Chải, dự án dạy học tiếng Anh toán và khoa học miễn phí của EQuest ở một huyện khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái. Cô Mai đề nghị “Tiết này bàn sau, bây giờ nếu không bận mời anh dự tiết chuyên đề dạy học kết hợp của cô giáo Đặng Thu Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A”.

 Thật bất ngờ. Đầu năm học tôi được một số nhà trường, trong đó có trường Tiểu học Yên Xá mời nói chuyện chuyên đề “Chuyển đổi số giáo dục, hình thức dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến, bài học kinh nghiệm chuyển đổi số từ Hoa Kỳ”. Tôi ngỡ còn lâu các nhà trường công lập mới áp dụng hình thức học tập kết hợp (blended learning). Không ngờ nhà trường đã tiến hành tổ chức chuyên đề dạy học mới theo hình thức dạy học ở các nước có nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới.

 Cô giáo Đặng Thu Trang dạy bài “Nhân một số với một hiệu”. Bắt đầu tiết học cô cho học sinh chơi trò chơi toán học tạo hứng khởi, tâm thế. Tiếp theo cô sử dụng màn hình tương tác, đưa bài giảng trực tuyến như nội dung bài học có âm thanh, hình ảnh trong trang web Khan Academy .

 Bài học trực tuyến đẳng cấp quốc tế thật sinh động, hấp dẫn. Các em chăm chú theo dõi. Cô giáo quan sát bao quát lớp, đi đến một vài học sinh hướng dẫn riêng. Sau khoảng 7 phút lý thuyết, học sinh vận dụng làm các bài tập có sự đánh giá của trí tuệ nhân tạo trên hệ thống quản lý học tập của trang web có trên 150 triệu bài giảng cùng hệ thống bài tập cho tất cả các môn học từ lớp 1 đến lớp 12 của Mỹ. Trang web này được 115 triệu giáo viên và học sinh trên khắp thế giới truy cập trong năm học qua.

 Cô cùng học sinh hào hứng trải nghiệm học tập, rút ra công thức tổng quát và tiếp tục cho học sinh làm bài tập, bài tập 1,2,4 trong sách giáo khoa. Khi trò hoàn thành công việc, cô đặt một số bài làm của các em trước webcam chiếu lên màn hình để học sinh tự đánh giá. Cuối cùng cô nhận xét, dặn dò học sinh, kết thúc bài dạy.

 Trong khi cô hiệu trưởng  khảo sát lớp học, tôi nói với thầy Phó hiệu trưởng Cung Đức Khuyến: “Theo mình, đây là một tiết dạy học kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến theo mô hình “Face to face Driver” (mô hình giáp mặt chủ đạo) thật nhuần nhuyễn. Nếu là giám khảo, mình cho 20 điểm tối đa”. Thầy nói với tôi “nếu em dạy tiết này thì em lấy trò chơi trong bài tập của Khan Academy cho vào phần đầu. Em nghĩ sẽ tạo ra được không khí học tập hơn”. Tôi đồng ý. Thầy cho tôi biết đang chỉ đạo điểm một số cô giáo “thành lập lớp học ảo” cho học sinh tự học và làm bài tập theo  Khan Academy ở nhà.

  Thật tuyệt vời. Tôi nghĩ nếu như vậy thì việc chuyển đổi số trong giáo dục theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ và của ngành giáo dục có lẽ nhà trường sẽ thực hiện được ngay trong năm học này, chứ không phải chờ đến năm 2025. Thì ra việc chuyển đổi số không khó, cái khó là khó ở nhận thức, ở tư duy; ở việc nhà trường có quyết tâm bắt tay vào việc hay không.

 Tuần này chúng tôi đến trường dự 2 tiết học. Tiết học thứ nhất của cô giáo Nguyễn Thị Bích Phượng, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A, tiết học tiếng Anh thông qua bộ môn toán. Bài Multiplication (phép nhân) đã được số hóa theo hình thức “cùng dạy học” (co-teaching). Hình thức dạy học này phổ biến ở Hoa Kỳ. Lớp học có 2 giáo viên cùng hợp tác dạy. Người ta thường áp dụng hình thức dạy học này cho những lớp học đặc biệt, lớp học song ngữ, lớp học trực tuyến... Trong thời đại số, ở những nước thiếu giáo viên ngoại ngữ, tin học, STEM giống như Việt Nam, người ta thường vận dụng hình thức co-teaching, một người dạy trực tuyến, một người dạy trực tiếp hoặc người dạy trực tiếp thông qua bài giảng số trên lớp.

 Cô Phượng không những tuân thủ theo đúng quy trình bài giảng số của iSMART mà còn thể hiện rất linh hoạt và sáng tạo. Ở phần từ vựng cô triệt để sử dụng phần phát âm của người bản ngữ, cho học sinh nghe từ và câu nhiều lần. Học sinh phát âm theo nhóm, tập thể, cá nhân. Cô cho học sinh lên trước lớp điều khiển các bạn nhắc lại từ, câu theo nội dung bài giảng số.

 Là giáo viên không chuyên ngoại ngữ, cô có ưu thế riêng, dường như cô hòa nhập cùng với học sinh kiến tạo kiến thức, chiếm lĩnh kiến thức, chú ý đến cả 4 kỹ năng đọc nghe, nói, viết. Đặc biệt cô xử lý huống sư phạm thật chuyên nghiệp. Tôi cho anh em trong đoàn xem kết quả đánh giá xếp loại:19/20 điểm. Có bạn hỏi lại tôi: “Cô dạy rất hay. Tại sao thầy không cho điểm tối đa”. Tôi trả lời: “Cô giáo cho lớp nghe người bản ngữ nêu yêu cầu làm từng bài tập. Nếu là giờ học tiếng Việt thì là đủ. Nhưng vì là giờ học ngoại ngữ, cô nên cho học sinh đọc và nhắc lại yêu cầu bằng tiếng Anh như phụ đề trên bảng tương tác. Như vậy học sinh sẽ được rèn thêm kỹ năng đọc và nghe”.

 Kết thúc rút kinh nghiệm bài dạy, tôi hỏi cô Phượng: “Nếu cô cùng dạy với giáo viên iSMART theo cả hình thức trực tiếp hoặc hình thức trực tuyến, sau một năm học, cô có tự tin đứng lớp độc lập không”. Cô trả lời “Em tin là mình dạy được”. Cô Mai Hiệu trưởng thì khẳng định “Em tin là chỉ nửa năm thôi, nhiều giáo viên của em có thể đảm nhiệm được”.

 Tiết dạy thứ 2 của cô Hoàng Thị Hồng Ánh, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A. Cô dạy giờ chuyên đề: “dạy học kết hợp”. Tên bài dạy: “Đường thẳng, đường cong, đường gấp khúc”. Tiết dạy này không có ý nghĩa nhiều với EQuest, nơi tôi đang công tác. Nó liên quan đến cá nhân tôi và con gái Nguyen Thi Kieu Van, tác giả cuốn sách “Dạy học kết hợp trực tuyến và trực tiếp, bài học nâng cao năng lực số từ giáo dục Mỹ”. Vân mới từ Mỹ về và theo tôi cùng dự giờ.

 Phần khởi động cô Ánh sử dụng phần mềm OLM (OLM.vn là trang web học trực tuyến của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Với trang web này giáo viên có thể tham khảo, học sinh có thể tự học tập, ôn luyện, bổ sung thêm kiến thức các môn học từ TH đến THPT). Cô cho học sinh xem một video rất hấp dẫn về điểm, đoạn thẳng. Học sinh được ôn luyện, trải nghiệm học tập với một hình thức học tập mới mẻ, hấp dẫn nên các em rất hứng khởi chăm chú theo dõi và phản hồi.

 Tiếp theo cô giáo cho học sinh học trực tuyến từ trang web OLM để nhận biết, hình thành khái niệm đường thẳng, đường cong, đường gấp khúc. Học sinh được học tập qua hình ảnh trực quan sinh động, lời giảng giàu sức biểu cảm từ bài học trực tuyến. Cô quan sát cả lớp, trao đổi với trò, cùng trải nghiệm, kiến tạo kiến thức. Học sinh dễ dàng nắm được nội dung, mục đích yêu cầu của bài học. Từ đó cô trò thực hành làm bài tập vận dụng, khắc sâu kiến thức, thực hành trò chơi gắn thẻ lên đường thẳng, đường cong, đường gấp khúc đã học.

 Kết thúc giờ dạy, cô ra thêm bài tập ở phần mềm OLM (cô đã thành lập lớp học ảo) rồi mời Kiều Vân lên giao lưu với học sinh trong lớp. Kiều Vân lên bảng vẽ một đường gấp khúc như những ngọn núi nối tiếp nhau và cùng các em chơi một trò chơi “tưởng tượng” với đường gấp khúc: “Đố các em biết hình gấp khúc trên là hình ảnh tượng trưng cho cái gì, con gì”. Học sinh im lặng một lúc rồi đồng loạt giơ tay. Em thì bảo đó là những ngọn núi, em thì bảo đó là những nóc nhà, em thì bảo đó là những ngọn cây, em thì bảo đó là hàm răng cá mập… Vân cho học sinh lên bảng vẽ theo trí tưởng tượng của mình. Không khí lớp học  hào hứng, sôi nổi và bùng lên xúc cảm thẩm mỹ trong giờ học toán.

 Có lẽ trong 30 năm làm cán bộ quản lý trường học và hơn 10 năm làm việc “liên quan đến quản lý trường học”, dự giờ hàng nghìn giờ dạy, kể cả nhiều giờ dạy thi giáo viên giỏi cấp thành phố, tôi thấy không có nhiều tiết dạy thành công như 3 tiết dạy tôi được dự ở trường Tiểu học Yên Xá. Tôi rất vui, một niềm vui nghề nghiệp, niềm vui của người làm công tác quản lý giáo dục. Xin cảm ơn cô Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Mai, thầy Phó hiệu trưởng Cung Đức Khuyến! Xin cảm ơn cô giáo Đặng Thu Trang, cô giáo Nguyễn Thị Bích Phượng, cô giáo Hoàng Thị Hồng Ánh. Các thầy các cô đã khiến tôi thêm tin và yêu ngành giáo dục.

Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.