Leave a Comment

 Lễ hội ở xã Lạc Hồng, Văn Lâm, Hưng Yên

Nếu không có Covid, thứ Bảy và Chủ nhật vừa rồi tôi đã ở bãi biển Sầm Sơn giao lưu với học viên lớp TCBK1. Hơi buồn! Như Tản Đà nói: “Không đi thì ở lại nhà/ Cái dưa thì khú, quả cà thì thâm”. Hai ngày nghỉ chẳng biết làm gì và cũng chẳng biết đi đâu ngày dịch, cặm cụi viết về một kỷ niệm cách đây 10 năm để chia sẻ cùng anh chị em, đồng nghiệp, bạn bè.
Năm 2011, chân ướt chân ráo về môi trường mới, tôi được Thạc sỹ Bùi Thanh Long và Phó giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Duy Thịnh (nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Thực phẩm Trường Đại học Bách khoa) phân công chủ nhiệm lớp TCBK1 Đại học tại chức, chuyên ngành quản lý nhà nước (lớp liên kết với Học viện Hành chính Quốc gia). Lớp học có 102 học viên, đa số học viên đã có bằng đại học, là cán bộ công chức cấp phường xã, quận huyện ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Chủ nhật này là tròn 10 năm ngày nhập trường. Ban liên lạc lớp đã mời tôi vào Sầm Sơn hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Rất tiếc Covid 19 ập đến khiến lớp phải hoãn chuyến đi.
Có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ với lớp học. Một trong những kỷ niệm và còn là một món nợ với nhóm học viên ở Hưng Yên khi các em mời tôi đến dự Lễ hội Đảo Vũ xã Lạc Hồng hay còn gọi là Lễ hội Cầu mưa các chùa Tứ Pháp của liên làng ở huyện Văn Lâm. Lúc đó tôi rất vui nhận lời vì có một số bạn ở trong ban tổ chức lễ hội, vì đúng với đam mê, sở thích của mình, nhưng tôi từ chối ngủ nghỉ mấy ngày ở một nhà nghỉ bên cạnh chùa Hồng Thái dù các em đã sắp xếp xong mọi việc.
Chưa có lần nào đi chơi lễ hội tôi lại chuẩn bị kỹ như khi đi lễ hội đảo vũ xã Lạc Hồng, vì tôi phải “giải mã” văn hóa cho học viên, mà lại là học viên ở trong ban tổ chức lễ hội, quản lý về mặt văn hóa. Tôi đã đọc lại cuốn sách Hội hè đình đám của Toan Ánh, một số bài viết của Tiến sỹ Nguyễn Văn Huyên, Giáo sư Trần Quốc Vượng và một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian khác. Thậm chí tôi phải đọc lại một số chương trong bốn cuốn Đại Việt Sử ký toàn thư để tìm hiểu ngày xưa vua chúa các triều đại phong kiến đã tổ chức lễ rước Pháp Vân về kinh thành cầu đảo như thế nào.
Theo chương trình, trước một ngày khai hội, ngày 5 tháng 3 theo lịch Âm, người dân trong xã đã tổ chức lễ hạ tượng và lau rửa các đồ thờ tế ở các chùa. Ngày hôm sau mồng 6 tháng 3 diễn ra nghi lễ rước bà Pháp Lôi, Pháp Vũ xuống chùa thờ bà Pháp Vân. Ngày mồng 7 tổ chức lễ rước rồng lấy nước, rước ba bà Pháp Lôi, Pháp Vũ, Pháp Vân về ngự tại chùa Hồng Thái (tục gọi là chùa Un hay chùa Tông) thờ bà Pháp Điện. Ngày 8, dân các làng lại rước các bà hoàn cung về ngự tại chùa của làng. Trong những ngày hội, bên cạnh các hoạt động tế, lễ còn có phần hội với các trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, đập niêu, bịt mắt bắt dê, đặc biệt là trò chơi trai kiệu đánh trăng/giăng…
Theo tôi, bản chất của lễ hội như cái tên ban đầu nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh gọi, đó là lễ hội Đảo Vũ, bây giờ người ta thường gọi là Lễ hội Cầu mưa và nếu mưa nhiều thì là Lễ hội Cầu tạnh. Đến nay xã Lạc Hồng vẫn còn lưu giữ được 4 ngôi chùa thờ tứ pháp ở 4 làng. Tôi phỏng đoán nguyên thủy ban đầu những ngôi chùa này là những ngôi đền gắn với tín ngưỡng thờ Mây, Mưa, Sấm, Chớp, bốn hiện tượng thiên nhiên vô cùng quan trọng đối với cư dân nông nghiệp trong buổi đầu khai phá Đồng bằng sông Hồng.
Tôi đến Lạc Hồng từ sáng sớm mồng 5/3 để quan sát lễ hạ tượng, lễ mộc dục tắm rửa tượng và chuẩn bị các đồ tế lễ. Theo các cụ xưa truyền lại, ngày này năm xưa những người vào việc lễ còn bện những chiếc vòng khố cho phù giá hay còn gọi là trai/giai khiêng kiệu bằng thừng tre đính chân chỉ hạt bột (tua chỉ bằng màu có kết hạt trang trí); làm chín con rồng bằng rơm bện trát bùn bên ngoài; dựng 3 gian nhà tranh cạnh chùa Pháp Điện. Bây giờ, khố của phù giá được làm bằng thừng và đính hạt cườm. Chín con rồng được làm bằng vật liệu chắc, có tính thẩm mỹ. Nhà tranh xưa bây giờ thay bằng nhà lợp lá cọ.
Hội bắt đầu khai mạc từ sáng sớm ngày mồng 6. Đội múa rồng mặc áo đỏ viền vàng, đội nữ tế mặc áo đỏ viền vàng cùng trống rong cờ mở đi từ chùa Pháp Vân, tương truyền là bà chị cả xuống chùa Pháp Lôi để đón bà em về chùa mình. Trươc đó tượng bà Pháp Lôi đã được rước ra sân chùa. Phù giá khiêng kiệu là những thanh niên lực lưỡng, cơ bắp săn chắc, đầu chít dải khăn vàng, cởi trần, đóng khố làm lễ ba lạy. Đội múa rồng oai linh uốn lượn. Đội nữ tế múa điệu sinh tiền, múa quạt, múa đèn…
Khi khởi kiệu, người cầm cờ chít khăn đỏ, mặc áo dài đỏ hô to: "Giai tàn giai tán, giai hương án, giai quạt vả, giai trường cả, giai cả kiệu ta cùng vui vẻ, ơi... già". Lúc đó tàn vàng , lọng tía, hương án, cờ quạt và những khí cụ dùng vào việc rước được trai đinh của làng mang vác bắt đầu khởi hành.
Kiệu bà Pháp Lôi có đặc điểm là chỉ chạy chứ không đi, chạy từng chặp, mỗi chặp khoảng 100m lại dừng nghỉ rồi mới chạy tiếp. Khi kiệu bà chạy, tất cả mọi người vừa chạy vừa hô: "Huế, huế, huế....". Theo lý giải của các cụ thôn Nhạc Miếu, sở dĩ hô như thế vì bà Pháp Lôi tục gọi là bà Huế. Trong tâm thức dân gian, bà Pháp Lôi là thần Sấm nên rước bà phải huyên náo, ầm ĩ nhất. Kiệu bà Pháp Lôi đến chùa Pháp Vũ ở thôn Hồng Cầu thì dừng lại. Các nghi thức tế lễ ở chùa Pháp Vũ được lặp lại như ở chùa Pháp Lôi. Tiếp theo đám rước bà Pháp Vũ ra cổng chùa đối diện với bà Pháp Lôi để hai bà chào nhau. Bà Pháp Lôi là em chào trước. Lúc chào, ông trường cả làng Nhạc Miếu lại hô to: “Giai tàn, giai tán, giai hương án..." rồi phù giá khênh kiệu bà lao về phía trước rồi nhún kiệu thấp xuống như nghi thức cúi chào. Chào ba lần thì dừng lại và bà Pháp Vũ cũng chào đáp lại y trang. Ông trường cả làng Hồng Cầu cũng hô to: "Giai tàn, giai tán, giai hương án…" như người đồng sự làng Nhạc Miếu.
Sau đó kiệu bà Pháp Vũ đi trước, bà Pháp Lôi đi sau cùng rước về chùa Pháp Vân. Trên đường rước, ông trường cả hai làng đi được một đoạn lại hô: "Hai bà xuống ngự chùa Vân, Mưa gió xoay vần cho thiên hạ dễ làm ăn. Ta cùng vui vẻ ơi... già". Đám rước đồng thanh đáp lại. Đến gần chùa Pháp Vân, kiệu bà Lôi vượt lên trước vào chùa bằng cửa hữu của tam quan rồi lùi lại. Kiệu bà Vũ đi vào chùa bằng cửa giữa tam quan và dừng trước sân chùa.
Lúc đó kiệu bà Pháp Vân được rước ra sân đối diện với kiệu bà Pháp Vũ. Hai bà làm nghi thức chào nhau xong, đến lượt bà Pháp Lôi và bà Pháp Vân chào nhau. Sau màn chào hỏi, ba bà được rước vào gian tiền đường chùa Pháp Vân để thờ trong một đêm để hôm sau: “Ba bà xuống ngự chùa Tông, Bốn bà công đồng cho rồng lấy nước làm mưa"
Sáng sớm ngày mồng 7, từ chùa Pháp Vân, sư thầy trụ trì dẫn đầu đoàn rước rồng đi lấy nước ở giếng cổ tại thôn Bình Minh cách đó khoảng nửa cây số. Tham dự đoàn rước có đội rồng, nghi trượng, ban nhạc bát âm, đội cờ ngũ sắc, đội tế. Có kiệu rước 9 con rồng, hai rồng mẹ và bảy rồng con biểu tượng cho rồng ổ khỏe mạnh, sinh sôi đầy đàn. Đặc biệt bên cạnh kiệu chín con rồng có chín phụ nữ vác chín chiếc gầu làm bằng mo cau có cán tre dài. 9 bà dùng 9 chiếc gầu múc nước té ra xung quanh, té vào những người dự lễ hội (nghi thức này có cùng một mẫu số như ở như bao nghi thức múc nước, rước nước ở Đồng bằng Bắc Bộ, ở trên khắp cả nước, chẳng hạn như các lễ hội dọc sông Hồng và ở Đông Nam Á như hội té nước ở Lào và Cămpuchia).
Sau khi thực hiện nghi lễ rước rồng lấy nước dâng thờ các bà, đám rước ba bà theo thứ tự: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi đi đến chùa Pháp Điện để công đồng. Khẩu lệnh khởi kiệu tiếp tục được hô lên: "Giai tàn, giai tán..." như hôm trước. Trên hành trình, ông trường cả của 3 kiệu đi được một quãng lại hô: "Ba bà xuống ngự chùa Tông. Bốn bà công đồng để rồng lấy nước làm mưa. Mưa tràn đồng Trưa, mưa xuống đồng Chuối, suối đồng Văn để cho thiên hạ dễ làm ăn. Ta cùng vui vẻ, ới... già".
Đoàn rước kéo dài hàng cây số với sự tham dự của hàng ngàn người. Trên đoạn đường khoảng gần 2 cây số ra chùa Pháp Điện, các gia đình hai bên đường đặt chậu nước sạch trước cửa. Khi đi qua, 9 bà rước nước cầm gầu mo cau cán dài tiếp tục múc nước té vào đoàn rước và đoàn người trảy hội để cầu may, cầu lộc.
Khi đến gần chùa Pháp Điện, kiệu bà Pháp Lôi chạy lên trước, đến cửa chùa xoay vài vòng rồi lùi lại nhường cho kiệu hai bà chị tiến lên trước (tục truyền tính tình bà mải vui chơi, hay hái hoa đuổi bướm nô đùa). Lúc đó kiệu bà Pháp Điện mới được rước ra sân chùa và lần lượt thực hiện nghi lễ chào ba bà chị. Sở dĩ bà Pháp Điện là em út nhưng ba bà chị phải thân hành đến thăm vì dân gian quan niệm bà Pháp Điện là thần có uy lực rất mạnh. Bà Pháp Điện đi đến đâu, nhìn vào làng nào thì làng đó cháy. Vì vậy, riêng bà Pháp điện chỉ được rước đến cổng chùa. Đứng trước cổng để chào các chị em của mình rồi quay vào nhà. Các cụ già trong các làng kháo nhau, bốn bà thương nhau khôn xiết, mừng vui gặp nhau, rồi bịn rịn chia tay nhau nên trời đổ mưa…
Kết thúc buổi rước, kiệu 3 bà Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi được rước vào thờ trong 3 gian nhà lợp cọ dựng ngay trước cửa chùa Pháp Điện. Các bà nghỉ ở đây một đêm để dân làng làm lễ. Cuộc hội ngộ sum họp của bốn bà nhằm công đồng, giống như hội tụ hiện tượng mây, mưa, sấm chớp để vạn vật tốt tươi.
Sáng hôm ngày 8 tháng 3 dân các làng thực hiện nghi thức tế lễ, rước 3 bà trở về 3 chùa kết thúc lễ hội.
Tôi nghĩ Lễ hội Đảo Vũ xã Lạc Hồng là lễ hội có một không hai. Cho dù Bắc Ninh là cái nôi của tục thờ tứ pháp, và tục thờ này cũng có ở một số địa phương tại Hà Nội, Hà Nam nhưng duy nhất chỉ có Lạc Hồng, Hưng Yên xưa nay mới tổ chức được lễ hội cầu mưa gắn kết cả 4 ngôi chùa của bốn làng. Lễ hội đảo vũ/ cầu mưa này nằm trong loại hình lễ hội nông nghiệp, gắn với hệ thống thờ Tứ Pháp. Bản chất nó là tín ngưỡng bản địa, thờ thần mây, mưa, sấm, chớp dung hợp với phật giáo du nhập từ Ấn Độ, trở thành một tín ngưỡng mang yếu tố riêng biệt.
Các nhà nghiên cứu cho rằng lễ hội ở Lạc Hồng có liên quan đến câu chuyện Man Nương và tục thờ cúng Tứ Pháp được lưu truyền từ thế kỷ thứ 2 sau công nguyên. Câu chuyện được ghi chép trong nhiều cuốn sách, cuốn sách cổ nhất là Lĩnh Nam trích/chích quái. Tôi xin tóm lược ngắn gọn: Ở vùng Luy Lâu xưa có cô gái tên là Man Nương đến chùa học đạo. Trụ trì chùa là một nhà sư người Ấn Độ tên là Khâu đà la. Một buổi tối đi thuyết pháp về, nhà sư tình cờ bước qua người Man Nương lúc nàng đang ngủ, và nàng thụ thai sinh hạ một bé gái. Nhà sư dùng phép đưa đứa bé vào cây dung thụ già. Trong thân cây, con của Man Nương hóa thành đá, luôn tỏa hào quang. Người dân thấy kỳ lạ, kính cẩn gọi là “Thạch Quang Phật”. Trước khi trở về quê, nhà sư trao cho Man Nương một cây gậy có phép làm mưa. Nàng đã nhiều lần cứu dân làng thoát cảnh hạn hán. Trong một đêm mưa giông sấm sét, cây dung thụ đổ, trôi về bến sông Dâu thì dừng lại. Hàng trăm trai tráng tập trung để kéo cây vào bờ, nhưng cây vẫn không nhúc nhích. Chỉ khi Man Nương đi qua, dùng dải yếm kéo vào thì cây mới lên được bờ. Dân làng làm theo như mộng báo của viên quan Thái thú Sỹ Nhiếp, gỗ cây dung thụ được tạc thành bốn pho tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện và đưa vào thờ trong các chùa Dâu, Đậu, Dàn, Tướng. Man Nương được người dân xưng tụng là Phật mẫu, được thờ ở chùa Tổ Mãn Xá. Những năm hạn hán, các chùa thờ Tứ pháp nhân dân thường làm lễ cầu mưa cho cả vùng. Người dân quanh vùng tin rằng, chỉ cần rước “chân nhang” Tứ Pháp về thờ ở làng mình thì cũng được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Câu chuyện trên càng cho ta thấy bản chất của hệ thống thờ Tứ Pháp là sự dung hợp giữa tín ngưỡng dân gian thờ nữ thần, thờ mẫu và phật giáo Ấn Độ (Phật giáo truyền vào Việt Nam ban đầu là do các nhà sư Ấn Độ trước khi truyền vào Trung Quốc. Luy Lâu là trung tâm phật giáo lớn nhất của cả Trung Quốc vào thế kỷ thứ 2 sau công nguyên) . Kết quả của cuộc hôn phối trên là các vị thần mây, mưa, sấm, chớp được phật hóa trở thành Phật Pháp Vân, Phật Pháp Vũ, Phật Pháp Lôi và Phật Pháp Điện.
Như đã nói ở phần đầu bài viết, tôi còn nợ các em ở Hưng Yên một lời giải thích, vì mười năm trước các em hỏi: “ tại sao trong thần thoại ở một số nước, phần lớn các vị thần thường là nam, ở ta lại là nữ”. Ngày đó tôi trả lời “vì Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, như các nhà nghiên cứu phương Tây nhận định, là xứ sở của mẫu hệ. Thần linh ở ta nhiều nữ là đương nhiên. Ngay cả những người anh hùng buổi đầu chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta cũng là phụ nữ, ví dụ như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh”. Tôi trả lời không sai, nhưng chưa rõ.
Nếu cuộc gặp mặt tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày nhập trường còn được tổ chức thời gian hết dịch, tôi sẽ giải thích rõ hơn. Tục thờ mẫu là hình thức tín ngưỡng đặc trưng của cư dân nông nghiệp cổ xưa, thể hiện sự kính trọng đối với quyền năng sinh sản và biết ơn người mẹ. Trong tư duy của người nông dân cổ, giống cái giữ vai trò quyết định trong sản xuất trực tiếp ra của cải. Từ sự quan sát trực tiếp người ta thấy có hoa đực hoa cái thì chỉ hoa cái mới ra củ quả. Vật nuôi trong nhà và Con người cũng vậy, chỉ có mẹ mới sinh ra con. Có lẽ vì thế nên các vị thần nông nghiệp và các thần trong Tứ Pháp thường được hình tượng hóa là nữ thần.
Tượng các bà Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện ở Lạc Hồng cũng giống như ở các nơi khác. Các bà đều cao lớn, ở tư thế ngồi thiền thân thẳng. Khuôn mặt trông có vẻ cổ quái nhưng thanh tú thuần Việt. Tay phải giơ lên, tay trái duỗi xuống. Điều đặc biệt là phật, nhưng các bà không vận cà sa, nhiều nơi tượng mình lộ trần, mặc váy tọa trên đài sen. Tượng các bà đều được tô màu cánh gián, tổng hợp của màu đỏ và màu đen. Màu đỏ của máu tương trưng cho sự sống. Màu đen của mây mưa tượng trưng cho nguồn sống và sự huyền bí.
Trong các lễ hội Xuân ở Đồng bằng Bắc Bộ, người ta thường thấy các nghi thức múc nước, rước nước, té nước. Ở lễ hội Lạc Hồng hội đầy đủ các nghi thức trên. Mẫu số chung ban đầu là cầu mưa. Điều đặc biệt ở lễ hội Lạc Hồng là có nghi lễ “cầu đảo” rước ba bà Vân, Vũ , Lôi đến chùa bà Pháp Điện để đấng tối cao làm mưa. Như vậy là người dân ở Hồng Lạc không chỉ thể hiện ước vọng cầu mưa mà còn là thực hành qua lễ “rước rồng lấy nước”, lễ “rước ba bà” lộ thân giữa trời đất, cùng với trò chơi “đánh trăng” (trò chơi đánh trăng/giăng là trò chơi của các phù giá bốn làng, không mang tính chất được thua, diễn tả hiện tượng thiên nhiên trước cơn mưa. Luật chơi cho toàn bộ trai kiệu bốn làng bốn ngôi chùa phải tập hợp thành một hàng, chạy theo hình xoáy trôn ốc, xoắn theo chiều đám mây vần vũ, vừa nhanh vừa bay bổng xuất thần như cơn mưa sắp đến). Tất cả đều mang tính chất ma thuật, cầu đảo, như gợi ý cho đấng tối cao làm mưa.
Tóm lại, hội đảo vũ ở Lạc Hồng nằm trong tín ngưỡng thờ tứ pháp, tín ngưỡng dân gian gắn với văn minh nông nghiệp lúa nước của cư dân vùng châu thổ Bắc Bộ với trung tâm là vùng Luy Lâu thuộc Kinh Bắc xưa. Tín ngưỡng này được hòa quyện cùng tinh thần Phật giáo để tạo nên các nữ thần, cũng đồng thời là Phật bà. Lễ hội cầu mưa là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn liền với đời sống tinh thần và tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trong quá trình đông tiến, khai phá Đồng bằng sông Hồng và lan tỏa ra khắp vùng Đồng bằng Bắc bộ.
Triệu Giám, Thành Vũ và 70 người khác
32 bình luận
7 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Read More
Leave a Comment

 Hội làng Xuân Trạch Đông Anh

Sáng sớm ngày10 tháng Ba Âm lịch, ngày quốc lễ giỗ tổ, tôi chợt nhớ đến mẹ anh bạn Nguyễn Đắc Tính. Gần như năm nào tôi cũng thu xếp sang thăm cụ một lần. Năm nay cụ đã 96 tuổi, một bà mẹ phúc hậu, đơn thân vợ liệt sỹ. Nhiều năm trước, mặc dù kém mắt không nhìn thấy, nhưng chỉ cần nghe tiếng từ xa, tôi chưa kịp chào hỏi thì cụ đã lên tiếng: “Anh Huệ phải không? Các cụ bên ấy dạo này thế nào?” Năm trước đến chơi cụ đã đau yếu không còn nhận ra tôi nữa. Thế là không gọi điện cho bạn, tôi liền phóng xe đi.
Qua cầu Long Biên, qua cầu Đông Trù, dọc theo đê sông Đuống đến cây gạo đầu Làng Xuân Trạch, tên cũ là làng Canh Trầm/Chầm, một ngôi làng cổ, tôi thấy nhiều lá cờ hội phần phật tung bay và rất nhiều loại xe con đỗ bên vệ đường vào làng. Nghe tiếng trống liên hồi giục giã, tôi thầm nghĩ chẳng lẽ hôm nay ngày hội. Vậy mà tôi chưa bao giờ nghe bạn mình nói về lễ hội làng anh.
Vào nhà chỉ có vợ anh ở nhà trông cụ, còn anh Tính trong ban tổ chức lễ hội đang vào việc hội. Tôi vào phòng chào cụ nhưng cụ đang ngủ. Vợ anh Tính định gọi cho chồng, tôi ngăn lại để ra hội gặp anh. Cũng như các lần trước anh nhẹ nhàng trách tôi sao không gọi điện trước, vì nếu có bận việc gì thì anh cũng thu xếp ở lại nhà. Tôi trách lại anh. Anh Tính phân trần: Tôi định sang năm, hết hoi Covid mới mời anh đến xem hội, vì tôi cũng mới biết anh là dân nghiền “hội hè đình đám”.
Anh Tính giới thiệu tôi với ban tổ chức, với các cụ. Thế là tôi mặc sức hòa vào “thượng tầng” của không gian lễ hội để tìm hiểu. Cũng như bao lễ hội làng khác lễ hội làng Canh Trầm gắn liền với tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, một tín ngưỡng phổ biến ở làng quê Việt. Nó là biểu tượng thiêng liêng nhất của cả làng, là sự kết hợp đỉnh cao của tín ngưỡng sùng bái con người và tín ngưỡng sùng bái thần linh.
Đình và đền làng Xuân Trạch cùng nằm trên một khoảnh đất, có liên quan về lịch sử cũng như nghi lễ thờ cúng. Điều đặc biệt là cả hai mẹ con vị thần thành hoàng làng đều được dân làng thờ cúng. Mẹ được thờ ở đền, con được thờ ở đình. Qua quan sát và qua lời các cụ tôi được biết đây là lễ hội dân gian (có nhiều loại lễ hội) thờ Thần Thành hoàng Xạ Thần Quốc Cao Minh sơn và Thánh Mẫu, mẹ đẻ của Ngài.
Đình và đền ở làng Xuân Trạch đều được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa năm 1996. Hội làng diễn ra từ ngày 8 đến 13 tháng Ba (chính hội là mồng 10) diễn ra các hoạt động tế lễ Xạ thần quốc. Riêng ngày 13 là hội đền, ngày hội Chư bàThánh Mẫu (các cụ truyền lại, Thánh Mẫu góa bụa sớm nhưng vẫn giữ lòng thủy chung trinh tiết, được dân làng tôn vinh. Vì vậy, xưa kia trong hội này chỉ những phụ nữ góa bụa mới được vào ban tế lễ. Đó là một tục khác biệt nhằm tôn vinh sự thủy chung của người phụ nữ).
Theo cuốn lịch sử văn hóa làng Canh Trầm, theo “Xạ thần bi ký”, “Vương phả cổ lục” và các bản sắc phong từ thời Vua Lê Cảnh Hưng (xin cảm ơn anh Tính đã cung cấp cho tôi các tư liệu này) đến các vua nhà Nguyễn, làng được lập từ thuở các Vua Hùng dựng nước. Xạ Thần Quốc Lang là con thứ 5 của Hùng Nghị Vương, em của vua Hùng thứ 18. Hùng Nghị Vương được lệnh đem binh đi dẹp giặc ở biên giới. Khi thắng trận trở về qua trang Canh Trầm có một người con gái diện mạo thanh cao, khí chất hòa ái đang cắt cỏ. Người con gái đó là con một bậc phú hào họ Trương. Tên nàng là Trương Trinh Ngoạn, hiệu là Ngoạn Phi Vân, sắc đẹp chim sa cá lặn. Vương đem lòng yêu dấu, đưa về triều, lập làm phi thứ tư. Một thời gian sau, vào ngày 10 tháng Ba năm Ất Sửu, nàng Phi Vân sinh được một bé trai tuấn tú hơn hẳn người thường, được đặt tên là Minh Lang. Lớn lên Minh Lang có tài bắn cung trăm phát trăm trúng nên được vua quan trong triều vô cùng yêu quý, ban cho chàng là Xạ Thần Quốc Lang. Chàng thường xuyên lui về quê mẹ cứu giúp người bệnh, người nghèo. Từ đó trang canh Trầm được mở mang phát triển thành một nơi trù phú, đông vui bên bờ sông Đuống. Thấy ân tình của Xạ Thần với bản trang sâu nặng, nhà vua phong ấp cho chàng ở quê hương mẹ.
Thời gian đó Thục Chúa lăm le xâm phạm bờ cõi nhà Hùng. Xạ Thần cùng với Tản Viên Sơn Thánh nghênh chiến với quân Thục. Xạ thần giữ vững vùng Châu Mộc, đánh tan quân Thục, trở về trang mở tiệc khao binh lính và dân làng. Trên đường trở về phủ nội, bỗng nhiên trời đất tối sầm, Xạ Thần đột ngột trở về trời. Vua vô cùng thương tiếc phong tặng danh hiệu Xạ Thần Quốc Lang Cao Minh Sơn Đại Vương. Dân làng thương tiếc lập đền thờ, tôn làm thành hoàng làng thờ tại đình, lại thờ bà Phi Vân, mẹ của Ngài và lập đền thờ riêng (đền Mẫu).
Trong thời gian điền dã tôi còn được nghe một cụ ông và một cụ bà giải thích sự ra đời của tên hiệu “Phi Vân”, nghĩa là mây bay. Vì khi Thánh Mẫu, lúc sinh và lúc nhỏ khi đi cắt cỏ thường có đám mây ngũ sắc bao phủ. Tôi bỗng nhớ đến mô típ cô thôn nữ vừa cắt cỏ vừa ca hát: “Tay cầm bán nguyệt xênh xang/ Muôn vàn ngọn cỏ lay hàng tay ta”. Cô thôn nữ sinh ra Xạ Thần Lang cũng giống như bao cô thôn nữ mà dân gian tương truyền rằng vua Lê Thánh Tông, cũng như một số giai thoại của một số vị vua, chúa khác sau này đón về làm hoàng hậu, làm phi. Cách Canh Trầm không xa, ở Mía vào thời Lê-Trịnh, cô thôn nữ Nguyễn Thị Ngọc Dong đi cắt cỏ, cầm chiếc liềm cong như vầng trăng khuyết, cất lời hát ngân nga. Chúa Trịnh Tráng đi trên đường, bất chợt nghe thấy, liền bảo: “Người này sẽ lay chuyển tình thế đây!” nên xuống ngựa gặp và đem lòng sủng ái cô gái Mía xinh đẹp đất Đường Lâm…
Trong lễ hội có diễn ra lễ rước nước ngày khai hội. Khi mặt trời mới mọc, đoàn người đi rước nước đã khởi hành từ đình Canh Trầm ra bến sông. Dẫn đầu là đội múa lân, bà Thanh đề, những người mang cờ hội ngũ sắc. Kế tiếp là phường bát âm, gồm: Đàn, sáo, nhị, cồng chiêng, thanh la và cả một dàn trống. Dân gian gọi chung là phường bát âm cử nhạc réo rắt các làn điệu: Kim tiền, lưu thuỷ, xuân phong... Tất cả rộn ràng, âm vang sôi động một vùng.
Hai cỗ kiệu long đình và bát cống đi đầu do những thanh niên khoẻ mạnh khiêng. Trang phục của họ: áo đỏ, vàng, cổ áo viền xanh. Đoàn rước trong trang phục chỉnh tề theo nghi lễ truyền thống. Các cụ mặc áo dài đỏ, đầu đội mũ cánh chuồn, chân đi hài. Đội tế nam mặc trang phục áo dài màu xanh, chân đi hài, đầu đội mũ quan. Đội tế nữ mặc áo dài màu vàng, chân đi hài, đầu vấn khăn thể hiện sự trang nghiêm, tôn kính.
Trên một chiếc kiệu có đặt một chiếc bình sứ, ngoài phủ vải điều để đựng nước thiêng. Đi sau kiệu rước này là các vị bô lão, quan khách, đại biểu các đoàn thể, dân làng địa phương. Tiếp đến là cỗ kiệu bát cống có hương án, tán vàng lọng tía. Hai bên cờ quạt hương nến, phẩm quả, nghiêm trang, chỉnh tề, náo nhiệt từ làng tới đê.
Khi đoàn rước ra tới bến sông, bình sứ được đưa xuống thuyền trước tiên. Sau đó là rồng vàng đưa xuống tiếp theo. Trống chiêng gióng lên từng hồi, âm vang thúc giục. Con rồng vàng được giương cao uy phong trên sóng nước. Ba chiếc thuyền lướt ngược lên phía trên, ra giữa dòng (gần như tất cả các lễ hội lấy nước ở sông tôi được tham dự, đều phải ra giữa dòng. Theo quan niệm dân gian, có lẽ ở đó mới là nước sạch, nước tụ đủ khí âm dương).
Vị chủ lễ trịnh trọng đọc bản sớ trình xin rước nước. Sau đó vị chủ lễ cùng các bô lão đốt hoá bản sớ trình, thả xuống dòng sông. Những cô gái vận áo dài đỏ, xưa kia là áo tứ thân nhẹ nhàng múc nước dưới sông đổ vào bình sứ để đưa lên kiệu rước trở về đình trước khi làm lễ dâng hương. Sau đó đoàn rước nước trở về theo thứ tự như lúc khởi hành.
Các cụ cho biết thường có lệ các thôn nữ ra sông lấy nước thiêng về đình (ở một số nơi là các vị bô lão, ở Phù Đổng là cơ binh). Có lẽ vì các thôn nữ nông thôn xưa nay vốn chăm chỉ sớm khuya việc tầm tang, đảm đang một nắng hai sương cấy hái vun trồng nên bao đời nay được ưu ái trong lễ múc nước. Cũng có lẽ theo quan niệm xưa, phụ nữ nói chung là biểu hiện của âm trong thuyết âm dương cổ. Giống như câu ca “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Đó là lẽ trời, lẽ đời, là đạo lý.
Lễ rước nước là một lễ thức ở nhiều lễ hội cổ truyền ở đồng bằng sông Hồng, ở cả nước, ở khu vực Đông Nam Á và phổ biến ở những lễ hội dọc các bờ sông trên cơ sở nền kinh tế, nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Qua bao phen bể dâu biến cải, lễ thức này vẫn còn “ảnh xạ” lại trong lễ hội Canh Trầm, là sự biểu hiện sinh hoạt văn hoá - tâm linh sống động, đặc sắc không chỉ của người dân Canh Trầm mà còn là mẫu số chung trong các lễ hội của cộng đồng cư dân nông nghiệp ở nhiều nơi.
Tôi cho rằng nghi thức “múc nước” và “rước nước” ở Canh Trầm nguyên thủy là nghi lễ nông nghiệp, giống như tết Pi May của Lào, tết Timây của Cămpuchia gắn liền với nghi thức té nước. Đó là tín ngưỡng cầu mưa. Mưa trong tháng Ba và đầu tháng Tư là mở đầu cho một mùa vụ, là “tết mưa giông”. Còn tết cơm mới, xôi mới tháng Mười là tết kết thúc mùa vụ. (Các nhà khoa học nông nghiệp đã chứng minh lúa mùa cổ xưa nhất của cư dân Việt là trồng vào đầu mùa mưa: Tháng Tư cày vỡ ruộng ra, Tháng Năm gieo mạ chan hòa nơi nơi).
Về căn bản, lễ hội Canh Trầm là nhằm tôn vinh người anh hùng huyền thoại Xạ Thần Lang, người anh hùng có công giữ gìn bờ cõi Hùng triều. Hội Canh Trầm từ một tín ngưỡng về nghi lễ nông nghiệp cổ truyền cầu mưa, với thời gian lịch sử đắp đổi, đã trở thành một tín ngưỡng thờ người anh hùng bảo vệ bờ cõi, có công xây dựng, mở mang làng xóm, biểu hiện lòng tri ân “mẹ con” thần thành hoàng làng qua nghi lễ rước nước. Nghi lễ múc nước, rước nước cũng là biểu hiện mong ước mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, dân làng có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Theo tôi, lễ hội làng Xuân Trạch có giá trị lịch sử sâu sắc bởi nó hướng về cội nguồn, chứa đựng những minh chứng về một thời kỳ lịch sử của dân tộc, đồng thời là môi trường bảo tồn, giáo dục và lưu truyền văn hoá truyền thống, là biểu tượng của sự đoàn kết cộng đồng và biểu dương sức mạnh tập thể của nhân dân, đồng thời nhắc nhở con cháu về truyền thống uống nước nhớ nguồn, ghi khắc công ơn những người có công với dân, với làng, với nước.
Từ khoảng 8h 30 tôi ngồi theo dõi ba tuần tế ở ngôi đình làng, một ngôi đình cổ bề thế. Trên ban thờ có bức hoành phi với 3 chữ Hán “Thánh vị tiền”. Ở hậu cung trên Thần vị của Ngài có bức đại tự “Cao Sơn Tướng Quốc”. Anh Tính cho tôi biết, năm nay vì dịch Covid-19, thực hiện theo lệnh của chính quyền không tổ chức hội, nhưng chính quyền vẫn cho phép thực hiện nghi thức tế lễ. Tôi thấy có khoảng ba, bốn chục người cùng với các cụ, các ban ngành, đoàn thể tập trung trong đình. Đông đảo dân làng bắt đầu mang đồ lễ đến bái vọng để ở tảo mạc. Ai nấy đều kính cẩn, thành kính hành lễ theo nghi lễ bốn lạy (bốn lạy là tượng trưng cho bốn phương, tứ tượng, bao gồm cõi âm cõi dương mà hồn ở trên trời, phách vía ở dưới đất).
Mặc dầu đã giản lược nhưng tôi thấy việc tổ chức tế lễ vẫn trọng thể với nhiều cờ xí, với ban nhạc lễ năm người, với đầy đủ phẩm phục, phẩm vật tế lễ Tam sinh. Thành phần tế lễ bao gồm:
- Chủ tế (ông từ): Chủ trì nghi lễ.
- Bồi tế: Hai người phụ giúp chủ tế.
- Đông Xướng và Tây Xướng: Hai người đứng hai bên hương án đọc nghi thức hành lễ .
- Nội tán: Hai người hướng dẫn chủ tế ra vào, trợ giúp Đông Xướng và Tây Xướng.
- Chấp sự: Hai người đứng hai bên giúp dâng hương, dâng rượu, chuyển chúc văn , đọc chúc văn.
- Đồng văn: Người lo việc đánh chiêng trống.
Nghi thức tế lễ bao gồm các bước: 1. Nghênh thần (chủ tế lễ bốn lễ, như đã giải thích ở trên), 2. Hiến lễ: Dâng lễ 3 lần, quỳ lễ và đọc văn tế (ba tuần tế). 3. Âm phúc và thu tộ: chủ tế nhận lộc thần linh ban. 5. Lễ tạ: Chủ tế lễ bốn vái.
Theo dõi xong 3 tuần tế tôi sang đền mẫu (thờ mẫu là một hình thức tín ngưỡng đặc trưng của cư dân nông nghiệp biểu hiện sự kính trọng với quyền năng sinh sản và công ơn với người mẹ). Đền mẫu thờ bà “Phi Vân” giống như bao đền thờ mẫu khác, phía trước có nguồn nước. Ở Canh Trầm là hồ bán nguyệt. Bên trong đền bài trí nhiều mũ nón quai thao, hài và đồ dùng đặc trưng của phụ nữ. Không gian có ba tầng thờ. Bên trên cùng là thờ đôi thanh xà, bạch xà (đôi rắn xanh và rắn trắng trên sát bờ nóc. Đây là lớp văn hóa có từ thời nguyên thủy). Phía dưới đất là ban thờ ngũ hổ hay còn gọi là ông ba mươi (ban thờ này cũng thuộc về lớp văn hóa nguyên thủy). Ở chính giữa, gian giữa là ban thờ vua cha Ngọc Hoàng, Ngũ vị tôn ông. Gian bên trái (từ đền nhìn ra) là ban Sơn Trang (thờ bà chúa Sơn Trang; theo cá nhân tôi thuộc về lớp văn hóa khác dung hợp vào đền thờ mẫu Tam/Tứ phủ). Gian bên phải (từ đền nhìn ra là ban thờ đức Thánh Trần; Xin xem bài Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần cũng trong trang Facebook này để hiểu thêm về một tín ngưỡng đặc trưng riêng của người Việt).
Hậu cung là Tam tòa Thánh Mẫu: Đệ nhất Mẫu Thiên, áo đỏ; Đệ nhị Mẫu Thượng ngàn, áo xanh; Đệ tam Mẫu thoải (thủy), áo trắng. Ba mẫu cai quản ba phủ/vùng (xin xem bài Một buổi xem hầu đồng cũng trong trang Facebook này để hiểu thêm về tín ngưỡng thờ mẫu, một di sản văn hóa nhân loại của riêng người Việt). Và điều đặc biệt nhất là tượng Mẫu Phi Vân đầy đặn phúc hậu đẹp như ngọc ngà. Mẫu ngự ở trên cao, trên cả Tam tòa thánh mẫu có Chầu Quế, Chầu Quỳnh ở hai bên. Đây là điều khác thường. Nhưng rất có lý vì trong tâm thức người Canh Trầm Mẫu còn sinh ra cả Thánh Xạ Thần Quốc Cao Minh Sơn Đại Vương, cũng giống như bà mẹ Phù đổng Thiên Vương sinh ra Thánh Gióng, không ai có thể hơn Mẫu.
Trong lúc tôi tìm hiểu suy ngẫm, bên ngoài các thiếu nữ xinh đẹp trong tà áo dài đỏ múa điệu múa sinh tiền thật đắm say, duyên dáng. Sau điệu điệu múa sinh tiền là màn múa quạt của các mẹ, các bà vận áo vàng rực, xập xòe trong tiếng hát chầu, tiếng đàn sáo nhị hòa quyện đến nao lòng. Bởi người dân quan niệm phải hát thật hay, thật ngọt. Phải múa thật đẹp, thật dẻo thì các mẫu mới giáng. Dân làng mới thịnh vượng, phát đạt. Đúng là một màn diễn xướng nghệ thuật tổng hợp. Một nét đẹp rất văn hóa. Tôi không bao giờ nghĩ quan niệm đó là quan niệm mê tín.
Anh Tính cho tôi biết, tất cả đều là của dân, do dân và vì dân. Họ tự nguyện đóng góp, cung tiến. Có người cung tiến đến vài chục triệu đồng. Anh Tính còn cho tôi biết nếu không có Covid còn có thể thao, bóng chuyền. Tối đến là văn nghệ của các cháu, của đoàn thanh niên, của hội phụ nữ, hội cựu chiến binh... Đúng là ngày hội của tất cả các tầng lớp trong làng.
Chiều ra về, vẫn trong lúc xúc cảm thẩm mỹ dâng trào, tôi có nói với anh Tính, một giá trị của lễ hội truyền thống là ở tính tự quản, tinh thần dân chủ trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Lễ hội truyền thống của Canh Trầm, cũng như ở các địa phương khác là của dân, do dân và quay trở lại phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa, tín ngưỡng của dân. Anh ở trong ban tổ chức, không biết anh có đề cập vấn đề tổ chức lễ hội làng là một tiêu chí của nông thôn mới không?
Tien Nguyen, Thành Vũ và 81 người khác
33 bình luận
3 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.