Cảm nghĩ về Hàn Quốc và bán đảo Triều Tiên

Leave a Comment
Cảm nghĩ về Hàn Quốc và bán đảo Triều Tiên
Rời sân bay Nội Bài vào lúc 10h50 tối. Trên đường bay tới Seoul, tôi cứ suy nghĩ miên man. Nếu không có chuyến bay thứ hai tới Đại Hàn Dân quốc có lẽ tôi chỉ hiểu sơ sơ về Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (CHDCNDTT- Bắc Triều Tiên) và Đại Hàn Dân quốc (ĐHDQ- Hàn Quốc) từ năm 1945 đến nay. Đó là những kiến thức về lịch sử và quan hệ quốc tế mà tôi đã được học ở bậc sau đại học. Nói một cách tổng quát, hai miền Triều Tiên là sản phẩm của cuộc Chiến tranh Lạnh. Từ năm 1950 đến năm 1953 hai miền đã nổ ra một cuộc chiến tranh. Ngày 26/5/1950 Bắc Triều Tiên phát động chiến tranh nhằm thống nhất đất nước, kéo theo một bên là liên quân Trung-Triều và một bên là liên quân Liên hợp quốc, chủ yếu là Mỹ- Hàn tham chiến. Ngày 27/7/1953 hai bên đã ký Hiệp định Đình chiến Triều Tiên. Đến năm 1991, hai miền chính thức gia nhập Liên hợp quốc và trở thành hai quốc gia độc lập phát triển theo hai con đường riêng: Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa.
Vì có chuyến đi này tôi mới dành thời gian tìm hiểu về tình hình Đông Bắc Á qua một số tài liệu tiếng Việt, tiếng Anh về CHDCNDTT và ĐHDQ (tôi đã trình bày một số vấn đề trong hai bài viết trước). Nói một cách vắn tắt, hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại đã tạo ra hai nước Triều Tiên. Nhưng trong tâm thức người Triều Tiên, cũng giống như người Việt sau năm 1954, không thể một dân tộc mà có hai miền hai đất nước. Cả hai miền đều đã cố gắng theo cách riêng để thống nhất đất nước, dù các nước lớn “dàn xếp” chia tách họ thành hai quốc gia.
Theo tiếng Triều Tiên, từ Triều Tiên có nghĩa là buổi sáng tươi đẹp. Dân tộc Triều Tiên thuộc một trong những dân tộc thuần nhất, một trong những dân tộc có nền văn minh lâu đời nhất trên thế giới. Con người từng có mặt trên bán đảo này từ thời kỳ đồ đã cũ. Họ sử dụng chung ngôn ngữ tiếng Triều Tiên, có hệ thống chữ viết đặc thù Hangul. Quốc gia Cổ Triều Tiên được thành lập năm 2333 trước Công nguyên. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, Triều Tiên đã xây dựng được một nhà nước thống nhất, độc lập. Cho đến khi Triều đại Triều Tiên (1392-1910) kết thúc, Triều Tiên trở thành thuộc địa của Nhật Bản.
Sau Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, Triều Tiên có cơ hội trở thành một quốc gia thống nhất. Nhưng lịch sử hiện đại, hay nói chính xác toan tính của hai cường quốc Xô-Mỹ theo trật tự hai cực đã bất công đối với họ (giống như sự chia cắt giữa Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1949, sự chia cắt giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa năm 1954). Trong 70 năm qua người Triều Tiên đã làm tất cả những gì cần làm để có một quốc gia thống nhất, giống như trong quá khứ họ đã từng làm chống lại phong kiến Trung Quốc, Nhật Bản, thoát khỏi ách đô hộ của Đế quốc Nhật sau hơn một thế kỷ. Nhưng giờ đây vĩ tuyến 38 vẫn là ranh giới chia cắt hai miền.
Tình hình bán đảo Triều Tiên hiện tại căng thẳng hơn bao giờ hết. Liệu có xảy ra một cuộc chiến thông thường hay một cuộc chiến hạt nhân? Hai miền Triều Tiên ngày hôm nay vẫn nằm trong toan tính lợi ích của chính quyền hai miền và bốn nước lớn Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản. Ngẫm kỹ tôi mới thấy thấm thía với lời giãi bày của một nhà nghiên cứu chính trị Hàn Quốc “Cái kỳ tích sông Hàn mà các bạn nói với chúng tôi, nếu so với kỳ tích thống nhất đất nước Việt Nam, về phương diện lịch sử, chính trị, văn hóa, cái nào mới đích thực là kỳ tích của một dân tộc”? Bao nhiêu năm nữa hai miền Triều Tiên mới thống nhất như Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức? Và cái giá của nó sẽ như thế nào?
4h sáng theo giờ Việt Nam, máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Incheon, một sân bay hiện đại sầm uất và nhộn nhịp nhất châu Á. Trời đất vẫn còn tờ mờ. Nhìn ra xung quanh sương giăng mờ ảo. Chỉ thấy những dãy núi chạy dài xa xa. Bước vào cầu cảng, dọc theo chỉ dẫn đi đến các nước, tôi bắt đầu thấy hình ảnh của một Hàn Quốc thuộc nhóm G20 và sắp tới là nhóm D10, một cường quốc kinh tế thu nhỏ dần hiện ra.
Mặc dầu đã đọc một số bài viết trên Wikipedia và các tài liệu tham khảo trên các trang báo nhưng đó là những thông tin thuần thúy sách vở. Còn bây giờ tôi chứng kiến hình ảnh trực quan, sinh động khi vào trong cầu cảng. Hai bên lối đi thang máy là đường đi bộ trải thảm màu ghi. Hệ thống dich vụ chức năng, các cửa hàng choáng ngợp chạy dài tít tắp với hệ thống đèn đủ các mầu. Tôi bắt đầu có ấn tượng hiện thực về sự phát triển, sự hiện đại, sự náo nhiệt, sự phồn hoa và cả sự chu đáo tinh tế của người Hàn khi so sánh với hàng chục sân bay tôi đã đi qua.
Người ta nói với tôi trong thời gian chờ chuyển tiếp sang Mỹ, tôi có thể đăng ký vào nghỉ theo giờ ở khách sạn năm sao. Giá cả phải chăng. Có đầy đủ các dịch vụ giải trí, nghỉ ngơi; có người đánh thức và đưa đến tận quầy chuyển tiếp làm thủ tục đi đúng giờ, nhưng tôi không muốn lãng phí thời gian cho việc giải trí, ngủ nghỉ mặc dù rất muốn xem xem khách sạn năm sao Hàn Quốc như thế nào.
Tôi hỏi thăm một nhân viên tìm đến Bảo tàng Văn hóa Triều Tiên (The Museum of Korean Culture), cái tên không hề gợi lên hai đất nước Triều Tiên. Tôi lên thang máy tới tầng trên cùng của khu cầu cảng. Bên tay trái tôi là một bảo tàng xinh xắn, cửa gỗ màu cánh kiến đóng im lìm. 5h30 mới mở cửa. Tức là còn một tiếng nữa. Tôi định xuống một tiệm cà phê nào đó nhâm nhi ăn sáng để chờ đợi, chợt thấy bên phải cầu thang máy, bên trái bảo tàng có khoảng 20 chiếc giường nệm da sang trọng cho khách nằm nghỉ. Có ba bốn thanh niên nam nữ người nước ngoài đang ngủ. Tôi không thấy có một sân bay quốc tế nào tôi đã đi qua có cái dịch vụ tốt như thế này. Thật thoải mái khi nằm trên tấm nệm êm ái, ấm áp, miễn phí chợp mắt một lúc.
Ánh sáng chói lòa chiếu vào mặt khiến tôi tỉnh giấc. Tôi đã chợp được một tiếng rưỡi. Tôi vội vàng đánh răng rửa mặt và trở lại bảo tàng. Một cô gái ngồi trước một cái bàn nhỏ đứng dậy nói bằng tiếng Anh mời tôi vào. Lác đác một số người nước ngoài đang chăm chú theo dõi những hình ảnh, hiện vật ở bên trong. Bảo tàng không lớn như tôi hình dung, nhưng có đến bảy khu trưng bày hiện vật cùng hình ảnh minh họa bằng video kèm theo máy tính. Ngoài ra còn bốn phòng chuyên biệt trưng bày, giới thiệu nghệ thuật truyền thống, âm nhạc truyền thống, văn hóa hoàng gia và văn hóa in khắc.
Tôi xem khá kĩ từng khu, từng phòng. Những hình ảnh, hiện vật, âm thanh từ trong quá khứ hàng ngàn năm đầy sống động thức dậy bao trí tưởng tượng trong tôi. Những bản in khắc, những tác phẩm theo các thể loại, những bức tranh, hình ảnh những ngôi chùa cùng tượng phật, những hiện vật đồ gốm, đồ kim loại, đồ dùng, sinh hoạt của tầng lớp hoàng gia đến tiện dân, những kiểu quần áo, trang trí hoa văn, những công trình kiến trúc điêu khắc, những di sản về văn hóa nghệ thuật cứ lôi cuốn hấp dẫn tôi. Đúng là một kho tàng trí tuệ, nhân văn, đem lại cho người xem những giờ phút thật tuyệt vời.
Không biết điều gì đã làm tôi rung động đến như vậy ở cái đất nước xa xôi này. Nhất là khi tôi nhìn vào hàng chục cuốn sách dày cộp, những công trình về khảo cổ, văn hóa Triều Tiên. Tôi lướt qua đề mục một vài cuốn. Chốc chốc lại nhìn đồng hồ xem đến giờ đi chưa. Tôi ước tại sao thời gian chuyển tiếp không phải là mười tiếng hay là nửa ngày. Thật là tiếc. Chắc đoán được tâm trạng tôi, cô gái Hàn Quốc tủm tỉm cười, đến bên cạnh đưa cho tôi một tập sách giới thiệu về văn hóa Triều tiên để tôi có thể xem trên máy bay. Phải chăng đó là sự tương đồng về lịch sử văn hóa lâu đời giữa hai dân tộc Việt-Triều; cả hai đều chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung hoa, nhất là về đạo Khổng, đạo Phật cùng với số phận bi hùng của các cuộc chiến tranh từ phương Bắc, phương Tây.
Không chỉ vì đồng châu, đồng chủng, đồng văn, tôi chợt nghĩ tới dòng họ Lý ở Việt Nam, khi nhà Trần đoạt quyền lực bằng một cuộc chuyển giao ngoạn mục nhưng cũng vô cùng đẫm máu, một bộ phận trong hoàng tộc họ Lý đã chạy sang đất nước buổi sáng tươi đẹp này để sinh tồn vào năm 1226, để rồi đầu những năm 2000, đại diện cho chi tộc họ Lý ở Hàn Quốc mang gia phả về nhận lại tổ tiên trong một ngày hội ở đền Lý Bát đế tại xứ kinh Bắc Việt Nam. Thật là một câu chuyện dài đầy bất ngờ và cảm động.
Tôi cũng chợt nghĩ đến một nhà trí thức xứ Kim Chi quỳ xuống để cầu xin người dân Bình Định ở Việt Nam tha thứ cho những hành động man rợ của binh lính Hàn Quốc trong các vụ thảm sát hơn năm mươi năm trước; một tượng đài ở Hàn Quốc sắp được dựng lên để ghi nhớ những tội ác đáng hổ thẹn trong quá khứ của họ. Và cho đến ngày hôm nay, hàng trăm ngàn cô dâu đất Việt, vì những lí do lịch sử, kinh tế đã đến làm dâu đất Hàn. Có những số phận bi thảm, nhưng đại đa số những người phụ nữ đó đã tìm được hạnh phúc nơi đất khách quê người. Cũng có lẽ vì thế tôi có thiện cảm với người Triều Tiên chăng.
Thêm vào đấy, Hàn quốc đã trở thành nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam. Tôi sẽ trình bày một bài viết về đầu tư của ĐHDQ vào Việt Nam và quan hệ thương mại giữa hai nước cũng như quan hệ của Việt Nam với CHDCND Triều Tiên trong những bài viết sau. Hàn Quốc cũng là nhà cung cấp viện trợ lớn cho Việt Nam. Hiệu quả đầu tư, sử dụng vốn ODA đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của Việt Nam. Họ thuộc về đẳng cấp cao hơn so với các tập đoàn kinh tế, thương mại Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam…
Từ năm 1950 đến nay, đương nhiên Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên vẫn là hai nhà nước thù địch lẫn nhau vì cái ý thức hệ. Nhưng sau khi Việt Nam thống nhất, sau khi nước Đức thống nhất, và đặc biệt sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc người Triều Tiên có động lực để tìm một con đường cho hai miền. Quan hệ hai miền bắt đầu được cải thiện. Sự cải thiện này chủ động thuộc về ĐHDQ. Đáng lưu ý nhất là Chính sách Ánh dương, chính sách ngoại giao Hàn Quốc thực thi từ năm 1988 do Tổng thống Kim Dae Jung đề xướng. Ông đã được giải thưởng Nobel về hòa bình năm 2000. Chính sách Ánh Dương đã đưa đến sự hợp tác chính trị to lớn trong lịch sử quan hệ liên Triều. Hai cuộc họp thượng đỉnh liên Triều diễn ra tại Bình Nhưỡng tháng 6/2000 và tháng 10/2007 đã đem lại một số dự án kinh tế thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, cùng với kết quả những cuộc gặp mặt ngắn ngủi đầy nước mắt của những gia đình Triều Tiên li tán hơn sáu mươi năm sau chiến tranh.
Chính sách Ánh dương dựa trên ba nguyên tắc: i, Không khiêu khích quân sự; ii, Miền Nam sẽ không cố gắng thu hút miền Bắc bằng bất cứ cách nào; iii, Miền Nam chủ động tìm kiếm sự hợp tác. Chính sách này gửi đi một thông điệp là Hàn Quốc không mong muốn thôn tính hoặc ngầm phá hoại Bắc Triều Tiên. Mục tiêu là cùng chung sống hòa bình, thúc đẩy đối thoại, hợp tác tiến tới hòa giải và thống nhất hai miền Triều Tiên. Lộ trình con đường tươi đẹp này sẽ đi qua ba giai đoạn: 1, Hai miền thành lập một nhà nước liên bang; 2, Liên bang bao gồm chính quyền tự trị của hai miền; 3, Hai miền có thể chọn hai phương thức thành lập chính quyền trung ương và tự trị.
Rất đáng tiếc là hai miền có quá nhiều nghi kị, đặc biệt là phía CHDCNN Triều Tiên, phía cảm thấy yếu thế đã không tận dụng được cơ hội này để đáp ứng lòng mong mỏi của người dân hai miền. Có ý kiến cho rằng, phía Bắc Triều Tiên chỉ lợi dụng tình cảm của người dân hai miền, tranh thủ nguồn viện trợ của Hàn Quốc và quốc tế, lấy viện trợ để phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và đầu tư vào quốc phòng. Có ý kiến cho rằng trở ngại lớn nhất là 38.000 quân Mỹ đóng ở Hàn Quốc và chính sách thù địch của Mỹ. Có ý kiến cho rằng đứng đằng sau là Trung Quốc, nước viện trợ lớn nhất cho Bắc Triều Tiên tìm mọi cách cản trở, dùng Triều Tiên để mặc cả với Mỹ về những vấn đề lợi ích của họ… Và chính sách Ánh dương đã tắt ngấm.
Dường như phía Hàn Quốc hiểu được nguyên nhân chính sách Ánh dương của họ thất bại. Tuy nhiên Seoul vẫn kiên trì đề ra chính sách ngoại giao Xây dựng niềm tin ở Đông Á. Một mặt Seoul vẫn thắt chặt liên minh với Mỹ, một mặt họ thực hiện chính sách xây dựng niềm tin nhằm cải thiện và duy trì sự ổn định quan hệ với Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Nhật Bản. Seoul xây dựng niềm tin với Bình Nhưỡng nhằm ngăn chặn nguy cơ hạt nhân và thúc đẩy hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Họ nhìn vấn đề xa hơn là phải thúc đẩy Sáng kiến hòa bình và hợp tác ở Đông Bắc Á để tạo ra sự tin tưởng, thúc đẩy hợp tác Trung-Nhật-Hàn làm động lực. Đi xa hơn nữa là tăng cường quan hệ với các nước thành viên ASEAN, Ấn Độ và châu Âu để thúc đẩy kinh tế cũng như về chính trị trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Họ hiểu rằng không thể có một bán đảo Triều Tiên hòa bình, thống nhất mà không có sự ủng hộ của Trung Quốc. Nhưng họ đã lầm. Trung Quốc thực chất không làm được cái điều như Hàn Quốc từng mong đợi, ngoài việc họ muốn duy trì tình trạng chia cắt bán đảo Triều Tiên.
Cho đến nay, người Hàn không thấy có sự thay đổi nào trong quan hệ với Bắc Triều Tiên. Còn đối với Nhật Bản, giữa hai nước vẫn nguội lạnh vì vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ. Quan hệ với Trung Quốc có nồng ấm nhưng vẫn xung đột hợp tác an ninh chính trị, đến nỗi Chính phủ Hàn Quốc phải triệu đại sứ Trung Quốc tới chất vấn, gửi công hàm yêu cầu phía Trung Quốc giải thích rõ phát ngôn của người đại diện cho Đại sứ quán ở Seoul về vấn đề triển khai hệ thống tên lửa THAAD có phải là quan điểm của Chính phủ Trung Quốc hay không.
Hàn Quốc từ trước đến nay vẫn tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ, chấp nhận quân đội Mỹ đóng trên lãnh thổ, nhận sự bảo hộ an ninh của Mỹ và chấp nhận sự triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD. Bao nhiêu năm qua chính sách đối ngoại của Hàn Quốc là dựa trên nền tảng liên minh quân sự Mỹ Hàn để bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước. Mặc dù thương mại với Trung Quốc đã vượt Mỹ, nhưng họ tin Mỹ chứ không tin Trung Quốc. Thực tế họ đã vươn lên trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại, tiên tiến, thịnh vượng hàng đầu châu Á. Cũng như Nhật Bản, không một nhà quan sát quốc tế nào hoài nghi về chủ nghĩa dân tộc và bản sắc riêng của xứ Cao Ly.
Dân tộc Triều Tiên là một trong những dân tộc có bản sắc. Sức mạnh của một dân tộc thường được đánh giá qua bốn yếu tố. Một là chế độ chính trị xã hội. Hai là chủ quyền quốc gia. Ba là cộng đồng dân tộc. Bốn là văn hóa dân tộc. Trong đó yếu tố cộng đồng dân tộc và văn hóa dân tộc là nền tảng tạo nên bản sắc của một dân tộc. Trên bước đường lịch sử, dân tộc Triều Tiên, cũng như các dân tộc khác có con đường đi riêng của mình. Họ không có tham vọng bành trướng lãnh thổ, không đi xâm lược hoặc chinh phục các dân tộc khác.
Do có vị trí địa chính trị rất quan trọng, giống như dân tộc Việt, họ luôn bị các thế lực ngoại xâm dòm ngó và xâm lược. Tuy diễn tiến qua thời gian có lúc thăng có lúc trầm, nhưng họ luôn giữ gìn được sự thống nhất đất nước. Ở mỗi khúc quanh của lịch sử, người Triều Tiên đều thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ, nghị lực để vươn lên trong nhiều lĩnh vực. Tôi tin rằng với truyền thống dựng nước, giữ nước kiên cường, với một nền văn hóa rực rỡ, người Triều Tiên biết mình phải làm gì để xứng đáng với lịch sử của họ.
Thanh Vũ, Phạm Lý và 35 người khác
26 bình luận
2 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

 

Read More

Tại sao Triều Tiên lại cố tình phát triển vũ khí hủy diệt

Leave a Comment

  Năm 2005 Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã tuyên bố đất nước họ sở hữu vũ khí hạt nhân và hệ thống phóng tên lửa đạn đạo, cùng với một kho vũ khí hóa học đáng kể. Mặc dù thời điểm đó có nhiều người hoài nghi về trình độ công nghệ, hoặc cho rằng nước này cố tình tự đạo diễn về khả năng của mình, thì cho đến ngày hôm nay thế giới phải thừa nhận tuyên bố của Triều Tiên đã trở thành hiện thực.

Cuộc tập trận quân sự thường niên lớn nhất trong lịch sử giữa Mỹ và Hàn Quốc đã diễn ra như tôi đã trình bày ở phần trước. Lệnh trừng phạt khắt khe chưa từng có của cộng đồng quốc tế đã được thực thi. Tuy nhiên Triều Tiên có chịu xuống thang hay chưa, dường như câu trả lời vẫn là chưa. Triều Tiên liên tiếp đáp trả lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an bằng những hành động cứng rắn, không khoan nhượng. Ngoài việc nhiều lần phóng tên lửa tầm trung, tầm xa, họ còn tuyên bố khẩn trương chuẩn bị cho lần thử nghiệm hạt nhân thứ năm, đồng thời tăng cường nghiên cứu, phát triển đầu đạn hạt nhân thu nhỏ. Tuy thời gian gần đây Mỹ-Triều Tiên đã có hai cuộc họp ở Singapore và Hà Nội, một bước đột phá mới trên bán đảo Triều Tiên, nhưng tình hình mới chỉ lắng dịu chứ chưa có bước tiến triển khả quan nào.
Nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng thời điểm cuộc tấn công của liên quân Mỹ-Hàn cùng với đồng minh Nhật có lẽ đã được quyết định trước khi Triều Tiên có thể sở hữu đầu đạn hạt nhân và tên lửa tầm xa vươn tới Mỹ. Tôi cho rằng dẫu tình hình nước sôi lửa bỏng như vậy nhưng vẫn chưa đến lúc xảy ra chiến tranh, bởi vì nó chỉ trở thành thực tế khi cả Trung Quốc và Nga, hai nước có đường biên chung với Triều Tiên đều đồng ý quan điểm của Mỹ- hai ông lớn có vai trò gần như quyết định số phận của Tiều Tiên.
Tôi băn khoăn tự hỏi khi cả cộng đồng quốc tế dồn ép Triều tiên vào bước đường cùng, liệu Triều Tiên có liều lĩnh phản ứng tự sát bằng một cuộc chiến tranh thông thường, thậm chí một cuộc chiến tranh hạt nhân với Hàn Quốc, Nhật Bản và có thể là cả Mỹ? Mọi người cứ thử hình dung xem, khủng bố đã làm được những điều vượt xa sự tưởng tượng của con người thì tại sao Bình Nhưỡng lại không thể làm được những điều mà chỉ có Trời mới biết được. Chỉ cần một hành động mạo hiểm, ngông cuồng, dân tộc chủ nghĩa cực đoan- điều mà người ta từng thấy ở phát xít Đức và phát xít Nhật trước đây, giờ đây đang có biểu hiện ở một số quốc gia là có thể sẽ đẩy nhân loại đến bờ vực thảm họa.
Chúng ta hãy nghe cựu ngoại trưởng Mỹ Collin Powell phát biểu trong cuộc gặp gỡ báo chí của đài NBC ngày 6 tháng 9, 2015 : “Tôi đã nói với người Triều Tiên cũng như Iran trong nhiều dịp tiếp xúc rằng: Các anh biết rõ bất kì khi nào các anh sử dụng chúng (vũ khí hạt nhân), các anh sẽ tự sát bởi đất nước và xã hội các anh sẽ sụp đổ vào đúng ngày hôm sau”. Ông nói tiếp: “Các anh có thể giết chết hàng chục ngàn người, phá hủy một phần của một thành phố và ngày hôm sau các anh sẽ thấy ngay hậu quả về những gì mình đã làm”. Ông ta cho rằng việc cố gắng phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt “sẽ là sự lãng phí tiền của, thời gian. Thay thế vào đó, tôi nghĩ những gì cần làm là nên hợp tác toàn diện”.
Tôi tin phát biểu của Collin Powell sẽ là hành động đáp trả của Mỹ đối với Triều Tiên nếu họ ra tay hành động trước. Hai quả bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản tháng Tám năm 1945 là một minh chứng. Cuộc chiến tranh can thiệp của Mỹ chống Triều Tiên và chí nguyện quân Trung Quốc năm 1950-1953 là một bằng chứng tiếp theo. Cuộc Chiến Mỹ tiến hành ở Việt Nam, cuộc chiến do Mỹ và NATO phát động tấn công Cộng hòa Liên bang Nam Tư, cuộc chiến tranh nhân danh liên minh chống khủng bố vào các nước như Afgasnistan, Irac, Libi, hiện tại Siri là những bằng chứng thuyết phục nữa. Bao nhiêu năm trở lại đây, các quan chức Mỹ thay mặt cho nước Mỹ đến dự lễ kỷ niệm về thảm họa bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hirosima và Nagaraki, mặc dù người Nhật đã nhắc khéo về cái chết của hàng trăm nghìn người dân vô tội Nhật, nhưng họ không hề cậy răng xin lỗi hay lấy làm tiếc về hành động trong quá khứ của Mỹ. Tại sao? Vì có thể là ngày mai hay ngày kia đầu đạn hạt nhân của Mỹ có thể phóng đến một nước nào đó, chẳng hạn như là Triều Tiên?
Iran đã phải lùi bước trước áp lực của Mỹ và phương Tây. Vấn đề hạt nhân của Iran gần như có thể đã được giải quyết. Thế giới và khu vực thở phào nhẹ nhõm. Nhưng Triều Tiên thì không. Khó khăn ở chỗ Triều Tiên đã sở hữu vũ khí giết người hàng loạt, không như trường hợp của Iran mới đang trên con đường tìm kiếm loại vũ khí này. Chính vì vậy, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã có lần ra thông báo “không có hứng thú với bất kì cuộc đàm phán nào với Oashington về chương trình hạt nhân” của nước này. Chương trình hạt nhân là sự răn đe cần thiết chống lại chính sách của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Sau khi thử thành công lần thứ tư, phía Triều Tiên gọi là thử thành công bom nhiệt hạch, họ tuyên bố: “Chúng tôi là một thế lực hạt nhân, và các thế lự hạt nhân đều có lợi ích riêng của mình”.
Cộng đồng thế giới đã nhiều lần yêu cầu Triều Tiên từ bỏ vũ khí giết người hàng loạt. Ngay cả Trung Quốc và Nga, các ông lớn đã từng sử dụng Triều Tiên cho những mục đích nước lớn của họ, cũng thật sự sốt sắng đưa Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán. Họ đã ép Triều tiên ngồi vào bàn đàm phán, nhưng Triều Tiên đàm phán, rồi lại bỏ đàm phán. Việc đó lặp đi lặp lại. Cho đến khi Triều Tiên đạt được mục đích họ mới tạm dừng bất chấp bao vây cấm vận.
Vậy thì nguyên nhân nào khiến Triều Tiên cố tình đi ngược xu thế của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Chúng ta còn nhớ vào năm 1968 Triều Tiên đã cùng với hầu hết các quốc gia trên thế giới ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Nghĩa là có một thời kỳ dài họ không có ý định hoặc không công khai có ý định sở hữu vũ khí giết người hàng loạt. Chỉ đến năm 2003 Triều Tiên mới rút ra khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tức là sau năm 2003 họ mới có ý định và công khai ý định sở hữu vũ khí hạt nhân.
Chúng ta hãy cùng nhìn lại hồ sơ hạt nhân của Triều tiên để có một lời giải cho bài toán về hạt nhân của nước này. Theo Wikipedia và báo chí một số nước phương Tây, Triều Tiên có tham vọng ban đầu sở hữu vũ khí hạt nhân từ năm 1956. Tôi cho rằng nhận xét này chưa đủ cơ sở mặc dù nhiều quốc gia vào thời điểm đó đều mong muốn dân tộc mình có vũ khí hạt nhân. Phải đến năm 1964, khi Trung Quốc thử thành công bom nguyên tử và tiếp theo là bom nhiệt hạch thì đó mới là cú hích thật sự đối với Triều Tiên.
Kim Nhật Thành dẫn đầu phái đoàn Đảng, nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sang thăm và chúc mừng Đảng, Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Kim bày tỏ nguyện vọng với Mao Trạch Đông, muốn được người anh vĩ đại chia sẻ công nghệ hạt nhân, nhưng Mao Trạch Đông đã từ chối với lí do Triều Tiên là một nước nhỏ, không cần thiết phải sở hữu loại vũ khí này. Không để mất lòng người em đầy tham vọng, “người cầm lái vĩ đại” đã hứa hẹn, cũng giống như họ đã hứa hẹn với người Việt cứ trường kỳ mai phục đánh Mỹ “cho đến người cuối cùng”, đằng sau đã có 600 triệu dân Trung Quốc và một đất nước rộng lớn bao la lo liệu và hỗ trợ.
Với tư tưởng Chủ thể tôi đã đề cập trong bài viết trước, Kim không từ bỏ ý định. Ông đã quay sang nhờ cậy sự giúp đỡ của Liên Xô (Liên bang cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết trước đây, đã sụp đổ năm 1991, sau đó Cộng hòa Liên bang Nga kế thừa). Tất nhiên, Liên Xô cũng chối từ. Để khỏi mất lòng “đứa con do mình đẻ ra vào năm 1945”, Liên Xô đã giúp Triều Tiên xây dựng nền khoa học quốc phòng và cơ sở nghiên cứu khoa học hạt nhân (cũng như Liên Xô đã từng giúp Trung Quốc trước khi hai nước cơm chẳng ngọt, canh chẳng lành- nó là cơ sở cho sự phát triển công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc ngày nay. Nguyên nhân cũng chỉ vì Liên Xô không chịu nhường quyền lãnh đạo và không chịu đánh Mỹ “cho đến người cuối cùng”).
Liên Xô giúp Triều Tiên xây dựng lò phản ứng nguyên tử ở Yongbyon, lò phản ứng này hoạt động từ năm 1965 đến 1973 và đã cung cấp cho Triều Tiên nguyên liệu làm giàu urani 10%. Đây chính là cái cơ sở đầu tiên nuôi tham vọng của dòng họ Kim ở xứ Cao Ly này. Năm 1974, các chuyên gia Triều Tiên đã tự thực hiện việc hiện đại hóa lò phản ứng, đồng thời chuyển sang sử dụng nhiên liệu được làm giàu đến 80%. Năm 1979, năm mà Kim Nhật Thành tuyên bố đã hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, đỉnh cao phát triển của đất nước Thiên Lí Mã, họ đã tự xây dựng lò phản ứng nguyên tử thứ hai cùng với một nhà máy sản xuất các thanh nhiên liệu và chính thức chuyển sang thời kì phát triển vũ khí hạt nhân.
Mặc dầu vậy, con đường chế tạo bom hạt nhân là một con đường gian nan, gập ghềnh. Nó không chỉ phụ thuộc vào ý chí, trình độ nghiên cứu lí thuyết, trình độ công nghệ, việc ứng dụng thực hành mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Có lẽ Triều Tiên đã bế tắc ở một khâu nào đó. Vì vậy công việc phát triển dậm chân tại chỗ nhiều năm. Cũng chính vì vậy họ đã ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân để trở thành một quốc gia yêu chuộng hòa bình, cũng giống như đa số các nước đang phát triển khác.
Tình hình đã trở nên khác vào thập niên 1990 khi người Triều Tiên tiếp cận được với công nghệ hạt nhân của Pakistan. Về vấn đề này còn có nhiều tranh cãi, bởi vì không có một quốc gia nào chịu thừa nhận rằng nước mình đã làm những chuyện phi pháp, vi phạm luật pháp quốc tế. Tất cả đều tuân thủ luật pháp quốc tế. Chỉ biết rằng có sự mờ ám trong việc trao đổi công nghệ tên lửa và công nghệ hạt nhân giữa hai nước. Vì vậy năm 2003 Triều Tiên đã rút khỏi Hiệp ước không phổ biến hạt nhân để đến năm 2005 Triều Tiên tự nhận mình đã bước vào hàng ngũ các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ngày 8 tháng 10, 2006 Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân lần thứ nhất.
Ngày 25 tháng 5, 2009 Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân lần thứ hai.
Ngày 12 tháng 2, 2013 Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân lần thứ ba.
Ngày 6 tháng 1, 2016 Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân lần thứ tư.
Từ năm 2016 Triều Tiên liên tục thử tên lửa đạn đạo.
Các cơ quan Bắc Triều Tiên thông báo lần thử thứ tư không phải là bom nguyên tử mà là bom nhiệt hạch. Mặc dầu một số chuyên gia nghi ngờ đó là một quả bom phân hạch, chứ không phải là bom nhiệt hạch. Dù sao thì sức mạnh của nó cũng lớn hơn bom hạt nhân.
Còn về vấn đề tên lửa của Triều Tiên, người ta đã mệnh danh cho nước này là một “đại gia” xuất khẩu loại vũ khí lợi hại này. Theo BBC, chương trình tên lửa Triều Tiên có nền tảng kỹ thuật căn bản là tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud do Liên Xô chế tạo, cộng thêm sự hỗ trợ hợp tác với Trung Quốc nên họ đã đạt được trình độ như ngày nay.
Từ năm 1969, Bình Nhưỡng đã nhận được nhiều loại tên lửa chiến thuật của Liên Xô cung cấp nhưng đến năm 1976 họ mới sở hữu tên lửa Scud đầu tiên. Sau gần mười năm tự nghiên cứu, Triều Tiên đã ra mắt phiên bản mới của Scud B của riêng mình, gọi là Hwasong-5. Tầm bắn của tên lửa này lên tới 300km và có thể mang theo 1000 kg thuốc nổ. Từ thành công này, Bình nhưỡng tiến tới phát triển Hwasong-6 với đầu đạn khoảng 700 kg thuốc nổ và tầm bắn đạt đến 500 km. Đặc biệt là cả hai loại này đều có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, hóa học và sinh học.
Cũng dựa vào nền tảng tên lửa Scud, Bình Nhưỡng đã cho phóng thử tên lửa tầm trung Nodong vào thập niên 1990. Tầm bắn vượt xa các đời tên lửa Scud B, nhưng độ chính xác không cao. Tiếp theo Bình Nhưỡng hai lần dùng tên lửa đưa vệ tinh vào quỹ đạo trái đất và nhiều lần thử tên lửa đạn đạo. Vào tháng 4 năm 2016, Bình nhưỡng tuyên bố họ đã chế tạo thành công động cơ tên lửa đạn đạo, có tầm bắn tới 10.000 km, có nghĩa là tên lửa bay tới được đất Mỹ. Như vậy là Triều Tiên không những đã có một kho vũ khí tên lửa mạnh, thực tế họ đã xuất khẩu đi nhiều nước. Họ còn có một vị thế nhất định trong thị trường xuất khẩu vũ khí quốc tế.
Vấn đề là tại sao Triều Tiên bất chấp dư luận quốc tế, sẵn sàng trả giá rất đắt cho việc rút khỏi hiệp ước không phổ biến hạt nhân mà họ đã từng ký? Có nhiều bối cảnh lý giải thái độ của Triều Tiên như tình hình trong nước, tình hình quốc tế, đặc biệt là quan hệ Mỹ-Trung, quan hệ Nga-phương Tây, quan hệ Hàn-Triều…
Trước hết phải nói đến Trung Quốc, người anh em môi hở răng lạnh của Triều Tiên. Vào những năm 1970, Trung Quốc đã bắt đầu thay đổi chính sách đối ngoại. Họ đã “đi” với “kẻ thù không đội trời chung” là Mỹ để chống lại Liên Xô. Bình Nhưỡng không thể không thất vọng về việc làm này. Triều Tiên không còn là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Viện trợ cho Triều Tiên bị cắt giảm dần. Tiếp đến cái tư tưởng mèo đen hay là mèo trắng của Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư của bốn hiện đại hóa của Trung Quốc, dựa vào Mỹ và phương Tây để phát triển đất nước, tất cả đều không nhận được sự ủng hộ của Triều Tiên. Họ không chuyển mình theo người anh “lạc lối”, vẫn quyết tâm không thay đổi chế độ quan liêu bao cấp, không công nhận nền kinh tế thị trường, mặc dù kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn.
Trong khoảng ba mươi năm phát triển, Trung Quốc đã tận dụng được thành quả của công cuộc toàn cầu hóa, tức là nhờ tiền vốn, công nghệ, trình độ quản lí của tư bản Mỹ và phương Tây để cất cánh. Tiềm lực và vị thế của Trung Quốc và Triều Tiên đều đã thay đổi. Trung Quốc trở thành một cường quốc lớn, còn Triều Tiên thì ngày càng tụt hậu. Người anh mải mê quan hệ với những nước lớn, giàu có, kể cả kẻ thù của Triều Tiên là Hàn Quốc. Triều Tiên hiểu rằng Trung Quốc có giúp đỡ mình, nhưng đó chỉ là sự bố thí chút ít của nả để để duy trì cho họ tồn tại. Các doanh nghiệp Trung Quốc thậm chí còn lợi dụng trong lúc Triều Tiên gặp khó khăn để khai thác, mua nguyên liệu rẻ, bán hàng đắt theo phương thức tư bản. Sự bất mãn cứ tích tụ dần từ thời Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân đến Hồ Cẩm Đào và bùng phát từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền Đảng và Nhà nước Trung Quốc.
Trong những năm đầu cầm quyền Tập còn không thèm đến thăm Triều Tiên theo thông lệ. Tập muốn có quan hệ nước lớn với Mỹ và phương Tây, phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại, đi thăm khắp hang cùng ngõ hẻm, giao hảo mặn nồng với Hàn Quốc và bỏ qua Triều Tiên. Trong khi đó, người Triều Tiên thì coi Hàn Quốc chỉ là “công cụ, là tay sai, là bù nhìn, là cái đuôi” của Đế quốc Mỹ- kẻ thù không đội trời chung của họ. Có thể nói cảm nhận của Triều Tiên là hoàn toàn thất vọng và bất mãn. Cái tâm trạng khó chịu đó của người Triều Tiên đã được Kim Jong Un trút lên tất cả những người bao năm qua ngả theo Bắc Kinh. Cái chết của nhân vật quyền lực thứ hai thân cận với Trung Quốc và là ông chú rể của Kim Jong Un cũng không phải là ngoại lệ.
Theo thông tin từ nhiều nguồn, Triều Tiên đã chính thức coi Trung Quốc là kẻ đồng lõa với Đế quốc Mỹ trong việc ủng hộ Hội đồng bảo an trừng phạt Triều Tiên. Vậy thì tại sao Triều Tiên lại phải tuân theo sự sắp xếp của Trung Quốc. Tại sao họ lại phải trở thành con bài và vật hy sinh cho quyền lợi của Trung Quốc. Họ có được nhờ vả gì từ công nghệ hạt nhân và công nghệ tên lửa của Trung Quốc đâu. Họ hiểu không thể trông chờ vào Trung Quốc. Bài học Trung Quốc “dạy cho Việt Nam một bài học” năm 1979 chắc họ luôn khắc cốt ghi tâm. Báo chí của Trung Quốc cũng công khai bày tỏ muốn Triều Tiên “không được ương ngạnh”. Cũng chính vì vậy Triều Tiên càng quyết tâm cố gắng có được cái thứ bảo bối quý báu nhất của riêng mình- vũ khí hủy diệt hàng loạt để bảo vệ an ninh và chủ quyền của quốc gia trước Mỹ và trước cả người anh đầy dã tâm về lãnh thổ.
Tiếp theo là nước Nga, người kế thừa Liên Xô trước đây. Có thể nói khi Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết sụp đổ, Triều Tiên đã mất đi sự hỗ trợ đáng kể về công nghệ quốc phòng, về kinh tế cũng như về thị trường. Hơn nữa, nước Nga hiện tại là một nước tư bản. Dưới thời Tổng Thống Nga Gorbachev, Elsin, nước Nga còn trông chờ vào Mỹ và phương Tây; gần như họ không muốn quan hệ với Triều Tiên. Họ chỉ quan hệ với Hàn Quốc và coi việc Hàn Quốc sáp nhập Triều Tiên chỉ là vấn đề thời gian. Triều Tiên càng bị cô lập, chỉ còn biết trông chờ vào cái tư tưởng “Chủ thể” và “Tiên quân” của chính mình.
Từ khi Tổng thống Putin lên nắm quyền, quan hệ hai nước đã được cải thiện. Đặc biệt sau khi nước Nga xóa 90% tổng số 11 tỉ đô la tiền nợ thời Liên Xô, 10% còn lại đầu tư vào cơ sở hạ tầng Triều Tiên. Có thể nói nước Nga thời Putin biết cân bằng quan hệ giữa hai miền Triều tiên. Và quan trọng hơn, khi quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây căng thẳng, nước Nga sẵn sàng giúp đỡ Triều Tiên đứng vững, duy trì cục diện chia cắt hai miền như hiện nay. Nếu có chiến tranh, nước Nga có thể cùng với Trung Quốc không để người Mỹ áp sát biên giới của họ.
Trong tương lai, nếu quan hệ giữa Nga và Phương Tây có chiều hướng phát triển tốt đẹp, bán đảo Triều tiên có biến động, Bắc Triều tiên sụp đổ, một Cao Ly thống nhất, với người Nga có khi còn là một kết cục tốt đẹp để cân bằng với một Trung Quốc đang lên đầy tham vọng. Nếu kịch bản này xảy ra, dù sao họ cũng không bị áp lực như đối với Trung Quốc. Vì đường biên của họ với Triều Tiên chỉ có 195 km, trong khi đó đường biên của Trung Quốc với Triều Tiên là hơn 1.300 km. Hơn nữa trong lịch sử, quan hệ của Nga với hai miền Triều Tiên không ân oán phức tạp như quan hệ giữa người Triều Tiên với người Trung Quốc.
Cũng như Trung Quốc, lập trường của Nga là phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên. Vậy thì Triều Tiên cũng không thể trông mong vào nước Nga. Nhưng với họ, dù sao thì người Nga cũng đòi Mỹ và Trung Quốc phải đưa bản Nghị quyết trừng phạt Triều Tiên cho họ xem xét lại trước khi thông qua, coi như lời nhắc nhở khéo về vị thế của Nga ở bán đảo Triều Tiên, với danh nghĩa là không để người dân Triều Tiên trở thành nạn nhân của các biện pháp cấm vận, trừng phạt.
Nhìn ra xa bên ngoài, người Triều Tiên đã thấy bài học nhãn tiền của những nước không kiên trì theo đuổi con đường phát triển vũ khí hàng loạt hoặc từ bỏ loại vũ khí này như Irắc, Libi, Ucraina… Các quốc gia này đều bị các thế lực lớn tàn phá, xâu xé. Các nguyên thủ quốc gia người thì bị treo cổ, người thì bị bắn chết, người thì bỏ trốn. Kết cục với đa số người trong bộ máy chính quyền của các nước này thật cay đắng.
Đối diện với sự tồn vong của chế độ xã hội và bộ máy chính quyền Triều Tiên, và là nguyên nhân quan trọng nhất, chính là chính sách và hành động của liên minh Mỹ-Hàn, Triều Tiên cho rằng cần phải có vũ khí hạt nhân bằng mọi giá. Người Triều Tiên quan niệm nếu không có sự can thiệp của Mỹ thì họ đã có được một đất nước thống nhất ngay từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước. Vì vậy mối thâm thù với Mỹ cứ chồng chất theo thời gian gần 70 mươi năm qua. Triều Tiên trường kì mai phục nhưng trước một liên minh Mỹ-Hàn lớn mạnh theo từng năm tháng, họ hoàn toàn bất lực và còn có nguy cơ “mất nước” bởi sức mạnh quân sự và sức mạnh mềm kinh tế, văn hóa cùng với thủ đoạn diễn biến hòa bình, hay cách mạng mầu. Người Triều Tiên nghĩ con đường để tồn tại duy nhất của họ là phát triển vũ khí hạt nhân để đảm bảo chủ quyền và an ninh. Họ phớt lờ mọi cảnh báo, trừng phạt của cộng quốc tế vì họ biết vị thế địa chính trị của họ quan trọng như thế nào đối với Trung Quốc và Nga.
Triều Tiên đã thay đổi chiến lược quân sự, nhưng sự thay đổi diễn ra không liên tục, vừa tạo ra tình trạng ổn định vừa tạo ra tình trạng không ổn định. Và Mỹ-Hàn cũng vậy, họ cũng áp dụng một chiến lược không có chiến tranh và cũng không có hòa bình. Họ tổ chức các cuộc tập trận thường niên áp đảo để răn đe với những mục tiêu cụ thể, rõ ràng, vừa đủ để kiềm chế cả hai bên. Với Hàn Quốc, lúc thì họ tăng cường gây áp lực, lúc thì thực hiện chính sách đối thoại, hợp tác phát triển kinh tế nhằm ngăn chặn nguy cơ hạt nhân và thúc đẩy hòa bình ổn định trên bán đảo. Có thể nói tình hình bán đảo Triều Tiên luôn là một điểm nóng hàng đầu của thế giới.
Quyết tâm của Triều Tiên theo đuổi chương trình phát triển vũ khí giết người hàng loạt đã gặt hái được thành công trong khoảng hơn một chục năm trở lại đây. Triều Tiên tin rằng chiến lược của họ sẽ tạo ra sự răn đe nhất định đối với Mỹ và đương nhiên gây áp lực, thậm chí thách thức Hàn Quốc và Nhật Bản. Họ hy vọng tiến tới một hiệp ước hòa bình để bảo vệ an ninh của họ. Vậy trong tương lại Triều Tiên có hủy bỏ chương trình vũ khí hủy diệt? Và cái giá khi họ hủy bỏ sẽ như thế nào? Chỉ biết Mỹ-Hàn đã xây dựng chiến lược chung về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến hạt nhân. Về phương án tác chiến, họ đã thống nhất kế hoạch chống khiêu khích với các cuộc tấn công thông thường và kế hoạch răn đe có mục tiêu với các mối đe dọa tấn công hạt nhân của Triều Tiên. Cụ thể họ đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa các loại kể cả hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD, phát triển năng lực thực hiện các đòn tấn công phủ đầu các lực lượng hạt nhân theo các mức độ.
Theo tôi tình hình bán đảo Triều Tiên thật sự hết sức nguy hiểm. Cán cân rõ ràng đang nghiêng về liên minh Mỹ-Hàn. Họ có được áp lực của cả Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với lệnh trừng phạt cao nhất. Họ có kế hoạch tự bảo vệ mình trong khi vẫn tìm kiếm một giải pháp ngoại giao buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Họ đã chuẩn bị chu đáo cho một cuộc tấn công thông thường chống lại lực lượng hạt nhân của Triều Tiên. Họ đã lựa chọn một cuộc tấn công có giới hạn để đạt được mục tiêu của họ.
Tôi tin rằng Mỹ và Trung Quốc có đủ kinh nghiệm để quản lý sự leo thang trong cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên. Có lẽ ẩn số nằm ở phía Triều Tiên. Nếu người Triều Tiên muốn có một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân trước thì đúng như ông Collin Powell đã nói, một thảm họa ghê gớm sẽ xảy ra, kể cả Trung Quốc và Liên Xô cũng không ngăn cản nổi. Chỉ có người dân hai miền là nạn nhân phải gánh chịu trong cuộc xung đột này.
Nguyen Thi Kieu Van, Thanh Vũ và 34 người khác
37 bình luận
4 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.