Thành phố San Francisco

Leave a Comment

 Thành phố San Francisco

San Francisco là tên của Thánh Phanxicô, cũng là tên của thành phố và Quận San Francisco (City and County of San Francisco). Thành phố là một trong 4 thành phố lớn của bang Cali (Los Angeles, San Diego, San Jose), là một trung tâm văn hóa, thương mại, tài chính bang Cali, Hoa Kỳ.
Tọa lạc tại miền Bắc Cali, San Francisco có 873.965 dân cư theo số liệu diều tra năm 2020. Thành phố có diện tích khoảng 121 kilômét vuông, chủ yếu nằm ở phía bắc của Bán đảo San Francisco thuộc Khu vực vịnh San Francisco ( Khu vực vịnh San Francisco là một vùng đô thị khoảng 4,7 triệu cư dân, với GDP là 592 tỷ đô la vào năm 2019. Bình quân thu nhập đầu người là 139.405 đô).
San Francisco được thành lập vào năm 1776, khi những người thực dân Tây Ban Nha thành lập Pháo đài San Francisco tại eo biển Golden Gate. Cơn sốt vàng California năm 1849 đã mang lại tốc độ phát triển nhanh chóng, khiến San Francisco trở thành thành phố lớn ở Bờ Tây vào thời điểm đó… Theo Wikipedia, trong chiến tranh thế giới thứ 2, thành phố là bến cảng chính cho các hoạt động vận chuyển binh sĩ và hàng hóa quân sự đến Mặt trận Thái Bình Dương. Sau đó trở thành nơi ra đời của Liên Hợp Quốc vào năm 1945. Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Chiến tranh Việt Nam.
San Francisco là một địa điểm du lịch nổi tiếng, được biết đến với mùa hè mát mẻ, đầy sương mù, những ngọn đồi cùng với những con phố dốc, sự kết hợp đa dạng của nhiều nền kiến trúc khác nhau. Các địa nổi tiếng bao gồm Cầu Cổng Vàng, tàu điện cáp treo, Nhà tù Alcatraz, Bến Ngư Phủ và Khu phố Tàu, cùng với rất nhiều địa điểm văn hóa, khoa học, giáo dục. Du khách có thể dành một vài ngày đến cả một tuần thăm quan, khám phá.
Địa điểm chúng tôi đến thăm đầu tiên là Cầu Cổng Vàng (Golden Gate Bridge). Tôi không ngờ vào mùa hè mà ở đây lại lạnh đến vậy. Đặc biệt là khi đi dọc theo bờ vịnh để lên cầu và ở trên cầu. May mà các con nhắc nhở trước khi đi tôi phải mang áo rét. Cầu Cổng Vàng là cây cầu treo nối giữa San Francisco và hạt Martin Country. Nó được sơn màu đỏ và vàng nổi bật trong lớp sương mù dày đặc mênh mông trên vịnh. Theo chỉ dẫn và lời giới thiệu, cây cầu này mất 7 năm thi công xây dựng, được hoàn thành năm 1937. Cầu Cổng Vàng là cây cầu treo lớn nhất thế giới và nó đã trở thành biểu tượng của thành phố San Francisco đầy sức sống với những dòng ô tô hai chiều đi lại bất tận.
Chỉ có cháu Lâm dẫn tôi đi thăm pháo đài San Francisco, vì bố mẹ cháu đã nhiều lần dẫn người thân, anh em, bạn bè đi thăm khu vực này. Gió biển thổi lồng lộng, lạnh giá. Hai ông cháu phải đội mũ trùm kín đầu. Đây là lần đầu tiên tôi được mục sở thị một pháo đài, nơi ăn chốn ở, kho súng đạn, vị trí bố phòng, súng đại bác, những hỏa điểm… Đúng là một căn cứ quân sự phòng thủ độc đáo, kiên cố, theo kiến trúc đặc trưng của người Tây Ban Nha từ những năm cuối thế kỷ 18. Trải nghiệm này giúp tôi hiểu thêm về lịch sử thời thuộc địa của nước Mỹ; đồng thời gợi cho tôi nhớ lại cuộc Chiến tranh Mỹ-Mexico, người Mỹ đã giành California như thế nào; gợi cho tôi nhớ lại những thương vụ có một không hai trong lịch sử thế giới. Đó là thương vụ sau khi giành được độc lập, người Mỹ đã mua lại vùng đất/lãnh thổ thuộc địa của người Tây Ban Nha (Florida) với giá 5 triệu đô la, thương vụ người Mỹ mua lại vùng đất Lousiana của người Pháp với giá 3.750.000 đô la và thương vụ mua lại vùng đất Alaska của người Nga với giá 7,2 triệu đô la, để nước Mỹ có được một lãnh thổ rộng lớn, từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương, từ Bắc cực đến Trung Mỹ với diện tích 9.525.067 km vuông.
Điểm đến thăm tiếp theo là Công viên Cầu Cổng Vàng. Đây là một công viên đô thị rộng 1017 mẫu Anh, có cối xay gió, khu động thực vật hoang dã, khu bảo tàng và cả một khu sinh thái ẩn dấu bao điều quyến rũ. Nếu đi thăm và khám phá kỹ càng, tôi nghĩ phải dành cả một ngày, nhưng thời gian không cho phép. Đành để những lần sau.
Sau cầu Cổng Vàng thì đường hoa Lombard là một trong những điểm được du khách ưa thích nhất khi du lịch San Francisco. Đường hoa Lombard nổi tiếng với độ dốc đặc biệt. Ngắm nhìn Lombard tôi thấy giống như làn sóng lượn lên cao dần với một rừng hoa rực rỡ. Vào mùa xuân và suốt cả mùa hè, con đường Lombard luôn luôn đầy màu sắc. Không biết có bao nhiêu loài hoa đua nhau nở trên khắp đường phố. Hoa ở kín lòng đường chỉ chừa một lối; một con phố hoa mà người ta khó có thể hình dung nếu không tận mắt chứng kiến.
Bến tàu ngư phủ Fisherman's Wharf cũng là một trong những địa điểm nổi tiếng của thành phố. Đây là điểm thu hút khách du lịch khắp nơi trên thế giới. Trong hàng thế kỉ qua, dọc theo con sông lịch sử, nơi mà các đội tàu đánh cá của San Francisco luôn tụ tập. Cho đến ngày nay, ở đây vẫn còn một loạt các nhà hàng hải sản nổi tiếng. Nơi đây còn có một số bảo tàng, cửa hàng lưu niệm, những tòa nhà lịch sử, danh lam thắng cảnh vừa sầm uất vừa náo nhiệt. Đặc biệt là âm nhạc đường phố. Đi một đoạn ta lại thấy một ban nhạc với rất nhiều nhạc cụ khác nhau. Có cảm giác như ở đây người ta say sưa chơi đến hết mình, tận hưởng niềm vui đến bất tận. Một không khí lễ hội đắm say đến nao lòng! Tôi đã trải nghiệm cái cảm giác này ở phố Ngọc Trai, Longmon, Colorado khi chứng kiến những chàng trai, cô gái yêu kiều say sưa đánh đàn piano, kéo đàn violon và ca hát trong những đêm cuối tuần, nhưng cái cảm xúc dâng trào đến kỳ lạ thì ở đây mới thấy.
Thời gian còn lại trong ngày chúng tôi đến thăm bảo tàng tàu biển. tôi và con rể cùng hai cháu Lâm, Bách leo lên một con tàu dài 168 m, con tàu chuyên chở hàng quân nhu và binh lính trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2. Đây là lần thứ hai tôi được trực tiếp ngắm nhìn và khám phá một con tàu lớn như vậy. Lần thứ nhất là ở Bảo tàng Khoa học và công nghiệp ở thành phố Chicago. Một con tàu ngầm khổng lồ dài trên 160 m được người ta đưa vào phòng trưng bày.
Mặc dù tôi được học và biết người Mỹ đã đến với chiến tranh thế giới thứ hai như thế nào. Họ tuyên chiến với Nhật như thế nào. Họ mở mặt trận thứ 2 ở Tây Âu như thế nào. Nhưng chỉ khi đến bảo tàng tôi mới hiểu biết một cách cụ thể, rõ ràng về cuộc chiến vô cùng ác liệt trên Đại Tây Dương giữa người Đức và người Mỹ, một cuộc chiến cam go sinh tử trên Thái Bình Dương giữa người Nhật với người Mỹ. Khách tham quan nườm nợp đi xung quanh con tàu, đắm mình trong phim ảnh của cuộc chiến trên biển cả qua hàng chục màn hình quanh con tàu, được khám phá con tàu, được ngồi trước những màn hình mô phỏng lái tàu lặn xuống lòng nước sâu của đại dương tránh máy bay của quân phát xít, được ngồi ghế mô phỏng phóng ngư lôi vào tàu chiến địch. Hai cháu nhỏ nhà tôi, chưa đến tuổi đến trường, cứ ngồi lì trước phòng lái mô phỏng hành trình chuyến đi, không chịu dời đi chỗ khác…
Chuyến đi này, tôi lại được khám phá một chiến hạm hậu cần, một chiến hạm 3 tầng, tìm hiểu và khám phá phòng chỉ huy, phòng tác chiến, phòng ngủ, phòng ăn, phòng giải trí và phòng vận hành của đoàn thủy thủ, phòng phóng ngư lôi và những khẩu đại bác, pháo phòng không. Và lần này tôi cũng vẫn phải giục các cháu đi nhanh nhanh để kịp thời gian theo lịch trình…
Chỉ một ngày thôi tôi đã thấy San Francisco quả là một thành phố ẩn chứa bao điều kỳ lạ.
Nguyen Bich Thuy, Nguyễn Lê Duyên và 141 người khác
59 bình luận
2 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.