Hồi ức và cảm nghĩ khi đọc tác phẩm Dèng, hoa văn Dèng của Kê Sửu

Leave a Comment

 

Hồi ức và cảm nghĩ khi đọc tác phẩm Dèng, hoa văn Dèng của Kê Sửu

 Khi nhận được tác phẩm “Dèng, hoa văn Dèng biểu tượng cuộc sống của người Tà Ôi” của Nhà Nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Thị Sửu, bút danh Kê Sửu tôi rất vui. Vui bởi vì nhận được một món quà tinh thần, món quà liên quan đến chuyện nghề dệt thổ cảm của làng tôi, gia đình tôi từ bao đời nay. Vui còn vì ngoài bộ sưu tập các loại hoa văn thổ cẩm đặc trưng của vùng Tây Bắc, cuốn sách của chị Sửu chắc sẽ cho tôi biết thêm một số loại hoa văn đặc sắc của một dân tộc trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

 Quê tôi chuyên nghề dệt nói chung và dệt thổ cẩm nói riêng. Từ những năm 1960, khi bắt đầu phong trào hợp tác hóa trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp đến đầu những năm 1990, hàng năm trung bình tổ dệt thổ cẩm của ngôi làng tôi sinh sống đã xuất khẩu sang khối các nước Xã hội chủ nghĩa không dưới 10.000 tấm khăn thổ cẩm. Đó là chưa kể đến số hàng thổ cẩm các tiểu tổ sản xuất dệt theo hợp đồng với Bộ Văn hóa, các nhà hát, sân khấu trên khắp cả nước và một số lượng khá lớn “bán chui” ở các chợ vùng cao.

 Người dân tộc thường quan niệm khi đến tuổi lấy chồng, con gái bắt buộc phải biết thêu thùa, dệt vải hay thổ cẩm. Điều này dường như đã trở thành chuẩn mực không thành văn để đánh giá một cô gái khi bước chân về nhà chồng. Việc kéo sợi dệt vải còn được coi là thước đo đánh giá phẩm hạnh, sự khéo léo và chăm chỉ của người phụ nữ. Vì vậy các em gái dân tộc mới 10 tuổi đã bắt đầu biết tự tay dệt nên những tấm vải, thêu hoa văn, may thành những bộ trang phục truyền thống như váy, áo, yếm, dải thắt lưng, khăn ngang, khăn vuông, xà cạp… Dường như mỗi một cô gái dân tộc đều có “tố chất” của một nghệ nhân tài hoa trình diễn những động tác diệu nghệ trên khung dệt đầy mầu sắc. Và khi đã trở thành chủ nhân của gia đình, người phụ nữ đã có thể đảm đương việc may mặc cho cả gia đình.

 Ở quê tôi thì trái lại, nghề dệt gần như không phải là công việc của người phụ nữ. Từ nhỏ, khi mới học lớp 5, lớp 6, cũng vào độ tuổi như các cô gái dân tộc, tôi và các bạn trai cùng trang lứa “đã phải mặc định” theo nghề truyền thống (nghề dệt của làng có từ thời Lê Trung Hưng), ngồi vào khung dệt vải, dệt màn, dệt khăn mặt, khăn tắm, khăn len; được các bậc cha chú hướng dẫn cách đưa luồn con thoi qua hàng tơ sợi cùng với cách thức dậm chân điều chỉnh bộ “khung go”, dập “bàn cữ” để dệt một tấm thổ cẩm như thế nào cho đẹp, cho đúng kỹ thuật. Chính nghề dệt đã giúp một số lượng không nhỏ các hộ gia đình ở làng nghề cổ mấy trăm năm nay có của ăn của để trong những năm tháng khá gian nan khi Đế quốc Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc.

 Vào học Sư phạm được vài tháng tôi có quyết định nhập ngũ. Anh em sinh viên chúng tôi được bổ sung vào Trung đoàn 59, Bộ Tư lệnh Thủ đô, huấn luyện đi B ở  Quy Bái thuộc Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Cũng từ ngày đó tôi mới được tiếp xúc với một số dân tộc anh em trong đại gia đình dân tộc Việt Nam như người Mường, người Thái, người Mông, người Dao... Ngày ngày được chứng kiến các “mế”, các “ủn” cần mẫn dệt thổ cẩm.

 Nói tới hoa văn thổ cẩm của người Mường là nói tới một số mô tuýp hoa văn có trên trống đồng. Từ nhỏ tôi đã được làm quen với hàng chục mô tuýp hoa văn trên áo váy, chủ yếu là các hoa văn người, chim, hươu, mặt trời trên mặt trống đồng Đông Sơn. Trong những ngày huấn luyện quân sự tôi biết thêm một số họa tiết được cách điệu từ hoa lá như hoa dẻ, hoa hồi, quả trám, những thứ gắn liền với thiên nhiên và con người xứ Mường.

  Chủ nhật không phải ra thao trường tôi thường đến ngôi nhà sàn, nơi anh bạn học cùng lớp sư phạm “may mắn” được phân ở đó. Không phải tôi đến thăm bạn mà là đến thăm hai mẹ con cô Nguyễn Thị Huyền dệt thổ cẩm. Có lần anh bạn nháy mắt, ghé vào tai tôi: “Hình như Huyền ‘mê’ mày thì phải. Tao thấy cô bé luôn hỏi về lai lịch của mày. Tao thấy mẹ nó cũng có vẻ quý mến mày. Nhưng cẩn thận đấy. Mày mà vi phạm chính sách dân vận là phải ra tòa án binh đó”. 

  Cái tên Huyền rất đẹp, là dây đàn, là trăng non, là kỳ ảo, huyền diệu… Tôi nói với cô bé phải biết ơn cha mẹ đã đặt cho cái tên đó. Huyền mỉm cười, mặt ửng hồng. Ngồi trong khung dệt cô rạng rỡ xinh xắn, một cô gái mới mười sáu tuổi, thanh mảnh, ngây thơ và quyến rũ. Đẹp nhất là đôi mắt trong, sáng; con ngươi hơi nâu, rất cuốn hút. Nhưng trong đầu óc tôi lúc đó vẫn còn vương vấn hình ảnh những “nàng tiên” ở trường sư phạm. Tôi chỉ coi Huyền như cô em gái. Tôi đến chơi nhà vì khung dệt thổ cẩm chứ không phải vì người đẹp. Điều tôi muốn là học được cách dệt thổ cẩm của người Mường để sau này có dịp hành nghề.

 Chỉ sau hai buổi sáng chủ nhật đến chơi với bạn tôi đã ngồi vào khung dệt và dệt ra được thành phẩm khá hoàn chỉnh trước sự ngỡ ngàng của hai mẹ con Huyền và đồng đội. Không những biết dệt, tôi còn chỉ cách cho hai mẹ con, và sau đó là các “mế”, các “ủn” trong bản cách dệt hoa văn của người Mông, cách sử dụng “go” dệt hoa văn chân chó của người Hà Nhì. Tôi cũng chỉ ra hàng chục loại mẫu họa tiết, hoa văn, một thế giới thiên nhiên đa dạng được thể hiện trên nền thổ cẩm của người Thái; cách người Thái thường sử dụng các gam màu chủ đạo trên vải thổ cẩm như xanh lá, đỏ, hồng, trắng, vàng; cách sử dụng ba màu liền kề tương tự, nóng lạnh phối hợp đan xen nhau cân đối, hài hòa.

 Tôi cũng vẽ ra các mẫu hoa văn thổ cẩm của người Dao, người Tày. Hoa văn của hai dân tộc này thường được thêu hình xoáy ốc, hoa bí hay hoa lá, cây cỏ, chim muông… Tóm lại là tôi đã “copy” bộ mẫu hoa văn của hợp tác xã dệt thủ công nghiệp và của các nghệ nhân là giảng viên của Trường Mỹ thuật Công nghiệp ở quê tôi để làm say đắm, làm mờ mắt các “mế”, các “ủn”.

 Hôm đi B rời bản Mường, tiễn chúng tôi đi trong đêm là chính quyền, dân trong bản. Riêng tôi còn được hai mẹ con em Huyền mang đến cho một gói bự xôi nếp cẩm. Tôi vội lấy ra chiếc khăn thổ cẩm bằng tơ tầm, kỷ vật của ông bác tặng cho em. Chiếc khăn thổ cẩm rộng 0,5 m, dài một 1,5m. Hai bên rìa dọc chiếc khăn là họa tiết những con chim Lạc. Ở chính giữa là những hoa văn hình mặt trời như trên mặt trống đồng. Huyền bỗng nắm chặt lấy tay tôi. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được một cô gái thể hiện tình cảm nồng thắm, có cái gì đó như níu kéo không muốn rời xa.

 Ngay tối hôm đó tôi được thông báo đơn vị hành quân đi B gấp, nếu không tôi sẽ bị kiểm điểm trước trung đội vì đã quan hệ “quá thân mật” với con gái tuổi vị thành niên. Tôi và mấy anh bạn sinh viên rất sửng sốt và bực dọc với tiểu đội trưởng và ban chỉ huy trung đội vì cái kiểu chụp mũ, suy đoán vô căn cứ. Các anh  đã từng bắt anh em sinh viên chúng tôi chạy hàng chục cây số vì đã cùng nhau hát bài Cây thùy dương, một bài hát nổi tiếng của Nga. Các anh lầm tưởng đó là nhạc Vàng, nhạc của ngụy quyền Sài Gòn; bắt chúng tôi chạy “bao giờ phọt ra nhạc Vàng thì thôi”. Bởi vì hai tội trên, tội mê thổ cẩm, hát nhạc Vàng, tôi là người duy nhất trong trung đội khi vào đến chiến trường vẫn chỉ là B1, “binh bét” .

 Chưa hết, khi hành quân qua Lào vào đất Thừa Thiên, một lần vượt dốc “Cao bồi”, gặp một tốp chị em người Pa Kô đi tải đạn dừng chân bên suối, tôi đã “sán” ngay đến nói chuyện; tặng các chị em hết số tư trang như khăn thêu, gương, lược, ảnh (các bạn gái trong lớp tặng trước khi lên đường) vì vào trận chắc gì còn sống mà giữ làm kỷ niệm. Chính điều đó đã làm gai mắt tiểu đội trưởng, nhưng anh ấy chưa có cớ để “bắt tội”. Các cô gái đó rất thích “hàng hóa” của tôi. Các cô soi gương và chắc lần đầu tiên thấy hình ảnh của mình qua những chiếc gương nho nhỏ bằng bàn tay nên túm tụm cười nói cái gì tôi không hiểu. Các cô gái Pa Kô đã cho tôi một ổ trứng gà. Tôi tán “Cho cái bộ đội thì cái bộ đội nhận. Bộ đội thấy thổ cẩm đẹp quá”. Các cô gái không biết thổ cẩm là cái gì. Tôi phải chỉ vào áo váy và biết được bộ áo váy có giá như một con trâu.

 Tôi ngỡ ngàng, ngây người đứng ngắm nhìn những bộ trang phục áo váy. Ngắm nhìn chằm chằm hết cô gái này đến cô gái khác không còn biết đến thời gian. Đúng là cả một thế giới sắc mầu những họa tiết, hoa văn. Có những họa tiết, hoa văn mang nét chung, nhưng có rất nhiều họa tiết, hoa văn rất khác lạ, rất đặc biệt mà tôi chưa từng được biết. Tôi nhận thấy nét đặc biệt nhất trong trang phục của người con gái Pa Kô là trang trí hoa văn bằng hạt cườm (cụ nội tôi chuyên dùng các hạt cườm, những hạt nhỏ, tròn, có thể là hình trụ bằng thuỷ tinh, đá hay sứ có màu sắc đẹp lung linh, xâu thành chuỗi để làm đồ trang sức hoặc trang trí trên tua rua tơ tằm đi bán ở các chợ phiên).

 Trên áo của một cô gái, tôi thấy có một dải hạt cườm, mỗi mắt đốt có hình quả trám/hình thoi bằng cườm trông tựa như cái trỉa, dụng cụ của người đi nương tra hạt. Trên áo của một cô gái khác, tôi thấy có 4 hình tam giác trên bốn cạnh đáy của một hình vuông, đỉnh hướng ra bên ngoài. Bên trong hình vuông nổi lên hình quả trám/hình thoi với những hạt cườn trông tựa dáng con ong chúa. Trên nền đen chủ đạo bên ngoài có hàng loạt những hạt cườm nhỏ sắp xếp trông tựa như một đàn ong thợ. Đặc biệt trên váy của một cô gái, tôi còn thấy những đường hạt cườm tạo thành đường gấp khúc hình tam giác lên xuống như những con dốc, kết nối đối xứng với những hình tam giác ngược. Các khoang ở bên trong nền đen hình quả trám/hình thoi có họa tiết hình chữ thập giống như 4 khúc củi hướng đầu vào nhau được tạo ra từ 4 đường cườm trắng tựa như một bếp lửa… Và tất cả những họa tiết, hoa văn trên  nằm trong tổng thể của rất nhiều họa tiết, hoa văn khác trên áo váy quấn mềm mại, duyên dáng quanh người các cô gái. Có thể nói đó là một thế giới thiên nhiên, thế giới con người của đại ngàn Trường Sơn nguyên sơ, một cái đẹp đa dạng, tinh tế và rất giàu sức biểu cảm…

 Không hiểu được được hành vi có phần quá thái của tôi, tiểu đội trưởng giật giọng gọi: “Đồng chí Huệ, lại đây”. Khuôn mặt anh đỏ gay. Anh dằn giọng: “Đồng chí chưa bao giờ nhìn thấy đàn bà con gái à. Không biết xấu hổ à. Nhìn người ta đến nổ cả con ngươi, đến thủng cả áo váy”. Bực quá, tôi bật lại ngay: “Báo cáo cán bộ, tôi đã từng nhìn thấy một biển đàn bà con gái, không chỉ nhìn thấy mà còn sống với cái biển ấy ở trường sư phạm. Tôi không nhìn các cô gái. Tôi cũng không nhìn thủng áo váy như đầu óc anh tưởng tượng. Tôi chỉ đang ngắm nhìn những nét hoa văn thổ cẩm trên áo váy họ. Đó là cái đẹp, cái đẹp mà tôi chưa từng nhìn thấy. Đồng chí cứ thử ngắm mà xem. Không khéo còn đưa cả tay lên ngực áo người ta”. Cả tiểu đội phá lên cười vỗ tay, tán thưởng...

 Mới đó mà đã 50 năm rồi. Những người có liên quan với tôi về thổ cẩm trong câu chuyện gần như đã đi về bên kia thế giới. Tiều đội trưởng, Trung đội trưởng và anh bạn học cùng khóa đã hy sinh anh dũng trong trận đánh ở Thanh Tân, trong trận đánh ở Đắc Pét, trong trận đánh ở Thượng Đức. Các nghệ nhân dệt thổ cẩm quen biết ở quê tôi chỉ còn lại một người. 45 năm sau quay trở lại nơi đóng quân huấn luyện, hai mẹ con em Huyền cũng không còn nữa. Làng nghề dệt thổ cẩm của tôi cùng nhiều làng nghề khác cũng không còn tồn tại.

 Cuốn sách Dèng, hoa văn Dèng biểu tượng cuộc sống của người Tà Ôi đã thức dậy trong tôi bao nhiêu điều! Câu chuyện về hoa văn thổ cẩm không phải chỉ của riêng người Tà Ôi mà còn là câu chuyện thổ cẩm của nhiều dân tộc, câu chuyện của cả đất nước, câu chuyện giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, câu chuyện mà Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.

 Tiến sỹ Nguyễn Thị Sửu, người con của dân tộc Tà Ôi đã có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu, tìm hiểu các giá trị văn hóa dân tộc (xin xem bài viết Sử thi A Chất của tôi trong trang Facebook này), trong đó có những nghiên cứu về trang phục, hoa văn. Trong một số bài viết, chị Sửu đã miêu tả một số hoa văn trên trang phục của người Tà Ôi và bước đầu lý giải ý nghĩa của các loại hoa văn đó. Gần đây, chị cho xuất bản cuốn sách Dèng, hoa văn Dèng. Cuốn sách 188 trang với 3 phần. Phần 1: Vài nét về cuộc sống sinh hoạt của người Ta Ôi. Phần 2: Nhề dệt Dèng và Dèng của người Ta Ôi. phần 3: Biểu tượng cuộc sống trên hoa văn Dèng.

 Cuốn sách là một công trình khoa học nghiên cứu về nghề dệt Dèng và Dèng của người Tà Ôi. Chị Sửu là một trong những người đi tiên phong trong việc vận dụng lý thuyết về biểu tượng để nghiên cứu, tìm hiểu, lý giải ý nghĩa hoa văn một cách khoa học, biện chứng các loại hoa văn Dèng (thổ cẩm) của người Tà Ôi trong mối liên hệ với thực tiễn cuộc sống, sinh hoạt của người Tà Ôi.

 Chị đã đưa ra một hệ thống biểu tượng hoa văn Dèng: Biểu tượng cố kết cộng đồng, biểu tượng tổ tông dòng họ, biểu tượng dụng cụ, phương tiện lao động, biểu tượng sản phẩm lao động, biểu tượng chiến đấu, biểu tượng ẩm thực, biểu tượng lễ hội, sức mạnh cộng đồng, biểu tượng truyện cổ, biểu tượng thần linh, siêu nhiên… Đọc xong cuốn sách người đọc thấy được tinh thần làm việc nghiêm túc, nghiên cứu công phu của tác giả, và qua đó thấy được sự phong phú, đa dạng hoa văn Dèng của người Tà Ôi, thấy được phần nào cuộc sống với những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng quý giá của một tộc người trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

 Cá nhân tôi cho rằng ngoài nét đặc sắc trong trang trí trực tiếp hoa văn bằng hạt cườm trong quá trình dệt, hoa văn Dèng của người Tà Ôi còn cực kỳ đặc biệt ở hệ thống biểu tượng cố kết cộng đồng, thể hiện qua những nghiên cứu, phát hiện, lý giải của tác giả về những biểu tượng như “tương hợp, giao hòa”, “đoàn kết một lòng”, “liên kết tỏa sáng”, “Liên kết bền vững”, “cầu nối đôi”, cầu nối đơn và “bếp lửa sum vầy”.  Đó là những đóng góp to lớn vào kho tàng hệ thống biểu tượng quý báu trong trang trí thổ cẩm của Việt Nam, thể hiện truyền thống đoàn kết của không chỉ người Tà Ôi mà của cả cộng đồng các dân tộc Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”.

  Dèng của người Tà Ôi không chỉ đơn thuần là trang phục để mặc mà là “biểu tượng cuộc sống của người Tà Ôi”, là văn hóa của người Tà Ôi. Nó là tài sản quý báu thể hiện nét cao quý, giàu sang và vị thế của người sở hữu. Nó là lễ vật hồi môn của nhà gái dành cho nhà trai. Ngoài ra Dèng còn dùng để trang trí, làm đẹp tổ ấm, làm đẹp nhà Rông, làm đẹp nơi linh thiêng của gia đình, họ tộc… Cho đến bây giờ tôi mới biết, trang phục của các cô gái Pa Kô mà ngày nào tôi mê đắm, mê đắm đến mức bị hủy quyết định lên hạ sĩ trước khi bàn giao cho đơn vị chiến đấu thì ra là sản phẩm của người Tà Ôi.

 Một lần nữa xin cảm ơn Tiến sỹ Nguyễn Thị Sửu về món quà tinh thần vô cùng quý giá. Cảm ơn chị đã làm sống dậy trong tôi bao kỷ niệm một thời quân ngũ gần như đã nguội lạnh về thổ cẩm, về nghề dệt thổ cẩm. Mong rằng các cấp chính quyền có kế hoạch bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc, trong đó có Di sản Văn hóa phi vật thể của quốc gia: Dèng và nghề dệt Dèng của người Tà Ôi.

Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.