Nước Nga đã trở lại vị thế của một cường quốc

Leave a Comment
Cuối năm 1991, Liên Xô bao gồm 15 nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết chấm dứt sự tồn tại với tư cách là một thực thể địa- chính trị. Cộng hòa Liên bang Nga thay thế cho Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết hay còn gọi là Liên Xô. Đó không phải là sự thay đổi tên gọi mà là sự thay đổi thể chế chính trị- kinh tế. Liên bang Nga bước ra vũ đài chính trị quốc tế như là một nước kế thừa Liên Xô. Biểu hiện trước hết là Liên bang Nga được Liên Hợp Quốc trao cho chiếc ghế Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Sau đó, trên thực tế, nước Nga không còn có vị trí và vai trò quốc tế mà Liên Xô đã nắm giữ trong suốt thời gian tồn tại hơn 70 năm. Chiến tranh Lạnh kết thúc, chiến thắng thuộc về Hoa Kỳ. Tương quan lực lượng thay đổi bất lợi cho nước Nga. Vai trò địa- chính trị của Nga bị suy giảm đến mờ nhạt, không những ảnh hưởng trên thế giới bị mất đi mà khả năng tác động đến tiến trình vận động của các sự kiện ở khu vực Á- Âu kề cận cũng hạn chế. Nhiều vấn đề trên thế giới và ngay cả ở châu Âu được Mỹ và phương Tây giải quyết mà không có tiếng nói của Nga. Chẳng hạn như các cuộc chiến tranh ở Nam tư với các hiệp định hòa bình và việc mở rộng NATO là một ví dụ. Rõ ràng thực trạng này không tương xứng với tiềm lực của nước Nga. Vì sao vậy?
Sự suy thoái kinh tế
Nước Nga chiếm 76% lãnh thổ, 62% kinh tế của Liên Xô trước khi tan rã. Nga kế thừa 60% tiềm lực kinh tế mà Liên Xô đã tạo dựng trong hơn 70 năm cạnh tranh với Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên gần một thập niên sau khi ra đời, nước Nga triền miên chìm trong khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội. Nước Nga rơi vào vòng nợ nần chồng chất. GDP của Nga giảm khoảng 60%, tiềm lực kinh tế của Nga chỉ bằng ¼ so với Liên Xô cũ. GDP tính theo đầu người của Nga cũng liên tục giảm từ 5634 đô la trên đầu người năm 1990 xuống còn 3942 đô la năn 1997. Nguy hiểm hơn, khoảng trên 50% dân chúng sống dưới mức nghèo khổ. Mâu thuẫn xã hội, dân tộc, khủng bố, bãi công, biểu tình diễn ra gay gắt… Tình hình hỗn loạn gần một chục năm trong những năm cầm quyền của Tổng thống Boris Yeltsin dần chấm dứt sau khi Vladimirovich Putin lên cầm quyền vào đầu năm 2000. Trong tám năm làm tổng thống, Putin đã đưa nước Nga ra khỏi cơn khủng hoảng với GDP tăng gấp 6 lần.
Sự suy giảm sức mạnh quân sự
Sự suy giảm về kinh tế dẫn đến sự suy giảm về sức mạnh quân sự. Sức mạnh quân sự toàn cầu của Liên Xô trước đây bắt đầu co lại trong phạm vi Liên bang Nga. Gần như tất cả các căn cứ quân sự ở nước ngoài bị cắt bỏ. Lực lượng vũ trang Nga với quân số 3 triệu người giảm xuống còn 1,7 triệu. Tiến sỹ CM Rogov, Giams đốc Viện Bắc Mỹ của Nga đã nhận xét “Tình trạng thiếu tiền đang tiêu diệt lực lượng vũ trang Nga, nó có hậu quả hơn bất kỳ quả bom hạt nhân nào”.
Nga kế thừa 85% lực lượng vũ trang, phần lớn tiềm lực quân sự khổng lồ hải, lục, không quân và lực lượng hạt nhân Liên Xô. Nhưng toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật quốc phòng mà Liên Xô để lại đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Các tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga chỉ có thể sản xuất được 18% khối lượng sản phẩm mà Liên Xô sản xuất trước đó. Khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga giảm thiểu nghiêm trọng. Tình trạng vô kỷ luật, tham nhũng, tội phạm trong quân đội gia tăng. Trong khi đó ngân sách dành cho quốc phòng của Nga chỉ có khoảng 4% GDP èo uột, kém xa so với Mỹ và Trung Quốc cùng thời điểm (Năm 1996 chi cho quốc phòng của Nga là 40 tỷ đô la, của Mỹ là 263,5 tỷ, của Trung Quốc là 56,2 tỷ). Tình hình trên chỉ được cải thiện sau nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Putin.
Những ưu thế và sự phục hồi của Nga
Những ưu thế của Nga
Mặc dầu suy giảm về sức mạnh kinh tế và quân sự, mặc dù trong cuộc cạnh tranh địa- chính trị, một bên là Mỹ và các nước NATO ở châu Âu, một bên là Trung Quốc và Nhật Bản ở châu Á, nhưng quốc gia Âu- Á này vẫn được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới cho rằng sớm muộn họ sẽ khôi phục được vị thế cường quốc trên chính trường quốc tế. Một nước Nga dưới thời các Sa hoàng từ năm 1547 đến năm 1917, một nước Nga với Cách mạng tháng Mười làm rung chuyển thế giới và là thành phần quan trọng nhất của Liên Xô từ năm 1917 đến 1991 đã chứng minh điều đó. Brezinsky, một nhà khoa học chính trị, chiến lược gia địa- chính trị, Cố vấn Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa kỳ thời Tổng thống Jimmy Carter đã viết từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước “Nước Nga là một nước, do số phận quy định, bằng cách này hay cách khác vẫn là một cường quốc trong các vấn đề quốc tế, bất luận những khó khăn mà nó đang gặp phải”.
Thực tế nước Nga rất giàu tài nguyên, nhất là về dầu và khí đốt, trữ lượng lớn nhất thế giới, đủ cung cấp cho nhiều nước mặt hàng năng lượng chiến lược mà cả châu Âu, Trung Quốc và Nhật bản đều khao khát. Nước Nga còn có thể hoàn toàn tự cung tự cấp tất cả các loại nguyên liệu cho các ngành công nghiệp hiện đại. Ngoài ra, nước Nga còn là một nước có trình độ khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật, khoa học vũ trụ khá cao. Công nghiệp chế tạo động cơ và công nghiệp quốc phòng hoàn toàn có thể cạnh tranh với Mỹ. Con người Nga có trình độ học vấn tốt, có đội ngũ khoa học, kỹ thuật chuyên môn hóa và công nhân lao động lành nghề. Dân tộc này luôn sản sinh ra những con người tài năng, có nghị lực, có tham vọng, có kỷ luật đủ để đưa đất nước vượt qua những cơn sóng gió.
Sự phục hồi của Nga
Nước Nga dưới sự lãnh đạo của Putin đã thật sự khôi phục được vị thế cường quốc. Nền kinh tế Nga đã vượt qua được khủng hoảng và trở thành nước có tổng sản phẩm quốc nội 3450 tỷ đô la, đứng thứ 5 thế giới theo sức mua tương đương năm 2016 và đứng thứ 12 về quy mô nền kinh tế. Chính quyền Nga đã khôi phục lại được niềm tin của người Nga vào đất nước; vượt qua được các cuộc khủng hoảng tại các nước láng giềng; tái sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga; duy trì được các tổ chức liên vùng và quốc tế, tham gia thành lập Tổ chức hợp tác Thượng Hải. Nga cũng khôi phục được ảnh hưởng đã mất ở các khu vực ảnh hưởng truyền thống như Việt Nam, Trung Đông, Trung Quốc, Ấn Độ và phát triển mối quan hệ với những đối tác mới ở châu Mỹ La tinh.
Khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra vào tháng 3 năm 2011, Mỹ và EU hậu thuẫn cho các cuộc biểu tình, chính quyền nước này đã dùng vũ lực đàn áp. Vì lo ngại về chính trị và ngoại giao, vì bị Mỹ và phương Tây lấn lướt nên Nga và Trung Quốc đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết về Syria của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, giúp chế độ Bashar al Assad tránh được vết xe đổ của chế độ Gadhafi tại Lybia, đồng thời khiến nỗ lực của Mỹ và phương Tây nhằm thay thế chế độ Assad thất bại. Có thể nói đó là bước đi đầu tiên đáng chú ý của Nga trên bàn cờ chính trị quốc tế.
Nhìn vào Trung Đông trong những năm vừa qua, giới quan sát thấy rõ một cuộc chiến hai phe. Mỹ, Anh, Pháp, Arập Xê-út, Qatar và một số nước Trung Đông về một phe với những toan tính địa chiến lược riêng của từng quốc gia. Đối lập với những quốc gia trên, Nga và Trung Quốc cùng với Iran tỏ ra rất kiên định trong lập trường ủng hộ Tổng thống Syria chống lại mọi nỗ lực lật đổ Tổng thống Assad. Nga vốn là một đồng minh quan trọng của Syria. Nếu để mất Syria, Nga sẽ mất rất nhiều lợi ích không những ở nước này mà còn không giữ được vị trí ở Trung Đông. Sự can thiệp của Nga được hiểu là sự trỗi dậy chiến lược.  
Có nhiều nguyên nhân khiến Nga can thiệp vào Syria, đương nhiên chủ yếu là vì lợi ích của họ. Nga không tin quân đội Syria có thể đánh bại các phe phái và nhà nước khủng bố tự xưng IS. Nga giúp đỡ chế độ Assad đánh IS là nhằm bảo vệ sườn phía nam của mình ở khu vực Kavkaz, khu vực bất ổn và nhiều tiềm ẩn chủ nghĩa khủng bố Nga. Và còn một nguyên nhân nữa là Nga muốn tìm cách thay đổi cục diện, vị thế; có thể cùng Mỹ và phương Tây chống IS, tạo cơ hội thoát khỏi sự cô lập; gây ảnh hưởng với các nước ở Trung Đông…
Tổng thống Putin sớm nhận thấy Mỹ không còn có thể áp đặt ý chí của siêu cường này ở Trung Đông, dù Nga đang phải gồng mình đối phó với lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ và phương Tây áp đặt với cáo buộc sáp nhập bán đảo Crimea và hỗ trợ lực lượng nổi dậy miền Đông Ucraina, tháng 9 năm 2015 Putin quyết định can thiệp quân sự vào Syria, cứu chính quyền Assad và với hơn một năm, chỉ bằng không kích cộng với sự trợ giúp vũ khí, Nga đã làm thay đổi cục diện chiến trường ngày càng có lợi cho phe chính phủ Syria trong cuộc chiến tại nước này.
Putin tiến hành can thiệp quân sự vào Syria theo yêu cầu của chính phủ Syria và được Thượng viện Nga thông qua. Đây là chiến dịch đầu tiên Nga tiến hành ở bên ngoài khu vực Liên Xô cũ. Thời điểm tháng 10 năm 2015, theo tin tức các báo, có khoảng 2000 binh lính, cố vấn và nhân viên kỹ thuật Nga đóng chủ yếu tại hai căn cứ Latakia và Tatus thuộc Syria. Lực lượng viễn chinh của Nga vào tháng 11 năm 2015 bao gồm có 34 máy bay Su các loại, một số loại trực thăng vũ trang Mi-24, Mi-28, trực thăng chiến đấu K-52, cộng với một số xe  tăng, pháo; một lực lương lính thủy đánh bộ và một số vũ khí phòng không, tên lửa, kể cả S-400 để bảo vệ các cơ sở quân sự. Tổng số lực lượng viễn chinh khoảng 2000 binh lính.
Sự kiện này chứng minh quân đội Nga đã được hiện đại hóa và tăng cường mạnh mẽ kể từ cuộc cải cách từ năm 2008, nhằm lấp đầy những khiếm khuyết bộc lộ trong cuộc chiến tại Chechnya và Gruzia.  Sự kiện này cũng phát đi tín hiệu Nga có khả năng tiến hành các chiến dịch can thiệp quân sự ở những địa điểm xa bằng việc sử dụng không kích, hỗ trợ hậu cần cùng với lực lượng bộ binh, kết hợp với các chiến dịch của hải quân ở biển xa. Giới phân tích quân sự cho rằng, trước đó khoảng 10 năm việc Nga can dự vào Syria là không thể. Cho đến khi Nga sáp nhập Crimea tháng 3/2014, quân đội Nga đã mang một tầm vóc hoàn toàn mới.
Trong khoảng 10 năm, từ 2005 đến 2015, chi tiêu quốc phòng của Nga tăng gấp đôi. Năm 2016, Nga gặp nhiều khó khăn trong kinh tế nhưng ngân sách quốc phòng vẫn giữ ở mức 5%. Nga đã trang bị những vũ khí, khí tài hiện đại, bổ sung đóng mới các tàu chiến tối tân cho lực lượng hải quân, xây dựng các lực lượng tác chiến đặc biệt bên ngoài lãnh thổ. Chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, vị thế của Nga đã được khôi phục. Từ những chuyến tuần tra định kỳ của máy bay ném bom chiến lược Tu-160 như thời Liên Xô trên không phận Đại Tây Dương và Thái Bình Dương đến các cuộc tuần tra tàu ngầm hạt nhân trên hải phận quốc tế đạt tới 72.000 giờ, sánh ngang với thời chiến tranh lạnh…
 Đặc biệt là những gì mà Nga đang thể hiện ở Syria. Nga thử nghiệm gần 170 các loại vũ khí, khí tài mới. Sau những thắng lợi về quân sự, Nga cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ hội nghị hòa bình cho Syria ngày 23/1/2017, nhằm tìm kiếm thêm một thắng lợi về ngoại giao, gạt Mỹ và phương Tây ra ngoài. Rõ ràng Nga đang làm chủ cuộc chơi và đạt được những kết quả nhanh hơn và chắc chắn hơn. Quân đội của Nga tỏ ra sánh ngang với các đối thủ NATO. Trong khi Mỹ và phương Tây gần như bất lực ở chiến trường Syria, Nga đang trở thành một quốc gia không thể thiếu trong việc giải quyết vấn đề xung đột ở đất nước này. Phải chăng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ Địa Trung Hải sáng ngày 7/4 vào các mục tiêu thuộc tỉnh Horn miền trung Syria là cách Mỹ “lên gân” thể hiện mình với Nga và Trung Quốc?
Điều đã thay đổi sau năm 2016 là Nga không chỉ còn bảo vệ lợi ích của mình nữa mà đã mở rộng hành động ra bên ngoài biên giới. Nga đang mở rộng ảnh hưởng, không còn bị giới hạn trong khu vực lân cận truyền thống thuộc các nước Liên Xô cũ. Nga đã xây dựng một mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hiệu quả với Trung Quốc, xây dựng được kế hoạch hợp tác đầu tư, kinh tế, thương mại dài hạn hàng trăm tỉ đô la với một nền kinh tế khổng lồ và đã hóa giải được nhiều vấn đề khó khăn do cấm vận của Mỹ và phương Tây.
Nga đã tham gia vào cuộc họp OPEC gần đây, trong đó Putin đóng vai trò trung gian giữa Iran và A Rập Xê-út nhằm thúc đẩy một thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ để đẩy giá dầu lên. Nga cũng bắt tay với Nhật bản, nước có nhiều năm tranh chấp với Nga về  quần đảo Kuril, nhưng lại đồng ý với yêu cầu của Nga, thiết lập hàng chục dự án kinh tế chung trên quần đảo và vùng viễn đông. Ngay cả Thủ tướng Israel Bẹniamin Netanyahu, một đồng minh của Mỹ cũng tỏ ra rất nồng hậu với Kremlin trong chuyến thăm vừa diễn ra.
Nga đã giành được vị thế nể trọng tại EU thông qua sự ủng hộ của các đảng cánh hữu. Thực tế Hy Lạp và một số đảng đã ký hiệp định hợp tác với điện Kremlin. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Dân chủ tháng 10/2016 của Bulgary cho rằng, ở một số nước Đông Âu như Bulgaria, Hungary, Latvia, Serbia, Slovakia “Ảnh hưởng của Nga đã trở nên quá rộng rãi và lan đến từng địa phương, thách thức sự ổn định quốc gia cũng như là sự định hướng của các nước phương Tây và sự ổn định của khu vực châu Âu”. Đương nhiên Putin đã đạt được điều mà Liên Xô trước đây chỉ có thể mơ ước, đó là gây ảnh hưởng, nếu không nói là tác động đến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ và kết quả bầu cử tổng thống một số nước phương Tây có lợi cho nước Nga.
Không ai có thể ngờ một cường quốc bậc trung bị NATO bao vây lại nổi lên một cách ấn tượng như vậy trong mấy năm qua. Nga thực sự đã trở thành biểu tượng một quốc gia không bỏ rơi bạn bè đồng minh trong cơn khó khăn hoạn nạn, không những khôi phục được uy tín của Liên Xô sau chiến tranh Lạnh mà còn trở thành một nhân tố không thể thiếu trong cuộc đấu tranh chống khủng bố IS, nhân tố không thể thiếu cho hòa bình, ổn định tại Trung Đông. Nga đang chứng minh cho một số nước trong khu vực mơ tưởng vào EU và NATO, xâm phạm đến quyền lợi của nước Nga, những nước đó cần phải thận trọng. Gruzia và Ucraina là một bài học sống động. Nga không phải là con gấu bông. NATO không còn đe dọa được Nga nữa. Chính NATO đang lo sợ về sức mạnh của Nga và đang tìm cách đối phó với Nga. 
Kết luận    
Mặc dù Nga đã đạt được nhiều thành tựu nhưng nước Nga vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là về vấn đề kinh tế, một nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng. Thêm vào đó nước Nga vẫn còn thiếu sức mạnh mềm, khó tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của các quốc gia. Kế hoạch nhằm thiết lập một liên minh kinh tế Á- Âu của Putin bị suy yếu do thiếu đi mắt xích Ucraina. Việc đưa Ucraina trở về với ảnh hưởng của Nga hiện tại là không khả thi. Việc can thiệp quân sự vào Syria vẫn không bảo vệ được nước Nga khỏi chủ nghĩa khủng bố. Nga có thể kiểm soát được bán đảo Crimea, hậu thuẫn chính quyền ly khai Abkhazia và Nam Ossetia rời khỏi Gruzia, thậm chí sắp tới có thể tác động tới chính quyền ly khai Lugansk và Donestk ở Ucraina, nhưng sẽ có ít nước ủng hộ việc làm đó của Nga.
Mặc dầu vậy, nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng Mỹ và phương Tây không thể áp đặt ý chí của mình ở mọi nơi và mọi lúc như trước đây nữa. Dù nước Nga chưa thể sánh được với Liên Xô trước đây nhưng chính sách đối ngoại của Nga lại thể hiện như một cường quốc có ảnh hưởng. Sức mạnh quân sự hỗ trợ chính trị, ngoại giao của Nga tỏ ra rất hiệu quả. Nền kinh tế của Nga bắt đầu tăng trưởng lại sau cấm vận. Nga có nền tảng tư tưởng trong học thuyết phục hồi chủ nghĩa Á- Âu, học thuyết này khẳng định vị thế, quyền lực của Nga là kết quả tự nhiên của vị trí địa- chính trị nằm giữa châu Âu và châu Á. Điều đó thật đúng như những gì Brezinsky đã từng nhận xét. Trên thực tế, Putin đã bắt đầu hành động ở tư thế của một cường quốc toàn cầu có quyền lực và sự ảnh hưởng.
                                                                      29/4/2017
                                                               
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.