Thăm trường Đại học Colorado, Boulder

Leave a Comment
Tôi đến nhà Thúy đã hai tuần nhưng buổi sáng hôm nay mới có dịp nói chuyện với Huy. Tôi biết Huy từ trước qua những lần nói chuyện với Thúy. Huy là một thanh niên cao lớn lực lưỡng, nước da ngăm đen, tính tình hiền lành, nói năng từ tốn. Huy ở nhờ nhà Thúy, hiện là sinh viên năm thứ 2 Khoa Toán Ứng dụng, Trường Đại Colorado, Boulder. Trước đó, Huy cùng với bố mẹ và người anh trai sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Huy học Trường PTTH Nguyễn Tất Thành, một trong những ngôi trường chuyên nổi tiếng của thành phố. Sau khi tốt nghiệp THPT, Huy không thi đại học trong nước mà xin đi du học tự túc. Bố mẹ Huy có một tiệm vàng, làm ăn lại thuận buồm xuôi gió nên gia đình tương đối khá giả. Tuy vậy, cuộc sống gia đình họ lại không được bình lặng. Người bố đam mê cờ bạc rượu chè, thường hay đánh chửi vợ con. May mà được người mẹ biết nhường nhịn để lo toan mọi bề. Đó là một trong những lí do mà Huy sang Mỹ du học.
-           Mấy tuần vừa rồi, Huy nhìn tôi và nói, cháu đi Cali (California) vì công việc nên chưa thưa chuyện với bác. Đến Cali cháu rất lạ. Nhiều gia đình Việt vẫn treo cờ ba que (cờ của chính quyền Ngụy quyền miền Nam trước năm 1975). Bác thấy thế nào?
-           Bác đoán chủ những gia đình đó trước kia là những người có địa vị, có thế lực, có tiền tài trong chế độ Việt Nam Cộng hòa. Họ vẫn trung thành với chế độ cũ, mang lòng oán hận chế độ mới, thậm chí điên cuồng chống phá chế độ mới. Họ cho rằng mình luôn ở bên kia chiến tuyến, không đội trời chung với cộng sản. Nhiều người trong số họ còn không muốn quay về Tổ quốc. Họ là những người con dân của đất Việt mà không thức thời. Ngay đến Tướng Nguyễn Cao Kỳ, người từng là Phó Tổng thống của Chính quyền miền Nam Cộng hòa, khi về nước, nói với những người bạn cùng hội cùng thuyền của mình năm xưa: “Chúng ta đã thất bại. Ngay cả khi chúng ta có trong tay trên một triệu quân với sự hỗ trợ của người Mỹ, chúng ta cũng không làm gì được. Vậy mà một số người trong chúng ta bây giờ còn định toan tính cái gì? Bảo nhau mà làm ăn thôi”. Và thực tế, ông Kỳ đã đầu tư vào một số cơ sở trong nước để làm ăn. Bác đã từng nghỉ ở “Resort” của ông ấy ở Sơn Tây. Một ông tướng, một phó tổng thống của chế độ cũ mà còn biết suy nghĩ và làm việc sau thời hậu chiến như thế. Huống hồ những người khác. Nói như người xưa đã từng nói, họ là những người ngu trung.
-           Có lẽ bác nói đúng. Thế còn việc đa số sinh viên Việt Nam học xong đều ở lại Mỹ làm việc, bác đánh giá sao?
-           Theo ý kiến riêng của bác, đó là xu thế của toàn cầu hóa, không chỉ có người nước ngoài đến Mỹ, mà hàng triệu người Mỹ cũng đi ra nước ngoài làm việc và sinh sống. Nói như Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong buổi nói chuyện với sinh viên Việt Nam về vấn đề này tại Oa sinh tơn: “Các cháu ở lại Mỹ làm viêc, điều đó không có vấn đề gì. Có điều kiện, các cháu trở về đất nước phục Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Điều quan trọng nhất, các cháu phải là người Việt Nam”. Bác cho rằng ông Triết nói đúng và rất thực tế. Nếu như tất cả sinh viên đi học ở nước ngoài trở về nước thì nhà nước cũng chẳng bố trí được công ăn việc làm cho một bộ phận chứ chưa dám nói là tất cả.
Tôi biết Huy đi Cali giải quyết một việc rất tế nhị nên không hỏi. Chẳng là mẹ Huy biết được một “đường dây” chạy Thẻ Xanh 45 ngàn đô, một loại giấy tùy thân được phép định cư ở Mỹ nên bà quyết định đầu tư khoản này cho con. Cho tới khi sang Mỹ tôi mới hiểu tại sao người ta phải bỏ ra một số tiền lớn đến như vậy để có một tấm thẻ. Có nó người mước ngoài mới trở thành thường trú nhân của nước Mỹ, được làm ăn sinh sống như người Mỹ. Với sinh viên sang Mỹ học ở các trường công, nếu có Thẻ Xanh, sinh viên được hưởng quyền lợi như sinh viên Mỹ. Có nghĩa là tiền đóng học phí sẽ thấp hơn rất nhiều. Nếu học bốn hay năm năm, sinh viên có thể bù được số tiền đã bỏ ra để “mua” hộ khẩu thường trú. Và điều quan trọng hơn là sau khi học song đại học, sinh viên dễ dàng có điều kiện xin việc làm tại Mỹ. Chẳng hạn như vợ chồng em gái Hoài Anh, tháng trước nhận bằng tốt nghiệp đại học, tháng sau đã xin được việc ở một ngân hàng Mỹ với mức lương khởi điểm 4000 đô một tháng, trong khi vẫn có điều kiện thuận lợi học tiếp thạc sĩ.
Nói “mua” ở đây không phải là hối lộ các quan chức Mỹ. “Đường dây” chạy Thẻ Xanh đã lách luật, trên cơ sở các điều luật visa định cư theo diện ưu tiên gia đình và visa thành viên gia đình của thường trú nhân để có được tấm thẻ một cách hợp lệ. Giống như trường hợp Thắng, bạn tôi đã chạy cho cả nhà sang định cư ở Phần Lan, hay trường hợp cô giáo Khuất Thị Lan ở trường tôi cũng bỏ ra 45 ngàn đô để cho con đang theo học ở một trường cao đẳng cộng đồng ở Mỹ có được tấm visa định cư. “Đường dây” sẽ tổ chức kết hôn giả hoặc kết hôn trên giấy tờ cho các đối tượng.  Sau khi đối tượng đã đạt được mục đích, người ta lại tổ chức cho các đối tượng li dị. Trường hợp Huy đi Cali là để thực hiện cái quy trình mà “đường dây” yêu cầu. Thì ra cái quy luật cung cầu khuất tất ở xã hội văn minh cũng giống như ở xã hội Việt Nam, nơi nào cũng đúng.
Tôi ngỏ ý, hôm nào Huy rỗi nhờ Huy đưa đến thăm Trường Đại học Colorado. Huy hỏi lại tôi ngay:
-           Có 4 University of Colorado. Bác muốn thăm University of Colorado Boulder nơi cháu đang học hoặc University of Colorado Fort Collins hay University of Denver.
-           University of Colorado Fort Collins có phải ban đầu là trường Đại học Nông nghiệp của Colorado?
-           Đúng đấy bác ạ. Cháu có mấy người bạn học ở đấy.
-           Nếu thế thì bác đã biết về Trường Đại học Colorado Fort Collins qua giới thiệu của đại diện trường này khi họ làm việc tại Việt Nam. Thậm chí bác đã được xem cả một chương trình video giới thiệu về nhà trường. Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội và một số trường đại học Việt Nam đã kí thỏa thuận hợp tác khá chặt chẽ với Colorado Fort Collins. Các trường của Việt Nam đã cử các giảng viên có khả năng tiếng Anh sang theo học các khóa học hai, ba tháng nhằm tiếp thu giáo trình và phương pháp giảng dạy của họ để về dạy các lớp liên kết và các lớp cử nhân chất lượng cao cho sinh viên Việt Nam bằng tiếng Anh. Bác cũng có mấy người quen đang theo học tại đó.
-           Thế thì hai bác cháu đi Fort Collins.
-           Không. Bác muốn thăm trường cháu trước đã.
-           Nếu bác không bận gì mời bác đi luôn sáng nay.
Hai bác cháu ra xe riêng của Huy để ở vệ đường trước cửa nhà. Tôi thấy Huy vẫn để chùm chìa khóa xe ở ổ khóa từ đêm trước, liền hỏi:
-           Cháu quên khóa xe à?
-           Không phải cháu quên mà là cháu không để ý đến việc khóa xe hay không khóa xe. Cháu nghĩ ở đây ai người ta lấy trộm chiếc xe còm này.
Có lẽ Huy nói đúng. Ở Thành phố Columbia, Missouri vợ chồng Vân nhận hàng chục bưu phẩm mỗi ngày (vợ chồng Vân mua một số mặt hàng chuyển về Việt Nam) nhưng suốt thời gian ở đó, chẳng bao giờ tôi thấy nhân viên bưu điện đến trả hàng, yêu cầu người nhận hàng phải kí xác nhận. Họ ấn chuông để hàng trước cửa nhà rồi lẳng lặng ra xe đi trả hàng tiếp. Có lần chúng tôi đi chơi mấy ngày, hàng về chất thành đống mà cũng chẳng mất mát gì. Vân nói với tôi hai năm mua hàng với hàng ngàn bưu phẩm, mà chưa hề thấy người ta nhầm, chưa hề thấy mất mát. Còn ở Longmont, hàng tuần tôi vẫn nhận bưu phẩm để chuẩn bị mang hàng về nước cho vợ chồng Vân, khi thì dăm bảy chiếc đồng hồ, khi thì mươi mười lăm chiếc kính Mỹ, khi thì vài chục lọ thực phẩm chức năng và mỹ phẩm… Có lô hàng giá trị lên tới vài chục ngàn đô, cũng chẳng bao giờ Thúy phải ký nhận gì cả. Người ta cứ để hàng trước cửa nhà, ngay cạnh đại lộ, xe cộ và người qua lại suốt ngày mà không thấy mất mát gì. Ở đây nhà nào cũng có vài ba chiếc ô tô. Hầu hết người ta để xe ven đường. Không thấy nhà nào kêu bị mất cắp bao giờ. Vậy thì như Huy nói, khóa xe để làm gì.
Trên đường đi, Huy giới thiệu Trường Đại học Colorado Boulder là trường đại học nghiên cứu công lập nằm ở thành phố Boulder thuộc bang Colorado. Đây là trường đại học hàng đầu nằm trong hệ thống giáo dục đại học Colorado. Trường được thành lập vào năm 1876, cùng năm với Trường Đại học Colorado Fort Collins. Cũng như nhiều trường đại học khác của Mỹ, University of Colorodo Boulder chia thành nhiều college và school. Từ ngày thành lập đến nay, trường không ngừng mở rộng về quy mô và chất lượng đào tạo. Thế mạnh của nhà trường nằm ở các ngành khoa học, kĩ thuật, kinh doanh, luật, giáo dục, nghệ thuật, âm nhạc.
Năm học 2013- 2014 trường tiếp nhận trên 30.000 sinh viên trong nước và ngoài nước. Trường có khoảng 3400 khóa học với hơn 150 ngành học, bao gồm 85 chuyên ngành khác nhau. Trường đào tạo 78 chương trình cử nhân, 56 chương trình thạc sĩ, 53 chương trình tiến sĩ. Trường là một trong 34 trường thuộc Hiệp hội các trường công lập danh tiếng nhất Hoa Kỳ. Thành tích cao nhất của nhà trường là có 11 người đạt giải thưởng Nobel, cùng với hàng trăm giải thưởng danh giá trong và ngoài nước đã chứng tỏ vị thế đáng nể của nhà trường trong làng giáo dục đại học Mỹ.
Đại học Colorado Boulder (CU) nằm ở bên cạnh thành phố Boulder, dưới chân núi Rocky hùng vĩ. Toàn bộ khuôn viên trường nhấp nhô rải rác trong rừng cây cổ thụ xen lẫn những thảm cỏ, vườn hoa, trông hài hòa như một bức tranh đẹp đầy chất thơ. Nét đặc biệt nhất của CU là tất cả các tòa nhà đều được xây bằng đá sa thạch, một loại đá đẹp và quý hiếm ở mỏ đá Lyons của Colorado. Phong cách kiến trúc cộng với vật liệu đặc biệt của các tòa nhà gợi cho người ta cái cảm giác chắc chắn, cổ điển và trường tồn, một phong cách rất riêng biệt của một ngôi trường đại học dưới chân dãy núi nổi tiếng đẹp của thế giới.
Trước tiên, Huy đưa tôi đến thăm một tòa nhà cao tầng cổ kính được khánh thành vào tháng tư năm 1876. Tòa nhà này là tâm điểm và là di sản văn hóa nổi tiếng nhất của CU. Đây là nơi làm việc của bộ phận hành chính, thư viện và giảng đường trong gần một thế kỉ rưỡi từ ngày thành lập trường. Tòa nhà này đã được cải tạo lại vào năm 1952 với chi phí 1.700.000 đô tại thời điểm đó. Hiện nay, tòa nhà còn là nơi tiến hành các cuộc triển lãm, nơi trưng bày thư viện ảnh các loại, trong đó có đề tài về thể thao và xây dựng trường.
Tiếp theo, Huy hướng dẫn tôi đi tới Bảo tàng Nghệ thuật CU. Bảo tàng này được thành lập vào năm 1939. Cho đến nay, bảo tàng đã sưu tầm được trên 8000 tác phẩm nghệ thuật, phản ánh nền văn minh 3 ngàn năm của nhân loại, bao gồm nghệ thuật của các khu vực châu Phi, nghệ thuật tiền sử và cổ đại Mỹ, nghệ thuật châu Âu, nghệ thuật đương đại, nghệ thuật nghe nhìn…
Tiếp tục, chúng tôi đến Trung tâm Diễn đàn về các vấn đề quốc tế. Về hình thức, khu vực diễn đàn cũng gần như Trung tâm Hội nghị Quốc tế Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Nó được thành lập vào năm 1948. Ban đầu người ta biết đến như một diễn đàn chuyên về các vấn đề quốc tế. Rồi dần dần được mở ra các lĩnh vực nghệ thuật, truyền thông, khoa học, công nghệ môi trường, tâm linh, y tế, giáo dục, quyền con người… Diễn giả thường là những nhân vật nổi tiếng trong nước và ngoài nước. Còn khán giả là các cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên của nhà trường. Ngoài ra còn có nhiều nhà báo, người dân trong thành phố và du khách từ khắp nơi đến. Hàng tuần, tại diễn đàn thường tổ chức các sự kiện. Người tham dự từ vài trăm người cho đến trên hai nghìn người.
Điểm khám phá tiếp theo của chúng tôi là Thính phòng Macky, một tòa nhà có kiến trúc rất độc đáo, được xây dựng vào năm 1920, do một nhà doanh nhân và là nhà chính trị tên là Macky tài trợ. Ở hai bên tòa nhà là hai tòa tháp màu đỏ tươi vươn lên không trung. Chính giữa thấp hẳn xuống là mái nhà tầng hình tam giác, bên trên tầng hình tam giác là những ô cửa sổ trang trí, bên dưới là 5 cổng cửa vòm cuốn ra vào. Toàn bộ công trình tọa lạc nổi bật trên một khu đất cao. Vật liệu xây dựng chủ yếu bằng đá sa thạch và gạch đỏ. Thính phòng Macky trực thuộc Trường Đại học Âm nhạc và Khoa Nghiên cứu về nhạc Jazz. Nơi đây thường tổ chức các cuộc hội thảo lớn, nơi đêm đêm biểu diễn kịch và âm nhạc, nơi công diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Boulder.
Rời khỏi Thính phòng Macky, Huy dẫn tôi tới Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên CU. Như khoe với tôi, Huy nói:
-           Trong trường đại học mà lại có các bảo tàng cực lớn thì không phải ở nước nào cũng có. Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên CU là bảo tàng có những bộ sưu tập lớn nhất trong khu vực Rocky với hàng chục nghìn hiện vật. Nó bao gồm rất nhiều ngành: Nhân học, Thực vật học, Côn trùng học, Cổ sinh vật học, Động vật học… Ngoài ra trong bảo tàng còn có 7 phòng triển lãm chuyên đề. Không biết đến bao giờ Việt Nam mới có một trường đại học tầm cỡ như thế này.
-           Bác nghĩ cứ chờ đợi đấy, như trong một bài hát “ trong tương lai xã hội chủ nghĩa”.
-           Bác cháu ta xem bảo tàng chuyên ngành nào hay xem triển lãm?
-           Ta chỉ có một ngày nên không thể thăm mon tất cả mọi thứ được. Ta lướt xem qua triển lãm để biết.
Chúng tôi xem triển lãm về thành tựu nghiên cứu AND, xem qua một số tóm tắt nghiên cứu của các giáo sư tiến sĩ và các sinh viên ở trong và ngoài nhà trường, qua tranh ảnh hiện vật, qua các đoạn phim. Chỉ một khoảng thời gian rất ngắn thôi, tôi cũng mường tượng ra được vấn đề khoa học AND với sự đa dạng trong cuộc sống. Đúng như lời giới thiệu được ghi trước cửa phòng: “Triển lãm không chỉ là vấn đề trưng bày các thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ sinh học mà còn giáo dục cho học sinh, sinh viên và công chúng một khía cạnh phát triển của sinh học tiến hóa. Từ đó phát triển sự sáng tạo của con người, để làm thế nào tạo ra được những cái mới trong cuộc sống”. Cho đến giờ, tôi mới hiểu tại sao nhiều phát minh khoa học từ cuộc cách mạng công nghiệp đến những phát minh gần đây về máy tính, các phần mềm máy tính, mạng máy tính, internet, Google, Facebook… đều là của người Mỹ.
Tôi có ấn tượng nhất khi bước vào khu Trung tâm tưởng niệm của nhà trường. Khu vực này gồm những tòa nhà cao tầng và một đài tưởng niệm nhằm tôn vinh những cựu chiến binh Colorado đã hy sinh trong những cuộc chiến tranh từ ngày lập quốc cho tới ngày nay. Tôi nghĩ có lẽ hiện tại không ở đâu trên thế giới có nhiều đài tưởng niệm những người đã ngã xuống theo tiếng gọi của đất nước như ở Việt Nam và ở Mỹ. Nó trở thành một nét văn hóa riêng biệt của mỗi nước. Ở Việt Nam, từ các làng mạc cho đến các thành phố, đâu đâu cũng thấy những đài liệt sĩ. Ở Mỹ, từ Thủ đô Washington DC tới các trường đại học đâu đâu cũng thấy những đài tưởng niệm. Điều khác nhau là ở Việt Nam, đài tưởng niệm nằm trong nghĩa trang, ở Mỹ, đài tưởng niệm phần nhiều nằm ở các trường đại học.
Vào năm 1947, Thống đốc bang Colorado Lee Knous đã khởi xướng xây dựng Đài tưởng niệm trong Trường Đại học Colorado Boulder. Ý tưởng của ông nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của những nhà hảo tâm và người dân Colorado. Đầu những năm 1950, khu tưởng niệm chính thức được cắt băng khánh thành. Từ đó nó trở thành một viên ngọc, một trung tâm hội tụ của cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên. Tới nay khu tưởng niệm còn là một trung tâm thư giãn, giải trí, ăn uống, mua sắm và nơi tổ chức các sự kiện. Nó không chỉ là nơi giáo dục truyền thống sống động mà còn là nơi tạo ra không khí cho phép mọi người tự do trao đổi các ý tưởng, phát triển các mối quan hệ, nơi gắn kết các nền văn hóa trong trường đại học và trong cộng đồng.
Huy vừa hướng dẫn vừa giới thiệu cho tôi về một vài college và một vài school. Nhìn chung các giảng đường, các phòng học, phòng thí nghiệm cũng tương tự như ở Đại học Missouri Columbia. Riêng ở Khoa Toán Huy giới thiệu cho tôi khá kĩ về các phòng học toán lí thuyết, toán lập trình, toán ứng dụng và toán sư phạm. Ở Khoa Vật Lí, tôi còn được chiêm ngưỡng những dãy phòng thí nghiệm. Không có chuyên môn nên tôi không biết đánh giá các phòng thí nghiệm đó như thế nào, nhưng nhìn những con người trong phòng thí nghiệm, những vị giáo sư, những nhân viên và sinh viên đang cần mẫn bên những thiết bị mà tôi chưa bao giờ được biết đến, tôi có cảm nhận nơi đây thực sự là nơi để học tập, là nơi để nghiên cứu.
Choáng ngợp hơn khi đi dọc hành lang tới văn phòng khoa Vật lí, tôi thấy trưng bày san sát hàng chục chiếc tủ kính để cúp, cờ, huân huy chương và các phần thưởng cao quý nhiều loại khác nhau của giáo viên và sinh viên. Đặc biệt tôi thấy hai giấy chứng nhận lồng trong một cái khung vàng treo ở vị trí trang trọng nhất, hai giấy chứng nhận của hai giáo sư được giải thưởng Nobel của khoa Vật lí. Một giấy chứng nhận vinh danh năm 2001 và một giấy chứng nhận vinh danh năm 2010. Trên khung còn có  khoảng để trống như có ý muốn nói, thời gian tới, có những cái tên mới sẽ tiếp tục được vinh danh.
Chúng tôi kết thúc cuộc hành trình thăm trường Đại học Colorado ở Cung Thiên văn Fiske (Fiske Planetarium) và Đài Quan sát Sommers - Bausch. Cung Fiske là một bộ phận của Khoa Vật lí Thiên văn và Khoa học Hành tinh. Đây là nơi điều hành các điểm quan sát thiên văn trên đỉnh Apach. Có hai kính thiên văn viễn vọng dành cho các nhà nghiên cứu và sinh viên đến làm việc tại đây.
Nơi đây sinh viên, học sinh và công chúng được phép quan sát và trực tiếp trải nghiệm công việc khoa học theo sự chỉ dẫn của các nhân viên. Người ta điều khiển hệ thống quan sát bằng quang học và tia hồng ngoại để khảo sát bản đồ vũ trụ; xác định vị trí, cấu trúc của đối tượng trong vũ trụ. Lần đầu tiên trong đời tôi được quan sát hàng trăm, ngàn đốm sáng thiên thể đang chuyển dịch trên bầu trời cách tôi hàng ngàn năm ánh sáng. Thật là huyền diệu…
Đài quan sát Sommer- Bausch nằm ở phía sau Cung Thiên văn Fiske và cũng là một bộ phận của Khoa Vật lí Thiên văn và Khoa học Hành tinh. Tại đài quan sát này, có ba kính thiên văn lớn. Người ta sử dụng chúng cho công tác học tập, nghiên cứu và cho cả công tác tham quan. Ngay cả những người xa lạ như tôi và Huy, sau khi quan sát tổng thể ở Cung Fiske, lại được đến đài quan sát này xem các thiên hà hệ, các tinh vân.
Lên xe rời khỏi Trường Đại học Colorado, tôi cảm thấy trong lòng bao lưu luyến. Tôi cứ ngoái lại nhìn ngôi trường cho đến khi khuất hẳn tầm nhìn, chỉ còn lại ánh hoàng hôn bịn rịn và một làn sương tím mờ. Không biết bao giờ tôi mới có dịp quay trở lại thăm ngôi trường này. Có điều gì đó thật khó giải thích. Chỉ là một khách vãng lai, tại sao tôi lại vương vấn? Các con tôi không học tại đây. Chỉ có Huy và mười lăm sinh viên Việt Nam học ở ngôi trường này và tôi cũng mới gặp gỡ nói chuyện với vài người trong số họ. Chẳng lẽ do thái độ tôn trọng và nhiệt tình của các nhân viên khi gặp gỡ trong quá trình giới thiệu với chúng tôi về ngôi trường? Hay do thái độ tận tình của một cô giáo công tác tại trường này hôm trước đưa tôi về lúc tôi bị lạc? Tôi phân tích và tự lí giải, tất cả những điều đó chưa đủ làm cho tâm trạng tôi phải quyến luyến đến như vậy. Phải chăng hàng ngàn sinh viên tôi gặp trong cái đêm ở Boulder, tuổi xuân tràn đầy sức sống của họ, vẻ đẹp của họ gợi lại cho tôi một thời để nhớ, một thời để yêu?
Trên đường về tôi cứ miên man suy ngẫm. Những điều tôi biết về các trường đại học ở hai quốc gia không nhiều, nhưng tôi nhận ra rằng, có một điều ở các trường đại học của Mỹ thật khác xa với trường đại học của Việt Nam. Trường đại học của họ thực sự là của mọi người. Tất cả mọi người đều có quyền vào trường đại học. Và không nhất thiết người ta vào học để lấy một tấm bằng nào đó. Không có một bức tường ngăn cách giữa nhà trường và xã hội bên ngoài. Ngay cả những con đường đi qua nhà trường cũng là của mọi người. Không có một cảnh sát hay người bảo vệ nào ngăn cản.

Quan trọng hơn, tôi nhận thấy hơi thở của cuộc sống xã hội hàng ngày, hàng giờ ùa vào nhà trường và từ nhà trường hàng ngày, hàng giờ tri thức lại lan tỏa vào cuộc sống. Còn trường đại học ở Việt Nam thì hoàn toàn trái ngược lại, nó là một cái tháp ngà, của riêng trường đại học, cả nghĩa đen cũng như nghĩa bóng. Điều khác biệt đó một phần lí giải tại sao một đất nước có tới 24.000 tiến sĩ mà nhiều lĩnh vực khoa học và kĩ thuật còn rất hẫng hụt; ngay cả đến cái máy cày, máy bừa. máy cấy, máy gặt, máy tỉa bắp, máy tỉa hạt, máy thái ngô khoai sắn, cho đến việc chế tạo tàu ngầm, trực thăng đều do nông dân và những người thợ sáng tạo làm ra. Nói như vậy, không có nghĩa là tôi phủ nhận sự đóng góp của đội ngũ trí thức, nhưng quả thực những trí thức có tâm, có tài, có tầm quá ít trong cái con số trên.
Read More

Thăm thành phố Boulder, Colorado

1 comment
Boulder là thành phố quận lị thuộc quận Boulder, nằm ở chân núi Rocky, cách thành phố Denver 40 km về phía Tây- Bắc. Diện tích thành phố khoảng 66,5 km2. Dân số 97.500 người. Chính quyền thành phố do hội đồng thành phố bầu theo chế độ dân cử, đứng đầu là thị trưởng được người dân thành phố bầu trực tiếp. Tuy là một thành phố nhỏ nhưng do điều kiện tự nhiên, xã hội và lịch sử đặc biệt, Boulder được các tổ chức và các tạp chí Mỹ bầu cho rất nhiều danh hiệu: Một trong 10 thành phố sống hạnh phúc nhất; một trong 10 thành phố tốt nhất cho thập kỉ tới; một trong 10 thành phố tốt nhất cho hoạt động ngoài trời của trẻ em; một trong 10 thành phố tốt nhất cho những người nghỉ dưỡng và nghỉ hưu; một trong 10 thành phố tốt nhất cho những nghệ sĩ và một trong 25 thành phố tốt nhất để sống.
Boulder có ba trường đại học và cao đẳng: Trường Đại học Colorado Boulder, trường đại học công lớn nhất bang Colorado; Trường Đại học Naropa, Trường đại học Phật học tư thục và Trường Ẩm thực Rockies. Boulder có tới 16 viện nghiên cứu: Viện nghiên cứu Hợp tác Khoa học Môi trường, Viện Nghiên cứu Bắc cực, Học viện Thí nghiệm Vật lí Thiên văn, Viện Địa chất, Viện Tiêu chuẩn Công nghệ, Viện Nghiên Cứu Đại dương và Khí quyển, Viện Nghiên cứu Không gian, Viện Khoa học Không gian, Viện Khoa học Viễn thông...
Người dân Boulder không chỉ tự hào về những điều trên, họ còn tự hào thành phố của họ là thành phố dân chủ và tự do nhất nước Mỹ. Thành phố của họ là thành phố đầu tiên của nước Mỹ và trên thế giới thu thuế khí thải carbon. Đặc biệt thành phố còn là mái nhà của các loại hình âm nhạc từ nhạc cổ điển tới nhạc Jazz, nhạc Pop và là mái nhà của các cuộc biểu diễn đường phố cũng như nhạc thính phòng.
Có hàng chục địa điểm tham quan hấp dẫn ở Boulder nhưng Thúy chỉ chọn thăm một số điểm. Thúy mời chị Hương và chị Hà, hai người bạn ở Denver cùng gia đình đến chơi cuối tuần. Hai gia đình đều vui vẻ nhận lời, thống nhất hẹn gặp nhau tại cổng công viên Chautauqua sau bữa trưa. Thực ra tuần trước tôi đã gặp Hương ở Bảo tàng Nghệ thuật Denver và hai tuần trước gặp Hà với hai con ở Bảo tàng Đường sắt Colorado. Nhưng đây là lần đầu tôi được gặp đầy đủ các thành viên của cả hai gia đình.
Gia đình Hương đến trước giờ hẹn mười lăm phút. Hương đã lập gia đình với Jack Ruby 13 năm nay. Hai người quen biết nhau ở Hà Nội khi Hương mới tốt nghiệp Khoa Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Họ đến với nhau xuất phát từ công việc và tiến tới hôn nhân hoàn toàn vì tình yêu. Hương rất trân trọng sự giúp đỡ về vật chất của Jack trong giai đoạn gia đình mình gặp nhiều khó khăn và càng trân trọng hơn, từ bên kia bán cầu, đêm đêm Jack dành rất nhiều thời gian sửa từng từ từng câu tiếng Anh, kiên trì trao đổi tình cảm chân thực với Hương. Họ đã tổ chức lễ cưới ở cả Hà Nội và ở Denver, quê hương của Jack.
Tôi nghe Thúy nói, hiện tại Hương làm hàng trang sức tại nhà rồi đem bán cho các nhà hàng và bán cho khách trên mạng. Hương học được cái nghề này ở Việt Nam khi tìm hiểu và mua những chuỗi vòng ngọc trai, những chuỗi vòng các loại hạt bằng đồ gốm, bằng sứ, bằng nhựa cao cấp làm quà cho các cô, các bà nội ngoại bên chồng. Nhiều người rất thích các món quà đó nên gửi mua thêm mỗi khi Hương có dịp trở về Việt Nam.
 Gặp tôi, Hương mừng rỡ giới thiệu về chồng, về con:
-   Đây là anh John chồng cháu. Và đây là ba đứa con cháu. Cháu trai đầu học lớp 8. Cháu gái thứ hai học lớp 5. Cả hai cháu đều là học sinh giỏi, Còn cháu út thì chưa đi học.
-  Thật là tuyệt vời. Cả ba đứa đều đáng yêu và xinh đẹp. Có cả nét của cha, có cả nét của mẹ - Tôi ngắm nhìn ba đứa trẻ và nhận xét.
-  Thực tình, nếu không có chúng, không biết cháu sẽ ra sao nữa. Hơn một chục năm rồi cháu chưa trở lại Việt Nam.
Hương hỏi thăm tôi về Hà nội, về ngôi trường Amstecdam, về khoa báo chí Trường đại học Quốc gia Hà Nội. Tình cờ tôi quen một số cán bộ giáo viên của hai ngôi trường, nên chuyện rất rôm rả. Hương cho tôi biết cuộc sống ban đầu ở Mỹ rất khó khăn. Nhất là vào thời gian Hương mang thai đứa con đầu lòng. Ở nhà một mình quanh đi quẩn lại với mấy bữa cơm, chờ đợi chồng đi làm về. Thời gian cứ đằng đẵng, lại thêm ốm nghén đến khổ sở. “Xung quanh nhà mình là một nơi hoàn toàn xa lạ. Nhà nào nhà nấy cửa đóng then cài. Không có một ai bầu bạn. Trống trải đến phát điên lên”.
Hương muốn xin đi làm như mọi người ở đây. Nhưng bụng mang dạ chửa xin đi làm cái nghề gì cho phù hợp. Hương tự trách mình tại sao lại đi học cái ngành báo chí. Ngay khi còn ở Việt Nam, dù là học sinh chuyên văn Amstecdam, thủ khoa báo chí, vậy mà Hương cũng không xin nổi việc. Ở xứ người, trên thực tế, Hương chưa bao giờ viết một bài báo tiếng Anh nào thì làm sao xin được vào một cơ quan báo chí chuyên nghiệp mang tính cạnh tranh đến khốc liệt như ở Mỹ.
Học sinh ở Mỹ, ngay từ tiểu học, em nào thích về truyền thông báo chí đã được tập làm tuyên tryền viên, phát thanh viên trên mạng báo của nhà trường. Ở cấp THCS, các em đã biết phỏng vấn lấy tin, viết bài. Cấp THPT các em biết làm phóng sự, biết biên tập, biết quay phim chụp ảnh đưa lên mạng riêng của nhà trường. Đã có thời gian Hương có ý định học lại đại học báo chí ở Mỹ để theo đuổi ước mơ của mình, nhưng rồi ngay cả việc dự định học lại đại học báo chí ở Mỹ, Hương cũng cảm thấy không đủ tự tin. Đành phải bỏ dở cái ước mơ làm ký giả cháy bỏng một thời.
Hương không muốn mình cứ phải sống dựa vào chồng. Mấy năm trời tìm kiếm công việc nhưng không biết phải làm gì. Cái danh hiệu học sinh giỏi từ lớp một cho đến hết năm thứ tư đại học ở Việt Nam cũng không thể giúp Hương làm bất cứ một thứ nghề gì ở Mỹ. Nền giáo dục Việt Nam hoàn toàn khác nền giáo dục Mỹ. Xã hội Việt Nam cũng hoàn toàn khác với xã hội Mỹ. Muốn đi làm, dù là làm nghề đơn giản thì cũng phải biết làm và có chứng chỉ đào tạo làm về nghề đó. Hương nói “Kể cả việc xin đi cắt cỏ, lau nhà, quét rác người ta cũng không thuê vì có bằng nghề và có biết lái máy cắt cỏ, sử dụng máy lau nhà, lái ô tô quét rác đâu”.
Hương muốn quay về Việt Nam sống nhưng chồng Hương thì không có công việc nào ở Việt Nam để làm. Thế là Hương thử cái nghề làm đồ trang sức và kinh doanh trên mạng. Ban đầu Hương đặt mua vật liệu ở các cửa hàng của người Việt Nam, rồi đến các loại vật liệu cao cấp hơn ở các cửa hàng Trung Quốc. “Cháu chụp ảnh sản phẩm của mình rao bán trên mạng. Mấy tháng đầu được một vài trăm đô là mừng vỡ mũi vỡ tai. Lâu dần có thêm khách hàng, thu nhập khấm khá hơn. Đặc biệt cách đây dăm năm khi có một vài cửa hàng đặt mua hàng thì thật sự cháu mới coi công việc của mình là một nghề để sinh sống. Đến giờ mỗi tháng cháu kiếm được từ ba đến bốn ngàn đô. Cũng tạm đủ cho các cháu ăn học”.
Đúng giờ hẹn, vợ chồng Hà đỗ xe trước cửa Công viên Chautauqua. Hà rất vui giới thiệu chồng con với tôi. Hà theo học tiến sĩ kinh tế ở Trường Đại học Missouri vào đầu những năm 2000. John Lewis cũng theo học tiến sĩ kinh tế cùng lớp với Hà. Họ quen nhau và yêu nhau, dù Hà hơn John đến ba tuổi. Hai người tổ chức lễ cưới ở Việt Nam sau đó sang Mỹ tiếp tục học hành. Học song hai người tìm được việc ở Denver. Họ đã mua nhà gần nơi làm việc. Thu nhập của cả hai người khá cao và ổn định. Họ có hai đứa con. Đứa con trai đầu lòng 6 tuổi. Con trai thứ hai mới gần hai tuổi.
Công viên Chautauqua được xây dựng từ năm 1898. Nó rất rộng và cũng là nơi tập tụ rất đông người. Công viên được chia ra làm nhiều khu như khu nhà vườn, khu sân chơi, khu biểu diễn nghệ thuật, khu tổ chức sự kiện, khu ăn uống nghỉ ngơi, các trail đi bộ đường dài lên núi, khu dành cho đi xe đạp... Quả là một nơi lí tưởng cho người có tuổi và các gia đình có trẻ em vào dịp cuối tuần đến đây thư dãn. Trong công viên, gần như chỗ nào người ta cũng gặp các gia đình hạt nhân: bố mẹ kèm một vài ba đứa trẻ. Tôi cứ tưởng tình cảm gia đình ở Việt Nam gắn bó hơn tình cảm gia đình ở các nước Phương Tây, nhưng ở đây tôi nhận ra rằng không phải như vậy. Người ta biết sống cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi. Người ta biết dành cho gia đình và con cái nhiều thời gian hơn. Và hình như các ông bố Tây quan tâm, gần gũi con cái hơn các ông bố Việt. Quan sát họ, tôi thấy tất cả mọi người đều hòa quyện, vui đùa hết mình. Khuôn mặt người lớn, trẻ em ai cũng rạng ngời, sung sướng. Ba đứa nhà Hương, hai đứa nhà Hà và Lâm cùng với ba ông bố hòa trong dòng người nô đùa, chạy nhảy, quấn quýt bên nhau như thể họ đã quen thân nhau lắm. Và đặc biệt chúng rất dễ hòa nhịp, chơi bời cùng với các nhóm trẻ khác. Nhìn chúng vui chơi sao hồn nhiên, sảng khoái, một niềm vui tôi không thấy ở trẻ con ở Việt Nam.
Trẻ con ở đây thật sung sướng. Chúng được hưởng cái quyền của tuổi thơ, được vui chơi, được bố mẹ gần gụi và chăm sóc, được giao lưu chia sẻ với bạn bè trong môi trường thiên nhiên, trong môi trường xã hội thật  lí tưởng. Chẳng trách Hà, Hương, những anh chị em du học có con ở bên này, và cả Thúy, Vân con tôi đều không có ý định cho con về Việt Nam học. Tôi biết những con người này trong quá trình học ở Việt Nam đều được các nhà trường xếp loại học sinh giỏi. Họ nằm trong nhóm tinh hoa mà các nhà trường, các thầy các cô dạy họ học có quyền tự hào. Nhưng tại sao những ông bố, những bà mẹ này lại từ chối cho con về học ở những cái nôi đã đào tạo ra chính họ, những người đã từng thành công và trưởng thành trong nhà trường Việt Nam.
Có lẽ từ trải nghiệm về chính cuộc đời học sinh của họ, từ chính trực giác của người làm cha làm mẹ, từ sự so sánh với sinh viên Âu, Mỹ cùng lớp sau đại học với họ đã mách bảo họ rằng, nhà trường Việt Nam không còn là nơi họ muốn gửi con em họ vào học nữa. Họ không muốn con của họ sống cuộc đời bút mực như của họ. Ở cái công viên xa lạ này, tôi mới cảm nhận một cách sâu sắc giáo dục Việt Nam đã thật sự lạc hậu, thật sự thất bại trong mấy chục năm qua. Chẳng trách cô bạn tôi, một giáo viên được thành phố mấy chục năm tin tưởng, giao cho luyện thi học sinh giỏi, người cũng có con đi du học, người không nhớ hết những học sinh được vào trường chuyên lớp chọn và cũng không nhớ hết học sinh đoạt giải quốc gia và quốc tế của mình. Ngày về hưu, trước đồng nghiệp, cô đã rưng rưng nước mắt: “Đến giờ phút này, nhìn nhận lại sự nghiệp, nếu tự cho điểm, tôi cho mình điểm không. Có một thời kì dài, tôi tự hào mình hơn người, tưởng mình đã làm được những điều to lớn, kì diệu, nhưng hóa ra tôi đã góp phần tạo ra những cái máy, chứ không phải những con người. Thật cay đắng phải nói với các bạn rằng, đừng đến nhờ tôi dạy con cháu các bạn nữa. Đến bây giờ, đến con tôi cũng không muốn tôi dạy cho con chúng nó nữa. Sau khi đi thăm con cháu ở nước ngoài, ngẫm thật kĩ, tôi thấy rằng chúng hoàn toàn đúng”.
Vào những ngày cuối tuần như thế này, ở Việt Nam đa số trẻ con trong các thành phố vẫn bị buộc phải học thêm ở trường, ở các trung tâm, ở các địa điểm thuê mướn, ở nhà thầy cô giáo và ở nhà, không những phải học thêm cả ngày thứ bẩy và chủ nhật mà còn phải học thêm cả đêm thứ bẩy và đêm chủ nhật. Thậm chí đến 4h30, khi tan học rồi, phụ huynh vẫn yêu cầu nhà trường dạy thêm một tiếng nữa trước giờ ăn cơm. Sự nhồi nhét kiến thức vô độ và áp lực thi cử của nhà trường, của xã hội, của gia đình đã tước đoạt tuổi thơ của các em, biến các em phải thực hành những tham vọng của người lớn, khiến các em trở nên mệt mỏi, đờ đẫn, không biết làm bất kì cái gì ngoài thuộc lòng mớ kiến thức kinh điển và làm bài tập. Có chứng kiến sự mệt nhoài sau mỗi giờ học, có chứng kiến nhiều học sinh lên bục nhận phần thưởng, em thì thân hình gầy guộc, vẻ mặt ngô nghê, em thì cau có, lập dị, vô cảm, em thì cận đến lòi mắt mới thấy nhiều học sinh “giỏi” của chúng ta thật méo mó, thật đáng buồn. Đúng như Giáo sư Hồ Ngọc Đại nhận xét: “Sao giáo dục của chúng ta lại đến nông nỗi này”.
Một ngày vui chơi thật thoải mái, thật ấm cúng. Gia đình, bạn bè, con cái, chuyện làm ăn, chuyện học hành đan xen trong một khung cảnh thiên nhiên thật kì lạ. Cái cảm xúc dào dạt về cái đẹp đã chai sạn trong tôi dường như được khơi dậy. Nhất là khi đứng trước hệ núi đá Flatiron gồm những dãy núi sừng sững lưng trời, sắp xếp theo chiều Bắc Nam. Những thảm cỏ xanh mướt xen các khóm hoa đủ các sắc mầu. Những khu rừng thông các loại bạt ngàn, trùng điệp chạy tít tắp đến tận tầng mây phủ trên đỉnh núi. Mặt trời tỏa nắng vàng rực rỡ. Gió lồng lộng thổi... Đã lâu lắm rồi, tôi mới có cái cảm giác rất đặc biệt khi đứng trước cảnh tráng lệ và hùng vĩ của thiên nhiên.
Cả ba gia đình cùng ăn tối ở nhà hàng “Thủy”, một nhà hàng nổi tiếng của người Việt. Bên trong nhà hàng có rất nhiều những bức tranh phong cảnh, tranh sơn mài về những địa danh nổi tiếng ở Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà hàng có các món ăn Âu- Mỹ, nhưng đặc biệt nhất là những món ăn dân tộc như các loại phở, các loại bún, các loại cá kho. Gia đình Hương, Hà đều ăn món Việt. Thúy cũng ăn món Việt. Tôi và Hoài Anh dùng món bò nướng. Tôi rất ngạc nhiên thấy nhiều người Mỹ ăn phở, ăn bún. Có lẽ họ rất thích ăn thì phải, vì tôi để ý các bát sau khi ăn không còn thứ gì. Nhưng trông họ ăn thật vất vả. Họ phải cố gắng dùng đũa quấn quấn bánh phở hay bún thành từng khoanh rồi bóp tương ớt vào và đưa vào mồm ăn. Họ đưa cả bát lên uống. Mồ hôi mồ kê người nào người nấy lấm tấm trên mặt. Cũng vất vả ăn giống như họ, tôi dùng dao nhay nhay mãi cũng không cắt được một miếng thịt bò, một món thịt bò nướng đặc sản của vùng đất này. Đúng là hơi vất vả với việc ăn, nhưng quả tình ăn ngon thật.
Cơm nước xong, ba gia đình chia tay nhau. Gia đình Hương và Hà lên xe ra về. Tôi cùng vợ chồng Thúy và Lâm tiếp tục đi thăm phố Ngọc trai (Pearl street), trung tâm mua sắm của thành phố Boulder. Tuyến phố này khá dài, chỉ dành cho người đi bộ. Trời chưa tối nhưng tất cả đường phố đã bừng lên ánh sáng lung linh sắc màu từ muôn ngọn đèn hai bên lề đường, đèn từ các cửa hàng vải vóc len dạ, đèn trong cửa hàng điện tử, cửa hàng thủ công mỹ nghệ, cửa hàng đá quý, ngọc trai, hiệu sách, quán cà phê giải khát, đèn ở các các lùm cây, các vườn hoa, đèn ở các cột đèn trang trí hai bên đường, ở những ngôi nhà hai ba tầng san sát hai bên đường chạy dài tít tắp.
Ban đầu tôi có cảm giác đây là tuyến phố hội tụ của các loại ánh sáng màu rực rỡ, tuyến phố hội tụ của các loại hoa từ mặt đường, từ lề đường, hoa lên tới ban công các gia đình. Nhưng cái làm cho tuyến phố trở nên sống động vẫn là dòng người đông đúc mọi lứa tuổi: Trẻ già, trai gái, đặc biệt là thanh niên nam nữ, học sinh và sinh viên khoác tay nhau đi dạo chơi, mua sắm. Cứ đi một đoạn người ta lại thấy một tượng đài hay một tác phẩm điêu khắc về những con vật biểu trưng của Bouder và của cả Colorado như hươu, nai, tuần lộc…Tất cả đều như vào một thế giới kì ảo và gợi nên vẻ yên bình, lãng mạn riêng biệt của một thành phố dưới chân núi Rocky.
Tôi bế Lâm dừng lại trước đám đông vây xung quanh một thanh niên đang chơi piano ở giữa đường phố. Chàng thanh niên này cao lớn, có bộ râu quay nón hung hung vàng. Khuôn mặt anh lấm chấm tàn hương. Anh gần như không để ý đến ai, cứ cúi đầu lim dim, say sưa với những dòng âm thanh từ đôi bàn tay mềm mại lướt trên phím đàn. Thỉnh thoảng anh mới ngẩng đầu lên, đôi mắt xanh biếc mơ màng. Anh mải mê chơi hết bản nhạc này đến bản nhạc khác. Cứ hết một bản nhạc mọi người lại vỗ tay tán thưởng. Bên cạnh chiếc đàn có một chiếc bàn nhỏ. Trên mặt bàn có chiếc mũ phớt của người nghệ sĩ đường phố để ngửa. Người nghe tự động để vào mũ 1 đô, 2 đô, 5 đô, 10 đô tùy ý. Ai đi cứ đi. Người nghệ sĩ vẫn cứ nồng nàn với dòng âm thanh của riêng mình. Tiếng đàn thật mê hoặc. Lâm toài xuống lân la tới gần. Người nghệ sĩ gật đầu mỉm cười.
Đi được một đoạn, chúng tôi chứng kiến một người đàn ông trạc ngoài 40 đứng trên một cây đàn biểu diễn. Tôi không biết nó là loại đàn gì và cũng chưa bao giờ thấy một cây đàn nào to, dài đến thế. Người nghệ sĩ này tầm thước, nước da nâu trông giống như người Tây Ban Nha lai với dân Mỹ bản địa. Ông để cây đàn dựng đứng và đứng trên cây đàn, bám vào cây đàn, thoăn thoắt từ trái sang phải, từ vị trí này sang vị trí khác ở mọi tư thế để chơi đàn. Tôi chưa bao giờ thấy một người nào chơi đàn kiểu như vậy. Cả thân hình ông, những động tác của ông thật diệu nghệ.
Đi tiếp chúng tôi bắt gặp hai thiếu nữ đang kéo đàn violon. Hai cô gái mới khoảng mười chín đôi mươi tràn đầy sức sống. Họ vận bộ quần bò đã bạc màu, áo phông tím bó sát ba vòng cong thẩm mỹ đầy gợi cảm. Trong ánh sáng mờ ảo, những ngọn gió nhè nhẹ thổi bay mái tóc vàng mềm mại, bồng bềnh của hai cô gái như sóng lượn, và dường như điều đó càng tôn thêm vẻ duyên dáng kiều diễm. Cộng hưởng với âm thanh cao vút, réo rắt đặc biệt của loại nhạc cụ quý tộc phát ra từ đôi bàn tay nhịp nhàng, đưa lên đưa xuống theo thân hình uốn lượn, tất cả như hút hồn khán giả trong đêm…Thực tình tôi cứ nấn ná cùng các khán giả, không muốn rời khỏi khung cảnh vô cùng lãng mạn, nhưng xa xa nữa còn một gánh xiếc, một nhóm thiếu nữ đang múa. Chúng tôi tới gần, định xem một lát, nhưng đã gần 10 giờ, Thúy nhắc mọi người phải ra về để sớm mai còn đi tắm khoáng nóng cuối tuần ở Rockies. Lâm ấm ức khóc chỉ vào gánh xiếc không muốn ra chỗ để xe đi về, nhưng biết làm thế nào, đành dỗ dành cháu để khi khác.
Trên đường về tôi cứ miêm man với những ý nghĩ vẩn vơ. Tôi đã từng đọc và từng xem không ít những tác phẩm nói về nước Mỹ, nhưng đến Mỹ tôi vẫn thấy nhiều điều mới mẻ và khác lạ. Chẳng hạn như những trải nghiệm buổi tối hôm nay. Đó là không khí của một buổi tối như bao buổi tối ở một thành phố nhỏ lẻ nhưng nó không khác gì một đêm hội hè. Với tôi, nó vừa thực tế vừa thơ mộng, vừa dân dã vừa cao sang, vừa vật chất vừa tinh thần. Ở đây, tôi bỗng quên đi cái nền chính trị của một đế quốc mà mỗi một đời tổng thống từ thời thành lập nước đến nay, đều như một định mệnh là phát động ít nhất một cuộc chiến tranh gây bao đau thương cho các dân tộc. Tôi hoàn toàn quên đi những cuộc chiến đẫm máu và đau thương gần đây của Mỹ ở Kosovo, ở Apganistan, ở Irăc, Liby…
Ra khỏi thành phố, đất trời chìm trong bóng đêm. Tuy vậy trên màn chỉ dẫn của chiếc xe hơi, con đường đi vẫn hiện rõ trước mặt. Qua ô cửa kính xe, những ngôi sao chi chít hiện ra. Đã lâu lắm rồi tôi không được thấy trời nhiều sao đến như thế, sao sáng đến như thế. Cả khoảng không chi chít, đầy ắp sao cứ vùn vụt đi qua trước mắt tôi. Tôi nói với Hoài Anh cho dừng xe lại. Cả nhà cùng ngắm sao giữa thảo nguyên. Một bầu trời đầy sao như hồi tôi còn thơ bé. Những đêm trời oi ả, cả nhà mang chõng ra sân nằm. Sao cũng nhiều vằng vặc như đêm nay. Cha mẹ chúng tôi thường chỉ cho anh em chúng tôi chòm sao Thần Nông, vị thần có mũ cánh chuồn, mặt luôn nhìn xuống thế gian coi sóc mùa màng. Bà nội thì kể cho chúng tôi nghe về dòng sông ngân hà cùng với sự tích Ngưu Lang và Chức Nữ. Còn tôi đi sinh hoạt thiếu nhi, học lỏm được từ các anh chị lớn tuổi nên chỉ cho cha mẹ và các em chòm Đại Hùng, chòm Tiểu Hùng và ngôi sao Bắc đẩu…
Những ngày ấu thơ, ở giũa sân nhà nhìn lên bầu trời đầy sao lấp lánh, có một khoảng trời rất đặc biệt gồm vô vàn các vì sao dày đặc, sáng đến kỳ lạ và đầy huyền bí. Đúng như bà tôi nói, nó giống như một dòng sông bắc ngang trời. Khi lớn lên tôi còn có một thời gian thấy bầu trời vằng vặc sao, đẹp đến nao lòng. Đó là những đêm hành quân dọc miền Trung vào Nam, những đêm hành quân trên đất Lào, những đêm trên chốt… Rời quân ngũ về, ngôi nhà tranh thay bằng nhà ngói, rồi nhà ngói thay bằng nhà tầng. Đèn dầu thay bằng đèn điện. Hệ thống điện cao áp thắp sáng đường làng ngõ xóm. Hàng xóm láng giềng nhà nhà đua nhau lên cao tầng. Bầu trời thành ra nhỏ hẹp. Không còn thấy nhiều sao và sao sáng đẹp như trước nữa. Thật không ngờ trên đất người xa xôi này, tôi lại có cơ hội ngắm nhìn bầu trời đêm bao la rộng lớn của ngày nào, lại thấy cái ánh sáng huyền ảo đẹp đến mê hồn của ngày nào.


Read More

Thăm Bảo tàng Khoa học và Tự nhiên Denver

Leave a Comment
Bảo tàng Khoa học và Tự nhiên Denver nằm bên cạnh Vườn Bách thú và Công viên Trung tâm thành phố Denver. Bảo tàng cùng với hai địa điểm nổi tiếng này đã tạo thành một khu vực tham quan và học tập không chỉ của người trong dân trong thành phố mà còn là điểm thu hút du khách và người dân đại đô thị thuộc khu vực núi Rocky. Bảo tàng là một tổ chức độc lập phi lợi nhuận. Diện tích xây dựng  rộng tới 46.452m2, bao gồm một hội đồng quản trị 25 thành viên, 350 nhân viên biên chế và 1.600 tình nguyện viên.
Bảo tàng được nhà tự nhiên học Edwin Carter thành lập vào năm 1900. Carter đã cống hiến cả cuộc đời mình cho nghiên cứu khoa học về các loài chim, các loài động vật ở Colorado. Từ những bộ sưu tập đầu thế kỷ thứ 20 của ông, đến nay người ta đã sưu tập được hơn một triệu hiện vật theo sáu lĩnh vực chính: Nhân học, địa chất, khoa học sức khỏe, cổ sinh vật học, khoa học không gian vũ trụ và động vật học. Ngoài ra bảo tàng còn cung cấp các chương trình triển lãm, chương trình chiếu phim, các bài giảng và hội thảo theo chuyên đề, các lớp học...
Khi xe chúng tôi đến bảo tàng thì bãi đỗ xe ngoài trời đã không còn lấy một chỗ trống. Hoài Anh phải cho xe vào nhà để xe 3 tầng và cũng phải lái ra lái vào, tìm mãi mới thấy một chỗ đỗ. Người Mỹ có thói quen thứ 7 và chủ nhật cả nhà cùng đi nghỉ cuối tuần. Bảo tàng là một trong những địa điểm yêu thích của các thành viên trong gia đình. Đến bảo tàng Khoa học và Tự nhiên Denver, tôi thấy đông đến kì lạ. Những người đã có tuổi, những em bé còn nằm trong nôi cũng cùng gia đình đến bảo tàng. Người cứ nườm nượp, đi đi lại lại, nhưng tất cả đều trật tự, yên lặng.
Trước tiên, chúng tôi thăm khu khoa học không gian vũ trụ. Cảm giác của tôi là choáng ngợp khi nhìn thấy một quả cầu khổng lồ rực rỡ sắc mầu, một quả cầu tượng trưng cho trái đất đang tự quay quanh trục của nó. Với những chất liệu đặc biệt, vị trí năm châu bốn biển và các quốc gia rõ nét và sống động như thực trước mặt người xem. Quả cầu trái đất tự kể bằng hình ảnh, âm thanh, bằng những số liệu về sự ra đời, sự phát triển và biến đổi của mình từ thủa khai thiên lập địa cho đến tương lai khi khí hậu trái đất biến đổi. Bên cạnh đó là bốn màn hình lớn liên tục chiếu những đoạn phim về Big Bang và sự tiến hóa của vũ trụ, những hình ảnh bí ẩn về hố đen, sự hình thành trái đất và hệ mặt trời, Thái Dương hệ Galaxy, trái đất và vũ trụ...
 Xung quanh quả cầu là một hệ thống máy tính để người xem có thể tìm hiểu sâu hơn một vấn đề nào đó về trái đất. Tôi thấy hàng trăm em độ tuổi học sinh, sinh viên xúm xít quanh các bàn máy tính. Nhóm thì tìm hiểu về hệ thống sông ngòi trên trái đất. Nhóm thì tìm hiểu bí mật về các đại dương. Nhóm thì tìm hiểu về sự sống các loài và sự tiến hóa của các loài. Nhóm thì tìm hiểu về hệ động thực vật các đây hàng trăm triệu năm. Nhóm thì tìm hiểu về loài khủng long. Nhóm thì tìm hiểu về loài cá mập. Nhóm thì tìm hiểu về thành phố quê hương và khu đô thị của mình...
Gian bên cạnh quả cầu trái đất là một gian trưng bày mô hình vệ tinh nhân tạo, mô hình tên lửa đẩy tàu vũ trụ. Một thuyết minh viên ở gian phòng này khoảng độ ngoài sáu mươi. Ông có mái tóc bạch kim, đang giới thiệu với khách về nhà du hành vũ trụ Nga Yuri Gagarin, người đầu tiên thực hiên chuyến bay vào vũ trụ ngày 12/4/ 1961 trên tàu vũ trụ Phương Đông. Tiếp theo ông giới thiệu về thân thế và sự nghiệp Neil Armstrong, người đã chỉ huy tàu Apollo 11 của Mỹ, lần đầu tiên trong lịch sử loài người đổ bộ xuống mặt trăng. Ông cũng say sưa mô tả cấu tạo của một vệ tinh nhân tạo và quá trình tên lửa đẩy các con tầu vũ trụ vào không gian. Cùng với lời giới thiệu của ông, trên màn hình 100 inch là những đoạn phim quay lại hình ảnh những lần phóng tàu vũ trụ vào không gian của Mỹ.
Tôi mải mê quan sát vì tất cả những điều đang diễn ra trước mắt tôi, trong quá khứ và hiện tại, học sinh phổ thông Việt Nam đều không được học ở nhà trường. Thật tiếc cho các em. Cả Việt Nam không có lấy một bảo tàng khoa học và tự nhiên và không biết đến bao giờ mới có. Trong khi tôi dán mắt vào các màn hình thì Hoài Anh đi lấy vé vào cổng thiên văn để xem bộ phim về Sự hình thành vũ trụ và cuộc phưu lưu vào vũ trụ. Thúy đến bên tôi giục:
-      Ba mà xem kĩ thế này thì đến mai cũng không đi hết bảo tàng được. Cả nhà mình vào Cổng thiên văn xem thế nào. Con nghe giới thiệu hay lắm. Ba bế Lâm hộ con để con đẩy xe để vào chỗ nào đó.
Tôi bế Lâm đến Cổng thiên văn thì Hoài Anh đã đứng chờ tại đó. Lối đi vào nơi này mờ ảo, cùng với giai điệu nhạc bồng bềnh nổi lên khiến tôi bắt đầu có một cảm giác rất lạ. Cổng thiên văn có mái vòm theo thiết kế mô phỏng các đài thiên văn vũ trụ để người xem hình dung được khái niệm ban đầu về không gian. Trong phòng có 125 chỗ ngồi. Ghế ngả khoảng 25 đến 30 độ cho người xem nhìn trực tiếp lên mái vòm. Người ta sử dụng công nghệ nghe nhìn nhiều chiều hiện đại, kết hợp với sự chuyển động lên xuống hoặc quay tròn chỗ ngồi, giúp người xem trải nghiệm qua một cuộc hành trình vào vũ trụ sống động, đầy cảm giác. Suốt quá trình chiếu gần nửa tiếng, nhiều người không giữ được bình tĩnh, thỉnh thoảng kêu lên. Ngay cả Lâm, dù tính tình rất mạnh dạn, cũng nhiều lần rùng mình bám chặt lấy ông.
Xem xong bộ phim, chúng tôi vào khu vực ăn rộng lớn nằm ở tầng một của bảo tàng. Có đủ các món ăn Âu, Á và các món ăn dân tộc đặc trưng của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan... Thúy gọi một đĩa bánh Pizza và một đĩa trứng luộc cho cả nhà. Chúng tôi giục nhau ăn cố mà vẫn không thể hết, đành gói lại cho bữa tối. Nhìn sang bên cạnh, tôi thấy một gia đình người Mỹ cũng bốn người tương tự như gia đình chúng tôi. Họ gọi một đĩa bánh Pizza, một đĩa trứng luộc, một con gà nướng, một đĩa thịt bò, một đĩa khoai tây chiên. Đó là chưa kể đến đồ uống, vậy mà họ ăn gần như hết sạch. Không biết có phải họ ăn được nhiều như vậy nên tỉ lệ người béo phì ở Mỹ cao nhất thế giới?
Nghỉ ngơi khoảng nửa tiếng, chúng tôi vào nhà hát IMAX. Nhà hát nằm trên tầng hai của bảo tàng. Vào năm 1940 người ta đã xây dựng nhà hát này như một thính phòng và được sử dụng cho các buổi thuyết trình, các buổi hòa nhạc, chiếu phim ảnh cho đến năm 1980. Sau hơn hai năm cải tạo, IMAX được mở cửa trở lại vào đầu năm 1983 với gần 500 chỗ ngồi và chuyên chiếu phim chuyên đề 3D hàng ngày phục vụ khách thăm bảo tàng.
Đeo cặp kính chuyên dụng vào rạp, tôi thấy mình như được vào một thế giới đầy bí ẩn và mới mẻ. Tôi thấy những thứ mà chưa bao giờ được thấy. Người ta sử dụng kĩ thuật chụp ảnh tốc độ cao, kính hiển vi điện tử cùng với công nhệ nano để làm ra những bộ phim, đưa người xem vào thế giới vi mô mà trước đó chỉ dành cho những nhà khoa học. Chẳng hạn người xem như được đối mặt trực tiếp với các loài phù du kì lạ và đàn cá voi khổng lồ. Đặc biệt về loài cá mập trắng, loại động vật ăn thịt và là sát thủ của đại dương, nó đem đến cho người xem bao cảm xúc bởi những cuộc săn mồi, bởi những cuộc tiếp xúc của loài cá này với những chuyên gia quả cảm.
Người xem cũng được nhìn thấy một thế giới tuyệt đẹp nhưng vô cùng phức tạp về các sự kiện đương đại trong đời sống chính trị. Chẳng hạn như những câu chuyện, những hình ảnh đầy sức lôi cuốn về Jerusalem, thành phố của ba tôn giáo lớn trên thế giới. Tôi khám phá ra lí do tại sao cái miền đất dường như nhỏ bé ấy lại trở nên vô cùng thiêng liêng với người theo Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Tôi cũng tìm được câu trả lời tại sao, sau hàng ngàn năm, miền đất thánh Jerusalem vẫn tiếp tục khuấy động trí tưởng tượng của hàng tỉ người trên trái đất.
Lâm quấy khóc trong rạp nên chúng tôi phải đi ra ngoài. Tuy Lâm hiếu động nhưng cháu rất ngoan. Tại sao ở trong rạp có lúc lâm lại khóc ré lên. Có lẽ đi đường xa nên cháu mệt chăng. Tôi cứ lo lo áp má vào trán cháu.
-       Lâm hơi âm ấm, tôi nói với Thúy.
-      Có lẽ trong rạp đông người, lại tối nên cháu mới như vậy. Không sao đâu, ba và Hoài Anh cứ đi xem tiếp đi. Con ra chỗ yên tĩnh cho cháu ngủ một lúc đã.
Hoài Anh hướng dẫn tôi đi thăm khu động vật. Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 1,5 triệu loài. Bảo tàng Khoa học và Tự nhiên Denver có trên một triệu đối tượng. Các loại động vật ở bang Colorodo và các bang khác của Mỹ cũng như ở cả châu Mỹ chắc không thiếu loài nào. Chỉ như thế thôi cũng đã quá đủ cho người đi xem có một cái nhìn khá toàn diện về thế giới động vật.
Có một sơ đồ hình cây rất lớn phân chia động vật thành hơn 20 ngành ở gian đầu tiên. Đó là các ngành: Ngành động vật nguyên sinh như loài trùng biến hình; ngành động vật xốp như bọt biển; ngành động vật rỗng ruột như san hô; ngành động vật hình dẹt như trùng hút máu; ngành động vật thân đốt như gun, châu chấu; ngành động vật thân mềm như ốc, mực; ngành động vật chân khớp như tôm, cua, côn trùng... Cuối cùng là ngành động vật xương sống. Từ các ngành người ta lại chia ra các lớp. Chẳng hạn như ngành động vật xương sống lại chia ra thành lớp cá, lớp lưỡng cư, lớp bò sát, lớp chim, lớp thú.
Tôi và Hoài Anh đi lướt qua các gian phòng trưng bày các tiêu bản động vật. Gần như phòng nào cũng có tranh ảnh hay màn hình mô phỏng cuộc sống thực của các loài từ rạn san hô cách đây 435 triệu năm đến các loại côn trùng và một hộp sọ, một bộ xương của một diễn viên nào đó. Chỉ gian phòng nào gây được sự chú ý thì chúng tôi mới dừng lại xem kĩ. Vậy mà cũng phải mất đến hơn một tiếng chúng tôi mới cưỡi ngựa xem hoa xong. Tuy vậy chúng tôi vẫn hiểu và hình dung được sự tiến hóa của sự sống trên trái đất từ những sinh vật đơn bào đến những con khủng long khổng lồ, và cho đến các cư dân hiện tại của thế giới ngày nay.
Hoài Anh tiếp tục hướng dẫn tôi tới khu vực thám hiểm y tế. Tại đây người ta cân nặng, đo chiều cao, đo huyết áp, lấy mẫu máu và làm các xét nghiệm như khám sức khỏe toàn diện cho du khách nếu có yêu cầu. Chúng tôi cũng tuần tự làm như mọi người để cuối buổi lấy kết luận in trên máy tính. Khu vực thám hiểm về y tế không chỉ đơn thuần là khám sức khỏe hay xem một cuộc trưng bày cụ thể và sinh động về cơ thể con người. Thông qua các thiết bị y tế hiện đại, tôi được thấy mình đang nhìn vào cơ thể bên trong của mình; trực tiếp nhìn thấy từng biến động và thay đổi của cơ thể mình. Tôi được trải nghiệm những giây phút tuyệt vời khi nhìn vào tế bào của mình dưới kính hiển vi, nhìn vào bên trong mạch máu đang chảy của mình, hiểu được tình trạng sức khỏe của các cơ quan dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia y tế. Cái cảm giác kì lạ được đối diện với chính mình trong tôi chỉ có ở đây chứ chưa hề thấy trong bất kì lần khám sức khỏe nào của tôi trước đó.
Lấy xong giấy báo kết quả sức khỏe, tôi và Hoài Anh xuống tầng một đón mẹ con Thúy cùng tham khu vực triển lãm. Khu vực này lại chia ra làm nhiều khu vực nhỏ. Chẳng hạn khu trung tâm giáo dục trẻ em, ở khu này, các em chơi với các đồ thủ công hay chơi trên sân khấu để phát hiện hay kiểm tra các mẫu vật, côn trùng tương đối quen thuộc hoặc vào nhà gương để cười vui vẻ với các hình dạng méo mó và kì lạ của mình. Khu triển lãm xác ướp Ai Cập, khu này trưng bày xác ướp và các đồ tùy táng về nền văn minh Ai Cập cổ đại. Khu trưng bày đá quý và khoáng sản. Khu triển lãm về nền văn hóa của người da đỏ Bắc Mỹ. Khu triển lãm văn hóa dân gian Nga...
Bảy giờ tối cả nhà mới ra về. Một ngày tham quan bổ ích và lí thú, để lại trong lòng tôi bao cảm xúc. Không hiểu sao tôi lại ước ao ở Hà Nội có một bảo tàng đại loại như ở đây. Khi đó tôi muốn được trở thành một tình nguyện viên, phụ trách thuyết trình cho các cháu học sinh về một mảng đề tài nào đó, giống như những ông già, bà già tôi đã gặp trong bảo tàng. Có lẽ ước mơ cuối cuộc đời này của tôi chỉ là mơ ước viển vông. Đến bao giở ở Việt Nam mới có một bảo tàng khoa học, tự nhiên?


Read More

Bị lạc

Leave a Comment
5h30 sáng thức giấc và không sao ngủ được, tôi dậy mặc áo ấm đi ra ngoài “thể dục” như lệ thường. Dự định đi bộ khoảng hai tiếng, sau đó trở về nhà, chuẩn bị cùng vợ chồng Thúy đi thăm một hai bảo tàng ở Denver. Tính như vậy nên tôi cứ mải miết đi dọc tuyến đường dành cho người đi bộ trên đường cao tốc. Còn sớm nên ngoài đường không thấy bóng người và rất ít các phương tiện giao thông qua lại. Đi đến vài cây số, chỉ thấy hai hàng cây sồi cao hơn đầu người và dãy thảm cỏ xanh mướt được cắt xén bằng phẳng chạy dài tít tắp.
Khí hậu ở đây rất khô nên từ nhà tư cho đến khu công cộng người ta phải dùng hệ thống nước tưới tự động vào buổi sáng và buổi chiều. Vào lúc 7h sáng, những tia nước li ti hai bên đường đồng loạt phun lên không trung dưới ánh nắng mặt trời, trông tựa như muôn ngàn hạt kim cương lấp lánh đang bay. Khoảng 15 phút, hệ thống phun tự động ngừng tưới, để lại trên ngọn cỏ muôn ngàn hạt sương óng ánh trong trẻo. Tôi chợt nhớ tới nhà thơ PhạmTiến Duật, vì một lần, anh gọi vài người bạn đến thưởng thức cái vẻ đẹp của sương mai trên bờ cỏ đường phố Hà Nội. Mấy anh chàng điên lạc lõng say sưa ngắm nhìn…Vậy mà giờ phút đó bây giờ chỉ còn lại trong tâm tưởng. Anh đã rời xa chúng tôi mấy năm nay rồi.
Tôi đi hết khu đô thị này đến khu đô thị khác. Khu đô thị nào cũng có những nét riêng của nó. Có khu đô thị được xây để cho người ở thuê. Có khu đô thị được xây để bán. Có khu đô thị hỗn hợp được xây vừa để cho thuê, vừa để bán. Có khu đô thị dành cho những gia đình có thu nhập thấp. Có khu đô thị dành cho tầng lớp trung lưu. Có khu đô thị dành cho những người giàu có. Rất đa dạng, nhưng tất cả đều có mặt đường, đều có không gian, có đường nét với độ cao thấp khác nhau. Xung quanh những ngôi nhà, những tòa biệt thự, những khối nhà đều có không gian riêng, đều có những khoảng trống rộng trồng cỏ, trồng hoa và trồng cây.
Qua một khu đô thị còn đang xây dựng dở dang, hiện lên trước mặt tôi là thảo nguyên mênh mông, bát ngát trải tới tận chân núi Rocky. Rocky Mountains sừng sững chạy dọc theo chân trời phía tây. Trên những đỉnh cao chót vót vẫn còn phủ những lớp tuyết trắng xóa. Thật hùng vĩ. Tôi được biết đó là khu bảo tồn lớn nhất  nước Mỹ, nơi có nhiều địa điểm vào mùa hè người dân khắp nước Mỹ thường đổ về nghỉ dưỡng. Giới tài phiệt, giới văn nghệ sĩ, các nhà báo và các nhà khoa học còn có cả khu vui chơi giải trí riêng biệt. Tôi rất vui vì tuần tới cả nhà tôi sẽ lên thăm khu bảo tồn huyền thoại này.
Ngắm nhìn thảo nguyên và dãy núi Rocky, giai điệu bài dân ca Nga thể hiện tình yêu miền thảo nguyên từ thời sinh viên sư phạm lại ngân nga trong tâm trí tôi với bao cảm xúc. Một thời tôi say mê âm nhạc Nga, văn học cổ điển Nga, văn học hiện thực Nga, văn học hiện đại Nga. Không biết tôi từng yêu, từng đắm mình với bao nhiêu nhân vật trong các tác phẩm kì vĩ của các thế hệ nghệ sĩ Nga. Có thể nói thời thanh xuân của tôi thấm đẫm văn hóa Nga. Qua văn hóa Nga, tôi yêu con người Nga, yêu tâm hồn Nga. Chính vì vậy mà tôi thấy lo lắng, hẫng hụt và ngao ngán khi quê hương của cách mạng tháng Mười biến động, khi Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết và các nước theo chế độ Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ. Niềm tin vào lí tưởng về một chế độ, về một thời đại, về một cuộc sống tươi đẹp bấy lâu nay bỗng thấy xa vời. Cái gì đã khiến hệ thống Xã hội chủ nghĩa sụp đổ? Tôi không thể lí giải được một cách thấu đáo. Thực tế phũ phàng là mô hình xã hội Xã hội chủ nghĩa mà các dân tộc thuộc Liên Xô cũ và nhiều dân tộc khác sau bao nhiêu năm theo đuổi đã sụp đổ. Đó là sự sụp đổ mà nguyên nhân xuất phát từ nội tại của mô hình. Chủ quan duy ý chí, bất chấp quy luật kinh tế, mất dân chủ, tham ô cửa quyền đã làm cho cuộc sống của người dân các dân tộc theo chế độ này ngày càng khó khăn và bức xúc. Hậu quả tai hại thật không thể lường hết. Thế mới biết con đường đi của nhân loại thật quanh co, gập ghềnh.
Tôi nhớ tới cuốn tiểu thuyết Gót sắt (Iron Heel) của nhà văn Mỹ Jack London mà tôi đọc cách đây khoảng 30 mươi năm. Tác phẩm viết theo hình thức viễn tưởng, thể hiện lòng khao khát tự do, niềm tin vào tương lai tất thắng của cách mạng vô sản trên toàn thế giới. Những trang viết của Jack London đã cho tôi thấy được tình cảnh khốn cùng của giai cấp công nhân Mỹ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Tôi nhớ là mình đã cảm nhận được cái bầu không khí ngột ngạt đang dồn nén giai cấp lao động Mỹ. Người đọc tin rằng một cuộc cách mạng xã hội chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai. Nhưng thực tế, cách mạng lại không nổ ra ở nước Mỹ từ thời của Jack London đến nay.
Hiện tôi đang ở trong lòng nước Mỹ, lang thang qua nhiều thành phố của Mỹ. Tôi thấy cuộc sống ở đây thật yên ả. Không có bãi công, không có biểu tình, không có tụ tập chống đối chính quyền. Thậm chí tôi chưa hề nghe thấy tiếng chửi bới, cãi vã hay gây lộn trong suốt mấy tháng ở đây. Theo dõi qua các phương tiện thông tin đại chúng, tiếp xúc với một số trí thức, một số sinh viên và những người lao động Mỹ tôi không thấy dấu hiệu gì gọi là mầm mống chống đối chính quyền hay mầm mống của một cuộc cách mạng nào. Ngược lại tôi lại thấy nhiều cái mà ở chế độ xã hội chủ nghĩa phấn đấu như xóa bỏ khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa lao động trí óc và chân tay, giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa cuộc sống vật chất và tinh thần… Ở Mỹ những nơi tôi đi qua, thực tế nhiều cái người ta đã làm được rồi.
Tuy nhiên, tôi cảm nhận rất rõ khoảng cách giàu nghèo ở Mỹ, sự bất công trong thu nhập giữa các tầng lớp xã hội Mỹ. Tôi cũng biết nước Mỹ vẫn trong thời kì khủng hoảng và nợ công của nước này đã lên tới trên 17 ngàn tỷ USD. Tôi cũng biết thời kì cao điềm có hàng trăm người biểu tình chiếm phố Wall và khoảng 1.000 người biểu tình ở các thành phố như Los Angeles, Las Vegas, Boston, Wasington... ủng hộ phong trào chiếm phố Wall ở New York. Nhưng tất cả cũng chỉ như viên sỏi làm gợn sóng nền chính trị Mỹ. Ngay cả khi chính quyền Mỹ có nguy cơ phải đóng cửa, tôi thấy cuộc sống của đại đa số người dân Mỹ vẫn diễn ra bình thường, không giống như những gì giới truyền thông đã mô tả.
Trước đây người Mỹ làm cuộc cách mạng năm 1776, Lênin đã từng gọi đây là cuộc cách mạng vĩ đại, cuộc cách mạng giành độc lập từ tay thực dân Anh. Còn bây giờ hình như họ không thích làm cách mạng để lật đổ chế độ này. Theo quan sát cá nhân, tôi thấy họ không quan tâm tới chính trị. Họ không than thân trách phận, không kêu ca phàn nàn, chỉ lo làm lo ăn. Hy vọng về một cuộc cách mạng xã hội theo quy luật phát triển của xã hội loài người ở Mỹ còn rất xa vời.
Mải suy tư nên tôi không biết là mình đã đi quá xa. Bên phải con đường tôi đang đi là một trang trại trồng ngô. Trang trại này rộng bao nhiêu tôi cũng không biết được. Chỉ biết rằng nó rất rộng. Cả bang Colorado có 31,6 triệu acres đất trang trại với 36.500 trang trại. Bình quân một trang trại là 853 acres, tương đương với 340 ha. Nhưng tôi nghĩ trang trại này phải rộng tới hàng ngàn ha. Trước mặt tôi, một nông dân đang điều khiển một dàn máy tưới tự động, một dàn máy tưới khổng lồ phun nước như cơn mưa mùa hạ. Chiều dài của chiếc máy tưới khoảng 150 m chạy từ từ trước mặt tôi ra xa, tới khi chỉ nhìn thấy nó còn một gang với một làn sương nước bao quanh nó mà vẫn chưa hết chiều dài của trang trại.
Tôi đã biết mình đi quá xa, vội quay trở lại để về cùng vợ chồng Thúy đi thăm bảo tàng. Tôi có cảm giác mình về muộn nên đi gần như chạy. Qua hết khu đô thị này đến đô thị khác. Tôi vừa cảm thấy khu này quen quen vừa cảm thấy nó có gì đó là lạ. Hình như tôi đã đi qua rồi và hình như tôi chưa đi qua thì phải. Hệ thống đường như mắc cửi không biết đâu mà lần nữa. Một khu đô thị có tới hai ba con đường chạy ra đường cao tốc. Đằng trước là đường, đằng sau cũng là đường. Tôi bắt đầu phải đánh dấu vào tờ giấy những nơi mình đã đi qua để định vị. Nhưng lúc đi tôi đã không làm như vậy, nên không biết rẽ chỗ nào để về khu ở của nhà mình. Tôi bắt đầu rối trí. Tôi bắt đầu cuống, không còn bụng dạ nào nhìn ngắm xung quanh nữa.
Nghĩ mình đã bị lạc, tôi thật sự phát hoảng. Không có một ai đi bộ mà hỏi thăm. Chỉ có những chiếc ô tô đi lại vun vút với tốc độ chóng mặt. Tôi đã định vẫy xe “cầu viện” nhưng lại nghĩ thật điên rồ mà vẫy xe dừng lại để hỏi thăm đường đi. Giống như tôi, chắc gì họ đã biết đường. Tôi cứ đi bừa vào một khu đô thị với hy vọng gặp được một ai đó. Tôi đã tính phải đánh liều gõ cửa vào một nhà nào đó để hỏi thăm đường. Đó là cách duy nhất có thể cứu giúp tôi.
Thật may mắn, tôi thấy một phụ nữ dắt một con chó vừa bước ra khỏi cửa nhà. Tôi vội chạy đến tự giới thiệu và hỏi thăm đường đi tới khu đô thị Clover Creek Dr. Trước mặt tôi là một phụ nữ cao lớn, tóc vàng óng, mắt xanh biếc. Chị chỉ cho tôi con đường đi thẳng, đến chỗ rẽ thứ hai vẫn rẽ trái, rồi lại rẽ trái, sau đó đi thẳng khoảng hai dặm thì rẽ phải. Thú thật tôi không thể nhớ được. Thấy tôi vẫn còn hoang mang, chị bảo tôi chờ một lát. Chị vào trong nhà, mang ra một tấm bản đồ, đặt trên thảm cỏ. Chị chỉ cho tôi chỗ đang đứng hiện tại. Chị dùng bút chì chỉ đoạn đường sẽ đi qua, những chỗ rẽ trái, đi thẳng và rẽ phải. Chị cho tôi tấm bản đồ. Tôi cầm lấy, cảm ơn với tất cả tấm lòng cảm kích.
Từ biệt người phụ nữ xa lạ tại một nơi xa lạ, tôi vừa chạy vừa nhìn tấm bản đồ. Tôi biết thời gian đã muộn rồi, nhưng không muốn để các con phải lo lắng nên chỉ còn có cách chạy. Mới đến chỗ rẽ đầu tiên, thấy một chiếc xe đi qua chầm chậm, rồi đỗ trước mặt tôi. Thì ra là người phụ nữ tôi vừa hỏi thăm đường. Chị mời tôi lên xe.
-      Tôi nghĩ ông quá vội đi đâu thì phải.
-      Vâng, các con tôi đang chờ tôi về để đi Denver. Tôi lại quên không mang theo điện thoại. Thật may tôi gặp được chị. Chị thật quá tốt.
-      Không có gì. Tôi là giáo viên giảng dạy ở trường Đại học Colorado Boulder. Tôi biết đôi chút về Việt Nam. Những lớp tôi dạy có một số sinh viên Việt Nam. Nhìn chung các em đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp.

Tôi chỉ kịp giới thiệu qua loa về bản thân mình, về các con thì xe đã đến trước cửa nhà Thúy. Tôi mời chị vào nhà vợ chồng Thúy, nhưng chị nói còn có việc, rồi vẫy tay tạm biệt và quay xe trở lại. Nhìn theo chiếc xe tôi bỗng nhớ đến câu chuyện kể của một người Trung Quốc. Đại loại là có một phụ nữ Trung Quốc ngã xuống dòng sông nước chảy xiết. Những người Trung Quốc có mặt trên bờ trông thấy chỉ biết kêu lên. Tất cả dường như bất lực, chỉ biết chỉ chỉ chỏ chỏ. Bỗng có một người nhảy xuống bơi theo dòng nước cố cứu người bị ngã. Mọi người đều lo lắng. Sau khi hai người lên được trên bờ thì người ta mới biết đó là một người phụ nữ Mỹ. Cứu được người phụ nữ Trung Quốc là một người đàn bà Mỹ đi du lịch, chứ không phải là một người đàn ông Trung Quốc. Còn tôi thì tự hỏi mình, giả sử người phụ nữ Mỹ mà tôi mang ơn này, chẳng may bị lạc đường ở Hà Nội, nếu gặp tôi thì tôi sẽ giúp đỡ người ta như thế nào?
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.