Liên minh châu Âu 60 năm qua

Leave a Comment
Cách đây 60 năm, ngày 25/3/1957, xuất phát từ ý tưởng hợp nhất châu Âu thành một liên minh hòa bình, tránh mọi nguy cơ xung đột, không còn cảnh chiến tranh tàn phá, sáu quốc gia châu Âu đã ký kết một hiệp định thành lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC)- tiền thân Liên minh châu Âu (EU) ngày nay. Sáu mươi năm đã trôi qua, cộng đồng này đã không ngừng gắn kết, mở rộng và phát triển thành một đại gia đình châu Âu với 28 nước thành viên trên cơ sở những giá trị chung: Dân chủ, tự do, công bằng xã hội và tôn trọng nhân quyền.
Quá trình hình thành và phát triển
Mục tiêu ban đầu của sự hợp tác là hòa cho châu Âu (1945-1959)
Hai cuộc chiến tranh thế giới đã làm cho người dân châu Âu vô cùng kinh hoàng. Họ không muốn trong tương lai có thêm bất kỳ một cuộc chiến tranh nào nữa. Nhưng trật tự quốc tế sau thế chiến thứ hai đã tạo nên một Tây Âu thân Mỹ, một Đông Âu chịu ảnh hưởng của Liên Xô với hai khối kinh tế đối lập nhau. Một số nước Tây Âu muốn tạo lập các nước  châu Âu thống nhất theo kiểu Liên bang châu Âu. Năm 1950 một liên minh ra đời với 6 thành viên tham gia là Đức, Pháp, Italia, Bỉ, Hà Lan, Lúc xăm bua. Liên minh này lấy tên là Cộng đồng than thép châu Âu. Để tránh những ảnh hưởng tiêu cực của Chiến tranh Lạnh, sáu nước trên đã ký Hiệp ước ở Rôm thành lập một thị trường chung hay còn gọi là Cộng đồng Kinh tế châu Âu ngày 23/7/1957.
Thời kỳ tăng trưởng kinh tế (1960-1969)
Cộng đồng kinh tế châu Âu bước vào thập kỷ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục nhờ việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan trong trao đổi thương mại. Cảnh khó khăn đói nghèo đã bị xóa bỏ. Sáu nước thống nhất kiểm soát, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản. Lần đầu tiên cả cộng đồng đã trở thành những nước xuất siêu về lương thực, thực phẩm.
Mở rộng lần thứ nhất (1970-1979)
Lần đầu tiên Cộng đồng Kinh tế châu Âu tiến hành mở rộng với việc kết nạp ba nước Anh, Ai len và Đan mạch. Tổng số nước thành viên trong khối lên 9 nước. Trong giai đoạn này, việc tăng trưởng không cao do ảnh hưởng khủng hoảng dầu mỏ vào đầu những năm 70. Cộng đồng châu Âu đã hướng tới các chính sách vùng, thúc đẩy kinh tế ở những vùng kém phát triển nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các vùng thông qua việc hỗ trợ việc làm, cải thiện kết cấu hạ tầng. Bắt đầu từ năm 1979, Nghị viện châu Âu được bầu trực tiếp, vai trò của cơ quan này bắt đầu được tăng cường.
Sự biến động của châu Âu và sự mở rộng lần thứ hai (1980-1989)
Bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước, chính trường châu Âu trở nên phức tạp do sự sụp đổ của bức tường Bec-lin và sự sụp đổ của chế độ Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Lần lượt Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha gia nhập cộng đồng. Năm 1986 Hiệp ước về châu Âu đơn nhất ra đời nhằm xóa bỏ những rào cản lưu thông tự do về hàng hóa trong khối, đồng thời cộng đồng thực thi sáng kiến biến châu Âu thành một thị trường chung.
Châu Âu nhất thể và mở rộng lần thứ ba (1990-1999)
Năm 1993 Thị trường chung châu Âu đã được hoàn tất với quyền tự do lưu thông hàng hóa, dich vụ vốn và lao động. Hiệp ước Maxtơrich được các nước ký kết năm 1993 và Hiệp ước Amxtecđam ký kết năm 1997 đã đánh dấu bước chuyển từ Cộng đồng Kinh tế sang liên minh chính trị với các giá trị chung châu Âu, hay còn gọi là Liên minh châu Âu (EU) và khẳng định nguyên tắc tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền, quan tâm tới môi trường, an ninh. EU đã thông qua các hiệp ước quy định về quyền tự do đi lại của công dân châu Âu với cái tên đường biên Schengen. EU tiếp nhận thêm 3 thành viên mới là Thụy Điển, Phần Lan và Áo.
Mười bẩy năm phát triển mở rộng (2000-2017)
Thời gian này, phần lớn các nước thành viên trong EU thay thế đồng nội tệ bằng đồng tiền chung châu Âu, đồng Ơ-rô. Đồng thời với quá trình sử dụng đồng Ơ-rô là quá trình mở rộng các thành viên mới thuộc khối Đông Âu, bắt đầu từ Hung ga ri cho tới Ru ma ni, đưa các thành viên của EU lên 28 nước. Bắt đầu từ đây những tác động tích cực lẫn tiêu cực đối với thị trường tài chính bắt đầu bộc lộ. Đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và khủng khoảng nợ công bắt đầu từ Hy Lạp lan ra nhiều nước, khiến EU phải đối mặt với nhiều thách thức.
Những thành tựu của EU
Nhìn lại chặng đường dài 60 mươi năm qua, rất nhiều người đánh giá EU đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. EU với khoảng 500 triệu người, trải rộng hơn 4 triệu kilômét vuông đã hội tụ được nhiều nền kinh tế phát triển, chiếm gần khoảng 1/3 tổng sản phẩm kinh tế toàn cầu. EU không chỉ giữ được nền hòa bình cho khu vực mà còn tạo ra được một thị trường chung, một đồng tiền chung.
Những giá trị chung của EU là tự do, dân chủ đã phát huy mạnh mẽ tại châu lục này. Những bản sắc văn hóa đa dạng của các nước thành viên đều được EU trân trọng đón nhận. Các đường biên giới nội khối ngày càng mở rộng. Một EU giàu bản sắc văn hóa, nơi khai sinh và nhanh chóng hội nhập các cuộc cách mạng công nghiệp là chìa khóa của sự tăng trưởng kinh tế, tạo ra công ăn việc làm và hòa hợp dân tộc. Phần lớn người dân EU được sống bình đẳng, được thụ hưởng các quyền tự do di chuyển, học tập, sinh sống lập nghiệp trong liên minh.
Sự thịnh vượng, phồn vinh đã đến với nhiều nước trong EU, nhất là các nước Tây Âu, Bắc Âu. Ở những nơi đó, người dân được hưởng mức sống, phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống cao nhất thế giới. EU là niềm mơ ước của nhiều dân tộc, của rất nhiều người dân trên thế giới. EU đã thành công trong việc tạo dựng một hình mẫu xã hội công bằng và dân chủ.
EU có sức mạnh kinh tế, sức mạnh về khoa học công nghệ, có một uy tín và vị thế vững chắc trên trường quốc tế. Các nước thành viên đã từng sát cánh bên nhau trong cuộc chiến chống khủng bố, tội phạm, kêu gọi giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực. EU thực sự góp phần đẩy lùi đói nghèo, bệnh dịch, bảo vệ môi trường và đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động nhân đạo trên thế giới…
Những thách thức làm rạn nứt châu Âu
Tuy nhiên bắt đầu từ năm 2010 đến nay, EU bắt đầu chao đảo bởi hậu quả khủng hoảng kinh tế, tài chính từ năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ công bắt đầu từ Hy Lạp. Trong khoảng bảy năm trở lại đây EU đã phải trả giá cho chính những tham vọng quá lớn của mình, tham vọng mở rộng theo số lượng, tham vọng mở rộng liên kết sang quá nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên nhiều nhà chính trị cho rằng EU không thể không kết nạp các nước thuộc khối Đông Âu. Nếu không tạo động cơ chính trị trở thành thành viên EU cho tầng lớp lãnh đạo và nhân dân ở các nước và số đông người dân ở các nước Đông Âu đang hy vọng thoát khỏi cảnh nghèo, thì rất có khả năng một số nước quay trở lại chế độ cũ và kèm theo đó là sự mất ổn định ở một số quốc gia. Đó là lý do khiến EU và NATO phải chấp nhận tư cách thành viên của một số nước Đông Âu.
 Đồng thời trong thời gian qua, nhiều thách thức đến từ bên ngoài và xuất hiện trong chính nội bộ liên minh. EU bắt đầu bộc lộ nhiều khiếm khuyết trong cơ chế khi đứng trước những vấn đề khó khăn chung. Sự ủng hộ của người dân với  EU đã suy giảm. Các bất đồng giữa các nước bắt đầu nảy sinh, xu hướng ly khai đã xuất hiện với việc nước Anh kích hoạt Điều 50 Lisbon, bắt đầu đàm phán rời khỏi mái nhà chung EU.
Về kinh tế
Do sự phát triển không đồng đều giữa các thành viên, giữa các nước Tây Âu và Đông Âu. Từ đó phát sinh những mâu thuẫn về quyền lợi và nghĩa vụ. Các nước lớn và Uỷ ban châu Âu đã không kịp thời điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh. Tiếp theo do sự hạn chế trong cơ chế phối hợp và điều hành ở khu vực Euzone trong vấn đề tiền tệ và tài khóa, sự không bền vững và mất cân đối trong các khoản vay nợ của các quốc gia, đặc biệt là khủng hoảng nợ công bắt đầu từ năm 2010… Kinh tế EU rơi vào suy thoái, kèm theo đó là tỉ lệ thất nghiệp cao, khiến mâu thuẫn giữa các nước phát triển và các nước mới gia nhập càng trở nên gay gắt.
Về chính trị
Tổ chức siêu nhà nước bao gồm Nghị viện châu Âu, Uỷ ban châu Âu với nhiều ban bệ cồng kềnh đã tỏ ra thiếu linh hoạt, kém hiệu quả trong việc xử lý các vấn đề. Nổi lên gần đây nhất là vấn đề khủng bố và người tị nạn. Hàng loạt vụ tấn công khủng bố xảy ra tại Pháp, Đức, Bỉ, Anh dưới nhiều cấp độ, nó đặt châu Âu vào một cuộc chiến hết sức khó khăn. Các nhà lãnh đạo các quốc gia phải xem xét lại tính hiệu quả trong hợp tác an ninh, kiểm soát đường biên cùng với việc đi lại trong khối Schengen.
Những khó khăn về kinh tế, tỉ lệ thất nghiệp 11% trong EU gia tăng chưa từng thấy cùng với các cuộc khủng bố đang tạo áp lực lên EU khá nghiêm trọng. Bên cạnh đó một nước Nga cứng rắn dưới sự lãnh đạo của Vladimir Putin kiên quyết bảo vệ lợi ích dân tộc, chống lại việc mở rộng NATO, một nước Mỹ với Donald Trump không mặn mà với EU và NATO- tất cả khiến EU lâm vào thế yếu, dễ bị chia rẽ. Và đương nhiên nó kích thích thái độ kỳ thị, bài ngoại, bài Hồi giáo, đòi bảo vệ bản sắc, bảo vệ lợi ích dân tộc ở các quốc gia trong EU.
Brexit là sự phản ứng của người dân Anh trước một cơ chế EU khiến họ mất đi quyền độc lập tự chủ, nhưng lại phải đóng góp những nghĩa vụ và trách nhiệm của một nước trụ cột mà theo họ là quá nặng. Sự hoài nghi, cân nhắc thiệt hơn đã khiến nước Anh luôn giữ thái độ nước đôi với EU. Điều đó thể hiện ở việc nước Anh vẫn duy trì đồng Bảng của mình. Nước Anh vẫn thích một vị trí quốc đảo độc lập hơn là hội nhập với nhóm Schengen tại châu Âu lục địa. Và việc người dân Anh chọn ra đi là điều tất yếu.
Không chỉ có Brexit, tư tưởng ly khai có ở mọi thành viên EU. Chỉ chờ điều kiện sẽ trở thành hiện thực ở Hà Lan, Pháp, Đức. Nếu một cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính mới tác động tiêu cực tới đồng Ơ-rô hay một cuộc trưng cầu dân ý ở một quốc gia nào đó thì EU có nguy cơ tan đàn xẻ nghé. Trong bối cảnh hiện nay các nhà lãnh đạo EU buộc phải đổi mới. Nhưng đổi mới như thế nào là một vấn đề vô cùng phức tạp. Ngày 1/3, Chủ tịch ủy ban châu Âu Jean Junker đã công bố sách trắng về tương lai châu Âu. Ông đã dề ra 5 kịch bản cho việc đổi mới của EU. Một là tiếp tục phát triển theo hướng đã định. Hai là chỉ còn thị trường chung. Ba là hội nhập theo nhiều tốc độ. Bốn là thu hẹp lại sự hợp tác nhưng có hiệu quả. Năm là thiết lập theo mô hình liên bang.
Đa số các nhà chính khách và giới phân tích cho rằng EU với nhiều tốc độ là kịch bản phù hợp với tình hình hiện nay, do sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các thành viên làm nảy sinh những mâu thuẫn khó giải quyết và gặp nhiều khó khăn khi đưa ra các quyết định chung. Châu Âu nhiều tốc độ cho phép những thành viên những thành viên muốn cùng nhau liên kết nhiều hơn trong các lĩnh vực cụ thể, hợp tác nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực quốc phòng hay quản trị khu vực Eurozone sẽ không bị cản trở bởi những thành viên còn đang lưỡng lự.
Một châu Âu đa tốc độ sẽ là thực tế khi đưa ra các quy định cho mỗi cấp. Chẳng hạn các quốc gia ở vòng ngoài có thể không hoàn toàn ủng hộ quyền tự do đi lại của công dân, nhưng không vì thế mà ngăn cản họ gia nhập thị trường đơn nhất của EU. Đồng thời các quốc gia phát triển, nòng cốt không được coi các quốc gia khác là quốc gia hạng hai. Bên cạnh đó có nhiều con đường cho các quốc gia ở những tốp khác nhau tham gia vào việc hoạch định chính sách kinh tế. ngoại giao, quốc phòng… Như vậy mấu chốt để EU tồn tại và tiếp tục phát triển chính là sự linh hoạt.
Quyết tâm và tương lai của EU
Cuối cùng ngày 25/3, sau sáu mươi năm thành lập, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã ký Tuyên bố Rome tại thủ đô Italia, nơi đã khai sinh ra EC, tiền thân của EU. Tuyên bố đã cam kết hướng tới một tương lai chung không có nước Anh. Tuyên bố Rome nhấn mạnh tới một liên minh độc đáo với các thể chế chung và các giá trị chung, một cộng đồng hòa bình, tự do, dân chủ, nhân quyền và thượng tôn pháp luật. Theo Tuyên bố Rome, các nhà lãnh đạo EU khẳng định quyết tâm làm cho liên minh trở nên mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn thông qua sự thống nhất, đoàn kết và tôn trọng các nguyên tắc chung với sự phát triển thịnh vượng, sức cạnh tranh bền vững và có trách nhiệm xã hội trong mười năm tới.
Như vậy là một châu Âu đa tốc độ đã được các nước chủ chốt, các nước phát triển trong EU xem là động lực mới để EU phát triển. Từ nay EU 27 sẽ chia thành các ngả khác nhau, với những quốc gia có nhu cầu hợp tác nhiều hơn, và phát triển như một liên minh mở, có nghĩa là EU sẽ linh hoạt hơn, thực tế hơn. Tuy nhiên nó lại mâu thuẫn với tinh thần cùng nhau phát triển và có thể dẫn tới chia rẽ nội khối. Chính vì thế một số nước Đông Âu e ngại mình sẽ trở thành công dân hạng hai của EU.
Trong mười năm tới việc dung hòa hòa lợi ích của tất cả 27 nước thành viên là một bài toán hết sức khó khăn với EU. Chính vì thế Tổng thống Pháp Francois Hollande đã giải thích “Thống nhất không phải là đồng nhất” và một số nước thành viên EU có thể đi nhanh hơn, tiến nhanh hơn nếu một châu Âu đa tốc độ được hình thành. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donal Tusk cho rằng “Tại sao hiện giờ chúng ta lại mất niềm tin vào mục tiêu thống nhất”. Ông nói “Các bạn cần biết rằng đoàn kết và thống nhất là con đường duy nhất để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của EU”.

Với những diễn biến gần đây, EU kỷ niệm 60 năm hình thành và phát triển trong bối cảnh một đám mây đen đang phủ bóng lên EU. Việc ra đi của nước Anh đang đặt ra cho EU một câu hỏi tồn tại hay không tồn tại. Mặc dù Tuyên bố Rome đã được các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thông qua với quyết tâm mạnh mẽ nhưng người ta vẫn trông chờ một EU không chỉ đoàn kết và thống nhất mà còn biết hợp tác và chia sẻ, coi trọng yếu tố con người để tiếp tục tồn tại và phát triển, để xứng đáng với những gì mà EU đã đóng góp cho nhân loại trong suốt 60 năm qua.     
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.