Mô hình giáo dục ở nhà tại Anh và Mỹ

Leave a Comment

 Mô hình giáo dục ở nhà tại Anh và Mỹ

Tại Vương quốc Anh và Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, giáo dục tại nhà, học tại nhà đã được chấp nhận bởi pháp luật và xã hội từ nhiều thập kỷ trước. Mặc dù luật phổ cập giáo dục ở hai nước bắt buộc học sinh phải học hết THPT 10/10 (Anh theo hệ thống giáo dục phổ thông 10 năm, giống như hệ thống giáo dục 10 năm của Việt Nam trước cải cách giáo dục lần thứ 2) và ở Mỹ 12/12, nhưng chính quyền không bắt buộc học sinh phải đến trường học. Phụ huynh học sinh có thể lựa chọn cho con học ở nhà (elective home education). Cũng theo luật, học sinh học hết lớp nào đó, phụ huynh không muốn con học ở nhà nữa, có nguyện vọng học ở trường thì nhà trường phải có trách nhiệm nhận các em vào học tiếp.
Theo khảo sát của tổ chức ADCS, cơ quan hàng năm tiến hành khảo sát giáo dục tại nhà ở Anh, năm 2020 ước tính có trên 86.000 trẻ em được giáo dục tại nhà. Theo thống kê của The Labor of Love tại Mỹ, có 2 triệu trẻ em Mỹ được giáo dục ở nhà vào năm 2015. Và vào năm 2020 người ta ước tính có 2,5 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học theo đuổi mô hình giáo dục ở nhà, chiếm khoảng xấp xỉ 5% học sinh trong độ tuổi đi học. Đây là hình thức giáo dục phát triển nhanh nhất ở Mỹ.
Tại sao phụ huynh học sinh Anh, Mỹ lại chọn phương thức giáo dục ở nhà? Vì nhiều lý do. Chẳng hạn, họ không hài lòng với cách giáo dục ở nhà trường công. Họ không hài lòng với kết quả học tập và rèn luyện đạo đức của con ở trường công, nhưng không có điều kiện học ở trường tư (nhìn chung ở Anh và ở Mỹ chất lượng giáo dục ở trường công từ phổ thông tới đại học đều không được đánh giá cao bằng trường tư). Cũng có thể vì con cái họ cần sự chăm sóc đặc biệt, vì họ e ngại con bị bắt nạt, bị ảnh hưởng bởi các tệ nạn xã hội ở trường công… Nhưng điều căn bản là vì rất nhiều phụ huynh ở Anh và ở Mỹ đều có trình độ đại học và trên đại học. Họ có đủ khả năng về sư phạm và tài chính để hướng dẫn con học hoặc thuê gia sư dạy con học ở nhà.
Ngoài ra, nguyên nhân ngày càng có nhiều phụ huynh Anh, Mỹ và các nước phương Tây cho con em học ở nhà còn phải kể đến điều kiện xã hội cho phép học sinh học ở nhà mà vẫn đảm bảo yêu cầu chung của bộ giáo dục nước sở tại. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư (CMCN 3.0 và 4.0) đã thúc đẩy công nghệ dạy học bùng nổ. Có hàng trăm, hàng nghìn chương trình học online của tất cả các môn học được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc gia; cùng với hàng trăm, hàng nghìn chương trình tiên tiến của các trường đại học, của các các tổ chức giáo dục phi chính phủ dành cho học sinh từ mầm non tới đại học trên các trang web trên mạng internet.
Thêm vào đó, có nhiều trung tâm thể dục thể thao, nghệ thuật triển khai khắp các địa bàn gần nhà học sinh. Các trung tâm được cơ quan chuyên môn và giáo dục thẩm định có chất lượng giáo dục và sự chuyên nghiệp còn tốt hơn ở trường học. Nó đáp ứng và thỏa mãn đầy đủ yêu cầu của phụ huynh và học sinh. Hơn nữa nó luôn mở cửa mời chào phụ huynh và học sinh vào bất cứ thời gian nào, địa điểm nào.
Sau cùng phải kể đến tác động của thời đại toàn cầu hóa. Ở phương Tây, trong đó có Anh, Mỹ toàn cầu hóa đã làm thay đổi cuộc sống định cư của một bộ phận dân cư. Hàng năm có hàng chục triệu chuyên gia đi công tác từ một vài tháng đến một vài năm ở nước ngoài. Họ đem theo cả gia đình ra nước ngoài. Việc tự học ở nhà trở thành một yêu cầu khách quan. Họ không thể cho con vào học ở các nước châu Phi lạc hậu. Họ không thể cho con họ học ở các trường học như ở Việt Nam, Lào và Cămpuchia mà ngôn ngữ bất đồng. Vì vậy các nhà tương lai học còn dự đoán việc học ở nhà sẽ là xu hướng tất yếu của thời đại mới.
Chính phủ Anh và chính phủ Mỹ đã ban hành các hướng dẫn cụ thể về giáo dục tại nhà bao gồm các quy định về chất lượng giáo dục, trách nhiệm của phụ huynh, trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục; những hỗ trợ cha mẹ có thể tiếp cận, cũng như những hình thức xử phạt khi các bên tham gia giáo dục vi phạm. Các văn bản hướng dẫn cụ thể được công bố công khai trên website của chính phủ Anh (Educate your child at home- Giáo dục trẻ em tại nhà) hay luật của Mỹ (No child left behind- Không để đứa trẻ nào tụt lại phía sau).
Khi đã lựa chọn giáo dục tại nhà, cha mẹ có thể tự dạy, thuê gia sư hoặc mua các chương trình học online cho con em mình trên mạng, nhưng phải đảm bảo đủ số giờ qui định như ở trường học. Đồng thời trường học phải phối hợp tiếp nhận các em khi gia đình đưa các em trở lại trường. Hội đồng thành phố hoặc hội đồng địa phương nơi phụ huynh ở có trách nhiệm kiểm soát việc giáo dục tại nhà. Hội đồng này có thể tiến hành kiểm tra không chính thức để xem xét tình hình trẻ ở nhà như thế nào, có học tập đầy đủ và tiếp thu được chuẩn kiến thức hay không (những lần tôi sang Mỹ vài tháng, tôi đã chứng kiến hàng tuần, hàng tháng các nhân viên xã hội (social worker) đến nhà các cháu theo dõi tình hình. Sau hàng giờ tiếp xúc với các em, kiểm tra kết quả bài tập lưu lại trên máy, nhân viên xã hội được đào tạo về sư phạm, tâm lý, y tế hoàn thành các biên bản theo mẫu. Bố mẹ các cháu phải ký vào từng biên bản nhận xét)…
Nếu nghi ngờ, họ sẽ yêu cầu phụ huynh gửi bằng chứng vể việc thực hành giáo dục tại nhà. Nếu hội đồng nhận thấy những chứng cứ giáo dục tại nhà của phụ huynh không đủ sức thuyết phục và họ cho rằng trẻ cần thiết phải được học tập tại trường họ sẽ đưa ra "lệnh gửi trẻ tới trường" (School attendance order). Phụ huynh sẽ phải thực hiện các yêu cầu của hội đồng giáo dục địa phương. Việc không tuân thủ và vi phạm các đều khoản sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Mức phạt hành chính theo giá trị tiền Việt có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Nếu nghiêm trọng có thể bị tù tới 3 tháng hoặc bị truất quyền nuôi con.
Nhìn lại lịch sử giáo dục của nhân loại, từ thời tiền sử cho đến cuộc cách mạng công nghiệp lần đầu, chủ yếu trẻ em trên thế giới đều được giáo dục tại nhà (loại trừ một số trường học do giai cấp thống trị lập ra dành cho con em họ). Khoảng trên 150 năm trước, ở Anh và ở Mỹ trẻ em mới theo học tập trung ở các trường công lập theo mô hình công nghiệp hóa như công nhân tập trung làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp. Chỉ khác ở trường thày trò làm việc theo tiếng trống, tiếng chuông báo, còn ở nhà máy là làm việc theo tiếng còi tầm. Mãi đến những năm 90 của thế kỷ trước, giáo dục tại nhà mới chính thức được hợp pháp hóa trở lại ở hai quốc gia này.
Hiện tại giáo dục tại nhà phát triển mạnh ở Anh, Mỹ và trở thành một mô hình giáo dục được chấp nhận rộng rãi. Khái niệm giáo dục tại nhà cũng dần phổ biến lan rộng ở các nước phương Tây. Song song với việc phụ huynh thoải mái để con học ở nhà, nhiều trẻ em cũng nhận thấy mô hình học tại nhà phù hợp với tính cách cá nhân hoặc phong cách học tập riêng của chúng.
Nghiên cứu cho thấy trẻ học tại nhà có thể thành công, thậm chí rất thành công khi được hỗ trợ bởi bố mẹ. Nhiều phụ huynh rất quan tâm đến giáo dục và tạo động lực rất tốt cho con. Họ có đủ điều kiện tài chính, tìm kiếm gia sư hoặc cho con theo học các lớp ngắn hạn với các môn học họ không thể tự dạy. Họ đóng vai trò vừa là người hướng dẫn vừa là người hỗ trợ hoặc điều phối.
Trẻ em học tại nhà gần đây ở hai quốc gia này thường tham gia nhiều hoạt động xã hội hơn, được tổ chức bởi cộng đồng giáo dục tại nhà do các gia đình trong khu vực thành lập. Học sinh được học nghệ thuật biểu hiện, chơi các loại nhạc cụ, học thể dục thể thao chuyên ngành hoặc đi sâu vào những môn học yêu thích. Các em có thể cùng nhau học khiêu vũ, đi nhà thờ, tập trung thành nhóm đi thực địa, đi trang trại, thăm bảo tàng, thăm sở thú, thăm các viện nghiên cứu, các trường đại học dài ngày… Với khả năng kết nối qua Internet và sự ủng hộ của xã hội, cơ hội dành cho những gia đình theo đuổi mô hình học tại nhà ngày một tăng trong những năm qua. Dù không đến trường, trẻ vẫn có thể hòa nhập tốt với cộng đồng xung quanh.
Hình thức học tại nhà cũng ngày càng phát triển đa dạng. Các nhà trường ở nơi học sinh cư trú bắt đầu cho phép trẻ học tại nhà đăng ký bán thời gian ở trường công lập để tham gia một số lớp học nhất định hay các hoạt động thể thao, ngoại khóa. Khoảng 20% trẻ học tại nhà ở Anh, ở Mỹ đã đăng ký bán thời gian ở trường công hoặc trường tư (trường công thì miễm phí, trường tư thì phải đóng góp). Những lựa chọn cho giáo dục tại nhà bắt đầu trở nên linh hoạt và được nhiều phụ huynh tin tưởng. Gần như rất ít áp lực với học sinh theo mô hình này. Các em hoàn toàn được tự do, sáng tạo, được tự phát triển phẩm chất theo năng lực của chính mình.
Theo một số nghiên cứu ban đầu, kết quả giáo dục tại nhà của thế hệ đầu tiên ở Anh, Mỹ, hiện nay khoảng 30 tuổi, cho thấy nhóm được bố mẹ theo sát quá trình học tập một cách trách nhiệm có kết quả tốt ở đại học và trong cuộc sống. Tuy nhiên cũng có một số học sinh gia đình lơ là việc giáo dục hoặc phải học tập trong môi trường thiếu khoa học thì ít thành công hơn trong cuộc sống và khó kết nối hơn với cộng đồng.
Giáo dục tại nhà (homeschool) hiện còn quá xa lạ ở Việt Nam và ở châu Á, thậm chí nó còn không được chấp nhận và sẽ không biết đến bao giờ mới được chấp nhận. Việc không chấp nhận giáo dục tại nhà gây ra rất nhiều hệ lụy cho biết bao phụ huynh sống và làm việc ở nước ngoài mang theo con cái khi trở về nước (hiện ở Việt nam, mỗi năm có khoảng hơn 100.000 người đi lao động ở nước ngoài, chưa kể hàng chục nghìn du học sinh đi học đại học, thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài).
Nhà trường nào cũng biết lớp học truyền thống ở nhà trường hiện nay không còn là nơi duy nhất để giáo dục trẻ em. Thực tế có khoảng trên dưới 20% học sinh không đáp ứng được yêu cầu của các nhà trường ở Việt Nam, nhưng con số trên dưới 20% này nếu được học ở phương Tây chắc các em không bị xếp ở loại này. Và nếu có điều kiện được học ở nhà giống như được học ở các nước phương Tây thì chắc chắn các em cũng không bị xếp ở cái loại này (xin xem ba bài viết về giáo dục của tôi cách đây đúng một năm trên trang Facebook này).
Dù kết quả có thế nào đi chăng nữa thì mô hình học tại nhà cũng là một xu thế ở Anh, Mỹ và ở các nước phương Tây. Nó có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Tôi nghĩ rằng các cấp quản lý giáo dục, các thầy cô giáo và các bạn đọc, đồng nghiệp nên tham khảo để suy ngẫm. Việc mỗi con người phải học tập cả đời đòi hỏi giáo dục phải hết sức linh hoạt. Suy cho cùng, bất kỳ hình thức giáo dục nào cũng là con đẻ của thời đại. Không nên đứng ở góc độ của mình, của dân tộc mình để phủ nhận những cái mới, nhất là cái mới đã đứng vững 30 mươi năm nay ở những nước đã từng là siêu cường và đang là siêu cường trong quan hệ quốc tế hiện đại.
Read More

Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn chờ

Leave a Comment

 Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn chờ!

Đợt dịch COVID-19 thứ Tư bùng phát, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà nội ra Công điện số 06/CĐ-UBND tạm dừng các hoạt động không thiết yếu để phòng, chống dịch COVID-19. Sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông báo cho học sinh các cấp học, bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng… trên địa bàn thành phố tạm dừng đến trường nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh từ ngày 4/5/2021 cho đến khi có thông báo mới.
Theo biên chế năm học, tuần đầu tháng 5 là thời gian các nhà trường (trừ trường mầm non) tập trung hoàn thành thi cuối năm cho các môn học. Đến tuần 2 của tháng 5 gần như các nhà trường sẽ hoàn thành thi và chấm điểm, lên điểm tổng kết đánh giá đạo đức và xếp loại học tập học sinh. Do dịch diễn biến phức tạp trên địa bàn nên Sở GD&ĐT Hà Nội quyết định học sinh các cấp, trừ lớp 9 và lớp 12 tiếp tục học trực tuyến, nghỉ hè từ ngày 15.5, dừng mọi hình thức dạy học. Như vậy là bài kiểm tra cuối năm học sẽ được các nhà trường thực hiện khi nào dịch bệnh được khống chế, học sinh trở lại trường mới tiến hành kiểm tra trực tiếp.
Theo hướng dẫn, Sở GD&ĐT Hà Nội không lựa chọn hình thức kiểm tra trực tuyến cho học sinh với lý do trong điều kiện thực tế, hình thức này “chưa bảo đảm đánh giá chính xác, công bằng, khách quan, trung thực đối với từng học sinh”. Sau quyết định gây tranh cãi này, Hà Nội lại ra một văn bản khác, trong đó cho phép đơn vị nào có đủ điều kiện kiểm tra trực tuyến thì xây dựng phương án tổ chức kiểm tra định kỳ, nhưng “phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan quản lý trực tiếp”(phần lớn các hiệu trưởng không muốn mua rơm buộc rạ vào mình).
Như vậy là tất cả học sinh các trường trên địa bàn thành phố đã “nghỉ học” mà chưa được “nghỉ hè” từ ngày 15/5. Theo chỗ tôi được biết đến ngày 31/5, tất cả các trường tư thục và một số trường công không “máy móc theo công văn” của SGD&ĐT đã cho học sinh thi trực tuyến và tổng kết năm học, còn phần lớn các nhà trường trên địa bàn thành phố chưa hoàn nhiệm vụ năm học, vì chưa hoàn thành kiểm tra cuối năm, chưa tổng kết, đánh giá thì chưa “nghỉ hè” được.
Chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội chính là lý do khiến Hà Nội gần như là địa phương duy nhất mà mỗi trường lại có cách kết thúc năm học khác nhau: nơi nghỉ hè, nơi tạm nghỉ học. Và dẫn đến tình trạng mọi thứ sẽ phải trông chờ vào tình hình dịch, rất bị động.
Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, may mắn là thời điểm phải nghỉ học, hầu hết học sinh khối lớp 9 và lớp 12 đều đã hoàn thành bài kiểm tra học kỳ cuối cùng để chuẩn bị hồ sơ tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT. Nhưng với học sinh lớp 5 ở phần lớn các trường tiểu học thì phụ huynh học sinh không an tâm vì con em họ phải nghỉ học mà chưa đủ điều kiện đánh giá cuối cùng để “tốt nghiệp” tiểu học. Điều này cũng khiến cho các trường THCS được phép tuyển sinh lớp 6 theo cơ chế đặc biệt ở Hà Nội như trường tư thục, trường chất lượng cao, trường tự chủ chưa thể ra một thông báo cuối cùng về thời gian tuyển sinh như các năm trước. Nhiều người đã phải thốt lên “giở đi mắc núi, giở về mắc sông”.
Vào thời điểm hiện tại, Hà Nội đã “tiến hành thành công” kỳ thi vào lớp 10. Chỉ còn hơn hai tuần nữa là đến kỳ tuyển sinh vào các trường THCS. Các trường và phụ huynh, học sinh đều phải chờ đợi, mong ngóng sớm quay trở lại trường hoàn thành bài kiểm tra để lấy kết quả kết thúc 5 năm học tiểu học, đồng thời nộp hồ sơ xét tuyển vào một số trường THCS. Và học sinh từ lớp 1 đến lớp 8, học sinh từ lớp 10 đến 11 vẫn chưa có kết quả để tổng kết. Dịch COVID vẫn chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Công việc tuyển sinh và năm học mới thì sắp bắt đầu. Vậy mà Hà Nội vẫn chờ hết dịch để thi!
Thật đáng buồn! Chắc rồi người ta cũng sẽ có cách giải quyết vấn đề theo cách đâm lao phải theo lao, bị động càng bị động cho các khối lớp ở Hà Nội. Nguyên nhân do dịch thì ai cũng rõ rồi. Nhìn ra thế giới, tất cả các nước có nền giáo dục tiên tiến, họ còn bị dịch trầm trọng hơn chúng ta, nhưng có lẽ chẳng có nước nào hết năm học mà không tổng kết đánh giá kết quả năm học. Ngay ở nước ta các tỉnh cũng đã tổng kết, kết thúc năm học. Thủ đô Hà Nội vẫn kiên trì chờ? Sở GD&ĐT Hà Nội không lựa chọn hình thức kiểm tra trực tuyến cho học sinh với lý do trong điều kiện thực tế, như tôi đã trích dẫn, hình thức này “chưa bảo đảm đánh giá chính xác, công bằng, khách quan, trung thực đối với từng học sinh”.
Theo quan điểm của họ, có lẽ cả thế giới văn minh và các tỉnh cho học sinh thi trực tuyến sẽ không đảm bảo đánh giá chính xác, công bằng, khách quan, trung thực đối với từng học sinh? Chẳng lẽ đây là đặc thù của Hà Nội? Qua sự việc này ta thấy có nhiều vấn đề cần bàn.
Thứ nhất là tâm lý “lều chõng” thi cử, điểm số thâm căn cố đế vẫn đè nặng lên cấp cán bộ quản lý ngành GD&ĐT Hà Nội. Chẳng lẽ kết quả năm học lại phụ thuộc vào một vài môn thi 35 phút, 45 phút, 60 phút, 120 phút?
Thứ hai là người ta không tin vào khoa học, công nghệ, không tin vào thi trực tuyến và có lẽ là cả ôn thi trực tuyến. Cứ cái đà này thì liệu 10 năm, 20 năm hay 30 năm giáo dục thủ đô có số hóa được nền giáo dục?
Thứ ba là người ta không tin vào giáo viên, không tin vào phụ huynh, không tin vào học sinh. Chẳng lẽ giáo viên dạy cả một năm không thể đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh mình? Chẳng lẽ tất cả phụ huynh làm bài hộ con em? Chẳng lẽ tất cả các em đều cầu viện người khác làm bài hộ?
Thứ tư là do phương thức tính kết quả bài thi cuối năm rất quan trọng, ảnh hưởng quyết định tới điểm tổng kết môn học nên Hà Nội cân nhắc phải cho học sinh thi trực tiếp.
Suy cho cùng vẫn là tâm lý thi cử chạy theo điểm số. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi, nhiều nước phương Tây có nền giáo dục tiên tiến, người ta không thi tốt nghiệp tiểu học, không thi tốt nghiệp THCS, không thi tốt nghiệp THPT, không thi đại học, thậm chí học sinh học trực tuyến không cần đến lớp học (15% học sinh Mỹ từ lớp 1 đến đại học không đến trường vẫn hoàn thành chương trình, có giấy chứng nhận, có bằng tốt nghiệp như học sinh đến trường) thì không biết có phải là họ không biết quản lý giáo dục hay không?
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.