Mỹ đã làm gì để giữ ngôi vị siêu cường

Leave a Comment
Trong thế giới đầy biến động, ở ngôi vị bá chủ/siêu cường, Đế quốc Mỹ luôn phải cạnh tranh với các đối thủ. Đó là quy luật trong quan hệ quốc tế từ xưa đến nay. Người Mỹ đã giữ ngôi vị của mình như thế nào sau khi giành ngôi vị bá chủ từ Đế quốc Anh, đế quốc từng có lãnh thổ thuộc địa trải rộng khắp thế giới với niềm tự hào là mặt trời không bao giờ lặn trên lãnh thổ của họ.
Vào những năm sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Liên Xô đã vươn lên trở thành một siêu cường toàn cầu. Một loại hình chiến tranh mới, Chiến tranh Lạnh bắt đầu phôi thai (1946-1989). Thuật ngữ chiến tranh Lạnh nhằm chỉ tình trạng luôn luôn bên miệng hố chiến tranh, tình trạng xung đột chính trị, căng thẳng quân sự, cạnh tranh về kinh tế giữa Liên Xô cùng các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa và Mỹ cùng với các nước tư bản phương Tây. Tuy nhiên Liên Xô và Mỹ không chính thức xung đột vũ trang. Cả hai đều thông qua các liên minh quân sự, chạy đua vũ trang, vũ trang hạt nhân, chạy đua khoa học công nghệ, thúc đẩy các cuộc chiến tranh ủy nhiệm…
Mỹ đã đề ra chiến lược ngăn chặn Liên Xô trên tất cả các phương diện, nhưng tránh đối đầu trực tiếp, đảm bảo an ninh lâu dài cho nước Mỹ. Họ tin rằng, cùng với thời gian, sức mạnh của Liên Xô sẽ tự tiêu tan do những khiếm khuyết nội tại trong hệ thống xã hội. Chiến lược ngăn chặn của Mỹ vừa là điều kiện cần, vừa là điều kiện đủ. Và đúng như người Mỹ dự đoán, Liên Xô đã thất bại trong cuộc chạy đua đường dài, sụp đổ vào năm 1991, vì Liên Xô chỉ là một siêu cường về mặt quân sự.
Vào những năm 1980, người ta từng đưa ra dự báo về một Nhật Bản sẽ vươn lên nắm giữ vị trí hàng đầu và gia nhập vào câu lạc bộ siêu cường. Cuối cùng sau 30 mươi năm tăng trưởng kinh tế ngoạn mục, tốc độ phát triển kinh tế của họ chững lại ở con số 0 đến con số 1 trong nhiều thập niên. Nhật chỉ là một cường quốc về kinh tế. Người Mỹ không phải đầu tư nguồn lực để đối phó với Nhật.
Vào lúc giao thời của hai thiên kỷ, một số chuyên gia nhận định Liên minh châu Âu (liên minh của 28 quốc gia thành viên) đang được củng cố và mở rộng, nổi lên như một siêu cường toàn cầu, có khả năng trở thành một cực trong hệ thống quan hệ quốc tế. Mỹ đã bắt đầu thi hành một số chính sách để kiềm chế EU. Đặc biệt ngăn cản khối này thành lập lực lượng quân sự riêng. Đến thời điểm hiện tại, EU đã chứng tỏ sự bất lực, chưa thể hợp nhất về chính trị thành một siêu nhà nước. EU tỏ ra không có khả năng giải quyết các thách thức trong nội bộ cũng như các thách thức toàn cầu. Họ không thể đoạt được ngôi vị của Mỹ.
Còn tay hai tay chơi mới, Trung Quốc bắt đầu từ những năm 2000, Nga bắt đầu từ những năm 2010, cả hai đang tỏ ra đầy tham vọng về mặt kinh tế, chính trị và quân sự. Họ cho rằng Mỹ đã bắt đầu suy yếu. Thế giới hiện tại là thế giới đa cực và họ đang cạnh tranh để trở thành những siêu cường trong tương lại gần.
Lịch sử chứng minh Đế quốc Mỹ đã từng hạ gục nhiều đối thủ như Anh (bằng cuộc chiến tranh giành độc lập và bằng ngoại giao), như Tây Ban Nha (bằng chiến tranh và bằng việc mua lại lãnh thổ của Tây Ban Nha trên chính đất Mỹ), như Pháp (bằng việc mua lại lãnh thổ thuộc địa của Pháp tương đương với 5 bang hiện nay trên chính đất Mỹ và bằng ngoại giao), như Liên Xô (bằng cuộc chiến tranh Lạnh). Người Mỹ giữ được ngôi vị bá chủ thế giới bằng chính nội lực của họ, bằng sức mạnh tổng hợp quốc gia, bằng tất cả những thủ đoạn kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao…
Hiện tại, đối thủ trước mắt của Mỹ là Trung Quốc, là Nga (trong chiến lược an ninh quốc gia năm 2018, Mỹ đã xác định Trung Quốc và Nga là hai quốc gia xét lại, đang muốn thay đổi trật tự thế giới, là đối thủ chiến lược). Liệu người Mỹ có thể vượt qua hai ngọn núi cao này? Trong chuyên luận này và một số bài viết sau tôi chỉ đề cập đến Mỹ và Trung Quốc. Thời gian tới tôi sẽ đề cập đến Mỹ và Nga.
Xét trên thế động, Trung Quốc đang tìm mọi cách vượt lên những khiếm khuyết, những thách thức để tăng cường năng lực nội tại, nhằm hiện thực hóa tham vọng trở thành sức mạnh toàn cầu. Nhưng không may cho Trung Quốc, nước Mỹ không muốn đánh mất cái ngôi vị siêu cường “number one”. Người Trung Quốc vốn có truyền thống thích “Đại” và họ đã có được nhiều cái “Đại” (Đại mỹ nhân, đại tửu lầu, đại lễ đường, đại nhảy vọt, đại công nghiệp)... Người Mỹ vốn có truyền thống thích “Siêu” (siêu mẫu, siêu nhân, siêu cúp, siêu thị, siêu cường)… và họ đã có được nhiều cái “Siêu”. Ngẫm kỹ nhiều cái đại vẫn chỉ là số lượng. Siêu mới là chất của sự vật. Theo quan điểm của Chủ nghĩa duy vật biện chứng thì chất mới là cái quyết định phát triển sự vật.
Ngay khi mối đe dọa Trung Quốc xuất hiện, vào những năm 2010 người Mỹ đã xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương. 60% tiềm lực quân sự của Mỹ được huy động cho chiến lược ngăn chặn Trung Quốc. Họ đã ném sức mạnh quân sự của mình lên bàn cân có tính chất quyết định cho một khu vực kinh tế phát triển năng động nhất trong thế kỉ 21. Khi Donald Trump trúng cử tổng thống, ông ta đã điều chỉnh Chiến lược xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương bằng Chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương rộng mở và tự do. Mục đích của chiến lược này là để kiềm chế Trung Quốc một cách hữu hiệu hơn.
Không nói đến sức mạnh vượt trội của hải quân, không quân và các phương tiện tên lửa từ các căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippine và Australia bao quanh Trung Quốc và ở khắp các đại dương cùng với hàng trăm căn cứ quân sự khắp nơi trên thế giới, như bài trước tôi đã viết, chỉ cần với 5/16 chiếc tầu ngầm hạt nhân lớp Ohio đang hoạt động tự do như tại sân nhà ở Biển Đông và Hoa Đông mà Trung Quốc không phát hiện được cũng đã đủ hủy diệt toàn bộ Trung Quốc (Tầu ngầm hạt nhân lớp Ohio có 4 máy phóng ngư lôi cỡ 533 mm và tên lửa liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân Trident 2 đặt trong hệ thống ống phóng thẳng đứng. Mỗi tầu ngầm được trang bị hệ thống tác chiến điện tử hiện đại nhất thế giới. Gần như không có phương tiện quân sự tiên tiến nào theo dõi được. Với tốc độ 17 hải lí/h, ở độ sâu dưới biển 550 m, một tàu ngầm có thể phóng 154 tên lửa Tomahowk và 18 đầu đạn hạt nhân cùng một lúc trong khoảng thời gian 5 phút. Tổng cộng Mỹ có 16 chiếc tầu ngầm như vậy ở các đại dương không nằm trong biên chế của các hạm đội).
Song song với kế hoạch chiến lược quân sự, vào những năm 2010 Mỹ cũng đã ráo riết hoàn tất Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 12 quốc gia nhằm đạt được thỏa thuận thương mại tự do, với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương không có Trung Quốc. Sau hàng thập niên WTO thất bại trong các vòng đàm phán tự do thương mại, Mỹ và một số nước đã lập ra một sân chơi mới để đối phó với Trung Quốc về mặt kinh tế. Đó là những thỏa thuận toàn diện, bao quát tất cả các khía cạnh chính về thương mại tự do từ xuất nhập khẩu đến đầu tư và quyền sở hữu trí tuệ. TPP dự định hoàn tất vào cuối năm 2015 và đi vào thực tế năm 2018. Với những tính toán về quân sự và kinh tế như vậy, trong tương lai Mỹ vẫn có thể kiềm chế Trung Quốc kéo dài đến mức gây tổn thất khiến đối thủ không thể chịu đựng được. Rất đáng tiếc Donald Trump bước chân vào nhiệm sở đã vứt bỏ TPP, một cái cốt vật chất mà người tiền nhiệm Barack Obama đã dày công xây dựng.
Thay cho việc ký kết TTP, Tổng thống Trump đã phát động cuộc chiến tranh thương mại từ ngày 23/3 năm 2018 đến nay. Chính quyền Mỹ đã sử dụng đòn bẩy kinh tế như một công cụ chính sách để cắt giảm dòng tiền thương mại với Trung quốc, ngăn chặn gian lận thương mại, ngăn chặn nạn ăn cắp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Chính quyền Mỹ cũng bắt đầu ngăn cản các công ty công nghệ cao Mỹ hợp tác đầu tư với các công ty công nghệ cao Trung Quốc. Nhiều công ty của Mỹ đã chọn Trung Quốc là trung tâm của Châu Á và bây giờ họ đang thức tỉnh hành động rời khỏi Trung Quốc. Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ 200 tỷ đô la, trong khi xuất trên 500 tỉ đô la giá trị hàng hóa sang Mỹ mỗi năm. Chính dòng chảy thương mại Mỹ hình thành nên nền tảng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Người Mỹ đang ngăn chặn dòng tiền này. Hàng nghìn xí nghiệp của Trung Quốc đã phải đóng cửa. Hàng chục triệu người đã bị thất nghiệp. Tốc độ tăng trưởng suy giảm nghiêm trọng. Nếu như Mỹ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương trước đó, thì chắc chắn Mỹ có thể đưa nền kinh tế của Trung Quốc đến bên bờ vực thẳm.
Vào đầu những năm 2000, tôi theo học môn Hoa Kỳ học với một chuyên gia, một giáo sư lịch sử Mỹ, ông đã trình bày trong lớp học “Mô hình hành vi Bismarck”, một tài năng chính trị vĩ đại nhất thế kỉ 19. Sau khi giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh với Đan Mạch, Áo, Pháp, ông đã thống nhất các bang của Đức trở thành Đế quốc Đức thống nhất hùng mạnh. Ông đã hình thành nên cục diện “cân bằng quyền lực”, trật tự Bismarck nổi tiếng, gìn giữ thành công nền hòa bình ở châu Âu từ năm 1871 đến 1914.
Ngay từ thời kỳ đó, Bismarck đã nhận thức được nước Đức có thể hủy diệt từng nước riêng biệt, nhưng nước Đức không thể làm như vậy với tất cả các đối thủ. Công thức của ông là: “Toàn bộ môn chính trị có thể quy thành công thức, hãy cố gắng đứng trong hàng ngũ 3 nước trên thế giới khi có một cán cân mong manh của 5 cường quốc đang chi phối thế giới (3/5). Đó là việc làm cần thiết để bảo vệ mình nhằm chống lại việc lập ra những liên minh thù địch”. Người Mỹ đã triệt để áp dụng công thức Bismarck. Theo Bismarck nếu cường quốc nào không làm theo được công thức trên thì khó mà tránh được sự tổn thương và dẫn đến thất bại.
Về lí thuyết, hiện nay có 5 nước ủy viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang nắm quyền chi phối thế giới. Đó là Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc. Trên thực tế người ta thường nói đến 5 trung tâm quyền lực: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nga, Trung Quốc, Nhật Bản. Theo công thức của Bismarck, Mỹ đã thực hiện vượt quá cái yêu cầu công thức đề ra. Còn Trung Quốc không biết sẽ cố gắng nằm ở đâu trong số 3 cường quốc và 3 trung tâm quyền lực trên. Thậm chí nằm trong số 2 nước liên minh với Trung Quốc, Trung Quốc cũng không thể thực hiện được, vì Trung Quốc không thể làm đồng minh với Nga. Tuyên bố gần đây nhất của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã khẳng định “Nga và Trung Quốc không lập và sẽ không bao giờ lập đồng minh”.
Ở cấp châu lục, xét theo quan điểm địa chính trị của Bismarck, có 4 quốc gia và một tổ chức có ảnh hưởng, có thể nắm quyền chi phối khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Đó là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và ASEAN. Không biết Trung Quốc nằm ở đâu trong số 3 trung tâm quyền lực ở khu vực này. Thậm chí nằm trong số hai nước liên minh với Trung Quốc, họ cũng không thể làm được.
Do lịch sử để lại, nước Mỹ là siêu cường còn lại duy nhất, chẳng cần phải cố gắng gì cũng nằm trong số 3 và 4 quốc gia có quan hệ liên minh tự nhiên từ trước đó. Phần lớn các cường quốc cấp toàn cầu cũng như cấp khu vực đều cần tới Mỹ, bằng cách này hay cách khác để đảm bảo khi phải chống lại một nước láng giềng mạnh nếu nước đó bước lên con đường tự khẳng định mình bằng sức mạnh cơ bắp.
Có một thực tế hiện nay là Mỹ có mối quan hệ với Nga (ngoại trừ vấn đề Ucraina), Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN tốt hơn mối quan hệ giữa các nước trên với nhau. Trong tương lai Mỹ có nhiều khả năng hơn bất cứ nước nào để làm cho các lực lượng trên thế giới cần đến Mỹ như một đối trọng với các nước láng giềng. Nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi không biết đến bao giờ Trung Quốc mới làm được điều tương tự như Mỹ?
Để duy trì vị trí đứng đầu, Mỹ thường ủng hộ một cường quốc “hạng hai” để kìm hãm sự vươn lên của những nước hàng đầu trong khu vực, để gây trở ngại cho sự bứt phá của các nước này dưới hình thức giống như liên minh với một nước để chống lại nước có tham vọng kiểm soát khu vực. Điều này vẫn đang xảy ra. Ở Tây Âu, Mỹ luôn ủng hộ nước Anh chống lại nước đứng đầu EU là nước Đức. Ở Đông Á Mỹ duy trì liên minh quân sự và kinh tế với Nhật Bản; ủng hộ Nhật Bản diễn giải hiến pháp, được quyền đưa quân ra nước ngoài, được xuất khẩu vũ khí để chống lại tham vọng của Trung Quốc. Mỹ cũng làm điều tương tự như vậy với Hàn Quốc để kiềm chế Trung Quốc. Ở Đông Âu Mỹ dẫn dắt NATO và vẫn đang ủng hộ Ucraina, Ba Lan bằng cách đó ngăn cản nước Nga trở thành nước đứng đầu khu vực. Ở Trung Đông, Mỹ ủng hộ Arab Saudi như một đối trọng với Iran… Riêng để đối phó với một Trung Quốc hung hăng, Mỹ còn có sự lựa chọn thêm Ấn Độ (nước có dân số xấp xỉ với Trung Quốc, nước có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới hiện nay, nước bắt đầu tăng cường quan hệ và vừa ký kết sử dụng chung cơ sở hậu cần quân đội với Mỹ), thậm chỉ cả một số nước Đông Nam Á để hình thành vòng “kim cô” từ Hàn Quốc qua Nhật Bản, Philippines, Australia đến Ấn Độ, để xiết chặt cái đầu nóng của Bắc Kinh nếu họ hành động vẽ lại bản đồ thế giới.
Đúng là nước Mỹ đang suy giảm sức mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự sau hai cuộc chiến kéo dài ở Afganistan và Iraq, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, nhưng nước Mỹ vẫn là một thách thức với tất cả các cường quốc trong đó có Trung Quốc. Kể cả khi Trung Quốc có xây dựng thành công cái mà họ gọi là “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc” thì tôi vẫn không tin họ bước qua được vị trí của nước Mỹ trong vòng vài thập niên tới. Cái xã hội của họ cần phải tự lột xác nhiều lần. Hiện tại Mỹ là siêu cường ổn định, đi đầu trong nhiều lĩnh vực, vẫn chứng tỏ được vị thế của một một siêu cường, đang dẫn dắt quá trình phát triển của nhân loại, chứ không phải là Trung Quốc, một xã hội còn nghèo và lạc hậu, chưa đủ lông đủ cánh đã rắp tâm đi theo vết xe đổ bành trướng của chủ nghĩa thực dân…
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.