Đến sân bay quốc tế Dallas bang Texas Hoa Kỳ

Leave a Comment
Thế là tôi đã vượt qua khoảng 13.000 km  từ sân bay Nội Bài để đến Hoa Kỳ. Điểm đỗ đầu tiên của chuyến máy bay chuyển tiếp bay từ Narita, Nhật Bản đến Hoa Kỳ là sân bay quốc tế Dallas – Fort Worth, sân bay lớn nhất trong số 730 sân bay của bang Texas. Sân bay quốc tế Dallas – Fort Worth là một sân bay nằm giữa hai thành phố Dallas và Fort Worth thuộc Vùng đô thị Dallas, Fort Worth và Arlinton, trung tâm văn hóa, kinh tế nói chung của toàn vùng Trung, Bắc bang Texas. Vùng đô thị này có 5,8 triệu người, được xem là vùng đô thị lớn nhất bang Texas và vùng đô thị lớn nhất tại miền Nam Hoa Kỳ. Thế nhưng người ta thường thường chỉ biết đến thành phố Dallas có 1,2 tiệu dân, với nhiều tòa nhà chọc trời, trung tâm viễn thông, công nghệ máy tính, ngân hàng, vận tải và là thành phố đi đầu nước Mỹ về giáo dục phổ thông.
Sân bay quốc tế Dallas – Fort Worth có mã là DFW / KDFW. Với diện tích 73,15 km2, đây là sân bay rộng thứ 2 của Mỹ và rộng thứ 4 trên thế giới. Về số lượng máy bay hoạt động, đây là sân bay nhộn nhịp nổi tiếng. Về số lượng khách phục vụ, nó đứng thứ 4 của Mỹ, thứ 6 của thế giới. Trung bình vào đầu những năm 2010, có xấp xỉ 60 triệu lượt khách hàng năm. Sân bay phục vụ 129 điểm đến nội địa, 36 điểm đến quốc tế, là trung tâm lớn nhất và chủ yếu của hãng American  Airline (trên 800 chuyến bay xuất phát trên ngày). Tổng cộng sân bay có 5 nhà ga. Nhà ga A (Terminal A) có 35 cửa, bắt đầu từ cửa A2 kết thúc là cửa A39. Nhà ga B (Terminal B) có 31 cửa, bắt đầu từ cửa B2 kết thúc là cửa B39. Nhà ga C (Terminal C) có 31 cửa, bắt đầu từ cửa C2 kết thúc là cửa C68. Nhà ga quốc tế D (Terminal D) có 29 cửa, bắt đầu từ D6. Nhà ga E (Terminal E) có 36 cửa.
David không ra về, ông đi theo để giúp tôi. Hai valy hành lý cồng kềnh của tôi nặng gần 50 kg. Nếu không có David, tôi thực sự rất vất vả. Có đi và tận mắt chứng kiến tôi mới hiểu, thông cảm cho nỗi vất vả của vợ bao lần, một mình xoay sở sang Mỹ trong tình trạng không biết tiếng Anh để hỏi hệ thống nhân viên trợ giúp. Tôi nghĩ ngay cả những người biết tiếng Anh và nếu trình độ tiếng Anh đủ để hiểu các chỉ dẫn dày đặc ghi trên hệ thống bảng điện tử ở các sân bay quốc tế, thì người ta vẫn có cảm giác như bị lạc vào một ma trận, một biển người khó thoát ra và cũng không biết đi đâu, không biết làm gì nếu như chưa đi một vài lần. Người ta không thể tránh khỏi tâm trạng hoang mang, cuống quýt, lo sợ chuyển hành lý thế nào, kiểm tra hành lý ra sao, có thất lạc hành lý không, có bị trễ giờ không, lên tầng nào, đi xe điện nào, xuống đúng ga nào, đến đúng cửa nào… Hỏi ai? Vì ai nấy đều hối hả để thực hiện đúng lịch trình chuyến bay của mình.
David sinh ra và lớn lên ở bang Texas. Đây là bang lớn thứ 2 của Hoa Kỳ. Diện tích bang 696.241 km2, gấp hơn 2 lần lãnh thổ Việt Nam, chỉ đứng sau bang Alaska. Dân số 25,7 triệu, chưa bằng một phần ba dân số Việt Nam, xếp sau bang California. Thành phố thủ phủ của bang là Austin. Theo thống kê vào đầu năm 2013, GDP của bang năm 2012 đạt 1.207 tỷ USD. Bình quân đầu người trong bang xấp xỉ 36.500 USD. Texas có nền công nghiệp phát triển, đặc biệt là công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, công nghiệp khai thác mỏ, công nghiệp nông nghiệp, thương mại và dịch vụ. Texas còn nổi tiếng với những trường đại học trong tốp đầu của Mỹ và thế giới như Đại học Rice – Houston, Đại học Texas – Austin, Đại học Texas A & M, Đại học Houston, Đại học Trinity… Có hàng trăm học sinh, sinh viên Việt Nam hiện đang theo học ở các trường học trong bang Texas.
David nói tổ tiên ông đã đến Texas sinh sống và lập nghiệp từ thế kỷ thứ 18. Thân sinh ra cụ nội ông đã từng tham gia trận chiến San Jacinto năm 1836. Đó là trận đánh quyết định dẫn đến kết quả giành được độc lập của người dân Texas từ Mexico. Trong khoảng trên 200 năm, gia đình ông đã phiêu bạt qua nhiều nơi, đến đời cha ông mới định cư ở Thành phố Dallas. Xuống sân bay Dalas – Fort Worth coi như là về đến nhà ông rồi. Ông dẫn tôi đi giới thiệu bức tranh toàn cảnh và chi tiết sân bay quốc tế Dalas – Fort Worth. Ông cũng kể cho tôi nghe lịch sử vắn tắt bang Texas, đôi nét nổi bật về thành phố Dalas. Ông giở lịch và hẹn tôi thời gian tới đến chơi dinh cơ nhà ông và ông hứa sẽ giúp tôi đến thăm, làm việc với một số trường trung học, cao đẳng, đại học trong thành phố.
Trước khi vào cửa máy bay đi St Louis bang Missouri, tôi và David ôm nhau tạm biệt như những người bạn đã quen biết nhau từ lâu. Tôi tin chắc rằng chúng tôi còn gặp gỡ nhau ở cả Mỹ và Việt Nam, vì đến phút cuối chia tay David mới cho tôi biết ông đang viết một cuốn sách về Việt Nam và người Việt đầu tiên ông muốn chia sẻ chính là tôi. Tôi hy vọng chúng tôi có nhiều điều để nói với nhau về cuốn sách của ông. Nhưng trước mắt có một số vấn đề mà David đã nói với tôi, những vấn đề này cứ ám ảnh tôi trong chuyến bay từ Dallas tới St. Luis. Có phải thực sự những vấn đề David đề cập tới đã làm ảnh hưởng tới việc thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư Hoa Kỳ, làm ảnh hưởng đến việc đón dòng đầu tư sắp tới sau khủng hoảng kinh tế thế giới? Theo ông, những hạn chế đó là trình độ nhân lực; sự độc quyền, yếu kém thảm hại của doanh nghiệp nhà nước và sự tham nhũng ở Việt Nam.
Về nguồn nhân lực, các nhà đầu tư trong ngoài nước, các nhà tuyển dụng thường đánh giá nhân lực Việt Nam thiếu tính cạnh tranh, thứ hạng thấp kém trong khu vực, không mạnh dạn, thiếu tự tin, thiếu tầm nhìn. Năng suất lao động của người Việt Nam bằng ½ người Trung Quốc, chưa bằng ½ người Thái Lan và thấp hơn nhiều so với mặt bằng khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Phải chăng giáo dục và đào tạo Việt Nam không cung cấp đủ những điều kiện, những kỹ năng cần thiết để người lao động làm việc có hiệu quả hay đã có những lệch lạc nào đó nên dẫn tới tình trạng trên. Hình như các nhà trường, các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô đang tuyệt đối hóa kiến thức cũng như quá coi trọng việc thi cử, đang chạy theo bệnh thành tích và hình thức. Họ chưa thật sự chưa hiểu và coi trọng chất lượng thực tế của nguồn nhân lực.
Giáo dục và đào tạo là quá trình tạo ra năng lực học tập để hiểu biết, để có năng lực làm việc, để hòa nhập và tự khẳng định mình, chứ không phải chỉ là kiến thức của sự học tập. Không thể bắt con người tiếp thụ một gánh nặng kiến thức, làm cho giáo dục phổ thông và đại học trở thành khổ sai. Con người phải có niềm vui, sự say mê, hạnh phúc, sức khỏe, tự tin để bước vào đời làm việc một cách hứng khởi và sáng tạo. Đáng tiếc xã hội mới chỉ tôn vinh điểm số, bằng cấp, chứng chỉ mà quên mất những sáng tạo phi điểm số, phi bằng cấp, phi chứng chỉ. Chưa kể đến việc ai mới là người xứng đáng được tuyển dụng vào các vị trí đúng đắn để làm việc. Để chuyển đổi từ lao động nông nghiệp, thủ công và gia công hàng hóa trở thành lao động trong nền kinh tế tri thức, vấn đề thật không đơn giản, thậm chí còn có thể lầm lỗi nếu ngành giáo dục và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vẫn tư duy công việc giáo dục, đào tạo và dạy nghề như kỉ nguyên của xã hội nông nghiệp và tiền công nghiệp.
Có lẽ Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia mà phụ huynh học sinh sốt sắng đi xếp hàng từ nửa đêm hôm trước để mua đơn cho con vào một trường học mầm non nổi tiếng. Có lẽ Việt nam là một trong số rất, rất ít quốc gia mà phụ huynh học sinh xô đẩy đổ cổng trường với mục đích mua được một đơn xin vào một trường tiểu học nổi tiếng. Có lẽ Việt Nam cũng là một trong số rất, rất, rất ít quốc gia mà mỗi kỳ thi tốt nghiệp trung học và thi đại học đều là những cơn địa chấn theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Từ lực lượng trị an, dân phòng đến công an các cấp, từ phụ huynh học sinh cho đến chính quyền nhà nước các cấp, từ học sinh cấp trung học đến sinh viên cấp đại học, từ ngành giáo dục đến Bộ Giao thông Vận tải, từ nông thôn tới thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi, đó là chưa kể đến các bộ phận phục vụ khác, tất cả đều vào cuộc, hừng hực đầy khí thế như đi ra chiến trận mà chỉ để cho thí sinh làm bài và đảm bảo an toàn cho một kỳ thi vài ngày. Để rồi bao hiện tượng tiêu cực trong các kì thi tốt nghiệp giống như ở điểm thi Đồi Ngô, Bắc Giang, thầy giải bài rồi pho to cho trò chép, trò đưa bài cho trò chép. Điều đáng ngạc nhiên là ai nấy trong ngành giáo dục đều biết mười mươi các hiện tượng tiêu cực, nhưng tất cả xã hội vẫn cứ xôn xao như chưa hề biết.
Chẳng cứ ở các tỉnh xa xôi hẻo lánh, ngay ở thủ đô Hà Nội, các hiện tượng tiêu cực trong các kì thi là chuyện thường tình. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, khi học lớp 7( Lớp cuối cấp hai ngày trước), tôi đã được cô giáo chủ nhiệm đồng thời là giáo viên dạy toán giỏi, một cô giáo nhiệt tình, thương yêu học sinh hết mực, cô bảo chúng tôi khi làm bài thi, viết vào tờ giấy thi từ “ Bài giải” thay cho từ “ Bài làm” để cô biết dấu hiệu học sinh lớp mình, học sinh trường mình. Lần thứ hai trong đời đi thi năm đó (Lần thứ nhất là thi hết lớp bốn, tốt nghiệp cấp một), tôi còn được một học sinh bên cạnh xin ra ngoài, khi học sinh đó vào, đưa cho một tờ giấy nháp có lời giải bài toán lập phương trình và bảo: “ Các thầy cô bảo cứ thế mà chép”... Đến khi trở thành giáo viên, lần đầu tiên được đi coi thi, thầy hiệu trưởng, các thầy cô lớn tuổi trong trường nói với tôi: “ Coi thi cứ phiên phiến thôi. Đừng quá khắt khe”. Việc học sinh trao đổi, nhìn bài nhau có giáo viên nào nỡ lập biên bản. Từ năm 1980 đến năm 2008 năm nào tôi cũng là Phó chủ tịch, Chủ tịch các hội đồng thi tốt nghiệp THCS. Sự gian dối trong các kì thi được ngầm hiểu từ chính quyền cấp cơ sở, từ lãnh đạo hội đồng thi cho tới các giám thị. Chúng tôi thường nói bên ngoài các cuộc họp tổng kết sau các kì thi rằng, nếu coi thi thật nghiêm túc không biết các nhà trường có đỗ đến 65% không. Vậy mà tổng kết chung toàn huyện, toàn thành phố năm nào cũng tốt nghiệp từ 95 đến 98%. Tôi tin giáo dục của chúng ta còn dựa vào thành tích thi cử để đánh giá chất lượng thì còn gian dối. Đương nhiên chất lượng nhân lực của Việt Nam vì thế cũng đã bắt đầu lung lay, lung lay ngay từ cấp tiểu học, cấp THCS và cấp THPT từ mấy chục năm qua rồi.
Gia đình, nhà trường, xã hội đều quan tâm tới chuyện học hành. Nhưng sự quan tâm không đúng cũng để lại những hệ lụy nhất định. Tất cả các gia đình đều muốn con em mình thi đỗ vào đại học, không ai muốn học trường nghề, dù đó là trung cấp hay cao đẳng rất thiết thực. Học trường nghề bị coi là thấp kém, là bất đắc dĩ. Trong thâm tâm các bậc phụ huynh, học đại học là con đường đảm bảo cho tương lai thoát khỏi cảnh lao động nhọc nhằn trên đồng ruộng, trong nhà máy. Kiếm được tấm bằng đại học coi như sự thoát ly khỏi khung cảnh lao động, hoàn cảnh lao động của gia đình, đảm bảo cho một viễn cảnh ngồi mát ăn bát vàng.
Nhà trường, các thầy cô cũng chỉ tuyên truyền về thành tích cũng như tỉ lệ phần trăm được vào đại học của trường mình, lớp mình. Gần như không có trường nào liệt kê danh sách học sinh vào học trường nghề. Nói tới học nghề, trong một cuộc hội thảo quốc tế về giáo dục tổ chức tại Hà Nội năm 2010, người thuyết trình, người đứng đầu ngành dạy nghề của Cộng hòa Liên bang Đức có phát biểu: “ Sự phát triển bền vững của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào công tác giáo dục và dạy nghề”. Rất đáng tiếc là ngày hôm đó không có một hiệu trưởng trường trung học phổ thông nào của thành phố ngoài anh Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường Đinh Tiên Hoàng đến dự, mặc dầu tất cả các hiệu trưởng đều được mời. Họ không nhận thức được tầm quan trọng của việc học nghề, cố tình bỏ qua và coi thường cái hội thảo quốc tế về việc dạy nghề.
Với một quan niệm và tâm lý của cả xã hội, nhà nhà và người người phải vào đại học, phải có bằng cấp đại học, không cần biết sau này sẽ ra sao, lợi ích của bản thân sau này thế nào, tình trạng thừa thầy thiếu thợ ngày càng nghiêm trọng. Và như vậy bao giờ đất nước mới có một  đội ngũ hùng hậu lao động lành nghề, nền tảng nhân lực cho các ngành công nghiệp để phát triển đất nước như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và gần đây là Trung Quốc.
Rất nguy hiểm khi sinh viên ra trường không xin được việc làm, phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, khi mà thực tế, trình độ kinh tế của đất nước sẽ cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn nếu học tại các trường nghề. Cần phải khuyến khích học sinh, kể cả học sinh có năng lực học tập theo học nghề. Cần phải thay đổi quan niệm của phụ huynh, phải thực tế thực dụng, không phải đứa trẻ nào cũng trở thành chủ tịch nước hay thủ tướng hoặc bộ trưởng, không phải đứa trẻ nào cũng trở thành nhà văn, nghệ sỹ, nhà khoa học, luật sư, bác sỹ. Chính cái quan niệm thày thợ trong tâm thức người Việt, trong văn hóa việt đã góp một phần không nhỏ làm thui chột, làm méo mó hình ảnh người thợ. Những người thợ chuyên sâu như điện dân dụng hay công nghiệp hoặc điện lạnh điện nước, những người thợ hàn tiện nguội tay nghề cao, những người thợ lắp ráp máy tính chuyên nghiệp, những người thợ sửa chữa ô tô tài giỏi, những người công nhân xây dựng thuần thục… tất cả mọi người đều có thể có một cuộc sống hạnh phúc và có giá trị cao. Nhưng thật đáng tiếc, các trường nghề ở trung ương và địa phương, kể cả những trường nghề trọng điểm có sự đầu tư của nước ngoài vẫn hoàn toàn vắng bóng học sinh khá giỏi.
Không vào được đại học thì cay cú, xấu hổ cho rằng không bằng anh bằng em. Vào đại học rồi thì sao, chất lượng của thầy trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài thì thật ảm đạm. Sau 4 năm, 5 năm miệt mài trên ghế nhà trường, hàng trăm cử nhân khoa học kỹ thuật mới có vài người đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Đáng buồn hơn là đa số thầy được nhà đầu tư tuyển vào làm việc đều phải đi đào tạo lại. Có xí nghiệp liên doanh gần 100% cán bộ, kỹ sư người Việt thay nhau tu nghiệp ở nước đầu tư. Rõ ràng giáo dục đại học ngày càng bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Nhìn vào bảng xếp loại các trường đại học của Việt Nam thì chỉ có duy nhất Trường Đại học Quốc gia Hà Nội xếp thứ hạng gần 1.000. Trường Đại học Ngoại thương, Y, Dược, Bách Khoa Hà Nội... đều bị xếp loại ở hạng áp 2.000 đến 10.000. Một số trường có tiếng còn bị xếp vào hàng chạm đáy của thế giới. Khách quan mà nói giáo dục đại học Việt Nam nếu không nhanh chóng thay đổi sẽ ngày càng lạc hậu, ngày càng mất niềm tin. Mất niềm tin đến nỗi chỉ còn thiểu số học sinh học các trường chuyên nổi tiếng việt Nam, gia đình có tiền, ở lại học đại học trong nước. Xem ra bài toán nhân lực tiếp tục vẫn còn là bài toán chưa có lời giải.
Đúng là thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam còn khiêm tốn nếu so sánh với Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác trong khu vực. Nhưng nguyên nhân không hẳn là do doanh nghiệp nhà nước ngáng trở như David nhận xét. Trung Quốc là một nước theo chế độ Xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhà nước luôn giữ vai trò chủ đạo, làm nòng cốt định hướng phát triển cho toàn bộ nền kinh tế, và ngay cả Ấn Độ, dù theo chế độ Tư bản chủ nghĩa, họ vẫn rất coi trọng doanh nghiệp nhà nước, tại sao người ta vẫn thu hút được hầu hết các công ty xuyên quốc gia lớn để đất nước họ trở thành công xưởng sản xuất của cả thế giới.
Trong số 500 công ty xuyên quốc gia lớn nhất thế giới, Mỹ có 175, Nhật có 112, Đức 42, Anh 35, Pháp 38, Ý 13, Canađa 8. Việt Nam mới chỉ thu hút được một số công ty xuyên quốc gia của Mỹ, Nhật, còn các nước Tây Âu gần như vắng bóng. Có lẽ dưới con mắt của các công ty xuyên quốc gia Tây Âu thì Việt Nam chỉ được coi là thị trường tiềm năng. Quan hệ kinh tế giữa Tây Âu với Việt Nam chỉ dừng lại ở quan hệ song phương bình thường, chưa phát triển tới quan hệ đối tác chiến lược. Tình trạng đó ít nhiều ảnh hưởng tới dòng đầu tư vào Việt Nam. Nhưng nguyên nhân chính là môi trường đầu tư còn nhiều hạn chế. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, mức độ hấp dẫn của chính sách đầu tư thấp, thị trường và sức mua còn hạn chế. Còn sự e ngại các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam chỉ là sự e ngại của các công ty chi nhánh của Mỹ hoặc các công ty xuyên quốc gia Đông Á và Đông Nam Á mà thôi.
Thực ra doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức hợp tác xã hay doanh nghiệp tư nhân thì cũng đều là hình thức tổ chức kinh tế, là sản phẩm lịch sử quá trình phát triển kinh tế của nhân loại. Gán cho nó mang đặc trưng của một thể chế chính trị cũng không hoàn toàn đúng. Ở Việt Nam, quan điểm phổ biến cho rằng cứ doanh nghiệp nhà nước thì làm ăn không có hiệu quả và chỉ có doanh nghiệp tư nhân mới có cơ sở phát triển được. Quan điểm này không có cơ sở vì rất nhiều doanh nghiệp nhà nước ở khắp nơi trên thế giới người ta thành đạt và cũng có vô số doanh nghiệp tư nhân ở nước ta cũng như ở khắp nơi trên thế giới đổ bể hàng năm.
Các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, Ấn Độ và ngay ở các nước ASEAN không những làm ăn có lãi, đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc dân mà còn có năng lực cạnh tranh rất cao trên đấu trường quốc tế. Ví dụ, tổng lợi nhuận hai doanh nghiệp nhà nước Sinopee và China Mobile vào năm 2010 còn lớn hơn lợi nhuận của 500 công ty tư nhân lớn của Trung Quốc cộng lại. Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc không những là xương sống chủ đạo trong ngành năng lượng quốc gia trong nước mà còn có khả năng cạnh tranh quyết liệt với những tập đoàn dầu khí xuyên quốc gia hàng đầu của các nước Tây Âu. Công ty Bombay Transport Authority của nhà nước ẤN Độ được coi là công ty kinh doanh hiệu quả kiểu mẫu của thế giới. Hãng hàng không nhà nước Singapore Airlines là một tập đoàn do Bộ Tài chính nước này sở hữu 100% vốn được bầu chọn là hãng hàng không tốt nhất thế giới. Nhiều nước công nghiệp phát triển trên thế giới như Đức, Pháp, hàn Quốc, Na Uy, Brazil đều có doanh nghiệp nhà nước rất lớn như EMBRAER, Renault, POSC…
Ngay ở Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước thường được nhìn nhận như điển hình thành công trong số các doanh nghiệp nhà nước. Tất cả không những thành công mà còn là những doanh nghiệp nhà nước thường dẫn đầu trong nỗ lực hiện đại hóa khu vực công nghiệp. Thậm chí các tập đoàn, các tổng công ty, các doanh nghiệp nhà nước lớn của Trung Quốc còn đóng góp rất nhiều vào việc đầu tư ở trong nước, ở ngoài nước, điều đã làm cho nền kinh tế nước này vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Mặc dầu  hiện nay chúng ta chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng khối doanh nghiệp nhà nước vẫn được coi là con đẻ, được ưu tiên ưu đãi nhiều mặt. Doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp cơ sở hạ tầng vật chất cơ bản, cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho xã hội và an ninh, quốc phòng, làm nòng cốt kinh tế quốc gia, thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Vậy mà thực tế sau hơn 25 năm đổi mới, khối doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 50% nguồn lực nhà nước nhưng chỉ chiếm 31,5% tổng doanh thu doanh nghiệp toàn quốc, thuế thu nhập chỉ chiếm 7% tổng thu ngân sách Nhà nước và cũng chỉ tạo ra 4,5% việc làm toàn xã hội, hiệu quả sử dụng đồng vốn chỉ bằng nửa so với khối doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tình hình trên dẫn tới  một sân chơi không công bằng đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đặc biệt với các doanh nghiệp nước ngoài, ảnh hưởng tới dòng đầu tư nước ngoài. Vì vậy yêu cầu  khách quan là không thể chậm trễ hơn nữa trong cải cách triệt để khối doanh nghiệp nhà nước.
Vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước gần đây được thể hiện trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Đề án đã nhận được sự đánh giá cao của nhiều chuyên gia. Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng, nếu muốn tạo đột phá trong tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, cần sớm luật hóa các giải pháp trong đề án, đồng thời phải kiên quyết trong thực hiện. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là một trong những trụ cột quan trọng của Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đề án, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước phải được thực hiện đồng thời 3 nội dung, bao gồm sắp xếp phân loại, cơ cấu lại danh mục đầu tư ngành nghề kinh doanh; cổ phần hóa, đa dạng hóa doanh nghiệp nhà nước; áp dụng khung quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; thay đổi các điều kiện kinh doanh, hạn chế độc quyền, tự chủ, buộc các doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo đúng cơ chế thị trường.
Tôi nghĩ một số chuyên gia còn băn khoăn  là đúng khi cho rằng mục tiêu buộc doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh theo cơ chế thị trường sẽ trở nên không khả thi nếu chức năng làm nhiệm vụ công ích và kinh doanh lẫn lộn, không được phân định rạch ròi như hiện nay. Thực tế này dẫn đến khi làm ăn thua lỗ, doanh nghiệp nhà nước dễ lấy nhiệm vụ công ích ra làm bia đỡ đạn, chứ không thừa nhận do trình độ năng lực kinh doanh yếu kém, thậm chí cố tình làm thất thoát để tư túi tham ô. Sự nhập nhèm này khiến khó quy trách nhiệm cho ban quản lý doanh nghiệp nhà nước khi xảy ra thất thoát, lãng phí tiền của, tài sản của dân của Nhà nước. Để khắc phục cơ chế nửa vời trên trên cần phải minh bạch hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư của nhà nước, minh bạch hóa kết quả sản xuất kinh doanh và đặc biệt phải minh bạch hóa kết quả kiểm toán, giám sát của các tổ chức cá nhân trong, ngoài nhà nước. Không để tình trạng mất đến hàng ngàn tỷ đồng mới bắt bớ tù đày các cán bộ của tập đoàn này, tập đoàn nọ.
Về vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước còn có nhiều ý kiến khác nhau, tôi xin được trích dẫn bài trả lời phỏng vấn Thời báo Kinh tế Sài Gòn (TBKTSG) với Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp của chương trình Fulbright, để làm sáng tỏ thêm một góc nhìn về cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN):
-       TBKTSG: Việt Nam đã đưa ra chương trình cải cách DNNN rất tham vọng trong những năm tới. Đánh giá ban đầu của ông là gì?
-       Jonathan Pincus: Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam rất nghiêm túc trong chương trình cải cách DNNN lần này. Bài học mấy năm vừa qua đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ rằng DNNN đã không đóng góp tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Muốn tăng trưởng kinh tế chất lượng hơn trong dài hạn, Việt Nam phải cơ cấu lại nền kinh tế và cải cách DNNN. Đây là một sự thay đổi. Năm năm trước, tôi không nghĩ điều này là sự thật. Lúc đó rất nhiều người cho rằng các DNNN là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Chính phủ có thể tạo ra những tổng công ty, những tập đoàn là đầu tàu kinh tế. Giờ thì tôi nghĩ không còn nhiều chuyên gia suy nghĩ như vậy nữa. Chính phủ đã nhìn nhận rõ là các DNNN không có tính cạnh tranh. Để có tăng trưởng kinh tế cao hơn Việt Nam cần có các công ty có sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Nhận thức này giờ đây đã trở nên phổ biến.
-       TBKTSG: Ông quan tâm điều gì nhất trong trương trình cải cách DNNN?
-       Theo tôi, chương trình cải cách DNNN của Việt Nam dựa quá nhiều vào cổ phần hóa. Điều này không đủ để nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, và cũng không đủ để đảm bảo các doanh nghiệp này có thể chuyển giao cách thức quản trị tốt hơn. Theo tôi, có sự khác biệt rất rõ giữa các DNNN quy mô lớn ở Việt Nam và Trung Quốc. Thứ nhất các DNNN ở Trung Quốc luôn phải cạnh tranh với các công ty tư nhân trong và ngoài nước. Họ không được phép độc quyền. Thứ hai, Trung Quốc áp dụng rất hiệu quả các tiêu chuẩn quản trị quốc tế vào các DNNN lớn. Họ làm điều này một phần bằng cách bán cổ phần trên các sàn chứng khoán ở Hồng Kông, Singapore, hay New York. Phần nữa là bằng cách thuê giám đốc, nhà quản lý bên ngoài, những người đem đến kỹ năng quản trị để doanh nghiệp có thể cạnh tranh với quốc tế. Không cách nào như trên được Việt Nam áp dụng. Vì thế, tôi nghĩ cổ phần hóa chỉ là một phần của câu trả lời. Việt Nam cần cải cách DNNN bằng hai việc: cạnh tranh trong nước và chuyển giao kỹ năng quản trị cho doanh nghiệp.
-       TBSG: Các DNNN vẫn được xác định là đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, song lại là đối tượng cải cách mạnh mẽ. Theo ông điều này có ổn không?
-        Người ta ngày càng nhận thức rõ là không thể thực hiện các chính sách xã hội thông qua DNNN. Ý tưởng này được coi là không ổn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Việt Nam phải thay đổi ngay lập tức. Rất nhiều vấn đề khác cần được giải quyết trước. Người ta cũng biết một trong những lý do các DNNN không thể cạnh tranh quốc tế là họ bị yêu cầu làm rất nhiều việc. Phải kiếm tiền, phải hỗ trợ người nghèo… một danh sách dài các đầu việc yêu cầu họ phải làm. Họ không thể làm tất cả các việc đó mà vẫn cạnh tranh. Một phần của công cuộc đổi mới DNNN phải thay đổi điều này. Nhưng tôi nghĩ sẽ mất thời gian vì thực tế đã tồn tại quá lâu và không dễ dàng xử lý. Hơn nữa, Chính phủ cũng chịu sức ép không làm cho các doanh nghiệp trở nên cạnh tranh. Ví dụ như phải duy trì công ăn việc làm. Nhiều doanh nghiệp dư thừa nhân viên không đáp ứng được yêu cầu, chuyển những người này ra khỏi các DNNN là rất khó về mặt kinh tế và xã hội.
-        TBKTSG: Gần đây, một số DNNN lớn đã công bố cắt giảm chi tiêu như một biện pháp cải cách. Ông nhìn hiện tượng này như thế nào?
-       Thực tế họ làm điều đó vì các mệnh lệnh hành chính, điều đó không đủ. Vấn đề là các doanh nghiệp cần quyết định việc này dựa trên mong muốn sẽ trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường. Trong khi đó, họ vẫn hoạt động một cách quan liêu, chứ không phải như một doanh nghiệp. Hoạt động như một doanh nghiệp nghĩa là họ phải giảm chi phí để tạo ra lợi nhuận. Kể cả hiện nay họ cũng chẳng có động lực gì để tạo ra lợi nhuận. Các DNNN vẫn mở rộng đầu tư, tăng cường nhân sự, gia nhập thị trường mới và kéo dài các danh mục dự án, nhưng họ chẳng có hứng thú cạnh tranh. Đó là vấn đề lớn. Nếu họ buộc phải cạnh tranh, người ta sẽ thấy họ lập tức cắt giảm chi phí để tạo lợi nhuận, chứ không phải để hưởng ứng một yêu cầu  hành chính nào đó.
-       TBKTSG: Từng là trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của UNDP , ông chứng kiến quá trình cải cách DNNN ở Việt Nam chẳng mấy thành công trong thập kỷ qua. Vì sao ông nghĩ lần này có sự khác biệt?
-       Như tôi đã nói, tôi tin Việt Nam ngày nay đã nhận thức sâu sắc là cải cách DNNN là nhiệp vụ trung tâm nếu muốn tăng trưởng cao hơn trong thập kỷ tới. 10 năm trước thì không. Lúc đó, rất nhiều nhà hoạch định chính sách còn đinh ninh rằng, DNNN sẽ là khu vực chủ đạo vĩnh viễn ở Việt Nam. Ngày nay hầu hết các nhà hoạch định chính sách hiểu rằng, để các DNNN cạnh tranh và chuyển bớt sang khu vực tư nhân rõ ràng là tốt hơn cho nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Đây là thay đổi quan trọng.
-       TBKTSG: Nhưng giờ đây, có nhiều doanh nghiệp đã trở nên quá to lớn và phức tạp để cải cách?
-       Chẳng khó gì. Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một ví dụ. Tập đoàn này sản xuất và phân phối điện, phát triển mạng lưới điện. Họ không hề có động lực rõ ràng để kết thúc khủng hoảng điện, vì họ chẳng phải cạnh tranh với ai. Bán điện rẻ như kiểu chính sách xã hội như những năm qua thì rất khó phát triển lưới điện. Điều này vừa tạo ra chi phí nợ khổng lồ cho doanh nghiệp, vừa tạo ra vấn đề nghiêm trọng về quản trị. Tốt hơn hết là áp dụng giá trị thị trường và biến doanh nghiệp thành nhà điều phối hơn là nhà cung cấp điện. Điều này đòi hỏi những bước đi mạnh mẽ, song rất phức tạp cả về kinh tế lẫn chính trị. Giải pháp cho vấn đề này không phải là tạo ra một tập đoàn điện lực thật lớn có thể làm mọi việc, mà là tạo ra một tập đoàn có nhiệm vụ là chủ thể và là nhà phát triển lưới điện trong khi cho phép các công ty khác bán điện cho họ. Các công ty sản xuất điện sẽ phải cạnh tranh nhau bán điện cho tập đoàn. Như vậy ta thấy sẽ có nhiều động lực hơn để phát triển điện, cũng như khả năng nắm được chi phí  sản xuất điện thực sự ở Việt Nam. Như vậy ta thấy sẽ không gặp phải những vấn đề như phát triển ồ ạt các nhà máy thủy điện, trong khi ít quan tâm đến các loại hình khác như hiện nay.
-       TBKTSG: Cứ cho là chương trình cải cách DNNN sẽ hoàn thành sau năm 2015. Lúc đó, Nhà nước sẽ thực hiện các chính sách xã hội như thế nào?
-       Cách chính phủ can thiệp sẽ không phải là ấn định giá. Mà là áp dụng một hệ thống các công cụ khác như thuế chẳng hạn. Đồng thời chính phủ cần đưa  DNNN vào cạnh tranh trên thị trường. Ví dụ về điện, Chính phủ không cần bán điện giá rẻ theo cách hỗ trợ người nghèo. Như thế chỉ khuyến khích người ta dùng nhiều điện hơn. Nếu bạn là hộ nghèo, thì bạn thích điện giá rẻ hơn hay giáo dục miễn phí hơn? Với tôi sự lựa chọn là giáo dục miễn phí. Đó là cách giúp đỡ người nghèo hiệu quả hơn.

Tôi nghĩ những nhận xét và ý kiến trên của Jonathan thật đáng để những nhà hoạch định chính sách Việt Nam xem xét.
Vấn đề thứ ba David nói với tôi là vấn đề tham nhũng, vấn đề ông cho là nguy hiểm nhất. Ở Việt Nam khái niệm tham nhũng được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005. Theo đó, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì mục đích vụ lợi. Như vậy chủ thể tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn từ cấp trung ương tới cấp cơ sở trong khu vực công. Những biểu hiện của tham nhũng ai nấy đều rõ như tham ô tài sản, nhận hối lộ, chiếm đoạt tài sản, lợi vụ chức quyền trong thi hành nhiệm vụ…Tham nhũng là vấn đề nhức nhối trong xã hội Việt Nam. Nó gây thiệt hại cho ngân sách ước chừng 30% trong đầu tư hạ tầng. Những người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam nhận định tham nhũng là do cơ chế, do con người. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 29/6/ 2012 đã nhận định: “Hiện tượng hư hỏng, tham nhũng, tiêu cực nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có, song phải có cái nhìn khách quan, biện chứng để không mất phương hướng”. Những vụ tham nhũng lớn vỡ lở như vụ ECO – Minh Phụng, vụ PMU 18,  vụ Đại lộ Đông Tây, vụ tham nhũng PCI, vụ tham nhũng Đề án 112, vụ Công ty Nexus Tecnologies Mỹ hối lộ quan chức Việt Nam, vụ Công ty Australia Securency hối lộ in tiền Việt Nam, vụ Vinashin, vụ Vinalines… Tham nhũng ban đầu từ cơ quan hành pháp đến tư pháp, ở lĩnh vực kinh tế rồi đến địa chính, nhà đất, hải quan, cảnh sát giao thông và lan đến văn hóa, y tế, giáo dục.
Mới gần đây nhất, công luận đang nói đến việc thực thi Dự án Thủy điện sông Tranh 2. Dự án này có thể sẽ đi vào lịch sử đáng buồn của ngành năng lượng Việt Nam, một công trình có vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng với hồ chứa nước dung tích 730 triệu m3. Thủy điện sông Tranh có hiện tượng nứt, rò rỉ đập, nước nhiều chỗ tuôn chảy mà nguyên do bị nghi là rút ruột công trình. Khoảng 40 tỷ đồng của nhà đầu tư được tung ra để vá víu thân đập. Có người đã viết 40 tỷ đồng không biết có đủ vá víu sự rách toạc của lương tâm không ít những kẻ chỉ nghĩ đến lợi nhuận. Trong khi hàng ngàn hộ nghèo đói không đủ ăn ở chính dọc con sông Tranh đang trông chờ xã hội cứu trợ. Tham nhũng hay chỉ đích danh đồng tiền luôn là thủ phạm của hàng trăm vụ tai tiếng hổ thẹn có thể đồng nghĩa với tội ác đối với dân tộc. Không biết danh sách những vụ tham nhũng còn kéo dài bao nhiêu nữa trong tương lai. Bài học tham nhũng, lãng phí, thiếu hiệu quả ở Liên Xô là một trong những nguyên nhân làm sụp đổ cả một chế độ tươi đẹp; Bài học tham nhũng, quản lý nhập nhằng ở Nhật Bản là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế thần kỳ của nhân loại suy sụp và trì trệ; Bài học tham nhũng ở một số nước Đông Nam Á là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế và chính trị của cả một khu vực chao đảo. Nếu Việt Nam không ngăn chặn được tham nhũng thì hậu quả sẽ ra sao?
Tham nhũng ngoài việc vi phạm pháp luật, gây tác hại về  kinh tế làm thất thoát tài sản của nhà nước và nhân dân, còn gây tác hại về chính trị, xã hội. Nó là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới đất nước, làm xói mòn lòng tin của người dân đối với chính quyền, làm đảo lộn những chuẩn mực xã hội, tha hóa đội ngũ công chức. Còn đối với nhà đầu tư, tham nhũng làm tăng chi phí giao dịch, làm tăng tính chất bất ổn định đối với các doanh nghiệp. Tình trạng bất ổn đó sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng. Vì các nhà đầu tư đưa ra những quyết định của họ dựa trên cơ sở tính toán hiệu quả đầu tư. Họ không muốn đầu tư nếu hiệu quả đầu tư giảm đi. Điều đó đặc biệt đúng với các nhà đầu tư nước ngoài. Họ luôn luôn so sánh hiệu quả đầu tư, tốc độ quay vòng vốn đầu tư ở nhiều nước khác nhau và sẽ quyết định thực hiện đầu tư vốn vào quốc gia có hiệu quả lợi nhuận cao nhất. Chính vì tham nhũng làm giảm hiệu quả đầu tư nên quốc gia tham nhũng ít thu hút được nhà đầu tư nước ngoài. Do đó tăng trưởng kinh tế của quốc gia đó sẽ thấp. Rõ ràng là Việt Nam đang nằm trong tình trạng có nguy cơ không thu hút được sự đầu tư nước ngoài một phần vì tham nhũng.
 Năm nay, Tổ chức Minh bạch Quốc tế căn cứ vào 13 nguồn khảo sát, căn cứ vào đánh giá các quốc gia do 10 tổ chức độc lập thực hiện, kết hợp với khảo sát các doanh nghiệp trong ngoài nước đã công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam nằm trong nhóm các nước tham nhũng cao: 116/ 178 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu tính theo thang điểm 10, điểm số 9 và 10 là trong sạch nhất, Việt Nam chỉ được có 2,7 điểm. Tôi băn khoăn không biết đến bao giờ Việt Nam chúng ta  mới phấn đấu nằm được trong tốp 5 hay 6 điểm. Còn điểm 9, điểm 10 thì mục tiêu đó quả là xa vời vợi. Và nếu vậy thì làm  sao chúng ta là một điểm đến, một điểm đầu tư đáng tin cậy của các doanh nhân nước ngoài. Tăng trưởng trong thời gian tới sẽ ra sao? Sự phát triển bền vững sẽ như thế nào? Suy cho cùng thì vẫn là yếu tố con người quyết định tất cả. Bức tranh chung của Việt Nam hiện nay là giáo dục thì tụt hậu, yếu kém. Doanh nghiệp nhà nước thì phần lớn làm ăn thua lỗ, đổ bể. Tham nhũng thì tràn lan. Xem ra bài toán về vấn đề phát triển của Việt Nam vẫn thực sự chưa có lời giải.


Read More

Từ sân bay quốc tế Narita, Nhật Bản đến Mỹ

1 comment
Xuống sân bay quốc tế Narita thì trời đã sáng. Sân bay quốc tế Narita nằm ở Narita, Chiba, phía Đông Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Sân bay này phục vụ phần lớn các chuyến bay vận chuyển hành khách đến và đi Nhật và cũng là điểm kết nối hàng không chính giữa châu Á và châu Mỹ. Đây là sân bay vận chuyển tấp nập lớn thứ 2 của Nhật, sân bay vận chuyển hàng hóa lớn thứ 3 thế giới. Nó có hai nhà ga riêng biệt với một nhà ga xe lửa ngầm. Giữa  hai nhà ga hàng không là tuyến xe bus và xe lửa, không có lối đi bộ giữa hai nhà ga. Vào những năm 2010 sân bay phục vụ khoảng trên 35,5 triệu lượt khách. Tại đây, chúng tôi còn phải đợi năm tiếng nữa mới bay chuyển tiếp. Trong thời gian chờ đợi, nhân viên hãng hàng không Mỹ phát cho mỗi hành khách hai tờ giấy kê khai nhập cảnh vào Mỹ. Đại loại phải điền vào tờ giấy kê khai bằng tiếng Anh ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số hộ chiếu, visa, mục đích sang Mỹ, kê khai hành lý, tài sản cá nhân, những điều khoản cấm… Có khoảng ba mươi người Việt sang Mỹ trong chuyến bay này. Một số là phụ huynh đi thăm con du học. Một số đi du lịch. Một số sang dự hội trợ triển lãm. Gần như tất cả đều nhờ tôi kê khai hộ. Thấy vậy David  liền đến giúp cùng tôi. Hai chúng tôi vừa hỏi mọi người vừa viết, áng chừng một tiếng mới xong. David nhận xét: “Tôi đã đến làm việc ở một số nước Đông Nam Á. Có lẽ tiếng Anh của người Việt đứng ở vị trí cuối bảng. Vì vậy vấn đề hội nhập của các bạn còn gặp rất nhiều khó khăn”.
Tôi tán đồng với nhận xét của David. Suy cho cùng thì thực trạng học hành tiếng Anh của Việt Nam thuộc hàng yếu nhất Đông Nam Á là do ảnh hưởng của lối tư duy Chiến tranh lạnh. Từ đầu những năm 1950 đến cuối những năm 1980, học sinh, sinh viên của Việt nam chỉ được học tiếng Nga, tiếng Trung. Sách báo ngoại văn chủ yếu là sách Nga và sách Trung. Thế giới đươc các nhà chính trị chia làm hai phe chính tà.Tiếng Anh là tiếng của đối phương, mấy ai học (ngoại trừ ở trong Nam dưới thời Mỹ Ngụy). Chỉ mãi đến khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, mở cửa, mọi người mới được biết đến tiếng Anh. Ở cấp phổ thông, bắt đầu từ năm 1986, các nhà hoạch định chiến lược giáo dục Việt Nam mới quyết định đưa chương trình tiếng Anh vào giảng dạy. Mất một thời gian nữa các chuyên gia tiếng Anh mới hoàn thành khung chương trình 7 năm, từ lớp 6 đến lớp 12. Và phải đến đầu những năm 2000 trở đi thì xã hội mới nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Anh trong thời đại toàn cầu hóa, thời kỳ hội nhập của đất nước.
Mặc dầu đã triển khai học tiếng Anh hàng thập kỷ nay, nhưng cái gì cũng mới. Trước hết đội ngũ giáo viên ban đầu là thiếu và yếu. Rồi đến điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn. Tiếp đến chương trình, nội dung, phương pháp còn nhiều điều bất cập. Tất cả đều không đáp ứng được yêu cầu. Mục tiêu học ngoại ngữ là để có thể giao tiếp được bằng ngôn ngữ đó, nhưng sau 7 năm học tiếng Anh ở  bậc Phổ thông cơ sở và Phổ thông trung học, thậm chí đến bậc Đại học, với biết bao thời gian công sức của thầy trò, kết quả thật đáng buồn. Nói hơi quá một chút là gần bằng không, vì đại đa số học sinh, sinh viên không thể nghe nói được tiếng Anh.
Tất cả các cán bộ quản lý giáo dục mà tôi quen biết đều nhận xét khả năng nghe, nói của học sinh là quá kém. Rất ít học sinh nói được tiếng Anh với nhau về những sinh hoạt bình thường trong cuộc sống. Còn kỹ năng đọc, viết của học sinh cũng hoàn toàn không ổn. Học sinh có thể đọc, phần lớn đọc không đúng, đọc hết cả một bài khóa, nhưng lại không hiểu nội dung nói gì, không thể tóm tắt được nội dung ấy. Và nếu đọc chép chính tả, không dám nói tới việc tự viết đoạn văn, thì kết quả thật ảm đạm. Theo một nghiên cứu của Sở Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh về thực trạng giao tiếp qua dạy và học tiếng Anh trong nhà trường phổ thông thì, sau khi học xong Trung học cơ sở, học sinh chỉ có thể nghe nói được những thông tin cơ bản như chào hỏi, tên tuổi. Ở bậc Trung học phổ thông gần 80 % không nghe nói được.
Trước thực trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thực hiên Đề án Ngoại ngữ từ năm học 2012 đến năm 2020. Cá nhân tôi rất nghi ngờ về tính khả thi của đề án này. Khảo sát năng lực của đội ngũ giáo viên tiếng Anh theo chuẩn châu Âu mới đây của một số địa phương đã cho một kết quả giật mình. Theo thống kê chung, một số tỉnh phía Bắc, ví dụ như Hải Dương đạt chuẩn là 14 % ở Trung học cơ sở, 10 % ở Trung học phổ thông. Các tỉnh phía nam số liệu cũng tương đương như vậy. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, dù kết quả khảo sát không được công bố chính thức, nhưng theo nguồn tin đáng tin cậy, nếu đúng chuẩn, giáo viên có trình độ B2 mới được dạy Trung học cơ sở và trình độ C1 mới được dạy Trung học phổ thông thì tỉ lệ cũng chỉ đạt trên 10 %.
Bản thân tôi khi tuyển giáo viên tiếng Anh cho trường quốc tế, khi yêu cầu ứng viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi nói về tình hình Biển Đông bằng tiếng Anh. Các ứng viên đều im lặng rồi lắc đầu. Tôi hạ thấp yêu cầu, muốn các ứng viên nói đại loại là nhà tuyển dụng thường tuyển những người có kinh nghiệm, nhưng nếu chưa có việc  làm thì lấy đâu ra kinh nghiệm. Muốn có kinh nghiệm thì phải có việc làm. Đó là một cái vòng luẩn quẩn, làm khó cho người đi xin việc. Đến chín phần mười ứng viên không dịch được ý trên. Với chất lượng đội ngũ như thế, sẽ rất khó khăn để nâng cao trình độ ngoại ngữ trong thời gian sắp tới.
Tôi trao đổi vấn đề trên với David, đồng thời cũng cũng trao đổi thêm về nhận xét cá nhân của tôi đối với nền giáo dục Việt nam trước đây, một nền giáo dục chịu nhiều ảnh hưởng của mô hình Xô viết. Mô hình đó đã hoàn thành sứ mệnh của nó trong khoảng từ những năm 1950 đến giữa những năm 1970. Từ những năm 1980 trở đi, tôi đã chứng kiến hay nói chính xác là tôi đã cùng các đồng nghiệp tham gia hai lần thực hiên cải cách giáo dục, nhưng tất cả đều duy ý chí, nặng về trang bị kiến thức, lí thuyết hàn lâm, chắp vá, thiếu đồng bộ, dẫn đến kết quả không mang lại những điều người ta mong muốn. Nền giáo dục trong mấy chục năm qua không tạo ra được những thế hệ học sinh, sinh viên năng động sáng tạo, có nền tảng văn hóa, khoa học và kỹ năng cần thiết, mà phần nhiều là những con người thụ động, lý thuyết suông, xa rời thực tế, ỷ lại, thiếu sáng tạo.
Những yếu kém của nền giáo dục bắt nguồn từ cơ chế, chính sách, từ việc chậm chạp không kịp thay đổi mô hình giáo dục cho đến việc thiết kế nội dung chương trình và phương pháp đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu của đất nước, cũng như những yêu cầu của thời đại. Muốn đổi mới căn bản và toàn diện, phải bắt đầu từ việc xác định đúng đắn chiến lược phát triển giáo dục trong thời đại mới, thời đại kinh tế tri thức. Tôi nói với David rằng tất cả các cấp, các ngành ở Việt Nam đã bắt tay vào làm việc đó, nhưng việc đề ra chiến lược, lựa chọn mô hình giáo dục riêng của Việt Nam thì thật là khó. Phải cần có thời gian vừa đủ để hoàn thiện dần. Theo tôi, trước mắt nên học tập các nước ở châu Á có nền kinh tế, xã hội phát triển dựa trên sự coi trọng phát triển giáo dục như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, kết hợp những thành quả khoa học giáo dục của các nước tiên tiến để thiết kế nội dung chương trình, hệ thống sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, đăc biệt là những môn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ. Không cần chi tới hàng trăm tỉ đồng cho hết dự án này đến dự án kia mà kết quả vẫn không ra đâu vào đâu. Nghe đến đây David căn vặn:
-       Thế cán bộ quản lý trực tiếp như các ông đã làm được những gì? Các ông là những người đứng đầu một nhà trường, những người lãnh đạo mà?
Tôi bối rối trước những câu hỏi của David. Trên thực tế những người như chúng tôi chẳng làm gì cả. Có nhận ra những cái sai trái trong giáo dục, chỉ dám nói trong một chừng mực, nhưng không dám làm cái gì ngoài khuôn khổ, cứ đi theo con đường mòn cho an toàn, cứ thực hiện đúng như tinh thần, nhiệm vụ, chỉ thị, chương trình hàng năm… Càng nhiều tuổi càng giữ mình để đỡ bị phiền phức. Vả lại nếu có nói thì ai nghe. Cứ cố gắng năm nào cũng đúc ra mươi học sinh giỏi các cấp, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp 97% trở lên, còn chất lượng thực tế ra sao thì hạ hồi phân giải. Nói như các đồng nghiệp đi trước của tôi là để hạ cánh cho an toàn. Suy cho cùng, đó là thái độ hèn kém của một lớp người gọi là có học, có chức danh. Và như thế thì cải cách thế nào được giáo dục? Và như thế thì làm gì có chất lượng giáo dục? Tôi không dám bộc lộ nỗi lòng riêng với David. Chẳng lẽ lại đi nói xấu đường lối giáo dục của đất nước. Tuy nhiên tôi cũng cho David xem bài tham luận của tôi trong một buổi tọa đàm giáo dục. Tiêu đề của bài tham luận là: Nên đi theo mô hình giáo dục tiên tiến. Nội dung có thể tóm tắt lại một số ý như sau:
Một số trường hiện nay, nhất là trường ngoài công lập nên mạnh dạn xây dựng một hướng đi riêng, theo mô hình giáo dục tiên tiến. Sẽ có câu hỏi đặt ra thế nào là mô hình tiên tiến. Theo quan niệm của chúng tôi, dù là trường công lập hay trường tư thục, trường chuyên hay trường phổ thông bình thường, ở miền xuôi hay miền núi, thành thị hay nông thôn, tất cả các nhà trường đều phải thực hiện mục tiêu mà Luật giáo dục Việt Nam đã ban hành. Về mặt lý luận, chắc chắn mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục mà Luật Giáo dục Việt Nam mới ban hành năm 2005 và trước đó đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời đại toàn cầu hóa, thời đại kinh tế tri thức. Vậy thì tại sao giáo dục Việt Nam lại có khoảng cách khá xa so với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Có nghĩa là học sinh của các nước đến Việt Nam chỉ có thể học ở trường quốc tế. Còn học sinh Việt Nam ra nước ngoài phải học bổ túc mất một thời gian dài mới theo kịp được học sinh bình thường của họ.
Không kể về trình độ ngoai ngữ bị tụt hậu mà  kiến thức các môn khoa học cùng các kỹ năng cá nhân đều tụt hậu. Như vậy phải chăng việc cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục thành chương trình, sách giáo khoa và tổ chức thực hiện của chúng ta có vấn đề. Mấy chục năm qua, các trường hết sức cố gắng phấn đấu theo cái lối mòn của bệnh hình thức, thành tích cũng chỉ đạt được danh hiệu trường tiên tiến, tiên tiến xuất sắc mà vẫn cứ không hội nhập được vào mạng lưới giáo dục quốc tế. Đa số học sinh Việt Nam khi ra nước ngoài học đều nhận xét quãng thời gian học ở trong nước là quãng thời gian căng thẳng khủng khiếp, là sự đầy ải về mặt tinh thần vì phải chạy theo một lượng kiến thức lí thuyết hết sức nặng nề. Mô hình giáo dục tiên tiến khác với trường tiên tiến, tiên tiến xuất sắc hiện nay. Nhiều trường tiên tiến, tiên tiến xuất sắc vẫn có thể là lạc hậu, tụt hậu, không hòa nhịp cùng đà tiến chung của nhân loại. Nhưng mô hình giáo dục tiên tiến thì phải đi theo hướng tiếp cận với các nền giáo hàng đầu đã thành công trong khu vực và trên thế giới.
Hiệu quả của một nền giáo dục nói chung và của một nhà trường nói riêng chỉ được đánh giá cao khi nó đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của xã hội, của đất nước. Trong thời đại toàn cầu hóa, hiệu quả nền giáo dục còn được đánh giá là có hòa nhịp bước tiến chung của nhân loại hay không. Sau gần ba mươi năm đổi mới, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội. Nhưng trong lĩnh vực giáo dục, hình như chúng ta chưa có những bước đi tương xứng. Giáo sư Hoàng Tụy, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, người đi tiên phong trong một lĩnh vực toán học đặc biệt vừa được thế giới trao giải Toán tối ưu hóa toàn cục nói trong một buổi hội thảo về cải cách giáo dục: Nếu đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhìn tình hình một cách khách quan và có trách nhiệm, chúng ta không thể nhắm mắt trước sự tụt hậu ngày càng xa của giáo dục Việt Nam so với các nước xung quanh và so với yêu cầu phát triển của xã hội.
Nhận xét của Giáo sư Hoàng Tụy phản ánh đúng thực trạng giáo dục Việt Nam. Nhưng làm thế nào để thu hẹp khoảng cách tụt hậu? Đó là công việc khó khăn, đòi hỏi sự cố gắng của toàn Đảng, của toàn dân, trước hết là của các nhà giáo dục, trong đó các nhà trường đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Không kể công lập hay tư thục, các nhà trường phải dũng cảm chọn cho mình một hướng đi, một mô hình mới vừa phù hợp với yêu cầu của xã hội, của thời đại vừa phù hợp với thực tiễn của trường mình. Tất nhiên là không thụ động chờ đợi văn bản, chỉ thị, hướng dẫn. chúng tôi nghĩ trong hoàn cảnh hiện tại, một số nhà trường, đặc biệt các nhà trường có yếu tố nước ngoài, nếu phụ huynh có điều kiện, nên cho học sinh tiếp cận với nền tảng chung, cái khung chung về giáo dục của khu vực và thế giới. Việc xây dựng những chương trình khung cho mỗi cấp học trên cơ sở của Bộ Giáo dục và Đào tạo kết hợp với việc giảng dạy một số bộ môn như toán, tin học, khoa học bằng tiếng Anh là cần thiết để học sinh có thể hội nhập, được công nhận trình độ, văn bằng tương đương với các nước có nền giáo dục tiên tiến. Đó là một hướng đi cần được quan tâm nhằm san lấp khoảng cách trong giáo dục.
Để thực hiện được hướng đi trên, các trường cần triển khai, xây dựng một đội ngũ giáo viên vừa có trình độ khoa học, chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, vừa có khả năng vận dụng kiến thức quốc tế vào thực tiễn nhà trường Việt Nam. Thời gian đầu các trường có thể hợp đồng với chuyên gia giảng dạy các môn khoa học ở các nước nói tiếng Anh có nền giáo dục tiên tiến trực tiếp giảng dạy tại trường. Về dài hạn, các nhà trường phải tuyển chọn, bồi dưỡng được một đội ngũ giáo viên khoa học, lĩnh hội được phương pháp đào tạo hiện đại, có thời gian tu nghiệp tại nước ngoài hoặc học tại nước ngoài giảng dạy các giáo trình, sách giáo khoa chuẩn của khu vực và quốc tế.
Một vấn đề quan trọng nữa cần được các nhà trường quan tâm, đó là việc dạy và học ngoại ngữ. Trong bối cảnh hội nhập, ngoại ngữ đóng một vai trò quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn mực quốc tế. Phải coi việc dạy và học ngoại ngữ là nội dung phát triển nguồn nhân lực. Dạy và học ngoại ngữ không chỉ để học sinh giao tiếp quốc tế mà còn là hình thức để nhận thức khoa học, là điều kiện bắt buộc phải có để đạt được mục tiêu giao lưu văn hóa, khoa học kỹ thuật, kinh tế… Và cũng qua đó để đạt được mục tiêu chung nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Vì nhiều lý do khác nhau, từ lâu tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ chung cho nhu cầu giao tiếp giữa các cộng đồng ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Ngày nay, các nước còn sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chung cho các phương tiện thông tin đại chúng, cho truyền thông khoa học và giảng dạy trong các nhà trường. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, các chuyên gia ngoại ngữ của Việt Nam đã xây dựng được một chiến lược dạy học ngoại ngữ xuyên suôt các bậc học. Tuy nhiên trình độ ngoại ngữ chung của học sinh còn rất hạn chế. Ngay cả trường hợp có người biết đọc biết viết nhưng lại không biết nghe biết nói hoặc biết nghe biết nói nhưng lại không biết đọc biết viết, thành ra chưa hẳn đã thoát nạn mù ngoại ngữ.
Và ngay cả những học sinh đạt điểm tiếng Anh chuẩn quốc tế để đi du học vẫn phải mất hàng năm trời mới hội nhập được với các bạn cùng lớp. Tại sao lại như vậy? Có rất nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân thuộc chiến lược chung về dạy học ngoại ngữ. Có nguyên nhân thuộc về lĩnh vực kinh tế, xã hội. Nhưng có một điều chắc chắn là nền tảng tiếng Anh giao tiếp, tiếng Anh khoa học, kỹ thuật và các kỹ năng khác của học sinh chúng ta còn yếu kém nên dẫn tới tình trạng trên. Để khắc phục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Đề án dạy ngoại ngữ từ năm 2012 đến năm 2020 để nâng cao dần từng bước, tiến tới trình độ ngoại ngữ trong khu vực. Nhưng chẳng lẽ phải đợi đến sau năm 2020 các nhà trường mới thực hiện đại trà theo kiểu đánh kẻng dàn hàng ngang. Chúng tôi nghĩ một số trường nên thực hiện việc giảng dạy các bộ môn khoa học bằng tiếng Anh ngay cho học sinh phổ thông. Có như vậy chúng ta mới từng bước nâng cao mặt bằng dân trí ngoại ngữ lên trình độ một quốc gia phát triển…
Đúng 11 giờ máy bay từ Narita mới cất cánh đi đến sân bay quốc tế Mỹ Dallas. Đây là khoảng thời gian bay rất dài. Phần lớn hành khách trên máy bay đều theo dõi hoặc nghe các chương trình tự chọn trên màn hình cảm ứng trước mặt. Một số ít nhắm mắt ngủ ngồi. Riêng với David, tôi để ý không thấy ông nghỉ ngơi. Ông cặm cụi đánh máy hàng tiếng trên máy tính cá nhân, thỉnh thoảng làm một tợp rượu, nếu không lại quay sang nói chuyện. Tôi có linh cảm ông đang thực hiện một tác phẩm gì đó liên quan đến Việt Nam nhưng lại không tiện nói. Những vấn ông đưa ra bàn luận với tôi là những vấn đề lớn, liên quan đến vận mệnh của khu vực Đông Nam Á và các quốc gia mà đều có tâm xoáy vào Việt Nam. Những vấn đề này vừa mang tính thực tiễn, vừa có tính chất học thuật. Chẳng hạn như việc Mỹ rút khỏi Việt Nam, rút các căn cứ quân sự ở các nước Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan đã để lại một khoảng trống quyền lực. Không có nước nào, kể cả những nước hóa rồng hóa hổ trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có đủ tiềm lực vươn lên trở thành cường quốc san lấp khoảng trống đó. Inđônnêsia, Thái Lan, Philippines đều chìm ngập trong làn sóng ly khai dân tộc và các vấn đề nội bộ. Cũng không có một quốc gia nào có khả năng dẫn dắt ASEAN phát huy được tiềm năng và sức mạnh của nội khối. Bên ngoài, Liên Xô đang trên đường sụp đổ. Họ phải bỏ lại căn cứ quân sự hải quân duy nhất ở Cam Ranh nhằm đối trọng với Mỹ và kiềm chế Trung Quốc trước đó. Còn Nhật Bản thì vừa chịu sự ràng của các điều ước sau chiến tranh thế giới thứ hai vừa chịu sự ràng buộc của hiến pháp trong nước, lại dựa vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ, cũng chỉ là một cường quốc về kinh tế mà thôi.
 Cường quốc duy nhất mất vị thế gần hai trăm năm trở lại đây vốn ôm mộng khôi phục địa vị bá chủ khu vực đang dần tìm cách lấp khoảng trống quyền lực ở khu vực, đó là  một Trung Quốc trỗi dậy đầy tham vọng. Không may cho Đông Nam Á lại là Trung Quốc, một Thiên triều bành trướng mà hầu hết các nước lân bang đều phải triều cống suốt mấy nghìn năm trong lịch sử nếu không muốn bị chiến tranh và hủy diệt. Kinh nghiệm lịch sử đã chỉ ra rằng Đông Nam Á có vấn đề, đều bị cuốn hút vào những cuộc chiến tranh dã man tàn bạo, cốt nhục tương tàn khi có thế lực bên ngoài can thiệp vào. Mấy nghìn năm trước đây là Trung Quốc, mấy trăm năm gần đây là Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, Mỹ, và mấy chục năm gần đây lại là Trung Quốc. Nếu Đông Nam Á không tỉnh táo, đoàn kết thì cái định mệnh của lịch sử tiếp tục gieo họa cho các nước.
Tôi nói lại với David nếu như các các cường quốc quyết tranh giành vị trí chiến lược, tranh giành cưỡng đoạt lãnh thổ, vùng nước, tài nguyên kể cả bằng vũ lực thì các nước nhỏ yếu ở Đông Nam Á có thể làm gì được. Từ xưa đến nay chân lý vẫn thuộc về kẻ mạnh. Ỷ mạnh hiếp yếu, khi cần bất chấp luật pháp quốc tế là cách hành xử thường thấy ở các cường quốc. Thậm chí họ có thể thỏa hiệp với nhau để chia sẻ lợi ích ở Đông Nam Á . David  không đồng ý với cách đặt vấn đề như vậy, theo David vì đây là Đông Nam Á chứ không phải là Trung Đông. Điều quan trọng nhất ASEAN phải là một. Thách thức đến từ Trung Quốc chứ không phải từ Mỹ, dù Mỹ có chuyển trọng tâm chiến lược quân sự về châu Á – Thái Bình Dương.
 Để trở thành một gã khổng lồ, Trung Quốc đã bành trướng mấy nghìn năm nay rồi. Biết bao nhiêu dân tộc đã bị tiêu diệt hoặc bị xóa tên vĩnh viễn trên bản đồ. Điều này thì các dân tộc lân bang với Trung Quốc và các tộc người trong đại gia đình Trung Quốc đều đã được trải nghiệm bằng máu và nước mắt từ ngàn xưa đến nay như một hằng số. Tất cả các cường quốc thực dân đều đã ra đi, chỉ còn một mình Trung Quốc là ở lại đó. Cứ lấy Việt Nam làm ví dụ, không một triều đại nào, không một chính thể nào thuộc Tầu là không đem quân xâm lược Việt Nam. Mới gần đây nhất năm 1945 là Tầu Tưởng, năm 1979 là Tầu Cộng. Trong lịch sử hiên đại ai là người đã chủ động gây ra tất cả các cuộc chiến tranh biên giới trong mấy chục năm trở lại đây. Lấy gì đảm bảo từ nay về sau họ tôn trọng nền độc lập, tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thố của các nước láng giềng hữu nghị ở Đông Nam Á. Nhân tố gây mất ổn định ở Đông Nam Á hiện nay chính là Biển Đông, không phải là sự căng thẳng giữa các nước thành viên ASEAN mà là sự căng thẳng giữa Trung Quốc với nhiều nước trong ASEAN. David hài hước, nếu các dân tộc có thể dịch chuyển được lãnh thổ đi nơi khác thì có lẽ chỉ còn lại một mình Trung Quốc.
Lịch sử cho đến nay cũng chỉ ra rằng không một quốc gia nào phụ thuộc vào Trung Quốc lại mở mày mở mặt được với năm châu bốn biển. Bắc Triều Tiên, Mianma là một trong số các quốc gia chứng minh cho cái gam mầu tối tăm đó. Các dân tộc láng giềng đã từng một thời là thuộc quốc hoặc vùng lãnh thổ của chính Trung Quốc sớm thoát khỏi sự chi phối, lệ thuộc và ảnh hưởng của Thiên triều đều đã chuyển mình cất cánh, chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singaporo, Đài Loan, Hồng Kông… Tất nhiên trong thời đại toàn cầu hóa, các quốc gia dù lớn dù nhỏ đều phụ thuộc lẫn nhau, mọi cái đều có thể thay đổi. Song bản chất bành trướng của tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc có thay đổi hay không, trước mắt giống như các nhà ngoại giao quốc tế thường nói, đừng tin vào những điều người ta diễn thuyết như “trỗi dậy hòa bình, không bá quyền, cùng thắng” mà hãy xem xét những việc người ta đã và đang làm. David cho rằng nếu Đông Nam Á không cảnh giác, được thì sẽ được cái nhất thời, mà mất thì mất cái vĩnh hằng mà bao nhiêu dân tộc đã từng mất từ hàng ngàn năm nay.
Thì ra David đã từng nghiên cứu lịch sử châu Á. Ông rất am hiểu về lịch sử Đông Bắc Á, Đông Nam Á . Cha ông là quân nhân chuyên nghiệp, sĩ quan chỉ huy tác chiến không lực Mỹ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950 - 1953, người đã khuyên ông theo học chuyên ngành sử Đông Á. David nhìn đồng hồ, gấp máy tính cá nhân, quay người lại phía tôi:
-       Sau Thế chiến 2, vào cuối những năm 1940 và đầu những năm 1950, giới chiến lược quân sự Mỹ đã nhận thấy tầm quan trọng của Đông Á trong Chiến lược Ngăn chặn Cộng sản của Mỹ ở châu Á. Họ đã xác định rằng Đông Bắc Á có những lợi ích chiến lược toàn cầu. Điểm then chốt ở Đông Bắc Á là Triều Tiên. Cả Mỹ và Liên Xô đều có những hoạt động để bán đảo Triều Tiên đi theo quỹ đạo của riêng họ. Chính vì vậy mới xảy ra cuộc chiến tranh Triều Tiên. Sau cuộc chiến hai bên lại trở về vạch xuất phát vĩ tuyến 38. Mỹ coi Nam Triều Tiên là chiếc neo chiến lược đối với sự có mặt của mình ở lục địa châu Á nói chung và Đông Á nói riêng. Nếu mất Nam Triều Tiên thì không chỉ Liên Xô, Trung Quốc mà ngay cả Nhật Bản cũng có thể là đối thủ của Mỹ. Nam Triều Tiên đã thật sự là điểm dừng chân của Mỹ ở Đông Á, giúp Mỹ khống chế Liên Xô, Trung Quốc. Còn Đông Nam Á là một khu vực rộng lớn tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Nam. Nó kiểm soát cửa ngõ ra vào giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Tổng thống Harry Truman đã phê chuẩn Văn kiện của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ và nhấn mạnh việc cần thiết phải ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản ở Đông Dương. Đông Nam Á  đã chính thức trở thành chiến trường quan trọng sau Đông Bắc Á của Mỹ. Điểm then chốt ở Đông Nam Á là Việt Nam. Theo tôi, David nhấn mạnh, không có cái gọi là Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai của Pháp và của Mỹ. Chỉ có một cuộc chiến tranh nối tiếp gần 30 năm. Ngay từ đầu nó đã là cuộc chiến tranh của Mỹ, mới đầu là Pháp – Mỹ, sau là Mỹ. Cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành là cuộc chiến tranh xâm lược, xuất phát từ chiến lược của Mỹ, từ sự áp đặt chiếm đóng miền Nam Việt Nam để điều khiển và giành quyền kiểm soát thị trường, kinh tế, nhân lực, tài nguyên không chỉ của Việt Nam mà của cả Đông Nam Á.
-       Hình như David không có thiện cảm với những nhà cầm quyền ở cả Oasinhtơn lẫn Bắc Kinh, tôi nhận xét.
-       Đều giống nhau ở cái bản tính bầy đàn, bản chất hiếu chiến, ngạo mạn. MC. Namara, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, người góp phần hoạch định chính sách trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã thừa nhận rằng họ đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Họ không hiểu gì về con người Việt Nam, lịch sử dân tộc Việt Nam, đánh giá thấp tinh thần yêu nước, chủ nghĩa dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ còn cho rằng họ đã hiểu sai về những mục tiêu của Trung Quốc trong việc giành bá quyền ở khu vực. Ở điểm sau thì  MC. Namara đã lầm. Họ không hiểu sai về chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc. Chỉ có điều họ không nhận ra lúc đó là chính Trung Quốc cũng bị thất bại trong lá bài Việt Nam, thất bại cay đắng trong âm mưu bành trướng ở khu vực Đông Nam Á. Và cũng như bao lần trong quá khứ, Việt Nam một lần nữa đã chôn vùi tham vọng đầy tội lỗi của Bắc Kinh. Đó là lý do tại sao có cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba mà các nhà sử gia phương Tây gọi là cuộc Chiến tranh giữa những người anh em Đỏ. Tôi nói lại với ông tôi không đồng ý với cách gọi như vậy. Tôi gọi đó là cuộc Chiến tranh biên giới Tây – Nam giữa Việt Nam với  Campuchia và cuộc Chiến tranh biên giới phía Bắc giữa Việt Nam với Trung Quốc. Thực chất nó chỉ là một cuộc chiến tranh, mục đích nhằm làm Việt Nam suy yếu, nhằm lấy lòng Mỹ, được sự đồng thuận của Mỹ, do Trung Quốc phát động với những tính toán riêng về mặt chiến lược. Còn những cụm từ “ Phản kích tự vệ” và “ Dạy cho Việt Nam một bài học” là những cụm từ lừa bịp, kích động chủ nghĩa dân một cách hữu hiệu nhất, một kiểu gắp lửa bỏ tay người, nghĩ sâu một chút đó là giọng lưỡi xô vanh ngạo mạn, anh chị của bọn lưu manh làm chính trị. Những người có văn hóa, có học hành không ai dám đi dạy dân tộc mình và nhất là dân tộc khác phải sống như thế nào. Không biết ai phải cảm ơn ai nếu họ nhìn lại cuộc chiến tranh Triều Tiên. Không biết ai dạy ai trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Mặc dầu vậy, bây giờ nhìn lại, rõ ràng người Việt đã mất cảnh giác, không đánh giá đúng tình hình, đã rơi vào một cái bẫy giăng sẵn, mất hai mươi năm trời bị cô lập, nếu không như vậy lịch sử sẽ theo một hướng khác.
-       Ý ông là chúng tôi đã say sưa với chiến thắng, chủ quan không đánh giá đúng thời cuộc và đánh mất thời cơ hàng thập niên phát triển.
-       Có thể nói là gần như vậy. Người Việt có câu thành ngữ rất hay “Sống chung với lũ’’. Các ông đã sống với lũ mấy nghìn năm, vậy mà lúc đó lại quên mất lũ. Lẽ ra các ông phải đề phòng, phải nhận ra người anh em môi hở răng lạnh từng bức hại đến chết hàng triệu người mà đa số là những người bạn, người đồng chí chung một chiến hào, những người dân vô tội để giữ quyền lực, và mở rộng quyền lực. Lẽ ra các ông phải nhận ra quan hệ Việt – Trung sẽ như thế nào nếu không phục vụ dã tâm đi xuống phương Nam của họ. Lẽ ra ngoài các quan hệ truyền thống, các ông phải thúc đẩy quan hệ với phương Tây, trong đó có Mỹ ngay sau năm 1975. Rất tiếc các ông đã sa vào lưới của họ. 
-       Có ai mà biết được hết chữ ngờ. Người Mỹ các ông đâu có ngờ sau Chiến tranh Việt Nam lại sa vào ít nhất hai cuộc chiến tồi tệ hao người tốn của, thậm chí làm khánh kiệt cả nước Mỹ.
-       Ông nói cũng đúng. Stephen Hawking nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng thế giới từng cảnh báo loài người, chớ tìm cách liên lạc với người ngoài hành tinh vì họ có thể rất hiếu chiến. Nhưng tôi nghĩ ngược lại, có lẽ họ đã phát đi tín hiệu cho nhau cần phải tránh xa cái địa cầu trong Hệ mặt trời này, bởi nền văn minh của chúng ta còn ở cấp thấp, còn quá nhiều người mang trong mình dòng máu dã thú. Nhưng thôi chúng ta trở lại vấn đề. Từ năm 1975 đến 1978 hai nước đã bỏ qua cơ hội để đến với nhau. Theo tôi sai lầm chiến lược của Việt Nam bắt đầu từ đó. Và sai lầm của Đông Nam Á cũng bắt đầu từ đó. Với Việt Nam phải đến đầu những năm 1990 mới dần từng bước thoát khỏi khủng hoảng. Tháng 2 năm 1994, Tổng thống Bill Clintơn tuyên bố xóa bỏ lệnh cấm vận thương mại kéo dài từ cuối thập niên 70. Tôi còn nhớ thời gian đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã hoan nghênh quyết định của Hoa Kỳ, tuyên bố sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ trên tinh thần gác lại quá khứ hướng tới tương lai. Có thể nói từ đó, một trang mới trong lịch sử quan hệ giữa hai nước được mở ra. Tôi được cử đến Việt Nam bắt đầu từ những ngày ấy, cho đến tận bây giờ, năm nào cũng có vài chuyến công tác sang Việt Nam. Lần này tình cờ gặp ông.
-       Mỗi chuyến công tác của ông tại Việt Nam thường kéo dài bao lâu?
-       Cũng tùy theo tính chất công việc. Có khi là một tuần, có khi là một tháng, có khi hơn một tháng. Tôi nhớ vào tháng 11 năm 2000, khi Tổng thống Bill Clintơn thăm chính thức Việt Nam, tôi làm việc với Bộ Thương mại Việt Nam ở Hà Nội đến một tháng rưỡi để triển khai Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ.
-       Theo ông Hiệp định này có ý nghĩa gì?
-       Hiệp định song phương Việt Nam – Hoa Kỳ rất cần thiết. Vì theo luật, Hoa Kỳ không thể trao quy chế quan hệ thương mại bình thường với các nước đang trong thời kỳ chuyển tiếp như Việt Nam mà không có hiệp định thương mại song phương. Mục đích của nó là đảm bảo cho những luật lệ thương mại được rõ ràng, kích thich và làm tăng thương mại, giúp Việt Nam hội nhập kinh tế, kể cả việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới sau đó. Theo tôi, chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ đã khẳng định không chỉ bằng tuyên bố mà còn là hành động thực tế của Mỹ trong việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Nếu chuyến thăm của Bill Clintơn thể hiện sự cam kết theo đuổi một quan hệ mới trong quan hệ giữa hai nước trong giai đoạn mới thì chuyến thăm của Tổng thống George W Bush tháng 11 năm 2006 là sự thừa nhận những thành tựu quan trọng trong sự phát triển quan hệ giữa hai nước. Hai nước bắt đầu đi vào giai đoạn ổn định và phát triển. Cùng với các chuyến thăm cấp cao nhất của Hoa kỳ, các vị lãnh đạo Việt Nam cũng liên tục có những chuyến thăm tới Mỹ, góp phần nâng cao hơn nữa quan hệ giữa hai quốc gia. Đặc biệt trong thời gian gần đây, hai nước tăng cường tiếp xúc hợp tác về mặt quốc phòng. Hai nước đang tiến hành đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương, một cơ chế mới, một sân chơi mới với các nước ven bờ biển Thái Bình Dương đang được hình thành. Cứ cái đà này, tôi nghĩ trong tương lai không xa, hai nước có thể nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược. Tôi tin rằng khu vực Đông Nam Á sẽ ổn định nếu có Việt Nam, Inđônêsia, Philippines hùng mạnh và các nước trong khu vực hùng mạnh. Sự mất ổn định diễn ra nếu khu vực chỉ có nhóm nước yếu, chia rẽ, mất đoàn kết, trong khi Trung Quốc nổi lên là cường quốc đầy tham vọng độc chiếm Biển Đông…
Nói chuyên với David thật thú vị. Thật không ngờ ông lại am hiểu tình hình Đông Nam Á và Việt Nam hơn cả những người Việt như tôi.


Read More

Gặp một cựu binh Mỹ trên máy bay

Leave a Comment
Mười một giờ bốn nhăm phút máy bay cất cánh đi Narita, Nhật Bản đúng như lịch trình dự kiến. Ngồi cạnh tôi là một người Mỹ áng chừng trên 60. Tên ông là David Donough. Chúng tôi nhanh chóng làm quen với nhau. Qua lời tự giới thiệu, chúng tôi biết nhau đã từng là những người lính ở hai chiến tuyến trên mặt trận Quảng Trị, Thừa Thiên cách đây gần bốn mươi năm. Hiện thời David Donough làm việc tại Phòng Thương mại Hoa Kỳ, cơ quan xúc tiến thương mại thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ có mạng lưới nhân viên thương mại ở khắp 100 thành phố của Hoa Kỳ và ở 150 quốc gia trên toàn thế giới. David giải thích cách cặn kẽ cơ quan Thương mại Hoa Kỳ của ông có nhiệm vụ giúp đỡ, tư vấn cho các nhà cung cấp của Hoa Kỳ tìm được những nhà nhập khẩu, phân phối đại lý hay đại diện của nước sở tại để từ đó đẩy mạnh việc xuất khẩu hàng hóa dịch vụ từ Hoa Kỳ đến các thị trường trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Tôi không am hiểu lĩnh vực này nên hỏi:
-     Thế cụ thể ở Việt Nam thì các ông làm những gì?
-        Ở Việt Nam, Phòng Thương mại Hoa kỳ đặt văn phòng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Văn phòng này có đội ngũ nhân viên, trợ lý thương mại sẵn sàng hỗ trợ và làm việc cùng các công ty của Việt Nam về các vấn đề thương mại. Cụ thể, chúng tôi sẽ giúp cho các công ty của Việt Nam tìm ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và đối tác kinh doanh của Mỹ. Có thể nói chúng tôi là cái cầu nối cho các nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ, các công ty hai nước hợp tác làm ăn. Qua đó chúng tôi thúc đẩy việc buôn bán giữa hai nước.
David ngừng lại, nhìn tôi chăm chú, rồi nói một cách lịch sự:
-       Tôi muốn ông hiểu một cách tường tận, nhưng không biết ông có hứng thú với đề tài này không? 
-       Tôi thực sự muốn nghe ông nói, tôi đáp lại.
-       Thế thì tôi sẽ tiếp tục. Chúng tôi cung cấp các dịch vụ sau: Danh sách các công ty Hoa Kỳ đến Việt Nam tìm đối tác; Danh mục trực tuyến các nhà cung cấp Hoa Kỳ đang cần tìm đối tác tại nước sở tại; Dịch vụ hỗ trợ tìm công ty Hoa Kỳ tham gia dự án; Tạp chí Tin tức Thương mại Hoa Kỳ; Dịch vụ hỗ trợ gặp gỡ, tìm hiểu các nhà cung cấp tại Hoa Kỳ; Chương trình Khách mua hàng quốc tế…Tôi lấy ví dụ để ông dễ hiểu. Trong phần dịch vụ cung cấp danh sách các công ty Hoa Kỳ đến Việt Nam tìm đối tác, chúng tôi giới thiệu về Công ty multicom, Inc. Công ty thành lập năm 1982, là công ty sản xuất, phân phối tất cả các sản phẩm về giải pháp truyền thông tích hợp. Multicom có hơn 13.000 sản phẩm từ hơn 270 công ty lớn trên thế giới. Nói chính xác đây là một công ty xuyên quốc gia. Những sản của nó được sử dụng để thu, xử lý và phân phối tín hiệu truyền hình, dữ liệu, âm thanh… qua cáp quang, cáp đồng, cáp đồng trục. Multicom hướng tới thị trường truyền hình cáp, truyền hình số, vệ tinh, truyền thông dữ liệu và  điện thoại của Việt Nam. Multicom cần tìm kiếm các nhà phân phối sản phẩm của mình tại Việt Nam.
Ngừng lại một lát, David lại say sưa với đề tài của mình.
-       Tôi lấy một ví dụ khác để ông hiểu thêm về công việc của chúng tôi ở Việt Nam và Mỹ. Việt Nam đang rất cần xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng đường xá giao thông. Chúng tôi biết và thực tế đã chứng kiến máy móc và công nghệ trong lĩnh vực này của các ông vừa lạc hậu vừa thiếu. Nước chúng tôi đã từng làm gần 13 triệu con đường nội địa, nhiều con đường dài nhất thế giới từ trước đến nay với máy móc, công nghệ tiên tiến. Chúng tôi đã tư vấn cho Nhà Sản xuất máy móc, thiết bị Xây dựng Đường bộ (Road Construction Machinery Manufacture) của Hoa Kỳ tiếp cận với Bộ Xây dựng Việt Nam, tổ chức cho hai bên giới thiệu, tham quan chuỗi dây chuyền đồng bộ cho việc san đường, thiết bị tái chế nhựa đường, xe vận chuyển vật liệu, xe lát nhựa đường… Nhà sản xuất, cung ứng trong lĩnh vực trên có máy móc, công nghệ hiện đại với thương hiệu hàng đầu thế giới cần tìm một nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam. Và chúng tôi chắc chắn hai bên sẽ hợp tác được với nhau.
Nghe David tôi bắt đầu hiểu và hình dung ra một phần công việc của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tuy vậy vẫn có điểm tôi cảm thấy mù mờ, chẳng hạn như cái Chương trình Khách mua hàng quốc tế. Nội dung cụ thể của nó là cái gì? Nhân viên Văn phòng Thương mại phải làm gì với nội dung đó? Khi tôi hỏi, David nhoẻn miệng cười, đôi mắt sáng lấp lánh.
-       Chúng tôi tổ chức giới thiệu, hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham dự các triển lãm và hội chợ thương mại trên thế giới được tổ chức tại Hoa Kỳ. Trong mấy năm gần đây, chúng tôi đã giúp phía Việt Nam tham dự khoảng 30 triển lãm và hội chợ. Chúng tôi cũng giúp các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp gặp gỡ với các nhà sản xuất và đối tác nước ngoài tại triển lãm. Cũng như vậy chúng tôi giúp đỡ phía Việt Nam tham dự các triển lãm thương mại với sự tham gia của hàng ngàn công ty Hoa Kỳ. Dù các tổ chức hay cá nhân lần đầu tìm cơ hội nhập khẩu hàng hóa, chúng tôi cũng sẵn sàng chia sẻ chuyên môn nghiệp vụ để kết nối những cơ hội kinh doanh sinh lợi. Trong thời đại số hóa, thông qua dịch vụ kết nối thương mại, chúng tôi cũng giúp sắp xếp cho phía Việt Nam họp trực tuyến hoặc thông qua mạng video với các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa dịch vụ của Hoa Kỳ… Chúng tôi hoạt động như vậy trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam là vì lợi ích của Hoa Kỳ mà cũng vì lợi ích của Việt Nam. Như ông biết đấy, thương mại là chìa khóa của bất kỳ quốc gia nào từ trong quá khứ đến hiện tại để mở ra con đường đi đến thịnh vượng. Các nhà kinh tế từ lâu đã hiểu rằng thương mại làm gia tăng của cải. Trên thực tế, thương mại tạo ra của cải ngay trong các quốc gia và giữa các quốc gia với nhau. Đó là vì thương mại khuyến khích địa phương và quốc gia đi chuyên sâu vào sản xuất hàng hóa có hiệu quả, những mặt hàng có lợi thế so sánh. Lợi thế so sánh của quốc gia lại nằm trong lực lượng lao động, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và kiến thức của người dân quốc gia đó. Tất cả các nước đều có lợi thế so sánh trong một số sản phẩm nhất định. Những nước có nguồn nhân công dồi dào như Việt Nam có xu hướng tập trung vào những ngành nghề sử dụng nhiều nhân công như dệt may, dày dép, nông lâm nghiệp, chế biến… Những nước phát triển, giá nhân công cao lại có xu hướng tập trung vào các ngành sản xuất đòi hỏi đầu tư vào công nghệ cao cần nhiều vốn nhưng sử dụng ít nhân công. Khi các quốc gia tiến hành hoạt động thương mại, người ta có xu hướng mua từ nước ngoài những sản phẩm mà sản xuất trong nước khó hoặc chưa sản xuất được và bán ra những sản phẩm dễ sản xuất với giá thành rẻ. Thương mai hai chiều như vậy làm giảm giá thành, mở rộng sản xuất, tăng thu nhập và phúc lợi cho cả hai quốc gia. Những năm đầu, thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ chỉ đạt khoảng 800 triệu USD. Mười lăm năm sau là 20 tỷ USD. Năm nào Việt Nam cũng xuất siêu sang Hoa kỳ, có năm tới vài ba tỷ. Không thể nói ai lợi hơn ai. Người sản xuất hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng của cả hai nước đều hưởng lợi. Rõ ràng thương mại làm cho tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, khuyến khích đầu tư, thay đổi công nghệ, thúc đẩy giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nó không bao giờ chỉ đem lại lợi ích cho quốc gia này còn quốc gia kia bị thiệt. Tất nhiên có những ngoại lệ về thương mại không ổn giữa các quốc gia như giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, giữa Trung Quốc và Việt Nam, giữa Trung quốc và thế giới còn lại, thâm hụt thương mại giữa hai bên lên tới hàng trăm tỷ, hàng chục tỷ kéo dài hàng thập niên. Lợi ích bao giờ cũng nghiêng hẳn về phía Trung Quốc với ưu thế hàng giá rẻ, hàng nhái, thậm chí cả hàng độc hại kèm theo thủ đoạn đánh thấp giá trị đồng nội tệ của Bắc Kinh. Tôi nghĩ điều này chắc sẽ không ổn ngay cả đối với người Trung Quốc trong tương lai.
-       Tôi thừa nhận trao đổi thương mại Việt – Mỹ tiến rất nhanh, từ vài trăm triệu lên 20 tỷ, có năm tăng đến hơn 20%. Nhưng quan hệ đầu tư thì còn quá khiêm tốn, kết quả không như mong đợi, mặc dầu Hoa Kỳ được đánh giá là nhà đầu tư có tiềm năng lớn nhất.
-       Đúng vậy. Đến nay tổng vốn đăng ký đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam khoảng 13,24 tỷ USD với 621 dự án, chiếm 4,5% tổng số dự án và 3,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài. Mỹ đứng thứ 8 trong tổng số gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên số liệu này chưa phản ánh đầy đủ luồng vốn đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Một số tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Coca Cola, Procter & Gamble, Unocal, Conoco… đã đầu tư khá lớn vào Việt Nam. Nhưng do họ đầu tư thông qua các chi nhánh con của mình đăng ký tại một số nước khác nên những khoản đầu tư chưa thể hiện là đầu tư của Hoa Kỳ. Mặc dầu vậy, tôi vẫn đồng ý với ông rằng kết quả đầu tư của Mỹ vào Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng của nó. Tại sao? Tôi nghĩ vấn đề nằm ở cả hai phía. Ông có nhận ra vấn đề phía các ông là cái gì không? Nó có liên quan đến ngành của ông đấy.
-       Tôi có biết đôi chút. Mặc dầu môi trường đầu tư của chúng tôi đã liên tục được cải thiện, chẳng hạn Luật đầu tư ở Việt Nam đã được sửa đổi đến lần thứ 3 để tạo điều kiện thông thoáng, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Trước hết chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn thấp. Tỷ lệ qua đào tạo mới khoảng 30%. Ngay cả 30% này vẫn không đáp ứng được yêu cầu. Chúng tôi còn thiếu cán bộ có trình độ quản lý, thiếu các kỹ sư công nghệ cao, thiếu công nhân lành nghề. Thứ hai cơ sở hạ tầng ở Việt Nam còn yếu kém. Hệ thống đường xá giao thông, năng lượng chưa đáp ứng được yêu cầu. Tiếp đến đất đai ngày một đắt đỏ, chi phí để có mặt bằng sản xuất ngày một cao. Cuối cùng là  hệ thống pháp luật, chính sách thiếu đồng bộ, thủ tục hành chính không rõ ràng, vừa chậm vừa rườm rà. Có nhiều biểu hiện tiêu cực, tham nhũng.
-       Các ông biết hết những hạn chế đấy, nhưng tại sao vẫn không sửa được?
-       Chúng tôi có thừa quyết tâm nhưng khi thực hiện còn vẫn rất vướng.
-       Tôi được biết hơn 6 tháng đầu năm 2013 Việt Nam mới thu hút được 8,3 tỷ USD bằng 66,9% so với cùng kỳ năm 2012. Sự suy giảm từ 19,9 tỷ năm 2010 xuống con số thất vọng của những tháng đầu năm 2013 trong lúc FDI toàn cầu tăng từ 1,2 ngàn tỷ đến 1,6 ngàn tỷ trong cùng thời gian cho thấy FDI tại Việt Nam đang đi ngược chiều với xu hướng thế giới. Việt Nam đã bị tụt hạng đầu tư tại châu Á. Sở dĩ môi trường đầu tư của các ông bị mất điểm trong mắt giới đầu tư ngoài những nguyên nhân như ông nói thì còn những nguyên nhân khác. Chẳng hạn các dự án lên tới hàng tỷ USD sau khi đã hoàn thành các thủ tục vẫn phải đối mặt với công đoạn khó khăn nhất của quá trình đầu tư, đó là chuyện giải phóng mặt bằng, được quản lý bởi chính quyền địa phương nghèo vốn. Một ví dụ tiêu biểu nhất trong thời gian gần đây là dự án 5 tỷ USD nằm bất động trong 4 năm liền vì sự chậm chạp của tỉnh Hà Tĩnh trong việc giải phóng mặt bằng với lời giải thích không đủ ngân sách. Đây là lý do khiến phía Ấn Độ mất kiên nhẫn, đến nỗi Thủ tướng Manmohan Singh phải đề cập với Chủ tịch Trương Tấn Sang trong cuộc gặp mặt năm  2011 tại New Dehi. Kết quả Tập đoàn Tata của Ấn Độ phải trích một khoản 100 triệu USD để hỗ trợ giải phóng mặt bằng, gấp hơn 3 lần so với 30 triệu qui ước ban đầu, nhằm thúc đẩy dự án. Các nhà đầu tư lớn của Mỹ không muốn làm ăn theo kiểu đó. Với họ thời gian còn quý hơn vàng. Thêm nữa, chúng tôi được biết, các tập đoàn của Mỹ và Tây Âu bình quân phải bỏ ra hàng chục ngàn USD để đào tạo lại cho một cán bộ quản lý, một kỹ sư, một cán bộ kỹ thuật của Việt Nam thì họ mới làm việc được. Thậm chí họ phải bỏ ra một khoản tiền lớn để đào lại tất cả nhân công đã tuyển. Đã vậy lại không có nhân lực qua đào tạo dù là thấp để tuyển dụng. Cụ thể năm 2011, Intel, hãng sản xuất chip điện tử hàng đầu của Mỹ đã gặp rất nhiều trở ngại khi không tuyển dụng được một phần nhỏ số lượng nhân công theo yêu cầu. Thực sự họ đã thất vọng. Với một đội ngũ lao động kém cỏi bắt nguồn từ sự bất cập trong nền giáo dục hàn lâm, thuần thúy lý thuyết, xa dời thực tế, thiếu chuyên môn hóa, các nhà đầu tư Mỹ chắc chắn sẽ phải đắn đo. Trong những năm trước, khi giá lao động Trung Quốc tăng nhanh, tôi đã cho rằng Việt Nam sẽ là điểm dừng chân của nhiều nhà đầu tư muốn hướng về châu Á, nhưng tôi đã nhầm. Cho tới nay, giá lao động tối thiểu của Trung Quốc cao hơn Việt Nam rất nhiều, Trung Quốc vẫn là điểm dừng chân hàng đầu cho các tập đoàn công nghệ khổng lồ của thế giới như Samsung, Apple nhờ những nỗ lực nâng cao chất lượng lao động. Người Trung Quốc đã đào tạo được đội ngũ lao động cao cấp làm nòng cốt cho nền kinh tế trong lúc vẫn đảm bảo giá cả, chất lượng và năng xuất sản xuất ở mức cạnh tranh so với thị trường lao động quốc tế từ rất sớm. Nếu giáo dục, đào tạo Việt Nam cứ  bảo thủ, trì trệ, không mau thay đổi, không đào tạo được nguồn lao động chất lượng cao tôi e rằng Việt Nam sẽ không đón nhận được làn sóng FDI khổng lồ sau cơn suy thoái của nền kinh tế thế giới.
-        Ngoài những nguyên nhân trên, theo ông còn có những trở ngại nào đối với nhà đầu tư Hoa Kỳ?
-       Doanh nghiệp nhà nước bị coi là trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển của khu vực tư nhân, là lá chắn nguồn FDI từ bên ngoài vào. Tôi hiểu Chủ nghĩa xã hội lấy kinh tế nhà nước là chủ đạo. Nó được coi là thành phần kinh tế nòng cốt, là tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng các tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, lại đòi hỏi sự hỗ trợ khổng lồ để tiếp tục tồn tại, điển hình như Tập đoàn Điện lực, Vinashin, Vinalines… Các doanh nghiệp này đã tạo ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường, bị các nhà đầu tư lên án là với số vốn lớn mạnh đã ra sức thao túng vị trí đầu tầu của ngành, chiếm thế độc quyền bằng cách mở rộng đa ngành, tạo ra sự khó khăn cho việc thâm nhập thị trường của các tập đoàn đầu tư nước ngoài. Chẳng nhà đầu tư nước ngoài nào muốn dính vào họ, bởi vì dính vào họ sẽ rất phiền toái. Nếu Chính phủ Việt Nam không nhanh chóng cải cách thể chế kinh tế và thể chế chính trị đang cản trở sự phát triển của Việt Nam, không tìm cách tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xóa bỏ độc quyền và có định hướng đúng đắn cho doanh nghiệp nhà nước thì giới đầu tư Hoa Kỳ vẫn còn nghi ngại.
-        Theo tôi, Chính phủ Việt Nam trong thời gian gần đây đã có rất nhiều nỗ lực để tái khẳng định tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam. Nỗ lực rõ rệt nhất là việc tái ổn định kinh tế vĩ mô, thắt chặt tín dụng, tái cơ cấu ngân hàng cũng như các doanh nghiệp nhà nước. Trong định hướng xúc tiến đầu tư, phía chúng tôi đã nhận định Hoa Kỳ là nơi hội tụ của nhiều tập đoàn xuyên quốc gia, có thế mạnh về tài chính và công nghệ hiện đại, có mạng lưới thị trường quốc tế và kỹ năng kinh doanh vượt trội. Việt Nam chủ trương hướng mạnh vào việc tiếp cận và thu hút đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia Hoa Kỳ theo nhiều hướng: Thực hiện những dự án lớn, công nghệ cao hướng vào xuất khẩu, tạo điều kiện để một số công ty xuyên quốc gia xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phát triển vườn ươm công nghệ gắn với đào tạo nguồn nhân lực.
-       Tôi biết và đánh giá cao quyết tâm, cố gắng của Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ việc làm của Chính phủ các ông vẫn chưa đủ. Tôi cũng là thành viên của Hội đồng tư vấn Việt Nam – Hoa Kỳ. Tôi hy vọng với cơ chế này, nơi mà bên cạnh chức năng tư vấn còn là điểm đến để các nhà đầu tư Hoa Kỳ thảo luận với các đối tác Việt Nam các kế hoạch làm ăn bài bản, có hệ thống, sẽ thúc đẩy đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ luôn coi Việt Nam là đối tác và thị trường tiềm năng. Họ luôn mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam. Riêng cá nhân tôi rất kỳ vọng vào tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương(TPP). Hiệp định này có thể coi là chất xúc tác để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai bên. Việc 21 công ty thành viên của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN vừa có chuyến thăm Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư là một minh chứng rõ nét. Cho đến bây giờ những tên tuổi lớn của Hoa Kỳ đều đã và đang có mặt tại Việt Nam . Nếu Việt Nam thực sự tôn trọng nền kinh tế thị trường nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả, đào thải những doanh nghiệp yếu kém, kể cả đó là các doanh nghiệp quốc doanh hàng đầu và nếu môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, chắc chắn rằng không lâu Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà đầu tư đứng ở vị trí số 1 như tôi bấy lâu nay hằng mong muốn.
Trong  khoảng một tiếng đồng hồ, tôi đã biết tương đối tường tận công việc của David. Về phía David, ông cũng muốn biết chi tiết công việc của tôi, một người làm công tác quản lý giáo dục gần 40 năm ở một nhà trường trung học. Tôi giải thích cho ông nghe về hệ thống nhà trường Việt Nam, nhiệm vụ và công việc của người hiệu trưởng. Đại loại là việc xây dựng và tổ chức bộ máy nhà trường, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động năm học, quản lý giáo viên, nhân viên, quản lý chuyên môn, phân công công tác, quản lý học sinh và hoạt động của học sinh ở trường… David chăm chú nghe, thỉnh thoảng lại yêu cầu tôi nói rõ hơn, cụ thể hơn. Ví dụ quản lý việc dạy học của giáo viên thì người cán bộ quản lý làm cái gì? Quản lý nội dung, chương trình dạy học như thế nào? Liệu có hạn chế tự do cá nhân của giáo viên trên lớp không?
Sau khi giới thiệu, chào hỏi xã giao và tìm hiểu nghề nghiệp, công việc của nhau, chúng tôi bắt đầu nói chuyện về quá khứ, cái quá khứ vẫn cứ theo đuổi trong tâm trí mỗi người lính thuộc hai chiến tuyến từ bao năm nay. David chủ động khơi gợi trước:
-       Giữa năm 1967 tôi học xong Trung học phổ thông. Vừa kịp nhận tấm bằng thì tôi đã có lệnh nhập ngũ. Tôi được biên chế vào Lực  lượng Thủy quân Lục chiến của Hoa Kỳ, đến Việt Nam vào tháng 1 năm 1968. Đơn vị tôi đóng quân tại Khe Sanh, ông biết đấy, ở phía Tây Quảng Trị giáp biên giới Lào. Đại đội tôi được giao nhiệm vụ đóng chốt trên một cao điểm gọi tên bằng con số là 861 hay 881 gì đó, lâu rồi tôi không còn nhớ rõ. Chúng tôi được người ta tuyên truyền rằng Khe Sanh là một tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm. Nó có nhiệm vụ bảo vệ Hàng rào Điện tử Mc Namara và chặn đứng sự chi viện về người, vũ khí đạn dược của Bắc Việt từ Bắc vào Nam qua Hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh. Chỉ huy Căn cứ Khe Sanh lúc đó là Đại tá Lownds. Ông ta có một tiểu đoàn pháo binh, 4 tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến, một tiểu đoàn Biệt động quân Việt Nam Cộng hòa mà các ông gọi là Ngụy quyền Sài Gòn. Tổng số chúng tôi có hàng chục ngàn quân vừa trực tiếp vừa gián tiếp chiến đấu tại mặt trận này. Có ngày pháo binh của chúng tôi bắn tới 15.000 quả đạn, kết hợp với  hàng trăm lượt xuất kích của không lực, kể cả máy bay B52 ném bom rải thảm. Cuối cùng chúng tôi vẫn buộc phải rút chạy…
 Tôi nhận ra khi David nói về quá khứ của mình, phong thái David hoàn toàn khác. Vẻ sôi nổi, nhiệt tình của ông không còn nữa. Khuôn mặt, ánh mắt ông cũng không còn rạng lên lúc cười. Giọng ông trở nên trầm lắng, buồn buồn:
-       Thật là khủng khiếp. Nó không hề giống một cuộc chiến tranh như chúng tôi từng tưởng tượng. Suốt thời gian ở Khe Sanh tôi chưa trông thấy rõ hình hài một người lính Bắc Việt bên các ông. Đúng là một cuộc chiến vô hình. Tôi chỉ thấy xung quanh là đồi núi hoang vắng. Suốt ngày máy bay của chúng tôi gầm rú. Mặt đất luôn rung chuyển trong tiếng bom đạn. Pháo binh hai bên thi nhau xé toạc bầu không khí, cầy nát khu vực trú quân. Bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau tiếng nổ đinh tai chát chúa. Khói súng, khói đạn, khói bom mù mịt, khét lẹt xộc vào lồng ngực đến nghẹt thở. Mấy tháng liền chúng tôi bị vây ép, nhưng cứ mỗi lần nống ra giải tỏa, vượt khỏi công sự là chúng tôi lại bị tập kích, chịu nhiều tổn thất nặng nề. Những loạt đạn ngắn các kích cỡ bên các ông đan chen chiu chíu vèo quanh người. Đồng đội tôi gục ngã, kêu la. Chúng tôi phải kéo nhiều thi thể và dìu những người bị thương về căn cứ. Chưa đầy năm tháng, đại đội tôi đã mất hơn hai chục người và hơn bốn chục người bị thương, phải bổ sung quân số đến ba lần. Mỗi lần chứng kiến những chiếc trực thăng chuyên chở binh lính bị loại khỏi vòng chiến đấu bay đi và những chiếc trực thăng chở binh lính mới đến, tôi lại cảm thấy rất gần cái chết. Tôi thực sự sợ hãi và hoảng loạn… Đó là trải nghiệm khủng khiếp đầu tiên trong đời quân ngũ.
-       Thế còn những lần trải nghiệm tiếp, tôi tò mò hỏi David.
-       Vào quãng thời gian tháng 3 năm 1969, phía chúng tôi mở cuộc hành quân Mari Cay, một cuộc hành quân hỗn hợp gồm Sư đoàn Thủy quân Lục chiến và Sư đoàn 1 Việt Nam Cộng hòa đổ bộ chiếm động Cô Ác, đánh ra vùng Tam Tanh, A Dơi gần biên giới Việt Lào. Mục đích của chúng tôi là đẩy quân Cộng sản bật sang đất Lào, bình định địa bàn tỉnh Quảng Trị. Sau hai tuần, gần như ngày nào chúng tôi cũng bị tập kích, dù luôn luôn đề phòng, lần nào cũng bị bất ngờ. Cuối cùng cuộc hành quân đã không thành công. Tôi nhớ sư đoàn tôi bị mất gần 150 người, 7 xe tăng bị bắn cháy. Trong đơn vị tôi bắt đầu có hiện tượng phản chiến, chống lại chỉ huy. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Khoảng hai tuần sau, đầu tháng 4 năm 1969 phía chúng tôi mở tiếp cuộc hành quân quy mô lớn mấy sư đoàn, có sự tham gia  của 2 sư đoàn Mỹ tại Phong Điền, Bình Điền, Hương Trà, A Sầu, A Lưới thuộc Tây Thừa Thiên. Mục đích của chúng tôi là đánh bật cơ quan chỉ huy đầu não và chủ lực Cộng sản sang bên kia biên giới Lào, thực hiện ngăn chặn từ xa, đề phòng một cuộc tấn công nổi dậy vào thành phố Huế như mùa xuân năm 1968. Cuộc hành quân của chúng tôi tưởng như sẽ thắng lợi. Bom phát quang, bom phá hầm ngầm công sự, bom sát thương, bom napalm cháy, đạn pháo bầy, cối bắn ngắn của chúng tôi ngày đêm cấp tập đào xới đất đá một vùng đỏ loét. Tất cả binh lực đổ về từ các hướng: Không quân từ Thái Lan, từ Lào, hải quân từ biển, các trận địa pháo từ đồng bằng, trên đồi núi, bộ binh thường trực xung quanh A Sầu, A Lưới. Chúng tôi đánh chiếm một loạt cứ điểm trên đồi núi dọc đường 12, 14 lên sát biên giới Lào, thiết lập được nhiều căn cứ hỏa lực, chuẩn bị cho cuộc tiến quân mang tên Tuyết rơi trên đỉnh núi A Pache, đánh chiếm động A Bia, một vị trí rừng núi hiểm trở chiến lược. Cuối cùng sau hơn mười ngày, qua mấy chục trận đánh lớn nhỏ, ý đồ diệt gọn Cộng quân bị đảo ngược thành cái tên “Máu chảy trên đỉnh A Pache”, đồi A Bia đã trở thành “Đồi Thịt Băm” đối với  người Mỹ. Sư đoàn tôi đã mất sức chiến đấu, bị chia cắt, bị đánh tả tơi trước sau, không thể ứng cứu cho nhau được. Bản thân đại đội tôi bị tập kích phải dồn xuống những hố bom của chính chúng tôi ném trước đó. Tôi nằm dán mặt vào thành hố bom, mùi khét trộn với mùi máu thịt tanh tưởi đến ghê rợn. Khoảng nửa giờ hỏa lực liên tục hỗ trợ trôi đi, khi viên chỉ huy đại đội thúc dồn lên tấn công, chúng tôi hò nhau theo đội hình tiếp tục phản kích thì chỉ kịp thấy lóe sáng. Cả một dàn mìn định hướng bắn vào, có thể nói gần như cả trung đội tôi bị xóa sổ. Tôi bị ngất đi không biết gì nữa. Lúc tỉnh dậy thấy mình nằm ở bệnh viện dã chiến Phú Bài. Cả một bệnh viện đến hàng trăm binh lính Mỹ . Ơn Chúa, may mà tôi còn sống sót. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi tại sao người Mỹ không trụ được ở Khe Sanh, không hiểu nổi tại sao người Mỹ không chiếm được A Bia. Một chiến dịch thì giữ không được, một chiến dịch thì chiếm không xong. Trong khi so sánh tương quan lực lượng người Mỹ hơn hẳn về phương tiện chiến tranh, về nhân lực.
-       Nếu tôi nhớ không nhầm thì Sư đoàn Thủy quân Lục chiến của các ông chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ chiến dịch, tức là đánh ở bên ngoài, còn Sư đoàn dù 101 Mỹ mới trực tiếp đánh A Bia.
-       Chính xác như vậy.
-       Về trận A Bia tôi biết tương đối tường tận, có thể nói với ông nhiều giờ, vì tôi đã ở Sư 324, lại ở Trung đoàn 3, tiểu đoàn 8, đại đội 5, đơn vị trực tiếp đối đầu với Sư dù 101 ở đồi A Bia. Về thời gian, chiến dịch chính thức bắt đầu từ ngày 10 tháng 5 đến ngày 20 tháng 5 năm 1969. Phía Mỹ huy động 2.000 quân do Tướng Melvin Zais chỉ huy, 10 tiểu đoàn pháo, 272 phi vụ oanh tạc, 450 tấn bom phá, 69 tấn bom napalm. Về phía chúng tôi có 3 tiểu đoàn do Trung tá Ma Vĩnh Lan chỉ huy, quân số ước chừng 800 người và thực tế trên đồi A Bia chỉ có tiểu đoàn 8 chốt giữ, vũ khí tối tân nhất là cối 82mm. Kết quả gần 1.000 binh sĩ Mỹ chết và bị thương,  phải rút quân khỏi A Bia. Phía chúng tôi gần 300 người chết và bị thương. Ông nói không hiểu tại sao với binh lực vượt trội như vậy lại thất bại? Ông đã xem cuốn Hamburger Hill (Đồi thịt băm) của Samuel Zafiri và cuốn Đại bàng gào thét trong vòng vây của Keith W. Nolan chưa? Người Mỹ cũng đã dựng thành những bộ phim, nhưng phim thì tôi chưa xem.
-        Tôi có một trong hai cuốn sách ông nói và tôi cũng có biết một trong hai tác giả. Keith đã sang Việt Nam nhiều lần. Ông ấy đã gặp gỡ phỏng vấn một số sĩ quan cao cấp, sĩ quan chỉ huy trực tiếp đánh các trận ở A Sầu, A Lưới. Tôi biết trong số những người được phỏng vấn có Tướng Chu Phương Đới, Sư đoàn trưởng Sư 324, người từng tham gia đánh đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, người chỉ huy một sư đoàn chủ lực địa phương thách thức ba sư đoàn chuyên nghiệp Mỹ tại chiến trường Trị Thiên: Sư đoàn Kị binh bay, Sư đoàn Thủy quân Lục chiến và Sư đoàn dù. Ông Đới cũng là người trực tiếp duyệt phương án, chỉ đạo Trung đoàn 3 của Ma Vĩnh Lan chôn vùi người Mỹ ở A Bia. Đồi A Bia hay Đồi thịt băm đã đi vào lịch sử quân đội Mỹ như một nỗi khổ nhục. Các tướng lĩnh Mỹ, Thượng, Hạ viện Mỹ tranh cãi gay gắt, chia rẽ gay gắt về việc đánh chiếm A Bia. Nó được coi là bước ngoặt của cuộc chiến tranh. Sau thất bại A Bia người Mỹ buộc phải xem xét lại chiến lược ở Nam Việt Nam. Tướng Abram chỉ huy quân đội Mỹ tại chiến trường phải hủy bỏ chính sách gây áp lực tối đa chống lại quân đội Bắc Việt. Tổng thống Richard Nicxon phải thúc đẩy nhanh Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, chiến lược mà  phía các ông lên án là chiến lược thay đổi màu da xác chết. Tôi đã xem kỹ cả hai cuốn sách, nhưng vẫn chưa thấy thỏa đáng, vẫn chưa thấy hết khúc mắc.
-       Tôi không cùng quan điểm với các tác giả của hai cuốn sách, có nhiều sự kiện miêu tả hoàn toàn không đúng sự thật, nhưng đó là cuốn sách đáng để xem. Còn để trả lời câu hỏi tại sao để David thấy thỏa đáng thì thật khó. Nói như Tướng Macnamara thì người Mỹ đã không hiểu gì về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Hoàn toàn đúng, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Chúng tôi thắng vì có chính nghĩa, vì chiến đấu để bảo vệ mảnh đất thân yêu của chính mình. Chúng tôi hoàn toàn chủ động đánh theo cách đánh của mình. Chúng tôi buộc người Mỹ phải đánh theo cách đánh của chúng tôi. Ví dụ ở A Bia, mục đích cụ thể của các tướng tá Mỹ là chiếm được quả đồi và tiêu diệt hết sinh lực của chúng tôi. Vì vậy công thức của các tướng tá Mỹ là dùng hỏa lực bom đạn đào xới cho đến lúc có cảm giác không còn sinh vật nào, thậm chí đến cỏ cây cũng không còn dấu vết gì, sau đó mới cho trực thăng đổ bộ binh xuống tấn công chiếm chốt. Trong khi đó, Phương án tác chiến của Ma Vĩnh Lan và cũng là của tất cả cán bộ chiến sĩ là vận động tiến công kết hợp giữ chốt, có nghĩa là lấy cơ động tấn công để giữ quả đồi; giữ chốt trên quả đồi để tấn công, không ở cố định nơi nào. Chúng tôi lấy đại đội, trung đội xuất kích, tập kích vào từng cụm quân, lấy tiêu diệt sinh lực đối phương là mục đích. Vì vậy lúc bom đạn đổ xuống ngọn đồi, đội hình chủ yếu của chúng tôi có ở đó ở đâu. Lúc bộ binh Mỹ từ các hướng và trực thăng trên trời đổ quân xuống để tấn công chiếm đồi thì từ các vị trí bí mật chúng tôi mới bất ngờ vận động tấn công vào đội hình, tiêu diệt, chia cắt, kết hợp với một ma trận chốt trên đồi được nối với nhau bằng hệ thống hầm hào, có lựu đạn, mìn định hướng được bố trí sẵn chờ đợi đối phương lọt vào trận địa. Sau đó chúng tôi lại cơ động rút đi, chỉ còn một vài tổ ba người giữ chốt.
-       Tôi hiểu rồi. Chúng tôi thua về phương án tác chiến, hoàn toàn bị động, không thấy rõ đối phương, lại không thông thuộc địa hình.
-       Đúng vậy. còn một yếu tố nữa, đó là con người. Khi cần chúng tôi phân tán lực lượng, để tránh thương vong, nhưng đòi hỏi người chiến sĩ phải quả cảm, phải mưu trí lấy ít địch nhiều. Tôi lấy ví dụ vào hồi 16 giờ ngày 16 tháng 5, Sư dù thay một đại đội mới, gọi pháo yểm trợ tối đa, tưởng như trận địa đối phương bị hủy diệt. Binh sĩ Mỹ dồn lên tấn công một chốt có ba người. Chiến sĩ Nguyễn Trọng Phôn dùng súng AK hạ gục hai binh sĩ Mỹ. Mấy chục lính Mỹ đổ xô lại, xả súng bắn như mưa đạn về phía trước, Phôn bấm phát nổ hai quả mìn ĐH 10, gần một trung đội Mỹ bị tiêu diệt. Chiến sĩ thứ hai Hoàng Văn Đợi tiếp tục dùng AK xả bắn vào đội hình. Chiến sĩ thứ ba bắn bồi một quả B41. Như vậy chỉ có ba người thôi, chúng tôi vẫn giữ vững trận địa. Đặc biệt ở mũi chốt phía nam động A Bia, một chiến sĩ hy sinh, một bị thương, còn lại một mình chiến sĩ Nguyễn Văn Hiệu vẫn không rời bỏ trận địa, đảm nhiệm một hướng, linh hoạt sử dụng ba loại vũ khí: Mìn, lựu đạn, hai loại súng AK và trung liên bẻ gãy năm đợt tấn công, hạ gục 31 lính Mỹ trong ngày. Số còn lại lầm tưởng còn nhiều đối phương nên thoái thủ không dám tấn công nữa. Tôi hỏi David những người lính Mỹ có làm được những việc tương tự như vậy không?
-       Tôi bắt đầu hiểu tại sao người Mỹ thua. Theo ông còn lý do nào nữa?
-        Còn nữa nhưng tôi không phải là chuyên gia quân sự.
-       Thế lúc đó ông ở đâu?
-       Lúc đó tôi vẫn ngồi trên ghế nhà trường, tôi trả lời, đến đầu năm 1972 đơn vị tôi mới vào chiến trường Quảng Trị. Tôi được bổ sung vào Đại đội 5 Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 3 Sư 324, đúng đại đội tiểu đoàn trung đoàn được phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng, đơn vị nổi tiếng đánh trên đồi A Bia ba năm trước. David mới chỉ trải qua và chứng kiến sự ác liệt, sự tổn thất ở một, hai cao điểm của một đại đội, một tiểu đoàn, còn chúng tôi đã trải qua và chứng kiến sự ác liệt, sự tổn thất ở cửa ngõ một mặt trận của hàng trung đoàn, hàng sư đoàn. Không phải chứng kiến vài ba chục người chết, bốn năm chục người bị thương mà là hàng nghìn người chết, mấy nghìn người bị thương. Ở Mặt trận Khe Sanh, Không lực Mỹ ném xuống trên 114.000 tấn bom, còn ở Mặt trận Quảng Trị sử dụng tới 328.000 tấn, tương đương với sức công phá 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima. Chắc David hình dung được mức độ ác liệt và sự tổn thất như thế nào?
-       Tôi có thể hình dung được phần nào. Nhưng với chúng tôi, những người tham gia Lực lượng Thủy quân Lục chiến và Sư Dù thì Khe Sanh, A Bia mãi mãi đi vào ký ức như là những nơi phải trả giá đắt nhất bằng xương máu của lính Mỹ. Khi trở về Mỹ, tôi cùng các bạn bè đã hòa trong dòng người xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh. Có thể nói chúng tôi đại diện cho một thế hệ nước mắt, sự chia rẽ và nỗi hổ thẹn của dân tộc. Vào những năm 1970, người dân Mỹ đã biết được quân đội Mỹ ở Việt Nam tiến hành hàng trăm vụ thảm sát. Trên một trăm vụ được các cơ quan điều tra của quân đội xác minh là có chứng cứ cụ thể. Sốc nhất với chúng tôi là vụ thảm sát ở Mỹ Lai. Hơn 500 thường dân từ một tuổi đến tám hai tuổi, đa số là phụ nữ, người già, trẻ em bị giết hại. Chính xác là 182 phụ nữ và trong đó có 17 người đang mang thai, 173 trẻ em và trong số đó có 56 trẻ em sơ sinh, 60 cụ già và 89 trung niên. Tôi cảm thấy vô cùng thất vọng và buồn chán vì không một người lính nào trong Đại đội Charlie, đơn vị trực tiếp sát hại dã man dân Mỹ Lai, cũng như những chỉ huy cấp trên trực tiếp ra lệnh thảm sát dân làng bị xét xử thỏa đáng. Chính quyền và tòa án Mỹ cố tình bưng bít, bao che tội ác man rợ, nhục nhã này. Thật xấu hổ thay cho quân đội Mỹ. Thật xấu hổ cho người dân Mỹ. Tôi chỉ còn cách phô tô phân phát cho mọi người hàng ngàn bản về đoạn tin mà Hãng BBC News đã mô tả. Tôi vẫn còn nhớ như in. Tôi đọc cho ông nghe “ Lính Mỹ xả súng vào đàn ông không mang vũ khí, vào đàn bà, cả trẻ em sơ sinh. Những gia đình tụm lại ẩn nấp trong các căn lều hoặc hầm tạm bị giết không thương tiếc. Những người giơ cao hai tay đầu hàng cũng bị giết… Những nơi khác trong làng, sự bạo tàn của lính Mỹ mỗi lúc một chồng chất. Phụ nữ bị cưỡng bức hàng loạt. Những người quỳ lạy xin tha bị đánh đập và tra tấn bằng tay, bằng báng súng, bị đâm bằng lưỡi lê. Một số bị cắt xẻo với dấu C Company trên ngực…”
David David nghẹn ngào. Nước mắt đầm đìa khuôn mặt. Ông lấy khăn lau, rồi nấc lên:
-       Suốt thời gian đó, đêm đêm tôi cứ nằm mơ thấy những đứa trẻ. Nó bé giống như những đứa con tôi, David mếu máo.
Tôi vội nắm lấy tay ông và cũng không cầm được nước mắt. Đúng là quá khứ đã qua đi, nhưng vẫn còn đó bao nhiêu điều đau xót. Những người đã chết, những người còn sống, những người đang sống; quá khứ, hiện tại, tương lai, những người ở cuối bên kia dốc cuộc đời thuộc lứa chúng tôi vẫn rất cần phải chiêm nghiệm về lẽ sống,về cái tốt xấu, cái chân thiện mỹ .Thực tế cả tôi và David đều không biết phải an ủi nhau như thế nào. Chẳng lẽ bảo nhau tại chiến tranh nên quên đi tất cả ư?
Kể từ lúc đó cho đến sáng, David không nói chuyện gì. Ông lấy ra một chai rượu nhỏ trong chiếc cặp để máy tính, ra hiệu với tôi uống cùng, tôi lắc đầu. Thỉnh thoảng ông lại làm một ngụm. Còn tôi, tôi nhớ đến bao kỷ niệm về những người bạn thuở thiếu thời còn nằm lại trên khắp các chiến trường miền Nam. Họ là những người cùng xóm, cùng làng, cùng chơi bi đánh đáo, cùng nô đùa dưới ánh trăng khuya, cùng bắt cua bắt ốc, cùng trộm khoai trộm vải, cùng tung tăng ngày ngày cắp sách đến trường, cùng học nhóm học tổ, cùng nhau ước mơ, cùng yêu… Giờ thì những người ấy đã đi đâu? Bạn Phạm Ngọc Bình, Giang Nguyên Dân, Vũ Văn Qúy, Nguyễn Huy Hải, Nguyễn Minh Hồ, Triệu Văn Hùng, Nguyễn Hữu Tâm, Nguyễn Duy Tấn, Nguyễn Huy Thọ, Nguyễn Văn Vinh... Tất cả đã trở về với cát bụi ở độ tuổi 20.
Tôi nhắm mắt cố ngủ, nhưng trong tâm trí vẫn hiện lên những hình ảnh về Thủ trưởng Ma Vĩnh Lan, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3, sau được lên chỉ huy Sư 324, người con tuyệt vời ở chợ Rã- Bắc Cạn, anh hùng mặt trân B5, người chỉ huy xuất sắc nhất trong chiến dịch đánh Mỹ vây hãm đồi A Bia, vây hãm Động Tranh. Ông đã sáng tạo ra cách bố trí hầm chốt mới để chiến sĩ ít bị thương vong nhất. Ông đã cụ thể hóa cực kì sáng tạo phương án vận động tấn công kết hợp chốt, kiên cường bám chốt để vận động tấn công. Ông chỉ đạo cách ém quân, cách đánh gần, cách đánh xen kẽ tránh phi pháo và hỏa lực địch. Tôi nhớ lần gặp ông cuối cùng ở Nghệ An, một ông già hiền lành đôn hậu đọc hàng chục bài thơ cho chúng tôi nghe, những bài thơ về chiến trường chan chứa tình đồng đội. Tứ thơ của ông thật mộc mạc, độc đáo. Ông đã chứng kiến hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ hi sinh nên thơ của ông là máu và nước mắt, là nỗi nhớ khắc khoải những người đồng chí đồng đội, những lời tâm sự đời thường thật tha thiết, thật trong sáng thủy chung. Hôm đó ông còn nói với tôi “mình già rồi, chắc không còn cơ hội gặp được anh em đồng chí đồng đội nhiều nữa. Em còn trẻ, đơn vị có dịp mời cố gắng mà đi. Cố gắng cùng anh em giữ vững truyền thống đơn vị”. Tôi rất ân hận vì khi ông mất ở Thái Nguyên vì lí do gì đó tôi không đến tiễn biệt ông được.
Tôi nhớ Trung đoàn trưởng Hồ Hữu Lạn, quê ở Nghệ An, từ một người lính công binh quả cảm, mưu trí, sáng tạo, trải qua hàng trăm trận đánh kiên cường, trở thành người chỉ huy xuất sắc từ cấp đại đội, tiểu đoàn đến chỉ huy trung đoàn. Ông trực tiếp dẫn Trung đoàn 3 vào Tây nguyên đánh phối thuộc ở Đắc Pét, rồi tham gia đánh địch trong chiến dịch Thượng Đức. Ông cùng chiến sĩ bao lần bò vào tận trận địa địch để trinh sát nắm tình hình theo phương châm đã nhận nhiệm vụ là hoàn thành, đã đánh là thắng. Ông góp phần không nhỏ trong thắng lợi Chiến dịch Thượng Đức, Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng. Khi về đời thường, ông tự học trở thành một lương y mẫu mực chữa bệnh cho mọi người.
Tôi cũng lại nhớ tới Tướng Chu Phương Đới, người con ưu tú của dân tôc Tày, người anh hùng của rừng núi Trị Thiên, người bạn của các dân tộc Lào, quê xã Hưng Đạo, Hòa an, Cao Bằng. Ông chỉ  huy Sư đoàn 324 đánh Mỹ-Ngụy ở Quảng Trị, Thừa thiên từ những năm 1960. Sư đoàn ra quân đánh Mỹ đầu tiên đã tiêu diệt căn cứ Đầu Mầu, đánh bại cuộc hành quân hắc tinh tinh của Mỹ. Sư đoàn chiếm cứ Cù Đinh, Ba De mở ra một thời kỳ mới thu hút chủ lực Mỹ - Ngụy ra Mặt trận đường 9 để tiêu diệt vào năm 1966-1967. Ông còn gắn bó mãi với Sư đoàn đến năm 1987 sau khi nhận nhiệm vụ làm Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Lào.
Năm 2006 khi Tướng Chu Đới nằm ở Bệnh viện Y học Dân tộc Quân đội tại Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội, tôi đã cùng đoàn cán bộ chiến sĩ cựu chiến binh Hà Nội thuộc sư 324 đến thăm hỏi bệnh tình ông. Lúc đó ông vẫn còn khỏe, còn kể lại cho chúng tôi nghe thời hoạt đông cách mạng, thời trai trẻ đánh Pháp ở Việt Bắc, ở Điện Biên Phủ như thế nào. Ông cũng kể cho chúng tôi nghe thời kì học ở Nga, ông chọn một đề tài giả định gây sốc cho toàn học viện. Đó là cuộc chiến tranh xâm lược do Trung Quốc phát động mà ông là một chỉ huy quân đoàn phụ trách bảo vệ vùng biên cương hai tỉnh Cao bằng và Lạng Sơn. Ông buồn rầu nói “Thế mà sau đó có chiến tranh thật”. Tôi rất tò mò về đề tài này. Tại sao ông lại giả định về cuộc chiến tranh Trung - Việt? Hỏi ông, ông cười “mình cũng chỉ nhân đọc về cuộc chiến Trung – Ấn và cuộc chiến Trung – Xô mà chợt nghĩ ra thôi.
Lúc đó tôi rất ngạc nhiên và đã nảy ra ý định viết một cuốn sách về Chu Phương Đới. Tôi đã dự định dành thời gian đến Viện Y học để khai thác tài liệu sống từ con người ông. Thật đáng buồn, vì mải bận bát cơm manh áo mà tôi không thực hiên được điều đó. Tôi rất ấn tượng với phong cách điềm đạm, cởi mở, quần chúng của vị tướng này. Hôm đó ông vẫn còn hát theo anh em chúng tôi bài hát Vang mãi khúc quân hành: Đời mình là một khúc quân hành, đời mình là bài ca chiến đấu, ta ca vang, triền miên qua tháng ngày… Chúng tôi hát, hát say sưa để ngợi ca, tưởng nhớ những người lính và cũng để tôn vinh cuộc đời binh nghiệp sáng ngời của ông.
Năm 2007 tôi cùng anh em lính tráng cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 3 ở Hà Nội lên Cao Bằng thăm ông. Lúc đến nhà ông, trời về chiều, chỉ còn vài tia nắng nhạt nhòa. Chúng tôi đều ngỡ ngàng, ngậm ngùi. Ba gian nhà ngói nhỏ bé ông ở cùng gia đình hòa lẫn với tất cả những ngôi nhà xung quanh bản người Tày. Trước ngôi nhà còn có một khoảng sân lát gạch nung cũ kỹ. Cách sân vài mét là hàng rào cây gốc tần, ô rô. Trong cái khoảng trống tạm gọi là khu vườn, các đồng đội của ông đã trồng vài khóm thanh long, một số loại hoa đặc trưng của các vùng miền khi về thăm ông.
Bước vào nhà, tất cả đều rất đơn sơ, giản dị. Từ nền gạch hoa bằng xi măng xa xưa cái thời bao cấp đến mọi đồ vật bày biện trong nhà đều không có dấu hiệu gì là nhà của một ông tướng. Cái tủ ba ngăn kê sát vách giữa nhà đồng thời là giường thờ, bên trên có bát hương thờ ảnh Bác Hồ. Phía trước tủ là một bộ bàn ghế tràng kỷ như của bao gia đình nông thôn Việt Nam. Ông ngồi trên giường, người trông gầy sọp hẳn đi. Bên cạnh ông, Tướng Nguyễn Nam Long, người đồng đội đã bỏ nhà cửa ở Thành Phố Hồ Chí Minh lên Cao Bằng chăm sóc ông như người em ruột, phải quàng tay ôm đỡ lấy ông. Ông bắt tay từng người. Đến lượt tôi, tôi chúc ông nhanh chóng khỏe mạnh, để lần sau cùng chúng tôi lên thăm hang Pác Pó. Ông dường như không muốn rời tay tôi. Đôi mắt ông nhìn tôi rất lạ, giống như ánh mắt níu kéo của cụ tôi, bà tôi nhìn người thân trước lúc đi xa. Linh cảm mách tôi chuyện chẳng lành. Đúng như vậy, khoảng nửa đêm hôm đó, chúng tôi nhận được tin ông mất.
Ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa và có thể là nhiều ngày hôm sau nữa, người thân, làng xóm, bạn bè, anh em đồng chí ở trong và ngoài nước, khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đổ về đưa tiễn Tướng Chu Phương Đới tới nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi biết còn có nhiều người không có điều kiện về Cao Bằng vĩnh biệt người chỉ huy, vị tướng của các vị tướng, người đồng chí, đồng đội trong suốt hai cuộc kháng chiến chống hai đế quốc. Họ sẽ đưa tiễn ông theo cách riêng của mình. Tôi biết ông không phải là vị tướng có cấp bậc cao, không phải là vị tướng thật xuất chúng, nhưng biết bao tướng tá thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay, Sư đoàn Thủy quân lục chiến, Sư đoàn dù Mỹ sau này khi nói về ông phải kính trọng, kinh ngạc trước ý chí và tài thao lược của ông. Sự ra đi của ông khiến nhiều người trong chúng tôi không cầm được nước mắt. Cả một đời binh nghiệp, qua hai cuộc kháng chiến, trải qua hàng trăm trận đánh với đội quân viễn chinh nhà nghề thực dân Pháp và đội quân nhà nghề khét tiếng của đế quốc Mỹ, công lao với quân đội với dân tộc là không nhỏ, nhưng ông về hưu sống thuần với đồng lương hưu, sống một cuộc sống thanh bạch, tĩnh lặng ở một làng dân tộc hẻo lánh. Đặc biệt ông vẫn ấp ủ một mơ ước cho tới trước lúc qua đời, đó là có đủ tư liệu để viết một cuốn sách về người Âu Việt mà có thể hậu duệ sau này là người Tày. Ước mơ đẹp đẽ đó đã theo ông về bên kia thế giới.

Tôi biết đơn vị chính sách quân đội đã xây dựng cho Tướng Chu Phương Đới một căn nhà dưỡng già. Thế nhưng ông lại đem tặng ngôi nhà đó để làm trường mầm non cho các cháu tại quê hương. Tôi cứ tự hỏi mình tại sao nhiều người lính già lại rơi lệ, thậm chí òa khóc nức nở như đứa trẻ trong đám tang ông. Nước mắt những người lính này đã khô cạn trong mấy chục năm chinh chiến rồi. Họ đâu có dư nước mắt. Vả lại, có người từng giữ cương vị trong bộ máy của  Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chết đi họ có chút mảy may động tâm đâu? Thậm chí có người đang sống còn bị họ chỉ trích, ca thán vì họ nghi ngờ tham nhũng, lợi dụng thành quả xương máu của hàng triệu anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên đất nước này. Như vậy ngay cả cái chết của Tướng Chu Phương Đới cũng để lại một bài học làm người thật thấm thía...
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.