Lên đường về Việt Nam

Leave a Comment
Thấm thoắt thế mà đã ba tháng ở trên đất Mỹ. Đến lúc tôi phải trở về để chuẩn bị công việc sắp tới. Và đặc biệt chuẩn bị cùng anh em đồng đội tuần tới đi Quảng Nam dự lễ khánh thành tượng đài chiến thắng Thượng Đức. 5h sáng, chuyến máy bay khứ hồi mà tôi đặt hơn ba tháng trước sẽ cất cánh bay về sân bay quốc tế Narita, Nhật Bản. Quãng đường từ thành phố Columbia tới sân bay quốc tế St. Louis cũng tương đương với quãng đường từ thành phố Columbia tới sân bay quốc tế Kansas. Đi ô tô mất hơn hai tiếng. Vì vậy 1h 30 sáng vợ chồng Vân đã đánh thức tôi dậy để ra sân bay.
Xe lao nhanh ra khỏi thành phố. Mặt trăng tròn vành vạnh nhô lên cuối chân trời xa. Ánh trăng sáng vằng vặc. Tôi có cảm giác trăng ở đây sáng như cái thủa quê tôi chưa có điện. Qua khung cửa xe ô tô, tôi nhìn thấy những cánh đồng, những trang trại, những cánh rừng bàng bạc, vun vút lùi lại phía sau. Phía trước xa xa là một vùng sáng đô thị nào đó. Càng đến gần càng thấy giống như cả một bầu trời sao nhấp nháy hội tụ ở đấy. Cho đến khi nhìn rõ phố xá, nhà cửa, đèn điện, chiếc xe chở tôi vẫn vùn vụt chạy qua. Và rồi lại những cánh đồng, những trang trại, những cánh rừng bàng bạc… Tất cả cứ dần lùi lại về phía sau như hơn ba tháng tôi ở trên đất Mỹ đã trở thành quá khứ dĩ vãng.
-           Thời gian qua con bận quá không đưa ba đi đâu được, Giang nói cắt ngang dòng cảm nghĩ trong tôi.
-           Thực lòng ba không thích đi chơi, nhất là tới các thành phố lớn. Những nơi cần đến, về cơ bản ba đã đến. Các con không phải bận tâm. Ba rất thỏa mãn với chuyến đi này. Có lẽ năm tới còn nhiều dịp nhờ đến các con.
-           Vâng. Ba tháng qua Ba thấy nước Mỹ thế nào?
-           Ba thấy thêm một nước Mỹ.
-           Ý ba là…
-           Có một nước Mỹ ba đã từng nghĩ về nó với một định kiến rất xấu: Một tên trùm sỏ đế quốc luôn luôn thao túng đời sống chính trị quốc tế, một tên sen đầm đối với nhiều quốc gia đấu tranh giành độc lập, một nước Mỹ đầy rẫy những tội phạm và băng đảng, cướp bóc… Trong đời ba đã chứng kiến hơn một chục cuộc chiến tranh do nước Mỹ phát động: Cuộc Chiến tranh Lạnh do Mỹ đứng đầu chống Liên Xô bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ trước cho đến năm 1991; cuộc Chiến chiến tranh Triều Tiên năm 1950 đến năm1953; cuộc Chiến tranh Việt Nam từ năm 1960 đến 1975; sáu cuộc chiến tranh nhỏ trong thập niên 80 và 90… Rồi đến cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh ở Iraq năm 1993; cuộc Chiến tranh ở Nam Tư năm 1999; cuộc Chiến tranh ở Afghanistan năm 2001; cuộc Chiến tranh ở Iraq năm 2003. Và đến nay con biết đấy, vẫn còn những cuộc chiến của nước Mỹ. Có lẽ không có một tổng thống Mỹ nào mà không có liên quan tới ít nhất một cuộc chiến tranh. Nước Mỹ đó, trong ba là một kẻ chuyên đi can thiệp, reo rắc đau thương chết chóc cho các dân tộc.
-           Đó là nước Mỹ với nền chính trị chiến tranh.
-           Đúng vậy. Ba được biết một cách tổng thể nền kinh tế của Mỹ đã phát triển lên một trình độ mới về chất khi bước vào đầu thiên kỉ này với tên gọi là nền kinh tế mới, nền kinh tế hậu công nghiệp hay nền kinh tế tri thức. Với trình độ phát triển về công nghệ thông tin như hiện nay, bất chấp những cạnh tranh, nước Mỹ sẽ vẫn tiếp tục chi phối nền kinh tế thế giới. Mặc dù thời gian gần đây nhịp độ tăng trưởng của họ có giảm, nhưng ba tin nền kinh tế của họ sẽ được điều chỉnh để duy trì sự tăng trưởng, còn rất lâu các nước mới theo kịp. Sự ra đời và phát triển của nền kinh tế mạng, thương mại điện tử, làm thay đổi tất cả các giao dịch ở nước Mỹ cũng như ở nước ngoài. Quan trọng hơn là nền kinh tế này đang làm biến đổi tất cả các mặt của đời sống xã hội Mỹ và đang trở thành một xu thế cho cả nhân loại. Sau ba tháng mục sở thị, bây giờ ba biết thêm một nước Mỹ khác, một nước Mỹ bằng xương bằng thịt đang trên con đường của nền văn minh mới. Đó là một xã hội có một nền văn hóa, giáo dục, hệ thống y tế tiến tiến, hiện đại ngoài sức tưởng tượng. Và sự thật, bước đầu người Mỹ đã đặt con người và những phẩm chất của con người lên hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực.
-           Bây giờ ba không còn căm ghét nước Mỹ nữa?
-           Một nước Mỹ vẫn rất đáng ghét nhưng ba thấy có một nước Mỹ cũng rất đáng yêu, rất sáng tạo và đáng được khâm phục.
-           Con nhớ một lần hồi ở nhà, ngay khi con đi công tác Trung Quốc về, ba có nói tới nhân tố Mỹ ở biển Đông trong việc cân bằng quyền lực. Tại sao cách đây đến dăm năm ba đã đoán được hai nước Trung - Việt sẽ có chuyện cơm chẳng lành canh chẳng ngọt và sớm muộn Mỹ cũng sẽ quay trở lại Đông Nam Á.
-           Bởi vì ý thức cảnh giác, bởi tinh thần độc lập và tự chủ có từ hàng ngàn năm nay thường trực trong tâm thức dân tộc Việt; bởi vì cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam với Khơ Me đỏ sau những năm 75; bởi vì cuộc chiến tranh tranh biên giới chống Trung Quốc tháng 2 năm 79; bởi vì chiến lược biển trong nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc. Thực tế hàng ngàn năm nay có bao giờ họ từ bỏ dã tâm bành trướng. Ấy vậy mà mới đây họ còn rao giảng khắp đó đây rằng người Trung Quốc không có gien xâm lược. Họ là con sư tử nhũn nhặn và văn minh. Thật nực cười. Nếu họ ngu dốt về mặt lịch sử thì may cho người Trung Quốc, chỉ e rằng họ là những kẻ tự lừa dối mình, lừa dối dân tộc, lừa dối nhân loại đến trơ tráo. Chẳng có loại sư tử nào không ăn tươi nuốt sống những sinh vật khác cả. Còn tại sao Mỹ quay trở lại Đông Nam Á? Ba có dự cảm như vậy, bởi vì Châu Á-Thái Bình Dương từ cuối thế kỷ 19, khi Mỹ giành Philippines từ tay Thực dân Tây Ban Nha thì Biển Đông đã nằm trong chiến lược của Mỹ rồi. Từ khi đó cho đến khi kết thúc Chiến tranh lạnh, Biển Đông thực sự đã trở thành ao nhà của nước Mỹ. Người Mỹ đã xao lãng một thời gian, bỏ lại một khoảng trống quyền lực ở Biển Đông, Trung Quốc đã tận dụng được cơ hội, nhưng họ sẽ không để cho Trung Quốc kiểm soát vùng biển này.
Thực ra lúc đầu tôi đã định bảo với hai con đi từ chiều hôm trước và nghỉ đêm tại thành phố St. Louis. Như vậy cả tôi và Giang sẽ không mất ngủ, lại có thời gian dạo chơi đêm ở một thành phố hoa lệ. Nếu xe cộ có trục trặc gì cũng không sợ lỡ chuyến. Nhưng rồi tôi lại không muốn sớm chia tay mẹ con Vân. Vả lại, vất vả một đêm cũng có sao đâu. Rất lâu rồi tôi không có dịp nào phải đi đâu trong đêm, ngoại trừ chuyến đi sang Mỹ cách đây mấy tháng. Và bây giờ là trên đường về. Con đường sao mà trống vắng đến vậy. Thi thoảng mới thấy một chiếc ô tô vụt lên hay lùi xuống trên cùng làn đường. Về gần sáng, kí ức bỗng đưa tôi trở lại cái ngày phiên chợ Hà Đông thủa ấu thơ, cha tôi gọi tôi dậy vào lúc 2 giờ sáng. Hai cha con tôi mải miết đi qua cánh đồng Văn Quán. Hương lúa thơm ngạt ngào. Con đường đó vắng lặng mơ màng trong ánh trăng dần nhạt nhòa và trời cũng bắt đầu tang tảng sáng như bây giờ.
Giang cho xe dừng lại ở trước cửa sân bay. Còn rất sớm nhưng nhân viên đã sẵn sàng làm việc ở phía ngoài. Một người đàn ông da đen, cao lớn, đã luống tuổi, ngồi trước một chiếc bàn, kiểm tra vé điện tử trên máy tính, kiểm tra hộ chiếu, in vé cho hành khách. Đến lượt tôi, ông cũng tiến hành hành những công việc như trên. Trong khi chờ đợi, Giang chuyển hai vali hành lí vào bàn cân. Sau khi hoàn tất thủ tục, người đàn ông đưa cho tôi cặp vé, ông nhìn lại số cân trên màn hình bên cạnh và gật đầu “Ok”. Ông chỉ tay vào cửa sân bay “let’s go”(nào chúng ta cùng đi vào). Hai cha con vội vã nói lời chia tay. Tôi theo người đàn ông vào cửa. Giang trở lại xe ra về.
Đến lúc đó tôi mới cảm thấy đơn độc và trống vắng làm sao. Vợ, con và các cháu đều ở lại trên đất Mỹ. Chỉ một mình tôi lẻ loi ra về. Tôi rất muốn quay trở lại, nhưng tôi không thể làm thế được. Bố mẹ tôi đang ngóng đợi. Đã hai lần qua điện thoại ông bà nhắc tôi “sao anh ở bên ấy lâu thế, mấy anh ở đơn vị cũ gọi điện không gặp được nên đến tận nhà”. Tôi biết đấy là một lời nhắc nhở. Đã đến lúc tôi phải về. Thực tế về bố mẹ thì tôi không lo lắng gì, vì còn có các em trai và em gái ở nhà. Về công việc ở trường sở, tôi cũng không bận tâm lắm vì tôi đã báo trước ý định với Hội đồng quản trị để họ tìm người thay thế. Còn về đồng đội, quả thật tôi không thể lỡ hẹn tuần tới được.
Tôi không thể không về dự Lễ Khánh thành tượng đài chiến thắng Thượng Đức. Nói chính xác là tôi không thể vắng mặt trong chuyến đi tri ân đồng đội, chuyến đi thắp nén nhang tưởng nhớ tới những đồng chí, những người bạn chiến đấu đã nằm lại tại bảy nghĩa trang mà điểm cuối là nghĩa trang Đại Đồng và Đại Lộc thuộc tỉnh Quảng Nam. Trong trận đánh chiếm Chi khu quân sự Thượng Đức và chống lại sự tái chiếm của Sư Dù thuộc lực lượng tổng dự bị của ngụy quyền Sài Gòn, một cứ điểm phòng ngự mạnh nhất miền Trung, được mệnh danh là “cánh cửa thép” phía tây nam Đà Nẵng, “ viên ngọc đầu rồng” của chính quyền Thiệu, tại đó đã có một nghìn đồng đội thuộc Sư đoàn 304 và Trung đoàn 3 Sư 324 mãi mãi để lại tuổi xuân ở đó. Những nghĩa trang bạt ngàn nến nhấp nháy trong những đêm tôi từng đến năm nào vẫn còn nhức nhối trong lòng. Với những người lính đã từng tham gia trận đánh ấy, nếu còn sống không có lí do gì họ không quay trở lại nơi đó.
Tôi là lính bộ binh thuộc sư đoàn 324 từ năm 1972, sư đoàn có gần một vạn chiến sĩ hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cuộc sống quân ngũ của tôi rất ngắn ngủi. Nhưng những điều tôi được chứng kiến trong mùa hè lửa ở Quảng Trị và những tháng ngày giữ chốt thép tại cao điểm 700, ở Ba Khe, Hà Nha, Hà Sống… với tôi, chiến tranh đã đi đến hết giới hạn sự ác liệt của nó. Khi bị thương, tôi được chuyển ra tuyến sau. Đại đội của tôi phải chống trả với một tiểu đoàn dù “lấn rũi” lên chốt 700. Họ đã kiên cường bám chốt hơn  năm tháng. Quân số hao hụt dần, chỉ còn lại vài người. Khi địch lên được chốt, các anh chui xuống hầm moi, gọi phi pháo bắn hàng ngàn quả đạn trùm lên chốt, quyết không rời trận địa. Cả tiểu đoàn dù ngụy gần như bỏ  xác trên đồi 700. Ba chiến sĩ còn lại trên đồi, chui lên khỏi mặt đất điếc đặc hoàn toàn cho đến tận ngày hôm nay…
Tôi tưởng sau đó sẽ không bao giờ còn thấy những cảnh tượng chiến tranh tương tự như vậy nữa. Tôi đã nhầm. Ở Việt Nam, tiếp đó là hai cuộc chiến. Trên thế giới từ đó đến nay có biết bao nhiêu cuộc chiến tranh tàn khốc. Khó mà nhớ hết được. Bước sang thế kỉ thứ hai mươi mốt, thế giới mà người ta quen gọi là một thế giới văn minh, thế giới mà người ta chỉ cần một chiếc máy tính cá nhân hay một chiếc ipad, một chiếc iphone là có thể làm bất cứ điều gì người ta muốn. Thế giới này, thực ra chưa bao giờ thoát khỏi sự sự tàn bạo và hoang dã. Vẫn còn đầy rẫy những cảnh cá lớn nuốt cá bé, cảnh kéo bầy kéo lũ chinh phạt các quốc gia dân tộc không bảo vệ được mình cùng với những âm mưu thôn tính lật đổ, bạo loạn, cấm vận…
Điều tôi lo lắng có thể lại đến với dân tộc Việt. Chiếc dàn khoan khổng lồ 981 của Trung Quốc cùng hàng trăm tàu lớn nhỏ các loại, mở bạt với những họng súng đi ngang nhiên đi vào thềm lục địa Việt Nam, phun vòi rồng, đâm chìm tàu Việt Nam và khoan thăm dò dầu trên vùng biển Việt Nam. Chưa hết, hàng đoàn xe quân sự vô tận ở bên kia biên giới Việt Nam ngày đêm rậm rịch. Dã tâm bành trướng lãnh thổ của người “đồng chí” với phương châm 4 tốt và 16 chữ vàng mà họ đưa ra bấy lâu nay vẫn chỉ là một bức bình phong, nếu dân tộc Việt không chịu quỳ gối thì nguy cơ đã hiển hiện ra trước mắt. Tôi tin rằng người Việt đã và đang phải gấp rút cho một cuộc chiến mới để bảo vệ nền hòa bình của chính mình.
Chẳng lẽ đây là một thế giới văn minh? Tôi vẫn đi giảng dạy cho học sinh, sinh viên về cái xã hội xa xưa của những bầy người nguyên thủy. Ở cái xã hội đó, không tồn tại biên giới quốc gia, không tồn tại pháp luật, không tồn tại hôn nhân và gia đình. Những bầy người ăn hang ở lỗ với rìu đá, lao gỗ lang thang khắp địa cầu đi tìm nguồn thức ăn, tranh giành nguồn thức ăn và lãnh địa qua những cuộc chiến bất tận. Theo sách, tôi định nghĩa cái xã hội đó là xã hội cộng sản nguyên thủy hoang dã. Sau hàng chục nghìn năm, cái bản năng sinh tồn, cái tính bầy đàn của con người đến xã hội hiện đại vẫn không thay đổi, vẫn không tiến thêm được một bước, thậm chí còn tàn bạo hơn, dã man hơn. Tôi được nghe một anh bạn kể trong trận hải chiến năm 1988, lính hải quân Trung Quốc đã xỉa chết người chiến sĩ Việt khi đã hết đạn với hàng trăm nhát lê. Sự tàn ác của họ không biết đã đến hết giới hạn chưa khi họ đâm chìm tàu đánh cá Việt, ngư dân chới với trong sóng biển, họ giương mắt nhìn và bỏ đi…
Đúng 5 giờ máy bay cất cánh. Phần lớn mọi người xung quanh tôi đều nhắm mắt tranh thủ ngủ thêm sau khi đã phải thức dậy sớm ra sân bay. Tôi cũng vậy, nhưng không thể nào ngủ được. Những hình ảnh về đất nước, con ngườiTrung Quốc, một đất nước có lịch sử văn hóa lâu đời, rất truyền thống và hiện đại, đẹp như những bài thơ Đường trong các chuyến tôi đi tham quan tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Bắc Kinh, Thượng Hải… Tất cả vẫn còn bao ấn tượng, xúc cảm và cứ lởn vởn trong tâm trí tôi. Chẳng lẽ nhà cầm quyền Bắc Kinh không hiểu đất nước mình vừa mới thoát khỏi cảnh nô lệ, đói nghèo. Bây giờ họ phải gồng sức mạnh cơ bắp, khẳng định tính bầy đàn của một cường quốc mới nổi để cướp đất, cướp biển, cướp cá, cướp dầu cho người dân Trung Quốc có vị thế hơn, no ấm hơn, giàu có hơn hay sao? Trong khi đó họ muốn biến tất cả các nước láng giềng phải thuần phục lệ thuộc, kém vị thế hơn, bần hàn hơn thì họ mới hài lòng hay sao? Những điều tôi từng yêu quí, trân trọng, khâm phục không lẽ lại trở thành thù địch vì chúng là của kẻ bên kia chiến tuyến? Nếu vậy thì cuộc đời này quả thật đáng buồn.
Một vài năm trước tôi có phần lo Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành một siêu cường. Lúc đó, họ không chỉ áp đặt ý chí của họ lên các nước xung quanh mà còn áp đặt cái ý chí Đại Hán lên toàn cầu. Bầy người nguyên thủy Bắc Kinh xưa kia bắt đầu từ thời kì đồ đá, đồ đồng, đồ sắt đã tạo dựng nên một đế chế đứng đầu thế giới gần một nghìn năm. Họ thống trị khu vực, tàn sát nhiều dân tộc, buộc các dân tộc xung quanh phải lệ thuộc, triều cống. Họ chỉ mất đi cái địa vị ấy mấy trăm năm nay. Tập đoàn lãnh đạo Trung Quốc từ Thời Trung Hoa dân quốc đến nay từng mơ về một một giấc mơ Trung Hoa Thiên triều thủa nào. Họ đã bắt đầu thực hiện cái giấc mơ ấy bằng máy bay, tên lửa, tàu chiến, bất chấp tư tưởng cao đẹp của chủ nghĩa cộng sản mà họ đang mượn danh, bất chấp đạo lí và thể diện quốc gia, bất chấp luật pháp quốc tế. Một Trung Quốc Thiên triều với họ là mục đích tối thượng.
Thực tế họ là một cường quốc mới trỗi dậy đáng chú ý nhất thế giới. Họ vượt xa năng lực của các nước trong nhóm G20, nhóm BRICs như Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Ở một số lĩnh vực họ vượt qua các cường quốc đàn anh bậc trung như Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật Bản. Ở nhiều phương diện, vị trí cường quốc thứ hai thế giới sau Mỹ là điều mà nhiều nhà phân tích quốc tế đã công nhận. Họ đã hội tụ được nhiều dấu hiệu của một cường quốc toàn cầu. Dân số đông nhất: 1tỉ 350 triệu người và có mặt hầu như rất đông ở hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới. Không ít người trong số họ có ý nghĩ rằng người của họ ở đâu thì biên giới của họ kéo dài đến đó. Lãnh thổ lục địa rộng lớn của họ cũng thuộc vào loại hàng đầu thế giới. Lực lượng quân đội thường trực lớn nhất thế giới. Dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chương trình không gian vũ trụ thứ hai, thứ ba thế giới. Mạng lưới đường cao tốc quốc gia lớn nhất thế giới. Hệ thống đường sắt cao tốc hàng đầu thế giới. Đập thủy điện lớn nhất thế giới. Quốc gia có nền thương mại hàng đầu thế giới. Nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới…
Vào những năm sau chiến tranh lạnh, Liên Xô đã vươn lên trở thành một siêu cường toàn cầu, một cực để cạnh tranh với Mỹ. Nhưng Liên Xô đã bất ngờ sụp đổ vào năm 1991 vì họ chỉ là một siêu cường về mặt quân sự. Vào những năm 1980, người ta từng đưa ra dự báo về một Nhật Bản vươn lên nắm giữ vị trí hàng đầu và gia nhập vào câu lạc bộ siêu cường. Cuối cùng sau 30 mươi năm họ phải nhường ngôi vị thứ hai cho Trung Quốc. Họ chỉ là một cường quốc về kinh tế thôi. Vào lúc giao thời của hai thế kỉ, một số chuyên gia nhận định Liên minh châu Âu đang được củng cố và mở rộng, nổi lên như một siêu cường toàn cầu, có khả năng trở thành một cực trong hệ thống quan hệ quốc tế. Đến thời điểm này, EU đã chứng tỏ sự bất lực, không có khả năng giải quyết các thách thức trong nội bộ cũng như các thách thức toàn cầu. Còn tay chơi mới Trung Quốc bắt đầu từ những năm 2000, họ đang tỏ ra đầy tham vọng cả về mặt kinh tế và quân sự .
Tuy nhiên, nếu xét về sức mạnh kinh tế, về chính sách đối ngoại, về năng lực quân sự, ảnh hưởng văn hóa và các yếu tố trong nước tôi lại cho rằng hiện tại Trung Quốc chưa có cơ sở vững chắc để trở thành một cường quốc toàn cầu cạnh tranh được với Mỹ. Họ không có tầm chiến lược của người “anh cả”. Họ khiến cho cả khối ASEAN bất an, cảnh giác đề phòng. Chỉ xét riêng về việc họ từ bỏ người đồng chí phên giậu gần như cuối cùng của mình là Việt Nam (còn một Bắc Triều Tiên rất khó lường cũng đang muốn thoát khỏi họ) nhằm giành lấy một cách tàn bạo và phi pháp những hòn đảo ở biển Đông thì họ còn ai để đồng hành trên bước đường đi của mình. Về đồng minh, họ đồng minh được với những ai? Nếu tôi không nhầm thì họ chỉ đồng minh được với một mình nhà nước Pakistan, nơi chứa chấp của những tổ chức khủng bố nhằm mục đích kiềm chế Ấn Độ. Với đồng bào của họ, họ đã làm những điều gì trong cuộc Đại cách mạng văn hóa vô sản, trong vụ việc dùng các sư đoàn xe tăng nghiền chết hàng ngàn sinh viên chỉ biết cầm sách vở ở Thiên An Môn. Họ đã và đang làm gì với người Tây Tạng, người Tân Cương? Đúng là một mô hình chiết trung giữa chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa độc tài, truyền thống Nho giáo và một nhà nước kỉ luật thép. Không một quốc gia nào bắt chước mô hình chính trị - kinh tế như vậy. Đúng là một cường quốc đơn độc đang cố gắng nuôi mộng trở thành một “đế chế” theo đúng nghĩa đen của từ này.
Điều quan trọng là Trung Quốc không có tầm ảnh hưởng và khả năng chi phối hành động của các quốc gia khác hay không có ảnh hưởng và tác động lên những vấn đề toàn cầu lớn nào. Ngay cả đối với Bắc Triều Tiên, họ đã có nhiều cố gắng ngăn chặn sự phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt của nước này, nhưng đến nay họ vẫn hoàn toàn thất bại. Họ cũng không thiết lập được các quy tắc chuẩn mực nào để định hình các xu hướng phát triển mang tính toàn cầu. Cái đáng nói nhất của họ là“Năm nguyên tắc chung sống hòa bình” mà họ đề ra vào những năm 60 mươi của thế kỉ trước thì họ đã vứt bỏ bằng chiến tranh với các nước láng giềng và người ta đã quên nó đi từ lâu rồi. Bởi miệng lưỡi họ nói như vậy nhưng họ có làm theo như vậy đâu. Nói tóm lại họ là một cường quốc thụ động, né tránh đối mặt với các thách thức và lẩn khuất khi các cuộc khủng hoảng quốc tế bùng phát.
Về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, lĩnh vực mà nhiều người trông đợi họ sẽ trở thành một cường quốc toàn cầu, những tưởng rằng họ sẽ là người đi tiên phong mở đầu cho một xu hướng kinh tế mới, giống như nền kinh tế tri thức bắt đầu từ Hoa Kỳ, nhưng ảnh hưởng của nền kinh tế này ít hơn rất nhiều so với kì vọng. Nền kinh tế của họ gần như phụ thuộc vào hàng nghìn tỉ đô la của các nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tư trực tiếp của họ ra nước ngoài và viện trợ nước ngoài lại đứng ở hàng áp chót so với các nước công nghiệp phát triển. Nền kinh tế của họ nói chung tạo ấn tượng về lượng yếu kém về chất. Mô hình tăng trưởng dựa trên 3 cái thấp. Đó là tiền lương thấp, lãi xuất thấp và tỉ giá đồng nội tệ thấp. Nó đảm bảo cung cấp 3 cái rẻ. Đó là lao động rẻ, vốn, đất đai, tài nguyên môi trường rẻ và chuyển tiền tỉ lệ tiết kiệm lãi xuất cao của người dân thành tín dụng giá rẻ cho khu vực doanh nghiệp. Nói chung đó vẫn chỉ là một nền kinh tế gia công, lắp ráp hoặc sản xuất tại Trung Quốc theo dây chuyền công nghệ lạc hậu nhằm phục vụ xuất khẩu. Nạn ăn cắp công nghệ, bản quyền, nạn hàng giả, hàng nhái và hàng độc hại tràn lan khắp hang cùng ngõ hẻm cùng với thương hiệu kém, thiếu tính nhân văn: Made in China - hàng “Tầu”.
Sau ba mươi năm tăng trưởng gần hai con số, nền kinh tế họ đang trên đà giảm tốc. Sự giảm tốc của họ không phải là giai đoạn chuyển đổi sang tốc độ tăng trưởng tự nhiên. Họ đang phải chờ đón sự suy giảm sản xuất, những chấn động về kinh tế và có thể là cả chính trị. Để cố gắng duy trì tăng trưởng, họ đã tạo ra những bong bóng nhà đất, tín dụng và cả bong bóng công nghiệp. Sự tăng trưởng theo chiều rộng đã làm kiệt quệ tài nguyên đất nước này. Trung Quốc không tạo ra một lĩnh vực mang tính cách mạng nào, một công nghệ mới nào, không sáng tạo hay sản xuất ra một loại hàng hóa mới nào, và trên tất cả họ phụ thuộc vào tiêu dùng của Mỹ, châu Âu và các nước xung quanh. Sự tăng trưởng của họ đã che dấu sự lạm phát thật sự. Nó đang suy giảm và thật sự đang bốc mùi.
Bên cạnh đó làn sóng rút vốn khỏi Trung quốc đang thu hẹp khả năng thị trường của nước này. Sau nhiều đợt suy giảm thị trường chứng khoán, những cơn sóng đã tích tụ có thể phá vỡ bờ đê thị trường chứng khoán. Liệu họ có thể phải chịu suy thoái như Nhật Bản gần hai mươi năm nay? Lúc đó sự ổn định của đất nước này sẽ như thế nào. Chỉ biết rằng họ đang hướng sự bất mãn của hàng chục triệu người dân ra bên ngoài với tư tưởng dân tộc bành trướng lãnh thổ như đã từng xảy ra trong suốt chiều dài lịch sử phong kiến.
Về quân sự, Trung Quốc vẫn chỉ là một cường quốc khu vực mới nổi. Mặc dầu chi tiêu quân sự năm 2014 của họ lên tới trên 131 tỉ đô la. Họ có lực lượng vũ trang thường trực lớn nhất. Có số lượng máy bay, tàu chiến rất lớn nhất châu Á, có khá nhiều vũ khí tiên tiến sao chép và mua của Nga nhưng họ không có khả năng triển khai sức mạnh quân sự trên toàn cầu. Họ không có căn cứ quân sự ở nước ngoài, không có hệ thống hậu cần hoặc thông tin liên lạc trên phạm vi toàn cầu. May ra họ mới đạt trình độ ở một số lĩnh vực quân sự so với Liên Xô và Mỹ vào thập niên 80 của thế kỉ trước.Thậm chí họ không thể triển khai sức mạnh ra ngoài phạm vi các nước láng giềng ở châu Á (ngoại trừ tên lửa đạn đạo). Ở châu Á, năng lực triển khai sức mạnh quân sự có ưu thế nhất là hải quân, thì họ cũng chỉ mới ra khu vực ngoại vi tới vài trăm hải lí. Nếu có xung đột ở Hoa Đông hay Biển Đông chưa chắc họ có thể duy trì được về mặt thời gian để chiếm ưu thế.
 Về khoa học công nghệ, Trung quốc mới đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có thể nói trong lĩnh vực này họ hoàn toàn ở sân dưới so với các nước phát triển chứ không thể so sánh được với các nước cường quốc như Mỹ, Anh, Đức, Nga, Pháp, Nhật… Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc hội thảo với các học giả đã đố mọi người tìm ra được một phát minh công nghệ mới của người Trung Quốc hiện đại. Mọi người tại hội nghị cố bới tìm lấy một minh chứng nhưng không thể tìm ra. Đầu tư nghiên cứu và phát triển theo GDP vào năm 2010 Trung Quốc chỉ có 1,7 so với Mỹ là 2,9, Đức là 2,8, Nhật là 3,3. Từ năm 1949 (năm Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời) đến nay, có 584 Giải thưởng Nobel được trao, người Trung Quốc được 8 giải về khoa học nhưng cả 8 người từ trước đó đều nhập quốc tịch Mỹ và làm việc ở nước ngoài. Số lượng các bài viết đăng ở các chuyên ngành học thuật, học giả Trung Quốc chỉ chiếm 4% trong khi người Mỹ chiếm 49%.
Nói về quyền lực mềm, tôi cho rằng không những Trung quốc không có sức hấp dẫn mà còn là một minh chứng tiêu biểu cho sự thất bại thảm hại của một cường quốc không có quyền lực mềm. Đó là hậu quả của chính sách sử dụng quân sự trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ và thái độ hung hăng, hiếu chiến với láng giềng. Đó là hậu quả của chính sách ngoại giao kinh tế một chiều, hậu quả của các nhà đầu tư của họ ở nước ngoài chỉ biết lợi nhuận cùng với lối cư xử thiếu văn hóa đối với người bản địa. Hơn nữa, lịch sử dân tộc Trung Quốc qua phim ảnh, truyện, kinh kịch cũng chỉ khiến thế giới nhận ra đó là lịch sử mấy nghìn năm của các cuộc nội chiến tàn bạo nồi da xáo thịt hoặc những cuộc xâm lược độc ác với các nước lân bang nhưng lại thất bại thê thảm trước các thế lực ngoại xâm.
Trung Quốc có thể lật đổ vị trí của Mỹ? Tôi không tin họ làm được điều đó. GDP tính theo đầu người của Trung Quốc mới đạt xấp xỉ 7000 đô la, còn GDP tính theo đầu người của Mỹ hơn 53.000 đô la. Nghĩa là Mỹ cao hơn hơn 7 lần. Kể cả trong khoảng thời gian tới, họ đuổi kịp nền kinh tế Mỹ, tính GDP theo đầu người, thì họ vẫn chỉ nằm trong tốp đứng đầu các nước đang phát triển mà thôi. Đó là chưa kể tới việc tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc bắt đầu suy giảm. Nạn tham nhũng lan tràn tất cả các cấp, các ngành từ trung ương tới địa phương, từ cấp bộ chính trị tới cấp xã, phường. Chỉ tính riêng trong năm 2014 đã có tới 50.000 người bị điều tra truy tố tham nhũng. Và còn một xu hướng thâm căn cố đế nữa là nạn di cư. Tính đến năm 2014, có 9,3 triệu người Trung Quốc đã di cư ra nước ngoài mang theo 2,8 nghìn tỉ nhân dân tệ tương đương với 46 tỉ đô la Mỹ. Chưa hết, đa số trí thức và sinh viên ưu tú được đào tạo ở các nước phương Tây đều không muốn trở về Trung Quốc. Điều đó chứng tỏ giới tinh hoa kinh tế, giới tinh hoa tri thức luôn không tin tưởng vào hệ thống chính trị và hệ thống kinh tế ở trong nước. Vậy thì phải mất bao nhiêu thập niên nữa họ mới lật đổ được vị trí của Mỹ? Tôi nghĩ họ đã quá nôn nóng, quên đi lời dạy “giấu mình chờ thời” của chiến lược gia Đặng năm nào.
Xét trên thế động, Trung Quốc đang tìm mọi cách vượt lên những khiếm khuyết, những thách thức để tăng cường năng lực nội tại, nhằm hiện thực hóa tham vọng trở thành sức mạnh toàn cầu. Nhưng không may cho Trung Quốc, nước Mỹ không muốn đánh mất cái ngôi vị siêu cường số một. Người Trung Quốc vốn thích “Đại” và họ đã có được nhiều cái “Đại”. Người Mỹ vốn thích “Siêu” và họ đã có được nhiều cái “Siêu”. Ngẫm kĩ đại vẫn chỉ là số lượng. Siêu mới là chất. Và chất thì mới là cái quyết định của sự vật.
Ngay khi mối đe dọa Trung Quốc xuất hiện, người Mỹ đã xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương. 60% tiềm lực quân sự của Mỹ được huy động cho chiến lược này. Họ đang ném sức mạnh quân sự của mình lên bàn cân có tính chất quyết định cho một khu vực kinh tế phát triển năng động nhất trong thế kỉ 21. Nhưng điều quan trọng là người Mỹ có nguồn lực để thực hiện kế hoạch chiến lược như cam kết và hứa hẹn với các đồng minh không, hay chỉ là những lời tuyên bố hùng biện? Tôi tin người Mỹ sẽ làm được. Không nói đến sức mạnh vượt trội của hải quân, không quân và các phương tiện tên lửa từ các căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippine và Australia bao quanh Trung Quốc và ở khắp các đại dương cùng với hàng trăm căn cứ quân sự khắp nơi trên thế giới, chỉ cần với 2 chiếc tầu ngầm hạt nhân lớp Ohio đang hoạt động tự do như tại sân nhà ở Biển Đông và Hoa Đông mà Trung Quốc không phát hiện được cũng đã đủ hủy diệt toàn bộ Trung Quốc (Tầu ngầm hạt nhân lớp Ohio có 4 máy phóng ngư lôi cỡ 533 mm và tên lửa liên lục địa Trident 1 hoặc Trident 2 đặt trong hệ thống ống phóng thẳng đứng. Mỗi tầu ngầm được trang bị hệ thống tác chiến điện tử hiện đại nhất thế giới. Gần như không có phương tiện quân sự tiên tiến nào theo dõi được. Với tốc độ 17 hải lí/h, ở độ sâu dưới biển 550 m, nó có thể phóng 154 tên lửa Tomahowk và 18 đầu đạn hạt nhân cùng một lúc trong khoảng thời gian 5 phút. Tổng cộng Mỹ có 12 chiếc tầu ngầm như vậy ở các đại dương không nằm trong biên chế của các hạm đội).
Song song với kế hoạch chiến lược quân sự, Mỹ cũng đang ráo riết hoàn tất Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 12 quốc gia nhằm đạt được thỏa thuận thương mại tự do, với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương không có Trung Quốc. Sau hàng thập niên WTO thất bại trong các vòng đàm phán tự do thương mại, Mỹ và một số nước đã lập ra một sân chơi mới. Đó là những thỏa thuận toàn diện, bao quát tất cả các khía cạnh chính về thương mại tự do từ xuất nhập khẩu đến đầu tư và quyền sở hữu trí tuệ. TPP dự định hoàn tất vào cuối năm 2015. Với những tính toán về quân sự và kinh tế như vậy, tôi nghĩ ngay cả trong trường hợp, Trung Quốc “thuyết phục”được Nga phối hợp tiềm lực với nhau thì Mỹ vẫn có thể kiềm chế hai nước này lâu đến mức gây tổn thất không thể chịu đựng được đối với mỗi nước.
Đối với Mỹ, khả năng sử dụng đòn bẩy kinh tế như một công cụ chính sách sẽ được tăng cường nhiều hơn vào dòng tiền thương mại với Trung quốc trong thời gian tới. Các công ty Mỹ đầu tư hơn 70 tỷ đô la vào Trung Quốc. Nhiều công ty của Mỹ đã chọn Trung Quốc là trung tâm của Châu Á và bây giờ họ đang thứcc tỉnh hành động. Trung Quốc nhập từ Mỹ 124 tỷ đô la, trong khi xuất 466 tỉ đô la giá trị hàng hóa sang Mỹ mỗi năm. Chính dòng chảy thương mại Mỹ hình thành nên nền tảng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Vói Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương, Mỹ sẽ có giải pháp nhanh chóng giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Vào đầu những năm 2000, tôi theo học môn Hoa Kỳ học với một chuyên gia, một giáo sư lịch sử nước ngoài, ông đã trình bày trong lớp học “Mô hình hành vi của Bismarck”. Bismarck là một tài năng chính trị vĩ đại nhất thế kỉ 19. Sau khi giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh với Đan Mạch, Áo, Pháp, ông đã thống nhất các bang của Đức trở thành một đế quốc Đức thống nhất hùng mạnh. Ông đã hình thành nên một cục diện “cân bằng quyền lực”, trật tự Bismarck, gìn giữ thành công nền hòa bình ở châu Âu từ năm 1871 đến 1914.
Ngay từ thời kì đó, Bismarck đã nhận thức được nước Đức có thể hủy diệt từng nước riêng biệt, nhưng nước Đức không thể làm như vậy với tất cả các đối thủ. Công thức của ông là: “Toàn bộ môn chính trị có thể quy thành công thức này, cố gắng đứng trong hàng ngũ 3 nước trên thế giới khi có một cán cân mong manh của 5 cường quốc đang chi phối thế giới. Đó là việc bảo vệ mình nhằm chống lại việc lập ra những liên minh thù địch”. Tôi nghĩ công thức của Bismarck vẫn còn giá trị, kể cả trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, nếu cường quốc nào không làm theo được như lời ông thì khó mà tránh được sự tổn thương và dẫn đến thất bại.
Về lí thuyết, hiện có 5 nước ủy viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang nắm quyền chi phối thế giới, nhưng trên thực tế người ta thường nói đến 5 trung tâm quyền lực: Mỹ, Liên minh châu Âu(EU), Nhật Bản, Nga, Trung Quốc. Theo công thức của Bismarck, không biết Trung Quốc sẽ cố gắng nằm ở đâu trong số 3 trung tâm quyền lực trên. Thậm chí nằm trong số 2 nước liên minh với Trung Quốc, Trung Quốc cũng không thể làm được. Ở cấp châu lục, xét theo quan điểm địa chính trị, có 4 quốc gia và một tổ chức có ảnh hưởng có thể nắm quyền chi phối khu vực. Đó là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và ASEAN. Không biết Trung Quốc sẽ cố gắng nằm nằm ở đâu trong số 3 trung tâm quyền lực khu vực. Thậm chí nằm trong số hai nước liên minh Trung Quốc cũng không thể làm được.
 Do lịch sử để lại, nước Mỹ không những là một siêu cường còn lại duy nhất, mà còn chẳng cần phải cố gắng gì cũng nằm trong số 3 và 4 quốc gia có quan hệ liên minh tự nhiên từ trước đó. Phần lớn các cường quốc cấp toàn cầu cũng như cấp khu vực đều cần tới Mỹ, bằng cách này hay cách khác để đảm bảo khi phải chống lại một nước láng giềng mạnh nếu nước này bước lên con đường tự khẳng định mình bằng sức mạnh cơ bắp. Có một thực tế hiện nay là Mỹ có mối quan hệ với Nga (ngoại trừ vấn đề Ucraina), Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN tốt hơn mối quan hệ giữa các nước đó với nhau. Trong tương lai Mỹ có nhiều khả năng hơn bất cứ nước nào để làm cho các lực lượng trên thế giới cần đến Mỹ như một đối trọng với các nước láng giềng, chẳng hạn như cung cấp thị trường thu được nhiều lợi nhuận, cung cấp công nghệ, cung cấp vũ khí… Tôi tự hỏi mình không biết đến bao giờ Trung Quốc mới làm được điều tương tự như Mỹ?
Để duy trì vị trí đứng đầu, Mỹ thường ủng hộ một cường quốc “hạng hai” để kìm hãm sự vươn lên của những nước hàng đầu trong khu vực, để gây trở ngại cho sự bứt phá của các nước này dưới hình thức giống như liên minh với một nước để chống lại nước có tham vọng kiểm soát khu vực. Điều này vẫn đang xảy ra. Ở Tây Âu, Mỹ luôn ủng hộ nước Anh chống lại nước đứng đầu EU là nước Đức. Ở Đông Á Mỹ duy trì liên minh quân sự và kinh tế với Nhật Bản; ủng hộ Nhật Bản diễn giải hiến pháp, được quyền đưa quân ra nước ngoài, được xuất khẩu vũ khí để chống lại tham vọng của Trung Quốc. Ở Đông Âu Mỹ vẫn đang ủng hộ Ucraina, bằng cách đó ngăn cản nước Nga trở thành nước đứng đầu khu vực. Ở Trung Đông, Mỹ ủng hộ Arab Saudi như một đối trọng với Iran… Riêng để đối phó với một Trung Quốc hung hăng, Mỹ còn có sự lựa chọn thêm Ấn Độ, thậm chỉ cả một số nước Đông Nam Á để hình thành một vòng “kim cô” từ Hàn Quốc qua Nhật Bản, Philippines, Australia đến Ấn Độ để xiết chặt cái đầu nóng của Bắc Kinh nếu họ hành động vẽ lại bản đồ thế giới.
Tôi không ưa gì nền chính trị cường quyền của Mỹ và cũng chẳng có cảm tình gì với người hàng xóm to tảng luôn mang tư tưởng bành trướng ngàn năm đối với dân tộc Việt. Nhưng rõ ràng nước Mỹ đã đạt đến trình độ phát triển đặc biệt, nhất là về nền kinh tế và mới bắt đầu từ những năm 70 của thế kỉ trước, một xã hội hậu công nghiệp, một hình thái kinh tế dựa vào những thành tựu khoa học và công nghệ của thời đại “văn minh tri thức”, có ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực đối với các tiến trình kinh tế, chính trị trên quy mô toàn cầu. Đúng là nước Mỹ đang suy giảm sức mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự sau hai cuộc chiến kéo dài ở Afganistan và Iraq, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, nhưng nước Mỹ vẫn là một thách thức với tất cả các cường quốc trong đó có Trung Quốc. Kể cả khi Trung Quốc có xây dựng thành công cái mà họ gọi là “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc” của họ thì tôi vẫn không tin họ bước qua được vị trí của nước Mỹ trong vòng vài thập niên tới. Cái xã hội của họ cần phải tự lột xác nhiều lần; còn xã hội Mỹ là một xã hội văn minh, đi đầu trong nhiều lĩnh vực, vẫn xứng đáng là một quốc gia đi đầu, dẫn dắt quá trình phát triển của nhân loại, chứ không phải là Trung Quốc, một xã hội còn nhiều mặt lạc hậu, chưa đủ lông đủ cánh đã  rắp tâm đi theo vết xe đổ bành trướng của chủ nghĩa thực dân…
Nhìn vào màn hình ipad cá nhân trước mặt, tôi thấy chiếc máy bay Boeing chở khách được định vị bằng hệ thống vệ tinh toàn cầu đang bay ra khỏi bờ biển nước Mỹ, một đất nước tiêu biểu và điển hình cho Chủ nghĩa tư bản. Một “nền kinh tế mới” đã hình thành, lan tỏa từ đất nước này tới khắp mọi nơi trên thế giới. Tôi chưa được biết nhiều, chưa được đi thăm nhiều các cơ sở kinh tế của nước Mỹ và các tập đoàn xuyên quốc gia, nhưng tôi biết tại đây và tại các nước tư bản phát triển, những điều kiện khoa học công nghệ cho một nền sản xuất tạo ra của cải dồi dào chưa từng có mà Mác đã từng dự kiến đã và đang được hình thành.
Nền kinh tế mới mà động lực của nó là tư bản trí tuệ và những công ty dựa vào tri thức, trước hết ở Mỹ, liệu có phải là một miền đất hứa, có thể thoát khỏi những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản? Tôi không quá kì vọng vào nó. Suy cho cùng nó vẫn là một nền kinh tế của lợi nhuận và cạnh tranh, hai thuộc tính của nền sản xuất tư bản. Một thời gian dài nó đã tạo ra sự tăng trưởng. Nhưng sự tăng trưởng càng nới thêm khoảng cách giàu nghèo. Thăm những khu nhà ở tại các khu đô thị Mỹ tôi thấy rất rõ điều đó. Còn theo chính số liệu của Mỹ, năm 2001 ở Mỹ có 32,9 triệu người sống ở mức thấp hơn ngưỡng nghèo khổ (được tính18.104 đô la cho một gia đình 3 đến 4 nhân khẩu, trong khi mức thu nhập bình quân là 42.228 đô la/năm). Đến năm 2012 ở Mỹ có khoảng 46 triệu người có thu nhập thấp hơn ngưỡng nghèo khổ (được tính 20.500 đô cho một gia đình 3 đến 4 nhân khẩu, trong khi mức thu nhập bình quân 49.500 đô la/năm). Không những tăng bất công mà nền kinh tế của nó cũng không thoát khỏi cái qui luật khủng hoảng kinh tế, tài chính. Minh chứng là cuộc khủng hoảng ở Mỹ bắt đầu từ năm 2008, đến nay đà phục hồi tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn còn chậm.
Mặc dầu vậy, cuộc cách mạng khoa học công nghệ với công nghệ thông tin làm trung tâm ở Mỹ cũng mới chỉ ở chặng đường đầu và cũng mới bắt đầu lan tỏa khoảng 20 chục năm trở lại đây. Những tiềm năng mà nó tạo ra còn chưa khai phá hết. Nó còn có khả năng phát triển, thậm chí phát triển mạnh mẽ. Qua quan sát trực tiếp, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua tiếp xúc với với một số người lao động Mỹ trong các cơ sở kinh tế và qua một số giáo viên, sinh viên, tôi chưa thấy có dấu hiệu gì chứng tỏ xã hội Mỹ bị thay thế bởi một chế độ xã hội tiến bộ hơn.
 Trong chuyến đi này, tôi nhận thấy người dân Mỹ được hưởng một nền phúc lợi xã hội thật đáng mơ ước về giáo dục, về y tế, về văn hóa. Đa số người dân được đảm bảo ở mức sống tiêu chuẩn, có một cuộc sống cân bằng giữa công việc với vui chơi giải trí. Môi trường thiên nhiên trong lành, lí tưởng hài hòa với môi trường xã hội yên bình. Ranh giới giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động trí óc và chân tay gần như bị xóa nhòa. Ngay cả những người thất nghiệp, mất việc cũng được nhà nước trợ cấp, được chú ý đào tạo và đào tạo lại, được các tổ chức giới thiệu việc làm. Có rất nhiều tổ chức dân sự có thể giúp con người ta học tập để sống và làm việc, để thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần. Cái khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” và vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Mỹ không phải chỉ là cái khẩu hiệu lừa bịp. Nó đã đi vào đời sống xã hội, đời sống người dân Mỹ.
Tôi được ăn học và được sống ở một đất nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa, một chế độ tiên tiến hơn chế độ tư bản Mỹ. Tôi sẽ không bị lóa mắt bởi sự giàu có của nước Mỹ. Nói theo ngôn từ kiểm điểm đảng viên cuối mỗi năm, tôi không bị dao động, xa rời lập trường giai cấp. Tôi vẫn nhận thức được xã hội Mỹ là một xã hội bóc lột, bóc lột những người làm thuê trong nước, bóc lột các dân tộc khác. Nó vẫn vận hành theo cơ chế cạnh tranh, độc quyền (đúng hơn là đa độc quyền, vì Mỹ có luật chống độc quyền). Nhưng phải thừa nhận rằng nhà nước Mỹ và các tổ chức cộng đồng xã hội dân sự của Mỹ đã khiến nhà nước tư bản và tư bản độc quyền không xem lợi nhuận là nhân tố duy nhất, tuyệt đối quy định hoạt động của nó. Ngoài lợi nhuận, nó đồng thời tính đến lợi ích của người lao động làm thuê (trên 45% số hộ dân Mỹ có cổ phiếu, cổ phần và gia nhập tầng lớp trung lưu theo tiêu chuẩn Mỹ), đặc biệt là lợi ích của cộng đồng.
Chia tay tôi, Hoài Anh nói chuyện là được công ty giao trách nhiệm cùng với hai người bạn Mỹ khác tuyển 12 người có trình độ thạc sĩ trở lên cho công việc kĩ thuật ổ cứng máy tính. Hoài Anh muốn Giang nộp hồ sơ làm việc trong nhóm đó. Hoài Anh nói: “Không biết Giang có ưng không. Lương khởi điểm khoảng 5 đến 6 ngàn đô một tháng”. Thật tiếc vì Giang còn một năm nữa mới bảo vệ luận án tiến sĩ. Liệu nhà trường có chấp nhận cho Giang vừa làm vừa học. Nếu bỏ học bổng, bỏ học để đi làm tôi nghĩ hoàn toàn không ổn. Qua sự việc này, cùng với việc tiếp xúc với các bạn bè của Hoài Anh, của Giang và những người quen biết ở Mỹ, tôi nhận ra những người làm việc trong các cơ quan, các công ty, các xí nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ, gần như tất cả họ đều là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Ngoại trừ số ít làm việc ở các cơ quan nghiên cứu và trường học, đa số là làm việc tại các cơ sở sản xuất. Nói chính xác là làm công nhân, nằm trong đội ngũ giai cấp vô sản có tri thức, những người làm thuê cho các ông chủ, bà chủ trong xã hội tư bản Mỹ.
Trong chuyến đi này, tôi đã chứng kiến nhiều điều và ghi lại một số trải nghiệm, đặc biệt là về giáo dục, y tế, về một vài khía cạnh trong quan hệ quốc tế có liên quan tới Hoa Kỳ. Nhưng có lẽ điều tôi tâm đắc về mặt chính trị là tôi đã được nhìn thấy cụ thể lực lượng lao động, giai cấp bán sức lao động tiêu biểu trong xã hội tư bản Mỹ hiện tại. Tôi hy vọng rằng trong lòng nước Mỹ và có lẽ trong lòng các xã hội phương Tây đang hình thành một chủ thể, nhân tố mang tính chất phủ định sau chủ nghĩa tư bản. Đó là giai cấp công nhân trí thức đã và đang hình thành. Họ mới là lực lượng tiêu biểu cho sự phát triển tiến bộ của lực lượng sản xuất trong “thời đại kinh tế mới”, khi mà tri thức trở thành nguồn lực chủ yếu của sự phát triển chứ không phải là nguồn lực tự nhiên và cơ bắp của con người.

Theo quy luật tôi tin rằng xã hội tư bản nói chung, xã hội tư bản Mỹ nói riêng không phải là nấc thang cuối cùng của xã hội loài người. Sau cái xã hội tư bản này là cái xã hội gì? Như Mác dự đoán: Chủ nghĩa cộng sản. Nhưng trong suốt thời gian ở Mỹ tôi không hề thấy ai nói đến Chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa tư bản Mỹ đã điều chỉnh, đã đạt đến một trình độ rất cao. Nó mang trong mình cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Song sự thay thế Chủ nghĩa tư bản Mỹ bằng một chế độ xã hội tiến bộ hơn, tôi tin  không thể diễn ra trong một tương lai gần và không thể diễn ra tùy tiện theo lòng mong mỏi của bất kỳ lực lượng xã hội nào. Đúng như nhận định của Mác trong tác phẩm Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị: “Không một chế độ xã hội nào diệt vong khi tất cả những lực lượng sản xuất do nó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn còn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn, không bao giờ xuất hiện khi những điều kiện tồn tại của những quan hệ đó còn chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ”.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.