Chuyện ở Hạ Long

Leave a Comment

 Chuyện ở Hạ Long

Tôi đã đến thăm Hạ Long nhiều lần và không nhớ chính xác mình đã đến đây bao nhiêu lần nữa. Hạ Long để lại trong tôi nhiều ấn tượng, nhất là lần đầu tiên, lần này và có thể là những lần sau nữa. Tôi chắc như vậy, bởi nơi đây cho đến chuyến đi này tôi mới biết thêm về những đồng đội đã vào sinh ra tử với Trung đoàn 3, với Sư đoàn 324 gắn bó của chúng tôi.
7h anh em chúng tôi ra cảng tàu quốc tế. Buổi sáng Hạ Long thật đẹp. Biển xanh lục mênh mông gợn sóng, hiền hòa. Lãng đãng từng đám mây trắng gắn với nền trời xanh thẳm. Những làn gió cuối thu se lạnh trở về. Con tàu chầm chậm trôi đi. Chúng tôi ngồi sát bên nhau trên bong ngắm nhìn biển trời, non nước.
Với một số đồng đội, đây là lần đầu tiên được đi du thuyền trên vịnh. Nghe các anh giãi bày tôi chạnh lòng thương cảm. Có anh ít cũng ba bốn năm ở chiến trường. Có anh dăm sáu năm. Có anh mươi mười lăm năm như anh Hiếu, anh Dũng, anh Tầng. Có anh đến gần 20 năm như anh Phúc, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 Anh hùng… Bao năm anh em ở chiến trường Việt Nam và Lào đầy gian khổ, hiểm nguy. Rời quân ngũ lại phải lăn lộn với cuộc sống mưu sinh trong những năm tháng kinh tế đất nước lâm vào khủng hoảng, khó khăn. Gần như người nào cũng mang trên mình mảnh đạn, mảnh bom. Khi trái nắng trở trời, sương muối, giá rét, từ đầu đến chân người thương, bệnh binh ê ẩm, nhức buốt. Vì vậy không ít đồng đội đã sớm từ dã cõi nhân thế về với cát bụi. Tiểu đội mười hai người thời huấn luyện còn lại tôi và anh Thắng. Hôm nay anh bận không đi được với đoàn.
Chiều hôm trước tất cả anh em đều hăm hở xuống biển tắm. Lội đến đầu gối, nhiều anh em run lẩy bẩy, phải vội lên bờ. Ngắm nhìn những cặp dò gầy guộc, teo tóp đi trên bờ cát, mọi người phá lên cười, cười đến chảy nước mắt. Đến tắm biển cũng không xong. Vậy mà anh em còn tán nhau “tạm ứng” bán cặp dò cho địa phủ nấu cao. Tôi nghĩ nếu có nơi ấy, chắc chẳng quỷ sứ nào muốn mua những cặp dò khẳng khiu đầy những vết sẹo chinh chiến này.
Con tàu đưa đoàn chúng tôi đến Hang Sửng Sốt, một trong những hang động nổi tiếng nhất nằm trong khu vực lõi vịnh Hạ Long, được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Hang động này nằm trên Đảo Bồ Hòn, cùng với hang Luồn và hang Trinh Nữ. Hang Sửng Sốt được biết đến vào năm 1901 khi người Pháp phát hiện ra hang động và đặt biệt danh “La Grotte des Surprises” (Hang động đáng kinh ngạc) vì sự kỳ vĩ của nó. Một số tổ chức du lịch đã bình chọn hang Sửng sốt là một trong những hang động đẹp nhất Việt Nam, được tạp chí CNN Travel đưa vào danh sách 7 hang động tuyệt mỹ trên dải đất hình chữ S.
Đến hang Sửng sốt phải bước lên hàng trăm bậc đá cao. Hang có diện tích khoảng 10.000m2. Mái vòm hang cao khoảng 30m và có lối đi dài đến nửa cây số. Bên trong hang chia làm 3 khu. Khu thứ nhất có diện tích 300m2. Nơi này nền động thấp. Mọi người phải qua những bậc thang đi xuống. Có một hồ nước nhỏ tựa như một chiếc gương trong suốt, được hình thành bởi nước chảy từ trần động len qua các khe nứt đá vôi.
Đoàn chúng tôi men theo bậc đá vào bên trong khu thứ hai. Diện tích rộng gấp đôi khu thứ nhất. Trần thạch nhũ ở khu này bị phong hóa khá nhiều do có nhiều vòm cao khoảng 40m so với nền động. Không khí trong hang khá thông thoáng với nhiều nhũ đá hình thù kỳ vĩ.
Khu thứ Ba là khu tạo nên cái cảm giác “sửng sốt”. Vào đến đây, chúng tôi dường như vỡ òa trước không gian rộng lớn với những nhũ đá lung linh, huyền ảo đến mức dù đã xem ảnh trước trên smart phone, mọi người vẫn phải “ồ” lên sửng sốt. Khu này có nhiều ngóc ngách, du khách tha hồ khám phá, tưởng tượng những khối đá thành đủ hình thù kỳ lạ ở trên đời.
Trong đoàn chỉ một mình “anh cả”, anh Hiếu ngồi lại trên tàu, không lên theo cùng anh em. Năm nay anh 81 tuổi, nhiều tuổi nhất trong đoàn. Mặc dù phải chống gậy nhưng anh vẫn cố gắng tham gia. Anh nói với tôi “còn sức còn đi với các chú. Bao giờ không đi được, thỉnh thoảng các chú tổ chức lên Bắc Giang chơi với anh!”.
Tôi tả và cho anh xem ảnh bên trong động. Anh xuýt xoa tiếc mình không thể đi theo đoàn. Tôi dìu anh xuống tàu tìm chỗ đẹp để chụp ảnh cùng với chị, người vợ tần tảo mấy năm nay đi theo để chăm sóc anh. Anh yêu cầu tôi chuyển những tấm ảnh chụp trong động sang máy anh để lúc về “rỗi rãi giở ra xem”.
Cao tuổi như vậy mà mấy năm trước anh vẫn tự cho mình có “bổn phận” phải dẫn thân nhân liệt sĩ đi tìm hài cốt đồng đội tại Hướng hóa, Phong Điền, A Lưới, những huyện miền núi giáp biên giới Lào của Trị Thiên. Trí nhớ của anh thật tuyệt vời. Nhiều năm đã trôi qua, có thể nói là “vật đổi sao dời”, vậy mà anh vẫn xác định được chỗ yên nghỉ của những đồng đội. Anh kể cho tôi nghe lần gần đây nhất anh cùng anh Thắng, anh Ích đi tìm mộ anh Đặng Văn Chiến, quê Thái Bình.
Vào một ngày đầu tháng 5 năm 1971, Anh Hiếu cùng đồng đội đi trinh sát thực địa chuẩn bị cho chiến dịch. Nhóm của anh đi theo đường mòn trong rừng. Với trực giác của người lính cũ, anh cố rướn lên để nói với đồng đội không đi theo lối mòn, phải cắt rừng tìm đường đi. Mới bước lên được một đoạn, định vỗ vai anh Chiến ra hiệu thì tất cả trời đất đã tối sầm lại. Một quả mìn phát nổ. Anh Chiến vừa trúng mìn vừa trúng đạn thẳng hy sinh ngay tại chỗ. Anh Hiếu thì bị thương ngất đi.
Sau cuộc giao tranh ngắn ngủi, bọn thám báo luồn lủi vào rừng sâu. Anh em đơn vị kịp thời đến ứng cứu. Anh Hiếu tỉnh dậy, dự lễ an táng đồng đội trên quả đồi, bên dưới là con suối Hoa. Sau gần năm mươi năm, chỉ sau hai ngày đến Huế, anh Hiếu dẫn người nhà anh Chiến và bộ phận chính sách của tỉnh đội Thừa Thiên tìm đến đúng vị trí ngôi mộ năm xưa. Đúng như anh Cảnh, người cùng đơn vị dự đoán từ trước khi đi, “ngôi mộ có thể đã bị chuyển đi”. Quả vậy, đoàn không tìm thấy ngôi mộ. Điều tra qua dân quanh khu vực được biết chính quyền đã đưa ngôi mộ vào nghĩa trang liệt sĩ của xã cách đó vài km.
Thật may mắn! Ngôi mộ có tên tuổi anh Chiến nằm trong nghĩa trang của xã. Khi bốc mộ vẫn còn chiếc bình tông của anh Chiến khắc tên ngày tháng năm sinh, quê quán. Anh Hiếu tâm sự “Đấy là lần anh cảm thấy mãn nguyện nhất trong số những lần đi tìm đồng đội. Chứng kiến việc Tỉnh đội Thừa Thiên cùng nhân dân trong xã làm lễ tiễn đưa liệt sĩ và cho xe đưa đón, cử đại diện về dự lễ an táng anh Chiến tại quê nhà, anh không cầm được nước mắt”.
Anh Hiếu bỗng lặng im. Trên khuôn mặt anh chằng chịt những nếp nhăn, dãi dầu. Người lính già tưởng chừng như đã khô nước mắt vì những trải nghiệm sinh tử, nhưng tôi vẫn thấy một dòng nước mắt chảy xuống những tấm huân chương chiến công đeo trên ngực . Tôi không dám hỏi chuyện anh tiếp. Một lúc sau anh nghẹn ngào “Anh Chiến đã hứng trọn quả mìn để anh sống đến bây giờ…”
Đến đảo Ti Tốp, gần hang Đầu Gỗ, cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy khoảng 7 km về phía đông nam. Đảo có bãi cát hình vành trăng lưỡi liềm. Cát ở đây được thủy triều rửa sạch trắng tinh. Nước biển trong veo. Đúng là một bãi tắm lý tưởng. Nơi đây, vào đầu những năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhà du hành vũ trụ người Liên Xô Giéc Man Ti Tốp lên thăm đảo. Để ghi dấu kỷ niệm chuyến đi đó, Một bức tượng về ông đã được tạc đứng sừng sững dưới chân đảo như một biểu tượng bất diệt về tình hữu nghị Việt Xô.
Ngày nay đảo Ti Tốp là một điểm dừng chân ưa thích, thu hút rất nhiều du khách đến tắm biển. Người ta leo lên núi dốc đứng chinh phục đỉnh núi cao và chiêm ngưỡng toàn cảnh Vịnh Hạ Long. Phải leo lên gần 500 bậc đá mới tới nơi. Cả đoàn hơn 40 người, chỉ có mấy anh em chúng tôi lên được tới nhà Bát giác để thu biển trời vào trong tầm mắt. Thật sảng khoái. Gió lồng lộng, mát rượi, xua tan nỗi mệt nhọc. Trong số anh em lên tới tận cùng, ngoài chị Lý, chị Tống Lương là thân nhân liệt sĩ, có anh Liễu dũng sỹ diệt Mỹ, cho đến nay vẫn là người nhanh nhẹn nhất. Có anh Dũng, người anh hùng của đường 12 trong suốt những năm dài chống Mỹ. Có anh Tầng, người anh hùng trên điểm cao 1062 nổi tiếng trong chiến dịch Nông Sơn, Thượng Đức.
12h kết thúc chuyến đi du thuyền ngắm cảnh Vịnh Hạ Long. Đoàn chúng tôi trở về hội trường giao lưu ở khách sạn Tiên Sơn. Bước vào hội trường, tôi thấy một màn hinh rực rỡ với hình ảnh dòng chữ ở chính giữa “Cựu chiến binh Trung đoàn 3 Sư 324 khu vực Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh”. Bên trên màn hình thỉnh thoảng xuất hiện một số hình ảnh các trận chiến đấu của Trung đoàn 3. Toàn bộ phông nền là hình ảnh biển trời di sản Vịnh Hạ Long.
Sau nghi lễ của Ban liên lạc, anh Trung lên chia sẻ câu chuyện xảy ra vào ngày thành lập Trung đoàn 3 năm trước, cũng tại hội trường khách sạn này. Đoàn cựu chiến binh khu vực bắc miền Trung bao gồm các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình về thăm Quảng Ninh. Trong buổi gặp gỡ, giao lưu anh em thấy thiếu mất một người. Anh Trung kể, “Tôi đặt cốc bia xuống bàn ăn, lên sân khấu khẳng định, không thiếu một ai. Anh Đạo người Quảng Bình rảo bước lên sân khấu. Anh nói với mọi người, thiếu anh Đoàn. Tôi vội thanh minh, anh ấy mất mấy năm nay rồi.”
Anh em còn nhớ, vào sáng ngày 16 tháng 5 năm 1969, sau thông lệ hàng giờ máy bay và phi pháo Mỹ dội bom đạn xuống trận địa, tiểu đoàn Dù Mỹ bắt đầu chia thành nhiều mũi tấn công lên hệ thống hầm chốt của Đại đội 6, Tiểu đoàn 8 trên Động A Bia. Mũi của anh Đoàn chờ cho bọn Mỹ đến gần đỉnh núi mới phát lệnh tấn công. AK, trung liên, lựu đạn, mìn ĐK10 kết hợp với B40 của ta đồng loạt nổ, băm nát trung đội Mỹ và đẩy một số tên sống sót chạy xuống đồi yên ngựa. Bọn Mỹ gọi máy bay ném bom, trực thăng vũ trang, phi pháo lồng lộn bắn trùm lên trận địa mãi tới gần trưa. Nhiều hầm hào bị sập, sụt lở. Một số đồng chí đã hy sinh. Anh Đạo chui xuống hầm moi tránh hỏa lực bị vùi lấp trong căn hầm đổ nát. Chính anh Đoàn đã dẫn đồng đội đến kịp thời giải cứu. Sau đó anh chỉ huy ba người còn lại trong tiểu đội, sử dụng nhiều loại vũ khí. Kể cả vũ khí thu được của Mỹ, kiên cường quần nhau với một trung đội Mỹ bổ sung, giữ vững trận địa cho tới khi trời tối…
Anh Trung cho biết anh Đoàn bị ung thư mất cách đây ba năm. Sau buổi giao lưu anh Trung đã đưa anh Đạo đến nhà anh Đoàn. Đến nhà, chưa kịp giới thiệu, anh Đạo đã nói: “Chắc hẳn đây là con ba Đoàn, giống hệt ba Đoàn ngày xưa. Năm 1968, mẹ cháu vào thăm ba cháu ở Quảng Bình. Lúc đó chú và ba cháu ở cùng một tiểu đội. Ba cháu đã cứu sống chú trong trận A Bia gần một năm sau đó. Vậy mà chú chưa một lần tới thăm. Hãy dẫn chú đến mộ ba cháu để chú được tạ lỗi!”
Ngồi ở bàn tiệc cạnh tôi có anh Vũ Thành. Anh và tôi được ban tổ chức xếp vào cùng một phòng nghỉ trong chuyến đi. Tháng trước tôi đến thăm nhà anh Thành ở phường Mai Dịch. Trong câu chuyện tâm tình, anh kể tôi nghe về những vết thương của mình. Ngày 4/6 năm 1969, Đại đội C11 của anh đang chốt bảo vệ một địa điểm trên khu vực A Bia thì nhận được tin lính Dù Mỹ đi vào vị trí của đơn vị. Ban chỉ huy đại đội yêu cầu anh Nghị điều tiểu đội đi truy kích đánh địch. Các anh lần đường lên núi. Đi khoảng 40 phút thì bất ngờ bị một loạt đạn đại liên của địch bắn xối xả. Anh Đồng quê ở Nam Sách, Hải Dương bị trúng đạn hy sinh. Theo lệnh anh Nghị, tiểu đội dàn hàng ngang trườn lên tiếp cận kẻ địch.
Hỏa lực bộ binh Mỹ bắn rất rát. Trực thăng vũ trang của chúng là sát ngọn cây vừa bắn vừa thả ựu đạn xuống. Anh Thành bị trúng nhiều mảnh đạn, máu ra rất nhiều. Anh Cam nằm phục bên trái anh Thành cũng bị thương nặng ở đầu. Anh Lê Văn Lân y tá trườn tới tiêm cầm máu và trợ lực. Sau đó Lân anh cắt đường rừng để các anh bò theo sau. Bò đi được một đoạn thì được anh em đồng đội đến chi viện, cáng về bênh xá trung đoàn. Kể từ ngày đó anh Thành không biết tin gì về anh Lân nữa. Không biết anh Lân còn hay đã mất. Anh Thành đã nhiều năm lặn lội đi tìm đồng đội. Hỏi han qua bao đồng chí các cấp thuộc trung đoàn. Anh đã nhiều lần đăng tin trên bản tin của Hội cựu chiến binh nhưng vẫn không có hồi âm…
Tình cờ đầu tháng 9 năm 2020, qua Facebook anh Thành liên lạc được với anh Nguyễn Tiến Tuấn, nguyên y tá đại đội 11. Anh Tuấn đã tìm được anh Lân đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Anh Thành xin được số điện thoại, điện cho anh Lân. Anh Lân đã bay ra Hà Nội dự cuộc gặp mặt cựu chiến binh Đại đội C11 vào ngày 14/9. Thế là sau 51 năm 3 tháng 10 ngày, các anh đã được gặp nhau trong niềm vui khôn xiết. Và họ hẹn với nhau vào ngày 14/9 sang năm sẽ cố gắng liên lạc để có mặt đầy đủ các anh em C11 trong những năm tháng chống Mỹ.
Anh Thành đã may mắn hơn anh Đạo. Anh đã gặp được ân nhân của mình. Trong buổi giao lưu anh cũng đứng lên chia sẻ, nhưng anh chia sẻ một câu chuyện khác, câu chuyện về con của các liệt sỹ, các cựu chiến binh. Câu chuyện và bài hát về tình đồng đội của anh khiến tôi vô cùng xúc động.
Tôi bỗng nhớ đến anh Triệu Giám, chuyến đi này anh bận không tham gia được. Rời quân ngũ, trở về đời thường, phải lăn lộn với cuộc sống, nhưng anh luôn lạc quan với tâm hồn của người nghệ sỹ. Anh đích thực là nhà thơ của tình đồng đội. Chính anh là người đầu tiên thiết kế cho anh em cựu chiến binh Trung đoàn 3 Quận Hai Bà và sau đó là anh em ở một số quận nội, ngoại thành trở về chiến trường xưa thắp hương cho đồng đội tại các chiến trường.
Trong chiến dich Nông Sơn-Thượng Đức, Trung đoàn 3 được giao nhiệm vụ chia cắt chiến dịch, tiêu diệt viện binh, kiềm chế các trận địa pháo cố định và cơ động từ Hà Sống đến núi Lở; tiêu diệt kẻ địch ở Ba Khe, gò Cấm và sẵn sàng đánh đich đổ bộ lên điểm cao 1062. Anh Giám đã tham gia các trận đánh ở Lâm Phụng, gò Ôm, Hà Sống, Hà Nha, Bàn Tân và trong trận đánh gần sông Vu Gia anh trúng mảnh đạn ngất đi. Anh Nhang người Phú Thọ đã xốc nách trườn lê đồng đội qua hàng trăm mét dưới làn đạn pháo rồi cõng anh về hậu cứ. Anh Giám cũng bặt tin anh Nhang đến 40 năm.
Bao năm anh Giám đã lặn lội đi tìm đồng đội cứu sống mình. Anh đã hỏi thăm tất cả những người anh quen biết ở Trung đoàn 3 mà anh biết. Anh đã đến tận tỉnh đội Phú Thọ, đến thành phố, thị xã và 11 huyện để tìm kiếm thông tin. Và rồi lần cuối anh mời tôi cùng một số anh em đến một huyện miền núi Tam Nông bằng xe máy. Tôi còn nhớ anh em vừa đi vừa hỏi thăm, từ sáng sớm đến gần trưa, qua một cánh đồng, dưới chân một ngọn đồi bao phủ rừng vầu, có một căn nhà tranh, anh Nhang sống ở đó. Họ đã gặp nhau và ôm lấy nhau trong niềm vui dâng trào của đồng đội…
Buổi giao lưu chia sẻ, hát hò kéo dài từ 12h đến hơn 3 giờ. Công bằng mà nói, anh em Quảng Ninh hát rất hay. Anh Thắng, anh Hồng ở Hà Nội hát đã gây ấn tượng nhưng so với đồng đội ở Quảng Ninh vẫn phải nhường vài phân. Kết thúc chương trình chị Đức, vợ anh Phúc (Chị thường xuyên đi với đoàn chăm sóc anh. Chúng tôi rất quý trọng chị. Có lần trước sân khấu, nói về những gian nan vất và tâm trạng ngày tháng mòn mỏi chờ chồng trước cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 3 đang tại ngũ, chị đã khiến bao người lính phải rơi lệ) cùng với anh Bình ở Quảng Ninh hát bài Lòng mẹ. Chưa bao giờ nghe hát tôi thấy xúc động đến vậy. Những người mẹ thân yêu của chúng tôi thủa nào lại hiện về! Tất cả mọi người đều đứng dậy vỗ tay...
Giờ phút chia tay đã trễ theo lịch trình. Chúng tôi lưu luyến bắt tay nhau, tạm biệt và hẹn gặp lại nhau. Người lên xe, người ở lại nhắc nhở nhau cố gắng tập luyện, giữ gìn sức khỏe để còn gặp lại nhau. Anh lái xe hiểu được nỗi lòng của đoàn, cho xe vòng xuống con đường bao biển, dừng lại ít phút trước khi lên đường cao tốc về Hà Nội. Xa xa Vịnh Hạ Long mờ tím trong sương chiều.
Thành Vũ, Nguyễn Thị Điệp và 100 người khác
45 bình luận
4 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.