Những công việc chuẩn bị

Leave a Comment
 Tôi đã có sẵn hộ chiếu từ trước. Bước đầu tôi cảm thấy mọi việc đều suôn sẻ, không giống như lần đầu tôi đi Thái. Nào là phải xin phép cơ quan, xin phép phòng nội vụ, sở ngoại vụ. Hàng tháng trời chạy đi chạy lại chạy giấy tờ. Thật là phiền toái. Bây giờ về hưu đi làm “ngoài”, tôi chẳng cần phải xin phép ai cả. Nhưng tôi vẫn hơi lo lo. Bà chị vợ tôi và một số người khác, mặc dù có sổ đỏ chứng nhận quyền sở hữu hàng trăm m2 đất, có nhà cửa riêng, có sổ tiết kiệm gửi ngân hàng nhà nước hàng tỉ đồng, vậy mà mấy lần đóng tiền xin visa vẫn không qua được vòng phỏng vấn. Trong khi đó, tôi chẳng có gì hết. Tiền tiết kiệm gửi ngân hàng không có. Giấy tờ sở hữu đất đai không có. Nghề nghiệp có thu nhập cao cũng không.
Hôm đến làm thủ tục, một nam nhân viên đứng trong quầy kính, hỏi tôi bằng tiếng Việt khá thành thạo:
-       Tôi được biết giáo viên ở Việt Nam có thu nhập rất thấp. Vậy vợ chồng ông vẫn có tiền để chu cấp cho hai con ăn học ở Mỹ. Hẳn hai vợ chồng ông phải dạy thêm rất nhiều hoặc có những thứ tiền nào đó?
-       Ông nhầm rồi, tôi trả lời không đắn đo suy nghĩ, một số cán bộ, giáo viên ở Việt Nam có tiền, thậm chí có rất nhiều tiền. Họ có đủ tiền mua đất đai, nhà cửa và cho con cái đi du học nước ngoài. Tôi không nằm trong số đó. Gia đình tôi cũng không nhận trợ cấp của ai. Đơn giản con tôi sang Mỹ học là chúng nhận được học bổng.
 Không biết tôi có suy diễn quá không, nhưng tôi cảm thấy trong câu hỏi của nhân viên đại sứ quán có một hàm ý gì đó. Tôi nghĩ chắc họ vừa đọc Báo cáo thường kì hàng năm của Tổ chức Minh bạch Quốc tế có trụ sở tại Berlin. Báo cáo đã kết luận giáo dục Việt Nam là ngành tham nhũng thứ hai sau ngành hành pháp ở Việt Nam. Là nhà giáo, mới đầu tôi cảm thấy rất bất bình. Nhưng công tâm ngẫm kỹ, tôi thấy kết luận như vậy không hẳn là oan sai.
 Không ít cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên hàng ngày hàng giờ vẫn đang kinh doanh, kiếm tiền và làm giàu trong số 20 triệu học sinh, sinh viên ở Việt Nam. Họ tư túi từ tiền ngân sách, tiền dự án đến tiền học phí; đặt ra đủ các thứ tiền, từ tiền gửi xe đạp đến tiền vệ sinh trường lớp; xoay sở từ tiền xây dựng đến tiền học thêm, từ tiền quỹ hội phụ huynh đến tiền bán trú, từ tiền đồng phục đến tiền sách giáo khoa... Có khoảng hơn ba mươi thứ tiền lạm thu mà người ta đã thống kê ra. Đơn giản chỉ chạy cho con vào một trường học mầm non chất lượng cao trái tuyến cũng đã mất đến hàng nghìn đô, và cũng khoản tiền như vậy để chạy vào các trường chuyên lớp chọn. Thậm chí xin đổi chỗ ngồi cho con trong một lớp học thôi, có người cũng phải mất một vài tờ. Đó là chưa kể đến hàng trăm chuyện thường ngày khác xảy ra ở các nhà trường.
Cái ý nghĩ bị người ta móc máy mình khiến tôi rất khó chịu. Tuy nhiên tôi vẫn thận trọng trong từng câu chữ. Tôi không nói “chúng xin được học bổng”. Tôi nói “chúng nhận được học bổng”. Tôi hoàn toàn bằng lòng với câu trả lời của mình. Nó đúng với thực tế, vừa chứa đựng một ẩn ý, vừa không có vẻ nhờ vả, xin xỏ. Tuy vậy việc xin và nhận trong trường hợp của các con tôi có khác gì nhau nhiều lắm đâu. Lúc đó tôi ước rằng mình có nhiều tiền, trách mình đã không biết tận dụng cơ hội kiếm tiền như người ta. Tiền không phải để cho mình mà để cho con, để được nói với họ theo truyền thống của người phương Tây là “tôi trả tiền cho con tôi đi học”.
 Lúc đó sĩ diện nên tôi đã nghĩ như vậy. Hồi tâm lại thấy mình sai. Chẳng lẽ mình dạy con từ nhỏ phải sống cho ngay thẳng, phải sống trung thực, còn mình thì lại làm cái chuyện khuất tất, trái với lương tâm để được cái không phải là của mình, để rồi đời cha ăn mặn đời con khát nước. Theo thuyết của nhà Phật “nhân nào quả ấy”, sớm muộn người ta đều phải trả giá cho cái tham, sân, si của chính mình.
Kết thúc buổi phỏng vấn, người nhân viên cười vui vẻ chúc mừng. Tôi cám ơn, thở phào nhẹ nhõm. Xin được visa sang Mỹ có thể nói là xong mọi việc. Tôi chỉ còn việc mua vé là lên đường. Có nhiều hãng hàng không, trong đó có hàng không Việt Nam, nhưng tôi quyết định chọn chuyến bay của hãng hàng không Mỹ sau khi đã tham khảo kỹ giá cả ở trên mạng. Việc lấy vé đi máy bay bây giờ khác xưa rất nhiều. Không phải đi lại, chạy vạy, nhờ vả như khoảng chục năm về trước. Tôi chỉ lên mạng, đăng ký trực tuyến, trả tiền qua thẻ tài khoản của mình, tự in vé điện tử cùng lịch trình bay. Tất cả mọi cái đều thay đổi nhanh chóng. Cái thay đổi lớn nhất, theo tôi, là thay đổi theo hướng đơn giản hóa và minh bạch. Tôi chỉ việc đúng giờ ra sân bay và lên máy bay.
 Thì ra các hãng hàng không trên thế giới và các hãng hàng không trong nội địa đang cạnh tranh với nhau một cách khốc liệt. Họ hạn chế đến tối đa việc sử dụng nhân lực. Khách hàng đồng thời trở thành người bán vé, trở thành nhân viên thủ quỹ tự gửi tiền cho các hãng hàng không. Đổi lại, khách hàng đi máy bay của hãng với giá rẻ, tiện ích và chất lượng phục vụ tốt nhất. Nếu hãng nào không làm được như vậy thì sẽ không có khách và nếu không nhanh kịp điều chỉnh thì tất phá sản. Giờ thì phần nào tôi hiểu tại sao một số tập đoàn, tổng công ty độc quyền được nhà nước ưu đãi, trong đó có Vinalines lại làm ăn thua lỗ đến hàng ngàn tỉ đồng.
 Trước hôm lên đường, hai cô con gái ở bên Mỹ gọi, nhắc nhở tôi phải đến sân bay trước hai tiếng để đề phòng những trục trặc không đáng có. Bởi tính tôi dù đi đâu cũng tính đến sát giờ, không muốn phải đợi chờ. Cũng chính vì vậy, năm trước khi Thuý cho con về nước chơi, tôi tính toán đưa hai mẹ con đến sân bay Nội Bài để vào Thành phố Hồ Chí Minh thăm bố mẹ chồng quá sát giờ, nên đến trễ một ít phút. Một ít phút thôi, Thúy và con cũng không được làm thủ tục vào cửa, phải mua vé đi chuyến sau.  Khi Thúy thắc mắc: “Ở Mỹ hành khách trễ đều được đổi chuyến không phải mất tiền”. Nhân viên quầy bán vé bổ sung sẵng giọng: “Đây là ở Việt Nam. Vì ưu tiên có con nhỏ nên chị mới được mua vé đi chuyến sau. Nếu là người khác thì hôm sau hay hôm sau nữa cũng chưa chắc mua được vé”. Tôi vội vã đưa hai triệu đồng cho cô gái xinh đẹp, mặc bộ áo dài tím thướt tha đang đứng trong quầy bán vé bổ sung, rồi cầm lấy chiếc vé để được đi chuyến sau hai tiếng nữa. Mặc kệ Thúy phàn nàn rằng chuyến hiện thời còn nửa tiếng nữa mới bay, rằng ở Mỹ chẳng ai để một bà mẹ có con nhỏ trong tình trạng chờ đợi như thế này.
 Tôi cứ áy náy vì cái tính không biết lo xa của tôi nên Thúy mới trễ chuyến bay. Vấn đề không phải là tiền nong mà là sức khỏe của cháu Lâm. Tôi biết Thúy xót con vì phải chờ đợi quá lâu nơi công cộng, đành nhận lỗi về phần mình: “Tại ba lề mề, nếu không giờ con đã ở trên máy bay rồi”. Biết tôi buồn Thúy nói chuyện để tôi khuây khỏa. Thúy kể về những chuyến đi từ Việt Nam qua Nhật sang Mỹ, kể về những chuyến bay nội địa ở Mỹ được các tiếp viên, được mọi người giúp đỡ như thế nào. Cuối cùng Thúy kết luận: “Ba đã đi nước ngoài dăm ba lần, chắc hẳn có cái cảm giác cứ đi hoặc đi về đến sân bay của mình là y như rằng có chuyện bức bối. Bác Thắng (bạn tôi định cư ở Phần Lan) đã có lần chẳng nói với ba là về nước thường bị gây khó khăn và thường bị vặt là gì”. Tôi chỉ cười xòa, không trả lời, vì thực ra tôi chẳng có gì để bức bối, và cũng chẳng bao giờ bị ai vặt cái gì trong những lần từ nước ngoài về. Tôi không muốn tranh luận với Thúy. Nếu ta cứ so sánh phong cách ứng xử của một xã hội hậu công nghiệp đi trước hàng trăm năm với một xã hội nông nghiệp đang trong quá trình công nghiệp hóa thì thật khập khiễng.
 Khoảng 70 % dân số Việt Nam đang làm ruộng với tư duy nông nghiệp lúa nước. Phần lớn cán bộ, viên chức của nhà nước cũng mới chỉ vừa thoát thai từ cái xã hội nông nghiệp. Thậm chí nhiều người trong số họ, ngày đi làm việc công, chiều tối về vẫn tranh thủ ra đồng “chồng cày vợ cấy”, thế thì người ta làm sao tránh khỏi cái tâm lý tiểu nông: Tự tư, tự lợi. Tôi chợt nhớ đến anh Hùng, bạn học xưa có thời học tập ở Liên Xô vào đầu những năm 70. Khi anh về nước, nói chuyện với bạn bè, anh thường so sánh ở Nga với ở Việt Nam, phong cách làm việc giữa người Nga và người Việt, trường học Nga và trường học Việt. Chúng tôi thường châm chích anh là sính Tây. Lúc đầu anh còn phân bua, sau cũng chẳng chấp chúng tôi làm gì. Bây giờ đến lượt Thúy, lại so sánh giống như bạn tôi ngày trước.
 Có một chuyện tôi đồng cảm với Thúy. Chẳng là tháng trước, chồng Thúy ở bên Mỹ được cử sang Trung Quốc công tác, có ghé về thăm bố mẹ đẻ tại thành phố Hồ Chí Minh. Vé khứ hồi do bộ phận văn phòng của cơ quan bên Mỹ đặt mua. Từ Mỹ qua Nhật về đến Thành phố Hồ Chí Minh thì không có vấn đề gì. Nhưng từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Thượng Hải thì chồng Thúy không đi được. Lý do là vì tên của chồng Thúy trong vé không đúng với tên trong visa. Chồng Thúy giải thích thế nào cũng không được qua cửa.
Trong tất cả các giấy tờ, kể cả vé đi máy bay, người Mỹ thường ghi tên người Việt nói riêng, người châu Á nói chung lên đầu, tên đệm và họ ở sau. Điều này thì hình như không đúng với visa thông lệ chung của riêng hai nước Việt - Trung, đặc biệt là quy định riêng từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Thượng Hải. Cuối cùng sợ lỡ chuyến bay, bố chồng Thúy phải bỏ ra mấy chục triệu đồng mua vé mới  kịp chuyến bay cho con trai. Điều đó làm cả gia đình đằng chồng Thúy rất bức xúc. Nhưng điều lạ là sau đó, cũng vẫn chiếc vé ban đầu ấy, chồng Thúy từ Thượng Hải trở về Mỹ lại không gặp sự cố gì. Vậy thì trong chuyện này ai đúng ai sai?
 Điều Thúy không hiểu là vẫn còn rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân trong nước theo thói quen thời quan liêu bao cấp, thường bắt các cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài phải theo thông lệ của nước mình, thay cho việc mình phải theo thông lệ quốc tế. Ngay cả ở trường nơi tôi công tác vào đầu năm 2008, khi văn phòng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm đăng kí họ tên học sinh và ngày tháng năm sinh cho một cuộc khảo sát quốc tế, theo phần mềm thông lệ quốc tế, lúc in ra giấy để giáo viên kiểm tra lại, việc máy tính đưa tên lên trước tên họ và tên đệm, đưa tháng lên trước và ngày sau đã bị gần như cả hội đồng xì xào, cười chê. Họ lập luận với tôi rằng: “Tưởng thế nào, thì ra máy tính lại có tháng 13 đến tháng 31. Máy tính đấy. Máy với chả móc. Tất cả đều thua con người hết”. Và trong con mắt họ, tôi trở thành kẻ kỹ trị lạc lõng bênh vực cho phương Tây. Nhưng điều đáng buồn hơn là cho đến tận ngày hôm nay, phần lớn các nhà trường phổ thông vẫn quản lý nhân sự, quản lí học sinh bằng các loại sổ sách truyền thống. Người ta vẫn tính điểm trung bình các môn học bằng cách tính toán như những năm 60 của thế kỉ trước.
 Thì ra vấn đề hội nhập của Việt Nam, ngay cả đối với các cán bộ và công chức trong nhà máy xí nghiệp, trong trường học, bệnh viện vẫn còn là một vấn đề rất nan giải. Nhưng thôi, đó là vấn đề của xã hội, không liên quan gì đến tôi. Vấn đề của tôi là phải cố gắng để hội nhập, nếu không, tôi sẽ không lên được máy bay của bất kì hãng hàng không quốc tế nào, chứ đừng nói đến việc sống và làm việc ở nước ngoài.


Read More

Tôi đi sang Mỹ

Leave a Comment
Mục đích tôi đi sang Mỹ lần này là thăm các con, các cháu, đồng thời dự lễ phát bằng tốt nghiệp của cô con gái thứ hai. Ngoài ra, tôi cũng muốn thăm một số trường học ở vài tiểu bang để tìm hiểu thực tế về nền giáo dục Mỹ, nhất là về chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy và thăm dò khả năng hợp tác, trao đổi học sinh trong dịp hè giữa trường tôi và một trường đối tác X nào đó nếu có thể. Đặc biệt trong chuyến đi này, bố mẹ tôi còn muốn tôi đi thăm đáp lễ ông chú, người con nuôi gốc Hoa của bà nội tôi ở bang California. Mấy năm vừa rồi, tết nào ông cũng về Việt Nam thăm gia đình tôi và mời gia đình tôi sang Mỹ chơi, nhưng bố mẹ tôi đã già, không thể đi xa được.
Ngoài lý do cá nhân riêng tư, đã từ lâu tôi rất muốn được đặt chân đến nước Mỹ, quốc gia lớn thứ 3 trên thế giới với diện tích 9,83 triệu km2, 50 bang, dân số ba trăm mười bốn triệu người. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ năm 2013 trên 15,4 nghìn tỉ đô la, chiếm gần 23% GDP toàn cầu. Thu nhập bình quân xấp xỉ 50 nghìn đô la đầu người trên năm. Người dân nước Mỹ thuộc nhóm nước có thu nhập bình quân cao nhất thế giới. Dù trải qua khủng hoảng kinh tế, dù nhiều nhà phân tích cho rằng Mỹ đang trên con đường suy yếu thì sức mạnh tổng hợp của quốc gia, sức mạnh về kinh tế, sức mạnh về quân sự, sức mạnh về khoa học công nghệ đến giữa thế kỷ 21 cũng chưa chắc có quốc gia nào cạnh tranh với Mỹ được.
 Riêng đối với mỗi người Việt Nam thuộc thế hệ trước, và thế hệ chúng tôi, nước Mỹ còn có quá nhiều duyên nợ kích thích trí tò mò để tìm hiểu, để khám phá. Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, khi đã chuẩn bị xong khúc dạo đầu cuộc Chiến tranh lạnh với học thuyết mang tên Tổng thống Harry Truman, Kế hoạch phục hưng châu Âu (kế hoạch Marshall) và thành lập Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm chống lại Liên Xô và bao vây các nước Xã hội chủ nghĩa, Tổng thống Mỹ Harry Truman  đã thay đổi thái độ về cuộc chiến tranh ở Đông Dương, tuyên bố viện trợ trực tiếp cho quân đội Pháp. Thực tế, Đế quốc Mỹ đã chi bình quân mỗi năm 1 tỷ USD, đảm  nhiệm đến 80% chi phí cho thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương.
Năm 1954, khi Hiệp định Giơnevơ về việc lập lại hòa bình, thống nhất cho dân tộc Việt Nam chưa giáo mực, đế quôc Mỹ đã thay thế Pháp tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam cho đến năm 1975. Đây là một cuộc chiến tranh kéo dài và khốc liệt nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Từ năm 1954 đến năm 1975, trải qua 5 đời tổng thống, Nhà Trắng đã chi hàng trăm tỉ USD, huy động hàng triệu lượt binh sĩ Mỹ và binh sĩ của 5 quốc gia khác vào chiến trường Việt Nam. Kết quả là người Mỹ đã thua trong cuộc chiến sau khi để mất trên ba ngàn máy bay, hàng trăm tàu chiến hiện đại, 57.259 binh sĩ tử trận, 303.704 người bị thương. Và đặc biệt là cuộc chiến này đã để lại một hậu quả hết sức nghiêm trọng cho nước Mỹ, như nhiều sử gia Mỹ đã viết, một “ Hội chứng Việt Nam” trong lòng nước Mỹ.
Với Việt Nam thiệt hại còn lớn hơn đối phương rất nhiều, vì trong chiến tranh , đế quốc Mỹ quyết tâm đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá. Tất cả những vũ khí hiện đại nhất, tất cả những phương tiên chiến tranh trừ bom nguyên tử đều được huy động tối đa vào cuộc chiến trong những năm 1960 đến nửa đầu những năm 1970. Suốt mấy chục năm, qua ba cuộc chiến tranh, rồi bao vây cấm vận thù địch từ những năm 1980 đến năm 1995 đã để lại cho đất nước này một di sản hoang tàn, khủng hoảng trầm trọng. Đau thương nhất là hơn hai triệu người con ưu tú hy sinh và ngần ấy bà mẹ, người vợ quặn thắt nỗi đau mất con, mất chồng. Gần 40 năm đã trôi qua, hàng triệu bà mẹ vẫn mòn mỏi mơ về con, có người đến lúc hấp hối vẫn còn hy vọng một ngày nào đó con mình sẽ trở về. Có biết bao người phụ nữ Việt Nam đêm đêm vẫn run run thắp nén hương cho con, cho chồng... Đến giờ, khi  tôi nhớ lại cảnh nhiều bà mẹ, nghẹn ngào tiễn con ra trận trong chiến tranh, trong số đó nhiều người chết lặng đi trong lễ báo tử mà không cầm được nước mắt.
Tôi biết một bà mẹ ở miền Trung, bà mẹ Thứ ở thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Hồi trẻ bà là một cô gái đẹp của vùng trồng dâu nuôi tằm bên dòng sông Thu Bồn. Lớn lên khi lập gia đình, mẹ Thứ sinh được mười hai người con. Năm 1949 cùng lúc mẹ nhận được ba giấy báo tử của các con hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tiếp đến, sáu người con lần lượt hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ. Cũng trong thời điểm ấy, mẹ lại nhận được giấy báo tử của con rể và cháu ngoại. Tôi không hiểu người Pháp, người Mỹ có ai đo được nỗi đau xé lòng của bà mẹ này? Và có người Pháp, người Mỹ nào bù đắp để làm vợi đi một phần sự đau thương đến tột cùng này? Riêng cá nhân tôi, cứ đến ngày 27 tháng 7 hàng năm, khi đi viếng nghĩa trang liệt sĩ, găp lại những bà mẹ, những người vợ nức nở bên mộ chồng, mộ con, lòng tôi lại nghẹn ngào, nước mắt giàn giụa.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc. Tôi ngỡ tưởng hòa bình sẽ trở lại dài lâu. Nào ngờ hết chiến tranh ở mặt trận Tây Nam lại đến mặt trận phía bắc. Tôi càng thêm thấu hiểu câu nói của ông cha mình “Vật đổi sao dời” và mới thấy hết ý nghĩa lời của một chính khách người Anh “Không có đồng minh vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích dân tộc là vĩnh viễn”.
Trong bối cảnh mới, Việt Nam phải tìm cách chuyển hướng đối ngoại, thương thảo gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á, thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Tháng 7 năm 1995, Việt Nam chính thức là thành viên thứ 7 của ASEAN. Đó là kết quả của của việc thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng, đa phương hóa, chủ động hội nhập của Việt Nam. Gia nhập ASEAN là một quyết sách đúng đắn, kịp thời, có ý nghĩa lịch sử và chiến lược quan trọng. Nó vượt qua cái thời kỳ nghi kỵ, thù địch giữa Việt Nam với các nước trong khu vực. Nó có thể chấm dứt cảnh tan đàn xẻ nghé do những tác động từ bên ngoài. Kể từ đây, Việt Nam bắt đầu đi chung trên một con thuyền ASEAN, cùng các nước hợp tác làm ăn, đầu tư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cùng chèo chống trước bão giông sóng cả để giữ vững hòa bình và ổn định khu vực. Điều này, trước đó chưa hề có, vì một thời các nước Đông Nam Á bị lôi cuốn vào chiến tranh Việt Nam và sau đó là bao vây cô lập Việt Nam khi Việt Nam cứu giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.
Với Mỹ, Việt Nam có những cam kết và thiện chí trong vấn đề nhân đạo tìm kiếm lính Mỹ bị chết trong chiến tranh. Đáp lại, tháng 3 năm 1993 Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm các khoản vay song phương, đa phương dành cho Việt Nam, mở đường cho Việt Nam tiếp cận các khoản vay tín dụng nước ngoài. Sau hai mươi năm kể từ khi kết thúc cuộc chiến, ngày 12 tháng 7 năm 1995, Việt Nam và Hoa Kỳ mới chính thức bình thường hóa quan hệ. Thực ra trước đó hai nước đã có những cuộc tiếp xúc vào những năm 1977 và 1978, nhưng có lẽ tình hình thế giới và quan điểm hai bên còn quá khác biệt, thêm vào đó là thời gian chưa đủ cho hai bên quên đi tiếng súng đạn của một thời để đến với nhau.
Từ chỗ là kẻ thù của nhau, bây giờ quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ. Hai nước đã tạo được nền tảng vững chắc trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị , an ninh , quốc phòng đến kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật, các vấn đề nhân đạo, giải quyết hậu quả chất độc da cam, hợp tác trong các vấn đề khu vực và toàn cầu như ứng phó với biến đổi khí hậu, chống khủng bố, không phổ biến vũ khí hạt nhân… Tính đến hết năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt trên 20 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư đăng ký của Mỹ vào Việt Nam lên tới 13, 24 tỷ USD. Nếu người tiêu dùng Mỹ biết đến hàng may mặc, giày dép, cà phê, cao su, đồ gỗ, con tôm, con cá, hoa quả của người Việt Nam thì người Việt Nam đã biết đến Citibank, Intel, Microsoft, IBM, GE, Chevron, máy bay Boing của Mỹ.
Hai nước đã xây dựng được khuôn khổ quan hệ đối tác tích cực, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Bước phát triển trong quan hệ giữa hai nước không chỉ là hàn gắn vết thương chiến tranh, thể hiện ở sự mở rộng các lĩnh vực hơp tác cùng có lợi mà còn ở sự khẳng định ủng hộ lẫn nhau trong quan hệ quốc tế, nhất là hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực Đông Nam Á và cả châu Á Thái Bình Dương. Đặc biệt trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang theo lời mời của Tổng thống Obama từ ngày 24 tháng 7 đến ngày 26 tháng 7 năm 2013, hai bên đã nâng mối quan hệ hai nước thành mối quan hệ đối tác toàn diện; định hình và làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương trong giai đoạn mới cả về bề rộng và chiều sâu trong các lĩnh vực kinh tế , thương mại, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, kể cả an ninh và quốc phòng. Kết quả chuyến thăm cũng khẳng định sự cam kết của hai bên nhằm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định có thể giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới, thúc đẩy các mục tiêu phát triển, tạo thêm nhiều công ăn việc làm ở Việt Nam.
Nhìn lại mối quan hệ Việt – Mỹ, bắt đầu từ năm 1845, khi chiếc thuyền Constitution của Hoa Kỳ cập bến Đà Nẵng, thuyền trưởng John Percival đến liên lạc với triều đình nhà Nguyễn nhằm đặt mối quan hệ bang giao. Rồi đến năm 1873, vua Tự Đức cử sứ thần sang Mỹ cầu viện nhưng không thành. Năm 1919, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi Bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam tới Hội nghị Vécxây cho Tổng thống Mỹ Wooddrow Wilson nhưng không được hồi âm. Đến đầu những năm 40 của thế kỷ trước, cơ quan OSS, tiền thân CIA đã giúp đỡ Việt Minh thuốc men, vũ khí để chống phát xít Nhật. Việt Minh cũng giúp lực lượng Mỹ tin tức tình báo, cứu giúp các binh lính Mỹ ở Việt Nam. Và ngay sau khi giành độc lập, tháng 3 năm1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư cho Tổng thống Truman đề nghị phía Mỹ Công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và thiết lập mối quan hệ bang giao giữa hai quốc gia. Nhưng do những lý do lịch sử, những cơ hội đó đã bị phía Hoa Kỳ bỏ qua. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, mối quan hệ giữa hai nước có thể ví như “ Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh”. Tiếp đến, có thêm cả một chương hơn hai mươi năm dài đầy máu và nước mắt cho cả hai dân tộc. Theo tôi, đã đến lúc nên biến cái di sản đau buồn của hai nước thành tài sản, biến chúng thành tình hữu nghị, hơp tác; vì hai nước có những lợi ích chung và vì nó có thể giúp Việt Nam mạnh lên trong thử thách hiện tại và tương lai.
Vả lại, những người lính thuộc hai chiến tuyến năm xưa trực tiếp xung trận, sinh tử đối đầu nhau cũng đã gác lại quá khứ, trao cho nhau những kỷ vật đầy xúc động của những người đã mất như cuốn Nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Nhật ký của liệt sĩ Vũ Đình Toàn, những bức thư được viết chưa kịp gửi trong thời khắc cuối cùng cuộc đời của Trung sĩ Steve Flaherty. Cựu binh Mỹ Homer ở bang Virginia, người đã bắn chết một chiến sĩ mà người ta gọi là Cộng sản, cũng đã tìm đến một làng quê hẻo lánh ở Thái Bình sau gần 40 năm chiến tranh kết thúc, để trao lại chiếc ba lô cho vợ người lính bên kia chiến tuyến và cầu xin sự tha thứ sau bao nhiêu năm đằng đẵng dằn vặt... Tôi tin rằng những lợi ích trước mắt và những lợi ích lâu dài sẽ tiếp tục đưa mối quan hệ hai nước tới một tương lai tốt đẹp hơn.


Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.