Bước đột phá trong thơ Nguyễn Thi Điệp

Leave a Comment

 Bước đột phá trong thơ Nguyễn Thi Điệp

Tôi đã quen biết Điệp từ lâu, từ khi còn là giáo sinh của trường sư phạm. Sau khi ra trường mỗi người một ngả. Dù xa xôi cách trở nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên.
Những năm gần đây Điệp viết khá nhiều, như một lẽ tự nhiên, chất thơ hồn hậu, chân thành và giản dị. Theo dòng thời gian, thơ Điệp đọng lại trong tôi nhiều ấn tượng, một giọng thơ riêng, chan chứa tình yêu thương. Đích thực là một hồn thơ có triển vọng. Mấy năm trước tôi đã khuyên Điệp nên gom thơ lại xuất bản. Và tôi thật sự coi Điệp là một nhà thơ.
Đáp lại Điệp từng hỏi tôi: “Có được không? Nếu có thể được thì nhờ các bạn góp ý thêm nhiều”. Bắt đầu từ đó tôi thấy thơ Điệp xuất hiện trong các tuyển tập in chung. Rất mừng cho bạn. Và thật bất ngờ, cách đây mấy tuần, nhân kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ Điệp đến tặng anh em thương binh trong lớp chúng tôi tập thơ đầu tay “Khúc yêu thương”.
Đọc hơn 80 bài thơ viết về nhiều đề tài: Gia đình, người thân, bạn bè, thiên nhiên với đất trời, biển cả, cỏ cây, hoa lá và tự bôc bạch, tôi thấy cho dù viết về đề tài nào thì thơ Điệp vẫn mang một nét riêng mà tôi đã được đọc trước đó qua trang Facebook. Chỉ có điều tập thơ cho tôi một cái nhìn hệ thống hơn để hiểu thêm về thơ và con người Điệp, một hồn thơ tự nhiên, hồn hậu, chân thành, giản dị như chính con người Điệp bao năm qua. Mỗi câu chữ, lời thơ, vần điệu gần như không có sự gia công, gọt rũa, cứ lặng lẽ tuôn trào theo mạch cảm xúc mà vẫn lung linh rạng ngời, réo rắt ngân xa.
Xuyên suốt tập thơ giống như tên gọi tác giả đặt “Khúc hát yêu thương”, với giọng điệu thầm thì, thủ thỉ tôi còn nghe thấy có cả âm điệu xốn sang, thổn thức, và nỗi đau của “ngày hôm qua” và của “ngày hôm nay” như cuộc sống Điệp đã trải nghiệm. Cảm nghĩ của Điệp đi từ trái tim của người viết đến trái tim người đọc với bao nét đồng điệu. Có một số bài còn gợi cho tôi thấy một điều gì đó khác nữa. Điệp giàu lòng trắc ẩn, nhưng vì đã mất mát nhiều trong cuộc sống nên trong thơ Điệp có nỗi sợ điều vô tình, phũ phàng. Bài thơ “Xin đừng” như lời thảng thốt đến nhói lòng: “ Xin đừng đem nắng chang chang/Rải lên đám cỏ đã vàng vọt khô!”…
Thiên nhiên trong “Khúc yêu thương” đẹp, thấm đẫm tình yêu thương. Tuy vậy có lúc bàng bạc xen lẫn nỗi u hoài, đơn chiếc. Có đôi bài thiên nhiên như một nét tươi mới với hoàng hôn chiều tà lung linh “như có cả bình minh”, người đọc thấy Điệp không còn khép mình “chẳng thấy bóng đêm”. Nhưng có cái gì đó vẫn mặc cảm, một buổi chiều tà thơ thẩn Điệp lại thấy “Nỗi niềm cô quả chẳng vê đã tròn” với “cái bóng chênh vênh” của mình. Điệp vẫn chưa ra khỏi cái bóng “quá khứ” đang đeo bám…
Thỉnh thoảng tôi vẫn đọc lại tập thơ “Khúc hát yêu thương” để giải mã một số khúc mắc trong hình tượng thơ của Điệp thì nhận được bản thảo tâp thơ mới “Bóng sông”. Điệp nhờ tôi viết lời giới thiệu cho tập thơ này. Bóng sông là tên một bài trong tập thơ. Bao năm qua cũng như nhiều người, Điệp không giống như dòng sông chảy xuôi chiều “Cứ đi ngược lại quãng đời đã qua”. Đến một ngày Điệp nhận ra “Bao giờ ta lại là ta/ Thì sông cùng với lòng ta xuôi dòng”, tức là cứ thuận theo tự nhiên.Tôi đọc liền một mạch và chợt hiểu những điều gì đó mình chưa kịp hiểu.
Nếu như tập thơ trước tôi chỉ thấy ngày hôm qua và ngày hôm nay thì trong tập thơ này tôi bắt đầu thấy ngày mai, thấy tương lai của cuộc sống và con người. Đây là một bước tiến, bước đột phá trong thơ Điệp. Bởi con người ta không thể chìm mãi trong quá khứ và cái riêng của mình. Với tư cách là một nhà thơ, người sáng tạo thì tác giả phải hướng mình và đọc giả tới tương lai. Chính ánh sáng của tình yêu, của tương lai đã nâng cánh cho Điệp những sáng tạo mới. Bài thơ ‘Hình như” là một dự cảm mở ra một cuộc sống mới: “Bóng chiều lừng lững không trung/ Hình như tan để thấy rừng mênh mông”.
Tôi thích bài thơ “Níu lại mặt trời”. Đọc kỹ bài thơ tôi không thấy ở Điệp một U70, không phải là “một thời thiếu nữ” mà là một thiếu nữ, một nhân vật trữ tình, hồn nhiên đang reo vui với mình, với người trong tình yêu: “Mặt trời bỗng mỉm cười/ Sà vào tay em đấy”, để rồi mặt trời “tỏa ngàn tia ấm áp” trong lòng bàn tay mình, trong lòng người. Thật lãng mạn, ngọt ngào. Đó là tiếng lòng của tương lai. Đó là ánh sáng tương lai Điệp đã sáng tạo ra được. Giống như nhà thơ Tagore thi hào vĩ đại Ấn Độ đã sáng tạo ra hình ảnh trò chơi bất hủ mẹ con trong bài thơ Mây và sóng. Thật Kỳ diệu!
Tôi thật sự ngạc nhiên! Nối tiếp cái tự nhiên, hồn hậu, chân thành, giản dị, Điệp đã có một bước đột phá trong hình tượng thơ ở tập thơ mới này. Điệp đã vượt qua được chính mình. Điều này rất khó với những người làm thơ, kể cả những “nhà thơ chuyên nghiệp”. Thật đáng trân trọng. Nếu như đọc tập thơ Khúc yêu thương tôi thường chỉ thấy cái tôi của Điệp, cái “tôi” riêng biệt của Điệp (thực ra cái đó rất cần trong cá tính sáng tạo nghệ thuật) thì ở tập thơ “Bóng sông” tôi đã thấy thêm được cái “ta” chung trong thơ Điệp. Tôi thấy có cái cảm nghĩ và tâm trạng của mình và của những người khác trong thơ. Và thấp thoáng đâu đó ở một vài bài còn thấy có cái ta chung của cả “con người và thời đại một cách cao đẹp”.
Vẫn những đề tài trong tập thơ đầu, nhưng ở tập thơ thứ hai Điệp đã mở rộng thêm một mảng đề tài mới, đề tài người lính với sự hy sinh mất mát. Nó như một “mỏ quặng mới” khai thác, diễn tả nội tâm của Điệp qua những bài như Khoảng trống, Nói với anh, Đợi, Sáng mãi nụ cười tuổi hai mươi… Tôi vẫn cảm nhận được cái hồn thơ hồn hậu với chất quê mặn mà và sâu lắng. Tôi cảm nhận thêm được hơi thở và nhịp đập của một trái tim giàu tình nghĩa rộng lớn hơn. Tôi cảm nhận được tiến lòng với những đặc trưng thẩm mỹ của một tâm hồn đa cảm của Điệp và cái tình cảm riêng này gắn liền với cái tình cảm chung của dân tộc khiến tôi hứng thú, say mê thực sự. Nếu còn đi theo hướng này, tôi tin thơ của Điệp còn tiềm ẩn những "chất quặng" mới mà chưa được khám phá.
Về thiên nhiên trong “Bóng sông”, vẫn là những đề tài cũ của tập thơ đầu, nhưng nó mang thêm một nét mới. Coi thiên nhiên như một người bạn tâm giao gắn bó, Điệp sáng tạo những hình tượng thiên nhiên vừa hoang sơ, vừa gần gũi, thân thương. Thiên nhiên trong thơ Điệp đầy màu sắc và âm thanh, một hình tượng huyền ảo, dịu dàng, đầy tâm trạng. Trong tập thơ này cũng có mấy bài thơ về hoàng hôn, nếu so sánh với mấy bài thơ về hoàng hôn trong tập thơ trước tôi lại thấy một bước tiến nữa trong thơ của Điệp.
Tôi thích nhất bài “Cảm tác hoàng hôn 1”. Hình ảnh hoàng hôn hay chiều tà trong bài thơ này vẫn đẹp như những bài thơ ở tập đầu, nhưng người đọc không thấy buồn, thấy đơn chiếc. Người đọc thấy cái khát khao, cái giận hờn, thấy cánh diều tuổi thơ, thấy bờ tương tư nước cứ dâng đầy, thấy vườn nhân ái cây cổ thụ nối vụ nảy chồi, thấy lời ru của mẹ… Bài thơ đa chiều cảm xúc. Tác giả như hóa thân vào thiên nhiên để biểu hiện tình cảm, rất riêng nhưng cũng rất chung khiến người đọc liên tưởng, tiếp nhận, đồng sáng tạo theo.
Có thể nói nhiều bài thơ thiên nhiên trong “Bóng sông” đã bùng nổ cảm xúc. Tôi đọc những bài “Tiệc sang”, “Dừng chân”, “Khúc ru thời gian”, “Hương núi mây bay”, “Màu sống”, “Ngẫu hứng thời gian”, “Chiều biên cương”, “Biển 1”, “Biển 2”, “Đá”, “Rừng”… Đọc những bài thơ này tôi thấy như mình bay lên trong tiến ru “chim hót trong ngần”, trong muôn khúc nhac tiếng ca cuộc đời”; tôi như hòa tan vào ‘khúc tình ca của biển cả”, “trào dâng trắng xóa” như “những nụ hôn khao khát dâng bờ” với bao cung bậc cảm xúc của người viết. Cảm ơn Điệp, bạn đã khiến tôi khát khao và thêm yêu cuộc sống này. Cái gì đã khiến thiên nhiên như có một tâm hồn mới, một sức sống mới trong thơ Điệp để người đọc đồng cảm với bao nỗi buồn vui của người viết. Tôi nghĩ đó là tấm lòng rộng mở, đó là tình yêu hướng tới tương lai. Đó là cái tôi hòa với cái ta. Và còn cả cái gì đó mà tôi chưa nói ra được.
Tôi sợ rằng mình là bạn Điệp nên có những nhận xét hơi thiên vị về thơ bạn. Nhưng nếu có thì tôi cho rằng cũng là lẽ thường tình. Để cho khách quan, thì bài “Thơ tình mùa thu” anh Văn Nhân đã bình và nói hộ tôi rồi.
Đúng vậy, con người và cuộc đời sẽ đẹp hơn rất nhiều, rất nhiều khi chúng ta biết tìm và đón nhận một tình yêu đích thực! Thật hạnh phúc biết bao khi được nghe những lời thủ thỉ bên tai, những lời của người mình yêu: “Dù mai sau tuổi ngả bóng liêu xiêu…/Của tim yêu như ngày mới ban đầu.”
Có thể nói bài “Thơ tình mùa thu” là một bài thơ tình chân thành và nồng say, nồng say nhưng vẫn không lấn át và làm mờ đi những vẻ đẹp, nết na, mực thước của một phụ nữ. Thiết nghĩ, thơ đâu cần cứ phải cầu kỳ câu chữ, đánh bóng từ ngữ mà ý nghĩa sâu sắc của bài thơ và tình thơ được toát lên từ cách viết giản dị của tác giả mới càng thấy thú vị!
Cuối cùng mong rằng Điệp sẽ ra tập thơ mới, đột phá hơn, chẳng hạn như mở rộng thêm đề tài, hài hòa giữa cái tôi và cái ta, nối tiếp những bài thơ “đốt cháy trái tim để đi đến trí tuệ”, và nếu được thì có những bài “đốt cháy trí tuệ để đến với trái tim” độc giả. Mình và các bạn luôn hy vọng ở điều đó…
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.