Nước cờ mới trên Biển Đông

Leave a Comment

 Nước cờ mới trên bàn cờ Biển Đông

Nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự cuộc thảo luận cấp cao trực tuyến ngày 9/8/2021. Chủ đề thảo luận là “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế” do Thủ tướng Ấn Độ chủ trì. Đây là lần đầu tiên 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) tổ chức cuộc họp chính thức về chủ đề an ninh biển (Việt Nam được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021).
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ba đề xuất để ứng phó hiệu quả với các thách thức về an ninh biển. Có thể tóm tắt ngắn gọn lại:
Thứ nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng các nước cần có nhận thức toàn diện, đầy đủ về tầm quan trọng của biển và những nguy cơ đe dọa về an ninh biển. Từ đó đề cao trách nhiệm, quyết tâm chính trị, củng cố lòng tin và xây dựng cơ chế hợp tác, hiệu quả để bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển.
Thứ hai, an ninh biển là vấn đề toàn cầu nên cần có giải pháp toàn cầu. Do đó, Thủ tướng Việt Nam đề xuất thiết lập một mạng lưới các cơ chế, sáng kiến về an ninh biển khu vực do LHQ điều phối để tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hành động, kịp thời ứng phó với các thách thức chung.
Thứ ba, chính sách, pháp luật và ứng xử của các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương LHQ và Công ước của LHQ về Luật biển 1982 (United Nations Convention on Law of the Sea, viết tắt là UNCLOS); tôn trọng quyền, lợi ích và hoạt động kinh tế hợp pháp của các quốc gia ven biển, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế…
Tôi được biết trước đó khoảng một tháng, Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng Việt Nam đã có cuộc tham vấn về nội dung cuộc thảo luận này. Tôi không biết nội dung cuộc tham vấn, nhưng tôi nghĩ giữa hai thủ tướng đã có sự trao đổi sâu sắc về nội dung chương trình nghị sự và những nội dung mà phía Việt Nam sẽ nêu ra trong cuộc họp. Chỉ biết sau phiên thảo luận tất cả các nước thành viên Hội đồng Bảo an, nhiều quốc gia, nhiều chính khách, nhiều nhà phân tích, học giả quốc tế đánh giá rất cao bài phát biểu của phía Việt Nam; ngoại trừ “một nước không vui” khi Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra ba đề xuất trên.
Vậy nội dung Bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính có gì mới và đáng chú ý?
Đề xuất thứ nhất mà Thủ tướng trình bày đã được nhiều quốc gia nhắc đến trước đó, nhất là các cường quốc thương mại, các quốc gia tiếp giáp với biển, nhưng vẫn là vấn đề mới vì không phải quốc gia nào cũng có “nhận thức toàn diện, đầy đủ về tầm quan trọng của biển và những nguy cơ đe dọa an ninh biển”.
Ở Biển Đông, không chỉ tồn tại thách thức về sự ổn định, phát triển và độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia ven biển (an ninh truyền thống) mà còn tồn tại những thách thức về khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, môi trường, di cư, an ninh năng lượng, an ninh con người (an ninh phi truyền thống). Vì vậy cho nên các nước đều phải nâng cao nhận thức về an ninh biển. Và Biển Đông không phải là câu chuyện riêng giữa các bên tranh chấp với nhau (giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia) mà là câu chuyện chung của khu vực và của cả quốc tế.
Tôi cho rằng đề xuất thứ hai mà Thủ tướng Việt Nam nêu ra là vấn đề rất mới, một bước đi, một nước cờ mới có nhiều ý nghĩa trên bàn cờ Biển Đông, phù hợp với xu thế của thời đại. “An ninh biển là vấn đề toàn cầu nên cần có giải pháp toàn cầu” (lập luận không ai có thể bác bỏ được). Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề xuất LHQ thiết lập một mạng lưới cơ chế, sáng kiến về an ninh biển để phối hợp và ứng phó với các thách thức chung. Có nghĩa là phải quốc tế hóa vấn đề an ninh biển, trong đó có Biển Đông, do Liên Hợp Quốc điều phối. Vấn đề này từ trước đến nay Trung Quốc không bao giờ chấp nhận.
Trung Quốc chỉ đàm phán song phương với từng quốc gia để dễ bề áp đặt, lấn lướt vì lợi ích chiến lược của Bắc Kinh. Khi buộc phải đàm phán với cả khối ASEAN, họ từ chối đàm phán các vấn đề mà tổ chức này thống nhất đặt lên bàn đàm phán. Họ yêu cầu cùng với 10 nước tham gia xem xét từng vấn đề, lợi dụng các nước không có lợi ích trực tiếp trên Biển Đông và sử dụng các nước này ép các nước “cứng đầu” thỏa hiệp với những điều khoản có lợi nhất cho họ.
Ngày 12/7/2016 Tòa trọng tài Quốc tế bác bỏ những yêu sách chủ quyền lịch sử, quy chế đảo và sự chiếm hữu trái phép các thực thể ở Biển Đông của Trung Quốc. Trước sức ép của dư luận, Bắc Kinh buộc phải đàm phán với ASEAN về Bộ Quy tắc úng xử ở Biển Đông (Code of Conduct, viết tắt là COC). Ngày 6/8/2017 ASEAN và Trung Quốc thông qua Dự thảo Khung của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông còn khiếm khuyết (dài hơn một trang giấy khổ A4).
Đúng là dư luận cộng đồng thế giới đã và đang thúc đẩy ASEAN cùng Trung Quốc sớm xây dựng một COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982, đặc biệt là không dược làm tổn hại đến bên thứ 3. Cũng chính vì thế nên COC không bị chìm xuồng vì sóng, gió và đá ngầm (Trung Quốc yêu cầu các nước chỉ được khai thác dầu khí với các công ty của Trung Quốc, không được hợp tác với bên ngoài; không được tập trận với bên ngoài). Liệu con thuyền COC có “xuôi chèo, mát mái” về đích hay không còn là một câu chuyện rất dài.
Vì sao sau thời gian dài đàm phán, hai bên vẫn chưa chạm tới cái “lõi rắn” của COC. Trước hết là phạm vi địa lý áp dụng của COC. Nếu thỏa hiệp, chấp nhận tuyên bố chủ quyền dựa trên yêu sách lịch sử, không phù hợp với UNCLOS 1982 và bị Tòa Trọng tài thường trực ở The Hague bác bỏ thì phạm vi địa lý áp dụng của COC trên Biển Đông chỉ còn là danh nghĩa. Với Việt Nam, chẳng lẽ lại chấp nhận việc không đưa Quẩn đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào phạm vi điều chỉnh của COC?
Vấn đề cốt yếu nữa là các bên phải coi COC là một văn bản ràng buộc về pháp lý. Nếu không có các cơ chế, quy định cụ thể, rõ ràng để giám sát, bảo đảm tuân thủ pháp luật thì lại giống như Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (Declaration on Conduct of the Parties in the South China Sea, viết tắt là DOC), một tuyên bố hai bên đã ký cuối năm 2002 nhưng không ngăn được Trung Quốc quân sự hóa các bãi đá và xâm phạm chủ quyền, gây hấn với các nước trên Biển Đông. Vì vậy, nội dung chính của COC phải là cơ chế hay công cụ giải quyết tranh chấp. Các bên có chấp nhận cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc không? Có chấp nhận giải quyết tranh chấp ở các Tòa án quốc tế không? Ngoài ra, COC cũng cần đề cập đến vai trò của bên thứ ba, liệu Trung Quốc có chấp nhận chịu bó chân bó tay mình không?
Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ những vấn đề “cốt lõi” nói trên, trong đó có phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016. Càng cụ thể thì đàm phán càng gay go. Chỉ có định lượng cụ thể, ràng buộc pháp lý, thì COC mới thực sự hiệu quả. Trong cuộc chơi này, Bắc Kinh đang có nhiều lợi thế. Sức mạnh kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ, cùng với hệ thống các bãi đá được cải tạo, mở rộng tạo ưu thế vượt trội so với các nước ASEAN.
Hơn bất cứ nước nào Việt Nam cần có một COC thực chất và có hiệu quả trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, UNCLOS năm 1982. Nhưng chắc Việt Nam thấy COC còn quá xa vời. Dù rất coi trọng ASEAN nhưng Việt Nam không thể trông chờ vào ASEAN. Đã hơn hai lần tổ chức này không ra nổi tuyên bố về Biển Đông để bảo vệ quyền lợi của các thành viên vào thời điểm cần nhất. Chính vì vậy Thủ tướng Việt Nam đã đề xuất vấn đề ra Hội đồng Bảo an LHQ để tranh thủ sự ủng hộ của tổ chức lớn nhất thế giới, tranh thủ sự ủng hộ và sức mạnh của cơ quan quyền lực cao nhất trong việc giữ gìn, bảo vệ hòa bình của LHQ ở Biển Đông.
Đề xuất của Việt Nam vào đúng thời điểm thuận lợi. Liên tiếp từ cuối năm 2019, năm 2020 đến 7 tháng đầu năm 2021, một “cuộc chiến công hàm” của nhiều quốc gia gửi lên LHQ phản đồi yêu cầu bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhiều nước công nhận Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế về Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc thực hiện nghĩa vụ của mình. Trong đó có Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, những nước có tiếng nói và ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế.
Đúng như giới quan sát dự kiến, Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ chỉ trích lẫn nhau về vấn đề Biển Đông tại cuộc thảo luận đầu tiên của Hội Đồng Bảo an về hồ sơ an ninh biển. Đó là một cuộc khẩu chiến gay gắt. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tố cáo những hành động phí pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, tố cáo hành vi quân sự hóa trái phép ở Biển Đông; hù dọa, bắt nạt nhắm vào các láng giềng; không cho các nước khai thác các tài nguyên biển mà các nước này được quyền hưởng theo luật lệ quốc tế…
Trước những đòn tấn công của một số nước, đặc biệt là Mỹ, phản ứng của đại diện Trung Quốc tại cuộc thảo luận rất thô bạo và không đúng chuẩn mực ngoại giao. Dấu hiệu đó cho thấy Bắc Kinh đuối lý, bị dồn vào thế thủ như con thú bị thương. Trung Quốc cáo buộc ngược Washington về những hành động mà Bắc Kinh cho là tự ý điều tàu thuyền và máy bay vào Biển Đông để “khiêu khích và công khai gây hiểm khích giữa các nước trong khu vực” (rất lạc lõng và phi lý). Trung Quốc còn cho rằng Hội Đồng Bảo an không phải là nơi để bàn về Biển Đông (không biết theo Trung Quốc thảo luận về anh ninh biển mà không bàn đến Biển Đông thì bàn về cái gì).
Đề xuất thứ ba, Thủ tướng Việt Nam đưa ra là các chính sách, pháp luật và ứng xử của các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế. Đề xuất này không có gì mới. Tôi nghĩ sinh viên ở bất cứ nước nào tại các trường đại học, khi học về công pháp quốc tế thì đều được trang bị kiến thức này, chứ chưa nói tới phương diện nhà nước và các nhà chính trị. Đề xuất của Thủ tướng là lời nhắc nhở một số quốc gia về điều sơ đẳng mà họ cố tình quên để đi theo con đường dân tộc chủ nghĩa bành trướng nhằm xét lại luật pháp quốc tế (đi theo con đường giống như Phát xít Đức và Phát xít Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ 2). Đó cũng là lời cảnh báo với thế giới về một thực tế nguy hiểm, không an toàn cho vấn đề an ninh Biển Đông.
Ngay trong thời gian cuộc thảo luận và sau cuộc thảo luận, Trung quốc đã kêu gọi các nước “tôn trọng quyền tư pháp quốc gia”, tức là luật pháp của Trung Quốc. Bắc Kinh lập lờ muốn sử dụng luật quốc gia điều chỉnh những vấn đề trong nước, thay cho luật quốc tế điều chỉnh giữa các chủ thể trong quan hệ quốc tế. Họ ban hành một loạt luật về biển bao trùm Biển Đông, trong đó có Bộ luật Hải cảnh. Luật cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc bắn vào tầu nước ngoài, được phép đốt phá các thực thể trong đường lưỡi bò (xin xem bài viết của tôi: Dã tâm của Trung Quốc khi thông qua Bộ luật Hải cảnh cũng trong trang Facebook này). Bắc kinh đang tìm cách thay thế luật quốc tế bằng luật của quốc gia. Họ đang đi trên con đường nguy hiểm, đặt luật trong nước lên trên luật quốc tế để thực hiện tham vọng của mình.
Cũng như dư luận chung của quốc tế, tôi đánh giá rất cao bài phát biểu của Thủ Tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị về an ninh biển của Hội đồng Bảo an. Nó vừa thể hiện quan điểm đúng đắn của Việt Nam trong việc duy trì hòa bình và bảo vệ an ninh trên biển, vừa thể hiện ý chí kiên định, nhất quán nhiều năm qua trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Liệu Hội đồng Bảo an và Đại Hội đồng LHQ có xem vấn đề Biển Đông là vấn đề toàn cầu? Liệu hai cơ quan quan trọng nhất này có thành lập một mạng lưới các cơ chế, sáng kiến về an ninh biển, trong đó có Biển Đông do cơ quan này điều phối? Chỉ biết Nhật báo Ấn Độ Hindustan Times ngày 10/8/2021 tiết lộ, theo thông lệ, sau khi Hội nghị về an ninh biển kết thúc, một bản tuyên bố của Chủ tịch Hội Đồng Bảo an phải được nhất trí thông qua. Tuy nhiên công việc này đã bị trì hoãn đến phút cuối vì Trung Quốc chống lại những từ ngữ liên quan đến việc Trung Quốc thi hành Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Các nhà đàm phán Ấn Độ đã phải nỗ lực tìm ra cách nói sao cho tất cả các thành viên chấp nhận được mà không bỏ qua phần nhắc đến UNCLOS, điều mà toàn bộ bốn thành viên thường trực còn lại của Hội Đồng Bảo an nhất quyết duy trì. Nếu Ấn Độ, với tư cách là Chủ tịch luân phiên không sửa văn bản, Trung Quốc sẽ sử dụng quyền phủ quyết.
Cuối cùng Tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an cũng đã được thông qua. Nhưng tôi thấy còn rất nhiều vấn đề bỏ ngỏ. Chắc việc giữ gìn chủ quyền biển đảo của Việt Nam còn “phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa”. Song tôi tin vào bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam. Bước đầu bàn cờ Biển Đông đã thực sự trở thành vấn đề toàn cầu, không phải là cái ao nhà của riêng Trung Quốc. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, bảo vệ UNCLOS, Việt Nam thực sự đã có những đóng góp nhất định chống lại tư tưởng và hành động bành trướng trên biển.
Chu Quoc Khanh, Nguyễn Lê Duyên và 50 người khác
49 bình luận
6 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.