Nhớ về A Bia

Leave a Comment

 Nhớ về A Bia

Kỷ niệm ngày 30/4, ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 Hà nội phối hợp với ban liên lạc trung đoàn 3 Quảng Ninh, Phú Thọ, Tuyên Quang và Thái Nguyên tổ chức chuyến đi hai ngày thăm nhà tưởng niệm Bác Hồ, lán Nà Nưa, mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, bảo tàng và một số di tích lịch sử tại ATK Thái Nguyên; Cũng nhân dịp này anh em trong ban liên lạc một số tỉnh phía bắc đến thăm một số đồng đội ở Thái Nguyên đang đau ốm, gặp gỡ giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại với nhân dân địa phương để nhớ về một thời…
Chuyến đi này chúng tôi gặp lại một số anh đã gia nhập trung đoàn từ những ngày đầu đánh Mỹ, lớp các anh tham gia nhập ngũ năm 1967, năm 1968. Nay phần lớn các anh đã trên dưới 75. Trong số đó có anh Đào Quang Đới, người cho đến thời gian gần đây anh em đồng đội vẫn đề nghị nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng.
Thực ra, trước chuyến đi này tôi đã gặp anh Đới mấy lần tại Hội thảo 50 năm chiến thắng A Bia và Kỷ niệm 50 năm chiến thắng A Bia tại Huyện A Lưới, Thừa Thiên. Tuy nhiên tôi chưa có dịp nào trò chuyện với anh. Chuyến đi này tôi quyết không bỏ lỡ, đeo bám theo anh hai ngày. Vì tôi ở Tiểu đoàn 8 nên ít có dịp gặp gỡ cán bộ chiến sỹ Tiểu đoàn 7. Anh Đới là chiến sỹ duy nhất mà tôi được biết, người có thể giải đáp cho tôi về trận vận động tấn công của Đại đội 2, Tiểu đoàn 7 trong trận đánh chiếm điểm cao 916 ngày 17/5, trận đánh mà tôi vẫn còn mù mờ trong khi dịch cuốn Đồi Thịt Băm.
Vào lúc xe dừng nghỉ giải lao trên đường đi Thái Nguyên, tôi kéo anh Đới ra một quán nước, vừa đi vừa hỏi: “Em đã nghe và đọc bài tham luận của anh ở hội thảo 50 năm tại A Lưới, đã nghe anh kể về những trận đánh ở A Bia trong buổi giao lưu tại lễ kỷ niệm 50 chiến thắng A Bia-935, Cốc Bai tại Hà Nội. Nhưng vẫn còn nhiều điều muốn hỏi anh. Anh có còn nhớ trận đánh trên điểm cao 916 không”. Anh cười trả lời: “Cho đến nay anh vẫn không thể quên những ngày ác liệt đó, không chỉ vì những kỷ niệm mất mát đau thương về đồng đội mà còn vì anh là một trong những người viết Lich sử của sư đoàn mình…”
- Anh còn nhớ sau bốn ngày liên tục đánh phá, tấn công lên Động A Bia, anh Đới chậm rãi kể, quân Mỹ đều bị chặn đứng. Bắt đầu từ ngày 15 tháng Năm, chúng thay đổi chiến thuật, sử dụng không quân ném bom phá, bom napan và huy động bốn trận địa pháo bắn phá ác liệt suốt ngày đêm vào các trận địa chốt của Tiểu đoàn 8; đưa lực lượng cấp đại đội đánh vào các điểm cao 916 và 900, nhằm bao vây cô lập các trận địa chốt của Tiểu đoàn 8, sau đó mới dùng lực lượng lớn tấn công, đánh chiếm toàn bộ A Bia…
Những điều anh kể tôi biết rõ qua cuốn Lịch sử sư đoàn và cuốn Đồi Thịt Băm vì tôi đã đối chiếu từng ngày khi viết bài tham luận. Theo tác giả cuốn Đồi Thịt băm, buổi sáng ngày 15/5 hai đại đội Alpha và Bravo thuộc Tiểu đoàn 3/187 tiếp tục tổ chức tấn công lên đồi A Bia sau bốn ngày tấn công thất bại. Sau một giờ ném bom và phi pháo, hai đại đội Mỹ theo hai hướng tấn công lên trận địa chốt của Tiểu đoàn 8. Chúng rất thận trọng nhưng đi vào bãi mìn dự kiến của chiến sỹ đại đội 5, 6, 7 nên thương vong rất nhiều.
Quân địch ở cả hai hướng tấn công buộc phải lui xuống. Trung tá Honeycutt chỉ huy tiểu đoàn lại gọi máy bay, pháo các loại bắn dồn dập vào hầm chốt của ta hàng giờ rồi tiếp tục cho quân rũi lên. Chúng chiếm được dẫy hầm thứ nhất nhưng không thể tiến lên tiếp vì lựu đạn của ta từ tuyến chốt sau lăn xuống đồi dốc khiến nhiều lính Mỹ thương vong. Chúng lại tiếp tục gọi máy bay ném bom, gọi trực thăng vũ trang, trang bị loại loại súng minigun, loại súng máy một phút bắn 5000 viên đạn xuống các căn hầm chốt của ta và tiếp tục thúc quân theo hàng dọc trườn lên. Chờ chúng đến thật gần, các chiến sỹ đồng loạt nổ AK, B40 đánh bật kẻ địch xuống.
Honeycutt vẫn tiếp tục gọi trực thăng vũ trang phóng tên lửa và vãi đạn xuống những căn hầm chốt. Hai bên giáp chiến gần đến nỗi lính Mỹ cũng trúng bom đạn của chính chúng ném xuống. Mặc dầu vậy tên chỉ huy Tiểu đoàn dù vẫn kiên quyết ép hai đại đội tiếp tục áp sát. Tới được căn hầm đầu tuyến thứ hai, lính Mỹ phải đương đầu với một cơn bão đạn và lựu đạn. Hai đại đội Mỹ ở hai hướng tuyệt vọng. Tên chỉ huy tiểu đoàn cay đắng phải ra lệnh rút xuống chân núi trong một cơn mưa lớn.
Ở hướng bên, vào trưa ngày 15/5, trực thăng Mỹ đổ Đại đội Bravo thuộc Tiểu đoàn1/506 xuống điểm cao 916, đồng thời Lữ dù 3 tung tiếp một số đại đội vào hướng điểm cao 900, phối hợp hơn hai tiểu đoàn đánh lấn dần sang A Bia. Chúng hy vọng cùng với Tiểu đoàn 2/501 tổ chức phản kích đứt điểm mục tiêu.
Hai bên giành giật nhau từng căn hầm suốt hai ngày đêm. Quân Mỹ ba lần thay quân. Lực lượng ta cũng thương vong, quân số vơi dần, hầm hào sụt lở, không kịp củng cố. Các chốt của Tiểu đoàn 8 mất dần, nhất là hướng chốt Đại đội 8. Có hầm chốt chỉ còn một chiến sỹ, đồng chí Nguyễn Văn Hiệu vừa bắn AK, vừa bắn bắn B40, vừa bắn trung liên, vừa ném lựu đạn để ngăn chặn quân Mỹ.
Ngày hôm 16, thực tế tiểu đoàn 8 đã bị cắt rời khỏi đội hình trung đoàn 3. Ban chỉ huy tiểu đoàn 8 hội ý quyết định bố trí lại lực lượng và tung lực lượng dự bị vào trận. Đồng thời tiểu đoàn điện báo cáo về trung đoàn: "Tình hình ngày một khó khăn. Tử sỹ và thương binh không chuyển ra được. Đạn thiếu, lực lượng cơ động, dự bị không còn. Tiểu đoàn có khả năng chỉ giữ được đến sáng 17 tháng 5”.
Trong tình thế đó, Trung đoàn trưởng Ma Vĩnh Lan trực tiếp ra lệnh cho Tiểu đoàn 8 tiếp tục giữ vững A Bia, thu hút đối phương vào sâu, tạo điều kiện cho hai tiểu đoàn 7 và 9 cùng các đại đội hỏa lực lật cánh sang phía nam A Bia; vận động tấn công vào sườn quân Mỹ. Và nhiệm vụ trước mắt là phải đánh bật đại đội Mỹ ở điểm cao 916 để lập lại thế liên hoàn toàn trung đoàn.
Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 Tăng Văn Miêu nhận mệnh lệnh của Trung đoàn 3 đánh chiếm một số vị trí ở phía đông, riêng Đai đội 2 tổ chức vận động tấn công đánh chiếm điểm cao 916. Thời gian đó chính là khoảng trống trong cuốn sách Đồi Thịt Băm của tác giả Zaffiri. Tôi muốn anh Đới kể chi tiết hơn về trận đánh này để có thêm tư liệu.
Lên xe anh Đới tiếp tục kể về trận đánh. Tôi chỉ thuật lại những nét chính, bỏ qua nhiều chi tiết như phương án tác chiến của các đại đội; các cuộc họp xác định tư tưởng, củng cố quyết tâm của đại đội và các trung đội. Các cách thức ém quân và vận động…
Vào khoảng 5h30 ngày 16/5/1969, Trung đội 2 thuộc Đại đội 2 xuất phát trước. Để tạo điều kiện cho Trung đội 2 và các trung đội tiền nhập cao điểm 916, pháo cối của tiểu đoàn 7 bắn phá nhiều đợt vào điểm cao. Tổ ba người do anh Đới phụ trách và là mũi nhọn được giao nhiệm vụ dẫn đầu. Anh thận trọng cắt rừng (A Bia đại thể là một cánh rừng rậm ba tầng, xen kẽ những trảng cỏ voi cao ngập đầu người), leo dốc dựng đứng, mở đường lên cao điểm để nắm tình hình. Khoảng hơn một giờ sau, áp tai sát đất anh nghe thấy những tiếng động mơ hồ phía trước. Cẩn thận trườn lên một quãng tới một cây gỗ đổ chắn ngang trước mặt, anh nghe tiếng những giọng nói xì xồ. Nhô người lên trong tán lá rừng, anh phát hiện một toán lính Mỹ ngồi ôm súng AR15. Anh quay lại ra hiệu cho hai đồng đội Trang và Thạch nằm xuống. Ba người cùng lui dần xuống báo cáo trung đội.
Trung đội trưởng quyết định chia làm hai mũi tấn công. Khi áp sát vị trí quân địch, cả hai hướng đồng loạt ném lựu đạn và nổ súng. Khoảng ít phút sau, các chiến sỹ dựa vào thân cây rừng tiến dần lên. Lính Mỹ lùi xuống công sự, hố cá nhân cố thủ chống trả quyết liệt. Anh Phòng bị trúng đạn ở lưng, bò tới chỗ anh Đới. Không có thời gian để băng bó cả hai anh tựa vào gốc cây bắn điểm xạ từng loạt. Kẻ địch xả súng bắn như vãi đạn. Có vẻ như chúng không nắm chắc mục tiêu, hoảng loạn bắn bừa bãi về phía có tiếng súng. Khoảng 20 phút sau máy bay trực thăng vũ trang bay đến hỗ trợ. Chúng xà thấp xuống ngọn cây thả lựu đạn và bắn súng máy. Một số chiến sỹ trúng mảnh đạn.
Biết không thể dứt điểm, trung đội quyết định rút lui về địa điểm theo kế hoạch. Về đến vị trí ai nấy đều ướt sũng mồ hôi, mặt mày xây xước trong khi tiếng súng nổ vẫn chát chúa phía trước. Kiểm điểm quân số thấy thiếu Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Tiến. Trung đội trưởng yêu cầu anh Đới vượt dốc trở lại tìm.
Trên trời ba chiếc máy bay trực thăng vũ trang vẫn quẩn đảo tìm kiếm lực lượng ta. Khoảng 15 phút sau anh Đới gặp anh Tiến đang ẩn sau một thân cây bắn điểm xạ vào chiếc máy bay trực thăng bay theo tăm tia trên đầu. Thì ra anh Tiến cố tình lùi lại sau để yểm trợ cho anh em rút về trước, đề phòng lính Mỹ bám theo. Thêm vào đó bị máy bay lùng sục, anh Tiến vừa phải bắn trả vừa tìm cách lẩn tránh nên về chậm.
Khoảng 16h cùng ngày, qua đài vô tuyến, đài quân sát sở chỉ huy điện cho biết Trung đội 2 đánh rất tốt. Tiêu diệt 10 lính Mỹ, bắn rơi một máy bay trực thăng. Đêm hôm đó trời mưa phùn. Cả trung đội chia nhau từng nắm cơm vắt mang đi từ sáng. Anh Tiến và anh Đới dựa vào thân cây dưới tán cây rừng ngủ chờ sáng.
Trời đã rất khuya, cũng như mọi người trong trung đội, cả hai người đều trằn trọc không sao ngủ được. Đó là đêm đầu tiên hai người tâm sự chuyện quê hương, gia đình, nhà cửa. Những giọt mưa thấm lạnh tí tách nhỏ xuống… Vừa giục anh Đới ngủ, chợt anh Tiến lên tiếng: “Đới có người yêu chưa”. Khi nghe anh Đới trả lời “Chưa”, anh Tiến tiếp tục: “Theo kinh nghiệm của anh, trận đánh ngày mai gay go đấy. Cách đây mấy ngày, hai trung đội thuộc đại đội mình đã tập kích đánh vào cao điểm này bằng cối, B40 diệt mấy chục tên rồi rút. 3 chiến sỹ hy sinh. Lần này thì khác, ta phải đánh và giữ. Nếu anh có hy sinh em cố gắng báo tin cho gia đình anh. Đới hy sinh anh sẽ báo cho gia đình Đới. Anh em mình giao hẹn với nhau như thế nhé. Còn một việc này nữa, ba lô anh để ở hậu cứ. Trong ba lô có cuốn “Bất khuất”, kẹp bên trong là bức thư anh gửi cho người yêu. Hiện cô ấy đang học năm thứ nhất Đại học Kinh tài”.
Anh Tiến trao đổi với anh Đới về nội dung bức thư. Có thể nói đó là một bức thư từ biệt, căn dặn, chúc phúc người yêu trong tương lai. Anh Tiến mở ví, lấy ra tấm ảnh, chiếc khăn tay thêu đôi chim bồ câu. Hai người khum tay che, bật đèn pin ngắm nhìn, nâng niu từng kỷ vật…
5h00 sáng ngày 17/5 anh Đới được giao nhiệm vụ quay lại sông Đáp Lìn đón Trung đội 1 và Trung đội 3. Đại đội 2 chia làm hai mũi tấn công, bí mật vận động lên dốc, tới điểm cao 916, một vị trí quen thuộc, khá bằng phẳng. Đúng vào lúc trực thăng Mỹ thả đồ ăn sáng, sau quả đạn B40 bắn vào chiếc máy bay phát tín hiệu, cả hai mũi đồng loạt xả đạn. Những phút đầu quân Mỹ bất ngờ, rối loạn. Dần dần chúng củng cố, chống trả quyết liệt. Đặc biệt khẩu đại liên trên điểm cao bắn càn lướt hướng Trung đội 2.
Địa hình trên điểm cao trống trải. Nhiều chiến sỹ phải nắm dán xuống đất tránh hỏa lực. Anh Đới trườn tới chỗ chiến sỹ Thái cầm B40 trao đổi nhanh: “mình bắn điểm xạ thu hút mục tiêu, cậu trườn sang phải bắn vào hỏa điểm”. Một lát sau một quầng lửa bao trùm kèm theo tiếng nổ dữ dội. Khẩu đại liên tắt ngấm. Cả trung đội vừa bắn vừa xung phong, áp sát đội hình địch đánh giáp lá cà.
Trong tình thế thuận lợi, Trung đội 3 dự bị cũng thừa cơ ào lên tấn công trực diện. Cả ba hướng dũng mãnh tấn công truy kích . Quân Mỹ lui dần xuống chân điểm cao, sa vào trận địa chốt của Đại đội 5 Tiểu đoàn 8. Gần như đại đội Mỹ bị tiêu diệt gọn.
Ở điểm cao 900 và một số vị trí khác, trận vận động tấn công của Tiểu đoàn 7 kéo dài cho đến tận quá nửa đêm. Sáng sớm 18/8, cánh quân của Tiểu đoàn 7 do Tiểu đoàn trưởng Tăng Văn Miêu băng qua đèo Yên ngựa hợp quân với Tiểu đoàn 8 chốt. Họ ôm lấy nhau sau mấy ngày bị cô lập. Nước mắt mọi người ứ ra trên những khuôn mặt bê bết đất và máu. Chính trị viên Đại đội 7 Phan Đân (sau này là Chính ủy Sư đoàn 324) rơm rớm nước mắt “Cảm ơn đồng đội, cảm ơn Tiểu đoàn 7. Tất cả chúng tôi đều nghĩ mình sẽ hy sinh”.
Trận đánh ở cao điểm 916 có thể nói là một trận thắng lớn, có nhiều ý nghĩa. Đại đội 2 tiêu diệt gần một đại đội lính dù Mỹ, thu 30 khẩu AR16, 4 khẩu M79, bắn rơi một máy bay. Anh Đới được tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”, Huân chương chiến công hạng Ba, được kết nạp Đảng ngay sau trận đánh.
Chiến thắng nào cũng có cái giá của nó. Đại đội 2 mất 7 đồng chí, 10 đồng chí bị thương. Anh Đới buồn rầu nói với tôi: “không ngờ cái linh cảm của anh Tiến lại trở thành sự thật. Anh trúng đạn hy sinh trước thời điểm ta làm chủ trận địa ít phút.. Anh Đới thay mặt cho tiểu đội nhận danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ và Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Anh Tiến.
Đó là lần đầu tiên trong đời anh Đới được Thủ trưởng Ma Vĩnh Lan thay mặt trung đoàn trao giấy chứng nhận và gắn huân chương lên ngực áo và được trao giữ kỷ vật cho người đã mất trong lễ mừng công. “Vậy mà đã 52 năm rồi!” hai hàng nước mắt anh Đới chảy xuống khuôn mặt khắc khổ, chằng chịt bao nếp nhăn. “Thủ trưởng Ma Vĩnh Lan cũng ra đi bao năm nay rồi! Cả trung đội đến nay chỉ còn lại vài người” Tôi ôm lấy anh Đới: “Chiến tranh mà! Sư đoàn mình mất 13 ngàn đông đội”…
Tôi xoay sang chuyện khác để xua đi những kỷ niệm nặng nề đeo bám anh hơn năm mươi năm nay: “Anh thấy Thủ trưởng Ma Vĩnh Lan là người như thế nào”. Khuôn mặt anh rạng ngời, giọng nói trở nên sôi nổi, hưng phấn:
- Anh Lan là thần tượng của lớp lính bọn anh, là tấm gương cho bọn anh noi theo. Không chỉ anh mà anh Hồ Hữu Lạn (nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 những năm 1970), anh Lê Huy Mai (nguyên Trưởng ban Trinh sát-Đặc công Sư 324) và nhiều cán bộ thời đó đều thừa nhận Thủ trưởng Lan là cán bộ có bản lĩnh, xông xáo, mưu lược, gần gũi anh em, thương lính. Trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nguy hiểm anh vẫn tỏ ra bình tĩnh. Anh còn nhớ khi gặp những tình huống gay go, căng thẳng, thủ trưởng thường nhíu lông mày tìm cách tháo gỡ. Thủ trưởng luôn biết phát huy ting thần dân chủ bàn bạc xử lý vấn đề. Chưa bao giờ tôi thấy thủ trưởng nóng nảy...
Về Thủ trưởng Ma Vĩnh Lan thì cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 3, cuối những năm 60, đầu những năm 70 ai nấy đều biết. Ngay cả kẻ đich cũng biết rất rõ con người này. Chúng đã bao lần treo giải đầu thủ trưởng, gọi thủ trưởng trên loa máy bay chiêu hồi là “con hổ xám hung dữ”, “tên cáo già”...
Thủ trưởng Ma Vĩnh Lan trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp, từ một người lính, từ cán bộ tiểu đội đến cán bộ tiểu đoàn. Vào đầu tháng 6/ 1966, khi ta mở Mặt trận B5, Mặt trận Đường 9-Bắc Quảng trị nhằm thu hút quân Mỹ ra phía bắc tiêu hao tiêu diệt để hỗ trợ cho các chiến trường phía trong, Thủ trưởng Lan đã có mặt và là Trung đoàn trưởng. Ngay từ ngày ấy tên tuổi của thủ trưởng đã gắn liền với những trận như Đầu Mầu, Cù Đinh, Ba De, Tam Tanh, A Dơi... Ngay từ những ngày ấy thủ trưởng đã thực hiện xuất sắc chiến thuật chốt “Kiềng ba chân” nhằm tránh thương vong do bom, phi pháo của Thủy quân lục chiến Mỹ. Thủ trưởng Lan đã đến từng đại đội, trung đội chỉ đạo cách đào hầm chốt, bố trí “kiềng chốt”. Khi lính Thủy quân lục chiến Mỹ đánh vào một chốt, các chốt khác bất thần áp đảo, xuất kích đánh xen kẽ đội hình khiến chúng gặp rất nhiều khó khăn. Thủ trưởng cũng yêu cầu hạn chế chốt trên đỉnh đồi/núi; bố trí chốt ở sườn đồi/núi tránh cửa hầm chốt hướng về phía địch, vừa bí mật khó bị lộ, vừa tránh được M79 rót trúng. Thủ trưởng luôn căn dặn cán bộ chiến sỹ lợi dụng địa hình, bí mật dấu quân, ém quân, bất ngờ vận động tấn công kết hợp chốt giữ; phải dũng cảm bám thắt lưng địch mà đánh, tránh phân tuyến hạn chế hỏa lực pháo, giảm thương vong. Phương châm chốt của thủ trưởng luôn nhất quán là ít người. Hầm hào, công sự phải kiên cố. Nhưng không được ỉ lại chốt. Luôn vận động bám sát, tập kích, xuất kích, đánh địch cả ngày lẫn đêm...
Riêng tôi còn phát hiện thêm những chi tiết mà nhiều cán bộ chiến sỹ chưa biết đến trong trận A Bia. Nguyên do là mấy lần vào A Lưới chuẩn bị cho hội thảo, mỗi lần về A Lưới chúng tôi ở đó một vài ngày. Có dịp theo đài truyền hình VTV8 ở Huế đến phỏng vấn Anh hùng Hồ Vai, Kan Lịch, Hồ Đơm, anh Thông…
Anh Thông là bộ đội địa phương, người ở khu vực A Bia. Anh được huyện đội biệt phái giúp Thủ trưởng Lan và đoàn cán bộ Trung đoàn 3 đi thực địa khu vực A Bia từ đầu tháng 3 (trước trận đánh hơn hai tháng). Anh Thông cho tôi biết, có chuyến đi thực địa kéo dài liền mấy ngày đêm. Có thể nói ròng rã hàng tháng thủ trưởng và đoàn cán bộ nghiên cứu thực địa, nắm chắc khu vực A Bia như trong lòng bàn tay (một lần nói chuyện với Tướng Tăng Văn Miêu ở Hải phòng, thủ trưởng Miêu cũng xác nhận: “Anh ấy chỉ đạo các tiểu đoàn, đại đội thậm chí không cần dùng đến bản đồ. Người ta có cảm giác anh ấy thông thuộc tất cả các vị trí trên đồi A Bia”).
Trước và trong trận đánh A Bia, Thủ trưởng Lan yêu cầu đặc biệt phải trú trọng tới hệ thống hầm chốt, giao thông hào và công sự. Hệ thống hầm chốt liên hoàn theo chiều sâu, được xây dựng nửa nổi, nửa chìm, có hầm ngủ, hầm chiến đấu nhiều tầng, nhiều lớp. Thủ trưởng Lan nói “ Nếu không có nó thì chết hết vì bom đạn. Có dũng cảm hy sinh thì cũng bằng thừa”.
Sau khi thăm một địa điểm ở Thái Nguyên, đến gần 12 giờ các đoàn chúng tôi mới ăn cơm trưa. Trong bữa ăn, chúng tôi và anh anh Đới vẫn chỉ xoay quanh những chuyện về A Bia. Tôi muốn nói chuyện với anh về K7, về trận đánh trên điểm cao 550 trong Chiến dịch Đường 9- Nam Lào với tư cách anh là tiểu đội trưởng, những trận đánh ở sông Bồ năm 72-73 với tư cách anh là cán bộ trung đội, những trận đánh ở Đắc Pét, Thường Đức năm 1974, đặc biệt là trận ở chốt thép trên điểm cao 1062 với tư cách anh là cán bộ đại đội… Nhưng không còn thời gian. Cơm trưa xong anh Đào Quang Đới, anh Huỳnh Công, anh Vũ Thành, những chiến sỹ A Bia năm xưa phải chia tay anh em về Hà Nội để ngày hôm sau dự Lễ kỷ niệm 55 năm Quân Khu Trị Thiên. Tôi cố kéo anh Đới ở lại với đoàn. Anh lắc đầu: “Không thể Huệ à, hẹn em khi khác, ngày mai anh phải gặp lại đồng đội”.
Dưới đây là bản đồ của Mỹ và hình ảnh lính Mỹ trong trận A Bia:
Bạn, Phạm Lý, ThuHa Nguyen và 55 người khác
58 bình luận
5 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

58 bình luận

Phù hợp nhất

Read More

A Bia theo quan điểm của người Mỹ là một trận đánh mang tầm chiến lược

Leave a Comment

 A Bia, theo quan điểm của người Mỹ là một trận đánh mang tầm chiến lược, một trận đánh đã làm thay đổi phương thức tác chiến của Mỹ trên chiến trường miền Nam

Vào những ngày này cách đây 52 năm, trận chiến trên đồi A Bia, A Lưới, Thừa Thiên vẫn đang diễn ra rất quyết liệt. Tôi xin lược trích một số bài viết của tôi in trong Kỷ yếu Hội thảo về chiến thắng A Bia nhân kỷ niệm 50 Chiến thắng A Bia tại huyện A Lưới để bạn đọc và đồng đội tham khảo.
... Với người Mỹ, trong lịch sử chiến tranh Việt Nam có 5 trận đánh kinh điển, 5 trận đối đầu ác liệt nhất đi vào sử sách, sách giáo khoa quân sự, những trận đánh quyết định trong cuộc chiến tranh Việt Nam (Jimlott. Vietnam the Decisive Battles- Mac Milan. New York). Đó là trận chiến Ia Drăng, trận Đắc Tô, Trận Khe Sanh, trận A Bia và trận đánh trên điểm cao 935 hay còn gọi là Ripcord. Trên dưới 50 năm đã trôi qua, chúng ta có đủ thời gian để khẳng định lại tầm quan trọng của các trận đánh trên trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Trong 5 trân đánh kể trên, trận đánh trên đồi A Bia là một trận đánh có ý nghĩa vượt xa tầm của một trận chiến bình thường.
Tôi đã sưu tầm được bốn cuốn sách của bốn tác giả Mỹ khác nhau viết về trận đánh trên đồi A Bia mà người Mỹ gọi là “Đồi Thịt băm” (Humburger Hill) để tặng Sư đoàn 324 và tặng Trung đoàn 3 Sư 324 cùng với quân và dân huyện A Lưới đã làm nên hai chiến thắng lừng lẫy vào trung tuần tháng năm 1969 và nửa đầu năm 1971. Trong số các tác giả tác phẩm, đáng chú ý nhất là tác giả cuốn Đồi Thịt băm. Tên tác giả là Samuel Zafiri. Ông nguyên là lính bộ binh thuộc Sư đoàn Bộ binh số 1, sư đoàn nổi tiếng với tên gọi Anh cả Đỏ (The famed Big Red) trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Hiện ông sống ở Bloomington bang Illinois.
Zaffiri là người am hiểu tình hình thực tế chiến trường, làm việc rất nghiêm túc với nhiều sỹ quan, binh sỹ tham gia trực tiếp Chiến dịch Tuyết rơi trên đỉnh Apatche, một chiến dịch đánh lên Đồi A Bia thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên. Chuẩn bị viết cuốn Đồi Thịt băm, Zafiri đã tiếp cận với một kho dữ liệu về các cuộc chiến đấu ở Mặt trận Trị Thiên trong Thư viện của Học viện Lịch sử Chiến tranh Quân đội Hoa kì cùng với hàng trăm cuốn sách, báo cáo viết về chiến tranh Việt Nam của các tướng tá Mỹ. Vì vậy, khi viết cuốn sách này, ông đã đi sâu mô tả một cách sinh động, xác thực cuộc đọ sức vô cùng quyết liệt trên Đồi A Bia giữa Lữ đoàn Dù 3 khét tiếng thuộc Sư đoàn Dù số 101 thiện chiến của Mỹ với Trung đoàn 3 anh hùng thuộc Sư đoàn 324 anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Qua nghiên cứu một số tài liệu Lịch sử quân đội, Lịch sử Sư đoàn 324 và các cuốn hồi ký của các tướng tá, cá nhân tôi thấy phía Việt Nam không đánh giá cao giá trị trận chiến trên Đồi A Bia như phía Mỹ, cả ở mục tiêu cũng như ý nghĩa của trận đánh. Trận A Bia không được xếp vào trận đánh lớn có ý nghĩa cấp chiến dịch. Thậm chí trong bộ Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cũng chỉ dành vẻn vẹn vài trang viết về trận A Bia. Lần lại 50 năm về trước, mặc dầu xác định quyết tâm và tầm quan trọng của trận đánh nhưng Quân khu Trị Thiên và Sư đoàn 324 cũng chỉ huy động lực lượng đánh A Bia ở mức trung đoàn.
Trung đoàn 3 Sư 324 vào trận A Bia với phương án vận động tấn công kết hợp chốt, tạo dựng cụm chốt liên hoàn, thu hút quân Mỹ vào sâu để tạo điều kiện cho các đại đội, tiểu đoàn cơ động tấn công, tập kích vào quân Mỹ đóng dã ngoại và quân ứng cứu. Mục đích của Sư đoàn 324 chỉ dừng lại ở mức tiêu diệt nhiều sinh lực Mỹ, ngụy để hỗ trợ cho cơ sở cách mạng ở vùng đồng bằng, củng cố lòng tin đối với chủ lực ta đang đánh địch ở vùng rừng núi… Tổng kết chiến thắng A Bia Quân khu Trị Thiên cũng chỉ đánh giá trận đánh đạt hiệu suất cao, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, mở đầu cho giai đoạn khôi phục lại thế trận xuống đồng bằng. Trung đoàn 3 chỉ được tặng một Huân chương Chiến công, Tiểu đoàn 7 (tiểu đoàn vận động tấn công), Tiểu đoàn 8 (tiểu đoàn chốt) được tặng một Huân chương Chiến công. Vẻn vẹn chỉ có ba huân chương tất cả…
Theo quan điểm của người Mỹ, trận A Bia là “một trận chiến đấu ác liệt nhất, khủng khiết nhất, kinh hoàng nhất và đẫm máu nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam”, một cuộc chiến đã gây chia rẽ sâu sắc giới Chính quyền Mỹ, làm rung chuyển hệ thống truyền thông và người dân Mỹ, làm giấy lên sự phản kháng dữ dội tại Thượng viện Mỹ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Trận chiến A Bia đã chạm đến ngưỡng cuối cùng về sức chịu đựng của người dân Mỹ. Làn sóng biểu tình dâng cao chưa từng có. Thất bại trận đánh trên đồi A Bia được ví có ảnh hưởng như cuộc Tổng Tấn công Tết Mậu thân năm 1968 đối với nước Mỹ.
Rõ ràng phía quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam cùng với các nhà nghiên cứu lịch sử ở hai phía có cái nhìn rất khác nhau về trận đánh này. Để phần nào lý giải sự khác nhau đó chúng ta hãy đi theo cái điểm nhìn của đối phương.
Bối cảnh dẫn đến trận chiến trên Động A Bia
Các tác giả viết về trận A Bia đều đề cập đến toàn bộ bối cảnh, các kế hoạch tác chiến, những trận đánh và những chiến dịch lớn bắt đẩu từ những năm 1960 đến đầu năm những 1970 tại Thung lũng A Sầu. Mục tiêu của tất cả các kế hoạch, những trận đánh, những chiến dịch của Mỹ, ngụy ở A Lưới là kiểm soát được Thung lũng A Sầu, một thung lũng thuộc địa bàn rừng núi có ý nghĩa chiến lược với cả hai phía. Chân dung lực lượng Thủy quân lục chiến, Sư đoàn kỵ binh bay, Sư đoàn Dù lần lượt xuất hiện trên chiến trường Trị Thiên, đặc biệt là ở thung lũng A Sầu, A Lưới với kế hoạch giải cứu quân ngụy ở ba căn cứ tại Tà Bạt, A Sầu và một làng ở A Lưới cùng với nhiều chiến dịch đánh vào A Sầu, A Lưới với mục tiêu tìm diệt lực lượng quân giải phóng, phá hủy toàn bộ hệ thống kho tàng hậu cần, cắt đứt con đường chiến lược vận chuyển vào sâu phía nam.
Cuộc chiến giữa quân Mỹ và lực lương quân giải phóng thực sự bắt đầu vào tháng 12 năm 1965 ở A Lưới. Quân giải phóng đã bao vây ba căn cứ trên với những cuộc tấn công bằng bộ binh, kết hợp với sự yểm trợ bằng hoả lực cối. Quân ngụy đã buộc phải bỏ hai căn cứ, chỉ còn cố thủ ở một căn cứ tại A Sầu do các cố vấn Mỹ chỉ huy. Vào ngày 10 tháng 3 năm 1966, quân giải phóng mở hàng rào dây thép gai và công kích. Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức quyết liệt. Hai bên giành giật từng tấc đất. Sau hai ngày tấn công liên tục, vành đai phòng thủ của quân ngụy bị chọc thủng và chúng phải tháo chạy. Quân Mỹ, ngụy đã tranh giành nhau lên trực thăng di tản một cách hỗn loạn. Để thoát thân, cố vấn Mỹ đã dùng súng tiểu liên bắn vào đám tàn quân ngụy để lên máy bay. Ngay từ trận quyết chiến đó, người Mỹ đã nhận xét “Không có một khu vực chiến sự nào khác trên đất nước này làm cho người ta đông máu lại giống như ở Thung lũng A Sầu”.
Theo người Mỹ, sau khi quân giải phóng tiêu diệt ba căn cứ trên địa bàn A Lưới, không có một căn cứ nào được xây dựng ở Thung lũng A Sầu. Về cơ bản quân Mỹ, ngụy đã không “để ý” đến A Sầu trong hai năm (thực chất là không thể kiểm soát được A Sầu). Chúng chỉ sử dụng lực lượng không kích và dùng phi pháo tầm xa để khống chế lực lượng “Cộng sản”. Quân giải phóng đã biến khu vực này thành một cơ sở hậu cần khổng lồ. Mặc dầu thám báo và trinh sát trên không đã phát hiện ra việc quân giải phóng mở rộng hệ thống mạng lưới đường mòn, phát hiện những đoàn xe di chuyển trên những con đường chưa được ngụy trang, các hang động cất dấu vật liệu quân sự, các kho quân nhu, các vị trí chiến đấu trên núi cao… tuy nhiên Tướng Wesmoreland không nhận thấy những gì rất nghiêm trọng xảy ra ở Thung lũng A Sầu (thực ra là biết được điều đó nhưng không thể làm được gì khác). Tên tướng chỉ huy sân khấu chiến trường của Mỹ ở miền Nam tin tưởng rằng các đô thị và vùng đồng bằng ven biển đã nằm trong tầm kiểm soát với các chiến dịch tìm diệt và bình định. Hắn bắt đầu âm thầm chuẩn bị mở các chiến dịch lên các thành trì của đối phương nơi rừng núi như A Sầu thì cuộc Tổng tấn công và nổi dậy năm 1968 đã nổ ra.
Sau tết Mậu Thân, lợi dụng lúc chúng ta gặp khó khăn, Wesmoreland tập trung tấn công vào A Lưới, A Sầu để trả thù cho những thất bại trong năm 1968. Nhiệm vụ của quân Mỹ là tiêu diệt thật nhiều quân chủ lực của ta, phá hủy các căn cứ hậu cần quan trọng của quân giải phóng, đẩy lực lượng quân giải phóng sang bên kia biên giới Lào, ngăn chặn quân giải phóng có thể mở một cuộc tấn công tương lai vào Huế như năm 1968. Nhiệm vụ này được giao cho Sư đoàn Kỵ binh bay số 1, sau đó là Sư đoàn Dù.
Trong số hai sư đoàn Thủy quân lục chiến và bảy sư đoàn bộ binh tham chiến ở miền Nam Việt Nam thì Sư đoàn Thủy quân lục chiến đã nếm đòn thất bại ở A Sầu. Wesmoreland đã cân nhắc, đặt niềm tin vào Sư đoàn Kỵ binh bay, sau đó là Sư đoàn Dù 101, hai sư đoàn là niềm kiêu hãnh của quân đội Mỹ. Cả hai sư đoàn này đều trực tiếp tiến hành các chiến dịch ở miền tây Thừa Thiên nhằm thực hiện ý đồ chiến lược của tên tướng tổng chỉ huy lực lượng quân đội viễn chinh Mỹ, nhưng quân Mỹ đều bị sa lầy A Sầu, A Lưới và các huyện miền núi phía tây tỉnh Thừa Thiên.
Sau khi được thông qua kế hoạch, các lực lượng tác chiến của Sư đoàn Kỵ binh bay Mỹ bắt đầu vào chiến dịch với năm ngày liên tục không kích, kể cả việc sử dụng máy bay ném bom chiến lược B52. Hai tiểu đoàn tấn công hàng đầu của Sư đoàn Kỵ binh bay đã đổ bộ xuống khu vực A Sầu vào ngày 19 tháng Tư năm 1968. Cuộc tấn công mang mật danh Chiến dịch Delaware.
Đợt đổ bộ đầu tiên của quân Mỹ không gặp nhiều khó khăn, nhưng các đợt tiếp theo, khi máy bay trực thăng bay xuyên qua những đám mây thấp, súng máy các loại, đặc biệt là 12,7 ly, kể cả súng phòng không 37 của quân giải phóng bắn trả dữ dội. Mười chiếc trực thăng bị bắn rơi, hai mươi ba chiếc bị hư hỏng nặng. Người Mỹ phải thừa nhận “Không có một chiến dịch nào trước đó (quân đội Mỹ) phải trải qua lưới lửa phòng không của đối phương mạnh như vậy”. Tướng năm sao Wesmoreland phải vội vàng áp đặt tình trạng phong tỏa thông tin về chiến dịch Delaware để che dấu thất bại.
Mặc dầu lùng sục khắp thung lũng A Sầu với hai lữ đoàn và một trung đoàn biệt phái từ Sư đoàn bộ binh số 1 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, nhưng chiến dịch thọc sâu với những cuộc tấn công của Mỹ, ngụy đã chấm dứt sau 28 ngày mà không thu được kết quả “như mong muốn”. Thực tế đó là một thất bại. Quân Mỹ, ngụy không nắm được quyền kiểm soát Thung lũng A Sầu. Chúng thừa nhận “hỏa lực phòng không của quân giải phóng quá hiệu quả. Thời tiết miền núi lại quá xấu… đối phương nhanh chóng xuất hiện từ trong các hang động hoặc lặng lẽ di chuyển từ bên kia biên giới Lào để giành lại Thung lũng A Sầu”.
Trận chiến ở A Sầu và Động A Bia của Sư đoàn Dù Mỹ
Bước tiếp theo ngay sau đó, Sư đoàn Dù 101 được lệnh chuẩn bị đánh chiếm A Sầu. Vào tháng Tám năm 1968, Tướng Creighton W. Abraham, người thay thế Tướng 5 sao Wesmoreland làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam. Tên tướng này đã ra lệnh cho Sư đoàn Dù Mỹ tiến hành cuộc tấn công tiếp tục chặn đứng “quân Bắc Việt” sau chiến dịch Delaware.
Theo Zaffiri tác giả cuốn Đồi Thịt băm, lần này Tướng Stilwell, Tư lệnh quân đoàn 24 đã xây dựng một kế hoạch đầy tham vọng bao gồm 4 chiến dịch (Dewey Canyon, Masachusetts Striker, Apatche Snow, Montgomery Rendezvours), trong đó chiến dịch then chốt Tuyết rơi trên đỉnh Apatche (Apatche Snow) đánh lên Động A Bia nhằm kiểm soát thung lũng A Sầu, nhằm thực hiện các kế hoạch đã đề ra từ trước đó. Với kế hoạch này, chúng cho rằng “điều cần thiết bảo vệ thung lũng A Sầu là một lực lượng thường trực. Với những mối hiểm nguy khi tiếp tế bằng đường hàng không, điều cần thiết để duy trì một lực lượng thường trực là một con đường đi lại trong mọi thời tiết” từ căn cứ hậu cần của Sư đoàn Dù 101 “cách Huế 6 dặm về phía nam” tới A Sầu. Và chúng đã xây dựng một con đường từ hậu cứ của chúng tới chân những ngọn đồi trong thung lũng. Stilwell đã tung vào khu vực hầu hết lực lượng của 2 sư đoàn, Sư đoàn Thủy quân lục chiến và Sư đoàn Dù cùng với nhiều đơn vị không quân, pháo binh với sự hỗ trợ trên quy mô lớn nhất về hỏa lực, kể cả sử dụng nhiều máy bay ném bom chiến lược B52.
Theo Zafiri, Lữ đoàn 2 thuộc Sư đoàn Dù đã đi sâu vào A Sầu vào ngày 12 tháng Ba năm 1969. Trước đó đã diễn ra một số trận đánh rất ác liệt. Cả hai bên đều thể hiện rõ quyết tâm của mình. Khác với những trận chiến trước đó, quân giải phóng thường rút lui bảo toàn lực lượng. Lần này “quân Bắc Việt” đã trụ lại và chiến đấu với quân Mỹ. Để gây thêm áp lực, hai ngày sau, Lữ đoàn 3 thuộc Sư Dù Mỹ tiếp tục tiến quân vào A Sầu. Quân Mỹ lại tiếp tục thực hiện những cuộc không kích trên quy mô rộng lớn trước khi bắt đầu chiến dịch Tuyết rơi trên đỉnh núi nhằm cắt đứt đường rút lui của đối phương trong thung lũng. Một tiểu đoàn Mỹ tìm thấy Trung đoàn 3 Sư 324 đã đào hầm hào trên một điểm cao trong khu rừng rậm giữa núi rừng phía tây A Sầu. Điểm cao này theo người Mỹ, nó “được biết đến với cái tên là Động A Bia, và được đánh dấu là đồi 937 trên bản đồ địa hình, chiều cao của nó biểu thị bằng màu sắc cao hàng trăm mét trên mực nước biển”.
Trong chiến dịch Tuyết rơi trên đỉnh Apatche, hai tiểu đoàn Mỹ, một tiểu đoàn Ngụy trực tiếp tấn công lên Động A Bia với sự huy động tối đa về hỏa lực. Chỉ tính từ ngày 10 tháng 5 đến ngày 13 tháng 5 năm 1969, tức có 4 ngày, chi viện riêng cho một tiểu đoàn, Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 187 của Mỹ, quân Mỹ đã nhận được sự hỗ trợ ngày đêm của 4 trận địa pháo: Một trận địa pháo 105mm, một trận địa pháo 155mm, một trận địa pháo 175, một trận địa pháo kích 8 inch với hàng vạn quả đạn, cộng với 271 cuộc không kích với hàng ngàn tấn bom quân Mỹ giội xuống Đồi A Bia. Quân Mỹ cho rằng sẽ không thể có một sinh vật nào còn sống sót trên và xung quanh quả đồi. Đất đá tơi vụn như bột tới gần nửa mét, thế nhưng quân Mỹ vẫn không thể nào “tiến lên được ngọn núi”.
Hai tiểu đoàn Mỹ, sau bổ sung thêm một tiểu đoàn Mỹ và một tiểu đoàn VNCH đã phải đi qua cái cối xay thịt để đánh chiếm một quả đồi. Bảy cuộc tấn công từ ngày 10 đến ngày 20 tháng 5, trong đó sáu cuộc tấn công thất bại… Sự tổn thất nặng nề trong trận chiến trên Đồi A Bia đã làm cho quốc hội Mỹ náo loạn, bất hòa, chia rẽ, buộc Lầu Năm Góc phải định hình lại cách chỉ đạo toàn bộ cuộc chiến tranh trên bộ của quân Mỹ ở Việt Nam. “Quân đội hiểu phải theo đuổi cuộc chiến đấu sau trận chiến trên trên Đồi A Bia là giảm thiểu tổn thất lính Mỹ còn quan trọng hơn so với việc đến gần kẻ địch”.
Đó là giá trị cực kỳ to lớn mà trận chiến đấu của Trung đoàn 3 trên Đồi A Bia đem lại. Qua trận chiến này, chiến lược gây áp lực tối đa cộng với việc sử dụng hỏa lực tối đa của Mỹ từ khi Mỹ tham chiến ở Việt Nam đã chính thức thất bại. Nó là cột mốc để Chính quyền Mỹ nhanh chóng thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, nhanh chóng rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Kể cả sau khi các đơn vị quân giải phóng rút đi, quân Mỹ chiếm được Động A Bia, nhưng chỉ chưa đầy một tháng sau, quân Mỹ vẫn lại một lần nữa phải rút quân khỏi A Sầu, buộc phải thừa nhận “Quyền kiểm soát Thung lũng A Sầu thuộc về Bắc Việt”. Và trên thực tế, quân đồng minh chưa bao giờ thực sự nắm được quyền kiểm soát Thung lung A Sầu. “Giấc mơ” của hai đời Tổng Tư lệnh quân đội Viễn chinh Mỹ ở Việt Nam là Wesmoreland và Abrams nhằm kiểm soát Thung lũng A Sầu mãi mãi chỉ là “một giấc mơ”. Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 chốt giữ A Bia đã góp phần quyết định để làm nên chiến thắng lịch sử này.
Kết luận
Đánh giá về trận A Bia người Mỹ có rất nhiều cuộc tranh cãi. Tác giả cuốn Đồi Thịt Băm đã viết: “Tranh cãi về trận Hamburger Hill đã dẫn đến một đánh giá lại về chiến lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Như một kết quả trực tiếp để giữ thương vong không cao quá mức, Tướng Abram ngừng chính sách gây áp lực tối đa chống lại quân giải phóng. Trong lúc đó Tổng thống Nixon đẩy mạnh thực hiện chiến lược mới là Việt Nam hóa chiến tranh và tuyên bố đợt rút quân viễn chinh đầu tiên khỏi miền Nam Việt Nam. Mặc dầu trận đánh chỉ thiệt hại ở mức tiểu đoàn, trung đoàn song nó đã trở thành một bước ngoặt trong chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.
Có thể nói trong cuốn Đồi Thịt băm và một số cuốn sách khác về mặt khách quan, nó đã phản ánh sự thất bại của các chiến lược chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, đặc biệt là sự phá sản của Chiến lược Chiến tranh đặc biệt, Chiến lược Chiến tranh cục bộ của Mỹ ở Việt Nam. Trong đó, trận chiến trên động A Bia là dấu chấm hết cho Chiến lược Chiến tranh cục bộ, chuyển sang giai đoạn Mỹ thực hiện Chiến lược Việt Nam hóa Chiến tranh và mở rộng cuộc chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương. Lầu năm góc, các tướng lĩnh Mỹ và người Mỹ thừa nhận và ngầm hiều cái Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, chiến lược “thay đổi màu da xác chết” chẳng qua là để kéo dài thời gian, cứu vớt danh dự cho quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam. Như vậy là Quân và dân huyện A Lưới, Sư đoàn 324 đã góp phần quyết định làm nên cái kỳ tích mà người Mỹ đã thừa nhận trong cuốn sách Đồi Thịt băm và một số cuốn sách khác.
50 đã trôi qua, tôi nghĩ đã đến lúc giới nghiên cứu lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam, giới sử học, các tướng lĩnh cần nhìn nhận lại tầm vóc của trận đánh A Bia. Người Mỹ đã viết khá nhiều về trận A Bia, một trong 5 trận đánh kinh điển trong chiến tranh Việt Nam. Người Mỹ đã viết một cuốn sách dày hơn 300 trang về trận đánh A Bia, cuốn Humburger Hill (Đồi Thịt băm). Người Mỹ cũng đã đã viết 4 cuốn sách khác về Thung lũng A Sầu và A Bia. Đó là cuốn “Đại bàng gào thét trong vòng vây”, cuốn “ Cái chết ở Thung lũng A Sầu”, cuốn “Những hoạt động tác chiến của Mỹ tại Thung lũng tử thần”, cuốn “Địa ngục trên đỉnh đồi”. Người Mỹ cũng dựng một bộ phim dài về trận đánh A Bia. Còn phía Việt Nam thì quá khiêm tốn với trận chiến này, thậm chí nhiều người còn không biết đến trận chiến này.
Tôi đề nghị quân đội, các cấp chính quyền tỉnh Thừa Thiên, huyện A Lưới nên xây dựng tượng đài chiến thắng A Bia trên Đồi A Bia để vinh danh một chiến thắng có ý nghĩa to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, để tưởng nhớ công lao to lớn của quân và dân huyện A Lưới, của hàng ngàn anh hùng liệt sỹ , trong đó có các anh hùng liệt sỹ Sư đoàn 324 và giáo dục truyền thống anh hùng bất khuất của quân và dân ta cho các thế hệ mai sau.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.