Tầm quan trọng chiến lược của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương

Leave a Comment
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thế giới, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là một hiệp định đa phương tự do, tiến bộ nhất và là hình mẫu tương lai của thế kỷ 21. Mặc dù Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng 11 quốc gia trong đó có Việt nam ngày 8 tháng 3 đã ký Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP) thay thế cho TPP.
Trên cơ sở của TPP, CPTPP đã đề cập tới việc cắt giảm hàng rào thuế quan đối với tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ. Hiệp định này cũng đề cấp đến việc xử lý những vấn đề mới phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm trong lĩnh vực công. Ngoài ra CPTPP vẫn đặt ra, đồng thời duy trì các yêu cầu, tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết chặt chẽ các tranh chấp có tính ràng buộc. Về việc mở cửa thị trường, 11 nước tham gia CPTPP quyết định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa đầu tư và dịch vụ trên cơ sở tôn trọng luật pháp của nước chủ nhà, đảm bảo sự quản lý chung của chính quyền sở tại… Chính vì vậy nó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp, tạo ra lợi ích cho người tiêu dùng ở 11 nước thành viên.
Mặc dù Mỹ không tham gia nhưng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương vẫn có quy mô rất lớn (trên 10.000 tỷ USD tổng GDP của 11 nước với một thị trường trên 500 triệu người) , có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam. Nó sẽ góp phần để Việt Nam xem xét thay đổi luật lệ, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, tăng cường năng xuất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng cường xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường lớn như Austrailia, Canada, Mexico, Nhật Bản… cũng như thu hút dòng vốn đầu tư (FDI) từ các nước thành viên vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu phát triển. Đặc biệt sau khi Mỹ quay trở lại và nhiều nước khác tham gia, Việt Nam có vị thế để đàm phán với những điều khoản đem lại lợi ích nhất cho mình. 
Theo tôi CPTPP quan trọng nhất đối với Việt Nam là tạo ra cơ hội để không bị lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc (TQ). Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2017 thương mại Việt Trung đạt 93,69 tỷ USD. Dự báo trong năm 2018 kim ngạch thương mại song phương sẽ chạm mốc 100 tỷ USD. TQ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của VN và VN nằm trong số đối tác lớn top 10 của TQ. Với những điểm tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán, vị trí địa lý thuận lợi, TQ vẫn sẽ là thị trường thương mại lớn nhất, giàu tiềm năng nhất của VN. Nhưng đáng buồn là, kim ngạch thương mại càng lớn VN càng bị bất lợi, luôn thâm hụt từ đầu những năm 1990 đến nay. 
Hai năm vừa rồi VN thâm hụt 22,765 tỷ USD, 28,5 tỷ USD với TQ. Có nghĩa là gần 30 năm qua, VN hoàn toàn thua thiệt trong quan hệ thương mại mà không hề có sự can thiệp cải thiện của chính quyền TQ. Họ đưa ra chính sách thương mại, đầu tư có lợi về kinh tế, chính trị, tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp, tạo điều kiện lao động cho công nhân TQ mà không hề đếm xỉa đến lợi ích của VN. Đó là chưa kể khi tình hình biên giới, tình hình Biển Đông không như ý TQ, họ sẵn sàng dùng đòn bẩy kinh tế để ép chúng ta phải nhượng bộ về chính trị, thậm chí cả chủ quyền. Bài học TQ trừng phạt Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines đã cho chúng ta thấy rõ điều đó.
Muốn không bị lệ thuộc vào TQ, muốn cán cân thương mại cân bằng, bình đẳng, VN phải đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, phải nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa của VN, phải tích cực thực hiện các cam kết song phương và đa phương với các nước ngoài TQ. VN phải đẩy mạnh quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga… Đặc biệt VN phải tận dụng cơ hội do CPTPP mang lại để giảm nhập siêu từ TQ. Chẳng hạn các doanh nghiệp VN phải chú ý đến nguyên tắc xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế 0% từ CPTPP bằng cách chuyển sang nhập khẩu các yếu tố đầu vào từ các thành viên CPTPP (Canada, Nhật Bản, Austrailia, Mexico…) thay vì từ nhập khẩu của TQ. Đồng thời VN phải có chính sách thu hút đầu tư hợp lý, xem xét đầu tư có chọn lọc từ TQ vào VN để hưởng lợi từ CPTPP mang lại…
Bài học lịch sử giữ nước từ ngàn năm nay, bài học lịch sử hiện đại, bài học TQ xâm lược VN năm 1974, năm 1979 và năm 1988 vẫn còn nguyên giá trị. Không thể không cảnh giác với TQ từ lĩnh vực kinh tế tới chính trị. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là một cái cốt vật chất chiến lược quan trọng để VN tránh bị lệ thuộc kinh tế TQ. Hy vọng mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp VN biết tận dụng mọi cơ hội để dân tộc ta trường tồn bên cạnh gã khổng lồ đầy dã tâm bành trướng.
Read More

50 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

Leave a Comment
Thực ra tôi không muốn viết về sự kiện trọng đại Tết Mậu Thân năm 1968. Đã có một cuộc hội thảo của Bộ Quốc phòng tại thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có sự tham gia của rất nhiều nhà chiến lược quân sự, các học viện, các trường đại học, các học giả, những nhà nghiên cứu lịch sử, các tướng lĩnh trực tiếp tham gia chỉ huy những trận đánh trong cả 3 đợt của chiến dịch. Thời gian đã lùi xa nửa thế kỷ. Chúng ta đều có đủ điều kiện khách quan để đưa ra những đánh giá tổng kết chân thực, đa chiều, đúng với tầm vóc chiến lược và giá trị của cột mốc chói lọi này.
Đọc một số bài viết, nhất là những bài viết của các học giả và tướng lĩnh bên kia chiến tuyến, cũng như tiếp xúc với một số cựu binh Việt Nam Cộng hòa ở Mỹ về sự kiện Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968 tôi thấy cần phải làm sáng tỏ một vài khía cạnh. Trước hết, dường như họ không những không thấy được bản chất của vấn đề, không thừa nhận sự thất bại mà còn đổ lỗi cho chính giới Mỹ, người dân Mỹ, truyền thông Mỹ và thậm chí còn quy tội lỗi cho “cái ý chí sắt đá của Cộng sản”. Sau đó họ tự ngộ nhận là “những người nắm ưu thế, những người chiến thắng về quân sự nhưng lại là nạn nhân của sự thất bại về chính trị”.
Theo số liệu thống kê, trong năm 1968 quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 quân Mỹ, quân Ngụy quyền Sài Gòn và quân các nước Australia, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan cùng với một số lượng khổng lồ vũ khí, khí tài, phương tiện chiến tranh. Theo thống kê của người Mỹ thì chúng ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 310.000 quân đồng minh. Còn tổn hại của phía Việt cộng là 113.000 quân, tức là tổn hại về quân số của quân đồng minh gần gấp ba lần Việt Cộng. Người Mỹ cũng thừa nhận hoàn toàn bất ngờ trước cuộc Tổng tấn công, lung túng bị động đối phó ở tất cả các chiến trường. Vậy thì cái ưu thế và thắng lợi về quân sự của Chính quyền Sài Gòn nằm ở chỗ nào?
Tuy nhiên trong chiến tranh, số lượng binh lính mất mát trong một chiến dịch không phải là tất cả. Cái ý nghĩa quan trọng nhất của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân của quân và dân ta là đánh vào 45 thành phố, thị xã trên khắp miền Nam, trong đó có Sài Gòn, đầu não chính trị, quân sự, kinh tế của Mỹ- Ngụy. Nó thể hiện sức mạnh, thế chủ động của đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta. Quân và dân ta đã làm nên một cơn địa chấn làm rung chuyển nước Mỹ, đập tan ý chí xâm lược của chính quyền Mỹ, buộc chính quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, ngồi xuống bàn đàm phán ở Pari. 
Với thắng lợi này, quân và dân ta đã tạo ra một bước ngoặt quyết định, làm cho quốc hội và người dân Mỹ hoàn toàn mất niềm tin vào chính quyền Mỹ, buộc chúng phải rút quân khỏi cuộc chiến, đúng như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Và những kết luận trên không chỉ rút ra từ phía chúng ta mà còn rút ra từ khối tài liệu khổng lồ của nước Mỹ, trong đó có hồi ký và tự thuật của Tổng thống Lyndon B. Johnson (người phải từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ 2 năm 1968 vì cuộc chiến ở Việt Nam), Tổng thống Richard Nixon (người trúng cử tổng thống Mỹ cuối năm 1968 với lời hứa rút quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam trong danh dự), Henry Kissinger (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ đương thời), Robert Mc Namara (Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ đương thời). 
Tôi biết rõ sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy, chúng ta gặp nhiều khó khăn như vùng kiểm soát của chúng ta bị thu hẹp, lực lượng nằm vùng bị đánh bật ra khỏi các nội đô, lực lượng quân chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích nhiều nơi bị suy yếu, các tổ chức chính trị, hoạt động ngầm ở tất cả các địa phương bị lộ… Chính vì vậy một số người, kể cả một số sỹ quan và chiến sỹ của chúng ta cho rằng, chúng ta thắng lợi về chiến lược nhưng thất bại về chiến thuật. 
Tôi không đồng ý với quan điểm này. Chiến lược quân sự là phương thức để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh. Có thể hiểu chiến lược là chương trình hành động, kế hoạch hành động đề ra để đạt được mục tiêu, là tổ hợp các mục tiêu dài hạn và các biện pháp, cách thức, con đường để thực hiện các mục tiêu. Còn chiến thuật thường đề cập đến việc tiến hành một trận đánh, trong khi chiến lược đề cập đến việc liên kết các trận đánh với nhau. Nghĩa là cần phối hợp các trận đánh để đi đến mục tiêu quân sự cuối cùng. Thắng lợi của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy đạt được thắng lợi cả về mặt chính trị, lẫn quân sự, cả về chiến lược lẫn chiến thuật. Nó được thể hiện rõ nét nhất ở số liệu người Mỹ đưa ra: 310.000 binh lính bị loại khỏi vòng chiến đấu, 13.000 xe cơ giới, 1000 tàu chiến, 700 kho đạn, 15.000 đồn bốt, hàng trăm máy bay… Nghĩa là một phần tư quân lực Mỹ- Nguy bị loại khỏi vòng chiến đấu, nhiều tỷ đô la vũ khí, khí tài, phương tiện chiến tranh. Tại sao lại nói chúng ta thất bại về chiến thuật. Hơn nữa nếu chúng ta thất bại về mặt chiến thuật thì làm gì có thắng lợi về mặt chiến lược.
Chúng ta phải đặt cuộc Tổng tấn công và nổi dậy trong bối cảnh lịch sử chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ ở vào giai đoạn quyết liệt nhất sau hai cuộc phản công tìm diệt mùa khô 1965-1966 và 1966-1967. Chẳng lẽ vào thời điểm đó chúng ta không gặp khó khăn? Lực lượng của chúng ta không bị tiêu hao, suy yếu? Nếu không có cuộc Tổng tấn công và nổi dậy thì chắc sẽ có một cuộc phản công tìm diệt mùa khô vô cùng tàn khốc vào năm 1967-1968 cộng với gọng kìm bình định vô cùng thâm độc, liệu tình hình chúng ta lúc đó sẽ như thế nào? Nếu không có cuộc tổng tấn công và nổi dậy, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ suôn sẻ, Johnson hay Nixson trúng cử tổng thống mà không có việc cam kết rút quân khỏi miền nam thì tình hình sẽ ra sao? Hơn nữa lúc đó phe xã hội chủ nghĩa đã có vấn đề. Trung Quốc có dấu hiệu bắt tay với Mỹ chống Liên Xô. Họ sẵn sàng hy sinh chúng ta, cắt tất cả viện trợ để đổi lại việc người Mỹ cho họ ngồi vào chiếc ghế thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và công nhận một nước Trung Quốc. Nếu không có một đòn quyết định, tình thế đối với chúng ta sẽ thật nguy hiểm. Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài hơn nữa. Thậm chí có khả năng đất nước chúng ta sẽ đi theo cái kịch bản Đông Đức- Tây Đức hay Nam-Bắc Triều Tiên như bây giờ.
Đúng là sau Tổng tấn công và nổi dậy chúng ta gặp rất nhiều khó khăn trong suốt năm 1969, 1970. Chúng ta phải nhìn nhận lại những khiếm khuyến trong kế hoạch và chỉ đạo chiến dich Tết Mậu Thân. Tuy nhiên, lịch sử đã khẳng định rằng, thời gian sẽ giúp chúng ta phục hồi và vươn lên mạnh mẽ hơn. Thực tế chúng ta đã phục hồi và lớn mạnh hơn vào đầu năm 1971. Nhưng thời gian sẽ không bao giờ lặp lại thời cơ. Nếu Đảng ta và Quân ủy Trung ương bỏ lỡ thời cơ đầu năm 1968, không mở cuộc Tổng tấn công thì đất nước ta sẽ khó mà có khúc ca khải hoàn vào ngày 30/4/1975. 
Nếu chúng ta đánh giá tình hình sát hơn, linh hoạt hơn, thu hẹp một số mục tiêu, chuẩn bị tốt hơn công tác hậu cần, có phương án chủ động rút lui bảo toàn lực lượng sau các cuộc tấn công, lường trước được lịch Nam, Bắc chênh nhau một ngày thì sẽ giảm bớt được xương máu của cán bộ chiến sỹ. Chúng ta sẽ không gặp khó khăn trong hai năm sau đó. Và cuộc đấu tranh trên bàn hội nghị ngoại giao cũng sẽ không kéo dài đến như vậy. Đúng là sự hy sinh to lớn của quân và dân ta trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu thân là tổn thất vô cùng to lớn của dân tộc Việt Nam, của Quân đội nhân dân Việt Nam, là mất mát không gì có thể bù đắp được đối với những anh hùng liệt sỹ và thân nhân của họ, nhưng sự hy sinh to lớn ấy cũng giống như sự hy sinh của quân và dân ta trong trận Như Nguyệt, trận Bạch Đằng, trận Chi Lăng, trận Đống Đa, Trận Điện Biên Phủ thủa nào để non sông đất nước ta mãi mãi trường tồn cùng năm tháng.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.