Kỷ niệm 55 năm Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân và 50 năm ký kết Hiệp định Paris

Leave a Comment

 

Sau khi Hội cựu chiến binh Quân khu Trị Thiên Kỷ niệm 55 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và 50 năm ký kết Hiệp định Paris, một số tướng lĩnh và đồng đội có ướm lời tôi viết một bài về hai sự kiện này để trình bày trong hội nghị tiếp theo. Tôi nhận lời vì đã viết bài cách đây 5 năm. Chỉ có điều là viết thế nào để khỏi lặp lại những vấn đề, những kết luận mà nhiều học giả và tướng lĩnh đã trình bày trong kỷ yếu hội thảo. Tôi suy nghĩ và hoàn thành một ngày sau đó. Được Ban tổ chức và Thiếu tướng Lê Huy Mai chấp thuận đưa vào chương trình, nhưng rất tiếc hội nghị không còn thời gian nên tôi không đọc bài viết của mình và một bài viết nữa của Đại tá Hồ Hữu Lạn. Xin được chia sẻ với anh em, đồng đội, bạn bè.

Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 và Hội nghị Paris

 Kính thưa các vị đại biểu!

 Kính thưa Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh và các vị tướng lĩnh, các sỹ quan!

 Thưa các anh em đồng đội!

 Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của Quân và Dân ta đã bước sang năm thứ 55 và cũng là mốc 50 năm Hiệp định Paris được ký kết. Đây là hai sự kiện mang tầm vóc lịch sử của dân tộc, của thời đại gắn liền với lịch sử Sư đoàn 324.

 Đã có một cuộc hội thảo của Bộ Quốc phòng tại thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có sự tham gia của rất nhiều nhà chiến lược quân sự, các học viện, các trường đại học, các học giả, những người nghiên cứu lịch sử, các sỹ quan cao cấp trực tiếp tham gia chỉ huy những trận đánh trong cả 3 đợt của chiến dịch này nên tôi không nhắc lại những nội dung cơ bản đã được các tác giả nêu ra. Phía bên kia chiến tuyến cũng có không ít những bài viết về hai sự kiện lịch sử trọng đại này. Thời gian đã lùi xa hơn nửa thế kỷ. Chúng ta có đủ điều kiện khách quan để đưa ra những đánh giá tổng kết chân thực, đa chiều, đúng với tầm vóc chiến lược và giá trị của hai cột mốc chói lọi này.

 Đọc một số bài viết, nhất là một số bài viết của các học giả và tướng lĩnh bên kia chiến tuyến, cũng như về một số ý kiến ngoài nghị trường của một số anh em chúng ta, tôi thấy cần làm sáng tỏ một vài khía cạnh. Trước hết, dường như có một số người thuộc chế độ ngụy quyền Sài Gòn không những không thấy được sự thất bại chiến lược, không thừa nhận sự thất bại về chiến lược mà còn đổ lỗi thất bại mùa xuân 1968 cho chính giới Mỹ, truyền thông Mỹ, người dân Mỹ và thậm chí còn quy lỗi cho “cái ý chí sắt đá của Cộng sản”. Sau đó họ ngộ nhận là “những người nắm ưu thế, những người chiến thắng về quân sự nhưng lại là nạn nhân của sự thất bại về chính trị”. Và rất tiếc trong số chúng ta cũng có những người nghĩ như vậy.

 Theo số liệu thống kê của chúng ta, trong năm 1968 quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 quân Mỹ, quân Ngụy Sài Gòn và quân các nước Australia, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan cùng với một số lượng khổng lồ vũ khí, khí tài, phương tiện chiến tranh (tôi nghĩ số liệu này hơi quá với thực tế). Còn theo thống kê của người Mỹ thì chúng ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 310.000 quân Mỹ ngụy và chư hầu. Tổn hại của phía “Việt cộng” là 113.000 quân, tức là tổn hại về quân số của Mỹ ngụy gần “gấp ba lần Việt Cộng”. Người Mỹ đã thừa nhận hoàn toàn bất ngờ trước cuộc tổng tiến công, lung túng bị động đối phó ở tất cả các chiến trường. Thiệt hại về người và phương tiện chiến tranh là quá lớn. Vậy thì cái ưu thế và thắng lợi về quân sự của Chính quyền Sài Gòn nằm ở chỗ nào?

 Trong chiến tranh, số lượng binh lính mất mát trong một chiến dịch chỉ là một khía cạnh. Cái ý nghĩa quan trọng nhất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của quân và dân ta là đã đánh vào 45 thành phố, thị xã trên khắp miền Nam, trong đó có Sài Gòn, đầu não chính trị, quân sự, kinh tế của Mỹ- ngụy. Nó thể hiện sức mạnh, thế chủ động của đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta. Quân và dân ta đã làm nên một cơn địa chấn làm rung chuyển nước Mỹ, đập tan ý chí xâm lược của chính quyền Mỹ, buộc chính quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, ngồi xuống bàn đàm phán ở Paris.

 Đúng như nguyên Viện trưởng Viện Sử học Đinh Quang Hải đã viết trong Kỷ yếu 50 cuộc Tống tiến công và  nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã gây ra cho đế quốc Mỹ một đòn "choáng váng đột ngột", làm đảo lộn thế bố trí, phá vỡ kế hoạch tác chiến dự định của chúng; làm rung chuyển không những toàn bộ chiến trường miền Nam Việt Nam mà còn làm rung chuyển cả Lầu Năm Góc cũng như toàn nước Mỹ. Với ý nghĩa to lớn đó, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là một sự kiện lịch sử quan trọng và để lại dấu ấn sâu đậm trong tiến trình lịch sử Việt Nam”.

 Với thắng lợi Xuân Mậu Thân năm 1968, quân và dân ta đã tạo ra một bước ngoặt quyết định, làm cho quốc hội và người dân Mỹ hoàn toàn mất niềm tin vào chính quyền Mỹ. Hàng triệu người dân, hàng vạn sinh viên hàng trăm trường đại học Mỹ đã xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh, đòi chính quyền rút quân về nước. Trước sức ép dư luận quốc tế và ở trong nước, Chính quyền Mỹ buộc phải tính đến việc rút quân khỏi cuộc chiến, đúng như tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

 Những kết luận trên không chỉ được rút ra từ phía chúng ta mà còn rút ra từ khối tài liệu khổng lồ của chính nước Mỹ, trong đó có hồi ký và tự thuật của Tổng thống Lyndon B. Johnson (người phải từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ 2 năm 1968 vì cuộc chiến ở Việt Nam), Tổng thống Richard Nixon (người trúng cử tổng thống Mỹ cuối năm 1968 với lời hứa rút quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam trong danh dự), Henry Kissinger (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ đương thời), Robert Mc Namara (Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ đương thời)…

  Cán bộ và chiến sỹ chúng ta trong thời gian đó đều biết sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, chúng ta gặp nhiều khó khăn như vùng kiểm soát bị thu hẹp đáng kể, lực lượng nằm vùng bị đánh bật ra khỏi các nội đô, lực lượng quân chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích nhiều nơi bị suy yếu, các tổ chức chính trị, hoạt động ngầm ở tất cả các địa phương bị lộ… Chính vì vậy một số người, kể cả một số sỹ quan và chiến sỹ cho rằng, chúng ta thắng lợi về chiến lược nhưng thất bại về chiến thuật.

Tôi không đồng ý với quan điểm này. Chiến lược quân sự là phương thức để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh. Có thể hiểu chiến lược là chương trình hành động, kế hoạch hành động đề ra để đạt được mục tiêu, là tổ hợp các mục tiêu dài hạn và các biện pháp, cách thức, con đường để thực hiện các mục tiêu. Còn chiến thuật thường đề cập đến việc tiến hành một trận đánh, trong khi chiến lược đề cập đến việc liên kết các trận đánh với nhau để đi đến mục tiêu quân sự cuối cùng.

 Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đạt được thắng lợi cả về mặt chính trị, lẫn quân sự, cả về chiến lược lẫn chiến thuật. Nó được thể hiện rõ nét nhất ở số liệu người Mỹ đưa ra: 310.000 binh lính liên quân Mỹ ngụy bị loại khỏi vòng chiến đấu, 13.000 xe cơ giới, 1000 tàu chiến, 700 kho đạn, 15.000 đồn bốt, hàng trăm máy bay… Nghĩa là một phần tư quân lực bị loại khỏi vòng chiến đấu cùng nhiều tỷ đô la vũ khí, khí tài, phương tiện chiến tranh. Tại sao lại nói chúng ta thất bại về chiến thuật.

 Chúng ta phải đặt cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trong bối cảnh lịch sử chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ sau hai cuộc phản công tìm diệt mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 đầy ác liệt. Ở thời điểm đó chúng ta gặp không ít khó khăn. Lực lượng của chúng ta bị tổn thất và suy yếu. Nếu không có cuộc Tổng tiến công và nổi dậy thì chắc chắn sẽ có cuộc phản công tìm diệt mùa khô vào năm 1967-1968, cộng với gọng kìm bình định thâm độc. Liệu tình hình chúng ta khi ấy sẽ như thế nào? Theo kịch bản đó chúng ta hoàn toàn bị động. Tổn thất chắc chắn sẽ rất lớn.

 Chúng ta cũng phải đặt cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trong bối cảnh quốc tế. Nếu không có cuộc tổng tiến công và nổi dậy, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra bình thường, Johnson hay Nixon trúng cử tổng thống không có cam kết rút quân khỏi miền Nam thì tình hình sẽ như thế nào? Vào thời điểm đó phe xã hội chủ nghĩa đã có sự phân hóa. Trung Quốc cố lôi kéo chúng ta đi theo họ và có dấu hiệu bắt tay với Mỹ chống Liên Xô. Họ sẵn sàng hy sinh quyền lợi của chúng ta, cắt viện trợ để đổi lại việc Mỹ cho họ ngồi vào chiếc ghế thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

 Nếu không có cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, tình thế đối với chúng ta sẽ thật nguy hiểm. Tình hình trong nước và quốc tế rất khó lường. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của chúng ta có thể gặp khó khăn và còn có thể kéo dài vì lợi ích nước lớn. Thậm chí kịch bản đất nước chúng ta có thể đi theo vết xe của Đông Đức-Tây Đức hay như Nam-Bắc Triều Tiên bây giờ.

 Đúng là sau Tổng tấn công và nổi dậy chúng ta gặp nhiều khó khăn trong một thời gian. Chúng ta phải thấy  những khiếm khuyết trong kế hoạch và khiếm khuyết trong sự chỉ đạo chiến dịch. Số lượng cán bộ chiến sỹ hy sinh quá lớn. Ở Thừa Thiên- Huế, riêng ở K8, Đoàn Cửu long, trước khi vào Tây Nguyên đã có tới hơn 400 cán bộ chiến sỹ hy sinh tại làng Phước Yên - Quảng Thọ. Trung đoàn 29 Sông Lô có tới 748 cán bộ chiến sỹ thương vong…

 Thực tế chiến trường đã cho thấy thời gian sẽ giúp chúng ta phục hồi và vươn lên nhanh. Chúng ta đã phục hồi và lớn mạnh hơn vào đầu năm 1971. Riêng Sư đoàn 324 ở chiến trường Trị Thiên đã phục hồi chỉ sau một năm. Tháng 5/1969 Trung đoàn thiệt hại nặng nề nhất trong năm 1968, Trung đoàn 3 đã đánh bại Lữ đoàn Dù trên Đồi Bia làm nên một trận đánh trong lòng nước Mỹ, đánh bại chiến lược kiểm soát vùng rừng núi Thừa Thiên của Mỹ ngụy. Tháng 7 năm 1970 Trung đoàn 1 và các đơn vị bạn đã buộc Lữ đoàn Dù số 3 phải tháo chạy khỏi cao điểm 935, nối liền thể ba vùng chiến lược. Và lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, lần đầu tiên quân đội Mỹ phải rút chạy khỏi chiến trường để “không trở thành một trận Điện Biên Phủ của người Mỹ”… Thế nhưng thời gian sẽ không lặp lại thời cơ nếu Đảng ta và Quân ủy Trung ương bỏ mất thời cơ đầu năm 1968.

 Trong chiến tranh có kế hoạch nào là hoàn hảo 100%? Kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy cũng vậy. Giá như các cấp từ Quân ủy Trung ương tới cơ sở đánh giá tình hình sát hơn, linh hoạt hơn, không dàn trải, tập trung vào những mục tiêu chính, chuẩn bị tốt hơn công tác hậu cần, chuẩn bị phương án chủ động rút lui bảo toàn lực lượng thì sẽ giảm bớt được xương máu của cán bộ chiến sỹ. Hội nghị Paris cũng vì thế không kéo dài đến như vậy.

 Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy khởi nguồn dẫn đến Hội nghị Pari. Và chính Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy cũng quyết định thời gian đàm phán của hội nghị. Chúng ta gần như tập trung sức  lực cho chiến dịch, tổn thất sinh lực và vật lực lớn nên gặp nhiều khó khăn trong một thời gian. Cuộc đấu tranh trên bàn hội nghị ngoại giao cũng vì thế mà kéo dài. Kéo dài đến nỗi báo chí phương Tây gọi đó là “Hội nghị của những kẻ điếc”.

 Có thể nói Hội nghị Paris là cuộc đàm phán kéo dài và khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới. Thời gian kể từ lúc bắt đầu ngày 15 tháng 3 năm 1968 đến khi kết thúc ngày 27 tháng 1 năm 1973 là 4 năm 8 tháng 14 ngày với 202 phiên họp công khai và 24 cuộc gặp riêng. Thời gian kéo dài vì lực lượng của chúng ta không chiếm ưu thế trên chiến trường, về cơ bản là chống và đỡ.

 Đảng ta chủ trương đấu tranh ngoại giao là một mặt trận quan trọng, vừa đánh vừa đàm. Nhưng vẫn xác định thắng lợi trên chiến trường mới là quyết định cuối cùng. Đến cuối năm 1970 chúng ta đã phục hồi và lớn mạnh, nắm thế chủ động trên chiến trường. Nếu chúng ta không có chiến thắng Đường 9 Nam Lào năm 1971, không có chiên thắng Xuân-Hè năm 1972, Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không thì chắc chắn không có ngày 27 tháng 1 năm 1973.

 Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học Viện Hồ Chí Minh đã khẳng định ý nghĩa lịch sử to lớn của Hiệp định Paris đối với tiến trình cách mạng Việt Nam: “Hiệp định Paris là tổng hòa thắng lợi quân sự, chính trị và ngoại giao, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút hết quân, tạo cục diện mới để đi đến thắng lợi cuối cùng. Từ điểm tựa chiến lược của Hiệp định Paris, quân và dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.

 Chúng ta rất tự hào là những người lính Sư đoàn 324, những người lính Quân đoàn 2, những đơn vị đã tiến công vào thành phố Huế, ngoại ô Huế, một điểm sáng trong toàn bộ chiến dịch, giữ vững thành phố Huế trong 25 ngày đêm, kìm giữ quân địch để cho các đơn vị bạn rút lên vùng rừng núi, góp phần vào thắng lợi chung. Chúng ta cũng tự hào là một trong những đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Đường 9- Nam Lào. Chúng ta cũng tự hào đã góp phần xứng đáng trong Chiến dịch mùa hè lửa ở Quảng trị. Chúng ta đã đập tan âm mưu lấn chiếm, giành dân của ngụy quyền Sài Gòn trước khi ký kết Hiệp địn Pari, để lại những dấu ấn không phai mờ, góp phần làm nên chiến công chung của toàn quân và toàn dân trong chiến dịch Tổng tiến công Mậu Thân 1968, góp phần buộc địch ngồi vào bàn hội nghị và tiến tới ký kết Hiệp định Pari.

 Nhân dịp kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 và 50 năm ký kết Hiệp định Paris, chúng tôi xin chúc tất cả các vị đại biểu, các vị tướng lĩnh, anh em đồng đội mạnh khỏe, bình an, nhiều niềm vui!

 Xin trân trọng cảm ơn!

Read More

Thơ lục bát

Leave a Comment

 

Thơ lục bát

 Trước tết, bạn học Minh Tâm có động viên tôi gửi mấy bài thơ tình lục bát cho Ban tổ chức Câu lạc bộ Thơ lục bát Hà Nội. Tôi rất ít viết thơ, thơ tình lục bát càng ít viết nên có phần ngần ngại.

Sau thời gian phát động, Ban tuyển chọn đã gửi bài tới Hội đồng Giám khảo thơ tình lục bát do nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam làm chủ tịch. Trong số 200 tác giả với trên 700 bài thơ khắp các vùng miền đất nước, tôi không ngờ mình được chọn hai bài trong Tập thơ tình lục bát của nhiều tác giả do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành.

 Xin cảm ơn bạn Minh Tâm, Ban tổ chức, Hội đồng Giám khảo và xin chia sẻ cùng anh em, bạn bè nhân ngày lễ tình nhân!

1  Thu tình

Thế rồi thu nhớ cũng sang

Gió heo may sẽ ru hàng tre xanh

Đất trời nhè nhẹ thanh thanh

Hoa cau lấm tấm mong manh đợi chờ

Thế rồi thu đến mộng mơ

Sáng mai gọi nắng choàng bờ vai em

Thoảng đâu sen, cốm dịu êm

Chuối cây vàng chín bên thềm cô liêu

Thế rồi thu ướm lời yêu

Se se chớm lạnh một chiều mối mai

Ngàn thu tình cũ còn, phai

Bâng khuâng một thoáng gọi ai thu về!

2  Chia tay

Biết em một buổi chiều hè

Quen em từ độ thu về vấn vương

Tóc sương quấn quýt sân trường

Thầy cô, bè bạn trên đường có em

Cùng say điệu hát dịu êm

Theo trăng nương bóng, hương đêm ngỡ ngàng

Dẫu không danh phận, lỡ làng

Đón đưa ngày tháng dịu dàng xuân qua

Luận văn tìm đến hai ta

Chốn quê điền dã, cây đa, sân đình

Tiếng gà xao xác bình minh…

Mẫu hội viên mãn, sân Trình lặng thinh

Thời gian đâu của chúng mình

Chia tay buổi ấy thẫm tình đôi nơi

Quê hương khuất nửa phương trời

Hẹn em mạnh khỏe qua thời gian truân

Xứ người lạc bước tri ân

Đêm đêm thao thức xa gần nhớ em

Read More

Giao lưu với Khan Academy Quốc tế và the Vietnam Foundation

Leave a Comment

 

Giao lưu với Khan Academy Quốc tế và The Vietnam Foundation

Nhân dịp Khan Academy Quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam, The Vietnam Foundation, Khan Academy tiếng Việt có mời khách và cộng đồng phụ huynh học sinh toàn quốc giao lưu, chia sẻ với chuyên gia Khan Academy quốc tế. Tôi được mời chia sẻ trong hội nghị trực tuyến toàn quốc.

 Xin được giới thiệu sơ qua về hai tổ chức trên. Tổ chức thứ nhất, Khan Academy Quốc tế là một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận có trụ tại Mỹ do Giáo sư Sal Khan thành lập vào năm 2008. Ông đã tạo ra trang web mang tên Học viện Khan (Khan Academy), một bộ công cụ trực tuyến để cung cấp nội dung giáo dục cho học sinh từ mầm non tới lớp 12.

 Nội dung giáo dục của Khan Academy bao gồm một số lượng khổng lồ những bài học ngắn gọn, ước tính có trên 150 triệu bài học dưới dạng video. Ngoài việc cung cấp nội dung bài học, Khan Academy còn cung cấp một số lượng bài tập tương ứng, cùng với nhiều tài nguyên cho các đối tượng giáo dục khác nhau.

 Tài nguyên Khan Academy được cung cấp miễn phí cho người sử dụng ở Mỹ và ở khắp nơi trên thế giới. Nguồn kinh phí chủ yếu của Khan Academy đến từ khoản tài trợ của những nhà hảo tâm và các tổ chức từ thiện. Ví dụ năm 2010, Google đã tài trợ 2 triệu đô la Mỹ cho việc sản xuất các khóa học mới và biên dịch nội dung sang các ngôn ngữ khác ngoài ngôn ngữ Anh. Năm 2015 AT&T tài trợ 2,25 triệu đô cho Khan Academy để cung cấp nội dung của trang web trên ứng dụng di động. Năm 2018 Quỹ Bill & Melinda Gates đã tài trợ 1,5 triệu đô. Năm 2021, Elon Musk đã tài trợ 1 triệu đô thông qua quỹ Musk…

 Mục tiêu của Khan Academy là cung cấp trải nghiệm học tập miễn phí và cá nhân hóa học tập cho các đối tượng giáo dục, chủ yếu dựa trên các video được đăng tải lên YouTube. Các video học tập của Khan Academy ghi lại nét chữ và hình vẽ của người dạy trên một phông nền màu đen, tương tự như cách giáo viên giảng bài bằng bảng đen trên lớp.

  Năm 2018 có hơn 70 triệu người sử dụng Khan Academy, trong đó 2,3 triệu học sinh sử dụng để chuẩn bị cho kỳ thi SAT. Tính đến tháng 2 năm 2022, kênh Khan Academy trên YouTube có tới 7,11 triệu người đăng ký học tập và hơn 1,94 tỷ lượt người truy cập trên toàn thế giới.

 Thứ hai, Tổ chức The Vietnam Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận được ông Phạm Đức Trung Kiên và Tiến sĩ H. Ray Gamble thành lập ở Washington D.C (Hoa Kỳ). The Vietnam Foundation đề ra nhiệm vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt Nam thông qua con đường giáo dục. Từ ngày thành lập đến nay, tổ chức này luôn nỗ lực để rút ngắn khoảng cách giữa nhu cầu học tập tăng nhanh của người Việt và khả năng đáp ứng còn hạn chế của hệ thống giáo dục nhờ tận dụng sức mạnh của công nghệ hiện đại.

Trong những ngày đầu, nhờ sự hợp tác chặt chẽ với Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ, The Vietnam Foundation đã mang những kiến thức tinh hoa của giới học thuật Hoa Kỳ về nước, làm giàu cho việc học tập ở bậc đại học. Dự án nổi bật nhất là Dự án Tài nguyên Học liệu Mở Việt Nam, một dự án cung cấp các tài liệu chuẩn miễn phí, chất lượng cao cho giảng viên, sinh viên đại học, cao đẳng.

 The Vietnam Foundation còn nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống của nhóm thiệt thòi nhất trong xã hội, cụ thể là những người khiếm thị, bằng cách nâng cao cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục. The Vietnam Foundation đã xây dựng và duy trì một trung tâm Thư viện Sách Nói cộng đồng, cũng như cung cấp hơn 100 học bổng và 20 laptop dành riêng cho người mù hàng năm.

 Năm 2017, The Vietnam Foundation đưa ra Chương trình Vietnam Education Foundation 2,0 (VEF 2.0), một sáng kiến do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ.  Chương trình này đưa ra quy trình tuyển chọn nghiêm ngặt để tìm và giới thiệu những ứng viên xuất sắc của Việt Nam gửi sang các trường Đại học của Hoa Kỳ. Chương trình này hứa hẹn sẽ tạo ra một thế hệ những nhà khoa học và kỹ sư xuất sắc cho Việt Nam.

 Chương trình gần đây nhất của The Vietnam Foundation là Chương trình Khan Academy tiếng Việt, chương trình hướng tới việc tạo ra một tầm ảnh hưởng lớn hơn tới nền giáo dục Việt Nam thông qua việc Việt hoá một số nội dung học tập online miễn phí của Khan Academy. Chương trình sẽ mang đến cho hàng triệu học sinh Việt Nam cơ hội tiếp cận những nội dung chất lượng quốc tế, hoàn toàn miễn phí.  The Vietnam Foundation đã được Chính phủ Việt Nam cấp giấy phép hoạt động trong nước và có văn phòng đại diện đặt tại Hà Nội.

 Chia sẻ về cơ duyên mình đến với Khan Academy, tôi kể lại câu chuyện vào đầu năm học 2011, chúng tôi đến thăm Trường Quốc tế Columbia Independent School thuộc bang Missouri. Chúng tôi có buổi làm việc ít với Tiến sĩ  William Rowe, Hiệu trưởng nhà trường. Trong buổi tọa đàm ông có trao đổi với chúng tôi về phương pháp học tập đảo ngược cùng với việc sử dụng trang web trực tuyến mở Khan Academy. Về nước, chúng tôi lại có dịp trao đổi với Tiến sĩ Giáp Văn Dương, phụ huynh học sinh ở trường Quốc tế Bill Gates về trang web mở này. Nhờ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu về Khan Academy.

 Tôi thật sự say mê trang tài nguyên giáo dục mở này. Tôi đã trải nghiệm hàng trăm bài học toán, khoa học. Tôi đã học được rất nhiều điều, từ kiến thức đến phương pháp giảng dạy. Tôi yêu cầu một số giáo viên và học sinh thử nghiệm áp dụng những bài học và bài tập toán của Khan cho học sinh khối 6, khối 7. Việc làm này được các bậc phụ huynh học sinh vui mừng ủng hộ. Có phụ huynh nói với tôi: “Em cũng học cùng con thầy ạ”. Tôi còn động viên tất cả các cháu trong đại gia đình, một tuần dành vài buổi học tập với Khan. Một số cháu đã có thành tích cao trong các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế.

  Sau một thời gian, tôi không còn công tác tại trường có yếu tố nước ngoài, nhưng dù làm việc ở vị trí nào nếu có liên quan đến giáo dục phổ thông, tôi đều giới thiệu, đề cập đến việc sử dụng Khan. Đặc biệt từ khi Khan có phiên bản tiếng Việt cho môn toán từ lớp 1 cho tới lớp 7, tôi đã đến hàng chục trường học ở Hà Nội, ở Yên Bái nói chuyện chuyển đổi số, hình thức học tập kết hợp, giới thiệu và đưa Khan vào trường học…

  Nhiều vấn đề được nêu ra trong hội nghị trực tuyến. Bà Amanda Campos, Trưởng nhóm xây dựng nội dung học liệu dành cho đối tác quốc tế đã tiếp thu và giải trình. Có một số ý kiến đã được bà ghi nhận về cùng nhóm nghiên cứu tại trụ sở nghiên cứu. Bà rất muốn được dự một số giờ để chứng kiến giáo viên và học sinh sử dụng bài giảng và bài tập của Khan ở trên lớp theo lời mời của tôi. Vì lịch trình đã kín, bà nói sẽ quay trở lại Việt Nam vào một dịp khác. 12 giờ hội nghị vẫn chưa kết thúc. Ông Phạm Đức Trung Kiên, Chủ tịch The Vietnam Foundation đã mời ban lãnh đạo Chương trình Khan Academy tiếng Việt và tôi vừa dùng bữa vừa bàn về vấn đề mang “tính chất chiến lược”.

 Tôi đề xuất với ông Kiên và bà Amanda, đề nghị với Khan Academy Quốc tế Việt hóa phần giáo dục sớm cho khối mầm non và nếu có thể thì Việt hóa Khan kids (chương trình giáo dục sớm dành cho học sinh từ 2 đến 6 tuổi). Sau phút trầm ngâm suy nghĩ ông Kiên đồng ý, nhưng hỏi lại tôi: “Ở Việt Nam liệu có nhu cầu sử dụng không”. Tôi trả lời: “Vừa có nhu cầu vừa có lợi ích rất to lớn”.

  Qua tìm hiểu những thành tựu nghiên cứu giáo dục sớm của Hoa Kỳ, chứng kiến thực tế các cháu mình và các cháu người Việt ở các tiểu bang ở Hoa Kỳ học một cách “vô thức” qua Khan, qua Baby Einstein (bố mẹ mở ipad cho con xem các chương trình trên, còn bản thân thì phải làm việc), tôi biết nhiều cháu đã đọc được sách tiếng Anh mà chưa hề được đi học. Tôi cũng có thời gian trực tiếp quản lý một trung tâm dạy tiếng Anh ở các trường mầm non từ đầu năm 2012 đến 2015 trước khi Bộ giáo dục cấm dạy ngoại ngữ ở bậc học này. Đặc biệt nhờ chuyến thực tế hướng dẫn chuyển đổi số ở Mù Cang Chải, ít nhiều tôi nhận thấy được giá trị của chương trình Khan dành cho các bậc học, trong đó có bậc học mầm non. Từ những trải nghiệm đó tôi tiếp tục đề xuất không Việt hóa hoàn toàn bằng tiếng Việt ở bậc mầm non như đã làm với lớp 1 đến lớp 7 mà Việt hóa chương trình giáo dục mầm non theo hình thức kết hợp, nghĩa là vẫn để phần tiếng Anh song song với phần tiếng Việt. Như vậy học sinh người dân tộc miền núi khi học theo chương trình Khan vẫn học được cả tiếng Việt và tiếng Anh theo quy định. Học sinh ở thành thị không có nhu cầu học tiếng Viêt có thể chỉ học tiếng Anh. Học sinh ở nông thôn có thể học một trong hai thứ tiếng hoặc học cả tiếng Việt và tiếng Anh. Về mặt kỹ thuật, với khối mầm non, giải pháp kết hợp như trên là khả thi. Đề xuất trên được ban lãnh đạo KATV hoàn toàn ủng hộ.

 Ông Kiên yêu cầu thư ký đưa cho tôi danh thiếp và nói: “ Anh có thể trao đổi thêm với tôi bằng điện thoại và email. Tôi sẽ bàn kỹ với chị Amanda. Tháng 5 này tôi sang Mỹ làm việc với Khan Academy quốc tế. Hy vọng ý tưởng của chúng ta sẽ trở thành hiện thực”.

Đúng 3h tôi mới trở về nhà. Một ngày cuối tuần khép lại với bao niềm vui! Hy vọng rằng Ông Kiên cùng với bà Amanda có thể thuyết phục được các cấp lãnh đạo Khan Academy Việt hóa phần nội dung giáo dục Khan sớm và Việt hóa Khan kids. Tôi tin rằng hàng triệu học sinh mầm non Việt Nam sẽ được thụ hưởng những thành quả mới nhất của nhân loại, những điều tốt nhất của cuộc cách mạng số, cuộc cách mạng 4.0 đem lại.

Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.