Tướng Tăng Văn Miêu

Leave a Comment

 

Tướng Tăng Văn Miêu

 Vào trung tuần tháng 11/2022, một số anh em cựu chiến binh Hà Nội chúng tôi về Hải Phòng thăm Tướng Tăng Văn Miêu. Ông nguyên là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 Chủ công, tiểu đoàn duy nhất của Quân khu Trị Thiên trong thời kỳ chống Mỹ được phong tặng hai lần Anh hùng. Ông “bị thương” do một tai nạn giao thông, gẫy một dẻ xương chân, phải bó lá và làm bạn với chiếc xe lăn.

 Đa số anh em cựu chiến binh Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 đều biết đến cái tên Tăng Văn Miêu. Vào năm 1968 ông là một trong những tiểu đoàn trưởng trẻ nhất Quân đội nhân dân Việt Nam, tham gia nhiều trận đánh lớn như Tổng công kích vào Huế Mậu Thân (1968), Chiến dịch Delawere đối đầu với Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 (Tia chớp nhiệt đới), trận đánh trên đồi A Bia (1969) ở A Lưới và những trận đánh trong Chiến dịch 935-Cốc Bai (1970) ở Phong Điền... Ông thường xuyên “được” kẻ địch “réo tên” trên hệ thống loa tâm lý chiến khi chúng đụng độ với K7.

 Tăng Văn Miêu tốt nghiệp trường sỹ quan pháo binh, được biên chế về một đại đội trước khi Trung đoàn 29 Kiến Giang thành lập. Đầu năm 1967, khi Quân ủy Trung ương quyết định mở Mặt trận B5-Đường 9, trực tiếp chỉ huy các trung đoàn độc lập tác chiến ở Bắc Quảng Trị, anh là chỉ huy đại đội tham gia nhiều trận đánh với các đơn vị Thủy quân lục chiến Mỹ. Đến tháng 1/1968 anh được bổ nhiệm là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 7, trực tiếp chỉ huy tiến công đánh chiếm sân bay Tây Lộc, cống Thủy Quan, xưởng quân giới trong nội đô Huế.

 Sau khi Tiểu đoàn 7 diệt Đại đội Hắc Báo, phá hủy gần một trăm xe tăng, hàng chục máy bay và tiêu diệt thêm gần một đại đội ngụy khác, làm chủ sân bay Tây Lộc, xưởng quân giới, Mỹ ngụy đã sử dụng một lực lượng lớn, trong đó có Lữ Dù điên cuồng phản kích hòng chiếm lại những vị trí đã mất. Tiểu đoàn 7 đã kiên cường đẩy lùi 7 cuộc tấn công của kẻ địch, giữ vững trận địa.

 Sáng ngày 7/2, Tiểu đoàn phó Tăng Văn Miêu chỉ huy Đại đội 2, Đại đội 3 sử dụng 20 khẩu cối, DKZ cấp tập hàng trăm quả đạn cối bắn vào đội hình bao vây của kẻ địch. Sau đó anh quyết định sử dụng 12, 7 ly bắn yểm trợ cho bộ binh xung phong, tiêu diệt gần một tiểu đoàn Trâu điên ngụy, phá vòng vây kẻ địch, đồng thời chi viện hiệu quả các trận địa khác trong 25 ngày đêm đánh chiếm thành phố Huế. Tiểu đoàn 7 của anh xứng đáng được mang danh hiệu “tiểu đoàn thép”. Kết thúc chiến dịch, anh chính thức trở thành Tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn Anh hùng.

 Tên tuổi của Tăng Văn Miêu tiếp tục được khẳng định trên đường 14, đường 12 gắn với các địa danh A Sầu, A Lưới, Động Tranh-Tà Lương… Tiểu đoàn 7 đã cùng với các đơn vị quần nhau với kẻ địch từ tháng 2 cho đến tháng 6/1968, phá hủy trăm xe tăng, tiêu diệt hàng ngàn binh lính Mỹ ngụy; giữ vững địa bàn rừng núi, đánh bại chiến thuật nhảy cóc chiếm giữ điểm cao, đánh bại thủ đoạn cài thám báo sâu vào hậu cứ. Nhưng có lẽ cái tên Tăng Văn Miêu mãi mãi đi vào lịch sử của Sư đoàn 324 phải kể đến vai trò của Tiểu đoàn 7 trong Chiến dịch A Bia…

 Đến Hải phòng thăm Tướng Tăng Văn Miêu lần này tôi và đại tá Đào Quang Đới, người viết Lịch sử Sư đoàn 324 có nhiều vấn đề muốn hỏi ông trên cương vị là tiểu đoàn trưởng, nhân chứng cán bộ cấp tiểu đoàn còn sống duy nhất sau 53 năm trận đánh trên đồi A Bia được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Chúng tôi  thầm mong tai nạn giao thông không ảnh hưởng đến sức khỏe của người lính già đã bước qua cái tuổi 80.

 Riêng tôi còn muốn tìm hiểu vì sao ông lại rất quan tâm tới ngày hội truyền thống  quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào từ ngày về hưu. Trong suốt hơn 20 năm qua, dù tuổi cao nhưng năm nào ông cũng trực tiếp đứng ra tổ chức, thậm chí đích thân đi mời các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tham dự. Tôi biết mình không có quyền “độc chiếm” ông. Có nhiều đồng đội khác là cán bộ chiến sỹ dưới quyền ông trong thời kỳ 1968-1970, họ còn có “nhiều chuyện” hơn tôi. Vì vậy tôi sắp xếp trình tự những vấn đề ưu tiên nhất để hỏi. Chẳng hạn như ông đã ém Tiểu đoàn 7 như thế nào khi được giao nhiệm vụ liên tục vận động tiến công, trục tiếp hỗ trợ Tiểu đoàn 8 giữ chốt trong hoàn cảnh  bom đạn địch ngày đêm cày xới. Tại sao khi đánh quân Mỹ ở điểm cao 916 mới đầu ông chỉ cử có một trung đội, trong khi kẻ địch ở trên điểm cao có tới một đại đội. Đặc biệt vào ngày 16, 17, 18 ông quyết định sử dụng cả 3 đại đội cùng vận động tiến công ở điểm cao 900, 916, rồi cùng băng qua đồi yên ngựa giải vây cho Tiểu đoàn 8 chốt trên điểm cao 937 mà không để lại một đơn vị nào làm lực lượng dự bị…

  Thực ra cách đây ba năm, bốn năm tôi đã gặp Tướng Tăng Văn Miêu tại Lễ kỷ niệm 69, 70 năm ngày truyền thống quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào. Cả hai lần trước đó, hơn 650 cựu quân tình nguyện, chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào hiện đang sinh sống và làm việc ở Hải Phòng đã có dịp ôn lại những trang sử vàng  đáng nhớ một thời. Tướng Tăng Văn Miêu, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 3 thay mặt anh em cựu chiến binh chia sẻ: “Không có lời nói nào diễn tả hết được tinh thần trách nhiệm cao cả của bộ đội tình nguyện Việt Nam giúp Lào. Chúng tôi tự hào là cựu chiến binh của hai dân tộc anh em”. Ông đã tâm sự “buổi gặp mặt này cũng là dịp để anh em đồng đội tưởng nhớ, được tri ân những đồng đội đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng chung của hai dân tộc”.

 Vây quanh Tướng Tăng Văn Miêu có nhiều cựu chiến binh người Việt, người Lào và sinh viên Lào. Tôi không thể chen vào nói chuyện với ông. Tôi vội vàng tặng ông cuốn sách “Đồi Thịt băm” để tỏ lòng kính trọng một vị chỉ huy, một người anh hùng mà tôi ngưỡng mộ.

 Tôi nhận thấy các cựu chiến binh ai cũng muốn đến bên ông, nói chuyện với ông, ôn lại những kỷ niệm cùng ông. Nhiều chiến binh đầu bạc trắng, ngực trễ đầy huân chương ân cần, tay bắt mặt mừng thể hiện sự yêu quý, tôn trọng ông. Họ là đồng đội cùng một tiểu đoàn, cùng một trung đoàn thời chiến trận. Nhưng còn các đại diện cựu chiến binh và các cháu sinh viên Lào thì có quan hệ với ông như thế nào? Tôi không biết. Chỉ biết sau chiến dịch 935-Cốc Bai, Tiểu đoàn trưởng Tăng Văn Miêu bị thương, ra Bắc điều trị. Anh không theo Sư đoàn 324 làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào sau năm 1975…

 Tướng Miêu và vợ con tiếp đón chúng tôi thật chu đáo, nồng hậu. Trông ông già đi rất nhiều so với lần tôi gặp trước. Tuy nhiên ông vẫn tràn đầy năng lượng. Trò chuyện rôm rả với đoàn một hồi lâu ông giục chúng tôi: “Đến bữa rồi anh em. Vừa rượu, vừa chuyện, vừa nhớ lại chuyện xưa. Ở lại với tôi chiều tối hãy về”.

 Tôi cùng anh Đới định đẩy chiếc xe ông ngồi vào phòng ăn, ông lắc đầu: “Để tôi tự đi, nếu không thì sẽ trở thành người tàn phế mất”. Chị Hương, vợ ông cho biết “việc gì ông cũng muốn tự làm lấy hết”.

 Trong bữa tiệc, tôi được ông cho biết Trung đoàn Kiến Giang nhận lệnh hành quân sang Lào cấp tốc nhằm giúp bạn ngăn chặn ngụy quân Lào nống lấn ra vùng giải phóng vào giữa tháng 5/1965. Trước thời điểm này, Tiểu đoàn 7 mang mật danh đoàn 929 đã nằm vùng ở bên Lào rồi. Tăng Văn Miêu là một trong những cán bộ trung đội, đại đội của Tiểu đoàn 7 có mặt ở chiến trường làm nhiệm vụ quốc tế trước khi Trung đoàn Kiến Giang được thành lập.

 Anh trực tiếp giúp bạn huấn luyện, đào tạo cán bộ chỉ huy cấp trung đội, đai đội (một số sau này trở thành sỹ quan cao cấp trong quân đội Lào có mặt tại lễ kỷ niệm truyền thống). Đại đội của ông đã phối hợp với các đơn vị Pathét Lào lập tuyến trận địa phòng ngự, bố trí chướng ngại vật đề phòng quân ngụy Lào và quân đánh thuê Thái Lan nống ra trước mùa mưa năm 1965. Sau mùa mưa, ông chỉ huy một đại đội, phối hợp với bạn đánh đồn Tăng Vai, cùng với các tiều đoàn thuộc Trung đoàn Kiến Giang phát triển vào Đồng Mót, giải phóng Sê Con Cam, Sê Sang Soi thuộc hai tỉnh Xavannakhet và Khăm Muộn. Trung đoàn Kiến Giang đã giữ vững vùng giải phóng, đảm bảo thông suốt hành lang vận chuyển Tây Trường Sơn, từ đường 9 đến ngã Đông Dương.

 Sau bữa ăn ông bảo anh em đi nằm nghỉ. Tôi và anh Đới vẫn ngồi ở phòng khách. Tướng Miêu nói: “Tôi đã ngủ suốt một tháng nay rồi. Các cậu không cảm thấy mệt thì ngồi lại”. Ông kể cho anh em chúng tôi bao khó khăn gian khổ trong khoảng 2 năm trên đất bạn. “Vào mùa mưa, lúc cao điểm cả tiểu đoàn đều sốt rét: Sốt rét li bì, mệt mỏi, toàn thân đau nhức nhối. Mặt người nào người nấy vàng như nghệ. Tóc rụng từng nắm, trọc lốc. Tiểu đoàn không có đủ người để nấu cơm. Dân trong bản thương bộ đội tiếp tế cơm nước, sắc thuốc cho uống. Mới chỉ mùa mưa đầu đã có đến 200 cán bộ chiến sỹ hy sinh vì sốt rét ác tính…”

 Ông im lặng, chớp chớp đôi mắt, thở dài “Mới đó mà đã 57 năm rồi”. Về những trận đánh trên đất bạn, ông không còn nhớ chi tiết. Có thể nói những trận đánh trên đất bạn với ông khá suôn sẻ, gần như là những trận diễn tập giữa các đơn vị hỏa lực, chủ yếu là cối 60 kết hợp với bộ binh đánh quân ngụy Lào và lính đánh thuê Thái Lan. Ông hào hứng kể, đôi mắt bừng sáng: “Gần như trận nào ta cũng thắng khá dễ dàng. Tuy nhiên chúng tôi được cảnh báo về bài học đau đớn trong khâu trinh sát, đánh giá tình hình địch của trung đoàn bạn, trung đoàn đã thất bại ở trận Đồng Hến. Những trận đánh “đầu đời” đó đã để lại cho tôi nhiều bài học kinh nghiệm quý giá trong chiến trận, đặc biệt là việc sử dụng hỏa lực vận động tiến công kết hợp chốt khi Trung đoàn ra quân đánh Mỹ vào năm 1967”.

  Sau đó ông kể cho chúng tôi nghe về những “chuyến đi thăm lại quê hương”. Với ông, vùng đất phía bên kia Trường Sơn là quê hương thứ 2, nơi người dân các bản làng đã cưu mang ông và đồng đội, nơi chứa đựng “tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long”. Ông nói: “Thế hệ chúng tôi đã có những năm tháng đầy hy sinh, gian khổ với bao niềm vui và nỗi buồn; mảnh đất chúng tôi đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân, mảnh đất đầy ắp tình cảm quân dân, tình đồng đội, đồng chí”.

 Tôi chăm chú nghe ông, chợt nhớ đến câu thơ “Tây tiến đoàn binh không mọc tóc” trong bài thơ Tây tiến của Quang Dũng. Tướng Miêu thuộc lớp thứ hai trong đoàn quân tình nguyện Việt Nam sang giúp bạn Lào. Tôi có thể tưởng tượng được bao khó khăn gian khổ, bao hy sinh mất mát trong cuộc chiến sát cánh, vai kề vai giữa hai dân tộc. Tôi hiểu vì sao ông xúc động khi gặp những nhà lãnh đạo Lào và những người bạn của ông. “Tất cả các nhà lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ Lào đềù tiếp Đoàn đại biểu Quân tình nguyện và chuyên gia chúng tôi. Họ còn  nghèo! Họ chỉ có tình! Chủ tịch nước Lào trong buổi tiếp chúng tôi đã bày tỏ, quan hệ đặc biệt vĩ đại giữa hai nước xuất phát từ 4 chữ tình: Tình đồng chí, tình anh em, tình bạn, tình đoàn kết đặc biệt, keo sơn gắn bó, thủy chung son sắt...”

 Ông được các nhà lãnh đạo ôm chặt trong vòng tay. Không chỉ những nhà lãnh đạo đương thời, những lãnh đạo, gia đình các cố lãnh đạo Đảng, Nhà nước bạn cũng dành thời gian cho đoàn. Ông đã đến thăm gia đình cố Tổng bí thư Cayson Phomvihane, cố Chủ tịch Souphanouvong, cố Chủ tich Quốc hội Saman Vinhaket… “Ở đâu chúng tôi cũng thấy như mình trở về nhà, gặp lại những người thân của mình”.

 Ông chỉ cho tôi tấm huân chương treo ở giữa phòng khách, tấm huân chương Đảng và Nhà nước Lào tặng ông vì những công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng Lào. Đến lúc đó tôi mới hiểu vì sao các cháu lưu học sinh Lào đang theo học ở các trường đại học ở Hải phòng quây quần bên ông sau bài phát biểu trong lễ kỷ niệm. Trong số họ, có người là cháu của những người bạn mà ông đã từng đến nhà thăm.

 Cuối cùng ông nhắc anh em chúng tôi: “Tôi và các anh em còn sống ngày nào phải thì còn phải vun đắp cho tình hữu nghị đặc biệt này, ông nhấn mạnh, chúng ta và Lào là láng giềng, là tình bạn đặc biệt, rất đặc biệt! Chúng ta không được phép suy nghĩ, toan tính theo lối thông thường giữa những người hàng xóm bình thường. Hãy nhìn lên bản đồ địa chính trị Đông Nam Á! Trên đầu chúng ta là ai? lối ra Biển Đông ai ngăn cản? Dưới chân chúng ta chúng ta là ai? Tôi xin nhắc lời nói cửa miệng của những nhà lãnh đạo tiền bối hai nước, nếu dãy Trường Sơn là nóc nhà chung thì Việt-Lào là hai nửa của một mái nhà.”

 Tôi hiểu những gì ông cố gắng làm sau khi đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội cho về nghỉ chế độ. Thực tế từ đó đến nay ông chưa nghỉ, hết tham gia công tác này đến công tác khác, nhất là việc tổ chức ngày hội truyền thống Việt-Lào. Ông luôn mời và khuyến khích đoàn đại biểu của các tỉnh lân cận tổ chức ngày này như ông. Đến thăm ông lần này chúng tôi hiểu thêm về ông, một con người giàu tình nghĩa. Ông không chỉ là người anh hùng của Tiểu đoàn 7, cho đến tận hôm nay ông vẫn xứng đáng là người dẫn dắt, chỉ huy chúng tôi trong cái thế giới chính trị đầy bất ổn này.

Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.