Quan hệ Mỹ-Nga-Trung năm 2018 (phần 2)

Leave a Comment
Tôi đã viết trong phần trước, cái trục tam giác quan hệ Mỹ-Nga-Trung từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay không ngừng vận động, dịch chuyển. Trong những năm tới chắc nó vẫn tiếp tục vận động, dịch chuyển nhanh hơn. Bởi vì sức mạnh tổng hợp, lợi ích và vị thế quốc gia của ba nước biến chuyển khác nhau trên bàn cờ chính trị quốc tế, nên họ toan tính, hành động khác nhau trong mỗi vấn đề đề cốt lõi của thế giới. Và sự khác biệt giữa họ càng lớn thì mâu thuẫn giữa họ càng lớn.
Trong suốt năm 2017, người ta đã chứng kiến thế đối đầu gay gắt giữa Nga-Mỹ cùng với phương Tây. Suy cho cùng là mâu thuẫn về hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu và việc NATO kết nạp các thành viên, đông tiến tới sát biên giới Nga, dẫn đến việc Nga tiến hành các biện pháp quân sự ở Gruzia, sau đó là thu hồi bán đảo Crimea để bảo vệ lợi ích. Hậu quả là những biện pháp trừng phạt ăn miếng trả miếng áp dụng với nhau thực sự đã đẩy quan hệ hai nước vào một vòng xoáy đối đầu chưa có điểm dừng.
Đỉnh điểm của căng thẳng là việc Quốc hội Mỹ thông qua luật siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga kèm theo các điều khoản đặt Tổng thống Trump vào tình thế buộc phải ký luật ban hành. Nga coi đây là hành động khiêu chiến nên đã quyết định trục xuất 755 nhà ngoại giao Mỹ, đồng thời không cho Đại sứ quán Mỹ ở Nga sử dụng một số cơ sở ở thủ đô Moscow. Đáp lại Mỹ yêu cầu Nga đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại thành phố Francisco cùng với hai thương vụ ở New York và Washington. Leo thang căng thẳng lan rộng sang lĩnh vực kinh tế, quân sự đẩy tình hình quan hệ hai nước trở nên tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh lạnh.
Điểm sáng duy nhất trong quan hệ Mỹ-Nga có lẽ là việc hai nước hợp tác chống khủng bố và giải quyết khủng hoảng ở Syria. Cả hai đều coi việc tiêu diệt nhà nước IS là ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Khi sắp kết thúc năm cũ, một số tín hiệu từ Nhà Trắng và Điên Kremlin cho thấy cả hai nước đều không muốn đối đầu giữa hai nước thành cuộc đối đầu một mất một còn. Phía Mỹ thông báo cho Nga ngăn chặn một vụ khủng bố lớn và tuyên bố nỗ lực xây dựng lòng tin đối với Nga; trong khi Nga chân thành cám ơn và khẳng định chưa bao giờ đóng của với Mỹ.
Mặc dù hai tổng thống Mỹ, Nga trong thông điệp đầu năm đều tỏ ra lạc quan về triển vọng hợp tác trong những lĩnh vực hai bên cùng có chung lợi ích, nhưng tôi tin trong năm 2018 quan hệ giữa hai nước vẫn bị phủ bóng vì những biến động trong mối quan hệ rất phức tạp và đầy sóng gió giữa hai cường quốc này trong những năm qua và đặc biệt là trong năm 2017.
Nhằm giảm áp lực của Mỹ và phương Tây, Nga không còn con đường nào khác là tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Nga hy vọng Trung Quốc sẽ khỏa lấp những thiệt hại từ việc trừng phạt của Mỹ và Phương Tây. Có lẽ quan hệ Mỹ, Nga căng thẳng quốc gia được hưởng nhiều lợi ích nhất là Trung Quốc. Một mặt nó giảm áp lực của Mỹ đối với một loạt vấn đề đối với Trung Quốc, một mặt nó đẩy quan hệ giữa Nga, Trung vào một thế liên kết chính trị rất có lợi cho Trung Quốc, cả về mặt chính trị, kinh tế lẫn quan hệ quân sự, quốc phòng. Quan hệ Nga-Trung trong năm qua có thể nói là “đang ở vào thời điểm tốt nhất trong lịch sử”.
Trong cuộc gặp gỡ gần đây nhất, Tổng thống Putin và Chủ tich Tập Cận bình đã nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương, tăng cường trao đổi chính sách, phối hợp hành động trong những vấn đề quan trọng của khu vực và toàn cầu, nhằm đối phó với các thách thức (từ Mỹ và phương Tây) góp phần ổn định hòa bình và thịnh vượng chung. Ông Putin còn cho rằng hai nước cần tăng cường ủng hộ lẫn nhau; đẩy mạnh việc phối hợp, xử lý các vấn đề lớn trên thế giới. Còn ông Tập Cân Bình thì nhấn mạnh đến việc tăng cường liên lạc, tăng cường phối hợp hành động để đối phó với những nguy cơ và thách thức (từ Mỹ và phương Tây).
Quan hệ Nga-Trung hiện nay gần giống như quan hệ Liên Xô và Trung Quốc trong những năm 50 đến giữa những năm 60 của thể kỷ trước. Thời gian đó quan hệ của họ là quan hệ đồng minh cùng chung một chiến hào chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ. Còn bây giờ quan hệ của họ là quan hệ đối tác chiến lược. Bắc kinh tìm kiếm quan hệ đối tác chiến lược với Nga để chống lại cái thế của liên minh Mỹ, Nhật. Trong khi Nga tìm kiếm quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc chủ yếu tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây (tất nhiên có cả việc chống lại áp lực quân sự của Mỹ và NATO). Tuy nhiên cả Nga và Trung Quốc đều không mong muốn đối tác của mình, nghĩa là hoặc Nga hoặc Trung trở thành siêu cường duy nhất thay thế Mỹ trong một tương lai xa. Tôi tin rằng nếu kịch bản này xảy ra thì một trong hai nước sẽ lại bắt tay với Mỹ để hạ gục đối thủ.
Tôi cũng không tin Nga và TQ có ý định xây dựng liên minh quân sự chống lại siêu cường Mỹ. Tình thế chưa đến mức buộc họ phải làm điều đó. Nga chắc không quên được bài học Mỹ và TQ bắt tay nhau từ cuối thập niên 60 đến cuối thập niên 80 để bao vây và chống Liên Xô, cho đến khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Nga và TQ đều có quan điểm là trở thành một cực trong thế giới đa cực đang định hình. Họ muốn chứng tỏ rằng, trật tự thế giới hiện nay không phản ánh những lợi ích của họ và họ sẽ nỗ lực cải biến hệ thống này, chí ít với TQ là về mặt kinh tế, với Nga là về mặt an ninh, quân sự. Họ chỉ đi với nhau khi cả hai nước là một cực trong thế giới đa cực mà thôi.
Trong lịch sử, quan hệ Mỹ-Trung cũng rất phức tạp và đầy sóng gió. Đầu những năm 50 và trong thập niên 60 của thế kỷ trước họ là kẻ thù không đội trời chung. Nhưng bước sang thập niên 70 họ đã bắt tay nhau cùng chống lại Liên Xô cho đến khi LX sụp đổ. Trong thời gian đó, TQ đã lợi dụng vốn, công nghệ, thị trường Mỹ và phương Tây để trỗi dậy. Sau 30 năm, sản lượng kinh tế của TQ đã tăng gấp 20 lần. TQ từ một nước trong thập niên 60 của thế kỷ trước chết đói hàng chục triệu người đã trở thành một quốc gia có khối lượng thương mại lớn nhất thế giới và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Ảnh hưởng về chính trị của TQ ngày càng lan rộng và mạnh mẽ. Nước này không ngừng tăng cường hiện đại hóa quân đội, tăng cường đầu tư tiềm lực quốc phòng. TQ cho rằng họ xứng đáng có một vai trò lớn hơn trong khu vực và toàn cầu.
Tuần trăng mật giữa Mỹ-TQ bắt đầu tan biến từ giữa thập niên đầu của thiên kỷ mới. Họ trở thành đối thủ cạnh tranh sau những hành động bành trướng của TQ trên Biển Đông, Hoa Đông và sau sự thâm hụt thương mại khổng lồ giữa hai nước. TQ đã tạo ra thách thức đối với Nhật Bản trên quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát, tiến hành các hoạt động bồi đắp các đảo xâm chiếm của Việt Nam, biến nó thành các căn cứ quân sự. Hành động của Bắc kinh đã khiến Wasington cho rằng TQ đang biến Biển Đông thành cái ao nhà để từ đó thiết lập việc quản lý trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy Mỹ đã tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực này để bảo vệ lợi ích an ninh của Mỹ và đồng minh. Đương nhiên cuộc chiến không tiếng súng giữa hai nước bắt đầu ngày một căng thẳng (xin xem chuyên luận Quan hệ Trung-Mỹ sẽ đi về đâu của tôi trong blogchiasett).
Trong năm 2017 Mỹ thể hiện thái độ cứng rắn trên một số vấn đề với TQ. Vào tháng 6 Washington đã cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền và tự do báo chí tại Hồng Kông vào đúng lễ kỷ niệm 20 năm vùng lãnh thổ này trở về với TQ. Cũng vào thời điểm này, Mỹ đã bán cho Đài Loan lô vũ khí trị giá 1,4 tỷ USD. TQ đã chỉ trích hành động của Mỹ là "vô trách nhiệm". Tiếp đến là cuộc chiến thương mại bùng phát khi Wasington cáo buộc Bắc Kinh đối xử không công bằng với các công ty Mỹ, thực hiện chính sách bảo hộ khiến thâm hụt thương mại về phía Mỹ lên tới 347 tỷ USD. Bên cạnh đó, Mỹ cũng khởi động điều tra Điều 301, Đạo luật thương mại Mỹ vì TQ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Mỹ còn cáo buộc TQ giao dịch bất hợp pháp với Triều Tiên. Và cách đây mấy ngày, Mỹ công bố Chiến lược an ninh quốc gia mới, khẳng định TQ và Nga là những đối thủ “đang cố gắng làm suy yếu sự thịnh vượng và an ninh Mỹ”. Động thái này khiến Nga, TQ lên tiếng phản đối giận dữ.
Những tín hiệu mang tính đối đầu giữa Mỹ-TQ nhiều khả năng sẽ đẩy chính quyền hai nước thận trọng hơn trong mối quan hệ song phương, tìm cách kiềm chế nhau mạnh mẽ hơn nữa. Theo đó, trong năm 2018, cuộc cạnh tranh quyền lực Mỹ-Trung diễn ra gay gắt và có thể tạo ra điểm khởi đầu bất ổn trong quan hệ giữa hai nước. Các nhà phân tích đã chỉ ra 4 ngòi nổ căng thẳng. Đó là: i, sự va chạm chủ ý và không chủ ý trong việc thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông: ii, vấn đề nguyên tắc một TQ và bán vũ khí cho Đài Loan: iii, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên; iiii, vấn đề thương mại mất cân bằng. Mặc dầu vậy, có ít khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hoặc xung đột quân sự, vì cả hai nước quá phụ thuộc nhau về mặt kinh tế.
Trong lịch sử, cái trục tam giác quan hệ Mỹ-Nga-Trung không ngừng vận động, dịch chuyển. Tôi có linh cảm năm 2017 đã bắt đầu xuất hiện một số yếu tố thúc đẩy cái trục tam giác này vận động, dịch chuyển nhanh hơn. Năm 2018 và một vài năm tiếp theo có thể xuất hiện thêm những yếu tố bất ổn thúc đẩy nó. Đặc biệt qua chiến lược an ninh của Mỹ, tôi nhận thấy Mỹ bắt đầu bước sang một giai đoạn mới trong việc tiếp cận với các vấn đề quốc tế. Chính quyền Mỹ nhận thức được cán cân sức mạnh toàn cầu đang dịch chuyển theo hướng không có lợi cho họ. “Kỳ nghỉ mấy thập kỷ” sau Chiến tranh Lạnh giữa các cường quốc có thể đã chấm dứt. Mối quan hệ giữa Mỹ-Nga-Trung từ năm 2018 sẽ cạnh tranh hơn là hợp tác. Nước Mỹ bắt đầu thay đổi, kéo theo trục quan hệ Mỹ-Nga-Trung cũng sẽ thay đổi. Kinh nghiệm lịch sử đã chỉ ra rằng Mỹ vẫn là tác nhân chủ yếu tạo ra sự thay đổi trong trục tam giác quan hệ Mỹ-Nga-Trung. Tùy theo sức mạnh tổng hợp của Mỹ, tùy theo lợi ích và vị thế Mỹ, bàn cờ chính trị quốc tế sẽ có những biến chuyển mới trong những năm tới.
Read More

Ba ông lớn trước ngưỡng của năm mới (phần 1)

Leave a Comment
Năm 2017 sắp kết thúc. Báo chí trong, ngoài nước bắt đầu nhìn lại 10 sự kiện nổi bất nhất, đồng thời dự báo những xu hướng theo từng chuyên ngành trong năm 2018. Ở lĩnh vực chính trị quốc tế, về cơ bản tôi đồng ý với những sự kiện mà các báo chí bắt đầu đưa ra bình luận. Trong đó, Mỹ, Trung Quốc, Nga là ba quốc gia được nhắc đến nhiều nhất. Tương ứng với ba ông lớn trên là ba cái tên nổi bật, đặc biệt đáng chú ý trong số hàng chục ngôi sao trên chính trường quốc tế: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nói theo ngôn ngữ quan hệ quốc tế thì Mỹ, Nga, Trung Quốc là những nước chủ yếu đã chi phối đời sống chính trị quốc tế trong năm qua (tất nhiên là cả trong thời gian trước), từ những vấn đề về Trung Đông cho tới Biển Đông, từ những vấn đề Triều Tiên cho tới Iran. Nói theo lập trường quan điểm của một số quốc gia yếu thế thì ba quốc gia đã và đang can thiệp, lũng đoạn những khu vực, đất nước để đảm bảo và đem lại lợi ích tối đa cho quốc gia họ. Cái tam giác quan hệ Mỹ, Nga, Trung từ sau Chiến tranh thế giới đến nay không ngừng dịch chuyển, vận động. Trong những năm tới tôi chắc nó vẫn tiếp tục như vậy. Bởi vì lợi ích quốc gia của ba nước khác nhau nên họ toan tính, phát ngộn và hành động theo từng thời điểm khác nhau.
Ba người đàn ông, theo đúng nghĩa của nó, định hướng, dẫn dắt, chèo lái ba cường quốc. Một là siêu cường vẫn đang ngự trị thế giới có vẻ đang đi xuống và hai cường quốc còn lại thì đã từng là siêu cường trong quá khứ. Nhưng trong những năm gần đây, họ cùng với quốc gia của họ nổi lên với khát vọng trở thành một cực trong thế giới đa cực đang định hình. Họ có hoàn cảnh, tuổi tác, xuất thân hoàn toàn khác nhau, nhưng đều giống nhau ở một điểm là theo đuổi lợi ích dân tộc, quyết tâm đưa vị thế của quốc gia mình lên đến đỉnh cao như có thể. 
Tổng thống Trump xuất thân từ một gia đình doanh nhân. Bản thân ông cũng là một doanh nhân dày dạn, một tỷ phú bất động sản, một nhà hoạt động, sản xuất, quản lý, kinh doanh truyền hình. Gần như tất cả các nhà phân tích và giới tinh hoa chính trị Mỹ và ở các nước trên thế giới đều coi ông là “dân ngoại đạo”, tức không phải là dân chính trị chuyên nghiệp. Việc ông bước vào nhà Trắng đương nhiên sẽ có nhiều biến động trên vũ trường chính trị cả trong lẫn ngoài nước. Và nước Mỹ là một quốc gia đặc biệt. Họ đã từng bầu một người bị liệt ngồi trên xe lăn làm tổng thống của Hiệp chủng quốc tới 4 nhiệm kỳ (Tổng thống Franklin Roosevelt), thì việc họ bầu ông Trump làm Tổng thống thứ 45 không có gì là lạ. Người dân Mỹ không còn tin vào giới chính trị nên bầu cho Trump.
Liệu ông Trump có thể làm cho nước Mỹ “vĩ đại trở lại” khi mà nền kinh tế Mỹ vốn dĩ đứng đầu thế giới với GDP 18.600 tỷ đô la (vượt xa quy mô nước đứng thứ 2 hơn 6000 tỷ) bắt đầu tăng trưởng trở lại? Liệu ông có đem “công ăn việc làm trở lại cho người dân Mỹ” khi mà tỷ lệ thất nghiệp hơn 4% vốn đã thấp nhất thế giới? Liệu ông có làm cho quân đội Mỹ hiện vẫn đứng đầu thế giới (chi tiêu quân sự của Mỹ năm 2017 khoảng 620 tỷ đô la, bẳng tổng chi phí quân sự của 9 quốc gia lớn nhất đứng sau Mỹ cộng lại: Trung Quốc, Nga, Saudi Arabia, Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ…) còn hùng mạnh lên chưa từng có trong lịch sử nước này (xin xem chuyên luận Mỹ là siêu cường và vẫn sẽ là một siêu cường của tôi trong blogchiasett)?
Ông Putin xuất thân trong một gia đình công nhân. Ông học luật nhưng lại làm việc trong cơ quan tình báo Liên Xô. Sau khi Liên xô tan rã, Putin trở lại xã hội dân sự, được bổ nhiệm làm lãnh đạo bộ phận ở một trường đại học rồi đến lãnh đạo cấp thành phố, văn phòng bộ về vấn đề quan hệ quốc tế. Bước đường chính trị của ông thăng tiến khi được Tổng thống Nga Boris Eltsin tín nhiệm. Ông từng giữ cương vị thủ tướng, tổng thống nhiều khóa, đưa nước Nga thoát ra khỏi khủng hoảng vô vọng đầu những năm 2000. Dưới sự lãnh đạo của ông, trong hai nhiệm kỳ đầu làm tổng thống, GDP của Nga tăng lên gấp 6 lần. Ông đã giúp cho nước Nga từng bước phục hồi, đẩy lùi chủ nghĩa khủng bố, tăng cường sức mạnh quân đội, đảm bảo an ninh quốc gia, lấy lại niềm tin cho nhân dân Nga. Không phải ngẫu nhiên trong 4 năm liên tiếp Tổng thống Putin đứng đầu danh sách những người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới do Tạp chí Time và Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn. Trong nhiệm kỳ Tổng thống năm 2012 đến năm 2018, Tổng thống Putin đưa bán đảo crimea về với Nga, đưa quân đội vào Syria tiêu diệt thành công nhà nước IS, tạo ra một cục diện mới ở Trung Đông, thực sự đưa nước Nga trở lại vị thế của một cường quốc, một cực trong thế giới đa cực đang định hình (xin xem chuyên luận Nước Nga đang trở lại vị thế cường quốc của tôi trong blogchiasett). 
Nhiệm kỳ của ông Putin sắp hết. Ông tuyên bố tiếp tục ra ứng cử vào tháng 3/2018. Có khả năng ông sẽ trúng cử bởi 80% người dân Nga ủng hộ ông. Nhưng liệu ông Putin có thể chuyển dịch thành công nền kinh tế vốn phụ thuộc vào dầu mỏ lên ngang tầm với vị thế của một cường quốc về kinh tế nếu ông được cầm quyền? Liệu ông có thể cải thiện được quan hệ với Mỹ, với EU qua việc mặc cả với Hoa Kỳ và EU về Trung Đông, về Ucraina trong năm 2018? Liệu ông có đủ sức giữ được ngôi vị siêu cường về quân sự, thuyết phục các cường quốc để đưa Nga trở thành nhà trung gian hòa giải những vấn đề gai góc của quốc tế như Trung Đông, Triều Tiên để khẳng định vị thế như một siêu cường toàn cầu?
Ông Tập Cân Bình xuất thân trong một gia đình quan chức, bố ông từng giữ cương vị phó thủ tướng. Nhưng bước đường chính trị của ông không hề bằng phẳng. Ông tự khẳng định mình từ cán bộ đảng lãnh đạo ở một đội sản xuất nông nghiệp, rồi trở thành cán bộ lãnh đạo đảng cấp huyện, cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 vào tháng 11 năm 2012 đã đưa Tập Cận Bình vào cương vị lãnh đạo cao nhất sau đó một thời gian. Giới quan sát đã nhận xét ông là một chính trị gia trầm tĩnh, kín đáo, ẩn chứa bên trong một sức mạnh tiềm tàng. 
Trong 5 năm qua, ông Tập đã củng cố và xác định được vị trí, vai trò của mình. Sau Đại hội ĐCSTQ khóa 19 vào tháng 10 năm 2017, ông trở thành lãnh đạo hạt nhân mà tư tưởng được ghi vào trong Điều lệ của ĐCSTQ, là một trong những nhà lãnh đạo có quyền lực nhất thế giới. Ông không cần “giấu mình chờ thời” mà công khai tuyên bố đưa TQ bước vào một thời kỳ mới, biến TQ thành một siêu cường. Liệu ông Tập có thành công trong việc đoàn kết toàn đảng, toàn dân tiếp tục chống tham nhũng, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thành kế hoạch “Vành đai, Con đường”, xây dựng lực lượng quân đội hùng mạnh hàng đầu thế giới để phục hưng “giấc mộng “Trung Hoa vĩ đại”, chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ, tiến tới chi phối và quản trị toàn cầu?
Bộ máy chính quyền ba quốc gia Mỹ, Nga, Trung và ba người đàn ông Donald Trump, Vladimir Putin, Tập Cận Bình, những người đứng đầu ba cường quốc trước ngưỡng cửa năm 2018 có thể đem lại hòa bình hoặc đưa đến chiến tranh cho nhân loại? Câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp. Nó tùy thuộc vào lợi ích và vị thế của họ trong những năm tới. Chỉ biết rằng chính quyền Mỹ, Nga, Trung và ba nhân vật đứng đầu đều theo đuổi lợi ích dân tộc của họ, tăng cường tối đa cho tiềm lực quốc phòng. Số tiền chính quyền họ chi cho quốc phòng đủ để nuôi sống cả nhân loại, nhưng họ vẫn chỉ biết theo đuổi lợi ích dân tộc của họ, mà lợi ích dân tộc của họ nhiều khi lại không song hành với lợi ích của các dân tộc nhược tiểu.
Read More

Trung Đông bao giờ hết bạo lực?

Leave a Comment
Tuần vừa qua Trung Đông (TĐ) nhận một tin vui và một tin buồn. Tin vui là nhà nước tự xưng IS đã hoàn toàn bị tiêu diệt ở Iraq, Syria. Tin buồn là Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Nhiều nhà quan sát cho rằng khu vực TĐ bất ổn này không những không có thời gian để ăn mừng mà còn có khả năng rơi vào một vòng xoáy bạo lực mới.
TĐ là nơi khởi nguồn, là trung tâm của ba tôn giáo: Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Từ hàng nghìn năm nay, nơi đây đã trải qua nhiều giai đoạn bạo lực đẫm máu, gắn liền với sự hình thành và xác lập đạo Hồi của nhà tiên tri Mohamed. Tiếp đến là một cuộc chiến tranh tôn giáo kéo dài gần nửa thiên kỷ mà sử sách vẫn gọi là cuộc Thập Tự Chinh diễn ra từ năm 1095 đến năm 1291 và còn kéo dài cho đến thế kỷ 15. Mục đích chính của cuộc Thập Tự Chinh là phục hồi sự kiểm soát của Kitô giáo ở vùng đất thánh Jerusalem.
Trong thế kỷ 20, TĐ nằm trong khu vực trung tâm của các sự kiện quốc tế về chiến lược kinh tế, chính trị và tôn giáo. Nó còn là cái rốn dầu lửa của thế giới, hội tụ nhiều lợi ích cũng như mâu thuẫn của các cường quốc trong và ngoài khu vực, vì vậy nhiều cuộc chiến tranh trong khu vực đã xảy ra. Ví dụ Chiến tranh A Rập-Israel (1948), Chiến tranh Suez (1956), Chiến tranh sáu ngày (1967), Chiến tranh tiêu hao (1970), Chiến tranh Iran-Iraq (1980), Chiến tranh giữa liên quân do Mỹ đứng đầu và Iraq(2003)…
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, TĐ vẫn không một ngày được bình yên. Do nhiều nguyên nhân, mảnh đất này là nơi phát sinh và nuôi dưỡng một thứ chủ nghĩa quái thai, chủ nghĩa khủng bố (xin xem bài Khủng bố một góc nhìn lịch sử và văn hóa của tôi trong blogchiasett). Và từ đầu những năm 2000 cho đến nay, không ngày nào TĐ im tiếng bom đạn cuộc chiến chống khủng bố cùng với sự hỗn loạn của phong trào Mùa xuân A Rập.
Cũng từ khu vực TĐ, ngày 29/6/2014, nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tuyên bố thành lập với đường biên bao trùm nhiều quốc gia TĐ. Hàng triệu người dân TĐ phải chịu khổ đau, tang tóc trong cảnh màn trời chiếu đất. Hàng triệu người lũ lượt rời bỏ đất nước vượt biển di tản… Sau hơn ba năm nỗ lực, Chính quyền Iraq và Syria cùng với sự nỗ lực của Mỹ, Nga và liên minh chống khủng bố của hơn 60 nước mới lật đổ được nhà nước IS. Khói lửa cuộc chiến chống nhà nước IS chưa kịp tan, TĐ lại rung chuyển bởi tuyên bố của Chính quyền Trump về số phận “đất thánh Jerusalem”.
Hành động của chính quyền Trump đã gây phản ứng dữ dội trên toàn thế giới. Nhiều nước coi bước đi của Mỹ là nguy hiểm. Liên đoàn A Rập đã yêu cầu Washington hủy bỏ tuyên bố về Jerusalem vì nó có nguy cơ hủy hoại hoàn toàn tiến trình hòa bình TĐ vốn đã mong manh. Nó có thể dập tắt hy vọng của người Palestine về một nhà nước độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô tương lại của họ. Trong khi đó, Thủ tướng Israel hân hoan với việc Mỹ ủng hộ quốc gia của mình và đang công du châu Âu, vận động EU công nhận quyết định của Mỹ.
Tương lai TĐ sẽ ra sao? Số phận người Palestine sẽ ra sao? Ánh sáng vẫn chưa thấy le lói trong con đường hầm bạo lực này.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.