Trung Quốc đang gia tăng áp lực với tất cả các nước ASEAN có tranh chấp trên biển Đông

Leave a Comment
Trung Quốc đang gia tăng áp lực với tất cả các nước ASEAN có tranh chấp trên Biển Đông
Trong 10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2019 do TTXVN bình chọn, tôi nghĩ sự kiện thứ 2 được nhiều người dân trong khu vực ASEAN đặc biệt quan tâm. Đó là việc Trung Quốc chủ động mở rộng tranh chấp trên biển khiến “Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế”. Giới quan sát quốc tế đã đặt ra câu hỏi, trong lúc cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung diễn ra rất căng thẳng, tình hình nội bộ Trung Quốc có nhiều vấn đề, tai sao họ vẫn tăng cường gây áp lực với tất cả các nước có tranh chấp trên Biển Đông. Vậy thì Bắc Kinh muốn gì? Liệu tình hình căng thẳng có còn tiếp diễn trong năm 2020 và những năm sau đó?
Trung Quốc đã làm gì ở Biển Đông trong năm 2019?
Trung Quốc đã liên tục gây hấn với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và hung hăng tuyên bố Tàu Sân bay Sơn Đông, con tàu sân bay "nội địa" đầu tiên của nước này tự đóng sẽ tập trung vào nhiệm vụ ở Biển Đông trong năm 2020 nhằm kiểm soát các vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền. Có nghĩa là Bắc kinh sẵn sàng chà đạp lên luật pháp quốc tê ở Biển Đông bằng vũ lực. Đây là hành động leo thang căng thẳng nguy hiểm, ảnh hưởng tới việc duy trì hòa bình ổn định, an ninh trật tự, thượng tôn pháp luật ở khu vực Biển Đông; đi ngược với mục tiêu, lợi ích, nguyện vọng và trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế.
Cụ thể ngày vào 4/7/2019, Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Mặc dù Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối, mặc dù phía Việt Nam đã kiên quyết đấu tranh trong các diễn đàn song phương và đa phương nhưng Bắc Kinh vẫn trơ lì, ngựa quen đường cũ ở vùng biển Việt Nam trong suốt mấy tháng.
Các tàu khảo sát, hải cảnh, tàu đánh cá của Trung Quốc cũng nhiều lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và cản trở các hoạt động dầu khí hợp pháp của một số quốc gia ven Biển Đông khác như Philippines và Malaysia. Vấn đề bất đồng, lời qua tiếng lại về chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc với hai nước trên vẫn là một vấn đề nhức nhối.
Chỉ huy quân đội và các quan chức trong chính quyền Philippines đã cập nhật báo cáo về những hoạt động xâm phạm của các tàu tuần duyên, hải cảnh Trung Quốc tại bãi cạn Second Thomas, nơi thủy quân lục chiến Philippines vẫn theo dõi mọi hoạt động của tàu Trung Quốc. Tuy nhiên suốt các tháng cuối năm 2019, tàu thuyền của họ vẫn ra vào vùng hải phận của Philippines như vùng biển của Trung Quốc.
Chưa hết ngày 17/12/2019, Bắc Kinh còn gây áp lực với Malaysia, trơ tráo khẳng định yêu cầu của Kuala Lumpur với Liên Hợp Quốc về thềm lục địa là vi phạm nghiêm trọng đến chủ quyền, các quyền và quyền tài phán của Trung Quốc. Trong thư gửi đến tổng thư ký Antonio Guterres, phái đoàn thường trực của Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc ngang ngược tuyên bố “Trung Quốc có vùng nội thủy, lãnh hải và một vùng tiếp giáp lãnh hải căn cứ vào các đảo ở Biển Đông”. Bắc Kinh yêu cầu “Ủy ban về giới hạn thềm lục địa Liên Hợp Quốc không xem xét hồ sơ của Malaysia”. Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah đã đáp trả tuyên bố về đường chín đoạn của Trung Quốc là một tuyên bố “nực cười”.
Cả thế giới đều biết Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016 không thừa nhận các đòi hỏi chủ quyền theo yêu sách đường 9 đoạn. Trung Quốc vẫn mặt dày phủ nhận phán quyết của tòa án quốc tế. Họ rắp tâm chiếm hầu hết Biển Đông dựa trên những thực thể đá, bãi ngầm xâm chiếm và kiểm soát. Đã vậy Bắc kinh còn ngụy biện mình như là một nạn nhân "bị bắt nạt", vừa ăn cướp vừa la làng.
Với Indonesia cũng vậy. Sau nhiều lần Trung Quốc xâm nhập vùng biển xung quanh chuỗi đảo Natura, hai nước đã kín đáo xử lý các vụ việc. Nhưng vào cuối tháng 12/2019, Jakarta không thể nín nhịn, đã gửi công hàm phản đối chính thức tới Bắc Kinh ngày 30/12/2019 để phản ứng việc vi phạm lãnh thổ của 3 tàu hải cảnh Trung Quốc và 63 tàu cá ở vùng đặc quyền kinh tế của họ. Các tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã bị tàu của hải quân Indonesia truy đuổi ra khỏi vùng biển Indonesia.
Trung Quốc phản ứng lại bằng công hàm rằng hai bên cùng bình tĩnh vì đại cục, cùng ngồi thương lượng về vụ việc. Tuy nhiên Indonesia thẳng thừng từ chối thương lượng. Ngày 12/1, Indonesia cho biết 3 tàu hải quân của nước này tiếp tục phát hiện nhiều tàu hải cảnh và tàu cá của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế. Indonesia phản ứng gay gắt với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Indonesia đã tái khẳng định, Indonesia không có yêu sách chồng chéo với Trung Quốc, không có gì phải thương lượng và Indonesia sẽ không bao giờ công nhận yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc, vốn không phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) cũng như tinh thần phán quyết của toà án quốc tế năm 2016.
Phản ứng của Indonesia đối với hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc tại Biển Đông có ý nghĩa lớn. Indonesia là nước có lực lượng vũ trang lớn nhất Đông Nam Á. Họ có đủ đòn đáp trả ngoại giao hoặc quân sự để ngăn chặn Trung Quốc. Quốc hội Indonesia đã đề xuất một số hành động mạnh mẽ để có thể ngăn chặn Trung Quốc như xem xét lại cả hợp tác song phương và đa phương với Trung Quốc, bao gồm hợp tác về Sáng kiến Vành đai Con đường và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực, cũng như cùng tham gia với các quốc gia Đông Nam Á khác đang đối mặt với những thách thức lãnh thổ tương tự để cân nhắc lại về thương mại và đầu tư của ASEAN với Trung Quốc (theo tôi đây có thể là bài học cho các nước).
Như vậy là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia liên tiếp bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền. Tất cả đều nằm trong toan tính của Bắc Kinh. Cả 4 nước cùng với cộng đồng quốc tế như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ, Liên minh châu Âu đã phê phán các hành động đơn phương của Trung Quốc, làm xói mòn lòng tin, gây tổn hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Tuy nhiên Bắc Kinh như kẻ điếc bẩm sinh, không những trơ lì mà còn lớn tiếng đe dọa rằng Tàu sân bay Sơn Đông với 39 phản lực J-15 cùng với đội tàu hộ tống hiện đại sẽ đi vào thực chiến tại Biển Đông trong năm 2020 để bảo vệ “chủ quyền” của họ.
Trung Quốc muốn gì?
Trung Quốc muốn chiếm tài nguyên và vị trí chiến lược Biển Đông. Hàng nghìn tỷ thùng dầu, khối lượng băng cháy, khoáng sản khổng lồ dưới đáy biển, hàng triệu tấn cá mỗi năm cùng với tuyến đường vận chuyển huyết mạch của thế giới khống chế nhiều nước ở Tây Thái Bình Dương đã làm mờ mắt Trung Nam Hải. Tôi đã viết trong bài “Tàu rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam” rằng: Người Tàu đang nuôi giấc mộng siêu cường, tranh giành vị thế với Hoa Kỳ. Họ sẽ không bao giờ từ bỏ dã tâm chiến lược độc chiếm Biển Đông, đẩy các cường quốc khác ra ngoài khu vực, để vươn sức mạnh ra toàn cầu. Kể từ năm 1989 trở đi, họ không chiếm thêm các đảo ở Biển Đông (vì nhiều lý do và cũng không thể chiếm được nữa). Tàu quay ra củng cố, biến các đảo đã chiếm trái phép thành các căn cứ hậu cần, quân sự để tiến hành một loại tranh chấp khác, tranh chấp chủ quyền trên biển với các nước ven Biển Đông nhằm hiện thực hóa hóa đường chín đoạn (lưỡi bò) tưởng tượng.
Trong tương lai chắc chắn Tàu sẽ còn dùng các loại tàu mang danh nghĩa khoa học, tàu đánh cá được hộ tống bằng nhiều tàu cảnh sát, hải cảnh, tàu kiểm lâm, tàu dân binh vào Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia để tranh giành lãnh hải, vốn trước đó không có tranh chấp, vốn trước đó là vùng biển của các quốc gia ven Biển Đông. Nghĩa là Tàu đang tạo ra tranh chấp trên biển với các nước, một thủ đoạn chiến tranh, loại hình chiến tranh mới trên biển để hiện thực hóa dã tâm chiến lược của họ.
Trong khi chưa chiếm được hoàn toàn Biển Đông, Tàu đang đặt ra mục tiêu phải ký được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong vòng 3 năm. Tên tiếng Anh của nó là “Code of Conduct”, viết tắt là COC. Bắc kinh muốn các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam không được cùng khai thác với các nước ngoài khu vực, không được tập trận với các nước ngoài khu vực. Họ cho rằng chỉ họ mới có cái quyền đó. Vì vậy họ đã ép các công ty của Anh, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Mỹ và các nước bên ngoài không được hợp tác với các nước ASEAN, phải rời khỏi khu vực thăm dò và khai dầu khí trên vùng đặc quyền và thềm lục địa của các nước với lý do “khu vực đang tranh chấp” do Tàu cố tình ngụy tạo.
Trung Quốc sẽ gây áp lực với các nước tranh chấp đến bao giờ?
Từ nay cho đến năm 2021, ASEAN sẽ phải chịu sức ép rất lớn, đặc biệt là với Việt Nam và Philippines. Bắc Kinh có thể thỏa hiệp với Malaysia và Indonesia một phần nào đó. Họ sẽ dùng các nước khác trong khối không có tranh chấp với họ để ép các nước mệt mỏi mà ký cho xong. Họ là bậc thầy “chia để trị”. Nếu các nước không chịu khuất phục thì họ còn sử dụng mọi thủ đoạn gây áp lực cả về chính trị, kinh tế, quân sự và gây áp lực trên thực địa. Nếu các nước ký theo tinh thần của họ thì sẽ rơi vào bẫy mà Đặng Tiểu Bình đã đặt ra “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”. Nhưng vế trước của câu nói là “Chủ quyền thuộc về ta (Trung Quốc)”. Mọi người cứ hình dung khi mà giàn khoan và lá cờ của Tàu bay trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước có tranh chấp thì coi như các nước đã mất chủ quyền.
Họ muốn gạt tất cả các cường quốc khác ra khỏi cuộc chơi ở Biển Đông nhằm chiếm giữ tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất của thế giới để phục vụ cho sự “phục hưng đế chế Trung Hoa”. Điều này chắc Mỹ không muốn. Nhật Bản không muốn. Ấn Độ không muốn. Australia không muốn. Hàn Quốc không muốn. Thậm chí cả Nga cũng không muốn. Biển Đông hôm nay và ngày mai chắc chắn sẽ là đấu trường của các nước lớn. Theo cá nhân tôi, một số nước ASEAN, đặc biệt là các nước tranh chấp với Trung Quốc không muốn “chọn phe” thì vẫn phải nương vào dòng chảy địa chính trị chung để bảo vệ lợi ích chính đáng của dân tộc, không thể thật cân bằng "đánh đu" quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ cùng với phương Tây.
Trước hết ASEAN phải đoàn kết không để Trung Quốc lợi dụng, chia rẽ; phải hết sức cẩn trọng đến loại hình chiến tranh giành lãnh hải trên biển, nơi chỉ có mặt nước với sóng biển, nơi Trung Quốc có tàu sân bay và lực lượng hải quân áp đảo so với 10 nước ASEAN cộng lại. Nó hoàn toàn khác với cuộc chiến tranh trên đất liền, nơi mà các nước, nói theo sách quân sự của Việt Nam còn có ba vùng chiến lược: vùng đồng bằng, vùng rừng núi và đô thị. Cuộc chiến trên biển sẽ cực kỳ gay go, gian khổ và phức tạp.
Ngoài thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, các nước nằm trong tầm ngắm của Bắc Kinh cần phải có một lực lượng hải quân, không quân biển đủ mạnh. Phải biết cùng hợp tác với nhau để đối phó với kẻ thù chung. Cũng cần phải phát triển các ngành công nghệ cao quân sự như tàu lặn, tàu ngầm, máy bay không người lái, công nghệ tàng hình, công nghệ thông tin, áp chế điện tử để chống kẻ thù tiếp cận, chống kẻ thù xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Và đặc biệt phải biết kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại (Mỹ, Nhật, Ấn Độ, EU…) để chống lại tham vọng của Trung Nam Hải.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.