Thăm Trường Đại học Columbia College

Leave a Comment

 Thăm Trường Đại học Columbia College

Từ khu nội trú Trường Đại học Missouri đi bộ khoảng nửa tiếng theo một đại lộ hướng Tây, tôi thấy một số dãy nhà ba, bốn tầng cổ kính. Tầng trệt của những tòa nhà này hầu như được xây bằng đá. Tầng hai, tầng ba, tầng bốn xây bằng gạch đỏ không trát vữa. Từ vật liệu đến kiến trúc của những tòa nhà đều gợi nét rêu phong, trầm mặc. Theo chỉ dẫn bản đồ, đây là một trường học.
Sau khoảng sân cỏ rộng xanh non có trụ cổng trường xinh xắn nằm bên đường với dòng chữ Columbia College. Đó là biểu tượng của Trường Columbia College, Missouri và cũng là lô gô lịch sử của nhà trường. Tôi thoáng chút ngỡ ngàng vì trường này dường như hơi nhỏ.
Lúc đầu tôi tưởng Columbia College là trường cao đẳng theo nghĩa của từ tiếng Anh “college”. Sau đó mới biết mình nhầm. Columbia College là một trường đại học phi lợi nhuận. Ở Mỹ, thuật ngữ college thường được người ta xem là cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành. Còn trường đại học mang tên “university” điển hình thường là một tập hợp các đơn vị trường đại học được gọi là College (trường đại học chuyên ngành) hay School (trường) và Department (khoa). Nghĩa là nhiều college hay school và department mới hợp thành một university trong cùng một khuôn viên hoặc liền kề của một trường mang tên “university”.
Ở Mỹ tên gọi college (cao đẳng) còn do lịch sử để lại. Phần lớn các college được thành lập cách đây một đến hai thế kỷ. Theo thời gian nhiều trường không muốn thay bằng tên university. Những college có lịch sử lâu đời, nhất là những trường đại học tư thục, thường nằm trong top đầu của Mỹ về công tác nghiên cứu và đào tạo tiến sỹ, sau tiến sỹ. Chẳng hạn như ba trường tư thục nổi tiếng nhất Hoa Kỳ: Trường Đại học Chicago (xin xem bài Thăm Trường Đại học Chicago của tôi trong trang Face này) Trường Đại học Stanford (xin xem Thăm Trường Đại học Stanford cũng trong trang Facebook này), Trường Đại học Harvard.
Trường Đại học Columbia College là trường chuyên đào tạo các chuyên ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn và kinh tế. Trường tuyển sinh ở tất cả các bang trên đất Mỹ và ở cả nước ngoài. Mỗi năm nhà trường nhận trên 25.000 sinh viên ở các cơ sở. Riêng cơ sở tại thành phố Columbia, Missouri có 1200 sinh viên học ban ngày, 3000 sinh viên học trực tuyến và học buổi tối. Việc nộp đơn xin học hết sức đơn giản và thuận tiện. Thí sinh có thể đăng kí vào học quanh năm qua mạng hoặc qua văn phòng tuyển sinh, không thi đầu vào, không phỏng vấn, không cần thư giới thiệu. Sinh viên chỉ cần nộp giấy chứng nhận học hết lớp 12, chứng chỉ TOEFL IBT 60 điểm trở lên.
Columbia College thành lập năm 1851 theo quyết định của chính quyền bang Missouri. Đây là một trong những trường đầu tiên xây dựng dành cho phụ nữ ở các bang miền Tây sông Mississippi. Năm 1970 trường mới bắt đầu nhận sinh viên nam. Từ 138 nữ sinh trong năm đầu thành lập, đến nay Columbia College đã có hàng chục ngàn sinh viên. Từ một cơ sở ở thành phố Columbia, trường phát triển thêm 33 cơ sở trong bang và ở nhiều bang khác, đặc biệt có 18 cơ sở dành riêng cho quân đội.
Tôi không so sánh và cũng không dám so sánh hệ thống trường đại học, cao đẳng công lập và tư thục của Việt Nam (Việt Nam có 460 trường đại học và cao đẳng) với hệ thống trường đại học công lập và tư thục của Mỹ (Mỹ có gần 5000 trường). Trong lúc các nhà giáo dục Việt Nam và nhiều nước thuộc thế giới thứ Ba đang loay hoay tìm cách học tập theo mô hình giáo dục đại học Mỹ, nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới phương Tây, thì cách đây gần mười năm, Tổng thống Mỹ Obama đã họp với các chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng các trường đại học vào tháng 8 năm 2012 để bàn phương hướng khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết để thay đổi căn bản nền giáo dục đại học Mỹ cho phù hợp với việc đào tạo nhân lực trong thời đại kinh tế tri thức và kỷ nguyên bùng nổ khoa học công nghệ.
College Columbia phát triển theo tinh thần đổi mới của Tổng thống Obama, nhận tất cả học sinh viên đã học hết lớp 12 vào học (ở Mỹ không thi vào trung học phổ thông, không thi tốt nghiệp 12, không thi đại học) theo đúng 3 cam kết của Thống đốc Missouri đưa ra khi tranh cử: 100% người dân có nhu cầu được tham gia bảo hiểm y tế, 100% học sinh học hết lớp 12 được học đại học và cao đẳng, 100% người đến tuổi lao động có nhu cầu đều có việc làm.
College Columbia đào tạo trình độ thứ nhất là trình độ cao đẳng, học 2 năm cấp bằng Associate. Sau đó sinh viên có thể tiếp tục học hai năm nữa ở trường để lấy bằng đại học, hoặc theo học hai năm ở bất kỳ trường đại học nào khác (Mỹ không có trường trung cấp, người ta quan niệm học hết phổ cập lớp 12, nếu học sinh học lên là học hệ cao đẳng và đại học). Nếu không muốn học lên đại học, ngay từ khi vào trường, sinh viên có thể chọn các ngành nghề học hai năm ra trường tham gia vào lực lượng lao động xã hội.
Columbia College đào tạo trình đô thứ hai là trình độ đại học, cấp bằng Bachelor, thời gian học bốn năm.Trường đào tạo các ngành: Quản trị kinh doanh, Quản lý Nhân sự, Công nghệ thông tin, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa học Tự nhiên. Mỗi ngành đào tạo đại học lại bao gồm nhiều chuyên ngành riêng. Columbia college cũng đào tạo trình độ thạc sĩ, cấp bằng Master, thời gian học hai năm. Không đào tạo Tiến sỹ.
Ngoài đào tạo tập trung ban ngày hoặc tối, nhà trường còn đào tạo trực tuyến (không có COVID các trường đại học Mỹ vẫn đào tạo trực tuyến từ cuối những năm 1990). Trong số trên 25.000 sinh viên ở 33 cơ sở, nhà trường có tới 10.000 sinh viên đăng ký học trực tuyến từng học phần hoặc tất cả các học phần. Đăng ký học trực tuyến sinh viên sẽ được giảm đáng kể tiền đóng học phí. Ngoài ra, trường còn đào tạo theo các chương trình ngắn hạn, cấp chứng chỉ theo các chuyên ngành như Chứng chỉ Nghề, Chứng chỉ Quản lý Công, chứng chỉ Quản lý nguồn Nhân lực, Chứng chỉ Marketing… Nhìn chung việc đào tạo linh hoạt, mềm dẻo đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên vừa đi làm vừa đi học, sinh viên có gia đình, người lao động chuyển đổi ngành nghề, cán bộ nhân viên muốn tu nghiệp nâng cao trình độ…
Sau khi xem chương trình giới thiệu về trường ở phòng tuyển sinh, tôi định đi lướt xem xét một vài khối lớp học, quan sát bên ngoài một số tòa nhà để có cái nhìn ban đầu về Columbia College. Không ngờ gặp một nữ sinh Việt Nam đang theo học tại trường gần tòa nhà Banks hall. Cháu chủ động đến bên tôi, hỏi xem tôi có phải là người Việt không, rồi tự giới thiệu: “Cháu là N.😭, ở Thành phố Đà Nẵng. Cháu sang đây học được 3 năm. Cháu thấy hình như bác muốn đến thăm anh chị nào ở trường này”.
Tôi tự giới thiệu mình làm công tác tư vấn học sinh trung học phổ thông vào các trường đại học, cao đẳng và du học ở một trường tại Hà Nội; muốn tìm hiểu thực tế về các trường đại học, cao đẳng Mỹ; nhân thăm con gái học ở trường Missouri nên đến trường tìm hiểu để phục vụ cho công việc của mình ở Việt Nam. T biết hai con gái tôi. Nói chuyện với tôi, T cởi mở như gặp người thân: “ Cháu biết hai chị nhà bác khi các chị ấy biểu diễn ở thính phòng Jesse trong đêm hội sinh viên quốc tế International Night của Trường Missouri”.
T nhận học bổng của Trường Đại học Columbia College, Missouri. Ở trung học phổ thông, T học tại trường chuyên Lê Qúy Đôn. Cháu được vào đội tuyển quốc gia thi học sinh giỏi quốc tế. Kỳ thi lớp 12 T được giải Nhất môn sinh toàn quốc và huy chương Vàng quốc tế.
T dẫn tôi đi thăm tòa nhà Banks Hall. Đây là tòa nhà nội trú ba tầng mới xây dành cho sinh viên mới nhập học năm học này. Thiết kế của tòa nhà thật độc đáo. Nhìn vào tôi chỉ thấy một khối kính mầu ngăn thành những ô đều tăm tắp như kẻ chỉ. Bước vào tòa nhà trải thảm gắn điều hòa chung, người ta cảm thấy ấm áp và sạch sẽ như có ai vừa lau dọn. Mỗi tầng của tòa nhà đều có phòng tắm hơi, phòng tắm công cộng riêng.
T đưa tôi đi thăm phòng học ở khu nhà nội trú. Mở cửa bước vào, hệ thống đèn trong phòng tự động bừng sáng. Căn phòng rộng 75 m2. Phía trên có ba chiếc bảng: Một chiếc bảng đa năng màn hình cảm ứng lớn ở giữa. Hai chiếc bảng tương tác thông minh nhỏ hơn ở hai bên. Cả 3 chiếc bảng đều nối kết với internet. Bảng ở bên phải dùng cho diễn giảng trình chiếu nội dung chuyên đề. Bảng bên trái dùng cho sinh viên và thính giả ở dưới (thính giả có thể là người dân thành phố, bạn bè của sinh viên nhà trường hay sinh viên trường khác). Trong phòng có 40 bộ bàn ghế đôi. Mỗi bộ bàn ghế đều có hai ổ cắm điện để cho sinh viên dùng máy tính cá nhân.
Mỗi tầng có một phòng giống như trên. Có một cán bộ chuyên trách tổ chức sự kiện ở mỗi tầng. Sinh viên ngoài giờ lên lớp được khuyến khích tới đây để giao lưu; xem phim, thưởng thức một vở kịch mới hay nghe biểu diễn âm nhạc trực tuyến. Sinh viên có thể học nhóm khoa học hay kỹ năng lãnh đạo; học chuyên đề, hội thảo theo chủ đề; tương tác xã hội và tạo sự nối kết cá nhân với tất cả mọi người…
Bên cạnh phòng học là Phòng lab computer. Trong phòng lab có hơn hai chục máy tính bàn, có máy in, fax, photo. Ban đầu tôi nghĩ phòng này không cần thiết, vì mỗi sinh viên đều có máy tính cá nhân. Trường lại phủ sóng wifi nên mấy khi sinh viên đến lab này. T giải thích máy tính ở đây đều được nối kết với hệ thống thư viện của trường và hệ thống thư viện của các trường đại học khác nên rất hữu ích. Hơn nữa nó là những máy chuyên dụng cài đặt những phần mềm khoa học mô phỏng hoặc những giáo trình đặc biệt, những bài giảng online. Ngoài ra còn rất nhiều tính năng đặc biệt khác mà T nói “bản thân cháu đến giờ cũng chưa biết hết”, “chính vì vậy không ngày nào, không tối nào vắng bóng sinh viên”.
T đưa tôi lên thăm phòng ở trên tầng hai. Gọi là phòng nhưng nó giống như một căn hộ: hai phòng ngủ với hai phòng vệ sinh riêng, một phòng bếp (hai bếp điện), một phòng khách. Tất cả các phòng đều được trải thảm, nằm trong hệ thống điểu hòa chung, được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn căn hộ Mỹ.
T ở chung với một sinh viên Mỹ. Người ta không xếp sinh viên cùng một quốc gia ở chung với nhau. Một phần vì để giúp nâng cao khả năng tiếng Anh của sinh viên sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, một phần vì muốn khuyến khích sự tương tác và nối kết đa văn hóa. Tất nhiên việc ở chung phải được sự đồng thuận của cả hai người.
Tôi nhận thấy khu nội trú tại Columbia College tiện nghi và hiện đại hơn khu nội trú của Trường Đại học công lập Missouri. Nó không chỉ đơn thuần mang lại tiện ích về mặt vật chất và thời gian cho sinh viên. Điều quan trọng hơn là nó tạo ra cho sinh viên một môi trường, một không gian học tập và làm việc ngoài giờ học thật thú vị và hữu ích. Việc tự học, tự tổ chức các hoạt động nghiên cứu sáng tạo xen lẫn vui chơi giải trí của sinh viên được đưa ra như một quy trình tối ưu, chuyên nghiệp. Ngoài ra, việc tổ chức cho các sinh viên khác quốc tịch trong một phòng còn đem lại sự trải nghiệm phong phú cho cuộc sống của mọi người. Lúc đó tôi mới hiểu tại sao nhiều sinh viên Mỹ thích học ở trường tư hơn trường công.
T kể với tôi, cô bạn cùng phòng Ms. Block đã giúp T rất nhiều trong việc nghe và nói tiếng Anh giao tiếp tự nhiên của người bản ngữ, thứ tiếng Anh sống động không có trong giáo trình ở nhà trường. Ms. Bloc cũng giúp T sửa lỗi chính tả, lỗi dùng từ, lỗi câu trong các tiểu luận cuối kì hoặc các bài tập hàng ngày. Nhờ vậy sau gần một năm T đã nghe hiểu được bài giảng của thầy cô (phần lớn sinh viên du học Anh, Mỹ năm đầu rất khó khăn trong việc nghe giảng và thuyết trình, thậm chí những ngày đầu, học kỳ đầu còn không hiểu gì bởi vì không được học ngôn ngữ toán và khoa học), trình bày và thảo luận trong nhóm và trước lớp khá tự tin.
Tôi và T rời tòa nhà Banks Hall đến thăm tòa nhà Brown hall. Trên đường đi tôi bắt gặp khoảng mấy chục sinh viên đang chơi trên sân cỏ. Chỉ có khoảng mấy chục sinh viên thôi nhưng đủ các màu da, vóc dáng, chủng tộc. Nhóm thì ném bóng, nhóm thì ném đĩa, nhóm thì lắc vòng, nhóm thì nhảy từ trên cao xuống đệm hơi, nhóm thì chơi xếp bóng bay, nhóm thì chơi trò hóa trang không khác gì học sinh phổ thông. Tất cả đều hòa quyện, ầm ĩ, hồn nhiên, vui vẻ. T cho tôi biết đó là các sinh viên trong các xưởng của tòa nhà Brown Hall đang xả stress sau giờ học. Tòa nhà này được xây dựng năm 1995. Nó là một tổ hợp các xưởng vẽ, xưởng điêu khắc, xưởng thiết kế, gốm, in ấn, chụp ảnh… Nơi đây còn có phòng trưng bày các bản sao mô phỏng hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật từ cổ chí kim nổi tiếng trên khắp trên thế giới.
Chúng tôi đi lướt qua tòa nhà Buchanan Hall và dừng lại trước tòa nhà Columbia House. Tòa nhà này khánh thành năm 2010. Tòa nhà là nơi tập trung những dịch vụ hỗ trợ sinh viên theo chương trình của Chính phủ Liên bang. Tòa nhà có phòng khách, nơi nghỉ ngơi cho khách và gia đình sinh viên đến thăm nhà trường. Có phòng máy tính, phòng học chuyên đề, phòng học thêm, phòng bếp, nhà ăn, khu vực vui chơi giải trí ngoài trời. Có bốn cán bộ nhân viên chuyên trách vừa làm công tác trợ giúp, tư vấn sinh viên vừa là điều phối viên tổ chức các chương trình cho sinh viên. Đặc biệt bộ phận này có liên hệ mật thiết với các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các cơ quan nghiên cứu dự báo nhu cầu lao động xã hội ở cấp bang và cấp liên bang nhằm giúp sinh viên tìm hiểu nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm trong thời gian học ở trường và sau khi ra trường. Tòa nhà này là mái nhà của mỗi sinh viên, là chiếc cầu nối giữa nhà trường và xã hội, nơi giao thoa giữa cung và cầu, nơi khởi nguồn cho việc học tập suốt đời. Tại đây T cho tôi biết, cháu vẫn học thêm tiếng Anh chuyên ngành, học hát, học thể dục nhịp điệu. Tóm lại những cái mọi người thiếu, những cái xã hội cần, sinh viên đều có thể tìm thấy ở đây và học ở đây ngoài giờ lên lớp.
Ấn tượng với tôi nhất là tòa nhà St. Clair Hall, tòa nhà được lựa chọn là di sản lịch sử xếp thứ 10 của thành phố Columbia. Đây là tòa nhà có kiến trúc đặc biệt do nhà doanh nghiệp St. Clair bỏ tiền ra xây dựng vào năm 1900. Ông hiến tặng cho nhà trường để làm giảng đường. Có thể nói tòa nhà có “vẻ đẹp bay bổng và lãng mạn” như tình yêu của ông dành cho người vợ là hiệu trưởng của nhà trường trong thời gian đầu thành lập trường. Chính tòa nhà này trong hơn một trăm năm qua là thỏi nam châm thu hút sinh viên trong và ngoài bang đến học.
Suốt thời gian còn lại của buổi sáng, chúng tôi thăm tổ hợp khu căn hộ mới xây Cougar Village, thăm tòa nhà ký túc xá ba tầng cổ kính dành riêng cho nữ sinh, thăm tòa nhà Kirkman House bao gồm các studio, các phòng nhạc, lab thực hành, thăm thính phòng Launer Auditorium xây dựng năm 1903 với trên 500 chỗ ngồi, thăm thư viện Stafford Library với hàng triệu cuốn sách, thăm tòa nhà giảng đường và các phòng chức năng Missouri Hall, thăm tòa nhà Student Commons, thăm khối nhà khoa học Science Building, thăm tổ hợp thể thao trong nhà Southwell Gymnasium bao gồm ba bể bơi, nhiều sân bóng rổ, bóng chuyền, tennis, cầu lông…
Chia tay T, rời khỏi Columbia College nhưng tôi nghĩ mình sẽ còn phải quay trở lại tìm hiểu về ngôi trường này. Có cái gì đó vẫn níu kéo tôi. Dù đã nghe, đã nhìn, đã thấy một vài điều ở trường đại học công University of Missouri, rồi cả một buổi sáng ở trường đại học tư thục Columbia College, tôi vẫn có cảm giác mình mới chỉ chàng màng biết một vài điều ở bên ngoài chứ chưa đi vào được bên trong, chưa nắm được triết lý, cái thần thái, cái bản chất của một trường đại học ở Mỹ.
Dù học phí trường tư thục cao ngất ngưởng (40-60 ngàn đô một năm), nhưng cái gì đã làm cho một trường đại học tư tồn tại và phát triển? Cái gì đã thu hút sinh viên trong và ngoài nước Mỹ tới các trường tư giống như Columbia College? Nếu chỉ trả lời là do chất lượng đào tạo của các trường là hoàn toàn chưa đủ, và nếu trả lời thêm là do cơ sở vật chất ưu việt, trường lớp nhỏ, tỉ lệ giáo sư tiến sỹ trên sinh viên cao thì vẫn chưa đủ để lí giải.
Ở Việt Nam, rất nhiều trường đại học, cao đẳng và trung cấp tư thục đang thật sự ở trong tình trạng ngắc ngoải, rất khó tuyển sinh. Đến nỗi nhiều trường đã kiến nghị với Bộ Giáo dục có biện pháp giúp đỡ; kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ ra tay giải cứu nếu không giáo dục đại học, cao đẳng và trung cấp tư thục có nguy cơ giải thể.
Tại sao các cơ sở giáo dục tư thục ở Mỹ lại phát triển, thậm chí phát triển hơn trường công lập. Nhiều trường tư thục trở thành thương hiêu, biểu tượng của nền giáo dục tiên tiến? Tại sao xã hội Việt Nam quay lưng từ chối cơ sở giáo dục sau phổ thông (trung cấp thì chết lâm sàng rồi)? Do cơ chế không có đầu tư và chưa đánh giá đúng vai trò giáo dục tư thục? Do bất cập trong công tác tuyển sinh? Do học phí cao? Do chất lượng đào tạo? Do cơ sở vật chất yếu kém? Do đời sống xã hội còn thấp hay do nhận thức hoặc văn hóa phân biệt công và tư?
Nguyen Bich Thuy, Bùi Thế Dân và 45 người khác
16 bình luận
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Read More

Thăm Trường Đại học Missouri

Leave a Comment

 Thăm Trường Đại học Missouri

Hôm nay FB nhắc lại những tấm ảnh tám năm về trước. Những hồi ức ba lần đến thăm trường Đại học Missouri lại ùa về. Đặc biệt ấn tượng trong chuyến đi kéo dài hai tháng, điểm đầu tiên đặt chân đến xứ cờ hoa là trường Đại học Missouri-Columbia (University of Missouri-Columbia, MU).
Cũng như bốn trường đại học khác trong thành phố Columbia, MU không có tường rào ngăn cách với phố xá xung quanh. Những con đường nhựa thênh thang của thành phố chạy xuyên ngang dọc khuôn viên trường. Mốc giới sau trụ cổng là một bãi cỏ xanh rờn với những hàng cây to, nhỏ các loại.
Qua bãi cỏ, bên trong là thế giới đại học Missouri, gồm hàng trăm tòa nhà xen kẽ. Mỗi tòa nhà đều nằm trong một vườn hoa, một công viên, một vườn bách thảo thơ mộng. Tôi đã đi thăm một số trường đại học ở Trung Quốc, ở Singapore và Thái Lan. Một vài trường có thể làm tôi ngỡ ngàng về diện tích, vế kiến trúc nhưng chưa có trường nào làm tôi choáng ngợp như Đại học Missouri.
Đại học Missouri còn được được biết đến với những tên như Đại học bang Missouri, Mizzou hay MU. Đây là trường đại học công lập xây dựng ở phía Nam thành phố Columbia, bang Missouri. Trường rộng 506 ha và hiện đang thương lượng với chính quyền thành phố tiếp tục mở rông thêm hàng chục ha nữa.
MU thành lập năm 1839, là trường công lập đầu tiên ở phía Tây sông Misissippi, là lá cờ đầu của hệ thống giáo dục đại học bang Missouri. MU cũng là trường đại học nghiên cứu lớn nhất bang với số lượng tuyển sinh hàng năm khoảng 32.000 sinh viên đến từ các khu vực trong địa bàn bang, các bang trên khắp nước Mỹ và đến từ 110 quốc gia trên thế giới.
MU cung cấp 270 chương trình học , cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thông qua 20 khoa và các trường đại học thành viên. Trường là một trong 6 trường đại học công lập của bang có các trường trực thuộc như trường y, dược, thú y, luật nằm trong khuôn viên. Ngoài ra nhà trường còn nổi tiếng với các chương trình đào tạo như báo chí, nông nghiệp, sinh học. Là một trong 34 trường công lập được chọn là thành viên của Hiệp hội Đại học Mỹ, MU được xếp hạng nằm trong top 100 các trường đại học nổi tiếng nhất Hoa Kỳ. Trong hơn một chục năm trở lại đây, trường đã có hai giáo sư nhận được giải thưởng Nobel.
MU có bề dày lịch sử trên 180 năm. Vào năm 1839, Hội đồng lập pháp bang Missouri thông qua Luật Geyer, thành lập quỹ xây dựng một trường đại học của bang. Cùng năm đó, người dân Columbia và hạt Boone tặng cho trường 117.921 USD cùng với khu đất như ngày nay để xây dựng trường.
Năm 1864 khi cuộc nội chiến ở Mỹ diễn ra, Ban Quản trị nhà trường quyết định dừng hoạt động học tập. Vì trường để trống nên cư dân Columbia đã thành lập một lực lượng tự vệ. Lực lượng này nổi tiếng với tên “Mãnh hổ Columbia” (Fighting Tiger of Columbia). Cái tên phản ánh tính kiên cường của người dân thành phố, nhằm đánh trả bất cứ lực lượng nào có ý định cướp bóc, xâm phạm thành phố và ngôi trường thân yêu của họ. Sau đó, vào năm 1890, một cựu sinh viên nhà trường đề nghị đội bóng bầu dục mới thành lập của trường được mang tên là “Fighting Tiger” nhằm tôn vinh những người đã chiến đấu để bảo vệ Columbia, bảo vệ trường. Từ đó đến nayhình tượng mãnh hổ đã trở thành biểu tượng nổi tiếng của nhà trường.
Sau nội chiến, MU dần dần phát triển và khẳng định vị thế của mình. Các trường đại học chuyên ngành trực thuộc Đại học Missouri lần lượt được thành lập: Trường Đại học Nông nghiệp, Thực phẩm và Tài nguyên Thiên nhiên. Năm 1888, Trạm Thí nghiệm Nông nghiệp Missouri khai trương. Sự kiện này đã dẫn đến việc hình thành 10 trung tâm và phòng nghiên cứu nông nghiệp của miền Trung Missouri. Tiếp sau đó, Khoa Luật, Y, Dược cũng được thành lập.
Năm 1908, Khoa Báo chí đầu tiên trên thế giới được khai trương tại MU. Khoa Báo chí trở nên nổi tiếng toàn cầu nhờ vào “phương pháp Misssouri”, phương pháp giảng dạy dựa trên việc sở hữu một chi nhánh truyền hình NBC/CW tại khu vực Columbia và thành phố Jeferson. Đó là một đài truyền hình thương mại đầy bản lĩnh, là phòng thực tập cho sinh viên Khoa Báo chí của trường. Khoa báo chí còn thành lập riêng tờ báo “Columbia Missourian” nhằm rèn luyện cho sinh viên các kĩ năng viết phóng sự, biên tập dưới sự quản lí của những biên tập viên chuyên nghiệp nổi tiếng.
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất các trường đại học của Mỹ phát triển với một nhịp độ phi thường. Hệ thống đại học Mỹ đến thời điểm tôi đến thăm MU đã lên tới 3000 trường đại học và 1700 trường cao đẳng. MU cũng không nằm ngoài sự phát triển đó. Số sinh viên quốc tế nhập trường mỗi năm một tăng, năm sau tăng hơn năm trước. Có 70 sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường, phần lớn là sinh viên học thạc sỹ và tiến sỹ. Theo thống kê, có hơn 262.000 cựu sinh viên học Đại học Missouri đang sống và làm việc trên khắp thế giới, trong đó có tới một nửa tiếp tục ở lại sinh sống và làm việc tại Missouri.
Dù cách xa nửa vòng trái đất, MU đã là một phần trong cuộc sống của bản thân tôi. Các con, hai con gái, con rể đã học tập, làm việc tại đây. Tại ngôi trường này, tất cả các con tôi đều được nhà trường cấp tiền sinh hoạt phí, bao gồm ăn, ở, học tập, bảo hiểm cho chương trình cao học và nghiên cứu sinh. Nơi đây đã nuôi dưỡng những ước mơ đẹp, những khát khao tuổi trẻ, những hoài bão tuổi thanh xuân, và cả tình yêu, hạnh phúc của các con tôi. Nơi đây cũng cưu mang, chia xẻ chín tháng nhọc nhằn với các con gái và đón nhận tiếng khóc chào đời ngọt ngào của các cháu tôi…
Trời ấm áp. Ánh nắng tràn ngập khắp khu vực trường. Chúng tôi đi trong một rừng hoa đủ các loại mầu sắc chen chúc nở, như ganh đua nhau nở. Hoa trên tầng cao, hoa ngang tầm mắt, hoa dưới mặt đất... Phấn hoa giăng giăng thành những làn sương mờ ảo rực rỡ. Với tôi, có cái gì đó huyền bí như ở thiên đường mà tôi chưa bao giờ được chiêm nghiệm.
Con gái đầu đi trước giới thiệu chi tiết khuôn viên trường. Trên 160 khối nhà. Hơn 5 ngàn cây cổ thụ và hàng ngàn cây non xanh đan xen . Ấn tượng với tôi nhất là cây dâu ba người ôm chưa hết thân. Mùa dâu chín, tối sinh viên Việt trải ni lông dưới tán, sáng hôm sau mang về lưng tải dâu chín rụng về ngâm làm đồ uống giải khát.
Có thể nói một cách khái quát, toàn bộ khuôn viên trường là một khu vực sinh thái nằm trong một khu bảo tồn. Các khu vực trong nhà trường có thể chia ra làm nhiều phần. Khu Campus đỏ bao gồm Sân Davis R.Francis, Tòa nhà Jess Hall, Tòa nhà Switler Hall. Khu Campus trắng có Đài tưởng niệm Union. Khu Công viên Thể thao có Trung tâm Hearnes, Sân vận động Memorial, Sân Mizzou Arena, Sân Vận động Walton. Khu Công viên Nghiên cứu Discovery Ridge có nhiều tòa nhà bề thế. Khu này có Trung tâm nghiên cứu lò phản ứng. Khu Campus phía Đông rợp trong rừng cây. Khu Bệnh viện và Phòng khám Trường Đại học Missouri bao gồm Bệnh viện Columbia, Trung tâm Ung thư Ellis Fischel, Bệnh viên Trường Misssouri, Bệnh viện Cựu chiến binh Truman…
Cháu Lâm ngồi trên xe cùng tôi đi theo sau cô “hướng dẫn viên”. Cháu ngồi trên xe ngó nghiêng nhìn quanh. Thỉnh thoảng tôi tranh thủ chỉ cho cháu từng đàn chim ríu rít sà xuống, đang bay nhảy trên bãi cỏ xanh rờn. Tôi chỉ cho cháu thấy những con sóc vàng ươm, vểnh những cái bông đuôi ngoe nguẩy, mắt lay láy nhìn khách bên đường. Tôi cũng chỉ cho cháu dõi nhìn những đàn thỏ hoang màu ghi, màu trắng chuyển từ bụi cây này sang bụi cây khác; những đàn bướm sặc sỡ bay từ vườn hoa này sang vườn hoa khác... Cháu thích lắm.
Con gái kể mấy lần nhìn thấy đại bàng cắp thỏ bay đi trong sân trường. Ở khu vực ký túc xá gia đình dành cho học viên nghiên cứu sinh, các con còn cho biết đàn hươu đi lại quanh khu nhà. Đàn nai nghển cổ ăn mận ven đường. Những cây gỗ đổ để mục ven rừng từ bao giờ vẫn còn đó. Những quả hồng, táo, mận rụng đầy bên đường…
Pháp luật nước Mỹ bảo vệ rất nghiêm ngặt thế giới sinh vật hoang dã. Không một ai động đến chúng. Thậm chí một con vật bị thương nằm trên mặt đường, tất cả xe cộ tự giác dừng lại, chờ xe cứu hộ mang chúng đi cấp cứu, mọi người mới tiếp tục đi. Người ta lỡ đánh con chó, con mèo nuôi trong nhà có thể bị ra tòa vì tội ngược đãi. Con chim non rơi bên đường, cô con gái thứ hai mang về cho cháu Bảo nuôi, được vài bữa phải gửi đến Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã. Hàng tuần người ta gửi lại cáo cáo cho gia đình, thông báo về tình trạng sức khỏe của nó.
Tôi bỗng đến những cánh rừng Việt Nam hàng ngày, hàng giờ bị lâm tặc tàn phá lấy gỗ. Đàn voi rừng Tây Nguyên sắp tuyệt chủng vì bị người ta giết chúng lấy ngà, lấy lông đuôi voi. Con tê giác cuối cùng của rừng Cát Tiên vừa bị người ta sát hại để lấy sừng. Đàn vượn nằm trong danh sách đỏ ở các vườn quốc gia teo tóp dần vì nạn săn bắt. Đúng là hai xã hội, hai cấp độ văn minh. Nói theo thuật ngữ nhà Phật thì đó là hai cảnh giới khác nhau. Người dân ở đây có ý thức sống với thiên nhiên, sống chung với muôn loài.
Chúng tôi thống nhất với nhau chỉ đi tham quan bên ngoài để nắm những nét tổng thể, còn nội dung bên trong sẽ đi vào những hôm khác. Ba ông con lướt qua các khoa: Cao học, Quản lí công Truman, Luật, Báo chí, Điều dưỡng Sinclair, Y tế, Y dược, Công tác xã hội, Khoa học Thông tin và Tiếp thu công nghệ, Quản trị kinh doanh Crosby, kế toán, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tài nguyên thiên nhiên.
Chúng tôi đi lướt qua các trường đại học thành viên: Đại học Nông nghiệp Thực phẩm và Tài nguyên, Đại học Nghệ thuật và Khoa học, Đại học Kinh tế Trulaske, Đại học Giáo dục, Đại học Kỹ thuật, Đại học Khoa học Môi trường Nhân văn, Đại hoc Thú y…
Một điểm nhấn mà bất kỳ ai đến thăm Đại học Misouri đều không thể bỏ qua. Đó là khu tưởng niệm Tổng thống Thomas Jeferson, một biểu tượng văn hóa chính trị trong trường đại học. Chúng tôi dừng lại khá lâu trước bức tượng đồng Jefferson. Con gái chụp cho tôi mấy kiểu ảnh đứng, ngồi cạnh bậc vĩ nhân làm kỷ niệm. Tôi thoáng chút bối rối và ngại ngần, cố tìm vị trí khiêm tốn bên ông. Con gái hiểu ý cười: “Chỉ là một bức tượng thôi mà ba. Khách khứa và sinh viên chúng con khi mới đến ai cũng ngồi trên ghế chụp chung với ông ấy”.
Tôi đã từng học môn Hoa Kỳ học với một số giáo sư, trong đó có một giáo sư Mỹ nên biết chút ít về Thomas Jeferson. Có nhiều lý do người Mỹ chọn ông là một trong số bốn tổng thống tiêu biểu có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ; bốn con người được tạc hình trên ngọn núi Rushmore tại Khu Tưởng niệm Quốc gia thuộc bang South Dakota. Bức tượng Thomas Jefferson ở trường Đại học Missouri mang rất nhiều ý nghĩa. Đây là hình ảnh ông lúc mới dấn thân vào sự nghiệp chính trị. Tôi ngắm nhìn Jeferson ngồi đó trẻ trung, tự tin tràn đầy sức sống trong nắng gió ngào ngạt hương hoa và âm thanh dào dạt của đất trời.
Khung cảnh xung quanh Jeferson gợi lên cho người ta cái cảm giác bình dị, thân thiết vừa gần gũi vừa trang nghiêm. Ông ngồi đó trong bộ quần áo chẽn, chiếc gilê khoác bên ngoài, đầu ngẩng cao. Mái tóc như làn sóng lượn. Tay trái chống ghế. Tay phải cầm chiếc bút lông đặt trên chồng giấy. Khuôn mặt, ánh mắt đầy vẻ suy tư nhưng tất cả đều toát lên vẻ nhiệt thành, quyết đoán. Đúng là vẻ đẹp của một con người đã hiến dâng cả tuổi trẻ, tình yêu cho lí tưởng tự do và bình đẳng.
Thomas Jefferson sinh năm 1743 tại Shadwell bang Virginia trong một gia đình gốc Anh. Ông là Tổng thống thứ ba của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, là người thành lập một chính đảng tư sản, người theo chủ nghĩa tự do nhiệt thành lớn nhất thời cận đại. Thuở nhỏ ông học tại quê nhà. Hết phổ thông học ngành luật tại Đại học William & Mary. Năm 23 tuổi trở thành luật sư. Năm 30 tuổi được cử làm thành viên đại biểu bang Virginia.
Jeferson đóng vai trò tích cực trong phong trào đấu tranh chống thực dân Anh giành độc lập cho Hoa Kỳ. Những kiến nghị của Jefferson được tóm tắt trong quyển sách: Những quan điểm chính về các quyền của nước Mỹ. Quyển sách này cùng với nhân cách và tài năng đã đưa ông lên vị trí những nhà cách mạng hàng đầu. Ông được các cộng sự tín nhiệm chọn là người viết Tuyên ngôn Độc lập Mỹ năm 1776.
Năm 1783, Jefferson được bầu làm Thống đốc bang Virginia. Năm 1789 được cử làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Năm 1800 ông đắc cử tổng thống Mỹ. Sau hai nhiệm kỳ đứng đầu Chính quyền Mỹ, Jefferson cống hiến những năm cuối đời để thành lập Trường Đại học Virginia, công trình được ông xem là quan trọng nhất trong cuộc đời. Bản vẽ toàn cảnh trường Đại học Virginia đã được sử dụng làm cơ sở thiết kế cho Trường Đại học Missouri.
Jefferson mất ngày 4 tháng 7 năm 1826 ở Monticello, hưởng thọ 83 tuổi. Trên bia mộ ông có mang dòng chữ: “Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của Thomas Jefferson, tác giả bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ, tác giả Luật Virginia về tự do tín ngưỡng và là cha đẻ của Trường Đại học Virginia”…
Một ngày thăm Trường Đại học Missouri đã đem lại cho tôi bao cung bậc cảm xúc thẩm mỹ. Nhưng để lại trong tôi sâu đậm nhất là cuộc đời và sự nghiệp của Thomas Jeferson. Tôi nghĩ những cống hiến vĩ đại của Jefferson không chỉ cô đúc, gói gọn trên hàng chữ ở bia mộ. Trong thời gian làm Tổng thống Hoa Kỳ, việc ông quyết định mua vùng đất lãnh thổ của Pháp Louisiana về cho Hoa Kỳ là một quyết định lịch sử. Nó không chỉ đơn thuần đem lại cho nước Mỹ thêm 2.140.000 km2, bao gồm gần như toàn bộ và một phần lãnh thổ 15 bang, nó còn mở rộng lãnh thổ nước Mỹ từ bờ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương, từ đường biên giới phía bắc giáp Canada tới biên giới phía nam giáp Mêxico. Để rồi 50 năm sau, nước Mỹ vươn lên trở thành một cường quốc và tiến tới một siêu cường kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay.
Nguyen Bich Thuy, Mạnh Đẩu Nguyễn và 114 người khác
66 bình luận
3 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.