Nhật ký chuyến đi

Leave a Comment

 Từ nghĩa trang liệt sỹ huyện A Lưới, chiếc xe tiếp tục đưa chúng tôi theo con đường Hồ Chí Minh tới Kon Tum, điểm đến cuối của chuyến đi thăm đồng đội hy sinh trong trận đánh Đắk Pét. Con đường đi dọc thung lũng A Lưới, người Mỹ những năm 60, 70 của thế kỷ trước gọi là Thung lũng A Sầu. Hai bên đường vẫn mây phủ trắng núi rừng trùng trùng điệp điệp. Ai nấy đều bồi hồi nhớ lại cuộc hành quân trên con đường này vào chiến trường theo mệnh lệnh của Bộ bốn mươi sáu năm trước. Thời điểm đó, anh em chiến sỹ chỉ được biết mình hành quân vào chiến trường B3, chưa được biết tham gia chiến dịch đánh Đắk Pét.

Đắk Pét là một cum cứ điểm liên hoàn, kiên cố ở Đắk Glei, Kon Tum. Vào đầu những năm 1970 chúng ta đã tổ chức một vài trận đánh vào chi khu quân sự này nhưng đều không thành công. Mỹ ngụy đã rút kinh nghiệm xây dựng, củng cố cụm cứ điểm này trên những ngọn đồi trong thung lũng có chiều dài gần 10km, chiều rộng khoảng 2km. Hai mươi hai cứ điểm thuộc chi khu quân sự Đắk Pét gần như được nối liền với nhau bằng hệ thống hầm hào xây bằng gạch và bê tông. Các cứ điểm chính có hai tầng. Tầng trên là công sự chiến đấu, phía trên xếp các bao cát dày hàng mét. Tầng dưới là nơi nghỉ ngơi của sỹ quan và binh lính ngụy. Chi khu quân sự này cắm sâu vào hậu phương của chúng ta từ nhiều năm nhằm mục đích do thám tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, phát hiện lực lượng chủ lực của ta từ xa. Nó có giá trị đặc biệt như cửa ngõ đi vào bắc Tây Nguyên.
Nhiệm vụ Trung đoàn 3 Sư 324 và Trung đoàn 66 Sư đoàn 10 là phải tiêu diệt toàn bộ chi khu quân sự Đắk Pét; tiêu diệt và làm tan rã hệ thống ngụy quân ngụy quyền; giải phóng hơn ba ngàn dân; khai thông tuyến đường 14 để chuẩn bị cho những chiến dịch lớn sắp tới. Chiến dịch Đắk Pét đã để lại những ấn tương không thể phai mờ cho cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 3.
Thứ nhất vì trong lịch sử quân đội, đây là lần đầu tiên trong chiến trường, cán bộ chiến sỹ hành quân bằng xe cơ giới, một cuộc hành quân quy mô cấp trung đoàn rầm rầm đi vào mặt trận. Một trăm sáu mươi chiến xe Zil ba cầu chuyên chở toàn bộ Trung đoàn 3 trên đường 14, qua đèo Bò Lạch sang đất Quảng Nam, theo đường Khâm Đức đến Đắk Glei.
Lúc đó, ngồi trên xe, anh em chiến sỹ cảm nhận tình hình chiến sự đang diễn ra một điều gì đó khác trước rất nhiều, thậm chí có cảm giác dường như miền Nam sắp được giải phóng đến nơi rồi. Những năm trước đó, người lính ba lô súng đạn hành quân bằng chân, đi bằng ý chí, đi hàng nghìn km theo trạm giao liên bí mật, luồn rừng, lội suối, trèo đèo với phương châm đi không dấu, nấu không khói để tránh máy bay, phi pháo, thám báo địch. Bao gian lao, hiểm nguy! Ngồi trên xe cơ giới chạy giữa ban ngày, ai nấy đều thấy thế và lực của chúng ta đã lớn mạnh. Tướng Lê Trọng Tấn, Tổng Tham mưu phó quân đội đã nhận xét đó là một cuộc hành quân cơ giới đầu tiên, là sự tập dượt, thí điểm để đưa các binh đoàn chủ lực cơ động của ta vào chiến trường sau này.
Thứ hai là mặc dù thời gian chuẩn bị cho chiến dịch chưa đầy ba tuần nhưng đó là thời gian chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ, kĩ lưỡng nhất mà anh em cán bộ chiến sĩ được biết. Các đơn vị được giao nhiệm vụ cụ thể trên sa bàn, được bàn bạc góp ý về cách tiếp cận mang vác gỗ, bao cát, cách đào hầm áp sát mục tiêu, được bàn bạc cách đánh vào các mục tiêu rất cụ thể…
Thứ ba, chiến dịch Đắk Pét là một chiến dịch hợp đồng binh chủng hết sức nhịp nhàng, ăn ý. Pháo phòng không 57 mm, 37mm, 23mm của ta án ngữ trên những ngọn đồi bắn chặn không cho máy bay trực thăng, A-37, C-130 của kẻ địch đến ném bom bắn phá các mục tiêu. Hỏa lực pháo 122mm, 105mm, 85mm, hỏa lực cối 160mm, 120mm, 81mm, 60mm, hỏa lực ĐKZ, 12,7mm của chiến dịch, của cấp trung đoàn, cấp tiểu đoàn phối hợp nhịp nhàng, cấp tập bắn nát các lô cốt, hầm ngầm; cày xới phá hủy hầm hào công sự buộc quân địch phải chúi xuống hầm ngầm, tạo điều kiện cho các mũi công binh mở cửa bằng mìn ba giá, đánh bay hệ thống hàng rào kẽm gai có chiều sâu đến 70 mét. Và sau hai giờ giội bão lửa, xe tăng và bộ binh các hướng chủ yếu, thứ yếu đồng loạt tấn công chiếm lĩnh trận địa. Kẻ địch gần như bị áp đảo, không thể ứng cứu cho nhau.
Thứ tư là trận đánh diễn ra trong một thời gian ngắn kỷ lục, từ 6h đến 10 giờ ngày 16/5/1974. Gần 600 tên địch đã bị tiêu diệt và bị bắt sống. Một số lớn vũ khí đạn dược của Mỹ ngụy bị ta thu giữ.
Thứ năm là tổn thất của trung đoàn trong một trận đánh lớn ở mức thấp. Hai mươi mốt cán bộ chiến sỹ hy sinh trước và trong trận đánh.
Cuối cùng là ngay sau trận đánh, tất cả cán bộ chiến sỹ phải làm nhà cửa ổn định và chăm lo cuộc sống cho hàng trăm gia đình, phần lớn là người dân tộc, thậm chí quân y còn đỡ đẻ cho đồng bào, một nhiệm vụ mà cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 3 chưa bao giờ phải làm…
Một chặng đường đi rất dài. Đến 9h tối xe chúng tôi mới đến huyện lỵ Đắk Glei. Thật ngỡ ngàng! Sau gần mười năm mới quay trở lại, Thị trấn nay đã vươn mình thức dậy, mang dáng dấp của một vùng độ thị hóa. Chưa có nhiều nhà cao tầng nhưng cơ sở hạ tầng đường xá, trường trạm không thua kém các thị trấn miền xuôi. Xe chúng tôi đi chầm chậm qua một cây cầu bắc qua con sông Đắk Mek. Vẻ đẹp hiện đại và sự duyên dáng của nó trong ánh đèn hoa rực rỡ chẳng kém gì những cây cầu nổi tiếng. Bóng cả phố núi lung linh lấp lóa trên dòng sông…
Đăk Glei là huyện miền núi phía Bắc tỉnh Kon Tum, là huyện vùng cao biên giới và là cửa ngõ phía bắc của vùng Tây Nguyên. Phía bắc Đắk Glei giáp tỉnh Quảng Nam. Phía Nam giáp huyện Ngọc Hồi, Kon Tum. Phía Đông giáp huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum. Phía Tây giáp Lào. Đắk Glei có diện tích gần 1.500 km2, hơn 50.000 dân với bốn dân tộc chủ yếu: Kinh, Gia Rai, Ê đê, Giẻ Triêng.
Nhắc đến mảnh đất Đắk Glei người ta không thể quên được những năm tháng lịch sử hào hùng trong hai cuộc kháng chiến, cùng với những địa điểm nổi tiếng như làng kháng chiến Xốp Dùi, đèo Lò Xo, ngục Tố Hữu, cụm căn cứ Đắk Pék và núi Ngọc Linh, ngọn núi cao ở Tây Nguyên với chiều cao hơn 2600m so với mặt nước biển, cùng với đặc sản quốc bảo sâm Ngọc Linh, một loại sâm tốt nhất trên thế giới hiện nay.
Sau một đêm ngủ đặc trưng trong không gian rừng núi tĩnh mịch ở một trường dân tộc nội trú, đoàn chúng tôi lên xe đến nghĩa trang liệt sỹ huyện Đắk Glei. Nghĩa trang liệt sỹ nằm trên đỉnh đồi khá cao, bên cạnh chi khu quân sự Đắk Pét ngày trước. Chúng tôi leo 171 bậc lên khu đất bằng trải dài những ngôi mộ ốp đá, nơi nằm yên nghỉ của các liệt sỹ bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích đã hy sinh tại huyện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Cũng giống như các nghĩa trang khác, rất nhiều ngôi mộ không tên. Hai mươi mốt đồng đội của trung đoàn chúng tôi được quy tập về đây cũng không biết nằm ở chỗ nào. Ngay cả cái tên của Trung đoàn 3 cũng không được ghi lại, vì vào chiến trường Trung đoàn 3 mang mật danh đoàn Bạch Đằng.
Vẫn như những lần trước, anh Thắng thay mặt anh em đọc điếu văn. Giọng anh nghẹn ngào, “ Bốn mươi sáu năm đã qua, đồng đội, anh em bạn bè chúng tôi đã trở về trong vòng tay yêu thương của người thân, còn các anh vẫn mãi mãi nằm lại đây, giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Các anh nằm đây trong những hàng bia mộ, không một tấm hình, không một dòng địa chỉ. Chỉ có gió nắng bình yên trên ngôi mộ. Chỉ có hương hoa phảng phất hồn thiêng của các anh tự năm nào! Thời gian đã đi vào dĩ vãng nhưng còn để lại bao tiếc thương cho gia đình, người thân và đồng đội chúng tôi”! Giọng anh trầm xuống. Tôi biết nước mắt của người lính già đã thấm đẫm trang giấy. Tất cả anh em chúng tôi cũng không cầm được nước mắt! Bao hình ảnh sống động về trận đánh lại ùa về.
Tôi nhớ nhất anh Lê Xuân Huynh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 của tôi cùng phân đội trinh sát đi trinh sát lần cuối căn cứ đồi H. Trên đưởng trở về, một chiến sỹ vướng mìn ở suối Đăk Pét. Pháo, cối địch theo tọa độ bắn dữ dội chặn đường. Đồng thời kẻ địch cho một trung đội địch càn quét dọc theo con suối. Anh Huynh cùng sáu trinh sát bị thương không thể rút ra khỏi đó. Các anh đã chiến đấu hy sinh anh dũng trước khi trận đánh bắt đầu. Năm 2015 anh Hồ Hữu Lạn cùng anh em cựu chiến binh Trung đoàn 3 đến thăm gia đình anh Huynh. Người mẹ 93 tuổi của anh, đôi mắt mù lòa vì khóc thương nhớ con. Mẹ cầm tay từng người. Nước mắt chan chứa gọi “Huynh ơi, Đồng đội con lại về”! Không biết mẹ bây giờ ra sao? Còn hay mất? Anh Huynh là con trai duy nhất trong gia đình, dưới anh là ba cô em gái.
Chuyến đi này đoàn chúng tôi chỉ làm được một việc là trao lại danh sách 21 cán bộ chiến sỹ với đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, chức vụ, cấp bậc cho Ban chỉ huy quân sự huyện. Hy vọng Đảng bộ, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và các ban ngành huyện Đắk Glei cho khắc tên đồng đội chúng tôi trên tấm bia đá còn để trống, để thân nhân gia đình liệt sỹ và anh em đồng đội chúng tôi đến thắp hương được an ủi đôi phần.
Read More

Chúng tôi lại về thăm các anh

Leave a Comment

 Trong hơn một chục năm trở lại đây, cứ vào những ngày tháng Bảy, hầu như năm nào anh em cựu chiến binh Sư đoàn 324 chúng tôi cũng về thắp hương cho đồng đội ở các chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Tây nguyên…

Càng nhiều tuổi con người ta càng hoài niệm về quá khứ. Anh em cựu chiến binh chúng tôi cũng vậy. Tuổi thanh xuân hào hùng đã đi theo năm tháng của mỗi người. Không ai quên những ngày ấy. Những ngày đêm hành quân trong mưa rừng ăn cơm vắt! Những ngày đêm sốt rét ác tính ứ nước mắt thương nhau! Những ngày đêm trên chốt nóng bỏng bom đạn chỉ nhìn thấy đôi mắt đồng đội trên khuôn mặt lấm lem teo tóp! Những ngày đói quay đói quắt húp cháo măng rừng, ăn rau môn thục! Những chiến dịch ác liệt kéo dài thắt ruột vùi tạm hàng chục, hàng chục đồng đội hy sinh sau một trận đánh!...

Rời quân ngũ, phần lớn anh em cựu chiến binh phải vật lộn mưu sinh với cuộc sống thường ngày. Tấm cơm manh áo đã cuốn chúng tôi theo những cách thức khác nhau. Nhưng trong sâu thẳm, những kỷ niệm ngày xưa vẫn chập chờn trong giấc ngủ, vẫn hiện diện đêm đêm khi thời tiết thay đổi, và đặc biệt lại đau đáu mỗi khi tháng Bảy về. Thương lắm đồng đội ơi!

Chúng tôi không có điều kiện đi thăm được nhiều các nghĩa trang trên mảnh đất hình chữ S này nên có nhiều điều chưa hiểu hết. Nhưng trong số nghĩa trang liệt sỹ trên cả nước, có lẽ các nghĩa trang ở Quảng Trị, Thừa Thiên là các nghĩa trang có nhiều ngôi mộ không tên nhất. Đây cũng là hai tỉnh mà phần lớn hơn 13.000 đồng đội thuộc Sư đoàn 324 của chúng tôi đã nằm xuống.

Thành cổ Quảng Trị là di tích quốc gia đặc biệt. Trong năm 1972, thành cổ Quảng Trị nổi tiếng qua cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành đầy khốc liệt. Khoảng 328.000 tấn bom đạn của giặc Mỹ đã dội xuống mảnh đất này. Trong lịch sử chiến tranh thế giới, không hề có một chiến dịch nào mà mục tiêu chủ yếu đối phương chỉ đánh vào một tòa thành cổ khoảng 3km2. Đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã huy động một lực lượng hải, lục, không quân đông đảo và sử dụng một khối lượng chất nổ khổng lồ tương đương với 7 quả bom nguyên tử ném xuống khu vực này.

Để bảo vệ Thành cổ, hàng vạn Anh hùng, Liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống. Trong số đó có các Anh hùng Liệt sỹ thuộc Sư đoàn 324 của chúng tôi đã đem theo tuổi thanh xuân, đem theo bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất. Nơi đây được coi là nghĩa trang không mồ lớn nhất, là ngôi mộ chung của những người lính Thành Cổ đã ngã xuống vì quê hương, vì sự nghiệp hòa bình thống nhất đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường số 9 là một con đường chiến lược của Mỹ nguỵ, nối liền từ Đông Hà đến biên giới Việt Lào. Dọc theo trục đường số 9, Mỹ ngụy đã cho xây dựng nhiều căn cứ quân sự, cứ điểm và lô cốt nhằm cắt đứt sự chi viện của quân và dân miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Mặt trận Ðường 9- Bắc Quảng trị, cuộc đối đầu lịch sử giữa đế quốc Mỹ và ý chí giải phóng dân tộc đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bởi những chiến công oanh liệt. Và nơi đây quân và dân ta cũng đổ không biết bao nhiêu xương máu.

Nghĩa trang liệt sỹ đường 9 nằm trên địa phận tỉnh Quảng trị, quy tụ gần 9.500 mộ liệt sỹ (có một số ngôi mộ chôn tập thể). Trong số đó chỉ có 3.227 mộ liệt sỹ được xác định đầy đủ tên tuổi quê quán, được mai táng theo từng tỉnh thành; còn hơn 6000 ngôi mộ chưa xác định được danh tính. Đây là nơi yên nghỉ của các liệt sỹ thuộc các sư đoàn 304, 308, 312, 320, 324, 325…

Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Thừa Thiên-Huế nằm trên địa phận thành phố Huế. Nghĩa trang là nơi yên nghỉ của gần 2000 Anh hùng Liệt sỹ nhưng chỉ có 314 liệt sỹ có danh tính. Nghĩa trang liệt sỹ huyện Phong Điền có 3600 ngôi mộ nhưng chỉ có 1050 ngôi mộ có danh tính. Nghĩa trang Hương Thủy, Hương Trà, Nam Đông, Quảng Điền…Những nghĩa trang mà đồng đội Sư đoàn 324 của chúng tôi nằm đó chưa xác định được danh tính. Không biết đến ngày nào các cơ quan chức năng và anh em chúng tôi mới trả lại danh tính, mới được gọi tên các anh như những ngày nào?

Nghĩa trang liệt sỹ ở huyện A Lưới là một trong những nghĩa trang của tỉnh Thừa Thiên có nhiều mộ liệt sỹ không tên nhất. Vì sao? Không phải vì trong chiến tranh các đơn vị không làm tốt công tác tử sĩ. Chỉ vì đó là một trong những địa bàn, một chiến trường ác liệt nhất. Các đơn vị không thể làm được gì hơn khi cả đơn vị hy sinh. Đơn vị ở đây có thể là một tiểu đội, một trung đội, một đại độ, còn lại bao người vì trúng bom B52, vì pháo bầy, vì bị bao vây, vì bị phục kích trong chiến trường? Thịt xương tan nát và nhiều chiến sĩ trong tay kẻ địch thì ai có thể xác định được danh tính?

Tôi được anh Lê Văn Chớ, nguyên Đội trưởng Đội Trinh sát Đặc công Trung đoàn 812 cho biết, số liệt sỹ hy sinh trên địa bàn Thung lũng A Sầu của Sư đoàn 325, Sư đoàn 324 từ năm 1965 đến đầu những năm 1970 được quân và dân trên địa bàn A Lưới quy tập về A So. Nhưng đến năm 1972, B52 Mỹ rải thảm khu nghĩa trang. Hầu như không còn một ngôi mộ nào còn. Các anh đã hy sinh đến lần thứ 2, lần thứ 3.

Một địa danh có rất nhiều liệt sỹ thuộc Sư đoàn 324 là ở khu vực xã A Đớt huyện A Lưới khi Trung đoàn 812 bị B52 đánh vào đội hình. Số tử sĩ chôn gần sông bị cơn lũ năm 1973 cuốn phăng đi không còn một dấu tích. Riêng 108 liệt sỹ ở A Bia mà quân đội Mỹ giữ được thi thể, chúng chôn tập thể ở dước hố chống tăng. Năm 2000 các cựu chiến binh Mỹ cho biết tọa độ, chúng ta tìm kiếm mãi nhưng không thấy. Năm 2004 một gia đình dân tộc Vân Kiều đào móng làm nhà đúng vị trí quân Mỹ chôn các liệt sỹ, chúng ta tổ chức quy tập được 108 thi hài đúng như các cựu chiến binh Mỹ đã mô tả. Tất cả số liệt sỹ trên đều được đem về chôn cất ở nghĩa trang Liệt sỹ huyện A Lưới… Vì tất cả những lý do đại loại như vậy, phần lớn các ngôi mộ ở huyện A Lưới đều là mộ không tên.

Mỗi chuyến đi đều để lại những kỷ niệm nghĩa tình tri ân đồng đội. Tôi còn nhớ Thủ trưởng Ma Vĩnh Lan, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 tiếp theo anh Võ Hạp, trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 3, có lần nói, “còn sức thì cố đi để ôn lại truyền thống trung đoàn, để tri ân các anh hùng liệt sỹ”. Thủ trưởng Hồ Hữu Lan, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 thời kỳ đầu những năm 1970, mặc dầu đã hơn 80 vẫn nhiều lần dẫn đầu anh em về thắp hương tại các chiến trường, tại nghĩa trang, tại các gia đình đồng đội. Tôi còn nhớ một lần trời mưa như trút nước, Thủ trưởng Lê Huy Mai, Thủ trưởng Hồ Hữu Lan cầm chiếc ô che bó hương đốt sẵn, mặc mưa gió bước lên đài hương án. Thủ trưởng Phan Đân, người cũng ngoài 80, nguyên Chính ủy Trung đoàn 3 thời kỳ làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào, trong cái nắng 37, 38 độ vẫn trang nghiêm trong bộ quân phục cắm từng nén hương cho các chiến sĩ…

Và mấy ngày nay, đoàn cựu chiến binh chúng tôi, những người còn có thể đi được lại trở về thăm các anh, thắp nén tâm nhang để tri ân các anh. Cầu cho các anh bình yên bên kia thế giới! Mong các anh phù hộ cho quốc thái dân an! Mong các anh phù hộ cho chúng tôi!

Read More

Trở lại Trung đoàn 3

Leave a Comment

 Hôm nay chúng tôi trở về thăm Trung đoàn bộ Trung đoàn 3, thắp hương tưởng niệm các đồng đội đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và làm nhiệm vụ Quốc tế ở Lào, giao lưu với cán bộ chiến sỹ trung đoàn, các tiểu đoàn 7, 8, 9, C 17…, những cái tên thân thương gắn liền với máu thịt chúng tôi bao nhiêu năm qua.

Thật là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Được sống lại đời quân ngũ. Được ăn ngủ trong doanh trại. Được sinh hoạt như người lính. Những kỷ niệm năm nào lại ùa về.

Từ ngày rời khỏi quân ngũ hôm nay là lần thứ hai chúng tôi có dịp thăm lại Trung đoàn 3 Sư đoàn 324, nơi anh em đồng đội chúng tôi được biên chế vào giữa những năm 1960 đến đầu những năm 1970. Chúng tôi bồi hồi xúc động nhớ lại lịch sử trung đoàn. Chúng tôi biết đến tên ban đầu của trung đoàn là Trung đoàn 29 (còn gọi là Trung đoàn Thuận Hoá, Đoàn 8 sông Lô, Đoàn Bạch Đằng, Trung đoàn 3).

Trung đoàn được thành lập ngày 13/5/1965 gồm Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 8 và Tiểu đoàn 9. Sau khi thành lập một tuần, trung đoàn nhận lệnh hành quân sang Lào làm nhiệm vụ quốc tế. Anh Võ Hạp là Trung đoàn Trưởng. Anh Trần Văn Ân là Chính ủy đầu tiên của trung đoàn. Trong thời gian một năm ở Lào, có thể nói đó là thời kỳ vô cùng gian nan, hiểm nguy. Gần 200 chiến sỹ đã hy sinh vì sốt rét (chưa kể số hy sinh trong chiến đấu). Mặc dầu vậy trung đoàn đã cùng với quân đội Pathet Lào giải phóng hai tỉnh Xaphanakhet và Khăm Muộn. Lịch sử vẻ vang của trung đoàn bắt đầu từ ngày đó...

Vừa chân ướt chân ráo từ Lào về trung đoàn đã ra quân đánh Mỹ năm 1967 ở hai hướng đông và tây Quảng trị lập nhiều chiến công vang dội ở tây nam Cồn Tiên, Dốc Miếu, bắc Đường 9. Trung đoàn cùng với Sư đoàn 324 là những đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam ra quân đánh Mỹ. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã đánh giá: “Sư đoàn 324 đã thực hiện được ý đồ chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương” trong việc kéo quân Mỹ ra vùng rừng núi Quảng trị để tiêu diệt, nhằm hỗ trợ cho các chiến trường phía trong.

Trong cuộc tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Trung đoàn 3 đã tấn công vào tất cả những vị trí quan trọng nhất của Mỹ ngụy ở Huế như Đại Nội, Đài phát thanh, Đồn mang cá, sở chỉ huy các đơn vị quân đội Mỹ ngụy và giữ vững Huế trong suốt 25 ngày đêm, thời gian kéo dài nhất, đạt kết quả lớn nhất so với tất cả các cuộc tấn công và nổi dậy vào hơn 40 tỉnh thành và thị xã ở miền Nam Việt Nam.

Tiếp theo hơn một năm sau, Trung đoàn 3 đã làm nên một huyền thoại A Bia vào mùa hè năm 1969, theo số liệu của Mỹ, Trong suốt 10 ngày Trung đoàn 3 phải đương đầu với 1800 binh lính Mỹ, 10 tiểu đoàn pháo binh với 19.213 đạn pháo các loại, 272 phi vị ném bom với gần 1.000 tấn bom các loại. Trung đoàn 3 đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 500 lính Dù thuộc Lữ đoàn Dù số 3 trên một quả đồi, một trận đánh mà người Mỹ cho là “khó khăn nhất, dữ dội nhất, đẫm máu nhất, khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam”. Trận chiến trên đồi A Bia đã làm thay đổi cục diện chiến trường, làm rung chuyển Lầu Năm góc, dấy lên làn sóng phản đối chiến tranh của hàng triệu người Mỹ, tạo ra một cuộc chiến tranh trong lòng nước Mỹ…

Cũng chỉ một năm sau, Trung đoàn 3 cùng với Trung đoàn 1 Sư 324 đã giành chiến thắng trong trận đánh lớn cuối cùng với Quân đội Mỹ ở điểm cao 935-Cốc Bai mà người Mỹ gọi là Ripcord và O’Reilli, quét sạch quân Mỹ ngụy ra khỏi tây Thừa Thiên, một chiến công vang dội, tạo thế và lực mới trên chiến trường Trị Thiên, lập lại thế ba vùng chiến lược. Và Quân đội Mỹ lần đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam đã phải tháo chạy khỏi 935-Cốc Bai trước khi “nó trở thành một trận Điện Biên Phủ với nước Mỹ”, và nó trở thành “một ẩn dụ bi thảm cho toàn bộ cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam”. Ngày 2/8/1970 Quân ủy Trung ương đã điện “Nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 324 đã giành thắng lợi to lớn ở khu vực 935 và miền tây Thừa thiên”, trong đó Trung đoàn 1 cùng với trung đoàn 3 đóng vai trò quyết định.

Và còn biết bao chiến công đi cùng năm tháng với Lich sử Quân đội Nhân dân Việt Nam và Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đó là những chiến công trong chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào năm 1971, Chiến dịch Trị Thiên năm 1972, Chiến dịch Thừa Thiên-Huế năm 1973, Chiến dịch Đắc Pét tháng 5 năm 1974, Chiến dịch Thượng Đức tháng 7 năm 1974 (đặc biệt là trận Thượng Đức, tôi đã phân tích trong bài Đôi điều cảm nghĩ khi đọc cuốn hồi ký Trung đoàn một thời chiến trận của Đại tá Hồ Hữu Lạn), và cuộc Tổng Tấn công năm 1975. Nhưng chưa hết, bắt đầu từ tháng 12 năm 1977, gần 10 năm Trung đoàn 3 lại làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào xử lý, giải quyết những điểm nóng do bọn phản động và phỉ Vàng Pao gây ra.

55 năm đã trôi qua, từ nhiều nguồn tài liệu của phía bên kia chiến tuyến, theo cá nhân tôi, Trung đoàn 3 xứng đáng là một trong những trung đoàn xuất sắc nhất của quân đội, xứng đáng hơn với danh hiệu hai lần trung đoàn anh hùng. Minh chứng là Trung đoàn 3 cùng với Sư đoàn 324 đã đánh bại Sư đoàn Thủy quân lục chiến, Sư đoàn Kỵ binh bay, Sư đoàn Dù, 3 sư đoàn thiện chiến nhất của Quân đội Mỹ trong các chiến dịch. Trung đoàn 3 cùng với Sư đoàn 324 đã đánh bại sư đoàn 1, Sư đoàn Dù, hai sư đoàn mạnh nhất của Quân lực Việt Nam Công hòa trong các chiến dịch. Người Mỹ đã viết ít nhất tới 6 cuốn sách chuyên đề cập đến các chiến dịch của quân đội Mỹ với Trung đoàn 3 và Sư 324. Tôi nghĩ nếu trưng bày trong phòng truyền thống trung đoàn, có lẽ đó sẽ là niềm mơ ước của tất cả các trung đoàn thuộc Quân đội ta (Cái chết ở Thung lung A Sầu của Larry Chamber, Những chiến dịch của Mỹ ở Thung lũng tử thần của Thomas R.Yarborough, Đồi Thịt băm của Samuel Zaffiri, Đại bàng gào thét trong vòng vây của Keith Noland, Huế năm 1968 và Địa ngục trên đỉnh đồi của Bel Harrison).

Chuyến đi trở về cội nguồn lần trước và lần này có hơn 40 cán bộ, chiến sĩ năm xưa. Mỗi người đều có những kỷ niệm riêng của mình với trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội, trung đội, tiểu đội. Tựu trung lại là chúng tôi trở về nơi mình đã từng sống và chiến đấu trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào. Với nhiều người, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng tất cả chúng tôi đều không bao giờ quên được Trung đoàn 3, bởi vì trung đoàn là niềm tự hào của tất cả chúng tôi trong những năm tháng "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Hàng ngàn đồng đội đã hy sinh tại trung đoàn trên tổng số hơn 13.000 cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 324 đã hy sinh trên khắp mọi miền của Tổ quốc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Hàng ngàn thương bệnh binh đã rời quân ngũ tại trung đoàn này. Tất cả, lớp lớp đồng đội từ ngày thành lập cho đến ngày hôm nay đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để tô thắm nên truyền thống vẻ vang của Trung đoàn 3 anh hùng thuộc Sư đoàn 324 anh hùng.

Ngày ra đi 18 đôi mươi. Ngày trở về người ít tuổi cũng 65, người nhiều tuổi nay đã hơn 80. Tôi bỗng nhớ lại câu thơ Đường: "Khi đi trẻ lúc về già, giọng thì không đổi tóc đà khác sao". Nhiều anh em trước chuyến đi rưng rưng nước mắt nói với chúng tôi: “ nhớ lắm Trung đoàn 3, thương lắm Trung đoàn 3, muốn về cội nguồn lắm nhưng già yếu không đi được”. Phần lớn anh em chúng tôi đều vất vả trong cuộc sống, nhiều cựu chiến binh đã ra đi vì tuổi già sức yếu, vì thương tật, nhưng dẫu sao chúng tôi còn quá may mắn so với các anh em đã nằm xuống. Cầu mong các anh phù hộ cho Tổ quốc, cho người thân và cho anh em chúng tôi.

Xin cảm ơn cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 3 đã đón tiếp chúng tôi nồng hậu như những người thân đi xa trở về nhà, xin cảm ơn Trung đoàn 29, Doan Thuận Hoa, Đoàn 8 sông Lô, Đoàn Bạch Đằng, Trung đoàn 3 yêu dấu của tất cả các cựu chiến binh chúng tôi.

Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.