Tuyên bố chung Việt-Trung và tuyên bố chung Việt-Mỹ

Leave a Comment
   Một số bạn hỏi tôi quan hệ Việt-Trung quan trọng hay quan hệ Việt-Mỹ quan trọng hơn. Câu hỏi thật khó trả lời. Tôi luôn tin trong quan hệ quốc tế không có bạn bè vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích dân tộc là vĩnh viễn. Vì thế, tôi chưa bao giờ cân đong nặng nhẹ, cao thấp hai mối quan hệ đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Mối quan hệ với hai ông lớn này còn tùy thuộc vào diễn biến của nó trong thực tế đang diễn biến và trong viễn cảnh sắp tới.
   Hai cuộc họp với hai nguyên thủ quốc gia kết thúc bằng hai tuyên bố chung. Giới phân tích có thể qua đó mà đưa ra những nhận xét riêng của mình. Tôi muốn chia sẻ với các bạn đôi điều tổng thể, không đi sâu vào chi tiết.
   Trong cuộc họp ngày 12/11, hai nhà lãnh đạo cao nhất của VN và TQ có đề cập đến việc tránh gây hấn vì Biển Đông chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngỏ lời sẵn sàng làm trung gian hòa giải các tranh chấp hàng hải. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ khi trả lời phỏng vấn báo chí đã trả lời quan hệ giữa hai bên sẽ do hai bên giải quyết không qua bên thứ ba. Như vậy là quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh khá căng thẳng khi hai bên có va chạm trên bãi Tư Chính. Đặc biệt từ tháng 7, Trung Quốc gây áp lực lên Việt Nam ngừng thăm dò dầu khí với tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha tại vùng biển thuộc thềm lục địa của Việt Nam. Tiếp đó, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương TQ Phạm Trường Long bỏ dở chuyến thăm tới Hà nội, một dấu hiệu cơm chẳng ngọt, canh chẳng lành nữa… Tuy nhiên, hai bên đã quản lý, kiểm soát một cách chin chắn. Tranh chấp và bất đồng cũng dần được hạ nhiệt trước Đại hội ĐCS TQ.
   Tập Cận Bình sang Việt Nam lần này muốn làm sâu sắc thêm mối quạn hệ đối tác chiến lược toàn diện, đặc biệt là mối quan hệ về chính trị và kinh tế để phục vụ cho chiến lược của TQ. Qua Tuyên bố chung, người ta thấy quan điểm của TQ vẫn muốn cùng VN gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác, cố tình lờ đi vấn đề chủ quyền, chỉ nhất trí chung chung về việc đảm bảo hòa bình trong vùng biển có tranh chấp. Xem xét thật kỹ, tôi không thấy có bước đột phá nào trong quan hệ giữa hai nước. Tuyên bố chung giữa hai nước bao gồm 10 điểm, vẫn na ná như các tuyên bố chung trước đó. Nặng về hình thức, không thực sự có điểm gì biến chuyển.
   Tuyên bố chung Việt-Trung lần này, kể cả những tuyên bố chung trước đó, trừ Tuyên bố chung năm 1991, người ta còn thấy một điều lạ là quan hệ giữa hai nước cũng như việc giải quyết bất đồng trên biển, hai bên chỉ dựa vào nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, chứ không dựa vào luật pháp quốc tế, nếu có đề cập đến luật pháp quốc tế chỉ là chung chung, mập mờ. Vì vậy, sau những sóng gió trong quan hệ hai nước, người ta lại thấy một quan chức cấp cao của đảng thuộc hai bên sang nhau để dàn xếp.
   Donald Trump sang Việt Nam cũng muốn làm sâu sắc quan hệ đối tác toàn diện với mục tiêu nước Mỹ là trên hết. Tuy vậy, trong Tuyên bố chung Việt-Mỹ, cũng như tuyên bố chung Việt-Mỹ trước đó, hai nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Như vậy là so với quan hệ Việt-Mỹ, quan hệ Việt-Trung có vấn đề, mà là vấn đề còn rất nghiêm trọng, cho nên cả hai bên đều không đưa ra cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau (TQ đã thể hiện thái độ không tôn trọng đó từ năm 1979 đến nay). Theo tôi, những nhận thức chung của lãnh đạo hai nước dù là Đảng hay Nhà nước là quan trọng, nhưng không thể thay thế luật pháp quốc tế. Dù cùng một hệ thống chính trị, dù cùng đi theo một con đường chung do Đảng Cộng sản lãnh đạo nhưng một khi vì lợi ích dân tộc, người ta có thể sẵn sàng hủy bỏ nó bất cứ lúc nào. Vậy thì cái lâu đài hữu nghị truyền thống, lâu dài với 4 tốt và 16 chữ vàng hai bên xây dựng trên cái nền móng gì?
   Về vấn đề thương mại, hai nước Việt-Trung là bạn hàng lớn của nhau. Kim ngạch hai chiều lên tới gần 100 tỷ đô la. Nhưng kim ngạch buôn bán càng tăng thì thâm hụt thương mại của Việt Nam càng lớn. Điều này diễn ra từ năm 1995 đến nay. Thâm hụt từ một vài tỷ đến nay trở thành một vài chục tỷ mỗi năm (28 tỷ đô la năm 2016). Trong khi đó, Tuyên bố chung Việt-Trung tiếp tục kêu gọi đẩy mạnh thương mại. Chắc chắn thương mại giữa hai nước sẽ còn tăng chóng mặt. Và dĩ nhiên, trong những năm tới, thâm hụt của VN sẽ lên đến 40 tỷ, 50 tỷ, thậm chí đến hàng trăm tỷ. Vậy mà tuyệt nhiên trong tuyên bố chung không có một câu chữ nào đề cập đến biện pháp giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước để đảm bảo quyền lợi của VN. Có nghĩa là trong quan hệ hai nước Việt-Trung chỉ có TQ mới được hưởng phần lợi, phần thiệt thòi luôn thuộc về  phía Việt Nam. Đây phải chăng là quan hệ đặc sắc kiểu TQ?
   Cũng về lĩnh vực này, hai nước Việt-Mỹ là bạn hàng tương đối lớn của nhau. Kim ngạch thương mại hai chiều lên tới 50 tỷ đô la, nhưng thâm hụt thương mại lại luôn thuộc về phía Mỹ (29,4 năm 2016). So với TQ, Rõ ràng một đứa trẻ lên ba cũng hiểu làm ăn buôn bán với Mỹ có lợi hơn. Trong khi đó, Tuyên bố chung Việt Mỹ vẫn kêu gọi thúc đẩy thương mại song phương, triển khai Hiệp định khung về thương mại và đầu tư… Rõ ràng Chính quyền mới của Mỹ tiếp tục chính sách xích gần hơn nữa với VN. Tôi cho rằng các doanh nghiệp VN nên nhìn thẳng vào sự thật này, chớ ham của rẻ, chớ nên tham bát bỏ mâm.
   Trong Tuyên bố chung Việt-Mỹ, ngoài lợi ích chung là tiếp cận tự do và mở rộng ở Biển Đông, tôn trọng các hình thức sử dụng biển một cách hợp pháp, tránh hành động leo thang căng thẳng, quân sự hóa Biển Đông, hai bên còn nhất trí tăng cường hợp tác về an ninh quốc phòng và chia sẻ thông tin tình báo, một lĩnh vực hết sức nhạy cảm. Nó chứng tỏ độ tin cậy giữa hai nước bắt đầu đi vào chiều sâu.
   Người ta còn phải đi sâu để nghiên cứu giải mã về hai chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tới Việt Nam. Người ta cũng còn phải theo dõi trên thực tế qua một thời gian nữa để có những nhận xét chính xác, nhưng những gì được thể hiện qua hai bản tuyên bố chung, người ta đã thấy khá rõ bản chất, thấy rõ những mảng sáng tối, những nét xa gần trong quan hệ của Việt Nam với hai ông lớn hết sức quan trọng này.

  
     

    
Read More

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc đến Việt Nam

Leave a Comment
   Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến Việt Nam vào dịp dự Hội nghị APEC Đà Nẵng là hai sự kiện có tầm quan trọng. Nó thu hút sự chú ý đặc biệt của giới truyền thông, các nhà quan sát trong cũng như ngoài nước.
   Chuyến thăm của Tổng thống Trump, một tổng thống khó đoán định đang định hình chính sách Ấn độ- Thái Bình Dương, trong đó VN là một mắt xích, không chỉ VN mà cả khu vực và thế giới đều rất quan tâm. Bời vì sau chuyến thăm, người ta sẽ thấy được chính sách của Mỹ đối với VN  và khu vực trong các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao và an ninh. Tiếp theo đó là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia đầy quyền lực sau Đại hội ĐCS TQ cuối tháng 10 vừa qua, người được cho là sẽ cứng rắn trong chính sách ngoại giao, quốc phòng và lấy kinh tế làm áp lực đối với các vấn đề về chủ quyền, càng có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng để VN và các nhà hoạch định chính sách ở một số nước có liên quan định hình những quyết sách ứng phó trong thời gian tới.
   Có lẽ nhiều người đã hình dung ra bức tranh tổng thể qua lời phát biểu, nhận xét của Đại sứ quán Hoa Kỳ và Đại sứ quán TQ trước chuyến thăm. Nhưng những đường nét xa gần và mầu mảng của nó thì người ta vẫn phải chờ đợi sau tuyên bố chung của VN với hai nước nói trên. Người ta thường nói tới chính sách cân bằng quyền lực uyển chuyển của VN trước một đối tác chiến lược và một đối tác toàn diện, giữa một siêu cường trong gần suốt thế kỷ qua và một cường quốc đang lên có tham vọng trở thành siêu cường trong thời gian tới. Chính sách này có lẽ sẽ không thay đổi sau chuyến thăm của “hai ông lớn”. Một số nhà bình luận băn khoăn liệu hai “ông lớn” Mỹ-Trung có thỏa hiệp, ảnh hưởng đến chính sách cân bằng của VN? Người Việt hiểu nước Mỹ và rất hiểu về TQ. Họ là hai đối thủ hợp tác và cạnh tranh, chứ không phải là những đối thủ thỏa hiệp về nguyên tắc. Người VN cũng hiểu mình bị “bán” không ít hơn một vài lần bởi những “ông lớn” vì quyền lợi của họ. Nghi ngại rằng Mỹ và TQ sẽ mặc cả vấn đề Triều Tiên để đổi lấy vấn đề Biển Đông là không có cơ sở. Tôi không tin Chính quyền Mỹ yếu thế đến mức hy sinh Đông Nam Á để tìm kiếm sự ổn định tại Đông Bắc Á.
   Đối với TQ, sự cảnh giác và mất lòng tin của người Việt không chỉ có trong ký ức nghìn năm Bắc thuộc mà nó còn diễn ra trong suốt thiên kỷ thứ nhất và đầu thiên kỷ thứ hai với tất cả các triều đại, các chính thể của TQ. Giới cầm quyền TQ luôn luôn tìm mọi cách đô hộ và xâm lược VN, buộc VN phải nằm trong quỹ đạo của họ. Gần đây nhất là cuộc Chiến tranh Biên giới phía Bắc năm 1979, cuộc Chiến tranh trên biển năm 1988 và cuộc xâm chiếm lãnh hải bằng giàn khoan Hải dương 981  năm 2014. Đó là quá trình đối đầu liên tục, không ngừng nghỉ trong quá khứ và hiện tại. Liệu tương lai sẽ ra sao khi TQ kiên quyết phủ nhận Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế, trắng trợn tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa là của TQ. Đường lưỡi bò là vùng biển lịch sử và là lợi ích cốt lõi của họ, xâm phạm chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế của VN? Nên nhớ TQ đã xâm chiếm, quân sự hóa các đảo đá trên Biển Đông. Bao giờ thì họ sẽ sử dụng vũ lực?
   Người Việt đã mất lòng tin với TQ. Nó bắt nguồn từ sự bất nhất giữa lời nói và việc làm của những người cầm quyền. Họ tuyên bố trỗi dậy hòa bình, không làm tổn hại đến bất cứ nước nào. Những điều họ nói đều rất tốt đẹp. Nào là tình hữu nghị gắn bó như keo sơn, nào là khúc ruột núi liền núi sông liền sông, nào là môi hở răng lạnh, nào là 4 tốt cùng mười sáu chữ vàng, nào là nhìn về đại cục… nhưng hành động thực tế của họ đã chứng minh hoàn toàn trái ngược lại.
   Lần thứ 3 ông Tập sang VN sẽ nói cái gì, nói như thế nào, mong muốn VN ra sao và rồi có hành động đẹp để người Việt bớt mất niềm tin? Chúng ta hãy chờ xem sao. Tôi nghĩ dù sao đi chăng nữa thì người Việt vẫn phải sống chung với lũ như ông cha ta đã từng sống từ hàng ngàn năm trước. TQ là nước láng giềng lớn đầy tham vọng bá quyền và VN không thể di chuyển được lãnh thổ đi nơi khác. Biết rằng mối quan hệ này là đồng sàng dị mộng nhưng vẫn phải giữ cho mối quan hệ đầy tình hữu hảo. Phải tăng cường quan hệ với họ về mọi mặt, đưa kim ngạch thương mại sắp tới lên đến 100 tỷ đô la, mặc dầu VN thâm hụt thương mại hàng chục năm nay ở mức 20 đến 30 tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, giới quan sát đều nhận ra, trò chơi được mất của Tập trên Biển Đông cũng như mỗi bước đi của TQ làm tổn hại đến lợi ích của VN thì là một bước VN xích lại gần hơn với Mỹ.
   Đối lập với thái độ của người Việt với TQ, người Mỹ được người Việt tin tưởng hơn (84%  người Việt tin người Mỹ theo điều tra vào tháng 7/2017) dù người Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến vô cùng tàn bạo suốt hai mươi năm trong thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, hiện tại và tương lai người Mỹ không có lý do gì để xâm chiếm VN. Một mối quan hệ Mỹ- Việt toàn diện, mạnh mẽ, sâu sắc là cần thiết để cân bằng với một TQ đang trỗi dậy đầy cơ bắp. Điều này đã được thể hiện qua chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào cuối tháng 5/2017 (Xin xem bài viết của tôi trong blogchiasett: Về chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ). Mối quan hệ Đối tác toàn diện này cùng với mối quan hệ tốt đẹp với các cường quốc,  với các nước trong khu vực và trên thế giới chắc chắn sẽ giúp VN ứng phó với những thách thức xấu nhất trong thế kỷ 21.
 Tôi nghĩ mối quan hệ Việt-Mỹ không phải là mối quan hệ một chiều. Cả hai nước đều có chung lợi ích là hòa bình, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Mỹ còn có nhiều lợi ích trong quan hệ với VN. Mối quan hệ song phương giữa hai nước có tiềm năng tăng cường thúc đẩy sự thịnh vương của cả hai nước, củng cố vị thế sức mạnh của Mỹ ở khu vực, ngăn ngừa những hành vi bành trướng của TQ, góp phần định hình cho chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ và các cường quốc trong khu vực, góp phần duy trì hòa bình và trật tự đã từng có ở Biển Đông.
 Khi VN tìm kiếm sự cân bằng mối quan hệ giữa TQ và Mỹ, vấn đề còn lại sẽ tùy thuộc vào phía TQ và Mỹ. Nếu TQ còn tiếp tục xâm phạm chủ quyền của VN,  tôi cho rằng phía VN có thể xem xét lại chính sách 3 không (không liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không sử dụng lãnh thổ làm phương hại đến lợi ích của nước khác) hoặc có thể VN tìm kiếm một hình thức liên minh không chính thức nào đó với Mỹ. Phía VN đã nhấn các nút cần thiết của mình để làm sâu sắc mối quan hệ với Mỹ trong chuyến thăm của Thủ tướng VN đến Mỹ. VN đã ký nhiều hợp đồng trị giá 15 tỷ đô la cho các doanh nghiệp Mỹ. VN đã đồng ý thương lượng một hiệp định đầu tư thương mại với Mỹ. VN cũng đồng ý chấp thuận cải thiện môi trường đầu tư cho các nhà đầu tư Mỹ. VN cũng đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Thậm chí VN cho phép tàu sân bay Mỹ cập cảng Cam Ranh. Vấn đề còn lại thái độ của Chính quyền Tổng thống Trump như thế nào? Liệu họ có ủng hộ VN?

   Dù tình hình có như thế nào thì tôi vẫn tin các nhà lãnh đạo VN sẽ ghi nhớ đối sách của cụ Hồ nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi Người đi Pháp năm 1946: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. .  
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.