Nghĩa trang liệt sỹ huyện A Lưới, Thừa Thiên

Leave a Comment


 5h30 trên miền biên cương giáp biên giới Lào, trời se se lạnh. Thi trấn A Lưới nằm trong thung lũng A Sầu vẫn chìm trong hơi sương. Mặc dù dọc con đường Hồ Chí Minh đi qua thị trấn A Lưới đèn điện vẫn thắp sáng, nhưng tầng tầng, lớp lớp sương giăng mờ mịt. Chúng cứ liên tục trôi đi, bay đến, miên man, bồng bềnh bao phủ khắp thung lũng. Nhìn ra xa, từ mặt đất tới bầu trời chỉ thấy một biển hơi mênh mông vô tận, trắng đục.
 Đường phố vắng lặng, không một bóng người qua lại. Tứ bề vẫn còn rỉ rả tiếng côn trùng sót lại đêm qua. Đâu đó thoang thoảng mùi hương đặc trưng ngai ngái của rừng núi. Cái khung cảnh này khiến cho người ta có cảm giác đơn chiếc, chỉ còn biết thu mình vào ký ức xa xăm …
 Tôi lững thững bước đi, cố gắng đoán định những địa danh năm xưa, nơi từng lưu trú, nơi từng in dấu bước chân gùi đạn, gùi gạo qua Bốt Đỏ, xuôi đường 73, xuống núi Sơn, vượt suối Mẹ, bơi ngược sông Bồ giữ chốt, đánh nhau với Trung đoàn Trâu Điên Ngụy. Tôi cố gắng nhưng không thể tìm thấy dấu tích con đường mòn dẫn lên ngọn đồi có những thân cây đan xen, cao hàng chục mét. Bên dưới tán rừng là những căn hầm tôi từng trú ngụ với anh Tâm, anh Trịnh qua bao ngày đêm, qua mùa mưa dai dẳng. Bùn từ những căn hầm tràn xuống sàn hàng tháng trời… Cái tổ tam tam ấy còn sót lại một mình tôi. Tâm trúng đạn pháo hy sinh đầu tháng 3/1973. Trịnh bị mảnh M79 găm vào sọ não…
 Không còn dấu vết nào của một thời đạn bom. Tôi cứ đi dọc thung lũng, đến gần 7h thì tới Nghĩa trang liệt sỹ huyện A Lưới. Nghĩa trang nằm trên một khu đất cao bên trục đường chính, được xây dựng, tôn tạo lại năm 1986. Có 1600 ngôi mộ. Một số liệt sỹ thuộc Sư đoàn 325. Một số thuộc Trung đoàn 6 Quân khu Trị Thiên, trung đoàn pháo, Binh trạm 559, dân quân du kích… Phần lớn còn lại là liệt sỹ thuộc Sư đoàn 324 của tôi từ năm 1966 tới năm 1972. Tôi biết còn hàng trăm, thậm chí hàng nghìn liệt sỹ còn nằm đâu đó rải rác khắp thung lũng, khắp A Lưới chưa tìm thấy, chưa được quy tập về nghĩa trang này. Thật xót xa! Nhưng biết làm thế nào. Chiến tranh mà. Trong số 1600 ngôi mộ thì có đến 1400 ngôi mộ không tên. Không biết đến bao giờ những người còn sống như chúng tôi mới trả được tên cho các anh, để được gọi tên các anh như những ngày nào!
 Trong số các nghĩa trang trên cả nước, có lẽ các nghĩa trang ở Trị Thiên là các nghĩa trang có nhiều ngôi mộ không tên nhất. Trong số các nghĩa trang ở Trị Thiên thì có lẽ nghĩa trang ở A Lưới là nghĩa trang có nhiều mộ liệt sỹ không tên nhất. Vì sao? Không phải vì trong chiến tranh các đơn vị không làm tốt công tác tử sỹ. Chỉ vì đó là chiến trường ác liệt nhất. Các đơn vị không thể làm được gì hơn khi cả một đơn vị hy sinh, đơn vị ở đây có thể là một tiểu đội, một trung đội, thậm chí là cả một tiểu đoàn, không còn lấy một người vì bom B52, vì pháo bầy, vì bị bao vây, vì bị phục kích trong chiến trường. Thịt xương tan nát và trong tay kẻ địch thì ai có thể xác định được danh tính.
 Tôi được anh Lê Văn Chớ, nguyên Đội trưởng Đội Trinh sát Đặc công Trung đoàn 812 cho biết, số liệt sỹ hy sinh trên địa bàn Thung lũng A Sầu của Sư đoàn 325, Sư đoàn 324 từ năm 1965 đến năm 1973 được quân và dân trên địa bàn A Lưới quy tập về A So. Nhưng đến năm 1974 B52 Mỹ rải thảm khu nghĩa trang. Hầu như không còn một ngôi mộ nào còn. Các anh đã hy sinh đến lần thứ 2, thứ 3.
 Một địa danh có rất nhiều liệt sỹ ở khu vực xã A Đớt huyện A Lưới khi Trung đoàn 812 bị B52 đánh vào đội hình. Số tử sỹ chôn gần sông bị cơn lũ năm 1973 cuốn phăng đi không còn một dấu tích. Riêng 108 liệt sỹ ở A Bia mà quân đội Mỹ giữ  được thi thể, chúng chôn tập thể ở dước hố chống tăng. Năm 2000 các cựu chiến binh Mỹ cho biết tọa độ chúng ta tìm kiếm mãi nhưng không thấy. Năm 2004 một gia đình dân tộc Vân Kiều đào móng làm nhà đúng vị trí quân Mỹ chôn các liệt sỹ chúng ta tổ chức quy tập được 108 thi hài đúng như các cựu chiến binh Mỹ cho biết. Tất cả số liệt sỹ trên đều được đem về chôn cất ở nghĩa trang huyện A Lưới… Vì tất cả những lý do như vậy, phần lớn các ngôi mộ ở đây đều là mộ không tên.
 Tôi đi vòng quanh khu nghĩa trang. Dọc con đường mòn nhỏ có vài ngôi nhà của người Vân Kiều. Mọi người đang quay quần bên bếp lửa. Những hàng mộ không tên trong nghĩa trang chạy tới chân đồi. Phía sau nghĩa trang là rừng đại ngàn Trường Sơn. Tôi dừng lại trước cổng nghĩa trang. Người quản trang trông thấy, ra mở cửa.
- Chắc anh đến viếng thăm đồng đội?
- Vâng, tôi đến trước. Anh em đồng đội đến sau.
 Tôi biết ngày 17/4/2017 Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lấy mẫu sinh phẩm cho 1160 ngôi mộ không tên tại nghĩa trang A Lưới. Hy vọng rằng gia đình các anh, các chị sẽ sớm tìm được các anh qua xác định AND và chúng tôi sẽ sớm được gọi tên các anh vào một ngày gần đây. Tôi hỏi người quản trang:
- Có nhiều gia đình tìm thấy thân nhân liệt sỹ của mình không anh?
- Không có mấy anh ạ!
 Thế mới biết việc bao nhiêu gia đình liệt sỹ ngóng chờ tìm được mộ thân nhân không phải là chuyện đơn giản. Biết bao người mẹ, người vợ, người thân trong gia đình mòn mỏi đi tìm các anh. Hơn nửa thế kỷ đã trôi đi rồi. Biết đâu mà tìm! Hàng vạn người mẹ, người vợ đã ra đi mang theo hình bóng của các anh. Đồng đội các anh cũng vậy. Chỉ biết thắp nén nhang chung trong ngày 27/7 hàng năm!
 Trong số những gia đình may mắn tìm được thân nhân ở A Lưới, có gia đình anh Liệt sĩ Phan Hữu Khải, sinh năm 1953, quê ở Hà Nội. Vào những năm tháng chiến tranh ác liệt, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh đã cùng với anh em cùng trang lứa chúng tôi vào chiến trường. Anh được biên chế vào Trung đoàn 1, sư 324 thuộc Quân khu Trị Thiên. Anh hy sinh năm 1972 tại điểm cao 66 gần sân bay dã chiến của địch, đối diện dãy núi Ca Va thuộc huyện A Lưới…
 Để tri ân các anh hùng liệt sĩ huyện A Lưới và đặc biệt là người anh trai thân thương hy sinh anh dũng, gia đình Trung tướng Phan Hữu Tuấn cùng chị gái, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã tặng tấm bia đá mang dòng chữ “Tưởng nhớ các liệt sĩ và em trai Phan Hữu Khải đang an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện A Lưới”. Tấm bia đá này được đặt sau cổng nghĩa trang, trọng lượng 22,5 tấn, rộng 3,3m, cao 3,3m. Trên tấm bia đá có khắc bài thơ Hương thầm, chị Nhàn đã sáng tác bài thơ này sau ngày em trai mình lên đường vào Nam chiến đấu. Tôi xin chép lại bài thơ:
Khung cửa sổ hai nhà cuối phố
             Không hiểu vì sao không khép bao giờ.
Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa.

Giấu một chùm hoa sau chiếc khăn tay,
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm,
Bên ấy có người ngày mai ra trận

Họ ngồi im không biết nói năng chi
Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi,
nào ai đã một lần dám nói ?

Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối
Anh không dám xin ,
Cô gái chẳng dám trao
Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao
Không dấu được cứ bay dịu nhẹ .

Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu .
(Anh vô tình anh chẳng biết điều
Tôi đã đến với anh rồi đấy ...)

Rồi theo từng hơi thở của anh
Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực
Anh lên đường
Hương thơm sẽ theo đi khắp

Họ chia tay
Vẫn chẳng nói điều gì
Mà hương thầm thơm mãi bước người đi

Mặc dầu biết bài thơ này từ lâu, từ khi nó vừa ra đời nhưng đọc lại bài thơ ở nghĩa trang A Lưới tôi vô cùng xúc động. Tôi có thêm cảm nhận mới về bài thơ. Nó không chỉ thể hiện được nỗi lòng thầm kín, tinh tế của người ở lại với người ra đi mà còn phản ánh khát vọng tình yêu luôn tỏa hương trong tâm hồn những người lính và người Việt.
Bây giờ với tôi, hình tượng hoa bưởi, một thứ cây phổ biến ở các làng quê của 1600 liệt sỹ tuổi hai mươi tại nghĩa trang A Lưới, sẽ luôn có bóng dáng của những người con gái yêu thương của riêng các anh, như các anh đã từng yêu từng nhớ người con gái mà các anh đã kể cho nhau nghe trước giờ ra trận. Các anh sẽ không bao giờ đơn chiếc vì mỗi khi ra Giêng xuân về, cũng là lúc bưởi ra hoa. “Đầu làng, cuối xóm, ngào ngạt hương thơm, loài hoa âm thầm tỏa hương đến kỳ lạ, chưa thấy hình đã thấy hương, chưa thấy bóng hoa đã ngây ngất mùi thơm thanh khiết”. Nó mãi mãi thầm kín, lặng lẽ nhưng nồng nàn giống như tình yêu chưa ngỏ lời của các anh, giống như tình yêu vĩnh hằng của các anh dành cho non sông đất nước này.

Read More

Thung lũng A Sầu nơi chôn vùi tham vọng kiểm soát vùng rừng núi của Mỹ -Ngụy.

Leave a Comment
Trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trị Thiên luôn là một mặt trận nóng bỏng. Do vị trí địa lý và lịch sử, đây là nơi đối đầu một mất một còn giữa các lực lượng vũ trang của ta với Quân đội Mỹ và Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Nhiều chiến dịch lớn, nhiều trận đánh lớn làm thay đổi cục diện chiến trường diễn ra ở khu vực này như Cồn Tiên, đường 9, Làng Vây, Tà Cơn, Đầu Mầu, Khe Sanh... Và một trận đánh rất đáng được chú ý thuộc địa bàn vùng rừng núi huyện A Lưới, một trong ba địa bàn chiến lược, đó là trận đánh trên đồi A Bia mà người Mỹ gọi là Đồi Thịt băm.
A lưới là một huyện miền núi phía Tây tỉnh Thừa Thiên, là quê hương của một số dân tộc thiểu số Cơ Tu, Tà Ôi Vân Kiều…, là căn cứ địa cách mạng của tỉnh và của cả nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Vùng rừng núi hiểm trở này phía Bắc giáp tỉnh Quảng trị, phía Tây giáp với nước cộng hòa nhân dân Lào, phía Nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía Đông qua một huyện ra đến biển Đông. Vì vậy A Lưới có một vị trí đặc biệt quan trọng, là huyết mạch vận chuyển người, quân trang quân dụng trong hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại qua Trị Thiên vào phía Nam.
Tại A Lưới trong những năm 1960 chúng ta đã xây dựng được các lực lượng vũ trang bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích lớn mạnh, có đủ điều kiện để tiêu diệt một bộ phận lớn quân chủ lực địch, có thể duy trì được các cuộc chiến đấu lâu dài trong những hoàn cảnh diễn biến khó khăn; đồng thời A Lưới còn là nơi xây dựng, phát triển lực lượng và mở rộng căn cứ địa của ta ra các địa bàn khác. Khi có thời cơ chúng ta lấy đây là địa bàn xuất phát những cuộc tấn công lớn xuống đồng bằng, lên phía bắc và xuống phía Nam, thậm chí sang đất bạn Lào.
Với kẻ địch, A Lưới là một mắt xích yếu, rất khó để chúng kiểm soát khu vực rừng núi rậm rạp, hiểm trở, hạn chế nhiều mặt trong việc sử dụng vũ khí khí tài, kể cả máy bay các loại. Nhận thức được vai trò vị trí quan trọng của A Lưới ngay từ đầu những năm 1960, Mỹ-Ngụy đã xây dựng tại thung lũng A Sầu ba căn cứ ở Tà Bạt, A Sầu, A Lưới thành 3 cụm liên hoàn với hàng nghìn quân thuộc lực lượng biệt động đặc biệt của Quân đội Việt Nam Cộng hòa; có pháo binh, thiết giáp, máy bay hỗ trợ, do cố vẫn Mỹ chỉ huy và một đơn vị đặc biệt mũ nồi xanh của Mỹ (từ năm 1965 có sự phối hợp của cả Thủy quân lục chiến Mỹ). Từ ba căn cứ này, Mỹ -Ngụy suốt ngày đêm đánh phá, thường xuyên tổ chức tuần tra, do thám quanh khu vực đường mòn Hồ Chí Minh nhằm ngăn chặn, chặt đứt tuyến vận tải chi viện từ miền Bắc vào miền Nam và ngăn chặn dòng hàng hóa, quân trang quân dụng từ miền núi xuống vùng đồng bằng, ven biển.
Hình ảnh trại A Sầu và binh lính Mỹ ở trại A Sầu.
Theo tác giả cuốn sách Thung lũng Chết (Valley of Death), thung lũng A Sầu và A Lưới là địa bàn chiến lược rừng núi quan trọng nhất ở miền Nam Việt Nam. Tại nơi này trong 9 năm, từ năm 1963 đến năm 1971 Quân đội Mỹ và Quân “Bắc Việt” liên tục diễn ra các cuộc giao tranh đẫm máu, quyết liệt, khủng khiếp nhất trong lịch sử Chiến tranh Việt Nam để tranh giành quyền kiểm soát khu vực này. Ông ta còn so sánh những trận chiến kinh điển đó khốc liệt như những trận chiến đẫm máu nhất của Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Vào đầu những năm 1960, về phía chúng ta, vấn đề đặt ra là phải khai thông đường 559 mà yết hầu là thung lũng A Sầu, A Lưới qua Thừa Thiên để bảo vệ địa bàn vùng rừng núi. Trọng trách to lớn này được giao cho bộ đội địa phương, dân quân du kích các dân tộc thiểu số miền tây Trị Thiên và Sư đoàn 325 B. Thực hiện mệnh lệnh của các cấp, trong năm 1965 lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích các xã thuộc thung lũng A Sầu đã tiến hành nhiều trận phục kích, đánh nhỏ nhằm vào những cuộc lùng sục, càn quét mỗi khi Mỹ- Ngụy nống ra từ các căn cứ. Sau đó, chúng ta tiến tới bao vây, bức rút các đồn bốt căn cứ của địch…
Mệt mỏi vì những cuộc tấn công liên tục của ta và nhận ra dễ dàng bị tiêu diệt, quân lính ở hai doanh trại A Lưới và Tà Bạt bỏ doanh trại trốn khỏi thung lũng. Chỉ còn lại quân Mỹ và lực lương đặc biệt của Quân đội Việt Nam cộng hòa ở lại trại A Sầu, một căn cứ quân sự hình tam giác, với gần 500 quân được trang bị vũ khí tối tân như tiểu liên, cối, súng phun lửa và sự hỗ trợ của máy bay trực thăng, máy bay ném bom. Căn cứ quân sự này còn được bao quanh bằng nhiều hàng rào dây kẽm gai và nhiều bãi mìn để phòng thủ.
Trận đánh vào A Sầu là một trận đánh có ý nghĩa quan trọng. 5 giờ sáng 10/3/1966, một số đơn vị thuộc trung đoàn 95, 101 Sư 325B được trang bị cối 120, DKZ, 82... phối hợp với cùng quân dân địa phương các xã Hồng Hạ, Hồng Quảng, Hồng Bắc, Hương Lâm... đã đồng loạt nổ súng. Cuộc chiến đấu diễn ra gay go ác liệt. Sau khi mở cửa, chọc thủng hàng rào kẽm gai, một đơn vị của ta tiến vào doanh trại. Ta và địch giành nhau từng tấc đất. Cho đến 10 giờ ngày 11/3, chúng ta làm chủ trận địa. Gần 400 binh lính Mỹ-ngụy bị loại khỏi vòng chiến đấu. Hơn một chục máy bay của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ, trong đó có chiếc máy bay vận tải C130 bị bắn cháy. Sân bay A Sầu gần như bị phá hủy.
Trận A Sầu đã kết thúc tham vọng kiểm soát địa bàn rừng núi của Mỹ- Ngụy bằng bộ binh trên địa bàn huyện A Lưới. Về cỏ bản chúng không còn kiểm soát được thung lũng A Sầu nữa. Chúng lén lút tung biệt kích, thám báo xâm nhập khu vực thu thập tin tức. Chúng điên cuồng sử dụng tất cả máy bay các loại, trong đó có nhiều đợt sử dụng máy bay B52. Ngày cũng như đêm, chúng ném hàng vạn tấn bom các loại, rải thảm chất độc màu da cam, bắn hàng vạn quả đạn pháo xuống thung lũng A Sầu để ngăn chặn dòng vận chuyển của ta.
Trận A Sầu thất bại còn để lại một vết thương sâu trong tâm lý Bộ Tư lệnh liên quân Mỹ. Nhà cử học Chiến tranh Việt Nam Sheby Stantan của Mỹ viết: “Nó không chỉ ảnh hưởng lớn tới quá trình sau này của cuộc chiến mà còn dẫn tới cuộc chiến khủng khiếp ở động A Bia”. Đại tướng Wesmoreland, Tư lệnh các lực lượng quân đội ở miền Nam Việt Nam đã theo dõi sát sao trận đánh A Sầu. Vị chỉ huy sân khấu chiến trường của Mỹ ở miền Nam đã để tâm đến sự thất bại của quân đồng minh trong trận chiến. Ông ta tin tưởng rằng các đô thị và vùng đồng bằng ven biển đã nằm trong tầm kiểm soát bởi các chiến dịch “tìm diệt và bình định”. Ông ta bắt đầu âm thầm chuẩn bị mở chiến dịch đánh vào các thành trì của chúng ta ở vùng rừng núi A Sầu thì cuộc Tổng tấn công và nổi dậy nổ ra mà cơ sở hậu cần đánh vào Huế và các vùng lân cận chính là căn cứ địa vùng rừng núi A Sầu, A Lưới.
Bản đồ cuộc tấn công của Sư đoàn Kỵ binh bay và hình ảnh lính Mỹ tai A Sầu.
Sau tết Mậu Thân, Wesmoreland chỉ đạo tấn công vào A Sầu để trả thù cho những thất bại mùa xuân Mậu Thân 1968. Nhiệm vụ của quân Mỹ vẫn là bước đầu kiểm soát vùng rừng núi, phá hủy các căn cứ hậu cần quan trọng của quân giải phóng, đẩy lực lượng quân giải phóng sang bên kia biên giới Lào, ngăn chặn từ xa việc quân giải phóng có thể mở một cuộc tấn công tương lai vào Huế như năm 1968. Nhiệm vụ này được giao cho Sư đoàn kỵ binh bay số 1, Sư đoàn thiện chiến nhất, sư đoàn sở hữu hơn 450 trực thăng các loại.
Các lực lượng tác chiến của Sư đoàn Kỵ binh bay Mỹ bắt đầu vào chiến dịch với năm ngày liên tục không kích, kể cả việc sử dụng máy bay ném bom chiến lược B52. Hai tiểu đoàn tấn công hàng đầu của Sư đoàn Kỵ binh bay đã đổ bộ xuống khu vực A Sầu vào ngày 19 tháng Tư năm 1968. Cuộc tấn công này mang mật danh Chiến dịch Delaware.
Quân Mỹ gặp rất nhiều khó khăn khi đổ bộ xuống vùng đất này. Khi máy bay trực thăng bay xuyên qua những đám mây thấp, súng máy các loại, đặc biệt là 12,7 ly, kể cả súng phòng không 37 của quân giải phóng bắn trả dữ dội. Mười chiếc trực thăng bị bắn rơi, hai mươi ba chiếc bị hư hỏng nặng. Quân khu trị Thiên cùng với dân quân du kích huyện A Lưới, các đơn vị chủ lực, đặc biệt là Sư đoàn 324 dũng cảm, kiên cường đã phối hợp nhịp nhàng, khôn khéo bẻ gãy chiến dịch có quy mô lớn lên vùng rừng núi Thừa Thiên. Người Mỹ phải thừa nhận “Không có một chiến dịch nào trước đó mà quân đội Mỹ phải bay qua lưới lửa phòng không của đối phương mạnh như vậy, và gặp nhiều cản trở về địa hình như vậy”. Tướng năm sao Wesmoreland phải vội vàng áp đặt tình trạng phong tỏa thông tin về chiến dịch Delaware để che dấu thất bại.
Mặc dầu lùng sục khắp thung lũng A Sầu với hai lữ đoàn và một trung đoàn biệt phái từ Sư đoàn bộ binh số 1 của Quân đội Việt Nam Cộng hòa, nhưng chiến dịch thọc sâu với những cuộc tấn công của Sư đoàn kỵ binh bay và quân đội Ngụy quyền Sài Gòn đã chấm dứt sau 28 ngày mà không thu được kết quả. Thực tế đó là một thất bại cay đắng. Quân Mỹ, ngụy không thể nắm được quyền kiểm soát Thung lũng A Sầu, không thể đứng chân được trên địa bàn rừng núi huyện A Lưới. Chúng phải thừa nhận quyền kiểm soát A Sầu thuộc về quân đối phương.
Không rút ra được bài học từ người từ người đi trước, Đại tướng Creighton Abrams, người thay thế Tướng Wesmoreland được cử làm Tư lệnh quân đội Viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Y là tác giả của chiến thuật quân sự “Quét và giữ” thay thế cho chiến thuật quân sự “Tìm và diệt” của người tiền nhiệm, Y quyết định tấn công lên địa bàn rừng núi A Lưới, trọng tâm là thung lũng A Sầu và động A Bia.
Bản đồ tấn công của Sư đoàn Dù 101 và hình ảnh máy bay trực thăng đổ quân tai A Sầu
Hình ảnh lính Sư đoàn Dù trong trận chiến A Bia
Abram đã điều động thêm Sư đoàn Dù 101 Mỹ tiến hành cuộc tấn công hòng tiêu diệt “quân Bắc Việt” sau chiến dịch Delaware. Lần này Tướng Stilwell, Tư lệnh quân đoàn 24 (Quân đoàn Mỹ phụ trách Vùng 1 chiến thuật) đã xây dựng một kế hoạch đầy tham vọng bao gồm 4 chiến dịch (Dewey Canyon, Masachusetts Striker, Apatche Snow, Montgomery Rendezvours), huy động các đơn vị thuộc 4 sư đoàn, Sư đoàn Thủy quân Lục chiến số 3, Sư đoàn Kỵ binh bay, Sư đoàn Dù, Sư đoàn 1 Việt Nam Cộng hòa. Trong đó chiến dịch then chốt là Tuyết rơi trên đỉnh Apatche (Apatche Snow) đánh lên Động A Bia nhằm tiêu diệt lực lượng của ta tại A Sầu, đứng chân trên địa bàn rừng núi nhằm thực hiện các kế hoạch đã đề ra từ trước đó.
Quân đội Mỹ đã xây dựng một con đường từ hậu cứ của chúng tới chân những ngọn đồi trong thung lũng A Sầu. Tướng Stilwell đã tung vào khu vực hầu hết lực lượng của 2 sư đoàn, Sư đoàn Thủy quân lục chiến và Sư đoàn Dù cùng với nhiều đơn vị bộ binh của Sư đoàn Kỵ binh bay, Sư đoàn 1 Việt Nam Cộng hòa, các đơn vị không quân, pháo binh với sự hỗ trợ trên quy mô lớn nhất về hỏa lực, kể cả sử dụng nhiều máy bay ném bom chiến lược B52.
Quân khu Trị Thiên đã giao nhiêm vụ cho bộ đội địa phương, dân quân du kích các huyện miền tây Thừa Thiên và hai sư đoàn chủ lực, chủ yếu là Sư đoàn 324 đương đầu với các chiến dịch đầy tham vọng của Tướng Abrams. Chiến dịch này dự định kéo dài từ đầu năm 1969 cho đến đầu năm 1970. Triển khai nhiệm vụ mặt trận Trị Thiên giao, Sư đoàn 324 chỉ thị cho Trung đoàn 3 chốt giữ trên động A Bia và các vùng lân cận.
Trong chiến dịch then chốt Tuyết rơi trên đỉnh Apatche, hai tiểu đoàn Mỹ, một tiểu đoàn Ngụy trực tiếp tấn công lên Động A Bia với sự huy động tối đa về hỏa lực. Chỉ tính từ ngày 10 tháng 5 đến ngày 13 tháng 5 năm 1969, tức có 4 ngày, chi viện riêng cho một tiểu đoàn, Tiểu đoàn 3 Dù Mỹ đã nhận được sự hỗ trợ ngày đêm của hai máy bay trinh sát thường trực, hàng chục máy bay phản lực, trực thăng vũ trang, sự hỗ trợ của 4 trận địa pháo: Một trận địa pháo 105mm, một trận địa pháo 155mm, một trận địa pháo 175, một trận địa pháo kích 8 inch với hàng vạn quả đạn, 271 cuộc không kích. Tổng cộng hàng ngàn tấn bom quân Mỹ giội xuống Đồi A Bia. Quân Mỹ cho rằng sẽ không thể có một sinh vật nào còn sống sót trên quả đồi và xung quanh quả đồi. Đất đá tơi vụn như bột tới gần nửa mét, thế nhưng quân Mỹ vẫn không thể nào “tiến lên được ngọn núi”.
Quan trọng hơn, Chiến dich Tuyết rơi trên đỉnh núi thất bại kéo theo toàn bộ các chiến dich nối tiếp của Mỹ-Ngụy thất bại. Một lần nữa âm mưu kiểm soát địa bàn rừng núi tại chiến trường Trị Thiên của Mỹ-Ngụy hoàn toàn thất bại. Trận A Bia chính là dấu mốc son của thung lũng A Sầu, huyện A Lưới và miền tây Trị Thiên. Tất cả đã kiên cường trụ vững và trở thành nơi chôn vùi tham vọng kiểm soát vùng rừng núi của Mỹ-Ngụy, một địa bàn chiến lược quan trọng của ta.
Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, địa bàn vùng rừng núi đóng một vai trò rất quan trọng, có thể nói là then chốt. Chẳng hạn như trận Việt Bắc Thu-Đông năm 1947, trận Biên giới năm 1950, trận Điện Biên Phủ trên vùng rừng núi Tây Bắc, trận Khe Sanh trên vùng rừng núi Quảng Trị, Trận A Bia trên địa bàn rừng núi Thừa Thiên, trận Thượng Đức trên địa bàn rừng núi Quảng Nam, Trận Buôn Ma Thuột trên địa bàn Tây Nguyên… Khi địa bàn chiến lược vùng rừng núi được củng cố, giữ vững và phát triển. Nó tạo thời cơ và khi thời cơ đến từ những bàn đạp này quân và dân ta tiến hành những chiến dịch lớn giải phóng hoàn toàn đất nước. Thực tế từ đầu những năm 1946 đến năm 1975 đã chứng minh điều đó.
Năm mươi năm đã trôi qua, qua nhiều nguồn tài liệu từ hai phía, chúng ta có thể khẳng định các trận đánh tại thung lũng A Sầu là quá trình giành giật địa bàn chiến lược giữa hai bên. Và trận đánh A Bia chính là dấu chấm hết cho tham vọng kiểm soát địa bàn rừng núi trên mặt trận Trị Thiên. Nó không chỉ góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cả nước trong sự nghiêp chống Mỹ cứu nước mà còn đóng góp những giá trị to lớn vào kho tàng lý luận và nghệ thuật chỉ đạo quân sự của Đảng ta.
Read More

Hai chiến dịch của Liên quân Mỹ Ngụy tại Thung lũng A Sầu trong năm 1968

Leave a Comment
Trước tết tôi có đọc một số bài trong Nghiên cứu Lịch sử và Nghiên cứu quốc tế. Tôi biết được một thông tin khá thú vị là giới nghiên cứu quốc tế đang đề nghị viết lại thời kỳ tiền sử lịch sử loài người, bởi khoa học đã có những bước phát triển nhảy vọt, nhất là về công nghệ gien, công nghệ phân tử. Không những vậy, với thời gian, nhiều góc khuất của lịch sử hiện đại của nhân loại cũng được vén mở. Việc viết lại lịch sử là chuyện cần thiết phải làm. 
Tôi nghĩ lịch sử Việt Nam cũng vậy. Đã có một số thay đổi. Nhưng vẫn còn những góc khuất cả trong quá khứ và hiện đại. Tôi lấy ví dụ ở miền tây Thừa Thiên, tại Thung lũng A Sầu, nơi xảy ra 12 chiến dịch do Liên quân Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa tiến hành. Chiến dịch lớn thì có tới 3 sư đoàn, chiến dịch nhỏ cũng có tới một lữ đoàn. Vậy mà lịch sử chống Mỹ gần như không hề nhắc đến.
Nhân dịp năm mới tôi viết một vài bài để trao đổi với những người làm công tác nghiên cứu lịch sử trong và ngoài quân đội, các tướng lĩnh và bạn đọc để trao đổi về vấn đề này.
Hai chiến dịch lớn của Mỹ Ngụy ở Thung lũng A Sầu, A Lưới Thừa Thiên trong năm 1968
Sau Tết Mậu Thân năm 1968, Mỹ Ngụy tập trung lực lượng mở tới 20 chiến dịch có quy mô tấn công ở Thừa Thiên. Ngoài thành phố Huế và các khu vực lân cận, chiến sự xảy ra chủ yếu ở các vùng giáp ranh giữa đồng bằng và rừng núi. Khi các lực lượng của chúng ta rút lên căn cứ địa phía tây Thừa thiên để bảo toàn lực lượng, Mỹ Ngụy tiếp tục mở một số chiến dịch “tìm diệt” hòng tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta. Riêng ở khu vực Thung lũng A Sầu, A Lưới có hai chiến dịch lớn đáng chú ý. Gần như không có tài liệu lịch sử nào nào của chúng ta đề cập đến hai chiến dịch này. Thật là buồn vì đây là hai chiến dịch lớn bị quên lãng! Chiến dịch thứ nhất là Chiến dịch Lam Sơn 216 hay Chiến dịch Delaware (xem Niên biểu những chiến dịch quân sự của Hoa Kỳ và đồng minh trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1955 đến năm 1975, hinhanhlichsu.org; Category: Battles and operation of the Vietnam war in 1968). Chiến dịch thứ hai là Chiến dịch Lam Sơn 246 hay Chiến dịch Somerset Plain (tài liệu đã dẫn).
1. Chiến dịch Lam Sơn 216/Chiến dịch Delaware
Chiến dịch Lam Sơn/Chiến dịch Delaware là một chiến dịch quân sự chung do Quân đội Mỹ và Quân đội Việt Nam Cộng hòa triển khai. Chiến dịch này diễn ra trong 28 ngày, bắt đầu từ ngày 19 tháng 4 đến ngày 17 tháng 5 năm 1968. Lực lượng tham gia chiến dịch phía liên quân Mỹ Ngụy bao gồm: Sư đoàn 1 Thủy quân lục chiến, Sư đoàn Kỵ binh bay số 1, Sư đoàn Dù 101, Lữ đoàn 3 Sư đoàn 82 Dù và Lữ đoàn 196 Bộ binh, Trung đoàn biệt phái của Sư đoàn bộ binh số 1 Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Về phía ta có 3 tiểu đoàn độc lập Quân khu Trị Thiên, Sư đoàn 324, Trung đoàn 9 chủ lực, một số đơn vị pháo phòng không cùng quân và dân huyện A Lưới. Địa điểm xảy ra cuộc giao chiến giữa hai bên là Thung lũng A Sầu thuộc huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên.
Bối cảnh chiến dịch
Thung lũng A Sầu là yết hầu trọng yếu trên địa bàn rừng núi miền tây Thừa Thiên, chiều dài khoảng gần 40 km, chiều rộng từ 3 đến 6km chạy dọc biên giới Việt Lào thuộc địa phận huyện A Lưới. Thung lũng là hành lang trọng yếu di chuyển người, quân trang, quân dụng, vũ khí khí tài và đạn dược trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh qua địa phận Trị Thiên. Từ nơi đây ta đã tổ chức nhiều cuộc tấn công xuống đồng bằng và các thành thị thuộc Vùng 1 Chiến thuật của Mỹ Ngụy. 
Nắm được vai trò vị trí chiến lược của Thung lũng A Sầu, ngay từ năm 1963 Mỹ Ngụy đã xây dựng ba căn cứ: A So (A Sầu), A Lưới, Tà Bạt với hỏa lực cực mạnh có pháo binh, thiết giáp và máy bay yểm trợ. Từ ba căn cứ này ngày đêm quân Mỹ Ngụy đã tổ chức nhiều cuộc tuần tra, do thám, càn quét nhằm ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam. Về phía chúng ta phải khai thông Đường dây 559 đi qua Thị Thiên nên các cấp đã giao cho Sư đoàn 325 B cùng với bộ đội dịa phương và dân quân du kích huyện A Lưới phối hợp bức rút quân lính ở hai doanh trại và tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch ở trại A Sầu vào tháng 3 năm 1966. Từ đó cho đến năm 1971, Thung lũng A Sầu trở thành địa danh “làm đông máu”, là thung lũng chết, là thung lũng tử thần đối với binh lính Mỹ thuộc ba sư đoàn Sư đoàn Thủy quân Lục chiến, Sư đoàn Kỵ binh bay, Sư đoàn Dù 101 (rất đáng tiếc trong các bộ sách giáo khoa lich sử Việt Nam, kể cả bộ Lịch sử chiến tranh chống Mỹ của Viện nghiên cứu lịch sử quân đội cũng không đề cập đến hai chiến dịch này).
Vào tháng 1 năm 1968, Bộ chỉ huy Quân sự Mỹ ở Việt Nam đã ra lệnh cho Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 di chuyển từ Quảng Ngãi, Bình định về Thừa Thiên để hỗ trợ cho Sư đoàn Thủy quân lục chiến ở Mặt trận Trị Thiên. Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 là sư đoàn không vận có 23.000 quân, sư đoàn đầu tiên phát triển chiến thuật “Trực thăng vận”, có khoảng gần 500 máy bay trực thăng các loại, là sư đoàn cơ động cao nhất, có hỏa lực mạnh nhất và thiện chiến nhất ở miền Nam (xem Operation Delaware, Wikipedia; Chương 5 Trở lại A Sầu, Hamburger Hill, Samuel Zaffiri). Tướng John Tolson và Bộ Tư lệnh Sư đoàn Kỵ binh bay được lệnh chuẩn bị kế hoạch cho chiến dịch theo yêu cầu của Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở miền nam Việt Nam William Wesmoreland.
Sau trận đánh vào Trại A Sầu tháng 3 năm 1966, Quân Giải phóng hoàn toàn kiểm soát Thung lũng A Sầu. Tại đây, ngoài lực lượng bộ binh, chúng ta bố trí một số trận địa pháo phòng không 37mm, pháo nòng đôi 23mm và nhiều súng máy hạng nặng 12,7mm. Theo tài liệu đã dẫn, Thung lũng A Sầu trong gần hai năm đã phát triển thành một kho hậu cần chính đi các chiến trường và xuống đồng bằng, thành phố, vùng ven biển Thừa Thiên. Tấn công vào Thung lũng A Sầu quân địch nhằm thực hiện chiến dịch “Tìm diệt” các lực lượng vũ trang của ta, cắt đứt tuyến chi viện từ miền Bắc vào miền Nam qua địa phận Thừa Thiên và giành lại quyền kiểm soát vùng rừng núi chiến lược.
Diễn biến
Mở màn chiến dịch, không quân Mỹ đã tiến hành do thám và sử dụng rất nhiều cuộc oanh kích chiến thuật ác liệt, tập trung vào Thung lũng A Sầu nhằm hủy diệt lực lượng phòng không của ta và để dọn bãi an toàn cho các tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 3, Trung đoàn 7, Trung đoàn bộ binh 327 đổ bộ xuống các địa điểm. Nhiều trọng điểm trong Thung lũng A Sầu rung chuyển trong cơn bão lửa bom phá, bom cháy và các loại tên lửa. Các lực lượng phòng không của ta đánh trả quyết liệt. Trong cuộc tấn công ngày đầu tiên, Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 đã bị các lực lượng của ta bắn cháy 10 chiếc trực thăng và 23 chiếc bị hư hại nặng
Keith W. Nolan, tác giả cuốn Đại bàng gào thét trong vòng vây (Screaming Eagles under siege) nhận xét trong lời nói đầu cuốn sách: “Sau năm ngày liên tục các cuộc không kích và B52 rải thảm tàn phá được biết đến với chiến dịch Vòng cung Ánh sáng, hai tiểu đoàn tấn công hàng đầu của Sư đoàn Kỵ binh đã đổ bộ xuống cuối phía tây bắc thung lũng vào ngày 19 thàng Tư, 1968… Đợt đầu tiên đổ bộ xuống không gặp mấy khó khăn, nhưng những chiếc trực thăng tiếp theo bay xuyên qua những đám mây thấp, bao gồm cả những chiếc Chinook CH-47 chuyên chở các bộ phận pháo các loại treo bên dưới, đã phải chịu hỏa lực nặng nề của súng máy và pháo cỡ nòng 37mm, 23mm từ những ngọn núi. Mười chiếc trực thăng bị bắn rơi, hai mươi ba chiếc khác bị hư hỏng nặng. Không có một chiến dịch nào trước đó người Mỹ phải trải qua lưới lửa phòng không của đối phương mạnh như vậy, và Tướng năm sao Wesmoreland vội vàng áp đặt tình trạng không thông tin về Chiến dịch Delaware”.
Samuel Zaffizi, tác giả cuốn Đồi Thịt Băm viết: “Quân đội Bắc Việt đã có được gần như tất cả các quả núi và bố trí súng phòng không bảo vệ hai bên dọc thung lũng. Hầu hết là những khẩu súng máy hạng nặng 12,7mm, ngoài ra họ cũng có một số lượng lớn pháo phòng không 37mm. Trên mâm pháo, với bảy người lính, súng phòng không 37mm có khả năng làm nổ tung một máy bay trực thăng hoặc một chiếc phản lực trên bầu trời ở độ cao hai mươi lăm ngàn feet. Khi những khẩu đội súng trên trực thăng yêu cầu hạ thấp xuống thung lũng, họ đã phải tháo chạy giữa hai hàng hỏa lực súng máy và pháo phòng không hai bên sườn núi. Họ không có khó khăn gì khi tìm các mục tiêu vì chúng ở khắp mọi nơi. Việc đánh trúng mục tiêu gặp nhiều khó khăn. Trong sáu ngày, họ liên tục gọi các cuộc tấn công bằng B52, máy bay ném bom phản lực và trực thăng vũ trang đánh vào các vị trí của địch. Thung lũng rung chuyển dưới cơn bão lửa bom phân mảnh, bom cháy và tên lửa. Trong cả đợt, B52 xuất kích tới 200 phi vụ, lực lượng không quân và các máy bay ném bom phản lực khác của lực lượng Thủy quân lục chiến thực hiện 300 phi vụ. Tất cả những việc làm đó đều vô nghĩa. Hầu hết các vị trí của địch được đào sâu vào trong lòng núi nên bom và tên lửa ít có tác dụng. Kẻ địch sau đó nhanh chóng thay thế một số trang thiết bị đã bị đánh bật ra ngoài”.
Khi Lữ đoàn 3 Kỵ binh bay, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 7 thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay và Tiểu đoàn 6 của quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ cánh xuống thung lũng, các đơn vị thuộc sư đoàn 324, các tiểu đoàn độc lập thuộc Quân khu Trị Thiên cùng với nhân dân và du kích huyện A Lưới phối hợp nhịp nhàng, đánh trả quyết liệt theo tinh thần “bám lấy thắt lưng địch mà đánh”. Trên đường tiến quân vào A Lưới chúng phải đi qua những cơn mưa, bùn lầy ngập đến mắt cá chân. Để di chuyển 6 km binh lính thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay đã phải “di chuyển mất 4 ngày” (sách đã dẫn).
Tác giả Zaffiri viết: “Trong buổi sáng, cả hai tiểu đoàn, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn 7 tiếp tục cuộc tấn công, Tiểu đoàn 1 hướng về phía đông nam sân bay A Lưới, Tiểu đoàn 5 xuống đường cao tốc hướng về phía Lào. Tiểu đoàn 1 vấp phải sự kháng cự quyết liệt. Mỗi bước chân trên con đường qua thung lũng, họ phải đối phó với các nhóm quân địch ít người tấn công, những kẻ đánh theo đội hình hàng dọc bằng súng trường, súng máy rồi biến mất vào trong rừng.
Và giống như những trận đánh khác, có nhiều tay súng bắn tỉa. Ngồi ở trên ngọn cây cao hàng trăm feet hay nấp trong các hang động hoặc ở phía sau những tảng đá lớn, chúng bắn điểm xạ vào lính Mỹ, từng người, từng người một gục xuống sau những loạt đạn chính xác, sau đó họ biến mất trong rừng hoặc trong các hang động sâu. Để giải quyết vấn đề người bị thương và hy sinh, trực thăng thuộc đơn vị cứu hộ nối tiếp nhau bay đến và bay đi khỏi thung lũng. Nhiều trực thăng chuyên chở thương binh bị trục trặc do bị đạn bắn trên đường bay hoặc trúng đạn lỗ chỗ buộc phải vội vàng hạ cánh”.
Khi quân kỵ binh bắt đầu lùng sục khắp thung lũng với hai lữ đoàn, cùng với một trung đoàn biệt phái từ Sư đoàn bộ binh số 1 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH), thêm vào đó là một lữ đoàn từ Sư đoàn Dù số 101 bảo vệ những ngọn núi phía đông, Quân ta vẫn chủ động tấn công. Sau đó rút lui về phía Tà Bạt và sang bên kia biên giới Lào. Cuộc tấn công thọc sâu của Liên quân Mỹ Ngụy, cuộc tấn công này chấm dứt sau hai mươi tám ngày. Ngày 15 tháng 5 sau một ngày mưa tiếp theo những cơn mưa hàng tuần trước, Tướng Tolson quyết định dừng lại tất cả những hoạt động trong thung lũng và ra lệnh rút quân.
Kết quả
Chiến dịch Lam Sơn/Delaware với một lực lượng hùng hậu từ 3 sư đoàn, với chiến thuật trực thăng vận, cơ động chiếm một khu vực trong Thung lũng A Sầu và nhằm mục tiêu tiêu diệt các lực lượng vũ trang của ta, phá hủy hệ thống kho hậu cần, chiếm lại địa bàn và cắt đứt tuyến vận chuyển của ta trong hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh có thể nói đã thất bại. Tướng Wesmoreland công bố trong bộ chỉ huy là chiến dịch “không thành công lắm”. Y có ý định mở tiếp một cuộc tấn công khác vào Thung lũng A Sầu nhưng ngày 11/6/1968 Wesmoreland rời khỏi miền Nam Việt Nam nhận nhiệm vụ mới làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ. Thay thế y là Tướng Creighton Abrams.
Phía Mỹ công bố một máy bay C130, một máy bay CH54, Hai máy bay CH47 Chinook, hai chục chiếc UH-1 Hueys bị bắn hạ. Khoảng vài chục chiếc trực thăng các loại khác bị bắn hư hại và bị tai nạn. 660 binh lính Mỹ cùng hàng trăm binh lính Ngụy bị loại khỏi vòng chiến đấu. Thành tích mà chiến dịch thu được từ phía BắcViệt” là 70 chiếc xe tải, 2 máy ủi và một xe tăng PT-76 bị hư hỏng (các tài liệu đã dẫn). 
Keith W. Nolan đã thừa nhận sự thất bại của Mỹ trong chiến dịch Lam Sơn 216/Delaware: “Trên tất cả, quân đồng minh chưa bao giờ thực sự nắm được quyền kiểm soát thung lũng. Hỏa lực phòng không của đối phương rất hiệu quả, thời tiết lại quá xấu… Rõ ràng về cuối chiến dịch nhiều thứ đã bị bỏ lỡ hơn là tìm diệt, và đối phương nhanh chóng xuất hiện từ trong các hang động hoặc lặng lẽ di chuyển từ bên kia biên giới Lào về để giành lại Thung lũng A Sầu”.
2. Chiến dịch Lam Sơn 246/ Chiến dịch Somerset Plain 
Đây là chiến dịch chung do Liên quân Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa tiến hành. Chiến dịch diễn ra trong 15 ngày, từ ngày 4 tháng 8 đến ngày 20 tháng 8 năm 1968. Lực lượng tham gia là Sư đoàn Dù 101 và Trung đoàn 1 QLVNCH. Phía chúng ta có Tiểu đoàn 816, Tiểu đoàn 818 thuộc Trung đoàn 9 cùng với một số đơn vị thuộc Quân khu Trị Thiên và dân quân du kích huyện A Lưới. Địa điểm diễn ra cuộc giao chiến giữa hai bên là Thung lũng A Sầu.
Bối cảnh
Tin tức tình báo Hoa kỳ cho Bộ chỉ huy Quân sự của Mỹ ở miền Nam biết nguồn cung cấp quân sự của “Bắc Việt trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh” tăng lên một cách chóng mặt. Có ngày lên tới một ngàn chiếc xe tải. Đặc biệt là nhiều hàng hóa từ miền Bắc được lưu giữ trong các kho tàng theo dọc biên giới Việt Lào. Phía Mỹ gọi là các “Khu căn cứ”, những khu căn cứ này là thánh địa cho các lực lượng của ta nghỉ dưỡng và tái trang bị sau khi thực hiện các hoạt động quân sự ở miền Nam Việt Nam (Wikipedia- Đường dây 559). Một trong những khu căn cứ đó là Thung lũng A Sầu. Việc ngăn chặn hệ thống đường mòn tiến tới cắt đứt tuyến đường này trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ. 
Số phi vụ ném bom từ 20 đã lên đến trên 1000 phi vụ trong một tháng. Chiến dịch Sấm rền đánh phá miền Bắc và Chiến dịch Tiger Hound tăng cường đánh phá vào các tỉnh giáp biên giới Lào được Mỹ đặc biệt Lưu ý. Thung lũng A Sầu trở thành túi bom đạn của Mỹ Ngụy. Trong năm 1968 không quân Mỹ còn thực hiện những thí nghiệm tạo mây mưa, nhằm kéo dài vô thời hạn mùa mưa trên đường Trường Sơn để hạn chế việc vận chuyển hàng của ta. Vì vậy ba tháng sau khi kết thúc Chiến dịch Lam Sơn 216/Delaware Trung tướng Richard G. Stiwell, Phó chỉ huy Quân đoàn đổ bộ số 3 Quân đội Hoa Kỳ thuộc Vùng 1 chiến thuật đã quyết định một chiến dịch khác đánh vào Thung lũng A Sầu để phá vỡ mạng lưới hậu cần của Quân đội nhân dân Việt Nam và ngăn chặn mọi cuộc tấn công của đối phương vào Vùng 1 chiến thuật (Wikipedia- Operation Somerset Plain).
Diễn biến
Trước khi tấn công vào Thung lũng A Sầu, hai trận địa pháo, máy bay B52, máy bay ném bom phản lực trút hàng ngàn tấn bom đạn, trong đó có cả bom hóa học đánh phá xuống khắp ba tuyến đường đi vào Thung lũng A Sầu từ phía Lào. Kẻ địch định triệt phá đường rút lui của quân ta sang bên kia biên giới. 
Ngày 4/8 Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 327 Mỹ đổ bộ tấn công vào một bãi đáp gần đường băng Tà bạt. Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 502 đổ bộ tấn công vào gần Trại A Lưới bị bỏ hoang. Lực lượng phòng không của ta đã nhanh chóng bắn hạ 6 máy bay trực thăng vũ trang Cobra, một máy bay trực thăng trinh sát và một máy bay phản lực Planton (Hamburger Hill, Zaffiri). Khi hai tiểu đoàn vượt ra khỏi bãi đổ bộ, chúng ta chia nhỏ các đơn vị liên tục tấn công vào đội hình quân Mỹ. Trong ngày đầu 19 binh lính Mỹ bị bắn chết, hơn một trăm binh lính bị thương, một số mất tích.
Ngày 5/8 các đơn vị thuộc Trung đoàn 1 QLVNCH cũng triển khai lực lượng ở thung lũng theo kế hoạch. Quân ta nhanh chóng bao vây rồi tấn công vào đội hình địch. Tám mươi binh lính của địch bị bắn chết. Ngày 18 và ngày 19/8 bốn tiểu đoàn cơ động của Liên quân Mỹ Ngụy buộc phải rút khỏi Thung lũng A Sầu.
Kết quả
Mỹ ngụy không đạt được mục tiêu chiến dịch mà Tướng Stiwel đề ra. Không những việc tìm diệt Trung đoàn 9 và các lực lượng vũ trang của ta ở A Lưới bất thành kẻ địch còn bị tổn thất nặng nề. Thành công duy nhất của Chiến dịch Lam Sơn 246/Somerset Plain là “phát hiện ra một kho hàng duy nhất của đối phương”. Trên thực tế, “toàn bộ mẻ lưới mười lăm ngày đầy thất vọng liên quân chỉ thu được vài khẩu súng AK47 và ba quả mìn người Pháp để lại từ mười lăm năm trước”. 
3. Như vậy là năm 1968 khép lại với hai thất bại của hai chiến dịch do những sư đoàn tinh nhuệ nhất của Mỹ tại Thung lũng A Sầu tiến hành. Nhiều sỹ quan tham mưu trong Bộ chỉ huy Quân sự Mỹ ở miền Nam “thất vọng, kinh ngạc, tự hỏi không biết phải làm gì để giải quyết bài toán Thung lũng A Sầu. Đó là một câu hỏi dường như không một ai có thể trả lời… Mặc dầu Tướng Abrams không bị ám ảnh về Thung lũng A Sầu như Tướng Wesmoreland” nhưng y và Bộ chỉ huy Quân đội Mỹ vẫn xem xét Thung lũng A Sầu là một trong những ưu tiên chính trong cuộc chiến tranh Việt Nam (tài liệu đã dẫn). Thung lũng A Sầu chính là một trong những điểm khác biệt trong cách nhìn nhận của hai phía chiến tuyến. Chúng ta không hề nhắc đến Thung lũng A Sầu trong các bộ sách lịch sử; còn kẻ địch thì cực kỳ coi trọng giá trị chiến lược của Thung lũng A Sầu. Vì vậy nhiều kế hoach với nhiều chiến dịch đã được Liên quân Mỹ Ngụy hoạch định để giải quyết bằng được bài toán Thung lũng A Sầu. Cũng chính vì thế trong năm 1969, trong số 17 chiến dịch Liên quân Mỹ Ngụy tiến hành ở Thừa Thiên, thì có tới 8 chiến dịch diễn ra ở Thung lũng A Sầu. Lần này chúng quyết tâm giành thắng lợi và tin tưởng chắc chắn rằng quân và dân ta sẽ bị “hạ gục” ở A Sầu. Tôi sẽ trình bày 8 chiến dịch của Liên quân Mỹ Ngụy ở A Sầu trong năm 1969 mà đỉnh cao là trận A Bia (trận Đồi Thịt băm) trong bài viết tới.
Read More

Suy nghĩ về Trung Quốc nhân kỷ niệm 40 năm chiến tranh Việt-Trung tháng 2 năm năm 1979

Leave a Comment
5h ngày 17 tháng 2 năm 1979 Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản, nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã chính thức phát động cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía bắc nước ta. Hành động “truyền thống” này của tập đoàn bành trướng Bắc Kinh đã hoàn thiện quá trình trong lịch sử quan hệ hai nước là không một triều đại nào, không một chính thể nào của Trung Quốc không xâm lược Việt Nam. Có thể nói đó là một hằng số để người Việt Nam mãi mãi sau này khắc cốt ghi tâm.
Cuộc chiến tranh đã qua đi 40 năm. Tôi nghĩ không còn có khía cạnh nào phải úp mở, che đậy. Chúng ta cần phải nhìn thẳng vào sự thật để khách quan xem xét liệu có thể có con đường nào để tránh một cuộc chiến tranh như vậy không? 
Rất nhiều người vẫn còn nhớ sự kiện Hoa quân nhập Việt vào năm 1946 theo thỏa thuận Posdam để giải giáp quân đội Nhật từ biên giới phía bắc vào đến vỹ tuyến 16. Trung Quốc Tưởng Giới Thạch đã tính tới việc “Diệt Cộng cầm Hồ”, tức tiêu diệt Cộng sản, bắt giam Hồ Chí Minh. Tình thế ngàn cân treo trên sợi tóc. Hai mươi vạn quân Tưởng chiếm đóng miền Bắc cùng với nhiều tổ chức chống phá cách mạng theo chân quân Tưởng. Ở miền Nam sáu vạn quân Nhật được quân Anh sử dụng. Và nấp bóng sau quân Anh là quân Pháp quay trở lại tấn công hòng chiếm đóng nước ta một lần nữa. Quốc khố lúc đó thì trống rỗng. Mùa màng thì thất bát. Nạn đói thì tràn lan… Vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chèo lái vượt qua cơn sóng gió.
Liệu chúng ta có thể áp dụng bài học tư tưởng Hồ Chí Minh năm 1946 vào trước năm 1979 không? Tất nhiên lịch sử không thể có chữ nếu, nhưng nếu có một con đường nào khác để tránh xảy ra chiến tranh thì chúng ta vẫn phải xem xét để dự tính và chuẩn bị cho tương lai. Đặc biệt chúng ta phải xem xét kỹ càng tình hình Trung Quốc hiện tại và tương lai, những tính toán chiến lược ngắn hạn dài hạn của Chính quyền Trung Quốc để chuẩn bị cho Tổ quốc khỏi bất ngờ. 
Kể từ năm 221 trước công nguyên Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc trở thành đế quốc phong kiến tập quyền đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc đến nay, người ta thấy văn minh “Hoa Hạ” mang một đặc điểm theo chu kỳ nối tiếp: thành lập, hưng thịnh, suy vong và hỗn loạn. Chắc chắn đế quốc Xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình hiện nay cũng đang ở trong cái chu kỳ đó. Nhưng nó đang ở giai đoạn nào? Đỉnh điểm của quá trình hưng thịnh chuyển sang suy vong hay vẫn đang trong quá trình hưng thịnh? 
Theo học giả Nga Aleksandr Samsonov ngày 9/12/2019 trên báo Bình luận Quân sự Nga, Trung Quốc đang chuyển sang chu kỳ mới suy vong. Theo ông nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu giảm tốc và xuất hiện tình trạng đình trệ, chưa kể đến mâu thuẫn thương mại Mỹ Trung ngày một gay gắt. Đầu tư quân sự nóng từ đầu những năm 1990 để cạnh tranh với Mỹ, kéo theo cả khu vực Đông Nam Á tham gia cuộc chạy đua vũ trang đầy nguy hiểm. Sự gia tăng bất mãn của các tầng lớp nghèo trong xã hội Trung Quốc (theo thống kê của phương Tây mỗi năm có tới hàng nghìn cuộc biểu tình).
Nhà cầm quyền Bắc Kinh chắc thấu hiểu cái quy luật nghiệt ngã trong lịch sử dân tộc của họ. Liệu họ sẽ tìm ra lối thoát nào? Trỗi dậy hòa bình hay bành trướng ra bên ngoài? 
Đặng Tiểu Bình nhà kiến trúc sư cải cách mở cửa Trung Quốc, đồng thời cũng là thủ phạm chính trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979, người theo đuổi chính sách “giấu mình chờ thời”. Thực ra nội hàm “giấu mình chờ thời” vẫn bao hàm cái tư tưởng bành trướng “Đại Hán”. Chỉ có điều là chưa đến lúc mà thôi. Sau mấy chục năm khi Trung Quốc đã đủ lông đủ cánh trở thành nền kinh tế lớn thứ hai sau Mỹ, Tập Cận Bình đã vứt bỏ cái khẩu hiệu “giấu mình chờ thời”. Trung Quốc bắt đầu khẳng định mình.
Để kéo dài cái thời kỳ hưng thịnh, về kinh tế, Tập Cận Bình muốn biến Trung Quốc trở thành công xưởng sản xuất công nghệ cao “Made in China” vào năm 2025 và bành trướng ra bên ngoài với kế hoạch đầu tư sáng kiến “Vành đai và con đường” mà theo Thủ tướng Malaixia Mahathir Mohamad là biến tướng của chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Và theo các nhà quan sát quốc tế là ngoại giao bẫy nợ để trói buộc các nước lệ thuộc vào Trung Quốc.
Học giả Nga Aleksandr Samsonov viết, theo học thuyết địa chính trị Trung Hoa Trung đại thì Trung Quốc là “trung tâm của thế giới”, còn xung quanh Thiên Triều là các nước “man di” và “mọi rợ” cần phải thần phục và cống nạp cho Thiên Triều. Đến thời Trung Quốc hiện đại, Mao Trạch Đông nói: “Chúng ta dứt khoát phải có được Đông Nam Á, bao gồm cả Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaixia, Singapore... Khu vực Đông Nam Á, rất giàu có, ở đó có rất nhiều khoáng sản, nó hoàn toàn xứng đáng với những phí tổn mà chúng ta phải bỏ ra để có được nó. Trong tương lai, Đông nam Á sẽ rất có ích cho sự nghiệp phát triển công nghiệp Trung Quốc. Như vậy, lợi ích có được có thể trang trải hoàn toàn cho các chi phí. Sau khi chúng ta đã sáp nhập được Đông Nam Á vào Trung Quốc, chúng ta sẽ tăng cường được sức mạnh tại khu vực này... Chúng ta cần phải chính phục cả địa cầu”.
Học giả Nga còn cho biết danh sách cái gọi là “khu vực lãnh thổ Trung Quốc bị tước đoạt” rất dài: Myanma, Lào, Việt Nam, Nepal, Butan, Bắc Ấn Độ, Thái Lan, Malaixia, Singapore, Triều Tiên, các đảo Ryukyu (Nhật Bản), hơn 300 hòn đảo ở Biển Đông, biển Nam Trung Hoa, và biển Hoàng Hải, một phần của Tajikistan, Nam Kazakhstan, tỉnh Badakh- shan của Afganistan, Mông Cổ, Ngoại Baikal và phía nam vùng Viễn Đông kéo dài đến thành phố Okhotsk của Nga. Tổng diện tích các “vùng lãnh thổ Trung Quốc bị mất” là hơn 10 triệu km2. Nó còn lớn hơn diện tích Trung Quốc hiện đại 9,6 triệu km2. 
Sau Mao Trạch Đông, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có “nguội đi” chút ít và không công khai đưa ra những yêu sách tương tự nữa, nhưng trước sau họ vẫn trung thành với học thuyết lịch sử này. Và tuyệt đối không nên nghĩ rằng Trung Quốc quên những gì mà họ cho là của mình. Trung Quốc đã lấy lại Hồng Kông (đến trước năm 1997 thuộc Anh), Ma Cao (đến trước năm 1999 là của Bồ Đào Nha), đã “tước” một phần lãnh thổ của Nga (năm 2005- 337 km2), 1.000km2 của Tajikistan (tháng 1/2011), còn đang đòi thêm 28.000km2 (của Tajikistan). Trung Quốc càng mạnh, “yêu sách lãnh thổ” của Trung Quốc càng nhiều.
Trung Quốc đã không chỉ một lần, ngay từ thời kỳ còn chưa trở thành cường quốc, Trung Quốc đã phát động nhiều cuộc xung đột vũ trang với các nước láng giềng. Hai cuộc xung đột quân sự với Ấn Độ vào năm 1962 và năm 1967; xung đột biên giới với Liên Xô năm 1969; chiến tranh với Việt Nam năm 1979; hai cuộc xung đột biên giới trên biển với Việt Nam vào các năm 1974 và năm 1988 và ba cuộc khủng hoảng tại Eo biển Đài Loan.
Trung Quốc đã “nuốt” ba khu vực lãnh thổ rộng lớn, trong khi những khu vực này tuyệt đối không có chút gì liên quan đến nền văn minh Trung Hoa. Đó là Đông Turkestan (chiếm đoạt trong thế kỷ XVIII), Nội Mông (chiếm hoàn toàn sau hai cuộc chiến tranh thế giới) và Tây Tạng (trong những năm 50 của thế kỷ XX).
Trích dẫn những sự kiện trên tôi muốn nói cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc tháng 2 năm 1979, Việt Nam là nạn nhân của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Chắc chắn Việt Nam không phải là nước đầu tiên và cũng không phải là nước cuối cùng trong con mắt của Bắc Kinh. Và đối với Việt Nam sự kiện Trung Quốc xâm chiếm một số đảo Hoàng Sa trong đó có đảo Phú Lâm từ tay Cộng hòa Việt Nam năm 1974 và năm đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 cũng chưa phải là lần cuối cùng.
Nếu những dự đoán của học giả Nga Aleksandr Samsonov là đúng, Trung Quốc bắt đầu chuyển sang giai đoạn “suy vong” (ta phải hiểu diệt giai đoạn suy vong trong lịch sử là một khoảng thời gian rất dài) thì đó là một nguy cơ hiện hữu đối với Việt Nam. Kinh nghiệm lịch sử suốt hàng ngàn năm đã chỉ ra rằng, khi nội bộ Trung Quốc có vấn đề, họ thường đẩy những mâu thuẫn đó ra bên ngoài, những cuộc chiến tranh kinh tế và bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc cũng bắt nguồn từ đó.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.