Tình hình thế giới và sự lựa chọn của Việt Nam

Leave a Comment
Nhìn tổng thể bức tranh của thế giới trong năm qua hình như người ta có cảm giác tình hình chính trị ngày càng không ổn định. Ở châu Âu, Quan hệ Nga-NATO thêm những căng thẳng mới. Nội bộ Liên minh châu Âu có nhiều vấn đề sau khi người dân Anh quyết định rời khỏi mái nhà chung EU. Ở châu Á, quan hệ Mỹ-Trung có xu hướng đối đầu. Nhà nước khủng bố tự xưng IS hoành hành vượt khỏi Trung Đông đang ngập chìm trong bạo loạn, nội chiến. Bán đảo Triều tiên luôn dậy sóng bởi Bắc Triều tiên thử bom nguyên tử và các loại tên lửa. Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản cùng với nhiều nước ASEAN vẫn căng thẳng bởi mâu thuẫn chủ quyền biển đảo và chính sách quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Và cuối cùng Tổng thống Donal Trump trúng cử Tổng thống Mỹ với những chính sách đối nội, đối ngoại hết sức khó lường, làm cho chính sự quốc tế càng thêm bất ổn.
Phải chăng tình hình thế giới không ổn định, thậm chí đang rối loạn và không có trật tự vì nó đang định hình một thế giới đa cực trên bình diện quốc tế và ở cả bình diện cấp khu vực? Xu hướng đa cực đang định hình và triển vọng trong tương lai có thể hình thành. Có khả năng thế giới còn phải tiếp tục phải trải qua một thời kỳ rối loạn và không có trật tự. Thời kỳ này kéo dài bao nhiêu lâu còn phải xem tình hình khách quan và nỗ lực chủ quan của cộng đồng quốc tế. Mặc dầu quy luật khách quan quyết định xu thế thời cuộc, nhưng suy cho cùng chính con người làm nên lịch sử.
Việt nam là một nước nhỏ nhưng có số dân vào loại khá lớn. Trong xu thế phát triển của thế giới, Việt nam phát triển như thế nào, phát triển cùng với ai trong thế giới toàn cầu hóa, trong thời đại phát triển công nghiệp 4.0, tất cả đều có liên quan đến tình hình chung của thế giới. Chỉ cần kiên trì giữ vững độc lập dân tộc, như Bác Hồ nói “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Việt Nam chúng ta sẽ tìm được bước đi đúng đắn thích hợp và có một vị trí xứng đáng trên bản đồ thế giới.
Một vài xu hướng phát triển của thế giới
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, thế giới chia làm hai phe, có thể nói thế giới chia thành hai trận tuyến lớn Đông và Tây cùng với cuộc chiến tranh Lạnh gần nửa thế kỷ. Hoa kỳ và Liên Xô, hai siêu cường đối đầu đã tạo nên trật tự hai cực. Năm 1991 Liên Xô sụp đổ, chiến tranh Lạnh kết thúc, Hoa Kỳ trở thành siêu cường còn lại duy nhất tác động tới trật tự thế giới. Nhưng vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 đã làm xáo trộn trật tự một siêu đa cường. Tình hình chính trị quốc tế ngày một diễn biến phức tạp. Mỹ không còn đủ sức một mình chi phối trật tự thế giới theo mong muốn. Tiếp theo, cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính năm 2008 đã giáng một đòn mạnh vào phương Tây mà đứng đầu là Mỹ, cho đến nay về tổng thể tình hình vẫn chưa hoàn toàn hồi phục.
Trật tự đa cực trên thế giới đang định hình, xu thế chung của thế giới vẫn là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học công nghệ tiếp tục đẩy mạnh. Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á tiếp tục là trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa kinh tế, chính trị chiến lược ngày càng quan trọng; đồng thời đây cũng là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ cùng với một số nước lớn, có nhiều nhân tố bất ổn; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo trong khu vực và trên Biển Đông sẽ diễn ra gay gắt.
 Quyền lực đang dịch chuyển về châu Á-Thái Bình Dương
Sau hơn ba mươi năm mở cửa, Trung Quốc nhanh chóng trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi. Đến năm 2013 tính theo GDP Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản. Theo xu hướng phát triển hiện nay, mặc dầu nền kinh tế Trung Quốc có giảm tốc, chỉ cần họ duy trì phát triển kinh tế với tốc độ bình quân 6% trong trạng thái bình thường, sau hơn một thập kỷ nữa chắc chắn họ sẽ trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới.
Sau Trung Quốc là Ấn Độ, một nước có dân số là 1,2 tỷ đang trỗi dậy mạnh mẽ. Một vài năm trở lại đây, Ấn Độ là nước có tốc độ phát triển cao nhất thế giới. Năm 2016 Ấn Độ đạt tốc độ phát triển 7.4% . Theo OECD dự báo, Ấn Độ có thể đạt 7,9% trong năm 2017. Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để giành vị trí là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tổng GDP 2300 tỷ USD, đứng thứ 10 thế giới và thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản. Điều quan trọng là Ấn Độ phát triển kinh tế chủ yếu nhờ nội lực, dựa vào khai thác thị trường trong nước, không dựa nhiều vào xuất khẩu nên ít bị ảnh hưởng bởi những biến động của kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đang hết sức nỗ lực tranh thủ mọi nguồn lực của quốc tế như từ Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản… Chắc chắn trong những năm tới họ sẽ trở thành một nền kinh tế không thua kém Trung Quốc.
Cùng với sự phát triển kinh tế của châu Á, quyền lực đang dịch chuyển về châu Á. Ở châu Á, xét về thực lực kinh tế và quốc phòng, cùng với mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc và giấc mộng Trung Hoa của Tập Cận Bình, Trung Quốc là nước có tham vọng trở thành một thế lực đứng đầu châu Á và toàn cầu. Một số học giả, giới chiến lược trên thế giới, kể cả ở Mỹ và Trung Quốc tin rằng Mỹ đang suy yếu, quyền lực đang dịch chuyển về Trung Quốc.
Quyền lực chuyển dịch đã từng xuất hiện vài lần trong lịch sử cận đại. Từ Italia đến Hà Lan, đến Anh và từ Anh sang Mỹ. Trong thời gian chuyển dịch xuất hiện nhiều cuộc chiến tranh, bao gồm hai cuộc thế chiến. Ngay cả khi quyền lực đã chuyển sang Mỹ, người Mỹ và phương Tây vẫn phải ngăn chặn Liên Xô bằng cuộc chiến tranh Lạnh dài hơn 40 mười năm để duy trì quyền bá chủ của mình. Với sự trỗi dậy ngày càng mang tính cơ bắp ở Hoa Đông và Biển Đông, một kiểu trỗi dậy đầy toan tính không phải hòa bình như Trung Quốc từng tuyên bố, người Mỹ lo lắng địa vị lãnh đạo toàn cầu của mình. Họ không phải cảnh giác với Nhật Bản hay Ấn Độ. Họ cảnh giác với Trung Quốc là điều hoàn toàn đúng đắn.
Nhìn vào sức mạnh tổng hợp quốc gia như kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật, tài nguyên và quyền lực mềm, giữa Mỹ và Trung Quốc còn có một khoảng cách rất xa. Hiện tại bản thân Trung Quốc cũng không có ý đồ thay thế Mỹ, trừ khi Mỹ từ bỏ vai trò của mình. Tuy nhiên người Mỹ không muốn trở thành kẻ đã từng là bá chủ, bắt đầu từ những năm 2010, Mỹ  thực hiện chiến lược “Xoay trục trở lại châu Á-Thái Bình Dương” hay chiến lựợc “Tái cân bằng châu Á Thái Bình Dương”. Chiến lược này lấy châu Á làm trung tâm chứ không phải là Trung Đông với cuộc chiến chống khủng bố hay tiếp tục bố trí lực lượng quân sự nghiêng về châu Âu. Đương nhiên Mỹ sẽ không dùng phương thức tiến hành cuộc chiến tranh giống như ở Triều Tiên, Việt Nam hay các phương thức trong cuộc chiến tranh Lạnh.
Cuộc đọ sức Mỹ-Trung (Xin xem bài Mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ đi về đâu cũng trong blog này)
Cuộc đọ sức Mỹ-Trung thực sự đã bắt đầu từ những năm 2010 khi lực lượng hải quân và không quân Trung-Mỹ va chạm trên Biển Đông. Mặc dù chủ quan Trung Quốc không muốn thách thức Mỹ, nhưng sự phát triển về kinh tế cùng với sự đầu tư về quân sự đã nuôi khát vọng cho tầng lớp lãnh đạo mới, Bắc Kinh muốn chia đôi Thái Bình Dương bằng đường lưỡi bò (Trung Quốc đã biến năm bãi nửa chìm nửa nổi mà họ xâm chiếm của Việt Nam năm 1988 thành những căn cứ quân sự trên Biển Đông). Bằng việc làm này, Trung quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, thách thức quyền tự do đi lại trên Biển Đông của Mỹ và các nước khác trên thế giới. Thái Bình Dương rộng lớn thật nhưng người Mỹ không muốn chia cho Trung Quốc, cũng như không muốn xây dựng mối quan hệ nước lớn kiểu mới với Trung-Mỹ.
Người Mỹ không đơn giản lặp lại cuộc chạy đua vũ trang, cân bằng răn đe hạt nhân với Trung Quốc như ở cuộc đối đầu Xô-Mỹ trong chiến tranh Lạnh. Họ thực hiện chiến lược hợp tác và cạnh tranh, tiếp xúc và kiềm chế. Cuộc đọ sức diễn ra trên tất cả các mặt trận kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao. Cả hai bên đều đang ra sức phát huy sức mạnh và tập hợp lực lượng ở trong nước lẫn ngoài nước. Trung Quốc đang ra sức hiện đại hóa lực lượng quân sự. Mỹ đang cùng đồng minh và các đối tác hình thành một mặt trận bao vây đối thủ từ Hàn Quốc cho tới Australia.
Cuộc đọ sức này có dẫn tới đối kháng, có phát triển đến mức chiến tranh, điều đó phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo Nhà Trắng và Trung Nam Hải. Chiến tranh xảy ra chắc chắn không ai là kẻ chiến thắng. Khi đó, ngay cả ASEAN và Việt Nam cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng nặng nề, như câu nói người xưa “Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết”. Tuy nhiên, kịch bản này khó có thể xảy ra. Chỉ có điều trong cuộc đọ sức, không chỉ có Mỹ-Trung tham gia trò chơi này, người chơi cũng không chỉ có hai nước, một nước đứng đầu thế giới phát triển, một nước đứng đầu thế giới đang phát triển.
Thế giới đa cực
Với sự phát triển như hiện nay, Trung Quốc đã trở thành một cực ở khu vực châu Á, khu vực đông dân cư nhất, tốc độ phát triển nhanh và mạnh nhất. Trung Quốc có sức chi phối mạnh ở khu vực. Song Trung Quốc lại có hai người láng giềng khổng lồ là Nhật Bản và Ấn Độ, một nước là đồng minh của Mỹ, một nước là đối tác chiến lược dân chủ của Mỹ. Nhật Bản án ngữ phía đông Trung Quốc, là nước có nền kinh tế phát triển vào hàng tiên tiến nhất thế giới. Ấn Độ án ngữ phía nam Trung Quốc, là một nước đang phát triển trỗi dậy mạnh mẽ nhất sau Trung Quốc. Cực Trung Quốc trên bước đường tiến tới có lẽ còn gặp nhiều thách thức. Đa số các nhà quan sát quốc tế cho rằng cục diện thế giới không có khả năng bị chi phối bởi cuộc đọ sức Mỹ-Trung như giai đoạn chiến tranh Lạnh Xô-Mỹ.
Liên minh châu Âu (EU) là một trong những lực lượng chủ yếu của văn hóa, chính trị, kinh tế thế giới. Tuy bị chê là lục địa già nhưng có thể nói EU là một trong những cực mạnh nhất về sức mạnh tổng hợp. Châu Âu đã từng sản sinh ra những đế quốc hùng mạnh, quê hương của cuộc cách mạng công nghiệp trong quá khứ và hiện tại. Mặc dù phát sinh hiện tượng Brexit nhưng châu Âu là nơi khởi nguồn cho nền văn minh hiện đại, nơi lực lượng sản xuất phát triển hàng đầu thế giới, nơi xây dựng ý tưởng nhất thể hóa khu vực sau hai cuộc chiến tranh thế giới.
Có một vấn đề tồn tại giữa EU và nước Nga, người kế thừa siêu cường Liên Xô, quốc gia có chiến lược phát triển và chính sách ngoại giao trong thời gian gần đây hết sức đáng chú ý. Và ngược lại, có một vấn đề còn tồn tại giữa nước Nga và EU. Liệu hai bên có thể tháo gỡ những mâu thuẫn kéo dài hàng thập kỷ về vấn đề mở rộng NATO, hệ thống phòng thủ tên lửa và những rắc rối hiện tại trong việc giải quyết vấn đề Ucraina? Trong thời gian tới, chiến lược của Nga theo hướng Đông hay hướng Tây hoặc cân bằng cả hai hướng khiến cục diện thế giới có những diễn biến khác đi.
Còn lại là Mỹ, một siêu cường đang cố gắng giữ lại vị trí bá chủ thế giới, trong tương lai có thể chỉ còn là một cực? Thực ra không phải là Mỹ suy yếu, mà chính là phần còn lại của thế giới đang phát triển đã phát triển lớn mạnh. Tuy nhiên đó một cực có nhiều ưu thế nhất, bởi nó thừa hưởng sức mạnh di sản khổng lồ của một siêu cường, một siêu cường cho đến giờ vẫn có sức mạnh tổng hợp quốc gia lớn nhất thế giới. Hơn nữa, khu vực Bắc Mỹ, Canada, Mehico và có thể tất cả các nước ở khu vực Mỹ Latinh hoàn toàn không phải là thách thức đối với Mỹ. Liệu với chính sách của Tổng thống Donal Trump có thể đưa nước Mỹ một lần nữa vĩ đại trở lại?
Theo cách nhìn nhận này, nếu nói thế giới hiện nay đã và sẽ vẫn tiếp tục thể hiện xu thế đa cực hóa, nhưng còn phải mất nhiều năm nữa để định hình. Trong cuộc tranh đấu này không chỉ có các cực tham gia mà còn có nhiều bên tham gia trong sự vận động chung của tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhiều khả năng khác vẫn có thể xảy ra. Quốc gia nào mạnh hơn, quốc gia nào yếu thế vẫn còn đang định hình. Hiện tại, quốc gia mạnh vẫn tồn tại những điểm yếu. Quốc gia yếu hơn cũng có những ưu thế nhất định. Tất cả đều đang ra sức tập hợp lực lượng để giành lấy vị trí tốt nhất. Trong xu hướng thế giới đa cực này, quốc gia mạnh hay yếu, đối tác tốt hay xấu đều tác động tới phần còn lại của thế giới.
Rối loạn và không có trật tự
Thế giới đang định hình, sự tương tác giữa các cực vẫn chưa đi vào ổn định nên trật tự thế giới vẫn chưa được cộng đồng quốc tế công nhận và tuân theo. Tình hình chính trị thế giới đang diễn ra rối loạn và không có trật tự. Chiến tranh xung đột dân tộc, tôn giáo, khủng bố, bạo loạn diễn ra ở nhiều nơi. Xung đột chủ quyền biển đảo diễn ra căng thẳng. Kể từ khi các nước châu Âu ký Hòa ước Westphalia năm 1648, đặt cơ sở cho mối quan hệ quốc tế đến nay, các trật tự thế giới đều phải trải qua các cuộc chiến tranh vô cùng đẫm máu để xác lập trật tự ổn định. Hiện tại rất rối loạn và không có trật tự.
 Sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, thế giới đón nhận một làn sóng toàn cầu hóa chưa từng có; vốn, công nghệ, trình độ quản lý từ các nước tư bản phát triển đã làm thay đổi bộ mặt hành tinh. Thế giới ngày càng tùy thuộc vào nhau. Nhưng những vấn đề toàn cầu như chiến tranh, phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, khủng bố, đói nghèo, bệnh tật, biến đổi khí hậu… Tất cả các vấn đề trên vẫn thách thức và treo lơ lửng trên đầu nhân loại. Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế vẫn không có khả năng kiểm soát và khống chế. Mặc dù có nhiều cố gắng, cộng đồng quốc tế vẫn chưa xây dựng được một hệ thống trật tự thế giới có hiệu quả, được tất cả các nước công nhận. Cần phải bao nhiêu thời gian nữa? Phải bỏ ra cái giá như thế nào cho trật tự sắp tới ? Xảy ra chiến tranh như bao thề kỷ qua hay thỏa hiệp, đàm phán, đối thoại, hợp tác?
Lựa chọn nào cho Việt Nam
Trong bàn cờ thế giới, Trung Quốc ít nhất là một cực. Nhưng vấn đề là các chính sách của Trung Quốc từ 2010 trở lại đây đang chứng tỏ nước này đang cố gắng tìm mọi cách thay đổi trật tự địa chính trị thế giới vốn đã được định hình từ sau chiến tranh Lạnh. Trung Quốc đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là lực lược hải quân, xây dựng chiến lực chống tiếp cận, cân bằng quyền lực tại khu vực, thực hiện các bước đi quyết đoán tại Hoa Đông và Biển Đông, phá vỡ nguyên trạng và bất chấp luật quốc tế. Nhiều nhà quan sát cho rằng Đông Á, trong đó có Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với cường quốc bành trướng nguy hiểm này.
Hơn bất cứ nước nào, Việt Nam hiểu rất rõ Trung Quốc trong quá khứ và hiện tại. Không thể di chuyển được lãnh thổ, người Việt chỉ còn cách sống chung với lũ như hàng nghìn năm qua. Trung Quốc tồn tại và phát triển thì Việt Nam cũng tồn tại và phát triển được cùng với họ. Về truyền thống chống giặc ngoại xâm thì người Việt Nam không có gì đáng ngại, vấn đề là phát huy truyền thống đó với sức mạnh của thời đại như thế nào để thực hiện tốt chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới?
Giữ vững độc lập chủ quyền
Phải giữ vững được độc lập, chủ quyền. Đó là vấn đề sống còn. Muốn giữ được độ lập, chủ quyền thì phải có thực lực. Có thực mới vực được đạo. Suy cho cùng thì vẫn là vấn đề nội lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia. Vì vậy cần phải nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng xuất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản nền giáo dục và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực… để không bị nền kinh tế Trung Quốc chi phối, không bị lệ thuộc về chính trị. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển
Chiến tranh là thảm họa cho dân tộc. Muốn không có chiến tranh phải sẵn sàng chuẩn bị cho chiến tranh, phải cố gắng hết sức để đảm bảo và tăng cường an ninh, quốc phòng quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Phải thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác. Phải đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các cường quốc, các nước, các tổ chức, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Tiếp tục đổi mới 
Sự nghiệp đổi mới của Việt Nam trải qua trên ba mươi năm. Đất nước đã đạt được nhiều thành tựu về mọi mặt. Song Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nguy cơ lớn nhất là tụt hậu về kinh tế. Vì vậy, tiếp tục sự nghiệp đổi mới là công việc sống còn của Việt Nam. Phải tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị, văn hóa, giáo dục… để hội nhập quốc tế sâu hơn nữa, để đáp ứng với sự phát triển của đất nước, khu vực và quốc tế trong thời đại kinh tế số.
Dù tình hình thế giới có thay đổi thế nào đi chăng nữa, dù thế giới có đơn cực hay đa cực thì Việt Nam vẫn đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Giữ vững độc lập chủ quyền, vượt qua mọi thách thức, tận dụng mọi cơ hội để đảm bảo môi trường hòa bình và phát triển, đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Với bản lĩnh của Đảng và của dân tộc, chắc chắn dân tộc ta sẽ tồn tại và phát triển trong cái thế giới đầy biến động này.



  
  


Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.