Người Việt ở Mỹ

Leave a Comment
Theo thống kê của Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài, có khoảng 4,5 triệu kiều bào sinh sống tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Trong số này có tới 500.000 nhà trí thức làm việc ở nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội. Riêng ở Mỹ có gần 2 triệu người Việt, chiến gần một nửa tổng số kiều bào và trí thức sống ở nước ngoài. 
Do những lý do lịch sử, số lượng kiều bào ở Mỹ đông đảo nhất và cũng là hiện tượng mới nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Qua các nguồn tài liệu và tìm hiểu thực tế, chúng tôi tạm phân chia thành ba làn sóng người Việt di cư đến Mỹ: Làn sóng 1, từ trước đến năm 1975. Làn sóng thứ 2 từ năm 1976 đến giữa những năm 1980. Làn sóng thứ 3 từ cuối những năm 1990 đến nay.
Trong làn sóng thứ 1, khoảng 15.000 người ban đầu định cư tại Mỹ. Trong đó một số lượng nhỏ là vợ con và thân nhân vợ con của những người lính Mỹ tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhưng chủ yếu là học sinh, sinh viên, thương gia định cư ở xứ cờ hoa. Đặc biệt khi chế độ Việt Nam Cộng hòa (chế độ Ngụy quyền) sụp đổ ngày 30/4/1975, một đợt tỵ nạn khoảng 125.000 người ồ ạt di tản đến Mỹ (theo Wikipedia). Phần lớn là quân nhân và những người làm việc trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa cùng với gia đình họ. 
Làn sóng thứ 2 có tới hơn tám trăm ngàn người vượt biên theo đường biển (theo số liệu của Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn), tới các trại tỵ nạn ở Indonesia, Thái Lan, Singapore, Philipines… Từ những trại tỵ nạn này họ đến các nước thứ 3, trong đó có Hoa Kỳ. Cũng trong thời gian này Mỹ tiếp nhận Chương trình Ra đi Trật tự, số người được Mỹ tiếp nhận là 531.310 người. Những người di cư trong làn sóng này chủ yếu có liên quan đến Chính quyền Việt Nam cộng hòa.
Làn sóng thứ 3 có khoảng ba đến bốn chục ngàn người, gắn liền với quá trình quốc tế hóa nền kinh tế và toàn cầu hóa. Số người này chủ yếu là sinh viên theo học tại các trường đại học Mỹ. Sau khi học xong ở lại làm việc tại các khu vực kinh tế cùng với một số nhỏ thương gia mua nhà định cư tại Mỹ. Số những người này phần lớn đều có hai quốc tịch Việt và Mỹ.
Đáng chú ý nhất là làn sóng thứ 2, làn sóng di cư lớn nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam và cũng là làn sóng di cư lớn nhất trong lịch sử nhân loại vào thời điểm đó (trong số người di cư có rất nhiều là người Hoa). Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại xuất hiện từ “thuyền nhân” (boat people). Có thể nói đó là một tỳ vết trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà người trong nước thường không muốn nhắc đến. Không chỉ vì gần một triệu người rời khỏi quê hương bản quán lênh đênh trên biển mà vì cả thế giới bị sốc vì hàng ngàn phụ nữ, trẻ em bị chết bi thảm vì đói khát, bệnh tật, cướp bóc trên những con thuyền tre, gỗ mỏng manh hoặc chết trong các trại tỵ nạn. Và việc này lại diễn ra trong suốt gần một thập niên).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến làn sóng thứ 2, nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân trong nước, nguyên nhân ngoài nước. Tôi đã phân tích hai chương trong cuốn “Có một nước Mỹ như thế” và bài viết “Sự thật về cuộc chiến tranh biến giới Việt Trung” trong trang Blogchiasett cũng như trong trang Facebook này nên không muốn nhắc lại nữa.
Chỉ biết rằng về phía Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có rất nhiều cố gắng nhưng lực bất tòng tâm. Tôi còn nhớ ngay sau ngày 30/4/1975, khi cố Tổng Bí thư Lê Duẩn hỏi các cộng sự và cố vấn “Chúng ta phải làm gì trước mắt”. Người thì trả lời là cần tiến hành bầu cử thống nhất đất nước. Người thì trả lời là cần xây dựng kế hoạch khôi phục sản xuất và tiến hành sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Người thì trả lời là cần phải cải cách ruộng đất và cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam… Ông lắc đầu nói “Việc cần làm trước tiên là hòa giải dân tộc”. Đáng tiếc là người đứng đầu Đảng cầm quyền không thể làm được điều đó. Ông không thể ngăn được sự kỳ thị của hàng chục vạn gia đình có thân nhân bị phía Việt Nam Cộng hòa giết hại dã man từ khi luật 10/59 của Mỹ Diệm ra đời đến ngày 30/4/1975. Nói như nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đó là cả một “rừng xương khô”…
Ban đầu người Việt được phía Mỹ bố trí rải rác ở nhiều bang trên cả nước Mỹ, nhưng dần dần người Việt tập trung ở thành phố Wesminter, thành phố Garden Grover nằm trong khu vực thuộc quận Cam, và thành phố San Jose thuộc bang California. Ngoài bang California người Việt còn tập trung tại thành phố Houston thuộc bang Texas. Có thể nói hai thành phố nằm trong khu vực quận Cam chính là thủ đô của “người Việt tỵ nạn”.
82,8% những người di cư đến Mỹ trong làn sóng thứ 1 và làn sóng thứ 2 trở thành người Mỹ gốc Việt, là công dân Hoa Kỳ. Phần đông trong số họ, nhất là những người từng tham gia quân đội Việt Nam Cộng hòa nhanh chóng hội nhập vào xã hội Mỹ, cả về chính trị lẫn kinh tế. Họ tham gia vào bộ máy chính quyền Mỹ, gây sức ép buộc chính quyền bang California phải công nhận biểu tượng quốc kỳ của người tỵ nạn là cờ ba que (cờ Ngụy quyền). Họ xây dựng đài tưởng niệm những người lính Việt và lính Mỹ bị chết trong cuộc chiến tranh Việt Nam (Vietnam War Memorial). Họ xây dựng đài tưởng niệm “thuyền nhân”, tổ chức ngày thuyền nhân Việt Nam, cầu nguyện cho những người bị chết trên con đường “đi tìm tự do”. Họ thành lập khu vực cấm những người cộng sản đặt chân đến (No Communist Zone). 
Những người lính Dù trong Sư đoàn Dù Việt Nam Cộng hòa, sư đoàn mang danh Thiên thần Mũ đỏ thỉnh thoảng lại duyệt binh để ôn lại những chiến công một thời. Họ lấy tuần cuối cùng của thángTư là tuần lễ đen. Họ điên cuồng chống phá chính quyền cách mạng bằng nhiều hình thức, thường biểu tình chống Chính phủ Việt Nam mỗi khi có phái đoàn cấp cao đến thăm Mỹ. Họ ra sức quyên tiền cho các tổ chức phản động, đặc biệt là vận động hành lang để Chính quyền Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách những nước có vấn đề về nhân quyền cho tới tận ngày hôm nay…
Tôi lấy một ví dụ cụ thể về thái độ chính trị của họ. Vào năm 1999, ông Trần Trường treo cờ đỏ sao vàng và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại cửa hàng cho thuê băng đĩa của cá nhân. Vậy mà sau một đêm, 15000 người biểu tình rầm rộ chống lại ông trong chuỗi 52 ngày đêm. Họ dùng mọi thủ đoạn khiến vợ ông bị tâm thần. Bản thân ông Trường cũng bị truy tố vì lý do cho thuê băng lậu. Thế mới biết cuộc chiến về ý thức hệ vẫn còn sâu sắc trong số những người Việt ở Mỹ.
Ở những thành phố tập trung người Việt, họ thường thành lập khu vực thương xá lấy tên là Little Saigon (Tiểu Sài Gòn), cái tên mang biểu tượng chính trị. Những khu vực này có khá đông người Việt. Có những văn phòng thương mại, dịch vụ thuần người Việt như văn phòng tư vấn, văn phòng luật sư, phòng khám chữa bệnh, phòng làm nail; có những cửa hàng từ đồ dùng quần áo, đến lương thực, thực phẩm Việt cho đến các tiệm ăn Việt đủ các loại. Những khu vực này không chỉ thu hút một lượng khá đông khách hàng Việt mà còn thu hút khách hàng người Ấn, người Hoa, khách hàng người Mỹ... Theo quan sát nhiều năm tôi cảm thấy họ làm ăn thuận lợi. Những cửa hàng có uy tín người mua luôn phải xếp hàng dài chờ đến lượt.
Người Việt ở Mỹ làm đủ các thứ nghề từ dịch vụ quản trị, phục vụ, nail, vận tải, xây dựng, sửa chữa, làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp đến làm việc ở các trường đại học, trường phổ thông, các khu công nghệ cao, các tập đoàn tài chính, ngân hàng… Bình quân mỗi hộ gia đình người Việt có thu nhập khoảng 60.000 đô một năm, chỉ thấp hơn thu nhập hộ gia đình Mỹ một chút. Tỷ lệ gia đình có nhà ở lên tới gần 70%, cao hơn bình quân người Mỹ. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp lại thấp hơn người Mỹ.
Về sinh hoạt cộng đồng, văn hóa tôn giáo, người Việt ở Mỹ thường sống quây quần, có những sinh hoạt cộng đồng thường xuyên. Họ thường tập tụ nhau mỗi khi có dịp. Nhiều đoàn thể, hội đồng hương, hội ái hữu được thành lập. Họ vẫn giữ các phong tục tập quán người Việt, nói tiếng Việt. Trong nhà họ vẫn có bàn thờ tổ tiên, tổ chức lễ tết, ma chay, cưới xin... 
Trong hơn một chục năm gần đây, xu hướng cực đoan “bài Cộng” đã lắng dần. Phần vì sự phát triển mọi mặt trong nước khiến các phần tử “chống Cộng” không có cơ sở để hoạt động chống phá cách mạng. Phần vì thế hệ di cư thứ nhất số đông đã già, dần sang bên kia thế giới, số còn lại nhận thức được xu thế không thể đảo ngược được. Ngay cả Nguyễn Cao Kỳ, Phó tổng thống Chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng khuyên các chiến hữu: “Khi trong tay chúng ta còn 1,2 triệu quân mà vẫn thất bại, vậy thì bây giờ chúng ta còn làm được gì nữa. Tôi khuyên anh em chiến hữu hãy bảo ban nhau làm ăn, xây dựng kinh tế gia đình”. Bản thân Nguyễn Cao Kỳ cũng có dự án đầu tư ở trong nước. Tôi đã từng ở Resort của ông ta ở Sơn Tây cách đây gần chục năm.
Tôi từng chứng kiến không phải ai thuộc thế hệ di cư thứ nhất cũng hằn học với chính quyền trong nước, với những người “Cộng sản”. Nhiều người trong số họ tình nguyện giúp đỡ người Việt mới bắt đầu sang Mỹ, kể cả những học sinh, sinh viên miền Bắc. Khi các con gái tôi sinh nở bên Mỹ, cũng như nhiều cháu gái theo học ở các trường đại học Mỹ không có người thân thích bên cạnh, chính vợ con những người di tản thuộc làn sóng thứ 1, thứ hai đến trực đêm săn sóc. Khi tới, tôi vô cùng cảm động. Cảm ơn họ, họ trả lời chính họ phải cảm ơn các cháu, vì các cháu đã đem lại cho họ tình cảm quê hương đất nước.
Tôi đã dự một bữa tiệc cùng người cháu của hai thiếu tá, hai anh em ruột quê Hưng Yên thuộc hai chiến tuyến trong cuộc chiến tranh Việt Nam tại vịnh Hạ Long. Họ quy ước với nhau từ trước là không nói đến chuyện chính trị. Ấy vậy mà trong lúc ăn cả hai đều bàn luận cách làm thế nào để chống lại dã tâm của người Tàu ở Biển Đông. Cuối bữa tiệc người em cùng vợ mời người anh và gia đình sang năm sang Houston Texas vài tháng. Người anh hỏi: “Liệu có gì bất tiện với những người bạn đồng ngũ của chú”. Người em trả lời: “Em chắc là không. Bây giờ người ta chỉ bàn đến chuyện làm ăn, chuyện chống Tàu. Chuyện cách đây mấy mươi năm chỉ còn là hoài niệm”.
Tôi đã từng trò chuyện với một lái xe taxi thuộc thế hệ thứ nhất. Ông ta tên là Thăng, từng tham gia FULRO, quê Bình Thuận. Ông từng tâm sự với tôi: “Cực lắm anh à. Nhất là về tình cảm. Bức bối lắm. Muốn về Việt Nam, nhưng vẫn có mặc cảm gì đó, rồi cứ lần lần nữa nữa”. Tôi được biết con gái và con rể ông lại sống và làm việc ở thành Phố Hồ Chí Minh. Hiện chúng có một cuộc sống mà ông cho rằng đó là một cuộc sống trong mơ. Chia tay, ông nói với tôi: “Có lẽ tôi phải xóa đi cái mặc cảm vì bọn chúng luôn giục tôi trở về”. 
Tôi cũng được tiếp xúc với một số người đã về hưu. Thâm chí có cả những người lấy vợ Mỹ. Sau khi trở lại Việt Nam. Họ quyết định về thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang hay Đà Nẵng sống quãng đời còn lại sau bao năm tha hương. Tôi cũng có một số bà con quen xa, vào Nam sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đi Mỹ năm 1986. Năm trước họ cũng trở về nhà cũ ở quận 2 thành phố Hồ Chí Minh…
Thế hệ thứ hai sinh ra ở Việt Nam hoặc ở Mỹ, có thể nói họ không quan tâm nhiều đến chính trị. Phần lớn họ đều lo làm ăn, lo kiếm tiền. Tôi nghĩ dù ở Mỹ hay ở Việt đối với họ không quan trọng. Điều quan trong trọng là ở đâu có cơ hội việc làm, ở đâu có cơ hội lam giàu và có một cuộc sống tốt đẹp và một cuộc sống cân bằng, thoải mái.
Tôi đã từng tiếp xúc với một số thợ nail khi tá túc ở nhà một “bà chủ” ở bang Arkansas. Một số chi em nước mắt lưng tròng. Họ ước gì có thể bay về Việt Nam được. Họ nói với tôi: “Ở đây như đi tù, chỉ biết làm việc và làm việc. Suy cho cùng ra đi cũng chỉ vì miếng cơm manh áo. Nghe nói bây giờ ở Việt Nam chuyện đó không còn là vấn đề. Đến các ca sĩ hải ngoại người ta còn đổ về Việt Nam làm ăn”…
Trong khi chờ làm thủ tục bay về Việt Nam, tôi vô tình chạm vào lưỡi dao cạo râu trong cặp máy tính. Máu chảy ròng ròng từ ngón tay trỏ. Một người Việt luống tuổi trông thấy vội đến giúp. Anh xé điếu thuốc dịt vào ngón tay tôi. Và chúng tôi trở thành bạn đồng hành suốt chuyến bay về Hàn Quôc.
Anh là cai xây dựng ở thành phố San Jose. Qua anh tôi biết đươc đời sống của những người thợ xây dựng Việt và thợ xây dựng Mỹ. Qua anh tôi cũng biết được cuộc sống của những người Việt đánh cá, nhặt cua ở vịnh Mexico và Alaska... 
Nói tóm lại nhiều người Việt hội nhập khá tốt vào xã hội Mỹ, nhất là những người trẻ, có bằng cấp, nhưng có không ít người không thể hội nhập được. Với họ đó là một cuộc sống cực nhọc để sinh tồn. Nước Mỹ thật sự không phải là thiên đường cho những người Việt già cả, cho những người Việt lao động giản đơn.
Read More

Đâu là cành sen trong bài ca dao Tát nước đầu đình

Leave a Comment
Ai trong chúng ta cũng biết bài ca dao Tát nước đầu đình. Bài ca dao viết về đề tài giao duyên của đôi trai gái trong một bối cảnh thật thơ mộng.
Trong thi pháp ca dao người ta thường chú ý đến nhân vật trữ tình trong bài ca dao là ai? Ai nói với ai và nói như thế nào? Nhân vật trữ tình ở bài ca dao này là một chàng trai, bày tỏ mong muốn làm quen, kết duyên với cô gái.
Tôi không muốn đi phân tích cái hay, cái đẹp, cái ý nhị, cũng như nghĩa đen nghĩa bóng trong cái cách tỏ tình của chàng trai nặng tình nặng nghĩa trong bài ca dao này. Tôi muốn nói tới bối cảnh của câu chuyện. Bối cảnh có thể do nhân vật trữ tình hư cấu như là cái cớ để bày tỏ, dãi bày tâm sự, đôi khi là tỏ tình, cầu duyên. Bối cảnh cũng có thể rất thực, rất quen thuộc như cây đa, giếng nước, sân đình. 
Chàng trai trong bài ca dao thì viện vào một lí do để quên áo, nhưng là để quên áo trên cành hoa sen. Từ thời còn là sinh viên anh em trong lớp chúng tôi đã bàn luận điểm vô lí ở đây. Đó là hoa sen đâu có cành, người ta muốn vắt áo thì sẽ tìm một nơi khác chắc chắn hơn chứ không tìm một nơi yếu ớt như hoa sen. Nếu vắt trên cành hoa sen chiếc áo cũng có thể rơi xuống nước bất cứ lúc nào. Chúng tôi cho rằng hình ảnh trên vốn mang tính ước lệ. 
Mấy chục năm qua đi tôi bỗng đọc một bài viết khẳng định cành hoa sen trong bài ca dao là cành sen đất/sen núi chứ không phải là bông hoa sen nước. Sen đất thân gỗ, có rất nhiều hoa giống hệt như hoa sen trắng. Đặc biệt nó cũng có đài có nhụy và thơm như hoa sen nước. Tôi cứ bán tín bán nghi vì tôi đi rất nhiều đình chùa ở vùng đồng bằng bắc bộ nhưng chưa lần nào nhìn thấy cây sen đất.
Năm nay tôi có dịp đến thành phố San Jose, California, Hoa Kỳ. Tôi thấy dọc các đại lộ, các khu đô thị có một loại cây đúng như tôi đã được đọc. Dân Việt ở thành phố này nói với tôi đó là cây sen đất. Tình cờ lại gặp vợ chồng cô bạn cùng trường ở Thung lũng Silicon, dưới một dãy cây sen đất. Hoa nở trắng xóa cùng với hương sen nồng nàn. Chúng tôi có bàn luận về đề tài này.
Về nhà tôi tra từ điển Wikipedia. Thì ra cây sen đất có xuất xứ từ Trung Mỹ. Theo thời gian nó đến Trung Quốc, Đài Loan… Thế nhưng tại sao nó lại có mặt ở Việt Nam? Tôi đoán chắc nó đi theo đường truyền đạo, sen đất được các nhà sư đưa về cửa chùa, cửa đình từ rất sớm. Hoặc cũng có thể nó có sẵn trong tự nhiên như ở Mỹ có cây dâu, cây mận đỏ, mận vàng, cây hồng... Người Mỹ cho đó là những loại cây dại. Họ không ăn, nhưng tôi ăn vẫn thấy ngon. 
Tôi tìm đọc tài liệu ở chùa Bối Khê, ở chùa Quán Sứ Hà Nội và một số nơi khác cũng có cây sen đất hàng trăm năm tuổi. Thậm chí có cây mấy trăm năm tuổi. Chẳng qua là nó ít khi ra hoa người ta không để ý. Tương truyền sen đất còn mọc rất nhiều ở vùng cánh cung Đông Triều - Quảng Ninh, trên các dãy núi Yên Tử, nhưng nay không còn vì sự khai phá của con người.
Người dân còn tương truyền rằng, khi vua Trần Nhân Tông chọn chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang làm nơi tu hành đầu tiên, ngài đã trồng ở đây một cây sen đất nhưng cây đã bị giặc bắn cháy trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp…
Vậy thì cành sen trong bài Tát nước đầu đình mấy chục năm nay chúng tôi ngỡ tưởng là cành hoa sen nước/bông hoa sen có thể là cành sen đất. Và có như vậy thì ta mới lý giải được câu ca dao: Lên chùa bẻ một cành sen…
Read More

Thăm Bảo tàng Khoa học và Tự nhiên Denver

Leave a Comment
Bảo tàng Khoa học và Tự nhiên Denver nằm bên cạnh Vườn Thú và Công viên Trung tâm thành phố Denver (Denver là thủ phủ của bang Colorado). Bảo tàng cùng với hai địa điểm nổi tiếng trong ngoài nước này tạo thành một khu vực tham quan, học tập không chỉ cho người trong dân trong thành phố mà còn là điểm thu hút du khách quốc tế và người dân đại đô thị thuộc khu vực xung quanh núi Rocky.
Bảo tàng Denver là một bảo tàng lớn, thuộc một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận. Diện tích xây dựng rộng tới 46.452m2. Điều hành bảo tàng là hội đồng quản trị 25 thành viên, 350 nhân viên biên chế và 1.600 tình nguyện viên. Bảo tàng được nhà tự nhiên học Edwin Carter thành lập vào năm 1900.
Carter đã cống hiến cả cuộc đời mình cho nghiên cứu khoa học về các loài chim, các loài động vật ở bang Colorado. Từ những bộ sưu tập đầu thế kỷ thứ 20 của ông, đến nay người ta đã sưu tập được hơn một triệu hiện vật theo sáu lĩnh vực chính: Nhân chủng học, địa chất học, khoa học sức khỏe, cổ sinh vật học, khoa học không gian vũ trụ và động vật học. Ngoài ra bảo tàng còn cung cấp nhiều chương trình triển lãm, chương trình chiếu phim, các bài giảng, thuyết trình và hội thảo theo chuyên đề, các lớp học...
Khi xe chúng tôi đến bảo tàng thì bãi đỗ xe ngoài trời đã không còn lấy một chỗ trống. Chúng tôi phải đi xe vào nhà để xe 3 tầng và cũng phải lái ra lái vào, tìm mãi mới thấy một chỗ đỗ. Người Mỹ có thói quen thứ 7 và chủ nhật cả nhà cùng đi nghỉ cuối tuần. Bảo tàng là một trong những địa điểm yêu thích của các thành viên trong gia đình.
Trước tiên, chúng tôi thăm khu khoa học không gian vũ trụ. Cảm giác của tôi là choáng ngợp khi nhìn thấy một quả cầu khổng lồ rực rỡ sắc mầu, một quả cầu trái đất choán cả một gian phòng đang tự quay quanh trục của nó. Với những chất liệu đặc biệt, vị trí năm châu bốn biển và các quốc gia rõ nét và sống động cứ hiện dần ra. Quả cầu trái đất tự kể về mình bằng những hình ảnh, âm thanh, bằng những số liệu về sự ra đời, sự phát triển và biến đổi của mình từ thủa khai thiên lập địa cho đến tương lai khi khí hậu trái đất biến đổi.
Ở bốn góc tường là bốn màn hình lớn. Tương ứng với lời kể của trái đất, người ta liên tục chiếu những đoạn phim về vụ nổ Big Bang, những đoạn phim về sự tiến hóa của vũ trụ, những hình ảnh bí ẩn về hố đen, sự hình thành trái đất và hệ mặt trời, trái đất và vũ trụ...
Xung quanh quả cầu trái đất là một hệ thống máy tính để người xem có thể tìm hiểu sâu hơn một vấn đề nào đó về trái đất. Tôi thấy hàng trăm em học sinh, sinh viên xúm quanh các bàn máy tính. Nhóm thì tìm hiểu về hệ thống sông ngòi trên trái đất. Nhóm thì tìm hiểu bí mật về các đại dương. Nhóm thì tìm hiểu về sự sống các loài và sự tiến hóa của các loài. Nhóm thì tìm hiểu về hệ động thực vật cách đây hàng trăm triệu năm. Nhóm thì tìm hiểu về loài khủng long. Nhóm thì tìm hiểu về loài cá mập. Nhóm thì tìm hiểu về thành phố quê hương và khu đô thị của mình...
Gian bên cạnh quả cầu trái đất là một gian trưng bày mô hình vệ tinh nhân tạo, mô hình tên lửa đẩy tàu vũ trụ. Một thuyết minh viên ở gian phòng này khoảng độ sáu mươi. Ông có mái tóc bạch kim, đang giới thiệu với khách về nhà du hành vũ trụ Nga Yuri Gagarin, người đầu tiên thực hiên chuyến bay vào vũ trụ ngày 12/4/ 1961 trên tàu vũ trụ Phương Đông. Tiếp theo ông giới thiệu về thân thế và sự nghiệp Neil Armstrong, người đã chỉ huy tàu Apollo 11 của Mỹ, lần đầu tiên trong lịch sử loài người đổ bộ xuống mặt trăng.
Người thuyết minh say sưa mô tả cấu tạo của vệ tinh nhân tạo và quá trình tên lửa đẩy các con tầu vũ trụ vào không gian. Cùng với lời giới thiệu của ông, trên màn hình 100 inch là những hình ảnh phóng tàu vũ trụ vào không gian của Mỹ, hình ảnh Armstrong đi trên mặt trăng... Từ tổng thống Mỹ đến người dân cách đây bao nhiêu năm, tất cả đều rạng rỡ trong giây phút bước ngoặt lịch sử chinh phục vũ trụ của loài người.
Tôi còn nghe người ta nói về dự án thang máy vũ trụ. Thành phần cơ bản của thang máy vũ trụ bao gồm: Trục cáp (cable) được gắn một đầu xuống Trái Đất. thường là vùng biển nằm ở trên đường Xích Đạo. Đầu còn lại được móc vào đối trọng (counterweight) ở ngoài không gian. Ngoài ra còn có thang máy (climber) được gắn vào trục cáp và sẽ có nhiệm vụ vận chuyển người và hàng hóa ra ngoài không gian. Trục cáp dự kiến có chiều dài đến 100.000 km tức là cao hơn quỹ đạo của các vệ tinh do thám xung quanh Trái Đất rất nhiều. Dự án đang đi vào giai đoạn thử nghiệm. Không có gì thay đổi năm 2030 chuyến hàng đầu tiên sẽ được vận chuyển lên trạm vũ trụ quốc tế. Rồi từ trạm quốc tế sẽ đi lên mặt trăng…
Tôi cùng với người nghe như bị hút hồn vì tất cả những điều đang diễn ra xung quanh. Tôi nhìn trên khuôn mặt các em học sinh sinh viên, trong ánh mắt họ lấp lánh một thứ gì đó, như nỗi khát khao chinh phục không gian bay bổng… Tôi bỗng nghĩ tới học sinh, sinh viên ở đất nước mình. Họ gần như không được học về khoa học vũ trụ ở nhà trường. Và họ gần như không có điều kiện đi các bảo tàng châu Âu và Mỹ. Thật tiếc! Cả một đất nước 95 triệu người không có lấy một bảo tàng khoa học và không biết đến bao giờ mới có. Vấn đề ở đây không chỉ là tiền của mà còn là tư duy, nhận thức, trình độ xã hội.
Trong khi tôi dán mắt vào các màn hình thì con gái đi lấy vé vào cổng thiên văn để xem bộ phim về Sự hình thành vũ trụ và cuộc phưu lưu vào vũ trụ.
- Ba mà xem kĩ thế này thì đến mai cũng không đi hết bảo tàng được. Cả nhà mình vào Cổng thiên văn xem thế nào. Con nghe người ta giới thiệu hay lắm. Ba dắt Lâm, con tìm chỗ để xe đẩy.
Tôi đưa Lâm đến Cổng thiên văn. Lối đi vào nơi này mờ ảo, cùng với giai điệu nhạc bồng bềnh nổi lên khiến tôi bắt đầu có cảm giác rất lạ. Cổng thiên văn có mái vòm theo thiết kế mô phỏng đài thiên văn vũ trụ để người xem hình dung được khái niệm ban đầu về không gian vũ trụ. Trong phòng có hàng trăm người đã ngồi kín chỗ . Ghế ngả khoảng 25 đến 30 độ để người xem nhìn trực tiếp lên mái vòm.
Người ta sử dụng công nghệ nghe nhìn nhiều chiều hiện đại, kết hợp với sự chuyển động lên xuống hoặc quay tròn hệ thống ghế ngồi, giúp người xem trải nghiệm một cuộc hành trình đi vào vũ trụ sống động, đầy cảm giác. Lên mặt trăng. Lên sao Hỏa. Đi vào khoảng không bao la… Suốt quá trình chiếu nửa tiếng, nhiều người không giữ được bình tĩnh, thỉnh thoảng kêu lên. Ngay cả Lâm, dù tính tình rất mạnh dạn, cũng nhiều lần rùng mình bám chặt lấy ông.
Xem xong bộ phim, chúng tôi vào tham quan khu vực nhân chủng. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến sơ đồ cây “nhân chủng” một cách hệ thống từ tổ tiên, những họ hàng gần xa của loài người đến những loại vượn người đi từ châu Phi đến khắp các châu lục. Chúng ta ai cũng biết đại loại khoảng 2 triệu năm về trước, người tối cổ bắt đầu rời quê hương của mình và lan tỏa đi khắp thế giới từ Bắc Phi, Trung Đông tới châu Âu và châu Á. Ở mỗi khu vực, người tối cổ phải đương đầu với những điều kiện sống khác khác nhau từ khí hậu, địa hình, động thực vât để sinh tồn và phát triển. Để thích nghi được với điều kiện sống khác nhau, cư dân loài người ở mỗi vùng đất bắt đầu tiến hóa theo những hướng khác nhau. Theo thời gian các chủng thuộc loài người xuất hiện với nhiều sự khác biệt về ngoại hình như ngày nay.
Chỉ khi đến bảo tàng Denver tôi mới tỏ tường, loài người (Homo Sapiens) còn có những anh chị em của chúng ta như: Homo rudolfensis (Đông Phi); Homo erectus (Đông Á); và Homo neanderthalensis (Châu Âu và Tây Á). Tất cả đều là con người và là anh em của chúng ta. Đặc biệt là ở châu Âu và Trung Đông, có một chủng người mà các nhà khoa học gọi là Homo neanderthalensis, hoặc là Neanderthal. Neanderthal thích nghi rất tốt với khi hậu lạnh của thời kì băng giá châu Âu và Trung Đông. Người Neanderthal to và cơ bắp hơn người Homo sapiens. Họ có lớp mỡ cách nhiệt khắp thân thể để bảo vệ trong thời tiết băng giá và họ thậm chí còn có bộ não to hơn chúng ta.
Tại sao người Neanderthal lại tuyệt chủng? Người ta lý giải có thể là do hai nguyên nhân. Một là do đặc tính cấu tạo một loại gen nào đó nên họ không thích nghi được với môi trường thay đổi. Hai là do chính loài người chúng ta (Homo Sapiens) đã tiêu diệt họ vì họ khác chúng ta. Tại bảo tàng, người hướng dẫn viên cho chúng tôi biết, ngày nay các nhà khoa học đã lập được bản đồ gen hoàn chỉnh của người Neanderthal. Người ta đã lên kế hoạch làm sống lại người anh em này. Người ta dự định cấy ghép nguồn ADN tái tạo của Neanderthal vào trứng của con người. Từ đó sẽ sinh ra Neanderthal sau 30.000 năm tuyệt chủng. Dự án này được tài trợ 30 triệu đô la. Một số phụ nữ Mỹ đã tình nguyện làm người mang thai. Nếu đúng người Homo Sapiens chúng ta đã tiêu diệt họ thì đây là một “hành động chuộc lỗi” dù đã muộn màng.
Năm 2010, các nhà khoa học còn khám phá ra một người anh em thất lạc khác của chúng ta khi họ khai quật một cái động ở phía Bắc nước Nga. Họ tìm thấy mẩu xương hóa thạch của một ngón tay người và sau khi trích được DNA từ mẩu xương này, họ phân tích và so sánh nó với tất cả các loài người khác, nhưng không mẫu nào trùng hợp. Vì vậy, họ đi đến kết luận có một loài người khác được gọi là Homo denisova, người đến từ động Denisova. Khoa học hiện đại thật thần kỳ. Tôi không biết còn bao nhiêu người anh em khác đang chờ đợi được các nhà khoa học xác định ở một nơi nào đó.
Đến giờ ăn trưa, chúng tôi xuống khu vực ăn rộng lớn nằm ở tầng một của bảo tàng. Có đủ các món ăn Âu, Á và các món ăn dân tộc đặc trưng của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan... Con gái gọi một đĩa bánh Pizza và một đĩa trứng luộc cho cả nhà. Chúng tôi giục nhau ăn cố mà vẫn không hết, đành gói lại ăn bữa tối. Nhìn sang bên cạnh, tôi thấy một gia đình người Mỹ cũng bốn người tương tự như gia đình chúng tôi. Họ gọi một đĩa bánh Pizza, một đĩa trứng luộc, một con gà nướng, một đĩa khoai tây chiên. Đó là chưa kể đến một số đồ uống, vậy mà họ ăn uống gần như hết. Không biết có phải họ ăn nhiều như vậy nên tỉ lệ người béo phì ở Mỹ cao nhất thế giới?
Nghỉ ngơi khoảng nửa tiếng, chúng tôi vào nhà hát IMAX. Nhà hát nằm trên tầng hai của bảo tàng. Vào năm 1940 người ta đã xây dựng nhà hát này như một thính phòng và được sử dụng cho các buổi thuyết trình, các buổi hòa nhạc, chiếu phim cho đến năm 1980. Sau hơn hai năm cải tạo, IMAX được mở cửa trở lại vào đầu năm 1983 với gần 500 chỗ ngồi và chuyên chiếu phim chuyên đề 3D, 4D hàng ngày phục vụ khách thăm quan bảo tàng.
Đeo cặp kính chuyên dụng vào rạp, tôi thấy mình như được vào một thế giới đầy bí ẩn và mới mẻ. Tôi thấy những thứ mà chưa bao giờ được thấy. Người ta sử dụng kĩ thuật chụp ảnh tốc độ cao, kính hiển vi điện tử cùng với công nhệ nano để làm ra những bộ phim, đưa người xem vào thế giới vi mô mà trước đó chỉ dành cho những nhà khoa học. Chẳng hạn người xem như được đối mặt trực tiếp với các loài phù du kì lạ và đàn cá voi khổng lồ. Đặc biệt về loài cá mập trắng, loại động vật ăn thịt và là sát thủ của đại dương, nó đem đến cho người xem bao cảm xúc bởi những cuộc săn mồi, bởi những cuộc tiếp xúc của loài cá này với những chuyên gia quả cảm.
Người xem còn được nhìn thấy một thế giới tuyệt đẹp nhưng vô cùng phức tạp về các sự kiện đương đại trong đời sống chính trị. Chẳng hạn như những câu chuyện, những hình ảnh đầy sức lôi cuốn về Jerusalem, thành phố của ba tôn giáo lớn trên thế giới. Tôi khám phá ra lí do tại sao cái miền đất dường như nhỏ bé ấy lại trở nên vô cùng thiêng liêng với người theo Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Tôi cũng tìm được câu trả lời tại sao, sau hàng ngàn năm, miền đất thánh Jerusalem vẫn tiếp tục khuấy động trí tưởng tượng của hàng tỉ người trên trái đất.
Đến tầm giữa chiều chúng tôi đi thăm khu động vật. Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 1,5 triệu loài. Bảo tàng Khoa học và Tự nhiên Denver có trên một triệu đối tượng. Có cả những loài tuyệt chủng từ hàng triệu năm trước như các loại khủng long, voi ma mút… Người giới thiệu cho chúng tôi biết các nhà khoa học đã lập được bản đồ gen voi ma mút cổ đại được tìm thấy trong tình trạng đông lạnh trong lớp băng giá ở Siberia. Họ đang lên kế hoạch lấy trứng thụ tinh của một con voi hiện tại, thay thế AND của voi ma mút và cấy vào tử cung voi hiện tại. Họ tính sau khoảng 22 tháng, nhân loại sẽ được chứng kiến con voi ma mút được sinh ra sau 5000 năm tuyệt chủng. Người giới thiệu cũng cho chúng tôi biết bảo tàng được giới khoa học đánh giá là một trong những bảo tàng lớn nhất của Mỹ và thế giới. Các loại động vật ở bang Colorodo và các bang khác của Mỹ cũng như ở cả châu Mỹ gần như không thiếu loài nào. Chỉ như thế thôi cũng đã quá đủ cho khách tham quan có một cái nhìn khá toàn diện về thế giới động vật.
Có một sơ đồ hình cây lớn phân chia động vật thành hơn 20 ngành ở gian đầu tiên. Đó là các ngành: Ngành động vật nguyên sinh như loài trùng biến hình; ngành động vật xốp như bọt biển; ngành động vật rỗng ruột như san hô; ngành động vật hình dẹt như trùng hút máu; ngành động vật thân đốt như gun, châu chấu; ngành động vật thân mềm như ốc, mực; ngành động vật chân khớp như tôm, cua, côn trùng... Cuối cùng là ngành động vật xương sống. Từ các ngành người ta lại chia ra các lớp. Chẳng hạn như ngành động vật xương sống lại chia ra thành lớp cá, lớp lưỡng cư, lớp bò sát, lớp chim, lớp thú.
Chúng tôi đi lướt qua các gian phòng trưng bày các tiêu bản động vật. Gần như phòng nào cũng có tranh ảnh hay màn hình mô phỏng cuộc sống thực của các loài từ rạn san hô cách đây 435 triệu năm đến các loại côn trùng. Có cả một hộp sọ, một bộ xương của một diễn viên nào đó… Chỉ gian phòng nào gây được sự chú ý thì chúng tôi mới dừng lại xem kỹ. Vậy mà cũng phải mất đến hơn một tiếng chúng tôi mới cưỡi ngựa xem hoa xong. Tuy vậy tôi vẫn hiểu và hình dung được sự tiến hóa của sự sống trên trái đất từ những sinh vật đơn bào đến những con khủng long khổng lồ, và đặc biệt là có cái nhìn sâu hơn về cư dân hiện tại của thế giới ngày nay. Thật là vui vì tôi vẫn được học, được trải nghiệm, một hình thức học ở bảo tàng Mỹ.
Chúng tôi tiếp tục tới khu vực thám hiểm y tế. Tại đây người ta cân nặng, đo chiều cao, đo huyết áp, lấy mẫu máu và làm các xét nghiệm như khám sức khỏe toàn diện cho du khách nếu có yêu cầu. Chúng tôi tuần tự làm như mọi người để cuối buổi lấy kết luận in trên máy tính. Khu vực thám hiểm về y tế không chỉ đơn thuần là khám sức khỏe hay xem một cuộc trưng bày cụ thể, sinh động về cơ thể con người mà thông qua các thiết bị y tế hiện đại, tôi được thấy mình đang nhìn vào cơ thể bên trong của mình; trực tiếp nhìn thấy từng biến động và thay đổi của cơ thể mình. Tôi được trải nghiệm những giây phút tuyệt vời khi nhìn vào tế bào của mình dưới kính hiển vi, nhìn vào bên trong mạch máu đang chảy của mình, hiểu được tình trạng sức khỏe của các cơ quan dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia y tế. Cái cảm giác kì lạ được đối diện với chính mình trong tôi chỉ có ở đây chứ chưa hề thấy trong bất kì lần khám sức khỏe nào của tôi trước đó.
Lấy xong giấy báo kết quả sức khỏe, chúng tôi thăm khu vực triển lãm. Khu vực này lại chia ra làm nhiều khu vực nhỏ. Chẳng hạn khu trung tâm giáo dục trẻ em, ở khu này, trẻ em chơi với các đồ thủ công hay chơi trên sân khấu để phát hiện hay kiểm tra các mẫu vật, côn trùng tương đối quen thuộc hoặc vào nhà gương để cười vui vẻ với các hình dạng méo mó và kì lạ của mình. Ở Khu vực này các cháu tôi thỏa sức chơi đùa, thỏa sức sáng tạo. Chúng không muốn rời đi nên chúng tôi cứ nấn nuối để chúng chơi. Khu triển lãm xác ướp Ai Cập, khu này trưng bày xác ướp và các đồ tùy táng về nền văn minh Ai Cập cổ đại, khu trưng bày đá quý và khoáng sản, khu triển lãm về nền văn hóa của người da đỏ Bắc Mỹ, khu triển lãm văn hóa dân gian Nga… chúng tôi chỉ đi lướt qua. Rất tiếc tôi chỉ có một ngày tại bảo tàng này.
Tám giờ tối cả nhà mới ra về. Một ngày tham quan bổ ích và lí thú, để lại trong lòng tôi bao cảm xúc. Trên đường về tôi cứ miên man suy nghĩ. Từ khi con người xuất hiện đến hết thế kỷ thứ 20, con người chưa có khả năng đột phá giới hạn sinh học của mình. Nhưng bước sang thế kỷ thứ 21, với cuộc cách mạng 4.0, cách mạng sinh học, điều trên đã không còn đúng nữa. Con người đang bắt đầu phá vỡ các quy luật chọn lọc tự nhiên bằng cách biến đổi gen tạo ra những loại sinh vật mới, và bằng những thiết kế theo “quy luật của con người”. Không biết công nghệ sinh học có thể tái tạo lại được người Neanderthal, voi ma mút, các loài động vật đã tuyệt chủng? Không biết người ta có thể thành công với thang máy vũ trụ?
Người Mỹ đã phát minh ra tivi, tủ lạnh, máy bay, tàu ngầm, tên lửa, tàu vũ trụ, máy tính, internet… Với thời gian tôi tin họ còn làm được nhiều điều kỳ diệu. Thời gian sẽ chứng minh điều đó. Còn hiện tại, Bảo tàng Khoa học và tự nhiên Denver cũng như hệ thống các loại bảo tàng khác khoa học và tự nhiên khác ở Mỹ thực sự là trường học, trường học STEM sống động, một môi trường học tập cộng đồng kì thú. Một ngày tham quan thôi nhưng tôi cảm thấy mình lớn lên rất nhiều, được rất nhiều.
Read More

Đôi điều về Thung lũng Silicon

Leave a Comment
Từ lâu tôi đã được nghe đến cụm từ Thung lũng Silicon. Trong nhận thức từ những năm 1990, cụm từ này gợi lên điều gì đó trong tôi như một nơi sản sinh ra những loại chip dùng trong máy tính. Chỉ khi đặt chân đến đây tôi mới hiểu đôi điều về nó. Thì ra thung lũng Silicon là một trung tâm công nghệ của nước Mỹ, nơi có mức lương trung bình cao nhất thế giới, nơi có môi trường làm việc tốt nhất. Chi khi đến đây tôi mới hiểu mảnh đất này thực sự đáng để người ta ngưỡng mộ, là niềm mơ ước, là sự khát khao của nhiều người, đặc biệt là tầng lớp sinh viên từ những trường đại học hàng đầu về công nghệ trên khắp thế giới.
Thung lũng Silicon đã sản sinh ra những tập đoàn công nghệ đích thực làm thay đổi bộ mặt nhân loại bằng những sản phẩm và dịch vụ chất lượng phổ quát như Adobe Systems, Apple, BEA Systems, Cisco Systems, eBay, Google, Hewlett-Packard, Intel, Facebook, Oracle, Yahoo… Chính những tập đoàn công nghệ cao này đã tạo ra những giá trị, sự giàu có và cả những cơ hội chưa từng có trong lịch sử phát triển của nhân loại.
Thung lũng Silicon là tên gọi vùng đất phía nam của vịnh San Francisco nằm ở phía bắc bang California. Ban đầu cụm từ này được dùng để chỉ nơi có nhiều phát minh về công nghệ và có nhiều hãng sản xuất những loại chip Silicon, nhưng sau đó nó trở thành tên chung để chỉ nơi có nhiều tập đoàn công nghệ cao, lớn nhất Hoa Kỳ và thế giới. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chính sách ưu tiên cho giáo dục của bang California, sự phát triển về chất của các trường đại học ở khu vực, trong đó có Đại học Stanford đã đóng vai trò quyết định đối với sự hình thành và phát triển của thung lũng.
Bắt đầu từ những năm 1950, Frederick Terman, lúc đó là Hiệu trưởng Trường Đại học Stanford đã khuyến khích giảng viên và sinh viên mới tốt nghiệp thành lập những công ty công nghệ nằm trong khuôn viên nhà trường. Có thể nói ông là cha đẻ của Thung lũng Silicon... Các mạch Silicon tích hợp, bộ vi xử lý, máy tính và những ngành công nghệ chủ chốt phát triển mạnh mẽ tại nơi đây.
Trong những năm đầu, khoảng 24.000 lao động có trình độ, những nhà khoa học đến từ các trường đại học trong vùng, đặc biệt là từ Stanford, các kỹ sư lành nghề cùng với sự tài trợ của Bộ Quốc phòng Mỹ đã biến Thung lũng Silicon thành một địa điểm bừng sáng, một khối nam châm thu hút và hội tụ tinh hoa công nghệ. Mặc dù sau đó có rất nhiều mô hình trung tâm công nghệ cao mọc lên ở Mỹ và các nước trên thế giới, nhưng Thung lũng Silicon California vẫn là một trung tâm hàng đầu cho sự đổi mới và phát triển công nghệ của nhân loại...
Mùa hè ở thành phố San francisco và San Jose đầy nắng và gió. Cái nắng rát bỏng, nhưng chỉ cần vào trong bóng râm, nhất là bóng cây thì người ta lại cảm thấy rất mát mẻ và dễ chịu. Không đổ mồ hôi. Không nhớp nháp khó chịu như cái nắng oi ả của miền nhiệt đới gió mùa. Nơi đây nhiệt độ bình quân cả năm khoảng 23 độ C. Rất ít mưa nên vô cùng thuận lợi cho du khách dừng chân ở thung lũng Silicon.
Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến thăm là tập đoàn Apple, tập đoàn đứng vị trí số 2 mới đây sau Amazon với trị giá 309,5 tỷ USD (giá trị vốn hóa gần 1000 tỷ) theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu toàn cầu đầu tháng 6 năm 2019. Có lẽ trong số chúng ta không ai là không biết đến Apple, không muốn được sở hữu những sản phẩm và dịch vụ của Apple, một tập đoàn công nghệ máy tính, điện thoại thông minh, đặt trụ sở chính tại thung lũng Silicon. Tập đoàn Apple do ba người, Steve Wozniak, Steve Jobs, Ronald Wayne thành lập ngày 1 tháng 4 năm 1976.
Từ đầu năm 2007 đến nay, sản phẩm của Apple bán ra toàn cầu hàng năm ít nhất là 13,9 tỷ đô la Mỹ. Chỉ tính trong một quý cuối năm 2014 đã có tới 74 triệu thiết bị iPhone được bán ra. Hiện thời Apple có gần 130.000 nhân viên ở nhiều quốc gia. Sản phẩm nổi tiếng khắp thế giới là máy tính Apple, máy nghe nhạc, điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad và đồng hồ thông minh Apple Watch.
Khuôn viên của Apple thật xứng đáng với tầm vóc của hãng công nghệ đứng đầu thế giới. Một khối nhà hình elip chạy dài hàng dặm rợp trong bóng cây xanh. Để giúp người tham quan hình dung và hiểu một cách tường tận, Apple đã mô hình hóa toàn bộ trụ sở của mình trong một Building công nghệ. Người tham quan được phát mỗi người một thiết bị như chiếc iPad. Chỉ cần hướng thiết bị vào khối nhà nào thì từng chi tiết, từng tầng, từng con đường, từng cái cây, ngọn cỏ trong khu vực đều hiện ra trước màn hình.
Trong một building hai tầng, tất cả các công nghệ tiên tiến, các sản phẩm và dịch vụ của Apple được trưng bày sống động. Hàng trăm chiếc máy tính thế hệ mới hoàn toàn dùng màn hình cảm ứng, hàng trăm chiếc iPhone thế hệ mới cùng với những mẫu sắp ra mắt, hàng trăm các sản phẩm, dịch vụ nghe nhìn được bày trên mặt bàn... Một màn hình mấy trăm ink với công nghệ 3D, 4D, công nghệ thực tế ảo được tích hợp giúp người tham quan tự tìm hiểu, tự khám phá về lịch sử hình thành và phát triển cũng như những thành tựu thần kỳ của Apple. Thật mãn nhãn! Thật mê hoặc! Tôi cảm thấy mình như đang lạc vào một thế giới hoàn toàn khác.
Không chỉ có tôi, con gái con rể tôi, hàng ngàn người trong cái tòa nhà kỳ diệu này đều đắm mình trong thế giới công nghệ. Mỗi người đều chăm chú vào một sản phẩm hay dịch vụ mình cầm trên tay để sử dụng và thưởng thức. Ngay cả cháu tôi, bé Liêm mới 2 tuổi cũng không chịu rời chiếc iPhone với những trò chơi của riêng mình…
Địa điểm tham quan thứ hai trong ngày là tập đoàn Google, tập đoàn đứng thứ 3 sau Amazon và Apple với doanh thu 309 tỷ USD (giá trị vốn hóa gần 1000 tỷ) theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu toàn cầu. Google là một công ty công nghệ đa quốc gia chuyên các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến Internet, bao gồm các công nghệ quảng cáo trực tuyến, công cụ tìm kiếm, điện toán đám mây, phần mềm, phần cứng… Đây là một công ty công nghệ nằm trong top Big Four, cùng với Amazon, Apple, Facebook.
Google được Larry Page và Sergey thành lập năm 1998 trong thời gian họ học sau tiến sĩ tại Đại học Stanford, California. Chưa đầy 10 năm sau Google đã phát triển nhanh chóng với một chuỗi các sản phẩm, đồng thời họ mua lại và sáp nhập các công ty nhỏ ngoài công cụ tìm kiếm cốt lõi (Google Tìm kiếm). Google cung cấp các sản phẩm dịch vụ được thiết kế cho nhiều tiện ích như Google Docs, Google Sheets, Google Slide, email, tiện ích lập lịch và quản lý thời gian (Google Lịch), lưu trữ đám mây (Google Drive), mạng xã hội (Google+), nhắn tin trò chuyện trực tuyến, dịch thuật, lập bản đồ điều hướng (Google Maps, Google Earth, chia sẻ video (youTube), tiện ích tổ chức và sửa ảnh…
Ngoài ra Google còn dẫn đầu sự phát triển hệ điều hành di động Android, trình duyệt web Google Chrome. Google cũng hợp tác với các nhà sản xuất các thiết bị điện tử lớn trong việc sản xuất các thiết bị của riêng mình như điện thoại thông minh Google Pixel, loa thông minh Google Home, Daydream tai nghe thực tế ảo… Cho đến ngày hôm nay số người làm full-time ở trụ sở thung lũng xấp xỉ 100.000 và một số lượng gần gấp đôi như vậy làm bán thời gian.
Mỗi người, mỗi gia đình ở Việt Nam chúng ta hiện nay không ngày nào là không sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của Google. Ở Mỹ thì Google càng không thể thiếu. Người Mỹ không có Google Maps thì họ không thể đi đâu xa được. Đến cơ quan không thể làm việc được vì họ làm việc theo Google Lịch. Không thể vận hành công việc được vì không có phương tiện. Dù không phải trong ngành công nghệ thông tin những người làm kế toán, kiểm toán, văn phòng đều phải làm việc với Google Docs, Google Sheets. Thậm chí đối với cả học sinh tiểu học cũng sử dụng các công cụ tìm kiếm của Google.
Trước khi đến Thung lũng Silicon, cháu tôi đang học lớp 2 hỏi Google Home (bộ loa thông minh) tại nhà: Thung lũng Silicon là địa danh chỉ cái gì? Ở đâu? Apple là công ty gì? Ở đâu? Google là gì? Ở đâu… Không nghi ngờ gì nữa Google đã và đang góp phần tạo nên cuộc Cách mạng 3.0 và 4.0 khởi nguồn từ Hoa Kỳ và một trong những địa điểm đi đầu của nó chính là thung lũng Silicon. Từ thung lũng này các cuộc cách mạng lan tỏa ra cả thế giới. Và nó đang tiếp tục đưa nhân loại bước vào kỷ nguyên số, một bước ngoặt trong lịch sử nhân loại mà lực lượng sản xuất bùng nổ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Suốt buổi chiều chúng tôi đi thăm nhiều cơ sở của Google, từ nơi trưng bày các biểu tượng, nhà giữ trẻ của tập đoàn đến trụ sở văn phòng; từ nhà ăn, phòng tập thể dục, đến thư viện đọc sách, khu xả stress... Cuối buổi vợ chồng con gái tôi gọi một người bạn làm ở việc ở Google. Anh hẹn gặp chúng tôi ở trước trụ sở. Lâu ngày họ mới gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Hỏi thu nhập một năm của bạn tại Google là bao nhiêu. Bạn trả lời 200.000 ngàn đô. Hàng ngày miễn phí ba bữa ăn buffet tự chọn. Miễn phí toàn bộ nước uống, nước giải khát và hoa quả. Cuối buổi mệt mỏi có chế độ mát xa. Đó là chưa kể chế độ chăm sóc sức khỏe, chế độ nghỉ phép. Anh cho chúng tôi biết có khoảng vài trăm sinh viên người Việt mới tốt nghiệp ở các trường đại học Mỹ xin làm việc tại Google. Anh mời cả gia đình chúng tôi sáng hôm sau đến thăm nơi làm việc. Anh nói: “Không mang đồ ăn, đồ uống vì công ty có chế độ cho thân nhân như nhân viên tại cơ quan”.
Chúng tôi vui vẻ nhận lời. Tôi biết các con và bạn của cháu muốn tôi thấy “Chủ nghĩa tư bản đang giãy chết” như thế nào. Các con tôi cũng làm việc tại thung lũng Silicon chúng còn lạ gì. Nghe các cháu nói tôi thoáng chút buồn. Tôi biết có hơn 30.000 sinh viên sang Mỹ học từ đầu những năm 2000 trở lại đây. Nhưng số về nước rất ít. Thì ra học kỹ thuật các em đổ xô vào thung lũng Silicon. Học kinh tế thì các em đổ xô vào khu vực Phố Wall (những dãy phố thuộc khu tài chính Manhattan, thành phố New York).
Tôi biết một lớp 12 ở một trường chuyên Hà Nội do anh bạn tôi làm chủ nhiệm, trước kỳ thi đại học chỉ có 8 em học sinh đăng ký dự thi đại học trong nước. Sau kỳ thi chỉ còn hai em học trong nước. Gần như tất cả đều học nước ngoài. Cả đất nước, cả thành phố cùng ngành giáo dục ưu tiên cho các em. Vậy mà... Nhưng suy cho cùng các em không có lỗi. Các em có quyền lựa chọn. Nếu học xong, các em về nước cũng không được nhận vào làm tại các khu vực kinh tế, các cơ quan danh tiếng. Trên báo chí người ta đã đăng tin nhiều tiến sĩ học ở nước ngoài về bị trượt công chức! Họ phải ở lại tìm đường mưu sinh thì cũng chẳng có gì đáng trách.
Địa điểm thứ ba chúng tôi đến thăm là tập đoàn Intel. Tập đoàn này được thành lập năm 1968 tại thung lũng Silicon. Intel chuyên sản xuất các sản phẩm chính như bộ chip vi xử lý cho các loại máy tính, bo mạch chủ, ổ nhớ flash, cạc mạng và các thiết bị máy tính.
Nói riêng về bán dẫn Intel là công ty lớn nhất thế giới, là nhà phát minh ra chuỗi xử lý x86 dùng cho tất cả các loại máy tính cá nhân. Hiện tại Intel có gần 100.000 nhân viên tại nhiều quốc gia. Doanh thu một năm đạt gần 50 tỷ USD, xếp thứ 50 trong số các công ty lớn nhất thế giới.
Trụ sở hành chính của Intel là một tòa nhà cao vút sáng lóa. Bên trên tầng thượng người ta lắp đặt một hệ thống quạt năng lượng gió. Phía bên trái của tòa nhà là Bảo tàng Intel. Cũng như các công ty công nghệ khác, bảo tàng Intel được thiết kế và trang bị những phương tiện cực kỳ hiện đại, xứng đáng với tầm vóc của công ty công nghệ danh tiếng. Ở lối vào bảo tàng người ta thấy một màn hình lớn in hình bản đồ rực rỡ sắc màu với nhiều điểm hiện diện của Intel khắp các châu lục. Tiếp đến là những hộp kính lớn trưng bày chuỗi vi mạch xử lý các thế hệ, các sản phẩm chíp mạch chủ, card mạng lưới, mạch tổ hợp, chip đồ họa... Bên cạnh những chiếc hộp là hàng loạt màn hình cảm ứng để người tham quan tự đi vào các nội dung chi tiết.
Không có ai thuyết minh. Tất cả khách tham quan đều tự mình khám phá thế giới của Intel. Bắt đầu từ năm 1971, bộ vi xử lý 4004 đầu tiên của công ty ra đời. Phát minh đột phá này đã tăng cường sức mạnh cho máy tính và dọn đường cho khả năng nhúng trí thông minh của con người vào thiết bị vô tri vô giác trong hệ thống máy tính. Số lượng bóng bán dẫn là 2.300. Tốc độ đạt tới 108KHz.
Năm 1972 Intel ra mắt bộ vi xử lý 8008 mạnh gấp đôi bộ xử lý 4004. Số lượng bóng bán dẫn là 3.500. Tốc độ 200khZ. Năm 1974 bộ vi xử lý 8080 đã trở thành bộ não của máy tính cá nhân đầu tiên. Số lượng bóng bán dẫn 6.000. Tốc độ 2MHz… Đến năm 1982 bộ vi xử lý 80286 có số lượng bóng 123.000. Tốc độ đạt tới 10KHz. Nó có thể chạy tất cả các phần mềm được viết cho những bộ xử lý trước đó... Và từ năm 1982 đến hiện nay, người xem tiếp tục tự khám phá lịch sử phát triển của bộ vi xử lý đáp ứng những đòi hỏi về dung lượng và tốc độ gần như lý tưởng của mạng 5G.
Ngoài lịch sử phát triển của bộ vi xử lý, bảo tàng cũng trưng bày tất cả các sản phẩm và dịch vụ khác của Intel. Khách tham quan còn được chứng kiến lab làm việc của nhân viên. Bộ quần áo của nhân viên mặc trước khi vào phòng làm việc. Một thế giới Intel sống động khiến người xem đi từ ngạc nhiên đến khâm phục và ngưỡng mộ.
Rời Intel chúng tôi đến với tập đoàn Facebook, mạng xã hội và truyền thông xã hội lớn nhất thế giới. Người sáng lập và điều hành Facebook là Mark Zuckerberg. Anh thành lập website Facebook vào ngày 4 tháng 2 năm 2004. Cho đến ngày hôm nay đã có tới 3,2 tỷ người trên trái đất sử dụng dịch vụ của Facebook. Số lượng người truy cập mạng chỉ đứng thứ hai sau Google.
Facebook có thể được truy cập từ hầu hết các thiết bị có khả năng kết nối với Internet, từ máy tính để bàn đến máy tính bảng, máy tính xách tay, điện thoại thông minh. Với Facebook người dùng có rất nhiều tiện ích như tạo nhóm, trao đổi tin nhắn, viết bài, chia sẻ ảnh, video và liên kết, nhận thông báo. Ngoài ra người dùng cũng có thể tham gia vào các nhóm cộng đồng giữa những người có cùng chí hướng, sở thích…
Đón chúng tôi trước trụ sở Facebook là hai vợ chồng Khánh, Thu. Anh chị cùng làm ở tập đoàn Facebook. Gặp tôi Thu giới thiệu: “Cháu là Thu, ở Hà Nội”. Sau khi làm quen tôi biết thời gian học THPT họ học ở Trường chuyên Đại học Quốc gia Hà nội.
Hai người dẫn chúng tôi đến phòng bảo vệ. Nhân viên yêu cầu chúng tôi đưa hộ chiếu và ID. Khoảng một phút sau họ đưa cho chúng tôi một cái thẻ có ảnh khách đến thăm. Chúng tôi đeo thẻ lên ngực và dùng thẻ để qua cửa các phòng làm việc.
Phòng đầu tiên là gian phòng để màn hình cảm ứng có hình bản đồ thế giới, đánh dấu những quốc gia mà Facebook đã chiếm lĩnh thị trường. Đế chế của Facebook thật rộng lớn. Nó bao phủ khắp các châu lục, trừ Trung Quốc và khoảng vài ba chục nước châu Phi còn để trống. (Trung Quốc thì cấm cửa Facebook và Google vì lý do an ninh, còn các nước châu Phi thì nghèo nàn lạc hậu chưa sử dụng Internet).
Tiếp đến là khu Center learning (trung tâm học việc dành cho những người mới vào tập đoàn) cùng trụ sở làm việc của 35.000 nhân viên trải dài hơn một dặm (một dặm xấp xỉ 1,7 km). Một tổ hợp làm việc liền khối, xen kẽ nơi làm việc là những điểm giải trí, uống cà phê, giải khát cùng hoa quả các loại phục vụ nhân viên..
Thu đi trước giới thiệu phòng làm việc của các bộ phận. Tất cả nhân viên đều còn rất trẻ. Người nào người nấy đều đang chăm chú trước màn hình máy tính. Tất cả đều yên tĩnh đến kỳ lạ. Chỉ ở các phòng họp, qua khung cửa kính tôi mới thấy các nhóm dăm đến bảy người đang sôi nổi thảo luận vấn đề gì đó.
Đến giờ cơm chiều, Thu hỏi chúng tôi thích dùng thực đơn Ấn Độ, Thái, Trung Quốc hay các món ăn Âu, Mỹ. Thu giải thích người Việt làm ở Facebook mới có hơn một trăm người, lại rải rác khắp hai khu vực nên chưa có thực đơn riêng. Nếu trong những năm tới số lượng tăng lên thì chắc chắn sẽ có đồ ăn đăc trưng riêng của người Việt.
Tất cả chúng tôi đều chọn cơm rang, đậu phụ rán, cá hồi chiên sốt, thịt hấp và một vài loại rau. Cơm nước xong Thu đưa chúng tôi tới quầy hoa quả, cà phê, giải khát. Mọi người đều dùng cà phê, riêng tôi sợ mất ngủ nên dùng kem cốc trộn với một ít hạt điều, một ít nho khô và hạnh nhân.
Có nằm mơ tôi cũng không thể tưởng tượng được điều kiện làm việc tại thung lũng Silicon lại lý tưởng đến như vậy. Hai người mới làm được hơn hai năm đã mua mỗi người một ô tô riêng, đồng thời họ đang tìm kiếm một ngôi nhà trả góp khoảng hơn một triệu đô gì đó.
Thu cho tôi biết ngày nào việc cũng ngập đầu. Nhiều khi đêm khuya họ mới trở về nhà. Thậm chí ngày nghỉ vẫn phải mang việc về làm. Chịu rất nhiều áp lực. Hai vợ chồng đang bàn tính một người chuyển sang công ty khác để có thời gian cho gia đình.
Facebook trả lương nhân viên một nửa bằng tiền mặt, một nửa bằng cổ phiếu. Không phải Facebook không có tiền. Họ thừa tiền. Đây là một phương thức quản lý. Tất cả đều là chủ sở hữu tập đoàn, từ chủ tịch hội đồng quản trị tới nhân viên. Nghĩa là cả tập đoàn đều đi trên một con thuyền. Tất cả đều phải cố gắng. Phải vắt kiệt sức lực và trí tuệ. Nếu thuyền đắm thì tất cả đều chung một số phận.
Kết thúc thời gian ở Facebook, hai vợ chồng Khánh, Thu đưa chúng tôi đi thăm quan tầng 3 tổ hợp tòa nhà. Đó là một khuôn viên khổng lồ của những ô tiểu cảnh, những vườn hoa bài trí xen lẫn những điểm vui chơi giải trí ngoài trời. Nhân viên làm việc trong giờ cảm thấy bị stress đều có thể lên tầng thư giãn để lấy lại năng lượng và cảm hứng…
Trong hai ngày chúng tôi đến thăm tập đoàn Adobe Systems, BEA Systems, Cisco Systems, eBay, Hewlett-packard, PayPal và cuối cùng là Yahoo. Hai tập đoàn PayPal và Yahoo tôi nghe nói có những khó khăn nhất định. PayPal phải “sáp nhập vào eBay. Yahoo sai lầm trong định hướng phát triển, lúc đầu định bán cho Microsoft với giá 57 tỷ USD, nhưng thương vụ không thành. Hiện công ty đang đứng trước khủng hoảng. Hai tập đoàn khổng lồ trong làng công nghệ này có nguy cơ mất thương hiệu. Chỉ riêng trong lĩnh vực Mail Yahoo, hàng triệu, có thể hàng chục triệu hòm thư điện tử cá nhân mang tên Mail “Yahoo.com”, trong đó có Mail cá nhân tôi, không biết sau này sẽ thuộc chủ sở hữu của ai.
Thung lũng Silicon từ thập niên 1990, thập niên bùng nổ Internet đến nay đã sản sinh ra 29.000 công ty công nghệ cao. Có hàng nghìn trụ sở của tất cả các công ty lớn trên thế giới đều hội tụ ở đây. Mảnh đất màu mỡ này cũng là vườn ươm của hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp hay còn gọi là Start-up.
Hàng ngày, hàng tuần có tới hàng chục, thậm chí hàng trăm doanh nghiệp phá sản. Cạnh tranh gay gắt diễn ra khốc liệt giữa các ông lớn công nghệ, giữa các công ty lớn với các công ty vừa và nhỏ, giữa các công ty vừa và nhỏ với nhau... Một công nghệ tiên tiến nhất trong một lĩnh vực nào đó mới ra đời có thể kéo theo một tập đoàn nào đó phá sản nếu tập đoàn đó không có chiến lược kinh doanh đúng đắn. Ngay cả đến Yahoo, tập đoàn có tới trên 12.000 nhân viên, có trụ sở ở hơn 20 quốc gia còn đứng trên bờ vực sụp đổ thì không có một tập đoàn nào, công ty nào là ngoại lệ. Người ta nói nước Mỹ không phải là thiên đường, cũng không phải là địa ngục mà là một chiến trường, một chiến trường cạnh tranh sinh tử.
Thung lũng Silicon có 10 tỷ phú siêu giàu, hàng nghìn triệu phú và hàng triệu người thuộc tầng lớp trung lưu. Họ sống ở những ngôi nhà từ 2 đến hơn 20 triệu đô. Tất cả họ đều còn trẻ. Họ giàu lên nhanh từ chính tri thức và tài kinh doanh. Chỉ trong vòng vài thập niên, tài sản của những người đứng đầu các tập đoàn đã lên tới hàng chục, thậm chí ngót trăm tỷ đô. Tài sản của họ vượt xa lớp tư bản truyền thống mà hàng trăm năm tích lũy từ đời ông đến đời cháu vẫn lẹt đẹt xếp hạng phía sau.
Thung lũng Silicon cũng nảy sinh rất nhiều mặt trái. Khoảng cách giàu nghèo cực kỳ lớn. Chỉ cần đi dạo trong một phường người ta cũng thấy rất rõ. Gần 50% dân số không có nhà ở vì giá nhà quá cao. Thuê một căn nhà bình dân cũng tới 3.000 đô. Các mặt hàng thiết yếu bị đẩy giá lên. Nhiều gia đình gốc địa phương phải di dời đi nơi khác ở bởi hàng triệu những kỹ sư lành nghề, những sinh viên thuộc nhóm ngành STEM (nhóm chuyên ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán học) khắp nước Mỹ và trên khắp thế giới đổ về có mức thu nhập cao tại các công ty công nghệ.
Dọc đường từ trung tâm thung lũng Silicon trở về, tôi thấy không ít những nhóm vô gia cư, gia đình vô gia cư dựng lều bạt bên cạnh những tường rào công viên. Hàng ngàn gia đình phải sống trong những chiếc thùng xe lưu động tại các bãi đậu. Thậm chí không ít gia đình ly tán vì phá sản, vì không còn khả năng kinh tế. Cảnh sát buộc phải đưa con cái họ vào trại xã hội nuôi dưỡng. Những người lao động trong các tập đoàn, công ty công nghệ không phải ai cũng thích ứng với “núi công việc” hàng ngày. Đó là chưa kể những ngành nghề thu nhập thấp như xây dựng, y tế, giáo dục... đời sống của họ gặp rất nhiều khó khăn.
Bất chấp tất cả những mặt trái, bất cập trên, thung lũng Silicon vẫn biến đổi liên tục, vẫn đổi mới và sáng tạo hàng ngày bởi hàng triệu lao động trí óc ưu tú. Nó được ví như bộ não của nhân loại. Nó đưa ra những giải pháp khoa học và công nghệ nhằm giải quyết những vấn đề mang tính chất toàn cầu. Nó góp phần tạo ra một nền kinh tế mới, nền kinh tế tri thức khởi nguồn từ nước Mỹ. Nó đã và đang thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một cuộc cách mạng làm thay đổi bộ mặt của nhân loại.
Read More

Thăm Trường Đại học Stanford

Leave a Comment
Tôi được nghe một giai thoại người Mỹ nói về chủ nhân sáng lập Trường Đại học Stanford. Chuyện kể về việc hai vợ chồng Leland Stanford tới văn phòng Trường Đại học Harvard. Họ mong muốn được gặp ông hiệu trưởng. Nhân viên văn phòng nhìn người đàn ông chạc tuổi trung niên, mặc bộ quần áo sờn đã cũ nên nói với khách rằng ông hiệu trưởng rất bận, đang tiếp khách. Nhưng hai người vẫn kiên trì chờ đợi cho đến khi vị khách cuối cùng ra về.
Sau màn chào hỏi xã giao, Stanford trình bày với ông hiệu trưởng ý nguyện muốn có một kỷ niệm về người con trai của họ không may qua đời tại trường. Ông hiệu trưởng từ chối, trả lời: “Nếu thân nhân nào cũng muốn xây mộ thì trong tương lai trường Harvard sẽ trở thành một nghĩa địa”.
Người chồng từ tốn trả lời họ không có ý như vậy. Họ muốn xây dựng một phòng thí nghiệm mang tên người con trai quá cố. Ông hiệu trưởng sửng sốt: “Ông bà có biết xây phòng thí nghiệm mất mấy trăm ngàn đô không”? Người vợ nghe vậy liền nói với chồng: “Nếu phòng thí nghiệm chỉ mất có mấy trăm ngàn đô thì sao mình không xây luôn cả một trường đại học”.
Ông hiệu trưởng không biết đó là hai vợ chồng Leland Stanford, trùm tư bản, ông vua đường sắt Hoa kỳ. Sau thời gian đó Stanford còn ứng cử làm thống đốc bang California... Câu chuyện thực hư thế nào không rõ. Chỉ biết hai ông bà đã hiến tặng 8000 mẫu Anh đất, tương đương với 31,1 km2 cùng toàn bộ kinh phí xây dựng ngôi trường mang tên Stanford để tưởng nhớ người con trai duy nhất đã mất vì bệnh thương hàn. Và cũng từ đó ông coi tất cả những người con trai, con gái bang California là con cái ông.
Cũng giống như Trường Đại học Chicago được thành lập năm 1890 từ khoản tiền hiến tặng của tỷ phú dầu lửa John D. Rockefeller, Trường Đại học Stanford ra đời bằng tài sản cá nhân của gia đình Leland Stanford. Theo quyết định của bang California trường được thành lập năm 1885 và trở thành một trong hai trường có diện tích rộng nhất trên thế giới. 
Đến nay trường sở hữu gần 700 tòa nhà bao gồm phòng học, phòng nghiên cứu, phòng giảng dạy, phòng ở, phòng ký túc xá… Stanford cùng với Đại học Columbia, Harvard, Chicago, Yale... nằm trong số top 10 trường đại học danh giá nhất Hoa Kỳ do US News và World Report bình chọn. Theo Times Higher Education, Stanford đứng vị trí số 3 theo bảng xếp hạng các trường đại học nổi tiếng trên thế giới năm 2015 và liên tục giữ vị trí Á quân từ đó đến nay.
Xét về thành công trong lĩnh vực đào tạo, Stanford là nơi sinh ra nhiều công ty công nghệ lớn nhất thế giới như Google, Hewlett-Packard, Nice, Sun Microsystems, Instagram, Yahoo… Các công ty được sáng lập bởi các sinh viên đã học ở Stanford, có doanh thu ước chừng 2,7 ngàn tỷ đô la. Stanford cũng là ngôi nhà của 30 tỷ phú, 17 phi hành gia, 18 người đoạt giải Turing. Ngôi trường này cũng sản sinh ra nhiều nhà lãnh đạo Mỹ, nhiều lãnh đạo các tổ chức và các tập đoàn kinh tế đa quốc gia. 
Hiện nay nhà trường liên kết với 59 nhà bác học đoạt giải thưởng Nobel, hai người nhận giải thưởng Field. Xét về nhiều phương diện, Trường Đại học Stanford là trường đại học nghiên cứu và giảng dạy đứng đầu thế giới. Hơn nữa, trường lại tọa lạc tại Trung tâm Thung lũng Silicon, một trung tâm công nghệ cao, một trung tâm sáng tạo của Mỹ và của cả thế giới, nằm giữa thành phố San Francisco và San Jose. 
Năm học 2018 Stanford nhận được 26,5 tỷ đô la. Nhà trường có 16.520 sinh viên, 7083 là sinh viên đại học, 9083 là sinh viên sau đại học trên 2219 giáo sư, giảng viên đại học. Stanford có 7 trường thành viên: Trường Kinh doanh, Trường Khoa học Môi trường, Năng lượng và Trái đất, Trường Giáo dục, Trường Kỹ thuật, Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Luật.
Các chuyên ngành được đăng ký nhập học nhiều nhất là khoa học máy tính, sinh học con người, kỹ thuật… 
Được xét tuyển vào Stanford là niềm vinh dự lớn. Chỉ có khoảng 10% ứng viên xin vào ngôi trường này nhận được giấy nhập học mặc dù tất cả mọi người trong số họ đều rất xuất sắc. Ngôi trường này bao nhiêu năm nay là niềm mơ ước của hàng triệu sinh viên sáng giá của Hoa Kỳ và trên khắp thế giới. Việt Nam có gần một chục sinh viên đã tốt nghiệp và đang theo học tại Stanford. Gần như tất cả những sinh viên của Việt Nam đều là những sinh đạt huy chương vàng trong các kỳ thi quốc tế.
Dọc hai bên đường dẫn tới cổng chính của Trường Đại học Stanford là hai hàng cọ vút cao hàng trăm năm tuổi. Khi chiếc xe dừng lại, trước mặt tôi là một thảm cỏ xanh mướt rộng mênh mông. Người ta gọi đó là quảng trường Stanford. Chính giữa quảng trường là một vườn hồng trắng nở đầy hoa. Nổi bật trên cái nền hồng trắng tinh khiết là hình chữ S bằng hồng đỏ. Hương thơm tỏa nồng nàn đến say đắm. 
Rất nhiều sinh viên tụ tập, đi lại thư giãn quanh quảng trường. Những gương mặt, những ánh mắt, hành động, cử chỉ, lời nói của họ đều toát lên vẻ lịch lãm, thông minh và tự tin. Trong môi trường của Stanford, môi trường của Thung lũng Silicon cùng với năng lực nổi trội tôi hoàn toàn tin vào tương lai tươi sáng đang chờ đón họ.
Qua quảng trường, sừng sững hai trụ cổng trường vuông vức bằng đá uy nghi. Trải dài hai bên cổng trường là hai dãy nhà vòm cuốn phong cách Tây Ban Nha như hai hàng rào xinh xắn chạy dài. Bước vào bên trong khuôn viên du khách ngỡ ngày trước vẻ đẹp cổ điển của tòa tháp, của thánh đường thờ Thiên Chúa, những ô tiểu cảnh, những vườn hồng đầy hương sắc, công trình đầy ý nghĩa tưởng niệm người chồng của bà Stanford...
Theo chân du khách vào trong thánh đường, một thế giới của cái đẹp như thôi miên mọi người. Từ những bức tranh trải dài hai bên thánh đường đến trung tâm tượng Chúa trên cây thánh giá, từ nền nhà, ô cửa kính tranh màu đến tranh mái vòm, từ chi tiết hoa văn đến phong cách kiến trúc, có thể nói đó là điểm nhấn đầu tiên khi người ta đến nơi đây.
Cả ngày cuốn hút dạo thăm những tòa nhà lịch sử tiêu biểu của ngôi trường, những công trình kiến trúc hình chữ nhật xây dựng bằng đá và được nối với những lối đi có mái vòm bán nguyệt theo phong cách thuộc địa Tây Ban Nha quen thuộc thường thấy ở California. Phần lớn những tòa nhà của Stanford đều xây bằng đá sa thạch. Mái lợp bằng ngói đỏ hòa hợp với nền trời xanh của miền đất này thật hài hòa.
Chúng tôi đi thăm ngôi Nhà Hóa học, Nhà Thư viện, Nhà Encina, Khu Dự trữ Sinh quyển, sân golf và hồ nước… Cuối cùng là Bảo tàng Nghệ thuật của Trường Stanford. 
Tầng 1 của bảo tàng có 4 phòng: phòng 101, 105, 106, 108 trưng bày nghệ thuật châu Á. Nó bao gồm nhiều tác phẩm quý hiếm từ ngàn năm trước công nguyên đến thời kỳ trung đại, từ những tác phẩm đồ gỗ, đồ đá, đồ đồng, sắt, đến kim loại quý như vàng bạc, đá, gốm sứ, tranh, tượng… tất cả đều phản ánh lịch sử nghệ thuật của nhiều khu vực, nhiều quốc gia trong quá khứ.
Chúng tôi không ngờ trong bảo tàng có bộ sưu tập gốm sứ thời nhà Lê, những chiếc ấm, những chiếc đĩa men ngọc hoa văn tím quen thuộc của Việt Nam. Thật xúc động! Và còn một số hiện vật, đặc biệt là Tượng Nhà mồ Tây nguyên cách đây mấy trăm năm được lồng trong khung kính lớn (tôi nghĩ Tượng nhà mồ Tây nguyên ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, chắc chắn thua về mặt tuổi tác, về công nghệ bảo quản so với ở đây).
Tầng 1 còn có hai phòng: phòng 121, 122 trưng bày các tác phẩm sưu tầm của gia đình ông bà Stanford bao gồm nhiều tác phẩm rất hiếm. Tiếp đến là các phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật châu Phi, các phòng trưng bày các tác phẩm của Rodin, một họa sĩ, một nhà điêu khắc Pháp nổi tiếng trong và ngoài giới nghệ thuật; các phòng trưng bày nghệ thuật đương đại và đặc biệt là cả một vườn tác phẩm điêu khắc trưng bày ngoài trời. Tiêu biểu là bức phù điêu nổi tiếng Cổng địa ngục của Rodin (Rodin’s Hell’s Gate).
Tầng 2 có 11 phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật theo thứ tự thời gian của châu Mỹ và châu u từ thời cổ đại, Trung đại đến hiện đại. Đặc biệt là có phòng trưng bày những tác phẩm đương đại của các họa sĩ nổi tiếng trên thế giới... 
Một ngày trôi đi nhanh chóng. Chúng tôi chỉ còn thời gian đi lướt bằng ô tô qua một số tòa nhà lịch sử của ngôi trường. Như mọi người đều biết, Stanford rộng đến 31,1km2, có lẽ phải dành vài ngày tìm hiểu thì người ta mới tạm hiểu về ngôi trường này. Rất tiếc phải chia tay với Stanford, ngôi trường để lại trong tôi rất nhiều cảm nghĩ và cả những nuối tiếc một thời!
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.