Nước Nga và Tổng thống Putin

Leave a Comment

Không nằm ngoài dự đoán, bất chấp việc Mỹ và EU cấm vận kinh tế, bất chấp âm mưu cô lập về chính trị, ngoại giao cũng như bôi nhọ nước Nga và Tổng thống Putin nhân vụ điệp viên hai mang Skripal bị đầu độc, bất chấp sức ép NATO đông tiến cùng hệ thống lá chắn tên lửa nhằm vô hiệu hóa sức mạnh tên lửa, hạt nhân Nga, ông Putin vẫn đắc cử Tổng thống Nga áp đảo với số phiếu ủng hộ 76.69%. Có thể nói đây là chiến thắng của sự đoàn kết, của lòng tin mà nhân dân Nga đã dành cho ông Putin, một con người đầy bản lĩnh, một nhà lãnh đạo quyết đoán, xuất chúng trong lịch sử hiện đại Nga.
Chúng tôi, những người yêu mến nước Nga, yêu mến Tổng thống Putin, nhân sự kiện này xin chúc mừng nước Nga, chúc mừng Tổng thống Putin!
Chúng ta cùng quay lại năm 1999, năm đầu tiên ông Putin bước vào điện Cremlin với tư cách là tổng thống. Đó là một nước Nga đang chìm trong cơn khủng hoảng toàn diện, chồng chất những khó khăn và rối loạn. Sau đà suy thoái kinh tế gần chục năm, nước Nga chỉ còn là nước thu nhập trung bình thấp ở châu Âu. Cơ cấu kinh tế hoàn toàn mất cân đối. Lợi nhuận từ dầu mỏ chiếm tỷ trọng lớn trong GDP. Nhưng dưới sự dẫn dắt của của một trung tá KGB (Cơ quan An ninh Quốc gia Liên Xô), điện Cremlin đã vực dậy nền kinh tế, buộc các doanh nghiệp lớn và giới tài phiệt phải tuân theo những nguyên tắc của chính quyền.
Trong hai thập niên đầu, ông Putin biết tập trung và phân phối nguồn lực để đảm bảo cho chính quyền duy trì và vận hành mọi hoạt động. Tổng sản phẩm quốc nội tăng lên 6 lần. Núi nợ nước ngoài được thanh toán trước thời hạn. Hàng trăm tỷ USD được tích lũy dự trữ (để hiểu sâu hơn, xin xem bài “Nước Nga đã trở lại vị thế cường quốc” của tôi trong trang blogchiasett blogspot.com)… Các nhà nghiên cứu, các nhà kinh tế đã tổng kết thành công của Putin và chính quyền của ông dựa trên ba mũi nhọn gọi là Putinnomics: Sự ổn định kinh tế vĩ mô, sự ổn định thị trường lao động và sự kiểm soát của nhà nước đối với những khu vực quan trọng chiến lược.
Tôi cho rằng đánh giá như trên là hoàn toàn chính xác nhưng chưa đủ. Cuộc chính biến ở Ucraina do Mỹ và phương Tây dàn dựng là một bước ngoặt đối với Nga, buộc Nga phải sáp nhập bán đảo Crimea bảo vệ quyền lợi dân tộc. Nhìn bề ngoài, có vẻ nước Nga chiếm thế thượng phong trước Mỹ và phương Tây, nhưng Ucraina cùng với Mỹ và phương Tây không bao giờ công nhận Crimea thuộc về Nga. Họ đã trừng phạt kinh tế, cô lập chính trị, ngoại giao và thù địch cứ đeo đuổi Nga như một cái bóng. Có thể Crimea sẽ trở thành một cái ách trên cổ nước Nga nhưng nó cũng là một viên ngọc quý đối với người Nga. Crimea là biểu tượng, quan trọng không chỉ về địa chính trị mà cả về phương diện lịch sử, văn hóa của Nga (trước đó Crimea thuộc về Nga). Chỉ trừ khi Liên bang Nga tan rã thì Crimea mới rời khỏi tầm kiểm soát của Moskva.
Mỹ và Phương Tây đã tin rằng nước Nga sẽ giống như Liên Xô sẽ tan rã thành từng mảnh. Sự tan rã do cùng một nguyên nhân là sự sụp đổ về kinh tế. Hơn nữa họ cho rằng thế cân bằng quân sự đã nghiêng về phía họ với việc NATO tiến về phía đông cùng với hệ thống lá chắn tên lửa xung quanh Nga. Trong bối cảnh đó, nước Nga đã cơ cấu lại nền kinh tế, hóa giải được các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây. Lần đầu tiên trong lịch sử, chưa đầy ba năm, từ 2014 đến 2017, nền nông nghiệp Nga đã vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực, thực phẩm hàng đầu thế giới. Điểm yếu thâm căn cố đế thuộc Liên Xô cũ dẫn đến một siêu cường tan rã, điểm yếu chết người của Nga đã trở thành một sức mạnh quan trọng, một nguồn thu ngoại tệ nhiều hơn ngành xuất khẩu vũ khí. Hơn thế nữa, nước Nga còn bước ra vũ đài quốc tế với việc đem quân đến Syria, hỗ trợ Chính quyền Syria, khẳng định vị thế chính trị, quân sự của mình trên vũ đài quốc tế trước sự bất lực của Mỹ và phương Tây. Trên thế giới có lẽ chỉ có Putin mới làm được những việc như vậy trong một bối cảnh mọi người đều rất rõ.
Ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông Putin có cuộc gặp mặt với các quan chức cấp cao và các ứng viên tổng thống trong cuộc tranh cử để thảo luận về kế hoạch trong sáu năm tới. Ông tuyên bố: “Điều chính chúng ta sẽ làm việc, dĩ nhiên là chương trình nghị sự nội bộ. Trước tiên, chúng ta phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng cho nền kinh tế và làm cho nó trở nên năng động và sáng tạo. Chúng ta phải phát triển y tế, giáo dục, sản xuất công nghiệp, cơ sở hạ tầng… để đất nước chúng ta tiến lên và nâng cao mức sống của người dân"… Chúng ta cùng nhau làm việc trong chương trình nghị sự này!”
Tại sao ông Putin không đặt vấn đề an ninh, quốc phòng trong chương trình nghị sự? Là một sỹ quan KGB, Putin hiểu rất rõ các đối thủ, đường lối, chính sách và những thủ đoạn tác động đến an ninh, quốc phòng Nga. Tôi chắc chắn rằng ông không chủ quan khi ra quyết sách bản lĩnh, đầy tự tin: “Nga sẽ không chạy đua vũ trang”. Nga sẽ giảm chi tiêu quân sự vì Nga đã có mọi thứ. Vậy những thứ đó là cái gì? Những loại vũ khí “phi thường” mà ông Putin đã công bố trong thông điệp Liên bang Nga năm 2018 (xin xem Thông điệp Liên bang Nga năm 2018).
Đó là tổ hợp tên lửa Samart mới mang đầu đạn hạt nhân. Số lượng và sức mạnh công phá lớn hơn loại cũ của Liên Xô trước đây rất nhiều lần. Tổ hợp này có thể sử dụng trong mọi điều kiện, mọi tình huống, một loại vũ khí khủng khiếp, không một hệ thống phòng thủ tên lửa nào có thể gây trở ngại vì nó được trang bị động cơ hạt nhân, bay với quỹ đạo không thể xác định, “Trên thế giới chưa có một loại vũ khí nào như thế”. Về mặt lý thuyết, theo một vị tướng Nga cho biết, “phải dùng đến 500 quả đạn phòng chống tên lửa Mỹ mới có thể đánh chặn một quả tên lửa Samart của Nga”. Trong khi đó nước Mỹ không có đủ 500 quả tên lửa như vậy.
Đó là vũ khí siêu thanh Avangard đã được trang bị cho quân đội Nga (Quân khu miền Nam) từ ngày 1/12/2017. Nó có “khả năng bay trong tầng khí quyển dày đặc với cự ly xuyên lục địa’. Khối tên lửa tàng hình này “bay tới mục tiêu như một thiên thạch, giống như một quả cầu lửa, nhưng trong quá trình đó nó lại được điều khiển rất chắc chắn. Không một loại vũ khí nào có thể bắn hạ được nó.
Đó là những ‘thiết bị bay không người lái, xuyên lục địa”. Có thể gọi nó là máy bay không người lái chạy bằng năng lượng hạt nhân. Loại thiết bị này rất ít tiếng động, khả năng đổi hướng rất cao. Nó có thể được trang bị đầu đạn thông thường, đầu đạn hạt nhân. Cũng tương tự như vậy, đó là phương tiện tàu ngầm không người lái, đi ở độ sâu 1000 m. Đó là vũ khí laser…
Trong gần ba mươi năm Putin cầm quyền (kể cả thời gian làm thủ tướng), Putin và chính quyền của ông đã làm được những điều mà các quốc gia khác phải cần đến hàng trăm năm. Những loại vũ khí trên chỉ có thể chế tạo được ở một nước có trình độ giáo dục chuyên ngành rất cơ bản và có một đội ngũ nhân sự rất đặc biệt. Putin công khai tuyên bố những điều trên không phải để lấy phiếu bầu, để “đòn gió”, để “khoe”, để “hù dọa” mà để Mỹ và phương Tây “nên lắng nghe” và “để thức tỉnh”, để các bên ngồi với nhau định hình một thế giới mới. Đúng là những ngôn từ của một người đàn ông có quyền lực nhất thế giới mà 5 lần tạp chí Time đã bình chọn.
Bất kỳ “kẻ xâm lược tiềm năng nào” hãy suy nghĩ, hết sức cẩn trọng, chin chắn khi tấn công “gấu Nga”. Có thể nói như một chuyên gia bình luận quân sự “Chiến tranh thế giới thứ 3 chưa nổ ra các nước đã phải kéo cờ trắng đầu hàng”, vì vũ khí sẽ thay đổi nghệ thuật quân sự, thay đổi phương thức tác chiến, quyết định sự thành bại của chiến tranh. Thì ra, lâu nay Mỹ và phương Tây cứ hùng hục đổ tiền của cải tiến vũ khí với ảo tưởng chiếm ưu thế quân sự, rằng họ bất khả xâm phạm, nhưng họ đã lầm. Chính Tướng John Hyten, Tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ trong buổi điều trần trước quốc hội tuần trước đã thừa nhận: “Lúc này đây, chúng ta đành bất lực” và “đã đến lúc chúng ta phải thay đổi hệ thống phòng thủ tên lửa”.
Thật cay đắng cho Mỹ và phương Tây. Hàng trăm tỷ USD dành cho hệ thống phòng thủ chống tên lửa đang triển khai tại Mỹ và châu Âu phút chốc hóa thành "đống sắt vụn hoặc đưa vào bảo tàng lịch sử". Hàng chục hàng không mẫu hạm và hàng trăm khu trục hạm của họ trở thành miếng mồi ngon của tên lửa siêu thanh Nga. Điều nguy hiểm hơn là đến khi ông Putin, tổng thống có nguồn gốc từ cơ quan An ninh quốc gia Liên Xô công bố thì họ mới biết có những loại vũ khí “siêu nhiên” đó. Và thật trớ trêu, hiện nhiều người trong số họ vẫn còn tranh luận liệu có hay không những loại vũ khí mà ông Putin đã công bố. Đúng là thất bại về chiến lược. Chẳng trách Mỹ và phương Tây cứ ngày càng hằn học với Nga.
Thực ra không phải cho đến những ngày gần đây ông Putin mới công bố những loại vũ khí mà thế giới chưa từng có. Nước Nga đã hé lộ khả năng của mình trong ngày 7/10/2015 khi phóng 26 quả tên lửa hành trình, từ một chiến hạm nhỏ bé, vượt qua 1500 km đánh trúng tất cả những mục tiêu khủng bố ở Syria. Giới quân sự Mỹ, Phương Tây và cả Trung quốc đã giật mình kinh hoàng. Mặc dầu vậy, người ta vẫn tự an ủi đó là loại vũ khí đỉnh nhất của Nga, lẽ ra Nga nên để mổ trâu thì lại đem ra khoe để giết gà. Khi đó người ta mới bắt đầu thay đổi nhận thức tác chiến hiện đại không chỉ trên đất liền, mà cả trên biển, trên không… Mỹ bắt đầu phải xem xét lại kế hoạch át chủ bài tác chiến “không-biển” hòng chiếm ưu thế trước Nga và Trung. Nào ngờ nước Nga chưa tung hết bài, như trong đánh bạc, Nga chưa chốt hạ, chỉ đến khi ông Putin công bố thì mọi việc như đã rồi.
Rõ ràng nước Nga không có tiền của như Mỹ, phương Tây và Trung Quốc. Nga không thể chạy đua vũ trang truyền thống bằng tiền của nên Nga đã đi theo một hướng hoàn toàn khác, chạy đua vũ trang bằng trí tuệ, bằng cuộc cách mạng 4.0, tức là đi trước thời đại trên cơ sở những nguyên lý hoàn toàn mới, biến vũ khí, phương tiện chiến tranh của Mỹ, phương Tây và cả Trung Quốc đang chạy đua trở thành thứ lỗi thời. Putin là con người như vậy, luôn đi trước thời đại. Ông đã xây dựng được cho nước Nga “một đội quân hiện đại, tinh nhuệ và công nghệ cao”, không chỉ bảo đảm an ninh quốc phòng trong nước mà còn hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào, ở các khu vực trên thế giới.
Đó là những lý do vì sao sau khi đắc cử tổng thống, ông Putin chỉ đặt ra chương trình nghị sự nội bộ để đảm bảo tốc độ tăng trưởng cho nền kinh tế.
Lẽ ra sau Chiến tranh Lạnh, sau khi Liên Xô Xã hội chủ nghĩa sụp đổ, Mỹ và phương Tây nên mở lòng với nước Nga, tạo điều kiện cho Nga gia nhập EU, thậm chí gia nhập NATO. Nhưng trong thâm tâm, họ còn muốn Liên bang Nga tư bản rồi cũng sẽ sụp đổ như Liên Xô. Họ dồn ép nước Nga. Và chính cái tư tưởng thù hận chật hẹp mang hơi hướng của tư duy Chiến tranh Lạnh đó đã khiến nước “Nga tư bản hoang tàn” phải vươn lên thành một cực bên cạnh Mỹ và phương Tây. Họ đã để thua Nga 1 không vào phút 89 sau khi đã hạ gục Liên Xô ở hiệp 1. Trước mắt còn hiệp đấu phụ, hiệp đấu về kinh tế. Ai sẽ chiến thắng? Nga hay Mỹ và phương Tây?
Nền kinh tế Nga trong năm 2018 đã bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc. Tỷ lệ lạm phát tháng 12/2017 xuống thấp kỷ lục, đạt mức 2,5%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp cũng duy trì ở mức tương đối thấp 5,1%. Theo ngân hàng UBS, Thụy Sĩ, kinh tế Nga đã hồi phục sau cuộc suy thoái kéo dài hai năm và đạt mức tăng trưởng 1,4% nhờ nhu cầu tiêu dùng và đầu tư nội địa tăng. UBS dự báo GDP của Nga trong hai năm tới sẽ tiếp tục tăng. Ngân hàng J.P. Morgan ước đoán đồng rúp của Nga sẽ không có nhiều biến động trong lúc giá dầu ổn định dần, góp phần thu hút dòng vốn đầu tư. Mặc dù vậy, phát triển kinh tế vẫn là một nhiệm vụ đầy khó khăn đối với chính quyền Putin và nó cần đến một sự cải tổ sâu sắc về cấu trúc hệ thống.
Trước cuộc bầu cử, ông Putin cam kết giảm tỷ lệ đói nghèo, hứa chi hàng trăm tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và vạch ra tham vọng tăng trưởng kinh tế 8%. Tuy nhiên, mục tiêu trên được đánh giá là sẽ vô cùng khó khăn khi mà nước Nga đang đối diện với hàng loạt vấn đề như tốc độ tăng trưởng còn thấp, dân số già, nạn tham nhũng và tác động tiêu cực từ các biện pháp trừng phạt. Dù người Nga vẫn yêu quý Tổng thống Putin, nhưng những cuộc khảo sát gần đây cho thấy một bộ phận người dân ngày càng tỏ ra thiếu tin tưởng vào tình hình kinh tế đất nước.
Liệu ông Putin cùng với chính quyền của mình và nước Nga có thể phát triển kinh tế như mong muốn? Trên thế giới hàng trăm quốc gia đều mong muốn phát triển kinh tế, cạnh tranh với nhau, nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay quốc gia có “phép màu” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Liệu nước Nga có nằm trong danh sách nước tiếp theo? Liệu ông Putin và nước Nga có thể hóa giải mâu thuẫn với Mỹ và phương Tây để cất cánh về kinh tế?
Nga là một đất nước rất đặc biệt. Năm 1917 người Nga đã đập bỏ chế độ Tư bản chủ nghĩa vì thấy nó quá thối nát. Sau 70 năm đi theo mô hình Xã hội chủ nghĩa, họ thấy nó trì trệ, bộc lộ quá nhiều khiếm khuyết, nhất là về mặt kinh tế, người ta lại phá bỏ nó đi vào năm 1991. Nước Nga rất rộng, rộng nhất thế giới. Nước Nga rất giàu tài nguyên, giàu nhất thế giới. Con người Nga dám nghĩ dám làm. Nước Nga sẽ đi về đâu trong cái thế giới này? Chỉ biết rằng cho đến nay ông Putin đã làm thay đổi diện mạo nước Nga trên quy mô toàn cầu. Sáu năm sắp tới là quá ngắn ngủi nhưng tôi tin vào ông Putin và nước Nga. Họ sẽ trở thành một cực mạnh mẽ trong cái thế giới đa cực đang định hình đầy hỗn loạn (xin xem bài Nước Nga đang trở lại vị thế cường quốc của tôi trong trang blogchiasett. Blogspot.com).

Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.