Cảm nhận về tác phẩm Khát vọng và lẽ sống của tác giả Nguyễn Tự Lập

Leave a Comment

Cảm nhận về tác phẩm Khát vọng và lẽ sống của tác giả Nguyễn Tự Lập

 Vào đúng ngày kỷ niệm thành lập Trung đoàn 3 Sư 324, anh Nguyễn Tự Lập tặng tôi tập ký, tản văn ‘Khát vọng và lẽ sống” do Nhà Xuất bản Hội nhà văn phát hành. Tôi rất vui chúc mừng tác phẩm văn xuôi mới của anh; vui mừng và thật khâm phục đồng đội ngoài 70, sau khi rời quân ngũ đã xuất bản tới 7 tác phẩm thơ và phê bình tiểu luận với hơn một chục giải thưởng từ trung ương tới địa phương. Hiện tại anh lại “dấn thân” vào lĩnh vực văn xuôi. Đúng là khí chất tài hoa của người Kinh Bắc và bản lĩnh, phẩm chất tuyệt vời của người lính cụ Hồ, của một sĩ quan quân đội.

 Tập Khát vọng và lẽ sống gồm 39 bài viết xoay quanh chủ đề khát vọng, niềm tin, lẽ sống của những con người “hôm qua”, “hôm nay” ở quê hương Kinh Bắc, cái nôi văn hóa Việt thân yêu, giàu đẹp. Với lối hành văn khúc chiết, trong sáng, trữ tình, dù viết về đề tài vĩ nhân, lãnh tụ hay đề tài về đồng chí, đồng đội hoặc người thực việc thực, anh Nguyễn Tự Lập đều khắc họa được hình tượng, phẩm chất những nhân vật mang trong mình lý tưởng sống, hành động của dân tộc và thời đại với khát vọng, niềm tin, lẽ sống cao đẹp của chính anh.

 Người ta nói kí là thể loại đi chênh vênh giữa thơ và truyện. Đọc tác phẩm Khát vọng và lẽ sống tôi thấy đúng như vậy. Nhiều bài viết tác giả tự sự, trần thuật về những con người mình đã gặp gỡ, đã sống, chiến đấu và làm việc với những chi tiết chọn lọc, tiêu biểu; phản ánh trung thực hiện thực cuộc sống sinh động, hào hùng của quê hương, dân tộc với tình cảm kính phục, tự hào, giầu cảm xúc. Đó là   cảm nghĩ sâu lắng về Bác Hồ, về người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp, về Trung đoàn trưởng Hồ Hữu Lạn, về họa sĩ thương binh Lê Duy Ứng, về anh Bùi Quang Thận, Phạm Xuân Thệ, về liệt sĩ Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ, người đã hy sinh trên tháp pháo trước giờ toàn thắng của dân tộc … Tất cả đều mang đậm chất thơ và tình cảm tha thiết của người viết.

 Ngoài những bài viết tái hiện một đoạn lịch sử đã qua của dân tộc, anh Lập có một số bài viết đề cập về quê hương, về truyền thống văn hiến, khoa bảng và về phong tục tập quán đẹp. Đó là những bài như Bắc Ninh- Kinh Bắc, miền đất văn hiến, Làng Tam Sơn- một miền đất địa linh nhân kiệt, Rước và đốt pháo- một nét đẹp trong lễ hội và truyền thống ở Đồng Kỵ… Những bài viết trên tác giả chú ý miêu tả đời sống văn hóa của các làng quê thuộc vùng Kinh Bắc qua các thời kỳ; những bài viết này mang âm hưởng trữ tình, gợi cho người đọc nhận thức thêm về một miền quê giàu truyền thống, nơi phát tích của nhà Lý, nơi sản sinh ra những nhà khoa bảng, những làn điệu dân ca quan họ nổi tiếng… Miền quê đó đang hàng ngày thay da đổi thịt, đang đứng “Trước ngưỡng cửa về thành phố thông minh”. Tôi cảm thấy rất tâm đắc và thú vị.

Một số bài viết của anh nghiêng về tính báo chí, có tính chính luận, mang tính thời sự. Bên cạnh đó, còn có những bài viết mang đậm tính chất tư liệu, hướng vào việc tái hiện chính xác những sự kiện, con người với những chi tiết thực tế mà tác giả đã gặp gỡ, phỏng vấn và trải nghiệm. Ngoài yếu tố trữ tình, không ít những bài  viết còn mang tính chính luận cao, theo khuynh hướng riêng của tác giả, toát ra từ những tình thế và những hành động của nhân vật.

Tuy mang tính ghi chép về những sự kiện, phong trào, về những đơn vị, tập thể nhưng những bài viết của anh lại rất hấp dẫn, lôi cuốn người đọc đến không thể rời ra bởi chất chính luận, bởi tư duy sắc sảo, chuyên sâu và khái quát của một người lính dày dạn trận mạc, một sĩ quan tham mưu chiến lược. Những bài viết như Chiến thắng Thượng Đức- một mốc son lịch sử, Ấn tượng sâu sắc về một đơn vị anh hùng, Cuộc tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Chiến thắng lịch sử A Bia… đều mang dậm dấu ấn của tác giả. Những bài viết trên giống như chất men say của lý luận, của kinh nghiệm, của lý trí; chất men hùng tráng mang hơi hướng sử thi. Có thể nói mỗi bài viết là một bức tranh tổng thể trong một hoàn cảnh đặc biệt mà sự việc và con người trong bài viết đan chéo nhau, khiến cho tôi và những người đoc, nhất là người đọc ít nhiều ở trong cuộc cảm nhận được bao điều kỳ thú.

 Một số bài viết của anh mang phong cách tản văn. Những bài viết này là tác phẩm văn xuôi ngắn gọn, hàm xúc, giàu khả năng khơi gợi với kết cấu linh hoạt, kết hợp với các phương thức, phương tiện biểu hiện nội dung, nghệ thuật đời sống theo kiểu chấm phá và thể hiện đậm nét dấu ấn cá nhân. Những bài viết này thường đề cập đến những người thực, việc thực mang tính thời sự đã giúp cho tôi và người đọc cảm nhận được cái hay, cái đẹp của những sự việc, những con người bình thường nhưng đang góp phần làm cho quê hương và cuộc sống này giàu đẹp hơn, tốt hơn. Và cũng chính đề tài với lối viết theo phong cách này đã tạo nên sự đa dạng trong văn phong cũng như cách thể hiện con người và cuộc sống trong tác phẩm của anh…

 Cuối cùng tôi không thể không nhắc tới bài viết “Kí ức tháng 5”, “Tháng Tư về gợi nhớ”, “Đất nước vào thu”. Cá nhân tôi nghĩ đó không chỉ là tác phẩm văn xuôi mà còn là những bài thơ: Đẹp và bay bổng, lãng mạn và hiện thực. Tác giả đã lựa chọn những chi tiết, sự việc khắc họa được nét đặc sắc, tạo nên cái thần của thời điểm giao mùa, cái thần của cảnh vật trong tháng 5 qua hình ảnh “chùm hoa phượng bùng nở khát khao”, qua “cánh bằng lăng sắc tím”, “hương đưa dịu ngọt của hoa sen, hoa ngọc lan”… Tất cả hòa vào những sự kiện trọng đại của dân tộc trong tháng 5  như Điện Biên Phủ, Bác Hồ… Trong đó có cái riêng của một miền quê, của “anh”, của “em”. Tất cả đẹp như “công viên Nguyên phi ỷ lan” trong một sáng tháng 5!

 Tháng Tư về gợi nhớ, Đất nước vào thu là hai áng văn đẹp được dệt nên từ tình yêu tuổi học trò, từ tình yêu thời sinh viên thơ mộng, từ tình yêu đất nước đất nước say đắm, từ lý tưởng sống cao cả của con người Kinh Bắc, những con người mang trong mình “Khát vọng và lẽ sống” của cá nhân, của quê hương và của cả dân tộc. Nhân vật sáng tạo trữ tình “tôi” và “em” có thể là tác giả, trong đó có cả tôi, bạn và cả một lớp thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, những con người đã góp phần làm nên thời đại Hồ Chí Minh mãi mãi đi vào lịch sử oanh liệt của dân tộc. “Tôi” và “em” có một tình yêu riêng, rất riêng, đẹp như những làn điệu dân ca đằm thắm. Nhưng “tôi” và “em” còn có một tình yêu lớn hơn, đó là tình yêu đất nước. “Tôi” và “em” sẵn sàng hy sinh tình yêu của mình với tâm nguyện “Tất cả cho tiền tuyến…” vì độc lập tự do của dân tộc. Và thực sự họ đã tạm gác lại tình yêu đi tới nơi” biên cương xa xăm của Tổ quốc”, đã hy sinh ở Bộ Tư lệnh miềm Tây Nam Bộ. Thú thực, khi đọc đến đoạn kết, tôi đã không cầm được nước mắt. Ba bài văn xuôi, bài thơ trữ tình, ngọt ngào, có cả nỗi đau còn đó cứ bay bổng trong tâm trí tôi!

 Xin cảm ơn anh Nguyễn Tự Lập, một đồng đội đã sống, chiến đấu hết mình một thời hoa lửa, một con người đã sống, làm việc và sáng tạo hết mình từ khi rời quân ngũ. Chúc anh luôn mạnh khỏe, có nhiều niềm vui! Hy vọng một ngày gần đây anh sẽ cho ra mắt thêm những đứa con tinh thần đem lại nhận thức, niềm vui thẩm mỹ cho đồng đội và độc giả.


Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.