Người Giẻ Triêng ở Kon Tum

Leave a Comment

 Người Giẻ Triêng ở Kon Tum

Đoàn chúng tôi được anh Phạm Bình Vương, chuyên viên Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch tỉnh Kon Tum mời đến một nhà hàng bên cạnh cầu Đăk Pek bắc qua con suối Đăk Pek. Tôi chắc không phải vô tình anh Vương mời chúng tôi đến địa điểm này, vì anh là người tiếp nhận các bài viết trong hội thảo về chiến dịch Đăk Pek diễn ra vào cuối tháng 8 năm 2023, trong đó có bài tham luận của Đại tá Hồ Hữu Lạn và bài viết của tôi. Con suối này đã gắn liền biết bao kỷ niệm về một chiến dịch, và đã đi vào tâm tưởng của hàng trăm cựu chiến binh Trung đoàn 3, Sư 324.
Đón tiếp chúng tôi còn có một số anh chị em người Giẻ Triêng, phóng viên đài truyền hình, báo và những người có liên quan đến đến việc quy tập 21 liệt sỹ Trung đoàn 3 đã hy sinh trong những ngày chiến dịch bắt đầu đến khi kết thúc. Chúng tôi hiểu bây giờ không còn là lúc truy tìm nguyên nhân tại sao các liệt sỹ Trung đoàn 3 lại trở thành liệt sỹ vô danh, mặc dầu vào năm 1974, đơn vị đã bàn giao cho địa phương rất đầy đủ vị trí hồ sơ của từng liệt sỹ.
Chuyện đã qua rồi đổ lỗi cho tập thể, cá nhân nào đó liệu còn có ích gì với thực tế. Tôi chủ động trình bày khái quát một số điểm căn bản về chiến dịch Đăk Pek, trả lời các câu hỏi của các phóng viên, trong đó có nhận xét về cuộc sống đổi thay của người dân tộc sau 50 năm trở lại. Thay mặt anh em tôi chia sẻ: “Ngày trước nơi ăn chốn ở, đời sống của người dân vô cùng cơ cực. Làm gì có đường, làm gì có trường học, làm gì có trạm y tế. Cuộc sống người dân tộc du canh du cư… Nằm mơ cũng không thể hình dung ra bây giờ có một thị trấn mang dáng dấp hiện đại đẹp như tranh dưới chân những ngọn núi thuộc thung lũng Đăk Glei.
Chúng tôi chuyển sang chủ đề cuộc sống của người dân tộc thiểu số, người Giẻ Triêng ở Kon Tum; nét đẹp văn hóa độc đáo và những khó khăn của người dân tộc cần được các cấp quan tâm. Anh em cựu chiến binh Hà Nội có sự quan tâm riêng, kết nghĩa với Trường Tiểu học Kim Đồng; tặng quà, sách vở, xe đạp hàng năm cho học sinh; giới thiệu về chuyển đổi số trong giáo dục…
Trong buổi giao lưu, tôi hỏi anh Thông, anh A Gô về những ngôi nhà rông, những ngôi nhà dài vài chục gia đinh, biểu tượng văn hóa của người Giẻ Triêng cùng với việc bảo tồn những ngôi nhà này như thế nào. Được biết nhà rông thì vẫn còn đó với các bản làng người dân tộc. Nhà rông vẫn là nơi diễn ra các nghi lễ, sinh hoạt cộng đồng và thể hiện giá trị tinh thần của tộc người. Nhưng nhà dài thì bắt đầu mai một vì vào những năm 1990 chúng ta có chủ trương tách hộ, bỏ nếp sống cộng đồng trong những ngôi nhà dài quây quần quanh ngôi nhà rông. Tôi thật không hiểu tại sao lại có chủ trương phá bỏ nếp sống có từ hàng ngàn năm của người các dân tộc nơi đây. Còn gì là bản sắc tộc người nữa?
Tôi hỏi các anh về các lễ hội truyền thống xưa có còn phát huy và được bảo tồn không. Anh A Gô cho biết lễ hội thì vẫn phong phú và đa dạng, gắn liền với chu kỳ sản xuất nông nghiệp và tín ngưỡng, tiêu biểu như lễ cúng Giàng, lễ ăn cơm mới, lễ cúng nhà rông,... Trong các lễ hội, âm nhạc vẫn được sử dụng với nhiều loại nhạc cụ truyền thống như cồng, chiêng, kèn, những nhạc cụ tạo nên âm hưởng độc đáo, thể hiện niềm vui, nỗi buồn và tâm hồn người Giẻ Triêng. Còn về ăn mặc qua tiếp xúc thực tế, chúng tôi thấy đa số vẫn giữ trang phục truyền thống, nhất là ở lớp người có tuổi. Vải may được dệt thủ công, màu sắc sặc sỡ, hoa văn tinh tế, thể hiện bản sắc riêng tộc người. Nam để tóc ngắn, thân ở trần hoặc mặc tấm áo khoác ngoài chéo qua vai. Họ đóng khố và đeo vòng cổ. Phụ nữ để tóc dài, quấn sau gáy, mang vòng tay và vòng cổ. Họ không mặc áo mà mặc váy dài, cao sát nách. Đây là lối mặc vừa là váy, vừa là áo, một đặc điểm rất khác biệt của phụ nữ Gié Triêng… Tuy nhiên chúng tôi cũng nhận thấy, do ảnh hưởng của đời sống hiện đại, lớp trẻ bắt đầu thay đổi, bắt đầu Kinh hóa trang phục.
Nói đời sống của người dân tộc có sự thay đổi to lớn, nhưng nhìn chung điều kiện kinh tế người Giẻ Triêng còn khá hạn chế. Người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp như bao đời nay. Đời sống còn nhiều thiếu thốn. Về giáo dục, xã nào cũng có trường phổ thông dân tộc bán trú, học sinh được bao cấp, cấp gạo, tiền, sách giáo khoa, giấy bút nhưng tỷ lệ học sinh bỏ học cao, mặt bằng trình độ dân trí thấp.
Tôi có buổi làm việc với cô Hà Phương, Hiệu trường Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú huyện Đăk Glei nên biết được nguyên nhân vì sao người dân tộc được đặc biệt ưu đãi về giáo dục nhưng học sinh vẫn bỏ học. Lý do thì nhiều. Tựu trung lại là do nhận thức, trình độ kinh tế, tập quán. Các em phải lao động từ khi còn nhỏ, còn phải lấy vợ, lấy chồng theo tập tục… Và còn một lý do nữa là trường sở quá xa nhà, đường xá đi lại rất vất vả…
Anh Vương cho đoàn chúng tôi biết tại Việt Nam người Giẻ Triêng là một trong số 54 dân tộc tại Việt Nam. Dân số khoảng trên 63.000 người theo điều tra dân số năm 2019, chủ yếu sống tại miền núi tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Rất tiếc chúng tôi không có thời gian theo lời mời đến thăm làng cổ Đăk Rơ, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Giẻ Triêng; thăm nghề dệt thổ cẩm truyền thống lâu đời với những sản phẩm độc đáo, tinh xảo; thưởng thức những món ăn đặc trưng như cơm lam, gà nướng, rượu cần,...
Vì có thời gian sống với người dân tộc, tìm hiểu về một số dân tộc miền Trung-Tây Nguyên nên tôi hỏi han kỹ về người Giẻ Triêng, cũng là dịp để đoàn hiểu thêm về đặc điểm kinh tế của một tộc người mà hầu như anh em cựu chiến binh trong đoàn không biết. Người Giẻ Triêng ở Đăk Glei sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy. Ngoài ra họ còn săn bắn, đánh cá, hái lượm các loại rau rừng, hoa quả, nấm dùng làm thức ăn. Họ có nuôi trâu, bò, lợn, gà nhưng chủ yếu để dùng vào lễ tết, chứ không chăn nuôi sản xuất hàng hóa.
Người Giẻ Triêng đều có họ kèm theo tên. Họ của đàn ông khác với họ của đàn bà. Theo anh Vương, người Giẻ Triêng không hẳn theo chế độ phụ hệ, cũng không hẳn theo chế độ mẫu hệ, có thể nói ở tình trạng trung gian giữa mẫu hệ và phụ hệ. Theo tục lệ cũ, con trai khoảng 10 tuổi bắt đầu ngủ đêm tại nhà rông, khoảng 13-15 tuổi thì cà răng (cưa ngắn hàm răng) và sau đó vài ba năm sẽ lấy vợ. Con gái chủ động trong việc hôn nhân. Khi xây dựng gia đình việc lựa chọn ở nhà chồng hoặc nhà vợ được cha mẹ hai bên tôn trọng (có trường hợp họ luân phiên ở nhà chồng và nhà vợ, nhiều anh em đùa nếu được làm rể người Giẻ Triêng thì sẽ chọn lối sống này).
Chúng tôi được biết thêm trước khi lập gia đình, con trai phải biết đan lát, biết đánh cồng chiêng. Các cô gái phải thạo đan chiếu, dệt vải. Các cô phải chuẩn bị đủ 100 bó củi đẹp để nộp cho nhà trai trong lễ cưới. Không may khi người chồng chết, người vợ theo tục nối dây. Có thể chọn người trong gia đinh như anh em, chú bác người khuất làm chồng. Hoặc có thể chọn bất kỳ người con trai nào trong dòng tộc làm chồng. Hiện nay chính quyền, đoàn thể vận động bỏ tục này. Riêng tôi phản đối việc phá bỏ. Giữ lấy tục này, nếu người phụ nữ góa tìm được người yêu trong dòng tộc. Nếu “không chọn được chồng” trong dòng tộc thì khuyến khích chọn ở dòng tộc khác. Như vậy chẳng tốt cho người phụ nữ hơn sao?
Tóm lại, trong khoảng thời gian ngắn ngủi, đoàn cựu chiến binh chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ rất đáng nhớ. Chúng tôi biết được nguyên nhân vì sao các liệt sỹ Trung đoàn 3 và hầu hết các liệt sỹ ở nghĩa trang liệt sỹ Đăk Glei không có tên. Được gặp gỡ giao lưu với các phóng viên đài báo, đặc biệt là giao lưu với anh chị em người Giẻ Triêng, chúng tôi phần nào thấy được cuộc sống của người dân tộc ở đây còn nhiều khó khăn, tuy nhiên họ vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa độc đáo.
Cá nhân tôi cho rằng cần phải có sự quan tâm của chính quyền và cộng đồng để giúp tộc người này phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và bảo tồn văn hóa truyền thống.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.