Capitol Jeferson, Missouri

Leave a Comment

 Capitol Jefferson, Missouri

Thành phố Jefferson là thành phố thủ phủ bang Missouri, thành phố được mang tên Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ Thomas Jefferson ngay sau khi ông qua đời. Jefferson nằm ở phía bắc cao nguyên Ozark và phía nam sông Missouri, miền trung Missorri, một trong những vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng khắp đất nước. Dân số thành phố theo thống kê năm 2020 có trên 43.000 người. Chính quyền thành phố bao gồm Hội đồng Thị trưởng 12 thành viên được bầu theo các khu vực trong thành phố, đứng đầu là một thị trưởng do các cử tri trực tiếp bầu.
Cũng giống như nhiều thành phố thủ phủ bang của Hoa Kỳ, Jefferson là một thành phố nhỏ. Sau khi đi xe lòng vòng ngắm nhìn cảnh quan chung của thành phố du lịch này, chúng tôi thăm tòa nhà mái vòm Capitol, trụ sở làm việc của chính quyền bang Missouri. Đây là tòa nhà được đánh giá có kiến trúc và trang trí nội thất đẹp nhất trong số 50 trụ sở làm việc của chính quyền bang Hoa kỳ.
Kiến trúc chung của tòa nhà cũng giống như kiến trúc chung của Capitol liên bang và của các bang khác. Nhưng tôi rất ngỡ ngàng khi bước vào khu vực này. Tòa nhà nằm hài hòa trong một khung cảnh thiên nhiên xanh vừa rộng vừa thoáng đãng. tôi thấy mình như bước vào một công viên kiến trúc và điêu khắc. Những đài phun nước nghệ thuật đẩy những dòng nước trắng xóa lên bầu trời xanh ngắt. Những dãy tượng đài cao thấp, xa gần nối tiếp nhau. Những ô tiểu cảnh đủ hình dạng. Những hàng cây, vườn hoa đua sắc, khoe mầu... Khung cảnh bên ngoài của một cơ quan công quyền giống như một công viên mênh mông, đẹp như một công trình nghệ thuật.
Đặc biệt hơn là không có một bức tường, không có một hàng rào ngăn cách khu vực công quyền với các khu vực dân sự bên ngoài; không thấy có một bóng dáng cảnh sát, cảnh vệ cầm súng đứng gác như các cơ quan công quyền ở các nước mà tôi từng biết. Người dân ở đây đều có quyền ra vào tự do nơi làm việc của chính quyền. Có cả lối đi dành riêng cho người khuyết tật đi bằng xe lăn.
Tôi thấy hàng đoàn học sinh cấp tiểu học, trung học, hàng đoàn khách du lịch ra vào tự do, không một ai kiểm soát. Ban đầu tôi cứ băn khoăn, chẳng lẽ nơi đây chỉ để cho mọi người tham quan chứ không phải là nơi làm việc chính thức. Nhưng rồi chợt hiểu, đây chính là cơ quan công quyền cao nhất, cơ quan lập pháp của thượng viện, hạ viện bang Missouri, nơi làm việc của chính quyền bang, nơi tiến hành các cuộc họp thông qua những quyết sách về kinh tế-xã hội, nơi quyết định về các chính sách công như an ninh, y tế, giáo dục, giao thông, cơ sở hạ tầng... Nơi đây cũng là nơi làm việc của thống đốc bang, phó thống đốc bang, văn phòng chính quyền bang, kho bạc, kiểm toán và một số cơ quan hành chính của bang.
Toàn bộ tòa nhà Capitol đều làm bằng đá cẩm thạch. Tòa nhà dài 133m, rộng 90 m, mái vòm đặc trưng cao 73 m. Phía trên cùng của mái vòm là bức tượng đồng Ceres, tượng nữ thần nông nghiệp trong thần thoại La Mã. Ở cách xa hàng dặm người ta vẫn có thể trông thấy bức tượng đồng này. Từ dưới nhìn lên, mái vòm ở chính giữa tòa nhà cao vút in trên nền trời xanh, lãng đãng từng chùm mây trắng.
Nhìn tổng thể tòa nhà, người ta cảm nhận nó vừa uy nghi cân đối, vừa hài hòa duyên dáng bởi sáu cột cao 12 m ở chính giữa; lùi xuống một chút là hàng hiên hai bên, mỗi hàng hiên chạy dài 8 cột cao 12m. Qua đài phun nước, qua khoảng sân bê tông xen những ô cỏ vuông vắn, bước lên khoảng mấy chục bậc vào tòa nhà, sừng sững ngự trị lối vào cửa phía nam là bức tượng Tổng thống Thomas Jefferson, người sáng lập ra chính đảng tư sản Hoa Kỳ, nhà chính khách, ngoại giao, luật sư, kiến trúc sư, người soạn thảo Tuyên ngôn Độc Lập Hoa Kỳ năm 1776.
Tầng một của tòa nhà là bảo tàng sưu tập trưng bày 93.000 hiện vật và đối tượng của lịch sử tự nhiên, lịch sử cuộc sống con người, xã hội, lịch sử các nguồn tài nguyên thiên nhiên của bang Missouri. Chúng tôi vừa đi xem vừa quay phim, chụp ảnh. Xã hội và con người, quá khứ và hiện tại của Missouri đa dạng và sống động như một bức tranh lôi cuốn thu hút người tham quan. Từ chiếc búa chim ngày đầu khai phá miền đất Missouri đến cỗ máy xúc hiện đại và chiếc máy in 3D, từ cánh đồng cỏ hoang dại đến những dãy nhà kính nông nghiệp công nghệ cao, từ khẩu súng kíp đến bệ phóng tên lửa... Tất cả đều lôi cuốn. Mọi người liên tục bấm máy ảnh ghi lại những hình ảnh làm kỷ niệm.
Người ra vào nườm nượp, nhưng không khí trong phòng rất trang nghiêm. Ngay cả các em học sinh nhỏ cũng rất trật tự. Chỉ nghe tiếng thuyết minh của nữ nhân viên bảo tàng và thỉnh thoảng có tiếng rì rầm trao đổi riêng nhưng không gây cho người ta cảm giác chú ý. Xem lướt qua bộ sưu tập, điều in đậm nhất trong tâm trí tôi là mấy chục chiếc lá cờ trong những cuộc chiến rách bạc qua hàng trăm năm vẫn còn được đóng khung trang trọng; là hình ảnh những con tàu thời nội chiến cùng với những chiến binh dũng cảm; là mô hình các chiến hạm và tàu sân bay USS Missouri bằng đồng. Nói về các cựu chiến binh, tôi thấy nhân viên của bảo tàng đã dành những lời lẽ tốt đẹp nhất, trân trọng nhất để ngợi ca vai trò của họ trong lịch sử của bang Missouri.
Người thuyết minh cho chúng tôi biết, có một bức tuyệt phẩm đồ sộ của họa sĩ nổi tiếng Thomas Hart Beton vẽ trên bốn bức tường căn phòng Lounge, nơi sử dụng làm Phòng Hội nghị lớn của Nghị viện Missouri trên tầng ba. Có thể nói đó là “Cuốn lịch sử bằng tranh về xã hội Missouri những ngày đầu lập quốc”.
Chúng tôi quyết định vào thang máy để đi lên tầng ba trước. Dọc hành lang vào phòng Lounge, người ta trưng bày tượng các chính khách, các nghệ sĩ, các nhà khoa học, các danh nhân của quốc gia nhưng chủ yếu là của bang Missouri. Tôi không còn đủ thời gian để tìm hiểu những công trình điêu khắc này.
Theo chân một nhóm du khách, chúng tôi bước vào một trong những điểm bây giờ là niềm tự hào của người dân Missouri. Đúng là một bức tranh hoành tráng trên nền đá cẩm thạch phủ kín bốn bức tường của Phòng họp Đại Hội đồng. Người ta kể lại vào giữa những năm 30 của thế kỉ trước, các nghị sĩ đã tranh cãi nhau kịch liệt về nội dung bức tranh, không nhóm nào chịu nhường nhóm nào. Người ta cho rằng tác phẩm quá trần trụi. Nhưng rồi thời gian đã minh oan cho người nghệ sĩ. Theo nhận xét của giới mỹ thuật, đây là một sáng tạo nghệ thuật sáng tạo, phản ánh chân thực cuộc sống thường ngày của người dân Missouri trong một giai đoạn lịch sử.
Bức tranh bắt đầu bằng hình ảnh những người đi tiên phong đến vùng đất Missouri trên con tàu hơi nước Sam Clemen cùng với những chiếc bè mảng, những người định cư đầu tiên với khuôn mặt chai sạn, thân hình vạm vỡ cùng với những thương nhân đầu tiên trong bộ vét sang trọng đang trao đổi hàng hóa. Tiếp đến là hình ảnh những người khai thác gỗ, thợ cơ khí làm bánh xe chở hàng hóa và những ngôi nhà đầu tiên trên vùng đất; những người lao động nô lệ gầy còm khai thác thác khoáng sản trên công trường, trong đó có cảnh người chủ vung roi đánh đập người làm thuê đang ngã khụy xuống; những người đàn ông, đàn bà ở thuê bị đuổi khỏi những ngôi nhà; cảnh sinh hoạt làm việc của nông dân trong trang trại, cảnh người đàn ông xẻ gỗ và người đàn bà nấu cơm; cảnh buổi họp của chính quyền với người dân; cảnh đội quân cưỡi ngựa đuổi tàu cướp và cảnh xử án; cảnh sinh hoạt tắm rửa, cán bột làm bánh; cảnh người công nhân đang lao động, người phụ nữ đánh máy trong xưởng cơ khí; cảnh sinh hoạt khiêu vũ tai câu lạc bộ nhạc Jazz... Đúng là một cuốn lịch sử bằng tranh thật sống động.
Từ bàn chủ tọa, tôi đi xuống từng hàng ghế quan sát những thiết bị dành cho các nghị sĩ. Càng xuống phía cuối, nền và các hàng ghế càng được nâng lên cao. Cuối cùng là những hàng ghế dành cho bất kì ai muốn đến, kể cả học sinh nếu đăng kí vào tham dự kỳ họp của nghị viện, đó là quyền của mọi người. Tôi rất muốn ghi lại hình ảnh về căn phòng này vì nó đem lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Rất tiếc, phòng này theo quy định không ai được phép quay phim chụp ảnh. Dù không có bảo vệ, dù trong phòng không còn một ai, tôi cũng không dám đưa máy ảnh lên.
Chúng tôi tiếp tục đi thăm một số phòng chức năng trên tầng bốn, tầng năm và quay trở lại tầng hai. Đi qua Phòng Thống đốc Jay Nixon, tôi thấy ông đang làm việc trước một chiếc bàn có cắm hai lá cờ nhỏ, một lá cờ của bang, một lá cờ của liên bang. Ông mặc bộ vét màu xanh đen, áo trắng, thắt cà vạt màu tím nhạt. Tôi đoán ông khoảng ngoài sáu mươi. Mái tóc bạc như cước. Gương mặt đầy đặn rạng ngời với cặp kính trắng trông dáng vẻ trí thức hơn là một chính trị gia. Tôi biết, ông là cựu học sinh Trường Luật thuộc Trường Đại học Missouri và từng lấy hai bằng đại học tại trường học này.
Jay Nixon đã kinh qua những cương vị như Thượng Nghị sĩ bang, Tổng Chưởng lí bang. Tôi biết ông vì đã được tham dự một buổi diễn thuyết tranh cử thống đốc bang nhiệm kì hai của ông tại trường Đại học Missouri. Con gái đã giới thiệu cho tôi biết về thân thế sự nghiệp của ông. Thành tích lớn nhất trong nhiệm kì đầu của ông là cải thiện đáng kể tình trạng thất nghiệp và đẩy mạnh chương trình chăm sóc y tế cho người dân. Tranh cử nhiệm kì hai ông cam kết ba điều. Thứ nhất, ông sẽ thúc đẩy chương trình nghị sự của chính phủ có hiệu quả hơn. Thứ hai, ông sẽ tăng cường cải cách y tế làm giảm chi phí chăm sóc sức khỏe người dân. Thứ ba, ông sẽ tạo mọi cơ hội để tất cả học sinh trung học phổ thông tốt nghiệp được vào đại học và cao đẳng.
Một ngày thăm quan tòa nhà Capitol đã để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc. Điều tôi vẫn thắc mắc là tại sao không thấy cảnh sát hay nhân viên bảo vệ tòa nhà. Ở cả các trường đại học, trường phổ thông tôi đã từng đến thăm cũng cũng không thấy cảnh sát và bảo vệ. Tôi chia sẻ điều đó với bạn của con gái, cô ấy trả lời: “Từ ngày bọn con sang bên này, bao nhiêu năm rồi cũng chưa nhìn thấy cảnh sát. Có lẽ họ ngồi đâu đó ở văn phòng làm việc. Con chỉ thấy cảnh sát qua phim ảnh của họ mà thôi. Có lẽ cũng vì không có cảnh sát hay bảo vệ nên có một số người bạo loạn, gây rối ở Điện Capitol Mỹ hồi Tổng thống Trumpt thất cử. Và vừa rồi có một kẻ sát nhân 18 tuổi bắn chết bà của mình, rồi vào trường học bắn chết 19 học sinh ở một trường tiểu học ở bang Texas. Đó chính là cái giá của tự do theo kiểu Mỹ”.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.