Sử thi dân tộc Tà Ôi: A Chất

Leave a Comment

 Sử thi dân tộc Tà Ôi: A Chất

Trước tết ít ngày tôi rất vui nhận được 6 cuốn sách của nhà nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Thị Sửu, bút danh Kê Sửu. Cuốn sách dày (Cấu tạo từ tiếng Tà Ôi) 815 trang xuất bản năm 2020. Cuốn sách mỏng (Nông lịch và các nghi lễ liên quan đến nghề nông của người Tà Ôi) 165 trang in năm 2021. Tổng số 6 cuốn là 3065 trang. Bình quân mỗi cuốn hơn 510 trang. Một khối lượng đồ sộ, một con số thật ấn tượng! Đó là chưa kể tới một số cuốn sách tác giả viết chung và viết riêng vào những năm trước.
Tôi háo hức đọc ngay cuốn Sử thi dân tộc Tà Ôi: A Chất. Tác phẩm này đã được tác giả dày công sưu tầm, biên soạn và hoàn thành sau chín năm điền dã khắp huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế. Có thể nói A Chất, cuốn sử thi của dân tộc Tà Ôi của Kê Sửu là đóng góp to lớn vào kho tàng sử thi vô cùng đặc sắc và phong phú của các dân tộc thiểu số trên mảnh đất hình chữ S. Thật tự hào năm 2007, kho tàng sử thi Tây Nguyên được xuất bản với 75 tác phẩm, được in trong 62 tập với tổng số 60400 trang, một bộ sách đồ sộ nhất Việt Nam về văn hóa dân gian Tây Nguyên. Nay chúng ta lại có thêm một tác phẩm sử thi với 7212 câu của dân tộc Tà Ôi ở miền tây miền trung Việt Nam. Hy vọng rằng vùng đất này sẽ còn mở ra nhiều điều thú vị về văn hóa dân gian nữa.
Theo ủy ban dân tộc, người Tà Ôi còn gọi là người Pa Kô, Pa Hy, Tôi Ôi và một số tên gọi khác nữa. Vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970 anh em bộ đội thuộc Sư đoàn 324 ở miền tây Trị Thiên thường gọi chung nhóm địa phương Tà Ôi, Pa Kô và Pa Hy là người Pa Kô để phân biệt với người Vân Kiều và một số dân tộc thiểu số khác ở miền tây Trị Thiên, giáp với biên giới Lào, từ Huyện Hướng Hóa đến huyện A Lưới, Hương Trà.
Với những người lính từng ở chiến trường Trị Thiên, người Pa Kô vốn rất đỗi quen thuộc. Lần đầu tiên tôi gặp người dân tộc này là một nhóm thiếu nữ, trang phục thổ cẩm trên đường hành quân qua dốc Cao Bồi. Phải nói đường nét hoa văn trên áo váy thật tinh tế, đẹp và thơ mộng. Không biết bao nhiêu lâu rồi chúng tôi không được nhìn thấy bóng dáng chị em phụ nữ. Có chị mặc váy ống ngắn, có em mặc váy dài nịt từ ngực trở xuống. Người nào người nấy đeo đầy vòng bạc trên cổ, trên tay và dưới chân. Sau lưng đều đeo gùi, đang dầm chân ngồi nghỉ trên những tảng đá bên một dòng suối. Với tôi cảnh tượng đó sao mà lung linh huyền ảo đến vậy.
Cả tiểu đội tôi hướng xuống dòng suối soi bóng các nàng tiên nữ giống như tâm trạng của Hồng Nguyên “Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu”. Tiểu đội trưởng Nguyễn Tiến Phép bỗng hắng giọng nhắc nhở: “Các đồng chí phải ghi nhớ chính sách dân vận”. Bất chấp lời cảnh báo, tôi men theo dòng suối đến chỗ một cô gái còn rất trẻ, chỉ khoảng 13, 14 tuổi. Lấy chiếc gương tay trong ví đưa ra trước mặt: “Em đẹp quá. Bộ đội tặng đấy”. Cô gái cầm lấy chiếc gương ngó nghiêng một lúc rồi rạng rỡ cười. Tôi lấy tiếp trong túi áo ngực một chiếc khăn tay thêu chỉ hồng của bạn nữ cùng lớp tặng trước buổi lên đường: “ Em thích không? Bộ đội tặng tiếp”. Đôi mắt cô gái sáng long lanh, chợt ửng đỏ và gật đầu: “Cho cái bộ đội ổ trứng gà này”. Cô gái đặt chiếc gùi xuống và lấy ra từng quả. Tôi lắc đầu không nhận, nhưng anh bạn tôi đứng cạnh nhanh nhẩu: “Cho cái bộ đội à? Bộ đội cảm ơn”! Tất nhiên tôi và anh bạn sau đó bị kiểm điểm, phê bình lên bờ xuống ruộng suốt buổi tối. Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên kỷ niệm nổi lửa ăn cháo trứng giữa đêm bên chân dốc đại ngàn Trường Sơn. Không thể quên vẻ mặt cùng ánh mắt của cô gái Pa Kô lần đầu tôi gặp ở A Lưới, hậu cứ của Sư đoàn 324, nơi chuẩn bị cho những trận đánh, nơi tăng gia sản xuất cùng đồng bào dân tộc Pa Kô…
Tôi cùng đồng đội quay lại A Lưới trong chuyến trở lại chiến trường thắp hương cho các đồng đội nằm ở nghĩa trang thị trấn A Lưới. Tiểu đội 12 người năm xưa nay chỉ còn lại có hai người. Sau gần 50 năm chúng tôi mới có dịp trở lại mảnh đất máu thịt, thân thương của tuổi thanh xuân. Xe chúng tôi đến thung lũng A Sầu vào lúc buổi chiều. Thật ngỡ ngàng vì không thể tưởng tượng được thung lũng hoang vu, hẻo lánh vùng biên cương, cái túi đựng hàng vạn tấn bom đạn Mỹ, khu vực làm “đông máu kẻ thù”, làm đông máu các chiến sỹ giải phóng xưa kia, nay là thị trấn A Lưới sầm uất, khang trang, đẹp như trong mơ. Cái thung lũng ngày nào bạt ngàn cỏ cây, sim mua với những con đường lầy lội quanh năm sương mù, nơi tăng gia trồng hàng chục vạn gốc sắn chống đói bỗng hóa thân thành một phố núi bình yên, thơ mộng đến say đắm.
Con đường Hồ Chí Minh giờ đây trải nhựa hai làn phẳng lỳ xuyên qua thị trấn. Hai bên đường nhà cửa san sát. Các cơ quan của huyện lỵ A Lưới nằm rải rác cùng với nhà dân như những bức tranh nép sau từng dẫy núi mơ màng hơi sương. Nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng các dân tộc, khu bảo tàng các dân tộc, trung tâm thông tin du lịch A Lưới mang nét kiến trúc ngôi nhà chung của các dân tộc thiểu số Tà Ôi, Vân Kiều, Cơ Tu… nằm trên sườn đồi thông già cao ngất sừng sững, xanh um. Cảnh đẹp nao lòng khiến chúng tôi phải dừng xe lại để ngắm nhìn…
Tôi quen biết tác giả cuốn sử thi A Chất Kê Sửu từ năm 2018 khi theo Thiếu tướng Võ Chót, Đại tá Hồ Hữu Lạn cùng đại diện các ban ngành tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện ủy, ủy ban nhân dân huyện A Lưới chuẩn bị cho Hội thảo và kỷ niệm 50 chiến thắng A Bia mà phía Mỹ gọi là trận Đồi Thịt băm. Tiếp đoàn chúng tôi là Bí thư huyện ủy huyện A Lưới Nguyễn Thị Sửu. Chị là người quyết định tổ chức một số cuộc hội thảo, in kỷ yếu hội thảo chiến thắng A Bia, xây dựng kế hoạch kỷ niệm 50 năm chiến thắng A Bia. Với lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm, làm việc nghiêm túc và khoa học, chị cùng với tập thể huyện ủy, ủy ban nhân dân huyện A lưới tổ chức thành công lễ kỷ niệm một trận đánh mang tầm vóc lịch sử, để lại rất nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng các cựu chiến binh Sư đoàn 324 cũng như các cán bộ, bộ đội địa phương, dân quân du kích huyện A Lưới 50 năm trước. Nhiều anh em chúng tôi đã trào nước mắt trong lễ kỷ niệm ngày hôm đó.
Chính nhờ có các cuộc hội thảo, những nghiên cứu đóng góp của Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng, Quân khu 4, tỉnh đội Thừa thiên, các cựu chiến binh, sau 50 năm nhìn lại chúng ta mới thấy hết giá trị và ý nghĩa to lớn của Chiến dịch A Bia, một chiến thắng kép làm thay đổi cục diện chiến trường và là một trận đánh trong lòng nước Mỹ làm rung chuyển cả hệ thống chính trị nước Mỹ đương thời. Đó là cơ sở quyết định để Nhà nước công nhận A Bia là di tích lịch sử cấp Quốc gia, phù hợp với nguyện vọng của quân và dân A Lưới và mong muốn của hàng ngàn cựu chiến binh Sư đoàn 324.
Qua chị Nguyễn Thị Sửu chúng tôi được gặp gỡ lại Anh hùng Hồ Vai, Kan Lịch, Hồ Đơm… và nhiều cán bộ, bộ đội địa phương, dân quân du kích A Lưới vào đầu những năm 1960, khi Quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tập trung xây dựng ba cụm căn cứ quân sự ở A Sầu (A So), Tà Bạt (A Co) và A Lưới với hỏa lực cực mạnh, liên hoàn bao gồm pháo binh, thiết giáp và máy bay yểm trợ. Suốt ngày đêm Mỹ ngụy lùng sục, đánh phá, nhằm chặt đứt tuyến vận tải chi viện từ Bắc vào Nam. Về phía chúng ta, buộc phải khai thông tuyến đường 559 qua khu vực Trị-Thiên, đó là nhiệm vụ của Sư đoàn 325B cùng với bộ đội địa phương và dân quân du kích các dân tộc thiểu số miền tây Trị-Thiên. Các anh chị cùng với đội du kích các xã ở A Lưới tiến hành hàng chục trận đánh vào căn cứ A Sầu, Tà Bạt, A Lưới khiến kẻ địch phải rút khỏi hai căn cứ Tà Bạt và A Lưới để quân chủ lực, Sư đoàn 325 B đánh trận quan trọng đầu tiên trong cuộc chiến tranh chống Mỹ tại A Lưới . Trận đánh này diễn ra từ ngày 9 tháng 3 đến ngày 10 tháng 3 năm 1966 tại Thung lũng A Sầu. 5 giờ sáng ngày 10/3/1966, các trung đoàn 95, 101, 88 thuộc sư 325 B được trang bị cối 120, DKZ, cối 82 phối hợp cùng quân dân địa phương các xã Hồng Hạ, Hồng Quảng, Hồng Bắc, Hương Lâm... đã đồng loạt nổ súng tiến công. Ðến 10 giờ 11/3, lá cờ giải phóng tung bay trên cứ điểm A Sầu.
Trong các cuộc hội thảo dưới sự chủ trì của huyện ủy, ủy ban nhân dân huyện A Lưới và trong lễ kỷ niệm 50 chiến thắng A Bia, một số đại biểu lo lắng hỏi tôi: “Liệu các cấp có công nhận thung lũng A Sầu và A bia là di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia không”. Tôi đã trả lời chẳng lẽ gần một vạn ba trăm nghìn chiến sỹ Sư đoàn 324 hy sinh trên mặt trận Trị Thiên, trong số đó có hàng ngàn liệt sỹ nằm xuống tại A Lưới; hàng ngàn chiến sỹ sư đoàn 325 và các sư đoàn khác cùng hàng ngàn cán bộ chiến sỹ bộ đội địa phương, dân quân du kích và nhân dân huyện A Lưới đã hiến dâng cuộc sống của họ cho mảnh đất này chưa đủ để thuyết phục các cấp công nhận thung lũng A Sầu và A Bia là di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia hay sao? Vấn đề là con người, là thủ tục giấy tờ, là quy trình, là thời gian… Dù sao đi chăng nữa thì chúng ta vẫn phải chờ đợi. Nhưng với những người lính từng ở mặt trận Trị Thiên, thung lũng A Sầu, nơi diễn ra 12 chiến dịch của sư đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ, Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 của Mỹ, Sư đoàn Dù 101 Mỹ nhằm đánh chiếm A Lưới đã thất bại, thì thung lũng A Sầu mãi mãi là di tích lịch sử trong tâm tưởng của họ từ rất lâu rồi. Và cho đến ngày hôm nay huyện ủy, ủy ban nhân dân huyện A Lưới đã làm được cái điều mà biết bao người mong mỏi.
Năm 2018, 2019 chị Sửu đã làm việc với chúng tôi trên tư cách là Bí thư huyện ủy. Xuân năm 2022 này chúng tôi được biết chị với tư cách là nhà nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu văn học dân gian Tiến sỹ Nguyễn Thị Sửu. Ngày mồng 2 Tết tôi đọc xong cuốn sử thi A Chất và định viết một bài về dân tộc Tà Ôi và cuốn sử thi A Chất, một dân tộc đã có nhiều hy sinh, đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, một dân tộc đã từng đồng cam cộng khổ, giúp đỡ, cưu mang anh em cựu chiến binh chúng tôi trong suốt những năm tháng không thể nào quên. Nhưng viết gì đây?
Về dân tộc Tà Ôi và giá trị nội dung nghệ thuật của tác phẩm sử thi A Chất, tác giả Kê Sửu đã nêu rất đầy đủ trong phần Khái luận Văn hóa dân tộc Tà Ôi từ trang 11 đến trang 89 (Văn hóa dân tộc Tà Ôi, Văn học dân gian dân tộc Tà Ôi, Sử thi dân tộc Tà Ôi). Tôi không viết lại vì tác giả đã nêu rất đầy đủ. Tôi được biết có một nhà nghiên cứu dân tộc học Mỹ viết người Pa Kô, Pa Hy hay người Tà Ôi đã có mặt ở trên mảnh đất họ đang sinh sống ít nhất là 5 nghìn năm trước. Đó là một thiên đường và thiên đường này chỉ mất đi khi người Mỹ đặt chân đến. Tôi tin rằng thiên đường mất đi đó đã, đang và sẽ trở lại với quê hương của nhiều người dân tộc mang tên họ Hồ. Tôi chắc các bạn đọc, đồng nghiệp, đồng chí đều muốn tìm hiểu về thiên đường của dân tộc Tà Ôi trong quá khứ. Lời khuyên của tôi là mọi người hãy đọc Sử thi A Chất.
Trong cuốn sách này chúng ta sẽ thấy lịch sử dân tộc, văn hóa Tà Ôi với những đặc điểm sinh hoạt kinh tế, quan hệ gia đình, phong tục tập quán, cuộc sống cá nhân và cộng đồng, cuộc sống lao động và chiến đấu “chống kẻ thù hai chân và bốn chân”, cuộc chiến đấu chống nhân thần và nhiên thần để bảo vệ hạnh phúc vô cùng sinh động và hấp dẫn. Và điều tôi tâm đắc nhất khi gấp lại trang cuối của cuốn sử thi là các lực lương siêu nhiên, kỳ vĩ không thể chi phối được người anh hùng A Chất. Ở một số sử thi nổi tiếng của nước ngoài, các lực lượng siêu nhiên thường chi phối cuộc sống, hành động của các nhân vật anh hùng. Nhưng trong cuộc đấu tranh sinh tử, người anh hùng A Chất, người anh hùng tiêu biểu của dân tộc Tà Ôi không bao giờ chịu khuất phục số mệnh, người anh hùng đã vươn lên dẫn dắt dân tộc để tồn tại và phát triển.
Mạnh Đẩu Nguyễn, Hoàng Điệp và 70 người khác
47 bình luận
8 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.